Chuyên đề 5 những nội dung cơ BẢn của phần thứ TƯ “THỪa kế” DỰ thảo bộ luật dân sự (SỬA ĐỔI)



tải về 66.62 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu15.08.2016
Kích66.62 Kb.
#20337


Chuyên đề 5

NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA PHẦN THỨ TƯ “THỪA KẾ” - DỰ THẢO BỘ LUẬT DÂN SỰ (SỬA ĐỔI)

I. Kết cấu của dự thảo Phần thứ tư “Thừa kế”

Phần thứ tư “Thừa kế” trong dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) gồm 57 điều, 4 chương, so với Bộ luật dân sự năm 2005, Dự thảo giữ nguyên 38 điều, sửa đổi 19 điều về thừa kế, trong đó được quy định theo cơ cấu:

Chương XX: Quy định chung, từ Điều 632 đến 646 (15 điều luật, tương tự như những quy định chung trong Bộ luật dân sự năm 2005, cũng gồm 15 điều, từ Điều 631 đến 645).

Chương XXI: Thừa kế theo di chúc, gồm 28 điều luật từ Điều 647 đến Điều 674 (số lượng tương tự như quy định về phần này trong Bộ luật dân sự năm 2005 có 28 điều, từ Điều 646 đến 673).

Chương XXII: Thừa kế theo pháp luật, gồm 7 điều từ Điều 675 đến Điều 681 (số lượng điều luật tương tự như quy định về thừa kế theo pháp luật trong Bộ luật dân sự năm 2005, cũng gồm có 7 điều, từ Điều 674 đến Điều 680).

Chương XXIII: Thanh toán và phân chia di sản, gồm 7 điều từ Điều 682 đến Điều 688 (số lượng điều luật tương tự như quy định về thanh toán và phân chia di sản trong Bộ luật dân sự năm 2005, cũng gồm 7 điều).

Số lượng điều luật trong Phần thứ tư trong Dự thảo Bộ luật dấn sự năm 2005 (sửa đổi) cũng tương tự như số lượng các điều luật quy định về thừa kế trong Bộ luật dân sự năm 2005 gồm 57 điều.

Về cơ cấu nội dung Phần thứ tư quy định về thừa kế trong Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) theo một logic là từ quy định những vấn đề chung đến các vấn đề cụ thể như hình thức thừa kế theo di chúc, thừa kế theo pháp luật, thanh toán và phân chia di sản.

Theo một trật tự chặt chẽ như vậy nhằm tạo điều kiện thuận lợi và dễ áp dụng cho các cơ quan xét xử, thi hành án, mà còn rất thuận lợi cho việc nghiên cứu, giảng dạy pháp luật thừa kế trong các trường đại học Luật, trong các khoa luật và các cơ sở đào tạo luật, đồng thời giúp cho nhân dân thuận lợi hơn khi tìm hiểu hiểu pháp luật thừa kế, đặng có thể tự bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong thừa kế di sản.

Quy định theo trật tự như vậy là hợp lý và rõ ràng. Vì thừa kế là một loại quan hệ tài sản chỉ phát sinh sau khi người để lại di sản chết hoặc được xác định là đã chết theo một bản án tuyên bố cá nhân chết có hiệu lực pháp luật. Quan hệ thừa kế là một loại quan hệ tài sản rất đặc biệt, quan hệ này chỉ phát sinh sau khi người để lại di sản chết.



II. Một số nội dung cơ bản của dự thảo Phần thứ tư “Thừa kế”

1. Về quy định chung (từ Điều 632 đến Điều 646)

Để lại di sản thừa kế chỉ có thể là cá nhân, cho nên tại Điều 632 Dự thảo quy định quyền của cá nhân: “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”.

Như vậy, quy định này đã bao hàm quyền của chủ sở hữu tài sản khi còn sống có quyền lựa chọn hình thức để lại tài sản của mình sau khi chết hoặc bằng cách lập di chúc, hoặc không lập di chúc mà để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật. Mặt khác, cá nhân khi còn sống có quyền hưởng di sản của người khác theo di chúc hoặc được hưởng di sản thừa kế của người khác theo pháp luật. Đây là quyền dân sự cơ bản và rất phổ biến trong nhân dân, khi cá nhân còn sống có quyền định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của mình bằng cách lập di chúc hoặc không lập di chúc cho người khác thừa kế; đồng thời cũng là một căn cứ xác lập quyền sở hữu ở người có quyền thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Một vấn đề rất quan trọng trong thừa kế là quyền bình đẳng. Quyền bình đẳng như một nguyên tắc trong quan hệ pháp luật dân sự nói chung và trong thừa kế nói riêng. Về quyền bình đẳng trong thừa kế của cá nhân được quy định tại Điều 633 Dự thảo: “Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”.

Đây là một nguyên tắc thể hiện rõ đặc điểm của quan hệ thừa kế. Cá nhân là chủ sở hữu tài sản, có quyền để lại tài sản của mình cho người khác, mặt khác, cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc nếu được người lập di chúc chỉ định hưởng di sản hoặc cá nhân có quyền nhận di sản thừa kế theo pháp luật nếu thuộc hàng thừa kế được hưởng.

Một trong những điều kiện quan trọng của quan hệ thừa kế là việc xác định thời điểm mở thừa kế (là thời điểm người để lại di sản chết) và địa điểm mở thừa kế là một trong những căn cứ xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp về quyền thừa kế theo phạm vi lãnh thổ của Tòa án nhân dân. Điều 634 Dự thảo quy định về thời điểm và địa điểm mởi thừa kế.

Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết hoặc được xác định là đã chết theo quy định tại khoản 2 Điều 86 Dự thảo.

Về địa điểm mở thừa kế, tại khoản 2 Điều 634 quy định: “Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ hoặc phần lớn di sản”.

Một trong những yếu tố quan trọng của thừa kế là di sản thừa kế. Nếu không có di sản thừa kế thì không có việc thừa kế. Điều 635 Dư thảo quy định về di sản cụ thể. Di sản thừa kế không những là tài sản hữu hình, mà còn là những quyền tài sản. Di sản được xác định là “tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”. Di sản còn là các quyền tài sản như quyền sử dụng đất; quyền đối với đối tượng sở hữu trí tuệ.

Như vậy, Điều 635 Dự thảo đã quy định di sản là những gì thuộc quyền sở hữu của một cá nhân khi còn sống, và là di sản thừa kế sau khi cá nhân chết xác định được.

Về chủ thể thừa kế, thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người thừa kế.

Đây là một trong những vấn đề thường phát sinh những tranh chấp trong việc xác định ai là người thừa kế? Người thừa kế cần thỏa mãn điều kiện nào? Thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người thừa kế được xác định từ khi nào? Điều 636 và 637 Dự thảo đã quy định rõ và chặt chẽ.

Trước hết, “Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không phải là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế”.

Theo quy định này, pháp luật chỉ thừa nhận cá nhân là người thừa kế hoặc là người còn sống hoặc là người được sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lai di sản chết.

Xung quanh quy định này còn có thể có nhiều ý kiến khác như trong thụ tinh mà tinh trùng của một người chỉ được thụ tinh sau khi người đó qua đời và theo huyết thống đứa trẻ sinh ra là con của người đã chết, nhưng không được thừa kế của bố vì sau một thời gian dài sau khi người bố chết mới được thụ tinh?

Đối với người thừa kế theo di chúc không phải là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế. “Người” ở đây được hiểu là chủ thể hưởng di sản theo di chúc là tổ chức. Vì vậy, tổ chức được người lập di chúc chỉ định hưởng di sản phải còn tồn tại vào thời điểm người để lại di sản chết.

Về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại quy định tại Điều 638 Dự thảo có bổ sung thêm nội dung khoản 2 so với cùng quy định tại Điều 637 Bộ luật dân sự năm 2005. Khoản 2 Điều 637 BLDS năm 2005 quy định: “Trong trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế”. Khoản 2 Điều 638 Dự thảo quy định: “Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế hoặc theo quyết định của Tòa án trong phạm vi di sản do người chết để lại”.

Quy định bổ sung tại khoản 2 Điều 638 Dự thảo chặt chẽ hơn và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chủ nợ chặt chẽ hơn.

- Quy định về người quản lý di sản (Điều 639 Dự thảo);

- Nghĩa vụ của người quản lý di sản (Điều 640 Dự thảo);

- Quyền của người quản lý di sản (Điều 641 Dự thảo);

- Việc thừa kế của những người có quyền thừa kế di sản của nhau mà chết cùng thời điểm (Điều 642 Dự thảo);

Những điều luật này vẫn giữ nguyên như những quy định tương ứng trong Bộ luật dân sự năm 2005.

Thừa kế là một quan hệ pháp luật dân sự, vì vậy ý chí của người thừa kế có quyền định đoạt nhận di sản hay không nhận di sản. Điều 643 Dự thảo quy định mới so với quy định tương ứng tại Điều 642 Bộ luật dân sự năm 2005. Tại khoản 2 và 3 Điều 642 Dự thảo cụ thể và phù hợp với thực tế đời sống xã hội hơn: “Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản; người từ chối phải gửi văn bản từ chối nhận di sản cho người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, tổ chức hành nghề công chứng hoặc ủy ban nhân dân xã nơi có địa điểm mở thừa kế”. (Quy định tại Điều 642 BLDS năm 2005: “Việc từ chối phải được lập thành văn bản; người từ chối phải báo cho những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, cơ quan công chứng hoặc ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm mở thừa kế về việc từ chối nhận di sản”).

Đặc biệt, khoản 3 Điều 643 Dự thảo quy định nhằm bảo đảm quyền tự định đoạt của người thừa kế trong việc từ chối nhận di sản hơn so với cùng quy định tại Điều 642 BLDS năm 2005. Khoản 3 Điều 642 quy định: “Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản”. (Khoản 3 Điều 642 BLDS năm 2005 quy định: “Thời hạn từ chối nhận di sản là sáu tháng, kể từ ngày mở thừa kế. Sau sáu tháng kể từ ngày mở thừa kế nếu không có từ chối nhận di sản thì được coi là đồng ý nhận di sản”).

Quy định tại khoản 3 Điều 643 Dự thảo là một quy định mới, tôn trọng và bảo đảm quyền tự định đoạt nhận hay từ chối nhận di sản của người thừa kế, không mang nặng tính chất áp đặt và hạn chế quyền của người thừa kế.

- Về người không được quyền hưởng di sản (Điều 644 Dự thảo);

- Về tài sản không có người thừa kế thuộc về Nhà nước (Điều 645 Dự thảo).

Hai điều luật trên vẫn giữa nguyên như quy định tại các Điều 643 và 644 BLDS năm 2005.

Về thời hiệu thừa kế. Điều 646 Dự thảo là một quy định mới so với quy định về thời hiệu khởi kiện về thừa kế tại Điều 645 BLDS năm 2005.

Điều 646 quy định: “1. Thời hạn yêu cầu Tòa án giải quyết việc thừa kế là ba mươi năm đối với bất động sản, mười năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người đang quản lý di sản đó.

2. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản theo quy định tại khoản 1 Điều này thì di sản được giải quyết như sau:

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu hoặc được lợi một cách ngay tình, liên tục, công khai nếu việc chiếm hữu, được lợi phù hợp với quy định tại Điều 177 và Điều 178 của Bộ luật này.

b) Di sản thuộc về Nhà nước không có người khác chiếm hữu hoặc được lợi về di sản theo quy định tại điểm a khoản này”.

Quy đinh về thời hiệu thừa kế tại Điều 646 Dự thảo đã mở ra khả năng khách quan để bảo đảm tính ổn định của di sản và bảo vệ quyền của người thừa kế đối với từng loại tài sản là bất động sản và động sản, đồng thời cũng là bảo vệ những người ngay tình khi chiếm hữu di sản

Những quy định chung tại chương XX trong Dự thảo Bộ luật dân sự năm 2005 (sửa đổi), đã dự liệu tương đối triệt để và toàn diện và phù hợp với đời sống kinh tế, xã hội ở Việt Nam hiện nay và trong tương lai. Đó là những quy định về quyền thừa kế của cá nhân, quyền bình đẳng về việc để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật; người thừa kế; thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người thừa kế; thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại; việc thừa kế của những người có quyền thừa kế di sản của nhau mà chết cùng thời điểm; từ chối nhận di sản; người không được quyền hưởng di sản, thời hiệu thừa kế …

Những quy định này nhằm điều chỉnh có hiệu quả quan hệ thừa kế trong xã hội hiện đại.

2. Về thừa kế theo di chúc (từ Điều 647 đến Điều 674)

1. Tại Điều 647 quy định về chúc: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”. (Giữ nguyên Điều 646 BLDS năm 2005).

2. Các Điều 648 quy định về người lập di chúc; Quyền của người lập di chúc (Điều 649); Hình thức di chúc (Điều 650); Di chúc bằng văn bản (Điều 651); Di chúc miệng (Điều 652); Di chú hợp pháp (Điều 653); Nội dung của di chúc (điều 654); Người làm chứng cho việc lập di chúc (Điều 655); Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng (Điều 656); Di chúc bằng văn bản có người làm chứng (Điều 657); Di chúc có công chứng hoặc chứng thực (Điều 658); Thủ tục lập di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã (Điều 659); Người không được công chứng, chứng thực di chúc (Điều 660); Di chúc bằng văn bản có giá trị như di chúc được công chứng hoặc chứng thực (Điều 661); Di chúc do công chứng viên lập tại chỗ ở (Điều 662); Sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc (Điiều 663); Gửi giữ di chúc (Điều 664); Di chúc bị thất lạc, hư hại (Điều 667); Hiệu lực của di chúc (Điều 668); Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc (Điều 670); Di tặng (Điều 671); Công bố di chúc (Điều 673); Giải thích nội dung của di chúc (Điều 674).

Quy định về thừa kế theo di chúc được quy định trong Bộ luật dân sự năm 2005 đa phần được giữ nguyên. Những quy định này đã phù hợp với đời sống kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện nay, thì những quy định này không có những điểm cần phải được sửa đổi, bổ sung.

Về thừa kế theo di chúc là một trong hai hình thức thừa kế, được quy định tại chương XXI Dự thảo, có khoản và có một số điều được quy định mới. Điều 664 Dự thảo, quy định về sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung của vợ, chồng: “Vợ, chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung bất cứ lúc nào. Nếu người kia không đồng ý thì mỗi người có quyền lập di chúc liên quan đến phần tìa sản của mình. Nếu một người đã chết thì ngườ kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình”.

Quy định này nhằm bảo đảm quyền tự định đoạt ý chí của vợ và chồng trong việc lập di chúc chung và cũng có quyền lập di chúc liên quan đến tài sản của mỗi bên, nếu bên kia không đồng ý. Trong trường hợp một bên chết, thì vợ hoặc chồng còn sống có quyền sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình. Quy định tại Điều 665 Dự thảo đã thay đổi căn bản quyền của vợ và chồng trong việc định đoạt tài sản của mình, không bị phụ thuộc vào quy định quá hình thức như cùng quy định tại Điều 664 BLDS năm 2005. Điều 664 BLDS năm 2005 quy định tại khoản 2: “Khi vợ chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của người kia; nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến tài sản của mình”.

Thừa kế theo di chúc trong Dự thảo có những điểm mới so với Bộ luật dân sự năm 2005. Tại khoản 2 Điều 670 quy định về những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc: “Những người hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung của di chúc nêu tại khoản 1 Điều này chỉ được hưởng nếu còn sống vào thời điểm chia thừa kế”.

Một điểm mới trong Dự thảo là quy định về hiệu lực pháp luật của di chúc chung của vợ, chồng tại Điều 669: “Trường hợp vợ, chồng lập di chúc chung mà có một người chết trước, thì chỉ phần di chúc liên quan đến phần di sản của người chết trong tài sản chung có hiệu lực pháp luật; nếu vợ, chồng có thỏa thuận trong di chúc về thời điểm có hiệu lực của di chúc là thời điểm người sau cùng chết, thì di sản của vợ, chồng theo di chúc chung chỉ được phân chia tại thời điểm đó”.

Đây là quy định nhằm bảo đảm quyền của người thừa kế vào thời điểm vợ hoặc chồng chết trước mà có di chúc chung. Việc chia tài sản sau khi người cuối cùng là vợ hoặc chồng chết chỉ áp dụng khi có thỏa thuận của vợ, chồng có di chúc chung.

Tuy nhiên, về di chúc chung có vợ chồng, có ý kiến cho rằng không nên quy định, vì quy định này mang nặng tính lý thuyết, mà thực tế hiếm có hoặc nếu có cũng rất phức tạp khi mà vợ, chồng có thỏa thuận về thời điểm có hiệu lực của di chúc chung!

Tuy nhiên, vẫn có nhiều quy định còn có nhiều ý kiến chưa thống nhất, cần thiết hay không cần thiết phải nghiên cứu để chỉnh sửa luật cho phù hợp với nguyên tắc pháp luật về thừa kế và đời sống kinh tế - xã hội ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai. Đó là những vấn đề:

Có ý kiến cho rằng: Quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng (Đều 671 Dự thảo) chưa được định lượng cụ thể; giải quyết di sản dùng vào việc thờ cúng khi tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết? Di sản dùng vào việc thờ cúng là quyền sử dụng đất đai, quyền sở hữu trí tuệ thì giải quyết như thế nào?

 Về di chúc chung của vợ, chồng cũng có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Có ý kiến đồng tình như trong dự thảo, nhưng cũng có ý kiến là không nên quy định về di chúc chung của vợ, chồng. Quy định về di chúc chung của vợ chồng có cần thiết không, khi mà cá nhân độc lập trong việc định đoạt tài sản của mình theo di chúc trước khi chết?

Có cần dự liệu trường hợp vợ, chồng cùng lập di chúc chung nhưng không định đoạt toàn bộ tài sản chung hợp nhất của vợ chồng, mà chỉ định đoạt một phần tài sản chung? Hoặc vợ, chồng lập di chúc chung nhưng chỉ định đoạt một khoản tiền hay một phần quyền sử dụng đất? Một phần nhà ở? Một phần doanh nghiệp tư nhân?

 Về di chúc hợp pháp (Điều 653 Dự thảo), có ý kiến cho rằng theo quy tại khoản 5 Điều 653 Dự thảo thì trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày người lập di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, hai người làm chứng phải ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ và di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực. Quy định như vậy có trái nguyên tắc công chứng không? Tính khách quan của biên bản làm chứng di chúc miệng có đảm bảo không?

Ngoài ra, pháp luật có nên quy định rõ trường hợp người thừa kế từ chối quyền hưởng di sản theo di chúc, mà không từ chối quyền hưởng thừa kế chia theo pháp luật hoặc chỉ từ chối quyền hưởng phần di sản chia theo pháp luật, mà không từ chối quyền thừa kế theo di chúc, nếu người đó là người thừa kế trong hàng được hưởng di sản?

Có nên quy định người từ chối quyền hưởng có nghĩa vụ phải thông báo cho văn phòng công chứng hoặc Ủy ban nhân dân nơi người đó cư trú về việc người đó từ chối hưởng di sản thừa kế không? Ủy Ban nhân dân hoặc phòng công chứng có vai trò gì trong việc một cá nhân từ chối nhận di sản?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 670 Dự thảo là một điểm mới so với cùng quy định tại Điều 669 Bộ luật dân sự năm 2005: “Những người hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung của di chúc nêu tại khoản 1 Điều này chỉ được hưởng nếu còn sống vào thời điểm phân chia di sản”. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng quy định này mẫu thuẫn với nguyên tắc người thừa kế chỉ với điều kiện phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế?



3. Về thừa kế theo pháp luật (từ Điều 675 đến Điều 681)

Những quy định về thừa kế theo pháp luật trong Dự thảo không có thay đổi nhiều, mà vẫn giữ nguyên những quy định tương ứng như trong Bộ luật dân sự năm 2005.

Điều 675 như một quy phạm định nghĩa về thừa kế theo pháp luật: “Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định”.

Điều 676. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật;

Điều 677. Người thừa kế theo pháp luật;

Điều 678. Thừa kế thế vị;

Điều 679. Quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ;

Điều 680. Quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế;

Điều 681. Việc thừa kế trong trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung, đang xin ly hôn, đã kết hôn với người khác.

Có điểm mới bổ sung tại khoản 2 Điều 677 Dự thảo: “Những người thừa kế theo pháp luật chỉ được hưởng phần di sản nếu họ còn sống tại thời điểm chia thừa kế”. Quy định bổ sung này vào một điều luật là thừa, vì về người thừa kế được quy định tại Điều 636 Dự thảo: “Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế …”.



4. Về thanh toán và phân chia di sản (từ Điều 682 đến Điều 688)

Những quy định về vấn đề này không có thay đổi lớn, chủ yếu giữ nguyên những quy định tương ứng trong Bộ luật dan sự năm 2005.

Riêng Điều 687 Dự thảo, quy định về hạn chế phân chia di sản có bổ sung đoạn cuối khoản một và bổ sung khoản 2:

“1. Trường hợp theo ý chí của người lập di chúc hoặc theo thỏa thuận của tất cả những người thừa kế, di sản chỉ được phân chia sau một thời hạn nhất định thì chỉ khi đã hết thời hạn đó di sản mới được đem chia.

Trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng những chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định, nhưng không quá 3 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết hạn 3 năm mà bên còn sống chứng minh được việc chia di sản vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gia đình họ thì có quyền yêu cầu Tòa án gia hạn, mỗi lần gia hạn không quá 3 năm.

2. Người thừa kế có quyền yêu cầu Tòa án phân chia di sản trong các trường hơp sau đây:

a) Hết thời hạn hạn chế phân chia di sản do Tòa án xác định;

b) Còn thời hạn nhưng không còn đủ căn cứ để hạn chế phân chia di sản theo quy định tại khoản 1 Điều này;

c) Bên còn sống đã kết hôn với người khác”.

Với quy định mới này, một mặt nhằm bảo vệ quyền xin gia hạn hạn chế phân chia di sản nếu có lý do chính đáng; mặt khác sự hạn chế phân chia di sản bị triệt tiêu do đã kết thúc thời hạn mà Tòa án đã xác định hoặc không còn đủ căn cứ hạn chế phân chia di sản hoặc bên còn sống đã kết hôn với người khác. Quy định mới này nhằm bảo vệ lợi ích của người hưởng di sản.

 Dự thảo Bộ luật dân sự năm 2005 (Sửa đổi) quy định về thừa kế có những điểm mới so với Bộ luật dân sự năm 2005. Với những nội dung, những điểm phù hợp, những điểm còn chưa thật sự phù hợp như đã viện dân trên đây, kính mong mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội tìm hiểu và góp ý nhằm hoàn thiện hơn nữa Dự thảo Bộ luật dấn sự năm 2005 (Sửa Đổi) - Bộ luật được coi là “Hiến pháp” của quan hệ tài sản mang tính chất hàng hóa - tiền tệ và quan hệ nhân thân.

III. Một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau

Trong quá trình xây dựng dự thảo Bộ luật và qua ý kiến của đại biểu Quốc hội, cơ quan, tổ chức, cá nhân thì một số quy định của dự thảo Phần thứ tư “Thừa kế” còn có ý kiến khác nhau, cụ thể :



1. Về thời hiệu thừa kế (Điều 646)

Về vấn đề này, hiện có hai loại ý kiến:

- Loại ý kiến thứ nhất: Nhất trí với quy định của dự thảo Bộ luật để phù hợp với bản chất pháp lý của thời hiệu, tạo công cụ pháp lý tốt hơn để Tòa án bảo vệ các quyền dân sự của tổ chức, cá nhân. Liên quan đến thừa kế, việc quy định thời hiệu khởi kiện thừa kế như Bộ luật hiện hành chưa giúp giải quyết được một cách triệt để và dứt điểm các tranh chấp phát sinh, đặc biệt trong giải quyết hậu quả đối với di sản khi hết thời hiệu;

- Loại ý kiến thứ hai: Đề nghị tiếp tục quy định về thời hiệu khởi kiện thừa kế như Bộ luật dân sự hiện hành và chỉ cần bổ sung hậu quả pháp lý đối với di sản khi hết thời hiệu.



2. Về di chúc chung của vợ chồng (Điều 664)

Về vấn đề này, hiện có hai loại ý kiến:

- Loại ý kiến thứ nhất: Nhất trí với quy định của dự thảo Bộ luật để qua đó vừa thể hiện sự tôn trọng đối với việc lựa chọn lập di chúc chung của vợ chồng vừa có cơ chế pháp lý để giải quyết hài hòa hậu quả do việc lập di chúc chung gây ra;

- Loại ý kiến thứ hai: Đề nghị không quy định về di chúc chung của vợ chồng vì không phù hợp với bản chất pháp lý của việc lập di chúc (ý chí đơn phương của người để lại di sản) và việc cho phép lập di chúc chung có thể gây ách tắc trong lưu thông tài sản trong các quan hệ dân sự.



3. Về từ chối nhận di sản (Điều 643)

Về vấn đề này, hiện có hai loại ý kiến:

- Loại ý kiến thứ nhất: Nhất trí với quy định của dự thảo Bộ luật vì quy định như vậy là phù hợp với văn hóa, tập quán của người Việt Nam thường chỉ thể hiện ý chí về việc nhận hay không nhận di sản khi có sự kiện chia di sản;

- Loại ý kiến thứ hai: Đề nghị quy định việc từ chối nhận di sản chỉ được thể hiện trong thời hạn sáu tháng như quy định của Bộ luật hiện hành để bảo đảm ổn định các quan hệ dân sự có liên quan đến di sản và người thừa kế.





tải về 66.62 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương