BỒ TÁt văn thù SƯ LỢi lưỡi Gươm Vàng Trí Tuệ Tâm Hà Lê Công Ða


II. Ngũ Ðài Sơn, Trung Quốc , Nơi Trụ Tích của Bồ Tát Văn Thù



tải về 208.28 Kb.
trang3/7
Chuyển đổi dữ liệu21.08.2016
Kích208.28 Kb.
#25693
1   2   3   4   5   6   7

II. Ngũ Ðài Sơn, Trung Quốc , Nơi Trụ Tích của Bồ Tát Văn Thù


Ngũ Ðài Sơn thuộc địa phận tỉnh Sơn Tây, sở dĩ đưọc gọi là Ngũ Ðài vì có năm ngọn núi cao quây quần lại với nhau là Ðông đài, Tây đài, Nam đài, Bắc đài và Trung ương đài, phong cảnh rất thanh tú với hồ nước lung linh, những dòng sông trong veo uốn khúc, và những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú như những bức tranh thủy mặc, nên từ lâu được coi là chốn bồng lai tiên cảnh, trú xứ của những vị Tiên theo truyền thuyết Trung Hoa. Sở dĩ Ngũ Ðài Sơn được xem là nơi trụ tích của Bồ Tát Văn Thù vì kinh Hoa Nghiêm có nói rằng: Ngài Văn Thù Bồ Tát trụ ở núi Thanh Lương phía Ðông Bắc và hiện đang thuyết pháp cho chư Bồ Tát nghe. Núi Thanh Lưong sau này được ám chỉ là núi Ngũ Ðài, cho nên núi Ngũ Ðài cũng được gọi là núi Thanh Lương mà theo tin tưởng của Phật tử, trong núi này hiện có Ðức Văn Thù thuyết pháp cho hàng vạn Bồ Tát nghe. Núi Ngũ Ðài từ đời Tùy đã được coi như là cõi Tịnh Ðộ của Bồ Tát Văn Thù và đến giữa đời Ðường, tức là vào cuối thế kỷ thứ bảy, thì đã trở thành một trung tâm tín ngưỡng lớn, một địa điểm hành hương có  tầm vóc quốc tế. (8) 

Ðã có rất nhiều truyền thuyết cũng như Kinh sách còn lưu truyền lại nói rằng Bồ Tát Văn Thù đã nhiều lần hoá hiện ra tại Ngũ Ðài Sơn cho những ai có tâm thành hành hương đến đây để tìm cầu Ngài. Nổi tiếng nhất là chuyện đại sư Phật Hộ, người nước Kế Tân (Kashmir), đã hành hương đến Ngũ Ðài Sơn vào năm 676 chỉ với một hy vọng duy nhất là được nhìn thấy Bồ Tát Văn Thù xuất hiện. Khi đến nơi Sư đã phủ phục năm vóc xuống đất và khấn cầu Bồ Tát. Sau khi đảnh lễ xong đứng dậy thì ngài Phật Hộ thấy một lão trượng đang đi lại hướng mình. Người này hỏi Sư là có mang theo mình thần chú Buddhosnisavijaya hay không, mà theo ông lão thì chỉ có thần chú này mới có năng lực giải trừ người Phật tử Trung Quốc ra khỏi những cám dỗ ma quỷ. Sư Phật Hộ thú nhận rằng mình đã không mang theo thần chú này và được ông già khuyến cáo là phải quay trở về Ấn Ðộ thỉnh thần chú này rồi khi trở lại đây chắc chắn sẽ được gặp Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi. Tâm tràn đầy hân hoan, sư Phật Hộ kính cẩn cúi đầu cảm tạ lời chỉ dẫn và  khi ngững lên thì ông già đã biến mất! Sư quay trở về Ấn Ðộ và khi trở lại Ngũ Ðài Sơn cùng với thần chú, Ngài đã gặp Bồ tát Văn Thù một lần nữa và lần này Bồ Tát đã hướng dẫn ngài Phật Hộ tham quan Ngũ Ðài Sơn cũng như cho biết những bí mật ẩn tàng ở đây.

Một câu chuyện khác cũng không kém quan trọng vì đã dẫn đến việc xây dựng một ngôi đạo tràng trang nghiêm vĩ đại nhất tại Ngũ Ðài Sơn, Kim Các tự. Chuyện kể rằng Thiền sư Ðạo Nhất, một cao tăng nổi tiếng đời Ðường, cho rằng mình vì thiếu phước duyên nên mới sinh ra vào thời mạt pháp, may ra chỉ đến Ngũ Ðài Sơn mới có thể thấy được sự hóa hiện của Bồ Tát. Trong niềm tin thành như thế, Sư đã thực hiện một chuyến hành hương thăm viếng thánh địa của Ngài vào năm 736 cùng với một tăng sĩ đồng hành. Trên con đường lên núi bỗng dưng Sư trông thấy một lão tăng cưỡi trên mình một con voi trắng xuất hiện ở hướng đối diện. Sau khi hai bên cung kính vái chào nhau, vị lão tăng này cho biết là ông ta đã hiểu rõ lai lịch cùng tâm nguyện của Ðạo Nhất và hứa hẹn rằng nếu Sư trở lại vào ngày hôm sau thì có thể gặp được Bồ Tát Văn Thù. Sư Ðạo Nhất vô cùng cảm ơn hảo ý của vị lão tăng, chưa kịp hỏi han thêm thì vị lão tăng này bỗng dưng biến mất như một làn gió, để lại trong không gian một mùi hương thoang thoảng. Sư quá đổi vui mừng và suốt đêm nghỉ lại tại chùa Thanh Lương, trung tâm của núi Ngũ Ðài, Sư cứ trằn trọc mãi mong cho trời mau sáng để có thể diện kiến và đảnh lễ Bồ Tát.  Sáng hôm sau vào lúc tinh mơ, Sư đã vội thức dậy một mình nhắm hướng Tây lên núi. Trong làn gió lạnh của buổi sớm mai, Sư bỗng thấy trên không hiện ra một ngôi cổ tháp toả ra những ánh sáng rưc rỡ. Tiếp tục hành trình, Sư một lần nữa gặp lại vị lão tăng cưỡi con voi trắng của ngày hôm trước. Vị Tăng khuyến khích Sư cứ nên tiếp tục và khi đi thêm một đổi đường nữa, Sư ngạc nhiên thấy một nhóm đông tăng chúng đang tụ tập thọ trai tại một ngôi phạn đường. Tự nhắc nhở mình rằng mục đích chính là gặp gỡ Bồ Tát Văn Thù, Sư thấy mình không nên nấn ná lại chỗ này mà tiếp tục dấn bước và rồi bất chợt trước mặt Sư một đồng tử trạc chừng 13, 14 tuổi xuất hiện, tự xưng là Thiện Tài Ðồng Tử, chúc mừng Sư: “Chào tăng sĩ, Ngài đã bước đến ngưỡng của của Kim Các Tự”. Sư theo chân vị đồng tử này khoảng chừng vài ba trăm bước về hướng Tây Bắc, đi qua một cây cầu thì bước chân vào một dảy dinh thự hùng vĩ trang nghiêm của tu viện, tất cả đều bằng vàng, ở đó Sư gặp lại vị lão tăng cưỡi con voi trắng. Ðến đây thì không còn nghi ngờ gì nữa, Sư biết rằng vị lão tăng này chẳng ai khác hơn chính là Bồ Tát Văn Thù hoá hiện! Khỏi nói chắc mọi người cũng biết là Sư vui mừng đến độ choáng váng phải một lúc sau mới hoàn hồn tỉnh lại. Nhân cơ hội này Sư đã  tham vấn Bồ Tát về  những khúc mắc trong Phật pháp và Ngài cũng đã ân cần hỏi han về tình trạng Phật pháp ở quê hương Sư. Sư Ðạo Nhất được mời thọ thực tại đây và sau đó vị đồng tử đã hướng dẫn Sư đi thăm viếng toàn bộ cảnh quan của tu viện. Từ giả Bồ Tát Văn Thù bước đi chừng trăm bước, Sư ngoái đầu nhìn lại, tất cả đều biến mất!

Sư Ðạo Nhất đã đem tất cả những điều mình đã được chứng kiến tâu trình lên cùng Hoàng đế Huyền Tôn và nhà vua tỏ ra đã bị thu hút bởi chuyện linh ứng mầu nhiệm của Bồ Tát Văn Thù nên đã ủng hộ cho việc khởi công kiến thiết ngôi Kim Các Tự. Ngôi chùa vĩ đại này được kiến trúc theo mô hình mà Sư Ðạo Nhất đã trông thấy trong lần gặp gỡ Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, được hoàn tất vào cuối thế kỷ thứ 8 do công lao của nhà sư Ấn Ðộ, Bất Không Kim Cương đã vận động Hoàng Ðế Ðại Tôn cung cấp ngân khoản xây chùa vào năm 766 CE.

Một nhà sư khác người Nhật Bản, Viên Nhân (Ennin), cũng đã hành hương đến Ngũ Ðài Sơn vào năm 840 CE. Ông đã lưu lại đây hơn hai tháng và trong nhật ký đã ghi lại những điều chứng kiến được tại Ngũ Ðài Sơn như sau: “Vào khoảng đầu hôm, chúng tôi, một nhóm tăng chúng khoảng mười người đột nhiên trông thấy trên bầu trời hướng đông của thung lủng xuất hiện một cây đèn thần, ánh sáng ban đầu chỉ  nhỏ cỡ chừng bằng một cái bình bát nhưng sau đó lớn dần lên bằng cả cái nhà. Chúng tôi quả thật là hoàn toàn rúng động trước cảnh tượng này, vội vã quỳ xuống đãnh lễ và niệm lớn danh hiệu Bồ Tát Văn Thù. Rồi thì  một cây đèn khác lại hiện ra gần chúng tôi hơn, thoạt tiên cỡ bằng một chiếc nón rơm và rồi cứ tiếp tục lớn dần lên. Hai ngọn đèn này nhìn từ xa, cách nhau khoảng chừng 100 bộ, tỏa ánh sáng rất rực rỡ cho đến khoảng nửa đêm thì tàn lụi dần và biến mất.”
Trong cuốn hồi ký này, sư Viên Nhân cũng mô tả lại những kiến trúc, đền đài, những nơi thờ phượng ở trên Ngũ Ðài Sơn, kể cả bức tượng Bồ Tát Văn Thù rất nổi tiếng tại chùa Hoa Nghiêm:

“Bức tượng Bồ Tát cưỡi trên mình con sư tử lớn bằng  cả một ngôi nhà năm gian. Con sư tử trông thật siêu nhiên, vĩ đại và sống động cứ như là thực. Ta có cảm tưởng như là nó đang đi và thở hơi khói ra ở miệng. Chúng tôi nhìn nó một hồi và càng nhìn càng thấy nó như đang di chuyển.”

Theo lời vị sư trú trì kể lại cùng sư Viên Chân thì bức tượng này đã phải đúc đến lần thứ bảy mới hoàn thành, tất cả những lần trước, lần nào cũng bị hư bể cả. Nghĩ rằng chắc có chuyện gì không đúng, có thể đã mạo phạm đến Bồ Tát, nhà điêu khắc chủ  trì việc đúc tượng thành tâm khấn nguyện cùng Bồ Tát Văn Thù xin Ngài hiện ra chỉ cho ông hình ảnh trung thực nhất mà Bồ Tát muốn miêu tả về mình. Câu chuyện đúc tượng này đã được Sư Viên Chân tóm tắt như sau: “Sau khi cầu nguyện, nhà điêu khắc mở mắt ra và vô cùng kinh ngạc khi thấy Bồ Tát Văn Thù cỡi trên mình con sư tử màu vàng xuất hiện trước mắt. Một khoảnh khắc sau đó, Bồ Tát bay lên đám mây ngũ sắc và mất hút dần vào khoảng không. Nhà điêu khắc vô cùng vui mừng và cảm kích khi được trông thấy hình ảnh thực sự của Bồ tát nhưng đồng  thời ông cũng không cầm được nước mắt vì hối hận khi đã diễn tả sai lầm về Bồ Tát từ trước đến nay.

Câu chuyện này mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong lịch sử mỹ thuật Phật giáo vì kể từ đây trở về sau, hình ảnh Bồ tát Văn Thù cưỡi sư tử xuất hiện trong đám mây rực rỡ đã trở thành một khuôn mẫu cho các nghệ nhân sáng tác khi miêu tả về Bồ tát. Năm 1975, người ta khám phá ra tại Ðộng Ðôn Hoàng một bức bích họa có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 10 đã trình bày Bồ Tát Văn Thù với kiểu cách như trên.

Ngũ Ðài Sơn như đã trình bày có quan hệ mật thiết với núi Thanh Lương được đề cập đến trong Kinh Hoa Nghiêm mà ngài Phật Ðà Bạt Ðà La đã  phiên dịch ra Hán văn vào năm 418-420 CE. Thế nên khi nói về Bồ Tát Văn Thù người ta không thể không nói đến Hoa Nghiêm tông, một tông phái Phật giáo Trung quốc rất thịnh hành dưới đời Ðường. Chính việc phổ biến rộng rãi Kinh Hoa Nghiêm đã góp phần lớn trong việc phát triển tín ngưỡng tôn thờ Bồ Tát Văn Thù trong đại chúng, bởi vì Kinh Hoa Nghiêm, đặc biệt là trong phẩm kết thúc của bộ kinh này, đã làm nổi bật vai trò của Bồ tát như là một vị thiện trí thức với những lời khuyên thích đáng và thiết thực cho những kẻ thiết tha cầu đạo, tiêu biểu là Thiện Tài đồng tử. Sự ảnh hưởng của tông Hoa Nghiêm đối với tín ngưỡng Văn Thù đã được Ðại sư Pháp Tạng (643-712 CE), Ðệ tam tổ của Hoa Nghiêm tông mô tả trong cuốn “Những Ghi Chú Về Truyền Thống Hoa Nghiêm”, đã chép lại một phần lai lịch cùng những truyện tích liên quan đến Ngũ Ðài Sơn và Bồ Tát Văn Thù.

Một yếu tố khác có thể cũng đã góp phần vào việc củng cố tín ngưỡng tôn thờ Bồ Tát Văn Thù tại Ngũ Ðài Sơn là một niềm tin khá phổ biến trong thời điểm này cho rằng thế gian đang bước vào giai đoạn mạt pháp. Trong thời kỳ chánh pháp suy tàn, ma vương tà kiến lộng hành, người ta tin rằng duy nhất chỉ có Ngũ Ðài Sơn, nơi trú xứ của Bồ Tát Văn Thù là có thể giúp cho con người có được cơ hội tiếp xúc trực tiếp với Chánh pháp, với nguồn mạch giác ngộ. Niềm tin này phần nào đã được phản ảnh trong cuốn nhật ký hành hương của Ðại sư Viên Chân như đã trình bày ở trên cũng như trong “Văn Thù Sư Lợi Pháp Bảo Chân Ngôn Kinh” do ngài Bồ Ðề Lưu Chí dịch ra Hán văn vào năm 710, có đưa ra lời tiên đoán của Ðức Phật Thích Ca liên hệ đến Ngũ Ðài Sơn. Trong cuốn kinh này, khi Bồ tát Vajraguhyaka thỉnh cầu Phật giải thích việc gì sẽ xảy đến khi Chánh pháp không còn tồn tại, Ðức Thế Tôn đã trả lời: “Sau khi Ta nhập Niết bàn rồi, trong cõi Nam Thiện Bộ Châu này, ở về phía Ðông Bắc có một quốc độ tên là Ðại Trung quốc. Ở ngay trung tâm của quốc độ này có một ngọn núi tên là Ngũ Ðài. Vị Pháp vương tử Văn Thù Sư Lợi sẽ trụ xứ ở trung tâm của ngọn núi này diễn nói Chánh Pháp để cứu độ chúng sanh. Vô số Thiên, Long, La Sát, Phi Nhân, Ma hầu la già cùng các chúng trời người và qủy thần tụ tập chung quanh Bồ Tát để cúng dường và nghe pháp”.  Ðức Phật Thích Ca còn cho biết thêm, khi Chánh Pháp không còn tồn tại, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi sẽ diễn nói pháp tương ứng cho giai đoạn này.

Như vậy, đến cuối thế kỷ thứ Bảy, tín ngưỡng tôn thờ Bồ Tát Văn Thù đã được thiết định vững chắc tại Trung Quốc và Ngũ Ðài Sơn, nơi trụ tích của Bồ tát đã  trở thành một thánh địa thiêng liêng thu hút khách hành hương đến từ khắp nơi trên thế giới: Kasmir, Ấn Ðộ, Nhật Bản, Nepal, Tích Lan, Tây Tạng,… Tại đây, một ngôi đại tháp cao sáu thước cũng đã được dựng lên trong khuôn viên của chùa Ðại Tháp Viện (Trung Ðài) để thờ một bảo vật mà người ta tin là tóc của Bồ tát Văn Thù, vì theo truyền thuyết được kể lại thì dưới thời Bắc Ngụy, Bồ Tát đã hiện ra một lần dưới dạng một bà già nhà quê nghèo khó đến hành hương Ngũ Ðài Sơn và vì không có gì quý báu để cúng dường, bà đã tặng chùa mái tóc của mình. Dĩ nhiên là tăng chúng trong chùa không có ai hoan hỷ để đón nhận vật phẩm cúng dường này, nếu không nói là còn tỏ ra rất khinh rẻ. Bất ngờ bà cụ già bay vọt lên không và hóa hiện ra thành Bồ Tát Văn Thù, lúc này mọi người mới kinh hoàng quỳ sụp xuống lạy và sau đó kiến tạo lên ngôi bảo tháp này để thờ di vật qúy giá của Bồ Tát mà người Trung hoa tôn kính gọi là hắc xá lợi. Ngôi đại tháp đã được trùng tu lại dưới thời Hoàng đế Thần Tôn, nhà Minh (1573-1619).

Ngài Bất Không Kim Cương (AMOGHAVAJRA) Và Sự Nghiệp Phát Triển Tín Ngưỡng Văn Thù Sư Lợi

Khi nói đến tín ngưỡng tôn thờ Bồ Tát Văn Thù ta không thể  không nói đến công nghiệp lớn lao của một vị đại tăng đã đưa tín ngưỡng này phổ cập đến toàn thể lãnh thổ Trung quốc, đó là ngài Bất Không Kim Cương. Ngài Bất Không người nước Tích Lan (Trung Hoa cổ gọi là nước Sư Tử), lúc 15 tuổi theo ngài Kim Cương Trí đến Lạc Dương và được thọ giới ở đó. Trong hai mươi năm trời theo thầy học đạo, chuyên nghiên cứu về bí nghĩa của Mật giáo. Sau khi ngài Kim Cương Trí viên tịch, ngài cùng với sư Hàm Quang theo đường thủy trở về Ấn Ðộ để tham vấn các học giả của Mật giáo đương thời, sưu tầm được rất nhiều kinh điển của Mật giáo. Tới năm Thiên Bảo thứ năm (746), Ngài lại trở về Tràng an chuyên việc phiên dịch để hoằng truyền Mật giáo. Ngài tịch năm Ðại Lịch thứ 9 (774) đời vua Ðại Tôn, thọ 70 tuổi. Trong khoảng 30 năm trời, Ngài được ba đời vua Huyền Tôn, Túc Tôn và Ðại Tôn đều trọng đãi. Khi Ngài mất, vua truyền lệnh bãi triều ba ngày để kỷ niệm và tặng Ngài tên hiệu là “Ðại Biên Chính Quảng Trí Bất Không Tam Tạng Ðại Hoà Thượng”. (9)

Cùng với La Thập, Chân Ðế và Huyền Trang, Ngài được gọi là một trong “Bốn nhà Ðại phiên dịch” kinh điển của Phật giáo Trung Quốc. Ngoài việc hoằng truyền giáo lý Mật tông, Ðại sư Bất Không còn được biết đến qua sự nghiệp xiễn dương tín ngưỡng tôn thờ Bồ tát Văn Thù Sư Lợi tại Trung Quốc. Những văn bản liên quan đến công nghiệp này đã được Huyền Cảo, một đệ tử của Ngài, sưu tập lại trong bộ Ðại Chính Tân Tu Ðại Tạng Kinh, gồm cả những thư từ trao đổi giữa Ngài và hai vị Hoàng đế Trung Quốc vào khoảng cuối thế kỷ thứ tám là một nguồn sử liệu có giá trị trong việc nghiên cứu việc phát triển tín ngưỡng tôn thờ Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi.

Như đã nói ở trên, chính Ðại sư Bất Không là người chịu trách nhiệm trong việc hoàn tất công trình xây cất Kim Các tự tại Ngũ Ðài Sơn sau khi được Ðại Tôn Hoàng Ðế chuẩn cấp ngân sách vào năm 746. Do được vua ưu ái sùng mộ mà Ngài Bất Không đã thuyết phục được vua ban hành sắc lệnh tôn Bồ tát Văn Thù Sư Lợi như là một vị Bồ Tát bảo hộ chính trong tất cả các chùa chiền tự viện tại Trung quốc. Trong sớ biểu dâng lên Hoàng Ðế, Bất Không Ðại sư đã viết về Bồ Tát Văn Thù như là “người đang bảo vệ, canh giữ Ngũ Ðài Sơn”, hàm ý nhấn mạnh đến vai trò bảo hộ quốc gia của Bồ Tát. Vào năm 772, cũng do yêu cầu của Ngài, Ðại Tôn Hoàng Ðế lại ban hành thêm một đạo dụ khác ra lệnh cho khắp các ngôi chùa trong nước đều phải thiết lập thêm một viện thờ Ðức Văn Thù. Tại những điện thờ này, tăng sĩ được yêu cầu tụng đọc những kinh điển cầu “quốc thái dân an”, Bồ Tát Văn Thù nghiểm nhiên đã rời khỏi nơi trụ tích Ngũ Ðài Sơn để trở thành một vị thần bảo hộ quốc gia.  Quan niệm tín ngưỡng đức Văn Thù ở Ngũ Ðài Sơn vì thế được phổ cập khắp nơi và Ngũ Ðài Sơn bỗng trở thành một nơi Linh nghiệm Ðạo Tràng của toàn thể quốc dân.

---o0o---




tải về 208.28 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương