CÁc tội phạm chiến tranh và TỘI Ác chống nhân loạI, bao gồm tội diệt chủNG


CÔNG ƯỚC GENEVA VỀ VIỆC ĐỐI XỬ VỚI TÙ BINH, 1949



tải về 2.09 Mb.
trang8/19
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích2.09 Mb.
#28495
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   19

CÔNG ƯỚC GENEVA VỀ VIỆC ĐỐI XỬ
VỚI TÙ BINH, 1949

Những người ký tên dưới đây, Đại diện Toàn quyền của các Chính phủ có đại diện ở Hội nghị ngoại giao họp tại Geneva từ ngày 21/4 đến ngày 12/8/1949 để sửa lại Công ước được ký tại Geneva ngày 27/7/1929 về vấn đề đối xử với tù binh, đã thỏa thuận như sau:



PHẦN 1: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Tôn trọng Công ước

Các Bên ký kết cam kết tôn trọng và bảo đảm cho Công ước này được tôn trọng trong mọi trường hợp.



Điều 2. Áp dụng Công ước

Ngoài những quy định phải được thực hiện ngay trong thời bình, Công ước này sẽ được áp dụng trong trường hợp chiến tranh có tuyên chiến hoặc trong bất cứ trường hợp xung đột vũ trang nào khác xảy ra giữa hai hay nhiều Bên ký kết, dù tình trạng chiến tranh không được một trong các Bên ký kết công nhận.

Công ước này cũng sẽ được áp dụng trong trường hợp lãnh thổ của một Bên ký kết bị chiếm đóng toàn bộ hay một phần, dù sự chiếm đóng đó không gặp phải bất kỳ sự kháng cự quân sự nào.

Nếu một trong những Bên xung đột không phải là thành viên của Công ước này, thì Công ước vẫn được áp dụng đối với những thành viên trong mối quan hệ với nhau. Những Quyền lực này thậm chí vẫn chịu sự ràng buộc của Công ước trong quan hệ với Quyền lực chưa phải là thành viên nói trên nếu Quyền lực này chấp nhận và áp dụng các quy định của Công ước.



Điều 3. Những cuộc xung đột không mang tính chất quốc tế

Trong trường hợp xung đột vũ trang không có tính chất quốc tế và xảy ra trên lãnh thổ của một Bên ký kết, mỗi Bên xung đột có trách nhiệm thi hành ít nhất những điều khoản sau đây:

1. Những người không tham gia trực tiếp vào chiến sự, kể cả thành viên các lực lượng vũ trang đã hạ vũ khí và những người không còn khả năng chiến đấu vì đau ốm, bị thương, bị giam giữ hoặc do bất cứ nguyên nhân nào khác, phải được đối xử một cách nhân đạo trong mọi trường hợp, không chịu bất kỳ một sự phân biệt đối xử bất lợi nào, căn cứ vào chủng tộc, màu da, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, xuất thân, giàu nghèo, hoặc bất cứ tiêu chí tương tự khác.

Vì mục đích này, ở bất cứ nơi đâu và vào bất cứ lúc nào, các hành động dưới đây đều bị nghiêm cấm không được thực hiện đối với các đối tượng kể trên:

a. Xâm phạm đến tính mạng và toàn vẹn thân thể của họ, nhất là hành động giết hại dưới mọi hình thức, gây thương tật, đối xử tàn ác, tra tấn và nhục hình;

b. Bắt làm con tin;

c. Xâm phạm đến nhân phẩm, nhất là hành vi đối xử hạ nhục, làm mất phẩm giá con người;

d. Tuyên án và thi hành án không qua xét xử của một tòa án được thành lập một cách hợp lệ với những bảo đảm pháp lý đã được các dân tộc văn minh nhìn nhận là cần thiết;

2. Những người bị thương và bị bệnh được thu nhận và cứu chữa.

Một tổ chức nhân đạo vô tư như Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế có thể đứng ra giúp đỡ các Bên xung đột.

Ngoài ra các Bên xung đột phải cố gắng thực hiện, bằng các thỏa thuận riêng, toàn bộ hay một phần những quy định khác của Công ước này.

Việc thi hành những quy định trên không ảnh hưởng đến quy chế pháp lý của các Bên xung đột.



Điều 4. Tù binh

A. Theo tinh thần của Công ước này, tù binh là những người đã sa vào tay đối phương và thuộc vào một trong những nhóm đối tượng sau:

1. Những người thuộc các lực lượng vũ trang của một Bên xung đột cũng như dân quân hay những người trong các đội tình nguyện quân thuộc các lực lượng vũ trang đó.

2. Những người của các đội dân quân khác hay đội tình nguyện quân khác, kể cả những người thuộc các phong trào kháng chiến có tổ chức của một Bên xung đột và đang hoạt động ở trong hay ở ngoài lãnh thổ của họ, dù lãnh thổ đó bị chiếm đóng, miễn là những đội dân quân hay đội tình nguyện quân đó, kể cả những người thuộc các phong trào kháng chiến có tổ chức, hội tụ đủ những điều kiện sau:

a. Có một người chỉ huy đứng đấu phụ trách những người dưới quyền.

b. Có một dấu hiệu phân biệt ổn định và có thể nhận biết được từ xa.

c. Công khai mang vũ khí.

d. Tuân thủ luật pháp và tập quán chiến tranh trong khi hoạt động.

3. Những người thuộc các lực lượng vũ trang chính quy tự nhận trung thành với một Chính phủ hay một quyền lực không được Nước giam giữ công nhận.

4. Những người đi theo các lực lượng vũ trang nhưng không trực tiếp tham gia các lực lượng vũ trang đó như nhân viên dân sự thuộc phi hành đoàn trên máy bay quân sự, phóng viên chiến tranh, nhà cung ứng, những người trong các đội lao công hay các cơ quan phụ trách vấn đề sinh hoạt của các lực lượng vũ trang, với điều kiện họ đã được các lực lượng vũ trang cho phép đi theo, các lực lượng này phải cấp cho họ một thẻ căn cước tương tự mẫu thẻ in ở phần phụ lục của Công ước này.

5. Những thành viên trong đoàn thủy thủ của các đội thương thuyền, kể cả các thuyền trưởng, hoa tiêu và học viên, phi hành đoàn thuộc hàng không dân dụng của các Bên xung đột, những người này không hưởng những điều kiện đối xử tốt hơn theo các quy định khác của luật quốc tế.

6. Dân chúng của một lãnh thổ không bị chiếm đóng đã tự động đứng lên cầm vũ khí chống quân đội xâm lăng khi đối phương đến gần, mà chưa đủ thời gian để tự tổ chức thành những lực lượng vũ trang chính quy, miễn là họ công khai mang vũ khí và tôn trọng luật pháp và tập quán chiến tranh.

B. Những đối tượng sau cũng được đối xử như tù binh theo quy định của Công ước:

1. Những người đã hoặc đang thuộc các lực lượng vũ trang của Nước bị chiếm đóng, mà vì lý do đó, Nước chiếm đóng thấy cần phải quản thúc họ; dù trước đây Nước chiếm đóng đã trả tự do cho họ khi xung đột còn đang diễn ra ở ngoài lãnh thổ chiếm đóng, nhất là nếu họ đã tìm cách trốn về với lực lượng vũ trang của họ hiện đang chiến đấu mà không thành, hoặc nếu họ không chịu tuân theo lệnh quản thúc.

2. Những người thuộc một trong những đối tượng nêu ở điều này, được các Nước trung lập hay các Nước không tham chiến cho vào lãnh thổ của mình và có nhiệm vụ quản thúc theo quy định của luật pháp quốc tế, trừ trường hợp những nước này xét thấy nên ưu đãi họ hơn và trừ trường hợp quy định tại các Điều 8, 10, 15, 30, đoạn 5, Điều 58 đến Điều 67, Điều 92, Điều 126 và trừ các quy định liên quan đến các Nước bảo hộ, khi giữa các Bên xung đột và Nước trung lập hay nước không tham chiến hữu quan có quan hệ ngoại giao. Trong trường hợp có quan hệ ngoại giao như vậy, các Bên xung đột có người của mình bị giam giữ được phép tiến hành đối với những đối tượng này những nhiệm vụ mà Công ước này đã quy định cho các Nước bảo hộ, mà không ảnh hưởng đến các nhiệm vụ thông thường mà các Bên phải thực hiện, theo quy định của các tập quán, hiệp ước ngoại giao và lãnh sự.

C. Điều này không ảnh hưởng đến quy chế của nhân viên y tế và tôn giáo như đã quy định ở Điều 33 Công ước này.



Điều 5. Bắt đầu và kết thúc thời hạn áp dụng

Công ước này được áp dụng cho các đối tượng được nêu tại Điều 4 ngay từ lúc họ bị sa vào tay đối phương cho tới khi họ được trả tự do hoàn toàn và được hồi hương.

Những người đã có hành vi tham chiến, bị rơi vào tay đối phương và bị nghi ngờ không thuộc bất kỳ nhóm đối tượng nào đã liệt kê tại Điều 4, vẫn được hưởng sự bảo hộ của Công ước này trong khi chờ đợi quy chế của họ được một tòa án có thẩm quyền quyết định.

Điều 6. Những thỏa thuận đặc biệt

Ngoài những thỏa thuận đã được nêu rõ trong các Điều 10, 23, 28, 33, 60, 65, 66, 67, 72, 73, 75, 109, 1 10, 1 18, 1 19, 122 và 132, các Bên có thể ký kết những thỏa thuận đặc biệt khác về mọi vấn đề mà họ thấy cần phải giải quyết riêng cho phù hợp. Không một thỏa thuận đặc biệt nào được phương hại đến hoàn cảnh của tù binh như đã được quy định trong Công ước này, cũng như hạn chế các quyền mà Công ước này dành cho họ.

Tù binh được hưởng những quyền theo những thỏa thuận này chừng nào Công ước này được áp dụng đối với họ, trừ khi có những quy định trái với Công ước được nêu rõ trong các thỏa thuận nói trên hoặc những thỏa thuận về sau, hoặc trường hợp Bên này hoặc Bên kia trong cuộc xung đột có những biện pháp ưu đãi họ hơn.

Điều 7. Những quyền không được khước từ

Tù binh không có quyền khước từ, trong bất kỳ trường hợp nào, một phần hay toàn bộ những quyền mà Công ước này hoặc những thỏa thuận đặc biệt nêu ở điều trên, nếu có, dành cho họ.



Điều 8. Các Quyền lực bảo hộ

Công ước này sẽ được áp dụng với sự cộng tác và dưới sự kiểm soát của những Quyền lực bảo hộ chịu trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho các Bên xung đột. Vì mục đích này, các Quyền lực bảo hộ có thể, ngoài nhân viên ngoại giao hay lãnh sự của mình, chỉ định đại biểu trong số công dân của Nước mình, hoặc công dân của các Quyền lực trung lập khác. Những đại biểu này phải được sự chấp thuận của Quyền lực nơi họ đến thừa hành nhiệm vụ.

Các Bên xung đột tạo điều kiện tối đa có thể cho các đại diện hoặc đại biểu của các Quyền lực bảo hộ thừa hành nhiệm vụ.

Đại diện hoặc đại biểu của các Nước bảo hộ, trong bất kỳ trường hợp nào, không được vượt quá phạm vi nhiệm vụ của mình theo quy định của Công ước; họ đặc biệt phải tôn trọng những yêu cầu thiết yếu về an ninh của Nước nơi họ đến làm nhiệm vụ.



Điều 9. Hoạt động của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế

Những điều khoản của Công ước này không cản trở hoạt động nhân đạo do Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế cũng như bất kỳ một tổ chức nhân đạo vô tư nào khác tiến hành để bảo hộ và cứu trợ tù binh, với sự chấp thuận của các Bên xung đột hữu quan.



Điều 10. Cơ quan thay thế các Quyền lực bảo hộ

Vào bất kỳ thời điểm nào, các Bên ký kết có thể thỏa thuận với nhau để giao cho một tổ chức, hội tụ đầy đủ các bảo đảm về tính vô tư và hiệu quả, các nhiệm vụ mà Công ước này quy định cho các Quyền lực bảo hộ.

Vì bất kỳ lý do gì, nếu tù binh không được hưởng hay không còn được hưởng hoạt động của một Nước bảo hộ hay của một tổ chức được chỉ định như đã nói ở đoạn thứ nhất của Điều này, Nước giam giữ phải yêu cầu một Nước trung lập hoặc một tổ chức như đã nói ở trên đảm nhận những nhiệm vụ mà Công ước này đã giao cho các Nước bảo hộ được các Bên xung đột chỉ định.

Trong trường hợp các biện pháp bảo hộ không được thực hiện, Nước giam giữ phải yêu cầu một tổ chức nhân đạo chẳng hạn như Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế đảm nhận những nhiệm vụ nhân đạo mà Công ước này giao cho các Nước bảo hộ, hoặc phải chấp nhận đề nghị giúp đỡ của một tổ chức tương tự, theo quy định của Điều này.

Mọi Nước trung lập hay một tổ chức được Nước hữu quan yêu cầu hoặc tự mình đứng ra đảm nhận những nhiệm vụ nói trên, trong khi hoạt động cần nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình đối với Bên xung đột có người được Công ước bảo hộ, và cần phải cung cấp các bảo đảm chứng minh mình có đủ khả năng để đảm nhận và làm tròn các nhiệm vụ đó một cách vô tư.

Không được vi phạm những Điều khoản trên đây bằng những thỏa thuận riêng giữa các Nước. khi quyền tự do đàm phán của một Nước với một Nước khác hoặc với đồng minh của một Nước khác bị hạn chế bởi các sự kiện quân sự, dù chỉ tạm thời, nhất là trong trường hợp toàn bộ hay một phần lãnh thổ của Nước này bị chiếm đóng.

Trong Công ước này, mỗi khi nói đến Quyền lực bảo hộ thì danh từ này được dùng để chỉ cả những tổ chức thay thế Quyền lực bảo hộ đó, theo tinh thần của Điều này.

Điều 11. Thủ tục hòa giải

Trong tất cả các trường hợp nếu xét thấy có lợi cho quyền lợi của những người được bảo hộ, nhất là khi các Bên xung đột bất đồng quan điểm trong việc áp dụng hoặc giải thích các Điều khoản của Công ước này, các Nước bảo hộ sẽ đứng ra làm trung gian giúp đỡ để giải quyết tranh chấp ấy.

Vì mục đích này, mỗi Nước bảo hộ có thể, theo yêu cầu của một Bên, hoặc chủ động đề nghị với các Bên xung đột, triệu tập một cuộc họp có đại diện các Bên, và đặc biệt, có sự tham gia của các nhà đương cục phụ trách vấn đề tù binh, nếu cần, thì triệu tập họp trên một lãnh thổ trung lập được lựa chọn một cách phù hợp. Các Bên xung đột có trách nhiệm trả lời các đề nghị gửi đến họ trên tinh thần đó. Nếu cần, các Nước bảo hộ có thể đề xuất, với sự chấp thuận của các Bên xung đột, đại diện của một Nước trung lập hoặc đại biểu của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế tham dự họp.

PHẦN 2: BẢO HỘ TÙ BINH

Điều 12. Trách nhiệm trong việc đối xử tù binh

Tù binh thuộc quyền của Nước đối phương chứ không thuộc quyền của cá nhân hay đơn vị quân sự đã bắt được họ. Nước giam giữ chịu trách nhiệm về cách thức đối xử với tù binh, trách nhiệm của Nước giam giữ hoàn toàn độc lập với trách nhiệm cá nhân có thế phát sinh trong vấn đề này.

Nước giam giữ chỉ được quyền chuyển giao tù binh cho một Nước tham gia Công ước và chỉ khi chắc chắn rằng Nước này sẵn sàng và có khả năng thực hiện Công ước. Trong trường hợp tù binh được chuyển giao như vậy, Nước tiếp nhận tù binh có trách nhiệm thực hiện Công ước trong thời gian tù binh nằm dưới sự quản lý của Nước đó.

Tuy vậy, trong trường hợp Nước tiếp nhận tù binh không thực hiện đầy đủ các điều khoản của Công ước liên quan đến bất kỳ điểm quan trọng nào, nước đã chuyển giao tù binh, sau khi được Nước bảo hộ thông báo, phải thi hành những biện pháp hiệu quả để khắc phục tình hình hoặc yêu cầu Nước tiếp nhận gửi trả lại tù binh cho mình. Yêu cầu này phải được thỏa mãn.



Điều 13. Đối xử nhân đạo với tù binh

Tù binh phải luôn được đối xử nhân đạo. Bất kỳ hành động hay thiếu sót không hợp pháp của Nước giam giữ gây tử vong hoặc đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của tù binh dưới sự quản lý của Nước giam giữ đều bị nghiêm cấm và bị coi là những vi phạm nghiêm trọng đối với Công ước này. Đặc biệt cấm những hành động gây thương tật thể chất, các thí nghiệm y học hay khoa học đối với tù binh, dưới bất cứ hình thức nào, khi điều đó không được chứng minh là cần thiết cho quá trình điều trị của tù binh hay vì lợi ích của họ.

Đồng thời, tù binh phải luôn được bảo vệ, đặc biệt trước mọi hành động bạo lực đe dọa, nhục mạ và sự tò mò của công chúng. Nghiêm cấm mọi biện pháp trả thù đối với tù binh.

Điều 14. Tôn trọng nhân phẩm của tù binh

Tù binh có quyền được tôn trọng về thân thể và danh dự trong mọi


trường hợp.

Tù binh nữ phải được đối xử phù hợp với đặc điểm giới tính và ít nhất cũng phải được đối xử tương tự như với tù binh nam giới.

Khi bị bắt có năng lực pháp lý dân sự như thế nào, tù binh được giữ nguyên năng lực pháp lý dân sự đó. Nước giam giữ chỉ được hạn chế việc thực thi năng lực pháp lý dân sự, ở trong hoặc ngoài lãnh thổ Nước mình, trong điều kiện mà tình trạng giam giữ đòi hỏi.

Điều 15. Nuôi dưỡng tù binh

Nước giam giữ có trách nhiệm nuôi dưỡng và chăm sóc y tế miễn phí cho tù binh theo tình hình sức khỏe của họ đòi hỏi.



Điều 16. Đối xử công bằng

Trở các Điều khoản của Công ước liên quan đến cấp bậc, giới tính và trừ trường hợp đối xử ưu đãi đối với tù binh vì lý do sức khỏe, tuổi tác hoặc khả năng chuyên môn, tất cả các tù binh phải được Nước giam giữ đối xử như nhau, không chịu bất kỳ sự phân biệt bất lợi nào, dựa trên chủng tộc, quốc tịch, tôn giáo, chính kiến hay vì những lý do dựa trên những tiêu chí tương tự.



PHẦN 3: VIỆC CẦM GIỮ TÙ BINH

Tiết I: Đầu thời kỳ bị cầm giữ



Điều 17. Thẩm vấn tù binh

Khi bị thẩm vấn, tù binh chỉ phải khai họ tên, cấp bậc, ngày sinh, số hiệu trong quân đội, nếu không có, một thông tin tương đương.

Người nào cố ý vi phạm quy tắc này, có thể bị hạn chế hưởng các ưu đãi dành cho cấp bậc hay quy chế của họ.

Mỗi Bên xung đột có trách nhiệm cấp cho tất cả những người thuộc quyền tài phán của mình và có khả năng trở thành tù binh, một thẻ căn cước có ghi tên, họ, cấp bậc, số hiệu hoặc dấu hiệu tương đương và ngày sinh của đương sự. Thẻ căn cước này có thể mang chữ ký hoặc vân tay của đương sự hay cả hai, cũng như những dấu hiệu khác mà các Bên xung đột mong muốn bổ xung đối với những người thuộc các lực lượng vũ trang của họ. Nếu được, kích thước thẻ căn cước là 6,5 cm x 10 cm và được làm thành hai bản. Tù binh phải trình thẻ căn cước khi bị hỏi, nhưng trong bất cứ trường hợp nào cũng không được tịch thu thẻ căn cước của họ. Không được tra tấn tù binh về thể chất hoặc tinh thần, hay cưỡng ép họ dưới bất kỳ hình thức nào nhằm bắt họ cung cấp thông tin với bất kỳ loại nội dung nào. Tù binh từ chối không trả lời thì không bị đe dọa, nhục mạ, hoặc chịu bất kỳ sự bất lợi và thua thiệt dưới bất kỳ hình thức nào.

Những tù binh nào không có khả năng cung cấp thông tin căn cước của mình, do tình trạng thể chất hoặc tâm thần, phải được giao cho Bộ phận y tế. Căn cước của các tù binh này phải được xác lập bằng mọi cách có thể, trừ những cách bị cấm theo quy định của đoạn trên.

Việc hỏi cung tù binh phải được tiến hành bằng thứ tiếng họ hiểu được.



Điều 18. Tài sản của tù binh

Trừ vũ khí, ngựa, quân dụng và tài liệu quân sự, tù binh được giữ tất cả vật dụng và đồ dùng cá nhân, kể cả mũ sắt, mặt nạ phòng hơi ngạt và tất cả những vật dụng khác mà họ đã được cấp phát để bảo vệ mình. Họ còn được giữ đồ dùng vật dụng dùng cho việc ăn mặc, dù những thứ này thuộc quân dụng chính thức của họ. Không lúc nào được để tù binh thiếu hồ sơ căn cước. Trường hợp tù binh không có, Nước giam giữ phải cấp cho họ một bản.

Không được tước bỏ của tù binh phù hiệu về cấp bậc và quốc tịch, huân chương và các vật dụng có giá trị tình cảm hoặc giá trị riêng đối với họ.

Chỉ được thu giữ tiền của tù binh mang theo người khi có lệnh của sĩ quan, sau khi số tiền cũng như đặc điểm nhận dạng của người có tiền được ghi vào một quyển sổ riêng, và sau khi đương sự được cấp biên lai chi tiết có ghi rõ tên họ, cấp bậc và đơn vị của người cấp biên lai. Những món tiền bằng tiền của Nước giam giữ, hoặc đã được đổi sang tiền của Nước giam giữ theo yêu cầu của tù binh, được ghi vào bên có của tài khoản của tù binh, theo Điều 64.

Nước giam giữ chỉ được thu giữ những đồ vật có giá trị của tù binh vì lý do an ninh, trong trường hợp này, thủ tục cũng được tiến hành tương tự như thủ tục thu giữ tiền.

Những đồ vật này cũng như những số tiền bị thu giữ, chưa được quy đổi sang tiền của Nước giam giữ và người có tiền cũng không yêu cầu chuyển sang tiền của Nước giam giữ, phải do Nước giam giữ quản lý và phải được hoàn trả cho tù binh, dưới hình thức lúc đầu các đồ vật này bị thu giữ, khi họ hết thời gian bị giam giữ.



Điều 19. Sơ tán tù binh

Sau khi bị bắt, tù binh phải được di chuyển trong thời hạn sớm nhất tới các trại ở một vùng khá xa khu vực chiến sự để tránh nguy hiểm cho họ.

Chỉ được tạm thời giữ họ trong khu vực nguy hiểm khi xét thấy nếu di chuyển có thể xảy ra nhiều bất trắc hơn là để họ lại tại chỗ, do tình trạng vết thương và bệnh tật của họ.

Trong khi chờ đợi di chuyển tù binh ra khỏi khu vực có chiến sự. không được để họ phải chịu nguy hiểm một cách không cần thiết.



Điều 20. Điều kiện sơ tán

Việc di chuyển tù binh phải luôn luôn được tiến hành một cách nhân đạo và trong những điều kiện tương tự như khi quân đội của Nước giam giữ thay đổi địa điểm giam giữ.

Nước giam giữ phải cấp cho tù binh được di chuyển đầy đủ nước uống và thực phẩm cũng như quần áo và chăm sóc sức khỏe cho họ khi cần. Nước giam giữ áp dụng những biện pháp đề phòng cần thiết để bảo đảm an toàn cho tù binh trong khi di chuyển và lập danh sách tù binh được di chuyển trong thời hạn sớm nhất. Trong khi di chuyển, nếu tù binh phải đi qua các trạm chuyển tiếp, thời gian họ ở lại các trạm này càng ngắn càng tốt.

Tiết II: Quản thúc tù binh

CHƯƠNG I: ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 21. Giới hạn tự do

Nước giam giữ có thể đặt tù binh trong chế độ quản thúc, có thể cấm họ không được vượt quá những phạm vi nhất định ở khu trại nơi họ bị quản thúc, và nếu trại có hàng rào, thì không được vượt qua hàng rào. Trừ những quy định trong Công ước này liên quan đến các chế tài hình sự và kỷ luật, các tù binh chỉ bị nhốt và cấm không được ra ngoài khi biện pháp này cần thiết để bảo vệ sức khỏe của họ và chỉ trong thời gian xảy ra những tình huống cần đến biện pháp đó.

Tù binh có thể được trả tự do một phần hoặc hoàn toàn, sau khi đã hứa danh dự hay cam đoan, trong chừng mực mà luật pháp Nước của họ cho phép. Biện pháp này được áp dụng đặc biệt trong những trường hợp có thể giúp cải thiện tình hình sức khỏe của tù binh. Không có tù binh nào bị bắt buộc phải chấp nhận được tự do bằng cách hứa danh dự hoặc cam đoan nếu họ không muốn.

Ngay từ lúc đầu của cuộc xung đột, mỗi Bên xung đột phải thông báo với bên đối phương biết luật pháp và quy định Nước mình cho phép hay cấm công dân của Nước mình chấp nhận tự do bằng cách hứa danh dự hay cam đoan. Những tù binh được trả lại tự do, sau khi đã hứa danh dự hoặc cam đoan, theo đúng luật pháp và quy định đã được thông báo, có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ, với danh dự cá nhân, các cam kết đối với Nước của mình cũng như đối với Nước đã bắt mình. Trong những trường hợp như vậy, Nước có tù binh bị bắt không được đòi hỏi hoặc chấp nhận từ họ bất kỳ một việc làm nào trái với lời hứa hoặc cam đoan của họ.



Điều 22. Vị trí và điều kiện quản thúc

Chỉ được quản thúc tù binh tại những cơ sở trên đất liền và có đủ các điều kiện bảo đảm về vệ sinh và an toàn sức khỏe. Không được quản thúc tù binh ở các nhà lao, trừ những trường hợp đặc biệt vì quyền lợi của chính bản thân họ.

Tù binh bị quản thúc ở những vùng độc hại hoặc vùng có khí hậu có hại cho sức khỏe phải được chuyển trong thời gian sớm nhất đến một vùng có khí hậu tốt hơn.

Nước giam giữ phải tập hợp các tù binh ở từng trại hoặc từng khu trại theo quốc tịch, ngôn ngữ và tập quán của họ, sao cho họ không bị tách rời với những tù binh đã ở cùng lực lượng vũ trang với họ khi họ bị bắt, trừ trường hợp họ không đồng ý.



Điều 23. An toàn cho tù binh

Không được đưa tù binh đến hoặc giam giữ họ ở những vùng mà họ có thể bị nguy hiểm do hoả lực ở khu vực chiến sự và không được lợi dụng sự có mặt của họ để tránh cho một địa điểm hoặc một vùng nào đó khỏi bị tác động của chiến sự. Tù binh phải có hầm trú ẩn để tránh không kích và các nguy hiểm khác của chiến tranh cũng như dân thường địa phương. Trừ các tù binh tham gia bảo vệ khu ở của họ trước những nguy hiểm kể trên, các tù binh đều được vào hầm trú ẩn trong thời gian sớm nhất, ngay sau khi có báo động. Mọi biện pháp bảo vệ dân thường cũng đều phải dược áp dụng đối với họ.

Các Nước giam giữ phải thông báo cho nhau biết, qua trung gian của các Nước bảo hộ, tất cả những thông tin cần thiết về vị trí địa lý các trại tù binh.

Mỗi khi điều kiện quân sự cho phép, các trại tù binh phải có dấu hiệu phân biệt rõ ban ngày bằng những chữ P.G hay P.W, đặt thế nào để trên cao trông xuống có thể thấy rõ. Các Nước hữu quan còn có thể thỏa thuận với nhau dùng những dấu hiệu khác. Chỉ có các trại tù binh mới được có những dấu hiệu như vậy.



Điều 24. Trạm trung chuyển tù binh có tính chất thường xuyên

Những trạm trung chuyển hay phân loại tù binh có tính chất thường xuyên phải được bố trí với những điều kiện tương tự như những điều kiện quy định trong tiết này, và những tù binh trong các trạm này được hưởng quy chế tương tự như ở các trại khác.



CHƯƠNG II: NHÀ Ở, ĂN VÀ MẶC CỦA TÙ BINH

Điều 25. Ở

Tù binh được ở với những điều kiện thuận lợi tương đương với quân đội của Nước giam giữ đóng trong cùng một vùng. Các điều kiện này phải tính đến phong tục, tập quán của tù binh và bất cứ trong trường hợp nào cũng không được ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của họ.

Những quy định trên đây được đặc biệt áp dụng đối với phòng ngủ của tù binh, về tiêu chuẩn tổng diện tích, không gian tối thiểu cũng như cách bố trí giường, chăn màn.

Những căn nhà được sử dụng vào mục đích cá nhân hay tập thể của tù binh, phải hoàn toàn tránh ẩm thấp, đủ sáng và đủ ấm, nhất là từ chập tối đến lúc tắt đèn. Mọi biện pháp phòng cháy phải được thực hiện.

Những trại có cả tù binh nam và nữ phải có phòng ngủ riêng cho tù binh nữ.

Điều 26. Ăn

Khẩu phần ăn căn bản hàng ngày phải đầy đủ cả về chất, lượng và thay đổi để bảo đảm cho tù binh được khỏe mạnh, tránh tình trạng sút cân hay các rối loạn vì thiếu dinh dưỡng. Đồng thời, phải tính đến chế độ ăn mà họ đã quen.

Nước giam giữ phải cho những tù binh nào làm việc được thêm khẩu phần để họ có đủ sức làm những công việc họ được giao.

Phải cung cấp đủ nước uống cho tù binh. Tù binh được phép hút thuốc lá.

Tù binh được phép tham gia ở mức tối đa vào việc chuẩn bị khẩu phần ăn của mình, vì thế họ có thể được làm việc trong bếp ăn. Ngoài ra, họ phải nhận được các dụng cụ để tự làm các món ăn thêm mà họ có.

Phải cung cấp cho họ nhà cửa thích hợp để làm nhà ăn.

Cấm thi hành những biện pháp kỷ luật tập thể về ăn uống đối với tù binh.

Điều 27. Quần áo

Nước giam giữ phải cung cấp đầy đủ quần áo, đồ lót, giầy dép, trên cơ sở tính đến đặc điểm khí hậu của vùng giam giữ tù binh. Quân phục của quân đội đối phương do Nước giam giữ thu được có thể đem cho tù binh dùng, nếu phù hợp với khí hậu của nơi giam giữ.

Nước giam giữ bảo đảm thay thế và sửa chữa quần áo tù bình một cách đều đặn; ngoài ra, những tù binh làm việc phải được cung cấp trang phục phù hợp với công việc của mình.

Điều 28. Mở căng tin

Tất cả các trại đều có căng tin để tù binh có thể mua thực phẩm, đồ thường dùng, xà phòng, thuốc lá. Trong bất kỳ trường hợp nào, giá bán không được cao hơn giá thị trường ở địa phương.

Tiền lãi của căng tin phải được sử dụng cho tù binh và được chuyển vào một quỹ riêng. Đại diện của tù binh được tham gia quản lý căng tin và quỹ này. Khi giải tán trại, số tiền còn lại trong quỹ được trao lại cho một tổ chức nhân đạo quốc tế để dùng cho các tù binh có cùng quốc tịch với những tù binh đã đóng góp vào quỹ này. Trong trường hợp hồi hương toàn bộ tù binh, Nước giam giữ được giữ lại số tiền lãi này, trừ khi có thỏa thuận khác giữa các Nước hữu quan.



tải về 2.09 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   19




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương