Đức Can-Đảm, sức mạnh



tải về 83.39 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu23.04.2018
Kích83.39 Kb.
#37061

Hành Trang Lên Ðường Đỗ Quang-Vinh

Đc Can-Đảm,

sc mạnh

của ngưi Ki-Tô-hu

Biển-Đức Đỗ Quang-Vinh

(nhuận sắc từ sách Hành Trang Lên Đường, Toronto, 2004)

Hãy nói với những kẻ nhát gan:

Can-đảm lên, đừng sợ!

Thiên-Chúa của anh em đây rồi!’ ”

(Is. 35, 4-7a)

“Ngài sai các con đi với một sứ-điệp đầy uy-quyền

về mầu-nhiệm Vượt Qua của Ngài,

với sự thật về thập-giá và sự phục-sinh của Ngài.

Ðó là tất cả những gì Ngài ban cho các con,

và đó cũng là tất cả những gì các con cần.

Phần ân-sủng và sự thật này sẽ phát sinh lòng can-đảm.

Theo Ðức Kitô bao giờ cũng đòi hỏi lòng can-đảm”



(Ðức Gioan Phaolô II nói với giới trẻ

trong Ngày Ðại-Hội Giới Trẻ Thế-Giới tại Manila ngày 14-01-1995)

Tự-Do là một tặng-phẩm Thiên-Chúa ban cho loài người được Chúa yêu thương. Vì đố-kỵ kiêu căng, Satan đã chống nghịch lại Thiên Chúa và muốn giành giật con người khỏi tay Thượng-Ðế. Từ đây, trận chiến khốc-liệt đã xảy ra giữa Satan và loài người. Nguyên-tổ lạm-dụng tự-do Chúa ban để lựa chọn sự mời mọc quyến rũ của ma quỷ mà đánh mất ân-sủng Người. Bài học truyền kiếp này nhắc nhở chúng ta, con cháu của nguyên-tổ, phải luôn luôn cảnh giác mà ra sức chiến-đấu với thần dữ trên con đường thập-giá tiến về Nước Trời. Hiển nhiên là sự chiến thắng ma quỷ vốn nhiều mưu lắm chước, đòi hỏi người Ki-Tô-hữu phải có một sức mạnh tinh-thần lớn lao và bền-bỉ. Nói khác cần phải có lòng can đảm khả-dĩ đương đầu với thần ác.

Giải đáp thắc mắc cho các bạn trẻ trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Manila ngày 14 tháng 01 năm 1995, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolo Ðệ Nhị đã nhấn mạnh về đức can đảm như sau: “Ðức Giêsu không hứa gươm giáo, bạc tiền hay quyền lực, cũng không hứa điều gì khác như phương tiện truyền thông xã hội vốn thu hút con người thời nay. Nhưng thay vào đó, Ngài ban cho các con bình an và chân lý. Ngài sai các con đi với một sứ điệp đầy uy quyền về mầu-nhiệm Vượt Qua của Ngài, với sự thật về thập-giá và sự phục sinh của Ngài. Ðó là tất cả những gì Ngài ban cho các con, và đó cũng là tất cả những gì các con cần. Phần ân sủng và sự thật này sẽ phát sinh lòng can đảm. Theo Ðức Kitô bao giờ cũng đòi hỏi lòng can đảm.”

Ðể hiểu rõ về đức can-đảm, vấn-đề đặt ra là những yếu tố nào cấu thành đức can đảm, và cần những điều kiện nào để thực thi nhân đức này dưới ánh sáng của Thánh-Kinh?



  1. Những Yếu-tố của sự can-đảm



  1. Định-nghĩa theo từ-nguyên:

Đạo-cô Tam-Hợp nói về nàng Kiều can-đảm, dám liều thân không sợ chết như sau:

“Kiên-trinh chẳng phải gan vừa,

Liều mình thế ấy, phải lừa thế kia.”

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

Thông thường ta vẫn nói to gan lớn mật hay cả gan hay gan dạ để ám chỉ người dám làm những việc khó nguy, coi thường mọi thử-thách, không sợ gian khổ để quyết tâm vững lòng hoàn thành một mục-đích, một công-trình, một lý-tưởng dầu cho phải chết cũng sẵn lòng cam chịu. Vì theo Hán-tự, can là gan, đảm là mật, nên ta gọi can-đảm là thế. Anh và Pháp-ngữ quen gọi là courage do tiếng La-tinh: coraticum, khởi nguyên từ chữ cor là trái tim, là tấm lòng, và cũng gọi là audacious trong tiếng Anh, hay audace trong tiếng Pháp do tiếng Latinh: audax, audacis khởi nguyên từ chữ audare có nghĩa là dám làm việc gì (to dare).

2) Ðức can-đảm như vậy bao gồm yếu-tố nội-tại là không sợ thách-đố, sẵn sàng chấp nhận dấn thân và các yếu tố hệ thuộc như sự cương-quyết và sự bền lòng vững chí, tất cả làm nên sức mạnh tinh-thần. Sức mạnh tinh-thần này hệ tại ở lòng mình có muốn hay không, có ngại-ngùng dấn bước hay không, có ưng chịu và tiến hành hay không, bởi vì “Ðường đi khó không phải vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”.

II- Can-đảm đối với người Ki-tô hữu.

Ðối với người Ki-Tô-hữu, không có ơn Chúa, không thể nào có sức mạnh tinh-thần.



  • Bởi lẽ chính Thiên Chúa là sức mạnh:

“Chúa là sức mạnh của con,

Con trông cậy Chúa, con còn sợ chi!”

(Is. 12, 2)


  • Bởi lẽ Chúa đã phán rằng:

“Ðừng sợ! Vì có Ta ở với người,.

Chớ hãi! Vì Ta là Thiên Chúa của ngươi,

Ta cho ngươi can cường, Ta phù-hộ ngươi,

Ta nâng đỡ ngươi với đức nghĩa của Ta”

(Is. 41, 8-14)


  • Bởi lẽ ngay đến sợi tóc trên đầu, Người cũng đếm cả rồi, cho nên Chúa dạy đừng sợ những kẻ giết được thân xác mà không giết được linh-hồn, trái lại hãy sợ Ðấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả-ngục; cũng như hai con chim sẻ kia giá rẻ mạt chỉ đáng một xu, thế mà không con nào rơi xuống đất ngoài ý Thiên Chúa, thì ta còn sợ chi! Vì như Người đã nói:

“Anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.”

(Mat-thêu 10, 28-31)



1) Can-đảm chịu đựng thử-thách, khổ nhục.

a) Cựu-Ước thuật chuyện ông già Ê-lê-a-gia tử đạo:

Không tham sinh uý tử, ông già 90 tuổi này hiên-ngang tiến đến trước hình trượng, dõng-dạc tuyên bố rằng: “Can đảm thí mạng sống mình, tôi sẽ tỏ mình xứng đáng với tuổi già của tôi, và để lại cho giới trẻ tấm gương cao quý là chọn cái chết hạnh-phúc, tự nguyện và dũng-cảm để bênh vực luật thánh.....Chúa có thể cứu tôi thoát chết, mà thân xác tôi lại chịu tra tấn đau-dớn dữ-dằn thế này, bởi linh-hồn tôi vui sướng chịu đau khổ vì lòng kính sợ Người.” (2 Macabê. 6, 18-31).

Bà mẹ kia cũng đã can-đảm chứng kiến bảy đứa con mình cùng chết trong một ngày, và trước khi bà chịu chết bà lại còn cổ-võ khuyến-khích con mình hiên ngang bênh vực luật của Chúa. Bà nói: “Ðừng sợ tên lý hình ấy, hãy ở sao cho xứng với các anh con đã chết, ngõ hầu nhờ Chúa thương, mẹ được gặp con làm một với các anh con.” (2 Macabê 7, 1-39).

b) Trong Tân-Ước, Chúa Kitô là gương mẫu của lòng can-đảm.

Mang bản tính loài người, Chúa cũng chịu đau đớn xót-xa, cũng chịu roi đòn, xỉ nhục, cuối cùng chấp nhận cái chết đau thương trên thập-giá.

Có người mẹ nào lại dửng dưng trước cái chết tức-tưởi của con mình? Nhưng Ðức Maria đã can-đảm bước theo Con mình suốt mọi chặng đường khổ nạn: “Ngay khi Thánh-Thần Cha tuôn đổ chan-hòa ân-phúc, Mẹ đã chấp-nhận âm-thầm đồng-công đau-khổ. Một hang lừa hoang-sơ lạnh giá. Một máng cỏ chơ-vơ. Tham-vọng, kiêu-căng, hận-thù thách-đố: Một cuộc đuổi săn ruồng bố, Mẹ mang Lời theo bạn đường ruổi-rong. Mẹ tiến vào đường dài đầy chông gai nhọn sắc. Mẹ cùng Giu-se thợ mộc gọt bào Thập-Giá. Tiếng xẻ cưa như tiếng kêu xé da cắt thịt của Chiên Con trên bàn hy-tế. Bao nhiêu năm trường ròng-rã, Mẹ theo sát bên Con trên mọi nẻo đường dấn thân cứu-độ. Lòng Mẹ quặn đau khi nhìn Con gục ngã vì Thập-Giá, mạo gai. Rồi khi hoàng-hôn trên đồi Can-vê dần tắt, nghe mồn-một những tiếng đóng đinh chan-chát, nghe có tiếng kêu "Khát nước!...Xin vâng!", lòng Mẹ thắt se xót-xa giấm bóp, Mẹ khóc thầm trong sấm chớp, mưa rơi long trời, lở đất. Lệ thấm máu Chúa Con lênh-láng khắp dương-gian." (1)

c) Riêng trong giáo-sử Việt-Nam, biết bao gương các anh-hùng thánh tử, bất khuất kiên cường trước gông cùm xiềng xích. Các ngài đã hy sinh quả cảm chịu mọi cực hình man rợ tàn nhẫn, các ngài không xiêu lòng nghe theo những lời đường mật hứa hẹn mua chuộc để buộc phải chối Chúa, các ngài không sợ hãi, chẳng sờn lòng nhưng sẵn sàng hân-hoan đổ máu đào, đón nhận cái chết vinh quang vì danh Chúa. Cánh đồng giáo-hội Việt-Nam ngày càng bao la xanh tươi nhờ tưới bằng máu các thánh-tử anh-hùng.

2) Can-đảm lướt thắng mọi cám dỗ:

Con người có thể dễ-dàng chiến-đấu với ngoại-cảnh, nhưng chiến-đấu nội-tâm mới thực cực kỳ cam go.

Thánh Thần dẫn Chúa Giêsu vào hoang-địa để chịu sự cám dỗ của ma quỷ sau bốn mươi ngày chay tịnh. Cơn cám dỗ tấn công Người, leo thang hết đợt này đến đợt khác. Cả ba lần Người đều không lùi bước. Người có thể tỏ quyền năng của Người để xua đuổi ma quỷ ngay tức khắc, nhưng không, Người đã sáng suốt và kiên-nhẫn vạch trần âm mưu của ma quỷ, đã kiên quyết chối từ thoả mãn nhu-cầu vật-chất do ma quỷ thách thức mời mọc. (Mát-thêu 4, 1-11). Vì Người muốn dạy chúng ta can-đảm dấn thân, chấp nhận con đường khổ giá mà sống tâm tình của người con thảo vâng theo thánh ý Chúa Cha nhiệm mầu.

Trong vườn Ô-liu, trước viễn-tượng của cuộc Thương Khó sắp đến, Ðức Giêsu cũng cảm thấy hãi-hùng, xao-xuyến, và “buồn phiền đến chết được” khi định-mệnh đang chờ đón Ngài. Chúa Giêsu cũng phải đương đầu với những cám dỗ của xác thịt yếu hèn, Ngài cũng muốn khước từ chén đắng Chúa Cha trao ban, nhưng cho dù phải chiến đấu trong mồ hôi đẫm máu, Chúa Giêsu vẫn can-đảm quyết thắng để hoàn tất sứ mạng cứu độ của mình, Chúa nói: “Áp-ba, lạy Cha, Cha có thể làm được mọi sự, xin tha cho con khỏi uống chén này. Nhưng, xin đừng theo ý con, mà xin vâng theo ý Cha.” (Mác-cô 14, 36)

Ma quỷ có đủ trăm phương ngàn kế tinh khôn, khêu gợi dục-vọng để lôi kéo con người về với chúng. Bởi vậy nếu không có niềm Tin mãnh-liệt và nhiệt-tình yêu mến Chúa, con người khó có thể can-đảm và kiên-quyết chiến- thắng thần dữ. Nói khác muốn có sức mạnh tinh-thần khả-dĩ can-đảm kiên-quyết chiến-thắng Satan, TIN YÊU là điều-kiện tất-yếu phải có.

III- Ðiều kiện thực-thi đức can-đảm

1) Ðức Tin và sự can-đảm:

Người chiến-binh có tin tưởng ở chính-nghĩa đấu- tranh, có tin tưởng ở tài lãnh-đạo của cấp chỉ-huy, mới có đủ can đảm mà xông pha trận mạc. Ðây là một chân-lý không thể phủ-nhận. Không có niềm tin quyết-thắng thì không dám hy-sinh chiến-đấu.



a) Thánh Phêrô có lời giáo-huấn rằng: “Kẻ thù địch anh em là ma quỷ, giống như con sư-tử gầm-gừ, hằng lượn chung quanh anh em tìm cách cắn xé con mồi. Nhưng hãy bền vững trong đức tin mà chống trả lại.” (thư 1 Phêrô 5, 8-9)

b) Trong phép lạ Chúa Giêsu chữa lành cho người mù bẩm-sinh, nhờ đức tin, vượt qua bao thử-thách, sức mạnh của anh ta ngày càng lớn dần theo thời-gian.

* Chúa Giêsu nhổ nước miếng xuống đất trộn thành bùn và xức vào mắt anh ta, rồi bảo anh đến hồ Si-lô-ắc mà rửa. Anh đã không nghi-ngờ và anh đã làm theo. Việc anh vâng lời Người mà đi đến rửa ở hồ là một hành động của niềm tin. Vì tin anh mới đi.

* Khi anh trở về, thấy anh sáng mắt, những người xung quanh xì-xầm bàn tán, họ không tin anh chính là người mù vẫn ngồi ăn xin thường ngày. Mặc dù anh đã dõng-dạc khai sự thật được chữa lành, họ vẫn nghi-ngờ anh. Anh vẫn một mực xác nhận chính anh trước đây là người mù. Thế là anh lại phải chiến đấu thêm một thử-thách mới, chiến-đấu với dư-luận bên ngoài.

* Họ điệu anh đến trước những người Pha-ri-siêu. Bị tra hỏi, anh vẫn khẳng quyết người chữa lành cho anh “là một vị ngôn-sứ”. Lần này, Chúa Giêsu bị kết tội đã phạm luật không giữ ngày Sa-bát. Cha mẹ anh được triệu đến để xét hỏi. Thay vì khẳng khái bênh vực con, thì “vì sợ người Do-Thái”, cha mẹ anh lãnh-đạm trả lời: “Các ông cứ hỏi nó, nó khôn lớn rồi, tự nó nói được về mình.” Anh lại phải chiến-đấu trong đơn-độc, vì những người thân xa lánh anh, nhưng anh càng thêm vững niềm tin.

* Bị mắng nhiếc, nhưng bằng thái-độ quả-cảm, anh mở mắt cho họ ra khỏi u-mê tăm-tối khi nói về Ðức Giêsu mà họ đang lên án: “Các ông không biết ông ấy bởi đâu mà đến, thế mà ông ấy lại là người đã mở mắt cho tôi. Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa không nhậm lời kẻ tội-lỗi, còn ai kính sợ Thiên-Chúa và làm theo ý Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy. Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì.” Thế là họ kết án anh: “Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, vậy mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư?” Và anh đã bị trục-xuất ra khỏi hội-đường. Chính trong giai-đoạn quyết-liệt này, nhờ lòng tin, anh được thêm sức mạnh đối đầu với quyền thế thù nghịch và anh đã gặp Ðức Ki-Tô tỏ mình ra cho anh. Anh sấp mình tuyên xưng: “Thưa Ngài tôi tin.”

Thoạt đầu anh tin. Nhờ đức tin, anh tiếp-tục can-đảm dấn thân, niềm tin càng được củng-cố, anh càng cương quyết bền lòng tìm Ðức Kitô. Và anh đã gặp Ngài. Sức mạnh của anh lớn dần theo niềm tin. (Gio-an 9, 1-41)



c) Chúa Thánh-Thần giúp ta biết tuyên xưng đức tin, xác-tín và can-đảm chiến-đấu cho Ðức Tin.

Chúa Thánh Thần cho ta thêm sức mạnh chống lại ma quỷ và các khuynh hướng xấu. Trước đám đông hàng vạn người chen chúc giẫm lên chân nhau, Chúa Giêsu phán: “Khi người ta đưa anh em ra trước hội-đường, trước mặt những người lãnh-đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào-chữa làm sao, hoặc phải nói gì, vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói.” (Lu-ca 12, 11).



2) Lòng yêu mến và đức can-đảm:

* Albert Van de Kerckhov kể lại rằng khi tầu rời hải-cảng Liverpool, mỗi người trên tầu được một ly rượu uống cho ấm bụng mà chống chọi với dông bão vừa ập tới. Một cậu bé học nghề nhất định từ chối không chịu uống. Cậu được cho “nếm mùi dây”. Dây thừng vun vút quất lên vai bầm tím và cậu bị nhốt trên cột buồm cao vút suốt đêm thâu, khiến thân thể cứng đờ vì giá lạnh. Sáng hôm sau, cậu bé trả lời viên thuyền trưởng lý-do cậu bất tuân lệnh: cậu đã thề cùng mẹ không noi gương người cha vì uống rượu mà cơ-nghiệp tan tành. Viên thuyền-trưởng mủi lòng ứa nước mắt ôm cậu bé: “Con can-đảm lắm, con thực can-đảm khí-khái hơn người! Con hãy giữ lời thề với mẹ con!”

* Truyện cũng kể rằng năm 1848, một đoàn quân Ý vừa được lệnh chiếm đóng một căn nhà bỏ không, thì quân Áo kéo tới. Viên đại-uý chỉ-huy sai một em bé đánh trống trong ban quân-nhạc mang thư trốn khỏi vòng vây để xin cứu viện. Hôm sau, Ðại uý vào nhà thương thăm các thương-binh. Có tiếng một em bé gọi giật ông lại. Viên đại- uý kinh-ngạc nhận ra là chú bé đánh trống mang thư xin cứu viện, cậu đã bị cưa một chân. Bác-sĩ đi ngang qua, vội nói với ông: “Em này là đứa trẻ can-đảm, không kêu đau, không la khóc. Khi tôi chữa cho em, em rất tự-hào em là một đứa con của nước Ý”. Viên chỉ-huy đứng nghiêm giơ tay chào em bé và nói: “Em là một vị anh-hùng.” Lòng can đảm của hai em bé này đều do tình yêu thúc đẩy: tình mẫu tử và lòng yêu tổ-quốc. Thế mới biết sức mạnh của tình yêu.

* Chính vì lòng mến Chúa yêu người mà biết bao vị tu-hành đã âm thầm hy-sinh cả cuộc đời trong các trại cùi, cô-nhi viện, viện dưỡng lão và bệnh-viện. Chính vì lòng mến Chúa mà đã có biết bao các anh-hùng thánh-tử can-đảm sẵn sàng đổ máu đào để bảo-vệ Ðức Tin.

* Thư thánh Gia-cô-bê viết: “Sung sướng cho kẻ chịu đựng sự thử-thách. Một khi giá-trị của họ đã được công-nhận, họ sẽ được lãnh triều-thiên sự sống mà Chúa hứa ban cho những ai yêu mến Người.“ (Gia-cô-bê 1,12)

* Thánh Tê-rê-Xa Cả khẳng định rằng: “Bạn càng chiến đấu thì càng tỏ ra bạn yêu mến Chúa nhiều hơn.”



Kết-luận

Trong cuộc chiến đấu với thần dữ, không có Chúa không thể nào lướt thắng, vì Thiên Chúa là sức mạnh. Thánh Au-gu-tinh nói: “Nếu ta biết nắm lấy tay Chúa, ta sẽ thắng được ma quỷ, nếu ta một mình chống trả với ma quỷ, ắt hẳn ta sẽ bị thua.”



1) Vì vậy ta phải cầu nguyện để khỏi bị cám dỗ. Tại vườn Giêt-xi-ma-ni, Chúa Giêsu sấp mặt xuống đất, cầu nguyện ba lần. Trước đó, Người nói với các môn-đệ vẫn còn đang mải ngủ: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh-thần thì hăng-hái, nhưng thể-xác lại yếu đuối” (Mát-thêu 26, 41).

Kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu dạy các môn đệ cách cầu nguyện, kết thúc bằng lời cầu: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.” (Mat-thêu 6, 13)



2) Cầu nguyện để xin sức mạnh:

Nhắc nhở các tín hữu Cô-lô-xê, thánh Phao- lô viết: “Chúng tôi không ngừng cầu nguyện và kêu xin Thiên Chúa cho anh em được am tường thánh ý Người, với tất cả sự khôn ngoan và hiểu biết mà Thần Khí ban cho....Nhờ sức mạnh vạn năng của Thiên Chúa vinh-quang, anh em sẽ nên mạnh-mẽ để kiên-trì chịu đựng tất cả.” (Côlô-xê 1, 9-11)

Chúa không bao giờ để ta bị cám dỗ quá sức như lời thánh Phao-lô đã dạy: “Không một thử-thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người....Thiên-Chúa là Ðấng trung-tín, Người sẽ không để anh em bị thử-thách quá sức. Người sẽ cho kết-thúc tốt đẹp để anh em có sức chịu đựng.” (1 Cô-rin-tô 10, 13)

3) Cầu nguyện một cách khiêm tốn:

Trong dụ-ngôn phân biệt cách cầu nguyện của người Pha-ri-siêu và người thu thuế, người Pha-ri-siêu kiêu-căng tự-đắc, còn người thu thuế thì đấm ngực thưa rằng: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” Chúa bảo người này khi trở về sẽ nên người công-chính còn anh Pha-ri-siêu kia thì không. (Luca 18, 9-14)

Thú nhận được sức mạnh Chúa ban trong sự yếu đuối của mình, Thánh Phao-lô viết: “Ðể tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc-khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Satan được sai đến vả vào mặt tôi để tôi khỏi tự cao tự đại. Ðã ba lần tôi xin Chúa cho tôi thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người quả-quyết với tôi: ‘Ơn Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.’ Thế nên tôi vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Ðức Ki-Tô ở mãi trong tôi. Vì vậy tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị xỉ-nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Ðức Ki-Tô, Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cô-rin-tô 12, 7-10)

Như đã nói, Ðức Maria là gương mẫu của lòng quả-cảm. Người khiêm cung vâng nhận lời thiên-sứ truyền tin và suốt cuộc đời bên cạnh Ðức Kitô, Con yêu dấu của Mẹ, Mẹ âm thầm cam chịu mọi đau đớn như lời tiên-báo của ông già Si-mong: “Một lưỡi gươm sắc đâm thâu lòng Bà!” Mẹ lại là đường dẫn ta đến cùng Thiên-Chúa. Mẹ là hình ảnh Người Nữ đạp nát đầu rắn Satan. Thiết tưởng không gì bằng khẩn cầu Mẹ Maria xin ơn phù-trợ. Như Mẹ đã từng can thiệp trong tiệc cưới Cana, lời Mẹ cầu bầu rất đỗi thần thế. Mẹ sẽ gíúp ta can-đảm chiến-thắng mọi thử-thách cám dỗ như Mẹ đã từng tuyên bố: “Sau cùng Trái Mẹ sẽ thắng.”



----------------------------------------------------------------------

(1) Biển-Đức Đỗ Quang-Vinh, Con Xin Làm Kiếp Phù-Sa, thơ kinh toàn tập, Nxb Tôn-Giáo, 2011



tải về 83.39 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương