40 Gương Thành Công Tác giả: Dale Carnegie



tải về 0.69 Mb.
trang8/8
Chuyển đổi dữ liệu06.11.2017
Kích0.69 Mb.
#34073
1   2   3   4   5   6   7   8

35. James Buchanan Duke

Doris Duke và Barbara Hutton là hai thiếu nữ Mỹ nổi danh khắp thế giới. Nhưng ta thử hỏi: tên tuổi của họ có được báo chí mọi nước nhắc nhở tới nhiều như vậy không nếu họ không được hưởng gia tài hằng tỉ bạc của ông, cha?

      Do cái gì mà có gia tài kếch xù nó đã làm cho Doris Duke thành một người kế thừa giàu nhất thế giới? Thưa bạn, do khói ạ, do khói thuốc lá. Lịch sử gia tài đó bắt đầu từ hồi nội chiến ở Hoa Kỳ. Hồi đó miền Nam trải qua những ngày ảm đạm vì bị quân đội tàn phá, đồng ruộng cháy khô và bỏ hoang. Cảnh điêu linh thực không tưởng tượng được. Dân chúng phải luộc hột cây lật và hột bông vải để thay cà phê, và nấu lá dâu tây thay trà. Nền đất nện của các nhà tranh dính mở heo mà người ta cũng lượm lên, nấu để ăn vì trong mở còn chút muối. Washington Duke, ông nội của thiếu nữ giàu nhất thế giới ngày nay, hồi đó chiến đấu ở Richmond, thuộc quyền chỉ huy của đại tướng Lee, sau bị nhốt trong khám Libby. Sau khi đại tướng Lee đầu hàng, ông về trại ruộng ở Durham, bắc Caroline.
      Chính phủ liên bang phương Nam cho ông một cặp la đui, già, chỉ chờ chết, và ông bán lại phiếu quốc trái năm Mỹ kim cho một người lính theo phương Bắc, được nửa Mỹ kim.

      Đó, tất cả gia tài của ông chỉ có vậy: năm cắc, một cặp la đui, vài bộ cương và hai đứa con mồi côi mẹ.

      Quân đội phương Nam cũng nhưng phương Bắc đều tàn phá xứ sở, trong đồng có gì ăn được là những đội lính đói lượm hết, chỉ để lại vài gốc thuốc lá xanh. Cho nên ông và hai người con là "Buck" và "Ben" đ ành đi hái thuốc lá phơi khô đập sơ sơ thồn vào bao, chở trong một chiếc xe có mui vải, thắng cặp la đui vào xe, rồi đi chinh phục thế giới, và lạ nhất là bọn họ chinh phục được đế quốc thuốc lá, một đế quốc sau này chế ngự khắp địa cầu.

      Ngồi trong chiếc xe mui vải do la kéo đó, họ tiến về phương Nam, miền mà thuốc lá rất hiếm. Họ đổi thuốc lá lấy mở heo và bông vải. Ban đ êm họ ngừng xe, cắm trại bên lề đường cái, chiên mở heo với khoai lang, ăn xong ngủ ngay giữa trời. Như vậy thích hơn là  đi hái thuốc lá, cho nên họ quyết định bỏ nghề trồng thuốc lá mà xoay qua nghề bán thuốc hút.

      Nhưng chẳng bao lâu họ đụng đầu với một sự cạnh tranh tàn nhẫn. Hằng trăm hãng làm thuốc rời bán cho những người hút ống điếu, mà những hãng đó giàu có, cơ sở vững vàng. James Buchaman Duke, người tạo ra gia tài của họ Duke và là ông thân của cô Doris Duke, hiểu rằng phải làm cái gì mới và làm ngay, nếu không thì nguy, Và ông nẩy ra một ý nó đem cho ông trăm triệu Mỹ kim. Ông quyết định chế thuốc vấn. Bây giờ chúng ta cho ý đó không có gì đặc biệt vì mỗi năm dân Mỹ hút tới một trăm hai mươi lăm tỉ điếu thuốc; nhưng năm 1881 thì đó là một ý cách mạng. Tôi vẫn biết người Nga và người Thổ đã hút thuốc vấn từ mấy đời rồi mà lính Anh đánh trận Crimée về có đem theo thứ thuốc vấn đó nhưng ở châu Mỹ tới năm 1867 vẫn chưa có thuốc vấn mà châu Mỹ là nơi sản xuất thuốc lá cho khắp thế giới.

      Khi Buck Duke khởi sự thì thuốc lá đều vấn tay. Sau ông chế ra một cái máy làm cho năng suất tăng từ hai ngàn rưỡi điếu lên tới một triệu điếu mỗi ngày. Chính ông kiếm ra cách gói thành hộp. Bạn nào đã thấy những hộp thuốc Meccas, Zinas, Sweet Caporal hay Turkish Trophies, chắc còn nhớ kiểu hộp bằng giấy dầy có ngăn kéo ra đẩy vô được ấy mà chính ông đã vẽ ra. Nhờ vậy xí nghiệp của ông phát triển mau, và khi chính phủ hạ thuế thuốc lá xuống thì ông hạ giá bán xuống một nửa, làm thị trường ngập những bao thuốc năm xu, và các nhà cạnh tranh với ông phải nhào hết.


      Rồi ông đi kiếm những thế giới khác để chinh phục. Năm ông tới Nữu Ước để lập xưởng mới, ông mới hai mươi bảy tuổi. Luôn luôn ông tự nhủ: "Rockefeller đã thành công được như vậy nhờ dầu lửa, thì tại sao bán thuốc lá lại không thành công được như ông ấy".

      Nghĩ vậy, lời được bao nhiêu ông đập hết vào vốn như Rockefeller. Kiếm được mỗi năm năm chục ngàn Mỹ kim rồi chứ, mà ông sống trong một phòng hẹp, cơm thì ăn tiệm. Nhưng cái con người mỗi bữa cơm không dám tiêu năm cắc ấy lại dám cho đại diện đi khắp thế giới. Ông làm tối tăm mặt mũi ở hãng. Sáng tới sớm, tối về trễ, kiểm soát lại mọi công việc chế tạo từ khi thuốc còn là lá tới khi thuốc cho vào bao.

      Khi chết, ông có trăm lẻ một triệu Mỹ kim và ông thường đánh cá rằng không có ai làm cho nhiều người thành triệu phú bằng ông. Hồi nhỏ ông chỉ được đi học có bốn, năm năm. Có lần ông nói đ ùa rằng:"Sự học cần cho các giáo sĩ hay các luật sư chứ có ích lợi gì cho tôi đâu?Trong nghề kinh doanh, không cần phải thông minh hơn người".

      Đây, ông giảng nguyên do tại sao ông thành công tôi chép đúng lời ông:

      "Tôi thành công trong công việc làm ăn không phải vì tôi có khiếu hơn phần đông những người không thành công, mà vì tôi đã đem hết sức ra hăng hái làm. Tôi biết nhiều người đã thất bại mà chắc chắn là họ thông minh hơn tôi, nhưng họ thiếu đức quyết định và kiên nhẫn".

      Theo tôi, bí quyết lớn của ông là cách ông dùng số lời:ông đập vào vốn để làm ăn.

      Mà  đó cũng là bí quyết của John D. Rockefeller và của tất cả những người đã xây dựng được những gia sản khổng lồ. Dùng vốn của người khác để khuếch trương công việc của mình thì không thể nào gây được một gia tài vĩ đại. Muốn gây được một gia tài như vậy thì phải như Duke và Rockefeller, làm chủ xí nghiệp của mình mà vốn thì do mình bỏ ra rồi mỗi ngày đập thêm lời vào. Quy tắc đó không phải chỉ áp dụng vào những người làm giàu lớn mà thôi đâu:người thợ bỏ thì giờ rảnh ra để học thêm thành viên Đốc công hay viên Kỹ sư thì cũng là hành động như Rockefeller và Duke, chứ khác gì: cũng là gây vốn cả.

      Điều lạ nhất là Buck Duke tự nghĩ không cần phải học nhiều mà lại tặng bốn chục triệu Mỹ kim để lập một trường đại học lớn ở Durham, bắc Coroline. Cô Doris Duke là hội viên trong ban quản trị trường đó.

      Ông ghét quảng cáo và suốt đời chỉ cho người ta phỏng vấn có mỗi một lần. Lần đó phóng viên hỏi ông:

      - Thưa ông, cái sự có một triệu Mỹ kim, tự nó có phải là một điều thú không?

      Ông lắc đầu, đáp:

      - Không. Số tiền đó có làm cho tôi vui thích chút nào đâu.



36. Ernestine Schumann – Heink

Đời thành công của bà Ernestine Schumann Heink là truyện lạ lùng nhất trong lịch sử của Đại nhạc kịch trường. Mặc dầu đói, đau khổ và thất vọng mà bà gây được danh tiếng rực rỡ.

      Bà phải phấn đấu một cách chua chát khó khăn mới thành công được. Có ba lần bà chán nản, tuyệt vọng đến nỗi muốn quyên sinh. Hôn nhân của bà là cả một bi kịch. Chồng bà bỏ đi, để những món nợ lại cho bà trả, vì theo luật Đức hồi đó thì vợ phải trả nợ cho chồng. Thế là tòa cho người tới tịch thu hết đồ đạc, chỉ chừa một cái ghế và một cái giường. Và  đôi khi bà hát ở đâu, kiếm được ít tiền, thì bà bị trừ nợ gần hết.

      Sáu giờ trước khi bà sanh người con trai thứ ba, bà còn phải hát. Có hồi bà  đau nặng nhưng không nghỉ hát được, vì nghỉ thì lấy gì nuôi con. Mùa đông tới, con bà khóc vì đói, run vì rét, mà bà không có tiền mua than để sưởi.

      Thất vọng đến gần hóa điên, bà  định giết hết các con rồi tự tử...

      Nhưng bà không tự tử, mà sống để tranh đấu cho tới khi thành một ca sĩ nổi danh bậc nhất thế giới.


      Vài tháng trước khi mất, bà mời tôi lại dùng cơm tối với bà ở Chicago, và hứa sẽ đích thân nấu lấy để đãi tôi. Rồi bà nói thêm:"Nếu ông khen tôi là hát hay thì tôi cũng thích, nhưng nếu ông ăn cơm với tôi rồi, bảo: "Bà Schumann-Heink ạ, tôi chưa bao giờ được ăn món xúp ngon như lần này "thì ông sẽ là bạn thân của tôi đấy".

      Bà bảo tôi rằng một trong những bí quyết thành công của bà là bà thương yêu mọi người và chính tôn giáo đã dạy bà thương yêu mọi người. Ngày nào bà cũng đọc Thánh kinh, tối nào, sáng nào bà cũng quỳ gối tụng kinh. Bà nói chính những nỗi bi thảm trong đời bà  đã giúp bà hát hay, vì nhờ sầu khổ bà mới hiểu người hơn, dễ cảm thông hơn, thương người hơn; sự đau khổ đã làm cho giọng của bà thêm sức huyền bí để rung động hàng triệu trái tim. Nếu bạn được nghe bà hát bài Rosery trong thời danh bà  đương lên, bạn sẽ cảm thấy sức huyền bí đó. Tôi biết bà thương con nít lắm, nên hỏi bà tại sao bà lại có ý giết con để rồi tự tử. Và  đây bà kể chuyện với tôi như vầy:


      "Hồi đó tôi đói, đau và chán nản lắm, nhìn tương lai không còn hy vọng gì nữa. Tôi không muốn cho các cháu chịu cảnh khổ như tôi; tôi nghỉ rằng sống như vậy thì chết còn hơn, cho nên tôi quyết tâm mẹ con ôm nhau đâm đầu vào xe lửa cho rảnh nợ đời. Tôi đã dự định kỹ rồi, biết giờ xe lửa qua. Mấy cháu la khóc níu chặt lấy tôi, lẩy bẩy ở bên tôi. Tôi nghe tiếng còi xe lửa. Tôi đã tới bên đường rầy. Tôi cúi xuống quơ mấy cháu lại sẵn sàng quăng chúng vào chuyến xe lửa rồi tôi sẽ nhào theo, thì đứa cháu gái nhỏ của tôi chạy theo đứng trước mặt tôi, la: "Má, con yêu má! Lạnh quá má ạ, má cho chúng con về đi!".

      "Lạy trời! Giọng thơ ngây của cháu làm tôi tỉnh lại. Tôi ôm các cháu chạy về căn phòng trống rỗng, lạnh lẽo của chúng tôi. Tôi quỳ xuống cầu nguyện và khóc mướt".

      Cho tới ngày đó, bà làm việc gì thì việc đó cũng thất bại: thất bại trong hôn nhân, thất bại trong nghề nghiệp. Nhưng chỉ vài năm sau lần định tự tử đó, rạp Royal Opera House ở Bá Linh, rạp Covent Garden ở Luân Đôn, rạp Metropolitan ở Nữu Ước đều yêu cầu bà hát giúp. Bà  đã đói rét, cơ cực nô lệ trong hàng năm. Bây giờ thì hết! Thành công lại rực rỡ tới chói mắt.

      Thân phụ bà là một sĩ quan Áo, lương ít mà gia đình đông: cho nên ngay từ hồi thơ ấu, bà  đã chịu cảnh đói, chỉ ước ao có đủ bánh mì đen để cho ăn no. Bơ là một xa xí phẩm có bao giờ bà  được nghe nói tới. Khi nào món xúp có chút mỡ nổi trên thì thân mẫu bà hớt lớp mỡ đó để dùng thay bơ. Bà  đi học, mang theo một miếng bánh mì đen và một chén cà phê  để ăn bữa trưa ở trường: tối ăn bánh mì và xúp, quanh năm như vậy.

      Muốn kiếm thêm thức ăn, trong giờ nghỉ học bà thường chạy lại một rạp xiếc ở đầu tỉnh, xin quét chuồng khỉ lấy tiền mua bánh.

      Học hát mấy năm xong, bà  được cơ hội hát cho ông giám đốc một gánh hát nổi danh ở Vienne.

      Nghe bà hát xong, ông ta khuyên bà nên bỏ nghề đó đi vì bà không đẹp, không có duyên, mà về nhà mua cái máy may áo còn hơn. Ông ta nói lớn tiếng:"Cô muốn thành ca sĩ ư? Không khi nào thành đâu. Không khi nào! Tuyệt nhiên không!".

      Sau này, nổi danh rồi có lần bà hát đúng ở rạp đó và chính ông giám đốc đó nhiệt liệt khen bà, rồi hỏi: "Tôi coi mặt bà như quen quen. Chắc tôi có gặp bà một lần ở đâu rồi?".

      Bà bảo tôi: "Tôi đáp ông ta như vầy. Ông có gặp tôi một lần ở đâu ư? Thì chính ở đây, chứ ở đâu nữa. Ông quên rồi sao? Rồi tôi kể lại câu chuyện mua máy may cho ông ta nghe..."

      Thật cảm động.



37. Henry Ford

Nếu bạn có một em nhỏ hễ mở sách ra học là ngáp mà trông thấy một đồ chơi gì có máy móc là mắt sáng lên, xun xoe muốn rờ, thử, tháo, lắp, và suốt ngày chỉ rình lúc bạn ngủ trưa hoặc tiếp khách để bỏ bài vở, chạy tuốt ra sân lau chùi chiếc xe máy dầu của bạn, thì bạn đừng vội buồn: biết đâu em đó sau này chẳng thành một Henry Ford của Việt Nam? Vì Henry Ford hồi nhỏ cũng biếng học như vậy: ngồi trong lớp chỉ lén nói chuyện về máy móc với bạn bè và chỉ mong chóng tan học để chạy về nhà, leo lên căn gác xép ở thượng lương mà hí hoáy với những cây đinh, những cái kim, cái giũa.


      Hồi tám tuổi, ông mê  đồng hồ như các trẻ khác mê tiểu thuyết kiếm hiệp. Thấy đồng hồ nào hư, ông cũng tháo ra coi rồi sửa...và sửa được. Một người chơi thân với gia đình ông đã phải nói:"Đồng hồ nào ở trong làng này cũng phải run lên khi thấy thằng Henry tới gần". Lần lần, tài sửa đồng hồ của ông vang lừng trong miền. Ai có đồng hồ hư cũng đem lại nhờ "cậu Henry"sửa, và "cậu Henry" không bao giờ đòi tiền công: việc làm đó thú quá mà!

      Máy móc có sức quyến rũ ông kỳ dị. Trông thấy máy gì mới, ông cũng tìm hiểu cho kỳ được. Có lần lại một tiệm cưa, ông thừa lúc vắng người, tháo một cái máy chạy bằng hơi nước ra xem, bị máy kẹp, suýt nguy đến tánh mạng. Nhưng chỉ ít lâu sau, năm ông mười hai tuổi, ông đã bắt chước chế tạo được một máy nhỏ chạy bằng hơi nước, trong căn gác xếp của ông.

      Năm hai mươi tám tuổi, đọc một bài báo trong tạp chí Monde scientifique, tả một kiểu máy nổ do một người Đức phát minh, ông quyết chí thực hành cái mộng chế tạo xe hơi. Ông rời quê hương, lại Detroit ở, nhận một chân kỹ sư làm đ êm trong một hãng điện. Ông làm việc như mọi từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng, mà chỉ lãnh được một số lương khỏi chết đói. Nhưng ông không nản chí, còn gắng sức sửa đồng hồ, và dạy thêm trong một trường hướng nghiệp để kiếm thêm tiền, dành dụm, gây một số vốn, lập một xưởng nhỏ để chế tạo một kiểu máy nổ chạy bằng xăng. Năm năm sau, máy chế tạo xong, ông lắp nó vào một vỏ xe cũng do ông đóng lấy, và chiếc xe hơi đầu tiên của Mỹ đã xuất hiện: nó cao lồng nhồng không mui không thắng, chạy dật lùi không được, tốc độ cao nhất là 30 cây số một giờ. Bạn thử tưởng tượng: xe hơi không thắng mà chạy trong thành phố thì nguy hiểm biết chừng nào! Cho nên ông phải lắp một cái kiểng vào xe, và ông vừa lái vừa luôn tay đánh kiểng để báo cho bộ hành biết mà tránh.

      Mấy năm sau, ông lập Công ty xe hơi Detroit rồi Công ty xe hơi Cadillac, vốn 100.000 Mỹ kim. Mới đầu ông có 25% cổ phần nhưng kiếm được bao nhiêu ông lại đập cả vào vốn bấy nhiêu, nhất định phải có già nửa phần hùn để có đủ quyền điều khiển công ty theo ý muốn của mình. Chủ trương của ông là chế tạo xe cho thật nhiều, để giá xe được hạ, người nào cũng có thể mua được.


      Ông áp dụng phương pháp tổ chức công việc của Taylor, chú trọng tới sự lựa người, và việc dạy nghề cho thợ. Sáng kiến được khuyến khích, trọng thưởng. Lối làm chuyền được cải thiện. Nhờ vậy, kiểu xe mỗi ngày mỗi mới, sức sản xuất mỗi ngày mỗi tăng, giá vốn mỗi ngày mỗi hạ mà lương của thợ thuyền được tăng gấp đôi, trong khi số giờ làm việc rút xuống từ 9 giờ xuống 8 giờ mỗi ngày.
      Năm 1906 ông sản xuất được 8.400 chiếc xe; bốn năm sau, con số đó tăng lên 34.000; một năm sau nữa, nó tăng lên 78.000; và tới năm 1927 thì mỗi ngày ông sản xuất được 7.000 chiếc xe, tính ra cứ 7 giây đồng hồ, có một chiếc xe hơi ở trong xưởng ông từ từ chạy ra để được gởi đi khắp thế giới.
      Nhờ ông hiểu rằng cái lợi của thợ thuyền là lợi của ông, và cái lợi của khách hàng cũng là lợi của ông, mà luôn luôn tìm cách tăng lương cho thợ và hạ giá xe cho nên thợ thuyền và quần chúng ủng hộ ông trong một vụ tranh chấp với nhiều công ty lớn hơn ông, như công ty Seldon. Công ty này bắt ông phải theo quan niệm ích kỷ của họ là bán cho thật mắc, Ông không chịu, họ kiếm cớ kiện ông. Vụ kiện kéo dài hàng mấy năm. Tòa sơ thẩm đã xử ông thua. Sản nghiệp của ông muốn tiêu tan, nhưng ông can đảm đăng lên báo hết thảy nguyên do sự kiện và cam đoan với khách hàng rằng ông sẽ đem hết số vốn công ty để bảo đảm những chiếc xe ông sẽ chế tạo. Quần chúng thấy ông ngay thẳng và thành thực nghĩ tới lợi của họ, viết báo bênh vực ông và rốt cuộc, khi ông chống án thì ông thắng.
      Khi đại chiến thứ nhất bùng nổ ở Âu, ông đau khổ thấy biết bao máu thanh niên chảy trong những hầm núp trên mặt trận Pháp; cho nên lúc phong trào hoà bình manh nha ở Mỹ, ông hăng hái gia nhập liền; tuyên bố: "Nếu tôi có thể làm gì cho chiến tranh này ngưng được thì dù tiêu tan cả sự nghiệp, tôi cũng không ngại". Cuối năm 1915, ông bỏ tiền ra mướn chiếc tàu Oscar II và cùng với sáu sứ giả hòa bình nữa, vượt Đại Tây Dương qua châu Âu. Rủi thay, nửa đường ông bị bệnh nặng phải trở về Detroit, còn sáu người kia tiếp tục tới Stockholm, Copenhague, La Haye, hô hào người ta bỏ súng...Nhưng súng cũng vẫn nổ.

      Từ đó, ông hóa ra quạu quọ, chua chát, nhưng vẫn không ngớt tìm cách cải thiện kiểu xe Ford của ông. Năm ông sáu chục tuổi, cái tuổi mà ngay ở Mỹ, nhiều người chỉ tính tới chuyện về vườn dưỡng lão, thì ông còn hăng hái cải tổ lại hoàn toàn hãng Ford: ông bỏ ra 100 triệu Mỹ kim, thay 43.000 máy cũ, dạy lại nghề cho hết thảy thợ thuyền để chế tạo một kiểu xe mới, làm cho hãng Ford thành hãng xe hơi lớn nhất thế giới.

      Ông mất năm 1947, thọ 83 tuổi, sản nghiệp là nửa tỉ Anh kim (khoảng 100 tỉ bạc). Vài tháng trước khi mất, một buổi sáng nọ, ông cùng với một đứa chắt dạo mát trong vườn. Đương đi thì đứa nhỏ đánh rớt một vật gì trong cỏ. Ông hỏi:

      - Cháu đánh rơi cái gì đó?

      - Thưa, không có gì cả. Chỉ là một đồng xu thôi ạ.

      Ông già lặng thinh, cúi xuống tìm, lượm đồng xu lên, đưa cho dứa nhỏ. Nó ngạc nhiên, hỏi:


      - Người ta nói cố giàu nhất trong nước, phải không cố?

      - Ừ.

      - Thế thì sao cố lại chịu khó cúi xuống lượm đồng xu cho cháu?

      - Này, cháu, một ngày kia, nếu cháu phải sống cô độc trên một hoang đảo thì tất cả những giấy bạc ở thế giới này sẽ là giấy vụn hết. Nhưng một đồng xu sẽ quý vô cùng. Nó bằng đồng. Cháu có thể đập nó thành một ngọn giáo hoặc một đồ dùng. Ta coi trọng đồng xu đó vì tự nó đã có giá trị rồi, chứ không phải như tờ giấy bạc, chỉ để biểu hiệu một cái gì thôi. Đừng đánh rớt nó nhé. Đã chắc gì sau này cháu không khỏi bị bỏ cô độc trong một hoang đảo.



38. Đời Cơ Hàn Của Các Nhạc Sĩ

Ông Leopold Auer, giáo sư vĩ cầm nổi danh, người đã tìm được và  đ ào luyện được nhiều thiên tài về âm nhạc hơn hết thảy các giáo sư khác trong thế hệ này, có lần nói với tôi rằng muốn làm nhạc sĩ đa tài thì phải sinh trong một nhà nghèo. Ông bảo có cái gì đó ông không biết rõ nó là cái gì, có cái gì đó mà cảnh nghèo khổ gây ở trong tâm hồn ta, một cái gì bí mật, đẹp đẽ, nó làm nẩy nở tình cảm, nghị lực, lòng thương người, yêu người.

      Mozart nghèo tới nỗi không có tiền mua củi sưởi, phải sống trong một phòng tồi tàn lạnh lẽo và  đút hai bàn tay vào hai chiếc vớ len cho khỏi cóng, trong khi sáng tác những bản nhạc mê hồn đã làm cho tên tuổi ông bất hủ.

      Mới ba mươi lăm tuổi, ông đã lìa đời vì bệnh lao, sinh lực tiêu lần lần do đói, lạnh, thiếu thức bổ.


      Tội nghiệp, đám tang của ông chỉ tốn có nửa Anh kim. Chỉ có sáu người đi theo quan tài bằng ván thông của ông, mà họ không đưa ông được tới huyệt, nửa đường gặp mưa, họ bỏ về cả.

      Harold Stanford, bạn thân nhất của Victor Herbert nói với tôi rằng khi Victor Herbert mới tới châu Mỹ, nghèo lắm, chỉ có mỗi cái áo sơ mi, thành thử khi nào bà vợ giặt, ủi áo đó thì ông phải nằm khoèo ở giường không đi đâu được.

      Bạn còn nhớ bài mà hồi đầu đại chiến thứ nhất, hết thảy chúng ta đều hát đấy không? Bài "Đường đi tới Tipperary, dài, dài thăm thẳm"? Có lẽ chưa có bài tiến quân nào ca được quần chúng hoan nghênh bằng bài đó; mà người sáng tác nó, Jack Judge, ngày phải bán cá, đ êm phải đóng kịch mới đủ sống.

      Bài "Chỉ bạc trong vàng" cũng vào hạng nổi danh nhất. Hart P. Dank viết bài đó để tặng bà vợ, và  đem bán được có ba Anh kim. Sau, hai ông bà cãi nhau rồi bỏ nhau; và ông mất cách đây khoảng ba chục năm, trong cảnh bần hàn cô đơn, tại một căn nhà trọ tồi tàn. Trên một chiếc bàn kê ở đầu giường, nơi ông tắt nghỉ, người ta thấy một miếng giấy ghi mấy chữ này:"Giá mà sống cô đơn thực là khổ não".

      Một tập nhạc rất nổi danh là tập "Hoạt kê"(Humoresque). Lạ lùng thay, con một người đồ tể đã trứ tác nó ở bên những cái máng lúa trong một chuồng heo ở Iowa. Không có giờ nào, bất kỳ ngày hay đêm mà tập nhạc đó không được hát ở một nơi nào trên thế giới.

      Soạn giả tập đó là một người Bô Hem tên là Anton Dvorak. Năm mươi tuổi ông mới tới Hoa Kỳ, nhưng không chịu nổi cảnh ồn ào náo nhiệt ở Nữu Ước, ông lại một làng nhỏ ở Iowa, làng Spillville nơi đó hiện nay cũng vẫn chưa có một đường xe lửa hoặc một đường lát đá nào chạy qua.

      Ở Spillville ông đã soạn được một phần khúc"Tân thế giới hòa tấu"(New World Symphony) một trong những khúc thanh cao nhất của nhân loại.

      Ông sinh chín mươi hai năm trước trong một làng nhỏ ở xứ Bô Hem, tại châu Âu. Ông ít học, phải giúp việc trong nhà. Và trong khi ông làm dồi heo, cắt thịt thì các bài ca, các bản nhạc văng vẳng trong óc ông.

      Vì vậy, ông quyết chí tới Prague để học nhạc. Nhưng tiền đâu? Ông chỉ có ít đồng xin được của khách qua đường sau khi đờn vĩ cầm cho họ nghe, cho nên ông phải sống trong một phòng ở sát mái nhà tại khu nghèo nhất trong châu thành. Mà không được ở một mình nữa, phải ở chung với hai sinh viên khác cho đỡ tiền mướn.

      Mùa đông, phòng lạnh như băng; mà ông lại ốm yếu vì đói, vì phải nhịn ăn để mướn một dương cầm cũ kỹ phím đã hư bộn không còn dùng được. Ngồi ở bên dương cầm đó, trong phòng lạnh đó, ông đã soạn nhiều khúc hòa tấu đẹp, nhưng không có tiền mua giấy để chép lại. Thỉnh thoảng lượm được ở ngoài đường một miếng giấy, ông đem về, giữ kỹ để chép nhạc.

      Tuy nhiên ta không nên phàn nàn cho ông vì chính cảnh nghèo khổ đó đã giúp ông có thiên tài.
      Lần sau, bạn có thể nghe bản "Hoạt kê", bạn thử ráng tìm trong đó xem có một cái đẹp bí mật, một tình cảm êm ái triền miên mà nhờ chịu đau khổ, chịu đói lạnh, chịu thất vọng ông đã tìm ra, gợi được rồi ký thác vào tác phẩm?

39. Nhờ Vô Khám Mà Họ Thành Danh Sĩ

Nhà viết truyện ngắn nổi danh nhất thế giới là ai, bạn biết không? Tôi chắc bạn đã đọc truyện của nhà  đó rồi. Sách của ông ấy đã bán được trên sáu triệu cuốn; và  đã được dịch ra gần khắp thứ tiếng, kể cả tiếng Nhật, tiếng Tiệp Khắc, tiếng Đan Mạch, tiếng Na Uy, tiếng Thế Giới, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Thụy Sĩ, tiếng Nga. Bút hiệu của ông là O. Henry, và ông sanh cách đây khoảng bảy chục năm.

      Đời ông là một tấm gương rực rỡ cho ta soi: ông đã chiến đấu với những khó khăn phi thường và thắng được những trở ngại ghê gớm.

      Trước hết ông bị trở ngại vì ít học. Ông không có bằng trung học và chưa bao giờ bước chân vào một trường đại học, vậy mà những tiểu thuyết của ông hiện nay được nghiên cứu như những áng văn kiểu mẫu trong già nửa các trường đại học Hoa Kỳ.

      Rồi ông lại bị trở ngại vì bệnh tật tàn phá cơ thể ông. Các bác sĩ sợ ông sẽ chết vì lao phổi, bắt ông bỏ nhà cửa ở miền Bắc Carolina, xuống miền Texas chăn cừu trong một trại ruộng.

      Sau cùng ông mắc cái họa vô khám. Việc xảy ra như vầy:

      Sau khi sức đã bình phục, ông xin được một chân giữ két tại một ngân hàng ở Austin, xứ Texas.

Các cao bồi và chủ trại nuôi cừu ở miền đó thường vô ngân hàng và có thói quen, nếu các thầy ký trong ngân hàng bận việc quá thì tự mình lấy tiền ra, ký giấy biên nhận, rồi đi về.

      Thình lình một hôm, một viên thanh tra tới xét quỹ thấy thiếu tiền. O. Henry giữ két, chịu trách nhiệm, bị bắt, đem xử, và nhốt khám năm năm, mặc dầu có lẽ ông không tham lam, lấy một đồng nào trong két.

      Bị nhốt khám là một tai họa lớn, nhưng về một phương diện khác, lại là một điều rất may cho ông, vì nhờ ngồi khám mà ông bắt đầu viết những truyện ngắn và sau này được nổi danh trong những nước dùng tiếng Anh.

      Mới rồi, tôi nói chuyện với ông Warden Lawes, người coi khám Sing Sing. Ông bảo tôi rằng hầu hết những tội nhân trong khám đó đều muốn chép lại đời mình: vì vậy mà nhà khám mở một lớp dạy viết truyện ngắn cho họ. Họ không phải trả học phí. Tất nhiên là rất ít người thành công, tuy nhiên, có nhiều văn sĩ nổi danh nhờ đã viết trong khám.

      Chẳng hạn Walter Raleigh, con người bảnh bao, đính kim cương vào giầy, đeo trân châu ở tai, vị triều thần khéo nịnh, đã trải áo mình xuống bùn cho Nữ Hoàng Elisabeth giẫm lên, cũng đã viết sách trong khám. Ông ta bị giam mười bốn năm trường vì bị một chính khách ghen ghét.

      Phòng giam của ông ẩm ướt, chật hẹp, tường thấm bùn hôi hám. Ông khổ cực vì lạnh, cánh tay trái của ông bị phong thấp mà cứng đơ, bàn tay ông sưng lên, cử động rất khó. Nhưng mặc dầu đau lòng và khốn khổ ông cũng soạn được ở trong khám một bộ lịch sử thế giới mà hiện nay, sau ba trăm năm, các trường trung học và  đại học còn dùng.

      Trong mười hai năm, John Bunyan bị giam vì những tư tưởng về tôn giáo. Ở trong khám ông phải đánh dây để có tiền nuôi vợ và bốn đứa con. Nhưng trong khi tay ông đánh dây, thì óc ông suy nghĩ về những tư tưởng lớn lao và trong phòng giam tối tăm lạnh lẽo, ẩm thấp, ông đã viết một cuốn mà hầu hết các sinh viên Mỹ đã đọc tức cuốn Pilgrim s Progress. Trừ Thánh kinh ra, chưa có cuốn nào được dịch ra nhiều thứ tiếng bằng cuốn đó.

      Carvantes viết trong khám một cuốn sách có danh nhất cổ kim, cuốn Don Quichotte. Voltaire viết trong khám. Oscar Wilde viết trong khám. Tôi suýt muốn kết luận rằng nếu bạn muốn viết một cuốn sách, thì nên đi đập bể kính cửa sổ của người khác để được nhốt khám.

      Khi Richard Lovelace bị nhốt vô khám ở Anh, hai trăm rưởi năm trước, ông đã làm cho phòng giam của ông nổi danh vì ông viết trong đó một bài thơ bất hủ. Đó là một bài thơ tình ông gởi cho người yêu của ông. Bài ấy nhan đề là: Viết ở trong khám để tặng Althea.

      Vách đá không làm thành một cái khám,

      Chấn song sắt cũng không làm thành một cái lồng.

      Tâm hồn nào trong sạch, và vô tội.

      Gọi đó là một nhà tu.

      Nếu trong tình yêu anh được tự do,

      Và trong tâm hồn anh được tự do,

      Thì chỉ có những bực thiên thần trên cao kia,

      Mới được vui hưởng một sự tự do như vậy.

40. Trí Nhớ Tầm Thường Cũng Có Thể Thành Thiên Tài

Một hôm ăn cơm trưa tại khách sạn Vandebilt, ở Nữu Ước, tôi lấy làm lạ rằng sao cô coi phòng gởi áo, dỡ nón của tôi cất đi mà không đưa cho tôi một cái vé. Tôi hơi ngạc nhiên, hỏi cô tại sao vậy; cô đáp là không cần, vì cô nhớ mặt tôi rồi, mà quả thực vậy. Cô bảo đã thường cất nón và áo cho hai trăm người khách, chất đống một chỗ, và khi khách ra về, nón, áo của ai cô trả cho người đó, không hề lầm lộn bao giờ. Tôi hỏi người quản lý khách sạn, ông này nhận rằng đã mười lăm năm, ông ta chưa thấy cô ấy nhớ lộn lần nào.

      Tôi ngờ rằng ông Thomas Edison không nhớ nổi như vậy, và bạn có tặng cho ông một triệu Anh kim, ông cũng đành chịu. Trí nhớ của ông kém lắm, nhất là hồi ông trẻ. Ở trường, học đâu quên đấy, luôn luôn phải đội bảng, làm cho các thầy học đều thất vọng, cho óc ông là rỗng không, đần độn quá không học được. Các bác sĩ cũng bảo ông sau này tất đau óc vì hình dáng đầu ông kỳ cục quá. Sự thực, suốt đời ông, ông chỉ đi học có ba tháng. Rồi ông về nhà, bà thân ông dạy ông; và chúng ta phải mang ơn cụ vì nhờ cụ mà Thomas Edison đã biến đổi hẳn thế giới chúng ta đương sống đây.
      Nhưng sau này, Thomas Edison đã luyện một tri nhớ đáng phục về những sự kiện khoa học, thuộc hết những sách khoa học trong thư viện mênh mông của ông. Ông tập được tài tập trung tư tưởng một cách kỳ dị, quên hết được mọi việc trừ công việc ông đương làm.

      Một hôm, ông đem hết tâm trí để giải một bài toán khoa học trong khi ông lại tòa đóng thuế. Ông phải đứng nối hàng một lúc, và khi phiên ông tới thì ông quên bẵng tên ông đi. Một người đứng bên, thấy ông lúng túng, nhắc cho ông rằng tên ông là Thomas Edison. Sau ông kể lại rằng, những lúc như vậy, dù gặp việc nguy cấp đi nữa ông cũng không nhớ ngay tên ông được, phải đợi một chút mới lần lần nhớ ra.

      Ông thường làm việc suốt đ êm trong phòng thí nghiệm. Một buổi sáng, trong khi đợi điểm tâm, ông buồn ngủ quá, gục xuống ngủ. Một người giúp việc ông, vui tính muốn phá ông, đặt những chén đĩa dơ của mình mới ăn xong ở trước mặt ông. Ít phút sau, ông tỉnh dậy, giụi mắt, thấy những miếng bánh vụn bên cạnh một đĩa hết nhẵn đồ ăn và một ly cà phê cạn, suy nghĩ một chút rồi cho rằng trước khi ngủ mình đã ăn rồi, bèn đứng dậy, châm một điếu xì gà, hút và bắt đầu làm việc, không hay gì hết, cho tới khi các người giúp việc cười ồ lên ông mới biết rằng mình bị gạt.

      Asa Grey, nhà thực vật học trứ danh ở Mỹ, có thể đọc thuộc lòng tên của hai mươi lăm ngàn giống cây; và theo sách chép thì Jules César có thể nhớ được tên của hàng ngàn quân lính.

      Trường đại học lớn thứ nhì ở thế giới là một trường của tín đồ Hồi giáo tại Caire, kinh đô Ai Cập. Muốn được vô học, thí sinh phải đọc thuộc lòng trọn kinh Coran. Kinh đó dài bằng kinh Tân Ước và  đọc ba ngày mới hết. Vậy mà có trên hai chục ngàn sinh viên thuộc lòng nó được.

      Byron khoe rằng có thể nhớ hết thảy những bài thơ của ông. Nhưng Walter Scott lại nhớ dở lắm: một bài thơ chính ông làm mà ông cứ tưởng là của Byron, thành thử khen nó nhiệt liệt.

      Francis Bacon thuộc lòng một trong những cuốn nổi danh nhất của ông; còn Joseph Fefferson, luôn trong mười hai năm, gần như đ êm nào cũng diễn kịch Rip Van Winkle mà cũng vẫn quên hoài.

      Sử gia Macaulay có lẽ nhớ giỏi nhất, từ xưa đến nay không ai bằng. Ông chỉ nhìn một lần một trang giấy nào là óc ông như chụp hình trang giấy đó rồi. Ông chỉ đọc một lần một chương sách là thuộc. Cho nên ông viết sử mà không cần thu thập sách để tra cứu, vì bao nhiêu sách để ở cả trong óc ông. Tương truyền có lần muốn thắng cuộc, ông học một đêm mà thuộc tập Paradise Lost.


      Calvin Coolidge mỗi đêm thường đọc ít trang Paradise Lost trước khi đi ngủ. Nhưng nếu bạn mất ngủ thì nên đọc nó: công hiệu hơn thuốc ngủ đấy.

      Nhiều người có một trí nhớ lạ lùng. George Bidder là một người Anh phong lưu, mất trên sáu chục năm trước. Khi mới mười tuổi, chỉ mất hai phút, ông ta đã tính nhẩm được tiền lời của 4444 Anh kim, đặt lãi 4 phân rưỡi mỗi năm, trong 4444 ngày.

      Cách đây không bao lâu, một người kỳ dị, chết ở Coldwaten, xứ Michigan. Người ta gọi ông là "Đường rầy Jack". Ký tính của ông lạ lùng; trong hai chục năm, ông lại khắp các trường đại học khoe tài với các sinh viên. Ông thường lại một khách sạn mà các sinh viên hay lui tới ăn uống, bảo: Tôi là"Đường rầy Jack"đây. Cho các anh hỏi tôi bất kỳ điều gì về Sử Ký, tôi sẽ đáp đúng cho mà coi. Họ bèn hỏi ông những câu bí hiểm như: "Bà Socrate cưới ông Socrate hồi bao nhiêu tuổi?". Và ông ta trả lời tức thì: "Ông Socrate bốn chục tuổi mà chưa lập gia đình; rồi mặc dầu ông hiền triết làm vậy, mà cưới một cô dưới mình mười chín cái xuân xanh". Hoặc họ hỏi người ta dùng lưỡi lê  đầu tiên ở trận nào, ông đáp ngay là trong trận Killiecrakie ở Scotland, ngày 27 tháng 7 năm 1689. Tất nhiên các cậu sinh viên phải tặng ông ta một bữa cơm và góp tiền để mua cho ông ta một bộ áo.
      "Đường rầy Jack"mất năm bảy mươi chín tuổi trong một ngôi nhà cũ, bỏ hoang. Ông để di chúc lại, tặng xác ông cho đại học đường Michigan để ban y khoa xem xét bộ óc ông mà tìm nguyên do tại đâu ký tính ông lạ lùng như vậy. Tôi đã viết thư hỏi Giáo Sư W. B. Pillsbury, khoa trưởng ban Tâm Lý ở trường đại học đó, ông đáp rằng:"Đường trầy Jack" đã tốn công luyện ký tính và chuyên học sử mà dược vậy. Ông lại nói rằng khoa học đã xét nhiều người có ký tính lạ lùng thì thấy một số cực kỳ thông minh, còn một số khác gần như ngu đần.

      Như vậy nghĩa là nếu bạn có một ký tính phi thường thì một là bạn gần bậc thiên tài, hai là bạn gần bọn điên. Xin bạn tự xét lấy xem mình ở hạng nào.



      Còn nếu như ký tính của bạn tệ như của tôi, thì xin bạn cũng dừng buồn, vì Léonard de Vinci, một danh nhân bậc nhất cổ kim, mà muốn nhớ điều gì, luôn luôn phải ghi vào sổ tay, và hễ ghi xong là  đánh mất, kiếm lại không ra, như bạn và tôi vậy.

HẾT
Каталог: UserFile -> Document
UserFile -> 29 Thủ tục công nhận tuyến du lịch cộng đồng
UserFile -> BÀi phát biểu củA ĐẠi diện sinh viên nhà trưỜng sv nguyễn Thị Trang Lớp K56ktb
UserFile -> BỘ XÂy dựNG
UserFile -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
UserFile -> BỘ XÂy dựng số: 10/2013/tt-bxd cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
UserFile -> BỘ CÔng thưƠng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
UserFile -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam kho bạc nhà NƯỚC Độc lập Tự do Hạnh phúc
UserFile -> MÔn toán bài 1: Tính a) (28,7 + 34,5) X 2,4 b) 28,7 + 34,5 X 2,4 Bài 2: Bài toán
Document -> Lêi nãi ®Çu TÝnh cÊp thiÕt cña ®Ò tµi
Document -> Lêi nãi ®Çu

tải về 0.69 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương