Tiểu Luận Về Khoa Học Và Triết Học Nguyễn Tường Bách Nhà Xuất Bản Trẻ tp. Hcm 2004



tải về 1.29 Mb.
trang15/18
Chuyển đổi dữ liệu25.04.2018
Kích1.29 Mb.
#37139
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   18

SỰ IM LẶNG CAO QUÍ


Triết gia người Đức Karl Japers cho rằng, thời kỳ 500 năm từ 750 đến 250 trước công nguyên là một giai đoạn hi hữu của lịch sử loài người, đó là một thời kỳ “đột biến”, là thời đại của một “trục tư tưởng”. Trong thời kỳ này có nhiều thiên tài về triết học và tư tưởng ra đời mà ta có thể kể vài vị như Zarathustra (660-583), giáo chủ Vardhamana Mahavira (599-527), Phật Thích-ca Mâu-ni (566-486), Khổng Tử (551-497), Socrates (470-399), Plato (427-347), Aristotle (388-322).

Đó là  thời kỳ của những thánh nhân vĩ đại mà hệ tư tưởng của họ trở thành cội nguồn tư duy, triết học cho cả loài người trong hàng ngàn năm sau. Socrates và những triết gia Hy Lạp sau ông vẫn còn đóng một vai trò ưu việt trong quan niệm về vũ trụ, con người và thế giới hiện tượng. Khổng Tử vẫn là vị “vạn thế sư biểu” của nền văn minh Đông Á.

Phật Thích-ca là người sáng lập đạo Phật, ngày nay là một trong những tôn giáo lớn trên thế giới. Thế nhưng ta sẽ sớm thất vọng nếu muốn tìm nơi Đức Phật một nền triết học hoàn chỉnh về nhận thức, một vũ trụ quan hẳn hoi, một lời giải thích tường tận về thế giới hiện tượng. Lý do là, Đức Phật đến với đời không phải là để lý luận về vũ trụ về thế giới. Ngài không trình bày những nhận thức triết lý như những nhà triết học Hy Lạp. Mục đích của Đức Phật là tuyên bố cho thế gian biết cuộc đời này là “khổ”, là “phiền não”, thế nhưng có những cánh để thoát khổ, để diệt phiền não.

Vì những lẽ đó, Đức Phật không hề là một vị “Thượng đế” toàn năng sáng tạo ra thế giới như nhiều người lầm tưởng. Con đường Ngài chỉ dạy - ở đây gọi là Đạo – cũng không có nghĩa là một “tôn giáo” hay thần quyền theo nghĩa của phương Tây. Theo tinh thần phương Đông, Đạo không hề đối lập với khoa học. Nói một cách chính xác, đạo Phật là “đạo diệt khổ”. Đức Phật chỉ là một người đã “giác ngộ” về con  đường dẫn đến sự diệt khổ và  muốn chỉ dạy cho chúng ta. Trong ý nghĩa đó, Đức Phật chỉ là một người thầy giáo. Có người ví Đức Phật như một y sĩ, là người tuyên bố rằng chúng ta đang có bệnh và bệnh đó có thể chữa lành. Dù thầy giáo hay y sĩ, Đức Phật không hề xưng là Thượng đế, thần linh, cũng không có dáng dấp của một triết gia nêu lên những nhận thức hay kết luận về vũ trụ và tìm cách chứng minh hay bào chữa cho chúng.

Một điểm nữa làm Đức Phật khác với các vị hiền triết Đông-Tây khác là chỉ trình bày giáo pháp của mình sau một thời gian bản thân Ngài phải khổ công rèn luyện những phép tu học tâm linh và chứng đạt một trạng thái mà ta có thể gọi là thăng hoa của ý thức. Vì lẽ đó nhiều người gọi Ngài là bậc “giác ngộ” và đạo Phật có khi cũng được mệnh danh là đạo giác ngộ.

Được mệnh danh là Buddha – người giác ngộ- nên thời xưa, khi Ngài còn tại thế, nhiều đạo sĩ, hiền triết đã tìm Ngài để hỏi về những vấn đề liên quan đến vũ trụ như thế  giới này có thực hay không; về siêu hình như sinh mạng con người là còn hay mất. Trước các câu hỏi đó, Đức Phật đều giữ im lặng. Người đời sau gọi đó là một sự “im lặng cao quí”. Thay vì nói lên quan điểm của mình như các nhà hiền triết Đông-Tây, Ngài cho rằng, trả lời những câu hỏi đó là vô ích, nó không giải thoát khỏi khổ đau, không dẫn đến “chính kiến”. Ngài kiên trì chỉ nói về cái khổ và con đường thoát khổ.

Thế nhưng, ta cũng đừng nghĩ Đức Phật không bao giờ phát biểu về một thế giới quan. Ngài chỉ nói đến nó khi cần phải trình bày hay minh họa giáo pháp thoát khổ của mình. Và muốn kết luận cuộc đời là “khổ”, dĩ nhiên Phật phải có một tầm nhìn quán triệt về tự tính của thế giới, về tính chất của con người, về mọi sự tồn tại trên thế gian. Phật không muốn đi vào các câu hỏi triết học hay siêu hình, không phải vì Ngài không có sẵn những câu trả lời mà Ngài biết quá rõ, người nghe sẽ không hiểu hay hiểu sai về những điều mà con người chỉ thông qua một sự rèn luyện tâm thức mới giác ngộ được. Trả  lời cho những câu hỏi đó hiển nhiên là hoàn toàn không ích lợi, thậm chí có thể làm cho người nghe bị lạc hướng.

Vì những lẽ đó, khi đến với Phật Thích-ca để tìm một quan điểm về thế giới hiện tượng, thế giới vật lý, ta cần phải cẩn trọng. Một mặt, ta có thể tìm nơi Ngài những nhận định sâu xa nhất về thế giới, mặt khác ta đừng vội tin rằng mình có thể tiếp thu ngay những thế giới quan đó. Lý do là chúng không xuất phát từ lý luận của đầu óc mà từ những nhận thức của một trí tuệ đã được nâng cao và mở rộng bằng phép thiền quán.

Triết lý đạo Phật có thể vừa rất bao quát, có giá trị không những cho thế giới loài người mà cho cả loài “hữu tình” của các thế giới khác. Đồng thời triết lý đó lại nhắm vào từng người, rất riêng biệt mang tính cá thể. Một mặt, những nhận thức của Phật là có tính chất chung nhất cho toàn vũ trụ. Mặt khác giáo pháp của Ngài cũng có tính “tùy bệnh cho thuốc” nên đọc trong kinh sách, người ta cũng thấy có nhiều nơi nhiều chỗ dường như mâu thuẫn lẫn nhau.

Một lý do nữa mà ta cần phải rõ là đạo Phật đã phát triển từ 25 thế kỷ qua và triết học của nó đã trở thành một hệ thống đồ sộ mà không mấy ai nắm vững được hết. Từ những phát biểu của Phật Thích-ca mà ngày nay người ta còn giữ lại trong kinh sách của Phật giáo Nguyên thủy, đạo Phật đã nhanh chóng phát triển thành một hệ tư tưởng vô cùng phong phú, được gọi là tư tưởng Đại thừa. Giữa hệ Nguyên thủy và Đại thừa có nhiều khác biệt lớn về tư tưởng và giữa bản thân các hệ phái trong Đại thừa cũng có nhiều nhận thức luận khác nhau. Điều đặc biệt là kinh sách Đại thừa, tuy phát triển sau khi Phật nhập diệt, nhưng vẫn được xem là lời của Phật Thích-ca giáo hóa trong những “pháp hội” đặc biệt.

Ngoài Đức Phật lịch sử Thích-ca Mâu-ni, lịch sử Phật giáo còn ghi lại các vị luận sư xuất chúng. Nhờ các vị đó, đạo Phật được phát triển trong nhiều thế kỷ qua mà tác phẩm của họ được gọi là “Luận” để phân biệt với “Kinh”, là tên chỉ dành cho những lời Phật dạy. Ba hệ Kinh, Luận, Luật trở thành ba tạng kinh điển đồ sộ của đạo Phật.

Hiển nhiên, từ  kinh điển đạo Phật, người ta có thể rút ra nhiều kết luận về nhận thức luận của Phật giáo nói về thế giới hiện tượng.Vấn đề khó ở đây là vì kinh sách đạo Phật quá phong phú, vì lịch sử tư tưởng của Phật và của các vị luận sư quá mênh mông, luận đề triết học này không thề đươc tóm gọi trong vài ba chương sách. Thậm chí tư tưởng của một vị luận sư suy nhất trong vô số nhà tư tưởng của đạo Phật đã là đề tài của những biên khảo công phu. Ngày nay trên thế giới, người ta thường đi vào những biên khảo chuyên môn như những công trình nói về các trường phái tư tưởng Phật giáo như Thắng luận, Trung quán, Duy thức, Thiền tông, Mật tông…

Vì những lẽ trên, trong phạm vi cuốn sách này, cũng như trong các chương trước về các lĩnh vực chuyên môn của vật lý, ta chỉ có thể đề cập một cách sơ lược đến quan niệm về thế giới hiện tượng của Phật giáo. Dựa trên những kết luận và vấn đề hiện nay của ngành vật lý, ta thử tìm hiểu Phật và các nhà tư tưởng trong Phật giáo quan niệm thề nào về một thế giới khách quan bên ngoài, độc lập với ý thức con người. Thế giới mà trong đó chúng ta đang sống do đâu mà thành, tính chất của nó là gì và quan hệ cùa nó đối với ý thức của con người ra sao.

---o0o---


THẾ GIỚI HIỆN TƯỢNG THAY ĐỔI LIÊN TỤC


Hãy bắt đầu bằng một điều mà mọi nền triết học đều nhất trí với nhau, đó là nhận thức rằng thế giới hiện tượng luôn luôn biến đổi.

Heraclitus, nhà hiền triết Hy Lạp sống khoảng năm 500 trước công nguyên, cùng thời với đức Phật, đã thấy thế giới hiện tượng luôn luôn thay đổi. Ông tuyên bố thể giới “đang trôi chảy” và xem mọi sự luôn luôn ở trong trạng thái “trở thành”. Nền vật lý của chúng ta từ xưa đến nay cũng khẳng định rằng sự vật liên tục vận động. Đặc biệt trong nền vật lý hạt hiện đại, người ta thấy tính vận động của sự vật nằm ngay trong tính chất của các hạt cơ bản, chúng không những vận hành liên tục mà tác động  lẫn nhau để sinh ra những hạt mới. Đạo Phật cũng khẳng định sự vật luôn luôn biến đổi, “vạn pháp là vô thường”, không có gì tồn tại vĩnh viễn cả.

Thế nhưng, nhận thức “sự vật cận động” mới nghe qua thì dường như có một nôi dung như nhau, nhưng nó ngầm chứa đựng nhiều triết lý và thế giới quan khác hẳn nhau. Đó là vấn đề, đằng sau một bộ mặt luôn luôn thay đổi của hiện tượng, phải chăng có một “thực thể”, một “tự tính” không thay đổi. Phải chăng cái thay đổi chỉ là tính chất, hình dạng, tướng trạng… của một cái bất biến. Hay là nằm đằng sau bộ mặt luôn luôn thay đổi đó không có gì cả. Đây là câu hỏi trung tâm nhất của mọi nhận thức về sự biến dịch.

Nhằm minh họa hai quan niệm trên, ta hãy lấy hai ẩn dụ của triết học Ấn Độ, của một nền triết lý đã suy tư về đề tài này từ nhiều ngàn năm trước. Hình ảnh thứ nhất là cái nồi làm bằng đất sét. Trước khi cái nồi thành hình, nó là một khối đất sét. Giá định sau đó cái nồi bị vỡ. Cái nồi không còn là cái nồi, nhưng những mảnh vụn của nó vẫn là chất đất sét. Khối đất sét, cái nồi, mảnh vụn đều là những dạng hình, chúng là vô thường, đang vận động, đang trở thành, nhưng chất đất sét là tự tính đích thực của chúng. Đất sét không bao giờ thay đổi. Cũng thế, đằng sau thế giới hiện tượng đang thay đổi kông ngừng có một thực thể, một tự tính bất biến. Đó là ẩn dụ thứ nhất, nó nói lên thế giới quan thứ nhất về vũ trụ.

Trong thế giới quan nói trên, thực thể này được gọi là Thượng đế, “Đại ngã”, linh hồn bất tử… Thế giới đang vận động là tướng trạng khác nhau của một thực tại bất biến, của một tự tính bất sinh bất diệt. Trong quan niệm này thì bản thân con người cũng là một dạng xuất hiện của thực tại đó; trong con người chứa đựng tự tính đó.Con người có một “Tiểu Ngã” xuất phát từ Đại Ngã, cũng như những ngọn đèn con lấy lửa từ một ngọn đèn lớn.

Ẩn dụ thứ hai là hình ảnh của “củi tàn thành tro”. Giả định ta có một que củi, khi cháy xong nó thành tro. Tro từ củi sinh ra nhưng tro không phải là củi. Quan trọng nhất, trong sự vận động đó, trong sự hoại diệt và sinh thành đó, không có một thực tại bất biến nào đứng đằng sau. Ngoài hai trạng thái củi và tro, không có một chất liệu nào tồn tại chung cả. Sự vận động theo cách dựa lên nhau mà thành, cái này sinh ra cái kia, nhưng không có một thực tại bất biến nào đi từ cái này qua cái kia cả. Thế giới chỉ là những dạng hình biến thiên theo thời gian, vắng bóng một tự tính riêng biệt, không hề có một chủ thể trường tồn trong mọi biến thiên đó.

Thế giới hiện tượng chỉ “xếp” bên nhau (về mặt không gian), diễn ra cái này sau cái kia (về mặt thời gian) chứ không có gì làm chủ thể của chúng cả. Thế gian chỉ tương tự như một con đường để đóng phim trong một phim trường tại Holywood, chỉ gồm những mặt tiền giả tạo của những ngôi nhà giả tạo, sau những bộ mặt đó không có gì cả. Những cảnh tượng đó của thế giới có vận hành thực, nhưng vận hành vô chủ, chúng không có một Đại Ngã nào làm nguồn gốc cho chúng cả. Theo quan niệm này thì bản thân con người cũng chỉ là một tập hợp của các yếu tố thân thể và tâm lý. Các yếu tố đó cũng vận hành vô chủ, không có một cái “Tôi” nào đứng đằng sau các yếu tố đó.

Hai quan niệm triết học này có những nền tảng hết sức sâu sắc. Quan niệm thứ nhất cho rằng đứng sau mọi hiện tượng thân và tâm là một chủ thể. Chủ thể đó tồn tại độc lập, có tự tính riêng của nó, nó có thể có nhiều bộ phận, nhiều thành phần, nhiều bộ mặt…

Khi một nền vật lý cho rằng thế giới tốn tại độc lập tự nó hay khi cho rằng thế giới vật chất do nhiều hạt cơ bản với tự tính độc lập hình thành thì nền vật lý đó đã lấy quan niệm thứ nhất làm cơ sở. Với quan niệm đó thì nhà vật lý thấy công việc của mình là nghiên cứu tính chất của thế giới khách quan đó, tìm hiểu thế giới do những gì hình thành, tự tính của những vật liệu cơ bản đó là gì.

Quan niệm thứ hai là mới mẻ và khó hiểu đối với phần lớn độc giả lần đầu tiên tiếp cận với triết học Phật giáo. Quan niệm này cho rằng mọi sự trên thế gian đều chỉ là những dạng nhìn, biến cố xếp lên nhau. Chúng tác động lẫn nhau để cái này sinh ra cái khác theo một qui luật nhất định. Thế nhưng chúng không có một chủ thể tự thân. Con người ngắm nhìn thiên nhiên và tưởng rằng thiên nhiên tồn tại tự nó, tưởng rằng có một chất liệu chắc thật cấu tạo nên thiên nhiên. Đó chỉ là một sự nhầm lẫn của giác quan, của đầu óc tư duy. Con người ngắm nhìn chính mình và tưởng rắng có một linh hồn làm chủ thể xác, tưởng rằng có một cái Tôi sở hữu thân thể và sự vận hành của tâm thức. Đó cũng là một sự nhầm lẫn của giác quan, của đầu óc tư duy.

Quan niệm thứ hai này là thái độ triết học của Phật giáo mà thuật ngữ của chủ trương này là “pháp vô ngã, nhân vô ngã”. Một khi chấp nhận quan niệm này, con người phải đặt thêm câu hỏi: nếu sự vật không tồn tại trên cơ sở của tự tính riêng biệt và tự nó, chỉ xuất hiện vì bị một số nguyên nhân khác tác động thì tại sao tất cả lại phải xuất hiện, tại sao thực tại không “nằm yên”, nguyên nhân đầu tiên của chúng là gì. Mối quan hệ giữa sự vật là gì, phải chăng chúng tác động với nhau theo một qui luật nhất định. Phải chăng sẽ có ngày trong đó mọi sự sẽ “biến mất”?

Bản thân con người cũng là một sản phẩm của những hoạt động của thân và tâm, là một loạt những trạng thái thân tâm xếp liền nhau, nhưng lại vắng bóng một chủ thể làm “nền” cho chúng. Thế nên, điều đáng chú ý là, với đạo Phật, tính chất cơ bản của thế giới hiện tượng và thế giới tâm thức là như nhau, cả hai thế giới đó chỉ gồm những trạng thái xếp cạnh bên nhau một cách vô ngã. Đã thế thì giữa con người và thế giới hiện tượng hẳn phải đã có mối liên hệ khăng khít. Và, cuối cùng, nếu theo đạo Phật, tất cả chỉ là mặt nổi của một thế giới trống rỗng tự tính, phải chăng thực tại chỉ là một cõi hư vô mà con người tưởng nhầm nó có tính chất đích thực?

Nếu đầu óc ta lỡ quen với thế giới quan và phép suy luận của khoa học vật lý và phép giải thích phương Tây, phải nói rằng, thật khó mà hiểu ngay được quan niệm “pháp vô ngã, nhân vô ngã” của đạo Phật. Hiểu ngộ thấu đáo được quan niệm này thật ra là một cuộc cách mạng tư duy về nội tâm mà không mấy người thực hiện nổi vì hai lẽ. Lẽ thứ nhất là giác quan và đầu óc của ta luôn luôn lừa dối chúng ta, luôn luôn cho sự vật, thế giới và nhất là cái tôi tồn tại thực sự, có tự tính riêng biệt. Lẽ thứ hai là quan niệm này không thể được hiểu ngộ bằng luận lý mà bằng sự chứng nghiệm dần dần của bản thân. Điều này giải thích tại sao Đức Phật giảng pháp của mình sau khi “chứng đạo”, sau một thời kỳ mà ta gọi là chuyển hoá ý thức lên một bình diện khác hẳn với mức độ của con người.

Thế nên, quan niệm này về thực tại là rất xa lạ với cộng đồng vật lý. Trong lúc ngành vật lý cho rằng thực tại là một thể độc lập, có tự tính riêng biệt, tồn tại trên cơ sở tự tính đó thì quan niệm này thấy thực tại chỉ là những hình ảnh xuất hiện trong thời gian và không gian. Chúng tác động lẫn nhau để sinh thành theo những qui luật nhất định, nhưng chúng không có một chủ thể, một chất liệu chung. Chúng chỉ là củi và tro, hai trạng thái nối tiếp nhau, không có một cái gì đi từ củi và tro. Trong số các nhà vật lý, những người cho rằng thế giới do một số chất liệu cơ bản (thí dụ hạt cơ bản) hình thành thì không thể chấp nhận thái độ triết học nói trên. Các nhà vật lý theo chủ nghĩa duy thực cũng khó đồng ý với quan niệm này vì họ cho rằng có một thực tại tồn tại độc lập với ý thức con người, điều mà quan niệm này cũng phủ nhận nốt.

Trong giới vật lý, chỉ những ai cho rằng thế giói xuất hiện đúng như cách con người tra vấn nó, chỉ những người xem thế giới hiện tượng đơn thuần là một trình hiện – không có thực chất, chỉ những kẻ theo quan niệm công cụ xem mọi lý thuyết và khái niệm vật lý là sản phẩm của con người đề ra để mô tả thiên nhiên, những người đó mới có thể thấy quan niệm triết học nói trên là có đôi chút gần gũi với thế giới quan của mình. Thậm chí họ có thể thấy bài phát biểu này thoạt nghe qua không có gì mới mẻ lắm. Thế nhưng, như ta sẽ thấy, đạo Phật triến khai một nền triết học nhận thức rất mạnh dạn và đến với nhiều kết luận bất ngờ.

Các chương sau đây sẽ cố gắng làm sáng tỏ dần dần quan niệm về thực tại nói trên và nêu lên một số luận điểm khác của Phật giáo về vũ trụ và con người.

---o0o---

CÁI NÀY SINH THÌ CÁI KIA SINH,  CÁI NÀY DIỆT THÌ CÁI KIA DIỆT


Tại Bodh Gaya, dưới gốc cây bồ-đề, sau một thời gian thiến định, Đức Phật đạt chứng ngộ toàn triệt và chung quyết về thế giới con người. Theo kinh sách ghi lại, Ngài tự thấy nhận thức của mình quá sâu xa và khó hiểu cho người đời và vì thế mà không có ý định giảng giải. Chỉ sau khi nghe lời khẩn cầu của thiên nhên và khi quán tưởng thấy chúng sinh tuy có khác nhau nhưng luôn luôn hướng đến sự giác ngộ, Ngài mới bắt đầu “chuyển pháp luân”.

Là người thấy rõ tính chất của “vạn pháp”, Đức Phật phát biểu gì về bản chất của vũ trụ? Dù không chủ trương luận giải về vũ trụ, chỉ tập trung nói về sự Khổ và con đường thoát Khổ, Ngài cũng phải nêu lên một quan niệm về con người trong thế giới hiện thực để làm nền cho “đạo diệt khổ” của mình.

Khi nói về thế giới, Đức Phật không hề nói về một chất liệu mà trên đó thế giới được xây dựng, không nói về những hạt nguyên tử  mà quan niệm Ấn Độ cũ cũng đã biết tới. Ngài bác bỏ quan niệm có một chất liệu cơ bản của thế giới, tức là không chấp nhận một thế giới tồn tại trên cơ sở có tự tính tiêng. Quan điểm của Đức Phật về thế giới là “cái này có thì cái kia có, cái này không thì cài kia không, cái này sinh thì cái kia sinh, cài này diệt thì cái kia diệt”. Đó là thế giới quan của Phật mà Phật tử thường gọi là lý thuyết “Duyên khởi”.

Trước hết ta cần thấy rằng, quan niệm về con người và thế giới của Phật rất khác với cách nhìn của các nhà triết học Hy Lạp và của các nhà vật lý. Từ Socrates đến các nhà triết học phương Tây trong các thiên niên kỷ sau, ta đã thấy rằng họ xem thực tại bên ngoài như một thể khách quan và con người chỉ ngắm nhìn thực thể đó. Dĩ nhiên trong số họ có những nhà triết học duy tâm, những kẻ xem thực tại chỉ là phản ánh của tâm thức con người lên thế giới. Thế nhưng không mấy ai trong số các nhà triết học lẫn khoa học đặt câu hỏi, phải chăng ta phải chuyển hoá và thăng hoa tâm thức để có thể nâng cao khả năng nhận thức về thế giới, về vũ trụ và về chính bản thân mình.

Các nhà vật lý thời xa xưa thì lại càng dứt khoát hơn. Họ giả định ngay từ đầu – như một định đề tiên quyết – là có một thế giới thực tại, tồn tại tự nó, hoàn toàn độc lập với ý thức con người. Con người sống trong thế giới đó, nhận thức được nó, khám phá và phát biểu được những qui luật trong thế giới đó với sự trợ giúp của toán học. Con người là chứng nhân thụ động trong thiên nhiên, mọi sự vật thông qua giác quan con người mà vào “bên trong”, tạo một hình ảnh trung thực của thế giới lên ý thức con người.

Mãi đến thế kỷ thứ 11, người ta vẫn còn cho con mắt (thị giác) chỉ là một bộ phận hoàn toàn thụ động như một chiếc hộp đen, cho phép hình ảnh từ ngoài đi vào trong. Đến khi nền vật lý khám pha ra nguyên tử và các hạt trong nguyên tử, tính chất của sóng ánh sáng và màu sắc, người ta mới biết một cách chung cuộc, hình thể, màu sắc, mùi vị… không hề là thực tại tự nó, chúng chỉ là tác động của sóng, hạt lên con người. Mắt đã làm nên màu sắc, tai đã tạo thành âm thanh. Thế giới mà ta đang thấy không hề tồn tại như nó là, chính chúng ta là kẻ cảm nhận như thế, thậm chí có thể nói “tạo nên” nó.

Nàh vật lý đứng trước một tình hình mới, đó là thế giới tự nó là gì thì chưa ai khẳng định được, còn thế giới mà mọi người cùng cảm nhận là kết quả một sự “tương tác” giữa người và cảnh. Đầu thế kỷ 20, với sự phát triển của cơ học lượng tử, người ta bắt đầu thấy không thể loại bỏ ý thức ra khỏi thực tại mà thực tại xem ra là câu trả lời của thiên nhiên đối với câu hỏi do ý thức con người đặt ra. Với sự phát triển của nền vật lý mới nhất, người ta thấy rõ thế giới mà ta cảm nhận phải là một sản phẩm giữa một bên là “thực tại độc lập”, bên kia là ý thức con người.

Nền vật lý hiện đại bỗng thấy đường ranh giới giữa khách thể - chủ thể ngày càng mờ nhạt. Họ bắt đầu thấy vũ trụ quan phương Đông – trong đó người ta cho rằng mức độ “giác ngộ” của con người đóng một vai trò chủ đạo khi nhận thức thế giới – không quá vô lý. Thế nhưng nền vật lý vẫn quyết giữ một tiền đề cơ bản, đó là phải có một thực tại tự nó, hoàn toàn độc lập với ý thức con người, dù thực tại đó ngày nay được quan niệm là tạo nên với hạt hay sóng, hay đối  hạt, hay vật chất tối, hay bất cứ cái gì mà con người sẽ phát hiện ra. Nhất định thực tại phải là một cái gì độc lập, có tự tính riêng biệt, tồn tại tự nó. Nếu không thì không có ngành vật lý nữa!

Triết thuyết của Phật khác với các triết gia Hy Lạp và các nhà vật lý ở nơi đây. Lý thuyết duyên khởi là một nhận thức bao quát, là “công thức” của vũ trụ nhưng nó lập tức được sử dụng để nói về sự hình thành của con người. Điều đó xuất phát từ hai lý do. Một là đạo Phật quan niệm, như ta sẽ thấy, sự hình thành của con người cũng là sự hình thành của thế giới, của vạn hữu. Con người và thế giới (của nó) là hai thế tương tác vơi nhau, đúng như lýthuyết duyên khởi: “cái này có thì cái kia có, cái này sinh thì cái kia sinh”. Hai là, đạo Phật ra đời không phải để giải thích vũ trụ mà để diệt Khổ. Cho nên lý thuyết duyên khở vừa nêu rõ sự thình thành của con người và thế giới; vừa đồng thơi vạch ra tiến trình của sự diệt Khổ.

Vì hai lẽ đó mà lý thuyết duyên khởi được cụ thể hóa trong một chuỗi “Mười hai nhân duyên”, được hiểu như 12 giai đoạn hình thành và phát triển của một đời tái sinh của con người, cái này làm tiền đề cho cái sau, cái này sinh thì cái kiasinh, cái này diệt thì cái kia diệt. Mười hai nhân duyên đó là Vô Minh sinh Hành, Hành sinh Thức, Thức sinh Danh Sắc, Danh Sắc sinh Lục Căn, Lục Căn sinh Xúc, Xúc sinh Thụ, Thụ sinh Ái, Ái sinh Thủ, Thủ sinh Hữu, Hữu sinh Sinh, Sinh sinh Lão Tử.

Các thuật ngữ trên của đạo Phật có thể xa lạ với nhiều người chưa tiếp cận với triết học Phật giáo. Nơi đây ta chỉ lướt qua nội dung chủ yếu của chúng. Vô Minh là sự hiểu biết và cảm nhận sai lầm. Hành là hành động dẫn đến một hậu, có hậu quả mới được gọi là Hành. Vì Hành mà Thức được sinh ra, đó là Tâm thức làm nền tảng cho một đời sống mới. Danh Sắc là kết quả của Thức trong bụng mẹ, nó là tổng thể tâm lý của bào thai. Lục căn là các giác quan, gồm có năm giác quan và khả năng suy nghĩ. Lục căn tiếp xúc với thế giới bên ngoài để sinh Xúc. Thông qua Xúc, con người cảm nhận, đó là Thụ. Vì cảm nhận con người sinh ra yêu thích, đó là Ái. Từ lòng yêu thích, con người muốn chiếm hữu, đó là Thủ. Với Ái và Thủ, một thứ được sinh ra, đó là Nghiệp lực. Nghiệp lực sinh ra thân tâm và thế giới, đó là Hữu, là toàn bộ sự tồn tại. Với hữu, với thế giới xuất hiện, con người cá thể cảm nhận một sự sống, một đời sống, đó là Sinh. Và cuối cùng, vì có Sinh nên có diệt, đó là sự già chết, Lão Tử.

Trong rừng kinh sách và luận giải về đạo Phật xưa nay, ta luôn luôn gặp lại thuyết “Mười hai nhân duyên”. Lý thuyết này là một trong những nền tảng cơ bản nhất khi nói về thế giới quan tâm lý và vật lý của Phật giáo. Nó được khai triển trong nhiều tầm nhìn khác nhau, thí dụ trong mối tương quan nhân-quả hay trong mối liên hệ thời gian, trong chuỗi sự sinh thành hay tiến trình hoại diệt của sự vật. Trước những luận giải thâm sâu đã có, sách này sẽ không nhắc lại những tư tưởng đó, mà chỉ muốn rút ra vài kết luận của đạo Phật về thế giới “khách quan” và vai trò con người trong thế giới đó.

Phần lớn các nhà khoa học, khi đọc qua 12 mối liên hệ nói trên, có cảm giác chúng không nói gì về một thế giới bên ngoài, về một thực tại khách quan. Họ dễ có cảm giác chúng nói về một hệ thống đạo đức, vì khởi thuyết mọi vận hành là “Vô Minh”, nghe qua như một sự phê phán có tính chất đúng sai. Ái và Thủ dường như cũng là những thuật ngữ có tính phê phán về mặt đạo dức, nhiều lắm thì chúng cũng chỉ được liệt vào lĩnh vực của tâm lý. Sinh và Lão Tử, sự sống chết của con người là một điều đã qua hiển nhiên, không ai không biết. Thế thì chuỗi “Mười hai nhân duyên” này có giá trị gì khi nói về một thực tại khách quan của nhà vật lý?

Trong chuỗi dây xích “Mười hai nhân duyên” có một thuật ngữ mô tả thế giới, thực tại, đó là Hữu. Hữu là toàn bộ sự tồn tại, toàn bộ thực tại, là vũ trụ, thế giới hiện tượng. Thế nhưng tại sao Hữu lại do Ái và Thủ sinh? Ái, Thủ là gốc của Nghiệp, từ đó xuất phát một cái tự ngã, một cái Tôi nói theo thuật ngữ triết học hiện đại thì Ái, Thủ chính là chủ thể. Một khi chủ thể xuất hiện thì khách thể hiện tiền, cái này có thì cái kia có.

Thế thì theo quan niệm của “Mười hai nhân duyên”, thế giới hiện tượng, “thực tại độc lập” xuất hiện cùng một lúc với chủ thể, với thứ tâm thức tưởng mình có một tự ngã. Theo đó thế giới hiện tượng không hề là một thực tại độc lập tồn tại trên cơ sở tự tính riêng mà nó là khách thể xuất hiện cùng một lúc với chủ thể. Khách thể không có tự tính riêng biệt, nếu chủ thể diệt thì nó diệt theo, cái này diệt thì cái kia diệt. Đối với đạo Phật, thế giới “có” là có cho một chủ thể nhất định, không có chủ thể thì không có thế giới. Thế giới như một giấc mơ hiện ra cho người nằm mơ, nếu người mơ tỉnh dậy thì giấc mơ diệt. Thế nhưng tại sao thế giới lại trình hiện ra cho một chủ thể, tại sao lại có chủ thể?

Hữu do Thủ sinh ra, Thủ lại do Ái sinh, nếu “truy” tận gốc thi cuối cùng là Vô Minh. Thế nên ta có thể nó thế giói do Vô Minh sinh, hay dùng một từ khác, thế gian do “vọng tâm” mà có. “Nếu vọng tâm sinh khởi thì các pháp đều sinh khởi. Vọng tâm diệt thì các pháp đều diệt”. Đó là quan niệm của đạo Phật.

Quan niệm này dĩ nhiên là hết sức kỳ lạ đối với ngành vật lý cũng như đối với nhiều người khác. Nếu như thế thì mỗi người phải có một thế giới riêng mà “thực tế” thì chỉ có một thế giới, một vũ trụ chung. Nếu mỗi người sống riêng trong thế giới của mình thì lý giải thế nào về mối quan hệ giữa người này với người khác. Nếu thế giới của tôi do vọng tâm của tôi sinh ra thì gia đình, bạn hữu người thân, kẻ thù phải chăng đều do vọng tưởng của tôi sinh ra cả? Và như thế thì cuốn sách tôi đang cầm trong tay này cũng chính là tác phẩm của chính tôi? Trong một thế giới do vọng tưởng của tôi sinh ra thì quan niệm thế nào về thiện ác, phải trái. Đạo Phật là đạo diệt Khổ, thế thì phải chăng Khổ cũng không có thật, cũng chỉ do vọng tâm sinh ra? Nếu Khổ không có thật thì cần gì phải diệt? Việc thiện không có thật, cần gì phải làm. Đức Phật cũng không có thật nốt, cần gì phải nghe?

---o0o---




tải về 1.29 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương