Tập sách được sự tài trợ của ubnd thành phố Đà Nẵng Để Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững



tải về 1.29 Mb.
trang14/15
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích1.29 Mb.
#9078
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   15

Máu ngàn đời vẫn tươi
1.

Trong sâu thẳm của ký ức, trong những đêm mất ngủ, tôi luôn nhìn thấy hình ảnh của mẹ tôi ngồi ở một góc hầm chắp tay cầu nguyện. Lúc ấy, tiếng pháo kích đã dội vào thành phố Đà Nẵng. Từng chùm hỏa châu sáng lòe rọi xuống mặt đường phố vắng tênh một sắc màu xám xịt. Màu của cái chết đang rình rập đến từng giờ, từng phút. Có “người phu quét đường dừng chổi lắng nghe” không? Tôi không rõ. Chỉ biết rằng, ba tôi - một người tù vừa trở về từ Côn Đảo, từ nhà lao Đà Nẵng đang cắm cúi hý hoáy viết gì đó bên ngọn đèn dầu. Thỉnh thoảng ông lại bảo “Quân mình đã về” và dặn dò mẹ tôi không phải lo lắng quá. Đêm chập chờn âu lo ấy mệt mỏi trôi qua. Sáng hôm sau, vừa mở mắt dậy, tôi đã thấy các ngả đường mọc lên một rừng cờ giải phóng. Như phép lạ. Lúc ấy, tâm trạng của thế hệ chúng tôi như thế nào? Nhà thơ Lê Thị Kim đã nói hộ nhiều người: “Giải phóng! Giải phóng/ Má như trẻ thơ/ Kêu ba ra đón/ cây cũng hoan hô/ Niềm vui đất nước/ Em vội xuống đường/ Mang nhầm cả guốc”. Thơ đã nói một điều rất thật, không hề “lên gân”. Và bây giờ, trong đêm 29.4.2009 cùng đứng trên sân khấu hiện đại của Nhà sách Phương Nam giao lưu với các bạn trẻ “Những năm tháng không quên”, tôi tin rằng, không riêng gì tôi mà nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, Lê Thị Kim; nhà văn Đoàn Thạch Biền, Nguyễn Đông Thức; nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung, Nguyễn Văn Hiên... cũng bồi hồi sống lại những giây phút thiêng liêng đó.

Có một điều rất lạ, đến bây giờ tôi không hiểu vì sao trước một sự kiện vĩ đại như thế nhưng mọi sinh hoạt trong xã hội vẫn nề nếp, hầu như không có gì thay đổi lớn. Chỉ dăm ngày sau, chúng tôi lại đến trường. Vẫn ngôi trường có cây phượng đang lập lòe trổ bông, vẫn chiếc bàn học cũ kỹ, vẫn cái ghế ngồi xộc xệch, vẫn tấm bảng đen và nhất là vẫn những thầy giáo ấy! Chỉ riêng môn Việt văn, nguồi thầy dạy chúng tôi là một “chú bộ đội” trong quân phục màu xanh luôn gợi đến sự phong sương, từng trải. Bài học của “văn học cách mạng” lần đầu tiên tôi biết đến là bài thơ Nhớ con sông quê hương của nhà thơ Tế Hanh. May mắn, vài chục năm sau ra Hà Nội, nghe tôi kể lại chi tiết này, nhà thơ Hoa niên đã rơm rớm nước mắt... Còn “bài ca cách mạng” đầu tiên, tôi biết đến là ca khúc dễ hát, cậu học trò lớp 9 chỉ hát một lần mà nay đã in trong óc: “Trường em lợp ngói đỏ/ Bên hàng cây xanh xanh/ Ngày ngày vang tiếng hát/ Khúc ca vui học hành/ Chúng em thi nhau viết/ Thật đẹp tên Bác Hồ/ Chúng em thi nhau vẽ/ Ngôi sao trên lá cờ”. Ai là tác giả ca khúc này? Xin làm ơn cho tôi biết.

Khi lồng ngực của tuổi mới lớn ưỡn trước nắng mai với nhiều hoài vọng, tôi đã gặp ngọn gió Giải Phóng. Đất nước thống nhất sau nhiều năm tháng chia cắt. Đất nước sau chiến tranh với nhiều lo toan, vất vã. Rồi chiến tranh Tây Nam. Đất nước vừa hòa bình. Đất nước vừa chiến tranh. “Chúng nó muốn nã pháo trên đầu mẹ/ muốn bẻ gãy chiếc đòn gánh tì trên vai mấy ngàn năm/ hối hả áo xanh lên miền biên giới/ chặn bàn tay chém mẹ vết dao đâm..”. Ngày tháng qua mau. Đời sống có nhiều xáo trộn. Đang chuẩn bị học lớp 12, tôi nhận được giấy gọi nhập ngũ. Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam đã nổ ra. Trong ba tháng quân trường, sau lễ chào cờ mỗi sáng thứ hai đầu tuần, chính trị viên của tôi thường kết thúc bài nói chuyện bằng hai câu thơ “Tổ quốc ơi hãy trao tôi cây súng/ Thân tôi đã dài vai tôi đã rộng...”. Thơ của ai, tôi không rõ nhưng nay vẫn nhớ như là bài học đầu tiên về tình yêu bảo vệ Tổ quốc. Không còn một lựa chọn nào khác, thế hệ chúng tôi đã trở thành người lính. Như một lẽ tự nhiên.

2.

Bước vào chiến trường, tôi làm thơ. Ngày đó, tôi mới vừa 18 tuổi. Những đêm mưa, trong phiên gác đêm trên một cao điểm sát với biên giới K, tôi đã nghe trong gió hú một nỗi nhớ nhà xa thăm thẳm. Nhớ nhà khủng khiếp. Tôi nhớ đến ly chè đậu đen thật ngọt trước cổng trường Phan Châu Trinh (Đà Nẵng), tôi nhớ đến cô bạn học cùng lớp dịu dàng như mây trời. Nhưng lúc ấy trước mắt tôi chỉ có bóng đêm và những ngọn lau sậy vật vờ trong gió cuốn. Sau phiên gác, không thể chợp mắt, dưới ngọn đèn dầu chập chờn, tôi nằm sấp trong hầm làm thơ. “Em ơi, đất lửa chiến trướng/ Làm sao vọng lại gió hương bạch đàn/ Mùa xuân ơi! Có hân hoan/ Trăng đêm Đà Nẵng, nắng vàng Tây nguyên”.



Ít lâu sau, chúng tôi bắt đầu hành quân sang đất K. Trên đường đi, tôi đã gặp những anh em TNXP cán thương, tải đạn... gọi nhau ơi ới. Rồi có tiếng mìn nổ. Có người quay về tuyến sau trên chiếc võng toòng teng những máu. Năm tháng này, một thời gian dài, chúng tôi phải sống trong hầm dưới hào công sự và sẵn sàng nổ súng. Cái sống và cái chết chỉ gần nhau như một gang tấc. Tôi lại làm thơ như một cách ghi nhật ký, bởi từng ngày phải đón nhận những điều khủng khiếp mà mình chưa hề chuẩn bị trước, không thể lường trước...

Nếu lúc ấy cả nước bước vào cuộc chiến tranh, tâm trạng chúng tôi đã khác. Khổ nỗi, đất nước vẫn đang hòa bình. Chỉ có tiếng súng nổ ra ở biên giới. Đêm đêm đứng trên chốt, nhìn về phía sau, chúng tôi vẫn còn thấy những ngọn đèn mờ nhạt từ phía Pleiku hắt lên nền trời đen. Như những lời mời gọi rất quyến rũ. Chỉ cần quay đầu, chúng tôi đã có mặt tại đô thị, đã có thể nhân nha vị ngọt hòa bình ngày ngày bình yên vô sự. Nhưng rồi không thể. Chúng tôi lại tiếp tục đi về tuyến lửa. Rồi một buổi chiều nắng úa trên những vòm cây đã bị cụt ngọn bởi hỏa lực, tại một giao thông hào chật hẹp, chúng tôi được kết nạp vào Đoàn. Không còn cờ, không có hoa, chỉ có lời tuyên thệ. Sáng hôm sau, Sư đoàn 307 mở màn chiến dịch đánh thẳng qua K. Từ đó, tôi thật sự trưởng thành người lính. “Cái nắng quái như lửa nung cháy họng/ cổ bỏng lên! ôi khát! ôi nắng/ chúng tôi đi rùng rùng bụi đỏ/ hái lá tai voi nhai suốt chặng đường dài/ ba lô đeo vai/ súng và gạo đeo vai/ vác trái đất nặng ba mươi ký/ chúng tôi hành quân qua Xam- coong Thmây”. Đó là những câu thơ tôi còn ghi trong sổ tay.

Thật ra, lúc bấy giờ, suốt năm tháng hành quân và tác chiến, chúng tôi không có báo để đọc, không có đài để nghe. Vì thế, một lá thư từ hậu phương gửi đến là niềm vui không thể nào tả nổi. Thư viết cho bạn, nhưng mình cũng xin đọc ké cho đỡ buồn. Chỉ trong lính mới có loại “thư tọa độ”. Nghĩa là chúng tôi “san sẻ” cho nhau địa chỉ của những cô gái mà mình biết để bạn mình viết thư làm quen. Thư gửi đi một cách hú họa vì biết đâu sẽ có “bóng hồng” nào đó hồi âm! Nếu được, thì cứ tiếp tục viết thư chia sẻ “buồn vui đời lính”, tha hồ tưởng tượng và bay bổng yêu thương dù không hề biết mặt nhau! Chính nhờ cảm xúc đó, mà trong thời gian ở lính, tôi cũng làm khá nhiều thơ tình. Một mối tình hoàn toàn chỉ có trong tưởng tượng.

Mà cũng phải làm thơ thôi. Như một cách để tìm cái gì đó mà đọc khi sống trong rừng sâu chỉ có mìn, tiếng súng và cái chết rình rập đến từng ngày... “Câu thơ nào bên bếp lửa/ Ngồi hơ lạnh cóng bàn tay/ Áo quần mưa ướt chềm chệp/ Làm thơ rét lạnh không hay/ Câu thơ toòng teng cánh võng/ Nối liền tiền tuyến hậu phương/ Lính nằm vắt chân chữ ngũ/ Đọc thơ ấm cả chiến trường...”.

3.

Đây là năm tháng những cậu tân binh non choẹt rời ghế nhà trường bước vào cuộc chiến, trực tiếp cầm súng và đã trở thành nhà thơ của thế hệ sau năm 1975: Phạm Sỹ Sáu,Thành Nguyễn (Quân khu 7); Lê Mạnh Tuấn, Huỳnh Kim (Quân khu 9); Nguyễn Quốc Trung (Quân đoàn 4); Lê Minh Quốc, Đoàn Tuấn (Quân khu 5)... Thế hệ chúng tôi đứng trong cuộc chiến, lấy chất liệu và cảm hứng từ cuộc chiến để viết. Ngày ấy chúng tôi làm thơ không để in báo, không để tìm mong có một cái danh phận bọt bèo - mà trong cuộc giao lưu này tôi đã tự sự: “Chúng tôi làm thơ để đọc/ Như trồng thêm lúa để ăn/ Như cắt tranh lợp nhà ở/ Làm thơ dưới tiếng pháo gầm”. Đây cũng là năm tháng, các anh Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Đông Thức, Cao Vũ Huy Miên, Đỗ Trung Quân, Phạm Trường Phục, Nam Thiên, Nguyễn Đức Trung... gia nhập TNXP. Họ vác leng, vác xẻng, vác ba lô đi khai hoang vỡ đất và họ cũng là lực lượng cán thương tải đạn, đào hầm, làm cầu đường cho bộ đội chúng tôi đã bám chốt ở tuyến trước. Đến bây giờ, tôi không thể kìm được giọt nước mắt khi nghe ca khúc của anh Cửu Dũng phổ từ thơ của anh Đỗ Trung Quân. Ca khúc này đã đánh thức trong trí nhớ mờ mịt của tôi một hình ảnh mà tôi từng gặp trên đường biên giới 19B: “Anh bộ đội thương binh vừa tỉnh lại sáng nay/ Đã hỏi thăm em người cán thương đêm trước/ Cô ấy ngã mấy lần tôi đếm được/ Mà sao không khóc mới lạ lùng/ Chắc anh hiểu rồi em ở tấm lòng/ Nước mắt chỉ dành cho người ngã xuống/ Nên dù té đau, gai rừng tê chân buốt/ Đâu để vết thương anh rỉ máu hai lần/ Em là người thanh niên xung phong/ Không có súng chỉ có đôi vai cán thương tải đạn/ Giữa tầm đạn thù tấm lòng dũng cảm/ Em vượt đường dài tiếp thêm lửa tiến công”.



Làm sao có thể quên? Làm sao có thể quên cung đường máu- cung đường 19B từ Đức Cơ qua biên giới Kampuchia mà suốt mấy tháng trời Trung đoàn 29, Sư đoàn 307 chúng tôi đã bám trụ giữ chốt và liên tục bổ sung quân. Cũng chính tại đây, tôi đã gặp Đoàn Tuấn. Lúc ấy, tôi đang nằm đung đưa trên võng trong căn hầm thùng thì bỗng nghe tiếng nói của một tân binh: “-Báo cáo hạ sĩ...”. Tôi ngước mắt lên nhìn thì gặp một gương mặt trắng trẻo, môi đỏ, giọng nói Hà Nội, quân phục còn mới, rộng thùng thình. Tuấn là một trong những tân binh được bổ sung khi chuẩn bị mở màn chiến dịch. Lúc ấy, tháng 12.1978. Trời thường mưa. Mỗi sáng được ăn những cục mì đen đúa và cứng như đá. Đã là may, nếu không chỉ ăn toàn bắp luộc, ăn đến phát nôn. Tuấn có một quyển sổ nhỏ, thường giấu ở túi áo, mỗi lần tìm được một câu thơ hay lại ghi vào đó mà sau này đã được tạp chí Văn nghệ quân đội trao giải A. “Mặt chúng tôi gầy như gương mặt núi/ hào phóng như trời xanh/ tính thẳng như nòng súng/ ăn cơm cục/ uống nước đục/ hồn như sông in mây trắng vô tư”, tôi đọc và nhớ thơ của Tuấn đến lúc đã đi hết một chặng đường chiến binh.

Cho đến khi nhắm mắt, lìa bỏ trần gian này, chắc chắn không bao giờ tôi và đồng đội quân khu 5 có thể quên một con số, một dòng chữ giản dị: Hòm thư 5A 2106 Pleiku (Đoàn 330 chuyển)” đã gắn liền với năm tháng mà anh Phạm Sỹ Sáu đã khái quát: “Đi giữ nước mà trong lòng nhớ nước”. Nhớ nước, bởi chúng tôi giữ nước từ xa, từ vùng đất bên ngoài Tổ quốc. Bây giờ, giao lưu cùng các bạn trẻ thế hệ @ trong tôi lại hiện lên những cánh rừng biên giới mà đồng đội tôi đã ngã xuống. Biên giới, tưởng rằng xa nhưng thật ra lại gần gũi và gắn bó bằng chính máu thịt của mình. Máu của nhiều thế hệ đã đổ xuống ở biên giới và ngoài biên giới, chính vì thế tôi luôn xác tín: “Máu ngàn đời vẫn tươi”...

L.M.Q

LONG VÂN – HOÀNG GIANG


Dấu chân người

Thăng Long trên đất Thuận Quảng xưa
Trong hành trình mở cõi, hơn 700 năm trước, Huyền Trân Công chúa đã hy sinh tuổi thanh xuân, vâng mệnh vua cha giã từ đất Thăng Long lên đường sang làm dâu Chiêm quốc, để đổi lấy hai châu Ô – Lý cho quê hương Đại Việt. Kể từ ngày ấy về sau, cũng đã có biết bao người con Thăng Long lên đường Nam chinh và nằm lại với cửa ngõ yết hầu của miền Thuận Quảng, lưu truyền trong dân gian bao sự tích...

Ngôi miếu thờ dưới núi Xuân Dương

Cửa ngõ yết hầu miền Thuận Quảng, đó là tầm nhìn sáng suốt của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng về miền đất dưới chân núi Hải Vân, bên cửa Hàn, khi ông còn làm lãnh trấn Quảng Nam (1558). Với tầm nhìn chiến lược ấy, ông đã biến đất này thành nơi hội tụ của bao người con phương Bắc đến đây khai canh, lập ấp, lập làng... Thực ra, cả một vùng đất rộng lớn thuộc hai châu Ô – Lý, kéo dài từ bờ Nam sông Hiếu (Đông Hà, Quảng Trị) vào đến bờ Bắc sông Thu Bồn (Quảng Nam), trong đó có Đà Nẵng – cửa ngõ yết hầu miền Thuận Quảng, đã là đất của Đại Việt, trước gần 260 năm, khi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đặt chân đến nơi này. Hai châu Ô – Lý Vua Chăm Chế Mân làm sính lễ dâng lên Vua Trần Đại Việt để xin cưới Huyền Trân Công Chúa (1306). Và, cho đến ngày nay, dằng dặc dải đất miền Trung của một miền Thuận Hóa xưa, nhân dân lập nên nhiều ngôi miếu thờ tưởng nhớ công lao của nàng công chúa “lá ngọc cành vàng” đã hy sinh hạnh phúc riêng tư ở tuổi hai mươi, gạt lệ giã từ đất Thăng Long ra đi vì nghĩa nước non...

Nhưng, ngôi miếu thờ Huyền Trân Công Chúa dưới chân núi Xuân Dương, thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, không chỉ là nơi tưởng niệm, ghi nhớ công lao của người con gái Đại Việt “Mượn màu son phấn. Đền nợ Ô, Lý”. Ngôi miếu được gắn liền với sự tích Nhập nội Hành khiển Thượng thư Tả Bộc xạ Trần Khắc Chung giải cứu Huyền Trân Công chúa thoát khỏi họa “lửa thiêu”, thoát khỏi sự truy sát của quân Chiêm. Đây là điểm khác biệt với các miếu thờ Huyền Trân Công chúa trên miền Thuận Hóa mà rất ít người được biết…

Một ngày cuối tháng Ba, chúng tôi tìm về núi Xuân Dương nằm lẻ loi bên chân sóng biển Đông. Đứng ở đây, phóng tầm mắt nhìn ra phía Bắc, Hòn Hành cũng tách biệt với dãy núi Hải Vân chơ vơ, cô độc, ẩn hiện trong làn sương khói lênh đênh. Gió từ khơi xa thổi vào bờ lồng lộng, xào xạc rặng cây trước ngôi miếu tưởng niệm Công chúa Huyền Trần đã đổ nát, điêu tàn. Trong hoang vắng đó, cảm nhận về sự hy sinh của người con gái út vua Trần ngàn dặm ra đi để “Đền nợ Ô Lý”, chúng tôi đều có chung suy nghĩ của người có lỗi...

Những cụ già cao niên nhất của hai làng Xuân Thiều và Nam Ô ngày nay vẫn khắc cốt ghi tâm lời dặn dò của ông, cha họ về việc thờ cúng tại miếu Huyền Trân Công chúa và ngôi mộ tiền hiền của làng. Với họ, đây là những di tích quí giá, ghi dấu tích của tiền nhân hai làng cùng với võ trướng Trần Khắc Chung giải cứu Huyền Trân Công chúa vào năm 1307, trên đường đưa bà trở lại Thăng Long, sau khi Chế Mân băng hà. Dù chuyện này không ghi rõ ràng trong chính sử, song có nhiều cứ liệu tin cậy để các nhà nghiên cứu lịch sử khẳng định…

Các bô lão kể lại cho chúng tôi nghe câu chuyện mà cha, ông họ truyền lại từ khi tóc còn để chỏm. Rằng, sau khi làm lễ tế ở bãi biển Thị Nại, Qui Nhơn, võ tướng Trần Khắc Chung đã cướp Huyền Trân Công chúa xuống thuyền dong buồm ra Bắc. Đoàn chiến thuyền của võ tướng Trần Khắc Chung từ Bình Định ra Thăng Hoa, vào cửa Đại Chiêm (Cửa Đại) rồi theo đường sông Cổ Cò ra Cẩm Lệ (Đà Nẵng). Từ đó, họ theo đường bộ đến Xuân Sơn Hoa Ô (Nam Ô)... Tại làng Nam Ô, đoàn người nán lại để tìm cách vượt Ải Vân ra thành Hóa Châu. Khi biết Huyền Trân Công chúa cùng đoàn quân của võ tướng Trần Khắc Chung đang trên đường từ Chiêm quốc về lại Đại Việt, dân làng Nam Ô, Xuân Thiều đã tiếp đón và che chở một thời gian… Thế rồi, quân của vua Chăm đuổi kịp, bao vây bốn mặt. Dân làng đã cùng đoàn quân của võ tướng Trần Khắc Chung chống trả quyết liệt. Song quân Chiêm đông như kiến cỏ nên hai viên tùy tướng của Trần Khắc Chung chỉ huy một toán quân liều chết đánh chặn hậu để Trần Khắc Chung dùng thuyền nhẹ đưa Huyền Trân Công chúa ra khơi, thẳng hướng Hòn Hành, thoát ra thành Hóa Châu. Hai viên tướng đánh chặn hậu đó không biết họ tên gì, song đã lâm trận và chết tại đây. Cảm ơn đức của Huyền Trân Công chúa, dân làng Nam Ô lập miếu thờ bà, riêng hai vị tướng nọ sau khi chết được chôn cất tử tế và phong làm tiền hiền của làng !

Trước ngôi miếu cổ hoang tàn, đổ nát theo năm tháng, cụ Huỳnh Diễn ngậm ngùi: “Hằng năm, cứ xuân thu nhị kỳ, dân làng Nam Ô và Xuân Thiều đều đến cúng tế tại miếu thờ Bà (Huyền Trân Công chúa). Thời gian gần đây, vùng này được chính quyền địa phương công bố trong qui hoạch khu đô thị mới nên thấy miếu thờ Bà đổ nát mà chẳng ai được phép trùng tu. Đau lòng lắm mấy anh ơi !...”. Cụ Diễn cùng các bô lão dẫn chúng tôi đi loanh quanh trên con đường nhỏ của xóm chài ra bờ biển, viếng mộ của các vị tướng quân. Ngôi mộ đã được trùng tu, văn bia ghi rõ rành: “Tiền hiền chi mộ”. Các bô lão ai cũng băn khoăn rằng, khi qui hoạch khu đô thị mới, liệu miếu thời Huyền Trân Công chúa và mộ hai vị tướng hy sinh trong trận đánh với quân Chiêm để võ tướng Trần Khắc Chung giải cứu Huyền Trân Công chúa chạy thoát ra thành Hóa Châu, có bị phá bỏ ?

Theo nghiên cứu của các nhà Sử học, ở TP Đà Nẵng, ngoài ngôi miếu thờ Huyền Trân Công chúa dưới chân núi Xuân Dương này, tại thôn Sơn Thủy quận Ngũ Hành Sơn, cũng có một miếu thờ bà. Các miếu thờ đều có trong danh sách khảo sát của Viện Viễn Đông Bác cổ hồi đầu thế kỷ 20, nên khuyên mọi người hãy yên lòng… Tiến sĩ Sử học Lưu Trang cũng đã đọc bản cổ chỉ “Đà Sơn phổ chí” và kết hợp với tư liệu lịch sử, tìm ra điều hết sức lý thú. Đó là khoảng 40 năm sau đám cưới của Huyền Trân Công chúa với vua Chăm Chế Mân, vua Trần Minh Tông cũng gả cho ông Phan Công Thiên, tướng quốc người Việt gốc Chăm – sau này được phong là tiền hiền làng Đà Sơn của phường Hoà Khánh Nam hiện nay, một người con gái khác. Nàng công chúa này đã xin vua cha cho chở nhiều thóc, trâu vào và dạy cho dân từ đèo Hải Vân đến bờ Bắc sông Thu Bồn cày cấy. Nàng còn chỉ dạy người dân làm hàng chục kho lớn để chứa thóc giống!...

Đa số các nhà Sử học hiện đại đều bác bỏ giải thuyết về việc cho võ tướng Trần Khắc Chung dùng thuyền nhỏ cướp Huyền Trân Công chúa từ bãi biển Thị Nại đưa ra biển lớn và đi loanh quanh trên biển một năm sau mới về Thăng Long. Họ khẳng định, điều đó là không hợp lý. Vì rằng, tháng 9, tháng 10 ở miền Trung mưa, bão liên miên, một thuyền nhỏ khó lòng trụ được giữa biển khơi…
Chạnh lòng nhớ người xưa…

Ở vùng ngã ba sông Hàn và sông Cổ Cò còn có ngôi miếu nhỏ giữa cánh đồng hoang, được gọi là “Miếu Một”. “Chim kêu Miếu Một, gà gáy Giếng Đôi”, câu nói này thì người Đà Nẵng ai cũng biết, cũng nghe. Nhiều người cũng rành rẽ “Giếng Đôi”, nhưng “Miếu Một” thì rất ít ai thông thạo. Nhất là lớp trẻ thì khó mà hình dung ra được “Miếu Một”, bởi miếu đã nhào xuống sông từ những trận lũ lụt lớn cách đây hơn 7 năm về trước. Tại “Miếu Một”, các nhà nghiên cứu lịch sử đã tìm được một tấm bia đá cổ ghi tên người được thờ trong miếu là “Nguyễn tấn sĩ vận chuyển quân lương”. Khi miếu lở xuống sông, tấm bia cổ được đưa về để tại Khu Di tích K20…

Tra cứu sách “Ô Châu Cận lục” của Dương Văn An, thấy có chép: ''Tại cửa biển Đà Nẵng có đền thờ thần họ Nguyễn tên Phục...''. Thì ra, cái đền thờ vị tướng quân họ Nguyễn ra đi từ đất Thăng Long cách đây đã gần 700 năm trước, ấy chính là “Miếu Một”…

Thuê một chiếc thuyền nhỏ chèo ra ngã ba sông Hàn và sông Cổ Cò thị sát, chứng kiến nơi “Miếu Một” ngày xưa chỉ còn lại một cây đa nhỏ gần bật gốc, chúi xuống sông mà không khỏi chạnh lòng. Cụ Trần Cảnh Thuỳ đã ngoài tuổi 94, râu tóc bạc phơ, thắp nén hương trầm, chắp tay khấn nguyện hương hồn người đã khuất, rồi chậm rãi nói: “Ông cố tui lúc sinh thời luôn dặn con cháu phải chăm nom, hương khói Miếu Một. Vì miếu thờ tướng quân Nguyễn Phục, đã khẳng khái “trung quân” mà chết oan trên bước đường Nam chinh”. Theo lời kể của cụ Thùy, Nguyễn Phục là một tiến sĩ nhà Lê, ông đã 3 lần đi sứ sang Trung Quốc, sau đó được vua Lê Thánh Tông giao trọng trách chuyển vận lương thực vào Nam đánh giặc. Trên đường vận chuyển quân lương đến cửa biển Tư Khánh thì gặp lúc bão lớn, ông quyết định cho neo thuyền lại chờ bão tan mới đi tiếp. Mặc cho quân sĩ can ngăn ông, rằng nếu chậm trễ việc quân sẽ bị nhà vua khép tội “khi quân”. Thế nhưng, ông khẳng khái: “Ta thà chịu tội còn hơn để các ngươi và lương thực làm mồi cho cá!”. Khi ông đưa được đoàn quân lương đến được vùng đất bên cửa Hàn thì bị trễ hai ngày. Vậy là, theo quân pháp, ông bị chém chết tại Hoá Khuê. Uất ức vì chủ tướng bị chết oan, hàng trăm tướng sĩ dưới quyền ông cũng rút gươm tự sát, chết theo ông. Sau khi tướng Nguyễn Phục chết, nhân dân các làng Thị An, Hoá Khuê… phong ông làm thành hoàng và thờ cúng tại Miếu Một!”…

Từ ngã ba sông Hàn và sông Cổ Cò chèo thuyền xuôi ra biển, qua địa phận phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà (Đà Nẵng). Nới đây, còn có một người khác ra đi từ đất Thăng Long vào làm Thủ ngự cửa Đà Nẵng, đó là tướng quân Lê Thanh Quảng. Ông đã có công giữ yên bờ cõi và cửa Hàn, nên khi chết, được an táng và thờ cúng tại làng An Hải. Song, vào cuối thập niên 70, do phong trào cải tạo đồng ruộng, người ta đã bốc mộ ông chuyển đi nơi khác. Dịp đó, một người làng An Hải là ông Nguyễn Văn Đi đã nhặt được thành kiếm cổ chôn theo tướng quân Lê Thanh Quảng. Tiếc thay, thanh kiếm đã được bán cho một người mua đồ cổ, nay không còn tung tích...

Đến núi Xuân Dương thăm lại miếu thờ Huyền Trân Công chúa, viếng mộ các vị tùy tướng của Trần Khắc Chung liều mình cản quân Chiêm Thành để cứu nguy cho nàng công chúa út vua Trần Nhân Tông trên bước đường “hồi cố hương”... Ra ngã ba sông Hàn và sông Cổ Cò tìm lại dấu tích “Miếu Một”, nhớ về tướng quân Lê Thanh Quảng… Một miếu thờ Huyền Trân Công chúa đổ nát, hiu quạnh; mộ các vị tùy tướng liều chết chặn quân Chiêm để võ tướng Trần Khắc Chung đưa Huyền Trân Công chúa thoát ra thành Hóa Châu cũng đang trong diện di dời giải toả; ngôi mộ của người công chúa là vợ ông Phan Công Thiên ở Đà Sơn, miếu thờ tướng quân Nguyễn Phục cũng bị lũ lụt cuốn trôi, đồ thờ tự xiêu tán; phần mộ của tướng quân Lê Thanh Quảng xiêu lạc không biết về đâu… Ngẫm lại những điều được nghe và trông thấy, không khỏi xót xa. Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã cận kề. Những người con ra đi từ đất Thăng long xưa vẫn còn lưu dấu nơi của ngõ yết hầu miền Thuận Quảng, đô thị phồn thịnh Đà Nẵng hôm nay...

L.V – H.G


NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN
Sóng nước Đà giang
1. Muôn dặm sông Hàn

Nói đến sông ngòi ở Đà Nẵng, người ta thường chỉ nghĩ đến sông Hàn, sông Vĩnh Điện, sông Cổ Cò, sông Yên, sông Túy Loan, sông Cu Đê. Nhưng thật ra, cũng như nhiều vùng đất khác dọc duyên hải miền Trung, Đà Nẵng có lắm con sông, với nhiều tên sông mà đôi lúc người Đà Nẵng cũng không nắm bắt hết được, như các sông Cẩm Lệ, Cầu Đỏ, Lỗ Đông, Lỗ Trào, Hội Phước, Đồng Nghệ, Quá Giáng, Nam, Bắc, Cha Nay, Phú Lộc, Lậu, Lai, Quốc, Kiểng, Con, Ban Ban…

Sông ngòi ở Đà Nẵng hầu hết đều ngắn và dốc, bắt nguồn từ những rặng núi phía tây và tây-nam chảy theo các hướng tây-đông, tây-đông bắc và nam-bắc, với trên 23 con sông có tên tuổi, phân bố thành hai hệ thống chính đổ vào vịnh Đà Nẵng, đó là hệ thống sông Hàn và hệ thống sông Cu Đê, cùng những con sông nhỏ.

Sông Hàn

Sông Hàn có tên chữ là Hàn giang, thời Pháp thuộc còn được gọi là sông Đà Nẵng. Nhìn từ phía thượng nguồn, sông Hàn nằm ở tận cùng của Hệ thống sông Hàn, tọa độ vùng cửa sông là 16°05’25” vĩ độ bắc và 108°13’26” kinh độ đông.

Con sông Hàn bắt đầu ở ngã ba sông chỗ hợp lưu giữa sông Cẩm Lệ và sông Vĩnh Điện, tại phường Hòa Cường Nam thuộc quận Hải Châu, cũng là nơi giáp giới với hai quận Cẩm Lệ và Ngũ Hành Sơn. Sông chảy theo hướng nam-bắc, đi qua địa bàn các quận Hải Châu, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà rồi đổ ra vịnh Đà Nẵng với chiều dài khoảng 7,2km. Chiều rộng của sông khoảng 900 – 1.200m, độ sâu trung bình 4 - 5m, lưu lượng dòng chảy 3m3/giây, có cảng sông đủ khả năng tiếp nhận các loại tàu hàng, tàu du lịch có trọng tải 3.000 – 4.000 tấn, là đầu mối giao thông thủy nối với các quận Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, huyện Hòa Vang và các huyện thuộc tỉnh Quảng Nam.

Trên sông Hàn hiện có năm cây cầu bắc qua, tính từ biển vào là Thuận Phước, Sông Hàn, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý, Tuyên Sơn và một cầu đang xây dựng là Cầu Rồng. Dòng sông Hàn chảy qua đã góp phần cân bằng hệ sinh thái của thành phố Đà Nẵng, tạo nên bầu không khí mát mẻ và trong lành cho không gian đô thị đang ngày càng nhộn nhịp.

Sông Hàn ghi dấu đậm nét sự hiện diện của tàu thuyền nước ngoài đến giao thương suốt nhiều thế kỷ thời phong kiến, là một mục tiêu đánh chiếm trong cuộc xâm lược của liên quân Pháp – Tây Ban Nha năm 1858, và ngày nay là một trong những tác nhân đem đến sự phát triển của thành phố.

Hiện nay, những lễ hội hằng năm gắn liền với dòng sông Hàn là đua thuyền trên sông, thi bắn pháo hoa quốc tế.



Sông Vĩnh Điện

Vĩnh Điện là sông nối từ sông Thu Bồn ở Quảng Nam chảy ra địa phận thành phố Đà Nẵng qua các huyện Hòa Vang, quận Ngũ Hành Sơn và quận Cẩm Lệ rồi hợp lưu với sông Cẩm Lệ ở phường Hòa Cường Nam thuộc quận Hải Châu để tạo thành sông Hàn.

Phần sông Vĩnh Điện trên đất Đà Nẵng chảy theo hướng nam-bắc, dài chừng 12km, rộng khoảng 200m, tọa độ xác định tại khu vực hạ lưu sông Vĩnh Điện là 16°01’52” vĩ độ bắc và 108°13’53” kinh độ đông. Trước kia sông Vĩnh Điện chỉ là một dòng chảy nhỏ, thời Nguyễn cho đào mở rộng và chỉnh dòng để phục vụ nông nghiệp và giao thương. Khi liên quân Pháp-Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng năm 1858, triều Nguyễn đã huy động nhân dân phủ Điện Bàn đổ đất đá vào sọt tre, rồi đem lấp bớt dòng sông Vĩnh Điện để giảm lưu lượng nước đổ về, nhằm làm cho mực nước sông Hàn hạ xuống, khiến tàu chiến hạng nặng của quân xâm lược không thể vào trong sông được.

Sông mang tên Vĩnh Điện là do chảy qua vùng đất Vĩnh Điện ở tỉnh Quảng Nam, nhưng đoạn sông Vĩnh Điện từ cầu Tứ Câu xuống hạ lưu có khi được dân địa phương gọi là sông Tứ Câu; còn tên gọi phổ biến nhất là sông Cái. Khi đi qua làng Cổ Mân (nay là các tổ dân phố 4, 5, 6, 7, 8 thuộc phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) để hội lưu với sông Cẩm Lệ, dân địa phương gọi là sông Cổ Mân. Ngược lại, do sông cũng đi qua làng Mân Quang (nay là các tổ dân phố 19, 20, 21, 22, 23, 24 thuộc phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn), nên còn được gọi là sông Mân Quang.

Sông Vĩnh Điện có nhiều loài thủy sinh cư trú, nổi tiếng nhất là loài hến ngọt. Con sông này rất quan trọng đối với cảnh quan, môi trường trên địa bàn, có thể phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, đánh bắt thủy sản, giao thông vận tải và du lịch sinh thái (như ở Hòa Xuân, Đồng Nò).


Каталог: files
files -> Sạt-đe rằng: Nầy là lời phán của Đấng có bảy vì thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao
files -> HƯỚng dẫn càI ĐẶt và SỬ DỤng phần mềm tạo bài giảng e-learning
files -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
files -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Thị Hương XÂy dựng quy trình quản lý CÁc công trìNH
files -> PHỤ LỤC 2 TỔng hợp danh mục tài liệu tham khảO
files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
files -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
files -> 1. Mục tiêu đào tạo: Mục tiêu chung

tải về 1.29 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   15




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương