BỒ TÁt văn thù SƯ LỢi lưỡi Gươm Vàng Trí Tuệ Tâm Hà Lê Công Ða


III. Vai Trò v à Ý Nghĩa của Bồ Tát Văn Thù Trong Kinh Ðiển Ðại Thừa



tải về 208.28 Kb.
trang4/7
Chuyển đổi dữ liệu21.08.2016
Kích208.28 Kb.
#25693
1   2   3   4   5   6   7

III. Vai Trò v à Ý Nghĩa của Bồ Tát Văn Thù Trong Kinh Ðiển Ðại Thừa


Mặc dù cho đến nay các nhà nghiên cứu Phật học vẫn chưa có được một lời giải đáp thỏa đáng về nguồn gốc, xuất xứ của Bồ Tát Văn Thù nhưng một điều mà không ai có thể phủ nhận được là hình ảnh của Ngài đã xuất hiện rất sớm trong các kinh điển Phạn ngữ, mở đầu cho giai đoạn hưng khởi của truyền thống Phật giáo Ðại Thừa. Cụ thể như sáu trong số chín bộ kinh đầu tiên mà Ngài Chi Ca Lâu Sấm đã phiên dịch ra tiếng Trung quốc vào thế kỷ thứ 2 CE,  nay vẫn còn tồn tại, đều có đề cập đến sự hiện diện của Bồ Tát Văn Thù (10). Ðiều này đã cho thấy vai trò và ý nghĩa quan trọng của vị Bồ Tát được tôn xưng là Ðại Trí, mà với biện tài vô ngại thường là nhân vật được chọn để đứng ra lý giải những phạm trù tinh yếu cốt lõi của triết lý đạo Phật như Tánh Không, Bất Nhị, Chân Ðế,… được quảng diễn trong các kinh điển Ðại Thừa. Ðược tuyên xưng là Thái tử của Ðấng Pháp Vương, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi có lúc chính thức thay mặt Ðức Bổn Sư diễn nói Chánh pháp mà pháp âm của Ngài vang động khắp cả tam thiên đại thiên thế giới khiến cho tất cả các cõi Trời, người, mọi loài chúng sanh đều được thấm nhuần mưa pháp, hưởng được lợi lạc. Vai trò này của Bồ Tát đã được thể hiện nổi bật nhất trong các bộ kinh “Văn Thù Sư Lợi Nói Về Cảnh Giới Bất Tư Nghị của Phật”, Duy Ma Cật và Thủ Lăng Nghiêm.  Cũng có lúc Bồ Tát lại đóng vai trò làm người phát ngôn, giới thiệu chương trình, long trọng cảnh báo cho đại chúng biết Ðức Thế Tôn bắt đầu thuyết giảng một thời pháp quan trọng như trong kinh Pháp Hoa, hoặc là một vị thiện trí thức đưa ra những lời khuyên thiết thực và quý báu cho những hành giả đang xả thân cầu Bồ Tát đạo như trong kinh Hoa Nghiêm. Ta sẽ lần lượt điểm qua vai trò của Bồ Tát Văn Thù trong các bộ kinh trọng yếu này của Ðại Thừa.

---o0o---


1. Tuyên Dương Diệu Pháp


Trong kinh “Văn Thù Sư Lợi Nói Về Cảnh Giới Bất Tư Nghị của Phật”, chính Ðức Thế Tôn đã trân trọng giới thiệu với đại chúng biện tài vô ngại của Bồ Tát Văn Thù và yêu cầu Ngài tuyên dương diệu pháp: 
“Tôi nghe như vầy :

Một thời Ðức Phật ở tại vườn ông Cấp Cô Ðộc, rừng cây ông Kỳ Ðà, nước Xá Vệ, cùng với chúng đại Tỳ kheo là một ngàn vị và Bồ tát là mười ngàn vị, lại có chư Thiên tử của Dục giới, chư Thiên tử của Sắc giới và Thiên tử của trời Tịnh Cư, cùng với quyến thuộc của họ nhiều vô lượng trăm ngàn đang bao quanh để cúng dường cung kính, nghe Phật nói pháp.
Bấy giờ đức Phật bảo Bồ tát Văn Thù Sư Lợi:

- Này đồng tử ! Ngươi có biện tài, khéo có thể khai diễn. Nay ngươi nên vì đại chúng Bồ tát tuyên dương diệu pháp.” (11)

Tuy là một bộ kinh ngắn nhưng nội dung kinh “Văn Thù Sư Lợi Nói Về Cảnh Giới Bất Tư Nghị của Phật” hàm chứa một ý nghĩa vô cùng quan trọng: Ðây là một tuyên ngôn của lý tưởng Bồ Tát Ðạo được công bố bởi một vị đại Bồ tát đại biểu cho trí tuệ. Khi Kinh Pháp Hoa nói rằng Ðức Phật ra đời vì một đại sự nhân duyên, đại sự nhân duyên đó là gì nếu không phải là nỗi khổ đau của tất cả  chúng sanh? Thế nên cảnh giới của chư Phật không thể tìm cầu ở những cõi Niết Bàn tịch tịnh hay Tịnh Ðộ trang nghiêm mà phải chính ở ngay trong những nỗi phiền não, khổ đau đó:

Này đồng tử ! Phải cầu cảnh giới chư Phật ở đâu ? 
Bồ tát Văn Thù Sư Lợi thưa :

- Bạch Thế tôn ! Cảnh giới của chư Phật phải cầu ở trong phiền não của tất cả các chúng sanh. Vì sao vậy ? Nếu chơn chánh hiểu rõ phiền não của chúng sanh, đó chính là cảnh giới của Phật vậy. Sự chánh hiểu rõ phiền não của chúng sanh này là cảnh giới của Phật, đó chẳng phải là chỗ sở hành của tất cả Thanh văn, Bích Chi Phật vậy.”

Cũng trong bộ kinh này, một phạm trù thậm thâm uyên áo của triết lý đạo Phật -hệ  tư  tưởng Bát Nhã - mà sau này Bồ tát Long Thọ dùng làm cơ sở nền tảng xây dựng Trung Quán Luận là Triết học Tánh Không, pháp môn Bất Nhị cùng mối tương quan giữa Nhị Ðế -Chân Ðế và Tục Ðế- đã được lưỡi gươm vàng trí tuệ của Bồ Tát Văn Thù chặt tung những đám mây mù của tà kiến, nghi hoặc, khi Ngài trả lời Ðức Thế Tôn về ý nghĩa của “pháp sở trụ bình đẳng của Như Lai”:

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi thưa :
- Bạch Thế tôn, tất cả phàm phu đối với trong pháp không , vô tướng, vô nguyện, khởi lên tham sân si, cho nên chỗ khởi lên tham sân si của tất cả phàm phu chính là pháp sở trụ bình đẳng của Như Lai.
Ðức Phật bảo :
- Này đồng tử ! Với cái không, há lại có pháp mà nói ở trong đó có tham sân si sao ?
Bồ tát Văn Thù Sư Lợi thưa :
- Bạch Thế tôn, không là có nên tham sân si cũng là có.
Ðức Phật nói :
- Này đồng tử ! Tại sao không là có ? Lại vì sao tham sân si là có ? 
Bồ tát Văn Thù Sư Lợi thưa :
- Bạch Thế tôn ! Không, vì dùng lời nói (diễn đạt) cho nên có; tham sân si cũng vì dùng lời nói diễn đạt cho nên có. Như đức Phật nói với tỳ kheo: “ Hữu không sanh, không khởi, vô tác, vô vi, chẳng phải các pháp hành ấy, chẳng phải chẳng có. Nếu là không có thì nó phải đối với pháp sanh khởi, tác vi các hành, thì lẽ đáng phải không xuất ly. Vì có cho nên nói là không xuất ly vậy “. Ðiều này cũng vậy, nếu không có không, thì đối với tham sân si không có sự xuất ly được. Vì có không cho nên nói lìa tham sân si ... các phiền não.
Ðức Phật nói :
- Này đồng tử ! Như vậy, như vậy ! Như điều ngươi nói, tham sân si ... tất cả phiền não, chẳng có cái nào mà chẳng ở trong cái không.
 Bồ tát Văn Thù Sư Lợi lại bạch Phật :
- Bạch Thế tôn ! Nếu người tu hành xa lìa tham sân si ... mà cầu nơi không, nên biết người đó chưa khéo tu hành, không thể gọi là người tu hành được. Vì sao vậy ? Vì tham sân si ... tất cả phiền não tức là không vậy. » (12)

Mục tiêu, lý tưởng của Bồ Tát đạo không phải chỉ là để vượt qua vòng sanh tử, đạt đến cảnh giới Niết bàn mà là hoàn thành Phật đạo để cứu độ chúng sanh. Trên con đường tìm cầu giác ngộ, hành giả không thể không ươm trồng bồ đề tâm đồng thời trui rèn cho mình trí tuệ Bát Nhã. Ðó là con đường tất yếu. Con đường này đã được Bồ Tát Văn Thù khẳng định lại một lần nữa khi trả lời Tôn giả Tu Bồ Ðề, đại biểu cho hàng Thanh Văn, khi Tôn giả lo ngại rằng thuyết giảng những tư tưởng thậm thâm uyên áo sẽ không mang lại lợi ích gì cho kẻ sơ cơ:

« Tu Bồ Ðề nói :
- Này đại sĩ ! Nay ngài thuyết pháp có thể không đưa đến sự che chở tâm kẻ sơ học chăng ?
Bồ tát Văn Thù Sư Lợi đáp :   
- Này đại đức ! Nay tôi hỏi ngài, tùy ý trả lời. Như có vị lương y muốn điều trị bệnh nhân, vì muốn che chở tâm của bệnh nhân nên không cho những vị thuốc có vị cay, chua, mặn, đắng thích ứng với con bệnh. Vậy có thể làm cho người bênh được lành bệnh, được an lạc chăng ?
Thưa rằng :
- Không thể được.
Bồ tát Văn Thù Sư Lợi nói :
- Này đại đức ! Ðiều này cũng như vậy. Nếu vị thầy thuyết pháp vì muốn che chở tâm kẻ học nên giấu kín pháp thậm thâm không nói ra, mà tùy theo ý muốn kẻ ấy, chỉ diễn nói ý nghĩa thô thiển để làm cho kẻ học giả ra khỏi khổ sanh tử, đến cái vui Niết bàn, điều đó không bao giờ có. » (13)
 

---o0o---




tải về 208.28 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương