Tiểu Luận Về Khoa Học Và Triết Học Nguyễn Tường Bách Nhà Xuất Bản Trẻ tp. Hcm 2004



tải về 1.29 Mb.
trang12/18
Chuyển đổi dữ liệu24.04.2018
Kích1.29 Mb.
#37087
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   18

CON ĐƯỜNG ĐẾN VỚI IMMANUEL KANT


Các phát triển mới nhất của ngành vật lý đều giả định thế giới khách quan có nhiều kích chiều hơn thế giới của con người. Đó là một thực thể mà về mặt nguyên tắc con người không thể nhận thức được một cách toàn triệt. Điều mà con người có thể thấy là phản ánh của thế giới đó trong thế giới ba chiều của chúng ta. Tham vọng của các lý thuyết mới là, xuất phát từ những gì chúng ta nhận thức được trong thế giới ba chiều, suy ngược ra được tự tính của thế giới đích thực. Đây hẳn là tham vọng lớn nhất, đồng thời là điều đáng ngờ nhất, liệu có một ngày nào đó con người phát hiện và mô tả được đến đó không. Nếu được thì thực tại mà con người phát hiện và mô tả ra chắc chắn chỉ là một mô hình trừu tượng của toán học, không thể là đối tượng của cảm quan thông thường của con người.

Hiện nay người ta cho rằng vật chất trong vũ trụ phần lớn là vật chất tối, thứ vật chất không hình thành từ proton, neutron và electron như của chúng ta. Với một khái niệm đó thôi thì nó đã nằm ngoài khả năng nhận thức của cảm quan, nếu có thì nó chỉ được chứng nghiệm một cách gián tiếp. Thực tế là toàn bộ lý thuyết hạt trong bản thân thế giới hạ nguyên tử cũng chỉ được chứng nghiệm một cách gián tiếp, và thông qua ngôn từ và khái niệm cổ điển của chúng ta. Nếu ta so sánh nhà khoa học với chàng thám tử tìm cách bắt cướp thì trong thế giới hạ nguyên tử, chàng chỉ đoán biết nhưng không bao giờ còng tay được thủ phạm cả.

Vấn đề nói trên thật ra là một luận đề triết học quan trọng. Hãy giả định có một thế giới khách quan và đích thực - ở đây ta hãy gọi là thực tại – với nhiều kích chiều phức tạp hơn của chúng ta, và những gì ta thấy chỉ là phản ánh của nó, liệu ta “suy ngược” ra được tính chất của thực tại, liệu lý tính của chúng ta có thể nắm bắt được nó? Nói chung, liệu con người có thể thấu hiểu được tự tính của thực tại?

Trong lịch sử triết học phương Tây, có một triết gia người Đức nổi tiếng trả lời dứt khoát: “Không”. Đó là I.Kant.

Xuất thân từ một gia đình chất phác nhưng mới 16 tuổi Kant đã vào đại học. Ông ghi tên theo toán học, khoa học tự nhiên, triết học và thần học. Ông đọc các tác phẩm của Newton và quan tâm đến các vấn đề triết học đặt ra cho ngành vật lý. Kant kiếm tiền ăn học bằng cách đi dạy kèm và với một cái tài mọn là đánh bi-da ăn tiền. Ngày nay người ta không biết liệu hình ảnh của những trái banh bi-da có đóng vai trò gì trong tư duy của ông về các thiên thể, nhưng thực tế là Kant viết một công trình về thiên văn học nói về sự hình thành của vũ trụ và thái dương hệ, được công bố năm 1755.

Thế nhưng, Kant để lại tên tuổi vang dội cho hậu thế không phải với một công trình về thiên văn học mà với nhận thức luận của ông, với một nền triết học nói về khả năng nhận thức con người, tìm hiểu liệu con người có thể nhận thức được sự vật đích thực - mà Kant gọi là “vật tự nó” - hay không. Ông cho rằng, với tầm nhìn của con người, ta không bao giờ nhận thức được từ tính đích thực của sự vật. Vì lẽ, thế giới là thế giới hiện lên cho chúng ta, đó là một sự trình hiện đúng như khả năng và mức độ của con người.

Tư tưởng của Kant thật sự là một bước ngoặt trong triết học về tự nhiên, tương tự như thế giới quan của Copernicus trong ngành thiên văn. Với Copernicus, trái đất quay xung quanh mặt  trời chứ không ngược lại. Trước Kant, người ta cho rằng ý thức chạy theo để tìm hiểu sự vật, thì nay với Kant, sự vật được hình thành bởi ý thức quan sát của con người, nay “sự vật chạy theo ý thức”. Chỉ  với hành động nhận thức mà con người tạo nên thế giới của mình.

Điều thú vị nhất là, tư tưởng của Kant – vốn là một hệ thống triết học – ngày nay có thể soi sáng cho những vấn đề vật lý đang bức xúc đặt ra cho con người.

Trong tác phẩm Die Einheit der Natue, nhà vật lý người Đức C.F.Weizsäcker đã quả quyết: Không thể hiểu cơ học lượng tử nếu trước đó không đọc Kant. Weizsäcker là giáo sư vật lý và cũng là giáo sư ngành triết học tự nhiên đã tự nhận rằng, cứ mỗi khoá dạy,  “lòng kính sợ của tôi đối với Kant lại mỗi tăng lên”. Là một triết gia của thế kỷ thứ 18, của thời đại mà nền vật lý còn đi những bước dò dẫm trong thế kỷ tự nhiên, Kant đã nêu một nhận thức luận có thể làm bó đuốc để soi sáng cho những vấn đề của lý thuyết tương đối, thuyết lượng tử và các nỗ lực của kỷ nguyên ngày nay trong việc đi tìm một lý thuyết chung cho vũ trụ.

Những dòng trên nghe ra rất to tát nhưng thuyết của Kant lại rất khiêm tồn – cùng như con người của ông. Theo Kant, như đã nói, con người không thể nhận thức được “vật tự nó”, tức là tự tính đích thực của sự vật. Con người không thể dùng lý tính để nhận thức được cái mà ta gọi là thực tại. “Thực tại” có thật hay không cũng là điều không thể biết được, từ “thực tại” chỉ là khái niệm của đầu óc bày ra.

Thế nhưng Kant không phải là người theo thuyết “bất khả trị”. Ông chỉ nói con người không thể nhận thức được “vật tự nó” với tính cách là một nhận chứ khoa học. Còn sự vật mà ta gọi là “khách quan” hiện ra trước mắt con người chỉ là “hiện tượng” xuất hiện với chúng ta, dựa trên khả năng và cơ sở của chúng ta. Đó là một thế giới cho chúng ta và vì chúng ta. Muốn nhận thức thế giới đó ta cần “cảm năng”, các giác quan của ta phải được kích thích, vì thế nguồn gốc của nhận thức trước hết là kinh nghiệm. Thế nhưng kinh nghiệm giác quan chưa đủ, chúng phải được giác tính suy tưởng và sắp xếp. Một khi giác tính đã hoạt động thì hiện tượng được giác tính xác định sẽ trở thành đối tượng của nhận thức.

Các kinh nghiệm giác quan được thâu gồm vào trong các quan nhiệm hay phạm trù của giác tính bởi một quan năng mà Kant gọi là “năng lực phán đoán”. Điều quan trọng nhất là Kant thấy trong cả ba quan năng – cảm năng, giác tính và năng lực phán đoán – đều có một cơ sở mà Kant gọi là yếu tố siêu nghiệm. Trong cảm năng thì yếu tố siêu nghiệm là không gian - thời gian; trong giác tính nó là các phạm trù; trong năng lực phán đoán nó là các “niệm thức và các nguyên tắc của giác tính thuần tuý”. Trên cơ sở đó Kant xây dựng một nền “triết học siêu nghiệm” để lý giải tại sao chúng ta lại thấy thế giới “khách quan” như cách chúng ta đang thấy. Những yếu tố siêu nghiệm này có nguồn gốc “trước kinh nghiệm” (tiên nghiệm) và nó quyết định chúng ta nhận thức thế giới như thế nào. Nói theo Kant: “Lý tính chỉ nhận thức được đối tượng bằng những gì do chính nó trước đó đã đặt vào trong đối tượng”.

Thế nên thế giới tưởng như khách quan mà chẳng khách quan gì cả, nó mang nặng dấu ấn của chính chúng ta. Triết học của Kant có tính chất hoài nghi của David Hume, tức là con người không thể nhận thức được tự tính của sự vật – nói chi đến “thực tại” – và con người bị hạn chế trong thế giới hiện tượng hiện lên với nó. Triết học của Kant là một siêu hình học mà ở đây là triết học siêu nghiệm, nhưng nó chứa đầy tính chất khiêm tốn của một con người như Kant. Ông chỉ dừng lại trong sự mô tả chứ không có tham vọng đặt cơ sở “tối hậu” như các triết gia duy tâm về sau. Khi nói về tự tính của thực tại, ông cho rằng, chỉ Thượng đế, thần linh mới có một “trực giác trí tuệ” để nhận thức được nó. Con người không thể có quan năng đó. Trong ngôn ngữ thông thường của lý tính, nếu có ai nói đến “tự tính đích thực” thì đó chỉ là khái niệm giả tạo.

Chính sự khiêm tốn và tính mô tả của Kant làm triết học của ông được các nhà vật lý hiện đại chú trọng. Các nhà vật lý cũng đã từng có (và còn có) tham vọng nắm bắt tự thân của sự vật, để làm sao chỉ dùng một mô hình mà có thể mô tả toàn bộ tự thân của thế giới. Và đến khi các nhà vật lý chỉ mới thấy sự mâu thuẫn giữa hai trạng thái sóng và hạt của các hạ nguyên tử, thì họ liền bị lúng túng, lý do đơn giản là nhà vật lý nghĩ rằng các hạt hạ nguyên tử là những vật thể “khách quan”, tự tính của nó có thể như thế này hoặc thế khác, nhưng phải dứt khoát cụ thể. Do đó câu nói của Kant “Lý tính chỉ nhận thức được đối tượng bằng những gì do chính nó trước đó đã đặt vào trong đối tượng bằng những gì do chính nó đã đặt vào trong đối tượng” hiện lên như một sự nhắc nhở về phép nhận thức, gần 150 năm trước khi cơ học lượng tử ra đời. Áp dụng câu nói đó của Kant thì ta có thể phát biểu, nếu ta xét ánh sáng như hạt thì nó hiện ra như hạt, nếu ta xét nó như sóng thì nó hiện ra như sóng. Và vì thế mà Heisenberg mới tỉnh ngộ: “Điều mà ta quan sát thấy không phải tự tính đích thực của thiên nhiên mà là thiên nhiên hiện ra dưới cách vấn hỏi của ta”.

Ngày nay, khi nhà vật lý tiên đoán rằng thực tại là một thể nằm trong một không gian 10 chiều (lý thuyết dây) hay 11 chiều (lý thuyết siêu trọng trường) hay 18 chiều như trong các thuyết gần đây và thế giới mà ta đang nhận thức là phản ánh của thực tại đó trong thế giới ba chiều không gian của con người thì quan niệm của Kant về không gian và thời gian – các mô thức tiên nghiệm của trực quan – có thể là một lý giải quan trọng. Đó là thế giới của chúng ta mang đầy tính chất chủ quan của con người, một thế giới do các yếu tố siêu nghiệm của con người xây dựng nên, một thế giới trình hiện lên đúng như khả năng của ta. Kant viết: “Điều kiện để nhận thức cũng là điều kiện để hình thành nên đối tượng nhận thức”. Nhưng các yếu tố siêu nghiệm – theo cách dùng chữ của Kant – là gì, chúng có nguồn gốc từ đâu?

Như thế thì con người thấy sự vật như nó muốn (hay có khả năng) thấy. Trong hình dưới đây ta có thể thấy đó là một cô gái hay một bà già, tất cả tùy chúng ta. Bức hình này là một bức tiêu biểu của loại hình “đa nghĩa”, có thể được dùng như ẩn dụ cho nhiều vấn đề vật lý và triết học.


  Khi nhìn lâu tấm hình này, trước hết ta sẽ thấy khi thì nó hiện lên như một cô gái, khi thì như một bà già. Thế nhưng có một điều bất ngờ nữa là mới đầu, nó hiện lên một cách tự nhiên là cô gái hay bà già, không theo ý muốn của ta. Sau đó, với sự cố gắng nội tâm, ta mới thấy hình ảnh kia. Sau đó nữa, khi đã biết tấm hình đa nghĩa này, hình ảnh cô gái hay bà già cứ hoán chuyển cho nhau mà ta không hoàn toàn chủ định được.

Bức hình này là một ẩn dụ cụ thể cho thấy, những gì ta thấy, sự vật mà  ta nhận thức, là một sản phẩm tổng hòa của thực tại bên ngoài và hoạt động vô thức nội tại. Thế giới qủa là sự trình hiện của thực tại cho chúng ta, theo cách mà chúng ta nhìn nó một cách vô thức.

Hơn thế nữa, bức hình này còn gợi nhiều suy tư về “thực tại tự nó” và về luận đề có-không nói trong chương trước. Cụ thể, ta có thể hỏi, “bức hình tự nó” là gì, là cô gái hay bà già. Hãy vận dụng hai phép diễn gải Copenhagen và “đa thế giới” của vật lý lượng tử để nhìn bức tranh. Theo phép diễn giải Copenhagen, cô gái hay bà già đều không có nếu không có ai nhìn đến bức tranh. Khi có kẻ nhìn bức tranh và nhận ra là một cô gái thì cô gái đó có và có với người đó. Cũng tương tự như thế nếu có ai thấy hình bà già. Cô gái và bà già không hề mâu thuẫn lẫn nhau, hai hình ảnh đó chỉ “hiện ra dưới cách vấn hỏi của ta”, nói như Heisenberg. Còn theo phép diễn giải đa thế giới thì ta có thể cho cả cô gái lẫn bà già đều có mà không cần có ai ngó ngàng gì đến hay không. Hơn thế nữa bức hình này tự tách ra thành hai bức hình, hay hai thế giới, một của cô gái, một của bà già. Người xem tranh như chúng ta cũng bị tách ra làm hai phiên bản, một phiên bản thấy cô gái, phiên bản kia thấy bà già.

Hai trường phái diễn dịch của cơ học lượng tử khi áp dụng vào con mèo Schrödinger xem ra cả hai đều vô lý, thế nhưng khi vận dụng trong bức tranh cô gái-bà già dường như không còn quá vô lý nữa. Hơn thế nữa cả hai trường phái cũng không tỏ ra hoàn toàn mâu thuẫn lẫn nhau, hình như chúng chỉ khác nhau về vấn đề định nghĩa về “có-không”.

Với bức tranh cô gái-bà già ta dễ đến một nhận định là, thực tại hình như có nhiều bộ áo ngụy trang khác nhau. Và con người thấy thực tại bằng những gì nó quen thấy, nói như Kant là “bằng những gì do chính nó trước đó đã đặt và trong đối tượng”.

Triết học của I.Kant một mặt đang làm nền tảng cho những lý giải quan trọng của nền vật lý hiện đại, mặt khác nó làm ta sớm nghĩ đến triết học Phật giáo. “Kinh nghiệm giác quan” và “giác tính” của Kant có thể so sánh với sự vận hành của “”ngũ uẩn” của Phật giáo. “Trực giác trí tuệ ” của Kant làm ta nhớ đến “cái biết, cái thấy” của các vị Phật và Bồ-tát được mô tả trong Kinh Lăng Nghiêm. Sự tương đồng giữa triết học siêu nghiệm của Kant với Duy thức học thật là rõ rệt. “Tác giả” của thế giới hiện tượng này chính là ý thức con người. Các yếu tố siêu nghiệm là nền tảng, là cơ sở của nhận thức. Đó là những nhận định chủ yếu suy ra từ triết học của Kant, chúng hết suc tương tự với quan niệm chiêu cảm biến hiện của tâm, với khái niệm chủng tử của Duy thức.

Vì những lẽ đó, ta không hề ngạc nhiên khi biết rằng, Schopenhauer, một triết gia người Đức có quan niệm rất gần với Phật giáo, tự nhận mình là người tiếp nối công trình của Kant. Schopenhauer xem thế giới hiện tượng chính là “sự tự nhận thức” của một chủ thể có ý niệm.

---o0o---


LÝ THUYẾT KHOA HỌC CÓ MÔ TẢ ĐƯỢC THỰC TẠI?


Trong thời đại này, một câu hỏi được nêu lên từ thời cổ đại bỗng trở nên hết sức hiện đại. Đó là, liệu các lý thuyết khoa học, các định luật vật lý, các mô hình về vũ trụ bao la, về thế giới vi mô như nguyên tử, hạ nguyên tử…, liệu tất cả những thành tựu vật lý đó từ 25 thế kỷ qua phản ánh đúng thực tại như nó là, hay chúng chỉ là các mô hình hay lý thuyết nhắm xếp đặt cho hợp lý các kinh nghiệm giác quan của con người.

Câu hỏi này là một luận đề triết học rất căn bản, nó sinh ra hai quan niệm triết học trong khoa học. Đó là – nói một cách sơ lược – quan niệm duy thực, nếu cho rằng lý thuyết của con người phản ánh đúng thực tại khách quan, chúng nói lên bản thể của sự vật. Thứ hai là quan niệm công cụ, cho rằng các lý thuyết và qui luật vật lý chỉ là phương tiện để lý giải những gì quan sát được; còn liệu chúng có phản ánh đúng một thực tại bên ngoài hay không thì ta không thể trả lời.

Nhiều nhà vật lý rất ngỡ ngàng với vấn đề vừa nêu. Đối với họ, phải có một thế giới khách quan bên ngoài và các lý thuyết vật lý phải mô tả thực tại đó. Họ là những người theo quan niệm duy thực mà không hề biết. Thật ra thì đại đa số các nhà vật lý đều vô thức quan niệm duy thực cả; và chỉ những đều óc quan tâm đến ý nghĩa triết học trong khoa học hay các nhà vật lý linh mẫn nhất mới có một cái nhìn tự phản tỉnh. Họ tự hỏi phải chăng thực sự có một thực tại khách quan, phải chăng các qui luật vật lý mô tả thực tại đó,  phải chăng chúng nói lên tính bản thể của thực tại.

Dĩ nhiên các vị đó nêu lên một vấn đề chẳng những không đơn giản mà còn có tính siêu hình. Nơi đây mỗi người đều có một câu trả lời cho riêng mình và câu trả lời đó lại dựa trên một niềm tin nhất định. Đây chính là lý do làm phần lớn các nhà vật lý không muốn tiếp cận với vấn đề này. Einstein, thiên tài của thế kỷ 20 cũng đặt câu hỏi đó và cuối cùng ông chọn một thái độ duy thực. Ông là người tin nơi một thực tại khách quan độc lập với ý thức con người và các qui luật vật lý hiển nhiên phải mô tả thực tại đó. Trước thế kỷ 20, quan niệm duy thực hầu như chiếm lĩnh trận địa trong triết học của khoa học tự nhiên.

Với Max Plank, Einstein, quan niệm này có trong hàng ngũ những nhà khoa học xuất chúng. Đồng thời hai vị này là hai nhà kiến trúc sư của nền vật lý hiện đại. Thế nhưng, điều bất ngờ là quan niệm duy thực dần dần mất ảnh hưởng, ngược lại quan niệm công cụ ngày càng có nhiều người thừa nhận mà một đại biểu của  nó là trường phái Copenhagen của cơ học lượng tử.

Thực ra quan niệm duy thực và công cụ đã hình thành trong buổi bình minh của lịch sử khoa học và thực tế là trong quá trình nghiên cứu, nhiều nhà vật lý trong ngành khoa học cũng không biết mình đổi đi đổi lại hai quan niệm đó vì chúng rất dễ bị trộn lẫn vào nhau. Trong quá khứ xa xưa hai chủ trương này chưa xuất hiện một cách rõ nét, chúng chỉ nói lên quan niệm của các nhà vật lý về mô hình lý thuyết, về các khái niệm vật lý và về các công thức phương trình toán học áp dụng trong vật lý. Ngày nay, một vấn đề được đặt ra là, liệu thực tại trước mắt ta là thực như nó là hay không; vì thế hai quan niệm duy thực và công cụ trở thành luận đề chủ đạo trong ngành vật lý. Chúng nói lên cả thái độ của nhà vật lý trước một câu hỏi thuộc về bản thể học.

Trên nguyên tắc, mỗi nhà vật lý phải  tự biết mình quan niệm thế nào về một thực tại bên ngoài, phải chăng thực tại tồn tại khách quan và hệ qủa của quan niệm đó là tính chất của lý thuyết mình sẽ đưa ra, đó là tính chất duy thực hay công cụ.

Từ thời Hy Lạp, trong các nhà tư tưởng đã manh nha hai quan niệm khác biệt về thế giới hiện tượng và vai trò của lý thuyết. Aristotle thấy cần phải giải thích tại sao hiện tượng lại là như thế, bản chất của nó là gì. Còn Euxodus thấy chỉ cần “lý giải được hiện tượng”, nêu lên được bài toán vận động của thiên thể và tiên đoán sự vận động đó. Euxodus không thấy cần phải hiểu thực chất của sự vận động là gì, đối với ông giải thích được hiện tượng là đủ. Aristotle là người có quan niệm duy thực, trong lúc Euxodus  là người đầu tiên theo quan niệm công cụ, mặc dù nó xuất phát từ một nguyên nhân hết sức thô sơ.

Phần lớn các nhà triết học Hy Lạp đều có quan niệm duy thực mà kẻ nổi bật nhất phải là Democritus, người đầu tiên nêu quan niệm về những hạt cơ bản cấu tạo thành vật chất. Ông tin rằng có một thực tại độc lập với ý thức con người, nó được cấu tạo bởi những hạt nhỏ li ti. Thế nhưng một người Hy Lạp khác cũng có quan niệm công cụ vì thấy rằng có nhiều lý thuyết khác nhau, thế nhưng lại lý giải một cách đúng đắn một hiện tượng duy nhất. Đó là Hipparchus, ông nêu lên nhiều mô hình về sự vận hành của mặt trời quanh trái đất. Mặc dù tất cả mô hình của Hipparchus đều sai cả - so với quan niệm ngày nay – nhưng chúng đều lại tiên đoán đúng về một số hiện tượng.

Bởi thế ngay trong thời cổ đại đã có hai quan niệm duy thực và công cụ; và cũng trong thời đó, sự khác biệt giữa hai bên đã tỏ rõ: trong quan niệm duy thực, vì lý thuyết phải mô tả đúng thực tại nên chỉ có một lý thuyết là đúng,  không thể có nhiều lý thuyết dùng đúng. Còn với quan niệm công cụ, mỗi mô hình, mỗi lý thuyết đều chỉ là phương tiện mô tả kinh nghiệm và tiên đoán những gì sẽ xảy ra nên rất có thể có nhiều mô hình, lý thuyết cùng đúng đắn.

Hiển nhiên, mỗi nhà vật lý, khi đã nỗ lực tìm hiểu và mô tả thiên nhiên, đều chờ đợi công trình mình phải phản ánh đúng bộ mặt thực của tạo hóa. Ngoài ra tâm lý thông thường của mỗi người đều nghĩ hiện tượng trước mắt mình phải là thực tại khách quan, ít nhất nó cũng xuất phát từ một thực tại độc lập với ý thức mình. Vì những lẽ dó mà dù trong thời cổ đại đã xuất hiện hai thái độ khoa hoạc, quan niệm duy thực luôn luôn thắng thế. Tại phương Tây, kể từ thời kỳ phục hưng của khoa học, chủ trương duy thực hầu như ngự trị trong cộng đồng vật lý.

Đến thế kỷ thứ 16, quan niệm duy thực được củng cố mạnh mẽ với Copernicus. Ông tin rằng một lý thuyết chỉ đúng nếu giả định của nó đúng với thực tại. Kepler tiếp thu hệ thống “mặt trời là trung tâm” lẫn quan niệm duy thực của Copernicus. Và Galileo, cha đẻ của nền vật lý thực nghiệm, là người khẳng định trước cả Giáo hội Thiên chúa giáo về một thực tại khách quan, không lệ thuộc vào ý thức con người.

Trong thời bấy giờ, bất ngờ thay, giáo hội Thiên chúa giáo lại lấy một quan niệm công cụ trong khoa học. Nếu suy nghĩ  kỹ, ta sẽ thấy đều đó không có gì đáng ngạc nhiên. Họ phải xem khoa học chỉ là phương tiện để lý giải các hiện tượng, còn tự tính của hiện tượng của thực tại phải là một điều gì thiêng liêng thuộc về Thượng đế. Cũng vì thế mà Giáo hội Thiên chúa giáo có một quan niệm công cụ nhưng với một ý đồ khác, đó là không để cho khoa học xâm nhập vào một lĩnh vực mà họ cho là bất khả xâm phạm của Thượng đế. Cũng vì quan niệm công cụ đó mà thuyết của Copernicus một thời được chấp nhận trong các đại học nhưng khi Giáo hội nhận ra “nguy cơ” của thuyết duy thực trong đó thì lập tức mô hình tiến bộ của hệ thống Copernicus bị cấm đoán.

Với Newton thì sự việc lại rất bất ngờ. Người ta phải nghĩ rằng Newton là một nhà duy thực tuyệt đối với những phát hiện vĩ đại của ông. Ông đã thống nhất qui luật của “thế gian” và của thiên thể chung với nhau trong một nguyên lý trọng trường duy nhất. Ông đã trả lời thắc mắc của Aristotle vốn cho rằng giữa con người và “trên trời” phải có những qui luật khác nhau. Thế nhưng thiên tài của Newton nằm ở chỗ, ông khiêm tốn nói rõ không biết nguồn gốc trọng trường là từ đâu, tự tính của nó là gì. Ông cho Thượng đế là nguồn gốc của lực trọng trường. Tư tưởng này làm cho Leibniz – người đả kích Newotn – xem luận giải Priciples của Newton chỉ là những phép toán học nhằm giải thích hiện tượng, chứ không nói đến tự tính của thực tại. Leibniz chê Newton là một nhà khoa học theo quan điểm công cụ.

Nguyên lý trọng trường là một thí dụ rất sáng tỏ để giải thích hai quan niệm duy thực và công cụ. Nội dung của nguyên lý này nói rõ, giữa hai vật có khối lượng sẽ sinh ra một sức hút lẫn nhau, sức hút đó là nguyên ủy của mọi vận động của các thiên thể trong vũ trụ, của thái dương hệ, của mặt trời mặt trăng. Sức hút này cũng chính là lực kéo trái táo rơi xuống đất. Đứng trước nguyên lý này con người sẽ có hai thái độ. Một là, với thái độ duy thực, ta sẽ nghĩ rằng “sức hút giữa các vật có khối lượng” là có thực, là tự tính của vật chất, là nguyên lý khách quan không lệ thuộc vào đầu óc con người. Có con người hay không có con người trên trái đất thì trái đất vẫn bị mặt trời hút và bản thân trái đất vẫn hút quả táo.

Hai là, với thái độ công cụ, ta sẽ nghĩ “sức hút giữa các vật có khối lượng” chỉ là phương tiện để giải thích hiện tượng, để thiết lập một công thức toán học, để tiên đoán những hiện tượng sắp xảy ra. Người theo thái độ công cụ cho rằng khối lượng hay sức hút đều chỉ là cấu trúc do đầu óc con người sinh ra, chúng không có thực trong thiên nhiên. Thế thì thái độ của Newton là gì? Newton hẳn không phải là người theo thuyết công cụ như Leibniz nói, vì trong các tác phẩm khác của ông như Opticks, ta đọc thấy ông cũng đi tìm chất nội tại của vật chất, đi tìm một chất ê-te nhằm giải thích được sự hiện diện của trọng trường, của ánh sáng và nhiệt. Nhưng cuối cùng Newton vẫn không lý giải nổi do đâu mà có một sức hút giữa các vật, một loại sức hút cách không và tác động tức thì. Ông đành cho nó có nguồn gốc từ Thượng đế.

Đầu thế kỷ thứ hai mươi, Einstein chứng minh không có ê-te mà cũng chẳng có một sức hút trọng trường cách không và tức thì. Ông giải thích trọng trường bằng không gian cong trong thuyết tương đối tổng quát. Với thuyết này, quan điểm công cụ trong thuyết trọng trường đánh dấu một bước thắng lợi cục bộ: sức hút không hề có thực trong thiên nhiên, nó chỉ là sản phẩm do con người nghĩ ra. Thế nhưng mô hình “sai” đó vẫn lý giả một cách xuất sắc mọi hiện tượng của thiên thể. Và ngày nay, sức hút (tức là sự tương tác) giữa các vật thể được lý giải như hệ quả của không gian cong hay như sự trao đổi hạt. Có nhiều mô hình khác nhau nhưng quả thật chúng lý giải đúng đắn một hiện tượng duy nhất. Phải chăng tất cả chỉ là những cấu trúc của tư duy. Phải chăng quan niệm công cụ đang giành thắng lợi.

Không đơn giản như thế. Lịch sử tư duy của phương Tây bị ảnh hưởng nặng nề bởi tư tưởng của Aristotle, đó là quan niệm luôn luôn cho rằng thế giới có thực, độc lập, con người có thể tìm hiểu được tự tính của thế giới. Vì lẽ đó mà quan niệm duy thực luôn luôn ngự trị trong khoa học và cả triết học. Mà thật ra đó cũng chính là cứu cánh của ngành vật lý, là động cơ để con người nỗ lực đi tìm thực tại. Nếu không tin rằng có một thực tại nằm ngoài ý thức con người và con người có thể nằm bắt nó thì có lẽ đã không có nền vật lý của ngày nay.

Vì lẽ đó triết học và về khoa học tự nhiên tại tây Phương luôn luôn là một triết học duy thực, tin rằng có một thực tại có thể nắm bắt bằng lý tính. Người đại diện xuất sắc nhất cho nền triết học đó chính là Descartes. Hiển nhiên ông là người duy thực nhưng lại còn duy lý, tức là tin rằng chỉ lý tính mới nắm bắt được sự vật, kinh nghiệm chỉ là nguồn cung cấp thông tin đơn thuần. Descartes vẽ một đường ranh chắc chắn giữa “linh hồn” con người với sự vật và dĩ nhiên ý thức không thể có tác động lên thế giới vật chất được. Tư tưởng này ngự trị tại châu Âu các hai thế kỷ sau Descartes. Thậm chí khoảng từ năm 1850, nền khoa học tại Đức bị sa vào một thứ chủ nghĩa duy vật cơ giới trầm trọng, theo đó hiện tượng không nhưng chỉ tồn tại độc lập, thực có mà còn vận động theo các qui luật của cơ học thuần túy. Đó là một quan niệm “duy thực giản đơn”. Trong thời gian này người ta nghĩ rằng lý thuyết khoa học phản ánh đúng như thực tại, không mang bất cứ một khái niệm chủ quan nào của đầu óc cả.

Tình hình kéo dài như thế đến lúc E. Mach, nhà vật lý người Áo nêu lại một quan điểm thực chứng về lý thuyết khoa học. Theo ông, khoa học không khác gì hơn là lý thuyết về những gì xác nhận được bằng giác quan. Chỉ những gì giác quan thừa nhận được mới có chỗ đứng trong khoa học. Hiển nhiên, đầy là một dạng của quan điểm công cụ vì nơi đây khoa học chỉ lý giải kinh nghiệm giác quan, nó không có tham vọng nói gì về bản thể của thực tại.

Với sự phát hiện đện từ trường của Maxwell, người ta bắt đầu thấy thực tại dường như tinh tế hơn, sự vận  động của nó không thể phù hợp với chủ nghĩa duy vật cơ giới. Quan trọng nhất, các nhà vật lý thấy một biến cố hay sự vật có thể phát biểu bằng nhiều thuyết khác nhau. Đó là luận cứ mạnh nhất của thuyết công cụ từ xưa đến nay. Điều này đi ngược lại với quan điểm duy thực vì nhà duy thực thấy mỗi thực tại chỉ có thể được phát biểu bởi một lý thuyết nhất định.

Sự thành công vang dội của lý thuyết trường điện từ không những mở đầu cho một kỷ nguyên mới của vật lý sau Newton, nó còn đưa vào khoa học một khái niệm mới, đó là trường. Khái niệm này còn gây khó khăn hơn nữa cho quan niệm duy thực vốn tồn tại cả ngàn năm nay. Lý do là, rất nhiều hiện tượng vật lý vốn được lý giải bằng nền vật lý cơ giới nay được mô tả bằng những hình dung hoàn toàn mới mẻ. Điều này chỉ giúp cho chủ nghĩa công cụ thêm những nền tảng vững chắc.

Từ một góc cạnh khác của khoa học, nhà toán học Pháp nổi danh Poincaré đến với một quan điểm được gọi là “qui ước” trong vật lý. Theo chủ trương “qui ước”, mọi lý thuyết không đúng cũng chẳng sai – đúng, sai nếu so với thực tại – chúng chỉ giúp chúng ta xếp đặt cho có lý những quan sát về thiên nhiên cua chúng ta. Mọi không gian đều có giá trị như nhau, chúng đều là “qui ước”, miễn sao thuận tiện cho lý thuyết là được. Đây chính là quan điểm của phái công cụ.

Thế nên, trong đầu thế kỷ thứ 20, quan điểm công cụ đã bắt đầu vươn dậy với ba nhà khoa học Mach, Maxwell và Poicaré. Như chúng ta sẽ thấy, hai trường phái triết học duy thực và công cụ sẽ phát triển song hành với sự phát triển của vật lý để đẫn đến một phạm trù vô cùng then chốt của triết học loài người.

---o0o---


Каталог: kinh -> Ebooks -> Thuyet-Phap -> Phat-Giao-Va-Khoa-Hoc
Phat-Giao-Va-Khoa-Hoc -> Minh Giác Nguyễn Học Tài Chùa Liên Hoa, California, usa ấn hành 1997 o0o MỤc lụC
Phat-Giao-Va-Khoa-Hoc -> PHẬt giáo và khoa học phúc Lâm Tủ Sách Đạo Phật Ngày Nay
Thuyet-Phap -> Trần TrúcLâm những hộ pháp vưƠng của phật giáo trong lịch sử ẤN ĐỘ
Thuyet-Phap -> Thiền sư khưƠng tăng hội nguyễn Lang o0o Nguồn
Thuyet-Phap -> VIỆt nam phật giáo sử luận nguyễn Lang Nhà Xuất Bản Văn Học Hà Nội 1979 o0o Nguồn
Phat-Giao-Va-Khoa-Hoc -> Dao Phat Sieu Khoa Hoc Minh Giac Nguyen Ngoc Tai
Phat-Giao-Va-Khoa-Hoc -> PHẬt giáo và khoa học phúc Lâm Tủ Sách Đạo Phật Ngày Nay
Phat-Giao-Va-Khoa-Hoc -> CHÁnh niệm và ĐẠO ĐỨc giao thoa giữa khoa học và tâm linh ở Mỹ

tải về 1.29 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương