110 CÂu hỏI ĐÁp pháp luật về phòNG, chống tham nhũng kỳ 2



tải về 0.5 Mb.
trang2/7
Chuyển đổi dữ liệu24.07.2016
Kích0.5 Mb.
#3849
1   2   3   4   5   6   7

Câu 18: Do không tính toán trong việc trang bị phương tiện làm việc cho cán bộ, công chức của cơ quan. Cơ quan Z đã mua nhiều bàn ghế, máy tính, tủ đựng tài liệu. Việc này dẫn đến tình trạng nhiều tài sản chưa hết khấu hao nhưng đã được thay thế, gây lãng phí rất lớn. Xin hỏi pháp luật quy định việc xác định giá trị thiệt hại và số tiền bồi thường thiệt hại như thế nào?

Trả lời:

Việc xác định giá trị thiệt hại và số tiền bồi thường thiệt hại căn cứ vào Điều 21 Nghị định số 84/2014/NĐ-CP như sau:

- Nếu thiệt hại là tài sản thì giá trị tài sản bị thiệt hại được xác định trên cơ sở giá trị thực tế của tài sản (tính theo giá thị trường tại thời điểm xảy ra thiệt hại) trừ đi giá trị còn lại của tài sản (nếu có) tại thời điểm xảy ra thiệt hại;

- Nếu thiệt hại là tiền, giấy tờ có giá hoặc các tài sản khác dưới dạng tiền tệ, tài chính thì giá trị tài sản bị thiệt hại được xác định bằng số tiền thực tế bị thiệt hại;

- Các thiệt hại khác xác định trên cơ sở chênh lệch tính thành tiền giữa định mức, tiêu chuẩn, chế độ hoặc dự toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt với thực tế thực hiện và chi phí khắc phục hậu quả (nếu có).

Đối chiếu với quy định trên, việc cơ quan Z thay mới nhiều phương tiện làm việc trong khi phương tiện cũ chưa hết khấu hao là hành vi lãng phí. Để xác định giá trị thiệt hại trong trường hợp này, cần căn cứ vào thời gian tính khấu hao tài sản còn lại của các phương tiện làm việc cũ.



Câu 19: Đề nghị cho biết thẩm quyền ra quyết định về bồi thường thiệt hại đối với hành vi gây lãng phí được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Điều 22 Nghị định số 84/2014/NĐ-CP quy định: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước nơi xảy ra lãng phí có thẩm quyền ra quyết định về bồi thường thiệt hại.

Trường hợp người có hành vi vi phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp có thẩm quyền ra quyết định về bồi thường thiệt hại.

Người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì người đứng đầu cơ quan quản lý trực tiếp có thẩm quyền ra quyết định về bồi thường thiệt hại.



Câu 20: Nông trường quốc doanh X được Ủy ban nhân dân tỉnh giao quản lý 7.000 ha đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Tuy nhiên lãnh đạo Ban Quản lý đã buông lỏng quản lý, để nhiều ha đất trống, không trồng rừng, dẫn đến lãng phí nguồn tài nguyên trong nhiều năm. Vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã đưa việc quản lý, sử dụng đất của Nông trường quốc doanh X ra xem xét yêu cầu bồi thường. Có ý kiến cho rằng việc yêu cầu Nông trường quốc doanh X bồi thường do hành vi lãng phí trong sử dụng đất được giao cần phải thành lập Hội đồng xử lý trách nhiệm bồi thường thiệt hại?

Đề nghị cho pháp luật quy định vấn đề này như thế nào?

Trả lời:

Ý kiến trên là đúng. Theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 84/2014/NĐ-CP, trong vòng 15 ngày, kể từ khi có quyết định xử lý hành vi lãng phí hoặc nhận được kiến nghị xử của cơ quan thanh tra, kiểm tra, Kiểm toán nhà nước phải thành lập Hội đồng xử lý trách nhiệm bồi thường thiệt hại (sau đây gọi là Hội đồng), người có thẩm quyền ra quyết định bồi thường thiệt hại có trách nhiệm thành lập Hội đồng để xem xét, giải quyết việc bồi thường thiệt hại. Hội đồng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Thành phần Hội đồng gồm:

- Người có thẩm quyền ra quyết định về bồi thường thiệt hại làm Chủ tịch Hội đồng;

- Đại diện lãnh đạo tổ chức công đoàn cùng cấp làm Ủy viên;

- Người phụ trách bộ phận tài chính, kế toán của cơ quan, tổ chức làm Ủy viên;

- Người phụ trách đơn vị trực tiếp của người phải bồi thường làm Ủy viên (nếu có);

- Một chuyên gia về kinh tế, kỹ thuật làm Ủy viên (nếu cần);

- Chủ tịch Hội đồng cử một Ủy viên làm nhiệm vụ Thư ký Hội đồng để giúp việc cho Hội đồng.

Câu 21: Vừa qua, do tiền nước sạch của doanh nghiệp tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm trước, cơ quan A đã xác minh thì phát hiện chị X là lao công đã thường xuyên mở vòi nước trong nhà vệ sinh chảy tự do và bỏ đi làm việc khác. Tình trạng đã dẫn đến lãng phí nước sạch. Do đó, cơ quan quyết định thành lập Hội đồng xử lý trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với chị X. Vì bà B,mẹ nuôi của chị X là thành viên của Tổ công đoàn cơ quan, nên có ý kiến cho rằng bà B không được tham gia vào Hội đồng xem xét xử lý trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Xin hỏi, ý kiến này đúng hay sai?

Trả lời:

Ý kiến trên là đúng.

Khoản 2 Điều 23 Nghị định số 84/2014/NĐ-CP quy định thành phần Hội đồng gồm:

- Người có thẩm quyền ra quyết định về bồi thường thiệt hại làm Chủ tịch Hội đồng;

- Đại diện lãnh đạo tổ chức công đoàn cùng cấp làm Ủy viên;

- Người phụ trách bộ phận tài chính, kế toán của cơ quan, tổ chức làm Ủy viên;

- Người phụ trách đơn vị trực tiếp của người phải bồi thường làm Ủy viên (nếu có);

- Một chuyên gia về kinh tế, kỹ thuật làm Ủy viên (nếu cần);

- Chủ tịch Hội đồng cử một Ủy viên làm nhiệm vụ Thư ký Hội đồng để giúp việc cho Hội đồng.

- Không bố trí những người có quan hệ gia đình đối với người có hành vi lãng phí, gây thiệt hại vào thành phần Hội đồng. Những người có quan hệ gia đình bao gồm: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi (bên vợ hoặc bên chồng), vợ (hoặc chồng), con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh, chị, em ruột (bên vợ hoặc bên chồng), cháu nội, cháu ngoại.

Như vậy, vì bà B là mẹ nuôi của chị X (người có hành vi gây lãng phí, gây thiệt hại) nên bà B không được tham gia thành phần Hội đồng xử lý trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi lãng phí gây ra.

Câu 22: Đề nghị cho biết Hội đồng xử lý trách nhiệm bồi thường họp xem xét những nội dung gì?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 23 Nghị định số 84/2014/NĐ-CP thì trong thời gian 07 ngày, kể từ khi Hội đồng được thành lập, Chủ tịch Hội đồng phải tổ chức cuộc họp để xem xét việc bồi thường thiệt hại do hành vi lãng phí gây ra.

Hội đồng có trách nhiệm xem xét và đưa ra kiến nghị về:

- Xác định hành vi lãng phí;

- Đánh giá mức độ thiệt hại thực tế do hành vi lãng phí gây ra;

- Xác định trách nhiệm của từng cá nhân có hành vi lãng phí gây ra thiệt hại;

- Kiến nghị với người có thẩm quyền ra quyết định bồi thường thiệt hại về mức, thời hạn và phương thức bồi thường thiệt hại cụ thể đối với từng cá nhân.

Câu 23: Ra quyết định về bồi thường thiệt hại được pháp luật quy định như thế nào ?

Trả lời:

Ra quyết định về bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 26 Nghị định số 84/2014/NĐ-CP, cụ thể như sau:

1. Trường hợp có thành lập Hội đồng thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của Hội đồng, người có thẩm quyền ra quyết định về bồi thường thiệt hại phải ra quyết định về bồi thường thiệt hại.

2. Trường hợp không thành lập Hội đồng thì trong thời gian 30 ngày, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm gây lãng phí, người có thẩm quyền ra quyết định về bồi thường thiệt hại phải ra quyết định về bồi thường thiệt hại.

3. Trường hợp sau khi đã ra quyết định về bồi thường thiệt hại mà phát hiện những tình tiết mới làm thay đổi lỗi, mức độ vi phạm và số tiền bồi thường thiệt hại đã kết luận trước đó thì tổng thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện những tình tiết mới, người có thẩm quyền có trách nhiệm tổ chức họp lại Hội đồng để xem xét, quyết định lại số tiền bồi thường hoặc xem xét, quyết định lại số tiền bồi thường thiệt hại theo thẩm quyền.

4. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định về bồi thường thiệt hại, người có thẩm quyền ra quyết định bồi thường thiệt hại phải gửi cho người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại để thi hành.

5. Trường hợp người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại chuyển công tác, thôi việc hoặc nghỉ hưu trước ngày ra quyết định về việc bồi thường thiệt hại thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường theo.

Câu 24: Để phục vụ lễ kỷ niệm 60 năm thành lập đơn vị, ông H - Chánh Văn phòng Sở X đã chỉ đạo kế toán chi vượt 200 triệu đồng so với dự toán để tiếp khách dự lễ kỷ niệm, trong đó có nhiều mục chi không có trong dự toán. Xin hỏi, trong trường hợp này, là người gây lãng phí số tiền lớn của cơ quan, ông H có phải thực hiện bồi thường theo quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 không?



Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 27 của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 thì hành vi của ông H là hành vi sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước không đúng mục đích, đối tượng, dự toán được giao, do đó hành vi của ông H để xảy ra lãng phí, gây thiệt hại thì phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại. Việc bồi thường được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 27 Nghị định 84/2014/NĐ-CP, cụ thể như sau:

1. Người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại phải thực hiện bồi thường một lần trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định về bồi thường thiệt hại.

Trường hợp số tiền bồi thường không thể nộp một lần thì sau khi trừ phần đã nộp ngay, số tiền còn lại được trả dần trong thời gian 12 tháng, kể từ ngày có quyết định về bồi thường thiệt hại. Nếu người có nghĩa vụ bồi thường không đủ khả năng bồi thường thì phải trừ 20% (hai mươi phần trăm) tiền lương hàng tháng cho đến khi bồi thường đủ theo quyết định của người có thẩm quyền.

2. Người chưa hoàn thành bồi thường mà chuyển công tác, thôi việc hoặc nghỉ hưu thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi ra quyết định bồi thường thiệt hại có trách nhiệm yêu cầu người đó phải bồi thường phần còn thiếu trước khi chuyển công tác, thôi việc hoặc nghỉ hưu. Trường hợp người có nghĩa vụ bồi thường chưa có điều kiện trả ngay phần còn thiếu hoặc cố tình trì hoãn, trốn tránh việc thực hiện bồi thường thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi ra quyết định bồi thường thiệt hại có thể phối hợp với cơ quan, tổ chức nơi tiếp nhận công tác hoặc chính quyền địa phương nơi cư trú để yêu cầu người đó tiếp tục thực hiện bồi thường.

3. Các cơ quan, tổ chức nơi tiếp nhận hoặc chính quyền địa phương nơi cư trú của người có nghĩa vụ bồi thường chưa có điều kiện chi trả hoặc cố tình trì hoãn, trốn tránh phải có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức nơi người đó trước đây công tác trong việc yêu cầu người đó tiếp tục thực hiện trách nhiệm bồi thường.

Câu 25: Việc thực hiện bồi thường được tạm hoãn thực hiện trong trường hợp nào ?

Trả lời:

Việc tạm hoãn thực hiện bồi thường được thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 27 Nghị định số 84/2014/NĐ-CP như sau:

1. Các trường hợp người có nghĩa vụ thực hiện bồi thường được tạm hoãn thực hiện bồi thường:

- Đang điều trị tại các bệnh viện, phụ nữ trong thời kỳ nghỉ thai sản;

- Gia đình thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, gia đình đang trong hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế do thiên tai, hỏa hoạn hoặc các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế khác được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú xác nhận;

- Đang bị tạm giam, tạm giữ chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, xác minh và kết luận về hành vi vi phạm pháp luật khác.

2. Thời gian tạm hoãn thực hiện bồi thường:

- Tối đa không quá 06 tháng đối với trường hợp đang điều trị tại các bệnh viện, phụ nữ trong thời kỳ nghỉ thai sản; gia đình thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, gia đình đang trong hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế do thiên tai, hỏa hoạn hoặc các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế khác được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú xác nhận;

- Tối đa bằng thời gian tạm giam, tạm giữ đối với trường hợp đang bị tạm giam, tạm giữ chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, xác minh và kết luận về hành vi vi phạm pháp luật khác.

3. Người có thẩm quyền ra quyết định về bồi thường thiệt hại xem xét quyết định việc tạm hoãn thực hiện bồi thường.

Câu 26: Pháp luật quy định như thế nào về thu, nộp, quản và sử dụng tiền, tài sản bồi thường do người có nghĩa vụ bồi thường nộp?

Trả lời:

Việc thu, nộp, quản và sử dụng tiền, tài sản bồi thường được thực hiện theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 84/2014/NĐ-CP như sau:

1. Cơ quan, tổ chức của người có thẩm quyền ra quyết định về bồi thường thiệt hại có trách nhiệm thu đủ số tiền bồi thường thiệt hại và xác định việc hoàn trả cho cơ quan, tổ chức trực tiếp chịu thiệt hại hoặc nộp vào ngân sách nhà nước theo hướng dẫn tại Khoản 3 Điều 28 Nghị định số 84/2014/NĐ-CP.

2. Tiền bồi thường thiệt hại do người có nghĩa vụ bồi thường nộp phải được thu, theo dõi chi tiết cho từng lần nộp (nếu nộp nhiều lần) và quản lý theo chế độ tài chính hiện hành.

3. Tiền bồi thường thiệt hại được sử dụng để chi cho việc xác định số tiền bồi thường, phần còn lại được hoàn trả cho cơ quan, tổ chức trực tiếp chịu thiệt hại. Trường hợp đã có nguồn kinh phí khác bù đắp thiệt hại hoặc việc bồi thường phát sinh sau khi đã quyết toán ngân sách thì nộp vào ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách nhà nước theo quy định.

Việc nộp tiền bồi thường thiệt hại vào ngân sách nhà nước hoặc hoàn trả cho cơ quan, tổ chức trực tiếp chịu thiệt hại phải được lập đầy đủ chứng từ theo quy định.



II. Nghị định số 76/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tố cáo

Câu 27: Nhiều người dân xã A, do bức xúc với ông B cán bộ địa chính của xã có hành vi làm khống hồ sơ và cho phép một số gia đình chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất ở trái phép, làm ảnh hưởng đến diện tích đất trồng lúa của xã, do đó đại diện cho 20 hộ gia đình trong xã đã tập trung trước trụ sở Ủy ban nhân dân xã để tố cáo về hành vi của ông B. Xin hỏi pháp luật quy định như thế nào về số lượng người đại diện trình bày tố cáo?

Trả lời:

Điều 4 Nghị định số 76/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tố cáo (sau đây gọi tắt là Nghị định số 76/2012/NĐ-CP) quy định số lượng người đại diện như sau:

1. Khi nhiều người cùng tố cáo thì phải cử người đại diện để trình bày nội dung tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Người đại diện phải là người tố cáo.

2. Việc cử người đại diện được thực hiện như sau:

a) Trường hợp có từ 05 đến 10 người tố cáo thì cử 01 hoặc 02 người đại diện;

b) Trường hợp có từ 10 người trở lên thì có thể cử thêm người đại diện, nhưng tối đa không quá 05 người.

Câu 28: Pháp luật quy định về văn bản cử người đại diện trong trường hợp nhiều người đến tố cáo trực tiếp như thế nào?

Trả lời:

Văn bản cử người đại diện được quy định Điều 5 Nghị định số 76/2012/NĐ-CP như sau:

1. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo bằng đơn thì trong đơn tố cáo phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người đại diện. Trường hợp nhiều người đến tố cáo trực tiếp thì phải cử đại diện để trình bày nội dung tố cáo.

Việc cử đại diện để trình bày tố cáo được thực hiện theo quy định tại Điều 4 và Khoản 2, Khoản 3 Điều 19 của Luật tố cáo như sau:

- Trường hợp tố cáo được thực hiện bằng đơn thì trong đơn tố cáo phải ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo; họ, tên, địa chỉ của người tố cáo; nội dung tố cáo. Đơn tố cáo phải do người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo bằng đơn thì trong đơn phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ của từng người tố cáo, có chữ ký hoặc điểm chỉ của những người tố cáo; họ, tên người đại diện cho những người tố cáo để phối hợp khi có yêu cầu của người giải quyết tố cáo.

- Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo viết đơn tố cáo hoặc người tiếp nhận ghi lại việc tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung ngày, tháng, năm tố cáo; họ, tên, địa chỉ của người tố cáo; nội dung tố cáo. Trường hợp nhiều người đến tố cáo trực tiếp thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo cử đại diện để trình bày nội dung tố cáo.

2. Văn bản cử người đại diện tố cáo phải có những nội dung sau:

a) Ngày, tháng, năm;

b) Họ tên và địa chỉ của người đại diện;

c) Nội dung được đại diện;

d) Chữ ký hoặc điểm chỉ của những người tố cáo;

đ) Các nội dung khác có liên quan (nếu có).

3. Người đại diện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của việc đại diện và văn bản cử đại diện.

Câu 29: Do có chủ trương của tỉnh về cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình sử dụng đất ở hợp pháp chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông C là cán bộ công chức địa chính của xã đã gây khó khăn cho nhiều hộ gia đình bằng việc đòi phải có thêm tiền bồi dưỡng,. Bất bình trước đòi hỏi vô lý này nhiều bà con đã tập trung tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã để gặp ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã để tố cáo về hành vi của ông C. Xin hỏi, trong trường hợp nhiều người cùng tố cáo ở xã, phường, thị trấn, để đảm bảo cho việc tố cáo không gây mất trật tự và tuân theo quy định của pháp luật về tố cáo thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm gì trong việc phối hợp xử lý?



Trả lời:

Trong trường hợp nhiều người cùng tố cáo ở xã, phường, thị trấn thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phối hợp xử lý theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 76/2012/NĐ-CP, cụ thể như sau:

1. Khi nhiều người cùng tố cáo tập trung ở xã, phường, thị trấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã) có trách nhiệm:

a) Phân công cán bộ tiếp đại diện của những người tố cáo để nghe trình bày nội dung tố cáo; giải thích, hướng dẫn công dân thực hiện quyền tố cáo theo đúng quy định của pháp luật.

Trường hợp tố cáo phức tạp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp tiếp hoặc chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan tiếp đại diện của những người tố cáo để nghe trình bày nội dung tố cáo;

b) Chỉ đạo công an cấp xã giữ gìn trật tự công cộng nơi người tố cáo tập trung.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thụ lý, giải quyết theo quy định của pháp luật tố cáo thuộc thẩm quyền; nếu tố cáo không thuộc thẩm quyền, hướng dẫn người tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.

3. Trưởng công an cấp xã có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với lực lượng bảo vệ, dân phòng bảo đảm trật tự công cộng nơi người tố cáo tập trung; xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Câu 30: Pháp luật quy định như thế nào về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc phối hợp xử lý trường hợp nhiều người cùng tố cáo ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh?

Trả lời:

Điều 7 Nghị định số 76/2012/NĐ-CP quy định như sau:

1. Khi nhiều người cùng tố cáo tập trung tại cơ quan thuộc huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện), Thủ trưởng cơ quan cử cán bộ tiếp và nghe đại diện của những người tố cáo trình bày nội dung tố cáo; giải thích, hướng dẫn công dân thực hiện quyền tố cáo theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp tố cáo phức tạp, Thủ trưởng cơ quan tiếp và nghe đại diện của những người tố cáo trình bày nội dung tố cáo.

Thủ trưởng cơ quan thụ lý để giải quyết theo quy định của pháp luật đối với tố cáo thuộc thẩm quyền; đối với tố cáo không thuộc thẩm quyền, hướng dẫn người tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.

2. Khi nhiều người cùng tố cáo tập trung tại Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc nơi tiếp công dân của cấp huyện, người phụ trách tiếp công dân có trách nhiệm bố trí cán bộ tiếp và nghe đại diện của những người tố cáo trình bày nội dung tố cáo; giải thích, hướng dẫn công dân thực hiện quyền tố cáo theo đúng quy định của pháp luật.

Khi cần thiết, người phụ trách tiếp công dân trực tiếp tiếp đại diện của những người tố cáo; yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra vụ việc tố cáo và các cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu và cử người có trách nhiệm tham gia tiếp đại diện của những người tố cáo.

3. Đối với vụ việc phức tạp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện) trực tiếp hoặc cử người có trách nhiệm tiếp và nghe đại diện của những người tố cáo trình bày nội dung tố cáo. Trường hợp cần thiết, yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra vụ việc tố cáo hoặc cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu và cử người có trách nhiệm tham gia tiếp đại diện người tố cáo.

4. Trưởng công an cấp xã quản lý địa bàn nơi người tố cáo tập trung có trách nhiệm bảo đảm trật tự công cộng; xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Trưởng công an cấp huyện có trách nhiệm theo dõi, nắm tình hình tố cáo để tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình giải quyết tố cáo; thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự công cộng; xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Câu 31: Do không đồng ý với phương án đền bù di dân để xây dựng trụ sở làm việc mới của Ủy ban nhân dân thành phố H (trực thuộc Trung ương), 30 hộ gia đình đã làm đơn tố cáo cán bộ giải phóng mặt bằng thành phố có hành vi không minh bạch khách quan trong việc áp giá đền bù thiệt hại. Các hộ gia đình này đã tập trung tại trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu được gặp Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố để giải quyết. Đề nghị cho biết, trường hợp nhiều người cùng tố cáo ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc phối hợp xử lý được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Điều 8 Nghị định số 76/2012/NĐ-CP quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc phối hợp xử lý trong trường hợp nhiều người cùng tố cáo ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau:

1. Khi nhiều người cùng tố cáo tập trung tại cơ quan của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng cơ quan cử cán bộ tiếp và nghe đại diện của những người tố cáo trình bày nội dung vụ việc; giải thích, hướng dẫn công dân thực hiện quyền tố cáo theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp tố cáo phức tạp, Thủ trưởng cơ quan tiếp, nghe đại diện của những người tố cáo trình bày nội dung tố cáo.

Thủ trưởng cơ quan thụ lý, giải quyết theo quy định của pháp luật đối với tố cáo thuộc thẩm quyền; đối với tố cáo không thuộc thẩm quyền, hướng dẫn người tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.

2. Khi nhiều người cùng tố cáo tập trung tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh, người phụ trách Trụ sở tiếp công dân có trách nhiệm bố trí cán bộ tiếp và nghe đại diện của những người tố cáo trình bày nội dung tố cáo.

Khi cần thiết, người phụ trách Trụ sở tiếp công dân trực tiếp tiếp đại diện của những người tố cáo; yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện nơi xảy ra vụ việc tố cáo và các cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu và cử người có trách nhiệm tham gia tiếp đại diện của những người tố cáo.

3. Đối với vụ việc phức tạp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) trực tiếp hoặc cử nguời có trách nhiệm tiếp, nghe đại diện của những người tố cáo trình bày nội dung tố cáo. Trường hợp cần thiết, yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện nơi xảy ra vụ việc tố cáo hoặc cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu và cử người có trách nhiệm tham gia tiếp đại diện của những người tố cáo.

4. Trưởng công an cấp xã, cấp huyện quản lý địa bàn nơi người tố cáo tập trung có trách nhiệm bảo đảm trật tự công cộng; xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Trưởng công an cấp tỉnh có trách nhiệm theo dõi, nắm tình hình tố cáo để tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình giải quyết tố cáo; thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự công cộng; xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Câu 32: Pháp luật quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc phối hợp xử lý trường hợp nhiều người cùng tố cáo đến các cơ quan Trung ương như thế nào?




tải về 0.5 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương