Tập sách được sự tài trợ của ubnd thành phố Đà Nẵng Để Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững



tải về 1.29 Mb.
trang15/15
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích1.29 Mb.
#9078
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   15

Sông Cẩm Lệ




Từ ngã ba sông Hàn-sông Vĩnh Điện ở phường Hòa Cường Nam thuộc quận Hải Châu ngược lên thượng nguồn đến chỗ Cầu Đỏ trên đường quốc lộ 1A được gọi là sông Cẩm Lệ. Tọa độ xác định tại khu vực hạ lưu sông Cẩm Lệ là 16°01’52” vĩ độ bắc và 108°13’53” kinh độ đông. Sông có dòng chảy theo hướng tây-đông bắc, qua địa bàn quận Cẩm Lệ và một phần thuộc phường Hòa Cường Nam ở quận Hải Châu, rộng trung bình khoảng 250m với chiều dài 5,6km.

Tương truyền, ngày xưa có một người con gái tên Cẩm vì chuyện duyên tình trái ngang đã trầm mình xuống sông tự vẫn; khi được vớt lên, nhiều người đã nhỏ đôi dòng lệ khóc thương cô gái, nên dòng sông từ đó mang tên Cẩm Lệ.

Một cách lý giải khác thì cho rằng vào thời Hồ - Lê thế kỷ XV-XVI, dòng sông này vốn chỉ là một con lạch nhỏ, sau nhờ dòng chảy thay đổi mới mở ra thành sông lớn, có nhiều phù sa bồi đắp nên bờ sông trở nên màu mỡ. Trên nền đất bồi, giống mướp đắng (khổ qua) có da màu đen không biết từ đâu sinh sôi, nẩy nở rất nhanh, người dân ăn không hết mới đem bán cho dân cư quanh vùng, riết thành quen nên gọi luôn là sông Cẩm Lệ (dân địa phương cho rằng Cẩm Lệ có nghĩa là “trái khổ qua da đen”).

Sông Cẩm Lệ có nhiều loài động thực vật nước, là một trong những nguồn lợi để mưu sinh của dân chúng ở đôi bờ. Đặc biệt, lượng phù sa lớn được bồi đắp hằng năm rất thuận tiện cho việc trồng hoa màu.

Ngày trước, bên sông Cẩm Lệ có nhiều lễ hội được tổ chức hàng năm, như lễ “Phong Lệ mục đồng”, lễ “Rước Hến” (mồng 1 tháng Giêng Âm lịch), lễ “Tạ sông” (mồng 10 tháng 7 Âm lịch).

Ngày nay, năm nào Hội đua ghe Cẩm Lệ cũng được tổ chức vào ngày 25 tháng Giêng Âm lịch, cứ 3 năm tổ chức đua lớn một lần.



Sông Cầu Đỏ

Từ Cầu Đỏ tiếp tục ngược lên thượng nguồn, đến chỗ hợp lưu của sông Yên và sông Túy Loan ở xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, gọi là sông Cầu Đỏ. Tọa độ xác định tại khu vực hợp lưu thành sông Cầu Đỏ là 15°59’42” vĩ độ bắc và 108°09’45” kinh độ đông. Dòng chảy của sông Cầu Đỏ từ ngã ba sông hợp lưu về Cầu Đỏ theo hướng tây-đông, qua địa bàn các xã Hòa Tiến, Hòa Châu, huyện Hòa Vang và phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, rộng chừng 190m, dài khoảng 3,9km.

Tên gọi sông Cầu Đỏ được đặt theo tên chiếc cầu sơn màu đỏ xây dựng trên đường 1A từ thời Pháp thuộc (bây giờ cầu đã được sơn màu trắng).

Đầu thế kỷ XX, sông Cầu Đỏ còn là con sông nhỏ, nhưng về sau lớn dần lên, là nguồn nước quan trọng phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn nhiều xã phường ở hu yện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ, đồng thời có nhà máy nước Cầu Đỏ cung cấp nước uống cho toàn thành phố Đà Nẵng.

Sông Cầu Đỏ có các chi lưu là sông Yên và sông Túy Loan. Sông Yên vốn là phân lưu từ sông Vu Gia ở Quảng Nam chảy ra; còn sông Túy Loan thì bắt nguồn tận vùng núi Bà Nà, tiếp tục có các chi lưu là sông Lỗ Đông, sông Lỗ Trào và sông Hội Phước.

Vậy là, dòng sông Hàn thoáng trông thì ngắn ngủn, nhưng hóa ra đã tiếp nhận khôn xiết cơ man nguồn nước khổng lồ từ cả một hệ thống sông nước liên tục đổ về, góp phần làm nên sự tươi mát và thịnh vượng cho thành phố sông-biển nên thơ và độc đáo của miền Trung.


2. Những con sông rót nước qua Hàn

Sông Hàn là một hệ thống sông nước đan xen dày đặc và liên thông với nhau bởi nhiều dòng chảy; vì vậy, không riêng gì sông Hàn, sông Cẩm Lệ, sông Cầu Đỏ, sông Vĩnh Điện, còn có rất nhiều con sông khác ở Đà Nẵng rót nước qua cửa sông Hàn.


Sông Yên

Sông Yên là một chi lưu của sông Cầu Đỏ, nằm về phía hữu ngạn, nhưng đồng thời cũng là phân lưu từ sông Vu Gia ở Quảng Nam. Tọa độ tại khu vực hạ lưu sông Yên là 15°59’42” vĩ độ bắc và 108°09’45” kinh độ đông.

Nguyên sông Vu Gia từ Kon Tum khi chảy đến Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam thì có phân lưu là sông Quảng Huế chia nước đổ vào sông Thu Bồn; còn sông Yên thì tách ra ở chỗ giáp ranh giữa xã Đại Hòa và Đại Nghĩa chảy lên phía bắc, qua các xã Đại Hiệp (huyện Đại Lộc), Điện Tiến và Điện Hồng (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), rồi chảy vào huyện Hòa Vang thuộc thành phố Đà Nẵng qua các xã Hòa Khương, Hòa Phong và hợp lưu với sông Túy Loan ở xã Hòa Tiến, tạo thành sông Cầu Đỏ.

Sông Yên còn có tên là sông Thạch Bồ, với nghĩa là loại cỏ dược liệu có hương thơm, đồng thời cũng là tên làng Thạch Bồ ở ven sông (nay là thôn Thạch Bồ thuộc xã Hòa Tiến và thôn Thạch Bồ ở xã Hòa Phong). Dòng sông trước đây sâu khoảng 3-4 mét và rộng chừng trăm mét, nhưng nay có nhiều đoạn đã rộng gần 200 mét và sâu hơn trước rất nhiều.

Trên sông Yên, giữa địa phận hai xã Hòa Khương và Hòa Tiến có đập thủy lợi An Trạch được xây dựng từ thời Pháp thuộc, thường gọi là Ba-ra An Trạch.

Không chỉ có phong cảnh hết sức hữu tình, mà hằng năm sau Tết Âm lịch, cá từ các vùng nước lợ ngược dòng sông Yên đẻ trứng, đặc biệt là cá mòi, rồi cá từ thượng nguồn về sinh sản, tạo thành nguồn lợi đặc sản của con sông. Đó là món quà thiên nhiên ban tặng cho cư dân quanh vùng thêm nguồn sinh kế, là thú vui cho tao nhân mặc khách thưởng thức vào mùa du lịch.



Sông Túy Loan




Túy Loan cũng là một chi lưu của sông Cầu Đỏ, nằm về phía tả ngạn, tọa độ tại khu vực hạ lưu sông Túy Loan là 15°59’42” vĩ độ bắc và 108°09’45” kinh độ đông.

Sông Túy Loan bắt nguồn từ sườn phía đông núi Bà Nà, hoàn toàn nằm trong địa phận huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, dài chừng 30km, diện tích lưu vực 160km2, chiều dài lưu vực là 25km, chiều rộng bình quân lưu vực 10,3km, lưu lượng nước trung bình năm của sông là 6,47m3/s, chảy theo hướng tây-đông, đến xã Hòa Tiến thì hợp lưu với sông Yên tạo thành sông Cầu Đỏ.

Thời Pháp thuộc, đoạn sông Túy Loan uốn quanh từ ngã ba đường 14B và đường 604 xuống hạ lưu phía dưới cầu Giăng có lạch Vũng Gạch nối tắt sông, nay con lạch đã bị lấp bằng.

Thượng nguồn sông Túy Loan có rất nhiều loài cá sinh sống, đặc biệt là cá khứu, cá sứt môi, cá bám đá. Con sông này còn có các chi lưu ở phía hữu ngạn là sông Lỗ Đông (xã Hòa Phú), phía tả ngạn là sông Lỗ Trào (xã Hòa Ninh) và sông Hội Phước (các xã Hòa Phú và Hòa Nhơn).



Sông Lỗ Đông

Lỗ Đông là một chi lưu của sông Túy Loan, nằm ở địa bàn xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, diện tích lưu vực 68km2. Trên sông có hồ chứa nước Lỗ Đông với lòng hồ là thung lũng sông dài 4km, qua các thôn Phú Túc, Hòa Hải, Đông Lâm, rộng trung bình 150m.

Đầu nguồn sông Lỗ Đông có rất nhiều các loài cá khứu, cá sứt môi, cá bám đá sinh sống. Sông Lỗ Đông có một chi lưu nhỏ là sông Đồng Nghệ.

Sông Lỗ Trào

Lỗ Trào cũng là một chi lưu nhỏ của sông Túy Loan, có diện tích lưu vực 16km2, trên sông có hồ chứa nước Lỗ Trào, lòng hồ qua các thôn Trung Nghĩa, Hòa Trung thuộc xã Hòa Ninh, rộng chừng 2km2.



Sông Quá Giáng

Quá Giáng cũng là một phân lưu của sông Vu Gia như sông Yên, nhưng tách ra ở vùng hạ lưu, chảy theo hướng tây-đông bắc, ra địa phận Đà Nẵng rồi hội lưu với sông Vĩnh Điện ở xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, giáp với phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn.

Sông Quá Giáng là nguồn tiếp nước quan trọng cho sông Vĩnh Điện và sông Hàn, nhưng đang ngày càng lâm vào tình trạng sạt lở thường xuyên, sông mở rộng ra và ăn sâu vào khu dân cư ở ven bờ, ở mức báo động.

Sông Cổ Cò

Cổ Cò là con sông nổi tiếng từ xưa, nối sông Cẩm Lệ thông vào cửa Đại ở Hội An, dài chừng 27km. Trên đất Đà Nẵng ngày nay, sông Cổ Cò chạy dài từ Đập Quan qua các vùng Sơn Thủy, Đông Hải, Tân Trà, An Nông thuộc hai phường Hòa Hải, Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, dài khoảng 13km, rộng chừng 200m và độ sâu trung bình gần 3m.

Trong các thế kỷ XVII, XVIII, khi Đà Nẵng chỉ mới giữ vai trò tiền cảng, đây là đường thủy thông thương huyết mạch giữa Đà Nẵng với Hội An, tàu thuyền nước ngoài thường xuyên ra vào Hội An mua bán theo đường sông này. Từ thế kỷ XIX, sông bị bồi lấp dần, đến nay chỉ còn từng đoạn.

Sông Cổ Cò có tên chữ là Lộ Cảnh Giang, còn tên nôm là Cổ Cò, vì hình dáng con sông uốn lượn giống cổ con cò. Đoạn sông Cổ Cò chảy qua giữa phường Hòa Hải về phía tây nam được dân địa phương gọi là sông Bãi Dài; đoạn sông nằm ở đầu phường Hòa Hải về phía tây bắc được ví là bụng cò, dân gian gọi là sông Ba Chà.

Con sông này rất quan trọng đối với môi trường sinh thái của quận Ngũ Hành Sơn, đồng thời cũng phục vụ đắc lực cho việc phát triển kinh tế nông nghiệp, du lịch trên địa bàn. Hiện nay, mỗi khi mùa Lễ hội Quán Thế Âm ở Ngũ Hành Sơn vào 19 tháng Hai Âm lịch hằng năm diễn ra, trên sông Cổ Cò thường có hội hoa đăng, hội múa rồng, múa lân.
3. Sông về cửa tấn Cu Đê

Nếu như phần lớn sông ngòi ở khu vực phía nam thành phố Đà Nẵng thông dòng với nhau rồi tập trung rót nước qua cửa sông Hàn theo hướng nam-bắc, thì mạng lưới các con sông ở địa bàn phía bắc thành phố lại theo dòng Cu Đê đổ nước ra vịnh Đà Nẵng theo hướng tây-đông.

Bắt nguồn từ dãy Bạch Mã nối liền giữa vùng núi phía tây thành phố Đà Nẵng với tỉnh Thừa Thiên-Huế, con sông Bắc chảy dần theo hướng tây-đông trên địa bàn xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Nước của dòng sông Bắc còn được tiếp thêm sức bởi một chi lưu chảy từ phía bắc xuống là sông Cha Nay. Lưu vực sông Bắc còn nhiều cánh rừng hoang sơ được khoác lên vẻ đẹp thiên nhiên hoang dã với những địa danh như Tà Lang, hố Giếng, lỗ Cối (thượng, hạ), thác Xếp, Nà Mùn, Đá Bò, khe Mun, thác Rễ, khe Giao... Ở khu vực sông Bắc có vàng sa khoáng.

Ngay trên địa bàn xã Hòa Bắc, còn có một con sông khác ở phía hữu ngạn, mang tên sông Nam. Dòng sông Nam bắt nguồn từ phía tây, chảy qua những khu rừng có rất nhiều loại gỗ quý, rồi hợp lưu với sông Bắc tại vị trí cầu Sập thuộc thôn Giàn Bí, tạo nên dòng sông Cu Đê tiếp tục chảy ra biển. Tên cầu Sập xuất phát từ chỗ ở đây có một cây cầu đã bị sụp đổ từ hồi chiến tranh, nên trước đây dân địa phương cũng gọi luôn tên thôn là thôn Cầu Sập.

Lưu vực sông Nam và sông Bắc rất phù hợp cho việc hình thành các khu du lịch sinh thái. Đặc biệt, hai thôn Tà Lang, Giàn Bí của người Cơtu ở trên địa bàn này cũng là một điểm nhấn văn hóa rất đáng được bảo tồn và phát triển.

Từ chỗ nhập lưu của hai chi lưu sông Bắc - sông Nam, sông Cu Đê chảy theo hướng tây-đông, qua các xã Hòa Bắc, Hòa Liên thuộc huyện Hòa Vang rồi chảy về quận Liên Chiểu, đi qua ranh giới giữa hai phường Hòa Hiệp Bắc và Hòa Hiệp Nam để đổ nước ra vịnh Đà Nẵng tại cửa Nam Ô, cách chân đèo Hải Vân chừng 5km. Một số tài liệu cổ chép tên sông Cu Đê là sông Câu Đê, chẳng qua là do cách đọc khác âm trên cùng mặt chữ Hán mà thôi. Tổng chiều dài của sông Cu Đê tính từ vị trí bắt đầu ở xã Hòa Bắc về tới biển là 38 km, lòng sông rộng chừng 160-200m, diện tích lưu vực khoảng 426km2.

Sông Cu Đê chảy trên địa bàn xã Hòa Bắc đã góp phần tạo nên nhiều phong cảnh hấp dẫn ở vùng ven sông. Khởi đầu của dòng Cu Đê là vũng Bọt ở ngã ba sông. Xuống phía dưới là thác Ba, thác Dài rất thơ mộng. Tiếp đến là một cái vịnh nước khá dài và rộng, nước xanh ngắt với lòng sông khá sâu, có nhiều loài cá to sinh sống, ven bờ cây cối xanh um xỏa bóng che mát rượi dòng sông. Thượng nguồn sông Cu Đê có khá nhiều loài cá, trong đó chủ yếu là cá bám đá vây bằng, chình hoa, phao, chạch đá, chạch đuôi đỏ, bống đen, bống đá. Tiếp tục xuôi dòng, có một bãi sỏi rộng khoảng vài hécta nằm về phía hữu ngạn, với những lùm cây rù rì chen lẫn đá sỏi trông như một “thạch mộc trận”, gọi là Bến Sạn.

Khi chảy qua xã Hòa Liên (cũng thuộc huyện Hòa Vang), dòng Cu Đê còn được mang tên là sông Trường Định, do dân địa phương gọi theo tên thôn Trường Định nằm ở ven sông mà nên.

Trường Định là thôn thuộc xã Hòa Liên, có diện tích tự nhiên 1.071,11 ha, với 220 hộ dân và 983 nhân khẩu cư trú (số liệu thống kê tháng 9-2009). Địa thế Trường Định một bên là núi, một bên là sông, hơi bị cách ly với bên ngoài nên thường được ví như ốc đảo. Nhưng từ tháng 10-2008, cầu Trường Định được khởi công xây dựng ở ngay bến đò thôn, đến nay đã vào giai đoạn gần kết thúc, nên thế ốc đảo sắp được phá vỡ, đúng như tên gọi Trường Định thể hiện mong muốn cuộc sống ổn định bền lâu.

Đất Trường Định là nơi ngày xưa chúa Nguyễn đã từng đóng quân, có hành cung Trường Định. Tại thôn Trường Định, còn nhiều dấu vết của hành dinh Bến Giá thời chúa Nguyễn. Trên địa bàn xã Hòa Liên, thỉnh thoảng dân địa phương còn tìm thấy những hiện vật liên quan việc đóng quân dưới thời chúa Nguyễn như mâm đồng rồng 5 móng, độc bình cổ, ấm chén, kiếm cổ. Tên gọi một số địa điểm ở xã Hòa Liên vẫn còn ghi dấu về thời kỳ đó như Vườn Đồn, Vườn Lẫm (kho), Vườn Hành (hành cung). Trong Đồng Khánh dư địa chí cuối thế kỷ XIX, Trường Định là một trong 31 xã thôn thuộc tổng Hòa An Thượng, huyện Hòa Vang.

Trong thời chống Pháp và chống Mỹ, Trường Định là mảnh đất thường xuyên gánh chịu bom đạn ác liệt, nhưng vẫn chuyên nuôi giấu các chiến sĩ cách mạng. Quân địch đã nhiều lần kéo đến Trường Định càn quét, quấy phá, bắt bớ, đàn áp nhân dân. Địa phương này là đơn vị anh hùng của huyện Hòa Vang.

Rời huyện Hòa Vang, dòng Cu Đê tiếp tục xuôi về địa bàn quận Liên Chiểu. Tại đây, sông còn nhận được một số chi lưu nhỏ ở vùng hữu ngạn. Do hạ lưu sông Cu Đê đi qua làng Thủy Tú cũ (nay là các tổ dân phố 31, 32, 33, 34, 35, 36, 37 thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu), nên từ xưa dân địa phương gọi đoạn này là sông Thủy Tú. Ở đây gần biển, nên trong sông đã xuất hiện một số loài cá từ vùng cửa sông di cư vào như cá căng, cá mú và đặc biệt có cả những loài quý hiếm như cá chình hoa, cá ngựa xám.

Ngày trước, đàn ông làng Thủy Tú sinh sống bằng nhiều nghề, cả việc lên rừng lẫn xuống biển, nhưng nhiều nhất là khai thác thủy sản trên dòng Cu Đê. Phụ nữ Thủy Tú thường đảm nhận việc tiêu thụ sản phẩm thu được ở các chợ quanh vùng, và mua sắm vật dụng sản xuất, sinh hoạt cho gia đình.

Dòng Cu Đê chảy hết trên phần đất ngang qua các làng cũ Thủy Tú (bờ bắc), Xuân Dương (bờ nam, nay là các tổ dân phố từ số 39 đến số 47 thuộc phường Hòa Hiệp Nam), Nam Ô (nay là các tổ dân phố từ số 21 đến số 38 thuộc phường Hòa Hiệp Nam) thì đổ ra vịnh Đà Nẵng. Nơi sông đổ ra biển gọi là cửa Cu Đê. Tọa độ vùng cửa sông Cu Đê được xác định là 16°7’25” vĩ độ bắc và 108°8’37” kinh độ đông. Cửa sông Cu Đê còn được gọi là cửa sông Thủy Tú, cửa biển Nam Ô, nhưng không phổ biến.

Thời Nguyễn ở thế kỷ XIX, chiều rộng cửa Cu Đê đo được 25 trượng (khoảng 106 mét tây, mỗi trượng đo chiều dài tương đương 4,25m), thủy triều lên sâu 4 thước 5 tấc (1,91m), thủy triều xuống sâu 3 thước (1,27m). Tại đây, đầu triều vua Gia Long đã cho lập “tấn biển” Cu Đê, đặt một viên “thủ ngự” và cắt cử “thủ dân” để tuần phòng ngoài biển, xét hỏi việc đi lại. Đến năm 1851, tấn Cu Đê bị cho là “cửa biển nông hẹp, ngoài biển đã có tấn Đà Nẵng”, vì vậy vua Tự Đức bỏ tấn Cu Đê, rút viên tấn thủ đi nơi khác, còn thủ dân thì giao về làng chủ quản ghi vào sổ đinh để làm sai dịch.

Dù chỉ khoảng nửa thế kỷ tồn tại với tư cách là một tấn biển, nhưng cửa Cu Đê trở thành một phần của lịch sử hệ thống hải phòng ở vịnh Đà Nẵng, và tên gọi cửa tấn Cu Đê đã ăn sâu vào tâm khảm mọi người, là niềm tự hào từ bao đời nay của người dân vùng cửa sông phía bắc thành phố Đà Nẵng.


Chuyện những dòng sông nhỏ

Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, ngoài hai hệ thống sông chính đổ vào vịnh Đà Nẵng gồm hệ thống sông Hàn và hệ thống sông Cu Đê, còn có những dòng sông nhỏ hòa mình vào mạng lưới sông nước ở đây.

Đáng kể nhất trong số những con sông còn lại, là sông Phú Lộc. Bắt nguồn từ khu vực Khánh Sơn thuộc phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, sông chảy qua các phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), Thanh Khê Tây và Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê) rồi đổ ra biển Đông. Sông có chiều dài hơn 5.000 mét, rộng trung bình 40-50 mét, nơi rộng nhất khoảng 70-80 mét. Vào thời Nguyễn, ở vị trí con sông này đổ ra biển được gọi là cửa Thanh Khê. Ngày nay, cửa sông nằm trên đường Nguyễn Tất Thành thuộc phường Thanh Khê Đông.




Xưa kia, sông được gọi tên là sông Phát. Theo chuyện kể lưu truyền trong dân gian địa phương, tên sông Phát có từ thời Hậu Lê (thế kỷ XV-XVI). Do sông có chảy qua địa phận làng Phú Lộc, nên từ năm 1965, tên làng Phú Lộc được lấy để đặt tên cho sông. Có lẽ khi lấy tên sông là Phú Lộc, người dân còn thể hiện ước mơ về cuộc sống sung túc, phúc lộc dồi dào.

Suốt nhiều thế kỷ, sông Phát, rồi sông Phú Lộc có môi trường nước trong lành, giữ vai trò lớn trong điều hòa khí hậu, cân bằng hệ sinh thái và môi trường sống ở lưu vực; vì vậy sông thường đầy dẫy cá tôm, là nơi người dân khai thác các loài thủy sản để mưu sinh, là đường giao thông thủy, là nguồn nước sạch mà dân cư đôi bờ dùng để phục vụ sinh hoạt gia đình. Tuy nhiên, hiện nay sông đã bị ô nhiễm nặng nề, mất cân bằng sinh thái và nguồn lợi kinh tế sút giảm xuống mức rất thấp.

Ở địa bàn quận Cẩm Lệ, ngoài hai con sông Cẩm Lệ và Vĩnh Điện (sông Vĩnh Điện có các tên gọi địa phương khác là Tứ Câu, Cái, Mân Quang, Cổ Mân), còn có hai con sông nhỏ là sông Lậu và sông Lai.

Sông Lậu và sông Lai đều nằm ở phường Hòa Xuân. Sông Lai rất khiêm tốn với chiều ngang khoảng 10 mét và chỉ dài hơn 1.000 mét; còn sông Lậu cũng chỉ rộng từ 10-12 mét, dài khoảng 2.000 mét, thông với sông Vĩnh Điện. Sông Lậu còn được dân địa phương gọi là “hói Lậu”, vì chiều rộng của sông đã bị thu hẹp khá nhỏ như con hói. Cả hai con sông này trước kia vốn là nơi có nhiều cá, tôm và các loài thực vật nước sinh sống, đồng thời cũng là nguồn nước quan trọng phục vụ cho hoạt động nông nghiệp trên địa bàn. Sau do dòng chảy yếu dần, sông thu hẹp lại, loài thủy sinh còn lại nhiều nhất trên sông chủ yếu là bèo, nên dân địa phương còn gọi tên hai con sông này theo nghĩa châm biếm là “sông Bèo”.

Tại quận Ngũ Hành Sơn, ngoài ba dòng sông lớn bao quanh hoặc chảy ngang địa phận là sông Hàn, sông Cổ Cò, sông Vĩnh Điện; có bốn con sông nhỏ nữa là sông Con, sông Quốc, sông Kiểng, sông Ban Ban.




Sông Con nằm ở phường Khuê Mỹ, có chiều ngang khoảng 70-90 mét, dài hơn 1.000 mét. Theo lời kể của dân địa phương, xưa kia sông này do người dân tự đào dựa theo dòng chảy có sẵn để phục vụ tưới tiêu nông nghiệp. Vì sông nhỏ hơn so với các sông khác, nên mới gọi là sông Con. Đến thời Nguyễn, sông Con còn được gọi tên chữ là sông Mỹ Thị. Sông Con rất quan trọng đối với nhu cầu cân bằng sinh thái và môi trường sống, đồng thời còn phục vụ cho việc phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn.

Ba con sông còn lại là sông Quốc, sông Kiểng, sông Ban Ban đều nằm ở phường Hòa Quý. Sông Quốc dài khoảng 2.000 mét, chiều ngang hiện nay đã bị thu hẹp lại, chỉ còn như một con mương; sông Kiểng (cũng gọi là hói Kiểng) trước đây rất rộng, nằm sát sông Vĩnh Điện, nhưng ngày nay đã bị bồi lấp; còn sông Ban Ban (cũng gọi là bàu Ban Ban) lại có hình dạng như cái hồ nước, diện tích mặt nước chiếm khoảng 3.000m2. Các con sông này đều có vai trò quan trọng đối với môi trường sinh thái và phục vụ cho phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương, nhưng hoặc là đã bị thu hẹp, hoặc bị bồi lấp dần.

Có thể khẳng định mạng lưới sông ngòi ở Đà Nẵng không hề bé nhỏ, với nhiều con sông như sông Cu Đê, sông Lỗ Đông, sông Lỗ Trào, sông Túy Loan, sông Yên, sông Vĩnh Điện có trữ lượng nước rất lớn. Đó là nguồn nước dự trữ hết sức quý giá của thành phố Đà Nẵng, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, môi trường ở Việt Nam và toàn cầu hiện nay. Nguồn lợi thủy sản và giao thông thủy, du lịch đường sông cũng là tài sản lớn mà hệ thống sông ngòi Đà Nẵng đang chứa đựng.

Nhìn về xuất phát điểm, dường như những dòng sông ở Đà Nẵng đều hết sức trong lành, thanh bình và gắn bó thân thiện nhiều mặt với con người qua nhiều giai đoạn lịch sử. Nhưng cùng với thời gian, sự dịch chuyển của trời đất, thiên tai và những tác động vô ý thức của con người, sông ngòi ở đây cũng đã bắt đầu biến dạng và liên tục bày tỏ những phản ứng dữ dội đối với con người.

Sự phát triển kinh tế-xã hội và quá trình đô thị hóa đã tạo những hệ quả ngoài ý muốn cho những dòng sông. Rác thải của các khu công nghiệp, bãi rác của thành phố, rác thải sinh hoạt từ cộng đồng dân cư, rác thải của cơ sở y tế, nước thải của các trạm xử lý nước thải… khiến nhiều dòng sông bị ảnh hưởng và ô nhiễm nặng nề. Điển hình như ở sông Phú Lộc, nhất là đoạn hạ lưu từ đường Điện Biên Phủ đổ về, rồi sông Cẩm Lệ, sông Cổ Cò…

Dòng sông Yên từ chỗ ngày xưa rộng khoảng hơn 100 mét, dần dần bị mở ra gần gấp đôi do nạn khai thác cát sạn làm sụt lún những lũy tre ven bờ, nước cuốn gây sạt lở nhiều đoạn. Thậm chí, độ sâu của dòng sông cũng thay đổi, nhiều chỗ đáy sông bị khoét rất sâu. Trên sông Túy Loan, tình trạng khai thác cát bừa bãi cũng gây sạt lở bờ sông nghiêm trọng, khiến dòng sông rộng ra, ở đôi bờ diện tích đất canh tác bị thu hẹp dần, cuộc sống của nhiều hộ dân lao đao vì nguy cơ mất kế mưu sinh. Ở lưu vực sông Quá Giáng, nạn ghe thuyền hút cát tùy tiện và liều lĩnh khiến lòng sông ngày càng sâu hoắm, ven bờ sạt lở liên miên, đe dọa sự tồn vong của nhiều nhà cửa, đình miếu.

Những nguy cơ khác cũng khiến những dòng sông có thể bị hủy hoại nghiêm trọng, nếu không ngăn chặn được tình trạng khai thác rừng và vàng sa khoáng bừa bãi, hay do dòng chảy bị bồi lấp mà không nạo vét kịp thời, hoặc do việc chặn dòng làm thủy điện thiếu hợp lý.

Tài nguyên nước là một báu vật của trời đất dành cho con người, nhưng con người cần phải luôn trân trọng, gìn giữ một cách khoa học, biết khai thác hợp lý, thì mới thụ hưởng được lợi ích đó một cách lâu dài và bền vững. Nếu không, những dòng sông hiền hòa sẽ có lúc quay lại trả đũa con người, và gây ra những hậu quả hết sức khôn lường cho con người.


N.Q.T.T

MỤC LỤC


TT

Tác giả

Tác phẩm

1

Trần Văn Minh

Để Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững

2

Nguyễn Đỗ Vĩnh Phong

Thành phố của tôi

3

Nguyễn Nhã Tiên

Lãng du một khúc đồng dao

4

Nguyễn Trường Tam

Gặp lại bên sông Hàn

5

Đinh Văn Dũng

Đêm Đà Nẵng

6

Đinh Thị Như Thúy

Về trong nỗi nhớ…

7

Trương Điện Thắng

Từ Đà Nẵng đến Tam giác vàng

8

Nguyễn Thị Thu Sương

Khung nhạc xuân

9

Nguyễn Hữu Đông

Gió ngoại ô

10

Nguyễn Nhã Tiên

Pháo hoa và ký ức sông Hàn

11

Vi Thùy Linh

Đà Nẵng, chờ môi nóng mùa đông…

12

Hải Học

Người nước ngoài tìm đến Đà Nẵng làm điêu khắc đá

13

Dân Hùng

Quê hương-qua cái nhìn của một người xa xứ

14

Mai Hữu Phước

Chuyện người đồng hương ở Cali

15

Linh Thy

Mùa xuân đầu tiên của một người Việt Nam “đặc biệt”

16

Trần Tuấn

Ghi trên đường cáp treo dài nhất thế giới

17

Nguyễn Nhã

Linh hồn đá

18

Lê Thành Văn

Vít nhành lau trắng

19

Nguyễn Thị Anh Đào

Một lần đến Hòa Vân…

20

Trần Trung Sáng

Một thoáng phù hoa

21

Nghi Thảo

Bên dòng sông Cu Đê

22

Bùi Tự Lực

Nơi những phần đời hao khuyết

23

An Thượng

Đất nở Hoa

24

Lê Anh Dũng

Có một Trường Sơn 532

25

Thanh Quế

Những bước thăng trầm

của nhà doanh nghiệp Thân Đức Nam



26

Trung Tiến

Hoàng Sa biển đảo mến yêu

27

Văn Thành Lê

Nghìn năm vàng dấu cát

28

Trần Ngọc Tuấn

Linh hồn bán đảo…

29

Đặng Ngọc Khoa

Mười chín tuổi ở Hoàng Sa…

30

Nguyễn Đình An

Nghĩ về người anh hùng và cuộc sống hôm nay

31

Hồ Duy Lệ

Hơn cả nguồn nước!

32

Lưu Anh Rô

Dọc miền Tây Bắc Hòa Vang

33

Lê Minh Quốc

Máu ngàn đời vẫn tươi

34

Long Vân-Hoàng Giang

Dấu chân người Thăng Long trên đất Thuận Quảng xưa

35

Nguyễn Quang Trung Tiến

Sóng nước Đà Giang


BÚT KÝ ĐÀ NẴNG
Chịu trách nhiệm xuất bản:

Giám đốc TRƯƠNG CÔNG BÁO

Tổng biên tập HOÀNG VĂN CUNG
Biên tập:

NGUYỄN KIM HUY
Bìa và trình bày:

Họa sĩ PHAN NGỌC MINH
Sửa bản in:

NGUYỄN XUÂN PHƯƠNG DUNG



(1) Trong bài thơ viết về chị Lý “Người con gái Việt Nam” của Tố Hữu có câu “Cho anh hôn bàn chân em lạnh ngắt”


Каталог: files
files -> Sạt-đe rằng: Nầy là lời phán của Đấng có bảy vì thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao
files -> HƯỚng dẫn càI ĐẶt và SỬ DỤng phần mềm tạo bài giảng e-learning
files -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
files -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Thị Hương XÂy dựng quy trình quản lý CÁc công trìNH
files -> PHỤ LỤC 2 TỔng hợp danh mục tài liệu tham khảO
files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
files -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
files -> 1. Mục tiêu đào tạo: Mục tiêu chung

tải về 1.29 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   15




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương