Kinh quán vô LƯỢng thọ Đời Lưu Tống, Ngài Cương-Lương Gia-Xá Dịch Việt Dịch : Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Phật Học Viện Quốc Tế Xuất Bản pl 2526 1982



tải về 243.73 Kb.
trang1/4
Chuyển đổi dữ liệu13.05.2018
Kích243.73 Kb.
#38296
  1   2   3   4
KINH QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ 
Đời Lưu Tống, Ngài Cương-Lương Gia-Xá Dịch


Việt Dịch : Hòa Thượng Thích Thiền Tâm
Phật Học Viện Quốc Tế Xuất Bản PL 2526 - 1982

---o0o---

Nguồn

http://www.thuvienhoasen.org

Chuyển sang ebook 14-6-2009

Người thực hiện : Nam Thiên - namthien@gmail.com

Link Audio Tại Website http://www.phatphaponline.org
Mục Lục

Lời Tựa

Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Kinh Sớ

I- Phần Tự

II - Phần Chánh Tông

Mười Sáu Phép Quán

1.Quán Sát Mặt Trời Sắp Lặn (Nhật Quán)

2. Quán Nước Ðóng Thành Băng (Thủy Quán)

3. Quán Cảnh Tướng Trên Dưới Ðất Lưu Ly (Bảo Ðịa Quán)

4. Quán Tưởng Cây Báu (Bảo Thọ Quán)

5 - Quán Ao Nước Bát Công Ðức  (Bảo Trì Quán)

6. Quán Chung Về Ðất Cây, Ao, Lầu Báu (Tổng Tướng Quán)

7- Quán Tưởng Tòa Sen (Hoa Tòa Quán)

8- Quán Tưởng Phật và Bồ Tát (Tưởng Quán)

III - Phần Lưu Thông


---o0o---


Lời Tựa


Bản hoài ra đời của Đức Phật, là muốn cho tất cả chúng sanh thoát ly biển trầm luân, bước lên bờ diệu giác, được hưởng sự an vui giải thoát như Ngài. Nhưng bởi chúng sanh có nhiều bệnh, nên Phật Pháp cũng có nhiều phương, mà tổng yếu không ngoài hai môn : Tự Lực và Tha Lực. Tự lực là môn phổ thông, Tha lực là môn đặc biệt vì do nhờ sức Phật nhiếp trì tiếp dẫn, nên dù hoặc nghiệp chưa tiêu cũng được bước ngay lên hàng bất thối.

Tịnh Độ Giáo chính là pháp môn tha lực rất hợp thời cơ, và có lợi ích cho nhân loại giữa thời mạt pháp này. Nhưng vì bản môn tuy dễ tu dễ chứng, song cũng khó nói khó tin, nên người học Phật chưa thâm, hoặc thiếu tín căn về tịnh độ, thường hiểu lầm cho là pháp thí dụ, hay nếu có giải thích thì cũng lạc vào tà chấp của thiên không. Để đánh tan mối tệ sai lầm ấy và đem lại sự lợi ích cho người tu, bút giả duyệt trong đại tạng, dung hội và trích yếu phần chú sớ của các Ngài Thiên Thai, Thiện Đạo, Nguyên Chiếu, mà ghi lại lời giải thích bổn kinh Quán Vô Lượng Thọ này. Xin nhấn rõ, trong đây toàn lời sớ giải của ba vị tổ sư trên, bút giả chỉ là người sưu tập và ghi chép mà thôi. Việc làm này không ngoài chủ ý muốn giữ lòng tin cho người học Phật và để biện minh rằng chư cổ đức đều công nhận cõi Cực Lạc có thật, đã giải thích về tịnh độ với luận cú sự lý viên dung, chớ không như một ít kẻ nông cạn, chỉ y theo thiên kiến sai lạc của mình rồi lý thuyết hóa cõi Cực Lạc đâu, xin mượn lời ngài Nguyên Chiếu mà tự trần thuật rằng :

An Dưỡng sạch vui, câu hội người lành bậc thánh. Ta Bà nhơ khổ, luân hồi sáu nẻo ba đường! Thế thì chốn gai bùn thai ngục, nên gắng chí để xa lìa; nơi báu đẹp kim trì, phải đem tâm mà nguyện đến. Giọng triều âm khen ngợi, đã thấy khắp kinh văn. Những tịnh chúng sanh về, hãy còn ghi sử sách. Chỉ có trí người hôn muội, hết nghi bán, lại suy lầm. Khiến nỗi lòng Phật từ bi, chút bản hoài hằng khó tỏ! Thôi thì, ai người tín hướng nên quyết chí phụng hành, nào kẻ hữu duyên hãy gắng tu chánh trợ. Hoặc xưng danh quán tưởng, trì chú, tụng kinh; hoặc giữ giới tu trai, sám hối, bố thí. Nếu quả Tâm chuyên gắng, mới hay duyên phước muôn ngàn. Và chư niệm niệm nối nhau sẽ thấy an vui không tận.

Riêng mình từ trước, đã mến tịnh tông. Đang lo muôn kiếp nghiệp phù binh, bỗng găp môn lành thuyền tế độ. Nỗi thương nỗi cảm, trông vời khổ hải luống than thầm. Thoạt tủi thoạt mừng, mới biết dư sanh còn chỗ tựa! Do đó tham tầm kinh tạng, khảo hội sớ văn, lấy yếu bỏ phiền, ghi lời chú giải. Thuật mà chẳng tác, dám đâu trái với cổ ngôn. Trọng ý quên lời, xin thể theo gương chỉ nguyệt, tấc lòng trân kính dâng bạn đồng tu.



Liên Du

---o0o---


Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Kinh Sớ


Trước khi giải kinh này, xin dùng năm nghĩa : Danh, Thể, Tông, Dụng, Giáo để phân định :

1- Thích Danh : Danh đề Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Kinh Sớ, nếu nói theo tiếng Việt chính là : Lời Giải Kinh Phật Nói Quán Vô Lượng Thọ.

Về Lời Giải, phần sớ văn trong đây y theo nguyên tác của ba Ngài: Thiên Thai, Thiện Đạo, Nguyên Chiếu, bớt chổ phiền, lựa điểm yếu mà trích lục ra.

Kinh có nghĩa: Thường Pháp hay Khế Pháp. Thường Pháp là pháp chư Phật, thánh nhơn trong ba đời thường nói. Khế pháp là pháp ấy hợp với chân lý, thời tiết, nhân duyên, và căn tánh của chúng sanh.

Phật, nói cho đủ là Phật Đà, có nghĩa; giác ngộ. Sự giác ngộ này lại gồm 3 nghĩa: tự giác ngộ, giác ngộ cho người, và hạnh giác ngộ đã đầy đủ. Danh từ Phật trong đây chỉ cho đức Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn. Kinh điển của thánh giáo, đại khái do năm bậc là : Phật, các Thánh đệ tử, Thiên Tiên, Quỷ Thần, và Hóa Nhơn nói ra. Trong đây gọi Phật nói là để giản biệt với bốn bậc kia, và chính đức Phật đã vì bà Vi Đề Hy cùng quyến thuộc, nói ra kinh này ở cung vua Tần Bà Sa La.

Quán nghĩa là soi. Người tuy theo lời Phật dạy, dùng trí huệ thanh tịnh cùng sức tín nguyện của mình soi rõ chính báo, y báo cõi Cực Lạc, gọi lá (Quán). Tịnh độ giáo có bốn pháp tu là: Quán Tướng, Quán tượng, Trì Danh và Thật Tướng. Kinh này phần chánh yếu dạy về Quán tưởng môn. Sự Quán tưởng trong đây có hai phần: Chánh báo và Y báo. Phần Chánh báo có hai : Chủ trang nghiêm và Thánh chúng trang nghiêm. Chủ trang nghiêm là đức Phật A Mi Đà. Thánh chúng trang nghiêm là hai vị Bồ Tát đó là Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, chư thượng thiện hiện đang ở Cực Lạc, cùng hải chúng khắp mười phương sanh về. Phần y báo có ba: Địa hạ trang nghiêm, Địa thượng trang nghiêm, và Hư Không trang nghiêm. Địa hạ trang nghiêm là là sự trang nghiêm ở dưới bảo địa cõi Cực Lạc, như tất cả tràng báu cùng ánh sáng chói suốt lẫn nhau. Địa thượng trang nghiêm là sự trang nghiêm nơi mặt đất, như bảo địa, bảo trì, bảo lâu, bảo thọ cùng các thứ câu lơn, đài báu... Hư Không trang nghiêm là sự trang nghiêm ở hư không, như hóa cầm, lâu các, lưới báu, linh ngọc, âm nhạc, gió, ánh sáng... Ba thứ trang nghiêm trên đây đều là thắng tướng nhiệm mầu nơi cõi Cực Lạc.

Vô Lượng Thọ là dịch âm của danh từ Phạn ngữ A Mi Đà ( AMiTa ) chỉ cho ý nghĩa: sự sống không lường. Câu Nam Mô A Mi Đà Phật, nếu phiên âm từng chữ theo Hán việt thì là : Quy mạng Vô Lượng Thọ Giác, tức chỉ cho ý nghĩa: (xin nương về đấng giác ngộ có sự sống không lường). Trong đây nói Quán Vô Lượng Thọ là mật ý muốn cử chánh báo để gồm y quả, thuật hóa chủ để kiêm đồ chúng: cho nên tuy nội dung có mười sáu pháp quán mà chỉ nói Phật là đã đầy đủ. Vì thế nên gọi: Phật nói Quán Vô Lượng Thọ.



2- Biện Thể : Thể là chủ chất. Thích Luận nói: (Trừ thật tướng của các pháp, ngoài ra tất cả đều là ma sự ). Các kinh Đại thừa đều lấy thật tướng làm tâm ấn, dùng vô lượng công đức để trang nghiêm, vô lượng hạnh nguyện làm chỗ qui thú. Vậy kinh này lấy thật tướng làm thể.

3- Minh Tông : Tông có nghĩa là cội gốc, là nguồn mối: như ngôi nhà có kèo cột, chiếc áo có cái bâu. Do tông chỉ không đồng, nên giáo pháp có lớn nhỏ. Như các kinh tiểu thừa, tông chỉ phần nhiều đi về chổ siêu thoát, ba cõi, tu chứng nhơn không. Các kinh đại thừa, như kinh Duy Ma thì lấy Bất tư nghì giải thoát làm tông; Kinh Đại Bát Nhã làm không huệ làm tông. Kinh này lấy Quán Phật tam muội hay niệm Phật tam muội làm tông.

4- Thuyết Dụng: Dụng tức là lực dụng hay công đức của kinh. Các kinh hay khiến cho chúng sanh được sự trừ ác sanh thiện, nên gọi là lực dụng, là công đức. Nếu phân tích ra, thì công năng trừ ác gọi là ( lực ). Sanh thiện gọi là ( Dụng ); trừ ác gọi là ( công ), sanh thiện gọi là ( đức ). Kinh này hay khiến cho chúng hữu tình ( Trừ được tội ngũ nghịch, vãng sanh về tịnh độ ), nên nay lấy tiêu điểm ấy làm lực dụng của kinh.

5- Nhiếp Giáo : Kinh này thuộc về giáo pháp Đại thừa tên là Đại phương đẳng hay Đại phương quảng. Sao gọi là Đại phương quảng? Thám Huyền nghĩa ký bảo: ( nói ra pháp rất rộng lớn sâu xa, nên gọi là phương quảng ) ( Tuyên thuyết quảng đại thậm thâm pháp cố, danh vi phương quảng ). Về Tịnh độ giáo, vì muốn thích hợp với các căn cơ, nên đức Thế Tôn nói ra ba bổn kinh rộng lược không đồng. Hai bổn kia là kinh Phật Thuyết A Mi Đà và kinh Vô Lượng Thọ. Riêng về bổn này, vào thời Nam Bắc triều, đời Tống Văn Đế, niên hiệu Nguyên Gia, ngài Cương Lương Gia Xá, đến Dương Châu dịch từ Phạn ngữ ra Hán văn. Và kinh này trong tám giáo nhiếp về đốn giáo, trong hai tạng thuộc về Bồ Tát tạng.

---o0o---




tải về 243.73 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương