ÐẠI ÐẠo tam kỳ phổ ÐỘ TÒa thánh tây ninh đẠI ĐẠo căn nguyêN



tải về 217.44 Kb.
trang1/2
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích217.44 Kb.
#12755
  1   2
ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ


TÒA THÁNH TÂY NINH



ĐẠI ĐẠO CĂN NGUYÊN


Tác giả

NGUYỄN TRUNG HẬU

Tự

THUẦN ĐỨC


Sách nầy lược trình về căn nguyên

của nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ
Hội Thánh Giử Bản Quyền

MỤC LỤC



  • Cẩn Từ

  1. Lời tựa tác giả

  2. Lời tựa của ông Ðoàn Văn Bản

  3. Lời tựa của ông Trương Hữu Ðức

  4. Lời tựa của ông Lê Văn Giảng

  5. Ðạo vẫn có Một

  6. Tam Kỳ Phổ Ðộ là gì?

  7. Sự tích Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ

  8. Thượng Ðế thâu phục Quan phủ Ngô Văn Chiêu

  9. Thượng Ðế thâu phục mấy vị phò loan

  10. Thượng Ðế thâu phục ông Lê Văn Trung

  11. Hiệp với ông Ngô Văn Chiêu

  12. Ông Ngô Văn Chiêu tách riêng

  13. Ðàn lệ

  14. Khai Ðạo nơi Chánh Phủ

  15. Phổ độ lục tỉnh

  16. Sự tích cảnh chùa Từ Lâm

  17. Ngày khai Thánh Thất

  18. Cuộc biến

  19. Trường công kích

  20. Dời Tòa Thánh về làng Long Thành Tây Ninh





CẨN TỪ
Quyển ÐẠI ÐẠO CĂN NGUYÊN do Ông NGUYỄN TRUNG HẬU tự THUẦN ÐỨC biên soạn, là một trong 8 quyển được kết chung lại thành tập có tên là ÐẠI ÐẠO CHƠN LÝ YẾU LUẬN do Giáo Hữu NGỌC NHƠN THANH (NGUYỄN TRUNG NHƠN), thứ nam của Ông sưu tầm và kết hợp lại năm TÂN TỴ 2001. Bản quyền toàn bộ sách đã được Cố Hiền Tài NGUYỄN TRUNG NGÔN (bút hiệu TAM ÐỨC), thay mặt gia đình hiến dâng cho Hội Thánh ngày 27-6 Quý Sửu (Dl. 26-7-1973).

Chúng tôi xin trích LỜI KỈNH BẠCH của Hiền Huynh NGỌC NHƠN THANH, thay lời tựa kết tập ÐẠI ÐẠO CHƠN LÝ YẾU LUẬN cho Chư Ðồng Ðạo lãm tường, nguyên văn như sau:



LỜI KỈNH BẠCH


Tiên phụ, Ông NGUYỄN TRUNG HẬU tự THUẦN ÐỨC, lúc sanh tiền có soạn chín quyển sách về Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ, trong đó có bảy quyển soạn vào thập niên ba mươi, tức vào những năm đầu khai Ðạo và hai quyển vào những năm 1955 và 1956. Trong quá trình soạn thảo, Người còn ngại sơ sót, nên có cầu Ðức CHÍ TÔN xin chỉ dạy và được dạy như sau:
". Hậu, sách con làm ra đều có giá trị, là nhờ có Thầy giáng tâm con. Con sợ sai lầm cũng phải, nhưng về sự sai siễn, dầu bực Thánh xưa làm sách cũng còn nhiều chỗ khuyết điểm. Vậy con cứ an lòng mà làm ích thêm nữa. Thầy hằng ở bên con mà dìu dắt cho trí hóa rộng thêm nghe con". (Thánh giáo ngày 10-5-1927 do Bảo Pháp và Hiến Pháp thủ cơ)
Về quyển "Luân Hồi Quả Báo" cùng hợp soạn với Ngài Khai Ðạo Phạm Tấn Ðãi năm 1956, do sự gợi ý của Ngài Tả Quân Lê Văn Duyệt qua đàn cơ ngày 09-10-1955, do Ngài Bảo Pháp và Khai Ðạo thủ cơ, có đoạn như sau:
". .Các Ðấng đã vận động đủ mọi lẽ hầu giúp tư tưởng cho đại đồng nhơn loại, ngặt cơ hiệp nhứt chưa thành thì khó phổ thông giáo lý. Phần đông họ chạy theo phái mạnh là có ý xu hướng xu thời. Vậy Ngài Bảo Pháp nên soạn một quyển sách Nhơn Quả để phổ thông đặng giúp ích cho Ðời cùng Ðạo " Ngày 23-12-1955, sau khi soạn xong quyển "Luân Hồi Quả Báo", Người có trình cho Ngài Lê Văn Duyệt duyệt lại. Ngài khiêm tốn không duyệt, lại bảo cầu Ðức QUAN ÂM BỒ TÁT duyệt giùm cho. Nên có đàn cơ sau nầy, do Bảo Pháp và Khai Ðạo thủ cơ:
QUAN ÂM BỒ TÁT

"Hỉ Chư Thiên Phong,

Vì có khải của Tả Quân Lê Văn Duyệt cầu xin chỉnh quyển "Luân Hồi Quả Báo" .

Về vấn đề "Linh Hồn", may mắn lại có người tiếp được điển lành trích lục và tự thông truyền mới được đượm tươi như thế đó. Vậy cứ ấn tống ra để cho Chúng sanh hưởng ứng. Về phần các Tôn giáo, hãy chỉ cho rõ, nhấn mạnh trong Tam Giáo Ðạo. Buổi tận thế ngày sẽ đến đây. Hay! Ðược! Bần nữ để lời khen và cầu xin các Ðấng ban ơn - Thăng".

Hôm nay, muốn tìm cho đủ những quyển sách do tiên phụ soạn thảo để in lại là điều không phải dễ, vì phần lớn sách được phát hành trong những năm 1927-1930, cách đây hơn bảy mươi năm. Chúng tôi tìm trong tủ sách gia đình, mượn ở bè bạn, và may mắn lắm, mới kết hợp đủ chín quyển sách do tiên phụ soạn, nhưng phần nhiều là quyển photocopie.

Quyển "Ðại Ðạo Căn Nguyên" được soạn xong vào tháng 3-1930, nhưng ấn bản mà chúng tôi có là ấn bản do Thánh Thất An Hội, Kiến Hòa, Bến Tre tái bản năm 1957 với sự đồng ý của tác giả. Ngày 05-2 Kỷ Dậu (dl. 22-3-1969), Ngài Hiến Pháp Chưởng Quản Bộ Pháp Chánh, kiêm Trưởng Ban Ðạo Sử cho in lại quyển ÐÐCN bằng Ronéo, trong đó, ở phần cuối, đã bỏ "Việc xây bàn" trích từ quyển Ðạo Mạch Truy Nguyên của ông Huệ Chương.

Những quyển sách của Tiên phụ soạn được ghi tên tác giả là NGUYỄN TRUNG HẬU tự THUẦN ÐỨC. Có hai quyển Ăn ChayÐức Tin được ký dưới bút hiệu THUẦN ÐỨC. Không có quyển nào ký tên dưới Thánh danh BẢO PHÁP cả.Sau khi Tiên phụ thoát xác, ngày 27-6 Quý Sửu (dl. 26-7-1973), bào huynh, cố  Hiền Tài Nguyễn Trung Ngôn (bút hiệu Tam Ðức) đã thay mặt gia đình có văn thơ hiến dâng toàn bộ bản quyền những sách do Tiên phụ soạn thảo cho Hội Thánh. Sách được in trên nhiều khổ giấy khác nhau. Nay chúng tôi sưu tập lại bằng vi  tính, theo khổ giấy đồng nhứt A5 (14,8 x 21 cm). Bìa được phục chế và thực hiện photocopie cũng theo khổ A5. Do đó chúng tôi xin sơ lược lại lý lịch gốc của các quyển sách như trang bên.

Hôm nay, ý nguyện của chúng tôi là kết hợp lại những sách do tiên phụ soạn thảo gồm tám quyển (trừ quyển Thiên Ðạo) và lấy tên chung cho tám quyển là "ÐẠI ÐẠO CHƠN LÝ YẾU LUẬN" để lưu lại hầu tránh thất lạc. Việc sao lục được thực hiện nguyên văn theo sách đã ấn hành từ trước, chỉ chỉnh lại chánh tả theo năm sao lục (2001).

Thánh địa Tòa Thánh Tây Ninh, năm Tân Tỵ (2001) Thứ nam NGUYỄN TRUNG NHƠN
(Giáo Hữu NGỌC NHƠN THANH)

Cẩn bút

 Nên Thánh Thất New South Wales tái ấn hành quyển ÐẠI ÐẠO CĂN NGUYÊN, và lần lượt sẽ ấn hành toàn bộ kết tập ÐẠI ÐẠO CHƠN LÝ YẾU LUẬN để phổ thông Chơn Ðạo. Xin trân trọng giới thiệu cùng toàn thể Ðạo hữu, Ðạo tâm cùng Chư Thiện Tín gần xa khắp nơi trên Thế Giới.



Rằm Hạ Nguơn năm Nhâm Ngọ (2002)

Thánh Thất New South Wales – Australia Kính cáo


LỜI TỰA CỦA TÁC GIẢ
Có nhiều vị hỏi tôi tại sao tôi theo Ðạo "TAM KỲ PHỔ ÐỘ" và gốc tích Ðạo nầy bởi đâu mà ra. Muốn trả lời theo câu hỏi nầy, tất phải dẫn tích dông dài, trưng đủ bằng cớ, phô nhiều lý luận; thành thử, dầu chủ tâm không phải là muốn làm sách, nhưng buộc lòng cũng phải dọn ra một quyển cỏn con, hầu lược thuật mới tròn sự tích. Nhan đề quyển nầy nhỏ là "Ðại Ðạo Căn Nguyên" thì cũng bạo gan lắm rồi. Thế mà có một hai vị đạo hữu bảo tôi nên đề là "Ðạo Sử".

Không dám bạo gan như thế, nên tôi đáp lại như vầy: "Tôi sở dĩ ký thuật sự tích Ðạo lại một cách sơ lược cho mọi người rõ thấu vậy thôi, chớ đâu dám tự gọi là nhà làm sử?". Phương chi, Ðạo còn đương ở trong thời kỳ phổ độ, tôi vẫn nhắc nhở công lao của mấy vị hành đạo trong năm Bính Dần là năm khai Ðạo vậy thôi. Muốn làm Sử Ðạo, tất phải đợi nhiều năm sau nầy mới được.

Sau khi dọn thành quyển "Ðại Ðạo Căn Nguyên", tôi có cầu kiểm duyệt ở nhiều vị có chưn trong Ðạo từ buổi phôi thai; hư thiệt lẽ nào, xin mời chư quí độc giả xem qua mấy lời tựa sau đây thì rõ.

Ngày 20 tháng hai, năm Canh Ngũ NguyễnTrungHậu Tự Thuần Đức


LỜI TỰA CỦA ÔNG ĐOÀN VĂN BẢN
Tôi rất hân hạnh được ông Nguyễn Trung Hậu trao cho tôi lược duyệt quyển "Ðại Ðạo Căn Nguyên" của ông sắp xuất bản.

Ðứng về phương diện người có chưn trong Ðạo Cao Ðài từ ban sơ, tôi có thể nhìn nhận rằng sự tích lược thuật trong quyển sách nầy đều đúng với sự thật; lời ký thuật như chuyện đã qua, không vụ ngã mà cũng không tư vị. Vậy tôi có mấy lời giới thiệu quyển sách nầy cho quí ông, quí bà để xem cho rõ sơ lược cái căn nguyên của một nền Tôn giáo, mà ai là người Việt Nam không nên không để ý đến.



Cầu Kho, le 12 Mars 1930. Ðoàn Văn Bản tự Văn Long


LỜI TỰA CỦA ÔNG TRƯƠNG HỮU ĐỨC
ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ (hay là Ðạo Cao Ðài) nay đã có tên tuổi trong lịch  sử rồi, vì tôn chỉ của Ðạo rất chánh đáng, sự công ích của Ðạo đã rõ ràng, nên công chúng lấy làm hữu hạnh mà hoan nghinh Tôn giáo ấy.

Tôn giáo ấy, ai sáng lập ra? Những tay tế thế là ai? Câu hỏi đó, tưởng ai ai cũng đều mong mỏi cho có câu trả lời. Nhưng, câu trả lời phải ở đâu mà ra, cho đủ bằng cớ chơn thật?

Chắc là phải tự nơi những người đầu công sáng lập, có nghe thấy rõ ràng từ lúc ban sơ. Nhưng người ấy cũng phải cho có đủ tư cách một người đạo nhơn, thì câu trả lời mới là chơn thật và có giá trị.

Nếu lịch sử của một nền Tôn giáo mà mất sự thật hay là còn một điểm tư vị, thì sao đáng gọi là lịch sử, sao đáng gọi là căn nguyên của nền chánh giáo? Tôi sở dĩ phải nói mấy câu nầy ra, là vì có lòng mừng chung với anh em, chị em mà đặng thấy cuốn "ÐẠI ÐẠO CĂN NGUYÊN" ra đời, mà tác giả là một người trong mấy vị đầu công, lại có lòng vô tư, vô ngã. Như vậy thì từ đây mới có một quyển lịch sử của Ðạo rất đúng đắn, không tư vị và không mất sự thật.

Saigon, le 15 Mars 1930. Trương Hữu Ðức tự Hòa Dân




LỜI TỰA CỦA ÔNG LÊ VĂN GIẢNG
Duyệt suốt quyển "Ðại Ðạo Căn Nguyên", tôi bất giác đặng hồi tưởng công việc Ðạo đã trải qua trong năm Bính Dần như chuyện trước mắt bây giờ. Thật tôi rất hữu hạnh đặng thấy quyển sách nầy ra đời, và sự tích trong đấy đều đúng với sự thật. Ông Nguyễn Trung Hậu lại đứng về địa vị ký giả mà thôi, chớ không hạ một lời bình phẩm. Cái giá trị quyển "Ð.Ð.C.N." là ở nơi đó. Vậy xin có mấy lời thành thật gọi là giới thiệu quyển "Ð.Ð.C.N." cho anh em, chị em.

Vũng Liêm, le 20 Mars 1930 Lê Văn Giảng


ĐẠO VẪN CÓ MỘT
Từ xưa đến nay, người trong các Tôn giáo đều cho Ðạo mình là tối cao, tối trọng. Về Ðạo Nho, Thầy Tử Tư tán dương rằng: "Ðạo Thánh Nhơn lớn vậy thay! Minh mông như biển, phát sanh dưỡng dục cho muôn loài. Cao thì cùng cực tận Trời. Rộng rãi vô cùng, bao gồm cả ba trăm điều lễ nghĩa, ba ngàn phép oai nghi!". (Ðại tai Thánh Nhơn chi Ðạo! Dương dương hồ! Phát dục vạn vật, tuấn cực vu Thiên, ưu ưu đại tai! Lễ nghi tam bách, oai nghi tam thiên!).  Về Ðạo Lão, lại có câu: "Ðạo vô vi ở trước ngôi Thái Cực". (Vô vi cư Thái Cực chi tiền).

Ðạo Phật thì có câu: "Phép mầu nhiệm cao sâu tột bực". (Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp).

Ðạo Thiên Chúa thì có câu: "Ngoài Hội Thánh ra, thì không đâu là nơi cứu độ". (Hors l'Église, point de salut).

Môn đồ mỗi Ðạo vịn theo đó mà cho Ðạo mình là tối cao tối trọng, cho Ðạo mình là chơn chánh, xem các Ðạo khác như mị tà; vì vậy mà ít hay quan sát đến các Tôn giáo khác đặng sưu tầm những chơn lý, những chỗ cao siêu của Ðạo người. Nay, nếu lấy công tâm mà quan sát đến các Tôn giáo ở cõi Á Ðông nầy, thì ta thấy rõ ràng các Tôn giáo, tuy bề ngoài khác nhau ở nơi lễ nghi tế tự, chớ tựu trung cũng đồng tín ngưỡng có một Ðấng Chúa Tể cả Càn Khôn, Thế Giái mà thôi. Cho hay, các giáo lý, các giáo điều sở dĩ có chỗ khác nhau đi nữa, thì bất quá ở nơi tiểu dị mà thôi, chớ cũng đều giống nhau ở chỗ đại đồng.

Ðạo Nho dạy về Nhơn đạo, cai trị phần đời, chủ trương ở sự sống mà thôi, nên không nói đến chuyện Quỉ Thần; nhưng cứ bằng cớ ở câu sau nầy tự Ðức Khổng Tử nói ra, thì ta đủ quyết đoán rằng Ngài vẫn tin tưởng có Trời, tức là Ðấng Chúa Tể vạn vật. Ðức Phu Tử nói: "Làm lành, Trời lấy phước mà trả lại. Làm chẳng lành, Trời lấy họa mà trả lại". (Tử viết: Vi thiện dã, Thiên báo chi dĩ phước. Vi bất thiện dã, Thiên báo chi dĩ họa).

Về Ðạo Lão, thì Ðức Thái Thượng có nói ở kinh "Cảm Ứng" như vầy: "Vậy nên Trời Ðất có đặt mấy vị Thần coi việc tội lỗi của người, tùy chỗ nặng nhẹ mà bớt lộc". ( . Thị dĩ Thiên Ðịa hữu tư quá chư Thần, y nhơn sở phạm khinh trọng, dĩ đoạt nhơn toán).



(1) Thế thì Ðức Thái Thượng cũng tin tưởng có cơ báo ứng của Trời Ðất, tức là tin có Ðấng Chúa Tể vạn vật. Ðạo Phật, tuy không nói đến Thượng Ðế, nhưng cũng chẳng thấy trong kinh sách Phật, chỗ nào mà nói không có Trời. Có chăng là tại người sau bịa đặt ra để kích bác Thiên Ðạo vậy thôi. Nhưng, nếu truy nguyên đến câu niệm: "Nam Mô A Di Ðà Phật" thì ta thấy rõ rằng Ðức A Di Ðà Phật tức là Chúa Tể Càn Khôn Thế Giới, mà thuở nay ta gọi là ông Trời đó vậy. Câu: "Nam Mô A Di Ðà Phật" phát âm bởi câu Phạn ngữ: "Nama Adhi Buddha".

Nama (đọc trại thành ra Nam mô) nghĩa là cung kỉnh, như  Nam mô Phật, Nam mô Pháp, Nam mô Tăng nghĩa là: Cung kỉnh Phật, cung kỉnh Pháp, cung kỉnh Tăng.

Adhi nghĩa là đứng đầu hết như chữ A đứng đầu trong chữ vần vậy.

Buddha nghĩa là Bụt đà, sau đọc là Phật đà, rồi sau nữa lại đọc trở lại là Ðà Phật cho xuôi vần. Phật là gì? Tức là Ðấng tu đã nhiều kiếp đến bực toàn giác (illuminé).

Adhi Buddha (2) (đọc theo tiếng Annam là A Di Ðà Phật) nghĩa là Ðấng toàn giác đứng đầu hơn hết; Ðấng ấy, nếu chẳng phải là Ðấng Chúa Tể hết vạn vật, vậy chớ là ai? Các nước, nước nào cũng tin tưởng có Ðấng Chúa Tể vạn vật, cái tư tưởng vẫn in nhau, có khác là khác ở tiếng nói mà thôi. Như người Annam gọi là ông "Trời", người Tàu gọi là "Thượng Ðế", người Langsa gọi là "Dieu", người Ðạo Phật gọi là "Adhi Buddha" (A Di Ðà Phật). Trong Kinh Rig-Veda là quyển Kinh Thánh tối cổ ở Ấn Ðộ có câu: "Ðạo có MỘT: Người ta vẫn dùng nhiều danh từ mà gọi. Người Do Thái gọi là GÉHOVAH (*); người Ðạo Thiên Chúa gọi là ÐỨC CHÚA TRỜI hay là ÐỨC CHA ở trên Thiên Ðường; người Hồi Hồi xưng tụng là ALLHA; người Ðạo Phật xưng tụng là PHẬT ÐÀ; người Jains(?) xưng tụng là JINA; còn người Thiên Trước lại gọi là BRAHMA". (Ce qui existe est UN: Les hommes le nomment de bien des noms. Les Juifs l'ont appelé GÉHOVAH (*); les Chrétiens, DIEU ou le PÈRE qui est aux Cieux; les Mahométans le vénérent sous le nom d'ALLAH; les Buddhistes sous celui de BUDDHA; les Jains sous celui de JINA; pendant que les Hindous le nomment  BRAHMA - Doctrine de l'Unité, par A. L. Caillet, Ingénieur civil).

Kỳ Hội quốc tế Thần linh học (Congrès Spirite International) nhóm tại thành Luân Ðôn (kinh đô nước Anh) từ ngày 7 đến ngày 11 Septembre 1928, 26 nước đều công nhận rằng Thượng Ðế là Ðấng Toàn Tri và nguyên nhân tối cao của vạn vật. (Existence de Dieu, Intelligence et Cause suprême de toutes choses).

Do theo lý luận và bằng cớ trước đây, ta quyết đoán rằng, về phương diện tín ngưỡng, Ðạo vẫn có MỘT mà thôi. Ngày nay, Ðạo Trời mở tại Nam bang, chỉ cái lẽ "ÐẠO VẪN CÓ MỘT" ấy cho mọi người rõ thấu, hầu qui Tam Giáo và hiệp Ngũ Chi làm một, cho nhơn loại cùng chung một mối tín ngưỡng, cùng thương yêu lẫn nhau; ấy chẳng phải là một sự đại vinh diệu và đại hạnh phúc cho nước Nam ta mà từ xưa nay chưa từng có đó sao?

(1) Ông H. Durville diễn lại ở quyển sách "Ðạo huyền bí" (La Science secrète) như vầy: "Il y a, dit Lao Tseu, sur la terre et surdessus de la terre, des forces intelligentes qui éprouvent le mouvement des actions, des hommes; suivant la faible ou la grande influence issue de ces actions, elles diminuent d'un nogibre périodique le total de l'existence sur la terre ... ".


(2) Sau khi Ðức Thích Ca tu đắc đạo rồi, chư môn đồ Ngài mới tặng Ngài là Phật (Buddha ou Bouddha). Câu niệm: "Nam Mô A Di Ðà Phật" do câu: "Nama Adhi Buddha" mà phát âm ra, song lại có người tưởng đâu là tiếng Tàu rồi giải nghĩa A là Kiền, Di là Khôn vân vân ... Thật là phi lý thay (*) Phụ ghi: Sách được soạn vào năm 1930. Thời bấy giờ người ta viết là GÉHOVAH, ngày nay là JÉHOVAH, cũng là một Ðấng mà thôi.



TAM KỲ PHỔ ĐỘ LÀ GÍ ?
Trong khoảng bốn năm trời mà liên lạc được hơn một triệu người cùng chung một lòng tín ngưỡng, ấy là một việc khó làm.

Ở nhằm đời mạt kiếp nầy, đương buổi thiên hạ xu hướng về lối văn minh vật chất, đeo đuổi theo cái chủ nghĩa kim tiền, mà dựng được một nền Ðạo, lấy đức chí thành, lòng bác ái làm tôn chỉ đối phó với nhơn quần xã hội, lấy việc tồn tâm dưỡng tánh để đào luyện tinh thần cao siêu tục lự, lại là một việc khó làm hơn nữa.

Vậy, chúng tôi dám quyết đoán rằng từ xưa đến nay không có cái phong trào tôn giáo nào được thiên hạ hoan nghinh như Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ. Tam Kỳ Phổ Ðộ là gì? Là phổ độ lần thứ ba bên cõi Á Ðông (3è Amnistie de Dieu en Orient). Nguyên có ba Ngươn hội: Thượng Ngươn, Trung Ngươn, và Hạ Ngươn. Thượng Ngươn là Ngươn Tạo Hóa (Cycle de Création). Nhơn loại ở nhằm Thượng Ngươn vẫn còn giữ vẹn Thánh đức của Thượng Ðế ban cho; tuy ăn cây ở lổ mà giữ tánh thiên nhiên không sát sanh hại vật, không giành giựt lẫn nhau; tuy hình vóc xấu xa mà tánh tình chất phác, không gạt gẫm nhau, không mưu phản bạn. Ấy là thời đợi thái bình, tức là Ngươn vô tội (Cycle de l'innocence).

Cuối kỳ Thượng Nguơn, con người vì nhiễm bụi trần mà lu Thánh đức, bỏ đường Thiên lý mà sa vào đường nhơn dục. Vì vậy Thượng Ðế mới lập ra Tam Giáo để cứu độ nhơn sanh, tức là Nhứt Kỳ Phổ Ðộ. Nhơn Ðạo có Văn Xương Thánh Quân mở dạy. Tiên Ðạo có Hồng Quân Lão Tổ lập thành. Phật Ðạo có Nhiên Ðăng Cổ Phật giáo truyền. Ðược tạo hóa ra rồi, nhơn loại tất phải có tấn hóa. Tấn hóa tất phải phấn đấu. Phấn đấu tất phải tiêu diệt. Ấy là thời kỳ Trung Ngươn (Cycle de progrès, c'est à dire de lutte ou de destruction).

Vì muốn giải thoát cho nhơn sanh cái nạn tiêu diệt ấy, nên cuối kỳ Trung Ngươn, Thượng Ðế lập ra Nhị Kỳ Phổ Ðộ. Nhơn Ðạo có Khổng Tử cảnh tỉnh nhơn tâm để duy trì đạo đức (1). Tiên Ðạo có Lão Tử dìu dẫn nhơn sanh ra khỏi vòng thấp hèn vật chất mà xu hướng về lối cao thượng tinh thần. Phật Ðạo có Thích Ca truyền bá cái chủ nghĩa từ bi bác ái cho sanh linh khỏi tiêu diệt lẫn nhau. Nhờ có Nhị Kỳ Phổ Ðộ, nên nhơn loại ở cõi Á Ðông nầy mới tránh khỏi cái nạn tự diệt; không tự diệt tất bảo tồn. Hạ Ngươn tức là Ngươn bảo tồn vậy (Cycle de Conservation). Nay Hạ Ngươn hầu mãn, Thiên Ðịa tuần hườn. Thượng Ðế mới lập ra Tam Kỳ Phổ Ðộ hiệp Tam Giáo làm một mà qui hồi căn bổn, tức là thời kỳ qui cổ (Retour à l'origine).

Ấy Tam Giáo hiệp nhứt là cái chủ nghĩa của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ đó vậy.

Ngoại trừ những kẻ chú trọng về chủ nghĩa vô thần, thì chẳng nói chi, ngoại trừ những người vì một lẽ riêng mà bài bác mối Ðạo thì tự lòng người, còn những bậc tu hành trong Cửu Lưu Tam Giáo, tưởng cũng nên thừa cơ hội nầy, hiệp cùng chúng tôi mà lo cho Ðạo Trời ngày một hoằng khai, nhơn tâm ngày một hướng thiện, thì cái công đức ấy tưởng có lẽ cao gấp mấy cái công phu tự tu, tự giác vậy. Vì mình độ được một người tu niệm tức là độ được một linh hồn khỏi đọa lạc; mình độ được nhiều người tu, tức là mình tu cho mình đó.

---------------------------------------------------------

(1) Luận Ngữ có câu: "Thiên hạ chi vô đạo giả cửu hỉ. Thiên tương dĩ Khổng Tử vi mộc đạc". Nghĩa là: Thiên hạ không đạo đã lâu rồi. Trời cho Khổng Tử ra làm cái mõ khuya để cảnh tỉnh nhơn tâm.





SỰ TÍCH ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
Người sanh trong đời khó gặp đặng, vì Ðạo là rất báu trong đời, không chi bì kịp. Chư nhu có phước, có duyên, Kể từ năm Bính Dần (1926), cái phong trào rất thạnh hành của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ làm cho nhiều nhà trí thức cùng các bực thiện tín muốn kiếm biết cho rõ gốc tích Ðại Ðạo bởi đâu mà ra. Nên tôi xin đem hết lòng thành thật lược thuật cái uyên nguyên Ðại Ðạo trong năm Bính Dần ra sau đây, cho ai là người có chút quan tâm về đường đạo đức xem qua cho biết. Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ phát nguyên tại Saigon. Nhưng trước kỳ khai Ðạo, Thượng Ðế đã truyền lịnh cho chư Thần, Thánh, Tiên, Phật, giáng cơ nhiều chỗ đặng cảnh tỉnh nhơn tâm cùng để lời tiên tri rằng Ðại Ðạo hầu khai. Song vì ngày giờ chưa đến, Thiên cơ khó lậu, nên các Ðấng ấy không chỉ rõ rằng Ðạo sẽ mở tại đâu.

Như đàn tại Miễu Nổi (Bến Cát, Gò vấp, Gia định), đêm 17 tháng sáu, năm Quí Hợi (30 Juillet 1923), Tào Quốc Cựu Ðại Tiên giáng cơ dạy như vầy: "Khá rán luyện cho nên Ðạo kẻo uổng nên mới gặp Ðạo mở kỳ nầy là kỳ thứ ba. Thiệt chư nhu có đại căn mới gặp trước thiên hạ đó. "Hữu duyên đắc ngộ Tam Kỳ độ". Tiên Thánh đều lâm phàm mà độ kẻ nguyên nhân. Chư nhu là kẻ nguyên nhân. Hễ thành tâm làm Ðạo thì tự nhiên đặng".

Ðàn tại Ðất Hộ (Chùa Ngọc Hoàng) đêm 22 tháng 7 năm Quí Hợi (2 Septembre 1923), Huê Quang Ðại Ðế giáng cơ như vầy:
"Huê phát Tam Kỳ Ðạo dĩ khai,
Quang minh tứ hướng thượng tam tài.
Ðại phước kim đơn thân đắc ngộ,
Ðế quân giáng hạ nhữ vô tai".

Ngày 13 Juillet 1923, Tây Phương Giáo Chủ giáng cơ cho một bài Thánh ngôn chữ Tây như vầy:

"Le monde est comme une grande foire où l'on mène des bêtes de somme et des boufs pour les vendre, où la plupart des gens viennent pour acheter ou pour vendre; bien peu pour se donner le spectacle de la foire; pour voir comment les choses s'y passent, en vue de quoi elles se font, quels sont ceux qui l'ont établie et pourquoi ils l'ont faite.

Ainsi, il en est de même de la grande foire de la vie. Bon nombre de gens semblables aux bêtes de somme ne s'y occupent d'autre chose que du fourrage, car vous tous, vous ne vous occupez que d'argent, de terre et de magistrature. Il n'y a dans tout celà que du fourrage. Bien peu, parmi les hommes qui sont assemblés  ici, ont la curiosité d'examiner ce qu'est le monde et qui le gouverne. N'y-a-t-il donc personne qui le gouverne? Comment serait-il possible qu'une ville ou une maison puissent subsister un seul instant sans quelqu'un qui les administrait et que ce grand et magnifique ensemble fut maintenu dans un si bel ordre par les caprices du hasard? Il y a donc quelqu'un qui le régit. Quel est ce quelqu'un? Et comment le régit-il? Qui sommes nous, nous qui sommes nés de Lui. Y-a-t?il un lien entre Lui et nous et qu'avons nous à faire? Sommes-nous ou non en rapport avec Lui? Voilà les pensées de ce petit nombre qui ne songe d'ailleurs qu'à une chose, à quitter la foire après l'avoir bien regardée. Mais quoi? Le vulgaire se moque d'eux. C'est qu'en effet, à la foire, les marchands se moquent des simples spectateurs, et que les bêtes de somme, si elles avaient l'intelligence, se moqueraient de ceux qui attachent du prix à autre chose qu'au fourrage.

Le but de toutes les religions comme celui de tous les centres initiatiques mystérieux, est essentiellement le même, malgré la différence des moyens: ne tendre qu'à alléger l'âme du poids de la matière, à l'épurer, à l'éclairer par l'irridiation de l'intelligence, afin que, désireuse de Biens spirituels et s'élancant hors du Cercle des Générations, elle puisse s'élever jusqu'à la source de son existence.

Les moyens d'ascension pour parvenir à un but si noble sont également communs aux religions, aux centres initiatiques. Ils comportent une partie exotérique (se dit de la doctrine enseignée publiquement par les anciens philosophes) et en premier lieu, la connaissance de Soi. Vous ne pourrez rien faire pour parcourir la voie initiatique, si vous ne connaissez votre être en soi-même et dans ses rapports avec Dieu (Qui y Phật), avec la Nature (Qui y Pháp), avec l'Humanité (Qui y Tăng) dont vous dépendez et qui attendent votre action.

1.- Vous devez épurer le corps par une vie saine et régulière, par une hygiène bien comprise qui ne puisse ni alourdir la partie spitituelle par des joies trop animales, ni détruire le bon fonctionnement des organes par des privations inconsidérées. Une direction est utile pour atteindre ce juste milieu.

2.- L'esprit a besoin aussi d'éducation. Vous devez cultiver ses facultés sans lui laisser dessécher la vie sentimentale, ne lui permettre que des pensées dont les vibrations soient bienfaisantes autant en vous qu'autour de vous.

3.- Le cour a besoin d'épanouissement: mais ce n'est pas l'epanouir que de vous faire un Dieu de votre personne. Seul l'altruisme lui donnera la paix et la joie nécessaire à son évolution. Enfin pour répondre au besoin le plus élevé de notre nature, il est necessaire d'admirer Dieu, de lui rendre dans notre cour dans notre pensée un culte que nous parerons de toute la beauté possible, car l'amour et la reconnaissance se complaisent dans ces devoirs".

Lại ngày 11 Septembre 1926, Ðức Giê-Giu giáng cơ cho một bài Thánh ngôn chữ Tây như vầy:


NGÃ GIA-TÔ GIÁO-CHỦ GIÁNG-ÐÀN

Hỉ hiền sanh đẳng đẳng

Je viens, moi, votre Sauveur et votre Juge. Je viens, comme autrefois, parmi les fils égarés d'Israel. Je viens apporter la vérité et dissiper les ténèbres. Ecoutez-moi: Le Spiritisme, comme autrefois ma parole doit rappeler aux matérialistes qu'au-dessus d'eux règne l'Immuable Vérité: Dieu Bon, le Dieu grand qui fait germer la plante et qui soulève les flots. J'ai révélé la doctrine divine; j'ai comme un moissonneur, lié en gerbes le bien épars dans l'humanité, et j'ai dit: "Venez à moi vous tous qui souffrez".

Mais les hommes ingrats se sont détournés de la voie droite et large qui conduit au Royaume de mon Père, et ils se sont égarés dans les âpres sentiers de l'Impiété. Mon Père ne veut pas anéantir la race humaine; il veut, non plus par des prophètes, non plus par des apôtres, il veut que, vous aidant les uns les autres, morts et vivants, c'est-à-dire selon la chair, (car la mort n'existe pas) vous vous secouriez et que la voix de ceux qui ne sont plus se fasse entendre encore pour vous crier: "Priez et Croyez"; car la mort est la résurrection, et la vie, l'épreuve choisie pendant laquelle vos vertus cultivées doivent grandir et se développer comme le cèdre.

Croyez aux voix qui vous répondent; ce sont les âmes elles-mêmes de ceux que vous évoquez. Je ne me communique que rarement mes amis, ceux qui ont assisté à ma vie et à ma mort, sont les interprètes divins des volontés de mon Père. Hommes faibles qui croyez à l'erreur de vos obscures intelligences, n'éteignez pas le flambeau que la Clémence divine place entre vos mains pour éclairer votre route et vous ramener, enfants perdus, dans le giron de votre Père. Je vous le dis en vérité, croyez à la diversité à la multiplicité des esprits qui vous entourent. Je suis trop touché de compassion pour vos misères, pour votre immense faiblesse, pour ne pas tendre une main secourable aux malleureux égares qui voyant le ciel, tombent dans l'abime de l'erreur. Croyez, aimez, comprenez les vérités qui vous sont révélées; ne mêlez pas l'ivraie au bon grain, les systèmes aux vérités.

Spirites, aimez-vous voilà le premier enseignement. Instruisez-vous, voilà le second. Toutes vérités se trouvent dans le Dao (Christianisme, Taoisme, Boudhisme, Confucianisme). Les erreurs qui y ont pris racine sont d'origine humaine. Et voilà qu'au-delà du tombeau que vous croyez le néant, des voix vous crient: "Frères, rien ne périt, Jésus Christ est le vainqueur du Mal, soyez les vainqueurs de l'Impiété".





THƯỢNG ĐẾ THÂU PHỤC QUAN PHỦ NGÔ VĂN CHIÊU
Khi Quan phủ Ngô Văn Chiêu trấn nhậm tại Hà Tiên (nhằm năm 1919) ông thường thiết đàn thỉnh Tiên để cầu thuốc cứu chữa bịnh nhân cùng học hỏi về đường đạo đức. Có một vì giáng cơ xưng là Cao Ðài Tiên Ông thường kêu đích danh quan phủ Chiêu mà dạy Ðạo. Chư nhu hầu đàn thảy đều lấy làm lạ, vì thuở nay không hề thấy trong kinh sách nào nói đến Cao Ðài Tiên Ông bao giờ, duy có một mình quan phủ Chiêu thông minh huệ trí, xem ý tứ trong mấy bài thi của Ðức Cao Ðài giáng cơ, thì nhận chắc rằng Ngài là Thượng Ðế giáng lâm. Từ đó ông Chiêu lại càng kính trọng Ðức Cao Ðài hơn nữa và xin phép lập vị phượng thờ. Ðức Cao Ðài bèn dạy vẽ Thiên Nhãn mà thờ.

Kịp khi ông Chiêu thiên nhậm về Saigon, ông lựa trong bạn đồng chí những vị nào có ít nhiều đạo đức mà khuyên thờ Ðức Cao Ðài và chuyên việc tu tâm dưỡng tánh. Chư vị ấy là: Quan phủ Vương Quan Kỳ, ông phán Nguyễn Văn Hoài, ông phán Võ Văn Sang, ông đốc học Ðoàn Văn Bản. Ðó là mối Ðạo mới bắt đầu phăn ra, song ông Chiêu vẫn là người rất nên dè dặt, nếu không phải là bạn đồng tâm mật thiết thì không bao giờ ông khuyên việc tu hành; vì vậy mà mối Ðạo ít người biết rõ.




THƯỢNG ĐẾ THÂU PHỤC MẤY VỊ PHÒ LOAN
Ông Cao Quỳnh Cư người gốc ở Tây ninh, xuống làm việc tại sở Hỏa xa Saigon. Ông mướn phố ở đường Bourdais. Ông có một người vừa là đồng hương vừa là bạn thiết, là ông Phạm Công Tắc nguyên làm việc tại sở Thương Chánh Saigon, và một người cháu là ông Cao Hoài Sang cũng làm việc tại sở Thương Chánh. Ba người nầy thân thiết với nhau lắm, đêm nào cũng hiệp nhau một chỗ, khi đờn địch, lúc ngâm thi, tiêu diêu với thú phong lưu tài tử. Lối tháng sáu năm Ất Sửu (1925), ba người lại bắt đầu tập xây bàn chơi. Ban đầu tính cầu thử một vị thi hữu quá vãng là ông Huỳnh Thiên Kiều tự Quí Cao. Quả nhiên vị ấy đến, chào hỏi nhau, nhắc sơ đến tình cố hữu, rồi gõ bàn cho một bài thi như vầy:
"Nhắn nhủ mấy anh một ít lời,
Làn mây hồn trẻ đã xa chơi.
Mẹ già nỗi hiếu chưa rồi đạo,
Vợ yếu niềm duyên chẳng trọn đời.
Chạnh nhớ quê xưa lòng xót xáy,
Buồn trông làng cũ mắt chơi vơi.
Ai về gởi lại tình sông núi,
Kiếp khác ơn sinh sẽ đắp bồi".
Ông Nguyễn Trung Hậu tự Thuần Ðức nguyên trước là bạn thi hữu với ông Huỳnh Quí Cao, được nghe tin ấy, bèn đến nhà ông Cao Quỳnh Cư mà xin ông xây bàn để thỉnh ông Quí Cao về chơi. Ông Cư, ông Tắc, ông Sang đem bàn ra, thắp nhang vái ông Quí Cao, rồi xúm nhau để tay lên bàn, còn ông Hậu thì cầm giấy viết sẵn để chép. Cách chừng 15 phút đồng hồ, thì có ông Quí Cao về nhập bàn, cho một bài thi tứ tuyệt như vầy:

Âm Dương tuy cách cũng chung Trời,
Sinh tịch đời người có bấy thôi.
Chén rượu đồng tâm nghiêng ngửa đổ,
Thương nhau nhắn nhủ một đôi lời.

Thấy vậy, ông Hậu cũng còn nửa tin, nửa nghi, ông bèn nói rằng: "Tôi sẵn có làm một bài thi đem theo đây, xin đọc cho anh nghe và xin anh họa lại chơi cho vui". Ông Quí Cao bèn gõ bàn hai cái, nghĩa là ưng chịu. Bài thi ông Hậu như vầy:


Mấy năm vùng vẫy cũng tay không,
Nào khác chiêm bao một giấc nồng.
Cữ nắng tuần mưa dày dạn mặt,
Mồi danh bả lợi ngẩn ngơ lòng.
Ngày qua thỏn mỏn xuân thu dập,
Gương rạng phui pha cát bụi lồng.
Chừ gặp cố nhân lời ướm hỏi,
Hỏi ra cho biết nẻo cùng thông.
Ông Quí Cao liền gõ bàn họa lại một mạch, không ngập ngừng chút nào cả. Bài họa như vầy:
Một tiếng u minh gióng cửa không,
Phồn ba giục tỉnh giấc đương nồng.
Ngồi thuyền Bát nhã qua tình biển,
Mượn nước nhành dương rưới lửa lòng.
Cuộc thế lạnh lùng lằn gió lọt,
Ðường đời ngán ngẫm bụi trần lồng.
Kiếp tu xưa tiếc chưa nên đạo,
Oan trái phủi rồi phép Phật thông.
Sau lần lần có nhiều vị thiêng liêng khác nhập bàn. Mỗi lần đều có xướng họa thi chương, chỉ cách làm văn, thích nghĩa truyện Kiều, và dạy dỗ về đường đạo đức. Trong mấy Ðấng thiêng liêng ấy, lại có một vị xưng là "A Ă Â". Bắt đầu hết, Ngài phán rằng: "Muốn cho Bần Ðạo đến thường, xin chư vị nạp lấy mấy lời yêu cầu của Bần Ðạo như sau đây: Một là đừng kiếm mà biết Bần Ðạo là ai; hai là đừng hỏi đến quốc sự; ba là đừng hỏi đến Thiên cơ". Mấy ông xây bàn đều hứa giữ theo mấy điều ấy. Từ đây sự giao thiệp của người khuất mặt với kẻ dương gian càng ngày càng thêm mật thiết, không đêm nào là không xây bàn cầu thỉnh. Một hôm có ông Phạm Minh Kiên và ông Lê Thế Vĩnh vốn là người viết báo, đến viếng ông Cao Quỳnh Cư đương buổi Ðức "A Ă Â" về bàn, ông Cư bèn xin Ngài cho mỗi người khách một bài thi để làm kỷ niệm. Ðức "A Ă Â" đáp: "Ðể Bần Ðạo cho chung hai người một bài thi mà thôi". Ai nấy đều lấy làm lạ nghĩ vì tâm sự mỗi người mỗi khác, hai người mà chung một bài thi thì thế nào được. Ðức "A Ă Â" gõ bàn cho một bài thi tứ tuyệt như vầy:
Một viết với thân giữa diễn đàn,
Bằng xua trước giặc vạn binh lang.
Ðạo đời ví biết đời là trọng,
Dạy dỗ sao cho đặng mở mang.
Ai nấy đều khen bài thi chỉ có bốn câu mà gồm đủ bộ vận hai nhà làm báo.

Một hôm khác, ông Hậu bạch cùng Ðức "A Ă Â" như vầy: "Tôi còn nhớ hai câu đối thuở nay chưa ai đối được. Xin đem ra cho Ngài đối chơi". Ðức "A Ă Â" bèn đáp: "Bần Ðạo xin hầu đối, nhưng nếu đối ra không chững, quí vị chớ cười và niệm tình Bần Ðạo mà chấn chỉnh lại cho". Câu đối ông Hậu ra: "Ngồi trên ngựa đừng bò con nghé!"

Ðức "A Ă Â" đối lại: "Cỡi lưng trâu chớ khỉ thằng tê!"

Câu đối ông Hậu ra: "Ngựa chạy mang lạc".

Ðức "A Ă Â" đối lại: "Cò bay le bè". Từ đây ông Hậu mới phục tài Ðức "A Ă Â" và hết lòng tin tưởng có người khuất mặt. Không bao lâu, người đến hầu đàn tại nhà ông Cao Quỳnh Cư càng ngày, càng đông; trong ấy có ông Trương Hữu Ðức, làm việc ở sở Hỏa xa, và ông Bồng Dinh, tục kêu là Giáo Sỏi làm việc tại dinh Hiệp lý Saigon. Một hôm khác, ông Bồng Dinh bạch cùng Ðức "A Ă Â" rằng: "Trong Kiều có câu: Sửa san níp tử, xe châu, Vùi nông một nắm mặc dầu cỏ hoa.  Chẳng hay níp tử, xe châu là gì, xin Ngài chỉ giáo".

Ðức "A Ă Â" đáp: "Níp Tử là cái rương của thầy Khổng Tử, xe Châu là cái xe của Châu Võ Vương ngồi đi phạt Trụ. Cái rương của Thầy Khổng Tử dùng đựng sách vở, tức là văn chương. Người văn sĩ thác rồi, thì bao nhiêu học thức văn chương cùng theo xác thịt mà chôn vào quan cửu. Nên Nguyễn Du mới dùng hai chữ níp tử để gọi cái quan tài của bực văn chương tài tử là nàng Ðạm Tiên. Vua Châu Võ Vương ngồi long xa đi phạt Trụ, tức là gồm thâu giang san nhà Trụ vào đấy. Còn người ở đời làm được bao nhiêu sự nghiệp, khi thác rồi cũng phủi tay không, thì chẳng khác nào bao nhiêu sự nghiệp tự mình gầy dựng ra trong buổi sanh tiền, sau khi nhắm mắt rồi, thảy đều thâu vào trong linh xa vậy. Cho nên Nguyễn Du mới dùng hai chữ xe Châu để gọi cái linh xa của bực tài tình bạc mạng.."  Một hôm khác, ông Cư bàn với các bạn rằng: "Bình sanh tôi lấy làm phục thi văn ông Lý Bạch. Vậy chúng ta cầu thử Ngài coi".

Ðoạn các bạn mới thắp nhang ra giữa trời khấn vái. Quả nhiên có Lý Ðại Tiên đến cho một bài thi bát cú như vầy:
Ðường trào hạ thế hưởng tam quan,
Chẳng quản công danh, chỉ vị nhàn.
Ly rượu trăm thi lời vẫn nhắc,
Tánh Tiên muôn kiếp vốn chưa tàn.
Một bầu phong nguyệt say ngơ ngáo,
Ðầy túi thơ văn đổ chứa chan.
Bồng Ðảo còn mơ ngày bút múa,
Tả tình thế sự, vẽ giang san".
Ðoạn thỉnh ông Ðỗ Phủ đến họa vận, Ngài họa như vầy:  
Chẳng nể công khanh, bỏ ấn quan,
Bồng Lai riêng thú hưởng thanh nhàn.
Thi Thần vui vịnh ngoài rừng Trước,
Rượu Thánh buồn say dưới cội tàn.
Nắng hạ Trời thương đưa gió quạt,
Nồng thu Ðất cảm đổ mưa chan.
Vân du thế giái vui mùi đạo,
Sớm dạo Kỳ san, tối Cẩm san". (*1)
Từ đây, các bạn "xây bàn" lấy làm đắc chí, vì hễ cầu thỉnh vị Tiên Thánh nào thì được nấy. Ấy là cách Thượng Ðế sắp đặt để thâu phục mấy vị phò loan hầu ngày sau chấp cơ truyền Ðạo. Nhưng ông Cư thường than phiền rằng thông công cùng chư Thần Thánh bằng cách xây bàn lấy làm bất tiện, nên vào lối thượng tuần tháng tám, năm Ất Sửu, một vị Tiên Cô xưng là Thất Nương nhập bàn dạy phải kiếm Ngọc Cơ mà dùng. Ông Cư hỏi thăm mượn được cơ của ông ký Tý (cũng ở đường Bourdais) và cậy ông đến nhà chỉ giùm cách chấp cơ thế cho bàn. Từ đây có cơ rồi, mỗi đêm đều có Thần Tiên giáng cơ dạy đạo. Khi ấy, Ðức "A Ă Â" mới phân với mấy ông Cư, Tắc, Sang rằng: "Muốn cho Ta tận tâm truyền Ðạo, phải kêu Ta bằng Thầy cho tiện bề đối đãi". Ba ông ấy vui lòng vưng chịu, từ đây giữ nghĩa thầy trò, tình giao thiệp càng thêm mật thiết.

Mãi đến đêm Noel (24 Décembre 1925), Thất Nương giáng cơ truyền phải chỉnh đàn cho nghiêm trang hầu tiếp giá. Nghe vậy, mấy ông Cư, Tắc, Sang nửa mừng, nửa sợ, lật đật sắm đủ hương đăng trà quả, chỉnh đàn cho có nghi tiết, đoạn hai ông Cư, Tắc mới ngồi lại chấp cơ. Cơ giáng như vầy:



NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ
VIẾT CAO ÐÀI GIÁO ÐẠO NAM PHƯƠNG

  "Muôn kiếp có Ta nắm chủ quyền,
Vui lòng tu niệm hưởng ơn Thiên.
Ðạo mầu rưới khắp nơi trần thế,
Ngàn tuổi muôn tên giữ trọn biên".
Ðêm nay phải vui mầng vì là ngày Ta đã xuống trần dạy Ðạo bên Thái Tây (Europe). Ta rất vui lòng mà đặng thấy chư đệ tử kính mến Ta như vậy. Nhà nầy sẽ đầy ơn Ta. (*2) Ta sẽ làm cho thấy huyền diệu đặng kính mến Ta hơn nữa". Ðức Cao Ðài lại phán rằng: "Bấy lâu Thầy vẫn tá danh  "A Ă Â" là cốt để dìu dắt các con vào đường đạo đức, hầu chẳng bao lâu đây các con phải ra giúp Thầy mà khai Ðạo. Các con có thấy Thầy khiêm nhượng là dường nào chưa? Các con nên bắt chước Thầy trong mảy mún thì mới xứng đáng là người đạo đức".

Ðến đêm 1er Janvier 1926, có một người phụ nữ bên Ðạo Thiên Chúa đến nhà ông Cao Quỳnh Cư mà phân như vầy: "Xin cho tôi để thử trên bàn cầu cơ hình Ðức Chúa  Giê Giu và một cây Thánh Giá. Nếu Ðức Cao Ðài là Thượng Ðế thiệt, thì mới giáng cơ được, bằng là Quỉ Vương, thấy hai vật báu ấy tự nhiên phải tránh".

Ông Cư bằng lòng cho thử, đoạn cùng ông Tắc ngồi lại cầu cơ. Ðức Cao Ðài giáng cơ như vầy: "Các con hiểu Jésus là ai chăng? Trước Ta đổ máu cho loài người vì thương yêu. Nay ta đến cứu loài người cũng vì thương yêu. Bây đủ thương yêu Ta dường ấy chăng? Ta cầu bây biết ăn năn. Ta trông thấy bây biết ăn năn hầu cứu chữa bây".

Từ đây mấy ông Cư, Tắc, Sang, Hậu, Ðức đều hết lòng thờ phượng tin tưởng Ðức Cao Ðài và lo dưỡng tánh tu tâm để chuyên bề đạo đức. 

--------------------------------------------------------

(*1) Phụ ghi: Trong TNHT bài thơ ấy như sau:


Chẳng kể công khanh bỏ ấn quan,
Bồng lai vui Ðạo hưởng thanh nhàn.
Thi Thần vui hứng ngoài rừng Trước,
Rượu Thánh buồn say dưới cội tàn.
Nồng hạ Trời thương đưa gió quạt,
Nắng thu Ðất cảm đổ mưa chan.
Vân du thế giái vui mùi đạo,
Mơi viếng Kỳ san, tối Cẩm san.
(*2) Phụ ghi: Trong TNHT có thêm câu: "Giờ ngày gần đến đợi lịnh nơi Ta".


THƯỢNG ĐẾ THÂU PHỤC ÔNG CỰU THƯỢNG NGHỊ VIỆN

LÊ VĂN TRUNG (CHỢ LỚN)
Vào khoảng tháng tư nhuần, năm Ất Sửu (Juin 1925) trong Chợ Gạo (Cholon) thường đêm có thiết đàn thỉnh Tiên. Một hôm, ông Hội đồng Thành phố Cholon Nguyễn Hữu Ðắc gặp ông Lê Văn Trung đương đi dạo mát; ông Ðắc bèn rủ ông Trung lên Chợ Gạo hầu đàn. Biết chỗ rồi từ đây mỗi lần lên Chợ Gạo có cầu cơ thì ông Trung đều đến. Lần lần ông nhiễm thâm mùi Ðạo, một ngày một tỉnh ngộ, phế lần gia đình thế sự, rồi trường trai giữ giới mà chuyên việc tu hành. Sau khi độ được ông Trung rồi, chư Tiên liền dạy bế đàn Chợ Gạo, làm cho chư nhu thảy đều ngơ ngẩn không rõ cớ chi. Mãi đến ngày mồng năm tháng chạp, năm Ất Sửu (28 Janvier 1926) ở Saigon, Ðức Thượng Ðế giáng cơ dạy hai ông Cư Tắc đem cơ vô nhà ông Trung (Cholon, Quai Testard) cho Ngài dạy việc. Hai ông nầy lấy làm bợ ngợ vì thuở nay chưa hề quen biết ông Trung, nhưng lịnh trên đã dạy, dưới phải vâng theo.

Hỏi thăm tìm đến ông Trung, ông Cư thuật rõ đầu đuôi, thì ông Trung lòng rất hoan nghinh, lật đật sắm sửa thiết đàn, Thượng Ðế giáng cơ dạy Ðạo và khuyên việc tu hành. Ngài lại phán rằng Ngài đã sai Lý Thái Bạch dìu dắt ông Trung nơi đàn Chợ Gạo đã lâu rồi. Ngài lại dạy: “Trung, nhứt tâm nghe con. Sống cũng nơi Thầy, thác cũng nơi Thầy, thành cũng nơi Thầy, mà đọa cũng nơi Thầy. Con lấy sự sáng của con mà suy lấy.



"Một Trời, một Ðất một nhà riêng,
Dạy dỗ nhơn sanh đặng dạ hiền.
Cầm mối Thiên cơ lo cứu chúng,
Ðạo người vẹn vẽ mới thành Tiên".
Từ đây ông Trung ngửa vâng Thánh ý, thâu xếp việc nhà, một dạ xả thân hành đạo../-


HIỆP VỚI ÔNG NGÔ VĂN CHIÊU
Cách đâu ít ngày, Thượng Ðế giáng cơ dạy mấy ông Trung, Cư, Tắc, Sang, Hậu, Ðức phải hiệp với ông phủ Ngô Văn Chiêu mà lo mở Ðạo. Ngài lại dạy rằng mỗi mỗi phải do nơi ông Chiêu là Anh cả. Lúc nầy trong Ðạo kể được 13 người là: Ngô Văn Chiêu, Lê Văn Trung, Vương Quan Kỳ, Nguyễn Văn Hoài, Ðoàn Văn Bản, Võ Văn Sang, Lê Văn Giảng, Lý Trọng Quí, Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang, Nguyễn Trung Hậu, Trương Hữu Ðức. Ðến đêm 30 tháng chạp, năm Ất Sửu (12 Février 1926) Thượng Ðế giáng cơ cho mỗi người một bài thi như vầy: (*1)
1.- Bài thi cho ông Võ Văn Sang:

"Tân dân hỉ kiến đắc tân niên,
Phổ độ tam kỳ bá thế hiền.
Nhứt tịnh chủ tâm chơn đạo lý,
Thăng Thiên hượt địa chỉ như nhiên".
2.- Bài thi cho ông Cao Quỳnh Cư:

"Sấp út thương hơn cũng thế thường,
Cái yêu, cái dạy ấy là thương.
Thương không nghiêm trị là thương dối,
Dối dạ vì chưng yếu dạ thương".

Cư, trong năm mới nầy, Thầy trông mong con rõ đạo đức thấu hơn nữa. Gắng chí nghe.
3.- Bài thi cho ông Vương Quan Kỳ:

"Nhựt nhựt tân hề nhựt nhựt tân,
Niên đáo tân hề đạo dữ tân.
Vô lao công quả tu đương tác,
Niên quá niên hề đạo tối tân".
4.- Bài thi cho ông Lê Văn Giảng:

"Trần tục là nơi chỗ biển buồn,
Nghe nơi Ðại Ðạo rán nghe luôn.
Ở trong nhà sẵn Thầy đưa khó,
Ách nạn chi chi cũng chảy tuôn".
5.- Bài thi cho ông Nguyễn Trung Hậu tự Thuần Ðức:

"Thuần phong mỹ tục giáo nhơn sanh,
Ðức hóa thường lao mặc vị danh.
Hậu thế lưu truyền gia pháp quí,
Giáo dân bất lậu, tán thời manh".
6.- Bài thi cho ông Nguyễn Văn Hoài:

"Vô vi tối yếu đạo đương cầu,
Ðệ tử tâm thành bất viễn ưu.
Thế sự vô duyên, vô thế sự,
Tiêu tư bất xuất ngoại gian đầu".
7. - Bài thi cho ông Phạm Công Tắc:

"Ngao ngán không phân lẽ thiệt không,
Thấy thằng áp út quá buồn lòng.
Muốn giàu Thầy hứa đem cho của,
Cái của, cái công phải trả đồng".

Nghe con, rán học Ðạo, không Thầy biểu Chiêu đánh.
8. - Bài thi cho ông Ðoàn Văn Bản:

"Thương thay trung tín một lòng thành,
Chẳng kể quan mà chẳng kể danh.
Thiệt thòi bấy phận không con nối,
Thấy rứa lòng Ta cũng chẳng đành".
9. - Bài thi cho ông Lý Trọng Quí:

"Lỡ một bước, lướt một ngày,
Một lòng thành thật chớ đơn sai.
Lôi thôi buổi trước nhiều ân xá,
Lấp lửng đừng làm tội bữa nay".
10.-  Bài thi cho ông Lê Văn Trung:

"Ðã thấy ven mây lố mặt Dương,
Cùng nhau xúm xít dẫn lên đường.
Ðạo cao phó có tay cao độ,
Gần gũi sau ra vạn dặm trường".

THĂNG
Tái cầu lại (nhằm 11 giờ khuya, giờ Tý năm Bính Dần) Thượng Ðế dạy rằng: "Chư đệ tử nghe: Chiêu buổi trước hứa lời truyền Ðạo, cứu vớt chúng sanh, nay phải y lời mà làm chủ, dìu dắt cả môn đệ Ta vào đường đạo đức đến buổi chúng nó thành công, chẳng nên tháo trút. Phải thay mặt cho Ta mà dạy dỗ chúng nó.

Trung, Kỳ, Hoài, ba con phải lo thay mặt cho Chiêu đi độ người. Nghe và tuân theo. Bản, Sang, Giảng, Quí, lo dọn mình đạo đức đặng truyền bá cho chúng sanh. Nghe và tuân theo. Ðức, tập cơ, Hậu, tập cơ, sau theo mấy anh đặng độ người. Nghe và tuân theo".

Ấy là lời Thánh giáo đầu tiên. Ấy là kỷ niệm ngày khai Ðạo mồng một giờ Tý năm Bính Dần vậy. Qua đến đêm mồng 9, nhằm ngày Vía Trời, quan phủ Vương Quan Kỳ thiết đại đàn tại nhà ông ở đường Lagrandière. Ðêm ấy có mời chư nhu và mấy vị đạo hữu kia hầu đàn.

Thượng Ðế giáng cơ dạy như vầy:

"Bửu tòa thơ thới trổ thêm hoa,
Mấy nhánh rồi sau cũng một nhà.
Chung hiệp rán vun nền đạo đức,
Bền lòng son sắt đến cùng Ta".
"Cái nhánh các con là nhánh chính mình Thầy làm chủ, sau các con sẽ hiểu. Thầy vui muốn cho các con thuận hòa nhau hoài; ấy là lễ hiến cho Thầy rất trân trọng. Phải chung lo cho danh Ðạo Thầy. Ðạo Thầy tức là các con; các con tức là Thầy. Phải làm cho nhau đặng thế lực, đừng ganh gổ nghe. Các con giữ phận làm tùy ý Thầy muốn. Ngày kia sẽ rõ ý muốn của Thầy".

Khi ấy quan phủ Ngô Văn Chiêu xin Thượng Ðế lấy tên mấy người đệ tử mà làm cho một bài thi kỷ niệm. Thượng Ðế bèn cho một bài thi tứ tuyệt:


"CHIÊU KỲ TRUNG độ dẫn HOÀI sanh,
BẢN đạo khai SANG QUÍ GIẢNG thành.
HẬU ÐỨC TẮC CƯ Thiên Ðịa cảnh,
QUỜN(*) MINH MÂN đáo thủ đài danh".

Thượng Ðế lại phán: “Quờn, Minh, Mân sau sẽ rõ”.

(Nguyên 12 chữ lớn trong ba câu trên là tên của 13 vị môn đệ trước hết của Thượng Ðế, (có hai tên Sang: Võ Văn Sang và Cao Hoài Sang). Còn ba chữ lớn ở câu chót vẫn là tên của ba vị hầu đàn.)

(*1) Ðêm ấy hai ông Cao Hoài Sang và ông Trương Hữu Ðức vắng mặt.
(*) Phụ ghi: Trong TNHT chữ Hườn.



ÔNG NGÔ VĂN CHIÊU TÁCH RIÊNG
Ông Trung vẫn vâng Thánh ý lo thiết đàn giảng Ðạo. Ông Chiêu lại ở nhà lo bề tự giác. Ý ông không muốn truyền bá mối Ðạo ra cho nhiều người. Ông vẫn lấy câu: "Ngô thân bất độ hà thân độ?" mà làm tôn chỉ. Vì vậy mà ông tách riêng ra kể từ ngày 14 tháng ba, năm Bính Dần (24 Avril 1926). Ðồng một ý kiến ấy thì có mấy ông: Nguyễn Văn Hoài, Võ Văn Sang, Lý Trọng Quí.

Từ đây, tuy đôi bên chủ nghĩa khác nhau vì một đàng (ông Lê Văn Trung) thì lo phổ thông mối Ðạo, một đàng (ông Ngô Văn Chiêu) lại chuyên bề tự giác, nhưng về phương diện tín ngưỡng, thì cũng đồng thờ kỉnh Ðức Cao Ðài Thượng Ðế.




ĐÀN LỆ
Trước ngày ông Chiêu tách riêng ra, Thượng Ðế đã thâu phục nhiều vị có học thức và danh giá như quan Ðốc phủ Lê Bá Trang, Quan phủ Nguyễn Ngọc Tương, Quan phủ Lê Văn Hóa, Quan phủ Mạc Văn Nghĩa, hai vợ chồng Quan huyện Nguyễn Ngọc Thơ, ông Lê Văn Lịch, ông Nguyễn Văn Tương, ông Trần Ðạo Quang, ông Nguyễn Văn Kinh, ông Lâm Quang Bính thảy đều là trang rường cột (1) trong nền Ðại Ðạo. Chư vị phò loan ngoài năm ông Cư, Tắc, Sang, Hậu, Ðức, lại thêm được mấy ông Cao Quỳnh Diêu, Ca Minh Chương, Phạm Tấn Ðải, Phạm Văn Tươi, Nguyễn Văn Kim, Trần Duy Nghĩa, Trương Văn Tràng, Huỳnh Văn Mân, Võ Văn Nguyên. Nguyên ban đầu, mấy ông Trung, Kỳ, Cư, Tắc, Sang, Hậu, Ðức, Bản, Giảng mỗi đêm đều tựu lại khi ở nhà ông Trung (Rue Testard Cholon), khi ở nhà ông Cư (Rue Bourdais Saigon), khi ở nhà ông Bản (Cầukho) để cầu Thượng Ðế giáng cơ dạy Ðạo. Mà hễ mỗi lần có chư nhu đến xin nhập môn, Thượng Ðế lại dạy phải đến Ðại đàn Cầu kho. Vì vậy mà nhà ông Bản thành ra một cái đàn lệ, rồi gọi là Tiểu Thánh Thất, Thánh Thất Cầu kho ban đầu rất chật hẹp: Ðồ đạc thiếu trước hụt sau, vị chủ nhà lúc bấy giờ đương ở trong vòng bẩn chật, không đủ sức sắm đồ vật để thờ cho xứng đáng. Bàn thờ chỉ là một cái ghế nho nhỏ bằng cây dá tị. "Thiên nhãn" chỉ vẽ trong một mảnh giấy cao cao chừng ba tấc, ngang độ hai tấc tây. Chiếu đệm cũng không đủ trải mà lạy. Tình cảnh tuy nghèo, mà mấy chục bổn đạo mới không hổ, cứ mỗi đêm thứ bảy là đến hầu đàn. Không bao lâu lại được nhiều vị đạo tâm lo sửa sang Thánh Thất lại mới có chút vẻ vang: Quan phủ Vương Quan Kỳ lo chưởng quản việc cúng tế trong đàn và thuyết đạo, ông Ðoàn Văn Bản, ông Nguyễn Trung Hậu, ông Tuyết Tấn Thành và ông Lê Thế Vĩnh lo sửa soạn dọn dẹp nơi Thất cho có trang nghi. Ông Lê Văn Giảng, ông giáo Hiến cùng một ít đạo hữu nữa lo sắm đồ đạc lặt vặt trong Thất. Ðương khi ở Thất Cầu kho, quan phủ Vương Quan Kỳ cùng mấy vị vừa kể trên đây lo thiết đàn giảng đạo, ông Lê Văn Trung lại cùng với mấy ông Cư, Tắc, Nghĩa xuống miệt Cần Giuộc lập đại đàn, khi thì ở chùa "Vĩnh Nguyên" khi lại ở "Hội Phước". Thêm có quan phủ Nguyễn Ngọc Tương, quan phủ Lê Văn Hóa, ông Lê Văn Lịch và ông Ngô Văn Kim giúp sức vào, nên trong mấy quận Cần Giuộc, Cần Ðước, thiên hạ nhập môn nượp nượp; mỗi một lần thiết đàn số người cầu đạo kể có trót ngàn.

Cách không bao lâu, Thượng Ðế dạy lập thêm năm cái đàn lệ nữa, kể chung với đàn Cầu kho là sáu cái:

1.- Một cái đàn ở Cầu kho do quan phủ Vương Quan Kỳ chứng đàn, sau lại có mấy ông Ngô Tường Vân, Nguyễn Văn Mùi, Nguyễn Văn Ðạt, Nguyễn Văn Kinh cùng với quan phủ Kỳ để luân phiên nhau mà lo việc cúng kiếng. Ông Nguyễn Trung Hậu và ông Trương Hữu Ðức phò loan. Lo sắp đặt việc lễ, có mấy ông: Ðoàn Văn Bản, Huỳnh Văn Giỏi, Lê Văn Giảng, Nguyễn Văn Tường.

2.- Một cái đàn ở Cholon, tại nhà quan cựu Nghị viên Lê Văn Trung. Ông nầy cùng quan phủ Lê Bá Trang chứng đàn. Còn hai ông Cao Quỳnh Diêu và Cao Hoài Sang thì phò loan. 3.- Một cái đàn ở Tân Kim (Cần Giuộc), tại nhà ông cựu hội đồng địa hạt Nguyễn Văn Lai. Quan phủ Nguyễn Ngọc Tương và ông Lê Văn Lịch chứng đàn. Hai ông Ca Minh Chương, Phạm Văn Tươi phò loan. Lo sắp đặt việc lễ có mấy ông: Lê Văn Tiếp, Nguyễn Văn Nhơn, Phạm Văn Tỉ, Võ Văn Kỉnh.

4.- Một cái đàn ở Lộc Giang (Cholon) tại chùa "Phước Long" của ông Yết Ma Giống. Chứng đàn là quan phủ Mạc Văn Nghĩa, ông Yết Ma Giống. Phò loan: hai ông Trần Duy Nghĩa, Trương Văn Tràng.

5.- Một cái đàn ở Tân Ðịnh, tại nhà quan huyện Nguyễn Ngọc Thơ. Ông nầy chứng đàn. Còn phò loan là hai ông Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc.

6.- Một cái đàn nữa ở Thủ Ðức, tại nhà ông Ngô Văn Ðiều. Ông nầy chứng đàn. Phò loan: ông Huỳnh Văn Mai, ông Võ Văn Nguyên. Ngoài đàn lệ, lại còn thiết đại đàn ở nhiều chỗ khác để giúp vào cuộc phổ thông Thiên Ðạo. Thượng Ðế lại dạy lập một cái đàn riêng nơi nhà ông Ðội Trần Văn Tạ để cứu chữa bịnh nhơn. Công quả ấy về phần ông Trần Văn Tạ và con ông là Trần Văn Hoằng lo lắng.

(*1) Trang rường cột trong Ðạo còn nhiều vị rất xứng đáng nữa như quan Ðốc phủ Nguyễn Văn Ca, quan cựu Hội Ðồng Quản Hạt Nguyễn Văn Hoài, quan Huyện Lê Văn Hộ, nhưng nhập môn sau ngày khai Ðạo.




KHAI ĐẠO NƠI CHÁNH PHỦ
Ngày 23 tháng 8 năm Bính Dần (29-9-1926) ông cựu Thượng nghị viên Lê Văn Trung vâng Thánh ý hiệp với chư Ðạo hữu hết thảy là 247 người, tại nhà ông Nguyễn Văn Tường đứng tên vào Tịch Ðạo để khai Ðạo với Chánh Phủ. Tờ Khai Ðạo đến mùng một tháng chín (7-10-1926) mới gởi lên Chánh Phủ cho Quan Nguyên Soái Nam Kỳ là ông Le Fol. Trong tờ ấy có 28 người ký tên thay mặt cho cả chư Ðạo hữu có tên trong Tịch Ðạo.

Tờ khai Ðạo ấy, làm bằng chữ Langsa, phiên dịch ra như sau nầy:


SAIGON, le 7 Octobre 1926.

Kính cùng Quan Thống Ðốc Nam Kỳ, Saigon.
Chúng tôi đồng ký tên dưới đây, kính cho Quan lớn rõ: Vốn từ trước, tại cõi Ðông Pháp có ba nền Tôn Giáo là: Thích giáo, Lão giáo và Khổng giáo. Tiên nhơn chúng tôi sùng bái cả ba Ðạo ấy, lại nhờ do theo tôn chỉ quí báu của các Chưởng Giáo truyền lại mới được an cư lạc nghiệp. Trong sử còn ghi câu:"Gia vô bế hộ, lộ bất thập di", chỉ nghĩa là con người thuở ấy, an nhàn cho đến ban đêm ngủ không đóng cửa nhà, còn ngoài đường thấy của rơi không ai thèm lượm. Nhưng buồn thay cho đời thái bình phải mất vì mấy duyên cớ sau nầy:

1.-Những người tu hành đều phân chia ra nhiều phe, nhiều phái mà kích bác lẫn nhau, chớ tôn chỉ của Tam Giáo đều như một là làm lành lánh dữ và kỉnh thờ Ðấng Tạo Hóa. 2.- Lại canh cải mối chánh truyền của các Ðạo ấy làm cho thất chân truyền.

3.- Những dư luận phản đối nhau về Tôn giáo, mà ta thấy hằng ngày cũng tại bã vinh hoa và lòng tham lam của nhơn loại mà ra. Nên chi người Annam bây giờ đều bỏ hết những tục lệ tận thiện, tận mỹ ngày xưa. Thấy tình thế như vậy mà đau lòng, cho nên nhiều người Annam, vì căn bổn, vì Tôn giáo, đã tìm phương thế hiệp Tam Giáo lại làm một (qui nguyên phục nhứt) gọi là Ðạo Cao Ðài hay là Ðại Ðạo.

May mắn thay cho chúng sanh, Thiên tùng nhơn nguyện, Ðức Ngọc Hoàng Thượng Ðế hằng giáng đàn dạy Ðạo và hiệp Tam Giáo lập Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ tại cõi Nam nầy. Tam Kỳ Phổ Ðộ nghĩa là Ðại ân xá lần thứ ba, những lời của Ðức Ngọc Hoàng Thượng Ðế hằng giáng cơ dạy Ðạo dạy chúng tôi đều cốt để truyền bá tôn chỉ Tam Giáo. Ðạo Cao Ðài dạy cho biết:

1.- Luân lý cao thượng của Ðức Khổng Phu Tử. 2.- Ðạo đức của Phật giáo và Tiên giáo là làm lành lánh dữ, thương yêu nhơn loại cư xử thuận hòa, mà lánh cuộc loạn ly giặc giả.

Chúng tôi gởi theo đây cho Quan lớn nghiệm xét: 1.- Một bổn sao lục Thánh Ngôn của Ðức Ngọc Hoàng Thượng Ðế.

2.- Một bổn phiên dịch Thánh Kinh. Chủ ý của chúng tôi là muốn làm sao cho nhơn loại được cộng hưởng cuộc hòa bình như buổi trước. Ðược như vậy, chúng sanh sẽ thấy đặng thời kỳ mới mẻ, cực kỳ hạnh phúc không thể nào tả ra đặng. Chúng tôi thay mặt cho nhiều người Annam mà đã nhìn nhận sở hành của chúng tôi, và đã ký tên vào tờ Ðạo Tịch ghim theo đây, đến khai cho Quan lớn biết rằng: Kể từ ngày nay, chúng tôi đi phổ thông Ðại Ðạo khắp cả hoàn cầu.

Chúng tôi xin Quan lớn công nhận Tờ Khai Ðạo của chúng tôi.




Ký tên:


 

Mme Lâm Ngọc Thanh,

Nghiệp chủ ở Vũng Liêm.

M. Lê Văn Trung,

Cựu Thượng Nghị Viện, thưởng thọ Ngũ Ðẳng Bửu Tinh (ChợLớn).

- Lê Văn Lịch,

Thầy tu - làng Long An (Chợ Lớn).

- Trần Ðạo Quang,

Thầy tu - làng Hạnh Thông Tây (GiaÐịnh).

- Nguyễn Ngọc Tương,

Tri phủ - chủ quận Cần Giuộc.

- Nguyễn Ngọc Thơ,

Nghiệp chủ - Sài Gòn.

- Lê Bá Trang,

Ðốc Phủ Sứ - Chợ Lớn.

- Vương Quan Kỳ,

Tri Phủ sở Thuế Thân - Sài Gòn.

- Nguyễn Văn Kinh,

Thầy tu - Bình Lý Thôn, Gia Ðịnh.

- Ngô Tường Vân,

Thông Phán - Sở Tạo Tác, Sài Gòn.

- Nguyễn Văn Ðạt,

Nghiệp chủ - Sài Gòn.

- Ngô Văn Kim,

Ðiền chủ - Ðại Hương Cả, Cần Giuộc.

- Ðoàn Văn Bản,

Ðốc Học trường Cầu Kho.

- Lê Văn Giảng,

Thơ toán hảng Ippolito - Sài Gòn.

- Huỳnh Văn Giỏi,

Thông Phán sở Tân Ðáo - Sài Gòn.

- Nguyễn Văn Tường,

Thông Ngôn sở Tuần Cảnh - Sài Gòn.

- Cao Quỳnh Cư,

Thư ký Sở Hỏa Xa - Sài Gòn.

- Phạm Công Tắc,

Thư ký Sở Thương Chánh - Sài Gòn.

- Cao Hoài Sang,

Thư ký Sở Thương Chánh - Sài Gòn.

- Nguyễn Trung Hậu,

Ðốc Học Trường Tư Thục Ða Kao.

- Trương Hữu Ðức,

Thư ký Sở Hỏa Xa - Sài Gòn.

- Huỳnh Trung Tuất,

Nghiệp chủ Chợ Ðủi - Sài Gòn.

- Nguyễn Văn Chức,

Cai Tổng - Chợ Lớn.

- Lại Văn Hành,

Hương Cả - Chợ Lớn.

- Nguyễn Văn Trò,

Giáo Viên - Sài Gòn.

- Nguyễn Văn Hương,

Giáo Viên - Ða Kao.

- Võ Văn Kỉnh,

Giáo Tập - Cần Giuộc.

- Phạm Văn Tỷ,

Giáo Tập - Cần Giuộc.


tải về 217.44 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương