ĐỀ thi tuyển sinh cao đẲng năM 2012 Môn: LỊch sử; Khối C



tải về 43.42 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích43.42 Kb.
#29993
ĐỀ THI TUYỂN SINH CAO ĐẲNG NĂM 2012

Môn: LỊCH SỬ; Khối C

Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề.

I. PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (7,0 điểm)

Câu 1: (3,0 điểm)

Trình bày sự ra đời và hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tổ chức trên có vai trò như thế nào đối với sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam?



Câu 2: (2,0 điểm)

Nêu hoàn cảnh khách quan thuận lợi của Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam. Trước hoàn cảnh đó, Đảng Cộng sản Đông Dương và Mặt trận Việt Minh có những chủ trương, biện pháp gì để khởi nghĩa giành chính quyền toàn quốc?



Câu 3: (2,0 điểm)

Từ năm 1965 đến năm 1968, trên mặt trận quân sự, quân dân miền Nam Việt Nam đã từng bước đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mĩ nhu thế nào?



II. PHẦN RIÊNG (3,0 điểm)

Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu của phần riêng (câu 4a. hoặc 4b.)

Câu 4.a. Theo chương trình Chuẩn (3,0 điểm)

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ra đời trong hoàn cảnh nào? Vì sao nói, từ sau Hội nghị cấp cao lần thứ nhất họp tại Bali (Inđônêxia) tháng 2-1976, ASEAN có bước phát triển mới?



Câu 4.b. Theo chương trình Nâng cao (3,0 điểm)

Vì sao sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Mĩ và Liên Xô chuyển sang thế đối đầu và đi tới tình trạng chiến tranh lạnh? Sự kiện nào được xem là khởi đầu gây nên cuộc Chiến tranh lạnh?



BÀI GIẢI GỢI Ý

Câu 1: (3,0 điểm)

Trình bày sự ra đời và hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tổ chức trên có vai trò như thế nào đối với sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam?



  • Sau khi đến Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc mở lớp huấn luyện đào tạo cán bộ. Đa số học viên là thanh niên, học sinh, trí thức Việt Nam yêu nước. Phần lớn, số học viên đó sau khi học xong “bí mật về nước truyền bá lí luận giải phóng dân tộc và tổ chức nhân dân”. Một số người được gởi sang học tại trường Đại học Phương Đông ở Maxcơva (Liên Xô) hoặc trường Quân sự Hoàng Phổ (Trung Quốc).

  • Nguyễn Ái Quốc lựa chọn một số thanh niên tích cực trong tổ chức Tâm tâm xã để thành lập nhóm Cộng sản đoàn (tháng 2/1985).

  • Tháng 6/1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên nhằm tổ chức và lãnh đạo quần chúng đoàn kết lại, kiên quyết đấu tranh để đánh đổ đế quốc Pháp và tay sai để giải phóng dân tộc.

  • Báo Thanh niên là cơ quan ngôn luận của Hội do Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Số báo đầu tiên ra ngày 21/6/1925.

  • Đầu năm 1927, tác phẩm Đường Kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc được xuất bản

  • Báo Thanh niên và sách Đường Kách mệnh đã trang bị lí luận giải phóng dân tộc cho cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để tuyên truyền cho giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân Việt Nam.

  • Vai trò của sự ra đời của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đối với sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam:

  • Thông qua hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, chủ nghĩa Mac – Lênin được truyền bá sâu rộng vào trong nước, có tác dụng thúc đẩy phong trào công nhân và phong trào yêu nước phát triển mạnh mẽ.

  • Đó là sự chuẩn bị để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam về sau.

  • Cuối tháng 3/1929, với sự nhạy cảm về chính trị, một số hội viên tiên tiến của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Bắc Kì lập ra Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam gồm có 7 đảng viên. Chi bộ mở rộng cuộc vận động để thành lập một Đảng Cộng sản nhằm thay thế cho Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

  • Từ ngày 1 đến ngày 9/5/1929, Đại hội lần thứ nhất của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên họp tại Hương Cảng (Trung Quốc). Tại Đại hội, đoàn đại biểu Bắc Kì đặt vấn đề thành lập ngay Đảng Cộng sản để thay thế Hội Việt Nam Cách mạng Thanh Niên, song không được chấp nhận nên đã bỏ Đại hội về nước. Đại hội vẫn tiếp tục họp và thông qua Tuyên ngôn, Chính cương, Điều lệ của Hội.

  • Ngày 17/6/1929, Đại biểu các tổ chức cơ sở cộng sản miền Bắc họp Đại hội, quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản đảng, thông qua Tuyên ngôn, Điều lệ của Đảng, ra báo Búa liềm làm cơ quan ngôn luận và cử ra Ban Chấp hành Trung ương của Đảng.

  • Tháng 8/1929, các cán bộ lãnh đạo tiên tiến trong Tổng bộ và Kì bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam Kì cũng đã quyết định thành lập An Nam Cộng sản Đảng, ra báo Đỏ là cơ quan ngôn luận của Đảng.

Câu 2: (2,0 điểm)

Nêu hoàn cảnh khách quan thuận lợi của Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam. Trước hoàn cảnh đó, Đảng Cộng sản Đông Dương và Mặt trận Việt Minh có những chủ trương, biện pháp gì để khởi nghĩa giành chính quyền toàn quốc?



  • Hoàn cảnh khách quan thuận lợi của Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945:

  • Đầu tháng 8/1945, quân Đồng minh tiến công mạnh mẽ vào các vị trí của quân đội Nhật Bản ở châu Á-Thái Bình Dương. Để uy hiếp Nhật Bản, ngày 6 và 9/8/1945, Mĩ đã ném hai quả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hirôsima và Nagasaki của Nhật Bản, hủy diệt hai thành phố này, giết hại hàng vạn dân thường.

  • Ngày 8/8/1945, Liên Xô tuyên chiến với Nhật Bản. Ngày 9/8, quân đội Liên Xô mở màn chiến dịch tổng công kích đạo quân Quan Đông của Nhật Bản ở Đông Bắc Trung Quốc.

  • Trước tình thế đó, ngày 15/8/1945, Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng không điều kiện các lực lượng Đồng minh.

  • Quân Nhật ở Đông Dương rệu rã, Chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim hoang mang. Điều kiện khách quan thuận lợi cho tổng khởi nghĩa đã đến.

  • Nhận định đây là cơ hội “ngàn năm có một”, Đảng Cộng sản Đông Dương và Mặt trận Việt Minh có chủ trương, biện pháp để giải phóng dân tộc giành độc lập tự do:

  • Ngay từ ngày 13/8/1945, khi nhận được những thông tin về việc Nhật Bản sắp đầu hàng, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh lập tức thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc và ban bố “Quân lệnh số 1”, chính thức phát lệnh Tổng khởi nghĩa trong cả nước.

  • Từ ngày 14 đến ngày 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào, thông qua kế hoạch lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa và quyết định những vấn đề quan trọng về chính sách đối nội, đối ngoại sau khi giành được chính quyền.

Tiếp đó, từ ngáy 16 đến ngày 17/8/1945, Đại hội Quốc dân được triệu tập ở Tân Trào. Đại hội tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, thong qua 10 chính sách của Việt Minh, cử ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm chủ tịch.

Câu 3: (2,0 điểm)

Từ năm 1965 đến năm 1968, trên mặt trận quân sự, quân dân miền Nam Việt Nam đã từng bước đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mĩ nhu thế nào?



  • Sau thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, Mĩ đẩy mạnh chiến tranh xâm lược miền Nam, chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc.

  • Chiến đấu chống chiến lược “Chiến tranh cục bộ” là chống lại cuộc chiến tranh xâm lược được tăng cường và mở rộng với lực lượng quân đội mạnh, gồm quân Mĩ, đồng minh của Mĩ và quân đội Sài Gòn, với vũ khí hiện đại.

  • Nhưng với ý chí không gì lay chuyển “Quyết chiến quyết thắng giặc Mĩ xâm lược”, được sự phối hợp chiến đấu và chi viện của miền Bắc, quân dân ta ở miền Nam đã anh dũng chiến đấu chống “Chiến tranh cục bộ” của Mĩ.

  • Trên mặt trận quân sự:

  • Sáng 18/8/1965, Mĩ huy động 9000 quân, có nhiều xe tăng, xe bọc thép, máy bay, tàu chiến, mở cuộc hành quân vào thôn Vạn Tường nhằm tiêu diệt một đơn vị chủ lực của ta. Sau một ngày chiến đấu, quân dân ta đã đẩy lùi cuộc hành quân của địch, loại khỏi vòng chiến đấu 900 địch, bắn cháy hàng chục xe tăng, xe bọc thép và máy bay. Vạn Tường được coi là “Ấp Bắc” đối với quân Mĩ và quân đồng minh, mở đầu cao trào “tìm Mĩ mà đánh, lùng ngụy mà diệt” trên khắp miền Nam.

  • Bước vào mùa khô thứ nhất 1965-1966 với 720.000 quân, địch mở cuộc phản công với 450 cuộc hành quân, trong đó có 5 cuộc hành quân “tìm diệt” lớn, nhắm vào hai hướng chiến lược chính ở Đông Nam Bộ và Liên khu V, với mục tiêu đánh bại chủ lực Quân giải phóng. Quân dân ta trong thế trận chiến tranh nhân dân, với nhiều phương thức tác chiến, đã chặn đánh địch trên mọi hướng, chủ động tiến công địch khắp mọi nơi, loại khỏi vòng chiến đấu 104.000 địch.

  • Bước vào mùa khô thứ hai 1966-1967, với lực lượng được tăng lên hơn 980.000 quân, địch mở đợt phản công với 895 cuộc hành quân, có 3 cuộc hành quân lớn “tìm diệt” và “bình định”, lớn nhất là cuộc hành quân Gianxơn Xiti đánh vào căn cứ Dương Minh Châu (Bắc Tây Ninh), nhằm tiêu diệt quân chủ lực và cơ quan đầu não của ta. Cùng với những cuộc chủ động tiến công địch trên chiến trường Trị-Thiên, Đường số 9…, quân dân ta mở hang loạt trận phản công đánh bại các cuộc hành quân “tìm diệt” và “bình định” của địch, loại khỏi vòng chiến đấu 151.000 địch.

  • Đòn quyết định đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968. Đêm 30 rạng sáng 31/1/1968 quân chủ lực của ta đã tập kích chiến lược vào hầu khắp các đô thị ở miền Nam. Tại Sài Gòn, Quân giải phóng tiến công vào các vị trí đầu não của địch như Tòa Đại sứ Mĩ, Dinh Độc Lập… Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân đã đánh đòn bất ngờ làm kẻ địch choáng váng, loại khỏi vòng chiến đấu 147.000 địch, trong đó có 43.000 lính Mĩ, phá hủy một khối lượng lớn vật chất và phương tiện chiến tranh của chúng. Đã làm lung lay ý chí xâm lược của Mĩ, buộc Mĩ phải tuyên bố “phi Mĩ hóa” chiến tranh xâm lược (tức thừa nhận thất bại của “Chiến tranh cục bộ”), chấm dứt không điều kiện chiến tranh phá hoại miền Bắc, chấp nhận đàm phán ở Pari để bàn về chấm dứt chiến tranh.

Câu 4.a. Theo chương trình Chuẩn (3,0 điểm)

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ra đời trong hoàn cảnh nào? Vì sao nói, từ sau Hội nghị cấp cao lần thứ nhất họp tại Bali (Inđônêxia) tháng 2-1976, ASEAN có bước phát triển mới?



Bài giải gợi ý:

+ Hoàn cảnh ra đời của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN):

ASEAN ra đời trong bối cảnh khu vực và thế giới có nhiều biến chuyển to lớn vào nửa sau những năm 60 của thế kỉ XX.


  • Sau khi giành được độc lập, nhiều nước trong khu vực thấy cần hợp tác với nhau để cùng phát triển kinh tế đang trong hoàn cảnh rất khó khăn.

  • Các nước trong khu vực muốn hạn chế ảnh hưởng của các cường quốc bên ngoài đối với khu vực, nhất là khi cuộc chiến tranh xâm lược của Mĩ ở Đông Dương đang bị sa lầy và không tránh khỏi thất bại.

  • Trên thế giới xuất hiện ngày càng nhiều những tổ chức hợp tác mang tính khu vực, nhất là Khối thị trường chung châu Âu.

Ngày 8-8-1967, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thành lập tại Băng Cốc (Thái Lan), với sự tham gia của 5 nước: Inđônêxia, Malaixia, Xingapo, Thái Lan và Philíppin. Mục tiêu của ASEAN là phát triển kinh tế và văn hóa, thông qua những nỗ lực hợp tác chung giữa các nước thành viên, trên tinh thần duy trì hòa bình và ổn định khu vực.

+ Bước phát triển mới của ASEAN từ sau Hội nghị cấp cao lần thứ nhất họp tại Bali (Inđônêxia) tháng 2-1976:

Với việc kí Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (gọi tắt là Hiệp ước Bali) đã xác định những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ giữa các nước là : tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; không can tiệp vào công việc nội bộ của nhau; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa bằng vũ lực đối với nhau; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; hợp tác phát triển có hiệu quả trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và xã hội.

Quan hệ giữa các nước Đông Dương và ASEAN bước đầu được cải thiện. Việt Nam và ASEAN sau thời kì căng thẳng về “vấn đề Campuchia” đã bắt đầu đối thoại, hòa dịu.

Năm 1992, Việt Nam và Lào tham gia Hiệp ước Bali. Việt Nam trở thành thành viên thứ bảy của ASEAN từ năm 1995. Từ năm nước sáng lập ban đầu, đến năm 1999 ASEAN đã có mười thành viên.
Câu 4.b. Theo chương trình Nâng cao (3,0 điểm)

Vì sao sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Mĩ và Liên Xô chuyển sang thế đối đầu và đi tới tình trạng chiến tranh lạnh? Sự kiện nào được xem là khởi đầu gây nên cuộc Chiến tranh lạnh?



Bài giải gợi ý:

* Các nguyên nhân đối đầu giữa hai cường quốc Mĩ – Liên Xô và đi tới tình trạng chiến tranh lạnh.

Hai cường quốc Mĩ – Liên Xô từ liên minh chống phát xít đã chuyển sang thế đối đầu, mâu thuẫn Đông - Tây sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

- Đối đầu về mục tiêu và chiến lược giữa hai cường quốc: Liên Xô chủ trương duy trì hòa bình, an ninh thế giới, bảo vệ những thành quả của chủ nghĩa xã hội và dẩy mạnh phong trào cách mạng thế giới. Ngược lại, Mĩ ra sức chống phá Liên Xô và các nước XHCN, đẩy lùi phong trào cách mạng nhằm thực hiện mưu đồ bá chủ thế giới.

- Sau chiến tranh, Mĩ đã vươn lên thành một nước tư bản giàu mạnh nhất, vượt xa các nước tư bản khác và tự cho mình có quyền lãnh đạo thế giới. Với Kế hoạch Mácsan (6-1947), Mĩ viện trợ khoảng 17 tỉ USD giúp các nước Tây Âu phục hồi nền kinh tế bị tàn phá sau chiến tranh, tập hợp các nước Tây Âu vào liên minh quân sự chống Liên Xô và các nước Đông Âu.

- Mĩ hết sức lo ngại ảnh hưởng to lớn của Liên Xô cùng những thắng lợi của các cuộc cách mạng dân chủ nhân dân ở các nước Đông Âu, đặc biệt là sự thành công của cách mạng Trung Quốc với sự ra đời của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Chủ nghĩa xã hội đã trở thành một hệ thống thế giới, trải dài từ Đông Âu tới phía đông châu Á. Tháng 1-1949, Liên Xô và các nước Đông Âu thành lập Hội đồng tương trợ kinh tế để hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa các nước XHCN. Tháng 4-1949, Mĩ thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là liên minh quân sự lớn nhất của các nước tư bản phương Tây do Mĩ cầm đầu nhằm chống Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu. Tháng 5-1955, Liên Xô và các nước Đông Âu thành lập Tổ chức Hiệp ước Vácsava là liên minh chính trị - quân sự mang tính chất phòng thủ của các nước XHCN châu Âu.

Sự ra đời của NATO và Tổ chức Hiệp ước Vácsava đã đánh dấu sự xác lập cục diện hai cực, hai phe của cuộc Chiến tranh lạnh bao trùm cả thế giới.



* Sự kiện được xem là khởi đầu gây nên cuộc Chiến tranh lạnh. Đó là thông điệp của Tổng thống Truman tại Quốc hội Mĩ ngày 12-3-1947 khởi đầu cho chính sách chống Liên Xô. Trong đó, Tổng thống Mĩ khẳng định sự tồn tại của Liên Xô là nguy cơ lớn đối với nước Mĩ và đề nghị viện trợ khẩn cấp 400 triệu USD cho hai nước Hi Lạp và Thổ Nhĩ Kì.

- “Học thuyết Truman” nhằm: 1. Củng cố các chính quyền phản động và đẩy lùi phong trào đấu tranh yêu nước ở Hi Lạp và Thổ Nhĩ Kì; 2. Biến hai nước Hi Lạp và Thổ Nhĩ Kì thành những căn cứ tiền phương chống Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân Đông Âu từ phía nam của các nước này.



Ths. Lê Công Tâm

Trung tâm luyện thi Vĩnh Viễn - TPHCM
Каталог: upload -> file
file -> TÀi liệu hưỚng dẫn sử DỤng dịch vụ HỘi nghị truyền hình trực tuyếN
file -> SỰ tham gia của cộng đỒng lưu vực sông hưƠNG, SÔng bồ trong xây dựng và VẬn hành hồ ĐẬp thủY ĐIỆN Ở thừa thiêN – huế Nguyễn Đình Hòe 1, Nguyễn Bắc Giang 2
file -> Tạo Photo Album trong PowerPoint với Add In Album
file -> Thủ tục: Đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Trình tự thực hiện: Bước 1
file -> CỦa chính phủ SỐ 01/2003/NĐ-cp ngàY 09 tháng 01 NĂM 2003
file -> CHÍnh phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Độc lập Tự do Hạnh phúc
file -> BỘ TÀi chính số: 2114/QĐ-btc cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
file -> Nghị ĐỊnh của chính phủ SỐ 33/2003/NĐ-cp ngàY 02 tháng 4 NĂM 2003 SỬA ĐỔI, BỔ sung một số ĐIỀu củA nghị ĐỊnh số 41/cp ngàY 06 tháng 7 NĂM 1995 CỦa chính phủ
file -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam kho bạc nhà NƯỚC Độc lập Tự do Hạnh phúc

tải về 43.42 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương