Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh bình đỊNH



tải về 37.6 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu06.08.2016
Kích37.6 Kb.
#14601


ỦY BAN NHÂN DÂN CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TỈNH BÌNH ĐỊNH Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Số: 297/UBND-XD Quy Nhơn, ngày 27 tháng 01 năm 2011

V/v báo cáo làm rõ các nội dung về việc xin chủ trương lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Quy Nhơn đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050

Kính gửi: Văn phòng Chính phủ.


Ngày 02/12/2010 Bộ Xây dựng có Văn bản số 2447/BXD-KTQH, theo đó Bộ đề nghị UBND tỉnh Bình Định có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ để làm rõ hơn về sự cần thiết phải điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Quy Nhơn đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, các bất cập trong việc thực hiện Quy hoạch chung đã được phê duyệt năm 2004 và các nội dung dự kiến sẽ điều chỉnh. Về vấn đề trên, UBND tỉnh Bình Định báo cáo Văn phòng Chính phủ như sau:
Từ sau ngày đất nước thống nhất, thành phố Quy Nhơn đã có bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc và đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh tại Quyết định số 159/QĐ-TTg ngày 25/01/2010. Đây là cơ sở để định hướng xây dựng và phát triển thành phố Quy Nhơn đảm nhiệm là đô thị động lực phát triển của Vùng duyên hải Nam Trung Bộ, là cửa ngõ quan trọng của vùng Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia ra biển Đông.

Vai trò và vị trí thành phố Quy Nhơn trong hệ thống đô thị quốc gia được xác định tại Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 07/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch điều chỉnh tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050, theo đó thành phố Quy Nhơn nằm trong nhóm đô thị lớn, cực lớn của Quốc gia và là một trong 12 đô thị trung tâm cấp vùng của cả nước.

Sau khi rà soát tình hình phát triển đô thị Quy Nhơn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2004, hiện nay đô thị đã đạt được những thành quả và đang gặp một số khó khăn, thách thức như sau:

Đồ án quy hoạch chung xây dựng thành phố Quy Nhơn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 98/QĐ-TTg ngày 01/6/2004 khẳng định vai trò của đô thị là: “Trung tâm chính trị, kinh tế văn hoá xã hội của tỉnh Bình Định; đồng thời là đô thị trung tâm động lực phát triển vùng duyên hải Nam Trung Bộ, là cửa ngõ quan trọng của vùng Tây nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia ra biển Đông, là một trong ba trung tâm thương mại, hàng hải, du lịch của vùng”. Trên cơ sở đó, tỉnh Bình Định và thành phố Quy Nhơn đầu tư xây dựng phát triển và chỉnh trang đô thị. Các khu đô thị, khu dân cư, KCN, du lịch, dịch vụ thương mại, công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật được xây dựng góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng sống của dân cư đô thị. Đặc biệt, công tác chỉnh trang đô thị được chú trọng, nhiều dự án chỉnh trang đô thị được thực hiện đã đem lại cho thành phố Quy Nhơn một bộ mặt mới xứng tầm với vai trò, vị trí của đô thị.



  • Không gian phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt năm 2004 bị hạn chế ở một số hướng như: Nam, Đông, địa hình bị chia cắt (núi, sông, hồ đầm, lũ lụt hàng năm của hạ lưu sông Hà Thanh và sông Côn) làm cho cấu trúc đô thị bị phân tán theo từng tiểu khu vực. Do đó, việc chọn đất để xây dựng, phát triển đô thị bị hạn chế nhiều mặt; quỹ đất bố trí các khu chức năng đô thị bị hạn chế do phần lớn quỹ đất sản xuất nông nghiệp bị ngập lũ nghiêm trọng vào mùa mưa; bộ mặt kiến trúc đô thị chưa hiện đại, chưa hình thành bản sắc riêng, thiếu các công trình tầm cỡ có chất lượng kỹ, mỹ thuật cao.

  • Hệ thống hạ tầng xã hội đồng bộ, tuy nhiên cơ sở vật chất còn chưa hoàn chỉnh. Quỹ đất bố trí để xây dựng các công trình hạ tầng xã hội còn hạn chế. Đặc biệt, các quỹ đất để bố trí xây dựng các công trình giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ quy mô lớn theo tính chất đô thị rất khó khăn.

  • Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đã được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, có mặt còn hạn chế. Hệ thống đường trong nội thành có mặt cắt ngang khá nhỏ, sẽ gây ách tắc giao thông khi bùng nổ các phương tiện giao thông cá nhân. Hệ thống giao thông đối ngoại đô thị còn chưa tương xứng với xu hướng phát triển và không phù hợp với thực trạng phát triển đô thị Quy Nhơn. Cấu trúc giao thông đối ngoại và giao thông nội bộ chồng chéo, chưa được tách biệt gây ảnh hưởng an toàn giao thông và ảnh hưởng môi trường. Đặc biệt, hiện nay khối lượng hàng hóa thông qua cụm cảng Quy Nhơn đã vượt quá quy mô quy hoạch năm 2004, đang gây áp lực lên hệ thống giao thông đối ngoại và nội bộ của đô thị. Hiện nay dự án đường cao tốc Quốc lộ 19 và đường ven biển quốc gia chuẩn bị đầu tư xây dựng qua địa bàn thành phố Quy Nhơn cũng có tác động nhất định đến cấu trúc đô thị.

  • Mạng lưới cáp điện và cáp viễn thông chưa được ngầm hoá từng bước gây ảnh hưởng xấu đến mỹ quan đô thị.

  • Giải pháp tổ chức về nhà ở chỉ chú trọng phân lô bán nền, nhà ở riêng lẻ tự xây là chủ yếu, quỹ đất để phát triển các dự án nhà ở, dự án khu đô thị mới còn hạn chế là một trong những nguyên nhân làm cho kiến trúc đô thị còn nhiều hạn chế, thiếu bản sắc.

  • Là đô thị biển, chịu tác động trực tiếp bởi hạ lưu 2 dòng sông lớn của tỉnh là sông Hà Thanh và sông Côn. Do đó, trong bối cảnh hiện nay và lâu dài, vấn đề về biến đổi khí hậu là một yếu tố tác động cơ bản đối với thành phố Quy Nhơn. Bên cạnh đó, đồ án quy hoạch chung xây dựng thành phố Quy Nhơn năm 2004 tập trung phát triển đô thị tại khu vực Nhơn Bình và Nhơn Phú của thành phố chưa tính toán hết tác động của lũ lụt, vì vậy cần phải nghiên cứu quy hoạch theo hướng hạn chế xây dựng, ưu tiên cho các hành lang thoát lũ.

  • Việc mở rộng địa giới hành chính của thành phố Quy Nhơn là hết sức cần thiết để bố trí các khu chức năng mà trong địa giới hành chính hiện nay không thể thực hiện được như: Công trình giao thông đầu mối, công trình xử lý vệ sinh môi trường, công trình về kho tàng, các công trình về an ninh quốc phòng…

  • Trong những năm gần đây, các phương pháp, quan điểm về quy hoạch đô thị lớn và cực lớn trong nước và thế giới xuất hiện như: Quy hoạch cấu trúc, quy hoạch chiến lược, tính cạnh tranh của đô thị, bản sắc đô thị…Vì vậy việc điều chỉnh Quy hoạch thành phố Quy Nhơn là cần thiết để đảm bảo phát triển bền vững và có chiến lược hợp lý.

  • Việc thành phố Quy Nhơn được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, tuy nhiên còn một số chỉ tiêu chưa đạt cần phải bổ sung hoàn chỉnh như: Quy mô dân số, kết cấu hạ tầng…

Từ các đánh giá ban đầu về thực hiện quy hoạch chung xây dựng thành phố Quy Nhơn, cho thấy việc lập điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng thành phố Quy Nhơn đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 là hết sức cần thiết để đạt đến mục tiêu chung là đảm bảo chiến lược phát triển dài hạn của đô thị một cách bền vững và có bản sắc.

Các nội dung dự kiến điều chỉnh:

1. Quan điểm quy hoạch:

- Phù hợp quy hoạch vùng Quốc gia, quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh, quy hoạch các ngành kỹ thuật hạ tầng - vệ sinh môi trường. Phù hợp với xu thế hợp tác trong khu vực Đông Nam Á và xu thế cạnh tranh toàn cầu.

- Quy hoạch phải kế thừa kết quả của quy hoạch năm 2004 đã được phê duyệt đồng thời phải bổ sung các yếu tố mới, điều chỉnh các vấn đề còn vướng mắc.

- Quy hoạch xây dựng phải khoa học, áp dụng phương pháp lập quy hoạch xây dựng tiên tiến phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán của địa phương.

- Quy hoạch xây dựng phải gắn với bảo đảm an ninh Quốc phòng.

2. Mục tiêu quy hoạch: Mục tiêu lâu dài là phát triển đô thị bền vững, hiện đại, có bản sắc. Trước mắt xác định các mục tiêu như sau:

a) Giai đoạn đến năm 2030:

- Đến 2030: Thành phố Quy Nhơn là một trong 12 đô thị trung tâm vùng của hệ thống đô thị quốc gia, có quy mô dân số dưới 1 triệu người, có nền kinh tế phát triển theo định hướng: Công nghiệp-cảng biển-du lịch và dịch vụ; có hệ thống hạ tầng kỹ thuật (HTKT) và hạ tầng xã hội (HTXH) đồng bộ.

- Tập trung xây dựng và khai thác tốt các chức năng của Khu kinh tế Nhơn Hội; phát triển nhanh Cụm cảng biển Quy Nhơn đạt quy mô 30-40 triệu tấn hàng hóa qua cụm cảng/năm; chú trọng phát triển du lịch như một ngành kinh tế mũi nhọn. Nâng cao năng lực của hệ thống giáo dục – đào tạo, khám chữa bệnh ngang tầm vùng miền Trung, xây dựng các trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ; phát huy vai trò trung tâm thương mại - dịch vụ phục vụ cả tiểu vùng.

- Từng bước mở rộng địa giới hành chính đô thị để đáp ứng nhu cầu phát triển; chú ý cải tạo và xây dựng mới hệ thống giao thông đô thị tương xứng với nhịp độ phát triển; từng bước xây dựng đồng bộ các hệ thống HTKT và HTXH đô thị.

Xây dựng bộ mặt kiến trúc đô thị hiện đại, có bản sắc; bảo vệ các di tích văn hoá - lịch sử - danh thắng, giữ gìn và tôn tạo cảnh quan thiên nhiên và cảnh quan nhân tạo. Chú ý bảo vệ môi trường sinh thái và tác động của biến đổi khí hậu trong những năm sắp đến.

b) Tầm nhìn đến năm 2050:

- Đến 2050, thành phố Quy Nhơn là thành phố lớn, quy mô dân số hơn 1 triệu người, có vị trí quan trọng trong hệ thống đô thị quốc gia và có ảnh hưởng trong khu vực Đông Nam Á, đóng vai trò là 1 trong những trung tâm phát triển chính của khu vực Nam Trung bộ, có sức thu hút đầu tư lớn và phát triển quan hệ hợp tác quốc tế trên một số lãnh vực như du lịch - giáo dục - y tế- môi trường - phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao...

- Thành phố Quy Nhơn là đô thị biển có bản sắc riêng, có môi trường và chất lượng sống tốt - kinh tế phát triển - môi trường được bảo vệ. Du lịch - dịch vụ và cảng biển quốc tế là 2 mũi nhọn phát triển kinh tế chủ yếu của thành phố. Quy Nhơn cần khai thác tốt vai trò là đầu mối giao thông (cảng biển, cảng hàng không, đường bộ, đường sắt…) để phục vụ nhiệm vụ phát triển khu vực.

- Một số vấn đề cần nguyên cứu ổn định và có tính chiến lược đến năm 2050 là:

+ Hệ thống giao thông.

+ Môi trường và cảnh quan thiên nhiên cần được bảo vệ.

+ Nhà ở.


+ Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống địa phương.

+ Đề xuất không gian đô thị đến năm 2050.


Trên đây là các nội dung chính báo cáo làm rõ các nội dung về việc xin chủ trương lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Quy Nhơn đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, UBND tỉnh kính đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

Nơi nhận: TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

- Như trên; PHÓ CHỦ TỊCH

- Bộ Xây dựng;

- CT, các PCT UBND tỉnh;



  • UBND thành phố Quy Nhơn; (đã ký)

  • Sở Xây dựng;

  • Lãnh đạo VP UBND tỉnh;

  • Lưu: VT; K14.

Hồ Quốc Dũng



TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

Hồ Quốc Dũng







tải về 37.6 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương