BỒ TÁt văn thù SƯ LỢi lưỡi Gươm Vàng Trí Tuệ Tâm Hà Lê Công Ða



tải về 208.28 Kb.
trang1/7
Chuyển đổi dữ liệu21.08.2016
Kích208.28 Kb.
#25693
  1   2   3   4   5   6   7
BỒ TÁT VĂN THÙ SƯ LỢI
Lưỡi Gươm Vàng Trí Tuệ
Tâm Hà Lê Công Ða

---o0o---



Nguồn

http://thuvienhoasen.org

Chuyển sang ebook 6-8-2009

Người thực hiện : Nam Thiên – namthien@gmail.com

Link Audio Tại Website http://www.phatphaponline.org
Mục Lục

I. Ði Tìm Nguồn Gốc của Bồ Tát Văn Thù.

1. Bồ Tát Văn Thù, Người Tạo Dựng Vương Quốc Nepal.

2. Bồ Tát Văn Thù và Nhạc Thần (Càn Thát Bà) Pancasikha

3. Núi Ghandhamadana, Trú Xứ của Bồ Tát

II. Ngũ Ðài Sơn, Trung Quốc , Nơi Trụ Tích của Bồ Tát Văn Thù

III. Vai Trò v à Ý Nghĩa của Bồ Tát Văn Thù Trong Kinh Ðiển Ðại Thừa

1. Tuyên Dương Diệu Pháp

2. Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi  Giảng Pháp Môn Bất Nhị Trong Kinh Duy Ma Cật

3. Lưỡi Kiếm của Bồ Tát Văn Thù Trong Hệ Tư Tưởng Bát Nhã: 
Phùng Phật Sát Phật!

4. Kinh Thủ Lăng Nghiêm:  Bồ Tát Văn Thù Chỉ Rõ Pháp Tu Siêu Việt Ðể Tỏ Ngộ Chơn Tâm

5. Kinh Hoa Nghiêm:  Bồ Tát Văn Thù Trong Vai Trò Thiện Trí Thức

6. Kinh Pháp Hoa và Bồ Tát Văn Thù:  Vị Thị Giả Phát Ngôn, Giới Thiệu Chương Trình của Phật



---o0o---

Qua kinh sách thuộc truyền thống Ðại thừa ta được biết mỗi vị Phật thường có hai vị Bồ tát làm thị giả. Nếu như Ðức Phật A Di Ðà có Bồ Tát Quán Thế Âm và Ðại Thế Chí làm thị giả  thì một trong hai vị thị giả chính của Ðức Phật Thích Ca là Văn Thù Sư Lợi, đại biểu cho trí tuệ siêu việt. Bồ Tát Văn Thù đã xuất hiện hầu như trong tất cả các kinh điển quan trọng của Phật giáo Ðại thừa: Hoa Nghiêm, Thủ Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Duy Ma Cật,… như là một nhân vật thân cận nhất của Ðức Phật Thích Ca, khi thì chính thức thay mặt Ðức Thế Tôn diễn nói Chánh pháp, có lúc lại đóng vai tuồng làm người điều hành chương trình để giới thiệu đến thính chúng một thời pháp quan trọng của Ðức Bổn Sư. Vì  vai trò đặc biệt quan trọng đó mà Bồ Tát Văn Thù đã được tôn xưng  là vị Pháp Vương Tử, và hình ảnh của Ngài không những đã rất quen thuộc, gần gũi với quần chúng Phật tử theo truyền thống Ðại thừa cổ  điển từ Ấn Ðộ đến Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản, Tây Tạng, Việt Nam,… trong suốt gần hai thiên niên kỷ qua mà ngay cả với những truyền thống Ðại thừa hiện đại của Tây phương. Phật tử Hoa Kỳ, Âu Châu, Úc Ðại Lợi,… ngày nay hoặc tụng niệm danh hiệu của Ngài hoặc dùng hình ảnh của Ngài như là một đối tượng quán chiếu, xem đó như là một trong những phương pháp hành trì tu tập hiệu quả nhất nhằm đạt đến tuệ giác. 

Là vị Bồ Tát tiêu biểu cho Trí Tuệ, Bồ Tát Văn Thù thường được miêu tả với dáng dấp trẻ trung ngồi kiết già trên một chiếc bồ đoàn bằng hoa sen. Trên tay phải của Ngài, dương cao lên khỏi đầu là một lưỡi gươm đang bốc lửa -một biểu tượng đặc thù của Bồ Tát Văn Thù để phân biệt với các vị Bồ Tát khác- mang hàm ý rằng chính lưỡi gươm vàng trí tuệ này sẽ chặt đứt tất cả những xiềng xích trói buộc của vô minh phiền não đã cột chặt con người vào những khổ đau và bất hạnh của vòng sinh tử luân hồi bất tận, đưa con người đến trí tuệ viên mãn. Trong khi đó, tay trái của Bồ Tát đang cầm giữ cuốn kinh Bát Nhã- trong tư thế như đang ôm ấp vào giữa trái tim mình suối nguồn và biểu trưng của tỉnh thức, giác ngộ. Chính vì tính cách biểu trưng này mà những nhân vật kiệt xuất về mặt trí tuệ trong lịch sử Phật giáo thế giới, cụ thể như Bồ Tát Long Thọ và đặc biệt là Phật giáo Mật Tông Tây Tạng, đã được xem như là những hóa thân của Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, với hai nhân vật đặc sắc: Vị quân vương Phật tử Trisong Detsen (742-797), người góp công đầu trong việc hoằng dương Chánh pháp tại Tây Tạng với việc sáng lập Phật học viện Samye và Ðại sư Tông Khách Ba (1357-1419), người sáng lập tông phái Mũ Vàng (Geluk) của Phật giáo Tây Tạng mà Ðức Ðạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 hiện nay là kẻ truyền thừa. Trong tự truyện của Ðại sư Tông Khách Ba có kể lại câu chuyện thân phụ của Ngài trong một giấc mơ đã thấy một nhà sư trẻ từ Ngũ Ðài Sơn –nơi trụ tích của Bồ Tát Văn Thù- tìm đến với ông, trước khi Ngài chào đời, như là một điềm báo trước rằng Tôn giả Tông Khách Ba sẽ là một nhà học giả vĩ đại không phải chỉ riêng đối với Phật giáo Tây Tạng mà là cả Phật giáo thế giới nói chung. (1)

---o0o---


I. Ði Tìm Nguồn Gốc của Bồ Tát Văn Thù.

Có thể nói rằng ý niệm Bồ Tát gắn liền với truyền thống Ðại Thừa và bởi vì Bồ Tát Văn Thù không hề thấy xuất hiện trong các kinh tạng Pali Nguyên Thủy cũng như ngoài Ðại Thừa, những nhà học giả nghiên cứu về Phật giáo đã gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc tìm hiểu về nguồn gốc, lai lịch của Bồ Tát Văn Thù.  Một số giả thuyết đã được đưa ra để lý giải về xuất xứ cũng như sự hiện hữu của Bồ Tát Văn Thù. Trong số những giả thuyết này có cái thấm đẩm tính chất truyền thuyết, huyền thoại như thường được thấy trong bất cứ truyền thống tín ngưỡng nào, bên cạnh đó cũng không thiếu những công trình nghiên cứu của các nhà học giả Phật giáo mang  tính khoa học. Sau đây ta sẽ lần lượt điểm qua một vài giả thuyết đáng lưu ý.

---o0o---

1. Bồ Tát Văn Thù, Người Tạo Dựng Vương Quốc Nepal.


Theo Benoytosh Bhattachary (2), Bồ Tát Văn Thù là một nhân vật xuất chúng, người đã mang ánh sáng văn minh của Trung quốc đến cho vương quốc Nepal và do đó Ngài đã được tôn sùng kính ngưỡng tại đây. Nguồn tài liệu chính mà Bhattachary dựa vào là truyền thuyết Svayambhu Purana, kể lại rằng Bồ tát Văn Thù đã đến từ Trung quốc và chính là người tạo dựng nên vương quốc Nepal, lúc bấy giờ chỉ bao gồm khu vực chung quanh thung lủng Kathmandu, bằng cách làm khô cạn hồ nước đã phủ lên thung lủng này trước đây. Theo truyền thuyết này thì Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đang cùng một số môn đệ trú ngụ trên ngọn núi Pancasirsa (Ngũ Ðài) của Trung Quốc, do thần thông mà biết được rằng có một vị Phật hiệu “Tự Tại” Adibudha hiện đang ra đời và hoằng hoá trên một ngọn đồi nằm kế cận hồ Kali của xứ Nepal. Bồ Tát Văn Thù liền vội vàng dẫn môn đồ đến Nepal để đảnh lễ Ngài, nhưng khi đến nơi, Bồ tát khám phá ra rằng ngọn đồi này không ai có thể đến được vì bị bao bọc chung quanh bởi một hồ nước đã bị nhiễm độc bởi Long vương. Ngài liền dùng thần lực của lưỡi kiếm mang theo cắt chia thung lủng ra làm sáu mảnh, đồng thời xẻ núi cho nước thoát ra làm khô cạn hồ nước này ngay lập tức. Cùng một lúc Ngài cũng đã dùng thần thông  đào nên một chiếc hồ khác để cho Long vương của hồ Kali có nơi trú ẩn. Xong xuôi Ngài dựng lên một ngôi tự viện thờ phượng Phật Adibudha ở trên đồi này, (ngày nay là đồi Svayabhunath) còn mình thì lưu trú cạnh đó. Hiện nay trên đồi Svayabhunath của xứ Nepal vẫn còn lưu dấu  ngôi cổ tháp thờ Phật Adibudha và cách đó không xa là Thánh điện thờ Ðức Văn Thù Sư Lợi. Sau khi hoàn tất xong mọi việc, Ngài đã để cho một môn đệ ở lại làm vua của vương quốc tân lập Nepal, còn mình thì trở về Trung Quốc trút bỏ xác phàm, lưu lại nhục thân, trở thành một vị Bồ Tát thánh hóa.

Là một truyền thuyết dĩ nhiên khó đảm bảo được tính xác thực, hơn thế nữa, truyền thuyết Svayambhu Purana mà Bhattachary dựa vào để xác định nguồn gốc của Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi cũng chỉ mới xuất hiện gần đây, sớm nhất là vào khoảng thế kỷ thứ 16, nên không thể là một nguồn tài liệu đáng tin cậy về xuất xứ của Bồ tát Văn Thù, vì như ta biết, Bồ Tát Văn Thù đã xuất hiện khá sớm trong các kinh sách Ðại Thừa. Giả thuyết về nguồn gốc này cũng không được xây dựng trên một cơ sở vững chắc vì theo học giả John Brough (3), phần lớn truyền thuyết liên quan đến vương quốc Nepal đều xuất phát từ nước Vu Ðiền (Khotan) và đã được người Tây Tạng sau này truyền vào Nepal vào khoảng thế kỷ thứ 10 CE. Brough đã đưa ra một số chi tiết cho thấy truyền thuyết liên quan đến việc lập quốc của xứ Vu Ðiền cũng có những điểm tương đồng và hiện hữu song hành với truyền thuyết liên quan đến việc tạo dựng xứ Nepal, trong đó có hai chi tiết rất giống nhau: Thứ nhất, xứ Vu Ðiền cũng được tạo dựng nên do việc làm khô cạn một hồ nước. Truyền thuyết Gosrnga Vyakarana kể lại rằng  “Ðức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni khi đi đến đồi Gosrnga, Ngài trông thấy hồ nước liền bảo hai đệ tử là Ngài Xá Lợi Phất và Ða văn thiên hãy làm cho thấy biên giới của đất liền. Vâng lời Phật, hai vị Thánh tăng này đã dùng thiền trượng và giới đao làm khô cạn hồ nước đồng thời chuyển toàn bộ hồ nước và các sinh vật đang sinh sống trong đó đến một cái hồ kế cận. Thứ hai, Ðức Văn Thù Sư Lợi đã ban ân sủng đặc biệt nhằm bảo hộ một khu vực ở trên đồi Gosrnga mà tại địa điểm này về sau một tu viện Phật giáo đã được xây dựng lên. Gosrnga là một trung tâm Phật giáo quan trọng đầu tiên của xứ Vu Ðiền cũng giống như ngọn đồi Svayambhu của thung lủng Kathmandu (Nepal). Theo Brough, nguồn gốc lai lịch của những truyền thuyết này chính ra là được xuất phát từ Vu Ðiền hơn là Nepal vì ngay cả trong truyền thuyết Svayambhu Purana cũng đã nêu lên rằng Gosrnga là tên ban đầu của đồi Svayambhu. Sở dĩ có sự chuyển đổi những truyền thuyết này từ Vu Ðiền sang Nepal là vì văn tự cổ của Tây Tạng gọi xứ Vu Ðiền là Li-Yul, nhưng sau này khi xứ Vu Ðiền bị xoá tên không còn là một vương quốc độc lập nữa, người Tây Tạng có thể đã không còn biết chắc chắn vị trí của xứ Vu Ðiền nằm ở đâu. Thế nên vào thời điểm mà kinh điển Tạng ngữ được kết tập (Kanjur), Li-Yul đã được gán cho là Nepal, chính vì vậy mà những truyền thuyết liên quan đến xứ Li-Yul cũ, (Vu Ðiền) đã trở nên gắn bó với Li-Yul mới (Nepal) và người Nepal sau này đã xem những truyền thuyết này là của chính họ. 

Như vậy, một cách tóm tắt, giả thuyết cho rằng Bồ Tát Văn Thù là người đến từ Trung Quốc và đã tạo dựng nên xứ Nepal,  đã không phù hợp cả về mặt lịch sử cũng như tính luận lý.

---o0o---




tải về 208.28 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương