THÔng tin kh&cn phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn mục lụC



tải về 1.54 Mb.
trang5/13
Chuyển đổi dữ liệu14.10.2017
Kích1.54 Mb.
#33596
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   13

Giá trị thực của ca cao Bến Tre

Từ đầu năm 2014 đến nay, giá ca cao đã phục hồi và duy trì ở mức từ 4.700 đến 5.000 đồng/kg trái, sau đợt sụt giá vào cuối năm 2013 (chỉ còn 3.000 đến 3.500 đồng/kg trái). Hạt ca cao lên men hiện có giá từ 55.500 đến 61.500 đồng/kg. Sự biến động giá ca cao lần này có ý nghĩa đặc biệt đối với người trồng cây ca cao.

Giá trị ca cao hiện nay là thực chất?

Bình luận về sự tăng giảm giá của ca cao trên thị trường, anh Nguyễn Mộng, đại diện đơn vị thu mua ca cao các tỉnh khu vực miền Tây - Công ty TNHH Cargill Việt Nam, nói: Những tháng cuối năm 2013, sản lượng ca cao trên thế giới tăng do các nhà đầu tư đồng loạt tung hàng dự trữ trong khi nhu cầu chế biến của các nhà máy không tăng; đồng thời, năng suất thu hoạch ca cao tại các nước cũng tăng do trúng mùa. Sang năm 2014, cán cân cung cầu ca cao trên thị trường thế giới đã trở lại trạng thái cân bằng, nên giá cả đang ổn định trở lại.

Trước đây, có thời điểm ca cao tăng giá kỷ lục, với mức dao động từ 8.500 đến 9.000 đồng/kg trái tươi, lúc đó hạt lên men có giá trên 100.000 đồng/kg. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự chênh lệch lớn về giá là do ảnh hưởng của biến động về sản lượng, dẫn đến cán cân cung cầu mất cân đối, kéo theo sự biến động về giá. “Có thể nói, mức giá hiện nay của ca cao là giá trị thực” - anh Nguyễn Mộng cho biết.

Sản lượng ca cao trên địa bàn tỉnh hiện cũng được đánh giá là phát triển ổn định. Trong đợt chặt đốn hơn 1.400ha đất trồng ca cao, có huyện diện tích ca cao bị đốn bỏ chiếm khoảng 1/3. Theo cơ sở đầu mối thu mua ca cao các tỉnh miền Tây tại xã An Khánh (Châu Thành), sản lượng vẫn không giảm so cùng kỳ. Bởi vì phần lớn vườn ca cao bị đốn đều là những vườn trồng nhỏ lẻ, chưa cho trái hoặc đã cho trái nhưng kém hiệu quả. Đối với các vườn đã cho trái ổn định và hiệu quả, nhà vườn vẫn vững niềm tin, chuyên tâm đầu tư chăm sóc nhằm nâng cao năng suất.

Hiện nay, việc đốn ca cao hàng loạt không còn diễn ra, một số địa phương đang đăng ký diện tích trồng mới theo tinh thần của Ban chỉ đạo là đảm bảo hiệu quả, chất lượng. Theo ông Phan Văn Khổng - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2014 và các năm sau, diện tích ca cao sẽ phát triển tùy thuộc vào sự hấp dẫn của thị trường.

Giữ vững niềm tin và nắm bắt cơ hội

Ca cao được xác định là cây thích hợp trồng xen trong vườn dừa, có khả năng thích ứng biến đổi khí hậu hơn so với nhiều loại cây trồng khác. Qua quá trình triển khai và phân tích của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lợi nhuận trung bình của các mô hình trồng xen trong vườn dừa như sau: dừa trồng độc canh: 35 triệu đồng/ha/năm, dừa xen chanh: 55 triệu đồng/ha/năm, dừa xen ca cao: 65 triệu đồng/ha/năm.

Theo anh Lương Văn Vũ (xã An Khánh - Châu Thành), canh tác trên 5.000m2 vườn chuyên nhãn trước đó, từ năm 2005 đến nay, anh chuyển sang đầu tư trồng dừa, xen ca cao và măng cụt. Hiện, anh thu nhập bình quân từ huê lợi vườn cây trái khoảng 7 triệu đồng/tháng.

Ông Trần Văn Ánh (xã An Khánh) là một trong những trường hợp tiếp cận với cây ca cao ngay từ thời gian đầu triển khai và duy trì phát triển đến nay. Ông ước tính, hiện sản lượng hạt ca cao (đã lên men) đạt 1,6 tấn/ha/năm. Với giá bình quân 60.000 đồng/kg (hạt lên men), thu nhập đạt từ 90 triệu đồng trở lên. Cũng là Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ sản xuất ca cao theo tiêu chuẩn UTZ (ấp 1 và 2), ông Ánh cho biết: Hầu hết thành viên trong câu lạc bộ đều giữ vững diện tích ca cao trong khi toàn xã có gần 100ha bị đốn bỏ hoặc chết trong năm 2012-2013. Các thành viên trong câu lạc bộ được tập huấn kỹ thuật chăm sóc ca cao đúng mức, hiệu quả đem lại đúng thực chất nên không ai đốn bỏ ca cao. Bây giờ, người dân đã khá, vững niềm tin, hưởng ứng các phong trào do Nhà nước phát động.

Mặt khác, theo kết quả khảo sát của cán bộ chuyên môn, thông tin cho rằng ca cao làm ảnh hưởng không tốt đến các cây trồng khác hoặc ảnh hưởng đến việc nuôi tôm cá trong mương vườn là không có cơ sở, cả về mặt khoa học lẫn trên thực tế.

Tại Bến Tre, ngoài Công ty TNHH Ca cao Phạm Minh (xã Hữu Định - Châu Thành) đã thành lập và hoạt động, tháng 11-2013, Công ty TNHH Puratos Grand-Place cũng vừa khánh thành Nhà máy thu mua và lên men & Trung tâm phát triển ca cao tại Khu công nghiệp Giao Long. Đây là nhà máy chế biến hạt ca cao từ trái ca cao tươi thành chocolate đầu tiên tại Việt Nam. Công suất hoạt động của nhà máy trong giai đoạn I là 8.000 tấn/năm. Công ty sẽ tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của Dự án nhằm chế biến thành chocolate, công suất 5.000 tấn/năm. Riêng về phía Công ty TNHH Cargill ViệtNam, theo anh Nguyễn Mộng, đại diện đơn vị thu mua ca cao các tỉnh khu vực miền Tây, sắp tới, Công ty cũng sẽ thành lập nhà máy chế biến ca cao tại Việt Nam.

Với những cơ hội về phát triển sản xuất và tiêu thụ ca cao trên địa bàn tỉnh, nhà vườn đã có thể vững tin vào giá trị thực chất của nó. Vấn đề hiện nay là phải trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật để cây ca cao mang lại hiệu quả, giúp người dân có thu nhập cao nhất trên cùng một diện tích đất sản xuất.

Tính đến cuối năm 2012, Bến Tre đã trồng 10.667ha ca cao (trong đó do ACDI/VOCA tài trợ hơn 3.000ha), diện tích cho trái hơn 4.500ha, sản lượng trái tươi trên 30.000 tấn. Tổng thu nhập ước đạt 90-100 tỷ đồng/năm.

Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, nhu cầu về hạt ca cao sẽ tăng lên 5% trong niên vụ 2013-2014 và những năm tiếp theo. Đặc biệt có các thị trường tiêu thụ ca cao mới nổi lên như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Đông Âu…

(Nguồn:vietlinh.vn)




Liên kết vùng sản xuất trái cây bền vững

Trong những năm qua, kim ngạch XK rau quả tăng đều, liên tục. Đây là sự nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành, DN và bà con nông dân và sự đóng góp không nhỏ của khoa học kỹ thuật.

Đặc biệt là từ năm 2006 với mô hình đạt chứng nhận EUREPGAP đầu tiên trên thanh long, sau đó nhiều chủng loại rau quả cũng được chứng nhận GAP đã góp phần thay đổi nhận thức của người nông dân trong SX theo hướng an toàn, bền vững, người tiêu dùng cũng có điều kiện để cảm thấy an tâm hơn nên sức mua, nhập khẩu tốt hơn.



Tuy nhiên, để SX được bền vững theo hướng an toàn, xanh và sạch trên diện lớn thì cần có nhiều sự hợp tác, liên kết; đặc biệt là có cơ chế, chính sách hỗ trợ.



Rau quả an toàn, chất lượng

Viện Cây ăn quả (CAQ) miền Nam bắt đầu tư vấn SX GAP từ năm 2004. Đến nay đã tư vấn thành công và có 10 mô hình SX đạt chứng nhận GlobalGAP và 19 mô hình đạt chứng nhận VietGAP, trong đó có nhiều mô hình liên kết SX và đóng gói, tiêu thụ, XK. Đây là mô hình mang lại hiệu quả tốt nhất, cần được nhân rộng trong thời gian tới.

Song đến nay những mô hình HTX SX theo GAP vẫn chỉ là mô hình, vì nó quá nhỏ, sản lượng không nhiều, khi ra thị trường, người dân không phân biệt được sản phẩm nào sạch, sản phẩm nào không, nên ít bán được giá cao, không thể cung cấp thường xuyên cho khách hàng, chưa gắn kết tốt với doanh nghiệp tiêu thụ lớn; DN tiêu thụ sản phẩm trái cây lại lệ thuộc quá nhiều vào nhà XK trung gian nước ngoài.

Chính vì vậy các HTX có cùng một loại sản phẩm liên kết với nhau, luân phiên cung cấp cho thị trường. Trong mỗi chủng loại quả, nhà nước nên ưu tiên cho một DN phát triển thật mạnh, đủ lực để độc quyền XK sản phẩm đó, là đơn vị đại diện cho người SX, đóng gói trên chủng loại đó, những DN nhỏ khác làm vệ tinh, đóng gói và cung ứng cho DN này, dĩ nhiên nhà nước cũng cần có giải pháp can thiệp để việc phân chia lợi nhuận được công khai, minh bạch và công bằng.

Kinh nghiệm của New Zealand (trái Gold Kiwi), Úc (xoài Calypso) và nhiều nước khác cho thấy, việc này mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, cho quốc gia mà tránh được sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN ngay trên sân nhà. Địa phương nên có chính sách ưu tiên cho DN có sự đầu tư gắn kết với vùng nguyên liệu, hỗ trợ DN hoặc cho vay lãi suất ưu đãi để xây dựng nhà đóng gói, kho lạnh ở gần vùng SX.

Tập trung đầu tư

Trong những năm qua, cùng với việc quảng bá thì công tác tổ chức Hội thi trái ngon, an toàn đã phát hiện và tôn vinh những giống cây ăn trái ngon, là đặc sản của vùng như xoài cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu, bưởi Năm Roi, bưởi da xanh, vú sữa Lò Rèn - Vĩnh Kim, sầu riêng Ri6, sầu riêng cơm vàng sữa hạt lép Chín Hóa, nhãn xuồng cơm vàng, nhãn tiêu da bò... Những giống này được khách hàng trong và ngoài nước biết đến.



Bên cạnh đó, những giống mới do Viện CAQ tạo ra cũng đã được xã hội chấp nhận và phát triển mạnh trong SX như thanh Long ruột đỏ Long Định 1 hoặc đang được định hướng để SX bền vững và tăng khả năng cạnh tranh hơn như thanh long ruột tím hồng LĐ 5 qua chuyển giao bản quyền sử dụng và khai thác giống cho Cty TNHH Thanh long Hoàng Hậu.

Bộ NN-PTNT đã phê duyệt quy hoạch vùng CAQ chủ lực trồng tập trung và định hướng rải vụ một số CAQ ở Nam bộ đến năm 2020 theo quyết định số 1648/QĐ-BNN-TT, ngày 17/07/2013 bao gồm 12 chủng loại: Thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, bưởi, nhãn, chuối, dứa, cam, mãng cầu và quýt.

Dựa vào đó, các tỉnh thành trong khu vực cần sớm rà soát lựa chọn những cây chủ lực của địa phương mình (1-2 cây) để quy hoạch chi tiết và lập đề án tập trung đầu tư phát triển theo định hướng rõ ràng như ở Bình Thuận làm đối với cây thanh long; đồng thời liên kết chặt chẽ với các tỉnh thành khác có cùng sản phẩm để cùng phát triển và xây dựng thương hiệu chung cho vùng hay của quốc gia.

Có nhiều biện pháp kỹ thuật đã được nghiên cứu và ứng dụng vào thực tế thành công như kỹ thuật canh tác đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm, nhiều giải pháp xử lý ra hoa rải vụ cho nhiều chủng loại quả, sử dụng giải pháp tổng hợp như biện pháp bao trái, các chế phẩm vi sinh vật có ích và đối kháng trong BVTV… giúp người nông dân chủ động hơn trong SX và tạo ra sản phẩm theo thời gian khác nhau trong năm.

Để tránh được điệp khúc được mùa, mất giá và điều tiết được SX tốt hơn cần có sự chung tay của nhiều cấp, nhiều ngành một cách có định hướng, cho nên chỉ có liên kết vùng SX và tiêu thụ mới giúp SX bền vững hơn.

Nhà nước cần có chính sách hợp lý, hiệu quả hơn để thu hút cán bộ nông nghiệp trẻ, cán bộ nghiên cứu có nhiều kinh nghiệm về công tác tại địa phương nhằm đóng góp trực tiếp cho việc phát triển SX và tiêu thụ CAQ nói riêng, cho ngành nông nghiệp nói chung.

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị

Mặc dù có sự nỗ lực rất lớn của Nhà nước, nhưng do có hệ thống sông ngòi chằng chịt, nên hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng kỹ thuật vẫn còn yếu kém làm ảnh hưởng khá lớn đến SX, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm, nhất là việc vận chuyển rau quả tươi trong điều kiện cần bảo quản tốt kịp thời đến kho trữ và XK.

Hệ thống nhà đóng gói chưa đạt chuẩn, công nghệ còn lạc hậu và chưa đáp ứng được yêu cầu của việc đóng gói bảo quản quả tươi. DN cần chủ động hơn trong việc tiếp cận công nghệ mới và cần được sự hỗ trợ của Nhà nước để hình thành mạng lưới nhà đóng gói đạt chuẩn ở các vùng SX để đóng gói và tập kết sản phẩm trước khi vận chuyển đến kho trữ chờ XK.

Việc đầu tư đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ rau, quả đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tải cho sản phẩm tươi dội hàng ở một vài thời điểm trong năm, giảm lệ thuộc quá lớn vào thị trường.



Công tác tổ chức SX

Mỗi tỉnh cần hình thành đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyên nghiệp, thường xuyên gắn bó với nông dân, cùng ăn, cùng ở và cùng làm với nông dân; vừa lồng ghép việc tập huấn, hướng dẫn về quy trình SX theo VietGAP và là người tư vấn kỹ thuật gần nhất cho người dân. Họ nên nhận được sự chia sẻ quyền lợi khi có lợi nhuận; họ cũng là đầu mối về KHKT, mua vật tư nông nghiệp sao cho rẻ nhất.

Mỗi vùng nên gắn kết với một DN nhất định, đảm bảo hai bên cùng có lợi, giảm được các khâu trung gian. Ngoài ra, đội ngũ này còn làm nhiệm vụ giám sát sự thực thi nghĩa vụ của từng đối tác và giúp hỗ trợ giải quyết quyền lợi khi cần thiết.

Thị trường đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển bền vững của SX: Khi đã có liên kết vùng trong SX, nhất là việc tổ chức SX rải vụ có định hướng thì việc bảo hiểm nông nghiệp và việc nắm rõ thị trường là khâu then chốt, quyết định sự thành bại và sự bền vững của liên kết này.

Cho nên nhà nước cần đầu tư để việc nghiên cứu thị trường và quảng bá sản phẩm là rất cần thiết đi vào chiều sâu và cụ thể hóa cho từng chủng loại, số lượng, từng thị trường, theo thời gian. Có như vậy việc điều tiết SX rải vụ mới mang lại kết quả và bền vững.

Ngoài ra, việc đàm phán mở rộng thị trường cũng là nhiệm vụ rất quan trọng, việc quảng bá có thể gắn liền với hoạt động của ngành hàng không và ngoại giao; đặc biệt là ngày văn hóa VN ở các nước nên gắn với việc quảng bá sản phẩm đặc sản của VN, trong đó có cây ăn trái.

Để đảm bảo SX xanh và bền vững, việc liên kết lớn trong SX, đặc biệt là liên kết vùng là hướng đi tất yếu phải được nghiên cứu thấu đáo và triển khai thực hiện một cách nghiêm túc và có kiểm tra đánh giá, rút kinh nghiệm hàng năm. HTX đóng vai trò quan trọng trong liên kết, là hạt nhân để tạo liên kết lớn từ nhiều nhiều HTX trên cùng một chủng loại sản phẩm và cũng thích hợp cho việc quản lý tạo vùng nguyên liệu lớn và bền vững.

Việc gắn kết với một DN mạnh tạo mối liên kết công - tư chặt chẽ, một đầu mối tạo thế tiêu thụ độc quyền, có tính cạnh tranh cao, có gắn kết với các DN nhỏ như là các vệ tinh và gắn liền với việc chia sẻ quyền lợi một cách công khai, minh bạch và công bằng dưới sự giám sát của nhà nước sẽ giúp SX bền vững hơn.



Việc nghiên cứu nắm rõ thị trường từ chủng loại, số lượng, thời gian cung ứng... giúp điều tiết tốt trong SX sẽ là điểm mạnh cho việc SX bền vững trong tương lai.

Bên cạnh đó, vai trò của Nhà nước trong giai đoạn đầu là hết sức cần thiết, việc quy hoạch, việc đầu tư con người có chất xám tốt, có tâm huyết để hỗ trợ, gắn liền với SX sẽ tạo tiền đề lớn cho phát triển, ngoài ra việc tạo ra sản phẩm mới, cải tiến SX luôn luôn được chú trọng đầu tư để càng tăng thêm sức cạnh tranh cho sản phẩm của vùng, của quốc gia.

(Nguồn:hoinongdan.org.vn)
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   13




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương