CÁc tội phạm chiến tranh và TỘI Ác chống nhân loạI, bao gồm tội diệt chủNG



tải về 2.09 Mb.
trang1/19
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích2.09 Mb.
#28495
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   19
CHƯƠNG 19

CÁC TỘI PHẠM CHIẾN TRANH
VÀ TỘI ÁC CHỐNG NHÂN LOẠI,
BAO GỒM TỘI DIỆT CHỦNG




Ảnh: 1. Một Phụ nữ Rwanda;

2. Phiên khai mạc (tháng 6/2007) của Tòa sơ thẩm thuộc Tòa đặc biệt của Campuchia xét xử tội phạm dưới chế độ Khme Đỏ (ECCC), ngồi góc bên trái là Công tố viên.



GIỚI THIỆU

Tội phạm chiến tranh là những vi phạm luật pháp và tập quán về chiến tranh, bao gồm giết người, đối xử tàn tệ, trục xuất thường dân đến trại lao động, giết hoặc đối xử tàn tệ với tù binh chiến tranh, giết hại con tin, hủy hoại khu dân cư, thành phố, làng mạc… Những khái niệm này đã tồn tại nhiều thế kỷ như tập quán pháp giữa các quốc gia, lần đầu chúng được pháp điển hóa vào các Công ước La-hay vào năm 1899 và 1907.

Khái niệm hiện đại về tội phạm chiến tranh được phát triển sau các phiên tòa Nuremberg dựa vào Hiến chương Luân Đôn được ban hành vào ngày 8/8/1945. Cùng với việc định nghĩa tội phạm chiến tranh, Hiến chương này cũng đã định nghĩa các tội ác chống hòa bình và tội ác chống nhân loại thường được thực hiện trong thời gian chiến tranh và song hành với tội phạm chiến tranh.

Tòa án Hình sự quốc tế Nam Tư cũ (ICTY) được thành lập năm 1993 và Tòa án Hình sự quốc tế Rwanda được thành lập vào năm 1994, theo Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, là hai tòa án không thường trực nhằm xét xử các tội phạm chiến tranh ở hai quốc gia, khu vực cụ thể. Tuy nhiên, đến năm 1998, sự ra đời của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC), một tòa án thường trực, là một bước ngoặt trong lịch sử bảo vệ quyền con người của nhân loại.


CÔNG ƯỚC VỀ NGĂN NGỪA VÀ
TRỪNG TRỊ TỘI DIỆT CHỦNG, 1948

(Được thông qua và để ngỏ cho các nước ký, phê chuẩn hay gia nhập theo Nghị quyết số 260A (III) ngày 9/12/1948 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc. Có hiệu lực từ ngày 12/1/1951, căn cứ theo điều 13. Việt Nam gia nhập ngày 9/6/1981).



Các bên ký kết,

Xét tuyên bố của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc được thông qua theo Nghị quyết số 96 (I) ngày 11/12/1946 nêu rõ rằng, diệt chủng là một tội ác theo luật pháp quốc tế, đi ngược lại tinh thần và các mục tiêu của Liên Hợp Quốc và bị thế giới văn minh lên án;

Thừa nhận rằng, trong mọi giai đoạn của lịch sử, nạn diệt chủng đã gây ra những tổn thất nặng nề cho nhân loại;

Tin tưởng rằng, để giải phóng nhân loại thoát khỏi tai họa ghê tởm này, cần phải có sự hợp tác quốc tế.

Nhất trí những điều khoản sau:

Điều 1.

Các bên ký kết khẳng định rằng, hành động diệt chủng, bất kể được thực hiện trong thời bình hay thời chiến, đều là tội ác theo luật pháp quốc tế mà các bên cam kết sẽ ngăn chặn và trừng trị.



Điều 2.

Trong Công ước này, diệt chủng có nghĩa là bất kỳ hành vi nào, được thực hiện nhằm cố ý tiêu diệt, toàn bộ hay một bộ phận, một nhóm dân tộc, chủng tộc, sắc tộc hay tôn giáo, ví dụ như các hành động nêu dưới đây:

1. Giết các thành viên của nhóm;

2. Gây tổn hại nghiêm trọng về thể xác hoặc tinh thần cho các thành viên của nhóm;

3. Cố ý bắt nhóm phải chịu các điều kiện sống dẫn đến hủy diệt về mặt thể chất của toàn bộ hoặc một bộ phận thành viên của nhóm;

4. Cố ý áp đặt những biện pháp nhằm ngăn chặn sự sinh đẻ trong nhóm;

5. Cưỡng bức chuyển giao trẻ em của nhóm sang một nhóm khác.

Điều 3.

Những hành vi sau đây phải bị trừng trị:

1. Diệt chủng;

2. Âm mưu phạm tội diệt chủng;

3. Trực tiếp và công khai kích động hành vi diệt chủng;

4. Cố tình phạm tội diệt chủng nhưng chưa đạt;

5. Đồng phạm tội diệt chủng.

Điều 4.

Những kẻ phạm tội diệt chủng hay bất kỳ hành vi nào khác được nêu ở điều 3 phải bị trừng trị, bất kể họ là những lãnh đạo có trọng trách được bầu ra pháp luật, các quan chức hay dân thường.



Điều 5.

Các bên ký kết cam kết ban hành những quy định pháp luật cần thiết, phù hợp với Hiến pháp của nước mình, để thực hiện hiệu quả những quy định của Công ước này, và cụ thể, để đưa ra những hình phạt thích đáng đối với những kẻ phạm tội diệt chủng hay có bất kỳ hành vi nào khác được nêu ở điều 3.



Điều 6.

Những người bị cáo buộc phạm tội diệt chủng hay bất kỳ hành vi nào khác được nêu ở điều 3 sẽ được xét xử bởi một tòa án có thẩm quyền của quốc gia mà trên lãnh thổ đã xảy ra hành vi phạm tội, hoặc bởi một tòa án hình sự quốc tế có thẩm quyền đối với những quốc gia ký kết nào đã chấp nhận thẩm quyền của tòa án quốc tế đó.



Điều 7.

Diệt chủng và những hành vi khác nêu trong điều 3 sẽ không được coi là tội phạm chính trị với mục đích dẫn độ.

Các quốc gia ký kết cam kết cho phép dẫn độ phù hợp với pháp luật và các điều ước quốc tế đang có hiệu lực với họ trong những trường hợp này.

Điều 8.

Bất kỳ bên ký kết nào cũng có thể yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền của Liên Hợp Quốc có những hành động mà quốc gia đó cho là cần thiết, trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp Quốc, để ngăn ngừa và trấn áp hành vi diệt chủng hay bất kỳ hành vi khác được nêu tại điều 3.



Điều 9.

Tranh chấp giữa các bên ký kết liên quan tới việc giải thích, áp dụng hay thực hiện Công ước này, trong đó bao gồm những vấn đề liên quan tới trách nhiệm của một quốc gia về tội diệt chủng hay bất kỳ hành vi nào khác nêu ở điều 3, sẽ được đưa ra Tòa án Công lý quốc tế giải quyết, theo yêu cầu của bất kỳ bên tranh chấp nào.



Điều 10.

Công ước này được làm bằng tiếng Trung Quốc, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Tây Ban Nha, các văn bản có giá trị như nhau, được làm ngày 9/12/1948.



Điều 11.

Công ước này sẽ được để ngỏ đến ngày 31/12/1949 cho bất kỳ Quốc gia thành viên nào của Liên Hợp Quốc và bất kỳ quốc gia nào không phải là thành viên Liên Hợp Quốc mà được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc mời, ký kết.

Công ước này phải được phê chuẩn, văn kiện phê chuẩn sẽ được nộp lưu chiểu cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc.

Sau ngày 01/1/1950, Công ước này có thể được bất kỳ Quốc gia thành viên nào của Liên Hợp Quốc và bất kỳ quốc gia nào không phải là thành viên Liên Hợp Quốc được mời, như nói ở trên, gia nhập.

Các văn kiện gia nhập sẽ được nộp lưu chiểu cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc.

Điều 12.

Bất kỳ bên ký kết nào cũng có thể, vào bất kỳ lúc nào, bằng việc thông báo cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, mở rộng việc áp dụng Công ước này tới tất cả hay bất kỳ vùng lãnh thổ nào nhằm thực hiện quan hệ ngoại giao của vùng lãnh thổ đó mà bên ký kết chịu trách nhiệm.



Điều 13.

Vào ngày văn kiện phê chuẩn hay gia nhập thứ 20 được lưu chiểu, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc sẽ ra thông báo xác nhận và chuyển bản sao thông báo tới các Quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc và tới các quốc gia không phải là thành viên Liên Hợp Quốc được mời theo Điều 11.

Công ước này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 90 sau ngày văn kiện phê chuẩn hay gia nhập thứ 20 được lưu chiểu.

Các văn kiện phê chuẩn hay gia nhập tiếp theo sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 90 sau ngày lưu chiểu văn kiện phê chuẩn hay gia nhập đó.



Điều 14.

Công ước này sẽ duy trì hiệu lực trong 10 năm kể từ ngày Công ước có hiệu lực.

Sau đó Công ước sẽ tiếp tục có hiệu lực trong thời hạn trong mỗi năm năm một đối với các Bên ký kết không tuyên bố bãi ước chậm nhất 6 tháng trước khi hết mỗi thời hạn đó..

Việc bãi ước sẽ được thực hiện bằng cách gửi văn bản thông báo tới Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc.



Điều 15.

Nếu việc bãi ước khiến cho số lượng các Quốc gia thành viên Công ước này còn ít hơn 16 thành viên thì Công ước sẽ chấm dứt hiệu lực kể từ ngày tuyên bố bãi ước cuối cùng được chấp nhận.



Điều 16.

Quốc gia thành viên có thể yêu cầu xem xét lại Công ước vào bất kỳ lúc nào bằng cách gửi thông báo bằng văn bản cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc.

Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ quyết định các biện pháp cần tiến hành trong trường hợp có đề nghị như trên.

Điều 17.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc sẽ thông báo cho tất cả Quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc và các quốc gia không phải là thành viên Liên Hợp Quốc theo Điều 11 những vấn đề sau:

1. Việc ký, phê chuẩn và gia nhập theo Điều 11;

2. Các thông báo nhận được theo Điều 12;

3. Ngày có hiệu lực của Công ước theo Điều 13;

4. Tuyên bố bãi ước theo Điều 14;

5. Việc hết hiệu lực của Công ước theo Điều 15;

6. Các thông báo nhận được theo Điều 16.



Điều 18.

Bản gốc của Công ước này sẽ được lưu chiểu tại cơ quan lưu trữ của Liên Hợp Quốc.

Bản sao có chứng thực của Công ước này sẽ được chuyển tới mỗi thành viên của Liên Hợp Quốc và tới mỗi thành viên không phải là Quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc theo Điều 11.

Điều 19.

Công ước này sẽ được Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đăng ký vào ngày Công ước có hiệu lực.

 

CÔNG ƯỚC VỀ KHÔNG ÁP DỤNG THỜI HIỆU TỐ TỤNG VỚI TỘI ÁC CHIẾN TRANH VÀ TỘI ÁC CHỐNG NHÂN LOẠI, 1968

(Được thông qua và mở cho các nước ký, phê chuẩn và gia nhập theo Nghị quyết số 2391(XXIII) ngày 26/11/1968 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc. Có hiệu lực từ ngày 11/11/1970, căn cứ theo Điều 8. Việt Nam gia nhập ngày 4/6/1983).



Lời nói đầu

Các Quốc gia thành viên Công ước,



Nhắc lại Nghị quyết của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc số 3(I) ngày 13/2/1946 và Nghị quyết số 170(II) ngày 31/12/1947 về dẫn độ và trừng trị những kẻ phạm tội ác chiến tranh; Nghị quyết số 95(I) ngày 11/12/1946 khẳng định những nguyên tắc của pháp luật quốc tế được thừa nhận trong Hiến chương Tòa án Quân sự quốc tế Nuremberg và phán quyết của Tòa án này; các Nghị quyết số 2184(XXI) ngày 12/12/1966 và Nghị quyết số 2002(XXI) ngày 16/12/1966 lên án mọi hành vi vi phạm các quyền kinh tế, chính trị của người bản địa và chính sách của chế độ A-pác-thai như là tội ác chống nhân loại.

Cũng nhắc lại Nghị quyết số 1074D (XXXIX) ngày 28/7/1965 và Nghị quyết số 1158 (XLI) ngày 5/8/1966, của Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc về việc trừng trị những kẻ phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại;

Lưu ý rằng, không một tuyên bố chính thức, văn kiện hay công ước nào liên quan tới việc truy tố và trừng trị những kẻ phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại quy định về việc áp dụng thời hiệu;

Xét rằng, các tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại đều nằm trong số những tội ác nghiêm trọng nhất theo luật quốc tế.

Tin tưởng rằng, việc trừng trị hiệu quả các tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại là yếu tố quan trọng trong việc ngăn ngừa những loại tội phạm này, bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của con người, khuyến khích sự tin cậy và đẩy mạnh sự hợp tác giữa các dân tộc, thúc đẩy hòa bình và an ninh quốc tế;

Lưu ý rằng, việc áp dụng những quy định về thời hiệu tố tụng với những tội phạm thông thường trong pháp luật quốc gia cho các tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại là một vấn đề gây lo ngại trong dư luận quốc tế, vì điều này cản trở việc truy tố và trừng trị những kẻ chịu trách nhiệm về những tội ác đó;

Thừa nhận rằng, cần thiết và đã đến lúc khẳng định trong luật pháp quốc tế, thông qua Công ước này, nguyên tắc không áp dụng thời hiệu tố tụng đối với tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại và bảo đảm việc áp dụng toàn cầu nguyên tắc này.

Đã thỏa thuận như sau:

Điều 1.

Không áp dụng thời hiệu tố tụng đối với những tội ác sau đây, cho dù tội ác đó được thực hiện vào bất kỳ thời điểm nào:

1. Các tội ác chiến tranh như đã được định nghĩa trong Hiến chương của Tòa án quân sự quốc tế Nuremberg ngày 8/8/1945, và được khẳng định trong Nghị quyết số 3(I) ngày 13/2/1946 và Nghị quyết số 95(I) ngày 11/12/1946 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, đặc biệt là “những vi phạm nghiêm trọng” đã được nêu trong các Công ước Geneva ngày 12/8/1949 về bảo hộ nạn nhân chiến tranh.

2. Các tội ác chống nhân loại, dù được thực hiện trong thời chiến hay thời bình, như đã được định nghĩa trong Hiến chương của Tòa án quân sự quốc tế Nuremberg ngày 8/8/1945 và được khẳng định trong Nghị quyết số 3(I) ngày 13/2/1946 và Nghị quyết số 95(I) ngày 11/12/1946 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, hành vi xua đuổi dân thường khỏi nơi sinh sống của họ bằng tấn công quân sự hay bằng chiếm đóng, những hành vi vô nhân đạo xuất phát từ chính sách A-pác-thai và tội diệt chủng, như đã được định nghĩa trong Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng năm 1948, cho dù những hành vi đó không cấu thành hành vi phạm tội theo quy định pháp luật của quốc gia nơi những hành vi đó được thực hiện.



Điều 2.

Nếu một trong những tội ác quy định tại điều 1 trên đây được thực hiện, thì các quy định trong Công ước này sẽ được áp dụng với đại diện của cơ quan có thẩm quyền của quốc gia và các cá nhân vi phạm, với tư cách là thủ phạm chính hoặc là đồng phạm, hay trực tiếp kích động người khác phạm tội, hoặc đã âm mưu phạm tội mà không kể mức độ hoàn thành, cũng như đối với đại diện của cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đã dung túng cho hành vi phạm tội đó.



Điều 3.

Các Quốc gia thành viên Công ước cam kết áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong nước, về lập pháp hay các biện pháp khác, để dẫn độ những đối tượng nêu tại điều 2 Công ước này, phù hợp với luật pháp quốc tế.



Điều 4.

Các Quốc gia thành viên Công ước cam kết áp dụng mọi biện pháp lập pháp hay những biện pháp cần thiết khác phù hợp với pháp luật nước mình để bảo đảm không áp dụng thời hiệu đối với việc truy tố, xét xử và trừng trị các tội ác nêu tại điều 1 và điều 2 Công ước này, và xóa bỏ quy định về những thời hiệu tố tụng đó nếu chúng đang tồn tại.



Điều 5.

Công ước này sẽ để ngỏ đến ngày 31/12/1969 cho bất kỳ Quốc gia thành viên nào cuả Liên Hợp Quốc hoặc Quốc gia thành viên của bất kỳ tổ chức chuyên môn nào của Liên Hợp Quốc hoặc của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế, hoặc Quốc gia thành viên Quy chế Tòa án Công lý quốc tế, cũng như các quốc gia được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc mời tham gia Công ước này, ký kết.



Điều 6.

Công ước này đòi hỏi phải phê chuẩn. Các văn kiện phê chuẩn sẽ được nộp lưu chiểu cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc.



Điều 7.

Công ước này sẽ để ngỏ cho tất cả các quốc gia nêu tại điều 5 gia nhập. Các văn kiện gia nhập sẽ được nộp lưu chiểu cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc.



Điều 8.

1. Công ước này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 90 sau ngày văn kiện phê chuẩn hoặc gia nhập thứ 10 được nộp lưu chiểu cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc.

2. Đối với quốc gia phê chuẩn hoặc gia nhập Công ước này sau khi văn kiện phê chuẩn hoặc gia nhập thứ 10 được nộp lưu chiểu, thì Công ước này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 90 kể từ ngày nộp lưu chiểu văn kiện phê chuẩn hoặc gia nhập của quốc gia đó.

Điều 9.

1. Sau khi hết hạn 10 năm kể từ ngày Công ước này có hiệu lực, bất kỳ bên ký kết nào cũng có thể đề nghị xem xét lại Công ước vào bất kỳ lúc nào bằng cách gửi thông báo bằng văn bản cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc.

2. Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ quyết định các bước phải tiến hành, nếu có, trong trường hợp có đề nghị như trên.

Điều 10.

1. Công ước này sẽ được Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc lưu chiểu.

2. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc sẽ chuyển các bản sao có chứng thực của Công ước này tới tất cả các quốc gia nêu tại Điều 5.

3. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc sẽ thông báo cho tất cả quốc gia nêu ở Điều 5 về những sự kiện sau:

a. Việc ký Công ước này, và các văn kiện phê chuẩn và gia nhập được nộp lưu chiểu theo quy định tại các Điều 5, 6, 7.

b. Ngày có hiệu lực của Công ước này theo quy định tại Điều 8.

c. Các thông báo nhận được theo quy định tại Điều 9.

Điều 11.

Công ước này được làm bằng tiếng Trung Quốc, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Tây Ban Nha, các văn bản đều có giá trị như nhau, được làm ngày 26/11/1968.

Để làm bằng, những người có tên sau đây, được ủy quyền đầy đủ, đã ký Công ước này.

CÁC NGUYÊN TẮC HỢP TÁC QUỐC TẾ TRONG TRUY TÌM, BẮT GIỮ, DẪN ĐỘ VÀ TRỪNG PHẠT NHỮNG NGƯỜI VI PHẠM CÁC TỘI ÁC CHIẾN TRANH VÀ TỘI ÁC CHỐNG NHÂN LOẠI, 1973

(Được thông qua bởi Nghị quyết số 3074 (XXVIII) của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 3/12/1973).



Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc,

Nhắc lại các Nghị quyết số 2583 (XXIV) ngày 15/12/1969, số 2712 (XXV) ngày 15/12/1970, số 2840 (XXVI) ngày 18/12/1971 và số 3020 (XXVII) ngày 18/12/1972,

Xét đến sự cần thiết đặc biệt phải có hành động quốc tế để đảm bảo truy đuổi và trừng phạt những người thực hiện các tội ác chiến tranh và các tội ác chống loài người,

Sau khi xem xét bản dự thảo các nguyên tắc về hợp tác quốc tế trong truy tìm, bắt giữ, dẫn độ và trừng phạt những người thực hiện các tội ác chiến tranh và các tội ác chống loài người,

Tuyên bố rằng, nhằm theo đuổi các nguyên tắc và mục đích được quy định trong Hiến chương về thúc đẩy hợp tác giữa các dân tộc và duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, Liên Hợp Quốc công bố những nguyên tắc sau về hợp tác quốc tế trong truy tìm, bắt giữ, dẫn độ và trừng phạt những người thực hiện các tội ác chiến tranh và các tội ác chống loài người:

1. Bất cứ khi nào chúng được thực hiện thì các tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại phải được điều tra, và những người mà chống lại họ có chứng cứ chứng minh rằng họ đã thực hiện những tội ác như vậy thì cần phải bị truy tìm, bắt giữ và nếu bị kết tội thì phải bị trừng trị.

2. Mỗi quốc gia đều có quyền xét xử các công dân của mình về các tội ác chiến tranh và tội ác chống loài người.

3. Các quốc gia sẽ hợp tác với nhau trên cơ sở song phương và đa phương nhằm kiểm soát và ngăn chặn các tội ác chiến tranh và tội ác chống loài người, đồng thời thực hiện các biện pháp quốc gia và quốc tế cần thiết vì mục đích này.

4. Các quốc gia sẽ hỗ trợ lẫn nhau trong việc truy tìm, bắt giữ và đưa ra xét xử những người bị cho là đã thực hiện những tội ác như trên, và trong việc trừng phạt họ nếu họ bị coi là có tội.

5. Những người mà chống lại họ có những bằng chứng rằng họ đã thực hiện các tội ác chiến tranh và tội ác chống loài người phải bị xét xử, và nếu bị coi là có tội thì phải bị trừng phạt về nguyên tắc ở nước nơi họ đã thực hiện những tội ác này. Để thực hiện điều này, các quốc gia phải hợp tác với nhau về dẫn độ những người này.

6. Các quốcc gia sẽ hợp tác với nhau trong thu thập thông tin và chứng cứ nhằm giúp việc đem ra xét xử những cá nhân đã được nêu ở mục 5 trên đây và sẽ trao đổi cho nhau những thông tin như vậy.

7. Phù hợp với điều 1 của Tuyên bố ngày 14/12/1967 về Lãnh thổ tỵ nạn, các quốc gia sẽ không trao quyền tỵ nạn cho bất kỳ cá nhân nào nếu có những căn cứ quan trọng để cho rằng họ đã phạm tội chống hòa bình, tội ác chiến tranh hay tội chống nhân loại.

8. Các quốc gia sẽ không thực hiện bất kỳ biện pháp lập pháp hoặc biện pháp nào khác gây hại đến những nghĩa vụ pháp lý quốc tế mà họ đã cam kết về việc truy tìm, bắt giữ, dẫn độ và trừng phạt những người đã thực hiện các tội ác chiến tranh và các tội ác chống nhân loại.

9. Trong hợp tác nhằm truy tìm, bắt giữ và dẫn độ những người mà chống lại họ có bằng chứng cho rằng họ đã thực hiện những tội ác chiến tranh, tội ác chống loài người, và trong trường hợp nếu họ bị kết tội, thì nhằm trừng phạt họ, các quốc gia sẽ hành động phù hợp với các quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc và của Tuyên bố về các Nguyên tắc của Luật quốc tế điều chỉnh những quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc.



QUY CHẾ CỦA TÒA ÁN HÌNH SỰ QUỐC TẾ PHỤ TRÁCH XÉT XỬ CÁC CÁ NHÂN BỊ
TRUY TỐ VỀ NHỮNG HÀNH VI VI PHẠM NGHIÊM TRỌNG LUẬT NHÂN ĐẠO QUỐC TẾ XẢY RA TRÊN LÃNH THỔ NAM TƯ CŨ TỪ NĂM 1991, 1993

Tòa án Quốc tế phụ trách xét xử các cá nhân bị truy tố về những vi phạm nghiêm trọng Luật Nhân đạo Quốc tế xảy ra trên lãnh thổ của Nam Tư cũ từ năm 1991 (sau đây gọi là Tòa án Quốc tế do Hội đồng Bảo an thành lập trên cơ sở các quy định tại Chương VII của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Tòa án Quốc tế sẽ hoạt động phù hợp với các quy định của Quy chế này.



Điều 1. Thẩm quyền của Tòa án Quốc tế

Tòa án Quốc tế có thẩm quyền xét xử mọi cá nhân bị truy tố về những hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp Luật Nhân đạo Quốc tế xảy ra trên lãnh thổ Nam Tư cũ từ năm 1991, phù hợp quy định của Quy chế này.



Điều 2. Những hành vi vi phạm nghiêm trọng các Công ước Geneva 1949

Tòa án Quốc tế có thẩm quyền xét xử mọi cá nhân trực tiếp thực hiện hoặc ra lệnh cho người khác thực hiện những hành vi vi phạm nghiêm trọng các Công ước Geneva ngày 12/8/1949, cụ thể là những hành vi sau đây xâm phạm đến những người hoặc tài sản thuộc đối tượng được bảo vệ theo các điều khoản của Công ước Geneva liên quan:

1. Cố ý giết người;

2. Tra tấn hoặc đối xử vô nhân đạo, kể cả hành vi dùng con người vào những thử nghiệm sinh học;

3. Chủ tâm gây nên những đau đớn ghê gớm hoặc những tổn thương trầm trọng cho cơ thể và sức khỏe;

4. Phá hoại và chiếm đoạt tài sản một cách bất hợp pháp, vô căn cứ và trên diện rộng mà không vì nhu cầu quân sự cấp thiết;

5. Cưỡng bức tù binh chiến tranh hoặc thường dân phục vụ cho lực lượng quân đội của một Bên đối địch;

6. Tước đoạt quyền của tù binh hoặc dân thường được xét xử đúng pháp luật và vô tư;

7. Trục xuất, chuyển giao hoặc giam giữ dân thường bất hợp pháp; hoặc bắt thường dân làm con tin.

Điều 3. Các hành vi vi phạm luật hoặc tập quán chiến tranh

Tòa án Quốc tế có thẩm quyền xét xử mọi cá nhân vi phạm luật và tập quán chiến tranh. Những vi phạm này chủ yếu bao gồm những hành vi sau đây:

1. Sử dụng vũ khí có độc tính hoặc các vũ khí khác được chế tạo để gây ra những đau đớn không cần thiết;

2. Phá hủy vô căn cứ các đô thị hoặc làng mạc, hoặc có hành động tàn phá mà không được biện minh bởi các yêu cầu về quân sự;

3. Tấn công, thả bom, bằng bất cứ phương tiện nào, những đô thị, làng mạc, khu dân cư và nhà cửa không có phòng thủ;

4. Chiếm giữ, phá hủy, hoặc chủ tâm gây hư hỏng các cơ sở tôn giáo, từ thiện, giáo dục, nghệ thuật và khoa học, các công trình lịch sử, các tác phẩm nghệ thuật và các tác phẩm mang tính chất khoa học;

5. Cướp bóc các tài sản công hoặc tư.

Điều 4. Tội diệt chủng

1. Tòa án Quốc tế có thẩm quyền xét xử mọi cá nhân phạm tội diệt chủng theo định nghĩa tại khoản 2 điều này hoặc thực hiện một trong số những hành vi quy định tại khoản 3 điều này.

2. Phạm tội diệt chủng có nghĩa là thực hiện một trong những hành vi sau đây nhằm mục đích hủy diệt toàn bộ hay một phần một nhóm dân tộc, sắc tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo:

a. Giết hại các thành viên của nhóm;

b. Xâm hại nghiêm trọng đến sự toàn vẹn tinh thần và thể xác của các thành viên trong nhóm;

c. Cưỡng bức nhóm chịu đựng những điều kiện sống có khả năng dẫn đến hủy hoại từng phần hoặc toàn bộ về thể chất;

d. Áp dụng những biện pháp nhằm hạn chế sinh đẻ trong nhóm;

e. Cưỡng bức chuyển trẻ em từ nhóm người này sang nhóm người khác;

3. Những hành vi sau đây phải bị trừng trị:

a. Diệt chủng;

b. Thỏa thuận nhằm phạm tội diệt chủng;

c. Công khai kích động người khác phạm tội diệt chủng;

d. Âm mưu phạm tội diệt chủng;

e. Đồng lõa với người phạm tội diệt chủng.



Điều 5. Tội ác chống nhân loại

Tòa án Quốc tế có thẩm quyền xét xử mọi cá nhân bị truy tố về những tội ác sau đây xảy ra trong xung đột vũ trang mang tính quốc tế hay không mang tính quốc tế và nhằm vào bất cứ cộng đồng thường dân nào.

1. Giết người;

2. Hủy diệt;

3. Bắt làm nô lệ;

4. Trục xuất;

5. Bỏ tù;

6. Tra tấn;

7. Hãm hiếp;

8. Ngược đãi vì động cơ chính trị, chủng tộc và tôn giáo;

9. Những hành vi vô nhân đạo khác.

Điều 6. Đối tượng thuộc thẩm quyền của Tòa án Quốc tế

Tòa án Quốc tế có thẩm quyền tài phán đối với các thể nhân theo quy định của Quy chế này.



Điều 7. Trách nhiệm hình sự cá nhân

1. Người nào trực tiếp thực hiện; lập kế hoạch, xúi giục, ra lệnh cho người khác thực hiện; hoặc tiếp tay, khuyến khích người khác lập kế hoạch, chuẩn bị hoặc thực hiện một trong những hành vi được quy định tại các Điều 2, 3, 4, 5 của Quy chế này sẽ phải chịu trách nhiệm cá nhân về hành vi đó;

2. Tư cách nhân viên công quyền của bị cáo, cho dù là người đứng đầu nhà nước, đứng đầu chính phủ hay quan chức cao cấp, sẽ không thể là lý do để miễn trừ trách nhiệm hình sự hoặc giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

3. Trong trường hợp hành vi quy định tại các Điều 2, 3, 4, 5 Quy chế này là do một nhân viên cấp dưới thực hiện thì cấp trên của người đó vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự nếu người cấp trên này biết hoặc phải biết rằng nhân viên cấp dưới chuẩn bị hoặc đã thực hiện hành vi vi phạm nhưng không áp dụng những biện pháp phù hợp và cần thiết để ngăn chặn hành vi hoặc trừng phạt thủ phạm.

4. Người thực hiện hành vi vi phạm theo lệnh của Chính phủ hay của cấp trên vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự, song có thể được xem xét giảm nhẹ hình phạt nếu Tòa án Quốc tế cho rằng việc giảm nhẹ hình phạt là phù hợp với pháp luật.

Điều 8. Thẩm quyền tài phán theo lãnh thổ và theo thời gian

Tòa án Quốc tế có thẩm quyền tài phán đối với những hành vi thực hiện trên lãnh thổ của Liên bang Cộng hòa XHCN Nam Tư cũ, bao gồm lãnh thổ đất liền, không phận và hải phận. Tòa án Quốc tế sẽ có thẩm quyền tài phán đối với những hành vi thực hiện kể từ ngày 01/01/1991.



Điều 9. Quan hệ về thẩm quyền giữa Tòa án Quốc tế với các Tòa án Quốc gia

1. Tòa án Quốc tế và các Tòa án Quốc gia cùng có thẩm quyền xét xử những cá nhân bị truy tố về những hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật Nhân đạo Quốc tế xảy ra trên lãnh thổ của Nam Tư cũ từ ngày 01/01/1991.

2. Tòa án Quốc tế có thẩm quyền ưu tiên hơn so với các Tòa án Quốc gia.

Trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình tố tụng, Tòa án Quốc tế đều có thể yêu cầu các Tòa án Quốc gia chuyển vụ việc cho Tòa án Quốc tế xét xử, trên cơ sở phù hợp với quy định tại Quy chế này và với Các Nguyên tắc Tố tụng và Chứng cứ của Tòa án Quốc tế.



Điều 10. Nguyên tắc không bị xét xử hai lần về cùng một tội

1. Người nào đã bị Tòa án Quốc tế xét xử về những hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật Nhân đạo Quốc tế theo quy định tại Quy chế này, thì không thể bị xét xử trước một Tòa án Quốc gia về cùng những hành vi đó.

2. Người nào đã bị một Tòa án Quốc gia xét xử về những hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật Nhân đạo Quốc tế, thì chỉ có thể bị xét xử lại bởi Tòa án Quốc tế trong những trường hợp sau đây:

a. Hành vi của người đó chỉ được Tòa án Quốc gia xác định là một tội phạm thông thường theo thông luật; hoặc:

b. Việc xét xử của Tòa án Quốc gia là không vô tư hoặc không độc lập, việc truy tố chỉ nhằm tránh để bị cáo khỏi phải chịu trách nhiệm tội phạm quốc tế hoặc công tác truy tố đã không được thực hiện tích cực.

3. Khi xem xét hình phạt đối với một cá nhân bị kết tội theo Quy chế này, Tòa án Quốc tế có thể tham khảo hình phạt cho cùng hành vi mà trước đó Tòa án Quốc gia đã áp dụng đối với cá nhân đó.



Điều 11. Cơ cấu tổ chức của Tòa án Quốc tế

Tòa án Quốc tế sẽ bao gồm các cơ quan sau đây:

1. Các Tòa, bao gồm hai Tòa sơ thẩm và một Tòa phúc thẩm,

2. Công tố viên, và

3. Phòng lục sự, giúp việc đồng thời cho các Tòa và Công tố viên.

Điều 12. Thành phần của các Tòa (đã được sửa đổi theo Nghị quyết số 1411 ngày 17/5/2002 của Hội đồng Bảo an)

1. Các Tòa gồm 16 thẩm phán độc lập thường trực, mang quốc tịch khác nhau, và vào cùng một thời điểm sẽ có tối đa 9 thẩm phán theo vụ việc mang quốc tịch khác nhau, được bổ nhiệm theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Quy chế này.

2. Mỗi Tòa sơ thẩm bao gồm ba thẩm phán thường trực và tối đa sáu thẩm phán theo vụ việc vào cùng một thời điểm. Mỗi Tòa sơ thẩm với số thẩm phán theo vụ việc được chỉ định lại có thể được chia thành các ban, mỗi ban bao gồm ba thẩm phán, trong đó có cả thẩm phán thường trực lẫn thẩm phán theo vụ việc. Mỗi ban trong Tòa sơ thẩm cũng có các quyền và trách nhiệm như một Tòa sơ thẩm theo quy định tại Quy chế này và sẽ ra quyết định xét xử theo những nguyên tắc tương tự như Tòa sơ thẩm.

3. Bảy thẩm phán thường trực sẽ là thành viên Tòa phúc thẩm. Hội đồng xét xử phúc thẩm bao gồm 5 thẩm phán của Tòa phúc thẩm.

4. Một người khi trở thành thành viên của các Tòa trong Tòa án Quốc tế nếu mang quốc tịch của nhiều nước thì sẽ được coi là công dân của nước nơi người ấy vẫn thường thực hiện các quyền dân sự và chính trị của mình.

Điều 13. Điều kiện và thủ tục bầu thẩm phán

1. Thẩm phán phải là những người có phẩm chất đạo đức tốt, công minh và vô tư, đồng thời hội đủ những tiêu chuẩn mà tại quốc gia của họ đòi hỏi phải có khi muốn được bầu vào các cơ quan tư pháp cao nhất. Cơ cấu chung của các Tòa phải đảm bảo bao gồm những thẩm phán giàu kinh nghiệm trong các lĩnh vực pháp luật hình sự và pháp luật quốc tế, đặc biệt là Luật Nhân đạo Quốc tế và Luật quốc tế về quyền con người.

2. Thẩm phán của Tòa án Quốc tế do Đại Hội đồng bầu ra, trên cơ sở danh sách ứng cử viên do Hội đồng Bảo an đệ trình, theo cách thức sau đây:

a. Tổng Thư ký yêu cầu các Quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc và các Quốc gia có phái đoàn quan sát viên thường trực tại Liên Hợp Quốc giới thiệu ứng cử viên,

b. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày có yêu cầu của Tổng Thư ký, mỗi Quốc gia có thể giới thiệu nhiều nhất hai ứng cử viên đáp ứng các tiêu chí quy định tại khoản 1 trên đây, với điều kiện không được mang cùng quốc tịch;

c. Tổng Thư ký chuyển danh sách những người được giới thiệu cho Hội đồng Bảo an. Dựa vào danh sách này, Hội đồng Bảo an lựa chọn ít nhất là 22 người và nhiều nhất là 33 người vào danh sách ứng cử viên chính thức, trên cơ sở đảm bảo sự đại diện thỏa đáng của các hệ thống pháp luật chủ yếu trên thế giới tại Tòa án Quốc tế;

d. Chủ tịch Hội đồng Bảo an đệ trình danh sách ứng cử viên chính thức cho Chủ tịch Đại Hội đồng. Từ danh sách đó, Đại Hội đồng sẽ bầu ra 1 1 thẩm phán của Tòa án Quốc tế. Ứng cử viên nào nhận được đa số tuyệt đối phiếu bầu của các Quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc và của các quốc gia không phải thành viên nhưng có phái đoàn quan sát viên thường trực tại Liên Hợp Quốc, sẽ được tuyên bố đắc cử. Nếu hai ứng viên có cùng quốc tịch giành được đa số phiếu yêu cầu thì người được số phiếu bầu nhiều hơn sẽ được coi là đắc cử.

3. Trong trường hợp có một vị trí trống tại các Tòa, thì sau khi tham khảo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng Bảo an và của Đại Hội đồng, Tổng Thư ký sẽ bổ nhiệm một người đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 trên đây. Người được bổ nhiệm sẽ tiếp tục làm hết nhiệm kỳ còn lại của người tiền nhiệm.

4. Nhiệm kỳ của các thẩm phán là bốn năm. Điều kiện làm việc của thẩm phán tương tự như điều kiện làm việc của các thẩm phán Tòa án Công lý Quốc tế. Họ cũng có thể được bầu lại.

Điều 14. Thành lập các Tòa

1. Các thẩm phán của Tòa án Quốc tế sẽ bầu ra một Chánh án.

2. Chánh án của Tòa án Quốc tế phải là một thành viên, đồng thời là Chánh Tòa phúc thẩm.

3. Sau khi tham khảo ý kiến các thẩm phán Tòa án Quốc tế, Chánh án sẽ phân công các thẩm phán vào Tòa phúc thẩm và các Tòa sơ thẩm. Thẩm phán được phân công vào Tòa nào thì sẽ chỉ được làm việc trong Tòa đó.

4. Các thẩm phán của mỗi Tòa sơ thẩm bầu ra một Chánh tòa, là người sẽ điều hành tất cả các hoạt động của Tòa sơ thắm.

Điều 15. Các quy tắc tố tụng và chứng cứ

Các thẩm phán của Tòa án Quốc tế sẽ cùng thông qua một quy chế trong đó quy định rõ về việc tiến hành các thủ tục trước khi mở phiên tòa, việc mở phiên tòa, thủ tục kháng cáo, kháng nghị, tiêu chuẩn tiếp nhận chứng cứ, cơ chế bảo vệ nạn nhân và người làm chứng và các vấn đề cần thiết khác.



Điều 16. Công tố viên

1. Công tố viên có trách nhiệm điều tra và khởi tố đối với những người chịu trách nhiệm về những hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật Nhân đạo Quốc tế xảy ra trên lãnh thổ Nam Tư cũ từ ngày 01/01/1991.

2. Công tố viên là một bộ phận riêng biệt nằm trong cơ cấu của Tòa án Quốc tế. Công tố viên hoàn toàn độc lập, không xin hoặc nhận chỉ thị từ bất cứ Chính phủ hoặc từ bất cứ nguồn nào khác.

3. Văn phòng Công tố viên gồm một Công tố viên và các nhân viên giúp việc có năng lực cần thiết.

4. Công tố viên do Hội đồng Bảo an bổ nhiệm theo đề nghị của Tổng Thư ký. Công tố viên phải có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực và nhiều kinh nghiệm về điều tra hình sự và truy tố tội phạm. Công tố viên có nhiệm kỳ bốn năm và có thể được tái bổ nhiệm. Nhiệm kỳ và điều kiện làm việc của Công tố viên tương tự như điều kiện làm việc của Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc.

5. Bộ máy giúp việc của Văn phòng Công tố viên do Tổng Thư ký bổ nhiệm theo đề nghị của Công tố viên.



Điều 17. Phòng lục sự

1. Phòng lục sự chịu trách nhiệm về các công việc hành chính và sự vụ của Tòa án Quốc tế.

2. Phòng lục sự gồm một Lục sự và các nhân viên cần thiết khác.

3. Lục sự do Tổng Thư ký bổ nhiệm sau khi tham khảo ý kiến của Chánh án Tòa án Quốc tế. Lục sự có nhiệm kỳ bốn năm và có thể được tái bổ nhiệm. Điều kiện làm việc của Lục sự tương tự như của một trợ lý Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc.

4. Đội ngũ nhân sự của Phòng lục sự do Tổng Thư ký bổ nhiệm theo đề nghị của Lục sự.

Điều 18. Công việc điều tra và chuẩn bị bản cáo trạng

1. Công tố viên có thể chủ động mặc nhiên ra quyết định điều tra hoặc ra quyết định điều tra trên cơ sở thông tin nhận được từ bất cứ nguồn nào, đặc biệt từ các Chính phủ, các cơ quan của Liên Hợp Quốc, các tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ. Công tố viên đánh giá, phân tích các thông tin do mình tự thu thập hoặc được cung cấp và trên cơ sở đó ra hoặc không ra quyết định khởi tố bị can.

2. Công tố viên có quyền thẩm vấn bị can, nạn nhân và người làm chứng, thu thập chứng cứ và tiến hành các cuộc điều tra tại chỗ. Để tiến hành các nhiệm vụ này, nếu phù hợp, Công tố viên có thể yêu cầu sự hỗ trợ của các cơ quan có thẩm quyền của quốc gia có liên quan.

3. Mọi bị can khi bị hỏi cung đều có quyền được sự giúp đỡ của luật sư do mình tự chọn; nếu không có điều kiện để trả thù lao luật sư thì có quyền hưởng trợ giúp pháp lý; nếu cần thiết, bị can có quyền có phiên dịch.

4. Trên cơ sở những suy đoán của mình, nếu thấy có căn cứ thì Công tố viên lập bản cáo trạng, trong đó trình bày rõ tình tiết sự việc, bị can bị truy tố vì hành vi hoặc những hành vi nào trong số những hành vi quy định tại Quy chế này. Bản cáo trạng sẽ được chuyển cho một thẩm phán của Tòa sơ thẩm.

Điều 19. Thẩm tra lại bản cáo trạng

1. Thẩm phán Tòa sơ thẩm đã nhận bản cáo trạng phải thẩm tra lại. Nếu đồng ý với nhận định của Công tố viên và thấy có căn cứ truy tố thì thẩm phán đó sẽ thụ lý. Nếu không đồng ý thì thẩm phán bác bỏ bản cáo trạng.

2. Trong trường hợp thụ lý bản cáo trạng thì thẩm phán có thể, theo yêu cầu của Công tố viên, ra lệnh bắt giữ, truy nã, tạm giam, dẫn giải, chuyển giao người phạm tội và bất cứ quyết định nào khác cần thiết cho việc xét xử.

Điều 20. Mở phiên tòa và tiến hành các thủ tục xét xử

1. Tòa sơ thẩm phải đảm bảo xét xử công bằng và nhanh chóng, tôn trọng đầy đủ các quy tắc tố tụng và chứng cứ cũng như quyền của bị cáo, đồng thời đảm bảo tốt công tác bảo vệ nạn nhân và người làm chứng.

2. Nếu một bản cáo trạng được thụ lý thì bị can, theo lệnh bắt giữ của Tòa án Quốc tế, phải bị bắt giam, được thông báo ngay về những cáo buộc và bị giao cho Tòa án Quốc tế.

3. Tòa sơ thẩm cho đọc bản cáo trạng, đảm bảo để các quyền của bị cáo được tôn trọng, đảm bảo để bị cáo hiểu rõ bản cáo trạng và hướng dẫn bị cáo biết để bào chữa. Tòa sơ thẩm sau đó sẽ định ngày mở phiên tòa.

4. Phiên tòa được tiến hành công khai, trừ khi Tòa sơ thẩm quyết định xử kín theo những quy tắc tố tụng và chứng cứ của mình

Điều 21. Quyền của bị cáo

1. Tất cả mọi người đều bình đẳng trước Tòa án Quốc tế.

2. Khi có quyết định buộc tội, bị cáo có quyền được bào chữa một cách bình đẳng và công khai, trên cơ sở không trái với quy định tại Điều 22 của Quy chế.

3. Bị cáo sẽ được coi là vô tội cho đến khi bị chứng minh là đã phạm tội theo quy định của Quy chế này.

4. Khi bị buộc tội theo Quy chế này, bị cáo có quyền có được những bảo đảm tối thiểu sau đây, trong điều kiện bình đẳng đầy đủ:

a. Được thông báo nhanh chóng và chi tiết bằng ngôn ngữ bị cáo hiểu được về tính chất và căn cứ của sự buộc tội chống lại mình;

b. Có thời gian thỏa đáng và các điều kiện thuận lợi để chuẩn bị bào chữa và liên lạc với luật sư do mình tự chọn;

c. Được xét xử không bị trì hoãn vô cớ;

d. Được tham gia phiên tòa, được tự bào chữa hoặc được luật sư do chính mình lựa chọn bào chữa; nếu bị cáo không mời luật sư thì phải được thông báo về quyền được có luật sư; nếu không có điều kiện trả thù lao cho luật sư thì được nhận trợ giúp pháp lý trong bất kỳ trường hợp nào khi điều đó là cần thiết cho việc đảm bảo công lý;

e. Được đặt câu hỏi hoặc yêu cầu đặt câu hỏi cho các nhân chứng chống lại mình, yêu cầu triệu tập và đặt câu hỏi cho các nhân chứng bảo vệ mình với các điều kiện tương tự như đối với các nhân chứng chống lại mình;

f. Có sự giúp đỡ miễn phí của một phiên dịch viên nếu bị cáo không hiểu hoặc nói được ngôn ngữ được sử dụng tại Tòa án Quốc tế,

g. Không bị buộc phải nhận tội chống lại chính mình hoặc thú nhận phạm tội



Điều 22. Bảo vệ nạn nhân và người làm chứng

Tòa án Quốc tế sẽ quy định trong quy chế về tố tụng và chứng cứ của mình những biện pháp cụ thể để bảo vệ các nạn nhân và người làm chứng. Những biện pháp bảo vệ đó chủ yếu bao gồm việc tiến hành xét xử kín và giữ bí mật về danh tính của nạn nhân.



Điều 23. Bản án

1. Tòa sơ thẩm ra bản án tuyên bố các hình phạt và chế tài khác đối với các cá nhân bị kết tội vi phạm nghiêm trọng Luật Nhân đạo Quốc tế.

2. Bản án phải được đa số các thẩm phán của Tòa sơ thẩm thông qua và phải được tuyên công khai. Bản án phải được lập thành văn bản, trong đó nêu rõ căn cứ ra bản án. Những ý kiến cá nhân hoặc bất đồng với phán quyết cũng được ghi nhận vào bản án.

Điều 24. Các hình phạt

1. Hình phạt do Tòa sơ thẩm tuyên chỉ có thể là hình phạt tù. Khi quyết định thời hạn phạt tù, Tòa sơ thẩm có thể tham khảo khung hình phạt tù chung vẫn được các Tòa án của Nam Tư cũ áp dụng.

2. Khi quyết định các hình phạt, Tòa sơ thẩm phải căn cứ vào những yếu tố như mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm cũng như nhân thân của người phạm tội.

3. Ngoài hình phạt tù, Tòa sơ thẩm có thể ra lệnh buộc người phạm tội phải trả lại mọi tài sản và tiền đã bị chiếm đoạt một cách bất hợp pháp cho chủ sở hữu hợp pháp của tiền và tài sản đó.



Điều 25. Thủ tục kháng cáo, kháng nghị

1. Người bị Tòa sơ thẩm kết án có quyền kháng cáo, Công tố viên có quyền kháng nghị bản án của Tòa sơ thẩm lên Tòa phúc thẩm khi có những căn cứ sau đây:

a. Có sai sót về áp dụng pháp luật khi ra Bản án sơ thẩm; hoặc

b. Có sai sót về tình tiết sự việc, gây ra xét xử oan sai.

2. Tòa phúc thẩm có thể giữ nguyên, hủy hoặc xét lại bản án sơ thẩm theo thủ tục tái thẩm.

Điều 26. Xét lại bản án theo thủ tục tái thẩm

Nếu phát hiện tình tiết mới chưa từng được biết tới vào thời điểm xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm trong khi tình tiết đó lại có ý nghĩa quyết định thì người bị kết án hoặc Công tố viên có quyền yêu cầu Tòa phúc thẩm xét lại bản án theo thủ tục tái thẩm.



Điều 27. Thi hành án

Hình phạt tù sẽ được thực hiện ở một nước được Tòa án Quốc tế chọn ra từ danh sách các nước bày tỏ trước Hội đồng Bảo an sẵn lòng tiếp nhận những người bị kết án. Việc thi hành hành phạt tù phải theo đúng quy định pháp luật của nước liên quan, và chịu sự giám sát của Tòa án Quốc tế.



Điều 28. Đặc xá hoặc giảm hình phạt

Trong trường hợp người đang thi hành hình phạt tù thuộc đối tượng được đặc xá hoặc giảm nhẹ hình phạt theo quy định pháp luật của quốc gia nơi thi hành án thì quốc gia này phải thông báo cho Tòa án Quốc tế biết. Chánh án của Tòa án Quốc tế, sau khi tham khảo ý kiến các thẩm phán, sẽ quyết định vấn đề này trên cơ sở đảm bảo công lý và những nguyên tắc chung của pháp luật.



Điều 29. Hợp tác và tương trợ tư pháp

1. Các Quốc gia sẽ hợp tác với Tòa án Quốc tế trong quá trình điều tra và xét xử mọi cá nhân bị truy tố về những hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật Nhân đạo Quốc tế.

2. Các Quốc gia sẽ đáp ứng không trì hoãn vô cớ bất cứ đề nghị giúp đỡ nào hoặc một lệnh do Tòa sơ thẩm đưa ra, bao gồm, nhưng không chỉ giới hạn trong những điều sau đây:

a. Xác định nhân thân và tìm kiếm các cá nhân bị truy tố;

b. Thu thập lời khai nhân chứng và chứng cứ;

c. Cung cấp tài liệu;

d. Bắt giữ hoặc tạm giam các cá nhân bị truy tố;

e. Bàn giao hoặc di lý bị can cho Tòa án Quốc tế.



Điều 30. Điều lệ, các đặc quyền và các ưu đãi miễn trừ của Tòa án Quốc tế

1. Công ước về các Đặc quyền và ưu đãi miễn trừ của Liên Hợp Quốc ngày 13/2/1946 sẽ được áp dụng cho Tòa án Quốc tế, các Thẩm phán, Công tố viên, Lục sự và nhân viên Tòa án Quốc tế.

2. Các Thẩm phán, Công tố viên và Lục sự sẽ được hưởng các đặc quyền, các ưu đãi miễn trừ và các điều kiện thuận lợi dành cho các phái viên ngoại giao, phù hợp với luật pháp quốc tế.

3. Nhân viên của Công tố viên và Lục sự sẽ được hưởng các đặc quyền và ưu đãi miễn trừ dành cho các quan chức của Liên Hợp Quốc theo Điều V và VII của Công ước được nêu tại khoản 1 của Điều này.

4. Những người khác, bao gồm cả người bị truy tố, nếu được yêu cầu ra trước Tòa án Quốc tế thì sẽ được đối xử theo cách cần thiết để Tòa án Quốc tế hoạt động thuận lợi.

Điều 31. Trụ sở của Tòa án Quốc tế

Tòa án Quốc tế sẽ có trụ sở tại La-hay.



Điều 32. Kinh phí của Tòa án Quốc tế

Các chi tiêu của Tòa án Quốc tế sẽ được tính vào ngân sách thường niên của Liên Hợp Quốc theo Điều 17 của Hiến chương Liên Hợp Quốc.



Điều 33. Ngôn ngữ làm việc

Các ngôn ngữ làm việc của Tòa án Quốc tế sẽ là tiếng Anh và tiếng Pháp.



Điều 34. Báo cáo hàng năm

Chánh án Tòa án Quốc tế nộp báo cáo hàng năm của Tòa án Quốc tế lên Hội đồng Bảo an và lên Đại Hội đồng.




tải về 2.09 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   19




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương