ĐỂ cho tưƠng lai còn có MẶt chú giải về NĂm giớI


PHẦN MỘT : NĂM GIỚI MẦU NHIỆM



tải về 1.3 Mb.
trang2/6
Chuyển đổi dữ liệu13.05.2018
Kích1.3 Mb.
#38196
1   2   3   4   5   6

PHẦN MỘT : NĂM GIỚI MẦU NHIỆM


Giới thứ nhất:

Ý thức được những khổ đau do sự sát hại gây ra, con xin học theo hạnh đại bi để bảo vệ sự sống của mọi người và mọi loài. Con nguyện không giết hại sinh mạng, không tán thành sự giết chóc và không để kẻ khác giết hại, dù là trong tâm tưởng hay trong cách sống hàng ngày của con.



Giới thứ hai:   

Ý thức được những khổ đau do lường gạt, trộm cướp và bất công xã hội gây ra, con xin học theo hạnh đại từ để đem lại niềm vui sống và an lạc cho mọi người và mọi loài, để chia xẻ thì giờ, năng lực và  tài vật của con với những kẻ đang thật sự thiếu thốn. Con nguyện không lấy làm tư hữu bất cứ một của cải nào không phải do mình tạo ra. Con nguyện tôn trọng quyền tư hữu của kẻ khác, nhưng cũng nguyện ngăn ngừa kẻ khác không cho họ tích trữ và làm giàu một cách bất lương tên sự đau khổ của con người và của muôn loại.



Giới thứ ba:

Ý thức được những khổ đau do thói tà dâm gây ra, con xin học theo tinh thần trách nhiệm để giúp bảo vệ tiết hạnh và sự an toàn của mọi người và mọi gia đình trong xã hội. Con nguyện không ăn nằm với những người không phải là vợ hay chồng của con. Con ý thức được rằng những hành động bất chính sẽ gây ra những đau khổ cho kẻ khác và cho chính con. Con biết muốn bảo vệ hạnh phúc của mình và của kẻ khác thì phải biết tôn trọng những cam kết của mình và của kẻ khác. Con sẽ làm mọi cách có thể để bảo vệ trẻ em, không cho nạn tà dâm tiếp tục gây nên sự đổ vỡ của các gia đình và của đời sống đôi lứa.



Giới thứ tư:

Ý thức được những khổ đau đo lời nói thiếu chánh niệm gây ra, con xin học theo hạnh ái ngữ và lắng nghe để dâng tặng niềm vui cho người và làm vơi bớt khổ đau của người. Biết rằng lời nói có thể đem lại hạnh phúc hoặc khổ đau cho người, con nguyện chỉ nói những lời có thể gây thêm niềm tự tin, an vui và hy vọng, những lời chân thật có giá trị xây dựng sự hiểu biết và hòa giải. Con nguyện không nói những điều sai với sự thật, không nói những lời gây chia rẽ và căm thù. Con nguyện không loan truyền những tin mà con không biết chắc là có thật, không phê bình và lên án những điều con không  biết chắc. Con nguyện không nói những điều có thể tạo nên sự bất hòa trong gia đình và đoàn thể, những điều có thể  làm tan vỡ gia đình và đoàn thể.



Giới thứ năm:

Ý thức được những khổ đau do sự sử dụng ma túy và độc tố gây ra, con xin học cách chuyển hóa thân tâm, xây dựng sức khỏe thân thể và tâm hồn bằng cách thực tập chánh niệm trong việc ăn uống và  tiêu thụ. Con nguyện chỉ tiêu thụ những gì có thể đem lại an lạc cho thân tâm con, và cho thân tâm gia đình và xã hội con. Con nguyện không uống rượu, không sử dụng các chất ma túy, không ăn uống hoặc tiêu thụ những sản phẩm có độc tố trong đó có một số sản phẩm truyền thanh, truyền hình, sách báo, phim ảnh và chuyện trò. Con biết rằng tàn hoại thân tâm bằng rượu và các độc tố ấy là phản bội tổ  tiên, cha mẹ và cũng là phản bội các thế hệ tương lai. Con nguyện chuyển hóa bạo động, căm thù, sợ hãi và buồn giận bằng cách thực tập phép kiêng cữ cho con, cho gia đình con và cho xã hội. Con biết phép kiêng khem này rất thiết yếu để chuyển hóa tự thân, tâm thức cộng đồng và xã hội.

---o0o---

LỜI BẠT


Tôi sống ở phương Tây đã gần ba mươi năm, mười năm gần đây tôi thường hay hướng dẫn các khoá tu chánh niệm ở châu Âu, châu Úc, và Bắc Mỹ. Trong những khoá tu này, chúng tôi đã được nghe nhiều câu chuyện thương tâm, và chán ngán hay rằng bao nhiêu đau khổ ấy đều là kết quả của sự nghiện rượu, lạm dụng ma túy, lạm dụng tình dục, và các lề thói tương tự, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Trong xã hội có một sự băng hoại lớn. Nếu chúng ta đặt một người trẻ vào xã hội mà không tìm cách bảo vệ họ, họ sẽ tiếp nhận những bạo động, căm thù, sợ hãi, và bất an mỗi ngày, và rốt cuộc sẽ bị bệnh. Những câu chuyện của chúng ta, những chương trình tivi, quảng cáo, sách báo đều tưới tẩm các hạt giống khổ đau nơi những người trẻ, và nơi cả những người lớn. Chúng ta thấy có một sự trống vắng trong lòng, và chúng ta tìm cách khoả lấp bằng cách ăn uống, đọc, nói, hút thuốc, uống rượu, xem tivi, đi coi phim, hay thậm chí làm việc quá độ. Nương tựa vào những thứ này chỉ làm chúng ta càng cảm thấy đói khát, không thoả mãn hơn, và chúng ta muốn hấp thụ nhiều hơn nữa. Chúng ta cần một vài nguyên tắc chỉ đạo, một vài phương thuốc ngăn ngừa để phòng hộ cho mình, để rồi chúng ta có thể lành mạnh trở lại. Chúng ta cần tìm cho ra phương thuốc cho căn bệnh của mình. Chúng ta cần tìm cho ra những gì lành, đẹp và thật để có thể nương tựa vào.

Khi lái xe, chúng ta buộc phải tuân theo một số quy luật nhất định để không gây tai nạn. Hai ngàn năm trăm năm trước, Bụt đã đưa ra các nguyên tắc chỉ đạo nhất định cho những người đệ tử tại gia của Ngài để giúp họ sống một đời sống bình an, lành mạnh và hạnh phúc. Đó là Năm Giới, và nền tảng của mỗi Giới này là chánh niệm. Với chánh niệm, chúng ta ý thức được những gì đang xảy ra nơi thân thể, cảm thọ, tâm hồn và thế giới quanh ta, và ta tránh không gây tổn hại cho mình và cho người. Chánh niệm bảo hộ cho ta, cho gia đình và xã hội ta, chắc chắn sẽ mang lại an lạc, hạnh phúc trong hiện tại và tương lai.

Trong đạo Bụt, Giới, Định, và Tuệ luôn đi chung với nhau. Ta không thể chỉ nói đến một yếu tố mà không nói đến hai yếu tố kia. Ba phép này được gọi là Tam Học – sila, tu Giới; samadhi, tu Định; và prajna, tu Tuệ. Giới, Định, Tuệ ‘tương tức’ với nhau. Thực tập Giới mang đến Định, Định thì cần thiết cho Tuệ. Chánh Niệm là nền tảng của Định, Định cho phép ta nhìn sâu, và Tuệ chính là hoa trái của sự nhìn sâu. Khi có chánh niệm, ta có thể thấy rằng nếu tránh không làm ‘điều này’, ta có  thể ngăn ngừa được ‘điều kia.’ Tuệ giác này không đến từ sự áp đặt của quyền lực bên ngoài. Nó là hoa trái của sự quán sát của chính chúng ta. Hành trì Giới, vì vậy, giúp ta trở nên điềm tĩnh hơn, tập trung hơn, mang lại nhiều tuệ giác và sự sáng suốt hơn, và do đó việc hành trì Giới của chúng ta lại càng thêm vững chãi. Ba yếu tố này đan quyện với nhau; yếu tố này hỗ trợ cho hai yếu tố kia, và cả ba mang chúng ta đến gần hơn với sự giải thoát -- chấm dứt sự ‘rò rỉ.’ Chúng ngăn không để ta rơi trở lại vào vô minh, phiền não. Khi đã bước được ra ngoài dòng khổ đau hệ lụy, ta gọi đó là anasvara, ‘vô lậu.’ Chừng nào còn tiếp tục rò rỉ thì chừng ấy chúng ta cũng giống như một chiếc bình rạn nứt, và không sao tránh khỏi sa vào đau buồn, khổ não và vô minh.

Năm Giới chính là tình thương. Thương có nghĩa là hiểu, bảo vệ, và mang lại an vui cho đối tượng thương yêu của chúng ta. Hành trì Giới là thực hiện điều này. Chúng ta bảo vệ cho mình và bảo vệ cho nhau.

Năm Giới trong sách này được diễn dịch theo hình thức mới. Đây là kết quả của những tuệ giác gặt hái được từ việc thực tập chung như một tăng thân. Một truyền thống tâm linh cũng giống như một cái cây, cần được chăm tưới để cho ra những cành, lá mới để có thể tiếp tục là một thực thể sinh động. Chúng ta giúp cái cây Phật giáo phát triển bằng cách sống sâu sắc chân tinh thần của nó, sự hành trì Giới, Định, Tuệ. Nếu chúng ta tiếp tục thực tập Giới một cách sâu sắc, trong tương quan với xã hội và văn hoá chúng ta, tôi tin rằng con cháu chúng ta sẽ có một sự hiểu biết về Năm Giới còn sâu hơn chúng ta bây giờ và sẽ có nhiều an lạc hơn.

Cho đến gần đây, tôi vẫn hay dùng chữ ‘cấm giới’ thay vì ‘phương pháp rèn luyện chánh niệm.’ Nhưng nhiều người bạn Tây phương nói với tôi rằng chữ ‘cấm giới’ gợi cho họ cảm giác tốt xấu, nghĩa là nếu họ ‘phạm’ giới thì họ thấy mình hoàn toàn thất bại. Giới khác với những ‘điều răn’ (trong đạo Chúa) hay ‘luật lệ.’ Giới là những tuệ giác phát sinh từ sự quán sát chánh niệm và từ kinh nghiệm trực tiếp về khổ đau. Giới là những nguyên tắc hướng dẫn giúp ta tập sống như thế nào để có thể bảo hộ cho mình và cho những người xung quanh. Trong khi thực tập Giới, chỗ hiểu biết và hành trì của ta sẽ càng thêm sâu sắc. Khi mới bắt đầu, và cả trong thời gian luyện tập, không ai có thể hoàn toàn cả. Giới là biểu hiện cụ thể nhất của sự tu tập chánh niệm. Đó là lý do tại sao trình bày Giới như ‘những phương pháp rèn luyện chánh niệm’ trong tiếng Anh là khế cơ, khế lý.

Trong đạo Phật, một trong những cách biểu lộ ước muốn tu tập theo con đường Hiểu và Thương lúc ban đầu là quy y và tiếp nhận Năm Giới từ một vị thầy. Trong buổi lễ truyền giới, vị thầy đọc từng giới một, người học trò lập lại và phát nguyện học hỏi, hành trì theo giới được tuyên đọc. Trước khi quyết định thọ Giới, hành giả có thể còn cảm thấy hoang mang, nhưng với quyết định hành trì Giới, nhiều sợi giây hoang mang, ràng buộc được cắt đứt. Khi buổi lễ hoàn tất, ta có thể thấy ngay trên gương mặt người ấy một sự giải phóng lớn.

Khi phát nguyện thọ trì dù chỉ một giới, quyết định mạnh mẽ nảy sinh từ tuệ giác ấy sẽ đưa ta đến tự do và hạnh phúc đích thực. Tăng thân có mặt đó để yểm trợ và chứng minh cho sự ra đời của tuệ giác và quyết tâm của mình. Buổi lễ thọ giới có sức mạnh xuyên thủng, giải phóng và xây dựng. Sau buổi lễ, nếu chúng ta tiếp tục thực tập Giới, nhìn sâu để có tuệ giác sâu hơn về thực tại, sự bình an và giải thoát của chúng ta sẽ tăng trưởng. Cách ta hành trì Giới biểu lộ mức độ bình an và chiều sâu của tuệ giác chúng ta.

Khi một người chính thức phát nguyện học hỏi và hành trì Năm Giới, người ấy cũng quy y nơi Tam Bảo – Bụt, Pháp, và Tăng. Hành trì Năm Giới là một biểu hiện cụ thể của lòng biết ơn và tin tưởng nơi Ba Viên Ngọc Quý này. Bụt chính là chánh niệm; Pháp là con đường của tình thương và sự hiểu biết; Tăng là đoàn thể nâng đỡ cho sự tu học của chúng ta.

Năm Giới và Tam Bảo là những đối tượng xứng đáng của niềm tin chúng ta. Đó không phải là những cái gì trừu tượng – ta có thể học hỏi, tu tập, khám phá, nới rộng, và kiểm lại với kinh nghiệm của chính mình. Học hỏi và thực tập theo Năm Giới và Tam Bảo chắc chắn sẽ mang lại an lạc cho bản thân, cộng đồng, và xã hội ta. Là con người, chúng ta cần có một cái gì để tin tưởng, một cái gì lành, đẹp, và thật, một cái gì ta có thể tiếp xúc được. Niềm tin vào sự thực tập chánh niệm – vào Năm Giới và Tam Bảo – là điều mà bất cứ ai cũng có thể khám phá, công nhận, và đưa vào đời sống hằng ngày.

Năm Giới và Tam Bảo có những giá trị tương đương ở trong mọi truyền thống tâm linh. Đây là những gì đến tự chiều sâu thẳm của mỗi chúng ta, hành trì theo đó sẽ giúp ta cắm rễ sâu hơn trong truyền thống của mình. Sau khi đã học về Năm Giới và Tam Bảo, tôi mong rằng các bạn sẽ quay về truyền thống của mình và chiếu ánh sáng lên những viên ngọc vốn đã có đó. Năm Giới là phương thuốc cho thời đại chúng ta. Tôi khẩn thiết mong các bạn thực tập Giới theo cách chúng được trình bày ở đây, hay theo cách chúng được giảng dạy trong truyền thống của bạn.

Cách tốt nhất để hành trì Giới là cách nào? Tôi không biết. Tôi vẫn còn đang học hỏi, cùng với các bạn. Tôi thấm thía cụm từ dùng trong Năm Giới: ‘tìm cách.’ Chúng ta không biết hết mọi việc. Nhưng chúng ta có thể giảm thiểu tối đa sự ngu dốt của mình. Khổng Tử từng nói rằng: ‘Biết rằng mình không biết tức là chỗ khởi đầu của cái biết.’ Tôi nghĩ đây là cách để thực tập. Chúng ta cần có sự khiêm tốn và cởi mở để có thể học hỏi cùng nhau. Chúng ta cần một Tăng thân, một cộng đồng, để yểm trợ cho ta, và chúng ta cũng cần phải tiếp cận với xã hội để hành trì giới. Nhiều vấn đề hôm nay không tồn tại trong thời của Bụt. Vì vậy, chúng ta cần phải quán chiếu chung để mở ra những tuệ giác có thể giúp chúng ta và con cái chúng ta tìm ra được cách để sống một đời sống lành mạnh, hạnh phúc và khương kiện.

Khi có người hỏi: ‘Anh có quan tâm không? Anh có quan tâm đến tôi? Em có quan tâm đến cuộc đời? Chị có quan tâm đến trái đất?’, cách hay nhất để trả lời là hành trì Năm Giới. Đây là dạy bằng thân giáo chứ không phải chỉ bằng lời. Nếu bạn thật sự quan tâm, xin hãy hành trì các Giới này để bảo hộ cho mình và cho mọi người, mọi loài khác nữa. Nếu chúng ta thực tập hết lòng thì tương lai sẽ còn có mặt cho chúng ta, và con cháu chúng ta.

(Thích Nhất Hạnh, 1993)

---o0o---


GIỚI THỨ NHẤT - Tôn Trọng Sự Sống


Ý thức được những khổ đau do sự sát hại gây ra, con xin học theo hạnh đại bi để bảo vệ sự sống của mọi người và mọi loài. Con nguyện không giết hại sinh mạng, không tán thành sự giết chóc và không để kẻ khác giết hại, dù là trong tâm tưởng hay trong cách sống hàng ngày của con.

Sự sống thật quý giá. Sự sống có mặt khắp mọi nơi, trong ta và quanh ta; nó đa hình đa dạng.

Giới thứ nhất đến từ chỗ ý thức rằng sự sống khắp nơi đang bị hủy diệt. Chúng ta thấy được những khổ đau do sự sát hại gây ra, và chúng ta nguyện phát triển lòng từ bi, lấy đó làm nguồn năng lượng để bảo vệ con người, cỏ cây, cầm thú, và đất đá. Giới thứ nhất là một phép tu luyện tâm Bi, karuna -- khả năng làm vơi nhẹ và chuyển hoá khổ đau. Khi thấy được nỗi khổ thì tâm Bi phát sinh trong ta.

Tiếp xúc với khổ đau của cuộc đời là điều rất cần thiết. Ta cần nuôi dưỡng ý thức ấy thông qua nhiều phương tiện – hình ảnh, âm thanh, tiếp xúc trực tiếp, thăm viếng, v.v... -- để giữ tâm Bi sống trong ta. Nhưng ta phải cẩn thận, chớ đưa vào nhiều quá. Bất cứ phương thuốc nào cũng phải có liều lượng. Ta nên tiếp xúc với khổ đau trong chừng mực giúp ta không quên lãng, để tình thương tuôn chảy trong ta, và biến thành năng lượng hành động. Nếu lấy sự phẫn nộ làm động cơ hành động, ta sẽ có thể làm những điều tai hại, những điều mà ta sẽ hối tiếc sau này. Theo đạo Bụt, tình thương là nguồn năng lượng duy nhất có ích, và an toàn. Với tình thương, năng lượng của chúng ta được sinh ra từ tuệ giác; đó không phải là năng lượng mù quáng.

Con người chúng ta được làm bằng những yếu tố không-phải-con-người, như cỏ cây, khoáng chất, đất, mây, và ánh nắng. Để cho sự thực tập của chúng ta được sâu và được thật, chúng ta phải bảo vệ luôn cả hệ sinh thái. Nếu sinh môi bị tàn phá, con người cũng sẽ bị hủy diệt. Không thể bảo vệ sự sống của con người mà không đồng thời bảo vệ sự sống của cỏ cây, cầm thú, và đất đá. Kinh Kim Cương dạy chúng ta rằng không thể phân chia ranh giới giữa các loài hữu tình và vô tình. Đây là một trong những kinh điển cổ của đạo Bụt dạy về sinh thái học ở mức độ sâu. Mỗi hành giả trong đạo Bụt phải là một người bảo vệ môi trường. Đất đá cũng có đời sống của chúng. Trong Chùa, chúng ta tụng: ‘Tình dữ vô tình đồng viên chủng trí.’ Giới thứ nhất là sự thực tập bảo vệ mọi sự sống, kể cả sự sống của khoáng vật.

‘Con nguyện không giết hại sinh mạng, không tán thành sự giết chóc và không để kẻ khác giết hại, dù là trong tâm tưởng hay trong cách sống hằng ngày của con.’ Chúng ta không thể tán thành bất cứ một hành động giết chóc nào; không một sự giết hại nào có thể được biện hộ cả. Nhưng không giết thôi không đủ. Chúng ta còn phải tìm cách ngăn không cho kẻ khác giết hại. Chúng ta không thể nói: ‘Tôi không chịu trách nhiệm. Họ làm chuyện đó, còn tay tôi sạch.’ Nếu chúng ta sống ở Đức trong thời Nazis, ta không thể nói: ‘Họ làm chuyện đó. Tôi không làm.’ Nếu trong cuộc chiến tranh vịnh Gulf, chúng ta không nói hay làm gì cả để ngăn cản việc giết chóc thì chúng ta đã không thực tập giới này. Cho dù những gì chúng ta nói hoặc làm không cản được cuộc chiến, điều quan trọng là ở chỗ chúng ta đã cố làm, vận dụng tuệ giác và tình thương của mình.

Không phải chỉ không dùng thân giết hại mới là giữ Giới thứ nhất. Nếu chúng ta để cho sự giết hại diễn ra trong tư tưởng, chúng ta cũng đã phạm Giới. Chúng ta phải nhất quyết không chấp nhập sự giết hại, kể cả trong tâm tưởng. Theo Bụt, tâm là nền tảng của mọi hành động. Giết trong tâm là nguy hiểm nhất. Khi chúng ta tin tưởng, chẳng hạn như đường lối của chúng ta là đường lối duy nhất cho nhân loại và kẻ nào đi theo đường lối khác là kẻ thù của chúng ta, thì hàng triệu người có thể bị giết vì ý niệm đó.

Tư duy nằm đằng sau mọi việc. Ta cần phải để con mắt ý thức nằm đằng sau mỗi ý nghĩ của mình. Không có sự hiểu biết đúng đắn về một hoàn cảnh hay một con người, suy nghĩ của ta có thể lầm lạc và gây ra hoang mang, tuyệt vọng, giận hờn, hay thù hận. Công việc quan trọng nhất của chúng ta là phát triển sự hiểu biết đúng đắn. Nếu chúng ta thấy được một cách sâu sắc bản chất tương tức, nghĩa là tất cả nương nhau mà có mặt, chúng ta sẽ thôi không còn trách móc, cãi vã, và giết hại, chúng ta sẽ trở nên bè bạn với tất cả mọi người. Muốn thực tập bất bạo động, trước hết chúng ta phải học cư xử một cách hoà bình với chính mình. Nếu ta tạo được một sự hoà hợp đích thực trong chính con người mình, chúng ta sẽ biết cách cư xử với gia đình, bạn bè, và những người cộng tác với ta.

Khi phản đối chiến tranh chẳng hạn, ta có thể cho rằng ta là một con người hiền hoà, đại diện cho hoà bình, thế nhưng điều này lại có thể không đúng. Nếu nhìn sâu, ta sẽ thấy rằng gốc rễ của chiến tranh nằm ngay trong cách sống thiếu chánh niệm bao lâu nay của chúng ta. Chúng ta chưa gieo trồng đủ những hạt giống bình an và hiểu biết nơi ta và nơi những người khác, vì vậy chúng ta liên đới chịu trách nhiệm: ‘Vì tôi như thế này, cho nên họ như thế đó.’ Lối đặt vấn đề có tính toàn triệt hơn cả là lối nhìn ‘tương tức’: ‘Cái này như thế này vì cái kia như thế kia.’ Đây là con đường của Hiểu và Thương. Với cái thấy này, ta có thể nhìn một cách sáng suốt và giúp cho chính phủ ta nhìn một cách sáng suốt. Khi ấy ta có thể đi biểu tình và nói: ‘Cuộc chiến tranh này bất công, hủy diệt và không xứng đáng với đất nước cao quý của chúng ta.’ Điều này hữu hiệu hơn là giận dữ buộc tội cho nhau. Sự tức giận bao giờ cũng gây thêm đổ vỡ.

Tất cả chúng ta, kể cả những người theo chủ nghĩa hoà bình, đều có những nỗi khổ niềm đau trong lòng. Chúng ta cảm thấy bực tức, thất vọng, và chúng ta cần tìm một người nào đó sẵn sàng lắng nghe và có khả năng hiểu được những nỗi khổ niềm đau của chúng ta. Trong nghệ thuật mô tả bằng hình tượng của đạo Bụt có một vị Bồ Tát nghìn tay nghìn mắt tên là Quan Thế Âm. Nghìn tay tượng trưng cho hành động, và con mắt trong mỗi bàn tay tượng trưng cho sự hiểu biết. Khi chúng ta hiểu một hoàn cảnh hay một con người thì những gì chúng ta làm sẽ giúp được cho tình trạng và sẽ không gây thêm đau khổ. Khi có con mắt ở trong bàn tay, chúng ta sẽ biết cách thực tập bất bạo động đích thực.

Muốn thực tập bất bạo động, trước hết ta phải thực tập với chính mình. Trong mỗi chúng ta đều có một mức độ bao động và bất bạo động nào đó. Tùy thuộc vào tình trạng của chúng ta lúc ấy, cách chúng ta phản ứng đối với sự việc sẽ mang ít hay nhiều tính chất bạo động. Cho dù ta có hãnh diện rằng mình là người ăn chay đi nữa thì ta cũng phải công nhận rằng trong nước chúng ta luộc rau có biết bao nhiêu là vi sinh vật. Chúng ta không thể hoàn toàn bất bao động, nhưng với việc ăn chay, chúng ta đang đi về hướng bất bạo động. Nếu muốn đi về hướng Bắc, ta có thể dùng sao Bắc Đẩu để nhắm hướng, nhưng không thể nào đến được sao Bắc Đẩu. Nỗ lực của chúng ta chỉ nhằm đi về hướng đó.

Ai cũng có thể thực tập bất bạo động ở một mức nào đó, kể cả các tướng lĩnh quân đội. Chẳng hạn họ có thể chỉ huy cuộc hành quân của mình như thế nào để tránh không giết hại những người vô tội. Để giúp những người lính đi về hướng bất bạo động, chúng ta phải tiếp xúc với họ. Nếu chúng ta chia thực tại ra làm hai phe -- bạo động và bất bạo động – rồi đứng về một phe chống lại phe kia, thế giới sẽ không bao giờ có hoà bình. Chúng ta sẽ luôn trách cứ và buộc tội những người chúng ta cho là chịu tránh nhiệm cho tình trạng chiến tranh và bất công xã hội mà không hề nhận ra mức độ bạo động trong chính con người mình. Chúng ta phải cải hoá chính mình, đồng thời làm việc với những người chúng ta buộc tội nếu muốn có một ảnh hưởng đích thực.

Vạch một ranh giới và gạt một số người sang hàng ngũ kẻ thù  -- dù là người hành xử bạo động – chẳng bao giờ giúp được gì cả. Ta phải đến với họ với tình thương trong trái tim ta và làm mọi cách có thể để giúp họ đi về hướng bất bạo động. Nếu chúng ta hoạt động cho hoà bình bằng sự phẫn nộ, chúng ta sẽ chẳng bao giờ thành công. Hoà bình không phải là điểm kết thúc. Hoà bình không bao giờ có thể đến được bằng những phương tiện không hoà bình.

Quan trọng nhất là trở thành bất bạo động, để khi một tình huống xảy đến, chúng ta sẽ không tạo thêm đau khổ. Để thực tập bất bạo động, chúng ta cần có sự nhẹ nhàng, từ, bi, hỷ, xả đối với thân tâm mình, và đối với kẻ khác. Bằng chánh niệm -- sự thực tập bình an – ta có thể bắt đầu bằng việc chuyển hoá những cuộc chiến trong ta. Có những kỹ thuật để làm chuyện này. Hơi thở có ý thức là một. Mỗi khi ta cảm thấy bất mãn, ta có thể ngưng những gì mình đang làm, tránh không nói bất cứ điều gì, và thở vào thở ra vài lần, ý thức từng hơi thở vào, ra. Nếu vẫn còn không vui, ta có thể đi thiền hành, chánh niệm với từng bước chân chậm rãi và từng hơi thở của mình. Nuôi dưỡng hoà bình bên trong, chúng ta mang lại hoà bình cho xã hội. Tùy thuộc vào ta cả. Tu tập hoà bình trong ta có nghĩa là giảm thiểu đến mức tối đa những cuộc chiến tranh giữa cảm thọ này với cảm thọ khác, ý niệm này với ý niệm khác, rồi ta cũng có thể có hoà bình với những người khác, kể cả những thành viên trong gia đình mình.

Tôi thường được hỏi: ‘Nếu anh thực tập bất bạo động mà có người xông vào nhà, bắt cóc con hay giết vợ mình thì sao? Anh phải làm gì? Anh có còn hành xử theo cách bất bạo động không?’ Câu trả lời tùy thuộc vào trạng thái của anh. Nếu đã có sự chuẩn bị, anh có thể phản ứng một cách trầm tĩnh và thông minh, theo cách bất bạo động nhất mà anh có thể làm. Nhưng muốn sẵn sàng để có thể phản ứng với sự thông minh và bất bạo động, anh phải có sự rèn luyện từ trước. Có thể phải mười năm, hay lâu hơn. Nếu chờ cho đến khi có chuyện mới hỏi câu hỏi ấy thì sẽ quá muộn. Câu trả lời theo kiểu nên-thế-này-hay-thế-khác sẽ là hời hợt vô ích. Ở giây phút quyết định ấy, cho dù anh có biết rằng bất bạo động thì tốt hơn là bạo động, nếu cái hiểu của anh chỉ ở trên trí óc mà không nằm trong toàn bộ con người anh, anh sẽ không hành xử bất bạo động. Sự sợ hãi và tức giận trong anh sẽ ngăn không cho anh hành động theo cách bất bạo động nhất.

Chúng ta cần phải nhìn sâu mỗi ngày để thực tập tốt Giới này. Mỗi lần mua sắm hay tiêu thụ một thứ gì, ta có thể đang thao túng cho một dạng giết chóc nào đó.

Trong khi thực tập bảo vệ con người, cỏ cây, cầm thú, và đất đá, ta biết ta đang bảo vệ cho chính mình. Ta cảm được mối dây liên hệ bền vững, thân thương với tất cả mọi loài trên trái đất. Chúng ta được bảo hộ bởi chánh niệm và lòng từ bi của Bụt và của bao thế hệ Phật tử đã hành trì Giới pháp. Năng lượng từ bi này mang đến cho ta cảm giác an ninh, lành mạnh và hoan hỷ, và như vậy mới xứng đáng với giây phút mà chúng ta quyết định thọ trì giới thứ nhất.

Xót thương chưa đủ. Ta phải học cách biểu lộ tình thương ấy. Đó là vì sao ta phải có hiểu biết đi kèm. Sự hiểu biết và tuệ giác chỉ cho ta nên hành động như thế nào.

Kẻ thù đích thực của chúng ta chính là sự lãng quên. Nếu chúng ta nuôi dưỡng chánh niệm mỗi ngày và tưới tẩm những hạt giống bình an trong ta và trong những người xung quanh ta, ta sẽ trở nên sống động, và ta có thể giúp cho chính mình cũng như những người khác đạt đến an ổn và từ bi.

Sự sống thật quý giá, vậy mà trong đời sống hằng ngày ta lại thường bị cuốn theo những quên lãng, giận hờn, và lo lắng, ta đắm chìm trong quá khứ, và không có khả năng tiếp xúc với sự sống trong giờ phút hiện tại. Khi chúng ta thật sự sống động, những gì ta làm hay tiếp xúc đều là phép lạ. Thực tập chánh niệm tức là quay trở về với sự sống trong giờ phút hiện tại. Phép thực tập của Giới thứ nhất chính là một lễ hội tôn vinh sự sống. Khi chúng ta biết trân quý cái đẹp của sự sống, chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì trong khả năng mình để bảo vệ cả cuộc đời.

---o0o---

GIỚI THỨ HAI - Mở Rộng Lòng


Ý thức được những khổ đau do lường gạt, trộm cướp và bất công xã hội gây ra, con xin học theo hạnh đại từ để đem lại niềm vui sống và an lạc cho mọi người và mọi loài, để chia xẻ thì giờ, năng lực và  tài vật của con với những kẻ đang thật sự thiếu thốn. Con nguyện không lấy làm tư hữu bất cứ một của cải nào không phải do mình tạo ra. Con nguyện tôn trọng quyền tư hữu của kẻ khác, nhưng cũng nguyện ngăn ngừa kẻ khác không cho họ tích trữ và làm giàu một cách bất lương tên sự đau khổ của con người và của muôn loại.

Bóc lột, bất công xã hội, và trộm cắp có nhiều dạng. Áp bức là một dạng trộm cắp gây ra nhiều đau khổ ở cả các nước phát triển lẫn các nước thế giới thứ ba. Giờ phút chúng ta phát nguyện học phát triển lòng Từ thì lòng Từ phát khởi trong ta, và chúng ta nỗ lực để ngăn chặn sự bóc lột, bất công xã hội, trộm cắp, và áp bức.

Trong Giới thứ nhất, chúng ta thấy có chữ ‘Bi.’ Ở đây, chúng ta thấy có chữ ‘Từ.’ Từ và Bi là hai yếu tố của tình thương trong giáo pháp của Bụt. Bi, tiếng Sankrit và Pali là Karuna, có nghĩa là ý hướng và khả năng làm vơi đi nỗi khổ nơi một người hay một chúng sinh khác. Từ, tiếng Sankrit là maitri và tiếng Pali là metta, có nghĩa là ý hướng và khả năng mang niềm vui tới cho một người hay một chúng sinh khác. Bụt Thích Ca Mâu Ni đã tiên đoán rằng vị Bụt kế tiếp sẽ có tên là Maitreya hay Từ Thị, vị Bụt của Tình Thương.

‘Ý thức được những khổ đau do lường gạt, trộm cướp, và bất công xã hội gây ra, con xin học theo hạnh đại Từ để đem lại niềm vui sống và an lạc cho mọi người và mọi loài.’ Cho dù đã có Maitri như một nguồn năng lượng trong ta, chúng ta vẫn cần phải học nhìn sâu để biết cách biểu lộ lòng Từ ấy. Chúng ta tập làm như những cá nhân, và rồi tìm cách để làm như một dân tộc. Muốn nâng cao phúc lợi của con người, cỏ cây, cầm thú, và đất đá, chúng ta phải đến với nhau như một cộng đồng để xem xét tình trạng của mình, vận dụng thông minh và khả năng nhìn sâu của chúng ta để có thể tìm ra những giải pháp thích hợp để biểu hiện lòng Từ giữa những vấn đề có thật.

Giả sử ta muốn giúp những người đang đau khổ dưới ách độc tài. Trong quá khứ có thể ta đã từng thử gửi quân sang lật đổ nhà cầm quyền của họ, nhưng ta đã thấy rằng trong khi làm như vậy, ta gây ra chết chóc cho không biết bao nhiêu người vô tội, và dù vậy, ta có thể vẫn không lật đổ được kẻ độc tài. Nếu chúng ta tập nhìn sâu hơn, với lòng từ, để tìm một giải pháp tốt đẹp hơn để giúp những người này mà không gây khổ đau, ta có thể nhận ra rằng thời điểm tốt nhất để giúp là trước khi nước ấy rơi vào tay độc tài. Nếu ta làm việc đó ba mươi năm trước thì bây giờ nước đó có thể đã là một nước dân chủ, và ta đã không phải bỏ bom hay gởi quân để ‘giải phóng’ họ. Đây chỉ là một ví dụ về việc nhìn sâu và học hỏi có thể giúp ta tìm ra những cách làm phù hợp với lòng Từ ra sao. Nếu chúng ta đợi cho đến khi tình trạng trở nên tồi tệ rồi thì quá trễ. Nếu chúng ta cùng hành trì Giới với các nhà chính trị, quân nhân, thương gia, luật sư, người làm luật, nghệ sĩ, nhà văn, và nhà giáo, thì chúng ta có thể tìm ra được những phương pháp tốt đẹp nhất để thực tập Từ, Bi, và Hiểu Biết.

Muốn thực tập tâm rộng rãi thì cần phải có thời gian. Chúng ta có thể rất muốn giúp những người nghèo đói, nhưng chúng ta lại bị kẹt vào những vấn đề trong cuộc sống hằng ngày của riêng mình. Đôi lúc, một viên thuốc hay một chút gạo đã có thể cứu mạng một em bé, nhưng ta lại không dành thời giờ để giúp, vì ta nghĩ ta không có giờ. Ở thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn, có những em bé sống ngoài hè phố, các em tự gọi mình là ‘bụi đời.’ Những đứa trẻ này không nhà, lang thang ngoài đường ban ngày và về ngủ dưới gốc cây ban đêm. Chúng bới những đống rác để tìm những thứ như bao nylon để bán với giá hai xu nửa ký. Các thầy và các sư cô ở thành phố Hồ Chí Minh đã mở cửa chùa cho những đứa trẻ này, và nếu các em chịu ở lại bốn tiếng buổi sáng để học đọc, học viết, chơi với quý thầy và quý sư cô, thì các em được mời ăn cơm chay. Xong các em lại có thể vào Phật đường ngủ trưa. (Ở Việt Nam, người ta luôn luôn ngủ trưa sau khi ăn vì trời quá nóng. Khi người Mỹ đến, họ mang sang lối làm việc tám giờ liên tục của mình, từ chín đến năm giờ. Nhiều người trong chúng tôi thử làm, nhưng không làm được. Chúng tôi cần giấc ngủ trưa lắm lắm.)

Đến hai giờ, lại có thêm giờ học và chơi với các em, những em ở sinh hoạt buổi chiều sẽ được ăn tối. Chùa không có chỗ cho các em ngủ ban đêm. Trong cộng đồng chúng tôi ở bên Pháp, chúng tôi vẫn đang yểm trợ cho quý thầy và quý sư cô này. Chỉ tốn có hai mươi xu cho một đứa trẻ ăn trưa và ăn tối, và sẽ giữ em không lang thang ngoài đường, nơi em có thể đánh cắp thuốc lá, hút thuốc, dùng ngôn ngữ của du côn, và tập những lề thói xấu. Bằng cách khuyến khích các em lại chùa, ta giúp ngăn không để cho các em trở thành du đãng và phải vào tù sau này. Cần có nhiều thời gian để giúp những em bé này, chứ không phải nhiều tiền. Có biết bao nhiêu việc đơn giản như vậy ta có thể làm để giúp người, nhưng vì ta không thể tự mình tháo gỡ bớt đi những ràng buộc của hoàn cảnh và cách sống của mình, ta chẳng làm gì cả. Chúng ta cần phải đến với nhau như một cộng đồng, nhìn sâu, tìm ra những cách tháo gỡ cho mình để chúng ta có thể thực tập Giới thứ hai.

‘...để chia xẻ thời giờ, năng lực, và tài vật của con đến những kẻ thiếu thốn.’ Câu này thật rõ ràng. Có lòng và có khả năng chưa đủ. Ta còn phải thể hiện tâm hào hiệp đó. Chúng ta có thể có cảm tưởng mình không có thời giờ để mang hạnh phúc cho người khác – ‘Thời giờ là tiền bạc,’ chúng ta nói – nhưng thời giờ còn nhiều hơn là tiền bạc nữa. Đời sống có nhiều ý nghĩa hơn là dùng thời giờ để kiếm tiền. Thời giờ là để sống, để chia sẻ niềm vui và hạnh phúc với mọi người. Người giàu thường lại không có khả năng làm cho người khác hạnh phúc. Chỉ có những người có thời giờ mới có thể làm điều này.

Tôi biết một người đàn ông ở tỉnh Thừa Thiên, Bác Siêu, không ngừng thực hành hạnh bố thí trong suốt năm mươi năm; Bác là một vị Bồ Tát đích thực. Chỉ với một chiếc xe đạp, bác đã đến thăm nhiều làng xã trong suốt mười ba tỉnh, mang cho nhà này món này, nhà kia món kia. Khi tôi gặp Bác năm 1965, tôi hơi hãnh diện về Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội của chúng tôi. Chúng tôi đã bắt đầu huấn luyện cho ba trăm tác viên xã hội, trong đó có các thầy và các sư cô, để đi đến các làng quê xa xôi hẻo lánh giúp người dân cất nhà và đổi mới cơ cấu kinh tế địa phương, hệ thống y tế, giáo dục. Rốt cuộc chúng tôi đã có mười ngàn tác viên trong toàn quốc. Trong khi kể cho Bác Siêu nghe về các đề án của trường, tôi nhìn chiếc xe đạp của Bác và nghĩ rằng với một chiếc xe đạp Bác chỉ có thể giúp ít người thôi. Nhưng khi người Cộng Sản tiếp quản và đóng cửa Trường chúng tôi, Bác Siêu vẫn tiếp tục, vì cách làm việc của Bác vô hình vô tướng. Các cô nhi viện, trạm phát thuốc, trường học, và các trung tâm giúp người chạy loạn ổn định nơi chốn của chúng tôi đều bị đóng cửa hay bị nhà nước tịch thu. Hàng ngàn tác viên phải ngưng làm việc và ẩn lánh. Nhưng Bác Siêu không có gì để mất. Bác là một vị Bồ Tát đích thực, làm việc vì phúc lợi của kẻ khác. Tôi thấy khiêm nhượng hơn bây giờ về cách tu tập hạnh Thí.

Chiến tranh đã tạo ra hàng ngàn trẻ mồ côi. Thay vì gây quỹ để lập cô nhi viện, chúng tôi đã tìm người bảo trợ ở các nước Tây phương để xin bảo trợ cho từng em bé. Chúng tôi tìm các gia đình trong làng chịu chăm sóc một em, và gởi cho họ $6 đô một tháng để nuôi và cho em đi học. Bao giờ có thể chúng tôi đều cố gửi em vào nhà bà con, dì, chú hoặc ông bà của em. Chỉ với $6 đô, em bé được ăn và được học, những em bé khác trong gia đình cũng được giúp theo. Trẻ em được lợi lạc rất nhiều khi lớn lên dưới một mái gia đình. Sống trong cô nhi viện nhiều khi giống như ở trong quân đội – các em không lớn lên một cách bình thường. Nếu chúng ta chịu tìm và chịu học những cách để thực hành hạnh Thí, chúng ta sẽ luôn có sự tiến bộ.

Con nguyện không lấy làm tư hữu bất cứ một của cải nào không phải do mình tạo ra. Con nguyện tôn trọng quyền tư hữu của kẻ khác, nhưng cũng nguyện ngăn ngừa kẻ khác không cho họ tích trữ và làm giàu một cách bất lương trên sự đau khổ của con người và của muôn loại.’ Khi ta hành trì một Giới cho sâu sắc, ta sẽ khám phá ra rằng mình đang hành trì cả năm Giới. Giới thứ nhất là về sự giết hại, một dạng lấy cắp -- lấy cắp đi cái quý nhất của kẻ khác: mạng sống. Khi quán chiếu về Giới thứ hai, chúng ta thấy trộm cắp, dưới hình thức bóc lột, đàn áp và bất công xã hội, đều là những hành động giết hại -- giết từ từ bằng sự bóc lột, duy trì tình trạng bất công, và đàn áp kinh tế, chính trị. Vì vậy, Giới thứ hai dính dáng rất nhiều đến Giới không giết hại. Chúng ta thấy tính ‘tương tức’ của hai Giới đầu. Điều này cũng đúng với tất cả năm Giới. Có những người chỉ thọ một hay hai Giới. Tôi không phiền gì cả, vì nếu các bạn giữ một hay hai Giới cho sâu sắc thì cả năm Giới đều sẽ được giữ.

Giới thứ hai là không trộm cắp. Thay vì trộm cắp, bóc lột, hay đàn áp, chúng ta thực tập Thí. Trong đạo Bụt, chúng ta nói có ba loại tặng phẩm. Thứ nhất là tặng phẩm vật chất. Thứ hai là giúp người tự lực tự cường, giúp cho họ kỹ thuật cũng như giúp cho họ biết cách đứng vững trên hai chân mình. Giúp bằng chánh Pháp để người ta có thể chuyển hoá những sợ hãi, giận hờn, và tuyệt vọng của mình thuộc vào loại tặng phẩm thứ hai. Loại thứ ba là món quà vô úy. Chúng ta sợ đủ thứ. Chúng ta cảm thấy không an ninh, sợ cô đơn, sợ bệnh, sợ chết. Để giúp người không bị tàn phá bởi những nỗi sợ hãi của mình, chúng ta thực tập loại bố thí thứ ba.

Bồ Tát Quan Thế Âm là người thực tập điều này rất giỏi. Trong Tâm Kinh Bát Nhã, Ngài chỉ chúng ta cách chuyển hoá, vượt thắng sợ hãi, và mỉm cười cưỡi trên sóng sinh tử. Ngài nói rằng không có sinh, không có diệt, không có có, không có không, không có tăng, không có giảm. Nghe như vậy giúp chúng ta nhìn sâu vào bản chất của thực tại để thấy rằng sinh và diệt, có và không, đến và đi, tăng và giảm đều là những ý niệm mà chúng ta gán lên cho thực tại, trong khi đó, thực tại vượt lên trên mọi khái niệm. Khi nhận ra được bản chất tương tức của vạn vật – rằng ngay cả sinh và tử đều là những khái niệm – chúng ta vượt thắng sợ hãi.

Năm 1991, tôi thăm một người bạn ở Nữu Ước đang trong tình trạng hấp hối, Alfread Hassler. Chúng tôi đã cùng làm việc với nhau trong phong trào hoà bình trong gần ba mươi năm. Có vẻ như Alfred đã đợi tôi đến thăm trước khi ông ra đi, và ông đã qua đời vài giờ sau cuộc thăm viếng ấy. Tôi đến cùng với người đồng sự thân cận nhất, sư cô Chân Không.

Alfred không còn tỉnh khi chúng tôi đến. Cô Laura, con gái ông, tìm cách thức ông dậy nhưng không được. Tôi nhờ sư cô Chân Không hát Bài Ca Không Đến Không Đi cho Alfred: ‘Mắt này không phải là tôi, Tôi không bị kẹt vào nơi mắt ấy. Thân này không phải là tôi, Tôi không bị kẹt vào nơi thân ấy. Tôi là sự sống thênh thang, Tôi chưa bao giờ từng sinh mà cũng chưa bao giờ từng diệt’, lấy ý từ Kinh Tạp A Hàm[1] . Cô Chân Không hát rất hay, tôi thấy những dòng nước mắt lăn trên má của vợ con ông Alfred. Đó là nước mắt của sự hiểu biết, rất trị liệu.

Bỗng Alfred hồi tỉnh lại. Sư Cô Chân Không bắt đầu thực tập những gì Cô đã học được từ Kinh Giáo Hoá Người Bệnh. Sư Cô nói: ‘Alfred, ông có nhớ thời chúng ta làm việc với nhau không?’ Sư Cô nhắc lại nhiều kỷ niệm hạnh phúc chúng tôi đã từng chia sẻ, Alfred nhớ lại được từng kỷ niệm một. Dù đau đớn thấy rõ, ông đã mỉm cười. Sự thực tập này mang lại kết quả ngay tức thời. Khi một người đang chịu những đau đớn về thân thể, đôi lúc ta có thể làm vơi đi những đau đớn đó bằng cách tưới tẩm những hạt giống hạnh phúc trong họ. Thăng bằng được lấy lại, và người ấy thấy đỡ đau.

Trong lúc đó, tôi xoa bóp bàn chân ông, tôi hỏi ông có cảm thấy bàn tay tôi không. Khi hấp hối, các phần trên thân thể ta trở nên tê cứng, ta có cảm giác như mình đã mất đi những phần thân thể ấy. Xoa bóp nhẹ nhàng trong chánh niệm cho người hấp hối cảm giác ông vẫn còn sống và đang được quan tâm, săn sóc. Người ấy biết tình thương có mặt. Alfred gật đầu, và mắt ông có vẻ như nói: ‘Có, tôi cảm thấy tay Thầy. Tôi biết bàn chân tôi có đó.’

Sư Cô Chân Không hỏi: ‘Ông có biết chúng tôi đã học rất nhiều từ ông khi chúng ta sống và làm việc với nhau không? Công việc ông khởi đầu, nhiều người trong chúng tôi vẫn đang tiếp tục. Ông đừng lo gì cả.’ Sư Cô nói với ông nhiều điều như vậy, và ông có vẻ bớt đau đớn. Có một lúc ông hé miệng nói: ‘Mầu nhiệm. Mầu nhiệm.’ Và ông thiếp đi.

Trước khi rời, chúng tôi khuyến khích gia đình ông tiếp tục làm như vậy. Ngày hôm sau tôi được tin Alfred đã qua đời năm tiếng đồng hồ sau khi chúng tôi ra về. Đây là một món quà thuộc vào nhóm thứ ba. Nếu chúng ta có thể giúp cho người ta cảm thấy an toàn, bớt sợ đời sống, con người, và cái chết, thì chúng ta đang thực tập loại Thí thứ ba.

Có lần, trong lúc thiền, tôi có một hình ảnh rất mầu nhiệm – hình dạng một con sóng, khởi đầu và kết thúc. Khi các nhân duyên hội đủ, chúng ta thấy con sóng, và khi nhân duyên không đầy đủ nữa, chúng ta không còn thấy con sóng. Sóng được làm bằng nước. Ta không thể dán lên con sóng nhãn hiệu có hay không có. Sau cái mà chúng ta gọi là sự chấm dứt của con sóng, không có gì mất đi, không có gì chết cả. Sóng đã rút về với nước, và bằng cách này hay cách khác, thời gian sẽ mang sóng trở lại. Không có tăng, giảm, sinh, hay diệt. Khi hấp hối, ta nghĩ rằng mọi người đều đang sống, chỉ có mình đang chết mà thôi, cảm giác cô đơn của chúng ta có thể không chịu đựng nổi. Nhưng nếu ta có thể quán tưởng hàng trăm ngàn người đang cùng hấp hối với ta, cái chết của chúng ta có thể sẽ trở nên thanh thản hay thậm chí vui. ‘Tôi đang chết trong cộng đồng. Hàng triệu chúng sinh cũng đang chết đi trong giờ phút này. Tôi thấy tôi đang cùng với triệu triệu chúng sinh khác; chúng ta chết có tăng thân. Đồng lúc ấy, triệu triệu chúng sinh cũng đang ra đời. Tất cả chúng ta đều đang làm việc đó với nhau. Tôi vẫn đang tiếp tục được sinh ra, và đồng thời đang chết. Chúng ta tham dự vào toàn bộ sự việc ấy như một tăng thân.’ Đó là những gì tôi thấy trong khi thiền quán. Trong Tâm Kinh, Bồ Tát Quan Thế Âm chia sẻ tuệ giác này và giúp ta vượt thắng sợ hãi, lo lắng, và đau đớn. Món quà Vô Úy mang lại một sự chuyển hoá trong ta.

Giới thứ hai là một pháp thực tập rất sâu. Chúng ta đã nói đến thời giờ, năng lực, và tài vật, nhưng thời giờ không phải chỉ để dành cho năng lực và của cải. Thời giờ là để có đó cho nhau -- có đó với một người đang hấp hối hay đang đau khổ. Thật sự có mặt dù chỉ năm phút thôi cũng có thể đã là một món quà hết sức quan trọng. Thời giờ không phải chỉ để làm ra tiền bạc. Thời giờ là để tạo ra món quà Chánh Pháp và Vô Úy.

[1] Tương đương với Tương Ưng Bộ của tạng Pali (Samyutta Nikaya.)

---o0o---


GIỚI THỨ BA - Bảo Vệ Tiết Hạnh


Ý thức được những khổ đau do thói tà dâm gây ra, con xin học theo tinh thần trách nhiệm để giúp bảo vệ tiết hạnh và sự an toàn của mọi người và mọi gia đình trong xã hội. Con nguyện không ăn nằm với những người không phải là vợ hay chồng của con. Con ý thức được rằng những hành động bất chính sẽ gây ra những đau khổ cho kẻ khác và cho chính con. Con biết muốn bảo vệ hạnh phúc của mình và của kẻ khác thì phải biết tôn trọng những cam kết của mình và của kẻ khác. Con sẽ làm mọi cách có thể để bảo vệ trẻ em, không cho nạn tà dâm tiếp tục gây nên sự đổ vỡ của các gia đình và của đời sống đôi lứa.

Hành động tà dâm đã gây tàn hoại cho không biết bao nhiêu cuộc đời, làm đổ vỡ không biết bao nhiêu gia đình. Thực tập Giới thứ ba là để hàn gắn cho mình và hàn gắn cho xã hội. Đó là sống có chánh niệm.

Giới thứ năm – không tiêu thụ rượu, ma túy, và các độc tố gây ra – có liên hệ với Giới thứ Ba. Cả hai đều liên quan đến lối sống có tính cách phá hoại và làm mất đi sự vững chãi. Các Giới này là liều thuốc thích đáng nhất cho chúng ta. Ta chỉ cần tự mình giữ giới, và thế nào những người xung quanh ta cũng sẽ thấy được sự thật. Sự vững chãi của bản thân ta cũng như của gia đình ta không thể có được nếu không có sự hành trì hai Giới này. Nếu nhìn vào những cá nhân và gia đình không có vững chãi và hạnh phúc, ta sẽ thấy nhiều người trong số họ không thực tập hai Giới này. Ta có thể tự mình chẩn bệnh, và ta nhận ra rằng thuốc trị cũng có đó. Thực tập những Giới này là cách hay nhất để khôi phục lại sự vững chãi trong gia đình và xã hội. Với một số người, Giới này rất dễ thực tập, nhưng với một số người khác thì Giới này lại rất khó giữ. Những người này cần phải đến với nhau và chia sẻ kinh nghiệm.

Trong truyền thống đạo Bụt, ta nói đến tính thống nhất của thân tâm. Cái gì xảy ra cho thân cũng đồng thời xảy ra cho tâm. Sự trong sạch của thân thể cũng là sự trong sạch của tâm hồn; sự bạo động của thân cũng chính là sự bạo động của tâm. Khi giận, chúng ta nghĩ mình giận trong tâm chứ không phải giận nơi thân, nhưng điều ấy không đúng. Khi thương ai, ta muốn ở gần người đó, khi giận ai ta lại không muốn đụng đến họ, hay bị họ đụng đến mình. Ta không thể nói thân là riêng và tâm là riêng.

Quan hệ giới tính là một kết hợp giữa thân thể và tâm hồn. Đây là một cuộc gặp gỡ hết sức quan trọng, không thể hành động một cách tùy tiện, bê bối được. Trong tâm hồn ta có những vùng riêng tư – những kỷ niệm, những nỗi đau, những bí mật --, ta chỉ muốn chia sẻ với người ta thương và tin cậy nhất mà thôi. Không phải với ai mình cũng đem tâm can ra thổ lộ. Trong Hoàng Thành có một khu vực không ai được bước đến, gọi là Tử Cấm Thành; chỉ có nhà Vua và thân tộc mới được qua lại trong đó mà thôi. Trong tâm hồn ta cũng có một vùng như vậy, ta không cho phép ai bước vào, ngoại trừ người mà ta thương và tin cậy nhất.

Với thân thể cũng vậy. Có những vùng nơi thân thể ta không muốn ai lại gần hay đụng đến, trừ phi đó là người mà ta kính trọng, thương và tin cậy nhất. Khi ta bị đụng chạm một cách bừa bãi, tùy tiện, với một thái độ thiếu nhẹ nhàng tế nhị, ta cảm thấy bị sỉ nhục trong thân thể và tâm hồn. Một người đến với ta bằng sự tôn trọng, nhẹ nhàng, tế nhị, và hết lòng quan tâm mang lại cho ta một sự truyền thông và cảm thông sâu sắc. Chỉ trong trường hợp đó ta mới không cảm thấy bị tổn thương, xúc phạm, hay lợi dụng, cho dù một mảy may. Điều này không thể xảy ra nếu không có tình thương và sự cam kết đích thực. Quan hệ bừa bãi không thể được gọi là tình yêu. Tình thương thì sâu, đẹp, và trọn vẹn.

Tình thương đích thực phải có sự kính trọng. Trong văn hoá Á Đông, vợ chồng phải trân trọng nhau như khách, khi thực tập kính trọng như vậy, tình thương và hạnh phúc sẽ tiếp tục lâu dài. Trong quan hệ giới tính, sự tôn trọng là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Sự kết hợp giới tính phải giống như một nghi lễ, được cử hành trong chánh niệm với sự tôn trọng, quan tâm, và thương yêu lớn. Tham muốn không phải là tình thương. Thương là một cái gì thiên về trách nhiệm. Trong tình thương có sự quan tâm chăm sóc.

Chúng ta phải khôi phục lại ý nghĩa của chữ ‘yêu.’ Chúng ta đã sử dụng từ này một cách bừa bãi. Khi ta nói, ‘Tôi yêu (thích) cà rem,’ ta không phải nói về tình yêu. Ta đang nói về sự thèm ăn của ta, thèm món cà rem. Ta không nên nói phóng đại và dùng sai từ như thế. Làm như vậy, ta khiến cho các từ ngữ như ‘yêu’ bị bệnh. Chúng ta phải nỗ lực để chữa lành cho ngôn ngữ chúng ta bằng cách thận trọng trong khi dùng từ. Từ ‘yêu’ là một trong những từ rất đẹp. Ta phải khôi phục lại ý nghĩa của nó.

‘Con nguyện không ăn nằm với những người không phải là vợ hay chồng của con.’ Nếu chữ ‘yêu’ được hiểu theo nghĩa sâu sắc nhất của nó, tại sao chúng ta phải nói đến ‘sự cam kết lâu dài’? Nếu tình thương có thật, ta không cần phải có cam kết dài hay ngắn, hay thậm chí đám cưới. Tình thương đích thực phải có ý thức trách nhiệm, chấp nhận người kia như là chính họ, với những điểm mạnh và yếu kém của người đó. Nếu ta chỉ thích những gì tốt đẹp nhất nơi người đó thì đó không phải là tình thương. Ta phải chấp nhận những yếu kém của người kia và mang sự kiên nhẫn, hiểu biết, và năng lượng của mình để giúp người kia chuyển hoá. Tình thương là phải là Từ, maitri, khả năng mang lại niềm vui và hạnh phúc, và Bi, karuna, khả năng chuyển hoá nỗi khổ niềm đau. Tình thương theo cách này chỉ mang lại sự tốt đẹp. Nó không thể được diễn tả là tiêu cực hay hủy hoại. Tình thương như vậy an toàn, và bảo đảm được tất cả.

Ta có nên thay đổi ‘cam kết lâu dài’ bằng ‘cam kết ngắn hạn’ không? ‘Cam kết ngắn hạn’ có nghĩa là ta có thể sống với nhau vài bữa rồi sau đó kết thúc liên hệ. Đó không phải là tình thương. Nếu ta có một liên hệ như vậy, ta không thể nói liên hệ đó đến từ tình thương và sự quan tâm chăm sóc. ‘Cam kết lâu dài’ giúp người ta hiểu được ý nghĩa của chữ ‘thương yêu.’ Trong một tình thương đích thực, cam kết chỉ có thể là cam kết lâu dài. ‘Tôi muốn thương em. Tôi muốn giúp em. Tôi muốn chăm sóc cho em. Tôi muốn phấn đấu cho hạnh phúc. Nhưng chỉ trong vài hôm thôi.’ Có hợp lý chút nào không?


 
Ta sợ phải cam kết -- với Giới, với lứa đôi, và với mọi thứ. Ta muốn có tự do. Nhưng hãy nhớ rằng, ta phải cam kết thương yêu con mình một cách sâu sắc, giúp đỡ nó đi qua hành trình cuộc đời cho đến khi nào ta không còn sống nữa. Ta không thể nói, ‘Ba không thương con nữa.’ Khi ta có một người bạn tốt, ta cũng làm một cam kết lâu dài. Ta cần người ấy. Huống hồ là với người muốn cùng ta chia sẻ cuộc đời, tâm hồn, và thân thể. ‘Cam kết lâu dài’ không thể diễn tả được chiều sâu của tình yêu, nhưng ta phải mượn từ để nói cho người ta hiểu.

Sự cam kết lâu dài giữa hai người chỉ là điểm khởi đầu. Chúng ta còn cần có sự nâng đỡ của bạn bè và những người khác nữa. Đó là vì sao xã hội chúng ta có lễ cưới. Hai gia đình cùng đến với bạn bè để làm chứng cho sự kiện hai người về chung sống với nhau như một đôi lứa. Vị chủ hôn và tờ hôn thú chỉ là những biểu tượng. Điều quan trọng là sự cam kết của hai người được chứng minh bởi hai họ và nhiều bè bạn. Bây giờ hai người có sự yểm trợ của những người này. Một cam kết lâu dài sẽ mạnh và dài lâu hơn nếu được làm trong khung cảnh của Tăng thân.

Tình cảm sâu đậm của hai người rất quan trọng, nhưng không đủ để duy trì hạnh phúc. Không có những yếu tố khác, cái mà ta gọi là tình yêu chẳng bao lâu sẽ có thể trở thành chua chát. Sự cùng đến yểm trợ của gia đình và bạn bè đã dệt nên một mạng lưới. Sức mạnh của tình cảm hai người chỉ là một sợi tơ trong mạng lưới đó. Được yểm trợ bởi nhiều yếu tố, đôi lứa ấy sẽ vững hơn, như một cái cây. Nếu cái cây muốn khoẻ mạnh, nó cần phải cắm một số rễ sâu vào lòng đất. Nếu cái cây chỉ có một cái rễ, nó có thể sẽ bị gió lật trốc. Đời sống lứa đôi cũng cần có sự hổ trợ của nhiều yếu tố khác nhau – gia đình, bè bạn, lý tưởng, tu tập, và Tăng thân.

Ở Làng Mai, cộng đồng tu tập nơi tôi sống tại Pháp, mỗi khi có một Lễ Cưới, cả cộng đồng được mời tới để ăn mừng và hổ trợ cho hai người. Sau Lễ cưới, mỗi ngày rằm, hai vợ chồng đọc lại Năm Điều Ước nguyện với nhau, nhớ lại rằng bạn bè khắp nơi đều đang nâng đỡ cho liên hệ của họ được vững bền và hạnh phúc[2] . Cho dù liên hệ của hai người có được kết hợp bởi luật pháp hay không, nó cũng sẽ mạnh và bền hơn nếu được cam kết với sự hiện diện của Tăng thân -- những người bạn thương mến và muốn yểm trợ mình trong tinh thần của Hiểu và Từ Bi.

Tình yêu có thể là một căn bệnh. Ở Tây phương cũng như Á Châu đều có từ ‘bệnh tương tư.’ Cái làm chúng ta bệnh là sự ràng buộc. Dù đó là một nội kết ngọt ngào, thứ tình thương ràng buộc này cũng giống như thuốc phiện. Nó làm cho chúng ta thấy khoan khoái, nhưng một khi đã nghiện ngập, ta không còn một chút bình an nào nữa. Ta không thể học, không thể làm việc gì, thậm chí không thể ngủ. Ta chỉ nghĩ đến đối tượng kia thôi. Ta bị bệnh vì tình. Thứ tình này dính líu đến ước muốn chiếm hữu và độc quyền của ta. Ta muốn đối tượng tình yêu của ta phải hoàn toàn thuộc về ta và chỉ riêng cho ta mà thôi. Đó là sự chuyên chế. Ta không muốn ai ngăn không cho ta ở gần người đó cả. Thứ tình yêu này có thể được gọi là nhà tù, nơi ta giam cầm người ta thương và chỉ gây khổ đau cho người ấy. Người bị thương bị tước đoạt đi tự do -- quyền được là mình và vui sống. Thứ tình yêu này không thể được gọi là Từ (maitri) hay Bi (karuna.) Nó chỉ là ước muốn dùng người khác để thoả mãn những nhu cầu của mình mà thôi.

Khi có những năng lượng tình dục làm cho ta không hạnh phúc, mất đi sự an ổn nội tại, ta cần phải biết thực tập để không làm những việc mang lại khổ đau cho người và cho mình. Ta phải học điều này. Ở châu Á, ta nói có ba loại năng lượng – tinh, khí, và thần. Tinh, năng lượng tình dục, là loại đầu. Khi ta có nhiều năng lượng tình dục hơn mức độ cần thiết, cơ thể và toàn bộ con người ta sẽ mất quân bình. Ta cần phải biết làm sao để tái lập lại quân bình, nếu không ta sẽ có thể hành xử một cách vô trách nhiệm. Trong đạo Lão và đạo Bụt, có những phép thực tập giúp tái lập lại sự quân bình này, như tập thiền hay võ thuật. Ta có thể học những cách để chuyển năng lượng tình dục này sang những mức độ thành đạt sâu trong nghệ thuật và thiền tập.


 
Nguồn năng lượng thứ hai là khí, hơi thở. Sự sống có thể được xem như một tiến trình đốt cháy. Để đốt, mỗi tế bào trong cơ thể ta cần thức ăn và dưỡng khí. Trong Kinh Lửa, Bụt nói, ‘Mắt đang cháy, mũi đang cháy, thân đang cháy.’ Trong đời sống hằng ngày, ta phải nuôi dưỡng năng lượng của mình bằng cách thực tập thở cho đúng. Chúng ta nhờ không khí và oxygen trong đó, vì vậy ta phải cẩn thận tránh không khí ô nhiễm. Có những người nuôi dưỡng khí bằng cách tránh hút thuốc và chuyện trò, hay thực tập hơi thở chánh niệm sau khi phải nói nhiều. Khi nói, ta nhớ dành thì giờ để thở. Ở Làng Mai, mỗi khi nghe chuông chánh niệm, mọi người đều dừng lại những gì họ mình đang làm và thở ba hơi thở có ý thức. Chúng tôi thực tập như vậy để phát triển và giữ gìn năng lượng khí.

Nguồn năng lượng thứ ba là thần, năng lượng của tinh thần. Khi không ngủ ban đêm, ta mất một số năng lượng này. Hệ thần kinh của chúng ta trở nên mệt mỏi và ta không thể học, hành thiền hay quyết đoán tốt được. Thần trí ta không minh mẫn vì thiếu ngủ hoặc lo lắng quá độ. Lo nghĩ, bồn chồn làm kiệt quệ năng lượng này.

Vậy thì đừng lo lắng. Đừng thức khuya quá. Giữ hệ thống thần kinh của mình cho khoẻ mạnh. Tránh bồn chồn. Những thực tập như vậy nuôi dưỡng nguồn năng lượng thứ ba. Ta cần năng lượng này để thực tập thiền cho tốt. Sự khai mở tâm linh cần sức mạnh tinh thần, có được nhờ định và nhờ biết bảo tồn nguồn năng lượng này. Khi có năng lượng tinh thần mạnh, ta chỉ cần chuyên tâm vào đối tượng, và ta sẽ có sự khai mở. Không có thần, ánh sáng định sẽ không toả sáng, vì ngọn đèn phát ra rất yếu ớt.

Theo y học Á Đông, thần lực có liên hệ đến tinh lực. Tiêu xài tinh lực thì cần phải có thời gian mới khôi phục lại được. Trong y học Trung Quốc, muốn có một tinh thần và một định lực mạnh, ta được khuyên phải tránh có liên hệ giới tính hay ăn uống quá độ. Người ta dùng dược thảo, rễ cây và thuốc để bồi bổ thần, và trong khi uống thuốc ta phải tránh các liên hệ giới tính. Nếu thần yếu mà ta vẫn tiếp tục quan hệ tình dục, Trung Y cho rằng thần lực sẽ không thế nào cứu vãn được. Những ai tập thiền nên tập gìn giữ tinh lực vì họ cần đến năng lượng này trong thiền tập. Nếu là một nghệ sĩ, có lẽ bạn cũng nên thực tập chuyển tinh và thần của mình vào tác phẩm.


 
Trong cuộc tranh đấu dành lại độc lập cho Ấn Độ từ tay người Anh, ông Gandhi đã tuyệt thực nhiều lần, và ông đã khuyên những người bạn tham dự tuyệt thực với ông trong khi nhịn ăn không nên giao hợp. Khi đã nhịn ăn nhiều ngày rồi mà còn có quan hệ giới tính thì có thể chết; phải biết bảo tồn năng lượng. Một người bạn của tôi, thầy Trí Quang, đã nhịn ăn một trăm ngày ở nhà thương Sài Gòn nằm 1966, biết rất rõ không hành dục là điều rất cơ bản. Dĩ nhiên, là một thầy tu, Thầy không có vấn đề gì với chuyện ấy. Thầy cũng biết rõ rằng nói chuyện làm hao hơi tổn khí, thầy cũng tránh nói chuyện. Khi cần gì, Thầy chỉ nói một hay hai chữ, hoặc viết xuống. Viết, nói, hay cử động nhiều đều lấy đi năng lượng từ ba nguồn này. Vậy thì hay nhất là nằm xuống và tập thở sâu. Thở như vậy sẽ mang lại cho ta sức sống cần thiết để đi qua cơn tuyệt thực một trăm ngày. Một khi không ăn, ta không thể tiếp vào năng lượng dinh dưỡng. Nếu ta bớt đi việc học, nghiên cứu, hay lo nghĩ, ta có thể bảo tồn được nguồn năng lượng này. Ba nguồn năng lượng đều có liên hệ với nhau. Tu dưỡng một nguồn, ta cũng giúp những nguồn kia. Đó là vì sao anapanasati, sự thực tập hơi thở có ý thức, là rất quan trọng trong nếp sống tâm linh. Sự thực tập này trợ giúp cho tất cả mọi nguồn năng lượng khác trong ta.

Những người xuất gia, nam hay nữ, không có những quan hệ giới tính vì họ muốn dồn hết năng lượng của mình để có sự khai mở trong thiền tập. Họ học cách chuyển tinh lực của mình sang tăng cường cho năng lượng tinh thần để có sự khai mở. Họ cũng thực tập thở sâu để tăng thêm năng lượng tinh thần. Sống đời sống độc cư, không có gia đình, họ có thể dồn hầu hết thời gian của mình cho thiền tập và giảng dạy, giúp những người cung cấp tứ sự cho mình. Họ tiếp xúc với dân trong làng để chia sẻ Chánh Pháp. Vì không có nhà hay gia đình để phải chăm sóc, họ có không gian và thời gian để làm những việc họ ưa thích nhất – đi thiền, ngồi thiền, thở, giúp những người xuất gia và tại gia tu học – và đạt được điều họ mong muốn. Người xuất gia không lập gia đình để bảo tồn thời giờ và năng lượng cho sự tu tập.


 
‘Trách nhiệm’ là từ then chốt trong Giới thứ Ba. Trong một cộng đồng tu tập, nếu không có tà hạnh, nếu cộng đồng đó thực tập Giới này giỏi, thì sẽ có sự vững chãi và an bình. Mọi người đều cần phải thực tập Giới này. Ta tôn trọng, yểm trợ, và bảo hộ lẫn nhau như những người anh, người chị, người em trong Đạo. Nếu không thực tập Giới này, ta có thể sẽ trở nên vô trách nhiệm và tạo vấn đề rắc rối cho cộng đồng tu tập của ta và cộng đồng lớn bên ngoài. Chúng ta đã từng thấy điều này. Nếu một vị thầy mà không tự chế được, ngủ với đệ tử, thì vị ấy sẽ hủy hoại tất cả, có thể là vài thế hệ lận. Chúng ta cần chánh niệm để có ý thức trách nhiệm này. Chúng ta không tà hạnh vì chúng ta có tránh nhiệm đến sự an nguy của bao nhiêu người. Nếu vô trách nhiệm, ta có thể sẽ làm đổ vỡ tất cả. Thực tập Giới này, ta giữ cho Tăng Đoàn còn đẹp mãi.

Trong quan hệ giới tính, người ta có thể bị thương tổn. Thực tập Giới này là để ngăn không để cho mình và kẻ khác bị thương. Thường ta nghĩ rằng chỉ có người phụ nữ mới bị thương, nhưng người đàn ông cũng bị thương rất nặng. Chúng ta phải hết sức cẩn thận, nhất là trong những cam kết ngắn hạn. Thực tập Giới thứ ba là cách hữu hiệu nhất để khôi phục lại sự bình an và vững chãi trong ta, trong gia đình và xã hội ta. Chúng ta phải dành thời gian để thảo luận về những vấn đề liên quan đến sự thực thập Giới này, như cô đơn, quảng cáo, thậm chí cả vấn đề mãi dâm.

Cảm giác cô đơn rất phổ biến trong xã hội ta. Không có truyền thông giữa ta và người khác, kể cả những người trong gia đình; cảm giác cô đơn thúc đẩy ta đi đến chỗ quan hệ tình dục. Ta tin tưởng một cách ngây thơ rằng quan hệ tình dục sẽ giúp ta cảm thấy bớt cô đơn, nhưng điều ấy không đúng. Khi không có đủ truyền thông với người khác về mặt tâm hồn, quan hệ tình dục sẽ đào sâu thêm hố ngăn cách và hủy diệt cả hai bên. Quan hệ của ta sẽ đầy bão tố, ta sẽ chỉ làm khổ nhau. Niềm tin rằng quan hệ giới tính sẽ giúp ta giải toả cô đơn là một thứ mê tín. Ta không nên bị nó đánh lừa. Trên thực tế, ta sẽ cảm thấy còn cô đơn hơn sau đó.

Sự kết hợp của hai thân thể chỉ tích cực khi nào có hiểu biết và cảm thông về mặt tâm hồn. Ngay cả giữa vợ và chồng, nếu sự cảm thông về tâm hồn không có đó, thì sự đến với nhau của hai thân thể chỉ làm cho hai người xa cách nhau thêm. Trong trường hợp đó, tôi khuyên các bạn hãy tránh quan hệ thân xác và tìm cách tái lập truyền thông trước đã.

Tiếng Việt có hai chữ tình và nghĩa, rất khó dịch ra tiếng Anh. Hai chữ đều có nghĩa gần giống với thương yêu. Trong tình, ta thấy có yếu tố say mê sôi nổi. Sự say mê này có thể rất sâu, tràn ngập cả con người mình. Nghĩa là một loại tiếp nối của tình. Với nghĩa ta thấy đằm hơn, có nhiều hiểu biết hơn, sẵn sàng hy sinh để làm cho người kia hạnh phúc hơn, trung thành hơn. Ta không còn hăng say như trong tình, nhưng tình thương của ta sâu hơn và bền hơn. Nghĩa sẽ giữ hai người với nhau lâu dài. Đó là kết quả của sự sống chung và chia sẻ niềm vui và gian khó trong thời gian dài.

Ta bắt đầu bằng sự đam mê, nhưng sống với nhau ta gặp phải khó khăn, và nhờ tìm cách ứng phó với những khó khăn này mà tình yêu của ta sâu đậm thêm. Trong khi sự đam mê phai lạt thì nghĩa lại mỗi lúc một tăng trưởng. Nghĩa là một thứ tình thương sâu hơn, với nhiều trí tuệ hơn, tương tức hơn, đoàn kết hơn. Ta hiểu người kia hơn. Ta và người kia trở nên một thực thể. Nghĩa giống như một trái cây đã chín. Nó không còn chua chát nữa; chỉ có vị ngọt thôi.

Trong nghĩa, ta thấy biết ơn người kia. ‘Cảm ơn vì đã chọn tôi. Cảm ơn vì đã làm vợ hay chồng tôi. Có biết bao nhiêu người ngoài kia, tại sao lại chọn tôi? Tôi rất biết ơn.’ Đó là chỗ bắt đầu của nghĩa, cảm giác biết ơn người ấy đã chọn mình làm người bạn đồng hành để chia sẻ những gì tốt đẹp nhất của người ấy, cũng như những hạnh phúc và khổ đau của mình.

Khi sống chung, ta hổ trợ lẫn nhau. Ta bắt đầu hiểu được cảm thọ và những khó khăn của nhau. Khi người kia tỏ ra hiểu được những vấn đề, khó khăn, và chí hướng sâu xa của mình, ta cảm thấy biết ơn sự hiểu biết đó. Khi thấy được người khác hiểu, ta không còn khổ sở nữa. Hạnh phúc, trước hết là cảm thấy được hiểu. ‘Tôi biết ơn vì anh đã chứng tỏ là anh hiểu tôi. Trong khi tôi đang gặp khó khăn và thao thức trắng đêm, anh săn sóc tôi. Anh tỏ cho tôi thấy rằng sự an nguy của tôi cũng là sự an nguy của anh. Anh đã làm những điều không thể làm được để mang lại an ổn cho tôi. Anh đã săn sóc tôi theo một cách mà không ai trên đời này có thể có được. Vì vậy tôi biết ơn anh.’


 
Nếu hai người sống với nhau lâu dài, ‘cho đến khi đầu bạc răng long’, đó là vì nghĩa, không phải là vì tình. Tình là tình thương say đắm bồng bột. Nghĩa là thứ tình thương có nhiều hiểu biết và biết ơn ở trong.

Mọi tình thương đều có thể bắt đầu bằng sự say mê, nhất là với người trẻ. Nhưng trong quá trình sống với nhau, họ phải học và thực tập yêu thương, để sự ích kỷ -- khuynh hướng chiếm hữu -- sẽ bớt đi, và yếu tố hiểu biết, thương yêu sẽ tụ lại dần dần, cho đến khi tình thương của họ trở nên nuôi dưỡng, bảo vệ, và bảo đảm, yên tâm. Với nghĩa, ta biết chắc người kia sẽ chăm sóc ta và thương ta cho đến khi đầu bạc răng long. Không có gì bảo đảm được người kia sẽ ở mãi với ta, ngoại trừ nghĩa. Nghĩa được bồi đắp bởi hai người trong đời sống hằng ngày.

Thiền là nhìn vào bản chất của tình thương của mình để xem những yếu tố nào có mặt trong đó. Ta không thể nói tình thương của mình chỉ là tình hay nghĩa, chiếm hữu hay vị tha, bởi trong tình thương có thể có cùng một lúc hai yếu tố. Có thể có chín mươi phần trăm là tình yêu chiếm hữu, ba phần trăm tình thương vị tha, hai phần trăm sự biết ơn, v.v... Hãy nhìn sâu vào bản chất tình thương của mình để nhận diện ra. Hạnh phúc của người kia và hạnh phúc của bạn tùy thuộc vào bản chất của tình thương của bạn. Lẽ đương nhiên ta có tình thương, nhưng điều quan trọng là bản chất của tình thương đó. Nếu ta nhận thấy có nhiều Từ và Bi trong tình thương của mình, thì tình thương ấy rất đáng yên tâm. Nghĩa sẽ bền trong tình thương ấy.
 
Con cái, nếu chịu khó nhìn kỹ sẽ thấy điều giữ cha mẹ mình lại với nhau chính là nghĩa chứ không phải tình say đắm. Nếu cha mẹ biết săn sóc cho nhau, trông nom con cái với sự bình tĩnh, dịu dàng, quan tâm, thì nghĩa chính là nền tảng của sự quan tâm đó. Đó là thứ tình thương chúng ta rất cần cho gia đình và xã hội ta.

Trong việc thực tập Giới thứ ba, chúng ta phải luôn luôn nhìn vào bản chất tình thương của mình để thấy rõ và không bị gạt bởi cảm thọ của mình. Đôi khi ta nghĩ ta thương một người, nhưng tình thương ấy có thể chỉ là một cố gắng để thoả mãn những nhu yếu vị kỷ của mình mà thôi. Có thể ta chưa nhìn sâu đủ để thấy những nhu yếu của người kia, trong đó có nhu yếu được an toàn, được bảo vệ. Nếu có cái nhìn khai mở đó, ta sẽ nhận ra rằng người kia cần sự bảo vệ của ta, và ta không thể xem người ấy đơn thuần như một đối tượng của sự ham muốn của mình. Người kia không nên bị xem là một món hàng.

Tình dục trong xã hội ta bị dùng như một phương tiện để bán các mặt hàng. Chúng ta còn có cả ngành kinh doanh tình dục. Nếu ta không nhìn kẻ khác như những con người, với khả năng thành Bụt, ta có nguy cơ phá Giới này. Vì vậy, việc thực tập nhìn sâu vào bản chất của tình thương chúng ta có liên hệ rất nhiều đến sự thực tập Giới thứ ba. 

‘Con sẽ làm mọi cách có thể để bảo vệ trẻ em, không cho nạn tà dâm tiếp tục gây nên sự đổ vỡ của các gia đình và của đời sống đôi lứa.’ Những người bị quấy rối tình dục khi còn nhỏ vẫn tiếp tục đau khổ rất nhiều. Những gì họ nghĩ, nói, và làm đều mang dấu tích của vết thương đó. Họ muốn chuyển hoá mình và làm lành vết thương đó, cách hay nhất để làm việc này chính là hành trì Giới thứ ba. Từ kinh nghiệm của chính mình, họ có thể nói: ‘Là nạn nhân của việc lạm dụng tình dục, tôi nguyện bảo vệ tất cả mọi trẻ em và người lớn khỏi nạn xâm phạm tình dục.’ Khổ đau của ta biến thành một loại năng lượng tích cực, giúp ta trở thành một vị Bồ Tát. Ta nguyện bảo vệ mọi trẻ em cũng như mọi người. Và ta cũng nguyện giúp những người đã lợi dụng tình dục trẻ em, vì họ là những người bệnh, cần sự giúp đỡ của ta. Những kẻ làm ta đau khổ trở thành đối tượng của tình thương và sự bảo hộ của chúng ta. Những kẻ sẽ xâm phạm trẻ em trong tương lai cũng trở thành đối tượng của tình thương và bảo hộ của ta.

Ta thấy rằng cho đến bao giờ những người bệnh hoạn được bảo hộ và giúp đỡ, thì trẻ em vẫn tiếp tục bị lạm dụng tình dục. Ta nguyện giúp những người này để họ không còn xâm phạm trẻ em nữa. Đồng thời, ta nguyện giúp trẻ em. Ta không chỉ đứng về phía những trẻ em bị xâm phạm, ta cũng đứng về phía bên kia nữa. Những người quấy nhiễu trẻ em là những người bệnh, sản phẩm của một xã hội bất ổn. Họ có thể là một ông chú, bà dì, ông, bà, hay cha, mẹ. Họ cần phải được theo dõi, giúp đỡ, và, nếu có thể, trị lành. Khi ta quyết tâm giữ Giới này, năng lượng phát sinh trong tâm ta giúp ta trở thành một vị Bồ Tát, và sự chuyển hoá này có thể chữa lành cho ta thậm chí trước khi ta bắt đầu thực tập. Cách hay nhất cho những người bị xâm phạm thời thơ ấu chữa lành vết thương là thọ Giới này và phát nguyện bảo vệ trẻ em và những người lớn bị bệnh, những kẻ có thể sẽ tiếp diễn những hành động phá hoại, khiến cho một đứa trẻ sẽ bị thương tích suốt đời.

[2] Năm Điều Ước Nguyện: 1. Chúng con nguyện sống đời sống hằng ngày sao cho xứng đáng với đạo đức của tổ tiên và nòi giống chúng con. 2. Chúng con nguyện sống đời sống hằng ngày sao cho xứng đáng với kỳ vọng mà tổ tiên và giống nòi đặt nơi mỗi chúng con. 3. Chúng con nguyện nương vào nhau, xây dựng cho nhau bằng tình thương, sự tin cậy, sự hiểu biết và lòng kiên nhẫn. 4. Chúng con nguyện thường tự nhắc nhở rằng sự trách móc, sự hờn giận, và lý luận chỉ làm hao tổn hoà khí và không giải quyết được gì. Chúng con biết chỉ có sự hiểu biết và lòng tin cậy mới bồi đắp được hạnh phúc và sự an lạc. 5. Chúng con nguyện trong đời sống hằng ngày dồn hết tâm lực và phương tiện để xây dựng cho thế hệ con cháu của chúng con trong tương lai.

---o0o---




tải về 1.3 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương