Thuận châu- miềN ĐẤt và con ngưỜi mục tiêu Sau khi học xong bài này học sinh cần nắm được a. Về kiến thức


*Di tích lịch sử kỳ đài Thuận Châu



tải về 333.53 Kb.
trang2/5
Chuyển đổi dữ liệu23.08.2016
Kích333.53 Kb.
#27536
1   2   3   4   5

*Di tích lịch sử kỳ đài Thuận Châu


Trong kháng chiến chống Pháp và sau hoà bình lập lại trên Miền Bắc, mặc dù bận trăm công ngàn việc của đất nước, Bác Hồ - Vị cha già kính yêu của dân tộc luôn quan tâm tới nhân dân các dân tộc Tây Bắc.

Đáp lại lòng tin của Bác, nhân dân các dân tộc Tây Bắc đã dũng cảm trong chiến đấu, hăng hái thi đua lao động sản xuất và mong ước được đón Bác lên thăm và được báo cáo với Bác những thành tích đã đạt được.

Ngày 7/5/1959, mong ước của nhân dân các dân tộc Tây Bắc đã trở thành hiện thực. Sân vận động của thủ phủ khu tự trị Thái - Mèo rực rỡ cờ hoa, biểu ngữ khẩu hiệu và hơn 1 vạn người đại diện cho 43 vạn nhân dân các dân tộc Tây Bắc hân hoan đón chào Bác dẫn đầu phái đoàn của Đảng - Chính phủ lên thăm.

Bằng cử chỉ vô cùng giản dị, thân mật và gần gũi, Bác đã ghi nhận, biểu dương sự hy sinh và những đóng góp hết sức to lớn của nhân dân các dân tộc Tây Bắc trong kháng chiến chống Pháp, trong khôi phục kinh tế sau chiến tranh. Người đã thay mặt Chính phủ tặng nhân dân các dân tộc Tây Bắc tấm Huân chương lao động hạng nhất. Người căn dặn: Phải hăng hái thi đua phát triển kinh tế - xã hội, củng cố các thành phần kinh tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển mạng lưới giáo dục - y tế, củng cố an ninh quốc phòng.

Hơn 50 năm đã trôi qua, lời dặn của Người đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Sơn La bền bỉ phấn đấu thực hiện, đã và đang làm cho vùng đất Miền Tây của Tổ quốc có những đổi thay to lớn.

Di tích lịch sử Kỳ đài Thuận châu nằm ngay trong khuôn viên sân vận động huyện Thuận Châu.



* Di tích lịch sử: Tháp kiến trúc nghệ thuật bản Lào xã Mường Bám. Đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật mang đậm nét yếu tố Phật giáo phái Tiểu Thừa do đồng bào dân tộc Lào cư trú tại địa phương xây dựng, được bộ văn hoá, thể thao và du lịch quyết định xếp hạng di tích cấp quốc gia (24.10.2012).

Huyện Thuận Châu có 03 Di tích lịch sử được công nhận cấp tỉnh: Cầu Nà Hày xã Thôm Mòn; Di chỉ khảo cổ học Hang Mái đá bản Mòn xã Thôm Mòn; Khu căn cứ kháng chiến xã Long Hẹ.



c. Củng cố, luyện tập.

- GV khái quát lại nội dung bài học.

- Câu hỏi luyện tập:

+ Là HS đang ngồi trên ghế nhà trường em thấy mình phải có trách nhiệm gì để bảo vệ những di tích lịch sử cũng như góp sức mình vào xây dựng quê hương ngày càng giầu đẹp?

+ Hiện nay em thấy quê hương Thuận Châu đang ngày càng đổi mới và phát triển như thế nào?

d. Hướng dẫn học bài ở nhà.

- Tiếp tục nghiên cứu lại nội dung bài học.

- Hoàn thành trả lời các câu hỏi phần luyện tập.

---------------------------------------



LỊCH SỬ ĐỊA PHƯƠNG LỚP 7 (Tiết 1)

THUẬN CHÂU TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (1945-1954)

1. Mục tiêu

Sau khi học xong bài này học sinh cần nắm được



a.Về kiến thức:

Nắm được một số nét khái quát tình hình huyện Thuận Châu thời Pháp thuộc và cuộc khởi nghĩa dành chính quyền ở Thuận Châu trong cách mạng tháng Tám - 1945.

Nắm được cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Thuận Châu dưới sự lãnh đạo của Đảng đi đến thắng lợi (1946-1954).

b. Về thái độ: Giáo dục lòng tự hào về truyền thống lịch sử của huyện Thuận Châu.

c. Về kĩ năng: Rèn luyện kĩ năng đánh giá, nhận xét các sự kiện lịch sử.

2. Chuẩn bị

a. Giáo viên:

- Soạn giáo án, nghiên cứu tài liệu tham khảo

- Lược đồ huyện Thuận Châu. Tư liệu về các chiến sỹ cộng sản bị giam cầm tại ngục Sơn La từ 1930-1945.

b. Học sinh: Sưu tầm tư liệu về nhà ngục Sơn La.

3. Tiến trình bài dạy

a. Kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh (Các tư liệu học sinh sưu tầm được).

b. Bài mới.

I. KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH THUẬN CHÂU THỜI PHÁP THUỘC.

Năm 1858 thực dân Pháp nổ súng vào Đà Nẵng mở đầu quá trình xâm chiếm Việt Nam. Đến năm 1888, chúng chiếm được toàn bộ tỉnh Sơn La. Ngay sau đó, bộ máy cai trị của thực dân Pháp được thiết lập từ tỉnh đến châu, mường theo chế độ quân quản. Bộ máy phong kiến địa phương được thực dân Pháp duy trì và tăng cường, đứng đầu tỉnh là viên Tuần phủ nhưng chỉ là kẻ thừa hành mệnh lệnh của Công sứ Pháp. Ở các châu có bố chánh, tri châu có châu úy và thừa phái giúp việc. Đứng đầu mường có phìa, đứng đầu bản có tạo bản (Thái). Ở vùng đồng bào Mông đứng đầu mỗi vùng là các thống lý cai quản. Vùng dân tộc Khơ Mú cư trú có các sen, khun đứng đầu cai quản… đời sống của nhân dân bị bóc lột dưới hình thức “cuông”, “nhốc” và các chế độ thuế, phu phen, tạp dịch hà khắc, vô lý.

Ở Thuận Châu, sự trị vì lâu đời của chế độ phong kiến theo hình thức cha truyền con nối, quyền lực tập trung trong dòng họ quý tộc Bạc Cầm đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là 37 đời. Thực dân Pháp chú ý đến dòng họ Bạc Cầm, đưa Bạc Cầm Quý lên làm tri châu khi mới 13 tuổi, đồng thời đưa đi học và đào tạo và thăng chức lên làm bố chánh.

Thực dân Pháp đã xây dựng lực lượng lính Thái ở các châu đàn áp các cuộc nổi dậy của nhân dân với âm mưu chia rẽ dân tộc, kích động họ tranh chấp nhau về địa vị, quyền lợi, gây mâu thuẫn giữa các dòng họ để dễ bề cai trị, “dùng người địa phương trị người địa phương”.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nền kinh tế Thuận Châu mang đặc trưng của nền kinh tế nông nghiệp, tự cấp tự túc, trình độ kỹ thuật canh tác lạc hậu, nông cụ sản xuất thô sơ, một năm chỉ trồng được một vụ lúa. Trong khi đó thực dân Pháp không có chính sách gì để khuyến khích sản xuất phát triển. Các ngành thủ công nghiệp không phát triển, chỉ có ngành dệt vải để phục vụ cho cái mặc hàng ngày. Ở Mường Piềng, Mường Sại có nghề đóng thuyền độc mộc. Chợ búa chỉ có ở châu lỵ, chủ yếu do một số đồng bào người Kinh, Hoa kiều ở Chiềng Ly buôn bán hàng nông sản, tạp hóa. Giao thông chưa phát triển, từ châu lỵ đi các vùng đều bằng đường mòn hoặc đường sông.

Nền kinh tế lạc hậu, sản xuất không phát triển, trong khi đó nhân dân lao động lại phải gánh chịu nhiều loại thuế nặng nề, vô lý do Thực dân Pháp đặt ra, ngoài các loại thuế như thuế thân, thuế ruộng nương…ở vùng cao còn phải nộp bạc trắng, thuốc phiện và độc quyền về muối ăn để người dân lệ thuộc vào chúng. Hàng năm người dân còn phải cống nạp những sản vật quý hiếm, bắt dân phải đi phu, làm đường, công việc nặng nhọc lại bị đánh đập nên nhiều người phải bỏ mạng và ốm đau.

Thực dân Pháp ra sức khuyến khích tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan trong nhân dân. Y tế giáo dục không mở mang, chỉ có một trường sơ đẳng ở châu lỵ.

Năm 1928 tên Công xứ Xanhpulôp cho mở một số trường tổng sự ở các mường và ở vùng đồng bào Mông Long Hẹ để học chữ Quốc ngữ, chữ Thái và chữ Pháp. Nhưng việc học chỉ tập trung con em các phìa, tạo, thống lý nhằm đào tạo tay sai cho thực dân Pháp.

Dưới chế độ thực dân phong kiến ở Thuận Châu có hai giai cấp chính:

- Giai cấp phong kiến thống trị: Bao gồm tầng lớp quý tộc, các chức dịch phong kiến địa phương từ châu đến tổng, mường, bản. Đây là lực lượng có thế lực quyền hành trong xã hội, quyền hành của họ gắn liền với chế độ thực dân, họ chiếm hữu phần lớn ruộng đất. Tuy nhiên trong số đó cũng có một bộ phận ít nhiều có tinh thần dân tộc, họ đứng lên chống lại ách cai trị và đi theo cách mạng.

- Giai cấp nông dân: Gồm nông dân tự do, nông dân bán tự do (cuông, nhốc) và những người dân mất quyền tự do phải làm người ở hầu hạ (côn hươn). Đây là giai cấp chiếm số đông trong xã hội nhưng dưới hai tầng áp bức bóc lột của đế quốc và phong kiến, chính vì vậy cuộc sống của người dân Thuận Châu hết sức khổ cực, tăm tối.

Bên cạnh sự thống trị của giai cấp phong kiến, đặc biệt Thuận Châu thời kỳ này là sự thống trị về thần quyền rất nặng nề, đó là những ông mo, ông chang. Ngoài ra còn có một số ít công chức (giáo viên) và dân buôn bán nhỏ. Chính sách vơ vét, bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp và bộ máy cai trị phong kiến làm cho mâu thuẫn xã hội trở nên sâu sắc, dẫn đến các cuộc đấu tranh, bạo động liên tiếp nổ ra chống lại ách cai trị hà khắc đó.

Năm 1885 phong trào Cần Vương bùng nổ, nhân dân các dân tộc Thuận Châu đã đoàn kết cùng nhân các dân tộc Tây Bắc tích cực đứng lên chống Pháp, trong đó có cả các chức dịch phong kiến địa phương, tiêu biểu là Bạc Cầm Châu.

Năm 1914 nổi lên phong trào khởi nghĩa chống Pháp ở Lào do Lường Sám lãnh đạo, phong trào nổ ra ở Sầm Nưa sau đó tiến vào tỉnh lỵ Sơn La bao vây Tòa sứ. Nhân dân Sơn La dưới sự lãnh đạo của các phìa, các Chậu mường…tham gia khởi nghĩa chống giặc. Bạc Cầm Châu nguyên là Tri châu Thuận Châu, Lường Văn Nó - phìa Mường Lầm chặn đánh viện binh địch, gây cho địch nhiều tổn thất. Sau khi dẹp được cuộc khởi nghĩa thực dân Pháp đã xử tử Bạc Cầm Châu, Lường Văn Nó.

Năm 1918, ở Long Hẹ Vàng Thống Thênh là con của thống quán Vàng Khua Cha đã đứng lên kêu gọi nhân dân tham gia phối hợp với Vừ Pa Chay chống Pháp. Ở nhiều nơi nhân dân các dân tộc Thuận Châu đã đứng lên đấu tranh đòi quyền lợi bằng nhiều hình thức, đệ đơn kiện phìa tạo, đòi giảm thuế, bớt phu, đòi ruộng chức của tạo, phìa…

Tuy các phong trào cuối cùng đều thất bại và bị kẻ thù đàn áp, song nó vẫn thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của nhân dân ta, thể hiện tình đoàn kết giữa các dân tộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược.



II. KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN TRONG CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945 THẮNG LỢI

Sau khi tỉnh lỵ từ Vạn Bú chuyển ra Sơn La, năm 1908 thực dân Pháp tiến hành xây dựng nhà tù Sơn La đặt trên đồi Khau Cả, đây là nhà tù lúc đầu mang tính chất dùng để giam giữ thường phạm.

Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân trong cả nước tạo thành làn sóng cách mạng mạnh mẽ, làm cho kẻ thù tìm cách đối phó, tăng cường truy lùng các chiến sỹ Cộng sản và những người yêu nước. Nhà tù Sơn La trở thành trung tâm giam cầm, đày ải các chiến sĩ Cộng sản phía Bắc Việt Nam. Từ 1930 – 1939 thực dân Pháp đày lên Sơn La rất đông tù chính trị trong đó đa số là đảng viên Đảng Cộng sản nhằm giết dần giết mòn ý chí cách mạng và thể xác của các chiến sĩ. Nhưng các chiến sĩ Cộng sản của ta biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, vận động nhân dân, công nhân công chức, binh lính, thanh niên, học sinh tiểu thương, đồng bào dân tộc vùng ngoại ô giác ngộ và giúp đỡ cách mạng trong đó có đội nhất Lò Văn Mười, cai Piệng…các nhân viên y tế như Cầm Văn Inh. Năm 1943 tổ chức cách mạng bí mật đầu tiên được thành lập “Thanh niên cứu quốc”(Mú nóm chất mương) và phát triển cùng với phong trào cách mạng sôi nổi trong cả nước.

Cuối năm 1943 đồng chí Chu Văn Thịnh được Chi bộ nhà tù Sơn La cử vào Mường Chanh gây cơ sở cùng với đồng chí Cầm Vĩnh Tri, Cầm Minh…tổ chức Hội Thanh niên cứu quốc gồm 12 hội viên. Vừa mới ra đời Hội Thanh niên cứu quốc Mường Chanh đã phát huy vai trò nòng cốt, tổ chức đòi giảm thuế, bớt phu phen, lôi cuốn thanh niên hăng hái tham gia làm cách mạng. Hội đã tổ chức được Đội tự vệ do đồng chí Cầm Vĩnh Tri chỉ huy. Bản Lầm và Tranh Đấu là hai xã thuộc Thuận Châu giáp ranh với xã Mường Chanh của Mai Sơn, phong trào cách mạng sôi nổi ở Mường Chanh ảnh hưởng hai xã này, một số quan bản như quan bản Xanh – Lò Văn Pậu; quan bản Pài – Lò Văn Sượi cùng Hội viên Mường Chanh giác ngộ Thanh niên địa phương làm cách mạng.

Cuối năm 1944 ở bản Lầm, Tranh Đấu đã tổ chức được “Hội Thanh niên cứu quốc” vận động nhân dân chống đi phu, đi lính, chống lại ách áp bức của phìa tạo phong kiến và đế quốc.

Tháng 3 năm 1945 Nhật đảo chính Pháp, Trung Ương Đảng phát động phong trào kháng Nhật cứu nước. Chớp thời cơ đó Chi bộ nhà tù Sơn La tổ chức giải thoát tù chính trị(vượt ngục). Đồng chí Lê Trung Toản sau khi thoát ngục được Xứ ủy Bắc Kỳ điều trở lại Sơn La cùng với đồng chí Chu Văn Thịnh củng cố tăng cường hoạt động cách mạng. Hội Thanh niên cứu quốc và phong trào cách mạng vùng bản Lầm, Tranh Đấu phát triển ngày càng mạnh mẽ lan rộng đến một số vùng như bản Bó, Chiềng Ve. Cuối tháng 6 – 1945 Hội người Thái cứu quốc được thành lập ở bản Bó gồm 11 hội viên do ông Cầm Văn Chung làm Hội trưởng.

Ngày 18-8-1945 cuộc khởi nghĩa ở Mường Chanh giành thắng lợi. Được lệnh Xứ ủy Bắc Kỳ đồng chí Chu Văn Thịnh và Cầm Văn Minh đang dự huấn luyện tại chiến khu Quang Trung gấp rút trở lại Sơn La tham gia lãnh đạo khởi nghĩa. Đồng chí Quàng Đôn và Đỗ Trọng Thát được giao trách nhiệm phụ trách lực lượng khởi nghĩa ở tỉnh lỵ lên Thuận Châu. Ngày 22-8-1945 dưới sự chỉ huy của đồng chí Quàng Đôn, Đỗ Trọng Thát đội quân khởi nghĩa gồm 20 tay súng từ bản Thé, xã Chiềng Xôm (Mường La) tiến lên Thuận Châu. Đồng thời một cánh quân khởi nghĩa từ Tranh Đấu qua bản Lầm theo đường Muổi Nọi tiến lên Châu lỵ. Hai cánh quân gặp nhau tại Muổi Nọi, hợp thành một đội quân đông đảo. Khoảng 2 giờ sáng ngày 23-8-1945 đoàn quân khởi nghĩa tiến vào bao vây châu đường và nhà Bạc Cầm Quý, do có cai Piệng làm nội ứng nên cuộc khởi nghĩa nhanh chóng giành thắng lợi.

Cuộc khởi nghĩa diễn ra nhanh gọn, có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cánh quân giành thắng lợi to lớn, trọn vẹn, thúc đẩy sự trưởng thành cách mạng địa phương hòa nhập phong trào cách mạng sôi nổi trong toàn tỉnh, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi có ý nghĩa hết sức to lớn, nhân dân Thuận Châu đã lật đổ được ách áp bức, cai trị của thực dân Pháp; xóa bỏ chế độ phong kiến thống trị hàng nghìn năm. Nhân dân Thuận Châu thực sự trở thành người của bản, mường cùng với nhân dân cả nước hồ hởi bước vào giai đoạn cách mạng mới.

III. KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP THẮNG LỢI (1946-1954)

1. Thực dân Pháp quay trở lại chiếm đóng Thuận Châu (1946-1948)

Bắt tay vào xây dựng chế độ mới, nhân dân các dân tộc Thuận Châu phải đối mặt với muôn vàn khó khăn về kinh tế, chính trị, đặc biệt về an ninh quốc phòng.

Ngày 31-8-1945, quân Tưởng từ Lai Châu tràn xuống Sơn La. Đó là đội quân ô hợp. Đi đến đâu chúng cũng hạch sách, nhũng nhiễu nhân dân và không thừa nhận chính quyền Việt Minh. Các đồng chí lãnh đạo Tỉnh bộ Việt Minh đã khéo léo thương thuyết để chúng rút hết quân về xuôi.

Thực dân Pháp không từ bỏ âm mưu quay trở lại xâm chiếm nước ta. Tháng 11-1945, từ Vân Nam chúng đánh chiếm Lai Châu. Trung ương điều các đại đội Tây Tiến lên để ngăn chặn bước tiến của địch. Đến cuối tháng 3-1946, từ Tuần Giáo, Pháp đánh mạnh vào Mường É – Thuận Châu và mở các cuộc tấn công dọc theo đường quốc lộ 6 xuống châu lỵ. Từ sông Đà chúng vào Mường Sại Chiềng Bằng, Chiềng Khoang, ra Tông Lạnh, Chiềng Pấc và tiếp tục mở rộng khắp địa bàn Thuận Châu. Thế địch mạnh, ta phải vừa đánh vừa rút lui để bảo toàn lực lượng. Các trận chiến đấu diễn ra ở Tranh Đấu, Bó Mười, Muổi Nọi, Hang Kọng …Một số gia đình kháng chiến tản cư xuống các châu dưới. Đến tháng 4-1946, Thuận Châu hoàn toàn rơi vào tay thực dân Pháp.

Chiếm được Thuận Châu, thực dân Pháp tập trung tổ chức bộ máy ngụy quền từ châu đến các xã, bản, ra sức cướp bóc, đàn áp, trả thù những người theo cách mạng, tuyên truyền chia rẽ, lừa phỉnh nhân dân, tô vẽ cái gọi là “Xứ Thái tự trị”. Chúng đưa Bạc cầm Quý trở về làm Tri châu Thuận Châu. Trong suốt thời gian từ 1946-1948, Thuận Châu được coi là hậu phương vững chắc của kẻ địch. Năm 1949 địch cho đặt thêm “Viện dân biểu”, tổ chức đội võ trang “Thanh niên Thái” chuyên đi do thám ở các bản.

Sống trong cảnh tăm tối, cực nhục, bị o ép mọi bề, nhân dân Thuận Châu vô cùng căm phẫn bọn xâm lược và bè lũ tay sai, ngày đêm mong chờ bộ đội Việt Minh trở về giải phóng bản mường.



2. Tổ chức xây dựng cơ sở cách mạng, xây dựng lực lượng kháng chiến, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch Tây Bắc, giải phóng Thuận Châu (1949-1952).

Đây là thời kỳ diễn biến tình hình chính trị, quân sự hết sức sôi động.

Vào năm 1949, các hoạt động kháng chiến của quân và dân ta trên phạm vi toàn tỉnh diễn ra mạnh mẽ, vùng tự do được mở rộng. Ở Thuận châu tình hình có nhiều biến chuyển, kế hoạch đưa cán bộ vào tuyên truyền, gây dựng cơ sở cách mạng được chỉ đạo sát sao. Đầu năm 1949, ta gây dựng cơ sở Muổi Nọi, Mường Pịn, Mường Piềng, Mường Khiêng và vùng cao Long Hẹ. Tại vùng cao Long Hẹ đội xung phong Trung Dũng liên kết với các đồng chí địa phương Thống quán: Thào Khua Chỉnh, Thào Ngọc Lương…

Đội du kích Long Hẹ do ông Thào Khua Chỉnh, Thào Ngọc Lương phụ trách, ngày đêm luyện tập dưới sự chỉ đạo của đội Trung Dũng tổ chức chống càn, bảo vệ dân, bảo vệ mùa màng.

Ngày 25-5-1949 các đại đội 870, 818, 468 tổ chức tấn công vào huyện lỵ Thuận Châu - hậu phương của địch đã bị uy hiếp. Tháng 7-1949 địch tổ chức cuộc càn vào các cơ sở tổ chức của ta. Chúng tăng cường lực lượng lính cho đồn Mường Lầm. Ngày 19-7-1949 đại đội 248 tổ chức diệt tề ở Mường Piềng. Kết quả hai bố con phìa Mường Piềng phải đền tội, thu 1 súng trường Mỹ, 1 súng lục. Tháng 8-1949 đội Trung Dũng tổ chức diệt tề ở Mường É, bắt được tên trưởng bản, thu 5 ngựa. Đi đến đâu tổ chức đội du kích của ta đều được nhân dân ủng hộ. Tháng 12-1949 Ủy ban kháng chiến hành chính Thuận Châu được thành lập, đồng chí Lương Sơn(Lường Xuân Yến) làm chủ tịch. Một chi bộ độc lập hình thành gồm 7 đảng viên do tỉnh cử lên hoạt động gây cơ sở đã lãnh đạo phong trào kháng chiến ở địa phương ngày càng phát triển mạnh mẽ: điển hình là khu du kích Long Hẹ, khu Tranh Đấu, Mường Khiêng…

Năm 1950-1951 Sơn La bước vào cuộc chiến gay go, quyết liệt nhất, địch tổ chức cuộc càn vào các khu du kích Mường La, Mai Sơn, Thuận Châu, Mộc Châu, Phù Yên. Các đại đội độc lập trên địa bàn Sơn La đã rút về để xây dựng trung đoàn chủ lực. Trên chiến trường Thuận Châu chỉ còn đại đội 438(Trung Dũng) đứng chân ở Long Hẹ, Mường Bám. Ngày 26-2-1950 đội Trung Dũng đánh úp vọng gác Tênh Phông(Tuần Giáo), đột nhập nhà tên thống lý phản động ở Long Hẹ. Bộ đội Trung Dũng, du kích Long Hẹ phối hợp tổ chức nhân dân kiên quyết đấu tranh và giành được thắng lợi, thiết lập chính quyền nhân dân. Ủy ban hành chính kháng chiến Long Hẹ được thành lập gồm 5 người:



  1. Thào Khua Chỉnh – Chủ tịch

  2. Thào Ngọc Lương – Phó Chủ tịch

  3. Vừ Giống Sy - Ủy viên

  4. Vàng Chống Thào - Ủy viên phụ trách kinh tế

  5. Thào Vàng Mua - Ủy viên phụ trách xã đội.

Ngày 14-3-1950 tên thống lý phản động đã dẫn hơn 100 tên địch từ đồn Thuận Châu lên khủng bố Long Hẹ, gặp phải đội du kích Long Hẹ và bộ đội, địch thất bại đành rút lui.

Ngày 13-6-1950 thực dân Pháp tiếp tục điều trên 200 tên địch do cha con thống lý đưa đường từ Thuận Châu lên càn quét Long Hẹ, É Tòng. Tiểu đoàn 105 huy động 2 đại đội Trung Dũng 926 lên phục kích tại Pú Chênh, Pú Chang (Pú Chứn, Pú Chắn), bảo vệ cơ sở Long Hẹ. Kết quả ta giết được một số địch, thu nhiều vũ khí và buộc địch phải rút khỏi Long Hẹ.

Bước sang năm 1951,1952, Thuận Châu liên tục bị thực dân Pháp mở cuộc càn quét trên quy mô lớn gây cho ta nhiều khó khăn và thiệt hại.

Nhằm tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào kháng chiến ở Thuận Châu, Tỉnh ủy Sơn La quyết định thành lập Ban liên huyện Mai – Thuận gồm 5 đồng chí do đồng chí Đỗ Anh Châu làm bí thư. Ban cán sự Mai – Thuận và phong trào kháng chiến ở địa phương không ngừng lớn mạnh. Các cuộc chiến đấu chống càn, giữ cơ sở diễn ra quyết liệt, anh dũng, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng chủ lực tiến công vào giải phóng quê hương.

Ngày 14-10-1952, chiến dịch Tây Bắc mở màn và kết thúc đợt I ngày 24-10-1952 ta giành thắng lợi lớn: đánh tan đại bộ phận quân địch và giải phóng Nghĩa Lộ, Phù Yên, Quỳnh Nhai và tả ngạn Mường La.

Đợt II diễn ra từ ngày 17 đến ngày 22-11-1952, bộ đội ta phối hợp với du kích địa phương đánh địch từ phía Nam lên giải phóng Mộc Châu, Yên Châu. Một cánh quân vu hồi từ Bắc Sơn La và Nam Lai Châu gồm Trung đoàn 165 và Tiểu đoàn 910 (thuộc Trung đoàn 148) đã tiến công giải phóng Luân Châu, Tuần Giáo, sau đó thọc xuống đánh chiếm giải phóng huyện Thuận Châu ngày 21-11-1952. Chiến dịch Tây Bắc kết thúc Thắng lợi. Đây là mốc son chói lọi đi vào lịch sử kháng chiến của nhân dân các dân tộc Thuận Châu.



3. Khôi phục kinh tế, ổn định đời sống và bảo vệ vùng mới giải phóng, góp phần vào chiến dịch tiễu phỉ và chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi (1953-1954)

Được giải phóng, quân dân các dân tộc Thuận Châu hồ hởi bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới. Nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhân dân còn hoang mang, chưa hiểu rõ chủ trương chính sách của Đảng. Trước tình hình đó Ủy ban kháng chiến hành chính huyện được kiện toàn, đồng chí Lương Sơn làm Chủ tịch. Các xã đều thành lập Ủy ban hành chính; đã vận động nhân dân tích cực lao động sản xuất; tiến hành chia ruộng đất, sản xuất phát triển, đạt được những thành tích đáng kể; cuộc sống dần ổn định; tiêu tiền Việt Nam, thu tiền Đông Dương; bán cho nhân dân muối, dầu, vải…mọi chính sách hậu phương đối với tiền tuyến được triển khai tích cực ( góp được 532 tấn lương thực cho chiến dịch Điện Biên Phủ và là một trong bốn huyện được Khu Tây Bắc khen thưởng). Hệ thống chính trị, quân sự nhanh chóng được củng cố, kiện toàn.

Với âm mưu chiếm lại vùng đất đã mất, thực dân Pháp liên tiếp tấn công vào vùng tự do của ta, cài cắm bọn ngụy quyền, do thám hoạt động. Từ cứ điểm Nà Sản, chúng tiến đánh chiếm Thuận Châu, lập lại chính quyền ngụy, tổ chức gián điệp ở khắp các xã, bản, lùng sục đốt phá kho tàng, đánh úp các cơ quan bộ đội, du kích, gây phỉ ở khắp nơi, làm cho đời sống nhân điêu đứng. Trước những âm mưu thâm độc và hành động ngang ngược của Thực dân pháp, bằng mọi nỗ lực, Đảng bộ và nhân dân Thuận Châu vững vàng trước mọi diễn biến tình hình mới, xây dựng và bảo vệ quê hương vững chắc; đặc biệt đã phối hợp với lực lượng chủ lực của tỉnh đánh bại hoàn toàn âm mưu gây phỉ, góp phần vào thắng lợi chung của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Phát huy truyền thông yêu nước, sức mạnh đoàn kết trong kháng chiến, nhân dân các dân tộc Thuận Châu dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng nhân dân cả nước bước vào giai đoạn cách mạng mới, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.



c. Củng cố, luyện tập

- GV khái quát lại nội dung bài học.

- Câu hỏi luyện tập: Nêu tên một số chiến sỹ cộng sản ở đạim phwong em trong thời kỳ 1930-1954.

d. Hướng dẫn học sinh tự học ở nhà

- Ôn lại nội dung bài học

- Sưu tầm các mẩu truyện về các chiến sỹ cộng sản ở địa phương em.

ĐỀ CƯƠNG LỊCH SỬ ĐỊA PHƯƠNG LỚP 7 (TIẾT 2)

CHƯƠNG II

ĐẢNG BỘ THUẬN CHÂU LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN CÁC DÂN TỘC TRONG HUYỆN XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ KHÁNG CHIẾN

CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC (1955-1965)
1. Mục tiêu

Sau khi học xong bài này học sinh cần nắm được



a.Về kiến thức:

Nắm được một số nét khái quát tình hình huyện Thuận Châu trong cuộc kháng chiếng chống thực dân Pháp và công cuộc khôi phục và cải tạo, phát triển kinh tế- xã hội, củng cố tiềm lực quốc phòng.



b. Về thái độ: Giáo dục lòng tự hào về truyền thống lịch sử của huyện Thuận Châu.

c. Về kĩ năng: Rèn luyện kĩ năng đánh giá, nhận xét các sự kiện lịch sử.

2. Chuẩn bị

a. Giáo viên:

- Soạn giáo án, nghiên cứu các tài liệu tham khảo.

- Tranh ảnh, tư liệu liên quan đến sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh lên thăm Thuận Châu (ngày 7/5/1959).

b. Học sinh:

Sưu tầm các tranh ảnh, tư liệu liên quan đến bài học.



3. Tiến trình bài dạy

a. Kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh

b. Bài mới.

I. KHÔI PHỤC, CẢI TẠO VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI (1955-1957)

Năm 1955, Thuận Châu cùng với các địa phương miền Bắc bắt tay vào khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh trong muôn vàn khó khăn về kinh tế, xã hội.

Trước những khó khăn trên Đảng bộ Thuận Châu Quyết tâm lãnh đạo nhân dân vượt qua mọi thử thách. Tuy số lượng Đảng viên còn mỏng nhưng đều có lập trường tư tưởng vững vàng. Mặt khác dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ nhân dân đã được bồi dưỡng và có sự trưởng thành về nhận thức đó là những điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội của Thuận Châu.

Ngày 29-4-1955 Chính phủ ra Sắc lệnh số 230 về thành lập khu tự trị Thái-Mèo, bỏ cấp tỉnh các huyện đổi thành châu trực thuộc khu. Thuận Châu là một trong 18 châu của khu tự trị Thái-Mèo. Các cơ quan của Khu đóng tại thị trấn Thuận Châu.

Trong bối cảnh mới để nhân dân đón nhận thể chế chính trị mới và bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong những năm 1955-1956 Đảng bộ Thuận Châu đã tổ chức nhiều đợt sinh hoạt chính trị. Gắn với các đợt sinh hoạt chính trị Đảng vận động nhân dân tăng gia sản xuất thực hành tiết kiệm.

Cuộc vận động bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp vào năm 1955 được nhân dân hưởng ứng giành thắng lợi. Bộ máy chính quyền các cấp ở địa phương được kiện toàn.

Tháng 6-1956, khu ủy họp và ra nghị quyết về việc khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội và công tác giữ gìn trật tự an ninh quốc phòng.

Quán triệt nghị quyết của ban chấp hành, Đảng bộ khu ban cán sự Thuận Châu xác định nhiệm vụ trọng tâm là khôi phục sản xuất xây dựng hệ thống thủy lợi ...

Năm 1955 công tác cứu đói được tiến hành, Đảng bộ đã vận động nhân dân tham gia phong trào “Lá lành đùm lá rách”, được nhân dân ủng hộ. Tình trạng đói ở địa phương được đẩy lùi. Trong năm 1955 có 2908 người được cứu đói. Cùng với công tác cứu trợ, công tác điều tra chia ruộng đất được tiến hành đến cuối năm 1955 đã hoàn thành, nhân dân đã có ruộng hăng hái thi đua lao động sản xuất.

Trong công cuộc khôi phục kinh tế - xã hội nhiệm vụ củng cố vùng cao được Đảng bộ chú trọng thực hiện, ngày 12.9.1957, ban cán sự châu ra nghị quyết về công tác củng cố vùng cao.

Sau ba năm thực hiện (1955-1957), cải tạo, phát triển kinh tế, xã hội , Đảng bộ và nhân dân Thuận Châu đạt được nhiều thành tựu đáng kể, sản xuát phát triển riêng năm 1956 diện tích lúa toàn huyện lên hơn 5 000 mẫu.

Cùng với sản xuất nông nghiệp các ngành kinh tế như thương nghiệp, bưu điện, ngân hàng, thuế bắt đầu hình thành, phát triển.

Các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế đều có những tiến bộ như: phong trào “bình dân học vụ” phát triển. Bên cạnh đó những lớp hệ giáo dục phổ thông được xây dựng.

Văn hóa – văn nghệ truyền thống của nhân dân các dân tộc được phát huy. Các hoạt động múa xòe, tung còn được tổ chức vào các ngày lễ lớn.

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có hướng hoạt động tích cực. Các hoạt động kết hợp giữa điều trị, cấp phát thuốc và đào tạo ngắn hạn về nghiệp vụ y tá, nữ hộ sinh ... được quan tâm xây dựng.

Qua ba năm lãnh đạo nhân dân thực hiện nhiệm vụ cách mạng, Đảng bộ đã xây dựng được 6 chi bộ với 53 Đảng viên.

Trong ba năm thực hiện nhiệm vụ khôi phục và xây dựng kinh tế- xã hội Đảng bộ và nhân dân Thuận Châu đã vượt qua mọi khó khăn thử thách. Nền khin tế - xã hội sau chiến tranh nhanh chóng được phục hồi. Thành quả đó đã đặt nền tảng để Thuận Châu vững vàng bước tiếp những chặng đường mới.


Каталог: Data -> upload -> files
files -> CÔng ty cp cung ứng và xnk lao đỘng hàng khôNG
files -> Ubnd tỉnh hoà BÌnh sở KẾ hoạch và ĐẦu tư
files -> Ubnd tỉnh sơn la sở giáo dục và ĐÀo tạO
files -> Đề cương ôn tập Vật lý 12 LỜi nóI ĐẦU
files -> BỘ NÔng nghiệp và ptnt
files -> HƯỚng dẫn khai và chứng nhận Lý lịch của người xin vào Đảng (Mẫu 2-knđ), Lý lịch đảng viên (Mẫu 1-hsđV), Phiếu đảng viên (Mẫu 2 – hsđV) và Phiếu bổ sung hồ sơ đảng viên
files -> HƯỚng dẫn sử DỤng tài liệU Ôn tập thi thpt quốc gia môN: tiếng anh
files -> Serial key đến năm 2038
files -> Tổng số các đề tài đã đăng ký: 19 I. Chuyên ngành Vật liệu Điện tử: 09 đề tài
files -> BỘ TÀi chính số: 55/2006/tt-btc

tải về 333.53 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương