Thuận châu- miềN ĐẤt và con ngưỜi mục tiêu Sau khi học xong bài này học sinh cần nắm được a. Về kiến thức


II. ĐẢNG BỘ THUẬN CHÂU LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN CÁC DÂN TỘC TRONG HUYỆN TIẾN HÀNH CẢI TẠO XÃ HỘI CHỦ NGHĨA (1958-1960)



tải về 333.53 Kb.
trang3/5
Chuyển đổi dữ liệu23.08.2016
Kích333.53 Kb.
#27536
1   2   3   4   5

II. ĐẢNG BỘ THUẬN CHÂU LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN CÁC DÂN TỘC TRONG HUYỆN TIẾN HÀNH CẢI TẠO XÃ HỘI CHỦ NGHĨA (1958-1960)

Năm 1958 công cuộc khôi phục phát triển kinh tế xã hội tiếp tục được đẩy mạnh, nhiều hoạt động có hướng phát triển tích cực, đặc biệt là phong trào sản xuất lương thực. Phong trào đổi công trong sản xuất nông nghiệp đã phát triển, đặt nền tảng cho phong trào xây dựng hợp tác xã sau này.

Quán triệt nghị quyết hội nghị 14, 16 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được sự chỉ đạo của khu ủy, Tháng 5-1959, Đảng bộ Thuận Châu tổ chức hội nghị, thống nhất quan điểm kế hoạch chỉ đạo vận động xây dựng hợp tác xã nông nghiệp.

Cũng trong thời điểm này một tin vui đến với đồng bào các dân tộc Thuận Châu. Ngày 7.5.1959, Hồ Chủ Tịch cùng với phái đoàn Chính phủ lên thăm Tây Bắc. Nhân dân Các dân tộc Thuận Châu vinh dự được thay mặt đồng bào các dân tộc Tây Bắc tổ chức mít tinh trọng thể đón Người tại sân vận động Thuận Châu.

Tại buổi lễ mít tinh, Người căn dặn đồng bào “Thi đua tăng gia sản xuất thực hành tiết kiệm ...Trong mọi công việc phải ra sức giúp đỡ đồng bào ở rẻo cao”. Những lời huấn thị của người là nguồn động viên mạnh mẽ Đảng bộ và nhân dân các dân tộc vượt mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ.

Bước vào thực hiện cuộc vận động xây dựng hợp tác hóa nông nghiệp, hoàn thành cải cách dân chủ ở Thuận Châu diễn ra thuận lợi.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Bộ Thuận Châu. Đến giữa năm 1959, 100% số xã, bản đã tổ chức cho quần chúng tham gia học tập, sinh hoạt chính trị tư tưởng. Trên cơ sở đó đề ra kế hoạch xây dựng hợp tác xã, việc phân định thành phần giai cấp được chỉ đạo sát sao. Đến tháng 9.1959, công tác cải cách dân chủ cơ bản hoàn thành.

Đồng thời với cải cách dân chủ, Thuận Châu bắt tay vào công cuộc vận động xây dựng hợp tác xã nông nghiệp. Trong hai tháng (10, 11-1959), hợp tác xã đầu tiên ở Thuận Châu ra đời. Sau 5 đợt cải cách số hợp tác xã nông nghiệp được tăng lên không ngừng.

Bên cạnh việc xây dựng điểm hợp tác xã nông nghiệp các tổ đổi công cũng không ngừng được củng cố, tạo tiền đề thuận lợi thúc đẩy phong trào hợp tác xã ở địa phương tiếp tục phát triển rộng.

Là một huyện miền núi giao thông khó khăn, kinh tế hàng hóa chưa phát triển, chỉ có một số tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ, đã được cấp ủy Đảng tuyên truyền giáo dục, sớm cải tạo, vào hợp tác xã chuyển sang sản xuất nông nghiệp. Thị trường giá cả được quản lý.

Công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa cơ bản hoàn thành, nền kinh tế dựa trên hai hình thức sở hữu cơ bản là sở hữu tập thể và sở hữu toàn dân. Các hình thức tổ chức kinh tế quốc doanh, hợp tác phát triển.

Năm 1960, với việc áp dụng phương thức sản xuất mới trong nông nghiệp. Hiệu quả lao động tăng. Năm 1959 sản lượng lúa đạt 3700 tấn, tăng 12,5% so với năm 1958. Các loại cây công nghiệp phát triển mạnh. Năm 1958, diện tích trồng cây công nghiệp đạt 10 mẫu thái, năm 1960 tăng lên hơn 20 mẫu.

Cùng với trồng trọt, chăn nuôi được quan tâm, mức phấn đấu năm 1960 phải đạt 8000 con trâu, 1000 con bò, 20000 con lợn, 2968 con dê. Nguồn lợi từ chăn nuôi đã chiếm vị trí quan trọng, phục vụ sản xuất và nghĩa vụ đối với nhà nước. Các hợp tác xã tín dụng và hợp tác xã mua bán hình thành, phát triển phát huy tốt vai trò dịch vụ, thông thương buôn bán phục vụ đời sống và sản xuất. Các hợp tác xã tín dụng đã huy động được nguồn vốn trong dân, phục vụ sản xuất.

Văn hóa, văn nghệ, giáo dục, y tế trong ba năm (1958-1960) được các cấp ủy Đảng quan tâm chỉ đạo, có nhiều tiến bộ, đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, bồi dưỡng nâng cao trình độ dân trí Công tác chăm lo sức khỏe nhân dân được quan tâm. Hệ thống giáo dục tiếp tục được phát triển.

Cùng với các nhiệm vụ phát triển văn hóa, y tế, giáo dục nhiệm vụ cấp bách là nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng trong toàn lực lượng lượng vũ trang, đã được các cấp ủy Đảng chỉ đạo tích cực. Bên cạnh việc tổ chức quán triệt các nghị quyết 14,15,16 của ban chấp hành Trung ương Đảng các đợt vận động chỉnh huấn chính trị cũng được triển khai. Những hoạt động tuyên truyền về tình hình an ninh giác ngộ ý thức, trách nhiệm bảo vệ tổ quốc, của công được đẩy mạnh.

Với những nỗ lực trên, tình hình an ninh chính trị trong toàn huyện ổn định, bảo đảm cho cuộc bầu cử hội đồng nhân dân vào tháng 8, tháng 9 năm 1959 thắng lợi 502 ứng cử viên Hội đồng nhân dân xã, 50 ứng cử viên hội đồng nhân dân châu trúng cử tiếp tục đảm đương trọng trách lãnh đạo.

Các tổ chức chính trị - xã hội vươn lên về mọi mặt phát huy tốt vai trò nòng cốt của mình, cùng nhân dân thực hiện công cuộc củng cố cải tạo xã hội chủ nghĩa.

Đầu những năm 60 những công trình thủy lợi giao thông được đưa vào sử dụng, hàng trăm tấn phân được huy động phục vụ sản xuất. Đoàn thanh niên, chi hội Phụ nữ xã Chiềng Pấc, Mường Sại, Bản Lầm...luôn xung kích, đi đầu trong phong trào xây dựng, nếp sống văn hóa mới.

Thành quả bước đầu đat được trên các lĩnh vực kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng bộ, đưa Thuận Châu ngày càng phát triển tiến kịp với xu thế của thời kỳ mới đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

Thực tiễn cho thấy đến những năm 1957-1958 ở địa phương vẫn còn nhiều bất cập về năng lực lãnh đạo. Vì vậy nhiệm vụ chính trị giai đoạn mới, yêu cầu củng cố xây dựng Đảng, đảm bảo cho Đảng bộ thực sự giữ vai trò hạt nhân lãnh đạo trên mọi hoạt động ở địa phương là vấn đề cấp bách.

Tháng 5-1959 khu ủy mở hội nghị chuyên đề bàn về công tác xây dựng Đảng. Trong đó hội nghị đặc biệt nhấn mạnh chủ trương “Đẩy mạnh phát triển Đảng viên mới, thành lập chi bộ xã”.

Các cấp ủy Đảng lựa chọn tập trung vào những cốt cán xã, bản. Trong hai năm vận động xây dựng, phát triển Đảng đạt được thành tích to lớn. Đặc biệt ở khu vực nông thôn, đến đầu năm 1960 hầu hết các xã đã thành lập được chi bộ Đảng.

Tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, tháng 5-1960, Đại hội đại biểu Đảng bộ Thuận Châu lần thứ I được tổ chức tại xã Chiềng Ly. Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng đối với bước phát triển của huyện Thuận Châu. Đại hội đã tập trung đánh giá tổng kết quá trình thực hiện những nhiệm vụ chính trị từ năm 1954.

Xác định mục tiêu nhiệm vụ năm 1960-1961. Đại hội chủ trương. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện lấy sản xuất lương thực làm nhiệm vụ trọng tâm vận động mạnh mẽ phong trào xây dựng hợp tác hóa nông nghiệp,tăng cường và củng cố hệ thống trường học, các cơ sở y tế phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, giữ vững an ninh quốc phòng ...

Đại hội bầu đồng chí Lê Ninh làm bí thư Châu ủy khóa I.

Ba năm (1958-1960) thực hiện công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp hoàn thành cải cách dân chủ, dưới sự lãnh đạo của ban cán sự châu, khu ủy Tây Bắc, Thuận Châu đã từng bước tháo gỡ khó khăn, đoàn kết các dân tộc, đẩy mạnh các phong trào cách mạng trong quần chúng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tạo điều kiện để Thuận Châu bước vào thực hiện kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ nhất.

Quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Khu lần thứ I, Đại hội Đảng bộ Thuận Châu lần thứ II họp từ ngày 15 đến 20-11-1961. Đại hội xác định nhiệm vụ năm 1962 của địa phương là: “Từng bước mở rộng quy môn hợp tác xã, tích cực phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, lấy sản xuất lương thực làm trung tâm, đồng thời đẩy mạnh chăn nuôi, trồng cây công nghiệp. Tăng cường công tác giáo dục – đào tạo; xây dựng nếp sống văn hóa mới…”. Đại hội đã bầu đồng chí Phương Lung làm Bí thư Châu ủy khóa II. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Thuận Châu ra sức thực hiện những nhiệm vụ do Đại hội đề ra.

Ngày 27-10-1962, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa II đã ra Nghị quyết đổi tên Khu tự trị Thái-Mèo thành Khu tự trị Tây Bắc, lập lại tỉnh Sơn La trực thuộc Khu tự trị Tây Bắc gồm tám huyện, thị: Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Mường La, Sông Mã, thị xã Sơn La.

Đại hội Đảng bộ huyện Thuận Châu lần thứ III được tổ chức tại thị trấn Thuận Châu từ ngày 7 đến ngày 12-3-1963, về dự Đại hội có 113 đại biểu, thay mặt cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trog huyện. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành khóa III, gồm 23 đồng chí, đồng chí Phạm Thanh được bầu làm Bí thư Huyện ủy.

Đại hội khẳng định: Cuộc vận động củng cố hợp tác hóa đạt kết quả, từng bước đẩy mạnh phong trào cải tiến kỹ thuật sản xuất phát triển. Tuy nhiên phong trào xây dựng hợp tác hóa chưa được củng cố vững chắc, hầu hết đội ngũ cán bộ hợp tác xã chưa qua đào tạo cơ bản về chuyên môn nghiệp vụ; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo không theo kịp yêu cầu thực tiễn…. Tốc độ phát triển nền kinh tế-xã hội chậm, không đồng đều giữa các ngành… Đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn.

Đại hội Đảng bộ huyện Thuận Châu lần thứ IV được tổ chức vào tháng 10-1964. Đại hội nhận định: Nền kinh tế có bước phát triển tiến bộ. Sản xuất nông nghiệp đã có hướng phát triển toàn diện, đảm bảo sản lượng lương thực đề ra. Hoạt động của các ngành kinh tế, văn hóa-xã hội, y tế, giáo dục ngày càng được đẩy mạnh; hệ thống chính trị ổn định. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành khóa IV gồm 20 đồng chí, đồng chí Nguyễn Xuân Định được bầu làm Bí thư Huyện ủy. Đồng chí Pha Sung được bầu làm Phó Bí thư.

III. KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC (1955-1965)

Trong những năm 1955-1957 một số phần tử cực đoan bất mãn, những người đã từng lầm đường theo giặc được các thế lực đế quốc tay sai kích động đã không từ những thủ đoạn xảo quyệt tuyên truyền xuyên tạc chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước để chống phá cách mạng ....nhằm gây hoang mang dao động trong đồng bào các dân tộc.

Trước tình hình đó được sự chỉ đạo của Khu ủy, Ban cán sự Châu đã đoàn kết, Phát huy tốt vai trò lãnh đạo, có các biện pháp chỉ đạo kịp thời với tình hình mới. Một mặt chú ý củng cố đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm vạch rõ những âm mưu,thủ đoạn chống phá cách mạng của kẻ địch; mặt khác tăng cường xây dực lực lượng. Đến năm 1957 lực lượng vũ trang ở địa phương cơ bản được kiện toàn biên chế. Quân số lực lượng dân quân du kích phát triển mạnh gồm 391 đồng chí.

Bên cạnh việc chăm lo phát triển quân số công tác giáo dục chính trị tư tưởng, luyện tập quân sự trong lực lượng được tổ chức thường xuyên để bảo vệ cuộc sống của nhân dân, bảo vệ Đảng.

Giai đoạn 1958-1960 ban chấp hành Đảng bộ các cấp ủy Đảng chỉ đạo sát sao trên mọi địa bàn, đồng thời đẩy mạnh triển khai chủ trương “Xây dựng lực lượng làm công tác bảo vệ an ninh quốc phòng ở cơ sở vững mạnh”.

Vào những năm 1962-1963, trên địa bàn tỉnh Sơn La, máy bay Mỹ hoạt động thám thính dọc tuyến biên giới Việt- Lào với số lượng ngày càng nhiều. Ở Thuận Châu, tình hình diễn biến ngày càng phức tạp. Những vùng xung yếu như Long Hẹ, Pá Lông, Mường Sại ...liên tục có những hoạt động thả truyền đơn, gây tâm lý chiến tranh. Đồng thời những phần tử phản động địa phương ra sức hoạt động chống phá chính quyền dưới nhiều hình thức và thủ đoạn nham hiểm.

Trước tình hình đó, ngày 23-8-1963, Ban Chấp hành Đảng bộ Thuận Châu họp và xác định nhiệm vụ cấp bách đặt ra là: phòng chống và ngăn chặn có hiệu quả mọi hoạt động gián điệp. biệt kích, giữ vững trật tự trị an, quốc phòng ở địa phương.Tăng cường công tác điều tra, tuyên truyền, giáo dục nhân dân đề cao cảnh giác...đẩy mạnh phong trào bảo vệ trị an trong quần chúng nhân dân; thực hiện tốt công tác bảo vệ nội bộ.

Ngoài ra các cấp ủy Đảng đã chỉ đạo khẩn trương lập kế hoạch, xây dựng phương án tác chiến trên các địa bàn. Chế độ trực chiến bắt đầu được thực hiện. các tổ chức dân quân tự vệ tăng cường củng cố, bổ sung về lực lượng, trang bị vũ khí sẵn sàng chiến đấu.

Kết hợp thực hiện Nghị quyết 39, 81 của Bộ Chính trị, công tác giáo dục, cải tạo bọn phản động địa phương được đẩy mạnh. Lực lượng bảo vệ nội bộ địa phương phối hợp chặt chẽ với các cấp các ngành, công an tỉnh tăng cường hoạt động, theo dõi nắm bắt tình hình, diễn biến âm mưu của các phần tử phản động , triển khai kế hoạch lập hồ sơ đối tượng gồm gián điệp, biệt kích, ngụy, phỉ cũ có biểu hiện nghi vấn.

Với những nỗ lực trên, Đảng bộ và nhân dân Thuận Châu vững vàng trước mọi diễn biến của tình hình, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc hậu phương xã hội chủ nghĩa.



c. Củng cố, luyện tập.

- GV khái quát lại nội dung bài học.

- Câu hỏi luyện tập:

? Trách nhiệm của bản thân em để bảo vệ những di tích lịch sử cũng như góp sức mình vào xây dựng quê hương ngày càng giầu đẹp?



d. Hướng dẫn học bài ở nhà.

- Tiếp tục nghiên cứu lại nội dung bài học.

- Hoàn thành trả lời các câu hỏi phần luyện tập.
-----------------------------


LỊCH SỬ ĐỊA PHƯƠNG LỚP 7- TIẾT 3
CHƯƠNG II:

ĐẢNG BỘ THUẬN CHÂU LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN CÁC DÂN TỘC

TRONG HUYỆN XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC (1965-1975)
1. Mục tiêu

a.Về kiến thức:

Nắm được một số nét khái quát tình hình huyện Thuận Châu trong cuộc kháng chiếng chống đế quốc Mỹ và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, khôi phục kinh tế-xã hội, tiếp tục chi viện cho miền Nam.



b. Về thái độ: Giáo dục lòng tự hào về truyền thống lịch sử của huyện Thuận Châu.

c. Về kĩ năng: Rèn luyện kĩ năng đánh giá, nhận xét các sự kiện lịch sử.

2. Chuẩn bị

a. Giáo viên:

- Soạn giáo án, nghiên cứu các tài liệu tham khảo.



b. Học sinh:

- Chuẩn bị các nội dung liên quan đến bài học: nhân dân các dân tộc Thuận Châu đã tham gia kháng chiến chống Mỹ như thế nào, sưu tầm các tranh ảnh liên quan đến bài học.



3. Tiến trình bài dạy

a. Kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh

b. Bài mới.

I. ĐẢNG BỘ THUẬN CHÂU LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN CÁC DÂN TỘC TRONG HUYỆN VỪA XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI, VỪA CHỐNG CHIẾN TRANH PHÁ HOẠI CỦA ĐẾ QUỐC MỸ, THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHI VIỆN CHO MIỀN NAM (1965-1972)

Công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam của nhân dân ta ngày càng gặp nhiều cam go thử thách

Trước tình hình đó, nhiệm vụ cấp bách của quân và dân ta trong thời kì mới được Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) họp từ ngày 25 đến 27 – 3 – 1965 xác định: “Miền Nam vẫn là tiền tuyến lớn, miền Bắc vẫn là hậu phương lớn, nhiệm vụ của miền Bắc là vừa xây dựng vừa trực tiếp chiến đấu, chi viện cho tiền tuyến miền Nam”. Cả nước đoàn kết nhất trí triệu người như một, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Quán triệt hội nghị lần thứ 11 của Ban Chấp hành Trung ương, Tỉnh ủy Sơn La quyết định chuyển hướng hoạt động của tỉnh từ thời bình sang thời chiến, trong đó chủ trương “phát triển nông – lâm nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể hóa chủ trương của hội nghị lần thứ 11, Ban chấp hành Trung ương Đảng và nghị quyết của tỉnh ủy Sơn La, ngày 15 – 5 – 1965, huyện ủy Thuận Châu ra nghị quyết: Ra sức củng cố lực lượng vũ trang vững mạnh sẵn sàng chiến đấu cao”, tích cực công tác tư tưởng trong cán bộ, nhân dân. Tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ trị an, phòng chống gián điệp, biệt kích.

Dưới sự lãnh đạo sát sao của Huyện ủy, các cấp ủy đảng khẩn trương vừa tổ chức cho cán bộ Đảng viên và quần chúng học tập, quán triệt nhận định tình hình, nhiệm vụ mới.

Ngày 14 – 6 – 1965, máy bay Mỹ bắt đầu bắn phá vào địa phận tỉnh Sơn La. Trong vòng 6 tháng cuối năm 1965, Sơn La phải hứng chịu 6300 quả bom các cỡ, trên 200 điểm bị bắn phá. Ngày 20 – 6 – 1965, máy bay bắn địch phá Mường Sại huyện Thuận Châu. Đến tháng 12 – 1965, Thuận Châu bị địch bắn phá ác liệt tại 76 địa điểm, trong đó có dồn dập ở các khu vực thị trấn, nhà máy xi măng Chiềng Pấc, Nhà máy đường, cầu Nà Hày, cầu bản Hình, Mường Sại, Bình Thuận, Ninh Thuận, Mường Bám, Phúc Tang, Chiềng Khoang, Bó Mười, hơn 30 người bị chết, hơn 100 nóc nhà bị cháy hoàn toàn.

Trước sự phá hoại ác liệt của kẻ địch, quân và dân các dân tộc Thuận Châu phát huy cao độ về tinh thần yêu nước, dũng cảm bắn máy bay địch, bảo vệ an toàn cơ sở giữ vững hậu phương.

Tháng 6 - 1965 tổ dân quân Thôn Mòn và đội tự vệ cơ quan bắn cháy một máy bay F 105D của đế quốc Mỹ, bắt sống tên phi công nhảy dù xuống Muổi Nọi (Chiềng Sinh)

Đế quốc Mỹ không chỉ tập trung lực lượng không quân đánh phá mà kết hợp cả lực lượng gián điệp, biệt kích tung xuống các địa bàn để phá hoại. Thuận Châu là một trong những trọng điểm tập kết của chúng.

Bám sát chủ trương của Tỉnh ủy Sơn La. Đảng bộ Thuận Châu khẩn trương triển khai các phương án bảo vệ an ninh; bố trí, phân công cán bộ (chủ yếu là các trưởng, phó ngành) phụ trách, chỉ đạo giám sát sao các xã tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhân dân đề cao cảnh giác, quản lý chặt chẽ các địa bàn, nhất là vùng xung yếu.

Ngày 17 – 9 -1965 toán biệt kích mật danh Dogt gồm 9 tên và ngày 18 – 10 – 1965, toán biệt kích khác gồm 3 tên đã bị lực lượng an ninh, bộ đội Thuận Châu và tỉnh Sơn La bắt gọn. Cùng thời gian đó, tên Quàng Văn Tin cầm đầu 19 tên có hoạt động chống đối chính quyền, đe dọa giết cán bộ... đã bị phát hiện, xử lý.

Trước tình hình đó hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 12 (họp từ ngày 21 đến ngày 26-12-1965 chỉ đạo tiếp tục giương cao ngọn cờ đấu tranh bảo vệ nền độc lập của dân tộc.

Quán triệt nghị quyết Hội nghị cán bộ mở rộng (tháng 2 – 1966) của Tỉnh ủy Sơn La, các cấp ủy đảng Thuận Châu tổ chức đợt sinh hoạt chính trị trong toàn Đảng bộ, nhằm giáo dục, nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ, đảng viên về tình hình nhiệm vụ của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trong tình hình mới.

Việc làm thiết thực ấy có ý nghĩa tích cực góp phần cổ vũ mạnh mẽ tinh thần toàn Đảng ra sức thi đua trên mọi trận tuyến.

Từ ngày 20 đến ngày 20 – 10 – 1966, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ V tổ chức tại bản Giới, xã Thôm mòn, Thuận Châu, 22 đồng chí trúng cử vào Ban Chấp hành khóa V, đồng chí Nguyễn Xuân Định được bầu làm Bí thư.

Đại hội đề ra chủ trương, nhiệm vụ và mục tiêu phấn đấu trong từng lĩnh vực cụ thể, sát hợp với điều kiện của địa phương trong hoàn cảnh thời chiến.

Chỉ thị của Ban Chấp hành Đảng bộ ngày 16 – 3 – 1966 về việc “Tăng cường lãnh đạo công tác xây dựng lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ trong tình hình mới” đã nhấn mạnh: “Phát động toàn Đảng, toàn dân tích cực tham gia xây dựng lực lượng vũ trang, không ngừng củng cố và phát triển dân quân tự vệ; đẩy mạnh thực hiện kế hoạch xây dựng xã chiến đấu ở các vùng xung yếu, đặc biệt là khu vực Bó Mười, Mường Khiêng, Mường Sại”. Năm 1965 đạt 8% và đến năm 1967 chiếm 12% so với dân số, có cơ sở đạt 14% như Chiềng La, Nậm Ét, Mường Sại.

Dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, những xã trên trục quốc lộ, đặc biệt là những khu vực trọng điểm như cầu bản Hinh, cầu Nà Hày, đường Tà Hè đều thành lập Ban chỉ đạo giao thông. Kết hợp với ngành giao thông.

Trong vòng sáu tháng cuối năm 1965, nhân dân các xã Thôm Mòn, Thị trấn, Hạt giao thông 7,8... đào đắp trên 300.000 mét khối đất đá, kịp thời thông đường trên các địa điểm bị bắn phá. Tấm gương dũng cảm bám đường, đếm bom, cùng đồng đội bảo vệ cầu đường thông suốt của chị Nguyễn Thị Mị trên đoạn đường cầu Nà Hày đã được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lao động ngành Giao thông vận tải Sơn La.

Vượt lên hoàn cảnh khó khăn năm 1965 – 1967 là thời kì hoạt động đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ. Tông sản lượng nông nghiệp năm 1967 chỉ đạt 68,7% kế hoạch, so với năm 1965 giảm 32%. Hàng hóa khan hiếm không đáp ứng được yêu cầu tiêu dùng thiết yếu của nhân dân.

Bên cạnh cách hoạt động kinh tế, hoạt động chính trị - xã hội diễn ra khá sôi nổi. Các phong trào “ba đảm đang”, “ba sẵn sàng” trong giới phụ nữ, thanh niên được đẩy mạnh, phong trào “dạy tốt- học tốt”, xóa mù chữ, phong trào “bảo vệ an ninh Tổ quốc” phát triển mạnh. Trong 3 năm, toàn huyện có 2020 đoàn viên trong đó có 995 là đoàn viên của 54 đơn vị đăng kí tình nguyện “ba sẵn sàng” lên đường làm nhiệm vụ. Điểm hình là cuộc vận động chỉnh huấn năm 1965.

Bước vào năm 1968, với cuộc tiến công chiến lược của quân ta và nhân dân miền Nam. Quân và dân miền Bắc đã chiến đấu dũng cảm, lập công xuất sắc, bắn rơi 3.243 máy bay.

Ngày 1 – 11 – 1968 đế quốc Mỹ buộc phải tuyên bố chấm dứt không điều kiện cuộc ném bom bắn phá trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Từ ngày 21 đến ngày 26 – 3 – 1969, Đại hội Đảng bộ huyện Thuận Châu lần thứ VI được tổ chức trọng thể tại trung tâm huyện lỵ. Đến dự Đại hội có 147 đại biểu. Đại hội được vinh dự đón đoàn đại biểu khu Tây Bắc do đồng chí Bình Phương – Phó Bí thư Khu ủy làm trưởng đoàn; đoàn đại biểu tỉnh Sơn La do đồng chí Hoàng Nó – Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn. Đặc biệt. Đại hội VI Đảng bộ được đón tiếp đoàn đại biểu tỉnh Đăk Lăk do đồng chí Ama Khe làm Trưởng đoàn.

Trong năm ngày làm việc khẩn trương, tích cực, Đại hội tập trung thảo luận và thống nhất chủ trương phát triển, những mục tiêu cụ thể trong 2 năm 1969 – 1970 là “Tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, trọng tâm là lương thực, thực phẩm theo hướng thâm canh tăng năng suất; đầu tư thích đáng sức người, sức của để củng cố, khôi phục và mở mang phát triển giao thông; tiếp tục đấy mạnh thực hiện cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác hóa nông nghiệp không ngừng đề cao cảnh giác với âm mưu địch bắn phá và các hoạt động biệt kích, gián điệp, giữ vững an ninh chính trị, góp phần chi viện về người và của cho tiền tuyến”.

Trong hai năm 1969 – 1970 phải tập trung vào ba mục tiêu cơ bản là: quyết thắng 5 tấn, 4 tốt. Trong đó nội dung chủ yếu là:

Chú trọng củng cố, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh về mọi mặt.

Phấn đấu đạt 5 tấn thóc/ha trên chân ruộng hai vụ, 4 tấn ở chân ruộng một vụ, 3 tấn lúa nương ở các điểm bãi bằng. Đẩy mạnh phát triển kinh tế chăn nuôi gia súc: trâu, bò, ngựa, dê. Hạn chế tình trạng chặt, đốt phá rừng bừa bãi.

Trong năm 1969 phấn đấu đạt 70% chi bộ khá, “bốn tốt”, không có chi bộ, đảng viên kém, phát triển 200 đảng viên mới.

Đại hội bầu ra Ban Chấp hành khóa VI gồm 21 đồng chí, đồng chí Nguyễn Xuân Định được bầu lại làm Bí thư Huyện ủy.

Nhân dân các dân tộc Thuận Châu bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ VI trong điều kiện miền Bắc không còn tiếng bom đạn của giặc Mỹ, vì vậy khí thế lao động sản xuất, phục hồi kinh tế - xã hội ở tất cả các ngành trở nên sôi động và khẩn trương.

Năm 1969 trong 235 hợp tác xã nông nghiệp của toàn huyện thì có 19 hợp tác xã có quy mô từ 50 hộ trở lên dưới 30 hộ có 171 hợp tác xã. Công tác quản lý xây dụng kế hoạch sản xuất tiếp tục được đẩy mạnh, cải tiến, vì vậy hầu hết các hợp tác xã thực hiện cơ chế 1, 2, 3 khoán. Việc quản lý và phân công lao động trong từng hợp tác xã có nền nếp; các tổ thủy lợi, chăn nuôi, tổ rèn, chăm sóc bảo vệ rừng... Phục vụ sản xuất hoạt động nhịp nhàng.

Để đạt được những kết quả trên, các cấp ủy đã đặc biệt quan tâm điến biện pháp canh tác, thâm canh tăng năng suất. Năm 1969, 105ha ruộng được khôi phục đưa vào sản xuất.

Giữa lúc công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa đang được đẩy mạnh, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Thuận Châu được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Với niềm thương tiếc vô hạn vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, ngày 5 – 9 – 1969, Huyện ủy đã tổ chức lễ truy điệu trọng thể Người tại bản Giới, xã Thôm Mòn – nơi sơ tán của cơ quan huyện. Trước anh linh của Người toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc Thuận Châu nguyện: “Tăng cường khối đoàn kết, dũng cảm chiến đấu, ra sức xây dựng bảo vệ quê hương góp phần tích cực vào sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

Trong hai năm 1969 – 1970, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng được đầu tư. Các tuyến đường Mường Khiêng – Bó Mười, Bản Lầm – Muổi Nọi, Púng Tra – Tranh Đấu, Thôm Mòn – Chiềng Khoang – Chiềng La được khai thông và đưa vào sử dụng. Đến năm 1970, tám trường cấp II, một trường cấp III, trường bổ túc văn hóa ở huyện hoạt động trở lại. Tỷ lệ học sinh đến trường khóa học 1969 – 1970 ở tất cả các cấp khá đông: Cấp I có 3.371 em, trong đó có 2553 là con em các dân tộc thiểu số; cấp II có 415 em; cấp III có 107 em.

Các hoạt động đóng góp, chi viện cho tiền tuyến kịp thời, đạt hiệu quả cao. Năm 1970 Thuận Châu huy động được hơn 2000 tấn thóc, cung cấp ủng hộ miền xuôi 592 con trâu...

Ngày 28 – 1 – 1970, Huyện ủy họp ra Nghị quyết về công tác xây dựng Đảng, trong đó chủ trương “không ngừng nâng cao công tác chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, đặc biệt ở khu vực nông thôn, bảo đảm hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị đề ra”.

Qua hai năm (1970 – 1971) triển khai thực hiện nghị quyết, các cơ sở Đảng trong toàn Đảng bộ được củng cố một bước, cả về tư tưởng chính trị và tổ chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.

Bên cạnh những thành tích đã đạt được, nhiều mặt công tác còn bộc lộ những hạn chế nhất định. Trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VII (Họp từ ngày 23 đến ngày 28 – 10 – 1970) nhận định khái quát: “Nền kinh tế - xã hội phát triển chậm, không đồng đều giữa các ngành kinh tế. Sản xuất nông nghiệp còn mang tính quảng canh”.

Đảng bộ đề ta những mục tiêu phấn đấu thực hiện trong năm 1971 là:

Phấn đấu củng cố, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh toàn diện, trong đó tập trung nâng cao chất lượng là chính. Mỗi xã xây dựng một phân đội cơ động

Sản xuất nông nghiệp bảo đảm giải quyết được vấn đề lương thực, ổn định đời sống nhân dân. Tổng sản lượng lương thực quy thóc phấn đấu đạt 20.886 tấn, trong đó lúa 11.457 tấn. Chăn nuôi: đàn trâu tăng 19% đàn bò tăng 71%, ngựa tăng 15,7%, lợn tăng 13,2% so với năm 1970, dê cần được khuyến khích phát triển.

Vùng I: Phỏng Lái, Chiềng Pha, Phổng Lăng… Tập trung thâm canh lúa kết hợp chăn nuôi

Vùng II: Bản Lầm, Tranh Đấu, Púng Tra... Phát triển chăn nuôi gia súc kết hợp phát triển cây công nghiệp theo hướng lấy ngắn nuôi dài

Vùng III: Chiềng Ngàm, Liệp Tè, Nậm Ét... Bảo vệ, chăm sóc và khai thác rừng, kết hợp trồng cây công nghiệp và chăn nuôi.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng các cấp ủy đảng, sự nỗ lực vượt bậc của nhân dân các dân tộc, trong hai năm 1971 – 1972, Thuận Châu đã thực hiện tốt phương châm “ăn no, góp đủ”, bảo vệ an toàn an ninh, chính trị ở địa phương.

Các phong trào “ Xây dựng chính quyền giỏi toàn diện”, phong trào “ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang” tiếp tục được phát huy mạnh mẽ, lôi cuốn đông đảo các tầng lớp thanh niên, phụ nữ tích cực tham gia các hoạt động trên các lĩnh vực sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu...

Ngày 6 – 4 – 1972. Níchxơn huy động lực lượng không quân tiến hành chiến tranh phá hoại lần thứ hai đối với miền Bắc. Những năm 1965 – 1967 những hoạt động thám thính thường xuyên, những luận điệu tuyên truyền của các phần tử phản động ở địa phương có tác động đến tâm lý tư tưởng của quần chúng nhân dân.

Trước tình hình đó, Ban chấp hành Đảng bộ huyện chủ trương: “Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, đoàn kết, sẵn sàng đánh trả quyết liệt các trận không kích của máy bay địch.



Каталог: Data -> upload -> files
files -> CÔng ty cp cung ứng và xnk lao đỘng hàng khôNG
files -> Ubnd tỉnh hoà BÌnh sở KẾ hoạch và ĐẦu tư
files -> Ubnd tỉnh sơn la sở giáo dục và ĐÀo tạO
files -> Đề cương ôn tập Vật lý 12 LỜi nóI ĐẦU
files -> BỘ NÔng nghiệp và ptnt
files -> HƯỚng dẫn khai và chứng nhận Lý lịch của người xin vào Đảng (Mẫu 2-knđ), Lý lịch đảng viên (Mẫu 1-hsđV), Phiếu đảng viên (Mẫu 2 – hsđV) và Phiếu bổ sung hồ sơ đảng viên
files -> HƯỚng dẫn sử DỤng tài liệU Ôn tập thi thpt quốc gia môN: tiếng anh
files -> Serial key đến năm 2038
files -> Tổng số các đề tài đã đăng ký: 19 I. Chuyên ngành Vật liệu Điện tử: 09 đề tài
files -> BỘ TÀi chính số: 55/2006/tt-btc

tải về 333.53 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương