CÁc tội phạm chiến tranh và TỘI Ác chống nhân loạI, bao gồm tội diệt chủNG


CHƯƠNG III: VỆ SINH VÀ CHĂM SÓC Y TẾ



tải về 2.09 Mb.
trang9/19
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích2.09 Mb.
#28495
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   ...   19

CHƯƠNG III: VỆ SINH VÀ CHĂM SÓC Y TẾ

Điều 29. Vệ sinh

Nước giam giữ có trách nhiệm thi hành tất cả những biện pháp vệ sinh cần thiết để bảo đảm cho các trại được sạch sẽ, hợp vệ sinh và để phòng ngừa bệnh dịch. Tù binh được sử dụng, ngày cũng như đêm, những trang thiết bị phù hợp với các quy tắc vệ sinh và luôn được giữ sạch sẽ. Những trại có tù binh nữ phải có những phương tiện dành riêng cho họ.

Ngoài việc các trại phải trang bị buồng tắm và vòi hoa sen, tù binh phải được cấp đủ nước và xà phòng cho nhu cầu vệ sinh cá nhân thân thể hàng ngày và để giặt quần áo. Phải dành cho họ các thiết bị, điều kiện thuận tiện và thời gian cần thiết để tắm giặt.

Điều 30. Chăm sóc y tế

Mỗi trại phải có một bệnh xá đủ để chăm sóc y tế cho tù nhân khi họ cần và đảm bảo một chế độ ăn thích hợp. Nếu cần, các phòng cách ly sẽ được dành cho những người mắc bệnh truyền nhiễm hay bệnh tâm thần.

Những tù binh bị bệnh nặng hoặc cần được điều trị đặc biệt, cần phải mổ hay nhập viện, phải được tiếp nhận ở bất kỳ cơ sở y tế quân đội hay dân sự nào có đầy đủ điều kiện để điều trị, dù thời hạn hồi hương đến gần. Phải tạo điều kiện thuận lợi đặc biệt cho việc chăm sóc người khuyết tật, đặc biệt là người mù, giúp họ phục hồi chức năng trong chờ đợi được hồi hương.

Tốt nhất là để tù binh được chăm sóc bởi chính nhân viên y tế Nước mình, hoặc nếu có thể, có cùng quốc tịch với mình.

Không được cản trở tù binh đến cơ quan y tế để khám bệnh. Giới chức giam giữ, theo yêu cầu, phải cấp cho mỗi tù binh đã điều trị một giấy chứng nhận chính thức có ghi rõ tính chất vết thương hay chứng bệnh cũng như thời gian và phương pháp điều trị. Một bản sao giấy chứng nhận này được gửi đến cho Cơ quan Tù binh Trung ương.

Mọi chi phí điều trị, kể cả trang thiết bị dụng cụ cần thiết để bảo đảm sức khỏe cho tù binh như các bộ phận giả: răng giả hay các bộ phận giả khác và kính sẽ do Nước giam giữ đài thọ.



Điều 31. Khám sức khỏe

Tù binh được khám sức khỏe ít nhất một tháng một lần. Việc khám bao gồm cả việc cân và ghi số cân của mỗi người, mục đích là để kiểm tra tình hình sức khỏe, dinh dưỡng và vệ sinh của tù binh và để phát hiện các bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh lao, bệnh sốt rét và bệnh hoa liễu. Về việc này, phải dùng những phương pháp có hiệu quả nhất sẵn có như chụp định kỳ hàng loạt bằng phim nhỏ để phát hiện lao ngay từ thời kỳ đầu.



Điều 32. Tù binh thực hiện nhiệm vụ về y tế

Những tù binh là bác sĩ, nha sĩ, y tá, dù không ở trong quân y thuộc lực lượng vũ trang của Nước mình, có thể bị Nước giam giữ trưng dụng thực hiện các hoạt động y tế giúp cho các tù binh cùng Nước với mình. Trong trường hợp này, họ vẫn tiếp tục là tù binh nhưng phải được đối xử ngang với những nhân viên y tế tương đương đang được Nước giam giữ giữ lại; họ được miễn tất cả các công việc khác theo quy định của Điều 49.



CHƯƠNG IV: NHÂN VIÊN Y TẾ VÀ TÔN GIÁO
BỊ GIỮ LẠI ĐỂ GIÚP ĐỠ TÙ BINH


Điều 33. Quyền của những người bị giữ lại

Những nhân viên y tế và tôn giáo bị giữ lại thuộc quyền của Nước giam giữ để giúp đỡ tù binh sẽ không bị coi là tù binh. Tuy vậy, ít nhất họ cũng được hưởng những ưu đãi và sự bảo hộ của Công ước này, cùng mọi điều kiện thuận lợi cần thiết để có thể chăm sóc y tế hay giúp đỡ về mặt tôn giáo đối với tù binh.

Họ tiếp tục được thực hiện các chức năng y tế hoặc tôn giáo của mình để giúp ích trước tiên cho tù binh thuộc lực lượng vũ trang mà họ trực thuộc, trong khuôn khổ luật pháp và quy định quân sự của Nước giam giữ, dưới quyền kiểm soát của các cơ quan có thẩm quyền của Nước giam giữ và phù hợp với lương tâm nghề nghiệp của họ. Ngoài ra, họ còn được hưởng những điều kiện thuận lợi sau đây trong khi thi hành nhiệm vụ y tế hay tôn giáo:

a. Họ được phép định kỳ đến thăm tù binh ở các phân đội lao công hoặc ở các bệnh viện nằm ngoài trại giam. Nhằm mục đích này, nhà đương cục giam giữ phải cấp cho họ các phương tiện đi lại cần thiết.

b. Tại mỗi trại, bác sĩ quân y có thâm niên cao nhất thuộc cấp bậc cao nhất sẽ chịu trách nhiệm trước các nhà đương cục quân sự phụ trách trại về tất cả các hoạt động của toàn thể nhân viên y tế bị giữ lại. Vì mục đích này, ngay từ khi chiến sự mới bắt đầu, các Bên xung đột phải thỏa thuận vội nhau về cấp bậc tương đương của đội ngũ quân y của mỗi Bên, cũng như cấp bậc nhân viên của các Hội nêu tại Điều 26 của Công ước Geneva ngày 12 tháng 8 năm 1949 về cải thiện tình trạng của những người bị thương và bị bệnh thuộc các lực lượng vũ trang trên chiến trường. Bác sĩ quân y này, cũng như các giáo sĩ tuyên úy phải được quyền trực tiếp liên lạc với các nhà đương cục có thẩm quyền của trại, đối với tất cả các vấn đề có liên quan đến nhiệm vụ của họ. Các nhà đương cục này phải tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc trao đổi thông tin tài liệu thuộc các vấn đề đó.

c. Mặc dù phải tuân theo kỷ luật nội bộ của trại nơi họ ở, nhân viên bị giữ lại không thể bị buộc làm một công tác nào khác với nhiệm vụ y tế hay tôn giáo của họ.

Trong quá trình chiến sự, các Bên xung đột phải thỏa thuận với nhau về việc thay thế những nhân viên bị giữ lại, nếu có thể, và quy định cách thức thực hiện việc thay thế đó.

Không có điều khoản nào trên đây miễn cho Nước giam giữ các nghĩa vụ đối với tù binh về mặt y tế và tôn giáo.



CHƯƠNG V: HOẠT ĐỘNG TÔN GIÁO, TRÍ THỨC VÀ THỂ CHẤT

Điều 34. Hoạt động tôn giáo

Các tù binh được hoàn toàn tự do thực hiện các hoạt động tôn giáo của mình, kể cả việc tham gia vào lễ nghi tôn giáo, với điều kiện tuân theo các biện pháp kỷ luật thông thường, do các nhà đương cục quân sự đặt ra những địa điểm phù hợp được dành riêng cho nghi lễ tôn giáo.



Điều 35. Các giáo sĩ tuyên úy bị giữ lại

Các giáo sĩ tuyên úy bị sa vào tay đối phương mà ở lại, hoặc bị giữ lại để trợ giúp tù binh, được phép tự do làm những nhiệm vụ tôn giáo cho các đồng đạo theo lương tâm tôn giáo của mình. Họ được phân bổ vào các trại và các phân đội lao công có các tù binh cùng thuộc một lực lượng vũ trang, cùng nói một thứ tiếng và cùng theo một tôn giáo. Họ được tạo mọi điều kiện thuận lợi, đặc biệt như các phương tiện đi lại quy định tại Điều 33, để đi thăm viếng tù binh ở ngoài trại họ ở. Mặc dù vẫn bị kiểm duyệt, họ được tự do trao đổi thư tín về các vấn đề tôn giáo của họ với các giới chức tăng lữ thuộc Nước giam giữ và với các tổ chức tôn giáo quốc tế

Thư từ và bưu thiếp họ gửi đi với mục đích đó phải được cộng thêm vào khối lượng tiêu chuẩn được quy định tại Điều 7 1.

Điều 36. Tù binh có chức sắc tôn giáo

Tù binh có chức sắc tôn giáo mà không phải là giáo sĩ tuyên úy trong quân đội của họ, cũng được phép thi hành đầy đủ nhiệm vụ tôn giáo của mình đối với các người đồng đạo, bất kể họ thuộc giáo phái nào. Vì mục đích này, họ cũng được đối xử như các giáo sĩ tuyên úy mà Nước giam giữ giữ lại. Họ không bị buộc phải làm bất cứ công việc nào khác.



Điều 37. Tù binh không có sự giúp đỡ của giáo sĩ tuyên úy

Trong trường hợp tù binh không được trợ giúp bởi một giáo sĩ tuyên úy bị giữ lại hoặc một tù binh có chức sắc cùng tôn giáo với mình, nếu tù binh yêu cầu thì một người có chức sắc cùng giáo phái với tù binh hoặc thuộc một giáo phái tương tự, hoặc nếu không có, thì một người thế tục có đủ khả năng, nếu điều đó được giáo phái liên quan cho phép, sẽ được chỉ định để làm nhiệm vụ này. Việc chỉ định này phải được Nước giam giữ chấp thuận và phải được tiến hành với sự đồng ý của tập thể tù binh hữu quan, và trong trường hợp cần thiết, phải được giới chức của cùng giáo phái đó tại địa phương chấp thuận. Người được chỉ định như vậy phải tuân thủ các quy định do Nước giam giữ đặt ra để giữ kỷ luật và an ninh quân sự.



Điều 38. Giải trí, học tập, thể thao và trò chơi

Đồng thời với việc tôn trọng sở thích cá nhân của tù binh, Nước giam giữ khuyến khích các hoạt động trí tuệ, giáo dục, giải trí và thể thao của tù binh. Nước giam giữ có các biện pháp cần thiết để bảo đảm cho các hoạt động đó bằng việc cung cấp phòng ốc phù hợp, trang thiết bị cần thiết.

Tù binh phải có điều kiện rèn luyện thể chất, kể cả các môn thể thao và các trò chơi, và được ra ngoài trời. Tại tất cả các trại, phải dành các khoảng đất trống đủ cho họ luyện tập.

CHƯƠNG VI: KỶ LUẬT

Điều 39. Hành chính, nghi thức

Mỗi trại tù binh được đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của một sĩ quan hữu trách thuộc lực lượng vũ trang chính quy của Nước giam giữ. Viên sĩ quan đó phải được giữ một bản sao Công ước này, đảm bảo phổ biến cho nhân viên dưới quyền mình biết rõ các Điều khoản của Công ước và chịu trách nhiệm áp dụng Công ước, dưới sự kiểm soát của Chính phủ mình.

Các tù binh, trừ các sĩ quan, phải chào và có thái độ kính trọng đối với các sĩ quan của Nước giam giữ, theo quy định hiện hành trong quân đội của chính họ. Tù binh sĩ quan chỉ phải chào các sĩ quan của Nước giam giữ có cấp bậc cao hơn họ; tuy nhiên họ phải chào trưởng trại, bất kể người này ở cấp bậc nào.

Điều 40. Phù hiệu và huân chương

Tù binh được phép đeo các phù hiệu cấp bậc, phù hiệu quốc tịch và các huân chương.



Điều 41. Phổ biến Công ước và các điều lệ, mệnh lệnh có liên quan đến tù binh

Tại mỗi trại, một bản sao Công ước này, các bản phụ lục và nội dung của các thỏa thuận riêng quy định tại Điều 6, được in bằng thứ tiếng của tù binh, phải được niêm yết ở những nơi mà tất cả tù binh đều có thể đọc được. Phải cung cấp các văn bản này cho các tù binh không có điều kiện đến xem niêm yết, nếu họ có yêu câu

Những quy tắc, mệnh lệnh, cáo thị và công bố các loại liên quan đến cách ứng xử của tù binh phải được truyền đạt cho họ bằng thứ tiếng họ hiểu được; những văn bản này phải được niêm yết theo những điều kiện quy định trên đây và bản sao của các văn bản này phải được chuyển đến đại diện tù binh. Tất cả các mệnh lệnh thông báo tới mỗi cá nhân tù binh phải được truyền đạt bằng thứ tiếng họ hiểu được.

Điều 42. Sử dụng vũ khí

Việc sử dụng vũ khí với tù binh, đặc biệt đối với những người chạy trốn hoặc tìm cách chạy trốn là một biện pháp tối hậu và trước khi dùng phải có những cảnh cáo phù hợp với hoàn cảnh.



CHƯƠNG VII: CẤP BẬC CỦA TÙ BINH

Điều 43. Thông báo cấp bậc

Ngay từ khi chiến sự bắt đầu, các Bên xung đột phải thông báo cho nhau biết chức danh và cấp bậc của tất cả những người được nêu tại Điều 4 của Công ước này để bảo đảm cho tù binh đồng cấp được đối xử bình đẳng. Chức danh và cấp bậc được phong và đề bạt sau đó, cũng phải được thông báo tương tự. Nước giam giữ phải công nhận các sự thăng cấp cho tù binh, nếu có, và sau khi được Nước có tù binh thông báo đầy đủ.



Điều 44. Đối xử với các sĩ quan

Các tù binh sĩ quan và những người có cấp bậc tương đương được đối xử tương xứng với cấp bậc và tuổi tác của họ.

Để bảo đảm việc phục vụ các trại sĩ quan, các tù binh là lính thuộc cùng lực lượng vũ trang, và nếu được, là những người nói cùng một thứ tiếng với các sĩ quan, sẽ được cắt cử đủ số tới các trại sĩ quan, chiểu theo cấp bậc của tù binh sĩ quan và những người có cấp tương đương; những người này không bị buộc phải làm bất kỳ việc gì khác.

Việc các sĩ quan tù binh tự đảm nhiệm lấy việc ăn uống hàng ngày của mình phải được khuyến khích bằng mọi cách.



Điều 45. Đối xử với những tù binh khác

Các tù binh khác không phải là sĩ quan và những người có cấp tương đương được đối xử tương xứng với cấp bậc và tuổi tác của họ.

Việc các tù binh tự đảm nhiệm lấy việc quản lý ăn uống hàng ngày của mình phải được khuyến khích bằng mọi cách.

CHƯƠNG VIII: DI CHUYỂN TÙ BINH SAU KHI HỌ ĐẾN TRẠI

Điều 46. Điều kiện

Khi quyết định di chuyển tù binh, Nước giam giữ phải tính đến lợi ích của bản thân tù binh, nhất là không làm cho việc hồi hương của họ bị khó khăn thêm. Việc di chuyển tù binh bao giờ cũng phải được thực hiện một cách nhân đạo và trong điều kiện tương tự khi Nước giam giữ di chuyển các đội quân của mình. Phải luôn luôn chú ý đến điều kiện khí hậu mà tù binh đã quen và các điều kiện di chuyển không được phương hại đến sức khỏe của họ.

Nước giam giữ phải cung cấp cho tù binh, trong khi di chuyển, đầy đủ nước uống và thực phẩm để bảo đảm sức khỏe cho họ, cũng như quần áo, nơi ở, sự chăm sóc y tế cần thiết. Nước giam giữ phải áp dụng những biện pháp đề phòng phù hợp để bảo đảm an toàn cho tù binh trong quá trình di chuyển, nhất là bằng đường biển hay đường hàng không và phải lập một bản danh sách đầy đủ các tù binh được di chuyển, trước khi họ khởi hành.

Điều 47. Những trường hợp cấm không chuyển trại

Không được di chuyển tù binh ốm đau hay bị thương chừng nào cuộc hành trình có thể ảnh hưởng đến khả năng hồi phục của họ, trừ trường hợp phải khẩn cấp di chuyển để bảo đảm an toàn cho họ.

Nếu khu vực chiến đấu tiến gần đến trại, chỉ được di chuyển tù binh khi việc di chuyển có thể tiến hành trong các điều kiện đầy đủ an toàn, hoặc nếu để họ tại chỗ, họ sẽ chịu nhiều rủi ro hơn là được di chuyển.

Điều 48. Thủ tục chuyển trại

Trong trường hợp di chuyển, các tù binh phải được chính thức báo trước về việc khởi hành và địa chỉ bưu tín mới; họ phải được báo sớm để có đủ thời gian sửa soạn hành lý và báo cho gia đình biết.

Họ được phép mang tư trang, thư từ và các bưu kiện đã gửi đến cho họ. Nếu điều kiện di chuyển bắt buộc, trọng lượng hành lý có thể bị hạn chế vừa với sức của mỗi tù binh có thể đem theo, nhưng trọng lượng cho phép không bao giờ được vượt quá 25 kilôgam.

Thư từ và bưu kiện gửi đến địa chỉ trại cũ của họ phải được gửi theo ngay không thời hạn. Người chỉ huy trại thi hành, trên cơ sở thống nhất với đại diện của tù binh, các biện pháp cần thiết để bảo đảm việc chuyên chở tài sản chung của tù binh và số hành lý mà họ không mang được theo người, vì lý do bị hạn chế theo đoạn 2 của Điều này.

Chi phí phát sinh từ việc di chuyển sẽ do Nước giam giữ chịu.

Tiết III: Sử dụng sức lao động của tù binh



Điều 49. Những điều khoản chung

Nước giam giữ được sử dụng sức lao động của tù binh có sức khỏe trên cơ sở tính đến tuổi tác, giới tính, cấp bậc và khả năng thể lực của họ và đặc biệt nhằm mục đích giữ cho họ được khỏe mạnh về thể chất và tinh thần.

Hạ sĩ quan là tù binh chỉ bị bắt buộc làm công tác giám sát. Số hạ sĩ quan tù binh nào không được yêu cầu làm công việc đó có thể xin làm những công việc phù hợp khác, những công việc này có thể được giao cho họ, trong chừng mực có thể. Nếu các sĩ quan tù binh hoặc những người có cấp tương đương yêu cầu được làm một công việc phù hợp, công việc này sẽ được giao cho họ trong chừng mực có thể. Trong bất cứ trường hợp nào cũng không được bắt buộc họ phải làm việc.

Điều 50. Công việc được phép làm

Ngoài những công việc liên quan đến việc quản trị, sắp xếp và giữ gìn trại, các tù binh chỉ có thể bị bắt buộc làm những công việc dưới đây:



  1. Nông nghiệp.

  2. Công nghiệp sản xuất, khai thác hay chế biến, trừ ngành công nghiệp luyện kim, cơ khí, hóa học, ngành xây dựng các công trình công chính và nhà cửa có tính chất hoặc mục đích quân sự.

  3. Vận chuyển và bốc dỡ không có tính chất hoặc mục đích quân sự.

  4. Hoạt động thương mại hoặc nghệ thuật.

  5. Công việc cần vụ.

  6. Các công việc công ích không có tính chất hoặc mục đích quân sự.

Trong trường hợp các quy định trên đây bị vi phạm, tù binh được phép sử dụng quyền khiếu nại được quy định tại Điều 78.

Điều 51. Điều kiện làm việc

Tù binh phải được hưởng các điều kiện làm việc phù hợp, nhất là về nhà ở, thực phẩm, quần áo dụng cụ. Những điều kiện này không được kém những điều kiện mà công dân Nước giam giữ được hưởng khi làm công việc tương tự; đồng thời cũng phải tính đến các điều kiện khí hậu.

Nước giam giữ, khi sử dụng lao động tù binh, phải bảo đảm việc áp dụng, trong mọi khu vực mà tù binh làm việc, các luật trong Nước về bảo hộ lao động, đặc biệt là những quy tắc an toàn cho công nhân.

Tù binh phải được huấn luyện và được trang bị các phương tiện bảo hộ phù hợp với công việc của họ, tương tự như những phương tiện được quy định cho công dân của Nước giam giữ. Trừ các quy định nêu tại Điều 52, tù binh có thể phải chịu những rủi ro thông thường mà người lao động dân sự phải chịu. Trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được dùng các biện pháp kỷ luật để làm cho điều kiện lao động thêm nặng nhọc.



Điều 52. Lao động nguy hiểm hoặc hạ thấp nhân phẩm

Trừ trường hợp tù binh tình nguyện, không được sử dụng tù binh vào những việc có hại cho sức khỏe hoặc nguy hiểm.

Không được bắt bất cứ tù binh nào làm một việc bị coi là hạ nhục đối với nhân viên trong các lực lượng vũ trang của Nước giam giữ.

Việc gỡ mìn hay các loại thiết bị nổ tương tự bị coi là công việc nguy hiểm.



Điều 53. Thời gian lao động

Ngày làm việc của tù binh, tính cả thời gian đi và về, không được quá dài, và trong bất cứ trường hợp nào cũng không được dài hơn ngày làm việc của các công nhân dân sự trong vùng, là công dân của Nước giam giữ cùng làm công việc đó.

Phải cho tù binh nghỉ ít nhất một giờ vào giữa ngày làm việc. Nếu công nhân của Nước giam giữ được nghỉ lâu hơn thì phải cho tù binh được nghỉ với thời gian tương đương. Ngoài ra, mỗi tuần họ phải được nghỉ 24 giờ liền, tốt nhất là vào ngày chủ nhật hoặc vào ngày họ vẫn thường được nghỉ ở Nước họ. Thêm nữa, tù binh đã làm việc được một năm được nghỉ trong thời gian 8 ngày liền và được hưởng phụ cấp làm việc trong thời gian nghỉ.

Nếu các phương thức làm việc như làm khoán chẳng hạn được thi hành, các phương thức này không được kéo dài thời gian làm việc một cách quá đáng.



Điều 54. Trả phụ cấp tai nạn và bệnh tật

Phụ cấp làm việc trả cho tù binh được ấn định theo quy định tại Điều 62 của Công ước này.

Tù bịnh bị tai nạn lao động hoặc bị mắc bệnh trong thời gian lao động hay do lao động phải nhận được mọi sự chăm sóc tùy theo tình trạng sức khỏe của mình. Ngoài ra, Nước giam giữ phải cấp cho những tù binh này một giấy chứng nhận y tế để họ có thể đòi quyền lợi của mình đối với Nước của họ, đồng thời gửi một bản sao giấy chứng nhận đó cho Cơ quan Tù binh Trung ương nêu tại Điều 123.

Điều 55. Chăm sóc y tế

Tù binh được khám sức khỏe để kiểm tra định kỳ khả năng lao động của mình ít nhất một tháng một lần. Trong khi khám, phải đặc biệt chú ý đến tính chất công việc mà tù binh bị buộc phải làm.

Nếu một tù binh tự đánh giá không có khả năng lao động, người này sẽ được phép đến trình diện trước các nhà chức trách y tế của trại. Các bác sĩ có thể kiến nghị cho tù binh không có khả năng được miễn lao động.

Điều 56. Các phân đội lao công

Quy chế tổ chức đội tù binh làm một công việc riêng dưới hình thức phân đội tương tự với quy chế áp dụng đối với trại tù binh.

Mọi phân đội vẫn được đặt dưới sự kiểm soát của trái và trực thuộc trại tù binh về mặt hành chính. Các nhà chức trách quân sự và người chỉ huy trại có trách nhiệm, dưới sự kiểm soát của Chính phủ của họ, tuân thủ các quy định của Công ước này trong quá trình tổ chức phân đội lao động.

Người chỉ huy trại phải cập nhật một bản danh sách theo dõi các phân đội lao công trực thuộc trại mình và thông báo danh sách này với đại diện của Nước bảo hộ hoặc của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế hay của các cơ quan cứu trợ tù binh khác, khi những người này đến thăm trại.



Điều 57. Tù binh làm việc cho tư nhân

Tù binh làm việc cho tư nhân, ngay cả khi được bản thân tư nhân chịu trách nhiệm coi giữ và bảo vệ, ít nhất cũng phải được đối xử như các quy định tại Công ước này. Nước giam giữ, các nhà chức trách quân sự và chỉ huy trại phụ trách các đối tượng tù binh này phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc nuôi dưỡng, chăm sóc đối xử và trả phụ cấp lao động đối với số tù binh đó.

Những tù binh này được quyền liên lạc với đại diện tù binh ở trại của họ.

Tiết IV: Nguồn tài chính của tù binh



Điều 58. Tiền dự trữ

Ngay từ thời kỳ đầu chiến sự và trong khi chờ đợi thỏa thuận với Nước bảo hộ, Nước giam giữ có quyền ấn định số tiền tối đa mà tù binh được giữ trong người bằng tiền mặt hay dưới hình thức tương tự. Tất cả số tiền vượt mức ấn định mà tù binh có một cách chính đáng, được thu hoặc được tù binh giữ, cũng như những khoản tiền gửi của tù binh, phải được chuyển vào tài khoản của tù binh hữu quan và không được quy đổi sang đồng tiền khác, nếu không có sự chấp thuận của họ. Trường hợp tù binh được phép mua đồ hay thuê dịch vụ ở ngoài trại và trả bằng tiền mặt, thì hoặc chính họ tự trả tiền, hoặc do ban quản lý trại trả cho họ bằng cách sau đó sẽ trừ số tiền này vào tài khoản của họ. Nước giam giữ phải đặt ra những quy định cần thiết về việc này.



Điều 59. Tiền mặt thu giữ của tù binh

Số tiền dưới dạng tiền của Nước giam giữ bị tạm giữ theo Điều 18 khi tù binh bị bắt, phải được chuyển vào tài khoản riêng của từng tù binh theo quy định tại điều 64 của Tiết này.

Số tiền, dưới dạng tiền của Nước giam giữ do quy đổi từ các đồng tiền khác bị thu giữ của tù binh cùng lúc đó, cũng được chuyển vào bên có trong tài khoản của tù binh.

Điều 60. Tạm ứng

Quyền lực giam giữ tạm ứng lương hàng tháng cho tất cả tù binh, mức tạm ứng này sẽ được tính trên cơ sở quy đổi các khoản tiền sau ra tiền của Quyền lực vừa kể:

Loại 1: Tù binh dưới cấp trung sĩ: 8 phơ-răng Thụy Sĩ.

Loại 2: Trung sĩ và các hạ sĩ quan khác hoặc các tù binh cấp tương đương: 12 phơ-răng Thụy Sĩ.

Loại 3: Sĩ quan đến cấp đại uý hoặc các tù binh cấp tương đương: 50 phơ- răng Thụy Sĩ.

Loại 4: Thiếu tá, Trung tá, Đại tá hoặc các tù binh tương đương: 60 phơ- răng Thụy Sĩ.

Loại 5: Các sĩ quan hạng Tướng hoặc các tù binh tương đương: 75 phơ-răng Thụy Sĩ.

Tuy nhiên, các Bên xung đột hữu quan có thể thay đổi số tiền lương tạm ứng trả cho tù binh thuộc các loại kể trên, bằng các thỏa thuận riêng.

Ngoài ra, nếu những số tiền nêu ở đoạn 1 trên đây quá cao so với tiền lương trả cho các lực lượng vũ trang của Nước giam giữ, hoặc vì một lý do, có thể gây cho Nước giam giữ những khó khăn lớn, thì Nước giam giữ, trong khi chờ đợi ký kết một thỏa thuận riêng với Nước mà tù binh thuộc quyền, để thay đổi các khoản tiền trên:

1. Tiếp tục chuyển vào tài khoản của tù binh những khoản tiền quy định tại đoạn 1.

2. Tạm thời hạn chế ở mức hợp lý số tiền trích từ tạm ứng lương, cấp cho tù binh để sử dụng; tuy nhiên, đối với tù binh thuộc loại 1, số tiền này không bao giờ được thấp hơn số tiền trả cho thành viên các lực lượng vũ trang của Nước giam giữ.

Lý do của việc hạn chế phải được thông báo ngay lập tức cho Nước bảo hộ biết.



Điều 61. Trả thêm

Nước giam giữ phải chấp nhận những khoản tiền mà Nước có tù binh gửi cho tù binh, để bổ sung lương, với điều kiện là các khoản bổ sung này được cấp đồng đều giữa các tù binh thuộc cùng một loại, cho tất cả các tù binh thuộc một loại và được chuyển vào tài khoản cá nhân của tù binh trong thời gian sớm nhất, theo quy định tại Điều 64. Các khoản bổ sung lương này không miễn cho Nước giam giữ bất kỳ nghĩa vụ nào theo quy định của Công ước này.



Điều 62. Phụ cấp lao động

Tù binh phải được nhà chức trách cầm giữ trực tiếp trả một mức phụ cấp làm việc thỏa đáng, với định mức do nhà chức trách quy định, nhưng không bao giờ được thấp hơn mức một phần tư phơ-răng Thụy Sĩ cho một ngày tròn lao động. Nước giam giữ thông báo với tù binh cũng như với Nước mà họ thuộc quyền, qua trung gian của Nước bảo hộ, mức phụ cấp hàng ngày mà mình ấn định.

Nhà chức trách của Nước giam giữ cũng phải trả phụ cấp làm việc cho các tù binh thường xuyên bị phân công làm những công việc thủ công liên quan đến việc quản trị, sắp xếp nội bộ và giữ gìn các trại, cũng như cho các tù binh bị trưng dụng để làm công tác tôn giáo hay y tế phục vụ các tù binh khác.

Phụ cấp làm việc trả cho đại diện tù binh, người giúp việc và có thể là các cố vấn của người này, sẽ được trích từ quỹ tiền lãi của căng tin. Mức phụ cấp do đại diện tù binh đề xuất và do chỉ huy trại thông qua. Trường hợp không có quỹ tiền lãi, các nhà chức trách cầm giữ trả cho đại diện của tù binh một số tiền phụ cấp làm việc hợp lý.



Điều 63. Chuyển tiền

Tù binh được quyền nhận tiền gửi đến cho cá nhân họ hoặc cho tập thể tù binh.

Mỗi tù binh được quyền có số tồn dư tài khoản, theo quy định tại điều sau, trong giới hạn mà Nước giam giữ đã ấn định; Nước giam giữ thực hiện chi trả theo yêu cầu của tù binh. Trừ các quy định hạn chế về tài chính hay tiền tệ mà Nước giam giữ xét thấy cần thiết, tù binh được phép thực hiện chi trả ở nước ngoài. Trong trường hợp này, Nước giam giữ tạo điều kiện ưu tiên cho tù binh thực hiện chi trả với những người mà họ phải nuôi nấng.

Trong bất cứ trường hợp nào, tù binh có thể, nếu được Nước của họ đồng ý, nhờ thực hiện chi trả tại Nước họ theo thể thức sau đây: Nước giam giữ gửi cho Nước có tù binh qua trung gian của Nước bảo hộ một giấy báo có ghi rõ những chi tiết cần thiết về người thực hiện lệnh thanh toán và người thụ hưởng, cũng như số tiền phải trả tính theo tiền của Nước giam giữ. Giấy báo này phải do tù binh liên quan ký và có chữ ký kèm theo của chỉ huy trại. Nước giam giữ trừ số tiền đó vào tài khoản của tù binh và số tiền được trừ như vậy sẽ được nhập vào tài khoản của Nước có tù binh.

Để áp dụng các quy định trên đây, Nước giam giữ có thể nghiên cứu Điều lệ mẫu ở Phụ lục V kèm theo Công ước này.

Điều 64. Tài khoản của tù binh

Nước giam giữ phải mở cho mỗi tù binh một tài khoản với những mục tối thiểu sau đây:

1. Số tiền phải trả cho tù binh hoặc tù binh đã nhận được khi nhận tạm ứng lương, phụ cấp làm việc hay các khoản tiền khác; những số tiền, bằng tiền. của Nước giam giữ, bị tạm thu, những số tiền tạm thu của họ và đã được quy đổi ra tiền của Nước giam giữ, theo yêu cầu của họ.

2. Những số tiền trao cho tù binh bằng tiền mặt hoặc dưới hình thức tương tự, các khoản thanh toán thực hiện cho họ và theo yêu cầu của họ, những số tiền được chuyển đi theo quy định của đoạn 3 Điều trên.



Điều 65. Quản lý tài khoản của tù binh

Mỗi nội dung được ghi vào tài khoản của tù binh phải được tù binh đó hay đại diện nhân danh tù binh đó ký xác nhận hoặc ký tắt.

Bất kỳ thời điểm nào, tù binh cũng được tạo điều kiện thuận lợi ở mức hợp lý để tra tài khoản và nhận được một bản sao tài khoản của mình; tài khoản này có thể được đại biểu của Nước bảo hộ kiểm tra, khi đến thăm trại.

Khi tù binh bị di chuyển đến một trại khác, tài khoản cá nhân của họ cũng phải được chuyển theo. Trường hợp họ bị chuyển giao cho một Nước giam giữ khác, số tiền mà họ có nhưng không dưới dạng tiền của Nước giam giữ phải được chuyển theo họ. Một giấy biên nhận sẽ được cấp cho họ ghi lại tất cả các khoản tiền khác còn trong phần có của tài khoản họ.

Các Bên xung đột có thể thỏa thuận về việc báo cho nhau biết, vào từng thời điểm nhất định, qua trung gian Nước bảo hộ, những bản kê khai hoạt động tài khoản của các tù binh.

Điều 66. Kết thúc tài khoản

Khi tù binh được phóng thích hay hồi hương, Nước giam giữ phải cấp cho họ một tờ khai do một sĩ quan có thẩm quyền ký tên chứng thực số dư có của tài khoản họ khi họ hết hạn giam giữ. Mặt khác, Nước giam giữ cũng phải gửi cho Nước có tù binh, qua trung gian Nước bảo hộ, danh sách có ghi rõ tất cả những chi tiết về những tù binh không còn bị giam giữ do được hồi hương, phóng thích, bỏ trốn, tử vong hay vì bất kỳ lý do nào khác... cũng như chứng thực số dư có của tài khoản họ. Mỗi bản xác nhận thuộc các danh sách này được một đại diện có thẩm quyền của Nước giam giữ chứng thực.

Các Nước hữu quan có thể thỏa thuận riêng với nhau để thay đổi một phần hoặc toàn bộ những quy định trên đây.

Nước có tù binh chịu trách nhiệm thanh toán với tù binh số dư tài khoản mà Nước giam giữ còn nợ họ, khi họ hết hạn giam giữ.



Điều 67. Điều chỉnh giữa các Bên tham gia xung đột

Tiền lương tạm ứng cho tù binh, theo quy định tại Điều 60, sẽ được coi là thanh toán hộ cho Nước có tù binh. Số tiền tạm ứng lương, cũng như tất cả các khoản thanh toán do Nước giam giữ thực hiện, theo quy định tại điều 63, đoạn 3, và Điều 68, sẽ được các Nước hữu quan thỏa thuận thanh toán với nhau, sau khi chiến sự kết thúc.



Điều 68. Đòi hỏi bồi thường

Tất cả đơn đòi bồi thường của tù binh, vì lý do tai nạn hoặc thương tật do lao động, được chuyển đến Nước có tù binh, qua trung gian Nước bảo hộ. Theo quy định tại Điều 54, Nước giam giữ cấp cho tù binh một tờ khai ghi rõ tính chất vết thương hoặc thương tật, hoàn cảnh bị thương tật và thông tin về các chăm sóc thuốc men và điều trị mà tù binh đã được hưởng. Tờ khai này do một sĩ quan hữu trách của Nước giam giữ ký, thông tin về y tế do một bác sĩ thuộc Bộ phận y tế chứng nhận.

Nước giam giữ cũng thông báo với Nước có tù binh tất cả các đơn đòi bồi thường của tù binh liên quan đến tư trang, tiền bạc hay đồ vật có giá trị của họ, bị tịch thu theo quy định tại Điều 18 và không được hoàn lại cho họ, khi họ được hồi hương, hoặc đơn đòi bồi thường những mất mát mà tù binh quy lỗi cho Nước giam giữ hay nhân viên của Nước giam giữ gây ra. Trái lại, Nước giam giữ thay tư trang mới mà tù binh cần, bằng kinh phí của mình, trong thời gian tù binh bị giam giữ. Trong bất cứ trường hợp nào, Nước giam giữ cũng phải trao cho tù binh một tờ khai do một sĩ quan hữu trách ký tên, ghi rõ lý do không hoàn lại cho tù binh những tư trang, món tiền hay đồ vật có giá trị đã tạm giữ của họ. Một bản sao của tờ khai này được gửi cho Nước có tù binh, qua trung gian Cơ quan tù binh trung ương, quy định tại Điều 123.

Tiết V: Quan hệ của tù binh với bên ngoài



Điều 69. Thông báo về các biện pháp thực hiện

Ngay sau khi tù binh bị sa vào tay Nước giam giữ, Nước này phải thông báo với tù binh và Nước có tù binh, qua trung gian của Nước bảo hộ, những biện pháp quy định để thực hiện các điều của tiết này; tương tự như vậy, Nước giam giữ cũng thông báo tất cả những thay đổi liên quan đến những biện pháp đó.



Điều 70. Thẻ bắt giữ

Ngay sau khi bị bắt, hoặc chậm nhất là một tuần sau khi đến trại, dù đó chỉ là một trạm trung chuyển, và ngay cả trường hợp bị đau ốm hoặc bị chuyển đến bệnh viện hay đến một trại khác, mỗi tù binh đều phải được giúp đỡ để có thể trực tiếp gửi cho gia đình và cho Cơ quan Tù binh Trung ương quy định tại Điều 123, một thẻ thông báo cho các đối tượng kể trên, các thông tin về việc họ bị bắt, địa chỉ và tình hình sức khỏe của họ. Thẻ này có thể được lập theo mẫu kèm theo ở phần sau Công ước này. Những thẻ này phải được gửi đi trong thời gian sớm nhất và không được trì hoãn vì bất cứ lý do gì.



Điều 71. Liên lạc thư tín

Tù binh được phép gửi và nhận thư từ và bưu thiếp. Nếu Nước giam giữ thấy cần phải hạn chế số thư và bưu thiếp mỗi tù binh được gửi đi, Nước giam giữ phải cho phép họ tối thiểu gửi hai bức thư và bốn bưu thiếp một tháng (không kể các thẻ quy định tại Điều 70). Bưu thiếp và thư từ của tù binh nên làm theo như mẫu kèm theo ở phần sau Công ước này.

Chỉ được có các hạn chế khác trong trường hợp Nước bảo hộ có lý do xét thấy những hạn chế đó là vì quyền lợi của chính tù binh, trong điều kiện Nước giam giữ gặp khó khăn trong việc tuyển biên dịch có đủ trình độ để tiến hành kiểm duyệt cần thiết.

Nếu phải hạn chế thư từ, bưu thiếp gửi tới cho tù binh, quyết định này chỉ có thể do Nước có tù binh đưa ra, theo yêu cầu của Nước giam giữ. Nước giam giữ phải chuyển thư từ và bưu thiếp của tù binh bằng những phương tiện nhanh nhất sẵn có, không được trì hoãn hoặc giữ thư từ lại với lý do thi hành kỷ luật. Tù binh lâu ngày không nhận được tin của gia đình hay ở trong những điều kiện không thể nhận được tin tức của gia đình hoặc không thể gửi tin cho gia đình bằng đường bưu điện thông thường, cũng như những tù binh ở rất xa gia đình, phải được phép gửi điện tín và tiền gửi điện tín sẽ do tù binh chịu, trừ vào tài khoản mà Nước giam giữ mở cho họ, hoặc trả bằng tiền mà họ sẵn có. Trong những trường hợp khẩn cấp, tù binh cũng được hưởng phương thức này.

Nhìn chung, thư từ của tù binh được viết bằng tiếng mẹ đẻ của họ. Các Bên xung đột có thể cho phép họ viết thư từ bằng các thứ tiếng khác.

Những túi đựng thư từ của tù binh phải được niêm phong cẩn thận, có dán nhãn ghi rõ nội dung túi thư và được gửi đến bưu cục nơi nhận.



Điều 72. Cứu trợ

Những nguyên tắc chung:

Tù binh được phép nhận, bằng dường bưu điện hoặc các phương tiện khác, những bưu kiện cá nhân hoặc những kiện hàng tập thể bao gồm thực phẩm, quần áo thuốc men, những đồ vật để đáp ứng nhu cầu của họ về tôn giáo, học tập hay giải trí, kể cả sách vở, các đồ thờ, các dụng cụ khoa học, đề thi, nhạc cụ, đồ tập thể thao và các dụng cụ giúp cho tù binh tiếp tục học tập hoặc tiến hành một hoạt động nghệ thuật.

Những chuyến hàng đó sẽ không miễn cho Nước giam giữ những nghĩa vụ mà Nước này phải thực hiện theo quy định của Công ước này.

Các chuyến hàng này chỉ có thể bị hạn chế theo đề nghị của các Quyền lực bảo hộ vì quyền lợi của bản thân tù binh, hoặc theo đề nghị của Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế hay của bất kỳ tổ chức cứu trợ tù binh nào, và chỉ liên quan đến các chuyến hàng của riêng họ, do áp lực quá lớn về vận chuyển hoặc giao thông. Phương thức gửi bưu kiện cá nhân hay tập thể, nếu cần, có thể được các Nước hữu quan thỏa thuận riêng với nhau và trong bất cứ trường hợp nào các nước này cũng không được trì hoãn việc phân phát các đồ cứu trợ tới tù binh. Không được gửi sách trong bưu kiện thực phẩm và quần áo. Theo quy tắc chung, thuốc men cứu trợ được gửi trong bưu kiện tập thể.

Điều 73. Nhận hàng cứu trợ tập thể

Trường hợp không có thỏa thuận riêng giữa các Nước hữu quan về phương thức nhận và phân phát các bưu kiện cứu trợ tập thể, Điều lệ về cứu trợ tập thể kèm theo bản Công ước này được áp dụng.

Những thỏa thuận riêng nói trên trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được hạn chế quyền của các đại diện tù binh trong việc lĩnh các đồ cứu trợ tập thể gửi tới tù binh, tiến hành phân phát hoặc sử dụng những đồ này một cách phù hợp với lợi ích của tù binh.

Những thỏa thuận này cũng không được hạn chế quyền của đại diện Nước bảo hộ, đại diện Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế hay đại diện của bất cứ một cơ quan trợ giúp tù binh nào khác, có trách nhiệm chuyển đồ cứu trợ tập thể, trong việc kiểm soát phân phối các đồ cứu trợ cho tù binh.



Điều 74. Miễn cước bưu điện và vận chuyển

Đồ cứu trợ gửi cho tù binh được miễn thuế nhập khẩu, thuế hải quan và các loại thuế khác.

Thư từ đồ cứu trợ và tiền được phép gửi đến cho tù binh hay của tù binh gửi đi, bằng đường bưu điện, gửi trực tiếp, hoặc gửi qua các phòng thông tin quy định tại Điều 122 và qua Cơ quan Tù binh Trung ương quy định tại Điều 123, được miễn tất cả các phí bưu điện, ở Nước gửi đi, ở Nước nhận, cũng như ở nước trung gian. Nếu vì lý do trọng lượng hoặc vì lý do khác đồ cứu trợ gửi tới tù binh không gửi được bằng đường bưu điện, chi phí chuyên chở qua toàn bộ các lãnh thổ do Nước giam giữ kiểm soát sẽ do Nước giam giữ chịu. Các Nước khác tham gia Công ước chịu tiền chuyên chở trên phạm vi lãnh thổ của họ.

Trường hợp không có thỏa thuận riêng giữa các Nước hữu quan, chi phí phát sinh từ việc chuyên chở các bưu kiện trên, nếu không được miễn cước theo quy định kể trên, sẽ do người gửi chịu.

Các Bên ký kết phải cố gắng giảm tối đa cước điện tín gửi đến cho tù binh hay của tù binh gửi đi.

Điều 75. Phương tiện vận chuyển đặc biệt

Trong trường hợp các Nước hữu quan bị hoạt động quân sự cản trở không thực thi được nghĩa vụ của họ trong việc bảo đảm chuyên chở các bưu kiện được quy định tại Điều 70, 71, 72 và 77, các Nước bảo hộ hữu quan, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế hay bất kỳ một tổ chức nào khác được các Bên xung đột chấp thuận, có thể đứng ra bảo đảm việc chuyên chở các bưu kiện này bằng những phương tiện phù hợp (xe lửa, xe hơi, tàu thủy, máy bay... ) Để đạt được mục đích này, các Bên ký kết phải cố gắng cung cấp phương tiện chuyên chở cho các nước và các tổ chức kể trên, cho phép họ đi lại, và đặc biệt cung cấp cho họ giấy thông hành cần thiết. Những phương tiện chuyên chở đó cũng có thể được dùng để vận chuyển:

a. Thư từ, danh sách và báo cáo trao đổi giữa Cơ quan Thông tin Trung ương quy định tại Điều 123 và các Phòng thông tin của các nước quy định tại Điều 122;

b. Thư từ và báo cáo liên quan đến tù binh mà các Nước bảo hộ, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, hay bất kỳ một tổ chức cứu trợ tù binh nào khác, trao đổi với đại diện của họ hay với các Bên xung đột.

Những quy định này không hề hạn chế quyền của một Bên xung đột trong việc tổ chức các hình thức vận chuyển khác, nếu bên đó mong muốn, và cấp giấy thông hành trong những điều kiện có thể được thỏa thuận.

Trường hợp không có thỏa thuận riêng, chi phí phát sinh từ việc sử dụng các phương tiện vận chuyển đó sẽ do các Bên xung đột chịu, theo tỷ lệ số công dân của nước mình được hưởng lợi từ các dịch vụ vận chuyển đó.



Điều 76. Kiểm tra và kiểm duyệt

Việc kiểm duyệt thư từ gửi đến cho tù binh hoặc của tù binh gửi đi phải được thực hiện trong thời gian ngắn nhất. Thư từ chỉ do Nước gửi đi và Nước nhận kiểm duyệt, mỗi nước chỉ được kiểm duyệt một lần.

Không được tiến hành kiểm soát các bưu kiện gửi đến cho tù binh trong những điều kiện có thể làm hỏng quá trình bảo quản thực phẩm, và trừ trường hợp tài liệu viết hay in, việc kiểm soát phải được tiến hành trước sự có mặt của người nhận hay của một tù binh khác được người này ủy nhiệm một cách hợp pháp. Việc trao bưu kiện cá nhân hay tập thể cho tù binh không được trì hoãn vì lý do kiểm duyệt khó khăn.

Việc cấm đoán thư từ do các Bên xung đột đặt ra, vì lý do quân sự hay chính trị, chỉ là tạm thời và trong thời gian ngắn nhất.



Điều 77. Soạn thảo, thực hiện, chuyển giao các văn bản luật

Các Nước giam giữ tạo mọi điều kiện cho việc chuyển, qua trung gian Nước bảo hộ hoặc Cơ quan Tù binh Trung ương quy định tại Điều 123, các văn bản, giấy tờ hay tài liệu gửi đến cho tù binh hay của tù binh gửi đi, nhất là giấy ủy quyền hay chúc thư.

Trong mọi trường hợp, các Nước giam giữ tạo điều kiện cho tù binh soạn thảo các văn bản này, đặc biệt là cho phép họ tham khảo ý kiến luật sư và có những biện pháp cần thiết để chữ ký của họ được chứng thực.

Tiết VI: Quan hệ giữa tù binh và các nhà chức trách




tải về 2.09 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   ...   19




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương