110 CÂu hỏI ĐÁp pháp luật về phòNG, chống tham nhũng kỳ 2


V. Thông tư số 12/2015/TT-BCA ngày 02/3/2015 của Bộ Công an quy định quy trình giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân (Thông tư số 12/2015/TT-BCA )



tải về 0.5 Mb.
trang6/7
Chuyển đổi dữ liệu24.07.2016
Kích0.5 Mb.
#3849
1   2   3   4   5   6   7

V. Thông tư số 12/2015/TT-BCA ngày 02/3/2015 của Bộ Công an quy định quy trình giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân (Thông tư số 12/2015/TT-BCA )

Câu 81: Đề nghị cho biết pháp luật quy định như thế nào về xử lý tố cáo trong công an nhân dân nếu người tố cáo rút đơn tố cáo?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 12/2015/TT-BCA trong trường hợp người tố cáo xin rút nội dung tố cáo và xét thấy việc rút tố cáo là có căn cứ thì người giải quyết tố cáo ra quyết định đình chỉ không xem xét, giải quyết nội dung tố cáo đó.



Câu 82: Những dấu hiệu nào được coi là dấu hiệu vi phạm pháp luật để thụ lý, giải quyết lại tố cáo?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 2, Điều 7 Thông tư số 12/2015/TT-BCA, những dấu hiệu sau được coi là dấu hiệu vi phạm pháp luật để thụ lý, giải quyết lại tố cáo:

- Có vi phạm pháp luật nghiêm trọng về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo có thể làm thay đổi kết quả giải quyết tố cáo;

- Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật khi kết luận nội dung tố cáo;

- Kết luận nội dung tố cáo không phù hợp với những tài liệu, chứng cứ đã thu thập được;

- Việc xử lý cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo và các tổ chức, cá nhân liên quan không phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật đã được kết luận;

- Có bằng chứng về việc người giải quyết tố cáo hoặc người tiếp nhận tố cáo, người xác minh nội dung tố cáo đã làm sai lệch hồ sơ vụ việc;

- Có dấu hiệu vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo nhưng chưa bị phát hiện.



Câu 83: Tôi làm đơn tố cáo một lãnh đạo công an xã với công an huyện, nhưng do sợ trả thù nên trong đơn tố cáo tôi không ghi họ tên, địa chỉ và không ký vào đơn. Tuy nhiên, trong đơn tố cáo tôi ghi rất rõ thời gian, địa điểm và nội dung mà cán bộ công an này vi phạm. Vậy tôi xin hỏi vụ việc của tôi có được xem xét giải quyết không?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 7, Điều 8 Thông tư số 12/2015/TT-BCA, trường hợp nội dung tố cáo trong đơn không ghi họ tên, địa chỉ, không có chữ ký hoặc không có điểm chỉ trực tiếp của người tố cáo nhưng có nội dung tố cáo cụ thể, rõ ràng có đủ cơ sở để kiểm tra hoặc xác minh, kết luận thì giao cho cơ quan thanh tra hoặc cơ quan chức năng khác tiến hành thanh tra hành chính đột xuất theo quy định tại Điều 37 của Luật Thanh tra.

Như vậy, theo quy định trên thì vụ việc của bạn có thể được xem xét giải quyết.

Câu 84: Theo quy định của pháp luật thì người tố cáo có được thông báo bằng văn bản về việc cơ quan có thẩm quyền thụ lý đơn tố cáo của mình không?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 4, Điều 9 Thông tư số 12/2015/TT-BCA, người giải quyết tố cáo phải thông báo bằng văn bản cho người tố cáo về việc thụ lý tố cáo.

Như vậy, theo quy định trên bạn sẽ nhận được thông báo bằng văn bản khi cơ quan có thẩm quyền thụ lý đơn tố cáo của bạn.

Câu 85: Việc lập hồ sơ giải quyết tố cáo và nhật ký Tổ xác minh được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 12/2015/TT-BCA, việc lập hồ sơ giải quyết tố cáo và nhật ký Tổ xác minh được pháp luật quy định như sau:

- Ngay sau khi có quyết định thụ lý giải quyết tố cáo, Tổ trưởng Tổ xác minh có trách nhiệm lập hồ sơ giải quyết tố cáo, trình người giải quyết tố cáo hoặc Thủ trưởng cơ quan thanh tra, cơ quan chức năng được giao xác minh nội dung tố cáo ký quyết định lập hồ sơ giải quyết tố cáo theo quy định của Bộ về hướng dẫn công tác hồ sơ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Công an nhân dân.

- Tổ trưởng Tổ xác minh có trách nhiệm lập sổ nhật ký Tổ xác minh và ghi chép đầy đủ những hoạt động của Tổ xác minh trong quá trình giải quyết tố cáo.



Câu 86: Theo quy định của pháp luật thì kế hoạch xác minh nội dung tố cáo gồm những nội dung gì?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 2, Điều 11 Thông tư số 12/2015/TT-BCA, kế hoạch xác minh nội dung tố cáo gồm các nôi dung sau:

- Căn cứ quyết định xác minh của người có thẩm quyền để tiến hành xác minh;

- Mục đích, yêu cầu của việc xác minh;

- Nội dung xác minh: Xác định cụ thể từng nội dung tố cáo phải xác minh làm rõ; biện pháp và các bước tiến hành xác minh từng nội dung tố cáo phải chi tiết, cụ thể, phải xác định xem việc gì cần làm trước, việc gì làm sau để đạt hiệu quả tốt nhất;

- Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân cần phải làm việc để thu thập, xác minh các thông tin, tài liệu, bằng chứng; dự kiến thời gian thực hiện từng công việc;

- Phối hợp lực lượng xác minh (nếu có);

- Các điều kiện, phương tiện cần thiết phục vụ cho việc xác minh;

- Việc báo cáo tiến độ thực hiện;

- Các nội dung khác có liên quan đến việc giải quyết tố cáo.



Câu 87: Vấn đề công bố quyết định thụ lý giải quyết tố cáo hoặc quyết định xác minh nội dung tố cáo được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Điều 12 Thông tư số 12/2015/TT-BCA quy định như sau:

1. Tổ xác minh phải tổ chức công bố Quyết định thụ lý hoặc Quyết định xác minh nội dung tố cáo; thành phần dự công bố gồm:

a) Đại diện cơ quan thanh tra, cơ quan chức năng được giao xác minh nội dung tố cáo; Tổ xác minh nội dung tố cáo;

b) Tập thể lãnh đạo đối với trường hợp đối tượng bị tố cáo là cơ quan, tổ chức, đơn vị;

c) Đối với người bị tố cáo là Đảng ủy viên, lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị thì thành phần gồm: Tập thể Thường vụ hoặc Đảng ủy, tập thể lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị người bị tố cáo và đại diện các đoàn thể (nếu có);

d) Đối với người bị tố cáo là cán bộ không giữ chức vụ thì thành phần tham dự gồm: Lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị của người bị tố cáo, đại diện các đoàn thể (nếu có) và người bị tố cáo.

2. Nội dung công bố:

a) Tổ trưởng Tổ xác minh công bố Quyết định thụ lý hoặc Quyết định xác minh;

b) Nêu các yêu cầu về cung cấp hồ sơ, tài liệu, nội dung giải trình của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo; thông báo lịch làm việc của Tổ xác minh.

3. Việc công bố Quyết định thụ lý hoặc Quyết định xác minh nội dung tố cáo được lập thành biên bản có chữ ký của Tổ trưởng Tổ xác minh, đại diện của cơ quan, đơn vị của người bị tố cáo và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo. Biên bản được lập ba bản, giao một bản cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo, người đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị bị tố cáo và lưu trong hồ sơ giải quyết tố cáo.

4. Đối với người bị tố cáo thuộc diện quản lý của cấp ủy địa phương, trong trường hợp cần thiết, người giải quyết tố cáo hoặc Thủ trưởng cơ quan thanh tra hoặc cơ quan chức năng khác được giao xác minh tố cáo đề nghị cấp ủy địa phương đó cử cán bộ Ủy ban kiểm tra Đảng tham gia Tổ xác minh.



Câu 88: Đề nghị cho biết quy định của pháp luật về việc thu thập, xử lý thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung tố cáo?

Trả lời:

Điều 13 Thông tư số 12/2015/TT-BCA quy định như sau:

1. Việc thu thập thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung tố cáo phải căn cứ vào kế hoạch xác minh đã được phê duyệt, yêu cầu của việc giải quyết tố cáo. Khi tiếp nhận thông tin, tài liệu, bằng chứng do người tố cáo, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan cung cấp trực tiếp thì Tổ xác minh phải lập biên bản giao nhận.

2. Các thông tin, tài liệu, bằng chứng được thu thập trực tiếp phải thể hiện rõ nguồn gốc. Khi thu thập bản sao, Tổ xác minh phải đối chiếu với bản chính; nếu không có bản chính thì phải ghi rõ trong biên bản giao nhận. Các thông tin, tài liệu, bằng chứng do cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân cung cấp phải có xác nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân cung cấp. Trong trường hợp tài liệu cũ nát, không nguyên vẹn thì phải mô tả rõ tình trạng tài liệu trong biên bản giao nhận.

3. Tổ xác minh phải kiểm tra tính xác thực của thông tin, tài liệu, bằng chứng đã thu thập được, chú trọng những thông tin, tài liệu, bằng chứng do người tố cáo cung cấp để tố cáo hành vi vi phạm và thông tin, tài liệu, bằng chứng do cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo cung cấp để giải trình, chứng minh tính đúng, sai của nội dung tố cáo.

4. Tổ xác minh phải đánh giá về giá trị chứng minh của những thông tin, tài liệu, bằng chứng đã thu thập trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật, các nguyên tắc trong giải quyết tố cáo. Thông tin, tài liệu, bằng chứng sử dụng làm chứng cứ để kết luận nội dung tố cáo phải rõ nguồn gốc, đảm bảo tính khách quan, tính liên quan, tính hợp pháp.

5. Các thông tin, tài liệu bằng chứng thu thập được trong quá trình giải quyết tố cáo phải được quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng quy định; chỉ cung cấp hoặc công bố khi người có thẩm quyền cho phép.

Câu 89: Ông A là Trưởng Công an xã M bị bà B tố cáo hành vi cửa quyền, hách dịch khi giải quyết công việc cho công dân. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã M đã thành lập Tổ xác minh để tiến hành giải quyết tố cáo của bà B. Xin hỏi, trong khi tiến hành xác minh, Tổ phải làm việc với những người nào?

Trả lời:

Điều 14 Thông tư số 12/2015/TT-BCA quy định, Tổ xác minh cần làm việc với những đối tượng sau:

1. Làm việc với người tố cáo

a) Tổ xác minh phải làm việc trực tiếp với người tố cáo; yêu cầu người tố cáo cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng để làm rõ nội dung tố cáo.

b) Trong trường hợp không làm việc trực tiếp được với người tố cáo vì lý do khách quan thì người ra quyết định thành lập Tổ xác minh hoặc Tổ trưởng Tổ xác minh có văn bản yêu cầu người tố cáo cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng để làm rõ nội dung tố cáo.

2. Làm việc với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo

a) Tổ xác minh phải làm việc với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo; yêu cầu người bị tố cáo giải trình bằng văn bản về những nội dung bị tố cáo, cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung tố cáo, nội dung giải trình.

b) Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo giải trình chưa rõ; thông tin, tài liệu, bằng chứng do người bị tố cáo cung cấp chưa đầy đủ thì Tổ xác minh yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo tiếp tục giải trình, cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng về các vấn đề chưa rõ.

3. Làm việc với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan

a) Người ra quyết định thành lập Tổ xác minh hoặc Tổ trưởng Tổ xác minh yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung tố cáo. Việc yêu cầu thực hiện bằng văn bản.

b) Trong trường hợp cần thiết, Tổ xác minh trực tiếp làm việc với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan để thu thập thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan nội dung tố cáo và yêu cầu báo cáo, giải trình bằng văn bản.

Như vậy, với trường hợp của bà B, Tổ xác minh cần làm việc với bà B, ông A. Trường hợp cần thiết, Tổ cần phải làm việc với cơ quan, cá nhân có liên quan để cung cấp thêm thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo.



Câu 90: Tôi được biết, theo quy định của Luật tố cáo năm 2011, thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày. Vậy đối với quy trình giải quyết tố cáo trong ngành công an nhân dân, có được gia hạn giải quyết tố cáo hay không?

Trả lời:

Điều 15 Thông tư số 12/2015/TT-BCA quy định trong trường hợp cần thiết, Tổ trưởng Tổ xác minh báo cáo người giải quyết tố cáo hoặc Thủ trưởng cơ quan thanh tra, cơ quan chức năng được giao xác minh kết luận nội dung tố cáo quyết định việc gia hạn thời hạn giải quyết tố cáo theo quy định tại Khoản 2 Điều 21 của Luật tố cáo năm 2011 (Trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có thể gia hạn giải quyết một lần nhưng không quá 30 ngày; đối với vụ việc phức tạp thì không quá 60 ngày).



Câu 91: Đề nghị cho biết pháp luật quy định việc xây dựng dự thảo báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo như thế nào?

Trả lời:

Việc xây dựng dự thảo báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo được quy định tại Điều 16 Thông tư số 12/2015/TT-BCA như sau:

1. Trước khi dự thảo báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo, Tổ xác minh phải tổ chức họp để đánh giá, đối chiếu về những thông tin, tài liệu, bằng chứng đã thu thập được trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật với những nội dung tố cáo; dự thảo báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo phải báo cáo người ra quyết định thành lập Tổ xác minh biết để chỉ đạo tiếp. Dự thảo báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo phải được các thành viên trong Tổ xác minh thảo luận, đóng góp ý kiến.

2. Báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo gồm các nội dung sau:

a) Nội dung tố cáo và kết quả xác minh của Tổ xác minh;

b) Tài liệu, bằng chứng để chứng minh tính đúng, sai của nội dung tố cáo; cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo;

c) Nhận xét đánh giá về hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; thiệt hại về vật chất, tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật gây ra; đối tượng bị thiệt hại; nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Nội dung tố cáo đúng, đúng một phần hoặc tố cáo sai;

d) Kiến nghị với người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý hành vi vi phạm pháp luật và buộc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra.

Báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo thực hiện theo mẫu quy định.

3. Tổ xác minh họp để thống nhất dự thảo báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo và báo cáo Thủ trưởng có thẩm quyền giải quyết tố cáo. Trường hợp các thành viên có ý kiến khác nhau nhưng không ảnh hưởng đến bản chất của việc kết luận thì Tổ trưởng Tổ xác minh quyết định và chịu trách nhiệm. Trường hợp các ý kiến trái nhau, ảnh hưởng đến việc kết luận thì phải báo cáo xin ý kiến người ra quyết định thành lập Tổ xác minh, người giải quyết tố cáo. Trường hợp vụ việc phức tạp, cần thiết phải tham khảo ý kiến tư vấn của các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý cấp trên hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác có liên quan thì người ra quyết định thành lập Tổ xác minh hoặc người giải quyết tố cáo quyết định.

Nội dung họp Tổ xác minh phải được lập thành biên bản; biên bản phải ghi đầy đủ, cụ thể ý kiến tham gia của từng thành viên; những nội dung không đồng ý phải ghi rõ lý do, nguyên nhân không đồng ý và hướng giải quyết tiếp theo của việc không đồng ý đó.

Câu 92: Tháng trước bà N có đến công an phường X tố cáo hành vi sai trái của công an viên H. Sau một thời gian xác minh, Tổ xác minh có gọi bà N đến để nghe thông báo nội dung tố cáo và kết quả xác minh. Tuy nhiên, trong kết quả xác minh có nhiều vấn đề bà N không đồng ý, cho rằng không đúng sự thật. Xin hỏi, trong trường hợp này bà N phải làm gì?

Trả lời:

Điều 17 Thông tư số 12/2015/TT-BCA quy định: Tổ xác minh làm việc riêng với người tố cáo, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo để thông báo từng nội dung tố cáo và kết quả xác minh để họ nêu ý kiến của mình. Nếu người tố cáo, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo chưa nhất trí thì yêu cầu nêu rõ lý do và cung cấp tài liệu chứng cứ để chứng minh; nếu người tố cáo, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo không cung cấp được tài liệu gì mới thì Tổ xác minh kết luận theo tài liệu đã xác minh và chịu trách nhiệm về kết luận của mình; nếu có tài liệu mới cần xác minh thì Tổ trưởng xác minh phải báo cáo người ra quyết định xác minh quyết định việc xác minh để làm rõ.

Như vậy, trường hợp của bà N, nếu bà không đồng ý với kết quả xác minh thì bà phải nêu ra lý do và cung cấp tài liệu chứng cứ để chứng minh. Nếu bà N không cung cấp được tài liệu gì mới thì Tổ xác minh sẽ kết luận theo tài liệu đã xác minh, hoàn thành dự thảo báo cáo kết quả xác minh.

Câu 93: Xin hỏi, pháp luật quy định kết luận nội dung tố cáo bao gồm những nội dung gì? Thông báo kết luận nội dung tố cáo như thế nào?

Trả lời:

1. Khoản 2, Khoản 3 Điều 18 Thông tư số 12/2015/TT-BCA quy định: Kết luận nội dung tố cáo phải có những nội dung sau:

a) Nội dung tố cáo; kết quả xác minh nội dung tố cáo;

b) Tài liệu, bằng chứng để chứng minh tính đúng, sai của nội dung tố cáo;

c) Kết luận về hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật gây ra; đối tượng bị thiệt hại; nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong nội dung tố cáo đúng, đúng một phần hoặc tố cáo sai;

d) Các biện pháp được người giải quyết tố cáo áp dụng để trực tiếp xử lý vi phạm, buộc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm pháp luật gây ra;

đ) Nội dung chỉ đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị cá nhân thuộc quyền quản lý của người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp theo thẩm quyền để xử lý vi phạm, buộc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm pháp luật gây ra;

e) Kiến nghị với cơ quan, tổ chức, cá nhân khác áp dụng biện pháp theo thẩm quyền để xử lý vi phạm, buộc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra.

Văn bản kết luận nội dung tố cáo thực hiện theo mẫu quy định.

Trường hợp giải quyết lại tố cáo thì ngoài các nội dung quy định trên đây, người giải quyết tố cáo phải kết luận về nội dung vi phạm pháp luật, sai lầm hoặc kết luận không phù hợp của việc giải quyết tố cáo trước đó (nếu có); xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết tố cáo trước đó.

2. Việc tổ chức thông báo kết luận nội dung tố cáo được quy định tại Khoản 4 Điều 18 Thông tư số 12/2015/TT-BCA như sau:

a) Sau khi có kết luận nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo hoặc Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao xác minh tố cáo tổ chức cuộc họp để thông báo trực tiếp hoặc gửi kết luận nội dung tố cáo cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý người bị tố cáo và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo biết để thực hiện;

b) Thành phần dự công bố kết luận nội dung tố cáo như thành phần dự thông báo quyết định thụ lý, quyết định thành lập Tổ xác minh.

Câu 94: Ông An có nghe đài phát thanh thông báo về trình tự giải quyết tố cáo theo Luật tố cáo năm 2011. Tuy nhiên ông lại nghe nói việc xử lý tố cáo trong ngành công an nhân dân có điểm khác biệt. Ông An đề nghị cho biết quy trình xử lý tố cáo trong ngành công an nhân dân được quy định như thế nào?

Trả lời:

Việc xử lý tố cáo trong công an nhân dân được quy định tại Điều 19 Thông tư số 12/2015/TT-BCA như sau:

1. Căn cứ kết luận nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo xử lý tố cáo như sau:

a) Đối với hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định về nhiệm vụ, công vụ và các quy định khác của Bộ Công an thuộc thẩm quyền xử lý của mình thì người giải quyết tố cáo tiến hành các thủ tục để xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khác theo quy định của pháp luật để xử lý hành vi vi phạm, buộc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra; ban hành quyết định thu hồi tiền, tài sản (nếu có);

b) Đối với hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định về nhiệm vụ công vụ và các quy định khác của Bộ Công an thuộc thẩm quyền xử lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý của mình thì người giải quyết tố cáo chỉ đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đó xử lý vi phạm và buộc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra;

c) Đối với hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu của tội phạm thì có văn bản chuyển hồ sơ về hành vi vi phạm đó cho Cơ quan điều tra để giải quyết theo quy định của pháp luật. Hồ sơ bàn giao cho Cơ quan điều tra là hồ sơ được lập trong quá trình giải quyết tố cáo phải được sao lại để lưu trữ theo quy định. Việc bàn giao hồ sơ được lập thành biên bản theo mẫu quy định;

d) Đối với hành vi vi phạm pháp luật không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 nêu trên thì có văn bản kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý vi phạm, đồng thời gửi kèm hồ sơ về hành vi vi phạm đó;

đ) Trường hợp người tố cáo cố ý tố cáo sai sự thật thì người giải quyết tố cáo phải áp dụng biện pháp theo thẩm quyền để xử lý người tố cáo hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Các văn bản xử lý tố cáo nêu tại điểm a, b khoản 1 nêu trên phải ghi rõ thời gian hoàn hành các nội dung xử lý, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong việc tổ chức thực hiện; kết quả thực hiện phải báo cáo Thủ trưởng và cơ quan thanh tra cấp trên trực tiếp để quản lý công tác giải quyết tố cáo.

3. Nếu quá thời hạn mà kiến nghị xử lý tố cáo không được thực hiện thì người giải quyết tố cáo, Thủ trưởng cơ quan được giao xác minh nội dung tố cáo có văn bản đôn đốc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được giao thực hiện việc xử lý tố cáo. Sau khi đôn đốc mà kiến nghị xử lý tố cáo không được thực hiện thì báo cáo Thủ trưởng có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật và kỷ luật của ngành.



Câu 95: Pháp luật quy định người giải quyết tố cáo thực hiện việc công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo và thông báo kết quả giải quyết tố cáo cho người tố cáo như thế nào?

Trả lời:

Điều 20 Thông tư số 12/2015/TT-BCA quy định như sau:

1. Người giải quyết tố cáo có trách nhiệm công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo theo quy định tại Điều 12 Nghị định 91/2013/NĐ-CP ngày 12/8/2013 của Chính phủ quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân.

2. Trường hợp người tố cáo có yêu cầu thì người giải quyết tố cáo phải thông báo kết quả giải quyết cho người tố cáo. Việc thông báo kết quả giải quyết được thực hiện bằng một trong hai hình thức sau:

a) Gửi kết luận nội dung tố cáo, quyết định, văn bản xử lý tố cáo cho người tố cáo nếu kết luận, quyết định, văn bản đó không có nội dung, thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật của ngành Công an;

b) Gửi văn bản thông báo tóm tắt kết quả giải quyết tố cáo theo nội dung tố cáo cho người tố cáo biết, không đưa những nội dung, thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước, bí mật của ngành Công an vào văn bản thông báo.



Câu 96: Kết thúc việc giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân, Tổ xác minh cần làm những công việc gì?

Trả lời:

Điều 21 Thông tư số 12/2015/TT-BCA quy định, sau khi kết thúc việc giải quyết tố cáo, Tổ trưởng Tổ xác minh có trách nhiệm tổ chức họp Tổ xác minh để đánh giá ưu, khuyết điểm rút kinh nghiệm qua giải quyết tố cáo. Tổ trưởng Tổ xác minh làm thủ tục kết thúc hồ sơ, trình người giải quyết tố cáo hoặc Thủ trưởng cơ quan thanh tra, cơ quan chức năng được giao xác minh nội dung tố cáo ký quyết định kết thúc hồ sơ để nộp lưu theo quy định.



VI. Nghị định số 220/2013/NĐ-CP ngày 27/12/2013 của Chính phủ quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong quân đội nhân dân (Nghị định số 220/2013/NĐ-CP).

Câu 97: Đề nghị cho biết pháp luật quy định trường hợp tiếp nhận, xử lý đơn tố cáo trong Quân đội nhân dân có nội dung khiếu nại như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 7 Nghị định số 220/2013/NĐ-CP khi tiếp nhận, xử lý đơn tố cáo có nội dung khiếu nại thì người tiếp nhận, xử lý đơn hướng dẫn người tố cáo viết lại đơn, tách nội dung khiếu nại gửi đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.



Câu 98: Pháp luật quy định như thế nào về thụ lý tố cáo trong trường hợp người bị tố cáo đang thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc trong tình huống khẩn cấp?

Trả lời:

Điều 8 Nghị định số 220/2013/NĐ-CP quy định việc thụ lý tố cáo trong trường hợp người bị tố cáo đang thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc trong tình huống khẩn cấp như sau:

Trường hợp người bị tố cáo đang thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc trong tình huống khẩn cấp, việc thụ lý tố cáo tính từ thời điểm ngay sau ngày người bị tố cáo thực hiện xong nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc tình huống khẩn cấp. Trong trường hợp này, người giải quyết tố cáo phải thông báo bằng văn bản cho người tố cáo về việc thụ lý tố cáo.



tải về 0.5 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương