ĐỂ cho tưƠng lai còn có MẶt chú giải về NĂm giớI


XÃ HỘI CÓ THỂ TRÌ GIỚI CÁCH NÀO



tải về 1.3 Mb.
trang6/6
Chuyển đổi dữ liệu13.05.2018
Kích1.3 Mb.
#38196
1   2   3   4   5   6

XÃ HỘI CÓ THỂ TRÌ GIỚI CÁCH NÀO



Sulak Sivarakasa

Tất cả những người theo đạo Bụt đều chấp nhận Năm Giới (panca-sila) như những nguyên tắc căn bản về đạo đức. Nắm vững được Năm Giới chúng ta sẽ biết cách giải quyết những vấn đề thực tế hằng ngày.

Giới thứ nhất là ‘Con nguyện không giết hại sinh mạng.’ Giết thú vật và ăn thịt chẳng hạn, có thể thích hợp cho một xã hội tiểu nông hay cho nếp sống thu hẹp sau lũy tre làng, nhưng trong những xã hội công nghiệp, thịt được xem như một trong mọi sản phẩm, và sự sản xuất thịt hàng lọat là không tôn trọng sự sống của loài vật một chút nào. Nếu người dân trong những nước có ăn thịt có thể cố gắng làm giảm bớt việc chăn nuôi để tiêu thụ, thì đó không phải chỉ là từ bi với loài vật mà còn với cả những người đang lất lây trong cảnh bần cùng, cần đến lúa gạo để sống. Thực phẩm trên trái đất có đủ để nuôi sống tất cả mọi người. Đói là do sự phân phối không đồng đều, và thường những người thiếu thốn lại là những người sản xuất.

Ta cũng phải nhìn vào các vụ buôn bán vũ khí và thách thức những cơ cấu đang gây ra giết chóc tương tàn. Sự giết hại tràn ngập cuộc sống đương đại – các cuộc chiến tranh, các xung đột về chủng tộc, việc chăn nuôi để cung cấp cho thị trường của con người, và việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu độc hại. Làm sao ta có thể cưỡng lại dòng chảy ấy và giúp tạo nên một xã hội không bạo tàn? Giới thứ Nhất và những công năng hướng thượng của nó có thể được áp dụng như thế nào để kiến tạo một thế giới công bằng và nhân ái? Tôi sẽ không tìm cách trả lời những câu hỏi này. Tôi chỉ muốn nêu chúng ra để chúng ta cùng suy gẫm.

Giới thứ Hai là ‘Con nguyện không trộm cắp.’ Trong ‘Kinh Chuyển luân Thánh Vương Sư Tử Hống’ (Cakkavatti Sihanada Sutta.[5] ), Bụt nói rằng một khi nhà vua để cho sự nghèo đói xảy ra trong nước, người dân sẽ trộm cắp dài dài để sống. Chánh Mạng gắn liền với công bằng kinh tế. Chúng ta phải bỏ công dốc sức để bảo đảm có được công ăn việc làm hợp lý cho những người có khả năng lao động. Chúng ta cũng phải chịu trách nhiệm về sự trộm cắp ẩn tiềm trong các hệ thống kinh tế của chúng ta. Sống nếp sống Chánh Mạng và giản dị một cách tự nguyện vì thương xót vạn loài, và từ bỏ việc đuổi theo danh, lợi, quyền hành là tự đặt mình vào thế đối kháng với sự bạo tàn từ trong cơ cấu của tình trạng áp bức hiện nay. Nhưng sống cuộc sống giản dị tự nguyện liệu đã đủ chưa nếu ta không đồng thời ra sức lật đổ những cơ cấu đang buộc bao nhiêu người phải sống trong cảnh nghèo nàn bất đắc dĩ?

Sự thiết lập một trật tự công bằng trong nền kinh tế quốc tế là một phần thiết yếu và có tính hỗ tương trong việc xây dựng một thế giới hòa bình. Sự bạo tàn trong mọi hình thức - đế quốc, dân sự, và giữa người với người - đều lập căn cứ trên khát vọng chung về tiềm năng kinh tế và quyền lực chính trị. Mọi người nên được khuyến khích nghiên cứu và luận bàn về một ‘Trật tự Mới trên Thế Giới’ từ viễn cảnh của đạo Bụt, lấy đó làm tiêu chuẩn để xét các mô hình phát triển là thích hợp hay không thích hợp, sự tiêu dùng là hợp lý hay sai lầm, việc khuyến mại là chân chánh hay bất chánh, sử dụng hợp lý hay làm suy thoái tài nguyên thiên nhiên, và những biện pháp làm vơi đi những bất hạnh của cuộc đời. Quan điểm của người theo đạo Bụt như thế nào về một đạo đức mới trong phạm vi quốc gia và quốc tế? Nhiều nhóm Thiên Chúa Giáo đã nghiên cứu trường hợp của các công ty liên quốc gia và hệ thống ngân hàng quốc tế. Chúng ta nên học hỏi và sử dụng những khám phá từ phía họ.

Giới thứ ba là ‘Con nguyện không tà dâm.’ Cũng như những giới khác, chúng ta phải thực tập giới này trong chính đời tư mình, đồng thời không lợi dụng hoặc hại người khác. Thêm vào đó, ta còn phải xét lại các cơ cấu xã hội thiên vị đàn ông cũng như sự bóc lột phụ nữ khắp nơi trên thế giới. Những cơ cấu của tham lam, thù hận, và si mê với tính chất phụ quyền có liên hệ đến sự bạo tàn trên thế giới. Chủ nghĩa quân phiệt hiện đại cũng liên quan mật thiết với chế độ phụ quyền. Sự tu tập trong đạo Bụt hướng tới sự phát triển những con người toàn diện và quân bình, vượt thoát được những lề lối suy nghĩ, nói năng và hành xử đã huân tập từ xã hội về thế nào là ‘Nam’, ‘Nữ’, tiếp xúc được với cả hai khía cạnh ấy nơi chính con người mình. 

Giới thứ tư là ‘Con nguyện không vọng ngữ.’ Chúng ta cần nhìn kỹ lại các phương tiện truyền thông đại chúng, nền giáo dục và những kiểu thông tin quyết định cách chúng ta nhận thức thế giới. Phật tử chúng ta đi sau xa những anh chị em Hồi Giáo và Thiên Chúa Giáo về phương diện này. Các cơ quan giáo dục Hồi Giáo Pesantran ở Nam Dương áp dụng những nguyên tắc Hồi giáo cổ truyền trong bối cảnh hiện đại để dạy những người trẻ sự thật về thế giới và dự phóng một viễn tượng tương lai[6] . Người phái Quaker có phép thực tập ‘nói lên sự thật với bực quyền hành.’ Ta chỉ có thể thoát khỏi căn bệnh nói dối có hệ thống nhan nhãn trong hiện trạng xã hội nếu chúng ta cùng nhau cam kết nói lên sự thật.

Phẩm cách con người phải được chú trọng hơn là việc khuyến khích sự tiêu thụ cho đến độ con người ham muốn nhiều hơn là họ thực sự cần. Lấy sự trung thực làm nguyên tắc chỉ đạo, bậc đại học phải có các nghiên cứu về việc đặt giới hạn cho các tuyên truyền chính trị và quảng cáo thương mại. Dù vẫn không quên những giá trị quí báu của tự do ngôn luận và tự do báo chí, nhưng nếu chúng ta không mở được những đường lối truyền thông mới thay thế cung cách loan truyền những điều dối trá và phóng đại hiện thời, thì chúng ta sẽ không thể vượt qua được tình trạng nhồi sọ đang diễn ra khắp nơi nhân danh an ninh quốc gia và ấm no vật chất.

Giới thứ Năm là ‘Con nguyện không tiêu thụ sản phẩm có độc tố làm che mờ tâm trí và cũng nguyện giúp cho người khác không làm tối mờ tâm trí của mình.’ Trong đạo Bụt, tâm sáng tỏ là một viên ngọc quí. Chúng ta phải nhìn vào nội tâm và thực sự đối phó với những nguyên sâu xa của của nạn nghiện rượu và lạm dụng ma túy.

Đồng thời, chúng ta phải kiểm tra các kỹ nghệ sản xuất rượu và ma túy để nhận diện được căn cứ quyền lực của họ. Chúng ta phải lật đổ các thế lực khuyến khích sự say sưa, nghiện rượu và nghiện ma túy. Đây là một vấn đề liên quan đến hòa bình và công bình quốc tế. Nông dân ở những nước thế giới thứ ba trồng bạch phiến, ka-cao, cà-phê, và thuốc lá bởi vì hệ thống kinh tế đã khiến cho họ không thể sống nổi nếu họ trồng lúa hay trồng rau. Những côn đồ có súng đóng vai trò trung gian cho họ, và đó thường là những du kích dân tộc, những kẻ cướp đội lốt chính trị, quân đội riêng của các chính trị gia khuynh hữu, hay một thứ cách mạng gia nào đó. Cơ quan tình báo trung ương của Hoa Kỳ (CIA) buôn ma túy ở Việt nam, du kích quân Miến Điện buôn ma túy, và những nhà cách mạng Nam Mỹ buôn ma túy. Những cuộc chiến tranh toàn diện, như Chiến Tranh Á Phiện, đã được gây ra bởi các chính phủ muốn duy trì việc buôn bán ma túy[7] . Không kém phần nghiêm trọng là sự cưỡng bức kinh tế trong việc ép nông dân phải trồng các loại cây xuất cảng như cà phê hay trà và trong việc bán tống bán đổ những thuốc lá thặng dư cho người tiêu thụ ở các nước thế giới thứ ba bằng những chiến dịch quảng cáo ào ạt.

Ma túy và tội ác lan tràn trong các nền văn hóa đã bị làm cho què quặt bởi sự phân bố bất bình đẳng tài sản trong xã hội, nạn thất nghiệp, và sự chán ghét nghề nghiệp. Việc Reagan và Bush dùng quân đội Hoa kỳ để chống nạn buôn bán ma túy rốt cuộc cũng vô nghĩa như chiến dịch chống nạn nghiện rượu trong giới công nhân của Gorbachev; cả hai cách giải quyết đều nhắm vào ngọn (triệu chứng) mà không nhắm vào gốc (nguyên nhân) của bịnh. Theo Đạo Bụt thì giải pháp duy nhất có hiệu quả cho những vấn đề này có thể xảy ra trong sự thay đổi toàn diện những giá trị của con người.

Những giáo lý đạo đức căn bản này ứng hợp với chúng ta như những cá nhân và như những thành viên của xã hội. Những ý kiến của tôi về Năm Giới và làm sao để áp dụng Năm Giới vào tình trạng thế giới hiện nay chỉ được khơi ra như một bước mở đầu. Tôi mong rằng những vấn đề này sẽ tiếp tục được bàn thảo. Chúng ta cần một nền tảng đạo đức cho cách ăn ở và cách giải quyết vấn đề của chúng ta.

[5]Nguyên bản viết là Cakkavatti Sahananda Sutta tức là viết sai, chỉ có Kinh Cakkavatti Sihanada Sutta = Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống mà thôi. (Sihanada = Sư Tử Hống, Lion’s Roar. Còn Sahananda = khánh lữ, delightful companion.) Chúng tôi chỉnh lại trong bản dịch. [cước chú của người nhuận bản dịch.]

[6] Điều này chưa hẳn đã tốt, ta phải hết sức chánh niệm và cẩn trọng. Tôn giáo có thể giáo dục nhồi sọ, nhồi nhét những cái thấy chủ quan của những người trong tôn giáo về cái gọi là ‘sự thật về thế giới.’ Gần đây thế giới đã thấy sự thật của các tệ nạn này trong các nước mà giáo quyền đóng vai trò thế quyền (và ngược lại, khi thế quyền đóng vai trò lãnh đạo tôn giáo thì tình trạng cũng nguy hại không kém.) Mặc dù Tôn giáo, chính trị và giáo dục có thể hỗ tương cho nhau nhưng mỗi lĩnh vực nên đứng ở đúng vị trí của nó, không nên trộn lẫn vai trò. Các nước Tây phương có truyền thống Ki Tô giáo (mà ngày xưa nền giáo dục chủ yếu do nhà thờ chủ trì) đã học kinh nghiệm và tách rời hệ thống tôn giáo khỏi nhà trường, các trường tư thục của đạo Ki Tô (ngoại trừ trường Dòng) cũng phải tôn trọng nguyên tắc này. (Ý kiến của người nhuận bản dịch.)

[7]  Các cuộc chiến tranh Ma Túy (Opium Wars) xảy ra từ đầu đến giữa thế kỷ 19 (1800-1858) do các nước Anh, Pháp (và sau này là Mỹ và Nga) muốn ép Trung Quốc (nhà Thanh) phải cho họ tiếp tục bán ma túy vào Trung Quốc (nhà Thanh muốn ngăn cấm việc các nước Tây Phương buôn ma túy vào, đầu độc và làm cho nước Trung Quốc yếu đi vì tình trạng nghiệp ngập.) Cuộc chiến Ma Túy này đã mở đường cho Thiên Chúa Giáo và các thế lực Tây Phương đi vào Trung Quốc. [Cước chú của người nhuận bản dịch.]

---o0o---


GIỚI



David Staindl-Rast

Với tôi, Giới có một sức thu hút lớn. Điều tôi muốn nói đây, không phải là việc giữ Giới, mà là tính chất muôn màu muôn vẻ của Giới ở khắp mọi nơi. Qui tắc đạo đức của các thời đại và các nền văn hoá khác nhau cho ta thấy nét phong phú trong tính cách đa dạng của con người; chính sự đa dạng này thu hút tôi. Sự thích thú ấy làm tôi liên tưởng đến hộp nút áo của mẹ tôi hồi tôi lên năm tuổi; hay những chiếc vỏ sò tôi nhặt về sau một chuyến đi dạo buổi sáng ngoài bãi biển, bày biện trên bàn theo kích cỡ, màu sắc và hình dáng. Đó là sự thích thú đầu tiên của con người trước cái đồng trong cái dị, và cái dị trong cái đồng.

Anh Graham Carey bạn tôi đã khơi được nguồn rung cảm này khi dành cho các con anh sự ngạc nhiên trong một dịp Giáng Sinh nọ, với quyển sách do anh tự làm lấy; cuốn sách sau này được xuất bản với nhan đề ‘Kể chuyện đuôi’: từ trang này sang trang khác chỉ toàn là hình đuôi động vật, từ cáo tới thằn lằn, từ sư tử tới chim én, từ chiếc quạt của con công cho tới đốt xương cụt gần như không thấy được của con người. Trẻ con chưa bao giờ quên tìm sự thích thú trong những biến thiên. Và đứa trẻ trong mỗi chúng ta cũng chưa hề nhàm chán với những biến thiên ấy, chúng là các biến tấu của Mozart trong ‘Twinkle, Twinkle, Little Start’ (Lấp lánh vì sao nhỏ) hay vô vàn biến thái của Bà Mẹ Thiên Nhiên trên vòm trời đêm. Đó là một trong những lý do vì sao tôi thấy tính chất đa dạng khắp nơi của Giới và các điều cấm kỵ thật là thú vị.

Với chiếc mũ chõm và bao trùm tai, anh bạn đi nhờ xe, tôi cho quá giang dọc đường ở New England bữa nọ, đã lo lắng nhìn chằm chặp vào con dao nhíp Thụy Sĩ tôi sắp dùng để cắt táo và phó mát ra chia nhau. Tôi đã từng cắt gì với con dao này? Thịt? Tôi khâm phục sự ý tứ của anh trong việc cất các vật dụng dùng cho thực phẩm làm từ sữa riêng biệt với những vật dùng cho thịt, theo luật của Chính Thống Giáo Do Thái. Tôi cũng đã tôn trọng cùng một mối lưu tâm và lòng tận tụy ấy, khi chúng tôi phải lái xe nhanh để đưa anh đến nhà bạn trước khi mặt trời lặn tối thứ Sáu hôm đó, khi ngày nghỉ Sabbath bắt đầu.

Cùng những mối quan tâm trong việc giữ giới ấy đã gây ấn tượng cho tôi phía bên kia địa cầu, nơi xứ Tân Tây Lan. Aotearoa, ‘Miền Mây Trắng’, như cách gọi của thổ dân Maori, là một trong số ít vùng mà dân số bản địa chưa hề bị lấn lướt bởi nhóm người da trắng thống trị. Pakiha (người da trắng), sống bên cạnh người Maori, nhưng lại thường không hay biết gì đến những cấm kỵ của người láng giềng. Tôi nhớ đến sự rầu rĩ của một nguời đàn bà Maori khi những người hàng xóm Pakiha mới của bà đem phơi khăn lau chén cạnh những chiếc áo thun. Chớ! chớ bao giờ lại để cho vật dùng với thức ăn chung đụng với áo quần.

Ở Ấn Độ, một du khách đầy thiện chí cũng có thể làm náo động đám đông nếu vô ý đi ngược chiều kim đồng hồ quanh một hình ảnh thiêng liêng. Hướng vai trái về phía những gì thiêng liêng ở Calcutta còn thậm tệ hơn chuyện chìa tay trái cho người ta bắt ở Luân Đôn nữa. Dĩ nhiên, lằn ranh giữa những giới luật thiêng liêng và tập tục xã hội nhập nhằng ở đây. Thế nhưng, hai lĩnh vực này có thể liên quan mật thiết hơn chúng ta tưởng. Nhìn kỹ vào những giới luật, cấm kỵ, và tập tục có vẻ như tùy tiện đối với chúng ta, chúng ta có thể bắt gặp ở phía dưới bề mặt một nền tảng chung cho tính khác biệt lớn lao của các hiện tượng. Lắng nghe sự khác biệt đến hoang mang của các giới điều, ta có thể bắt đầu nhận ra giai điệu mà các giới điều này là biến tấu.

Ở đây, chúng ta phải đối diện với câu hỏi có tính chất quyết định: liệu có một chủ đề nhất quán thể hiện trong tính chất muôn màu muôn vẻ của các giới luật trên đời? Câu trả lời của tôi là có, và chủ đề ấy là ý thức đồng điệu, thấy mình thuộc về đâu đó.

Ta có thể gọi đó là ‘lạ lùng, lạc điệu,’ khi một ai đó dùng tay trái để bắt, thay vì dùng tay phải. Nói một cách chính xác: đó không phải là cách một người đồng xứ với ta làm. Một người của chúng ta sẽ không làm như vậy. Với các tín đồ ở Ấn Độ, đi kinh hành ngược chiều kim đồng hồ cũng đồng với lạ lùng, nhưng còn cộng thêm vào khía cạnh lề luật tôn giáo nữa. Mỗi hành động tín ngưỡng làm mạnh thêm những mối dây liên hệ gắn bó ta với cái Vô Cùng. Đồng thời, làm mạnh thêm các sợi dây liên hệ gắn bó ta với những người cùng đang sùng kính như ta. Sùng kính – theo nghĩa gốc – là sự thể hiện lòng tôn kính với những gì đáng kính nhất. Từ này không bắt buộc phải nằm trong phạm vi hạn hẹp của thuyết hữu thần hay của tôn giáo. Mặt khác, nó mang lại sức thuyết phục tôn giáo cho những gì ta làm với tâm ý hướng về những giá trị tuyệt đối. Trong nghĩa này, làm theo những giới luật tôn giáo là một hành động sùng kính.

Với những người Maori, sự cắm rễ của họ trong truyền thống là một giá trị tuyệt đối. Điều này nối liền họ với tổ tiên và những gì tổ tiên họ cho là linh thiêng -- Đất, Biển, Trời, mọi loài chung sống với chúng ta, và các đấng vô hình đang có mặt trong trần thế. Việc giữ điều cấm kỵ làm mạnh thêm những sợi dây gắn bó, thấy mình thuộc về ngôi nhà của tất cả chúng ta, nơi mà Gary Snyder đã gọi một cách rất thích đáng là Căn Nhà Trái Đất.

Anh bạn theo Chính Thống Giáo Do Thái của chúng ta mang trong tâm một cộng đồng nhỏ hơn, cái vòng hạn hẹp của những người thờ phụng giống anh ta. Song, chính ra, anh ta có mang con người nào trong tâm đâu, ngoài Thượng Đế. Nhưng anh học giới luật của Thượng Đế từ đâu, nếu không phải là từ cộng đồng? Và há không phải do liên hệ gắn bó với cộng đồng ấy mà anh ta thuộc về Thượng Đế? Và há không phải cảm giác thuộc về Thượng Đế ấy là hạnh phúc mà anh ta theo đuổi qua những lưu ý tỉ mỉ trong thực tập hằng ngày? Từ những điều, mà theo một số người, dường như chỉ là tục lệ xã hội, cho đến chỗ mến Chúa và yêu người bên cạnh, giới luật gồm thâu tất cả, theo các tín đồ chính thống, vì giới luật là nhiều cách thể hiện khác nhau của việc đồng  thuộc về tuyệt đối.

Và chính chuyện thuộc về này dẫn đến sự ngăn chia với những người không thuộc về. Trên thực tế, bao nhiêu luật lệ về sự phân chia – tách sản phẩm từ sữa ra khỏi sản phẩm từ thịt, tách việc ăn ra khỏi các hoạt động khác của cơ thể, và vô số các điều cấm kỵ tương tự trong những truyền thống khác -- tất cả đều bày tỏ và nhấn mạnh chủ đề: tách khỏi những người không thuộc phe ta. Đây là cái bóng của chủ đề thấy mình thuộc về đâu đó. Chủ tố tích cực của mỗi quy tắc đạo đức, nếu có, có thể được tóm tắt trong những lời này: đây là cách người ta cư xử với những người họ thuộc về phe. Vượt qua vòng hạn thuộc này là người ngoài. Qui tắc đạo đức này khác với qui tắc đạo đức kia không phải ở tự trong cơ bản, hoàn toàn không phải vậy, mà đơn thuần ở nơi cách chúng ta, loại trừ hay bao gồm, vạch ra vòng hạn thuộc.

Ngày hôm nay, chúng ta đã bước tới một ngưỡng cửa trong lịch sử nhân loại. Từ nay trở đi đạo đức phải bao dung tất cả, bằng không thì trở thành vô đạo đức. Trong thế giới của chúng ta, không còn chỗ cho người ngoại cuộc nữa. Và ý thức thuộc về, đồng điệu của chúng ta phải bao gồm không chỉ con người, mà còn cả cầm thú, cỏ cây, và vạn vật vô tri nơi Căn Nhà Trái Đất của chúng ta. Sẽ chẳng có gì phù hợp nữa ngoài chân trời bao la nhất có thể đạt của sự đồng điệu.

Đó là tại sao chúng ta thấy hai biến cải quan trọng về đạo đức xảy ra trong thời đại chúng ta. Mọi cấu trúc giới luật căn cứ trên sự loại trừ đều đang phân rã, và thuộc về quá khứ. Trào lưu mới cho những giới luật căn cứ trên ý thức hoà đồng cùng vũ trụ đang đi tới rất nhanh, và thuộc về tương lai. Trong tất cả các giới luật tôn giáo của chúng ta, chỉ những giới luật nào diễn đạt ý thức hoà đồng không biên giới mới  tồn tại được, nhưng chúng sẽ thật sự tồn tại. Chúng sẽ định hình cho tương lai nếu có một tương lai.

Càng ngày người ta càng bắt đầu nhận ra rằng sự sống còn của hành tinh chúng ta tùy thuộc vào ý thức hoà đồng của chúng ta -- với tất cả mọi người, với những con cá heo bị bắt trong lưới vét, với những con gà, con lợn, con bê nuôi trong các trại tập trung súc vật, với những khu rừng đan mộc ôn đới và những cánh rừng già nhiệt đới, với những lớp tảo bẹ dưới đại dương, và với tầng ozone. Càng ngày người ta càng bắt đầu ý thức rằng mỗi hành động khẳng định sự hoà đồng này là một hành động đạo đức của sự sùng kính, là sự thực hành giới luật sẵn ghi trong tâm khảm mỗi người.

Đó là lý do sau chót tại sao giới luật thu hút tôi, những điều bị bỏ đi không dùng đến, cũng như những điều sẽ tồn tại khi nào con người vẫn còn là con người: chúng là những biến tấu của cùng một giai điệu, giai điệu đòi hỏi trái tim con người phải mới qua mỗi thời đại. Điều đã lôi cuốn tôi ngay từ đầu là tính chất hết sức đa dạng của giới. Điều làm tôi thích thú sau khi nghiền ngẫm là sự thách đố lớn lao, nói lên bằng bao nhiêu loại ngôn ngữ khác nhau ấy, sự thách đố nói ‘vâng’ một cách hết lòng, chữ ‘vâng’ không giới hạn với sự hoà đồng.

---o0o---


LƯỚI ĐẾ CHÂU CỦA CHÚNG TA



Gary Snyder

Trong trang cuối của bài tiểu luận 'Mạng lưới của vua trời Đế Thích dưới dạng Dây Chuyền Thực Phẩm -- Viễn cảnh Sinh Thái của Gary Snyder,' David Barnhill nói: 'Theo Snyder, lưới Đế Châu được áp dụng trong việc săn bắt và ăn thịt, trong đó loài bị săn bắt/ăn thịt biểu lộ lòng thương, và kẻ săn bắt/ăn thịt biểu lộ sự trong sạch và tôn trọng.[8] ' Tôi xin nới rộng câu ấy để nói rằng bất cứ hình thức thu hoạch hay trồng tỉa nào cũng đều cần đến lòng thương, sự trong sạch, và tôn trọng từ mọi phía: kẻ ăn chay và người săn bắt đều đòi hỏi phải có bằng đó chánh niệm như nhau. David Barnhill nói tiếp rằng: 'Đạo Bụt, theo truyền thống, đương nhiên cấm ăn thịt, nhưng ta có thể thấy vì sao Snyder lại chọn không theo nguyên tắc đó.' Kỳ thực, tôi chấp nhận nguyên tắc đó, như một quan niệm, một thách đố, và một mục đích, tùy thời phải chỗ. Chọn không ăn thịt là một bước triển khai sơ đẳng của Giới thứ Nhất, ahimsa, bất hại, không gây 'tổn hại không cần thiết.' Nhưng đây là thế giới Ta-bà (saba) của khổ đau hệ lụy (dukkha), con người sống trong sự thiếu nghèo, cỏ cây, cầm thú sống trên sự sống của nhau. Cõi này được diễn tả trong Kinh như là cảnh giới của Dục (kama), của ham muốn và nhu cầu sinh học vốn đang chi phối tất cả. Hễ có thở tức có đói.

Đến khi Barnhill dường như đi đến lý luận rằng người ta do đó nên ăn thịt, thì tôi phải xin phép không đồng ý. Đó là kết luận của Barnhill, không phải kết luận của tôi, rằng 'nếu chúng ta gượng ép rút mình ra khỏi thân phận ăn thịt trong mạng lưới lương thực ... thì chúng ta có vẻ như đang khẳng định cho mình một vị trí đặc biệt trong mạng lưới.' Quan điểm của riêng tôi là bất cứ lúc nào, ở đâu nếu người ta có thể sống được toàn bằng rau quả và ngũ cốc, thì điều ấy rất đáng hoan nghênh. Song, với nhiều người, đây không phải là một chọn lựa có thể đứng vững. Dân miền cực Bắc là trường hợp rõ ràng nhất, nhưng còn có những người ở vùng thảo nguyên, sa mạc, những người ở vùng ven biển, vùng núi đã quen sống nhiều đời với các thực phẩm không đến từ thảo mộc. Hầu hết mọi người phải thường xuyên sống bằng một nền kinh tế lương thực hỗn hợp, trong đó có cả sự sống động vật. Những người đạo Bụt chúng ta có nên gạt họ ra ngoài rìa chăng? 'Lũ dân biên địa không thể nắm được Chánh Pháp' (quan niệm xưa của Tây Tạng.) Tinh thần Bồ Tát chắc chắn không cho phép chúng ta lập tức loại ra ngoài các nền văn hoá và kinh tế lương thực khác trên thế giới. Theo cách sản xuất lương thực hiện đại, mặc dù rõ ràng ngành kinh tế thịt bò của Hoa Kỳ và một số nước khác là một sự xa xỉ phí phạm, thì cũng không chắc gì Thế Giới Thứ Ba lại có thể sống sót được nếu không nhờ đến bò, gà, heo, cừu, và hải sản.

Câu hỏi sâu hơn là câu hỏi ta trì Giới Thứ Nhất như thế nào. Khi Lão Sư (Roshi) Oda Sesso, vị thầy ở Daitokuji sodo của tôi, dạy đến công án 14 trong Vô Môn Quan (Mumonkan), 'Nam Tuyền trảm miêu,'[9]  ông đã không ngồi trên toà cao, mà chọn ngồi dưới chiếu Tatami, ngang hàng với người cầu đạo (unsui)[10] . Lão sư nói: 'Đây là trường hợp dễ bị hiểu lầm. Ở Nhật, chúng ta đôi lúc có lẽ đã lạm dụng nó.' Lúc ấy, tôi nghĩ ông đang nói đến tình trạng thiếu phản kháng rõ rệt của giới Thiền Môn trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa quân phiệt Nhật vào những năm ba mươi, dẫn đến Thế Chiến thứ hai. Bây giờ tôi lại nghĩ ông ngụ ý rằng: trong cuộc thảo luận, bất cứ ai nêu lên câu hỏi về việc cố tình đoạt đi mạng sống đều đáng phải ngồi dưới đất. Với vấn đề này, người ta không thể không khiêm nhượng. Khi lắng nghe lời khai thị (teisho) của Lão Sư vào năm 1961, tôi phải thú nhận tôi đã cảm thấy mình khá chân chính, tôi là người cả đời theo chủ nghĩa hoà bình (và là người ăn chay từng giai đoạn), và tôi nghĩ mình đã biết cách hiểu giới. Đâu dễ vậy.

Tôi cũng để ý thấy có một số roshis (chưa kể các thầy tu) đã ăn cá khi ra ngoài tu viện. Có lần tôi đang viếng chùa của một roshi gần núi Fuji, tôi đã hỏi ông: tại sao có một số thầy tế và thầy tu ăn cá thịt? Ông đã trả lời rất ngon lành: ‘Một thiền giả phải có khả năng ăn được cứt chó và uống được dầu hôi.’ Thầy tôi, Oda Roshi, là một người ăn chay nghiêm túc. Nhưng có lần ông nói với tôi: ‘Chẳng phải vì tôi ăn chay tịnh, còn các thầy khác không ăn, mà có nghĩa là tôi hơn họ. Đây là cách tu của tôi. Những vị khác có cách của họ. Mỗi người đều phải lấy Giới Thứ Nhất làm thử thách lớn của mình, và tìm ra con đường riêng qua sự sống của mình với nó.’

Tôi không phải và cũng chưa bao giờ là người đi săn theo nghĩa người ta thường gọi. Tôi vẫn đang là một học trò săn bắt và thu thập các nền văn hoá, và vẫn cố tìm hiểu vai trò cơ bản của con người trong khi quán chiếu kinh nghiệm đánh phá hàng nghìn năm của nhân loại. Tôi đã từng giết vài con vật trong sự quá khích để được bảo đảm. Trong hai lần, tôi đã hạ những con hươu bị những kẻ đi săn giải trí làm bị thương, và lang thang quanh quãng rừng của chúng tôi trong tình trạng đó. Khi nuôi gà, chúng tôi bảo quản bầy đàn, sinh thái, và kinh tế, bằng cách ăn những chú trống choi nhiều quá lượng và, ở chiều bên kia của chu kỳ sự sống, hầm một con gà mái già lỡ cỡ lứa. Làm như vậy tôi mới biết được nỗi buồn và cái thế chẳng đặng đừng đang vây ép người nông dân ngoài đời. Họ (và tôi) không thể làm sao hơn là cai quản đàn gia súc theo cách ấy, vì làm khác hơn là xa xỉ, hay còn gọi là phi kinh tế.

Còn nữa, đàn gà mái của tôi (không giống những con gà công nghiệp nhốt trong chuồng chật ních) được chạy nhảy tự do và bươi đất suốt ngày, chúng có anh trống cồ làm bạn, và sống một cuộc sống sinh động, thoải mái của những con chim rừng. Thỉnh thoảng chúng bị mèo rừng, gấu trúc, chó rừng, và chó sói bắt đi. Vậy tôi có ghét mèo rừng và chó sói không? Đôi lúc, về phe mấy con gà, tôi cũng hơi ghét chúng. Chúng ta phải chịu khó gác lại ý riêng của mình, và khiêm tốn đứng sang một bên khi Guồng Máy Lớn đi băng qua những bước đường của nó. Tôi bỏ nuôi gà vì tôi thấy việc ấy không mang lại lợi gì. Những đàn gà sung sướng được thả lỏng không sao cạnh tranh nổi với ngành sản xuất trứng công nghiệp, nơi những con gà bị biến thành những cái máy đẻ (nhưng được bảo vệ khỏi hoạ mèo rừng.) Trong thâm sâu, tôi thấy mình khó mà chấp nhận việc thuần hoá chim, thú: bản chất hoang dã, độc lập của chúng bị tước đoạt quá nhiều.

Còn với thịt hươu nai: bao nhiêu năm nay vài gia đình trong vùng này đã tận dụng kỹ lưỡng xác hươu nai vừa bị xe cộ cán chết dọc đường thay vì để thịt phí bỏ. (Thế nhưng, để xác ấy cho kên-kên hay dòi bọ ăn thì đâu phải là phí bỏ.) Chỗ chúng tôi ở, nghề vườn tược không được tốt mấy, nhưng rừng rậm lại mênh mông.

Sự phân biệt đơn giản giữa ‘ăn chay hay ăn mặn’ quả là quá đơn giản. Dân cư một số vùng, đặc biệt ở Ấn Độ và Đông Nam Á, là những người ăn chay tự nguyện. Hầu hết phần còn lại của dân chúng  các nước Thế Giới Thứ Ba là những người ăn chay bán phần, do không đủ cá thịt. Người Mỹ, Úc, Tân Tây Lan, và một số người châu Âu là giới đại tiêu thụ thịt của thế giới hiện  đại. Ở các nước đã phát triển, giới ăn chay thường là những thành phần có học thuộc giai cấp được ưu đãi. Phần lớn Phật tử Bắc Mỹ không có nhu cầu ăn thịt, và tôi cũng không khuyên họ nên ăn thịt bao giờ. Thay vào đó, có lẽ họ nên tìm hiểu thêm nền kinh tế lệ thuộc vào nhiên liệu và nền nông nghiệp sản xuất rau quả và ngũ cốc bằng cách làm suy thoái đất, nước, không khí, và gây nguy hiểm cho sức khoẻ những người di dân làm công với đồng lương rẻ mạt. Thực vậy, chúng ta đều nên tìm những phương cách sản xuất lương thực khác để thay thế.

Cách đến với thực phẩm của riêng tôi là tò mò và biết ơn. Tôi muốn biết thức ăn của mình đến từ đâu, và là gì, thảo mộc hay động vật. (Đậu Bắp thuộc họ Cẩn (Hibiscus)[11] , xuất xứ từ Phi Châu! Cà Chua, Thuốc Lá, Khoai Tây, Cà Tím -- giống Nhật (Nasubi), Ấn Độ (Brinjal), hay Pháp (Aubergine) --, và Cà Độc Dược đều cùng là họ nhà Cà (Solanaceae[12] ), với những bông hoa hình phểu. Những sự thật này làm tôi thấy biết ơn hơn.) Cả nhà tôi đều nói lời tạ ơn và thực tập quán nguyện về thức ăn trước bữa, như được thực hiện trong các kỳ đả thất (sesshin[13] .) Trong phần kết của quyển ‘Sự Hành Trì của Hoang Dã[14] ,’ với tiêu đề ‘Ân Điển,’ tôi có viết một đoạn về ‘nói lời tạ ơn.’

Vậy thì tại sao, với tư cách một hành giả trong đạo Bụt, tôi lại làm thơ, viết văn về những người đi săn, những người cắt cỏ nuôi gia súc, và về dây chuyền thực phẩm. Là vì: trên bình diện vật lý Giới thứ nhất là căn bản, và sự sống của chúng ta, theo góc độ thực phẩm, là câu hỏi hàng đầu của ngành  kinh tế và sinh thái. Thực phẩm là lĩnh vực trong đó ta mỗi ngày khám phá ‘việc gây tổn hại’ của mình đối với thế giới, cũng như cách ta đối phó với việc này. Hẳn nhiên, đơn giản dừng lại đó và bảo rằng đời là bể khổ còn chúng ta đều vô minh sẽ không phải là cách giải quyết. Thay vào đó, chúng ta đòi hỏi phải tu tập. Trong quá trình tu tập, chúng ta sẽ không thay đổi thực tại, nhưng chúng ta có thể chuyển hoá chính mình. Mặc cảm tội lỗi và trách móc bản thân không phải là hoa trái của sự thực tập, nhưng ta có thể trông chờ một cái nhìn thoáng rộng hơn. Cái nhìn thoáng rộng là cái nhìn có thể công nhận niềm đau đang có mặt cũng như  cái đẹp của thực tại tương quan chằng chịt này. Chính sự nhận thức này, phần nào, là những gì mà hình ảnh lưới Đế Châu cố gắng biểu thị. Cho đến nay, chính những nền văn minh sơ khai còn tồn tại trên thế giới, đặc biệt nơi những người thợ săn và hái lượm, thật nghịch lý, lại là nơi người ta biểu hiện lòng biết ơn của mình đối với trái đất và muôn loài một cách thâm thúy nhất. Phật tử chúng ta cần phải học nhiều vì lẽ đó.

Những điều tôi vừa nói trên, không một điều nào nên bị xem là sự hợp thức hoá, hay bào chữa cho việc ‘phá’ giới. Như Ryo Imamura[15]  gần đây có viết: ‘Trong đạo Bụt, không có cái gọi là cuộc chiến tranh ‘có chính nghĩa.’’ Nếu thấy mình đang đi ngược giới bất hại trong một tình huống quyết liệt, giết hoặc gây thương tích cho ai, để tự vệ chẳng hạn, chúng ta cũng chớ tìm cách biện minh cho hành vi ấy. Chúng ta chỉ có thể nói: Đây là quyết định của tôi, tôi rất tiếc sự việc đã xảy ra như vậy, và tôi chấp nhận mọi hậu quả có thể xảy ra.

Giới là Giới, đóng vai trò của kim chỉ nam, thước đo, lý tưởng, và công án. Giới không phải là một lề luật hiểu theo nghĩa đen như một trong Mười Điều Răn của Chúa. ‘Không tước đoạt sự sống’ hay ‘không làm hại’ là điều không thể nào giữ được một cách tuyệt đối. Những người Kỳ Na giáo (Jains) ở Ấn Độ đã cố giữ giới bất hại (ahimsa) theo nghĩa đen (bất kể logic), và những kẻ trong sạch nhất trong họ đã mở đầu một tông phái lấy việc nhịn đói cho đến chết làm một hành động đạo đức. Nhưng đây là sự bạo hành đối với thân thể của chính mình.

Mỗi sinh vật đều tác động đến từng sinh vật khác. Thuyết Darwin phổ cập, với sự nhấn mạnh vào quá trình chọn lọc tự nhiên (loài nào thích nghi thì sống sót), đã hiểu câu trên theo nghĩa thiên nhiên là một bãi chiến trường cạnh tranh đẫm máu. ‘Thiên nhiên đỏ ngầu nanh vuốt’ như người châu Âu ưa trích dẫn. Quan niệm này ngầm nâng con người lên vị thế đứng cao hơn những thành phần khác của thiên nhiên về mặt đạo đức. Gần đây khoa học sinh thái, với những luận chứng về sự cùng-tiến-hoá, sự cộng sinh, sự giúp đỡ hỗ tương, tính tương liên, tương đới suốt mọi hệ thống tự nhiên, đã dạy chúng ta thái độ khiêm tốn trong vấn đề tính đặc biệt của loài người. Khoa học sinh thái cũng dạy chúng ta rằng sự hiểu biết của chúng ta về những gì có hại và không có hại trong lĩnh vực thiên nhiên hoang dã còn quá thô thiển, do vậy chúng ta chớ vội theo phe kẻ săn mồi hay vật bị săn, các loài cây xanh tự dưỡng hay các loài bọ, nấm ký sinh, sự sống hay cái chết.

Thầy Nhất Hạnh đã có lần nói tại một buổi họp mặt các nhà lãnh đạo Hội Ái Hữu Phật tử cho Hoà Bình (Buddhist Peace Fellowship) ở Tassajara Zen Mountain Center rằng chúng ta nên biết ơn từng biểu hiện bé nhỏ của bất hại (ahimsa) dù bắt gặp nơi đâu trong cuộc đời. Tôi tin Thầy nói rằng nếu một vị sĩ quan trong cuộc chiến cầm quân với ít nhiều tinh thần bất hại, thì điều ấy đáng được tán thán. Đó là cách hiểu của tôi, rằng mỗi người chúng ta phải tự tìm cách riêng của mình để thực tập giới bất hại, trong phạm vi rộng rãi của những điều ta có thể làm, biết rằng sẽ không có gì hoàn toàn trắng trẻo cả, và cho dù bất cứ chuyện gì xảy ra, cũng không theo đuổi mục đích rằng mình phải đúng. Đây thật sự là ‘công án sống còn’ của ta. Đó là vì sao tôi đã chú giải giới này, trong tinh thần Đại Thừa, như ‘Không gây tổn hại không cần thiết.’

Người ta có thể tự hỏi không biết đối với loài mèo rừng thì sự trì giới bất hại (ahimsa), trong Phật cảnh của chúng, sẽ ra sao? Như lời thiền sư Đạo Nguyên (Dogen) nói: ‘Loài rồng xem nước là lâu đài,’ thì với loài mèo rừng, rừng có lẽ là một jikido (thực đường) sang trọng trong đó chúng thì thầm các bài kệ (gathas) lặng lẽ biết ơn loài chim cút, chia xẻ (trong tâm tưởng) phần ăn với dạ xoa và quỷ đói. ‘Người học Bụt không nên giới hạn vào những quan điểm của con người khi học về nước.’ Và thế giới đối với loài chim cút sẽ như thế nào? Tôi chỉ biết điều này: khi chết, nỗi khổ và cái chết ấy là của riêng tôi, và tôi hy vọng mình sẽ không đổ lỗi cho con cọp (hay ung thư, hay gì gì đi nữa) đã làm tôi ngã xuống. Với con cọp, tôi sẽ chỉ yêu cầu: ‘Làm ơn đừng phí phạm.’ Và có thể cùng gầm gừ chung với nó.

Khi bắt gặp một chiếc đũa bị vất bỏ trong cống rãnh, vị thầy sẽ quở đệ tử rằng: ‘Chú đã làm rồi đời chiếc đũa,’ chúng ta có thể nhìn vào chiếc đũa bị phí phạm, và biết nó đã bị xử tệ như thế nào. Và câu này cũng đáng được thêm vào: ‘Chú đang giết rừng già,’ bởi vì việc sử dụng một cách đại trà loại đũa dùng một lần rồi bỏ ở Nhật và Mỹ đã cho thấy điều ấy.

Vị Thầy có biết bước kế theo? Không hẳn. Áp dụng tình thương tích cực đối với muôn loại ở nước Trung Hoa Phật giáo thường có nghĩa là làm lễ phóng sanh cho cá, chim bị bẫy bắt. Lòng từ bi đối với những mảnh đời riêng chỉ là một phần của câu chuyện. Nước Trung Hoa Phật giáo đã buộc phải chứng kiến sự tuyệt chủng đáng kể của các loài, và sự mất rừng hàng loạt trong khoảng thời gian giữa thế kỷ thứ năm và thứ mười lăm. Ấn Độ thì đã mất đi phần lớn rừng từ trước thời cận đại. Lòng từ bi đối với những mảnh đời khốn khổ phải được nới rộng đến phạm vi của toàn bộ lưu vực một con sông, hệ thống tự nhiên, môi trường sống của sinh vật. Cứu mạng một con vẹt hay một con khỉ là điều đáng quí. Nhưng chúng sẽ chết, nếu rừng không được cứu. Cả hành tinh rên siết dưới sự bất chấp thô bạo giới bất hại của những xã hội tổ chức cao và các nền kinh tế tập đoàn trên thế giới. Hàng ngàn loài động vật, và hàng vạn loài thực vật có thể đi đến tuyệt chủng trong thế kỷ tới. Tôi mong rằng các bạn đọc của cuốn sách này sẽ hiểu phong trào bảo vệ hoà bình, phong trào bảo vệ môi sinh, và Hội  Ái Hữu  Phật tử vì Hoà Bình của chính chúng ta dưới ánh sáng này, và sẽ đặt nỗ lực CỨU VÃN MÔI TRƯỜNG SINH SỐNG CỦA MỌI LOÀI vào một vị trí ưu tiên hàng đầu.



[8] Xuất bản trong tạp chí Thập Phương (The Ten Directions), của Zen Center of Los Angeles, số Spring/Summer 1990. Barnhill mô tả lưới Đế Châu như sau: ‘Để nêu lên bản chất của mạng lưới tương liên tương đới, Hua Yen đã khai triển hình tượng mạng lưới của Đế Thiên (Indra.) Trong hình tượng này, vũ trụ được xem như một màng lưới rộng lớn làm bằng những hạt châu đa diện, sáng loáng, mỗi hạt châu là một tấm gương nhiều mặt. Theo một nghĩa, mỗi hạt châu là một thực thể đơn độc. Nhưng khi nhìn vào một hạt châu, ta chẳng thấy gì hơn ngoài sự phản chiếu của những hạt châu khác, mà những hạt châu khác lại chính là sự phản chiếu của những hạt châu kia, cứ như vậy trong một hệ thống phản chiếu bất tận. Và như vậy, trong mỗi hạt châu chứa đựng hình ảnh của toàn bộ tấm lưới. Theo Hua Yen, mục đích của tôn giáo là đạt đến một trạng thái tâm, thấy thế giới là sự soi bóng lẫn nhau, và khiến ta sống đời sống của mình theo ý nghĩa của sự tương quan từ căn bản ấy.’ Xin cũng xem bài trả lời của David Barnhill trong tờ Tam Luân (Tricycle), số Summer 1993. [chú thích của tác giả.]
[9] Các nhà sư ở hai viện Đông và Tây tranh giành một con mèo. Hoà thượng Nam Tuyền nhấc con mèo lên, bảo rằng: ‘Các ông nói được chuyển ngữ thì tha mèo, còn không thì mèo phải chém.’ Đại chúng không ứng đối được. Nam Tuyền bèn chém con mèo. Đến tối Triệu Châu về, Nam Tuyền kể lại chuyện. Châu bèn cởi dép, đội lên đầu mình mà bước ra ngoài. Nam Tuyền nói: ‘Nếu có ông lúc ấy, mèo đã được cứu rồi.’ [chú thích nguời nhuận]
[10] Unsui: Vân Thủy, là ‘hành vân lưu thủy’, chỉ người học trò đi đây đi đó để cầu Đạo. [chú thích người nhuận bản dịch.]
[11] Còn gọi là cây Dâm Bụt, cây Bông Bụt. [chú thích của người nhuận]
[12] Solanaceae đến từ tiếng Latin là solanum, có nghĩa là ‘bóng mát của đêm’, nhưng nghĩa của từ này không rõ. Người ta cho rằng từ Solanaceae đến từ động từ ‘solari’ trong tiếng Latin, có nghĩa là ‘làm dịu’ vì dược tính an thần của một số cây trong họ. Tuy nhiên, tên này phần lớn đến từ hình dáng của hoa, xoè ra như những chiếc dù dưới ánh mặt trời. [chú thích của người nhuận]
[13] Sesshin (‘tiếp tâm’), chúng ta quen gọi là ‘đả thất’ là thời gian thực tập nghiêm ngặt, bảy hay nhiều ngày, trong Thiền Tông. Hầu hết thời gian là im lặng, và thực tập thiền toạ, thiền hành. Kỳ đả thất được kết thúc bằng buổi tham vấn với Thiền Sư (chủ trì kỳ đả thất.) [chú thích của người nhuận]
[14] ‘The Practice of the Wild’, Berkeley: North Point Press 1992.
[15] Ryo Imamura: tân tăng Nhật thuộc Tịnh Độ Tông (Jodo), giáo sư đại học Evergreen State College ở Olympia, Washington State, USA. [chú thích của người nhuận]

---o0o---


TƯƠNG LAI TRONG BÀN TAY



Stephen Batchelor

‘Bạn tu gì?’ Nhiều hành giả trong đạo Bụt sẽ cho rằng câu hỏi này nhắm vào loại thiền mà họ thực tập, vì họ có khuynh hướng trả lời: ‘Tôi theo thiền Minh Sát (vipassana),’ hay ‘thiền Dzogchen[16] ,’ hay ‘Chỉ quản đả toạ (shikantaza[17]) .’ Những câu trả lời như vậy phản ảnh một quan niệm phổ biến rằng tu tập cốt yếu là vấn đề kỹ thuật tâm linh. Đạo đức, theo phối cảnh này, được xem như là tập hợp của các giá trị và lề luật hỗ trợ cho sự tu tập.

Tuy nhiên, Bụt lại nói đến việc tu học (siksa) như là bao gồm ba mặt: giới đức, thiền định, và trí tuệ. Song, đến khi các đệ tử Bụt tìm cách thể hiện mình trong văn hoá lấy kỹ thuật làm trung tâm điểm của Tây Phương, họ thường hiểu việc tu ‘hành’ chủ yếu theo mặt thứ hai của Tam Học, tức là thiền định. Bởi vì cái nhìn này khớp với thế giới quan trong đó cách giải quyết vấn đề bằng biện pháp kỹ thuật được xem là cao hơn cả.

Khía cạnh đáng kể nhất của phong trào đạo Bụt nhập thế đang lên là việc định nghĩa lại thế nào là ‘tu học.’ Do nhấn mạnh mặt dấn thân, trọng tâm của sự tu tập chuyển từ chỗ gắn bó riêng đối với thiền sang chỗ kể vào phần đạo đức. Điều nguy hiểm ở đây là ‘các Phật tử dấn thân’ trở nên xem thường một cách vi tế (hay ít vi tế) những Phật tử khác ‘chỉ’ có hành thiền. Vì với khuynh hướng lấy kỹ thuật làm trọng tâm của các thiền giả, Phật tử dấn thân lại có nguy cơ thua thêm lần nữa nỗi ám ảnh khác của Tây Phương: niềm tin rằng chỉ có hành động mới đáng kể mà thôi.

Đạo đức, như là sự thực tập, bắt đầu bằng việc đưa những vấn đề đạo đức nan giải vào phạm vi thiền quán – ý thức về những thôi thúc trái ngược xâm chiếm lấy tâm thức trong khi thiền tập. Thay vì gạt bỏ chúng như những thứ làm ta phân tán (điều hoàn toàn chính đáng khi tu bồi định), ta nhận diện chúng như những tiềm năng của những hành động có thể mang lại khổ đau cho mình hay cho người.

Thực tập chánh niệm như vậy làm tăng thêm sự nhạy bén với sự trồi lên của các ý tưởng và cảm xúc trong từng giây từng phút. Thường thì phải đợi cho đến khi bị cảm xúc, như cơn giận chẳng hạn, kéo đi rồi mình mới bắt đầu nhận ra nó. Tập thiền như vậy luyện cho mình quan sát các trạng thái của tâm ngay từ lúc chúng mới chớm.

Điều này không có nghĩa là mình đè nén hoặc coi nhẹ những thôi thúc không phù hợp với hình tượng tâm linh của mình. Chánh niệm có nghĩa là chấp nhận những gì đang xảy ra và nhận diện chúng như tự thân sự việc. Tận sâu nơi gốc rễ của sự tu tập giới đức của mình là khả năng chấp nhận rằng mình cũng có tiềm năng của một kẻ sát nhân, ăn trộm, cưỡng hiếp, và lạm dụng ma túy như những kẻ phạm tội trong tù. Tu tập giới đức tức là chấp nhận được sự thực của những thôi thúc ấy – và buông xả chúng. Buông xả chúng có nghĩa là để cho chúng đi qua một cách tự nhiên. Vì chỉ khi nào mình xác nhận một lực thúc đẩy (‘Ừ, tôi ghét hắn!’), mình mới kéo theo một loạt hiện hành khác, cuối cùng dẫn đến hành động bằng thân hay bằng lời.

Khi niệm lực gia tăng, mình có thêm tự do chọn lựa những gì phải làm. Chánh niệm được cho thêm sức mạnh, nhưng không phải chỉ bằng vào khả năng chánh niệm lớn hơn -- tất cả chúng ta có lẽ đều đã từng có kinh nghiệm ngồi nhìn một cách rất chánh niệm sự phá giới của mình. Chánh niệm còn được cho thêm sức mạnh bởi các năng lực ‘chị em’ với nó là tín, tấn, định và tuệ (bốn năng lực khác của giáo lý Ngũ Lực, indriya, mà Bụt đã dạy.) Giả như chánh niệm ấy hoàn toàn vắng mặt, thì mọi chọn lựa gần như chỉ lệ thuộc vào sức ép của thói quen tâm lý và ước định xã hội. Chỉ khi nào chánh niệm có đầy đủ sức mạnh mình mới hoàn toàn đầy đủ tự do để chọn lựa.

Cái gì khiến mình bảo cái này là đối nghịch với cái kia? Cái gì khiến mình tin tưởng rằng hành động này là đúng còn hành động kia là sai? Chánh niệm có thể giúp mình nhận ra được những động lực nào đang khởi lên trong từng giây phút, nhưng nó không bảo mình niệm nào nên nắm và niệm nào nên xả. Để biết điều này, mình cần phải ý thức được những gì mình đặt giá trị và ưu tiên vào. Và ý thức ấy nằm ngay cốt lõi niềm tin Phật giáo của mình.

Sự thực tập giới đức đạo Bụt đặt nền tảng nơi lòng tin. Bởi vì mình không thể chứng minh được bằng luận lý (logic) hay quán sát được bằng giác quan những gì mình cho là đúng_sai, thiện_ác. Cho dù mình có thể biện hộ cho sự xác quyết của mình về đúng và sai bằng cách viện đến lương tâm, trực giác, hay Phật tánh đi nữa, thì sự viện dẫn đó cũng vẫn là một hành động của đức tin, tin vào một cái gì (lương tâm chẳng hạn) mình không thể nào chứng minh hay quán sát được.

‘Luân lý Phật giáo’ thường chỉ cho các nhóm giới luật mà mình tự nguyện theo với tư cách một người tại gia, một người xuất gia, một người theo Bồ Tát hạnh, một người tu theo Thiền Tông, hay một người theo Kim Cương Thừa (Vajrayana.) Giới luật là những tuyên ngôn về những giá trị mình chọn, căn cứ trên niềm tin, để sống theo. Mình phải nương vào các giá trị tàng trữ trong Giới luật này mỗi khi làm một chọn lựa có tính chất luân lý.

Khi được trình bày một cách khô khan (như ‘Không được giết’), Giới có vẻ như chỉ đơn thuần ra lệnh cấm đoán điều nọ điều kia. Tuy nhiên, làm nền tảng cho những giới này là các giá trị, rằng: sự sống là quý, làm vơi nhẹ khổ đau là tốt, lòng thường là tốt, bảo vệ và nâng cao sự sống là tốt.

Ở mỗi truyền thống đạo Bụt đều có một sự găng go giữa những người chú trọng ý nghĩa dựa trên chữ nghĩa của Giới luật và những người chú trọng các giá trị làm nền tảng cho những Giới luật ấy. Trong nhiều truyền thống đều có câu chuyện về hai vị sư thấy người đàn bà đang sắp chết đuối dưới sông. Một vị lao xuống nước cứu, trong khi vị kia nhìn một cách không bằng lòng. Khi họ về đến tu viện, vị sau bảo vị trước phạm vào Giới xúc chạm đến thân thể phụ nữ. Bạn ông ta trả lời: ‘Tôi đã để cô ta lại bờ sông. Thầy vẫn còn giữ hoài cô ấy.’

Mỗi vấn đề nan giải của luân lý đều trình bày cho mình thấy một tình huống phức tạp, có một không hai, chưa từng xảy ra trước đó, và sẽ không xảy ra lại bao giờ. Bao nhiêu giới cũng sẽ chẳng đủ để đề luật cho con số vô hạn của những vấn đề luân lý nan giải trên đời, những vấn đề mình có thể phải đối mặt. Trong khi Giới có thể đề ra phương hướng cho nhiều chọn lựa đơn giản, thì những vấn đề nan giải trong đời, khiến ta phải trăn trở, lại đòi hỏi sự trau dồi giới đức. Vì những vấn đề ấy buộc ta phải nhìn sâu vào tình trạng và chọn lựa, với trí tuệ, những gì phải làm. Trí tuệ ấy đòi hỏi ta phải nhìn vượt ra ngoài ngôn từ của giới luật để thấy được các giá trị mà chúng giữ gìn.

Bụt nói hành động (nghiệp, karma) là ý hướng. Định làm gì, tức là chọn hành động theo một cách nào đó. Song, mỗi chọn lựa như vậy là một sự mạo hiểm; bởi vì mình không sao biết được kết quả của một hành động. Tất cả những gì ta có thể mong đợi đó là trí tuệ biết được cái gì là tốt nhất -- một trí tuệ đòi hỏi sự khiêm tốn để nhận rằng mình có thể sai.

Cho nên, sự tu tập giới đức cũng kéo theo sự tu tập định, tuệ. Ba Phép Trau Dồi (Tam Học) của Bụt có mặt trong bất cứ một hành động có tính chất luân lý đáng kể nào: như sự cam kết sống theo một loạt giá trị gói ghém trong các giới luật; như tính trong sáng, an tịnh, và vô ngại của chánh niệm, cho phép ta ý thức được những gì đang xảy ra trong phút giây hiện tại; như trí tuệ để chọn lựa điều gì là hay nhất nên làm.

Mùa xuân năm 1993, tôi may mắn nằm trong một nhóm giáo thọ Phật giáo Tây Phương gặp gỡ Đức Dalai Lama để thảo luận, cùng với nhiều việc khác, vấn đề đạo đức của Phật giáo, đặc biệt là đạo đức giữa các vị thầy với nhau. Đức Dalai Lama đồng thời là một cột trụ ưu tú của dòng Pháp thuộc về lịch sử, và một trong những người diễn giải lỗi lạc nhất ý nghĩa của dòng Pháp ấy. Ngài, cùng một lúc, hoàn toàn phóng khoáng trên phương diện diễn dịch giáo lý, trong khi lại hết sức bảo thủ trong các vấn đề mang tính chính thống đạo đức.

Đức Dalai Lama bảo chính người đệ tử đã tuyệt đối trao quyền cho thầy khi đặt người thầy vào vai trò đó. Tại sao một số giáo thọ ở Mỹ và Âu Châu đã bị lôi kéo vào các vụ tai tiếng?  Tại sao họ đã có thể lợi dụng và đối xử tồi tệ với đệ tử của mình? Đó là vấn đề mà Đức Dalai Lama đã hết sức quan tâm.

Người đệ tử, Ngài nhận xét, thường không xem xét đủ các phẩm chất đạo đức và tâm linh của người kia trước khi nhận ông ta (thường là ‘ông’) làm thầy. Tuy nhiên, truyền thống Tây Tạng nói rõ rằng một người cần phải dành nhiều năm xem xét kỹ lưỡng trước khi đi đến bước nhận thầy. Nhưng lỗi phần lớn nằm ở người thầy. Đức Dalai Lama nhận xét: ‘Nhiều người bạn mà tôi biết ở đây [ở Ấn Độ và Tây Tạng] rất khiêm tốn, nhưng sang Tây Phương thì họ lại trở nên kiêu mạn tự hào.’ Một ông thầy tu giản dị, bay từ một khu định cư cùng kiệt của Ấn Độ đến một đô thị châu Âu hay châu Mỹ để được tôn sùng và ồ ạt trút vào phú quí, thì, dễ hiểu thôi, sẽ có khuynh hướng để cho sự ưu đãi ấy làm cho mình kiêu mạn. ‘Rượu,’ Ngài bàn, ‘thường là căn do của những vấn đề này.’ Lẽ đương nhiên: một chiến lược hấp dẫn cho một người bị bứng khỏi văn hoá quen thuộc của mình, rồi ném vào một thế giới đầy hoang mang và đòi hỏi mà anh ta thiếu các kỹ năng cần thiết trên phương diện xã hội và tình cảm để đương đầu.

Mọi chuyện như thế cũng chưa đến nỗi gì, ngoại trừ sự kiện hầu hết các vị thầy Á Châu, và những đệ tử kế thừa người Tây phương của họ đều được xem là giác ngộ. ‘Giác Ngộ’ có nghĩa gì nếu như những người giác ngộ vẫn còn lệ thuộc vào những cung cách thiếu đạo đức mà những kẻ phàm phu chưa giác ngộ chúng ta đang tìm cách thoát ra khỏi sự kìm kẹp của chúng? Tối thiểu nhất, ta mong rằng sự giác ngộ hàm nghĩa một trình độ thoả mãn, không còn khao khát nữa. Nhưng nếu một người đã thoả mãn, hết khát khao, tại sao người ấy lại chịu thua thói kiêu căng cho mình là quan trọng? Tại sao người ấy lại trở nên lệ thuộc vào rượu? Tại sao người ấy lại theo đuổi một chuỗi truy hoan nhất thời? Ngay những người hài lòng chưa giác ngộ cũng còn chẳng cần đến những thứ này.

Nếu hành vi của vị thầy là phi đạo đức, Đức Dalai Lama trả lời, thì cho dù vị đó có tu lâu năm đi nữa, sự tu tập cũng sai lầm. Rất đơn giản, họ không có một sự hiểu biết đúng đắn về Giáo Pháp. Có một ‘khoảng cách’ giữa Pháp và đời sống của họ. Ngài bác bỏ tư tưởng một khi đã có tuệ giác về chân lý tối hậu của tính Không, thì người ta không còn bị ràng buộc bởi những quy tắc đạo đức nữa. Ngược lại: nhờ khám phá được mạng lưới liên hệ nối kết mọi loài chúng sanh một cách thuận theo luân thường đạo lý, cái hiểu về tính Không không bí hiểm vượt ra ngoài đạo đức mà truyền thụ cho lĩnh vực này (đạo đức) những hiểu biết vững vàng về kinh nghiệm.

Đức Dalai Lama đã bày tỏ sự quan ngại rằng thỉnh thoảng kinh nghiệm Ngộ (satori) của Thiền Tông bị lần lẫn với trạng thái định (samadhi) hay chỉ đơn thuần là trạng thái vô tưởng, trong tự thân chúng, chẳng có trạng thái nào hàm chỉ về cái hiểu có tính chất chuyển hoá cả. Sự chú trọng vào những mức độ chứng ngộ cao của Thiền Tông, Ngài nhận xét, có thể dẫn theo nguy cơ bỏ bê, không chăm sóc những mức độ thấp hơn, đó là tu chỉnh từ những hành vi đơn giản. Ngài cũng băn khoăn về những Phật tử mà Ngài đã gặp, nói về chứng nhập tánh Không nhưng xem ra nguội lạnh tình người, chứng tỏ họ đã đi lạc vào chỗ hoàn toàn vô tưởng, hay ‘trầm trệ’ (một dạng vi tế của sự mờ độn.) ‘Vì vậy,’ Ngài kết luận, ‘tôi thích con đường từ từ từng bước hơn.’

Một người trong số chúng tôi nhận xét rằng những ngày gặp gỡ đó ‘có một nhận thức đúng đắn đến tận xương tủy’ về họ. Cuộc gặp gỡ với Đức Dalai Lama đã làm công việc khẳng định những gì nhiều người trong chúng tôi đã trực nhận là đúng, nhưng chưa tìm ra can đảm hay ngôn từ để nói ra. ‘Quá khứ là quá khứ,’ Đức Dalai Lama nói vào bữa chót của cuộc gặp gỡ. ‘Cái gì là quan trọng? Tương lai. Chúng ta là những người sáng tạo. Tương lai trong bàn tay chúng ta. Cho dù có thất bại, cũng không gì hối tiếc – chúng ta phải nỗ lực.’

[16] Dzogchen: ‘Đại Viên Mãn’ hay ‘sự hoàn hảo lớn lao’ nằm trong mạch Phật giáo Tây Tạng. ‘Theo Tạng Thư Sống Chết’ của Sogyal Rinpoche thì ‘Dzogchen là trạng thái đã toàn hảo của bản tính nguyên ủy của ta, không cần phải làm cho toàn, vì nó ngay từ khởi thủy đã toàn vẹn, như bầu trời.’ ‘Sự tu luyện theo Dzogchen được mô tả là ‘Kiến, Thiền, Hành. Thấy được một cách trực tiếp trạng thái tuyệt đối, CẢNH hay nền tảng bản thể chúng ta - tự tánh, tánh bản nhiên – đó là Kiến; cái cách để làm cho cái thấy ấy không gián đoạn gọi là Thiền; và hội nhập cái thấy ấy vào trong toàn thể thực tại và cuộc đời chúng ta, gọi là Hành.’ (chương 10, bản dịch của Ni Sư Trí Hải.) [chú thích của người nhuận.]

[17] Shikantaza (只管打座): ‘Chỉ Quản Đả Toạ’ (only focused on doing sitting), ‘chỉ cần chăm sóc việc ngồi thôi’, là chủ trương của Thiền Sư Đạo Nguyên (Dogen Zenji 1200-1253), người du nhập phái thiền Tào Động (Toso) từ Trung Quốc sang Nhật Bản. [chú thích của người nhuận]
 

---o0o---


PHẦN BỐN - KINH NGƯỜI ÁO TRẮNG

KINH NGƯỜI ÁO TRẮNG


(Ưu Bà Tắc Kinh, Kinh số 128 của Bộ Trung A Hàm, Gotama Sanghadeva đời Đông Tấn (397-398) dịch từ Phạn ra Hán. Nhất Hạnh dịch ra Quốc Văn, năm 1992. Tham khảo Anguttara Nikaya, A. iii.211.)
 

Đây là những điều tôi nghe Bụt nói vào một thời mà người còn lưu trú tại tu viện Cấp Cô Độc, trong vườn cây Kỳ Đà. Hôm ấy, cư sĩ Cấp Cô Độc cùng với năm trăm vị cư sĩ khác đã tìm đến nơi cư ngụ của thầy Xá Lợi Phất. Các vị cúi đầu làm lễ thầy và ngồi xuống một bên. Tôn giả Xá Lợi Phất đã sử dụng nhiều phương tiện khéo léo để thuyết pháp cho các vị cư sĩ này, đem lại cho họ niềm vui và làm phát khởi nơi họ niềm khát ngưỡng đối với Tam Bảo và sự hành trì chánh pháp. Sau đó, tôn giả tới viếng Bụt, làm lễ dưới chân Người và ngồi xuống một bên. Cư sĩ Cấp Cô Độc và năm trăm vị khất sĩ cũng theo gót thầy, đến viếng Bụt, làm lễ dưới chân Người rồi ngồi xuống một bên Bụt. Sau khi thấy mọi người đã an tọa, Bụt bảo thầy Xá Lợi Phất:

 “Này thầy Xá Lợi Phất, thầy có biết rằng nếu một vị đệ tử áo trắng đạo hạnh biết hộ trì năm Giới pháp và tu tập bốn tâm cao đẹp (tăng thượng tâm) thì có thể dạt tới rất dễ dàng và không khó khăn gì khả năng an trú hạnh phúc ngay trong hiện tại, và biết chắc chắn rằng mình sẽ không còn đọa lạc vào địa ngục, ngạ quỷ, bàng sinh và các nẻo ác khác trong tương lai? 

Một người như thế là đã đắc quả Vào Dòng, không sợ còn bị rơi vào đường ác, chắc chắn đang đi về nẻo chánh giác. Người ấy chỉ cần qua lại tối đa là bảy lần nữa trong các cõi trời và người là có thể đạt tới biên Giới của sự hoàn toàn giải thoát diệt khổ.

Xá Lợi Phất, vị đệ tử áo trắng hộ trì năm Giới pháp tu tập và bốn tâm cao đẹp (tăng thượng tâm) như thế nào?

Vị đệ tử áo trắng xa lìa sự giết hại, chấm dứt sự giết hại, buông bỏ khí Giới, biết hổ thẹn, tập từ tập bi, bảo hộ cho mọi loài sinh vật, kể cả các loại côn trùng. Vị ấy diệt trừ tận gốc tâm niệm giết hại.

Đó là Giới pháp thứ nhất mà người đệ tử áo trắng hộ trì.

Vị đệ tử áo trắng xa lìa sự không cho mà lấy, chấm dứt sự không cho mà lấy, thường ưa bố thí, tìm niềm vui trong sự bố thí và bố thí mà không cầu đền đáp. Vị này không bị tâm trạng tham lam che lấp, luôn luôn bảo hộ sự liêm khiết của mình và diệt trừ tận gốc sự không cho mà lấy.

Đó là Giới pháp thứ hai mà người đệ tử áo trắng hộ trì.

Vị đệ tử áo trắng xa lìa tà dâm, chấm dứt sự tà dâm, bảo vệ cho bất cứ ai, dù người ấy nằm trong sự bảo hộ của cha, mẹ, hoặc cả cha lẫn mẹ, hoặc chị em, hoặc anh em, hoặc cha mẹ bên sui gia, hoặc gia đình sui gia, hoặc bởi người đồng tính, hoặc là vợ con hay chồng con kẻ khác, kể cả kẻ bị cuồng dâm khủng bố, hoặc kẻ bán phấn buôn hương. Vị này diệt trừ tận gốc tâm niệm tà dâm.


Đó là Giới pháp thứ ba mà người đệ tử áo trắng hộ trì.

Vị đệ tử áo trắng xa lìa nói dối, chấm dứt sự nói dối, chỉ nói sự thật, tìm niềm vui trong sự nói lên sự thật, an trú nơi sự thật không lúc nào đổi dời, có thể được tin cậy hoàn toàn và không bao giờ dám miệt thị kẻ khác. Vị ấy diệt trừ tận gốc sự nói dối.

Đó là Giới pháp thứ tư mà người đệ tử áo trắng hộ trì.

Vị đệ tử áo trắng xa lìa rượu, chấm dứt sự uống rượu, diệt trừ tận gốc thói quen uống rượu.

Đó là Giới pháp thứ năm mà người đệ từ áo trắng hộ trì.

Này thầy Xá Lợi Phất, các vị đệ tử áo trắng làm thế nào thế để đạt tới bốn tâm cao đẹp (tăng thượng tâm) và an trú hạnh phúc trong hiện tại một cách dễ dàng và không có khó khăn? Trước hết, vị đệ tử áo trắng thực tập quán niệm về Như Lai. Vị ấy quán niệm như sau: Như Lai là bậc giác ngộ chân chính không còn dính mắc, là bậc Minh Hạnh túc, là bậc Thiện thệ, là bậc Thế gian giải, là bậc Vô thượng sĩ, là bậc Điều ngự trượng phu, là bậc Thiên nhân sư, là Bụt, là Thế tôn. Quán niệm về Như Lai như thế thì những dục vọng xấu xa đều được tiêu diệt, trong tâm người quán niệm không còn những yếu tố bất thiện, uế nhiễm, sầu khổ và lo âu.

Nhờ tưởng niệm tới Như Lai mà tâm tư người ấy lắng trong, có được niềm vui, và người ấy đạt tới tâm cao đẹp thứ nhất, an trú trong hiện tại một cách dễ dàng, không khó khăn gì.

Xá Lợi Phất, vị đệ tử áo trắng thực tập quán niệm về Pháp. Vị ấy quán niệm như sau: Giáo pháp được đức Thế tôn giảng dạy là giáp pháp diễn bày khéo léo, có khả năng đưa tới giải thoát hoàn toàn, đưa tới trạng thái không phiền não, không nóng bức, có tính cách thường tại và không dời đổi. Quán niệm và giác tri như thế về pháp thì những dục vọng xấu xa đều được tiêu diệt, trong tâm người quán niệm không còn những yếu tố bất thiện, uế nhiễm và lo âu.

Nhờ tưởng niệm tới Pháp mà tâm tư người ấy lắng trong, có được niềm vui và đạt tới tâm cao đẹp thứ hai, an trú hạnh phúc trong hiện tại một cách dễ dàng, không khó khăn gì.

Xá Lợi Phất, vị đệ tử áo trắng thực tập quán niệm về Tăng. Vị ấy quán niệm như sau: Thánh chúng của Như lai đang đi về nẻo thiện, đang đi trên đường chánh, đang hướng theo giáo pháp, đang thực tập theo giáo pháp và sống đúng tinh thần giáo pháp. Trong thánh chúng ấy có các bậc A la hán đã thành và đang thành, các bậc A na hàm đã thành và đang thành, các bậc Tư đà hàm đã thành và đang thành, các bậc Tu đà hoàn đã thành và đang thành, tức là có đủ cả bốn đôi và tám bậc. Thánh chúng của Như lai đã thành tựu được Giới, được tam muội, được bát nhã, được giải thoát, được tri kiến giải thoát; thánh chúng này đáng được tôn kính, đáng được quý trọng, đáng được phụng sự, đáng được cúng dường, và đó là ruộng phước tốt đẹp cho cuộc đời.


Nhờ tưởng niệm tới tăng mà tâm tư người quán niệm lắng trong, có được niềm vui và người ấy đạt tới tâm cao đẹp thứ ba, an trú hạnh phúc trong hiện tại một cách dễ dàng, không khó khăn gì.

Xá Lợi Phất, vị đệ tử áo trắng thực tập quán niệm về Giới. Vị ấy quán niệm như sau: Giới luật này không có khuyết điểm, không bị sứt mẻ, không bị cấu uế, không bị ô trược, có khả năng giúp ta an trú trong lĩnh thổ của Như lai. Giới luật này không có tính cách giả dối, thường được các bậc hiền thánh khen ngợi, tiếp nhận, thực tập và hộ trì.

Nhờ tưởng niệm tới Giới mà tâm tư người ấy lắng trong, có được niền vui và người ấy dạt tới tâm tư cao đẹp thứ tư, an trú hạnh phúc trong hiện tại một cách dễ dàng, không khó khăn gì.

Xá Lợi Phất, thầy nên ghi nhớ rằng một người đệ tử áo trắng nếu thực tập được như thế là đã chấm dứt được sự sa đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh và các đường dữ khác, đã chứng đạt được quả vị Tu đà hoàn, không còn thối đọa vào các ác pháp. Người ấy chắc chắn đang đi về nẻo chánh giác và chỉ cần qua lại tối đa là bảy lần nữa trong các cõi trời và người là có thể đạt tới biên Giới của sự hoàn toàn giải thoát diệt khổ.

Bấy giờ, đức Thế Tôn nói bài tụng sau đây:
 “Kẻ trí sống tại gia
Thấy sợ cảnh địa ngục
Nên thọ trì chánh pháp
Dứt trừ mọi nẻo ác.
Học hiểu mà hành trì
Không giết hại chúng sanh
Chân thật không nói dối
Không lấy của không cho.
Trung kiên bạn hôn phối
Thói tà dâm kìa bỏ
Nhất quyết không uống rượu
Để tâm chẳng loạn cuồng
Thường thực tập niệm Bụt
Thường thực tập niệm Pháp
Niệm Tăng và niệm Giới
Tâm an lạc thảnh thơi.
Muốn thực tập bố thí
Để vun trồng phước đức
Người ấy học tiêu chuẩn 
Giải thoát và giác ngộ.
Xá Lợi Phất lắng nghe
Ta nói về điểm này 
Hãy nhìn đàn bò kia
Và thử quan sát chúng: 
Có con vàng, con trắng 
Có con đỏ, con đen
Màu nâu có đốm vàng
Hoặc màu chim bồ câu.
Dù chúng màu sắc gì
Hoặc xuất xứ từ đâu
Giá trị thật của chúng
Là ở sức chuyên chở.
Những con nào mạnh khỏe
Kéo xe mạnh và nhanh 
Chuyên chở được nhiều chuyến
Là những con hữu dụng.
Trong cõi nhân gian này
Có các Giới phạm chí
Sát đế lợi, cư sĩ
Thương gia và công nhân.
Những ai trì tịnh Giới
Thực chứng được giải thoát
Trở thành bậc cao đức
Bậc Thiện thệ thảnh thơi.
Cúng dường những bậc ấy
Là được quả phúc lớn.
Ta không cần phân biệt
Giai cấp và nguồn gốc.
Kẻ thiếu đức nghèo tuệ
Không soi sáng cho ai,
Cúng dường những kẻ ấy
Quả phúc không đáng kể.
Người con Bụt tu huệ
Tâm hướng về Thế tôn
Gốc lành thêm vững chãi
Chỉ sinh về nẻo lành.
Qua lại cõi nhân thiên
Nhiều lắm là bảy lần
Cuối cùng sẽ đạy được 
Cảnh Niết bàn tịnh lạc.” 

Bụt nói như thế, Tôn giả Xá Lợi Phất, các vị khất sĩ, cư sĩ Cấp Cô Độc và năm trăm vị cư sĩ khác nghe lời Bụt dạy, vui vẻ làm theo.

---o0o---

TÊN KINH VÀ NGUỒN GỐC CỦA KINH


Ta có thể nói đạo Bụt là một tôn giáo, nhưng nếu ta nói đạo Bụt là một cách sống thì còn đúng hơn. Sống là một nghệ thuật. Nghệ thuật tạo hạnh phúc cho mình và cho người. Hạnh phúc của mình và hạnh phúc của người có liên hệ tới nhau một cách mật thiết cho đến nỗi ta thấy nếu người không có hạnh phúc thì ta cũng không thực sự có hạnh phúc. Trong sự thực tập nghệ thuật tạo dựng hạnh phúc, ta phải có một niềm tin. Tin ở một cái gì cao đẹp, phù hợp với sự thật, có thể làm nền tảng cho hạnh phúc thật sự và lâu dài. Vì niềm tin ấy cần thiết cho nên nếp sống đạo Bụt có tính cách tôn giáo. Tuy nhiên niền tin ở đây không phải là niềm tin ở một đấng thần linh hay ở một nguyên lý siêu hình mà ta không thể kiểm chứng được. Niền tin ở đây là niềm tin ở một cái gì đẹp, thật và có thể tạo dựng hạnh phúc, và cái ấy ta có thể sờ mó, tiếp xúc, thí nghiệm và thể nghiệm.

Kinh Người Áo Trắng là một trong những Kinh căn bản và tương đối dễ hiểu và dễ làm, mang chủ đề niềm tin và nếp sống hạnh phúc của con người, con người bình thường sống trong xã hội, đó là con người của tất cả chúng ta. Kinh này không phải đã được nói ra cho các bậc siêu nhân mà là đã được nói ra cho tất cả chúng ta. Ai làm theo được lời dạy của Kinh thì có thể tạo dựng được hạnh phúc cho mình, cho những người mình thương yêu vàn cho nhiều kẻ khác trong đó có các loài cầm thú, cỏ cây và đất đá nữa. Và hạnh phúc ấy có ngay trong giờ phút hiện tại.

Trong Đại Tạng chữ Hán, Kinh này có tên là Kinh Ưu Bà Tắc. Đó là Kinh số 128 trong bộ Trung A Hàm. Trung A Hàm là Kinh mang ký hiệu Đ.C.26 của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh. Kinh này do thầy Gotama Sanghadeva (Cù Đàm Tăng Già Đề Bà) đời Đông Tấn dịch vào cuối thế kỷ thứ tư (397-398.)

Trong văn hệ Pali, Kinh tương đương với Kinh này là Kinh Gia Chủ, thuộc Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikaya), ký hiệu Aiii, 211. Nội dung của Kinh này và Kinh Ưu Bà Tắc (Kinh Người Áo Trắng) được xem như đồng nhất. Tuy lời văn của hai Kinh có nhiều chỗ sai khác, nhưng những ý chính đều có trong cả hai Kinh.

Tụng bản chữ Hán đã được dịch từ tụng bản tiếng Sanskrit, do bộ phái Sarvastivada ở Kashmir truyền lại, trong khi tụng bản tiếng Pali đã được phái Tamrasatiya bảo trì ở Tích Lan. Tamrasatiya vốn là tên của một bộ phái mà ngày nay ta gọi là Theravada.

Hai bộ phái Sarvastivda (Hữu bộ hay Tát Bà Đa Bộ) và Vibhajyavada (Phân Biệt Thuyết Bộ) được hình thành sau hiện tượng phân phái của giáo hội xảy ra vào khoảng thế kỷ thứ ba trước kỷ nguyên Tây lịch, vào thời đại vua Asoka. Sau cuộc phân phái này, các thầy thuộc Hữu Bộ dời lên Kashmir ở miền Cực Bắc Ấn Độ, và bộ phái Sarvastivada đóng đô và thịnh hành ở đó suốt một ngàn năm, và từ đây Kinh luận của bộ phái được đưa vào Trung Hoa và dịch thuật ra chữ Hán. Từ Phân Biệt Thuyết Bộ phát sinh ra nhiều bộ phái trong đó có Đồng Diệp Bộ (gọi đủ là (Xích Đồng Diệp Bộ, Tamrasatiya, bộ phái của các thầy mặc y màu hỏa hoàng, màu đồng đỏ.) Phái này được truyền bá về tận Tích Lan trong thời vua A Dục và đã được truyền trì lại cho tới ngày nay. Một người con trai của vua A Dục tên là Mahinda đã có mặt trong phái đoàn truyền giáo ấy. Hai bộ phái, một đi lên miền Bắc một đi về miền Nam, hồi đó đều dùng phương thức truyền khẩu để bảo trì Kinh, luật và luận. Các Kinh, luật và luận này chỉ được chép xuống vào thế kỷ đầu trước kỷ nguyên Tây Lịch. Vậy mà bây giờ so sánh hai tụng bản Kinh Người Áo Trắng (chữ Hán) và Kinh Gia Chủ (chữ Pali) ta vẫn thấy nội dung giống nhau. Điều này giống như một phép lạ. Trong khi dịch và chú giải Kinh Người Áo Trắng, chúng tôi đã tham khảo Kinh Gia Chủ, và đã lấy làm sung sướng có được trong tay hai tụng bản để sử dụng.

---o0o---

TRƯỜNG HỢP KINH ĐƯỢC NÓI


Kinh này được Bụt nói tại tu viện Kỳ Viên cho cư sĩ Cấp Cô Độc (Anathapindika) và một số những người bạn của ông. Cư sĩ Cấp Cô Độc là người đã từng phụng sự Tam Bảo với tất cả tấm lòng của mình. Chính ông đã mua khu vườn của Thái Tử Jeta để dâng Bụt và giáo đoàn khất sĩ và đã yểm trợ giáo đoàn biến khu vườn đẹp đẽ này thành tu viện. Ông là một người có uy tín trong Giới thương gia ở thủ đô Sravasti thuộc vương quốc Kosala. Ông nổi tiếng là người bênh vực và chăm sóc cho những kẻ nghèo khổ và cô độc. Mỹ hiệu Anathapindika (tiếng Phạn là Anathapindada) có nghĩa là người cấp dưỡng cho những kẻ nghèo khổ và cô độc; mỹ hiệu này đã được dân chúng tặng cho ông, vì họ thương mến ông. Mỹ hiệu đó được dịch là Cấp Cô Độc. Tên thật của ông là Sudatta (Tu Đạt.) Niềm tin của ông nơi Tam Bảo rất vững chắc. Ông tu tập theo lời Bụt dạy, mà người bạn đời của ông, phu nhân Punnalakkhana cũng biết tu tập theo lời Bụt dạy. Ông có bốn người con, ba người đầu là gái. Ba người tên là Subhadha chị, Subhadha em, và Sumagadha. Cậu con trai tên là Rula. Cả bốn người đều có niềm tin và tu tập theo lời Bụt dạy. Gia đình có nhiều hạnh phúc.

Cố nhiên cư sĩ Cấp Cô Độc có nhiều bạn bè trong Giới thương gia và trí thức, và ông đã thường khuyến dụ các bạn đi gặp Bụt và giáo đoàn. Hôm ấy ông đã hướng dẫn các bạn tới Kỳ Viên để thăm thầy Xá Lợi Phất (Sariputta) và để nghe thầy thuyết pháp. Sau đó ông và các bạn tới viếng Bụt. Trước sự hiện diện của thầy Xá Lợi Phất, Bụt dạy cho ông Kinh này. Hôm ấy Cấp Cô Độc cùng đi với năm trăm người bạn. Kinh này đặt được nền tảng thực tập cho người đệ tử tại gia. Cả hai tụng bản Hán và Pali đều gọi người đệ tử tại gia là người áo trắng. Chỉ có người xuất gia mới không mặc áo trắng. Vì vậy Kinh này có thể gọi là Kinh Người Áo Trắng.

Liên hệ giữa thầy Xá Lợi Phất và trưởng giả Cấp Cô Độc là một liên hệ đặc biệt. Cấp Cô Độc đã được gặp Bụt lần đầu ở tu viện Trúc Lâm, ở vùng ngoại ô miền Nam của thủ đô Vương Xá nước Ma Kiệt Đà. Ông đem lòng yêu mến Bụt và cầu mong Bụt qua giảng dạy đạo tỉnh thức bên nước ông, tức là nước Câu Tát La. Bụt đả nhận lời ông. Và sau đó, Bụt đã cho thầy Xá Lợi Phất cùng đi với ông qua thủ đô Xá Vệ trước để chuẩn bị cho chuyến du hành hóa độ của Người. Về tới thủ đô Xá Vệ, Cấp cô Độc đã Giới thiệu thầy Xá Lợi Phất với gia đình, với các bạn, và đã thỉnh cầu thầy Xá Lợi Phất ở lại thủ đô để hoằng hóa trong khi ông đi tìm mua đất để làm nơi cư trú tương lai cho Bụt và giáo đoàn khất sĩ. Ông đã mua được khu vườn nghỉ mát của thái tử Kỳ Đà, một khu vườn thật đẹp. Khu vườn này trở nên tu viện Cấp Cô Độc. Trong Kinh Người Áo Trắng, ta thấy Cấp Cô Độc đưa năm trăm người bạn tới thăm thầy Xá Lợi Phất trước rồi mới tới thăm Bụt sau. Điều này cũng cho ta thấy thâm tình giữa ông Cấp Cô Độc và thầy Xá Lợi Phất. Sau này khi ông qua đời, chính thầy Xá Lợi Phất là người ngồi bên giường ông trong giờ ông hấp hối để dạy ông quán chiếu về sinh tử và giúp ông qua đời một cách nhẹ nhàng và an lạc. Bụt dạy Kinh này cho ông Cấp Cô Độc và các bạn ông, nhưng Bụt đã hướng về thầy Xá Lợi Phất để nói. Điều này cũng chứng tỏ mối liên hệ mật thiết giữa thầy Xá Lợi Phất và ông Cấp Cô Độc. 

Tụng bản chữ Hán của Kinh mang tên là Kinh Ưu Bà Tắc. Ưu Bà Tắc (Upasaka) có nghĩa là người cận sự, người thân cận với Giới xuất gia để học hỏi và thực tập. Người nữ gọi là Ưu Bà Di (Upasika.) Có một Kinh đại thừa nổi danh mang tên là Kinh Ưu Bà Tắc Giới, trong đó ba phép Qui Y và Năm Giới được diễn bày theo tinh thần đại thừa. Kinh này là do Kinh Thiện Sinh (Lục Phương Lễ Kinh) trong các bộ Trung A Hàm và Trường A Hàm phát triển thành, có nói đến sự phát tâm, lập nguyện, tu học, trì Giới, thiền định, và có liên hệ đến Giới Bồ Tát của Kinh Phạm Võng. Ta đừng lầm Kinh Người Áo Trắng (Ưu Bà Tắc Kinh) với Kinh Ưu Bà Tắc Giới.

---o0o---

CHỦ ĐÍCH VÀ ĐẠI Ý NỘI DUNG


Kinh này Bụt nói với thầy Xá Lợi Phất, nhưng cũng để cho trưởng giả Cấp Cô Độc và năm trăm người bạn của ông nghe. Nội dung của Kinh nói về năm Giới và bốn phép quán niệm: quán niệm về bụt, quán niệm về Pháp, quán niệm về Tăng và quán niệm về Giới. Bụt dạy nếu một người đệ tử áo trắng thực tập được vững vàng năm Giới và bồn phép quán niệm này thì có thể đạt tới khả năng sống an lạc và hạnh phúc ngay trong hiện tại không khó khăn gì, có thể chứng đạt quả vị Vào Dòng (Tu đà hoàn), và biết rằng mình không còn bao giờ đi vào những nẻo tối tăm như địa ngục, ngạ quỷ và bàng sinh nữa. Kinh này thiết lập nền tảng thực tập cho người đệ tử tại gia, nêu rõ đối tượng niềm tin của người Phật tử tại gia: đó là con đường đưa tới hạnh phúc và giải thoát cho mình và cho những kẻ khác trong xã hội. Trong tụng bản chữ Hán, danh từ Thánh Đệ Tử đã được dùng để gọi người đệ tử áo trắng có Giới luật tinh nghiêm. Thánh ở đây có nghĩa là có tính cách thánh thiện và cao quý, dịch từ chữ arya. Trong bản dịch Việt ngữ, chúng tôi đã sử dụng tính từ đạo hạnh cho có vẻ gần gũi: ‘Vị đệ tử áo trắng đạo hạnh...’

---o0o---


NĂM GIỚI PHÁP


Giới cũng là Pháp, cho nên có khi ta gọi là Giới Pháp. Hành trì năm Giới, ta phải tin vào hiệu lực của năm Giới. Giới là nghệ thuật sống đem lại an lạc và hạnh phúc, nhưng Giới cũng là niềm tin của chúng ta. Ta phải tin vào năm Giới như hiện thân của chân, thiện và mỹ, nghĩa là cái thật nhất, cái lành nhất và cái đẹp nhất mà ta có thể kính ngưỡng và tôn thờ. Giới đưa đường chỉ lối cho ta trong cuộc đời. Giới bảo hộ ta, giữ gìn cho ta để ta không sa vào hầm hố của tà kiến và tà hạnh. Giới bảo vệ gia đình ta, xã hội ta, củng cố được nền tảng hạnh phúc của gia đình và xã hội ta. Vì vậy Giới là đối tượng của niềm tin ta. Đức tin đây không phải là một đức tin mù quáng. Thực tập Giới, ta phải học hỏi về bản chất của Giới, hình tướng của Giới và công dụng của Giới. Nhờ học hỏi và hành trì Giới mà càng ngày ta càng có kinh nghiệm và hiểu biết sâu sắc về Giới. Đây là một niềm tin có kiểm chứng chứ không phải một niềm tin vu vơ.

Nhờ học hỏi và thực tập năm Giới pháp mà ta thấy rằng năm Giới cần thiết cho ta, cho gia đình ta và cho xã hội ta như ánh sáng mặt trời cần thiết cho các loài thảo mộc, như dưỡng khí cần thiết cho sự hô hấp của con người. Năm Giới đã được chế tác từ kinh nghiệm của Bụt và kinh nghiệm hành trì của nhiều thế hệ Phật tử. Nhờ sống có chánh niệm, có tỉnh thức, nhờ kinh nghiệm khổ đau mà ta thấy được rằng nếu không thực hành theo năm Giới thì ta sẽ đi vào con đường khổ đau và sa đọa, gia đình và xã hội ta cũng sẽ đi vào con đường khổ đau và sa đọa. Cho nên năm Giới vừa là nghệ thuật sống của chúng ta mà cũng là niềm tin của chúng ta. 

Bụt dạy nếu biết thực tập năm Giới pháp thì ta sẽ đạt tới khả năng an trú hạnh phúc trong hiện tại. Vậy năm Giới là gì?

---o0o---



1. Thứ nhất là Giới không giết hại. Ta hãy đọc:

Vị đệ tử áo trắng xa lìa sự giết hại, chấm dứt sự giết hại, buông bỏ khí Giới, biết hổ thẹn, tập từ, tập bi, bảo hộ cho mọi loài sinh vật, kể cả các loài côn trùng. Vị ấy diệt trừ tận gốc tâm niệm giết hại.”

Giới thứ nhất biểu lộ lý tưởng bảo vệ sự sống của người Phật tử. Sự sống ở đây không phải là chỉ là sự sống của con người mà là sự sống của mọi loài, trong đó có các loài động vật và thực vật, kể cả các loài nhỏ bé nhất. Sự thực tập ở đây không phải chỉ được Giới hạn trong phạm vi hình thức. Lời Bụt dạy rất rõ ràng: “Vị ấy diệt trừ tận gốc tâm giếi hại.” Chúng ta thấy rằng Giới không giết hại ở đây trước hết là một tâm Giới. Ta có thể bảo hộ sinh mạng bằng thân thể và bằng lời nói nhưng sự hành trì Giới này trước hết là sự hành trì bằng tâm niệm. Muốn diệt trừ tận gốc tâm niệm giết hại, ta cần thực tập bốn niệm hổ, thẹn, từ và bi. Hổ là tự mình biết xấu hổ (Tiếng Hán Việt là Tàm, tiếng Phạn là hri) khi xâm phạm tới đời sống của một sinh vật khác, hoặc khi thấy mình không bảo vệ được cho sự sống của một sinh vật khác. Thẹn là mắc cỡ khi so sánh với người (tiếng Hán Việt là Quý, tiếng Phạn là apatrapa), khi thấy kẻ kia hành trì và bảo vệ được sự sống trong khi mình không làm được như họ. Từ (tiếng Phạn là maitri) là hiến tặng niềm vui cho kẻ khác, mà niềm vui căn bản là được sống an lành, không bị đe dọa đến tính mạng. Bi (tiếng Phạn là Karuna) là làm vơi đi nỗi khổ đau của người, mà nỗi khổ đau căn bản là sống trong lo sợ phập phồng không biết tính mạng của mình có được bảo đảm hay không. Bốn tâm niệm này là bốn tâm lớn của một vị bồ tát. Hành trì bốn tâm niệm này thì tự khắc ta diệt trừ được tận gốc tâm niệm giết hại, và kết quả là ta sẽ quyết tâm bảo hộ cho mọi loài, buông bỏ mọi thứ khí Giới và xa lìa mọi hình thức giết hại. 

Tiếp nhận và hành trì Giới này, người Phật tử sẽ làm phát sinh được rất nhiều năng lượng trong bản thân để có thể độ người và giúp đời. Năng lượng ấy pháp sinh từ các tâm niệm hổ, thẹn, từ và bi.

Sự sống không có tính cách cục bộ. Sự sống của người này liên quan tới sự sống của người khác. Sự sống của loài này có liên quan tới sự sống của loài khác. Sự sống của con người có liên hệ tới sự sống của mọi loài động vật, thực vật và khoáng vật. Chúng ta đã biết rằng bảo vệ thiên nhiên cũng là bảo vệ con người. Bảo vệ sự sống, ta phải bảo vệ cả đất, nước, không khí, rừng núi, sông hồ và biển cả. Ta phải bảo vệ sinh môi, ta phải bảo vệ cả trái đất. Bụt dạy ta quán nhân duyên để thấy được rằng cái này có vì cái kia có, cái này không vì cái kia không, caí này sinh vì cái kia sinh, cái này diệt vì cái kia diệt. Nhờ vào cái thấy đó, ta mới có thể bảo vệ sự sống một cách thông minh. Các loài mà ta gọi là hữu tình sẽ không thể nào tồn tại được nếu ta làm ô nhiễm các loài mà ta gọi là vô tình. Kinh Kim Cuơng nói đến chúng sinh tướng như một ý niệm không được chính xác về thực tại. Chúng sinh tức là loài hữu tình. Loài hữu tình không thể tồn tại nếu không có các loài vô tình. Không thể có các loài hữu tình ngoài các loài vô tình. Theo cái thấy của Kinh Kim Cương, ranh Giới giữa loài hữu tình và loài vô tình là ranh Giới do ý niệm phân biệt vạch ra, không phù hợp với thực tại.

Nếu sống biết quán sát và biết suy xét, ta không thể nào không hành trì Giới thứ nhất. Chỉ khi ta hành trì Giới thứ nhất thì trái đất và muôn loài mới có được một tương lai, và an lạc của mọi loài mới có thể trở thành một sự thật.

---o0o---

2. Thứ hai là Giới không xâm phạm vào tư hữu của kẻ khác:

Vị đệ tử áo trắng xa lìa sự không cho mà lấy, chấm dứt sự không cho mà lấy, thường ưa bố thí, tìm niềm vui trong sự bố thí và bố thí mà không cầu đền đáp. Vị này không bị tâm trạng tham lam che lấp, luôn luôn bảo hộ sự liêm khiết của mình và diệt trừ tận gốc sự không cho mà lấy.”

Giới này biểu lộ lý tưởng liêm khiết và ý nguyện thực hiện công bình xã hội của người Phật tử. Cũng như Giới thứ nhất, Giới này lấy tâm làm gốc. Căn bản của sự hành trì là diệt trừ tận gốc sự không cho mà lấy, nghĩa là sự diệt trừ tâm trạng tham lam, không để cho tâm trạng này phát sinh và che lấp trí tuệ mình và cuối cùng chuyển hóa hạt giống của tâm trạng ấy trong chiều sâu tâm thức.

Nguyên tắc và phương pháp hành trì của Giới này là lý tưởng công bình xã hội. Bụt dạy người Phật tử hành trì phép bố thí, nghĩa là phép thứ nhất của sáu phép Ba La Mật (tiếng Hán Việt là lục Ba La Mật, tiếng Phạn là paramita.) Ba La Mật có nghĩa là có công năng đưa sang bờ bên kia, tức là bờ an lạc và giải thoát khổ đau. Vị đệ tử áo trắng thường ưa bố thí, tìm niềm vui trong sự bố thí và bố thí mà không cầu đền đáp. Tinh thần vô tướng và đại thừa được tiềm ẩn trong câu nói này. Bố thí ở đây là hiến tặng niềm vui cho kẻ khác, và sự thực tập này không có tính cách hình thức, không có tính cách khoe khoang, bởi vì sự thực tập này bất nguồn từ tâm niệm từ bi. Từ bi là nguồn lăng lượng làm động lực cho hành động bố thí. Người hành trì như vậy đã có chất liệu bồ tát trong tự thân. Cũng như trong sự hành trì Giới thứ nhất là bảo vệ sự sống, trong sự hành trì Giới thứ hai là bố thí, động lực của sự hành trì là niềm vui, niềm vui được phục vụ lý tưởng mình. Đó là ý nghĩa của câu tìm niềm vui trong sự bố thí và bố thí mà không cầu đền đáp. 

Cố nhiên Giới là trong sự hành trì Giới thứ hai này, đối tượng của sự hành trì không phải chỉ là con người mà còn là các loài sinh vật khác, trong đó có cả các loài thảo mộc và đất đá. Đối tượng của sự hành trì không phải chỉ là công bình trong xã hội loài người mà còn là sự an vui của tất cả mọi loài trên trái đất.

---o0o---



3. Thứ ba là không tà dâm:

 “Vị đệ tử áo trắng xa lìa tà dâm, chấm dứt sự tà dâm, bảo vệ cho bất cứ ai, dù người ấy nằm trong sự bảo hộ của cha, mẹ, hoặc cả cha lẫn mẹ, hoặc chị em, hoặc anh em, hoặc cha mẹ bên sui gia, hoặc gia đình sui gia, hoặc bởi người đồng tính, hoặc là vợ con hay chồng con kẻ khác, kể cả kẻ bị cuồng dâm khủng bố, hoặc kẻ bán phấn buôn hương. Vị này diệt trừ tận gốc tâm niệm tà dâm.

Giới này nhằm bảo vệ tiết hạnh của cá nhân, đời sống lứa đôi và nền tảng gia đình. Cũng như trong hai Giới đầu, Giới này trước hết là một tâm Giới, đó là sự hành trì để diệt trừ tận gốc tâm niệm tà dâm. Sự hành trì này không còn là một sự cố gắng mệt nhọc khi lý tưởng bảo vệ hạnh phúc cho kẻ khác đã phát sinh trong lòng người hành trì. Biết bao thảm kich đã xảy ra vì hành động tà dâm, vì nếp sống thiếu trách nhiệm. Biết bao gia đình đã ly tán vì nạn tà dâm và biết bao trẻ em đã là nạn nhân trực tiếp của sự lợi dụng và cưỡng bức của những người lớn không có tinh thần trách nhiệm. Nếu ta thực sự nghĩ tới hạnh phúc và tương lai của kẻ khác, nếu ta muốn bảo vệ cho họ, ý niệm tà dâm sẽ không phát sinh và làm mờ ám tâm ta. Đó là bản chất của Giới này.

---o0o---



4. Thứ tư là Giới không nói dối:

Vị đệ tử áo trắng xa lìa nói dối, chấm dứt sự nói dối, chỉ nói sự thật, tìm niềm vui trong sự nói lên sự thật, an trú nơi sự thật không lúc nào đổi dời, có thể được tin cậy hòn toàn và không bao giờ dám miệt thị kẻ khác. Vị ấy diệt trừ tận gốc sự nói dối.”

Diệt trừ tận gốc sự nói dối theo định nghĩa của Kinh văn là phát tâm an trú nơi sự thật không lúc nào đổi dời. Một người an trú vững chãi nơi sự thật bao giờ cũng được kẻ khác tin cậy và vì vậy có thể thực hiện được vìệc độ sinh một cách lớn lao. Người hành trì Giới này không những xa lìa sự nói dối, chấm dứt sự nói dối, chỉ nói sự thật, mà còn tìm niềm vui nơi sự nói lên sự thật. Sự thật là đối tượng của một niềm tin sáng suốt và vững chãi. Sự thật là chánh pháp, là ánh sáng soi đường, vì vậy người hành trì Giới này không những an trú và hành trì sự thật mà còn tìm cách tuyên dương sự thật nữa. Tuy nhiên, người hành trì Giới này không phải là người tự hào và tự thị. Người ấy không cho mình là kẻ duy nhất nắm được chân lý và vì vậy biết lắng nghe kẻ khác với một tâm niệm khát khao học hỏi và luôn luôn có thái độ khiêm cung. Vì vậy Kinh nói rằng người ấy không bao giờ dám miệt thị kẻ khác.

Lời nói có thể đem lại hạnh phúc và niềm tin cho kẻ khác mà cũng có thể gây khổ đau và đổ vỡ chung quanh. Người thực tập Giới này có thể tránh được sự gây khổ đau và đổ vỡ và đồng thời có thể tạo dựng niềm tin và ban phát rất nhiều hạnh phúc cho nhiều người. Không những người ấy biết nói lời xây dựng mà cũng biết lắng nghe. Lắng nghe để làm vơi bớt nỗi khổ của người. Nói và nghe là hai phép thực tập quan trọng liên hệ tới Giới thứ tư.

---o0o---

5. Thứ năm là Giới không sử dụng các chất ma túy trong đó có rượu :

Vị đệ tử áo trắng xa lìa rượu, chấm dứt sự uống rượu, diệt trừ tận gốc thói quen uống rượu.”

Rượu tàn phá thân thể, tâm hồn, làm tan vỡ gia đình và gây thương tích trong lòng những người trẻ sinh ra và lớn lên trong những gia đình có người nghiện ngập. Vào thời Bụt, rượu là chất ma túy căn bản. Vào thời đại chúng ta còn có nhiều thứ ma túy khác mà khả năng phá hoặi cũng rất lớn lao. Ta phải phát tâm diệt trừ tận gốc thói quen sử dụng ma túy.

Rượu và các chất ma túy đã làm tan nát rất nhiều gia đình, gây ra xáo trộn trong tâm hồn nhiều thế hệ vằ tạo ra nhiều hỗn độn trong xã hội. Thực tập Giới thứ năm, người hành giả bảo vệ cho mình, cho gia đình mình và dấn thân vào xã hội để giúp những kẻ khác vượt khỏi vòng nghiện ngập. Hiện thời Giới thanh niên vướng vào vòng ma túy rất đông đảo, và quốc gia nào cũng đang cố gắng chận đứng sự lưu hành của các chất ma túy. Tuy nhiên, nguồn gốc của sự nghiện ngập là ở lòng người. Khi con người sống không lý tưởng, khi con người cảm thấy bị ruồng bỏ bởi gia đình và xã hội, con người thường đi tìm những lãng quên trong các chất ma túy. Vì vậy chận đứng sự lưu hành ma túy không phải là giải pháp căn bản để bài trừ nạn ma túy. Giải pháp căn bản là tạo lại niềm tin, xây dựng lại cơ sở gia đình, giúp con người tìm lại được gốc rễ tâm linh và văn hóa. Và vì vậy cho nên trong Kinh Người Áo Trắng, Bụt dạy về sự thực tập bốn tâm cao đẹp như là sự vun trồng một niềm tin làm ánh sáng chỉ đạo cho cuộc đời.


---o0o---

BỐN TÂM CAO ĐẸP


 Bụt dạy: “Nếu các vị đệ tử áo trắng mà biết hộ trì năm Giới pháp và tu tập bốn tâm cao đẹp thì họ có thể đạt tới rất dễ dàng và không khó khăn gì khả năng an trú hạnh phúc trong hiện tại.” 

 Bốn tâm cao đẹp còn được gọi là bốn tăng thượng tâm. Nguyên chữ trong Kinh văn Pali là abhicetasika. Tăng thượng có nghĩa là có khả năng phát triển và đi lên. Bốn tăng thượng tâm hoặc bốn tâm cao đẹp này là bốn pháp quán niệm gọi là tùy quán(anusmrti) : quán niệm về Bụt, quán niệm về Pháp, quán niệm về Tăng và quán niệm về Giới. Những phép quán niệm này làm lớn lên niềm tin của hành giả, đem tới cho hành giả sự an tĩnh của tâm tư, đem lại cho hành giả hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại và một nguồn năng lực để hành đạo và phụng sự lý tưởng. 

---o0o---

1. Phép quán niệm thứ nhất là niệm Bụt (Buddhanusmrti):

“Trước hết, vị đệ tử áo trắng thực tập quán niệm về Như lai. Vị ấy quán niệm như sau: Như lai là bậc giác ngộ chân chính không còn dính mắc, là bậc Minh hạnh túc, là bậc Thiện thệ, là bậc Thế gian giải, là bậc Vô thượng sĩ, là bậc Điều Ngự Trượng Phu, là bậc Thiên NhânSư, là Bụt, là Thế tôn. Quán niệm về Như lai như thế thì những dục vọng xấu xa đều được tiêu diệt, trong tâm người quán niệm không còn những yếu tố bất thiện, uế nhiễm, sầu khổ và lo âu. 

Nhờ tưởng niệm tới Như lai mà tâm tư người ấy lắng trong, có được niềm vui, và người ấy đạt tới tâm cao đẹp thứ nhất, an trú hạnh phúc trong hiện tại một cách dễ dàng, không khó khăn gì.”

Như lai là một trong những danh hiệu của Bụt. Tiếng Phạn là tathagata, có nghĩa là từ sự thật mà tới, hoặc từ chân như mà tới. Chân như (tathata) là thực tại nhiệm mầu không thể diển tả bằng ngôn ngữ và khái niệm. Như lai là bậc giác ngộ chân chính không còn dính mắc. Giác ngộ có nghĩa là tỉnh thức và hiểu biết. Từ ngữ Chánh Biến Tri (samyak sambuddha) là một trong mười danh hiệu của Bụt có nghĩa là kẻ đã đạt tới trình độ giác ngộ rộng lớn và chân chính, không còn dính mắc. Bụt là người có trình độ tỉnh thức và hiểu biết cao nhất và vì vậy cho nên đã đạt tới tự do và giải thoát. Giải thoát là không còn bị ràng buộc hoặc dính mắc vào những khổ lụy của chúng sinh: đó là tham ái, giận dữ, hận thù, si mê, kiêu mạn, nghi ngờ, ghen ghét và bao nhiêu sợi dây ràng buộc khác. Bụt là một người sống thảnh thơi, an lạc, không còn vướng mắc. Đó là mẫu mực của tất cả chúng ta, hình ảnh lý tưởng của một con người mà ta hướng tới. Như lai là bậc Minh Hạnh Túc. Minh Hạnh Túc (vidya-carana-sampanna) có nghĩa là nhận thức cũng như hành động đã đạt tới mức sáng suốt cao tột. Ba đặc tính của Minh Hạnh Túc là cái nhìn quán triệt về không gian (thiên nhãn minh), cái nhìn quán triệt về thời gian (túc mệnh minh) và cái thấy làm rơi rụng tất cả những sợi dây ràng buộc (lậu tận minh.) Như lai là bậc Thiện Thệ. Thiện thệ (sugata) là đã khéo vượt được sinh tử, đã bước qua được bờ giải thoát một cách tuyệt vời. Như lai là bậc Thế Gian Giải. Thế gian giải (lokavid) là hiểu thấu được tâm trạng và bản chất của mọi chúng sinh, của các loài hữu tình và vô tình. Trong đạo Bụt, ta học được sự thật về thương yêu: Nếu không hiểu thì không thể thương. Trí tuệ đưa đến từ bi. Vì Bụt là người hiểu thấu được tâm sự thế gian cho nên Bụt là người thương đích thực của thế gian. Như lai là bậc Vô Thượng Sĩ Điều Ngự Trượng Phu. Vô thượng sĩ (anuttara) là kẻ đã đạt tới nhân phẩm cao nhất có thể đạt được. Điều ngự trượg phu (purusa-damya-sarathi) là bậc có khả năng chinh phục, điều động, chế ngự và rèn luyện được con người, kể cả những con người khó điều phục. Hình ảnh ở đây là hình ảnh một người đánh xe thiện nghệ (sarathi), biết được tính khí của con ngựa và điều phục được con ngựa một cách tuyệt vời. Như Lai là bậc Thiên Nhân Sư. Thiên nhân sư (Sasta-deva-manusyanam) là bậc thầy của cả loài người và loài trời. Loài trời là một loài mà nếp sống có nhiều phước báo tốt hơn loài người, ta thường gọi là chư thiên. Như Lai là Bụt. Bụt (Buddha) là bậc tỉnh thức. Từ ngữ buddha phát sinh từ động từ budh có nghĩa là tỉnh dậy, là hiểu biết. Buddha là người đã tỉnh dậy, đã hiểu biết. Từ thế kỷ đầu của Tây lịch cho đến thế kỷ thứ mười bốn, người Việt ta thường gọi Buddha là Bụt; chỉ sau khi nước nhà bị quân Minh xâm chiếm, ta mới bắt đầu gọi Bụt là Phật, ảnh hưởng lới phát âm của người Minh. Như Lai là Thế Tôn. Thế tôn (Bhagavat) là bậc tôn quý trong đời, tôn quý vì nhân phẩm, tính thương và sự hiểu biết của Ngài.

Tụng bản chữ Hán bỏ sót một danh hiệu, đó là danh hiệu Ứng Cúng. Ứng cúng (arhat) là bậc xứng đáng được tôn trọng và cúng dường, bậc đã phá trừ được phiền não. Quán niệm về Bụt ta có thể sử dụng mười danh hiệu kể trên để có thể thấy được bản chất của một bậc giác ngộ, mẫu mực của con người thảnh thơi và an lạc mà ta muốn nương tựa và hướng tới. 

Bụt không phải là tên gọi của một cá nhân. Bụt Thích Ca Mâu Ni chỉ là một trong số những con người đã thành tựu được quả vị tỉnh thức cao nhất. Bụt Thích Ca đã nói tới những vị Bụt xuất hiện trước Ngài, như các Bụt Tỳ Bà Thi, Thi Khí, Tỳ Xá Phù, Câu Lưu Tôn, Câu Na Hàm Mâu Ni và Ca Diếp. Bụt Thích Ca cũng nói tới những vị Bụt tương lai như Bụt Di Lặc. Bản chất của một vị Bụt là sự tỉnh thức. Tỉnh thức đưa tới khả năng hiểu biết, khả năng thương yêu và một nhân phẩm cao đẹp. Mà khả năng tỉnh thức ấy tất cả chúng ta đều có, gọi là Phật tánh, hoặc chánh niệm. Đặt niềm tin nơi Bụt tức là đặt niềm tin nơi Phật tánh, tức là nơi khả năng tỉnh thức, giác ngộ và thương yêu nơi chính con người. Đối tượng của niềm tin ở đây không phải là một cái gì trừu tượng mà là một cái gì cụ thể mà ta có thể tiếp xúc, thực tập, vun bón và thực hiện. Mỗi ngày thực tập nếp sống chánh niệm là một ngày ta làm cho chánh niệm lớn lên trong ta. Chánh niệm coi sáng, đem lại niềm vui, và chuyển hóa khổ đau. Niềm tin ở đây không phải là niềm tin suông mà là một công trình thực tập. Có niềm tin ấy trong lòng tức là có một nguồn năng lượng lớn, gọi là bồ đề tâm. Bồ Đề Tâm (bodhicitta) là năng lượng hướng dẫn chúng ta trong cuộc sống, hướng ta đi về nẻo thiện, soi sáng cho chúng ta, không để cho chúng ta sa vào những hầm hố của sai lầm và tội lỗi. Có bồ đề tâm là có niềm tin vào một cái gì thật nhất, lành nhất và đẹp nhất mà ta có thể hướng tới. Cuộc đời của ta nhờ vậy mà trở nên có ý nghĩa và ta sẽ thấy sức sống tràn đầy trong ta. Sức sống ấy sẽ giúp ta hành động để đem lại niềm vui cho mọi loài. Cũng vì lý do ấy mà đạo Bụt đại thừa nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hành động phát tâm Bồ Đề. 

Trên đây là những lợi lạc được phát sinh nhờ công phu quán niệm về Bụt. Kinh dạy: “Quán niệm về Như Lai như thế thì những dục vọng xấu xa đều được tiêu diệt, trong tâm người quán niệm không còn những yếu tố bất thiện, uế nhiễm, sầu khổ và lo âu.” Kinh lại nói thêm: “Nhờ tưởng niệm tới Như Lai mà tâm tư người ấy lắng trong, có được niềm vui và ngườì ấy đạt được tâm cao đẹp thứ nhất, an trú hạnh phúc trong hiện tại một cách dễ dàng, không khó khăn gì.”

Đọc câu Kinh trên, ta thấy pháp môn quán niệm về Bụt (gọi tắt là niệm Bụt) không phải là một pháp môn đòi hỏi nhiều lao nhọc. Sở dĩ như thế vì phép quán niệm này được chuyên chở bởi niềm tin. Theo đạo Bụt, niềm tin là mẹ đẻ ra mọi công trình thực hiện (Tín vi đạo nguyên công đức mẫu.) Trong năm nguồn sinh lực mà đạo Bụt giảng dạy, nguồn sinh lực đầu là niềm tin (Tín), rồi mới tới nguồn sinh lực thứ hai là sự chuyên cần dũng tiến (Tấn), và sau đó mới tới chánh niệm (Niệm), khả năng thiền định (Định) và trí tuệ (Tuệ.) Đó là giáo lý ngũ lực (panca balani.) Thiếu niềm tin thì sẽ không có ý chí, năng lượng chuyên cần và dũng tiến.

Niệm Bụt là một pháp môn hành trì đem lại nhiều lợi lạc. Nhờ niệm Bụt mà ta có niềm tin vững vàng hơn nơi Bụt và chính ta, tại vì trong tự thân ta đã sẵn có giác tính, nghĩa là khả năng giác ngộ. Niệm Bụt ta có sự an ổn, ta cảm thấy được che chở, bởi vì chánh niệm trong ta chính là bản thân của Bụt có khả năng che chở và soi sáng cho ta. Niệm Bụt đem tới niềm vui và hóa giải những niềm đau. Trong giờ phút lâm chung, nhờ thực tập niệm Bụt dưới sự hướng dẫn của thầy Xá Lợi Phất nên cư sĩ Cấp Cô Độc cảm thấy an ổn và những đau nhức trong cơ thể giảm xuống rất nhiều. Đây là điều ta đọc thấy trong Kinh Giáo Hóa Người Bệnh (Tăng Nhất A Hàm, phẩm 51, Kinh số 8.) Niệm Bụt lại còn có công năng khai mở nguồn tuệ giác sâu kín trong mỗi chúng ta, nguồn tuệ giác mà ta quen gọi là Phật tính. Chúng ta thường nói “Bụt là lòng.”

Trong truyền thống còn có nhiều cách thức niệm Bụt như trì danh và quán tưởng. Trì danh là trì niệm danh hiệu của Bụt, ví dụ “Nam mô Bụt Thích Ca Mâu Ni” hay “Nam Mô Bụt A Di Đà.” Quán tưởng là hình dung Bụt với những hình tướng trang nghiêm, ngồi dưới gốc cây Bồ đề hay trên pháp tọa. Nhưng dù trì danh hay quán tưởng, ta cũng phải nhớ rằng chánh niệm là Bụt; danh hiệu và hình tướng phải chuyên chở chất liệu chánh niệm chứ không thể là danh hiệu và hình tướng suông. Đọc sách nói về cuộc đời của Bụt cũng là một cách niệm Bụt rất công hiệu. Trong khi đọc hay nghe về cuộc đời của Bụt, ta thấy được rõ ràng cuộc sống của Bụt, công hạnh của Bụt, cách xử thế của Bụt, trí tuệ của Bụt và tình thương của Bụt. Trong suốt thời gian ấy những hạt giống về Bụt trong tâm thức ta được tưới tẩm và lớn lên. Vì vậy ta nên đọc nhiều lần, nói nhiều lần và nghe nhiều lần về cuộc đời của Bụt. Bụt là nơi nương tựa của ta nên hàng ngày ta đọc: “Con về nương tựa Bụt, người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời.”

Trong Kinh Người Áo Trắng ta thấy một từ ngữ quan trọng là an trú hạnh phúc trong hiện tại. Trong tụng bản chữ Hán, từ ngữ này là hiện pháp lạc cư. Ở các Kinh điển khác, có khi dịch là hiện pháp lạc trú. Trong tụng bản Pali, ta có từ ngữ ditthadhammasukhavihara. Đây là một từ ngữ quan trọng. Tu tập không phải là chỉ đầu tư cho tương lai bằng cách hy sinh hiện tại: tu học là sống an lạc thảnh thơi trong hiện tại đúng theo chánh pháp để rồi trong tương lai cũng có an lạc và thảnh thơi. Người thực tập năm Giới pháp và bốn tâm cao đẹp có khả năng có hạnh phúc ngay trong hiện tại mà không phải chờ đến tương lai, đó là ý nghĩa của câu Kinh này. Đó là ý nghĩa của từ ngữ hiện pháp lạc trú. Hạnh phúc không phải là chuyện mơ tưởng viễn vông và xa vời; hạnh phúc có thể đạt được một cách dễ dàng bằng cách thực tập năm Giới pháp và bốn tâm cao đẹp. Đó là ý chính của Kinh Người Áo Trắng.

---o0o---



2. Phép quán niệm thứ hai là niệm Pháp (Dharmanusmrti):

“Xá Lợi Phất, vị đệ tử áo trắng thực tập quán niệm về Pháp. Vị ấy quán niệm như sau: Giáo pháp được đức Thế tôn giẳng dạy là giáo pháp diễn bày khéo léo, có khả năng đưa tới giải thoát hoàn toàn, đưa tới trạng thái không phiền não, không nóng bức, có tính cách thường tại và không dời đổi. Quán niệm và giác tri như thế về Pháp thì những dục vọng xấu xa đều được tiêu diệt, trong tâm người quán niệm không còn những yếu tố bất thiện, uế nhiễm, sầu khổ và lo âu.

Nhờ tưởng niệm tới Pháp mà tâm tư người ấy lắng trong, có được niềm vui và đạt tới tâm cao đẹp thứ hai, an trú hạnh phúc trong hiện tại một cách dễ dàng, không khó khăn gì.”

Pháp (Dharma) là những điều Bụt dạy, là những phương pháp thực tập để đạt tới sự tỉnh thức, an lạc, hiểu biết và thương yêu, là con đường đưa tới giải thoát. Tin tưởng ở Bụt tức là đã tin tưởng ở Pháp. Ta quán niệm về Pháp như sau: Giáo pháp được đức Thế tôn giảng dạy là giáo pháp đã được diễn bày một cách khéo léo. Diễn bày một cách khéo léo cũng có nghĩa là diễn bày một cách đẹp đẽ. Danh từ Hán việt là thiện thuyết. Dịch từ Pali là (svakhata.) Bụt là bậc Thế Gian Giải, nghĩa là người hiểu thấu được tâm niệm của mọi loài trong thế gian, cho nên đã diễn bày những giáo nghĩa thích hợp với mọi trình độ và căn cơ khiến cho mọi người đều có thể tiếp nhận và thực tập. Giáo lý ấy được nhìn nhận là đẹp đẽ, đẹp đẽ ngay khi mới được mở đầu, đẹp đẽ khi được tiếp diễn và đẹp đẽ khi kết thúc (sơ thiện, trung thiện, hậu thiện.) Giáo pháp được đức Thế tôn giảng dạy có khả năng đưa tới giải thoát hoàn toàn, đưa tới trạng thái không nóng bức. Giáo lý này không những có khả năng làm dịu bớt khổ đau, chuyển hóa khổ đau mà còn có khả năng đưa tới Niết Bàn. Kinh điển thường diễn tả Niết Bàn như trạng thái không nóng bức. Trạng thái không nóng bức tức là trạng thái trong ấy mọi phiền não đều được chuyển hóa. Đó là một trạng thái mát mẻ, trạng thái của sự giải thoát hoàn toàn.

Giáo lý này có tính cách thường tại và không dời đổi. Giá trị của giáo lý này vượt khỏi khuôn khổ thời gian và không gian, bởi vì bản chất của nó là những nguyên tắc linh động hướng dẫn thực tập mà không phải là những mệnh lệnh hay những giáo điều cứng nhắc. Giáp lý này không phải chỉ là những giáo điều chỉ thích hợp với một thời và một xứ. Tiếng Phạn akalika có nghĩa là không có tính cách nhất thời, không có tính cách thời gian, vượt khỏi thời gian. Trong tụng bản Pali, ta đọc thêm: “giáo lý ấy có thể thấy được ngay bây giờ và ở đây, có tác dụng hướng thượng, có thể tới để chiêm nghỉệm trực tiếp, người có trí tuệ nhận xét có thể tự mình nghe và hiểu được.” Có thể thấy được ngay bây giờ và ở đây (samditthika) nghĩa là mình có thể trực tiếp tiếp xúc với nội dung và giá trị của giáo lý ấy. Có tác dụng hướng thượng (opanayika) nghĩa là có khả năng đưa ta trở về tâm linh và đạt tới giải thoát. Có thể tới để chiêm nghiệm trực tiếp (ehipassika) có nghĩa là không cần một trung gian. Người có trí tuệ nhận xét có thể tự mình nghe mà hiểu được (paccatam veditabbo vinnuhiti) có nghĩa là có thể dùng nhận thức và trí tuệ của mình để chứng nghiệm và hiểu được giáo lý mà không cần đi qua một giáo quyền nào cả. 

Niệm Pháp cũng quan trọng như niệm Bụt, vì lý do Pháp là con đường thực hiện sự chứng ngộ thành Bụt. Pháp là bản chất của Bụt. Vì vậy có những tông phái chuyên niệm Pháp. Tông Nhật Liên ở Nhật Bản chẳng hạn, chuyên trì niệm câu “Nam Mô Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh.” Cung kính, học hỏi và hành trì Pháp cũng có hiệu quả tương đương với niệm Bụt.

Hàng ngày nếu ta hết lòng học hỏi và đọc tụng Kinh, luật và luận với chủ đích tu tập thì đó là ta đã niệm Pháp. Trong khi học hỏi, ta tưới tẩm những hạt giống về Pháp trong tâm thức ta và giúp cho những hạt giống ấy lớn lên. Đời sống của ta sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt và tuệ giác ta sẽ phát triển. Khi những hạt giống tốt được tưới tẩm và trưởng thành, những hạt giống xấu sẽ từ từ chuyển hóa. Vì vậy Kinh nói: “Quán niệm và giác tri như thế về Pháp thì những dục vọng xấu xa đều được tiêu diệt, trong tâm người quán niệm không còn những yếu tố bất thiện, uế,nhiễm, sầu khổ và lo âu”. Pháp là nơi nương tựa của ta nên hàng ngày ta đọc: “Con về nương tựa Pháp, con đường của tình thương và sự hiểu biết.” Tình thương là từ bi, và hiểu biết là tuệ giác. Hai thứ ấy là tinh hoa của đạo Bụt, là chất liệu đạt được nhờ sự thực tập, chứ không phải chỉ là những ý niệm đạt được do sự học hỏi.

---o0o---



3. Pháp quán thứ ba là niệm Tăng (sanghănhsmrti):

 “Xá Lợi Phất, vị đệ tử áo trắng thực tập quán niệm về Tăng. Vị ấy quán niệm như sau: Thánh chúng của Như lai đang đi về nẻo thiện, đang đi trên đường chánh, đang hướng theo giáo pháp, đang thực tập theo giáo pháp và sống đúng tinh thần giáo pháp. Trong thánh chúng ấy có các bậc A la hán đã thành và đang thành, các bậc A na hàm đã thành và đang thành, các bậc Tư đà hàm đã thành và đang thành, các bậc Tu đà hoàn đã thành và đang thành, tức là có đủ cả bốn đôi và tám bậc. Thánh chúng của Như lai đã thành tựu được Giới, được tam muội, được bát nhã, được giải thoát, được tri kiến giải thoát; thánh chúng này đáng được tôn kính, đáng được quý trọng, đáng được phụng sự, đáng được cúng dường, và đó là ruộng phước tốt đẹp cho cuộc đời.

Nhờ tưởng niệm tới Tăng mà tâm tư người quán niệm lắng trong, có được niềm vui và người ấy đạt tới tâm cao đẹp thứ ba, an trú hạnh phúc trong hiện tại một cách dễ dàng, không khó khăn gì.”

Tăng là đoàn thể của những người thực tập theo Pháp dưới sự hướng dẫn của Bụt, biết sống theo nếp sống hòa hợp và thỉnh thức. Tăng là từ chữ sangha (tăng già) mà ra, có nghĩa là cộng đồng hay đoàn thể, thường dịch là Chúng hay Đại Chúng. Tăng không phải là để chỉ riêng người xuất gia, mà cũng để chỉ cho người cư sĩ áo trắng đang hành trì năm Giới pháp và bốn tâm cao đẹp.



Tăng gồm có bốn chúng gọi là tứ chúng: chúng xuất gia bên nam, chúng xuất gia bên nữ, chúng tại gia bên nam, chúng tại gia bên nữ. Người xuất gia tu học tinh chuyên thì đạt tới quả vị giải thoát, người tại gia tu học tinh chuyên cũng đạt tới quả vị giải thoát.

Thánh chúng của Như lai đang đi về nẻo thiện. Thánh chúng là một đoàn thể tu học phản ảnh được trong sự sống của mình sự có mặt của Bụt và của Pháp. Đây đích thực là một tăng thân, vì chất liệu giác ngộ (của Phật thân) và chất liệu giải thoát (của pháp thân) đã tạo ra chất liệu thánh thiện của tăng thân. Đang đi về nẻo thiện (supatipanna) là đang tu học đúng theo đường hướng giải thoát và giác ngộ (thiện hành.) Thánh chúng của Như lai đang đi trên đường chánh. Đang đi trên đường chánh (ujupatipanna) nghĩa là không đi lạc vào nẻo tà mà mục đích phải là đạt tới từ bi và trí tuệ (trực hành.) Thánh chúng của Như lai đang hướng theo giáp pháp và thực tập giáo pháp. Thực tập theo giáo pháp (nayapatipanna) là phù hợp với những nguyên lý của Phật pháp (ứng lý hành.) Thánh chúng của Như lai đang sống đúng theo tinh thần của giáo pháp. Sống đúng theo tinh thần của giáp pháp (samicipatipanna) có nghĩa là giáo pháp không những được diễn bày bằng ngôn ngữ mà bằng sự sống (chân chánh hành.) Trong thánh chúng ấy có các những bậc A La Hán đã thành và đang thành, các bậc A na hàm đã thành và đang thành, các bậc Tư đà hàm đã thành và đang thành, các bậc Tu đà hoàn đã thành và đang thành. A la Hán (Arahat) là những bậc đã đạt tới nhận thức bất sinh bất diệt và chuyển hóa mọi phiền não. A na hàm (Anagamin) có nghĩa là những bậc không còn phải trở lại trong cảnh tù túng của cõi dục, mà chỉ cần trở lại một lần trong cõi sắc hay cõi vô sắc trước khi thành A la hán. Tư đà hàm (sakrdagamin) là những bậc chỉ cần trở lại một lần trong cảnh tù túng của cõi dục trước khi thành A la hán. Tu đà hoàn (srotapanna) là những bậc đã gia nhập dòng thánh, chỉ cần trở lại bảy lần trong cõi dục là thành A la hán. Đây là những người thực tập vững chãi năm Giới pháp và bốn tâm cao đẹp. Họ được gọi là những bậc Nhập Lưu. Đã thành A la hán thì được gọi là A la hán quả, đang thành A la hán thì được gọi là A la hán hướng, đã thành A na hàm thì được gọi là A na hàm quả, đang thành A na hàm thì được gọi là A na hàm hướng, đã thành Tư đà hàm thì được gọi là Tư đà hàm quả, đang thành Tư đà hàm thì được gọi là Tư đà hàm hướng, đã thành Tu đà hoàn thì được gọi là Tu đà hoàn quả, đang thành Tu đà hàm thì được gọi là Tu đà hàm hướng. Những bậc đã thành tựu bốn quả và đang thành tựu bốn quả được gọi là tám bậc, chia làm bốn đôi, ta thường gọi là tứ song bát bối (cattari purisayugani attha purisapuggala.) Tất cả những ai đang tham dự vào sinh hoạt của tăng đoàn để tu học đều thuộc về một trong tám bậc ấy. Thánh chúng của Như lai đã thành tựu được Giới. Giới (sila) là nếp sống biểu hiện chánh niệm. Giới có công năng bảo hộ ta, không cho ta đi lầm đường lạc nẻo và giúp ta nuôi dưỡng định lực, vì vậy, Kinh nói thánh chúng của Như Lai đã thành tựu được tam muội. Tam muội (samadi) chính là Định. Thánh chúng của Như lai đã thành tựu được bát nhã, được giải thoát, được tri kiến giải thoát. Bát nhã (Prajna) là cái thấy có thể đưa tới giải thoát (vimukti), nghĩa là sự tháo bỏ mọi ràng buộc. Tri kiến giải thoát tức là những điều ta chỉ có thể thấy và nghe khi ta đạt tới giải thoát, đó là tính cách không sinh, không diệt, không tới, không đi, không một, không nhiều, không thường và không đoạn của Niết bàn.

Thánh chúng này đáng được tôn kính, đáng được quý trọng, đáng được phụng sự, đáng được cúng dường, và đó là ruộng phước tốt đẹp nhất cho cuộc đời. Tôn kính, quý trọng, phụng sự và yểm trợ cho những đoàn thể có tu, có học là một hành động đầu tư thông minh có thể đem lại nhiều lợi lạc cho thế gian trong đó có bản thân và gia đình mình. Tăng thân được xem như đám ruộng tốt, trên đó ta có thể gieo những hạt giống quý báu nhất của ta. Ruộng phước ở đây là thứ ruộng phước tốt đẹp nhất, có nghĩa là không có thứ ruộng phước nào so sánh kịp. Đó là nghĩa chữ vô thượng phước điền (anuttara punnakhetta).

Tu học mà thiếu tăng thân thì khó thành tựu. Tăng thân là nguồn cảm hứng, nguồn an ủi và chỗ nương tựa của ta. Trong cuộc đời tu học, thế nào ta cũng có những lúc chán nản và mệt mỏi. Tăng thân sẽ cho ta nhiều nghị lực, vì trong tăng thân luôn luôn có những phần tử tu học tinh chuyên, có trí tuệ, có từ bi và có sự tươi mát. Ở Việt Nam, chúng ta thường nói: “Tăng ly chúng tăng tàn, hổ ly sơn hổ bại.’ Câu này có nghĩa là tu học mà xa lìa tăng thân thì cũng như con cọp bỏ núi xuống đồng bằng. Cọp mà bỏ núi xuống đồng bằng thì thế nào cũng bị con người bắt giết. Người tu học không có tăng thân thì sẽ bỏ cuộc dễ dàng. Vì vậy cho nên ta thực tập quay về nương tựa tăng thân. “Con về nương tựa Tăng, đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức.” Phẩm chất của tăng thân là hòa hợp và tỉnh thức. Ta hãy nên thực tập để đưa phẩm chất của tăng thân lên cao, đừng nên lấy cớ tăng thân thiếu phẩm chất mà rời bỏ tăng thân. Ta hãy thực tập để biến ta thành một phần từ tốt của tăng thân, rồi từ đó ta sẽ có thể đưa phẩm của tăng thân lên cao. Tuy gọi là phàm tăng, nhưng tăng thân ấy đã có tính chất thánh thiện, vì trong tăng thân thế nào cũng có những phần tử đang tu tập nghiêm chỉnh, có Giới, có Định và có Tuệ.

Người Phật tử chân chính luôn luôn tưởng niệm tới Tăng thân và xây dựng cho tăng thân. Xây dựng tăng thân là một công trình học hỏi và thực tập nhiều năm tháng. Có tăng thân tốt thì sự tu học và chuyển hóa của mọi người sẽ dễ dàng và mau chóng. Ta đừng có tin ở câu “ông tu ông đắc, bà tu bà đắc”. chúng ta phải chung sức xây dựng tăng thân.

Nhờ quán niệm về Bụt, Pháp và Tăng, ta có thể phát hiện được bản chất chân thực của Tam Bảo trong ta. Bụt chân thật được làm bằng tỉnh thức, tuệ giác và từ bi. Đó là Chân Phật, không phải là một vị thần linh ban phước trừ họa. Pháp chân thật được học hỏi và thực tập theo hướng vô thường, vô ngã và niết bàn. Đó là Chân Pháp, không phải là đường lối mê tín. Tăng chân thật được xây dựng bằng chất liệu Giới, Định, Tuệ, có sự cởi mở, tươi mát và hạnh phúc. Đó là Chân Tăng, không phải là những đoàn thể gồm những thành phần mua danh bán lợi. Trong chân Tăng thế nào cũng có dấu hiệu của Chân Phật và Chân Pháp.

---o0o---


4. Pháp quán niệm thứ tư là niệm Giới (Silanusmrti):

 “Xá Lợi Phất, vị đệ tử áo trắng thực tập quán niệm về Giới. Vị ấy quán niệm như sau: Giới luật này không có khuyết điểm, không bị sứt mẻ, không bị cấu uế, không bị ô trược, có khả năng giúp ta an trú trong lãnh thổ của Như lai. Giới luật này không có tính cách giả dối, thường được các bậc hiền thánh khen ngợi, tiếp nhận, thực tập và hộ trì.

Nhờ tưởng niệm tới Giới mà tâm tư người ấy lắng trong, có được niềm vui và người ấy đạt tới tâm cao đẹp thứ tư, an trú hạnh phúc trong hiện tại một cách dễ dàng, không khó khăn gì.”

Giới, như ta đã biết, là lối sống biểu lộ chánh niệm. Giới không phải là những gì mà kẻ khác bắt buộc ta phải làm theo mà chính là vì ta tự nguyện sống theo. Nhờ sống có chánh niệm và tỉnh thức nên ta nhận thấy hành trì Giới luật là phương tiện hay nhất để bảo vệ ta và giúp ta thành tựu được sự nghiệp tu học. Ví dụ: vì thấy được những khổ đau và sợ hãi gây ra do sự giết chóc nên ta đã nguyện thọ Giới không giết hại. Hành trì Giới này ta bảo vệ cho ta và ta cũng bảo vệ được cho mọi loài chúng sanh và ta làm cho lòng từ bi nơi ta lớn mạnh. Giới này đã được Bụt đề nghị và đã được nhiều thế hệ Phật tử thực tập và càng ngày càng làm cho sáng tỏ. Giới ở đây không ohải là những kiêng cữ mê tín có tính cách thần bí, hoang đường; Giới ở đây lấy chánh niệm, tuệ giác và từ bi làm bản chất cho nên Giới này không có khuyết điểm, không bị sứt mẻ, không bị cấu uế, không bị ô trược. Giới ở đây là sự hành trì thông minh, cho nên trong Giới ta thấy có Bụt, có Pháp và có Tăng, và Giới cũng cao đẹp và thiêng liêng như Bụt, Pháp và Tăng. Tin tường vào Giới tức là tin tưởng ở Bụt, Pháp và Tăng bởi vì năm Giới này được làm bằng bản chất của Tam Bảo.

Giới này có khả năng giúp ta an trú trong lãnh thổ của Như lai. Đây là một câu trong số những câu đẹp nhất của Kinh. Lãnh thổ của Như lai là vùng đất có an ninh, có an lạc, có ánh sáng trí tuệ và có tình thương yêu đùm bọc. Khi hành trì Giới này, ta đặt ta vào lãnh thổ của Như lai, ta ở chung với Như Lai và các vị thánh đệ tử của Người. Đó cũng là lãnh thổ của từ, bi, hỷ và xả thường được gọi là bốn tâm vô lượng (tứ vô lượng tâm), hay bốn nơi trú ẩn cao đẹp (tứ phạm trú.) Thực tập năm Giới tức cũng là niệm Giới, và niệm Giới cũng là niệm Bụt, niệm Pháp và niệmTăng. Trong mỗi Giới đều có Bụt, Pháp và Tăng, như ta đã biết.

Giới luật này không có tính cách giả dối, vì Giới luật này đã được thiết lập trên căn bản chánh niệm, tuệ giác, và từ bi, ai cũng có thể tìm hiểu và chứng nghiệm trực tiếp. Không ai có thể thành tựu được thiền định và trí tuệ nếu không có Giới, cho nên Giới này thường được các bậc hiền thánh khen ngợi, tiếp nhận, thực tập và hộ trì. Hộ trì có nghĩa là tự mình thực tập và còn làm gương cho kẻ khác thực tập, khiến cho sự thực tập Giới pháp được lan rộng và chấn chỉnh trên khắp thế gian.

Cũng như lái xe trong thành phố, ta phải vâng theo luật lệ xe cộ để tránh gây tai nạn và để ai cũng có thể về tới đích an toàn. Sống trong cuộc đời, chúng ta phải thực tập Giới luật để bảo hộ cho ta, cho mọi người và đi tới trên con đường thực hiện lý tưởng giải thoát và giác ngộ.

---o0o---


HẠNH PHÚC TRONG HIỆN TẠI


Thực tập năm Giới pháp và bốn tâm cao đẹp, ta có thể sống hạnh phúc ngay trong hiện tại và biết chắc rằng sẽ không sa đọa vào những đường ác trong tương lai.

Mệnh đề có khả năng an trú hạnh phúc ngay trong hiện tại được lập lại tới sáu lần trong Kinh Người Áo Trắng. Mệnh đề này rất quan trọng. Có rất nhiều người nghĩ và tin rằng tu hành thì phải cực khổ trong hiện tại mới có hy vọng hạnh phúc trong tương lai. Bụt đã dạy rất rõ ràng trong nhiều Kinh điển là tu tập theo giáo pháp của người thì có an lạc trong hiện tại và có an lạc trong tương lai. Theo đạo Bụt, một hiện tại thực sự an lạc (chứ không phải một nếp sống hưởng thụ vật dục, bệnh hoạn và vô ý thức) luôn luôn đem tới một tương lai thực sự an lạc. Nhìn vào hiện tại, ta có thể biết được tương lai. Biết mình đang thực tập vững vàng năm Giới pháp và bốn tâm cao đẹp, người đệ tử áo trắng tự biết là mình đã được đi và dòng thánh, nắm quả Vào Dòng, và không còn sợ sa đọa vào những nẻo dữ như địa ngục, ngạ quỷ và bàng sanh nữa. 

Trong nhiều Kinh điển, Bụt đã dạy ta sống trong hiện tại và quán chiếu các pháp đang xảy ra trong hiện tại. Sự sống mầu nhiệm đang xảy ra trong hiện tại, nếu ta bỏ hiện tại, nếu ta hy sinh hiện tại vì một tương lai mơ hồ thì đó là ta đã đi ngược lới Bụt dạy. Thực tập năm Giới và bốn tâm cao đẹp là thực tập nắm lấy lấy vận mệnh của mình trong hiện tại, bảo hộ hiện tại, xây dựng hiện tại và bảo đảm cho tương lai. Phương thức tạo dựng tương lai hay nhất là xây dựng hiện tại, sống sâu sắc, có trách nhiệm ,có tuệ giác, có từ bi trong giờ phút hiện tại. 

Bụt cũng dạy rằng giải thoát, an lạc, giác ngộ và tịnh độ đều ở ngay trong tâm ta; trở về tâm để khám phá và quán chiếu thì ta mới tiếp xúc được những bảo vật đó. Mà quán chiếu thì chỉ có thể quán chiếu trong giờ phút hiện tại. Sống an lạc hạnh phúc ngay trong hiện tại là một thông điệp quan trọng của Bụt, nhưng thông điệp này hình như đã bị lãng quên và thất truyền tới môt mức độ đã làm cho chúng ta ngạc nhiên.

Sống hạnh phúc ngay trong hiện tạì, theo lời dạy của Bụt trong Kinh Người Áo Trắng, không phải là một điều khó làm. Bụt dạy ta chỉ cần thực tập năm Giới và bốn tâm cao đẹp là đủ. Thực tập các pháp này ta có an lạc ngay trong khi thực tập, ngay trong hiện tại, một cách dễ dàng. 

---o0o---


VUN TRỒNG PHƯỚC ĐỨC


Trong phần kệ tụng, Bụt có dạy về sự thực tập cúng dường để vun trồng phước đức, xây dựng và yểm trợ tăng thân khá kỹ lưỡng. Tăng thân là ruộng phước, cho nên ta hãy nhìn vào phẩm chất của tăng thân để quyết đoán là nên đầu tư vào tu học với tăng thân nào. Tiêu chuẩn là giải thoát và giác ngộ. Tăng thân nào có những phần tử biết nghiêm trì tịnh Giới, thực chứng được giải thoát là tăng thân có phẩm chất cao cần được yểm trợ và nương tựa. Giá trị của những phẩn tử ấy nằm ở tịnh Giới và giải thoát chứ không nằm ở gốc gác và giai cấp của họ. Dù họ có xuất thân từ Giới quyền quý mà họ không hành trì Giới luật, không có giải thoát thì họ cũng không có giá trị của Tăng bảo:

Trong cõi nhân gian này


Có các Giới phạm chí
Sát đế lợi, cư sĩ
Thương gia và công nhân
Những ai trì tịnh Giới
Thực chứng được giải thoát
Trở thành bậc cao đức
Bậc Thiện Thệ thảnh thơi.
Cúng dường những bậc ấy
Là được quả phúc lớn
Ta không cần phân biệt 
Giai cấp và nguồn gốc.
Kẻ thiếu đức nghèo tuệ 
Không soi sáng cho ai,
Cúng dường những kẻ ấy
Quả phúc không đáng kể.

Phạm Chí có nghĩa là kẻ xuất thân từ giai cấp Bà La Môn, Sát Đế Lợi là kẻ xuất thân từ giai cáp tướng lãnh và chính trị. Bụt đã dùng ví dụ về một đàn bò để nói về giá trị tăng thân. Giá trị của một con bò không phải ở màu sắc hay xuất xứ của nó. Giá trị của một con bò nằm ở sức chuyên chở : con nào mạnh khỏe, kéo xe mạnh và nhanh, chuyên chở được nhiều chuyến thì con ấy có giá trị.

Hãy nhìn đàn bò kia
Và thử quan sát chúng
Có con vàng, con trắng
Có con đỏ, con đen
Màu nâu có đốm vàng
Hoặc màu chim bồ câu.
Dù chúng màu sắc gì
Hoặc xuất xứ từ đâu
Giá trị thật của chúng 
Là ở sức chuyên chở
Những con nào mạnh khỏe
Kéo xe mạnh và nhanh
Chuyên chở được nhiều chuyến
Là những con hữu dụng.

Kinh Người Áo Trắng thật là một Kinh căn bản cho sự thực tập, không những quan trọng cho Giới cư sĩ mà cũng rất quan trọng cho Giới xuất gia, bởi vì phép thực tập trong Kinh cũng là phép thực tập căn bản của người xuất gia. Nếu người xuất gia không nắm vững được sự thực tập của Kinh này thì cũng sẽ thiếu căn bản và cũng không đi xa được. 


---o0o---

TÍNH CÁCH TƯƠNG DUNG CỦA NĂM GIỚI PHÁP 
VÀ BỐN TÂM CAO ĐẸP


Hành trì Kinh này, ta thấy tính cách tương dung của các Giới pháp và của bốn tâm cao đẹp (tăng thượng tâm.) Hành trì một Giới pháp cho thật sâu sắc, ta thấy ta cũng đang hành trì tất cả các Giới khác. Khi hành trì Giới thứ nhất là không sát hại, ta thấy rằng nếu không hành trì bốn Giới còn lại thì ta không thể nào thực sự thành trì được Giới thứ nhất. Hành động trộm cắp, hành động tà dâm, hành động nói năng không trách nhiệm và sử dụng rượu và các chất ma túy cũng có thể đưa tới sự giết hại sinh mệnh. Hành trì một tâm cao đẹp cho sâu sắc, ta thấy ta cũng đăng hành trì tất cả các tâm cao đẹp khác. Khi thực tập quán niệm về Bụt, ta thấy ta cũng đang thực tập quán niệm về Pháp, về Tăng và về Giới. Một tâm cao đẹp chứa trong lòng nó những tâm cao đẹp khác. Trong Bụt có Pháp, có Tăng và có Giới; trong Pháp có Bụt, có Tăng và có Giới; Trong Giới có Bụt, có Pháp và có Tăng. Hơn thế nữa, mỗi Giới trong năm Giới đều chứa đựng chất liệu Bụt, Pháp và Tăng, và mỗi tâm cao đẹp đều chứa đựng đầy đủ năm Giới. Bản chất của năm Giới và của bốn tâm cao đẹp là chánh niệm, là tuệ giác, là từ bi, vì vậy chín pháp này dung nhiếp nhau, một là tất cả, tất cả là một. Giáo lý Hoa Nghiêm gọi sự thật này là tương tức (interbeing.)

---o0o---


ĐỐI TƯỢNG CỦA NIỀM TIN


Giờ phút thành đạo dưới cội Bồ đề, Bụt Thích Ca đã thốt lên: “Lạ thay, tất cả chúng sinh đều có chất liệu giác ngộ và từ bi ở trong tâm, vậy mà không thấy, cứ để tự mình trôi lăn trong vòng sinh tử, thật là đáng thương.” Câu nói này cho ta thấy được đối tượng đích thực của niềm tin nơi giác tính sẵn có nơi chính mình. Giác tính là khả năng giác ngộ. Đó là cái đẹp nhất, lành mạnh nhất và thật nhất. Bụt dạy chúng ta tiếp xúc với giác tính ấy. Khi ta bắt đầu tập thở có ý thức tức là ta đã tiếp xúc với chánh niệm. Khi ta quán niệm về Bụt, về Pháp, về Tăng và về Giới là ta đã tiếp xúc với chánh niệm và lấy giác tính của ta làm bản chất cho sự sống của ta. Chánh niệm đưa tới cái nhìn sáng. Cái nhìn sáng ấy chính là sự giác ngộ, mà cội nguồn của giác ngộ là giác tính trong ta. Bụt là người đã khơi mở giác tính nơi mình một cách viên mãn. Người tu học theo Bụt là người đang khơi mở giác tính nơi mình. Bụt không muốn ta tin vào một đấng thần linh hoặc một nguyên lý siêu hình trừu tượng. Đối tượng của niềm tin phải là một cái gì có thật, là một cái gì ta có thể tiếp xúc và kiểm chứng được. Chánh niệm và tuệ giác là những gì có thực. Năm Giới và bốn tâm cao đẹp cũng là những phép hành trì nhằm khơi mở và phát triển thêm chất liệu chánh niệm và tuệ giác nơi ta. Đó là đối tượng niềm tin của người Phật tử.

Niềm tin (Tín, sraddha) là nguồn năng lượng cần thiết cho sự hành đạo. Niềm tin đưa lại sự chuyên cần hăng hái (Tấn), và tiếp theo đó ta mới có chánh niệm (Niệm) để đi đến sụ chuyên chú (Định) và sự phát hiện cái thấy tuệ giác (Tuệ.) Cái thấy tuệ giác lại làm nền cho niềm tin của ta thêm lớn.

Tín, Tấn, Niệm, Định và Tuệ là năm nguồn năng lượng phải có trong ta, nếu ta muốn thành công trên con đường tu học. Kinh Người Áo Trắng đưa ra phép hành trì bốn tâm cao đẹp và năm Giới như đối tượng của niềm tin.

Con người không thể sống có hạnh phúc và không thể sống đời sống có ý nghĩa nếu không có một niền tin. Phải có một cái gì thật, lành và đẹp mà ta thấy được và hiểu được, thì ta mới có thể tin tưởng. Không có niềm tin, ta sẽ sống bừa bãi, không trách nhiệm, và do đó sẽ tàn phá cơ thể ta, tâm hồn ta, gia đình ta và xã hội ta. Thời đại chúng ta là thời đại mất niềm tin. Con người đã mất niềm tin nơi thần linh, nơi khoa học, nơi chủ nghĩa, nơi ý thức hệ, nơi hạnh phúc gia đình, nơi xã hội. Các bậc phụ huynh rất muốn cho con cháu chấp nhận niềm tin của mình, nhưng lắm khi chính họ cũng mơ hồ không nắm được đối tượng niềm tin của chính họ. Vì lý do đó, họ đã không trình bày được cho tuổi trẻ bản chất của niềm tin mà tuổi trẻ có thể hiểu, có thể thấy và có thể chấp nhận. Trong Kinh Người Áo Trắng, tụng bản Pali, Bụt nói rất rõ: Giáo pháp này có thể thấy được ngay bây giờ và ở đây, có tác dụng hướng thượng, có thể tới để chiêm nghiệm trực tiếp, người có trí tuệ nhận xét có thể tự mình nghe mà hiểu được. Kinh Người Áo Trắng không có gì thần bí và mơ hồ. Những điều Kinh dạy đều có tính cách thiết thực, khoa học, có thể tiếp xúc và trắc nghiệm. Học hỏi, tu tập và giảng giải Kinh này có thể giúp tuổi trẻ thấy được giác tính của mình và lấy đó làm đối tượng của một niềm tin. Niềm tin đó phát khởi từ tâm ta. Giáo lý của Bụt chỉ giúp ta phát hiện niềm tin ấy. Một khi niềm tin được phát hiện, ta sẽ có trong ta một nguồn năng lượng mới. Ta sẽ sống vui tươi và hạnh phúc ngay trong hiện tại, ta sẽ biết bảo vệ thân thể ta, tâm hồn ta, và ta sẽ cây dựng lại được gia đình và xã hội. Đời dống của ta bắt đầu có một ý nghĩa.

Các truyền thống tâm linh và tôn giáo trên thế Giới đều có bổn phận khai thị và khơi mở lại niềm tin nơi con người. Nếu ta cứ bám víu vào nhận thức cũ thì ta không thể nào làm được việc ấy. Thời đại chúng ta là thời đại khoa học, ta không thể cứ ép tuổi trẻ và người trí thức tin vào những ý niệm mơ hồ và trừu tượng mà họ không thể kiểm chứng. Ta phải trở về chiều sâu của truyền thống để khám phá lại những giá trị đã bị chôn lấp dưới bao nhiêu lớp vỏ hình thức khô cứng.

Đạo Bụt là một thực tại sống động, như một cây Bồ đề đang lớn, và vì vậy đạo Bụt đang tiếp tục phát triển. Năm Giới là niềm Tin vẫn còn đang sống động, chúng ta có thể tiếp xúc và hết lòng thực tập ngay trong thời đại, cũng như trong đời sống hằng ngày của mình.

---o0o---

PHẦN NĂM - NGHI THỨC NGHI THỨC TRUYỀN THỌ BA QUY và NĂM GIỚI


Người chủ lễ nghi thức này là một người có đạo đức được đại chúng kính nể, đang hành trì Giới Khất Sĩ, Giới Nữ Khất Sĩ, Giới Bồ Tát Xuất Gia hya Giới Tiếp Hiện Xuất Gia đã được truyền đăng làm Giáo Thọ hoặc đã được đặc biệt cho phép trao truyền Năm Giới.

1. (Thiền Hành) (30 phút, sau khi được hướng dẫn)


2. (Thiên Toạ) (12 phút, sau khi được hướng dẫn)
3. (Dâng Hương)
Đại chúng chắp tay trước bàn thờ. Vị chủ lễ dâng hương lên và xướng kệ Dâng Hương sau ba tiếng chuông bắt đầu, trong khi mọi người quán tưởng theo lời kệ:

Lò báu đốt danh hương


Khói trầm quyện toả khắp mười phương
Tâm Bồ Đề dũng liệt phi thường
Tiếp xúc đâu cũng phóng hào quang
Khắp chốn an định tỏ tường
Kính thành phụng hiến đức Từ Tôn.
Chúng con kính dâng hương lên Bụt và chư vị Bồ Tát. (C)

4. (Tán Dương)


Hương đã cắm vào bình, vị chủ lễ xướng, đại chúng chắp tay quán tưởng theo:

Xinh tốt như hoa sen


Rạng ngời như Bắc Đẩu
Xin quay về nương náu
Bậc Thầy của nhân, thiên.

Sen quý nở đài giác ngộ


Hào quang chiếu rạng mười phương
Trí tuệ vượt tầm pháp giới
Từ bi thấm nhuận non sông.
Vừa thấy dung nhan Điều Ngự
Trăm ngàn phiền não sạch không
Hướng về tán dương công đức
Tinh chuyên Đạo nghiệp vun trồng.

Nam mô Đức Bổn Sư Bụt Thích Ca Mâu Ni. (C)

5. (Lạy Bụt)
Vị chủ lễ xướng các danh hiệu sau đây, và đại chúng lạy xuống một lạy theo tiếng chuông gia trì sau mỗi danh hiệu:

Nhất tâm kính lễ Bụt, Pháp, và Tăng thường trú trong mười phương (C)


Nhất tâm kính lể Đức Bổn Sư Bụt Thích Ca Mâu Ni (C)
Nhất tâm kính lễ Đức Bồ Tát Đại Trí Văn Thù Sư Lợi (C)
Nhất tâm kính lễ Đức Bồ Tát Đại Hạnh Phổ Hiền. (C)
Nhất tâm kính lễ Đức Bồ Tát Đại Bi Quan Thế Âm. (C)
Nhất tâm kính lễ Đức Bồ Tát Đại Nguyện Địa Tạng Vương. (C)
Nhất tâm kính lễ Tôn Giả Thượng Thủ Ma Ha Ca Diếp. (C)
Nhất tâm kính lễ Tôn Giả Đại Trí Trưởng Lão Xá Lợi Phất. (C)
Nhất tâm kính lễ Tôn Giả Đại Hiếu Ma Ha Mục Kiền Liên. (C)
Nhất tâm kính lễ Tôn Giả Luật Sư Ưu Ba Ly. (C)
Nhất tâm kính lễ Tôn Giả Khải Giáo A Nan Đà. (C)
Nhất tâm kính lễ Tôn Giả Ni Trưởng Kiều Đàm Di. (C)
Nhất tâm kính lễ liệt vị Tổ Sư qua các thời đại từ Thiên Trúc cho đến Việt Nam. (CC.)

6. (Trì Tụng)


Đại chúng an toạ trên toạ cụ thành hai hàng đối diện nhau. Duy Na và Duyệt Chúng khai chuông mõ. Vị chủ lễ xướng Kệ Khai Kinh và Tâm Kinh:

Nam mô Đức Bổn Sư Bụt Thích Ca Mâu Ni.  (ba lần) (C)


Giới luật cao siêu mầu nhiệm
Cơ duyên may được thọ trì
Xin nguyện đi vào biển tuệ
Tinh thông giáo nghĩa huyền vi. (CC.)

Kinh Tinh Yếu Bát Nhã Ba La Mật Đa (C)

Bồ tát Quán Tự Tại


Khi quán chiếu thâm sâu
Bát Nhã Ba La Mật
Tức diệu pháp Trí Độ
Bỗng soi thấy năm uẩn
Đều không có tự tánh
Thực chứng điều ấy xong
Ngài vượt thoát tất cả
Mọi khổ đau ách nạn. (C)

“Nghe đây, Xá Lợi Tử:


Sắc chẳng khác gì Không
Không chẳng khác gì Sắc
Sắc chính thực là Không
Không chính thực là Sắc
Còn lại bốn uẩn kia
Cũng đều như vậy cả. (C)

Xá Lợi Tử nghe đây:


Thể mọi pháp đều Không
Không sanh cũng không diệt
Không nhơ cũng không sạch
Không thêm cũng không bớt.
Cho nên trong tánh Không
Không có sắc, thọ, tưởng,
Cũng không có hành, thức
Không có nhãn, nhĩ, tỷ,
Thiệt, thân, ý – sáu căn
Không có sắc, thanh, hương,
Vị, xúc, pháp – sáu trần
Không có mười tám giới
Từ nhãn đến ý thức
Không hề có vô minh
Không có hết vô minh
Cho đến không lão tử
Cũng không hết lão tử
Không Khổ, Tập, Diệt, Đạo
Không trí cũng không đắc. (C)

Vì không có sở đắc


Khi một vị Bồ Tát
Nương diệu pháp Trí Độ
Bát Nhã Ba La Mật
Thì tâm không chướng ngại
Vì tâm không chướng ngại
Nên không có sợ hãi
Xa lìa mọi mộng tưởng
Xa lìa mọi điên đảo
Đạt Niết Bàn tuyệt đối. (C)

Chư Bụt trong ba đời


Y diệu pháp Trí Độ
Bát Nhã Ba La Mật
Nên đắc vô thượng giác.
Vậy nên phải biết rằng
Bát Nhã Ba La Mật
Là linh chú đại thần
Là linh chú đại minh
Là linh chú vô thượng
Là linh chú tuyệt đỉnh
Có năng lực tiêu trừ
Tất cả mọi khổ nạn
Cho nên tôi muốn thuyết
Câu thần chú Trí Độ
Bát Nhã Ba La Mật.”
Nói xong đức Bồ Tát
Liền đọc thần chú rằng:
Gate
Gate
Paragate
Parasamgate
Bodhi
Svaha. (3 lần) (CC)

7. (Tác Pháp Yết Ma)



Vị Yết Ma: Đại chúng đã tập họp đầy đủ chưa?
Vị Thủ Chúng: Thưa, đại chúng đã tập họp đầy đủ.
Vị Yết Ma: Có sự hoà hợp không?
Vị Thủ Chúng: Thưa, có sự hoà hợp.
Vị Yết Ma: Đại chúng hôm nay tập họp có chủ đích gì?
Vị Thủ Chúng: Thưa, để thục hiện Yết Ma truyền Năm Giới.
Vị Yết Ma: Xin đại chúng lắng nghe! Hôm nay là ngày (.../.../...), ngày được chọn để truyền thọ Tam Quy và Ngũ Giới, chúng ta đã tập họp đúng giờ giấc, đại chúng đồng ý sẵn sàng hộ niệm việc truyền thọ quy giới trong tinh thần hoà hợp, như vậy, việc truyền giới là hợp pháp. Bạch như thế, thì phép tác bạch có thành hay không?
(Đại chúng đáp:) Thành.

8. (Khai Thị)

Hôm nay đại chúng tập họp để chứng minh và hộ niệm cho lễ Quay Về và Nương Tựa Tam Bảo của các vị ... và ... Xin đại chúng theo dõi hơi thở và an trú trong chánh niệm khi nghe ba tiếng chuông gia trì. Tiếng chuông là tiếng gọi của Bụt để mọi người trở về trong trạng thái tỉnh thức. (CCC)
(Khoảng thời gian giữa hai tiếng chuông là ba hơi thở và và ba hơi thở ra)

9. (Lạy Báo Ân)

Các vị Giới Tử có tên sau đây đứng dậy, chắp tay thành búp sen trình diện trước Tam Bảo (đọc tên.) Nghe lời xướng và tiếng chuông thì lạy xuống một lạy:

Giới tử mang ơn cha mẹ sinh thành, cúi đầu kính lễ Tam Bảo thường trụ trong mười phương. (C)

Giới tử mang ơn sư trưởng giáo huấn, cúi đầu kính lễ Tam Bảo thường trụ trong mười phương. (C)

Giới tử mang ơn bằng hữu và các bậc thiện tri thức đã tác thành cho, cúi đầu kính lễ Tam Bảo thường trụ trong mười phương. (C)

Giới tử mang ơn mọi loài chúng sanh, cây cỏ và đất đá, cúi đầu kính lễ Tam Bảo thường trụ trong mười phương. (CC)

10. (Truyền Thọ Tam Quy)

Hôm nay đại chúng tập họp để chứng minh và hộ niệm cho các vị ... trong lễ phát nguyện thọ trì pháp Quy Y Tam Bảo. Là người có duyên với Đạo, quý vị đã thấy rõ được con đường của tình thương và sự hiểu biết mà tổ tiên chúng ta đã đi theo trong bao nhiêu thế hệ, và hôm nay quý vị đã có chủ ý phát tâm quy y Tam Bảo.

Quy y Tam Bảo là quay về nương tựa nơi Bụt, nơi Pháp, và nơi Tăng. Bụt, Pháp, và Tăng là ba viên ngọc quý. Quay về nương tựa nơi Bụt là quay về nương tựa nơi bậc tỉnh thức, có khả năng đưa đường chỉ lối cho ta trong cuộc đời. Quay về nương tựa Pháp là quay về với con đường của trí tuệ và từ bi, nghĩ là con đường của hiểu biết và thương yêu. Quay về nương tựa Tăng là quay về nương tựa nơi đoàn thể của những người đang thực tập theo con đường trí tuệ và từ bi và sống trong tỉnh thức.

Bụt, Pháp, và Tăng có mặt trong mười phương thế giới mà cũng có mặt trong mọi người và mọi loài. Quay về nương tựa nơi Bụt, nơi Pháp, và nơi Tăng cũng có nghĩa là tin tưởng ở khả năng giác ngộ nơi tự tánh mình, ở khả năng khai mở và phát triển hiểu biết và thương yêu nơi bản thân mình và khả năng thực tập hành đạo của cá nhân và đoàn thể mình.

Xin các vị giới tử cung kính đọc theo đây ba lời phát nguyện lớn:

Con về nương tựa Bụt, người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời.
(lặp lại, chuông)
Con về nương tựa Pháp, con đường của tình thương và sự hiểu biết.
(lặp lại, chuông)
Con về nương tựa Tăng, đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức.
(lặp lại, chuông)

11. (Khai Thị)

Quý vị Phật tử! Quý vị đã chính thức tiếp nhận pháp Tam Quy, đưa Ba Viên Ngọc Quý vào lòng và vào đời sống hàng ngày của quý vị. Hôm nay quý vị đã trở nên những người học trò của bậc Giác Ngộ, và đã nguyện sống theo nếp sống tỉnh thức của Người. Bắt đầu từ hôm nay, quý vị phải để tâm hàng ngày học hỏi và hành trì theo con đường của trí tuệ và từ bi, nghĩa là để phát triển khả năng hiuể biết và thương yêunơi quý vị. Và cũng bắt đầu từ hôm nay, quý vị phải biết nương tựa vào đoàn thể của quý vị để học hỏi và hành trì, tham dự những khoá tĩnh tu, tham dự những buổi đọc tụng quy giới và những sinh hoạt tu học khác của đoàn thể. Thầy giáo thọ của quý vị là Hoà Thượng (Thượng Toạ, Đại Đức) ... và pháp danh của quý vị là do chính Hoà Thượng (Thượng Toạ, Đại Đức) ban cho. Quý vị phải nương vào thầy của quý vị mà học Đạo và tu Đạo.

12.  (Truyền Thọ Năm Giới)

Các giới tử! Đây là giây phút long trọng của sự truyền thọ Năm Giới. Năm Giới là nền tảng cho một cuộc sống có hạnh phúc và có chí hướng vị tha, có năng lực bảo vệ sự sống và làm đẹp cho cuộc đời.

Năm Giới là những nguyên tắc hướng dẫn chúng ta về hướng an lạc, giải thoát và giác ngộ. Năm Giới là nền tảng của hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc gia đình và xã hội. Học hỏi và thực hành theo Năm Giới, ta sẽ đi đúng con đường chánh pháp, ta sẽ tránh được lỗi lầm, khổ đau, sợ hãi và thất vọng, ta sẽ xây dựng được an lạc hạnh phúc cho ta, cho gia đình ta và đóng góp vào phẩm chất an lạc và hoà bình của xã hội.

Đây là Giới tướng của Năm Giới. Xin quý vị lắng nghe từng Giới một với tâm hồn thanh tịnh. Xin trả lời ‘dạ có’ mỗi khi thấy mình có khả năng tiếp nhận, học hỏi và hành trì giới luật được tuyên đọc.

Các vị đã sẵn sàng chưa? (trả lời:Sẵn sàng.)


 

Đây là Giới Thứ Nhất:

- Ý thức được những khổ đau do sự sát hại gây ra, con xin học theo hạnh đại bi để bảo vệ sự sống của mọi người và mọi loài. Con nguyện không giết hại sinh mạng, không tán thành sự giết chóc và không để kẻ khác giết hại, dù là trong tâm tưởng hay trong cách sống hàng ngày của con.

 Đó là Giới Thứ Nhất của Năm Giới. Quý vị có phát nguyện tiếp nhận, học hỏi và hành trì Giới ấy hay không? (đáp: ‘Dạ có’, chuông)

Đây là Giới Thứ Hai: 

- Ý thức được những khổ đau do lường gạt, trộm cướp và bất công xã hội gây ra, con xin học theo hạnh đại từ để đem lại niềm vui sống và an lạc cho mọi người và mọi loài, để chia xẻ thì giờ, năng lực và tài vật của con với những kẻ đang thật sự thiếu thốn. Con nguyện không lấy làm tư hữu bất cứ một của cải nào không phải do mình tạo ra. Con nguyện tôn trọng quyền tư hữu của kẻ khác, nhưng cũng nguyện ngăn ngừa kẻ khác không cho họ tích trữ và làm giàu một cách bất lương tên sự đau khổ của con người và của muôn loại.

Đó là Giới Thứ Hai của Năm Giới. Quý vị có phát nguyện tiếp nhận, học hỏi và hành trì Giới ấy hay không? (đáp: ‘Dạ có’, chuông)

Đây là Giới Thứ Ba:

- Ý thức được những khổ đau do thói tà dâm gây ra, con xin học theo tinh thần trách nhiệm để giúp bảo vệ tiết hạnh và sự an toàn của mọi người và mọi gia đình trong xã hội. Con nguyện không ăn nằm với những người không phải là vợ hay chồng của con. Con ý thức được rằng những hành động bất chính sẽ gây ra những đau khổ cho kẻ khác và cho chính con. Con biết muốn bảo vệ hạnh phúc của mình và của kẻ khác thì phải biết tôn trọng những cam kết của mình và của kẻ khác. Con sẽ làm mọi cách có thể để bảo vệ trẻ em, không cho nạn tà dâm tiếp tục gây nên sự đổ vỡ của các gia đình và của đời sống đôi lứa.

Đó là Giới Thứ Ba của Năm Giới. Quý vị có phát nguyện tiếp nhận, học hỏi và hành trì Giới ấy hay không? (đáp: ‘Dạ có’, chuông)

Đây là Giới Thứ Tư:

- Ý thức được những khổ đau đo lời nói thiếu chánh niệm gây ra, con xin học theo hạnh ái ngữ và lắng nghe để dâng tặng niềm vui cho người và làm vơi bớt khổ đau của người. Biết rằng lời nói có thể đem lại hạnh phúc hoặc khổ đau cho người, con nguyện chỉ nói những lời có thể gây thêm niềm tự tin, an vui và hy vọng, những lời chân thật có giá trị xây dựng sự hiểu biết và hòa giải. Con nguyện không nói những điều sai với sự thật, không nói những lời gây chia rẽ và căm thù. Con nguyện không loan truyền những tin mà con không biết chắc là có thật, không phê bình và lên án những điều con không biết chắc. Con nguyện không nói những điều có thể tạo nên sự bất hòa trong gia đình và đoàn thể, những điều có thể làm tan vỡ gia đình và đoàn thể.

Đó là Giới Thứ Tư của Năm Giới. Quý vị có phát nguyện tiếp nhận, học hỏi và hành trì Giới ấy hay không? (đáp: ‘Dạ có’, chuông)

Đây là Giới Thứ Năm:

-Ý thức được những khổ đau do sự sử dụng ma túy và độc tố gây ra, con xin học cách chuyển hóa thân tâm, xây dựng sức khỏe thân thể và tâm hồn bằng cách thực tập chánh niệm trong việc ăn uống và tiêu thụ. Con nguyện chỉ tiêu thụ những gì có thể đem lại an lạc cho thân tâm con, và cho thân tâm gia đình và xã hội con. Con nguyện không uống rượu, không sử dụng các chất ma túy, không ăn uống hoặc tiêu thụ những sản phẩm có độc tố trong đó có một số sản phẩm truyền thanh, truyền hình, sách báo, phim ảnh và chuyện trò. Con biết rằng tàn hoại thân tâm bằng rượu và các độc tố ấy là phản bội tổ tiên, cha mẹ và cũng là phản bội các thế hệ tương lai. Con nguyện chuyển hóa bạo động, căm thù, sợ hãi và buồn giận bằng cách thực tập phép kiêng cữ cho con, cho gia đình con và cho xã hội. Con biết phép kiêng khem này rất thiết yếu để chuyển hóa tự thân, tâm thức cộng đồng và xã hội. 

Đó là Giới Thứ Năm của Năm Giới. Quý vị có phát nguyện tiếp nhận, học hỏi và hành trì Giới ấy hay không? (đáp: ‘Dạ có’, chuông)
 

 Quý vị Phật tử! Quý vị đã tiếp nhận xong Năm Giới Quý Báu, nền tảng của hạnh phúc gia đình và chất liệu của chí nguyện lợi tha. Quý vị phải ôn tụng thường xuyên giới tướng mỗi tháng ít nhất là một lần, đề sự học hỏi và hành trì Năm Giới càng ngày càng sâu sắc và lớn rộng.

 Lễ tụng giới được tổ chức tại chùa, tại thiền đường, niệm phật đường, hay tại tư gia, có sự tham dự của những người bạn tu của mình. Quý vị cũng có thể tổ chức lễ tụng giới trong phạm vi gia đình mình, hoặc nếu sống độc thân xa chùa, xa bạn, thì cũng có thể tụng giới một mình. Nếu trong vòng ba tháng mà không tụng giới ít nhất là một lần thì quý vị tự động mất giới thể và lễ Quy Y Truyền Giới này sẽ mất hiệu lực.

 Quý vị Phật tử! Là đệ tử của Bụt, quý vị nên tinh tiến tu học theo con đường mà Bụt đã dày công chỉ dạy để tạo an lạc và hạnh phúc cho chính mình và cho mọi người. Nghe chuông, xin đứng dậy và lạy xuống ba lạy để tỏ lòng tôn kính và biết ơn Tam Bảo.

13. (Tuyên Đọc Phái Quy Y)

Các Phật tử! Xin quý vị lắng tai nghe thầy tuyên đọc phái quy y (đọc phái quy y, trong đó có pháp danh của người mới được quy y và của vị bổn sư mình. Đọc xong, phái quy y được trao lại cho đương sự. Giới tử đã quy y ra quỳ trước điện Bụt để nghe đọc phái và nhận phái.)

14. (Hộ Niệm)

Để hộ niệm cho các Phật tử mới thọ phép Quy Y được đạo tâm kiên cố và đạo nghiệp tăng trưởng, xin đại chúng nhiếp tâm trì niệm hồng danh chư Bụt và chư vị Bồ Tát theo phương pháp trì danh nhất tâm bất loạn. (mỗi danh hiệu ba lần)

Nam mô Đức Bổn Sư Bụt Thích Ca Mâu Ni (C)
Nam mô Đức Bồ Tát Đại Trí Văn Thù Sư Lợi (C)
Nam mô Đức Bồ Tát Đại Hạnh Phổ Hiền (C)
Nam mô Đức Bồ Tát Đại Bi Quan Thế Âm (C)
Nam mô Đức Bồ Tát Đại Nguyện Địa Tạng Vương. (CC)

15. (Quay Về Nương Tựa)

Con về nương tựa Bụt, người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời.
Con về nương tựa Pháp, con đường của tình thương và sự hiểu biết.
Con về nương tựa Tăng, đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức. (C)

Đã về nương tựa Bụt, con đang có hướng đi sáng đẹp trong cuộc đời.


Đã về nương tựa Pháp, con đang được học hỏi và tu tập các pháp môn chuyển hoá.
Đã về nương tựa Tăng, con đang được tăng thân soi sáng, dìu dắt và nâng đỡ trên con đường thực tập. (C)

Về nương Bụt trong con, xin nguyện cho mọi người, thể nhận được Giác Tính, Sớm mở lòng Bồ Đề.


Về nương Pháp trong con, xin nguyện cho mọi người, nắm vững các pháp môn, cùng lên đường chuyển hoá.
Về nương Tăng trong con, xin nguyện cho mọi người, xây dựng nên bốn chúng, nhiếp hoá được muôn loài. (CC)

16. (Hồi Hướng)

Truyền trì Giới thâm diệu
Tạo công đức vô biên
Đệ tử xin hồi hướng
Cho chúng sinh mọi miền. (C)

Pháp môn xin nguyện học


Ân nghĩa xin nguyện đền
Phiền não xin nguyện đoạn
Quả Bụt xin chứng nên. (CCC)

---o0o---


NGHI THỨC TỤNG GIỚI THIẾU NHI VÀ NĂM GIỚI


Nghi thức tụng giới cho thiếu nhi gồm có Ba Phép Quay Về Nương Tựa và Hai Lời Hứa, có thể được cử hành trước Nghi Thức Tụng Năm Giới. Thiếu nhi từ mười tuổi trở lên, nếu muốn, có thể ở lại để tham dự lễ tụng Năm Giới.

1. (Thiền Hành) (30 phút, sau khi được hướng dẫn)


2. (Thiên Toạ) (12 phút, sau khi được hướng dẫn)
3. (Dâng Hương)
Đại chúng chắp tay trước bàn thờ. Vị chủ lễ dâng hương lên và xướng kệ Dâng Hương sau ba tiếng chuông bắt đầu, trong khi mọi người quán tưởng theo lời kệ:

Hương đốt khói trầm xông ngát


Kết thành một đoá tường vân
Đệ tử đem lòng thành kính
Cúng dường chư Bụt mười phương.
Giới luật chuyên trì nghiêm mật
Công phu thiền định tinh cần
Tuệ giác hiện dần quả báu
Dâng thành một nén tâm hương.
Chúng con kính dâng hương lên Bụt và chư vị Bồ Tát. (C)

4. (Tán Dương)


Hương đã cắm vào bình, vị chủ lễ xướng, đại chúng chắp tay quán tưởng theo:

Xinh tốt như hoa sen


Rạng ngời như Bắc Đẩu
Xin quay về nương náu
Bậc Thầy của nhân, thiên.

Sen quý nở đài giác ngộ


Hào quang chiếu rạng mười phương
Trí tuệ vượt tầm pháp giới
Từ bi thấm nhuận non sông.
Vừa thấy dung nhan Điều Ngự
Trăm ngàn phiền não sạch không
Hướng về tán dương công đức
Tinh chuyên Đạo nghiệp vun trồng.
Nam mô Đức Bổn Sư Bụt Thích Ca Mâu Ni. (C)

5. (Lạy Bụt)


Vị chủ lễ xướng các danh hiệu sau đây, và đại chúng lạy xuống một lạy theo tiếng chuông gia trì sau mỗi danh hiệu:

Nhất tâm kính lễ Bụt, Pháp, và Tăng thường trú trong mười phương (C)


Nhất tâm kính lể Đức Bổn Sư Bụt Thích Ca Mâu Ni (C)
Nhất tâm kính lễ Đức Bồ Tát Đại Trí Văn Thù Sư Lợi (C)
Nhất tâm kính lễ Đức Bồ Tát Đại Hạnh Phổ Hiền. (C)
Nhất tâm kính lễ Đức Bồ Tát Đại Bi Quan Thế Âm. (C)
Nhất tâm kính lễ Đức Bồ Tát Đại Nguyện Địa Tạng Vương. (C)
Nhất tâm kính lễ Tôn Giả Thượng Thủ Ma Ha Ca Diếp. (C)
Nhất tâm kính lễ Tôn Giả Đại Trí Trưởng Lão Xá Lợi Phất. (C)
Nhất tâm kính lễ Tôn Giả Đại Hiếu Ma Ha Mục Kiền Liên. (C)
Nhất tâm kính lễ Tôn Giả Luật Sư Ưu Ba Ly. (C)
Nhất tâm kính lễ Tôn Giả Khải Giáo A Nan Đà. (C)
Nhất tâm kính lễ Tôn Giả Ni Trưởng Kiều Đàm Di. (C)
Nhất tâm kính lễ liệt vị Tổ Sư qua các thời đại từ Thiên Trúc cho đến Việt Nam. (CC.)

6. (Trì Tụng)


Đại chúng an toạ trên toạ cụ thành hai hàng đối diện nhau. Duy Na và Duyệt Chúng khai chuông mõ. Vị chủ lễ xướng Kệ Khai Kinh và Tâm Kinh:

Nam mô Đức Bổn Sư Bụt Thích Ca Mâu Ni.  (ba lần) (C)


Giới luật cao siêu mầu nhiệm
Cơ duyên may được thọ trì
Xin nguyện đi vào biển tuệ
Tinh thông giáo nghĩa huyền vi. (CC.)

Kinh Tinh Yếu Bát Nhã Ba La Mật Đa (C)

Bồ tát Quán Tự Tại


Khi quán chiếu thâm sâu
Bát Nhã Ba La Mật
Tức diệu pháp Trí Độ
Bỗng soi thấy năm uẩn
Đều không có tự tánh
Thực chứng điều ấy xong
Ngài vượt thoát tất cả
Mọi khổ đau ách nạn. (C)

“Nghe đây, Xá Lợi Tử:


Sắc chẳng khác gì Không
Không chẳng khác gì Sắc
Sắc chính thực là Không
Không chính thực là Sắc
Còn lại bốn uẩn kia
Cũng đều như vậy cả. (C)

Xá Lợi Tử nghe đây:


Thể mọi pháp đều Không
Không sanh cũng không diệt
Không nhơ cũng không sạch
Không thêm cũng không bớt.
Cho nên trong tánh Không
Không có sắc, thọ, tưởng,
Cũng không có hành, thức
Không có nhãn, nhĩ, tỷ,
Thiệt, thân, ý – sáu căn
Không có sắc, thanh, hương,
Vị, xúc, pháp – sáu trần
Không có mười tám giới
Từ nhãn đến ý thức
Không hề có vô minh
Không có hết vô minh
Cho đến không lão tử
Cũng không hết lão tử
Không Khổ, Tập, Diệt, Đạo
Không trí cũng không đắc. (C)

Vì không có sở đắc


Khi một vị Bồ Tát
Nương diệu pháp Trí Độ
Bát Nhã Ba La Mật
Thì tâm không chướng ngại
Vì tâm không chướng ngại
Nên không có sợ hãi
Xa lìa mọi mộng tưởng
Xa lìa mọi điên đảo
Đạt Niết Bàn tuyệt đối. (C)

Chư Bụt trong ba đời


Y diệu pháp Trí Độ
Bát Nhã Ba La Mật
Nên đắc vô thượng giác.
Vậy nên phải biết rằng
Bát Nhã Ba La Mật
Là linh chú đại thần
Là linh chú đại minh
Là linh chú vô thượng
Là linh chú tuyệt đỉnh
Có năng lực tiêu trừ
Tất cả mọi khổ nạn
Cho nên tôi muốn thuyết
Câu thần chú Trí Độ
Bát Nhã Ba La Mật.”
Nói xong đức Bồ Tát
Liền đọc thần chú rằng:
Gate
Gate
Paragate
Parasamgate
Bodhi
Svaha. (3 lần) (CC)

7. (Tác Pháp Yết Ma)



Vị Yết Ma: Chúng thiếu nhi đã tập họp đầy đủ chưa?
Vị Thủ Chúng: Thưa, chúng thiếu nhi đã tập họp đầy đủ.
Vị Yết Ma: Có sự hoà hợp không?
Vị Thủ Chúng: Thưa, có sự hoà hợp.
Vị Yết Ma: Có thiếu nhi nào vằng mặt đã yêu cầu được đại diện và gởi theo sự thanh tịnh không?
Vị Thủ Chúng: Không có. (Trong trường hợp có thì nói (ví dụ): ‘Có thiếu nhi Trần Diễm Trúc pháp danh Tâm Lưu Ly, vì lý do sức khoẻ không đến tụng giới được, đã yêu cầu thiếu nhi Nguyễn Văn Nam pháp danh Tam Hy Mã đại diện và gửi theo sự thanh tịnh.’)
Vị Yết Ma: Đại chúng các thiếu nhi hôm nay tập họp có chủ đích gì?
Vị Thủ Chúng: Thưa, để thục hiện Yết Ma tụng Ba Sự Quay Về Nương Tựa và Hai Lời Hứa.
Vị Yết Ma: Xin toàn thể chúng thiếu nhi lắng nghe! Hôm nay là ngày (.../.../...), ngày được chọn để thuyết tụng giới luật, chúng ta đã tập họp đúng giờ giấc, chúng thiếu nhi đồng ý sẵn sàng nghe thuyết đọc quy giới trong tinh thần hoà hợp, như vậy, việc tụng giới là hợp pháp. Bạch như thế, thì phép tác bạch có thành hay không?
(Đại chúng đáp:) Thành.

Vị chủ lễ nói: “Hôm nay chúng thiếu nhi tập họp để ôn lại Quy Giới, tức là Ba Sự Quay Về Nương Tựa, Hai Lời Hứa, và sau hết là Tụng Năm Giới. Trước hết là ôn lại Quy Giới. Xin các thiếu nhi đứng dậy, chắp tay búp sen, trình diện trước Tam Bảo.”

 Thiếu nhì nghe tiếng chuông kính cẩn lạy xuống ba lạy để tỏ lòng tôn kính Bụt, Pháp, và Tăng.


 (Chuông, thiếu nhi lạy) (ba lần)
 (Thiếu nhi quỳ, chắp tay búp sen)

8. (Ôn tụng Ba Phép Quay Về Nương Tựa)

Quý vị Phật tử trẻ tuổi! Là học trò của Bụt, quý vị đã phát nguyện quay về nương tựa nơi Bụt, nơi Pháp và nơi Tăng. Bây giờ đây, chúng ta ôn lại Ba Sự Quay Về và Nương Tựa ấy. Xin đại chúng đọc theo đây:

Con về nương tựa Bụt, người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời. (đại chúng lặp lại) (C)


Con về nương tựa Pháp, con đường của tình thương và sự hiểu biết. (đại chúng lặp lại) (C)
Con về nương tựa Tăng, đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức. (đạ i chúng lặp lại) (CCC)

9.  (Bài Hát Quay Về Nương Tựa)

Con về nương tựa Bụt, người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời.
Namo Buddhaya.
Con về nương tựa Pháp, con đường của tình thương và sự hiểu biết.
Namo Dharmaya.
Con về nương tựa Tăng, đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức.
Namo Sanghaya.

Buddham Saranam Gacchami.


Dharmam Saranam Gacchami.
Sangham Saranam Gacchami. (CC)

10. (Ôn Tụng Hai Lời Hứa)

Quý vị Phật tử trẻ tuổi! Qúy vị vừa ôn lại Ba Phép Quay Về và Nương Tựa. Bây giờ chúng ta ôn lại Hai Lời Hứa tức là hai điều mà quý vị đã hứa là sẽ học tập và giữ gìn.

Đây là Lời Hứa Thứ Nhất, xin quý vị đọc theo:

- Con xin mở rộng lòng thương (thiếu nhi lặp lại) và tìm cách bảo vệ sự sống (lặp lại) của mọi người và mọi loài (lặp lại.)

Đó là Lời Hứa Thứ Nhất mà quý vị đã cam kết với Bụt. Trong hai tuần qua, quý vị có học hỏi và giữ gìn lời hứa đó hay không?
(Thiếu nhi đáp trong tâm: ‘Dạ có.’ Chuông. Thiếu nhi xá và cúi đầu. Đại chúng chắp tay.)

Đây là Lời Hứa Thứ Hai:

- Con xin mở rộng tầm hiểu biết (thiếu nhi lặp lại) để có thể thương yêu và chung sống (lặp lại) với mọi người và mọi loài (lặp lại.)

Đó là Lời Hứa Thứ Hai mà quý vị đã cam kết với Bụt. Trong hai tuần qua, quý vị có học hỏi và giữ gìn lời hứa đó hay không?
(Thiếu nhi đáp trong tâm: ‘Dạ có.’ Chuông. Thiếu nhi xá và cúi đầu. Đại chúng chắp tay.)

11. (Bài Hát Hai Lời Hứa)

Con xin mở rộng lòng thương, để bảo vệ sự sống khắp mười phương. Nguyện che chở sinh mạng của mọi người và mọi loài.

Con xin tập nhìn tập hiểu thật sâu, để thấy được gốc rễ mọi niềm đau. Nguyện chung sống an lạc với mọi người và mọi loài.

12. (Khai Thị)

Quý vị Phật tử! Lòng thương và sự hiểu biết là hai điều quý báu nhất của Đạo Bụt và của con người. Nếu không học cởi mở để hiểu biết những tâm trạng và những hoàn cảnh khổ đau của người khác thì không thể thương yêu và chung sống với họ. Đối với các loài động vật và thực vật, ta cũng phải học thái độ cởi mở và hiểu biết để thương yêu và để bảo vệ như ta thương yêu và bảo vệ con người. Nếu không hiểu biết thì không thể thương yêu. Bụt dạy phải biết nhìn mọi người và mọi loài bằng con mắt hiểu biết và từ bi. Quý vị phải siêng năng học và làm theo lời Bụt dạy. Nghe chuông, xin đứng dậy, và lạy xuống ba lạy để tỏ lòng cung kính Bụt, Pháp, và Tăng trước khi rút lui.

(Chuông. Thiếu nhi đứng dậy. Chuông. Thiếu nhi lạy xuống ba lần. Thiếu nhi đi ra. Đợi cho thiếu nhi ra hết, vị chủ lễ xướng lại bài Kệ Khai Kinh để đại chúng trì tụng.

13. (Kệ Khai Kinh)

Giới luật cao siêu mầu nhiệm
Cơ duyên may được thọ trì
Xin nguyện đi vào biển tuệ
Tinh thông giáo nghĩa huyền vi. (CC)

14.  (Tụng Năm Giới)

(Tác pháp Yết Ma tụng Năm Giới)

Vị Yết Ma: Đại chúng đã tập họp đầy đủ chưa?
Vị Thủ Chúng: Thưa, đại chúng đã tập họp đầy đủ.
Vị Yết Ma: Có sự hoà hợp không?
Vị Thủ Chúng: Thưa, có sự hoà hợp.
Vị Yết Ma: Có vị nào vắng mặt đã yêu cầu được đại diện và gởi theo sự thanh tịnh không?
Vị Thủ Chúng: Không có. (Trong trường hợp có thì nói (ví dụ): ‘Có cận sự nam, Nguyễn Văn Ý pháp danh Tâm Khai, vì lý do sức khoẻ không đến tụng giới được, đã yêu cầu cận sự nữ, Trần thì Xuyến pháp danh Tâm Quy, đại diện và gử theo sự thanh tịnh.’)
Vị Yết Ma: Đại chúng hôm nay tập họp có chủ đích gì?
Vị Thủ Chúng: Thưa, để thục hiện Yết Ma tụng Năm Giới.
Vị Yết Ma: Xin đại chúng các vị cận sự nữ và cận sự nam lắng nghe! Hôm nay là ngày (.../.../...), ngày được chọn để thuyết tụng Quy Giới, chúng ta đã tập họp đúng giờ giấc, đại chúng đồng ý sẵn sàng nghe thuyết tụng quy giới trong tinh thần hoà hợp, như vậy, việc tụng giới là hợp pháp. Bạch như thế, thì phép tác bạch có thành hay không?
(Đại chúng đáp:) Thành.

Đại chúng! Đây là lúc chúng ta tuyên thuyết Năm Giới. Năm Giới là nền tảng cho một cuộc sống có hạnh phúc và có chí hướng vị tha, có năng lực bảo vệ sự sống và làm đẹp cho cuộc đời. Xin các vị đã thọ trì Năm Giới quỳ lên, chắp tay búp sen, hướng về Đức Bổn Sư.

Đại chúng! Năm Giới là những nguyên tắc hướng dẫn chúng ta về hướng an lạc, giải thoát và giác ngộ. Năm giới là nền tảng của hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc của gia đình và của xã hội. Học hỏi và thực hành theo Năm Giới ta sẽ đi đúng con đường chánh pháp, ta sẽ tránh được lỗi lầm, khổ đau, sợ hãi, và thất vọng, ta sẽ xây dựng được an lạc hạnh phúc cho ta, cho gia đình ta và đóng góp vào phẩm chất an lạc và hoà bình của xã hội.

Đây là giới tướng của Năm Giới. Chúng ta hãy lắng nghe từng Giới một với tâm hồn thanh tịnh, lấy giới luật làm tấm gương trong vắt để soi chiếu nội tâm mình. Xin im lặng thở và im lặng trả lời ‘có’ mỗi khi thấy mình trong hai tuần qua có cố gắng học hỏi và hành trì những giới luật được tuyên đọc.



Đây là Giới Thứ Nhất:

- Ý thức được những khổ đau do sự sát hại gây ra, con xin học theo hạnh đại bi để bảo vệ sự sống của mọi người và mọi loài. Con nguyện không giết hại sinh mạng, không tán thành sự giết chóc và không để kẻ khác giết hại, dù là trong tâm tưởng hay trong cách sống hàng ngày của con.

Đó là Giới Thứ Nhất của Năm Giới. Trong hai tuần qua, quý vị có cố gắng học hỏi và hành trì giới ấy hay không? (ba hơi thở, chuông)

Đây là Giới Thứ Hai: 

- Ý thức được những khổ đau do lường gạt, trộm cướp và bất công xã hội gây ra, con xin học theo hạnh đại từ để đem lại niềm vui sống và an lạc cho mọi người và mọi loài, để chia xẻ thì giờ, năng lực và tài vật của con với những kẻ đang thật sự thiếu thốn. Con nguyện không lấy làm tư hữu bất cứ một của cải nào không phải do mình tạo ra. Con nguyện tôn trọng quyền tư hữu của kẻ khác, nhưng cũng nguyện ngăn ngừa kẻ khác không cho họ tích trữ và làm giàu một cách bất lương tên sự đau khổ của con người và của muôn loại.

Đó là Giới Thứ Hai của Năm Giới.Trong hai tuần qua quý vị có cố gắng học hỏi và hành trì giới ấy hay không? (ba hơi thở, chuông)

Đây là Giới Thứ Ba:

- Ý thức được những khổ đau do thói tà dâm gây ra, con xin học theo tinh thần trách nhiệm để giúp bảo vệ tiết hạnh và sự an toàn của mọi người và mọi gia đình trong xã hội. Con nguyện không ăn nằm với những người không phải là vợ hay chồng của con. Con ý thức được rằng những hành động bất chính sẽ gây ra những đau khổ cho kẻ khác và cho chính con. Con biết muốn bảo vệ hạnh phúc của mình và của kẻ khác thì phải biết tôn trọng những cam kết của mình và của kẻ khác. Con sẽ làm mọi cách có thể để bảo vệ trẻ em, không cho nạn tà dâm tiếp tục gây nên sự đổ vỡ của các gia đình và của đời sống đôi lứa.

Đó là Giới thứ Ba của Năm Giới. Trong hai tuần qua quý vị có cố gắng học hỏi và hành trì giới ấy hay không? (ba hơi thở, chuông)

Đây là Giới Thứ Tư:

- Ý thức được những khổ đau đo lời nói thiếu chánh niệm gây ra, con xin học theo hạnh ái ngữ và lắng nghe để dâng tặng niềm vui cho người và làm vơi bớt khổ đau của người. Biết rằng lời nói có thể đem lại hạnh phúc hoặc khổ đau cho người, con nguyện chỉ nói những lời có thể gây thêm niềm tự tin, an vui và hy vọng, những lời chân thật có giá trị xây dựng sự hiểu biết và hòa giải. Con nguyện không nói những điều sai với sự thật, không nói những lời gây chia rẽ và căm thù. Con nguyện không loan truyền những tin mà con không biết chắc là có thật, không phê bình và lên án những điều con không biết chắc. Con nguyện không nói những điều có thể tạo nên sự bất hòa trong gia đình và đoàn thể, những điều có thể làm tan vỡ gia đình và đoàn thể.

Đó là Giới thứ Tư của Năm Giới. Trong hai tuần qua quý vị có cố gắng học hỏi và hành trì giới ấy hay không? (ba hơi thở, chuông)

Đây là Giới Thứ Năm:

-Ý thức được những khổ đau do sự sử dụng ma túy và độc tố gây ra, con xin học cách chuyển hóa thân tâm, xây dựng sức khỏe thân thể và tâm hồn bằng cách thực tập chánh niệm trong việc ăn uống và tiêu thụ. Con nguyện chỉ tiêu thụ những gì có thể đem lại an lạc cho thân tâm con, và cho thân tâm gia đình và xã hội con. Con nguyện không uống rượu, không sử dụng các chất ma túy, không ăn uống hoặc tiêu thụ những sản phẩm có độc tố trong đó có một số sản phẩm truyền thanh, truyền hình, sách báo, phim ảnh và chuyện trò. Con biết rằng tàn hoại thân tâm bằng rượu và các độc tố ấy là phản bội tổ tiên, cha mẹ và cũng là phản bội các thế hệ tương lai. Con nguyện chuyển hóa bạo động, căm thù, sợ hãi và buồn giận bằng cách thực tập phép kiêng cữ cho con, cho gia đình con và cho xã hội. Con biết phép kiêng khem này rất thiết yếu để chuyển hóa tự thân, tâm thức cộng đồng và xã hội.

Đó là Giới thứ Năm của Năm Giới. Trong hai tuần qua quý vị có cố gắng học hỏi và hành trì giới ấy hay không? (ba hơi thở, chuông)
 

Đại chúng! Chúng ta đã tuyên đọc xong Năm Giới quý báu, nền tảng của hạnh phúc gia đình và chất liệu của chí nguyện lợi tha. Bụt dạy chúng ta phải ôn tụng thường xuyên giới tướng mỗi tháng ít nhất là một lần, để sự học hỏi và hành trì Năm Giới càng ngày càng sâu sắc và lớn rộng. Nghe chuông, xin lạy xuống ba lạy để tỏ lòng tôn kính và biết ơn Tam Bảo trước khi ngồi xuống.

15. (Niệm Bụt)
Xin đại chúng nhiếp tâm trì niệm hồng danh chư Bụt và chư vị Bồ Tát theo phương pháp trì danh nhất tâm bất loạn. (mỗi danh hiệu ba lần)

Nam mô Đức Bổn Sư Bụt Thích Ca Mâu Ni (C)


Nam mô Đức Bồ Tát Đại Trí Văn Thù Sư Lợi (C)
Nam mô Đức Bồ Tát Đại Hạnh Phổ Hiền (C)
Nam mô Đức Bồ Tát Đại Bi Quan Thế Âm (C)
Nam mô Đức Bồ Tát Đại Nguyện Địa Tạng Vương. (CC)

16. (Quy Nguyện)

Trầm hương xông ngát điện
Sen nở Bụt hiện thân
Pháp giới thành thanh tịnh
Chúng sanh lắng nghiệp trần. (C)

Đệ tử tâm thành


Hướng về Tam Bảo
Bụt là thầy chỉ đạo
Bậc tỉnh thức vẹn toàn
Tướng tốt đoan trang
Trí và Bi viên mãn. (C)

Pháp là con đường sáng


Dẫn người thoát cõi mê
Đưa con trở về
Sống cuộc đời tỉnh thức. (C)

Tăng là đoàn thể đẹp


Cùng đi trên đường vui
Tu tập giải thoát
Làm an lạc cuộc đời. (C)

Đệ tử nương nhờ Tam Bảo


Trên con đường học Đạo
Biết Tam Bảo của tự tâm
Nguyện xin chuyên cần
Làm sáng lòng ba viên ngọc quý. (C)

Nguyện theo hơi thở


Nở nụ cười tươi
Nguyện học nhìn cuộc đời
Bằng con mắt quán chiếu
Nguyện xin tìm hiểu
Nỗi khổ của mọi loài
Tập từ bi
Hành hỷ xả
Sáng cho người thêm niềm vui
Chiều giúp người bớt khổ
Đệ tử nguyện sống cuộc đời thiểu dục
Nếp sống lành mạnh an hoà
Cho thân thể kiện khương
Nguyện rũ bỏ âu lo
Học tha thứ bao dung
Cho tâm tư nhẹ nhõm
Đệ tử xin nguyện ơn sâu đền báo
Ơn cha mẹ ơn thầy
Ơn bè bạn chúng sanh
Nguyện tu học tinh chuyên
Cho cây bi trí nở hoa
Mong một ngày kia
Có khả năng cứu độ mọi loài
Vượt ra ngoài cõi khổ. (C)

Xin nguyện Bụt, Pháp, Tăng chứng minh


Gia hộ cho đệ tử chúng con
Viên thành đại nguyện. (CC)

17. (Quay Về Nương Tựa)

Con về nương tựa Bụt, người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời.
Con về nương tựa Pháp, con đường của tình thương và sự hiểu biết.
Con về nương tựa Tăng, đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức. (C)

Đã về nương tựa Bụt, con đang có hướng đi sáng đẹp trong cuộc đời.


Đã về nương tựa Pháp, con đang được học hỏi và tu tập các pháp môn chuyển hoá.
Đã về nương tựa Tăng, con đang được tăng thân soi sáng, dìu dắt và nâng đỡ trên con đường thực tập. (C)

Về nương Bụt trong con, xin nguyện cho mọi người, thể nhận được Giác Tính, Sớm mở lòng Bồ Đề.


Về nương Pháp trong con, xin nguyện cho mọi người, nắm vững các pháp môn, cùng lên đường chuyển hoá.
Về nương Tăng trong con, xin nguyện cho mọi người, xây dựng nên bốn chúng, nhiếp hoá được muôn loài. (CC)

18. (Hồi Hướng)

Trì Giới pháp thâm diệu
Tạo công đức vô biên
Đệ tử xin hồi hướng
Cho chúng sinh mọi miền. (C)

Pháp môn xin nguyện học


Ân nghĩa xin nguyện đền
Phiền não xin nguyện đoạn
Quả Bụt xin chứng nên. (CCC)
 
 
 

---o0o---



GÓP BÀI TRONG TẬP NÀY

ROBERT AIKEN, ROSHI (LÃO SƯ), là vị Sư Trưởng của Diamond Sangha (Tăng Thân Kim Cang) tại Hawaii và là một trong những sáng lập viên của Hội Ái Hữu Phật tử vì Hoà Bình (Buddhist Peace Fellowship.) Ông là tác giả của các tập sách: Encouraging Words (Cảnh Sách), The Dragon Who Never Sleeps  (Con Rồng Chưa Bao Giờ Ngủ), Taking the Path of Zen (Hành Thiền Đạo), và A Zen Wave (Đợt Sóng Thiền.)

STEPHEN BATCHELOR, tác giả, dịch giả, và giáo sư Phật Học, sống ở nước Anh, là tác giả của các quyển: ‘The Awakening of the West: Buddhism and European Culture’ (Sự thức tỉnh của phương Tây: đạo Bụt và văn hoá Âu châu), ‘The Faith to Doubt: Glimpses of Buddhist Uncertainty’ (Đức Tin vào sự Nghi Ngờ: Khái lược về Vô Thường trong Đạo Bụt), The Tibet Guide (Sách Hướng Dẫn thăm Tây Tạng), và là dịch giả của nhiều tác phẩm viết từ tiếng Tây Tạng.

Sư Cô CHÂN KHÔNG, tỳ kheo ni , làm việc thiện nguyện giúp trẻ em thiếu ăn và nhiều người nghèo khó từ năm 14 tuổi, và phụ tá của thiền sư Thích Nhất Hạnh hơn ba mươi năm qua, Giám Đốc Đạo Tràng Mai Thôn ở Pháp. Sư Cô là tác giả cuốn Learning True Love: How I Learned and Practiced Social Change in Vietnam (Học Thương Đúng Nghĩa: Tôi đã học và thực tập thay đổi xã hội như thế nào tại Việt Nam), và là Giáo Thọ Đạo Tràng Mai Thôn, một trong 6 người đầu tiên thọ trì 14 giới của  dòng tu Tiếp Hiện cùng với Nhất Chi Mai năm 1966.

MAXINE HONG KINGSTON, đạt Giải Thưởng Tác Phẩm Quốc Gia (National Book Award), là tác giả các quyển ‘The Woman Warrior: Memoirs of a Girlhood among Ghosts’ (Nữ chiến binh: Hồi ký về tuổi thanh xuân giữa những bóng ma), ‘China Men’ (Những người đàn ông Tàu), ‘Hawaii’ One Summer’ (Một Mùa Hè Hawaii), và ‘Tripmaster Monkey: His Fake Book’ (Con Khỉ Tôn Hành Giả: Du Ký giả của nó.) Hiện bà đang viết quyển Book of Peace (Sách An Bình) về sức mạnh chuyển hoá của các chiến binh.

JACK KORNFIELD, Giáo Thọ và người đồng sáng lập Trung Tâm Thiền Linh Thạch (Spirit Rock Meditation Center) ở miền Bắc California, là tác giả các quyền ‘A Path with Heart: A Guide through the Perils and Promises of Spiritual Life’ (Con Đường với Trái Tim: Cẩm Nang qua những Hiểm Nguy và Hứa Hẹn của Đời Sống Tâm Linh), và ‘Living Buddhist Masters’ (Những vị Thầy Sống trong đạo Phật), và đồng tác giả quyển ‘Seeking the Heart of Wisdom: The Path of Insight Meditation’ (Tìm Tâm Trí Tuệ: Con Đường của Thiền Minh Sát.)

Sư Cô ANNABEL LAITY (CHÂN ĐỨC), cựu giáo sư Phạn Ngữ Đại Học Luân Đôn Anh quốc, tỳ kheo ni  Giáo Thọ theo truyền thống của Đạo Tràng Mai Thôn, Trụ Trì Tu Viện Tùng Hạc, tiểu bang Vermont, một tu viện em của Đạo Tràng Mai Thôn. Sư Cô giúp hướng dẫn cách tu tập chánh niệm hằng ngày cùng khắp Bắc Mỹ Châu và Âu Châu.  dịch giả của nhiều quyển sách của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh.

SULAK SIVARAKSA, người sáng lập Mạng Lưới Phật Tử Dấn Thân trên Thế Giới (International Network of Engaged Buddhists) đóng ở Bangkok, và nhiều tổ chức khác, được đề cử giải Nobel Hoà Bình năm 1993. Ông là tác giả của cuốn Seeds of Peace: A Buddhist Vision for Renewing Society (Những Hạt Giống Hoà Bình: Viễn cảnh Phật Giáo về Một Xã Hội Đổi Mới) và nhiều quyển sách khác.

GARY SNYDER, thi sĩ đoạt giải Pulitzer Prize, sống ở miền Bắc California. Ông là người sáng lập thiền đường Ring of Bone Zendo, và là tác giả các quyển No Nature (Vô Tính), The Practice of the Wild (Sự thực tập của Hoang Dã), Axe Hanles (Những Cán Rìu), Turtle Island (Đảo Rùa), Earth House Hold (Đất Quen), và nhiều quyển khác.

DAVID STEINDL-RAST, tu sĩ dòng Benedictine, sống ở tu viện Cama-Idolese ở California. Ông là tác giả của các quyển ‘Gratefulness’ (Tri Ân), ‘The Heart of Prayer: An Approach to Life in Fullness’ (Trái tim của sự Cầu Nguyện: một cách đến với Đời Sống trong Sự Vẹn Toàn), và ‘A Listening Heart’ (Trái tim biết lắng nghe), và là một nhân vật hàng đầu trong các phong trào đổi mới nếp sống tu viện và đối thoại Đông-Tây.



PATRICIA MAX ELLSBERG cùng với phu quân là DANIEL ELLSBERG đã công bố tài liệu mật về Tình Báo CIA Hoa Kỳ nhằm phơi bày những tội ác kinh khiếp của tổ chức này. Bà và phu quân là hai người Hoa Kỳ đã hết lòng tranh đấu cho Hòa Bình Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới, hầu chấm dứt sự can thiệp quân sự mưu mô tàn ác của chính quyền Hoa Kỳ vào nhiều nước trên thế giới.
---o0o---

HẾT

tải về 1.3 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương