Tập sách được sự tài trợ của ubnd thành phố Đà Nẵng Để Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững



tải về 1.29 Mb.
trang12/15
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích1.29 Mb.
#9078
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   15

Ngày không quên và điều đáng nhớ

Hôm từ nhà ông Nguyễn Nhự về, lúc chờ sửa xe ở Cầu Đỏ, tôi gặp một anh chạy xe thồ tên là Phùng Mai, người thôn Tây An, xã Hòa Châu. Chuyện trò một lát, anh cầm tờ báo Thanh Niên số ra ngày 16-9-2009, chỉ cho tôi cái tít “Châu bản triều Nguyễn và việc thực thi chính quyền liên tục của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa” rồi bức xúc nói: Tui từng là bộ đội đi chiến trường K, chừ nghe thông tin không hay về Hoàng Sa là thấy nhưng nhức cái đầu.

Tôi muốn nói với anh là, những người từng ở Hoàng Sa, nhất là những người cuối cùng rời hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc mình trước khi bị Trung Quốc tấn công cưỡng chiếm vào cái ngày lịch sử 19-1-1974 càng cảm thấy đau buồn, uất hận bội phần.

Ngày 14-1-1974, anh Nguyễn Văn Cúc ra Hoàng Sa lần thứ ba bằng Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ16 trong phái đoàn 7 người, trong đó có một người Mỹ, để khảo sát làm sân bay trên đảo. Xong việc, cả đoàn xuống tàu định về lại đất liền thì Trung Quốc tấn công lên đảo.

Anh Lê Lan kể, khoảng 3 giờ chiều ngày 20-1-1974, nhằm ngày 28 tháng Chạp năm Quý Sửu, người cuối cùng của mình bị sa vào tay lính Trung Quốc và Hoàng Sa chính thức bị cưỡng chiếm. Sau này anh mới biết là khi đó, đất liền vẫn chưa rõ những người ở Hoàng Sa đi đâu về đâu. Tết, nhà như có tang. Mẹ anh Cúc đau buồn nhảy sông tự tử, may có người cứu được. Anh là con một, lúc đó vợ anh đang mang thai đứa thứ hai, sau đứa đầu là con gái. Còn anh Lê Lan thì chỉ một tuần nữa là về lại Hội An để tổ chức đám cưới, thế mà...

Ông Phan Ngọc Chung hiện ở khu phố 5 phường Minh An, thành phố Hội An, từng là lính truyền tin của Quân đội Sài Gòn cũ. Ông ba lần ra Hoàng Sa, nhưng lần cuối cùng chỉ biết ngậm ngùi nhìn đảo từ xa chứ không còn được đặt chân lên đảo nữa. Đó là khi ông được lệnh lên chiến hạm ra tiếp cứu Hoàng Sa, tàu chỉ còn cách đảo khoảng hai cây số thì bị bốn máy bay MIG của Trung Quốc truy đuổi. Bộ Chỉ huy Quân đoàn 1 của Quân đội Sài Gòn lúc đầu ra lệnh cho chiến hạm tấp vô đảo Lý Sơn để tránh máy bay, nhưng sau đó đổi lệnh cho quay lại Hoàng Sa để tìm thi thể lính bị chìm tàu. Nhưng đảo đã bị chiếm. Ông Chung và đồng đội lặng lẽ chào vĩnh biệt những người lính ở lại cùng Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ10 bị bốc cháy và đang chìm dần nơi phía xa.

Đó là đêm 28 tháng Chạp, cả một vùng biển đảo của Tổ quốc chìm trong đau buồn, tang tóc.

Trong khi ông Chung quay về lại cảng Tiên Sa đúng giao thừa thì anh Cúc, anh Lan cùng 32 người khác ở Hoàng Sa bị lính Trung Quốc lùa xuống tàu đưa về đảo Hải Nam, tới trại thu dung tù binh Quảng Châu thì đã là mồng 3 Tết. Đó là cái Tết không bao giờ quên được trong đời các anh. Hơn tháng sau ngày bị bắt, các anh được đưa qua Hồng Kông, bàn giao cho Hội Chữ thập Đỏ quốc tế và bay về Tân Sơn Nhất trên chiếc Boeing 207. Khi bay ngang Hoàng Sa, nhìn lại lần cuối nơi mình vừa sống những ngày tươi đẹp với những kỷ niệm đã ăn vào trong gan, trong ruột, ai nấy rưng rưng nước mắt. Cái cảm giác như vừa đánh mất một cái gì đó thiêng liêng, cao quý vẫn mãi day dứt lòng người, dù họ được người dân Sài Gòn ngày đó ra tận sân bay Tân Sơn Nhất đón với biểu ngữ “Hoan hô Anh hùng Hoàng Sa đảo”.

35 năm đã trôi qua. Cuộc hải chiến năm nào mỗi người nhìn và kể lại có thể khác nhau đôi chút, nhưng có một điểm không thể nào khác hơn được, đó là tất cả đều chung một nỗi đau từ tận cùng trái tim mình, rỉ máu như con chim cuốc đêm đêm khắc khoải những tiếng kêu thê thiết. Cha ông ta đã bỏ lại nơi quần đảo xa xôi có tên gọi dân gian là Bãi Cát Vàng ấy biết bao máu và nước mắt để giữ yên nơi được xem là “Ngọn hải đăng” thiêng liêng giữa Biển Đông của Tổ quốc. Những trang sử bi tráng và cả thơ ca dân gian vẫn mãi khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tôi lặng người khi đọc những câu ca dân gian do PGS.TS Lê Trọng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội, nguyên Viện trưởng Viện Phát triển Quốc tế học, người con của đảo Lý Sơn, kể lại. Người lính xưa ra đảo luôn mang theo bên mình chiếc chiếu để sống thì nằm, chết thì bó chôn: “Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn/ Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây”. Họ vâng lệnh vua giữ yên biển đảo, dù có thể một đi không trở lại: “Hoàng Sa đi có về không/ Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi”.

Chuyện vua cho lập chùa, đặt bia chủ quyền còn nhắc trong “Vè đảo Hoàng Sa” do ông Giáo Trợ làng An Hải sáng tác từ năm 1940, được anh Đặng Hòa, thuyền trưởng tàu du lịch Hàn Giang, ghi lại: “…Đã đành ngài ngự giá ra đây/ Nhìn xem phong cảnh có xây một sở chùa… Mười phần có được chín phần/ Để cho bảo hộ con dân lưới chài/ Chữ đề niên 1tạc hậu lai/ Kể ra niên hiệu một trăm hai mươi năm rồi…”.

Nghệ nhân Đinh Văn Ý, ông bạn vong niên của tôi, tuy đã ngoài tuổi “xưa nay hiếm” nhưng mỗi khi cùng anh em ngồi lại vẫn nghiêm giọng đọc bài học thuộc lòng thời ông học tiểu học ở Trường Tây Sơn, xã Quế Phong, huyện Quế Sơn, lúc ông tản cư lên đó năm 1946: “Hoàng Sa là Tổ quốc tôi/ Bốn ngàn năm tôi đã có/ Bốn ngàn năm lấy máu đắp giang sơn/ Bốn ngàn năm hoạt động để sinh tồn/ Nòi giống Việt luôn luôn khảng khái/ Không khuất phục quân thù khi thất bại/ Chả kiêu căng khinh địch lúc thành công…”.

***

Khi tôi khép lại thiên bút ký này thì tờ lịch trên tường cũng vừa mở ra năm mới 2010. Đất nước đang chuyển mình vào xuân mới, mùa xuân của Nghìn năm Thăng Long – Hà Nội. Trong niềm vui nghìn năm của toàn dân tộc, nào ai dễ nguôi quên một Hoàng Sa - Bãi Cát Vàng vẫn chưa đoàn viên cùng Đất Mẹ Tổ quốc. Những trái tim mang giòng máu Việt vẫn hừng hực ngọn lửa tiền nhân truyền lại, thừa sức đốt cháy bất cứ thế lực ngăn trở nào để một mùa xuân “châu về hợp phố”. Điều đó chắc chắn sẽ đến, tôi tin thế, bởi lẽ, lời minh quân Lê Thánh Tông răn dạy quần thần trước nỗi lo nhà Minh xâm phạm biên giới ngày nào vẫn mãi còn đó tính thời sự: Ta phải giữ cho cẩn thận, đừng để cho ai lấy một phân núi, một tấc sông của Vua Thái Tổ để lại



Cuối năm 2009

V.T.L.


TRẦN NGỌC TUẤN

Linh hồn bán đảo ...

1.

... Trưa tháng 7, tôi lên lại "Đồi hài cốt". Nhớ dạo nọ, tôi còn phải mượn đường của Đồn biên phòng cửa khẩu Tiên Sa dìu nhà sử học ngoài 80 tuổi Nguyễn Văn Xuân leo qua hàng rào thép gai chằng chịt rỉ sét, rồi xoi đường rẽ đám cây dại ken dày như thành, hang hốc trồi sụt mới lên được tới đây, chân tay tứa máu. Đám cỏ lác, gai dại không biết khai sinh tự bao giờ mà cao lút đầu người, như muốn lấp cả dòng chữ "OSSUAIRE" chạm nổi khá lớn dưới cây thánh giá mặt trước một ngôi nhà thờ nhỏ. "Ossuaire" - tiếng Pháp nghĩa là Đồi hài cốt, nơi những hài cốt chồng chất lên nhau ! Đó là nơi an nghỉ cuối cùng của những lính Pháp đầu tiên nổ phát súng xâm lược đất nước ta tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) rạng sáng ngày 1 tháng 9 năm Mậu Ngọ (1858). Trong một bộ hồ sơ của Trường Viễn Đông Bác Cổ (đề ngày 25/5/1921), nội dung đề nghị Toàn quyền Đông Dương cho tu sửa khu nghĩa địa này, có đoạn: "Tôi xin lưu ý ngài về tình trạng hư hỏng của nghĩa trang ở bán đảo Tiên Sa, bắc Tourane (tức TP. Đà Nẵng ngày nay - NV), nơi chôn cất những binh sĩ bộ binh và hải quân của người Pháp và người Tây Ban Nha thuộc hạm đội của Đô đốc Rigault de Genouilly. Khoảng 1.500 hài cốt đã khai quật và tập trung vào một hốc công cộng có dựng một nhà thờ. Nhà thờ này đã bị đổ nát, cửa ra vào đã hư hỏng. Chung quanh nhà thờ có một số ngôi mộ của các sĩ quan Pháp và Tây Ban Nha, trong đó có mộ của trung tá Duppré Déroulède bị giết trên chiến hạm Némésis vào ngày 18-11-1859 ..." (Dẫn theo tác giả Lưu Anh Rô - Ban Tuyên giáo thành ủy Đà Nẵng).

146 năm đã qua ...

Theo ba bậc cấp xi-măng, tôi trèo qua cái cổng sắt xinh xắn cao chừng nửa thước, đã bị khoá, trong cái nhìn ngạc nhiên của cánh tài xế đang mắc võng bên đường chờ đưa xe vào ăn hàng từ cảng. Gọi là đồi, thực ra chỉ là một cái gò không lớn lắm. Cả thảy 32 ngôi mộ trắng toát màu vôi mới nằm rải xung quanh một ngôi nhà thờ, đúng hơn là nhà nguyện. Lớp cỏ dại gai góc trước kia, giờ được thay bằng loại cỏ Nhật xén phẳng phiu như trong sân vận động, xanh mỡ màng. Đất nâu mềm ẩm, do được tưới tắm thường xuyên. Những dòng chữ xa lạ trên những tấm bia mộ bằng sa thạch lớn cỡ mặt bàn, một số đã được ai đó dùng sơn đen tô lại. Tôi trèo tiếp qua cái cổng sắt cũng đã bị khoá để vào bên trong nhà nguyện. Những vết nứt vỡ nham nhở cùng lớp rêu mốc phả cái lành lạnh rợn người trước kia giờ không còn nữa. Duy những phiến đá khắc chữ chìm ốp trên tường, cùng dòng chữ Latin chạy uốn lượn phía trên bệ thờ là vẫn nguyên màu u ám. Tôi đọc được những dòng chữ Tây đầy ngậm ngùi: "Để tưởng niệm những chiến binh Pháp và Tây Ban Nha trong cuộc viễn chinh Rigault de Genuoilly. Bị chết những năm 1858-59-60, và được an táng nơi đây".



Có tiếng lạch xạch mở khoá phía sau. Một thanh niên trạc dưới 30 trong bộ đồ công nhân bạc màu, tay cầm kéo cắt cỏ cùng đôi găng tay lẳng lặng nhìn tôi. Đôi mắt hiền hiền cùng gương mặt gầy rám nắng kia, thoáng chút ngại ngần. Dù sao, đây không phải là một nghĩa trang bình thường. Chúng tôi ngồi bệt dưới nền nhà nguyện. Lê Thanh Trung - tên của người quản trang đặc biệt ấy, nhà ở xóm chài Lộc Phước, phường Thọ Quang, chính là người góp phần tạo ra dáng vẻ mới cho "Đồi hài cốt". Một bữa, năm ngoái, cậu tự vệ phường ấy được phường mời lên, đề nghị làm công việc tu sửa và coi quản khu mả Tây, mà dân địa phương vẫn quen gọi là nghĩa địa Y-pha-nho. Trước đó đã có mấy người từ chối công việc này, bởi sự lạnh lẽo hoang vu cùng những chuyện kể rợn người. Với lại đây là mộ của những kẻ từng nã súng vào đất nước mình, đồng bào tổ tiên mình, người sống ở đất này ai chẳng thấu. Thạo nghề mộc, nề, lại có sức trẻ, Trung ngần ngại ra mặt. Về nhà đem chuyện kể với ba, ông Lê Tấn, 67 tuổi, vốn là một thương binh thời chống Mỹ. Hai cha con bần thần nghĩ ngợi mất mấy ngày. Mẹ vợ ông Tấn, tức bà ngoại thằng Trung là Bà mẹ VNAH, hai cậu và một dì nó đã hy sinh, mẹ nó cũng mất từ khi nó còn rất nhỏ. Bên họ nội của ông cũng nhiều người ngã xuống cho nền độc lập. Và chính ông, mỗi khi trời trở, mảnh đạn găm trong đầu lại quẫy đạp đau xé ... Đến một hôm, ông Tấn gọi Trung lại, bảo: "Thôi, cha đã quyết định rồi, con cứ nhận đi, cha con mình cùng làm ! ở đời, nghĩa tử là nghĩa tận, con ạ !". Thế rồi hai cha con ngày ngày mang dao rựa, cuốc xẻng, với bi-đông nước đạp xe lên đồi âm thầm đánh vật với gai góc, cỏ dại, nhiều hôm tối mịt mới về. Nhiều hôm sợ cha mệt, Trung buộc cha phải nghỉ ở nhà. "Trung làm việc này, bạn bè có nhiều người biết không ?", tôi hỏi. "Dạ, ít người biết lắm - Trung nói giọng dè dặt - Mà em cũng giấu mọi người, ngại lắm anh ạ !". Tôi chợt nhớ ánh mắt Trung nhìn tôi lúc mới bắt gặp. Trĩu nặng một ẩn ức quá khứ cha truyền con nối, vậy đó. Công việc thường ngày của cha con cậu thanh niên xóm chài bây giờ là xén nhổ cỏ dại, tưới nước, sơn sửa lại mộ phần ... Thi thoảng vào ngày rằm hoặc Tết, họ cắm nơi đây vài thẻ nhang, theo phong tục người Việt. Lâu lâu cũng có người tới đây thắp nhang, nhưng cũng chẳng cầu khấn gì. Tôi hỏi Trung có nghe kể gì về "cái hốc" chứa hàng ngàn hài cốt nơi góc nhà nguyện, Trung lắc đầu. ở Đà Nẵng hiện còn nhiều người lớn tuổi từng làm cho Pháp hồi đầu thế kỷ trước vẫn còn nhớ rõ hình ảnh này. Giờ thì hiển nhiên tất cả đã ra cát bụi. Khi khu nghĩa địa hoang vắng xưa kia trở nên khang trang, khách du lịch, nhiều nhất là dân Tây thỉnh thoảng ghé thăm, chụp ảnh. Họ tỏ ra có thiện cảm đặc biệt với cha con người quản trang có vẻ ngoài hiền hậu và bình dị ấy. Có điều, mấy ai hiểu những cuộc chiến cứ thay nhau tiếp nối trên dải đất này, khiến cho con người ta nào kịp có đủ thời gian để quên đi quá khứ !

2.

Người thợ mộc trên chiến hạm, ông George Thomas ghi lại trong Nhật ký (hiện lưu giữ ở Bảo tàng Constitution tại Charlestown - Boston) “William Cook qua đời và được chôn trên bán đảo (Sơn Trà - NV) với tất cả nghi lễ cần thiết. Cờ trên chiến hạm hạ xuống nửa cột để tang cho thuỷ thuỷ Cook. Đêm xuống, nhiều tàu lớn (Việt Nam) thả neo chung quanh chiến hạm, nhưng không quá gần ...”.

Đó là ngày 10/5/1845.

Người lính Mỹ đầu tiên nằm lại Việt Nam ấy không biết cầm súng. William Cook là một thanh niên chơi đàn trong ban nhạc trên chiến hạm lừng danh USS Constitution. Cuộc đời hải quân ngắn ngủi của chàng chỉ dài 14 tháng, chưa bằng thời gian chuyến hải hành dài 495 ngày đêm vòng quanh thế giới lần cuối cùng của chiến hạm này.

USS Constitution là chiến hạm đầu tiên và lừng danh nhất trong lịch sử hải quân Hoa Kỳ, từng là soái hạm của hạm đội Địa Trung Hải, hạm đội Thái Bình Dương và hạm đội nội địa Hoa Kỳ. Chiến hạm được đóng năm 1794 và được Quốc hội Hoa Kỳ ra quyết định hạ thuỷ năm 1798. Chỉ trong 2 năm sau, USS Constitution đã vượt Địa Trung Hải đi chinh phục xứ Tripoli. Hiệp ước lịch sử Tripoli đã được ký ngay trên chiến hạm này. Với 54 khẩu đại pháo, chiến hạm được đóng từ 1.500 loại thân cây chọn lọc từ khắp nước Mỹ, thành tàu rắn tới mức có huyền thoại cho rằng đại bác bắn vào phải ... dội ngược trở lại (!). Cái tên “Thành Sắt Cổ” (Old Ironsides) cũng từ đấy mà ra ... Đó là những điều được ghi lại trên trang web về USS Constitution.

Năm 1845, chiến hạm “già” USS Constitution khi đó đã 50 tuổi, từ năm 1830 đã bị “kết án” phải vào bảo tàng Viện, với viên Hạm trưởng cũng già nua không kém John Percival còn có biệt danh “Mad Jack” khi đó 65 tuổi bị bệnh phong thấp. Ông này đã vận động tha thiết để đưa được tàu đi chuyến hải trình cuối cùng vòng quanh thế giới với nhiệm vụ dân sự. Chuyến đi cuối cùng ấy dài 495 ngày. Cây bút nổi tiếng của tạp chí Boston Globe – nhà báo Peter Kneisel – người đầu tiên cùng một nhóm cựu binh Mỹ từng có mặt tại chiến trường Việt Nam cách đây mấy năm đã lặn lội đến Đà Nẵng tìm thuỷ thủ Cook, trong bài báo “The Search For Seaman Cook” đã viết: “Có lẽ không một yếu tố nào trong câu chuyện hấp dẫn đến nỗi chúng tôi phải bôn ba nửa vòng trái đất để đi tìm. Percival chôn cất thuỷ thủ của ông ta tại hàng tá hải cảng ngoại quốc trong suốt 2 năm hải hành vòng quanh thế giới. Nhưng bởi vì đây là Đà Nẵng, thành phố quen thuộc với hàng trăm ngàn cựu chiến binh, những người từng đặt chân qua đây trong suốt 7 năm dài của cuộc chiến tranh”. Thuỷ thủ thường không được phép chọn lựa nơi an nghỉ của mình. Thường thì họ được hải táng, với thân xác quấn trong vải buồm, cộng thêm một mớ sắt vụn cho nặng. Tuy nhiên, với những thuyền trưởng nặng tình, thì nếu điều kiện có thể, họ sẽ cố gắng mọi cách để chôn thuỷ thủ của mình trên đất liền, như trường hợp của Percival đối với Cook. Nhưng đi xa hơn việc “nghĩa tử nghĩa tận”, Percival lại chính là người Mỹ bắn phát súng đầu tiên vào Việt Nam, vào chính cái nơi mà 13 năm sau (1858), vang rền phát đại bác xâm lược đầu tiên của người Pháp. Nguyên nhân, do viên Hạm trưởng bức xúc trước việc triều đình nhà Nguyễn giam giữ một nhà truyền giáo Pháp mà không cần biết cặn kẽ căn nguyên. Peter Kneisel viết: Ông ta đã “thực hiện các mệnh lệnh chỉ huy sai lạc, và điều này đã thể hiện một lần nữa trong cuộc xung đột đẫm máu 120 năm sau. Tai hoạ, lẽ ra nên được xem là một điều cần được lưu tâm sau này, nhưng chưa ai thật sự nhớ được”. Sau công hàm ngoại giao phản đối của triều đình Huế tới toà lãnh sự Hoa Kỳ tại Singapore, Tổng thống Hoa Kỳ Zachary Taylor đã phải gửi một thư xin lỗi đến vua Thiệu Trị, và cho đây là một hành động ngoại giao bất thường trong lịch sử ngoại giao Hoa Kỳ.

159 năm dằng dặc trôi qua với triền miên biến cố...

Hai mươi năm trước, bãi biển hoang sơ có cái tên Tiên Sa này, người địa phương vẫn gọi bằng cái tên ngộ nghĩnh: Bãi tắm Liên Xô ! Bởi nơi đây gần cảng, một thời thuỷ thủ Liên Xô sang Việt Nam thường ra tắm. Nhưng ít ai biết phía bờ đá nơi quả đồi lúp xúp cỏ hoang nhìn xuống vịnh biển kia, có một “người Mỹ thầm lặng” đang yên nghỉ từ 195 năm về trước.

Hiếu – một người làm du lịch ở Đà Nẵng từng hướng dẫn Peter Kneisel và các bạn đi tìm mộ Cook, kể: “Tìm ra mộ Cook, họ vui lắm. Và điều mà họ thấy bất ngờ hơn nữa là sự giúp đỡ nhiệt tình và thái độ chia xẻ của chính quyền thành phố. Nên trong cuốn Globe Guidebook phát hành toàn thế giới, có hẳn 1 trang do Peter Kneisel viết về Đà Nẵng năm 1845 gắn với sự kiện USS Constitution. Khách du lịch của tôi nhiều người tỏ ra rất quan tâm tới Đà Nẵng cũng từ sau những bài viết ấy”

Theo chỉ dẫn của Hiếu, tôi tìm tới mộ của William Cook. Người thuỷ thủ chơi nhạc quê biển Boston của hơn 1 thế kỷ rưỡi về trước giờ nằm xen giữa mấy ngôi miếu nhỏ của những người dân chài vô danh làng Thọ Quang. Dấu vết dường như chẳng còn gì. Chỉ còn rất nhiều những chân nhang mới, với hoa và cả trái cây. Điều từng khiến Peter Kneisel và các bạn vô cùng sửng sốt. Và cả Hạm trưởng John Percival nếu có sống dậy cũng không thể tưởng tượng nổi. "Mọi linh hồn đều được đưa tiễn" - triết lý sống giản dị của người Việt.



3.
Trước mắt tôi, con đường Xuyên á thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây đã chạm điểm mút cuối cùng hải cảng sầm uất Tiên Sa, sau hành trình gần 1.500 cây số qua 3 nước Myanma, Thái Lan và Lào. Đã có 5 dự án du lịch cao cấp với tổng vốn gần 1.200 tỷ đồng đang đầu tư cho màu xanh ngút ngát, không khí ngọt lành, vịnh biển lặng thoải nguyên sơ nơi đây. Chênh chếch hướng trái, cây cầu treo dây văng lớn nhất Việt Nam dài tới 1.856 mét đủ cho 4 luồng xe lưu thông với kinh phí 650 tỷ đồng đang chuẩn bị nối phố xá với bán đảo. Và rồi thấp thoáng bên bán đảo kia sẽ là vệt biệt thự hiện đại hài hoà với thiên nhiên ... Bán đảo đang thức giấc.

Nhưng đứng giữa cao xanh này, không hiểu sao tôi lại cứ nghĩ nhiều tới giấc nghỉ yên hàng trăm năm dưới những nấm mộ đã và đang mất dần dấu tích của những dân binh Đà Nẵng ngã xuống khi giữ đồn An Hải năm 1858. Và cả những nấm mồ viễn chinh câm lặng nơi bán đảo. Bán đảo, mà lại mang sứ mạng của một phần địa đầu Tổ Quốc. Phát súng đầu tiên và nầm mồ đầu tiên của người Mỹ. Phát súng xâm lăng đầu tiên của người Pháp. Gót chân lính thuỷ đánh bộ Mỹ đầu tiên vào miền Nam Việt Nam năm 1965. Gót chân viễn chinh ngoại bang cuối cùng rời khỏi cuộc chiến năm 1973. Tất cả đều diễn ra nơi bán đảo bình yên này...

Vẳng đâu đây tiếng đàn của William Cook. Tiếng vĩ cầm nhẹ lướt qua mái nhà thờ lãng quên trên đồi cát, cao hơn nữa qua những chùm mây bán đảo, rồi đổ xoà vào ngọn sóng muôn ngàn mảnh nắng vỡ tinh khôi ...

T.T

ĐẶNG NGỌC KHOA
Mười chín tuổi ở Hoàng Sa...
"Mường tượng Hoàng Sa, nhiều đêm tui không ngủ được. Nhớ những bãi cát hình vành khăn rất đẹp. Nhớ những vách đá tui và anh em đã khắc tên... Mới đó đã năm mươi năm rồi".

1. Sinh năm 1937, tròn 19 tuổi, chàng trai Võ Như Dân quê Đà Nẵng lên tàu ra đảo, làm nhiệm vụ "đo gió đo mây" kiêm nấu nướng cho bốn người ở Trạm khí tượng Hoàng Sa. Mỗi chuyến đi dài ba tháng, nếu biển động ở thêm tháng rưỡi nhưng cũng có năm ông ở luôn sáu tháng mới theo tàu "hả miệng" về lại đất liền. Bình thường tàu HQ 401- 402 chạy từ chiều hôm trước đến mờ sáng hôm sau tới đảo, khẩn cấp như hồi 1974 tàu chạy "xé nước" chỉ ba tiếng từ quân cảng Đà Nẵng là tới nơi. Tính ra, ông đã 18 chuyến ra đảo và là một trong ít người có thâm niên nhất với Hoàng Sa. Tổ "chế khí bơm bóng" của ông có 3 người, gồm ông và hai ông Phạm Miễn, Nguyễn Tấn Yên. Mỗi năm, sau thời gian phục vụ tại Trung tâm khí tượng Đà Nẵng, ba ông thay phiên nhau ra đảo trực. Nay hai ông kia đã mất chỉ còn mỗi ông Dân với "một phần đời ở Hoàng Sa".

Công việc của ông khá đơn giản: chế khí và bơm hydro vào bóng thám không, thả lên trời để nhân viên khí tượng biết hướng bóng đi và đo sức gió, cứ ba giờ một lần gõ Morse về Trung tâm khí tượng Đà Nẵng. Dù đơn giản nhưng việc chế khí không kém phần nguy hiểm. Chỉ một va chạm nhỏ, một hơi nóng bất thường là bình nổ, bóng nổ mạnh như mìn. Vì vậy, hồi Pháp người ta không cho ông mang giày đinh, hồi Mỹ không cho đập gõ gây xẹt lửa khi chế khí. Bù lại, khi bóng lên cao từ 30km trở lên là ông "có quyền đi chơi". Nhờ vậy, ông biết nhiều cảnh quang tuyệt trần quanh đảo. "Đẹp lắm! Trong đời tui chưa thấy đâu đẹp rứa". Ông chép miệng.

2. Sau 50 năm, cảnh bình minh, cảnh hoàng hôn trên quần đảo Bãi Cát Vàng như vẫn còn in trong mắt ông Võ Như Dân. Ông nhớ những hôm đi câu cá bằng mồi là đoạn râu bạch tuột. Chỉ một thoáng đã có một dọc dài cá mú, cá khế, cá hồng. "Cá mấy ký, to dễ sợ. Chừ chẳng thấy đâu. Riêng cá khế tui thường giã ra làm ruốc, cho vào thùng thiếc vuông, mang về con cháu ăn với cháo. Những hôm mưa bão, nhiều con chim to chúi đầu chạy trên bãi, tui dùng gậy chặn xuống, bắt về nướng, làm lương khô. Còn chim yến thì vô kể. Nó vô đầy nhà, cứ lấy tay gạt, bắt cả mớ, phần nhậu, phần phơi khô". Ông Dân sôi nổi: "Trứng chim, trứng vích đầy mấy bãi quanh đảo chính. Anh em mới ra thì không biết. Tui lội nhiều nên nghe được hơi trứng. Chỉ cần gạt bàn chân là trứng trồi lên. Ốc bàn tay, ốc tai tượng cũng rứa. Chỉ cần thấy cái sừng lú lên là biết.


Bắt về chôn dưới cát một tháng cho rã thịt, lấy vỏ mang về tặng hàng xóm láng giềng". Toàn đặc sản nhưng "đặc sản nhất" của Hoàng Sa là gì? Chúng tôi hỏi, ông nói ngay: "Ngon nhất là ốc gân. To bằng chiếc nón. Tui bỏ hết phần rìa, chỉ lấy gân, xẻ dọc, khứa ra phơi khô, mang về Đà Nẵng làm quà. Thịt nó thơm và ngon hơn mực". Năm 2006, bão Xangsane thổi vào Đà Nẵng, hai vỏ ốc kỷ vật của ông Dân bể mất. Tiếc đứt ruột! Khi chuyện Hoàng Sa- Trường Sa rộ lên, nhiều người tìm gặp, ông phải mượn lại vỏ ốc từng tặng hàng xóm để chớp bóng, chụp hình.

3. Ðảo chính Hoàng Sa chỉ rộng chừng 45 phút đi bộ là giáp vòng. Suốt 18 năm công tác, ông Võ Như Dân hầu như đi khắp. Ông còn theo xuồng cao su qua đảo chim, đảo ngầm, đảo vích... Các bãi cát ở đó rất rộng và rất lạ. Chúng có vành khăn, cát nổi lên hình vòng tròn, giữa là một vịnh san hô trong vắt với vô số các loại cá đủ màu sắc. Đến giờ, không chỉ ông mà các nhà khoa học cũng chưa hiểu rõ vì sao lại có nhiều đảo hình vành khăn như vậy ở Thái Bình Dương. Trên đảo có một cái miếu rất thiêng gọi là Miễu Bà. Ông biết Bà thiêng vì trước đó, một lần tàu hải quân Pháp chở tượng Bà về Đà Nẵng nhưng sóng lớn suốt mấy ngày không mang lên được, họ phải đưa Bà ra lại đảo và xây miếu thờ. Ông ít khi xin xăm vì "không khí trong miễu âm u lắm, với lại tui ít có chuyện buồn bực trong lòng". Riêng ông Phạm Miễn, bà con ông, trong một ca trực đã xin một cái xăm ghi rằng: "Khi đi mặc áo da bao (vải gai)/ Khi về thì có quan quân xuống hầu". Trong cuốn sổ , một nửa ghi chữ Nho, một nửa ghi chữ Quốc ngữ, không biết có trong miếu từ bao giờ , đã giải thích quẻ xăm ấy rằng: "Ai bốc được quẻ này sẽ có con trai". Tháng sau ông Miễn về và thấy vợ ông đã sinh cho ông đứa con trai mà ông đã chờ rất lâu mới có! Ông Dân kể: "Hồi 56 tui ra đảo, sống trong dãy nhà đúc với 4 bể nước ngầm. Nhiều di tích thời Gia Long, Bảo Đại đã bị rỉ sét, hư hao nhiều. Nhưng ở cuối bãi cát phía nam có nhiều đồ sành sứ, chén bát bị bể. Ráp vô, nhiều cái giống hệt như đồ ở nhà tui dùng. Nghe nói hồi xưa ông bà mình đã ra đây và chết ở đây cũng lắm. Trên toàn đảo có khoảng 40 mộ, có cái có bia có cái chỉ nấm đất. Một lần đào cát, anh em gặp tiền Gia Long và một bộ hài cốt, tay chân bị xích lại, nhìn cái mão và đai bụng, biết không phải người Tàu, chắc một ông quan mô đó bị đi đày, rồi chết".



Hoàng Sa, Bãi cát vàng trên bản đồ thời Minh Mạng

4. Hầu như mùa bão nào ông Võ Như Dân cũng có mặt tại Hoàng Sa. Có năm đón gần 10 trận bão nhưng ông và đồng sự vẫn lành lặn trở về. Có những lần đón Tết trên đảo, tổ "đo gió, đo mây" quây quần chia nhau ít bánh trái ngày Xuân. Tiếp chuyện chúng tôi lúc cuối năm, ông lại nhớ Tết Hoàng Sa, ngược hẳn hồi cách nay mấy mươi năm ông ngồi im trên đảo nhớ Tết đất liền. Hoàng Sa là nơi thường xuyên có tàu đánh cá nước ngoài ghé qua xin nước ngọt. Nhiều nhất là tàu của Nhật. Không biết tiếng, hai bên ra dấu. Ban đầu, họ chỉ được cho nước lợ ở giếng ngoài trời. Mỗi lần múc mấy chục thùng vẫn không cạn. Thấy thương, anh em cho họ nước ngọt chứa trong các bể ngầm. Họ cúi đầu vòng tay cảm ơn, sau đó chở vô cơ man là cá, biếu anh em. "Có tàu Trung quốc không?" Chúng tôi hỏi. Ông Dân: "Ít hơn. Nhưng có lần tui thức dậy sớm, thấy xa xa là tàu lớn, phía trong nhiều tàu nhỏ. Có thể đó là bước thăm dò của họ..."

Mười chín tuổi ra đảo, đến nay chàng trai Võ Như Dân tròn bảy mươi. Ông chậm rãi như nói với riêng mình: "Mường tượng đảo, nhiều đêm tui không ngủ được. Nhớ những bãi cát hình vành khăn rất đẹp. Nhớ những vách đá tui và anh em đã khắc tên. Biết đến bao giờ mình lấy được lại Hoàng Sa? Dù già tui cũng xung phong ra đảo, được thấy lại một lần có chết cũng vui".

ĐNK

NGUYỄN ĐÌNH AN


Каталог: files
files -> Sạt-đe rằng: Nầy là lời phán của Đấng có bảy vì thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao
files -> HƯỚng dẫn càI ĐẶt và SỬ DỤng phần mềm tạo bài giảng e-learning
files -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
files -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Thị Hương XÂy dựng quy trình quản lý CÁc công trìNH
files -> PHỤ LỤC 2 TỔng hợp danh mục tài liệu tham khảO
files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
files -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
files -> 1. Mục tiêu đào tạo: Mục tiêu chung

tải về 1.29 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   15




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương