Các ý kiến góp ý cụ thể bch vaip cho Dự thảo về Nghị định dịch vụ cntt vtc intecom: GĐ Dương Thế Lương



tải về 71.42 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu18.08.2016
Kích71.42 Kb.
#22068
Các ý kiến góp ý cụ thể BCH VAIP cho Dự thảo về Nghị định dịch vụ CNTT

VTC Intecom: GĐ Dương Thế Lương

Các vấn đề về cộng thêm vào chi ngân sách thường xuyên, hỗ trợ thuế... thấy đã ổn. Tuy nhiên tổng thể cho thấy đang có quá nhiều thủ tục hồ sơ, cấp phép. Cụ thể như sau:



Điều 16 (Hồ sơ, thủ tục cấp phép cung cấp dịch vụ Công nghệ thông tin): nên cân nhắc xem loại hình giấy phép con này có cần thiết không, theo em không nên. Doanh nghiệp khi kinh doanh đương nhiên phải tuân theo Luật Doanh nghiệp và các quy định pháp luật khác, nếu đủ năng lực họ mới cung cấp dịch vụ. Nếu dịch vụ không đảm bảo thì đã có hợp đồng với khách hàng sử dụng dịch vụ quy định phạm vi trách nhiệm, và họ sẽ không thể bán được hàng.

Nếu Nhà nước thấy cần quản lí thì chỉ áp dụng giấy phép với những loại hình dịch vụ Công nghệ thông tin đặc biệt thôi (ví dụ như Game online chẳng hạn). Việc áp đặt in giấy phép cho tất cả loại hình dịch vụ công nghệ thông tin về cơ bản là làm rắc rối thêm cho hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, quy định thời hạn của giấy phép là 5 năm cũng làm doanh nghiệp cung cấp Dịch vụ Công nghệ thông tin không yên tâm đầu tư, kể cả đối với các dịch vụ đặc biệt như Game online cũng không nên. Nếu sau 5 năm không được cấp giấy phép tiếp thì làm sao? Nếu Nhà nước thực sự muốn tạo điều kiện cho Dịch vụ Công nghệ thông tin phát triển thì cần đơn giản hoá các loại thủ tục hành chính về quản lí nhà nước, mà chỉ nên quản lí thông qua chính sách.

 Điều 17 (Chứng chỉ hành nghề về công nghệ thông tin): Cùng quan điểm như trên, việc cấp chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực này là không cần thiết. Nếu thủ tục quá phức tạp và quá nhiều cấp quản lí thì làm sao khuyến khích được dịch vụ này phát triển.

Tóm lại, đề nghị cơ quan Bộ điều chỉnh theo hướng quản lí bằng chính sách chứ không quản lí bằng thủ tục hành chính.

Chi hội TMĐT: Anh Trần Hữu Linh:

Một số ý kiến góp ý như sau:

1. Về phạm vi điều chỉnh của Nghị định: “Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Công nghệ thông tin liên quan đến việc phân loại, quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ trên nền công nghệ thông tin (sau đây gọi chung là dịch vụ công nghệ thông tin) tại Việt Nam”.

- Đề nghị làm rõ Nghị định quy định chi tiết những điều nào của Luật Công nghệ thông tin liên quan đến dịch vụ công nghệ thông tin?

- Nếu Nghị định này quy định về việc quản lý dịch vụ công nghệ thông tin, phạm vi điều chỉnh của Nghị định chỉ nên giới hạn trong các dịch vụ công nghệ thông tin. Không nên quy định một cách áp đặt “dịch vụ trên nền công nghệ thông tin” cũng là dịch vụ công nghệ thông tin.

- Với sự phát triển nhanh của công nghệ thông tin và truyền thông như hiện nay, sẽ đến lúc tất cả các dịch vụ đều triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và khi đó ranh giới với “dịch vụ trên nền công nghệ thông tin” sẽ gần như không thể xác định được. Như vậy, với dự thảo như hiện nay, phạm vi của Nghị định sẽ bao trùm toàn bộ các dịch vụ có ứng dụng công nghệ thông tin và điều này là bất hợp lý.

2. Về các khái niệm: việc định nghĩa các khái niệm sẽ liên quan chặt chẽ đến việc giới hạn phạm vi điều chỉnh của Nghị định, do vậy đề nghị xem xét lại một số khái niệm có thể dẫn đến sự luận giải quá rộng phạm vi của Nghị định này:

- Dịch vụ trên nền công nghệ thông tin (Điều 3 khoản 18): “là dịch vụ được cung cấp chủ yếu bằng phương tiện công nghệ thông tin, viễn thông”. Quy định này khá mập mờ và sẽ gây khó khăn khi đưa vào triển khai vì không có tiêu chí để xác định thế nào là “cung cấp chủ yếu bằng phương tiện CNTT”. Ngoài ra, vì đây là Nghị định về dịch vụ công nghệ thông tin, đề nghị sử dụng nhất quán một khái niệm về phương tiện công nghệ thông tin, không nển mở rộng thêm ra các khái niệm về phương tiện viễn thông, dịch vụ viễn thông.

- Kinh doanh dịch vụ công nghệ thông tin (Điều 3 khoản 21): dự thảo Nghị định hiện đưa ra định nghĩa rất rộng về doanh thu phát sinh từ hoạt động kinh doanh này, bao gồm cả “doanh thu gián tiếp qua các hình thức như thu tiền liên kết dịch vụ, thương mại điện tử, thu tiền quảng cáo dựa trên dịch vụ, trên trang thông tin điện tử, trên hệ thống cung cấp dịch vụ, hoặc qua hình thức thu tiền khác”. Như đã nói ở trên, việc định nghĩa rộng như vậy có thể dẫn đến kết quả là mọi hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin đều có thể coi là “kinh doanh dịch vụ công nghệ thông tin.

3. Về quy định tại Điều 8: đề nghị bỏ khoản 9 vì các lý do sau:

- Dịch vụ gia công quy trình kinh doanh bằng công nghệ thông tin (BPO): có thể xếp vào Nhóm dịch vụ hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phân phối phần mềm (quy định tại khoản 3 Điều 8.

- Dịch vụ trung tâm hỗ trợ khách hàng, trả lời trực tuyến qua môi trường mạng (Contact Center): là một khâu phụ trợ, đi kèm với đa số các mô hình kinh doanh với mục đích chăm sóc khách hàng hoặc dịch vụ hậu mãi. Không nên xếp riêng một khâu của quy trình kinh doanh thành một dịch vụ để chịu sự quản lý đặc biệt.

- Dịch vụ kinh doanh thương mại điện tử: chưa được làm rõ trong nghị định là bao gồm những dịch vụ gì. Tuy nhiên, thương mại điện tử nói chung là một lĩnh vực của hoạt động thương mại, chịu sự điều chỉnh của Nghị định Thương mại điện tử và các văn bản liên quan. Để tránh sự chống chéo, trùng lắp giữa các quy định pháp luật, đề nghị không xếp hoạt động thương mại điện tử vào các dịch vụ công nghệ thông tin điều chỉnh tại Nghị định này.

- Dịch vụ đào tạo trực tuyến và dịch vụ khám chữa bệnh từ xa trên môi trường mạng: đây là các dịch vụ chuyên ngành có ứng dụng công nghệ thông tin, về mặt bản chất vẫn phải tuân thủ các quy định quản lý chuyên ngành. Ngoài ra, Luật Công nghệ thông tin (Điều 34 và 35) cũng đã quy định Bộ Giáo dục Đào tạo và Bộ Y tế là hai cơ quan có trách nhiệm quản lý chuyên ngành về hoạt động đào tạo trên mạng và hoạt động y tế trên mạng.


Phó Chủ tịch VAIP: Lê Trường Tùng
Góp một số ý kiến để gửi Bộ TTTT.

 

Ưu điểm của Dự thảo:



 

Tăng cường Quản lý và Hỗ trợ phát triển CNTT, trong đó có việc:

- Nâng cao chất lượng dịch vụ CNTT qua quy định 4 lĩnh vực dịch vụ cần đăng ký cấp phép (điều 14.1), và quy định về tiêu chuẩn hóa những cá nhân/tổ chức làm tư vấn về CNTT (điều 17).

- Quy định chính sách ưu đãi cho dịch vụ CNTT - chẳng hạn khoản tài trợ cho giáo dục & nghiên cứu được tính là chi phí hợp lý (điều 9.2).

 

Sai sót (bao gồm cả những điều không chính xác):



 

1. Điều 5, cấm "cung cấp dịch vụ CNTT cho tổ chức, cá nhân để tổ chức, cá nhân đó sử dụng vào các hoạt động bất chính".  Bình luận: việc cá nhân/tổ chức sử dụng dịch vụ CNTT vào hoạt động bất chính không thể quy trách nhiệm cho nhà cung cấp dịch vụ.  Tư duy như thế này là rất nguy hiểm, kìm hãm phát triển xã hội (không thể quy tội cho hãng Honda nều như ai đó dùng xe Honda đi cướp giật ngoài phố :).   

 

2. Điều 12 (hệ thống chuẩn quốc gia). Thực tế điều này không liên quan gì đến dịch vụ CNTT cả. Nếu` muốn thì Bộ TTTT có thể quy định trong 1 văn bản khác. Tuy nhiên về nội dung thấy toát lên: Bộ TTT quy định chuẩn kỹ năng (điều 12.6), Bộ TTTT tổ chức thi cấp chứng nhận (điều 12.3), các cơ quan nhà nước chỉ được phép tuyển, bổ nhiệm cán bộ CNTT có chứng chỉ (điều 12.5). Tóm lại là một quy định mang tính áp đặt và dành độc quyền 100% cho Bộ TTTT, bằng cấp của các trường đại học trong và ngoài nước - - dù là tiến sỹ  - cũng không còn ý nghĩa nếu không có chứng chỉ của Bộ TTTT.    



 

3. Điều 23.3:  "...Tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT quy định tại khoản 1 điều 14 cho các cơ quan nhà nước phải là tổ chức doanh nghiệp nhà nước hoặc tổ chức doanh nghiệp nhà nước có khả năng chi phối". Khỏi cần bình luận về quy định mang tính "độc quyền" này.

 

4. Điều 3.8. Định nghĩa "đào tạo không chính quy" là đào tạo "nằm ngoài hệ thống giáo dục quốc dân". Theo Luật Giáo dục 2005 (điều 4, điều 8), hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm cả hệ thống đào tạo ngắn hạn cấp chứng chỉ nghề nghiệp hoặc nâng cao trình độ, và khi đó sẽ không có  hệ thống đào tạo "nằm ngoài".



 

5. Điều 14.3. "Khuyến khích các tổ chức doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT không thuộc diện phải đăng ký thực hiện đăng ký cung cấp dịch vụ". Không hiểu sao có một điều luật "nửa có nửa không" như thế này. Cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì được phép, và về nguyên tắc không được phép cấp đăng ký cho những gì không thuộc phạm vi đăng ký.  

 

Với những "hạt sạn" lớn như vậy - lẽ ra chưa nên đưa ra xin ý kiến rộng rãi.

 

Chủ tịch HCA: Chu Tiến Dũng

Tuần vừa rồi HCA tổ chức lấy ý kiến góp ý cũng khá thú vị. ngày thứ 4 QTSC sẽ tổ chức 1 cuộc nữa, sẽ gửi kết quả sau. Tuy nhiên có một số ý tổng quan thế này trao đổi để tổng hợp:


  1. Nên sọan nghị định tập trung vào các vấn đề cần qủan lý và chính sách khuyến khích đối với những lĩnh vực dịch vụ cần quan tâm. Các dịch vụ khác không nên đưa vào (nói dài mà không đủ và sẽ không bao giờ đủ)

  2. Bỏ nội dung đăng ký dịch vụ cũng như mã số sản phẩm dịch vụ. Vì việc này trùng với đăng ký kinh doanh rồi, nếu có chỉ thêm giấy phép con không cần thiết. Việc ra mã số ngành cho từng dịch vụ là công việc phối hợp giữa MIC và Bộ KHĐT để cấp phép kinh doanh.

  3. Không nên đưa các nội dung không thuộc phạm trù dịch vụ vào nghị định: Ví dụ chuẩn kỹ năng và cấp chứng chỉ đào tạo chuẩn kỹ năng, bố trí và xếp lương theo chuẩn kỹ năng…

  4. Cần phân cấp cho địa phương trong cấp chứng chỉ hành nghề và công tác quản lý.


Chủ tịch FIS (FPT) - Đỗ Cao Bảo:

Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT xin có góp ý đối với dự thảo nghị định về Dịch vụ Công nghệ thông tin như sau:



Điều khoản

Vấn đề phát sinh

Đề xuất

Điều 3.24

- Phát sinh thêm giấy phép con đối với mã số của từng sản phẩm dịch vụ CNTT của doanh nghiệp;

- Nếu sản phẩm dịch vụ CNTT mới chưa có mã số thì phải chờ Bộ Thông tin & Truyền thông nghiên cứu cấp mới, như vậy có thể làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp;






Điều 6

Chưa có các dịch vụ sau

- Dịch vụ tư vấn đầu tư CNTT;

- Dịch vụ tư vấn xây dựng chính sách an toàn thông tin;

- Dịch vụ khôi phục sau thảm họa;

- Dịch vụ di chuyển các hệ thống thiết bị CNTT, điện tử;

- Dịch vụ tư vấn chăm sóc khách hàng, cung cấp thông tin, văn phòng ảo, trung tâm hỗ trợ khách hàng;



Đề nghị bổ sung

Điều 12.3, 12.4


- Chứng chỉ quốc gia về kỹ năng nhân lực CNTT cũng có nguy cơ trở thành một giấy phép con. Mặt khác chứng chỉ này không đáp ứng được thực tế hành nghề dịch vụ CNTT khi đòi hỏi phải đạt chứng chỉ của các hãng dịch vụ CNTT lớn trên thế giới;




Điều 15

- Trong dịch vụ điện toán đám mây, để đảm bảo an toàn thì cần đặt máy chủ ở nhiều nơi trên thế giới. Quy định đặt tại Việt Nam làm tăng nguy cơ phá hỏng an toàn;




Điều 16

- Vấn đề giấy phép con;

Dịch vụ CNTT không phải là dịch vụ có điều kiện nên cần bỏ bớt thủ tục cho doanh nghiệp;

Điều 17

- Chứng chỉ hành nghề đang được yêu cầu cho 3 loại hình dịch vụ tư vấn CNTT là: (i) Tư vấn về giải pháp CNTT; (ii) Tư vấn về dự án CNTT; (iii) Tư vấn về quản lý CNTT. Trong dự thảo đang không nói rõ chứng chỉ hành nghề sẽ được cấp chung cho cả 3 loại hình trên hay sẽ cấp riêng cho từng loại hình;

- Về người được cấp chứng chỉ tư vấn được yêu cầu phải tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực hành nghề đăng ký không phù hợp vì thực tế nhiều lĩnh vực hành nghề các trường đại học ở Việt Nam chưa đào tạo (Tư vấn xây dựng DataCenter,…) hoặc chỉ là một môn học nằm trong các chuyên ngành khác nhau, như vậy khó có thể xác định chính xác chuyên ngành nào phù hợp thực sự với lĩnh vực hành nghề;

- Yêu cầu có đủ kinh nghiệm tham gia các dự án, công trình CNTT: Dự thảo không nói rõ số năm kinh nghiệm thực tế, số công trình, số dự án tham gia;

- Chứng chỉ hành nghề nêu rõ phạm vi và lĩnh vực được phép hành nghề: Quy định này làm phát sinh việc một chuyên gia tư vấn có thể có rất nhiều chứng chỉ khác nhau mới được hành nghề tư vấn;


- Về cấp chứng chỉ hành nghề tương đương, nếu đủ điều kiện, cho các chứng chỉ hành nghề tư vấn công nghệ thông tin của tổ chức quốc tế hoặc tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam;

Xét rằng: Các chứng chỉ của các tổ chức quốc tế đòi hỏi rất khắt khe cả về lý thuyết và thực tế mới đạt được nên đề nghị như ở bên




Đề nghị làm rõ;

- Đề nghị yêu cầu đối với người được cấp chứng chỉ hành nghề tư vấn chỉ căn cứ kinh nghiệm công tác và chứng chỉ chuyên môn thực tế;

- Đề nghị Bộ TTTT chia các lĩnh vực hành nghề tư vấn thành các nhóm khác nhau, theo đó chứng chỉ sẽ cấp theo nhóm;

- Đề nghị đương nhiên cấp chứng chỉ hành nghề tương đương một khi đã có chứng chỉ của các tổ chức quốc tế, ví dụ như CCIE, JNCIE, CISSP…;



Điều 18

- Doanh nghiệp đã có đăng ký kinh doanh, do vậy việc đăng ký dịch vụ sẽ phát sinh thủ tục hành chính cho doanh nghiệp;




Điều 20

- Dịch vụ gia công chưa phát triển, do đó quy định tại Điều này gây thêm khó khăn cho mảng dịch vụ này;




Chương V

- Hầu hết các quy định tại các Điều của Nghị định này đều nhằm thỏa mãn quy định tại Chương V Nghị định, như vậy là làm phức tạp thủ tục cho các dịch vụ CNTT cung cấp ngoài cơ quan Nhà nước.

Nếu là yêu cầu đối với cung cấp dịch vụ CNTT cho cơ quan Nhà nước, đề nghị đổi tên theo đúng mục đích này.

 

Góp ý của CLB PMTDNM Việt Nam (VFOSSA)

I. Những góp ý chung

Trần Lương Sơn (TGĐ VíetSoftware)

A. VN nên theo thông lệ quốc tế trong quy định về Dịch vụ CNTT


Nhà nước không nên đưa ra các quy định quản lý (thực chất là sẽ làm hạn chế) việc phát triển dịch vụ CNTT. Việc đưa DV CNTT vào quản lý là bước lùi trong xu thế hòa nhập quốc tế của Việt Nam.

Xin tham khảo tài liệu của WITSA về vòng đàm phán thương mại quốc tế liên quan đến sản phẩm và dịch vụ CNTT, trong đó tinh thần cơ bản là đẩy mạnh tự do hóa dịch vụ CNTT1 (trích dịch)

Các vấn đề của ngành Công nghiệp CNTT hiện nay:

Ngành công nghiệp công nghệ thông tin đối mặt với các vấn đề thương mại chủ yếu sau đây:

Không có khả năng cung cấp một dịch vụ bởi một quốc gia đã không cam kết tự do hóa hoặc là dịch vụ chính, hoặc một dịch vụ thứ cấp cần thiết để cung cấp cấp dịch vụ chính;

Không có khả năng thực thi cam kết của một quốc gia về tự do hóa dịch vụ bởi

các cam kết là thiếu rõ ràng trong việc mô tả các dịch vụ được tự do hóa, hoặc trong mô tả các hạn chế ảnh hưởng đến việc thực hiện cam kết;

Thiếu rõ ràng trong việc xác định một dịch vụ mới được điều chỉnh như thế nào bởi các cam kết của quốc gia về các dịch vụ hiện có do sự ra đời nhanh chóng của công nghệ và dịch vụ mới;

Thiếu cơ chể hiệu quả để buộc các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cạnh tranh một cách công bằng với các nhà cung cấp mới.”

B. Bỏ tất cả các loại giấy phép, chỉ yêu cầu giấy phép cho các loại hình Dịch vụ “có điều kiện”


Đề nghị xóa bỏ tất cả các loại giấy phép, thay vào đó là “quyền lựa chọn” (chứ không phải là bắt buộc phải có) các chứng chỉ hành nghề do các hiệp hội, chứ không phải cơ quan QLNN, cấp.

Việc cấp phép theo cơ chế xin-cho sẽ tạo điều kiện cho tiêu cực, lừa dối (kiểu như phong trào bằng giả đang là vấn nạn toàn quốc) và tạo ra chi phí xã hội to lớn, trong khi việc cho phép lựa chọn lấy chứng chỉ để hành nghề, như ở các nước thường do hiệp hội, cty cung cấp (thí dụ người có hay không có chứng chỉ Microsoft đều được bên sự dụng lựa chọn theo ý của họ) dẫn đến sự khuyến khích những người làm chuyên nghiệp tạo ra sự khác biệt cho mình trên thị trường bằng cách nâng cao năng lực đến mức lây được chứng chỉ...


C. Xác định rõ các loại hình kinh doanh DV CNTT có điều kiện để áp quy định về giấy phép.


Các quy định về chứng chỉ hành nghề do cơ quan QLNN cấp chỉ nên áp dụng với loại hình kinh doanh có điều kiện mà theo tôi gồm:

- Dịch vụ liên quan đến bảo mật, an toàn thông tin

- Dịch vụ liên quan đến nội dung người lớn (adult), trò chơi điện tử, cá cược...

D. Cơ chế dịch vụ bảo trì các công trình CNTT


Một vấn đề quan trọng nữa, là điều chờ đợi nhiều năm, đó là cơ chế dịch vụ bảo trì cho các công trình CNTT, được thu phí một cách hợp lý, cho các dự án sử dụng vốn ngân sách.

Chúng ta đều biết, cho đến nay, các công trình CNTT tại các cơ quan NN được hình thành theo cơ chế dự án, khi được thuê ngoài để thực hiện thì hầu như không có điều khoản dịch vụ bảo trì. Vì vậy, dự án kết thúc là quan hệ hợp đồng kết thúc (ngoại trừ điều khoản bảo hành thường là 12 năm, hoặc có trường hợp đặc biệt đến 36 tháng, ăn chắc, cho bên A). Chính điều này hạn chế sự phát triển ngành, với việc các công trinh của phía chủ đầu tư không được dịch vụ thích đáng, trong khi các cty không có công việc thường xuyên để duy trì hoạt động.

Còn rất nhiều vấn đề khác nếu đi vào chi tiết, xin được đóng góp tiếp sau.

Tóm lại, theo chúng tôi, khi NN đưa ra một quy định pháp luật thì cần phải theo tư duy tạo chính sách khuyến khích phát triển, chứ không phải tư duy tạo thêm cơ chế quản lý, kiểm soát. Nếu các nhà soạn thảo làm công việc của mình với tinh thần tìm xem xã hội cần gì để đáp ứng, hơn là xem có cái gì cần tạo ra giấy phép để kiểm soát, thì chúng ta sẽ có một công trình phát luật giá trị.


Nguyễn Trung Quỳnh (Chuyên viên Bộ KH&CN)


- Vì liên quan đến chính sách ưu đãi nhưng Bộ 4T liệt kê rất nhiều các dich vụ, một số trong đó không cần phải ưu tiên do không sử dụng nhiều tri thức và có hàm lượng KHCN không cao (số hoá, cho thuê quảng cáo , phân phối phần cứng, điện tử, ...) rất khó được chấp thuận, nhất là Bộ tài chính vì nó cắt giảm nguồn thu và dễ bị doanh nghiệp lợi dụng. Do vậy nghị định này nên tập trung vào các dịch vụ cần ưu tiên và khuyến khích vì sử dụng nhiều tri thức, khoa học công nghệ hoặc đem lại hiệu qủa kinh tế - xã hội nhiều.

- Một số điều kiện để đưa Nghị định vào thực tiễn là chưa sẵn sàng và để có được nó mất rất nhiều thời gian (hàng năm) ví dụ như "hệ thống chuẩn quốc gia về kỹ năng; hệ thống chứng chỉ quốc gia; hệ thống chức danh nghề nghiệp... như vậy sẽ làm mất có hội của doanh nghiệp.

- Rất khó phân biệt giữa phát triển phần mềm với dịch vụ phần mềm cũng như hoạt động R&D với dịch vụ R&D như Nghị định đã nêu hay chúng là một?

II. Đóng góp cụ thể cho các điều khoản


(Lê Trung Nghĩa - Chuyên viên Bộ KH&CN, Trần Lương Sơn - TGĐ VietSoftware, Tạ Quang Thái - TGĐ EcoIT)

Điều khoản

Đề xuất

Điều 12

Chuẩn quốc gia về nhân lực CNTT nên được giao cho hiệp hội đảm trách, cơ quan QLNN không nên tham gia.

Điều 14.1

Việc yêu cầu có giấy phép đối với Điểm đ khoản 4 Điều 6 nên bỏ hoặc phải định nghĩa bổ sung rõ thêm cung cấp phân phối nội dung thông tin nào phải có phép và/hoặc không phải có phép.

Điều 14.2

Cách tạo giấy phép con - chứng chỉ hành nghề ở đây chỉ làm khó các công ty Việt Nam, đề nghị loại bỏ. Trường hợp không loại bỏ điều này, thì ghi rõ yêu cầu tất cả các nhân viên các công ty đa quốc gia, cũng như các công ty nước ngoài muốn tư vấn tại Việt Nam theo các điểm-khoản đó, dù có giấy phép tư vấn quốc tế, cũng vẫn phải có các chứng chỉ hành nghề do Việt Nam cấp thì mới được phép hành nghề tại Việt Nam và phải là trong mọi hợp đồng với bất kỳ thực thể nào tại Việt Nam, cả trong khu vực nhà nước và tư nhân.

Điều 23.3

“ Tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin quy định tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định này cho cơ quan nhà nước phải là các tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước hoặc tổ chức, doanh nghiệp mà Nhà nước có khả năng chi phối việc ra quyết định, hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp đó thông qua các cơ quan quản lý doanh nghiệp.”

Thế nào là “có khả năng chi phối việc ra quyết định, hoạt động ... thông qua các cơ quan quản lý doanh nghiệp” ???

Có phải là không cho phép các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân không được cung cấp các loại dịch vụ này cho cơ quan nhà nước (theo khoản 1 điều 14):


  • Dịch vụ tân trang, tái chế, làm mới các sản phẩm phần cứng, điện tử quy mô lớn;

  • Dịch vụ cổng tìm kiếm thông tin trên mạng;

  • Dịch vụ trung tâm dữ liệu;

  • Dịch vụ điện toán đám mây;

Đề nghị làm rõ, chi tiết cụ thể hơn.

Điều 24.4

Đổi thành: Các dịch vụ CNTT ứng dụng và phát triển phần mềm tự do nguồn mở

Góp ý của Anh Hoàng Lê Minh - Chi hội Viện CNPM

Trao đổi về hai lĩnh vực dịch vụ CNTT có tiềm năng ở VN là dịch vụ đám mây và dịch vụ PMNM.


Đây là các loại hình dịch vụ CNTT mới, cần khuyến khích, do đó cần cân nhắc xem có nên đặt trong khung pháp lý của Nghị định để Nhà nước quản lý (sẽ kèm theo cơ chế xét duyệt, xin cho ....)

1. Dịch vụ đám mây cung cấp từ Trung tâm dữ liệu (không liên quan tới các giải pháp đám mây riêng)

Để sử dụng các dịch vụ đám mây thương mại, cần phải có doanh nghiệp cung cấp và cho thuê dịch vụ từ các Data Center.

Lưu ý doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đám mây không cần sở hữu Data Center (giống như các tập đoàn quản lý khách sạn không cần sở hữu bất động sản). Tuy nhiên các lý do chính mà Chính phủ và DN Việt Nam chưa thể triển khai dịch vụ đám mây ở giai đoạn hiện nay là:

1. Chưa có một DN quản lý DataCenter nào ở Việt Nam đã mua và triển khai công nghệ điện toán đám mây thương mại để cho thuê, do chi phí đầu tư là rất cao, quản trị rất khó khăn.

2. Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam e ngại bị mất mát / rò rỉ thông tin, dữ liệu khi thuê dịch vụ đám mây, hoặc đơn giản họ có thể bị gián đoạn công việc nếu mất kết nối mạng với "đám mây".

3. Chưa có DN cung cấp dịch vụ nào đưa ra cam kết chất lượng và giá cả cho thuê dịch vụ đám mây (IaaS, PaaS, SaaS). Chỉ có một số DN trong nước đã/đang/sẽ có kế hoạch cho thuê phần mềm (Web-based) / lưu trữ dữ liệu (Social Networks) tại Việt Nam (không dùng đám mây).

Câu hỏi: khi ban hành Nghị định này có ảnh hưởng tới việc kinh doanh (không đóng thuế) của các nhà cung cấp dịch vụ đám mây xuyên quốc gia như Apple/Google/Amazon/Microsoft ...

2. Dịch vụ phần mềm nguồn mở (bao gồm các công đoạn cải tiến, tích hợp, đóng gói, cài đặt, hỗ trợ)

Đây là loại hình dịch vụ mới, đang ngày càng thịnh hành trên thế giới và tại Việt Nam vì mang lại hiệu quả cho khách hàng khi sử dụng PMNM thay thế các phần mềm thương mại.


Lợi ích của PMNM có nhiều, nhưng thực tế triển khai tại VN rất khó khăn và ít khi thành công phải chăng ta chưa quan tâm coi đây là một loại hình dịch vụ quan trọng, khách hàng cần trả tiền để có chất lượng dịch vụ tốt, thay vì khách hàng tự làm (tự nấu ăn, tự đi chợ, giặt là, tự lái xe, tự làm xe cải tiến, xe công nông, tự làm tên lửa vượt đại châu ...)

tải về 71.42 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương