40 Gương Thành Công Tác giả: Dale Carnegie



tải về 0.69 Mb.
trang1/8
Chuyển đổi dữ liệu06.11.2017
Kích0.69 Mb.
#34073
  1   2   3   4   5   6   7   8
40 Gương Thành Công

Tác giả: Dale Carnegie

Dịch giả: Nguyễn Hiến Lễ



1. Somerset Maugham

Theo bạn, kịch nào có giá trị nhất từ trước? Có lần, các nhà phê bình nổi danh về kịch đã bầu kín ở Nữu Ước để lựa lấy mười kịch có giá trị nhất thì kịch Hamlet đứng đầu sổ. Kịch đó viết cách đây trên ba trăm năm. Rồi kịch thứ nhì không phải là kịch Macbeth, hoặc kịch Vua Lear, kịch Nhà buôn ở Venice, mà là kịch Mưa. Vâng, kịch Mưa, một kịch diễn sự chiến đấu dông tố giữa Tình dục và Tôn giáo, một kịch soạn theo một chuyện ngắn của Somerset Maugham.

      Kịch Mưa đã đem lại cho Maugham bốn chục ngàn Anh Kim, mà ông không mất chút công nào để soạn nó.

      Việc xảy ra như vầy: Ông viết môt truyện ngắn nhan đề là Sadie Thomson. Viết xong, ông chẳng nhớ gì tới nó nữa. Nhưng một đêm John Colton lại chơi nhà ông, và Colton muốn có cái gì đọc để vỗ giấc ngủ, Maugham bèn đưa cho Colton ấn cảo truyện đó.

      Colton say mê  đọc, kích thích lạ lùng. Ông nhẩy xuống sàn đi đi lại lại, tưởng tượng ra như thấy truyện đã diễn thành kịch, một kịch sau này sẽ bất hủ.

      Sáng hôm sau, ông chạy tìm Somerset Maugham, bảo:"Truyện này viết thành một kịch hay được. Tôi đã nghĩ về nó suốt đêm hôm qua. Báo đời! Biểu cho người ta đọc cái gì để dễ ngủ, mà làm cho người ta không chợp mắt lấy được một phút!".

      Nhưng Maugham vẫn thản nhiên đáp:

      - Viết thành kịch ư? Một kịch bệnh hoạn thì được. Rồi đem diễn được trong sáu tuần lễ. Không đáng để ý tới. Thôi đi.

      Và chính kịch mà ông không thèm để ý tới đó đã đem lại cho ông bốn chục ngàn Anh Kim.

      Kịch viết xong, nhiều gánh hát từ chối. Họ tin chắc rằng sẽ thất bại. Chỉ có Sam Harris chịu nhận. Ông sở dĩ nhận là có ý cho một đào trẻ tên là Jeanne Eagels đóng. Nhưng người quản lý gánh hát không chịu, muốn lựa một đ ào có danh hơn.

      Rốt cuộc, Jeanne Eagels cũng được đóng và nàng thành công. Kịch diễn bốn năm rưỡi một lần, lần nào cũng có nàng và lần nào rạp cũng đông nghẹt.

      Somerset Maugham đã viết nhiều tiểu thuyết có danh như Of Human Bondage, The Moon and Six-pence và The Painted Veil, khoảng hai chục kịch hay. Nhưng chính kịch trứ danh nhất của ông thì, ông lại không viết.

      Bây giờ nhiều người coi ông là một thiên tài, nhưng hồi mới bắt đầu viết, ông thất bại luôn mười một năm. Nhà văn đã kiếm được hai trăm ngàn Anh kim đó, trong mười một năm ấy chỉ kiếm được mỗi một Anh kim.

      Nhiều lúc đói, ông muốn xin một chân trong tòa soạn một nhà báo nào đó để có một số tiền nhất định mỗi tháng, nhưng không ai nhận ông cả. Ông bảo: "Kiếm không được việc tôi đành phải tiếp tục viết như vậy". Lúc đó ông đã đậu bằng cấp y khoa bác sĩ, họ thôi thúc ông bỏ truyện ngắn, truyện dài đi mà làm thuốc ra toa cho tấm thân đỡ cơ cực. Nhưng không có gì làm ông thay đổi quyết định sắt đá của ông là lưu danh lại trên những trang Văn học sử Anh.

      Bod Ripley, nổi danh về cuốn Believe it or not, có lần bảo tôi:"Một người có thể làm việc như mọi không ai biết đến, trong mười năm rồi nổi danh trong mười phút". Lời đúng với Ripley và cả với Maugham.

      Lần đầu tiên Somerset Maugham được nổi danh là do một ngẫu nhiên. Một kịch nào đó thất bại và ông bầu một gánh hát kiếm một kịch bản khác để thay. Chủ ý ông chưa muốn kiếm một kịch được hoan nghênh, chỉ muốn kiếm một kịch cũ cũ nào đó diễn đỡ, đợi ngày gặp được một kịch có chân giá trị. Vậy ông tìm bậy trong tủ của ông, xem ra may được một kịch nào chăng, và rút ra một kịch của Somerset Maugham, nhan đề là Lady Frederick. Kịch đó ông nhét vào tủ đã mấy năm rồi, nhớ đã đọc qua, và biết là chẳng hay ho gì, nhưng diễn tạm được ít tuần. Ông bèn cho diễn. Và phép mầu đã hiện ra. Kịch Lady Frederick thành công rực rỡ. Khắp thành phố London, ai cũng nói tới. Từ hồi Oscar Wilde tới nay, chưa có kịch gia nào làm cho người Anh vui thích như vậy.

      Tức thì hết thẩy các ông bầu hát ở Luân Đôn tranh nhau xin kịch của Somerset Maugham. Ông lục lọi các vở kịch cũ trong tủ ra, và chỉ trong vài tuần, ba kịch của ông được đem diễn trong những rạp lớn.

      Tiền tác giả chảy vô như suối. Các nhà xuất bản lăn xả vô xin ký giao kèo với vị thiên tài mới xuất hiện đó. Giấy mời của các hội bay tới như mưa, và sau mười năm sống trong bóng tối, Somerset Maugham bỗng được hoan nghênh trong các phòng khách sang trọng nhất.

      Ông nói với tôi rằng không khi nào ông làm việc quá một giờ trưa, vì buổi chiều, óc ông như đặc lại. Ông viết dưới một mái hiên trên từng thượng biệt thự của ông ở Nice. Luôn luôn ông hút ống điếu và  đọc sách triết lý khoảng một giờ rồi mới bắt đầu viết. Khi quân Đức chiếm nước Pháp, ông qua Nam Caroline viết trong một đồn điền.

2. Glenn L. Martin

Đêm rằm tháng giêng năm 1886, bà Minta Martin ở Macksbung nằm mộng thấy ngồi trên một cái máy, bay trên không trung, lượn trên châu thành bà ở, đưa tay ra vẫy vẫy bạn bè  đứng dưới đường và buồn rầu vì họ không thể bay như mình được.

      Việc đó xảy ra mười bảy năm trước khi hai anh em Wright bay thử lần đầu.

      Gặp lúc khác thì chắc bà không để ý gì tới giấc mộng đó cả, nhưng hồi ấy bà  đương có mang và  đã được nghe nhiều người đoán điềm giải mộng nên bốn mươi tám giờ sau, khi sanh con trai là Glenn Martin thì bà tin rằng con bà sau này sẽ bay được trong không trung như bà.

      Điều lạ lùng nhất trong truyện đó là con bà sau tập bay thật, sau hai anh em Wright một chút và là người thứ ba ở Châu Mỹ lái một máy bay tự mình sáng chế ra.

      Bây giờ Martin là người đứng đầu trong kỹ nghệ hàng không mà ông đã làm cho phát triển một cách phi thường. Xưởng chế tạo của ông, tức công ty Glenn L. Martin, ở gần Baltimore xứ Maryland, là một trong ba xưởng chế tạo phi cơ lớn nhất thế giới. Ông đã đóng những chiếc Marauder cho lục quân, Mariner cho hải quân và Baltimore cho nước Anh. Ông là nhà chế tạo phi cơ danh tiếng nhất thế giới. Mà nếu thân mẫu ông không nằm mộng thấy mình bay lên trên không trung thì có lẽ ông đã không lựa nghề đó.

      Bạn hỏi tôi:

      - Tại sao vậy?

      Là vì suốt thời thơ ấu của ông, bà cụ thường kể cho ông nghe giấc mộng ấy, gây cho ông một mục đích cao vời, một quyết tin, một tham vọng: chinh phục được thế giới của bão tố. Mà ở trên những cánh đồng cỏ miền Kansas, nơi tuổi thơ ông trôi qua, luôn luôn có những trận bão tố dữ dội cần phải chế ngự.

      Trong một cuộc phỏng vấn, ông kể cho nghe rằng những trận gió ở Kansas đã đóng một vai trò chủ yếu trong thời thiếu niên của ông. Hồi sáu tuổi, ông lấy một chiếc mền cột vào chiếc xe nhỏ sơn đỏ, rồi cho gió thổi xe chạy trên đường phố như thuyền buồm chạy trên sông.

      Sau ông đi giày đạp tuyết, tay cầm một chiếc buồm tự ông cắt lấy rồi để gió đẩy chạy trên băng. Ông cũng dùng cách đó để khỏi phải đạp xe máy. Ông bảo rằng thời đó hễ gặp một khu rộng nào có thể dùng buồm để di chuyển được là ông cũng mê mẩn, như bị thôi miên.

      Tôi ngờ rằng cái thời xa xăm ấy, thời bà cụ Martin còn ở Kansas thì cụ chưa hề được nghe chữ tâm lý nhưng cụ đã dùng một phương pháp tâm lý mà các tâm lý gia ngày nay chắc chắn đều công nhận là hiệu quả, để nung lòng can đảm và  đức tự tin của con trai. Khi con khôn lớn, làm được một việc gì thì cụ để cho cậu tự lãnh lấy mọi trách nhiệm. Một lần cậu muốn có một đôi giày trượt tuyết mà không có tiền mua, cụ bảo cậu lại tiệm thợ rèn mà mượn đồ, xin sắt, tự rèn lấy một đôi, cậu vâng lời làm liền. Muốn có một chiếc diều, cậu cũng phải làm lấy. Và  đọc một tạp chí, cậu đã nảy ra ý chế ra một kiểu diều rất mới có hai tầng cánh. Cậu ráp nó trong nhà bếp và khi thấy nó bay thẳng hơn, cao hơn tất cả những diều khác ở Kansas, cậu thích thú, hăng hái vô cùng.

      Cậu hãnh diện về sự thành công đó đến nỗi tự tổ chức cuộc thi diều và cậu thắng. Thế là các trẻ em trong châu thành đều năn nỉ cậu làm cho một chiếc diều như của cậu.

      Cậu bé Glenn Luther Martin - mà năm chục năm sau chế tạo được chiếc phi cơ lớn nhất thế giới, chiếc Mars. Hồi đó lập một xưởng làm diều trong nhà bếp của bà cụ. Mỗi đ êm cậu làm được ba chiếc diều và bán hai cắc rưỡi một chiếc: trả mặt một cắc rưỡi cho trả góp làm ba tuần, mỗi tuần năm xu.

      Lòng tự tin của cậu còn tăng lên nữa khi cậu thấy mình có khiếu về máy móc và có thể làm được nhiều đồ mà các trẻ khác làm không được.

      Ba chục năm sau, khi ông đã chế tạo những phi cơ đánh đắm được nhiều chiến hạm, một ký giả ở Cleveland lại phỏng vấn ông về những bước đầu trong nghề, ông đáp:

      - Má tôi đã ảnh hưởng nhiều đến tôi. Người đã khuyến khích tôi làm diều trong nhà bếp. Người đã tập cho tôi đức tự tin.

      Khi những chiếc xe hơi đầu tiên xuất hiện ở Kansas, Martin chỉ ước ao mỗi một điều là  được lái loại xe kỳ dị chạy không cần ngựa đó. Ông xin được vào làm trong một hãng sửa xe. Sau này, khi gia đình ông dời qua Santa Ana ở California, ông mở một hãng sửa xe, xin được làm đại lý các hãng xe Ford và Maxwell. Hồi đó, ông hai chục tuổi, làm nghề bán và sửa xe ấy mà kiếm được từ ba đến bốn ngàn Mỹ kim mỗi năm.

      Rồi một việc xảy ra làm cho cuộc đời ông thay đổi hẳn.

Một buổi sáng năm 1905, một tin trong báo làm ông sửng sốt rồi như bị thôi miên: hai anh em Wright ở Kitti Hawk, miền Bắc Caroline, đã bay được trong một trăm giây. Tin đó kích thích ông vô cùng, ông nhận ra rằng thứ máy bay đó đương rầm rộ mở một kỷ nguyên mới.

      Vậy ra hai anh em Wright đã bay được trong một trăm giây. Ông lấy đồng hồ ra, đếm một trăm giây, rồi tự nhủ: "Có người bay được một trăm giây thì sau này sẽ có người chế tạo được những máy bay bay được một giờ, có lẽ năm giờ.... biết đâu chừng?"

      Vài tháng sau ông lại bị kích thích một lần nữa: ông thấy một tạp chí kỹ thuật in hình phi cơ của hai anh em Wright. Nghiên cứu tỉ mỉ hình đó xong, ông thưa với bà cụ:

      - Xét cho kỹ thì chẳng qua máy bay chỉ là một chiếc diều lớn có động cơ. Con làm diều được, thì cũng chế tạo một chiếc máy bay như vậy được, để con làm rồi lắp ráp cho má xem.

      Bà cụ nhớ lại giấc mộng hồi xưa, đáp:

      - Con có lý, con có lý, con tất làm được.

      Hồi đó ông hai mươi tuổi, ham bay tới nỗi muốn bỏ hết thời giờ vào việc chế tạo máy bay. Nhưng không được như sở nguyện vì còn phải kiếm ăn nữa, cho nên ban ngày đ ành trông nom hãng xe hơi, còn ban đ êm, ồ ban đ êm, thì tha hồ muốn làm gì thì làm. Mới đầu ông đóng một kiểu diều lớn chở nổi một người, không có động cơ, rồi ông tập bay thử. Sau nhiều tháng tập bay như vậy, ông nóng lòng muốn chế tạo một phi cơ thực, có động cơ đ àng hoàng. Nhưng phải làm ra sao bây giờ? Ông mù tịt hay gần như mù tịt về khoa khí động học, và chưa được học tập về kỹ thuật bao giờ.

      Mặc dầu vậy ông cũng cố đóng một chiếc máy bay, không có bản đồ vẽ trước, mà cũng chẳng được ai giúp đỡ, chỉ bảo. Ông hăng hái lắm, lại một thư viện công cộng, đọc sách về kỹ thuật xây cầu vì ông nghĩ rằng biết cách xây cầu thì sẽ tìm được cách đóng một chiếc phi cơ nhẹ chở được một người và một động cơ.

      Năm 1908 ông chế tạo xong chiếc phi cơ thứ nhất trong một nhà thờ bỏ hoang ở Santa Ana, xứ Californie mà ông phải mướn mỗi tháng mười hai Mỹ kim. Thân phụ ông mắc cỡ vì có đứa con điên điên khùng khùng bán xe hơi kiếm được rất nhiều tiền thì không chịu lại bỏ phí thì giờ chế tạo những máy để bay. Thanh niên trong tỉnh thấy ông bỏ ăn, bỏ ngủ, không biết là ngày lễ, ngày nghỉ là gì, cặm cụi hết tháng hết năm, cũng chế giễu ông nữa. Một bà già nọ lại thuyết thân mẫu ông để cụ bảo ông bỏ cái ý của ma quỷ đó đi.

      - Nếu thượng đế muốn cho loài người bay được thì đã cho chúng ta cặp cánh rồi, phải không cụ?
      Chỉ mỗi có một người khuyến khích ông là thân mẫu ông. Cụ nhớ lại giấc mộng của cụ. Cụ tin chắc con cụ sẽ bay được. Mỗi đ êm cụ cặm cụi với con trong ngôi nhà thờ hoang, cầm chiếc đ èn dầu chiếu sáng cho con làm. Kẻ tò mò ngó qua cửa sổ xem thằng khùng đó làm cái trò gì. Ông bực mình sơn các cửa kính không cho ai nhìn qua được nữa. Rồi ông khóa cửa lại. Nhưng họ vẫn tới để cười, chế ông. Ông lại phải mướn người coi cửa để ngăn họ đừng tới gần.

      Luôn mười ba tháng như vậy, hai mẹ con ông làm việc đ êm này qua đ êm khác, cả trong đ êm lễ Giáng Sinh, cả trong đ êm Nguyên Đán. Nhưng xin bạn đừng phàn nàn cho họ. Công việc đó không phải là một công việc thường: nó là một sự đam mê. Không phải là một chuyện đóng một phi cơ mà là chuyện chinh phục thế giới của gió bão, cho một giấc mộng thành sự thật. Chắc chắn hồi ấy ông sống vui thích hơn một ông vua hoặc một nhà triệu phú rất nhều. Có lần ông bảo tôi rằng mười ba tháng đó là quãng đời đẹp nhất của ông.

      Ông lắp một động cơ hai mã lực vào phi cơ của ông. Muốn cho nhẹ, ông thay cái vỏ gang bằng một cái vỏ đồng. Ông phải đẽo sáu chiếc chong chóng mới được một cái vừa ý.

      Sau cùng phi cơ đóng xong. Phải phá một vài mảng tường của nhà thờ rồi ngày cuối tháng bảy năm 1909, vào nửa đ êm, Glenn Martin và hai người phụ tá, đẩy máy bay ra ngoài, cho ngựa kéo nó lên đường cái hơn năm cây số nữa, tới một cánh đồng để sáng sớm hôm sau bay thử. Sở dĩ phải kéo ban đ êm như vậy là  để cho ngựa không thấy hình thù kỳ dị của nó mà hoảng hốt.

      Tinh sương ngày mùng một tháng tám năm 1909, Glenn Martin leo lên phi cơ, mở máy, động cơ nổ vang trời. Ông lên số, máy ông rung chuyển mạnh, đâm xiên đâm xẹo, rồi thì, ôi phép mầu! Nó cất cánh được. Em nhỏ Glenn Martin xưa làm diều trong nhà bếp ở Kansas nay đã bay được. Phút đó là phút quan trọng nhất đời ông.

      Sau ông đóng những chiếc China Clipper, tức những phi cơ đầu tiên đã vượt Thái Bình Dương và  đóng rất nhiều phi cơ chiến đấu.

      Đời ông là một tấm gương sáng cho ta thấy năng lực phi thường của một ý chí chuyên chú vào một mục đích độc nhất. Mới rồi ông nói với tôi:

      - Nếu ông lựa một con đường và không khi nào quên mục đích của ông thì dù con đường khó khăn, lởm chởm đến đâu, rốt cuộc thế nào ông cũng tới được một nơi nào đó.



3. S. Parkes Cadman

Hồi trước, ở Nữu Ước, lúc nào rảnh, tôi thường qua sông East River để phiếm đ àm vài giờ thú vị với S Parkes Cadman ở Brooklyn. Ông là một trong những người nổi danh nhất ở Mỹ. Ông giảng đạo trong nhiều năm và là một người tiền phong về phát thanh.

      Nếu bạn cho rằng bạn làm không kịp thở thì xin bạn nghe tôi kể những công việc thường ngày của ông.

      Bảy giờ sáng ông dậy, trả lời hai chục hoặc ba chục bức thư, viết một ngàn rưỡi chữ cho tờ báo của ông, soạn một bài thuyết giáo, hoặc viết tiếp một cuốn sách, đi thăm năm hay sáu tín đồ, trở về nhà, đọc trọn một cuốn sách mới xuất bản, vậy là xong việc trong ngày đó, và  đi ngủ vào khoảng hai giờ sáng.

      Theo chương trình đó trong bốn mươi tám giờ thì tôi sẽ tối tăm mặt mũi lại, vậy mà ông giữ đúng được hàng tháng, hàng năm! Bạn thử tưởng tượng xem! Có lần tôi hỏi ông làm cách nào. Ông đáp là dễ lắm, chỉ việc dự tính trước công việc.

      Ông bảo không đọc thư cho thư ký đánh máy mà  đọc trước một máy ghi âm, như vậy mỗi ngày tiết kiệm được một giờ. Ông lại nói chính Gladstone đã cho ông một bài học quý giá về cách làm việc. Khi điều khiển chính sự nước Anh, Gladstone kê bốn cái bàn trong phòng làm việc: một bàn cho các công việc văn học, một bàn cho thư từ, một bàn cho các việc chính trị và một bàn cho những việc nghiên cứu riêng. Gladstone nghĩ rằng thay đổi công việc thì làm việc được nhiều hơn, nên làm ở bàn này một lúc rồi qua bàn khác. Ông Cadman cũng theo đúng vậy, thay đổi công việc luôn và theo ông thì nhờ vậy óc ông được minh mẫn.

      Ông thay đổi cả sách đọc. Nếu bạn tưởng rằng học giả Cadman chỉ đọc những sách về thần học, thì bạn lầm lớn. Ông cho rằng phải đổi sách đọc cũng như đổi món ăn. Vì vậy mỗi tuần ông đọc hai ba cuốn tiểu thuyết trinh thám. Ông thích Sherlock Holmes và cho truyện The hound of the Baskervilles là truyện trinh thám hay nhất từ trước tới nay.

      Ngày tôi lại thăm ông, tôi thấy bốn cuốn sách trên bàn. Một cuốn giảng cách lựa thức ăn hàng ngày của bác sĩ Hay; một cuốn nhan đề là The Romance of Labrador (loại tiểu thuyết phiêu lưu), một cuốn hồi ký về triều đình vua Louis XIV, và một truyện trinh thám mới xuất bản.


      Theo tôi cái điều lạ lùng nhất trong con người lạ lùng đó là ông làm phu trong mỏ than ở quê ông, ông mới mười một tuổi, và trong mười năm đằng đẳng ông tiếp tục làm dưới mỏ tám giờ mỗi ngày để nuôi một bầy em dại.

      Bấy giờ ai mà chẳng nghĩ rằng ông không làm sao thành người có học được. Vậy mà sau này ông thành một người học rộng nhất châu Mỹ. Ông bảo tôi rằng bất kỳ về ngành nào trong văn học Anh, ông cũng biết được kha khá. Hồi ông làm mỏ, luôn luôn phải đợi một hoặc hai phút để người ta trút hết than trong xe ông đẩy, trong lúc đợi, ông rút trong túi ra một cuốn sách. Bạn biết rằng trong mỏ than tối tăm đến nỗi đưa bàn tay ra cũng khó thấy được, vậy mà ông ránh đọc sách nhờ ánh sáng mù mù của chiếc đèn cũ. Bạn lại nhớ mỗi lần ông được nhiều lắm là  được một trăm hai mươi giây song ông vẫn mang sách theo. Ông bảo rằng thà không đem cơm theo chứ không chịu không đem sách theo.

      Vì ông biết chỉ có mỗi một cách thoát được cảnh ngục trong mỏ là  đọc sách. Cho nên trong mười năm làm phu mỏ, mượn hay xin được cuốn sách nào trong làng bên cạnh là ông cũng đọc, trước sau hơn một ngàn cuốn. Vậy thì sau ông thành công, có gì lạ đâu. Một người như ông thì không có sức gì làm cho phải ngừng bước mà không tiến nữa. Mười năm sau sức học của ông đã kha khá, ông thi đậu một cách vẻ vang và  được học bổng vào trường đại học Richmond.
      Mỗi chủ nhật ông giảng đạo cho trên năm triệu tín đồ. Ông là một nhà thuyết giáo nổi danh nhất. Khắp thế giới đều được nghe giọng ông. Một lần đề đốc Byrd đánh vô tuyến điện tín từ Litte American cho ông để tỏ nỗi vui của bọn thám hiểm khi bắt được tiếng ông ở một nơi chân trời, gần Nam Cực. Vậy mà khi Cadman mới tới châu Mỹ, ông chỉ xin được việc thuyết giáo trong một nhà thờ, cho một trăm rưỡi tín đồ ở Millbrook, tiểu bang Nữu Ước. Họ định trả ông mỗi năm một trăm hai mươi Anh kim, nhưng không đủ tiền, đành trả ông bằng heo, gà, trái bom, khoai tây. Có người tặng ông một đống rơm.

4. Đại Tướng Montgomery

Chín trăm lẻ hai chiến tranh đã xảy ra trong hai ngàn rưỡi năm nay: vậy mà  đại tướng Anh là Bernard Montgomery đã lập được một kỷ lục mới trong nghệ thuật cầm quân. Trong mười lăm tuần lễ, ông và  đội quân thứ tám của ông, tức "Đội quân sông Nile" đã đánh đuổi đại tướng Rommel và  đội quân Phi Châu chạy dài khoảng ba ngàn cây số ra khỏi sa mạc Phi châu.

      Trước khi ra quân, đại tướng Montgomery bảo sĩ tốt rằng họ sắp chiến đấu một trận quyết liệt trong lịch sử, một trận có lẽ đổi hướng cho đại chiến thứ nhì. Mà  đúng vậy. Nếu đại tướng đại bại ở El Alamein thì quân Đức đã chiếm được Ai Cập, kinh Suez và có lẽ cả những mỏ dầu ở Iran và Iraq. Rồi họ có thể băng qua Ấn Độ bắt tay quân Nhật và cắt đứt những đường tiếp tế từ Nga và Trung Hoa.


      Vậy mà thiếu chút nữa đại tướng đã không được cơ hội cầm quân ở El Alamein. Nguyên do là trong đại chiến thứ nhất, tại trận Meteron ông bị thương nặng ở phổi đến nỗi người ta tưởng ông đã chết và  đem đi chôn. Thân mẫu ông kể lại chuyện đó như sau:

      "Bernard ngã gục và người lính chạy giấy của nó bị bắn trúng tim, chết đ è lên nó. Nó bất tỉnh, và  được chở tới phòng cấp cứu. Bác sĩ bảo:"Người này chỉ sống được nửa giờ nữa thôi". Viên đại tá liền cho lệnh đ ào huyệt. Người ta đem xe cam nhông chở Bernard đi. Trên đường tới huyệt, người cầm lái thấy nó cựa cậy nhè nhẹ, bèn bảo bác sĩ: "Cái thây này chưa chết".

      Vâng, nhờ trời, thây đó còn sống thật, và thây đó sau này thành một đại tướng nổi danh nhất của Anh trong đại chiến thứ nhì.

      Bernard Law Montgomery đã suýt thành một nhà thuyết giáo, chứ không phải là một đại tướng. Thân phụ ông là giáo sĩ H.H. Montgomery, giám mục ở Tasmania và Bernard Montgomery muốn theo gót cha.

      Nhưng năm 1899, ông mười hai tuổi, một hôm đứng trên lề đường London, nhìn đoàn quân diễn qua để sang Châu Phi đánh giặc Boer, nghe tiếng kèn, tiếng trống hùng dũng, thấy đám đông hoan hô, ông nhớ lại những chuyện phiêu lưu mà thân mẫu ông đã kể cho ông nghe hồi nhỏ rồi cuộc đời anh dũng của ông nội ông, Robert Montgomery, một vị trung tướng nổi danh trong những trận Ấn Độ. Thế là từ đó trong lòng em nhỏ mười hai tuổi ấy, dào dạt ý muốn làm một nhà cầm quân đại tài chứ không chịu làm một nhà thuyết giáo. Em cũng muốn được diễn qua thành phố London trong đám cờ bay phất phới và dân chúng hoan hô.

      Thân mẫu ông kể chuyện những danh nhân Anh như Cromvell, Clive, Drake và Nelson để tiêm cho ông tinh thần mạo hiểm.

      Ông được sinh trưởng trong một nhà  đầy những sách bất hủ và  được hấp thụ những tư tưởng cùng lý tưởng thanh cao. Một hôm thân phụ ông gọi bốn người con vào phòng sách và bảo họ rằng họ đủ trí khôn để tự lựa chọn lấy con đường đi trong đời rồi, cụ không phải dắt dẫn nữa; nhưng lựa đường nào thì lựa, họ cũng không quên được mục đích giúp nước.

      Và muốn dự bị để giúp nước, Bernard Montgomery vào trường võ bị Sandhurst. Trong bốn chục năm nay ông là một quân nhân chuyên nghiệp.

      Phần nhiều những thắng lợi của ông trong việc cầm quân là nhờ ông có tài dẫn đạo người. Ông tuyên bố rằng điều kiện quan trọng nhất để thắng trận là lòng người: "Không phải là xe tăng, hoặc chiến xa, chiến hạm mà thắng trận được đâu. Thắng được là nhờ con người trong những xe, những tàu đó".

      Ông lại nói "Bất kỳ người nào trong bộ đội cũng phải có chí quyết chiến hiện ra ở tia sáng con mắt". Ông bảo bộ đội thứ tám của ông rằng họ là những lính thiện xạ nhất hoàn cầu, đã đầy danh vọng, chưa hề thua trận nào, và không có sức gì ngăn cản bước tiến của họ được. Ông lại tâm sự với họ, cho họ biết họ sắp phải làm những việc gì. Ông cho họ những mục tiêu rõ rệt để nhắm. Ông nói để họ vững lòng vì rằng chỉ khi nào ông có đủ khí giới, có đủ không lực để thắng thì ông mới đưa họ ra trận. Ông cho biết hai quy tắc của ông:

      Quy tắc thứ nhất: đừng bao giờ để quân địch ồ ạt tấn công mình đến nỗi mình rối hàng ngũ.
      Quy tắc thứ nhì: Không chắc chắn là thắng trận thì đừng bao giờ ra quân. Trong một thông điệp gửi cho quân đội, ông viết:"Nếu tôi không chắc thắng thì không khi nào tôi chiến đấu. Nếu tôi còn phải lo lắng ngại ngùng thì tôi chưa đánh vội, mà chờ cho tới khi mọi sự sẵn sàng".

      (...) Kỷ luật của ông rất nghiêm. Một lần, trong một hội nghị quân sự, ông bảo: "Tôi không muốn các ông hút thuốc hoặc ho. Vậy các ông không được hút thuốc ở đây. Ngay bây giờ các ông có thể ho trong hai phút, rồi thì ngừng ho trong hai mươi phút cho tới khi tôi lại để các ông ho trong sáu mươi giây nữa".

      Đối với kẻ địch, ông không có tính ghét cá nhân. Ông thường treo hình Rommel trên đầu gường ông và nói rằng muốn được gặp Rommel trước khi chiến đấu. Tại sao? Tại ông nghĩ nếu được nói chuyện với một người mình sắp tấn công, thì dễ đoán được người đó sẽ dùng chiến thuật nào.
      Khi bắt sống được tướng Von Thoma, cánh tay mặt của Rommel, ông mời Von Thoma lại dùng cơm tối với ông. Ông vẽ phác chiến trường trên khăn phủ bàn và chỉ cho Von Thoma thấy tại sao Rommel không thể thắng được.

      Khi ông chỉ huy quân đội thứ mười hai, trên tường phòng giấy của ông có treo một dấu hiệu ý nghĩa là: "Đã sẵn sàng trăm phần trăm chưa? Khí lực có sung không? Sáng dậy có ca hát vui vẻ không?"


      Sự thật thì đại tướng Montgomery không bao giờ thức dậy mà ca hát vui vẻ, hoặc nói năng một tiếng gì hết. Người ta đánh thức ông và một giờ sau ông mới bước ra khỏi giường. Sáu giờ sáng người ta đánh thức ông, ông uống một ly cà phê rồi nằm thêm một giờ nữa để suy nghĩ, tính toán. Những chi tiết lặt vặt, ông để người khác giải quyết, ông tổ chức công việc hàng ngày để không lúc nào phải vội vàng. Ngày mai ra quân thì hôm nay ông vẫn ung dung. Kế hoạch tấn công đã định trước rồi. Ông bảo có thể thắng trận và phải thắng trận từ khi tiếng súng đầu tiên nổ, thắng bằng cách tính kỹ kế hoạch từ trước.

      Khi trận đã bắt đầu khai diễn thì ông nghỉ ngơi. Ông lên giường nghỉ một giờ trước khi pháo binh của ông tấn công Rommel ở El Alamein. Bốn giờ rưỡi sau, hồi một giờ rưỡi khuya, vị phó quan của ông đánh thức ông để phúc trình tình hình mặt trận. Ông nghe, ra lệnh xong rồi tắt đ èn, lại ngủ nữa. Sở dĩ ông tự tin ghê gớm như vậy là nhờ ông đã tính toán kỹ lưỡng, nắm được ưu thế trên không và sĩ tốt của ông thiện chiến mà khí giới thì đầy đủ. Đại tướng lấy lời huấn hỗ dưới đây của thân phụ ông làm phương châm: "Con sinh trong một vọng tộc. Vọng tộc không phải chỉ có nghĩa là bề ngoài sang trọng mà còn có nghĩa là tâm hồn thanh cao, nhã nhặn. Phải ghét những cái gì nhục nhã, ti tiện và dơ bẩn".



Каталог: UserFile -> Document
UserFile -> 29 Thủ tục công nhận tuyến du lịch cộng đồng
UserFile -> BÀi phát biểu củA ĐẠi diện sinh viên nhà trưỜng sv nguyễn Thị Trang Lớp K56ktb
UserFile -> BỘ XÂy dựNG
UserFile -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
UserFile -> BỘ XÂy dựng số: 10/2013/tt-bxd cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
UserFile -> BỘ CÔng thưƠng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
UserFile -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam kho bạc nhà NƯỚC Độc lập Tự do Hạnh phúc
UserFile -> MÔn toán bài 1: Tính a) (28,7 + 34,5) X 2,4 b) 28,7 + 34,5 X 2,4 Bài 2: Bài toán
Document -> Lêi nãi ®Çu TÝnh cÊp thiÕt cña ®Ò tµi
Document -> Lêi nãi ®Çu

tải về 0.69 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương