TÌm hiểu về luật biển việt nam phần I nguồn gốc củA luật biển việt nam


Phần VIII CHỦ QUYỀN QUỐC GIA VÀ CHỦ QUYỀN QUỐC GIA TRÊN BIỂN



tải về 185.68 Kb.
trang3/3
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích185.68 Kb.
#13472
1   2   3

Phần VIII

CHỦ QUYỀN QUỐC GIA VÀ CHỦ QUYỀN QUỐC GIA TRÊN BIỂN
Quy chế pháp lý của các vùng biển và thềm lục địa đã được Luật Biển quy định một cách cụ thể, chặt chẽ và rõ ràng, với những nội dung rất khác nhau. Để hiểu được một cách cơ bản các quyền của quốc gia ven biển thực hiện trên các vùng biển và thềm lục địa của mình, trước hết chúng ta cần tìm hiểu về chủ quyền quốc gia.

Chủ quyền quốc gia gồm 2 nội dung: Quyền tối cao của quốc gia trong phạm vi lãnh thổ của mình và quyền độc lập của quốc gia trong quan hệ quốc tế.

Trong phạm vi lãnh thổ của mình, quốc gia có quyền tối cao về lập pháp, hành pháp và tư pháp. Mọi vấn đề chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của quốc gia phải do quốc gia đó quyết định, các quốc gia khác cũng như các tổ chức quốc tế không có quyền can thiệp, mọi tổ chức, cá nhân cư trú trên lãnh thổ của quốc gia đó phải tuân thủ pháp luật của quốc gia nếu điều ước quốc tế mà quốc gia đã ký kết không có quy định khác.

Trong quan hệ quốc tế, quyền độc lập của quốc gia thể hiện ở chỗ:

- Tự quyết định mọi vấn đề đối nội và đối ngoại của mình, các quốc gia khác không có quyền can thiệp hoặc áp đặt; không có một thế lực nào, cơ quan nào đứng trên quốc gia, có quyền đặt ra pháp luật và bắt buộc quốc gia phải thực hiện.

- Quốc gia chỉ có nghĩa vụ tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện đại, các quy định của điều ước quốc tế mà quốc gia đã ký kết hoặc tham gia, đồng thời tôn trọng các tập quán quốc tế cũng như các điều ước quốc tế do các quốc gia khác ký kết phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện đại.

Chủ quyền quốc gia trên biển cũng bao hàm những nội dung cơ bản nói trên.

Quốc gia ven biển thực hiện chủ quyền của mình một cách tuyệt đối, đầy đủ, toàn vẹn ở trong vùng nội thủy và thực hiện chủ quyền một cách đầy đủ, toàn vẹn ở trong lãnh hải. Bởi vì, nội thủy được coi là bộ phận đất liền như ao hồ, sông suối, các vùng nước nằm trong đất liền. Lãnh hải cũng được coi là lãnh thổ biển của quốc gia ven biển. Ranh giới ngoài của lãnh hải là biên giới quốc gia ven biển. Chủ quyền này được mở rộng đến vùng trời trên lãnh hải, cũng như đến đáy và lòng đất dưới đáy của lãnh hải.

Điều 9 Luật Biển Việt Nam quy định: "Nhà nước thực hiện chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ đối với nội thủy như trên đất liền ".

Điều 12 Luật Biển Việt Nam quy định: "Nhà nước thực hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với lãnh hải và vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải phù hợp với Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982".

Cần lưu ý chủ quyền đối với lãnh hải được thực hiện đầy đủ và toàn vẹn, nhưng không tuyệt đối như ở nội thủy. Bởi vì, tàu thuyền nước ngoài được quyền đi qua không gây hại. Điểm 2, Điều 12 Luật Biển Việt Nam quy định: "Tàu thuyền của tất cả các quốc gia được hưởng quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam. Đối với tàu quân sự nước ngoài khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam thông báo trước cho cơ quan có thẩm quyền Việt Nam ".

Các phương tiện bay của nước ngoài không được vào vùng trời ở trên lãnh hải Việt Nam, trừ trường hợp được sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam hoặc thực hiện theo điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên. Ngoài ra, Nhà nước Việt Nam có chủ quyền đối với mọi loại hiện vật khảo cổ, lịch sử trong lãnh hải Việt Nam.

Quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia

Theo quan điểm pháp lý quốc tế thì quyền chủ quyền là quyền riêng biệt của quốc gia được thực thi trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Đây là quyền có nguồn gốc chủ quyền lãnh thổ, mang tính chất chủ quyền. Trong khi đó, quyền tài phán là hệ quả của chủ quyền và quyền chủ quyền, có tác dụng bổ trợ tạo ra môi trường để thực thi chủ quyền và quyền chủ quyền. Như vậy quyền tài phán gắn bó chặt chẽ với lãnh thổ quốc gia. Tuy vậy, quyền tài phán cũng có thể thực thi ở nơi mà quốc gia đó không có chủ quyền. Chẳng hạn, quyền tài phán có thể được áp dụng trên tàu thuyền, phương tiện treo cờ của quốc gia đó khi chúng đang hoạt động trong các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của quốc gia khác. Quyền tài phán theo nghĩa rộng bao gồm:

- Thẩm quyền đưa ra các quyết định, quy phạm;

- Thẩm quyền giám sát việc thực hiện;

- Thẩm quyền xét xử của tòa án đối với một lĩnh vực cụ thể; theo nghĩa hẹp đó là thẩm quyền pháp định của tòa án khi xét xử một người hay một việc.
Phần IX

ĐẢO, ĐÁ VÀ BÃI CẠN THEO CÔNG ƯỚC LIÊN HỢP QUỐC
Điều 19 Luật Biển Việt Nam đã quy định về đảo, quần đảo như sau:

- Đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên, vùng đất này vẫn ở trên mặt nước. Quần đảo là tập hợp các đảo bao gồm cả bộ phận của các đảo, vùng nước tiếp liền và các thành phần tự nhiên khác có liên quan chặt chẽ với nhau.

- Đảo, quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam.

Quy định này hoàn toàn phù hợp với định nghĩa của Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982. Điều 121 của Công ước định nghĩa: "Một đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên, vùng đất này vẫn ở trên mặt nước".

Nội dung quan trọng hơn đó là chế độ pháp lý của các đảo: Các đảo có lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Tuy nhiên, các đảo "không thích hợp cho con người ở hoặc không có đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ".

Điều 20 Luật Biển Việt Nam quy định:

- Đảo thích hợp cho đời sống con người hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì có nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

- Đảo đá không thích hợp cho đời sống con người hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Còn đá, bãi cạn thì như thế nào? Điều 13 Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 đã quy định rõ: "Các bãi cạn nửa nổi nửa chìm là các vùng đất nhô cao tự nhiên có biển bao quanh, khi thủy triều xuống thấp thì lộ ra, khi thủy triều lên cao thì bị ngập nước".

Chế độ pháp lý của các bãi cạn, đá: Khi toàn bộ hoặc một phần bãi cạn nửa nổi, nửa chìm ở cách lục địa hoặc một đảo một khoảng cách không vượt quá chiều rộng lãnh hải thì ngấn nước triều thấp nhất ở trên các bãi cạn này có thể dùng làm đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải; khi chúng hoàn toàn ở cách lục địa hoặc ở cách một đảo một khoảng cách vượt quá chiều rộng của lãnh hải thì chúng không có lãnh hải riêng và các đường cơ sở thẳng chỉ được kéo đến hay xuất phát từ các bãi này khi trên đó có các công trình thiết bị nhân tạo thường xuyên nhô trên mặt nước.

Quốc gia quần đảo, quần đảo

Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 đã dành một phần (Phần IV), gồm các điều từ 46 đến 53, để quy định về phạm vi và chế độ pháp lý của quốc gia quần đảo và quần đảo. Theo đó, quốc gia quần đảo là quốc gia hoàn toàn được cấu thành bởi một hay nhiều quần đảo và có thể bao gồm một số đảo khác nữa. Còn quần đảo là một nhóm các đảo, kể cả các bộ phận của các đảo, các vùng nước nối giữa và các thành phần tự nhiên khác có liên quan với nhau chặt chẽ đến mức tạo thành một thể thống nhất về địa lý, kinh tế và chính trị, hay được coi như thế về mặt lịch sử.

Nội dung quan trọng nhất là tại Điều 47, Công ước quy định về đường cơ sở quần đảo: Quốc gia quần đảo có thể vạch các đường cơ sở thẳng của quần đảo nối các điểm ngoài cùng của các đảo xa nhất và các bãi đá nổi xa nhất của quần đảo, với điều kiện là tuyến các đường cơ sở này bao lấy các đảo chủ yếu và xác lập một khu vực mà tỷ lệ diện tích nước so với đất, kể cả vành đai san hô, phải ở giữa tỷ số 1/1 và 9/1.

Chiều dài của các đường cơ sở này không vượt quá 100 hải lý; hoặc có thể có chiều dài tối đa là 125 hải lý, nếu có 3% tổng số đường cơ sở bao quanh một quần đảo có chiều dài lớn hơn 100 hải lý; tuyến các đường cơ sở này không được tách xa rõ rệt đường bao quanh quần đảo. Các đường cơ sở này cũng không được kéo đến hay xuất phát từ các bãi cạn lúc nổi, lúc chìm, trừ trường hợp trên đó có xây các đèn biển hay các thiết bị tương tự thường xuyên nhô trên mặt nước hoặc trừ trường hợp toàn bộ hay một phần bãi cạn ở cách hòn đảo gần nhất một khoảng cách không vượt quá chiều rộng lãnh hải...

Với những nội dung này thì rõ ràng Công ước chỉ quy định cách vạch đường cơ sở thẳng cho quốc gia quần đảo, chứ không quy định cách vạch đường cơ sở cho các quần đảo không phải là quốc gia quần đảo. Điều đó được hiểu là cách vạch đường cơ sở tại các quần đảo thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển ở cách quốc gia đó một khoảng cách vượt quá chiều rộng lãnh hải thì sẽ phải tuân thủ các quy định tại Phần VIII, Điều 121: Chế độ các đảo.

Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam cũng phải tuân thủ quy định này của Công ước để vạch đường cơ sở và xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của chúng.



Đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển

Điều 34 Luật Biển Việt Nam đã quy định về đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển bao gồm:

- Các giàn khoan trên biển cùng toàn bộ các bộ phận phụ thuộc khác đảm bảo hoạt động bình thường và liên tục của các giàn khoan hoặc các thiết bị chuyên dùng để thăm dò, khai thác và sử dụng biển;

- Các loại báo hiệu hàng hải;

- Các thiết bị công trình khác được lắp đặt và sử dụng ở biển.

Nhà nước có quyền tài phán đối với các đảo nhân tạo và thiết bị, công trình trên biển trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, bao gồm cả quyền tài phán theo các quy định của pháp luật về hải quan, thuế, y tế, an ninh và xuất nhập cảnh.

Các nhà giàn DKI của Việt Nam đã được xây dựng trên các bãi ngầm nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và trên thềm lục địa Việt Nam có theo đúng quy định của Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 không? Phạm vi và quy chế bảo vệ, quản lý các công trình này như thế nào?

Điều 60 Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 quy định: Trong vùng đặc quyền kinh tế, quốc gia ven biển có đặc quyền tiến hành xây dựng, khai thác và sử dụng: Các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình dùng vào mục đích được trù định ở Điều 56 hoặc các mục đích kinh tế khác... Quốc gia ven biển có quyền tài phán đặc biệt đối với các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình đó, kể cả quyền tài phán về luật và quy định hải quan, thuế khóa, y tế, an ninh và nhập cư.

Việc xây dựng các đảo nhân tạo và các công trình đó phải được thông báo theo đúng thủ tục, phải có các phương tiện thường trực để báo hiệu sự tồn tại của chúng. Nếu các thiết bị đó đã bỏ hoặc không dùng nữa thì phải tháo dỡ để đảm bảo an toàn hàng hải...

Quốc gia ven biển có thể lập ra xung quanh các công trình đó những khu vực an toàn có phạm vi không vượt quá 500m xung quanh chúng tính từ mỗi điểm của mép ngoài cùng của các công trình và đều phải được thông báo theo đúng thủ tục. Tất cả các tàu thuyền phải tôn trọng các khu vực an toàn đó và tuân theo các quy phạm quốc tế liên quan đến hàng hải trong khu vực gần các công trình và các khu vực an toàn đó.

Tuy nhiên không được xây dựng các công trình nhân tạo và lập các khu vực an toàn xung quanh chúng ở nơi có nguy cơ gây trở ngại cho việc sử dụng các đường hàng hải đã được thừa nhận là thiết yếu cho hàng hải quốc tế. Các công trình nhân tạo này không được hưởng quy chế các đảo. Chúng không có lãnh hải riêng và sự hiện diện của chúng không có tác động gì đối với việc hoạch định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Việc xây dựng và bảo vệ các công trình nhân tạo trên thềm lục địa cũng phải tuân thủ các quy định nói trên, với những sửa đổi cần thiết về chi tiết (mutatis mutandis).

Tại các điểm 3, 4, 5, 6, Điều 34 Luật Biển Việt Nam đã thể hiện đầy đủ các nội dung phù hợp với các quy định nói trên của Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982.
Phần X:

NHỮNG TRANH CHẤP TRÊN BIỂN ĐÔNG
Hiện tại, trong Biển Đông có 2 loại tranh chấp chủ yếu: Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa quần đảo Trường Sa và tranh chấp về ranh giới các vùng biển và thềm lục địa do các quốc gia ven Biển Đông, khi vận dụng quy định của Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 để xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của mình, đã tạo ra những vùng chồng lấn. Hai loại tranh chấp này hoàn toàn khác nhau về nội dung, tính chất, phạm vi và nguyên nhân. Vì vậy, các nguyên tắc pháp lý để xử lý giải quyết chúng cũng rất khác nhau.

Tuy nhiên, vì có mối quan hệ với nhau do tồn tại trong cùng một phạm vi địa lý và tác động qua lại của chúng, nhất là trong việc xác định phạm vi các vùng biển, thềm lục địa có tính đến hiệu lực của các quần đảo này như thế nào, cũng là nguyên nhân gây nên những nhận thức khác nhau nói trên:

1. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa: Thực chất đây là tình trạng tranh chấp chủ quyền lãnh thổ được tạo nên bởi một số nước trong khu vực đã lợi dụng cơ hội và sử dụng vũ lực để chiếm đóng một phần hay toàn bộ quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam ở giữa Biển Đông.

Theo công pháp quốc tế, để chứng minh, bảo vệ và giải quyết loại tranh chấp này, các bên liên quan hoặc cơ quan tài phán quốc tế đã dựa vào nguyên tắc "chiếm hữu thật sự", một nguyên tắc "thụ đắc lãnh thổ" hiện đại đang được vận dụng trong khi xem xét giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ thông dụng nhất hiện nay.

Điều đáng nhấn mạnh là trong Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 không có điều khoản nào đề cập đến nguyên tắc này. Nói một cách khác, Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 không phải là cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

2. Tranh chấp trong việc hoạch định ranh giới biển và thềm lục địa chồng lấn: Đây là loại tranh chấp được hình thành trong xu hướng thay đổi có tính chất cách mạng về địa - chính trị, địa - kinh tế trên phạm vi toàn thế giới với việc khoảng 36% diện tích biển và đại dương thế giới đã được đặt dưới chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển kể từ khi Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 ra đời.

Kết quả là, trên thế giới còn khoảng 416 tranh chấp về ranh giới biển, thềm lục địa cần được hoạch định, trong đó, khu vực Đông Nam Á có khoảng 15 tranh chấp, tất nhiên người ta không tính đến tranh chấp được tạo thành bởi "đường lưỡi bò" của Trung Quốc, vì tính chất phản khoa học và hoàn toàn đi ngược lại các tiêu chuẩn của Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982.

Như vậy, rõ ràng là Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 chỉ là căn cứ pháp lý để giải quyết mọi tranh chấp về biển, trong đó có tranh chấp do việc giải thích và áp dụng Công ước không đúng hoàn toàn hay từng phần. Chẳng hạn, việc vạch ra hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa, đường cơ sở của các hải đảo, quần đảo xa bờ, của quốc gia quần đảo... là nội dung thường có sự khác nhau nên đã tạo ra các vùng chồng lấn to nhỏ khác nhau cần được các bên tiến hành hoạch định theo những nguyên tắc nhất định, tùy theo chế độ pháp lý của từng vùng biển và thềm lục địa do Công ước quy định.



Lập trường của Việt Nam trong giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông

Lập trường nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là Việt Nam có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; có quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý và thềm lục địa theo quy định của Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982. Chủ trương của ta là bảo vệ vững chắc chủ quyền và lợi ích của ta ở Biển Đông; giữ gìn môi trường thuận lợi cho phát triển đất nước, giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ, Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 và "Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông" (DOC); đối với tranh chấp trên biển liên quan đến Việt Nam - Trung Quốc (như vấn đề Hoàng Sa hay cửa vịnh Bắc Bộ), hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị.



Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác (như vấn đề Trường Sa liên quan đến Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Brunei, Malaysia và vùng lãnh thổ Đài Loan), thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác. Trong tiến trình tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề trên biển, tích cực bàn bạc thảo luận về những giải pháp mang tính quá độ, tạm thời mà không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của các bên, bao gồm vấn đề hợp tác cùng phát triển.

Nguồn: trang website bienphong.com.vn

tải về 185.68 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương