TRÁi tim mặt trời từ Chánh Niệm Ðến Thiền Quán


NGƯỜI QUAN SÁT VÀ NGƯỜI THAM DỰ



tải về 0.55 Mb.
trang20/27
Chuyển đổi dữ liệu13.05.2018
Kích0.55 Mb.
#38163
1   ...   16   17   18   19   20   21   22   23   ...   27

NGƯỜI QUAN SÁT VÀ NGƯỜI THAM DỰ


Ðối với những nhà khoa học vật lý mới, người ta không thể tách vật ra khỏi tâm. Nhà khoa học không thể đóng vai trò một chủ thể quan sát thuần túy khách quan. Tâm của ông ta không thể tách rời khỏi thực tại đang được quán sát. John Wheeler nghĩ rằng phải thay thế danh từ “quán sát viên” (l’observateur) bằng danh từ “tham dự viên” ( le participant ). Khi còn là kẻ quan sát thì sự phân biệt giữa chủ thể và đối tượng nhất dịnh là còn tồn tại, nhưng một khi dã là kẻ tham dự thì rất có thể sự phân biệt chủ khách sẽ biến mất, nhường chỗ cho kinh nghiệm trực tiếp. Thái độ “tham dự” đưa ta tới gần phương pháp quán niệm của thiền giả. Khi quán niệm về thân thể chẳng hạn, thiền giả biết quán niệm thân thể nơi thân thể (Kinh Niệm Xứ); nghĩa là y không coi thân thể như một đối tượng biệt lập với tâm quán niệm của y. Kết quả của sự quán niệm, vì vậy, không phải là những đo lường và suy tư trên đối tượng quán niệm mà là một kinh nghiệm trực tiếp ( une perception directe ) về đối tượng ấy. Cái kinh nghiệm trực tiếp này được gọi là nhận thức vô phân biệt (nirvikalpajnana). 

Thói quen phân biệt tâm và vật của ta đã có gốc rễ rất sâu trong ta rồi, nên ta phải thực tập quán niệm để phá vỡ nó từ từ. Kinh Niệm Xứ, một kinh dạy về thiền tập được các môn dệ của Phật áp dụng ngay từ khi Phật còn tại thế, đưa ra bốn đối tượng quán niệm: thân thể, cảm thọ, nhận thức và đối tượng nhận thức. Sự phân loại thực tại này chỉ nhắm mục tiêu thiền quán mà không nhắm tới mục tiêu phân tích thực tại. Các hiện tượng mà ta gọi là vật chất ( sắc pháp ) được liệt vào trong phạm trù đối tượng nhận thức. Cố nhiên là thân thể và cảm thọ ( và cả nhận thức nữa ) cũng có thể liệt vào phạm trù đối tượng nhận thức khi ta quán sát chúng. Nhưng sự kiện mà kinh gọi mọi hiện tượng trong đó có sắc ( vật chất ) là đối tượng nhận thức cho ta thấy rằng ngay từ buổi đầu, Phật học đã chống lại thói quen phân biệt tâm và vật như hai thực thể riêng biệt. 

---o0o---

NÚI VẨN LÀ NÚI SÔNG VẨN LÀ SÔNG


Các nhà khoa học vật lý cực vi mỗi khi rời lãnh vực khảo cứu của mình để trở về thế giới giao tiếp hàng ngày thường có cảm giác những vật thể này ( như trái cam hoặc cái ghế ) đã mất đi tánh cách thực hữu mà ngày thường chúng vẫn có. Ðó là tại vì khi đi vào thế giới vật thể cực vi, họ không tìm thấy một bản chất nào của vật chất mà chỉ thấy có tâm mình. Alfred Kastler nói : “ Ta chỉ có thể quan niệm được vật chất qua hai khía cạnh bổ túc cho nhau của nó là sóng (onde) và hạt ( particule ), và do đó phải từ bỏ những sự vật mà lâu nay ta quen cho là những thành phần của vũ trụ”17. “Vật chất” tuy không phải là trái cam và cái ghế, nhưng ta vẫn phải ngồi trên cái ghế ấy và bổ trái cam ấy mà ăn, bởi vì ta cũng được cấu tạo bằng cùng một “chất liệu” với chúng, dù “chất liệu” đó chỉ là những số lượng toán học của tâm ta. Thiền giả khi đi vào quán niệm có thể khám phá được tính cách tương tức tương nhập của mọi hiện tượng cho nên trong cuộc sống hàng ngày y cũng nhìn trái cam và  trái ghế bằng một con mắt khác. Y nhìn núi, nhìn sông thì thấy “núi không là núi sông không là sông” nữa bởi vì núi đã “đi vào “ sông, và sông đã “đi vào” núi ( tương nhập ) , núi đã là sông, sông đã là núi ( tương tức ). Tuy vậy khi muốn tắm y vẫn phải lội xuống dòng sông, chứ không phải leo lên núi, bởi vì trở lại thế giới sinh hoạt hằng ngày “núi vẫn là núi, sông vẫn là sông”. 

---o0o---


KHÔNG CÓ CŨNG KHÔNG KHÔNG


Cái thấy của các nhà khoa học về liên hệ tương sinh tương hiện của các chất điểm chắc chắn là có ảnh hưởng tới cái nhìn của ông ta về thực tại và tạo nên một thứ chuyển biến nào đó trong đời sống tâm linh ông. Thiền giả quán niệm về tính cách tương tức và tương nhập của vạn pháp cũng thực hiện một sự thay dổi trong y: những ý niệm về ngã và về pháp trước kia của y bắt đầu rạn vỡ từ từ và y thấy được sự có mặt của y nơi vạn vật, và của vạn vật nơi y. Sự chuyển đổi trong y là mục tiêu chính của y, là “lý do tồn tại” của y. Vì vậy y không những quán niệm trong giờ thiền tọa mà còn quán niệm trong những lúc đi, đứng, nằm ngồi, nghĩa là trong cuộc sống hằng ngày nữa.Cố nhiên cũng có những nhà khoa học làm như y: chiêm nghiệm ngoài phòng thí nghiệm, chiêm nghiệm ngay cả trong lúc ăn và lúc tắm. Ý niệm tương duyên về vạn vật có thể gọi là gần gũi nhất với thực tại. Nó đánh đổ bao nhiêu cặp ý niệm đối lập của tâm thức từng giam hãm, cắt xén và bóp méo thực tại ( một và nhiều, trong và ngoài, thời ( gian ) và không ( gian ), tâm và vật...) Nó vừa là một phương tiện phá vỡ vừa là một phương tiện hướng dẫn. Duy thức học gọi ý niệm này là y tha khởi (paratantra). Thiền giả phải khéo xử dụng nó để thể nghiệm thực tại mà không nên xem nó như là một hình tướng của thực tại. 

Y tha khởi có nghĩa là nương vào các cái khác mà sinh khởi ( y là nương vào, tha là cái khác ). Ðó là tính chất của thực tại. Tính chất này là không có bản chất, không có tự tánh, cũng như một hình tam giác sỡ dĩ gọi là có là vì ba dường thẳng đã gặp nhau. Vì lý do không có tự tánh ( nghĩa là không có bản chất ) cho nên mọi hiện tượng được mô tả là không ( sũnya ). Không ở đây có nghĩa là không có bản chất thực chứ không phải là không có “hiện tượng”. 

Cũng như chữ chất điểm (particules) trong vật lý học không có nghĩa là những hạt vật chất có tính cách ba chiều tồn tại độc lập với nhau, chữ không ở đây không có cùng một nghĩa  với chữ không mà ta dùng trong ngôn ngữ thông dụng hằng ngày. Không ở đây vượt lên khỏi ý niệm có và không dùng thường. Ðể cho khỏi lẫn lộn, các nhà Phật học thường dùng danh từ chân không để nói đến cái không ấy. Thiền sư Huệ Sinh (sống vào thế kỷ thứ mười một đời Lý) từng nói rằng ta không thể dùng các từ có và không để gọi vạn vật được, bởi vì thực tại thoát ra ngoài hai ý niệm có và không ấy: 

Pháp cũng như vô pháp 
Không có cũng như không 
Nếu hiểu được lẽ ấy 
Chúng sinh với Phật đồng. 
( Pháp bản như vô pháp 
phi hữu diệc phi không 
nhược nhân tri thử pháp 
chúng sinh dữ Phật đồng ) 

---o0o---




tải về 0.55 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   16   17   18   19   20   21   22   23   ...   27




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương