TÂm lý VÀ HÀnh đỘng của con ngưỜI



tải về 43.88 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích43.88 Kb.
#31199
TÂM LÝ VÀ HÀNH ĐỘNG CỦA CON NGƯỜI

» Tác giả: Huy Lực Bùi Tiên Khôi
» Dịch giả:
» Thể lọai: Tùy bút/Tản mạn/Tiểu luận
» Số lần xem: 9136


1. TÂM LÝ VÀ HÀNH ĐỘNG CỦA CON NGƯỜI

Tiến Sĩ Bùi Tiên Khôi
(Sugar Land, Texas. USA)

Dâu bể đời người biến đổi thay
Đầu xanh thoắt bạc có ai hay
Trăm năm cuộc sống là bao nhỉ
Gởi lại đời sau chuyện kiếp này…
Huy Lực
Con người trên cõi đời nầy, nhiều lúc chúng ta có những cử chỉ hành vi hành động thật kỳ cục khó hiểu. Người đầu tiên viết sách để nghiên cứu những xúc động, hành vi hành động của con người là ông Charles R. Darwin, quyển “The expression of emotion in man and animals” xuất bản năm 1872, từ đó đến nay hơn 136 năm trôi qua, đã có hàng trăm cuốn sách của những nhà tâm lý học, sinh lý học phân tích nghiên cứu về cử chỉ hành vi hành động của con người.
Trong hồi ký Khrusev vừa mới xuất bản cho biết: “trong đệ nhị thế chiến, Stalin hoàn toàn tin tưởng ông đã làm mọi cách và chắc chắn trăm phần trăm là cuộc xâm lăng của quân Đức vào Liên Xô sẽ không bao giờ xảy ra. Nên đêm 22 tháng 6 năm 1941, khi biết quân Đức đã tấn công Liên Xô ngoài dự liệu của mình, Stalin đã nổi trận lôi đình, ngôn ngữ thô bạo tục tằn trước mặt các tướng lãnh cao cấp tại Bộ Quốc Phòng. Stalin đã hoàn toàn mất tự chủ, ông la hét hỗn loạn trong trạng thái thất thần cực kỳ kinh hãi; sau đó bỏ trốn về dinh thự riêng uống rượu say li bì quên trời đất, không biết mình là ai nữa cho đến ngày 30 tháng 6. năm 1941, tám ngày sau mới tỉnh dậy điều hành quốc gia”.
Gần đây hơn, ông Nicolas Sarkozy vừa mới đắc cử vị Tổng thống Pháp đầu tiên đến nghỉ hè tại New Hampshire, Hoa Kỳ, vì muốn tỏ dấu hiệu cải thiện mối bang giao để cảm ơn Hoa Kỳ đã giải phóng Pháp Quốc trong đệ nhị thế chiến. Chuyến nghỉ hè quốc gia thân hữu nầy đã làm các đảng phái đối lập tức giận phản đối ông đã phá cái không khí chống Mỹ của chính phủ tiền nhiệm. Trong trạng thái bất an như vậy, ngày 02 tháng 8 năm 2007, trên chiếc du thuyền sang trọng của tỷ phú bạn ông, Tổng thống Pháp bất ngờ thấy hai nhiếp ảnh viên của hảng thông tấn AP đuổi bám theo riết để chụp hình, ông đã mất tự chủ vô cùng tức giận nhảy qua chiếc thuyền máy của hai nhiếp ảnh viên; Tổng thống Pháp đã la hét chửi thề tục tỉu, hành động và ngôn ngữ cực kỳ khiếm nhã không xứng đáng với cương vị Tổng thống của một quốc gia có nền văn minh lâu đời.
Tại Á Châu, Nhật Bản, Thủ tướng Yasuo Fukuda, được biết là người trầm tỉnh, tự chủ, ít biểu lộ cảm xúc. Thế mà ngày 16 tháng 01 năm 2008, khi được phúc trình một nhân viên trong văn phòng nghiên cứu tình báo của Chính Phủ đã chuyển tài liệu tối mật cho gián điệp Nga, Thủ tướng Fukuda đã cực kỳ tức giận không kiềm chế được nữa, hét lên, da mặt đột nhiên tím ngắt ngồi chết cứng trong ghế Chủ toạ Hội đồng nội các.
Tổng thống Bill Clinton là nhà chính trị có biệt tài về nghệ thuật, chinh phục cảm tình của quần chúng để vượt qua những khó khăn trở ngại chống đối gây ra bởi những tai nạn “hồng nhan hoạ thuỷ”, do cái tật đào hoa thích gái đẹp của ông. Ông Clinton hay nháy mắt với người đối diện như một cử chỉ mời gọi sự thông cảm, nhất là mắt trái như một hành vi tình cảm chia xẻ và đồng thuận.
Nhiều nhà tâm lý học nhận xét cho rằng: “Kẽ nào nháy mắt trái, kẽ ấy là người sáng tạo phong phú, dồi dào tình cảm, người ấy dễ làm bạn với chúng ta hơn”. Khi Tổng thống Bill Clinton ra điều trần trước quốc hội, các nhà tâm lý học theo dõi ông kỹ lưỡng, khi ông đặt hai cùi chỏ tay lên bàn và chồm người về phía trước, đó là động tác trong thế tự vệ để bất ngờ ông đưa ra một chiêu diển dịch mong kéo cử toạ về phe phía mình. Đôi lúc Clinton lấy hai ngón tay xoa đầu mũi, các nhà sinh lý học cho rằng lúc bấy giờ Tổng thống đang bối rối, đang lếu láo nói dối, vì khi nói láo máu dồn mạnh xuống đầu mũi ngưa ngứa và trong một hành vi vô thức, Tổng thống lấy tay vuốt nhẹ mũi chơi. Cử chỉ Tổng thống lấy tay vuốt nhẹ mũi chơi trước hàng chục triệu người đang chăm chú theo dõi quan sát, tạo ra một hoạt cảnh hài hước để đời nhưng vô hại, ngược lại có những hành động bất chợt ngoài sự kiềm chế gây ra rắc rối cho đời.
Giáo sư tâm lý học Abraham H. Maslow người Hoa Kỳ đã giải thích chứng minh hành vi của con người theo một công thức như sau:
B = f(PE)
(B là hành vi, P là nhu cầu tâm lý cá nhân, E là hoàn cảnh ngoại giới khách quan, f là ký hiệu hàm số)
Công thức nầy nói rõ hành vi B của con người là hàm số của nhu cầu tâm lý P và hoàn cảnh E lúc đó. Khi nhu cầu tâm lý lên quá cao độ, trong hoàn cảnh ngoại giới ngột ngạt sôi sục, con người không còn chế ngự được hành vi của mình nữa, và có những hành động bất bình thường vượt ra ngoài khuôn khổ luận lý của cuộc đời.
Tại giải bóng đá thế giới năm 2002 giữa đội bóng hai quốc gia Tây Ban Nha và Ái Nhĩ Lan trên vận động trường Suwon, Hàn Quốc, ngày 16 tháng 6, năm 2002, Tây Ban Nha dẫn trước Ái Nhĩ Lan 1-0, và chỉ còn không đầy một phút nữa trận đấu kết thúc, hàng trăm ngàn người Tây Ban Nha hân hoan xoa tay sắp sửa đi lãnh tiền thắng cá độ, thì bất ngờ Ái Nhĩ Lan được hưởng một quả phạt cách khung thành khá xa, không có gì quá nguy hiểm. Tiền đạo số 17 Ái Nhĩ Lan Niall Quinn chạy qua lại trong vùng cấm địa để hy vọng mong manh dùng đầu đưa banh vào lưới và trung vệ số 6 Fernando Hierro của Tây Ban Nha được lệnh bám sát truy cản. Trong một hoàn cảnh cực kỳ căng thẳng, trung vệ Tây Ban Nha Hierro nắm áo tiền đạo Ái Nhĩ Lan Quinn giật mạnh trước hàng trăm triệu đôi mắt chứng kiến, và trọng tài Anders Frisk người Thụy Điển thổi còi cho đội Ái Nhĩ Lan hưởng quả phạt đền (penalty). Cầu thủ Robbie Keane của Ái Nhĩ Lan đã đá banh vào lưới gỡ hòa 1-1 ở phút 90, dân chúng Tây Ban Nha đã không bao giờ quên hành động điên rồ nầy của Hierro, dầu sau 30 phút đấu thêm hai bên vẫn hoà và cuối cùng để phân thắng bại bằng đá phạt đền, Tây Ban Nha đã thắng Ái Nhĩ Lan 3-2.
Tôi và tất cả những người Việt Nam Tự Do cũng không bao giờ quên được câu nói của ông Henry A. Kissinger, Tổng trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ thốt lên vào đầu tháng Tư năm 1975: “Tại sao họ không chết đi nhanh chóng cho xong việc. Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là họ cứ tồn tại sống còn dai dẳng”.
Họ ở đây là dân tộc Miền Nam Việt Nam Tự Do; họ là Nước Việt Nam Cộng Hoà. Mặc dù Henry Kissinger, người Do Thái sinh ra ở Đức, vào quốc tịch Hoa Kỳ khi 15 tuổi, tốt nghiệp văn bằng Tiến sĩ tại đại học Harvard lúc 21 tuổi, đã sử dụng công thức tâm lý học của giáo sư Abraham Maslow để phân trần mong được chia xẻ cảm thông.
Năm 1984, tôi được thành phố Houston bầu vào danh vị Houston’s Poet Laureate, Nhà thơ Công Huân Danh Dự của thành phố lớn thứ Tư tại Hoa Kỳ. Một buổi lễ vinh danh có sự tham dự hàng ngàn nhân vật từ khắp các tiểu bang ở Hoa Kỳ đã được long trọng tổ chức để chào mừng Houston’s Poet Laureate, trong số quan khách có ông Ronald Harold Nessen. Ông là Tuỳ viên Báo chí và Phát ngôn viên của Tổng thống Gerald R. Ford trong những năm 1974-1977, năm 1984 ông là nhà báo chuyên nghiệp thường hay đi thuyết trình tại các Đại học. Ông mang tặng tôi ba quyển sách do ông viết: The Hour; The First Lady và nhất là quyển thứ ba “It sure looks different from the inside” xuất bản năm 1978. Với cấp bậc ngang hàng Tổng trưởng và là Phát ngôn viên của Tổng thống, ông Nessen đã tiết lộ những chuyện đau lòng đứt ruột từ bên trong hậu trường sân khấu chính trị Hoa Kỳ vào thời gian hấp hối của Việt Nam Cộng Hoà tháng 3, tháng 4 năm 1975.
Từ trang 98 đến 100 của quyển “It sure looks different from the inside” ông Nessen đã mô tả rõ con người Kissinger. Trong một buổi họp đầu tháng 4 năm 1975 với Tổng thống Ford, Đại tướng Fred Weyand đã yêu cầu viện trợ khẩn cấp 722 triệu mỹ kim cho Việt Nam Cộng Hoà và dùng máy bay B52 oanh tạc trở lại, Kissinger đã đưa ra ý kiến trái ngược ngăn cản. Và sau buổi họp, trên đường đi ra gặp gỡ phái đoàn báo chí, Ông ngồi trên xe tinh thần căng thẳng, lo âu chuẩn bị cho những câu hỏi hiểm hóc của những phóng viên thông minh, bén nhạy nhất, Kissinger lại rền rĩ ai oán thốt lên: “Tại sao họ không chết đi nhanh chóng cho xong việc. Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là họ cứ tồn tại, sống còn dai dẳng”.
Trong gần 04 năm, Kissinger chạy đôn đáo điều đình khắp nơi để ký Hiệp định Ba Lê (Paris) rút quân đội Mỹ về nước cho xong việc, đã có thêm 15 ngàn người Mỹ thiệt mạng và 350 ngàn gười Việt Nam hy sinh. Và từ khi Hiệp định Ba Lê ký kết, đến cuối tháng 4-1975, trong 27 tháng đó, khoảng thời gian coi được để đổ lỗi cho Việt Nam Cộng Hoà đã tự mình thua trận, lại có hơn 200 ngàn ngưòi Việt nữa tử thương; 550 ngàn con người đã chết đi cho xong công việc ở Việt Nam để chính sách Hoa Kỳ chuyển hướng về vùng Trung Đông. Ôi! một câu nói quá tàn nhẫn độc ác của một con người!
Tôi đã đem điều nầy hỏi ông Kissinger vào năm 1987 tại văn phòng tư vấn quốc tế, một công ty tư nhân do ông sáng lập và điều hành tại thành phố Nữu Ước, ông lại viện dẫn công thức tâm lý Abraham Maslow, phải đưa câu nói của ông trở về với hoàn cảnh ngột ngạt lúc đó, và hiểu cho rằng đôi lúc ngôn ngữ và hành vi của mình không còn chế ngự được nữa.
Và tôi đã hết sức thành thật nói với ông Kissinger rằng tôi đã hoàn toàn không cố ý hất cả một ly nước đầy vào người Kissinger trong cuộc gặp gỡ lần thứ hai tại vận động trường Cotton Bowl, thành phố Dallas, xế chiều ngày 27-6-1994. Năm đó, giải Bóng đá Thế giới được tổ chức tại Hoa Kỳ, Henry Kissinger được mời làm Chủ Tịch Danh Dự. Henry Kissinger là người say mê môn bóng đá và ủng hộ đội bóng Đức Quốc hết mình, còn tôi lại nhiệt liệt hỗ trợ đội bóng Đại Hàn Dân Quốc. Do sự sắp xếp tình cờ của ban tổ chức, chúng tôi ngồi gần bên nhau. Ở phút 52 của trận đấu, khi cầu thủ Hàn Quốc Hwang Sun Hong trong một đường banh ngoạn mục tung lưới Đức Quốc, trong một nỗi vui mừng vô tả, tôi đã tung mạnh đôi tay để hoan hô, vô tình hất cả ly nước đầy vào người của Kissinger. Dầu sự thiệt hại chỉ là ướt áo, chứ không phải mạng người, nhưng tôi đã lịch sự xin lỗi vì hành vi không kiểm soát được của mình.
Phải nói rõ rằng trong công thức của Abraham Maslow, nhu cầu tâm lý của cá nhân cầu thủ Fernando Hierro khác nhiều với tôi, một ẩn ức tâm lý não nề, thảm thiết với hằng trăm ngàn mạng sống, đè nặng, ray rứt quá đau đớn sâu xa trong tiềm thức, khi vô thức vùng lên hất tung ly nước; cũng chính cá nhân tôi nhu cầu tâm lý khác xa trong câu chuyện về casino và đàn bà.
Trong quyển sách “No more Vietnams” do Tổng Thống Richard Nixon viết, xuất bản năm 1985, ông Nixon nhiệt liệt ca ngợi thành tích cải cách điền địa, một cuộc cách mạng nhân bản trong chương trình “Người cày có ruộng” của Chính Phủ Việt Nam Cộng Hoà. Từ năm 1970 đến năm 1973 chương trình nầy đã cấp phát 03 triệu 285 ngàn mẫu tây đất cho trên 990 ngàn nông dân; có nghĩa là 90% ruộng canh tác lúc bấy giờ đã thuộc quyền sở hữu của người nông dân đang thực sự cày cấy trên thửa ruộng của chính mình. Theo tài liệu thống kê của Học Viện Nghiên Cứu Phát Triển Nông Thôn (Rural Development Institute) thì năm 1975 miền Nam Việt Nam có một nền nông nghiệp rất cao so với miền Bắc Việt Nam. Hơn 80% các hộ nông dân nhờ “Chương trình Người Cày Có Ruộng” đã được tư sản hoá trở thành trung nông, cơ giới hoá nông nghiệp khá phát triển với sự trợ giúp hữu hiệu của hệ thống Ngân Hàng Phát Triển Nông Thôn; sản lượng lúa gạo đã gia tăng 30%; đời sống nông dân thực sự cải thiện sung túc thấy rõ.
Tôi đã chính tay đặt bút ký trên gần 950 ngàn tờ chứng khoán sở hữu chủ đất đai. Một trong những người cùng chung làm việc vất vả trong thời gian bốn năm nầy tại Bộ Canh Nông và Điền Địa, nay được gặp lại ở thành phố Houston là Kỹ sư Phi Ngọc Huyến, Tổng Thanh Tra Điền Địa.
Phi Ngọc Huyến là người đã bỏ nhiều thì giờ nghiên cứu môn roulette tại các casino. Môn chơi roulette theo truyền thuyết, do nhà toán học Pascal sáng chế vào thế kỷ XVII, trong Pháp ngữ chữ roulette có nghĩa là bánh xe nhỏ. Môn chơi roulette có nhiều cách đánh, Phi Ngọc Huyến chỉ chọn một lối đánh gọi một cách hoa mỹ là “đưa Tào Tháo vào hai tử lộ trên ngã ba đường chạy trốn”.
Một bàn roulette gồm 36 ô được ghi số ô từ số 01 đến số 36 và một ô ghi số 0, như vậy tổng cộng là 37 ô; Phi tiên sinh nhấn mạnh chỉ chơi những bàn roulette có một ô số 0 mà thôi, để hạ tỷ số có lợi cho sòng bạc xuống còn 2.63%. Giả thiết trái banh nhỏ đươc quăng ra rơi liên tiếp 4 lần vào những ô từ số 01 đến 12, đệ nhất 12 số, thì lần thứ 5 cơ hội quả banh sẽ rơi vào những ô đệ nhị 12 số (từ số 13 đến số 24) hoặc đệ tam 12 số (từ số 25 đến số 36) xác suất lên đến 92%, do đó chúng ta đặt tiền vài hai mặt đệ nhị và đệ tam, sự thắng lợi nghiêng về phía ta lên đến 92%. Nhà toán học Pascal tạo ra môn chơi nầy để dành cơ hội cho những người biết suy tính và kiên nhẫn, đồng thời gián tiếp nhắn nhủ rằng chỉ có những người biết suy tính và kiên nhẫn, không có máu cờ bạc, mới nên thăm viếng casino.
Nắm vững nguyên tắc nầy, trong những chuyến du lịch hai gia đình đi chung với nhau, tôi và Phi Ngọc Huyến đã chiến thắng trên chiến trường roulette khắp mọi nơi, từ Las Vegas, Atlantic City, Niagara đến Âu Châu Monaco. Khi đã bắt được hơn 10 ngàn binh Tào Tháo rồi, chúng tôi quyết dàn ra một trận đánh lớn “trên sông Xích Bích để đốt râu Tào Tháo”. Một ngày mùa Hè vào năm 1998, chúng tôi mang 10 ngàn đô la đã chiến thắng tại các casino theo công thức của Phi Ngọc Huyến, đến casino ở Louisiana. Sau ba giờ quan sát thấy người quăng đều đặn, tôi chờ quả banh nhỏ vô liên tiếp 5 lần vào những ô từ số 01 đến số 12; đệ nhất 12 số; cơ hội đã đến, bất ngờ cùng lúc đó một người con gái Việt Nam tiến lại đứng sát bên tôi, nhìn tôi đánh lớn trong bàn roulette nầy. Tôi rút 10 ngàn đô la bằng chip đặt hai mặt đệ nhị 12 số và đệ tam 12 số, mỗi bên 5 ngàn đồng. Tinh thần căng thẳng cực độ, tôi nhắm mắt nghe tiếng động quả banh nhỏ lăn tròn trên bàn roulette và một bàn tay vô tình nắm chặt bâu áo cô gái đứng sát bên lúc nào không hay biết. Khi cô gái thét lên: “Chú thắng rồi”, bàn tay tôi vô tình giật mạnh xé toang áo tơ lụa mỏng manh của cô gái, nhưng may mắn thay cô gái đó có mặc đồ lót để che tấm ngực trần.
Công thức nổi tiếng của Abraham Maslow chẳng những giải thích đúng những hành vi vô thức không kềm chế được, chẳng những cảnh cáo những người có nhu cầu tâm lý đam mê cờ bạc sẽ không còn chế ngự hành vi của mình được nữa khi đến casino, mà còn khuyên chúng ta hãy tập thích ứng với hoàn cảnh ngoại giới để giữ hành động chúng ta hướng về khía cạnh tốt, khí cạnh tích cực của cuộc sống, để tin vui yêu đời:
Bốn nguồn vui lớn
Bốn nguồn vui lớn trong đời
Một vui biết đủ thảnh thơi tháng ngày
Hai vui học được điều hay
Ba vui hữu ích ra tay giúp người
Bốn vui tiếp xúc tươi cười
Mỗi ngày thêm bạn với lời thương yêu….

Huy Lực Bùi Tiên Khôi
Vẫn theo công thức của Abraham Maslow, để hướng dẫn mọi hành vi hành động hằng ngày của chúng ta nhắm về phía tươi đẹp của cuộc sống, ta phải tạo ra một nhu cầu tâm lý bằng quả tim reo vui yêu đời cho đến phút cuối.
Yêu đời vô hạn
Một mai đến bạn chào tôi vĩnh biệt
Xin nhớ rằng vài phút trước đây thôi
Quả tim hồng tươi thắm của thân tôi
Vẫn thổn thức thương yêu đời vô hạn….

Huy Lực Bùi Tiên Khôi



tải về 43.88 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương