Tiểu Luận Về Khoa Học Và Triết Học Nguyễn Tường Bách Nhà Xuất Bản Trẻ tp. Hcm 2004


THẾ GIỚI ĐƯỢC XÂY DỰNG BẰNG Ý THỨC?



tải về 1.29 Mb.
trang14/18
Chuyển đổi dữ liệu25.04.2018
Kích1.29 Mb.
#37139
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   18

THẾ GIỚI ĐƯỢC XÂY DỰNG BẰNG Ý THỨC?


Một trong những phát hiện lớn nhất và sinh ra nhiều suy luận triết học nhất của nền vật lý hiện đại là cơ học lượng tử. Nền cơ học này có một ý nghĩa hết sức to lớn ở chỗ, nó tìm hiểu tính chất của thế giới vật chất nội tại “cái nôi” của vật chất, tức là nghiên cứu các phần tử cuối cùng cấu tạo nên vật chất.

Tại đó, người ta thấy vật chất không gì khác hơn là một khoảng không bao la, trong đó có vài phần tử được mệnh danh là “hat”. Kỳ lạ hơn nữa các “hạt” tí hon trong khoảng không đó vừa có tính liên tục của sóng, vừa có tính phi liên tục của hạt. Nhưng khó hiểu hơn tất cả mọi thứ là vai trò của con người. Chỉ khi nào con người tìm cách đo lường, quan sát các hạt đó thì đối tượng mới tự “cụ thể hóa” bằng những hạt hẳn hoi, còn nếu không có quan sát viên thì sự vật tự nó là gì, đó là câu hỏi con người không thể trả lời được. Câu hỏi này, mới nghe qua thì ta có thể tưởng nó chỉ là một vấn đề phụ, thế nhưng nó sớm dẫn đến phạm trù triết học lớn nhất của loài người, đó là sự vật “có” hay “không”. Và nếu “có” thì cái gì làm cho nó là “có”.

Từ khoảng 80 năm qua, các vấn đề của cơ học lương tử đã sinh ra những luận giải triết học lớn trong giới các nhà vật lý. Có thể nói một cách chắc chắn, các nhà vật lý tầm cỡ của thế kỷ 20 đều là việc với các phạm trù triết học then chốt nhất của con người như tính liên tục và phi liên tục của vật chất, tính ngẫu nhiên và tất yếu, tính khách quan và chủ quan, vật chất và ý thức, mối quan hệ giữa khả năng và hiện thực, thế giới có thực hay không có thực... các vấn đề đó liên hệ với nhau rất chặt chẽ và thu hút những bộ óc tinh mẫn nhất của thời đại.

Ngày nay ta có thể tìm thấy vô số sách báo, tài liệu về các luận đề đó và hầu như không ai có thể tìm đọc hết và phân loại chúng. Nếu ta có cố gắng tìm hiểu những luận điểm triết học của ngành vật lý hiện đại thì có lẽ điều nổi bật nhất là chúng rất khác nhau, không để cho ta xếp loại trong những trường phái có thể định nghĩa chính xác được. Thế nên, một đặc tính nữa trong vật lý hiện đại là nếu các khái niệm cổ điển được thống nhất một cách bất ngờ, thì ý nghĩa triết học của nó lại bị phân kỳ một cách không thể cứu vãn được. Do đó người ta thường nói đến một cuộc khủng hoảng trong nhận thức luận của vật lý học.

Dù vậy, ta thử tìm một vài manh mối quan trọng nhất của triết học và bản thể học của ngành vật lý hiện đại. Dĩ nhiên ở đây ta phải chấp nhận sự khái lược hóa tối đa để có thể đơn giản hóa vấn đề: Trong các luận đề triết học nói trên thì dường như cốt tủy hơn cả là mối quan hệ giữa ý thức và vật chất. Làm sáng tỏ được mối quan hệ đó tức là trả lời được một phần các vấn đề còn lại. Thế nhưng trong vấn đề này thì ý kiến giữa các nhà vật lý lại càng xa nhau một trời một vực.

Ý kiến chính thống ngày nay của ngành vật lý là, thực tại một thể khách quan, không phụ thuộc vào ý thức con người. Tuy nhiên, có thể là con người không bao giờ nắm bắt được thực tại đó, con người chỉ tiếp cận được dần dần, ngày càng chính xác hơn. Vì thể tư tưởng chính thống của vật lý có thể chấp nhận triết học của Kant và Popper.

Một loại tư tưởng khác coi trọng vai trò của ý thức hơn là những suy tư của Wheeler, Wigner, Gribbin, R. Penrose… Giữa các nhà vật lý này cũng có rất nhiều khác biệt trong tư tưởng nhưng nói chung, họ xem thế giới mà chúng ta đang nhận thức là sản phẩm của một sự tương tác qua lại giữa thế giới vật chất và thế giới của ý thức. Cho nên thực tại mà ta tưởng là khách quan thực chất là có sự “tham dự” của ý thức mà ta không hề biết.

Một tư tưởng khác, thừa nhận triệt để hơn nữa vai trò của ý thức được đề xuất bởi H.Stapp, hiện nay là giáo sư vật lý tại đại học Berkeley, Mỹ. Xuất phát từ bản thể luận của Heisenberg về sóng và sự “sụp đổ” của sóng để sinh ra hạt, Stapp phố hợp với tư tưởng của Whitehead và Von Neuman để đề ra một quan niệm về vai trò của ý thức trong sự hình thành thế giới. Theo ông, có một chất liệu mà từ đó cả vật chất lẫn ý thức bắt nguồn. Vũ trụ là một phương trình sóng khổng lồ của chất liệu đó, phương trình đó diễn tả mọi khả năng xảy ra của sự vật. Mỗi khi phương trình sóng bị sụp đổ là một biến cố thực đã xảy ra. Mỗi lần, mỗi phương trình sóng bị sụp đổ là mỗi lần nó ảnh hưởng đến toàn bộ cả vũ trụ. Và kẻ làm cho phương trình sóng bị sụp đổ chính là ý thức, là sự quan sát, nói chung là cái biết, là hoạt động của ý thức. Mỗi người chúng ta là một “người biết”, một kẻ có quyền làm phương trình sóng sụp đổ, tức là kẻ chủ động gây nên một biến cố trong vũ trụ và nó có ảnh hưởng lên toàn bộ thế giới. Theo Stapp, “tình trạng của vũ trụ là một tập hợp khách quan của mọi cái biết chủ quan”. Mỗi tác động là do chủ quan nhưng tập hợp các tác động chủ quan đó là một trạng thái khách quan. Cũng như mỗi người đi bầu cử có một phiếu, mỗi sự lựa chọn là chủ quan nhưng tập hợp của tất cả cử tri là một tình trạng khách quan.

Điểm thiết yếu của quan niệm này của Stapp là, vũ trụ chính là những gì ta biết về nó và ý thức con người là tác nhân biến khả năng thành hiện thực, ý thức con người là tác nhân biến khả năng thành hiện thực, ý thức là yếu tố xây dựng nên thế  giới. Thực tại vật lý là một chuỗi những biến cố xếp lại với nhau, mà những biến cổ lại do con người dùng ý thức để làm sụp đổ các phương trình sóng của các khả năng. Và cứ mỡi biến cố hình thành là cái biết của con người lại gia tăng. Và cứ mỗi biến cố hình thành là cái biết của con người lại gia tăng và cái biết đó trở lại quyết định biến cố nào sẽ hình thành. Theo Stapp quá trình này diễn ra qua ba giai đoạn:
- Quá trình Schrödinger trình bày tất cả mọi khả năng có thể xảy ra, chúng tuân thủ qui luật nhân quả, có tính chất quyết định luận. Đó là phương trình của các xác suất.

- Quá trình Heisenberg là gian đoạn mà con người – vì cần hiểu biết – đặt thiên nhiên một câu hỏi. Khi câu hỏi đó được đặt ta, thiên nhiên sẽ trả lời bằng một biến cố do sự sụp đổ các phương trình Schrödinger. Qua đó con người sẽ tác động để một biến cố xảy ra thực và nhờ đó mà tạo tác thế giới.


- Quá trình Dirac là giai đoạn trả lời của thiên nhiên, đó là một câu trả lời có tính ngẫu nhiên, không tuân thủ qui luật nhân quả. Một biến cố sẽ xảy ra nhưng không nhất thiết theo đúng những gì con người muốn, do đó con người chỉ có thể tạo tác thiên nhiên trong một mức độ nhất định.

Quan điểm của Stapp về thế giới chính là một dạng mới của chủ thuyềt của Berkeley, thường được gọi là “duy tâm chủ quan”. Đó là thế giới mà ta đang nhận thức không phải là thế giới tự nó mà cái biết của ta về thế giới, cái biết đang hiện trước mắt ta. Stapp còn cho rằng mỗi người đều tác động lên thế giới chung đó bằng cái biết của mình, một người nhận thức sẽ tác động lên nhận thức của tất cả những người còn lại.

Thế nhưng Stapp còn đi xa hơn Berkeley một mức, ông cho rằng ý thức con người là động cơ làm thế giới chuyển động từ trạng thái này qua trạng thái khác, nó chính là tác nhân biến khả năng thành hiện thực. Theo Stapp, thế giới (mà ta đang nhận thức) không phải được xây dựng bằng những hạt vật chất độc lập với con gười mà bằng một “cấu trúc mang nhận thức”. Stapp dựa vào quan niệm của William Jame để cho rằng “nhận thức” là một quá trình đang vận động, như một “tấm lưới được buộc chặt, đan kết bới tư duy và ý nhiệm, chúng đẩy lẫn nhau như những con cờ đô-mi-nô”. Và Stapp đủ táo bạo để quả quyết rằng “những qui luật của sự đan kết đó chính là những qui luật lượng tử; và nói một cách chính xác, chúng chính là qui luật toán học phát biểu cái biết của chúng ta đan kết với nhau như thế nào”.

Cả Jame lẫn Stapp đều có một thái độ rất mới về nhận thức luận, họ cho rằng, sự vận động tương tự như những con cờ đô-mi-nô đẩy lẫn nhau, cái đã xảy ra đẩy cái đang xảy ra, cái đang xảy ra đẩy cái sẽ xảy ra. Có sự vận động nhưng không có người nằm sau sự vận động, có sự nhận thức nhưng không có người nhận thức. Nhận thức luận  này rất gần với thuyết vô ngã của đạo Phật mà ta sẽ nói đến sau. Quan niệm của Stapp, cho ý thức là nguồn gốc của thế giới và tính vô ngã nói trên làm người ta liên tưởng đến triết học Phật giáo. Điều thú vị là Stapp lại là một giáo sư ngành vật lý đương thời.

Quan niệm triết học của Stapp hiện nay không được nhiều người trong cộng đồng vật lý thừa nhận, mặc dù thật ra nó chính là cách lý giải về cơ học lượng tử của trường phái Copenhagen được đẩy tới mức cuối cùng.

Gribbin, Penrose cũng như Stapp đều là những nhà vật lý xuất sắc của thời đại chúng ta và đều đến với những kết luận khá kỳ lạ vế vai trò của ý thức trong vũ trụ. Nó làm nhiều người có cảm giác nhiều nhà vật lý trở lại với thuyết duy ý niệm của Plato hay với chủ thuyết duy tâm. Những vấn đề này làm cộng đồng vật lý rất khó chịu, họ cho rằng chúng sẽ đưa vật lý vào con đường của tôn giáo, của mê tín. Họ cần có một thực tại khách quan để tự khẳng định mình, tự tách mình ra khỏi chiếc nôi thần bí của tôn giáo. Nhưng ngược lại, nếu nhất định đòi hỏi một “thực tại khách quan”, người ta hầu như bị buộc phải chấp nhận thuyết “đa thế giới”. Thuyết này lại càng khó tin hơn nữa. Trong mọi trường hợp, cái gọi là “thực tại” ngày càng mờ nhạt và không thể định nghĩa.

Ngày nay nền vật lý đã tới một điểm là, nếu không có một sự bừng tỉnh lớn lao của tư duy thì dường như những kết qủa thực nghiệm không thể lý giải được. Heisenberg, Penrose, Stapp hay Everett, Feynman, Gell-Man, Hawking, Weinberg cũng như nhiều nhà khoa học trong tương lai đều cố gắng nêu những mô hình, chúng phải ăn khớp càng nhiều càng tốt các kết quả thực nghiệm, nhưng đồng thời chúng dựa trên một số giả định mới nghe qua có thể rất xa lạ. Thật ra đó là phương pháp khoa học mà ngày xưa Max Plank, Einstein hay Dirac cũng đã làm. Lịch sử ngành vật lý đã luôn luôn minh chứng rằng, một sự bừng tỉnh của tư duy thường được khởi đầu bằng sự từ bỏ một định kiến triết học.

Sau khoảng 25 thế kỷ, khoa học vật lý đứng trước một tình hình rất lạ thường. Xuất phát từ một giả định có tính bản thể học – thế giới hiện tượng là một thực tại độc lập với ý thức của con người – nhà vật lý đã đi một khoảng thời gian rất dài, với hàng trăm thế hệ các nhà khoa học xuất chúng, phát hiện những bí ẩn hết sức bất ngờ của thiên nhiên, đến với những thành tựu về khoa học và kỹ thuật vĩ đại. Trong thời đại ngày nay, khi người ta có cảm giác nền vật lý sắp tiến đến tri kiến chung cuộc về thế giới, ta lại đứng trước một câu hỏi về bản thể học. Đó là thế giới hiện tượng trước mắt ta thực chất nó là gì, nó liên hệ thế nào với ý thức con người. Tại điểm xuất phát và cũng là điểm “kết thúc” này thì những luận đề của vật lý chính là triết học. Và chúng ta thừa biết triết học thì không thể có kết thúc.

Tại tâm điểm của khoa học và triết học thì cái thấy, cái biết có khi phải dựa trên cái tin. Thế nên nơi đây những luận đề của tôn giáo về bản thể học trở nên hấp dẫn đối với nhà vật lý. Ngày nay nhiều nhà vật lý đã nhất trí với nhiều nhà triết học là sự vật tự nó không thể được tiếp cận bằng tư duy, bằng lý tính thuần túy. Người ta tự hỏi “trực giác trí tuệ” của Kant là gì, nếu lý tính bó tay chịu thua. Đó cũng chính là quan niệm “bất khả tư nghì” cảu đạo học phương Đông, mặc dù các nhà đạo học đến với thực tại vằng một con đường hoàn toàn khác.

Cả hai đều nói về một thực tại nằm ngoài khả năng nắm bắt của đầu óc luận lý. Phải chăng hai bên có những điểm chung?

Vì những lẽ đó, phần sau của cuốn sách này sẽ đi vào một số luận đề về thực tại, do triết học Phật giáo nêu lên. Hiển nhiên, triết học Phật giáo cũng lại là một hệ thống vô cùng bao quát và phức tạp, không mấy ai đủ sức để trình bày một cách đầy đủ và chính xác. Thế nhưng, nhằm tập trung vào nhận thức luận do vật lý hiện đại đề ra, ta có thề thử đi tìm vài luận điểm chung.

---o0o---


Phần thứ sáu - TRIẾT HỌC PHẬT GIÁO

HAI PHƯƠNG TRỜI CÁCH BIỆT?


Tôn giáo và khoa học, Phật giáo và vật lý, phải chăng đó là những lĩnh vực hoàn toàn xa lạ, nhất là trong thế kỷ thứ 21, lúc mà thần học đã bị tách khỏi khoa học từ ngày Galileo khai sinh nền khoa học thực nghiệm cách đây đã gần 400 năm?

Nhìn lại lịch sử mấy trăm năm qua, ta phải khâm phục công trình vĩ đại của Galileo. Ông đã xây dựng một nền móng vững chắc cho nền khoa học thực nghiệm với đòi hỏi, mọi lý thuyết, mô hình về thực tại vật lý phải được các thí nghiệm trong thực tế thừa nhận, phải được lặp lại với nhiều người, trong nhiều nơi trốn và thời gian khác nhau. Vật lý không thể là một nhận thức riêng tư chỉ có giá trị cho một số người nhất định mà phải là một nền khoa học được sự thừa nhận chung. Người trọng tài chung quyết có quyền phán đoán đúng sai trong các mô hình đó chính là kết quả thực nghiệm chứ không phải là những tín điều tôn giáo.

Vì những lẽ đó, khi vật lý được tách ra khỏi thần học, nó tận hưởng được một sự tự do chưa hề có, đồng thời chịu một thước đo đúng sai, phải trái – kết quả thực nghiệm – vừa hết sức khách quan vừa rất khắt khe. Sự tiến bộ nhảy vọt của khoa học về tự nhiên trong 400 năm quan đã chứng minh tiền đề của Galileo là đúng đắn. Không thể nghi ngờ gì, nguyên lý này phải tíêp tục kim chỉ nam trong mọi hoạt động nghiên cứu khoa học của con người.

Cộng đồng các nhà vật lý có một niềm tin chung là, họ tin nơi một thực tại khách quan, tồn tại độc lập với con người. còn thực tại đó do đâu mà có, liệu có ai tạo dựng ra nó và đứng trên nó để điều hành mọi sự…, đó là những câu hỏi thuộc về tôn giáo và thần học mà mỗi  khoa học thường có ý kiến khác nhau. Trong đầu thế kỷ thứ 20, khi các nhà khoa học phát hiện ra thuyết tương đối và thuyết lượng tử, cộng đồng vật lý đứng trước những đề tài hết sức kỳ lạ của thực tại, chúng đòi hỏi một cách mạng trong tư duy của loài người để lý giải thực tại là gì. Trong một loạt những vấn đề đó, con người thấy dường như ý thức đóng một vai trò tích cực hơn trong thế giới hiện tượng và nhận thức thực tại. Tuy nhiên, dù có vô số những luận giải và mô hình khác nhau – nói chung cộng đồng vật lý vẫn xemlà có một thực tại tồn tại độc lập với ý thức con người. Thực tế là nếu không có tiền đề này thì vật lý với ý thức con người. Thực tế là nếu không có tiền đề này thì vật lý mất vị trí khoa học của nó và dễ dàng rơi lại vào trong bóng tối của thần học.

Nhiều người nhắc nhở rằng, nhiều nhà khoa học xuất chúng như Max Planck hay Einstein có đầu óc rất “tôn giáo”. Ta cần hiểu từ “tôn giáo” ở đây một cách tinh tế. Thí dụ, Max Planck trước sau vẫn là một nhà duy thực kiên trì, ông tin nơi một thực tại khách quan bên ngoài được phản ánh trung thực vào “bên trong” thông qua giác quan, dù những giác quan đó không hoàn hảo. Tâm thức được gọi là “tôn giáo” của Planck chỉ nằm ở chỗ, ông không thấy hai lĩnh vực khoa học và tôn giáo phải loại trừ lẫn nhau. Trong tác phẩm Religion und Naturwisswnschaft (Tôn giáo và khoa học tự nhiên), năm 1937 ông viết: “Tôn giáo và khoa học tự nhiên gặp gỡ trong vấn đề đi tìm tự tính của một năng lực tối cao điều hành thế giới: và nơi đây những câu trả lời của hai bên là có thể so sánh được, ít nhất ở một mức độ nhất định. Chúng không hề mâu thuẫn lẫn  nhau, mà cả hai đều tới những điểm chung là: thứ nhất, có một trật tự thế giới tồn tại độc lập với con người; và thứ hai, tự tính của trật tự thế giới đó không bao giờ được hiểu thấu, mà chỉ được nắm bắt một cách gián tiếp hay chỉ được đoán biết thôi”. Dù con người không bao giờ nắm được tự tính đó nhưng xem ra Planck không tin nơi một Thượng đế tạo dựng thế giới này theo ý muốn của mình.

Einstein nói rõ hơn, ông không bao giờ tin nơi một Thượng đế sáng tạo ra con người rồi lại ra tay ân thưởng hay trừng phạt những gì mình sáng tạo. “Tôi không tin nơi một vị Thượng đế có nhân trạng và cái “tôn giáo” nơi tôi chỉ là lòng ngạc nhiên khâm phục vô bờ bến đối với cấu trúc của thế giới này mà khoa học đã khám phá ra”.

Tâm thức “tôn giáo” của Planck hay Einstein đều dựa trên một lòng kính sợ đối với sự bí nhiệm của thiên nhiên. Các nhà vật lý vĩ đại đó tin rằng thiên nhiên có một cấu trúc, một trật tự nhất định. Thế nhưng cả hai đều khơng tin có một vị Thượng đế mang tính cá thể tạo dựng nên thế giới và loài người, và có toàn năng trên số phận của vũ trụ. Hiển nhiên cả hai nhà khoa học đó đều sống trong truyền thống của Thiên chúa giáo hay Do thái giáo và một khi nói đến “Thượng đế”, họ muốn phân biệt rõ Thượng đế được hiểu ở đây là một nhân trạng toàn năng hay một trật tự điều hành toàn thể thế giới. Cả hai vị đều từ chối quan niệm một Thượng đế mang tính trân trọng. Còn nếu hiểu Thượng đế như một thể tính, một tự  tính nội tại, một trật tự của vũ trụ thì xem ra họ có thể chấp nhận được.

Ngày nay trong công đồng vật lý, có nhiều người dùng từ “Thượng đế”, với ý nghĩa thứ hai, vừa nói ở trên. Với tư cách nhà vật lý, ít người có thế tin thế giới này do một bàn tay của một cá thể toàn trí toàn năng tạo dựng nên và sau đó lại ban ơn giáng họa lại cho sinh vật được tạo dựng. Thế nhưng cũng chính các nhà vật lý đó, khi họ rời phòng thí nghiệm để đi và giáo đường, có người lại tự động thay đổi quan niệm và tin vào một Thiên chúa toàn năng. Đó là một trong những sự thật mà bản thân họ cũng không lý giải được.

Nhìn chung, cộng đồng vật lý tin nơi một thực tại khách quan nằm ngoài ảnh hưởng của ý thức con người. Thế nhưng, kể từ thế kỷ 20, thực tại đó ngày càng khó hiểu, càng ảo diệu và dường như là một thể tương tác với ý thức con người. Thế giới tự nhiên huyền nhiệm đến mức người ta sẵn sàng dùng từ “Thượng đế” để nói đến nguyên lý điều hành sự vận động của nó.

Trong tình huống này có một mới tương quan ngày càng rõ nét. Đó là nếu có một thứ tôn giáo, bác bỏ thần quyền, xem Thượng đế là nguyên lý nội tại của vũ trụ thì tôn giáo đó rất có thể được khoa học vật lý coi trọng, được tìm hiểu và xem như kẻ đồng hành. Thực tế là ngành vật lý lý thuyết ngày nay chính là ngành bản thể học, mục đích cuối cùng của nó phải là lý giải thế giới được hình thành bởi những yếu tố gì, do đâu mà có, vận động như thế nào.

Hệ tư tưởng nào, tôn giáo nào vừa trả lời những câu hỏi đó, đồng thời bàc bỏ thần quyền? Tại phương Tây thì không có một tôn giáo như thế, Thiên chúa giáo đã không mà Hồi giáo cũng không. Thế nhưng tại châu Á thì rất có thể. Bởi thế nhiều nhà vật lý nhìn về châu Á một cách cởi mở và hào hứng. Trong số các hệ tư tưởng đó người ta nhắc nhở đến Phật giáo nhiều nhất.

Các đầu óc vật lý vĩ đại nhất của thế kỷ 20 dường như đã biết điều đó. Bohr đã tìm hiểu hệ tư tưởng của Trung Quốc để củng cố quan niệm “bổ sung” của mình trong cơ học lượng tử và thế giới quan. Heisenberg cho rằng những nền văn minh bắt nguồn từ những môi trường tư tưởng và tôn giáo khác nhau, khi chúng gặp nhau, thường mở màn cho những phát hiện “mới mẻ và thú vị”. Và điều ngạc nhiên nhất là, Einstein, nhà vật lý duy  thực kiên định nhất của thế kỷ trước đã từng viết về vai trò của tôn giáo tương lai: “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo liên quan đến toàn vũ trụ. Nó phải vượt lên một Thượng đế có tính nhân trạng và phải tránh tính chất giáo điều và thần học.Nó phải dựa trên thế giới tự nhiên cũng như tính chất tâm linh. Cơ sở của nó là một cảm thọ tâm linh, cảm thọ đó xuất phát từ sự chứng nghiệm rằng mọi sự của tự nhiên cũng như tính chất tâm thức hình thành một thể thống nhất có ý nghĩa. Phật giáo đáp ứng được với sự mô tả này. Nếu có một nền tôn giáo mà đứng vững được trước đòi hỏi của khoa học hiện đại, thì nó chính là Phật giáo”.

Einstein phát biểu những lời trên khoảng một năm trước khi ông mất. Ông nói về một “cảm thọ tâm linh”, về một chứng nghiệm cho rằng mọi sự của tự nhiên và tâm thức nằm trong một “thế thống nhất”. Những điều này nghe qua như lời của một thiền sư Phật giáo nhưng lại là của một nhà khoa học đi tìm một phương trình diễn tả một vũ trụ “khách quan”. Kỳ lạ thay, điều gì đã đưa Einstein đến phát biểu này.

Gần đây tại Mỹ ra đời một tác phẩm của MacFarlane và WesNisker với nhan đề “Einstein và Đức Phật”. Các tác giả này, vốn là nhà vật lý và toán học, ghi lại những nhận thức đầy trùng hợp giữa một bên là một thiên tài của ngành vật lý của thế kỷ 20, một bên là một thánh nhân về đạo học sống 25 thế kỷ trước đó.

Tác phẩm này được sự chú ý của nhiều học giả trong nhiều ngành khác nhau. F. A.Wolf, nhà vật lý và tác giả cuốn Mind into Matter, The Spiritual Universe, viết: “Einstein và Buddha cung cấp những tri kiến sâu sắc, giản đơn và trích dẫn đưcợ, chúng giúp ta nối liền khoảng cách giữa khoa học và tâm linh. Nếu lấn ngón tay che xuất xứ của các lời trích dẫn, bạn sẽ chịu không biết được ai đã nói điều gì và lúc nào”. R. Leonard, nhà tâm lý tại đại học Necasa, Las Vegas, viết: “Einstein và Buddha là một sự cố gắng gây đầy hứng khởi để thỏa ứng yêu cầu của thế kỷ 21 tạo nên một thế giới quan tổng hợp. McFarlane cho ta các trích dẫn song song, của thiền giả phương Đông và khoa học gia phương Tây với quán sát, sự sáng tỏ và sự tổng hòa của tri thức”.

Sự trùng hợp giữa Einstein và Buddha là đại biểu cho sự song hành giữa nhận thức luận Phật giáo và vật lý hiện đại mà những chương sau đây cố gắng tìm hiểu.

---o0o---



tải về 1.29 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương