TỪ chỉ VỊ trí trong tiếng nhật và tiếng việT


L¤GIC NG÷ NGHÜA CñA Tõ “TH×”



tải về 2.37 Mb.
trang4/19
Chuyển đổi dữ liệu21.08.2016
Kích2.37 Mb.
#25593
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   19



L¤GIC NG÷ NGHÜA CñA Tõ “TH×”




KYÛ YEÁU HOÄI THAÛO QUOÁC TEÁ VIEÄT NAM HOÏC LAÀN THÖÙ BA

TIÓU BAN NG¤N NG÷ Vµ TIÕNG VIÖT






GS.TS Nguyễn Đức Dân*


1. Những quan điểm về từ thì

1.1. “ Thì” – một từ có nhiều chức năng

Hầu hết các nhà Việt ngữ học đều coi thì là một từ nhiều chức năng, như liên từ, trợ từ, phụ từ kép, đánh dấu đề - thuyết…



1.1.1. Chức năng liên từ (hay kết từ)

Các tác giả Hoàng Tuệ, Nguyễn Kim Thản, Hoàng Trọng Phiến, Diệp Quang Ban [Diệp Quang Ban, 1992], Trương Văn Chình & Nguyễn Hiến Lê [1963], Trương Văn Chình [1970],… coi thì là một liên từ.

Liên từ thì biểu thị quan hệ qua lại… Liên từ thì có tác dụng quan trọng hơn nữa bởi vì một mình nó đặt ở đoạn đầu câu chỉ kết quả đã đủ để biểu thị quan hệ điều kiện kết quả. [Nguyễn Kim Thản, 1963, 400-402].

Lê Văn Lý cũng coi thì là một liên từ nhưng dùng một tên khác: phụ từ tập hợp. Phụ từ này “nối mệnh đề chính với mệnh đề tuỳ”. [Lê Văn Lý, 1972, 130]. Câu “Tôi đến thì anh hẵng đi” được coi là sự rút gọn của câu điều kiện “Nếu tôi đến thì anh hẵng đi” [Trương Văn Chình, 1970, 165].

Hoàng Tuệ coi thì là “tiểu từ giới trí” (particule médiane), một tiểu loại của liên từ [Hoàng Tuệ, 2001, 536]. Chức năng cơ bản của nó là tham gia tạo câu phức kiểu “Nếu M1 thì M2”, kết nối mệnh đề chính M2 với mệnh đề phụ M1 chỉ điều kiện, giả thuyết, trường hợp thời gian hay không gian.

Diệp Quang Ban [1992, 212] viết: “Trong câu ghép có quan hệ điều kiện/ giả thiết - hệ quả… Vế chỉ hệ quả được mở đầu bằng kết từ thì. Cặp kết từ nếu... thì còn có thể nêu lên quan hệ đối chiếu”. Sau này, Diệp Quang Ban đã từ bỏ quan niệm hai từ thì, mà là kết từ. Khi đề cập đến các cặp từ phản ánh quan hệ điều kiện - hệ quả, mục đích, nguyên nhân – hệ quả của câu ghép chính phụ, như nếu… thì, hễ… thì, để… thì, vì… mà, tại… mà… tác giả chú thích “hai tiếng mà, thì ở đây là trợ từ.” [Diệp Quang Ban, 2005, 305].



1.1.2. Chức năng trợ từ (hay phụ từ đối lập)

Nguyễn Kim Thản còn coi, cùng với là, mà, thì là một trợ từ. [Nguyễn Kim Thản, 1963, 403]. Lê Văn Lý, Trương Văn Chình còn cho thì là một phụ từ đối lập (Ngoài thì là lý song trong thì là tình). Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê cho rằng: “Ta thường dùng trợ từ thì (thời) để phân cách bổ từ thời gian với chủ đề, với chủ từ, với thuật từ” [TVC&NHL, 1963, 563]. Hai ông cũng dùng thuật ngữ trợ từ với ý nghĩa của liên từ: “ta thường dùng trợ từ thì (thời) để phân tách bổ từ giả thiết với ý chính”.

Khi “so sánh hai sự vật hay đem hai sự vật đối với nhau, ta thường dùng trợ từ thì đặt sau tiếng trỏ sự vật ấy.” [TVC&NHL, 1963, 607]

1.1.3. Chức năng tạo ra phụ từ kép

Từ thì kết hợp với một số từ khác thành “những phụ từ kép”[LVL, 1972, 132]. Ví dụ: Phần thì… phần thì…; Khi thì… khi thì…; Vậy thì…; Thế thì…



1.2. “Thì” để đánh dấu đề - thuyết

Không dùng thuật ngữ đề - thuyết, nhưng Trương Văn Chình viết: “từ thì phân cách phần chủ ngữ được nêu với phần còn lại của câu: “Sức thì hai người ngang nhau”; “Gạo thì có gạo nếp, gạo tẻ” [Trương Văn Chình, 1970, 166]. Hoặc: “Từ thì phân cách bổ ngữ thời gian với phần còn lại của câu”: “Lúc tôi đến thì Giáp đi rồi”; “Hôm nay thì anh ấy khá rồi”; “Bao giờ thì Giáp đi?” [Trương Văn Chình, 1970, 131].

Cao Xuân Hạo quan niệm: “Thì là một từ chuyên biệt chỉ đánh dấu đề - thuyết.” [Cao Xuân Hạo, 1991, 124]. Quan niệm cực đoan này đã được mềm bớt đi trong công trình do Cao Xuân Hạo chủ biên sau đó: “Thì là một từ chủ yếu dùng để phân giới đề - thuyết” [Cao Xuân Hạo, 1992, 25]. Với từ “chủ yếu”, nhóm tác giả đã tránh được những trường hợp từ thì hiển nhiên không được dùng để đánh dấu đề - thuyết, như những câu được bắt đầu bằng từ thì: Thì vào chơi nói chuyện vậy. (Nguyễn Công Hoan); Thì cứ ra nằm ngoài giường kia mau! (Nguyên Hồng); Thì anh có làm gì em đâu. (NNTĐ)

Tuy nhiên, Cao Xuân Hạo vẫn phủ nhận tư cách liên từ của thì và phủ nhận câu phức. Ông viết “Trong lôgic học, tất cả các quan hệ được biểu trưng bằng liên từ (conjunctions và disjunctions - quan hệ “và” và quan hệ “hoặc”) đều chỉ mối quan hệ đẳng lập giữa hai mệnh đề hay hai thành tố của một mệnh đề. Nhưng trong ngôn ngữ học truyền thống, người ta đã thêm một thứ “liên từ phụ thuộc” (là những giới từ cải trang)”. Ông còn viết “Nói tóm lại, câu phứclà sản phẩm của một ảo giác không thể nào dung thứ được” [Cao Xuân Hạo, 2002, 4 - 5]. Đây là một ngộ nhận đáng tiếc. Những người ít nhiều hiểu về lôgic đều biết rằng tất cả các tài liệu về lôgic đều nói tới tác tử kéo theo, còn gọi là liên từ kéo theo (, implication hay conditional), và đều nói rằng tác tử này tương ứng với cặp liên từ “if… then” của tiếng Anh. Ngay cả ở công trình Semantics của John Lyons, trong mục §6.2 giới thiệu về các phép tính mệnh đề cũng nhắc tới điều cơ bản này. Tất nhiên, trong lôgic có phép toán chuyển quan hệ kéo theo thành quan hệ tuyển hoặc hội và quan hệ phủ định (Xem §2.1.3.1). Nhưng điều đó không có nghĩa là không có quan hệ kéo theo trong lôgic và càng không có nghĩa là không có cặp liên từ nếu… thì… trong ngôn ngữ tự nhiên.



1.3. Ngữ nghĩa của từ “thì”

Trần Trọng Kim tuy thấy từ thì “là một tiếng tự nó không có nghĩa” nhưng cũng lại thấy “tiếng thì làm cho người ta chú ý vào tiếng (hay mấy tiếng) đứng trước, (đó là): a) lặp lại: “Nói thì ai nói cũng được”, “Mua thì mua đi cho xong”; b) đối nhau: “Mày thì gầy, nó thì béo”“ (mục 3.2.1).

Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê có những nhận xét khá tinh tế về cách dùng từ thì. Hai ông phân biệt như sau:

– Anh bán bao nhiêu? (1)

– Bao nhiêu thì anh bán? (2)

– Bao nhiêu anh bán? (3)

[TVC&NHL, 1963, 603]

Dù bán rồi hay chưa, muốn biết giá ta cũng có thể dùng câu (1). Ta dùng câu (2) khi chưa bán và dùng câu (3) khi đã bán rồi.

Các từ thì, mà trong hai câu trên được Trương Văn Chình gọi là từ hư. Từ thì trong câu (2) trỏ quan hệ điều kiện - kết quả “Nếu được bao nhiêu thì anh bán?”, còn trong câu (3), từ lại trỏ quan hệ nguyên nhân - kết quả. Cũng vậy, câu “Tiền của nó thì nó uống rượu, mặc kệ nó” cũng biểu hiện quan hệ điều kiện - kết quả [TVC, 1970, 161].

2. Lôgic ngữ nghĩa của từ “thì”

2.1. "Thì" là một liên từ: Hàm ý ngôn ngữ trong câu ghép “nếu …thì”

Chúng ta sẽ xét những hàm ý độc lập với ngữ cảnh trong câu chứa cặp liên từ “nếu… thì”. Những hàm ý này khiến một câu có thể có một hành vi ngôn ngữ (HVNN) gián tiếp xác định, như thề bồi, khuyên can, cảnh báo, đe doạ, cấm đoán, khẳng định…



2.1.1. "Thì" biểu hiện kết quả trong quan hệ điều kiện - kết quả

Liên từ thì kết hợp với liên từ nếu trong cấu trúc đầy đủ “nếu A thì B”, ở đó nếu đánh dấu điều kiện A, còn thì đánh dấu kết quả B.

Ví dụ: “Nếu nó có tính tắt mắt thì tao mất nhiều lần rồi” (Mất cái ví, Nguyễn Công Hoan).

Từ nếu có thể được thay bằng liên từ khác: bao giờ, giá…

Bao giờ cây lúa còn bông

Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn” (Ca dao)

“Thưa thầy, giá nhà con khoẻ khoắn thì con chả dám kêu” (Nguyễn Công Hoan)

Từ nếu cũng có thể được rút gọn. Ở những câu dưới đây, có thể thêm từ nếu trước phần điều kiện và ta vẫn được những câu đồng nghĩa. Chẳng hạn, “Không nghe lời ta thì rồi sẽ biết.” (CCPSĐTV, Nguyễn Dữ); “Con có dám nói gian thì trời chu đất diệt” (Chí Phèo, Nam Cao) “Ai cũng im thì xã hội loạn mất” (Ma Văn Kháng); “Chẳng chóng thì chầy”; “Sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai”.

2.1.2. Quan hệ nhân quả

2.1.2.1. Các nhà nghiên cứu phương Tây đã phân chia các câu ra làm nhiều kiểu thể hiện những quan hệ khác nhau: nguyên nhân - kết quả, điều kiện - kết quả, điều kiện phi hiện thực (irreal condition), thời gian - biến cố và sự khẳng định tổng quát (time-event & universal assertion). Tôi cho rằng những kiểu quan hệ khác nhau trên đây có một đặc trưng chung mà chúng tôi gọi là quan hệ nhân quả, một quan hệ bao chứa những quan hệ trên.

Hai hiện tượng xy có quan hệ nhân quả là khi xảy ra hiện tượng x thì sẽ xảy ra hiện tượng y. Nghĩa là:

xy

Ví dụ: x = tuổi tác, y = tình trạng thể lực. Chúng ta có quan hệ: Nếu trẻ thì khoẻ; nếu già thì yếu; vì trẻ nên khoẻ; vì già nên yếu; hễ trẻ khoẻ; hễ già yếu; cứ trẻ khoẻ; cứ giàyếu. Nghĩa là nếu xy là những hiện tượng có quan hệ nhân quả thì khi xuất hiện x ở trạng thái A sẽ xuất hiện y ở trạng thái B, còn khi xuất hiện x ở trạng thái C sẽ xuất hiện y ở trạng thái D.

2.1.2.2. Cấu trúc ngôn ngữ. Trong tiếng Việt, quan hệ nhân quả này được thể hiện ở các loại câu phức, câu ghép và chúng được chia thành các hành vi lập luận:

- Nguyên nhân - kết quả (về những sự việc đã xảy ra):chăm học nên nó rất giỏi.

- Điều kiện - kết quả (về những sự việc chưa xảy ra): Nếu chăm học thì nó sẽ rất giỏi; Bao giờ A thì [bấy giờ] B.

- Quy luật nhân quả (về hiện thực đã từng xảy ra hoặc về lòng tin về sự việc tất yếu xảy ra): Khi có quyết tâm [thì/ là] chúng ta sẽ thành công; Khu này, hễ trời mưa đường lại ngập; Động có khách nó quấy; Cứ thấy anh nó khóc…

- Giả định - kết quả (hay là điều kiện - kết quả phi thực): giả định về những điều trái với sự việc đã xảy ra): Giá chăm học thì con đã rất giỏi.

Trong những cấu trúc ngôn ngữ trên, có thể rút gọn liên từ và thường là liên từ thứ nhất:

(a) [Nếu] Tao mà ra tay thì gạo xay ra cám.

(b) [Giá] Bà mà được một cái đệm bông gạo thì hết cả đau lưng.

(c) Tuy rằng áo rách tày sàng, [nhưng nếu]

Đủ đóng đủ góp với làng thì thôi.

Vế thứ nhất có thể được thay thế bằng một đại từ:

(d) [Nếu] Thế thì con biết rồi. (Nguyên Hồng)

Cả cấu trúc “nếu… thì” cũng có thể chêm trong một cấu trúc khác:

(e) Mà [nếu] có biết [thì cũng] không bao giờ mụ ta nói với tôi. (Lê Lựu)

“X mà P thì Q”  X [không P thì thôi chứ nếu X] mà P thì Q. Ví dụ: “Tôi đã làm thì…”  Tôi không làm thì thôi chứ nếu [tôi] đã làm thì…

(g) Tha ra thì cũng may đời

Làm ra mang tiếng con người nhỏ nhen (Truyện Kiều, Nguyễn Du)

 (Nếu) Tha ra thì cũng may đời

(Nếu) Làm ra (thì lại) mang tiếng con người nhỏ nhen.

2.1.2.3. Lưu ý

(1) Những câu trên đều thể hiện quan hệ nhân quả nhưng chúng không hề đồng nhất. Ví dụ: Nghĩa của câu “chăm học nên nó rất giỏi” khác hẳn nghĩa của câu “Nếu chăm học thì nó sẽ rất giỏi”. Tương tự: “Hễ nó đến tôi đi”  “ nó đến nên tôi đi”; “Cứ thấy anh nó khóc”  “Mỗi lần trông thấy anh, y như rằng nó khóc”  “ thấy anh nên nó khóc”…

Cho nên, chớ vì thấy hai câu “Hễ nó đến tôi đi” và “ nó đến nên tôi đi” khác nghĩa nhau mà vội kết luận là câu đầu không thể hiện quan hệ nhân quả. Câu đầu vẫn đáp ứng định nghĩa về quan hệ nhân quả: “Khi xảy ra x (= nó đến) thì sẽ xảy ra hiện tượng y (= tôi đi)”.

(2) Định nghĩa trên đây (§2.1.2.1) không hề nói rằng x là nguyên nhân duy nhất của hiện tượng y. Một người bị ghét (y) có thể vì người đó nói dối (x1), nói bậy (x2), có thể vì người đó nói năng xách mé kiêu căng (x3), có thể vì người đó hay gây bè cánh (x4), có thể vì người đó tham nhũng lại hay thuyết giảng đạo đức (x5)… Vậy thì, trong một câu phức hợp có thể chứa đựng nhiều quan hệ nhân quả. Câu “Cứ thấy anh nó khóc, nó nhớ đến bố” phản ánh những quan hệ nhân quả sau: Sự xuất hiện của anh làm nó nhớ đến bố: “Cứ thấy anh nó nhớ đến bố” (anh bố ). Nhớ bố nó khóc: “nhớ bố nên nó khóc” (bố khóc). Vậy thì sự xuất hiện của “anh” làm cho nó khóc đã phản ánh quan hệ nhân quả “Cứ thấy anh nó khóc” (anh khóc) thông qua hai quan hệ nhân quả khác:

(anh  bố)  (bố  khóc)

(3) Những quan hệ nhân quả này được cộng đồng xã hội chấp nhận. Chúng trở thành những lý lẽ làm căn cứ cho những lập luận trong giao tiếp và thường được thể hiện thành những tục ngữ.

(4) Phép kéo theo trong lôgic là một khái niệm cơ bản. Nó phản ánh quan hệ nhân quả.

2.1.3. Cấu trúc ngôn ngữ của những hiện tượng có quan hệ nhân quả

2.1.3.1. Quan hệ kéo theo và sự suy luận

Từ cấu trúc lôgic (I) dẫn tới những cấu trúc ngôn ngữ: Nếu… thì…; Vì… nên…; Bởi vì… nên…; Do … mà…; Khi… thì…; Hễ… thì/là…; Cứ… là…; Động… là…

Những cấu trúc trên có nhiều biến thể khác nhau.

Trong giao tiếp, con người luôn luôn có nhu cầu suy luận, lập luận. Suy luận theo lôgic và suy luận theo những đặc thù của ngôn ngữ tự nhiên. Chúng là cơ sở cho những lối nói có hàm ý và những hành vi ngôn ngữ gián tiếp.

Quan hệ kéo theo: (Ia) Nếu x thì y; (Tức là: xy).

Ia tương đương một cách lôgic với Ib, Ic:

(Ib) Nếu không y thì không x (Tức là: ~y  ~x).

(Ic) Không x hoặc là y; (Tức là: (~x )  y).

Như vậy, từ (Ia) chứa phép kéo theo, có thể chuyển tương đương về (Ic) chứa phép tuyển. Ví dụ:

(Ia) Các em chú ý, nếu không giữ im lặng sẽ phải ra khỏi lớp. 

(Ic) Các em chú ý, hoặc là giữ im lặng hoặc là sẽ phải ra khỏi lớp.

Có hai loại suy luận: trực tiếp và gián tiếp. Suy luận trực tiếp là suy luận từ một tiền đề suy ngay ra kết đề. Suy luận gián tiếp là suy luận từ hai tiền đề mới suy ra được kết đề. Vì vậy, nó còn được gọi là phép tam đoạn luận. Hai tam đoạn luận hay dùng nhất và quan trọng nhất trong lôgic mệnh đề là modus ponensmodus tollens. Tiếp đến là tam đoạn luận giả định hypothetical syllogism, còn gọi là tam đoạn luận bắc cầu:

(MP) modus ponens: ((x  y)  x)  y

(“nếu có x thì có y” và “có x”. Vậy thì: “có y”. Ý nghĩa: Trong quan hệ kéo theo thì x là điều kiện đủ của y.) Ví dụ: “Ai chuyên cần người đó sẽ giỏi. Ba chuyên cần lắm. Thảo nào, Ba giỏi khác thường”.

(MT) modus tollens: ((x  y)  ~ y)  ~ x

(“nếu có x thì có y” và “không có y”. Vậy thì: “không có x”. Ý nghĩa: Trong quan hệ kéo theo thì y là điều kiện cần của x.). Ví dụ: “Nếu đủ tiền anh ấy sẽ mua nhà. Hiện anh ấy vẫn chưa có nhà. Nghĩa là anh ấy vẫn chưa đủ tiền.

Phép suy luận trên đây có thể xuất hiện dưới dạng tình thái. tiếng Việt, ta có:

(MT1) “nếu có x thì có y” và “không muốn có y”. Vậy thì: “đừng x/ không nên x”. Tức là: ((x y) ~muốn y) đừng x / không nên x

Ví dụ: “Nếu sống buông thả, bạn tốt sẽ xa lánh. Ai không muốn bạn tốt xa lánh thì (người đó) đừng sống buông thả.”

(MT2) “nếu có x thì có y” và “không có thể y”. Vậy thì: “phải không có x” = “không thể x”.

Tức là: ((x y) ~có thể y) (phải ~ x)/(không thể x)

Ví dụ: “Bỏ đi hết thế này thì ai giúp tôi làm bếp? Bữa nay rất đông khách, cần có người giúp tôi làm bếp. Do vậy, không thể bỏ đi hết như vậy được.”

“Trong ngôn ngữ tự nhiên, loại câu nhân quả “Nếu x thì y”,“Vì x nên y” … có thể được hiểu x đồng thời là điều kiện đủ của y (xy) đồng thời là điều kiện cần của y (~x  ~y)” [NĐD, 1996, 238]. Đó là khi hiểu x là điều kiện đủ duy nhất của y thì sẽ có phép suy luận đặc thù:

(MV) ((x y) ~x) ~y

(“nếu có x thì có y” và “không có x”. Vậy thì: “không có y”)

Ví dụ: “Bao giờ cho chuối có cành/ Cho sung có nụ cho hành có hoa/ Con chim bay vụt qua nhà/ Mà biết đực, cái thì ta lấy mình.” (Ca dao). Không có chuyện chuối có cành, sung có nụ… Do vậy, chẳng bao giờ có chuyện ta lấy mình!

(MV1) “Nếu có x thì có y” và “không muốn x”. Vậy thì “đừng y/ không nên y”. Tức là: ((x  y)  ~muốn x)  đừng y/ không nên y.

(“nếu có x thì có y” và “không muốn x”. Vậy thì: “đừng y”). Ví dụ: “Muốn mạt vận thì mới dính vào ma tuý. Con muốn thành đạt, đúng không? Vậy đừng có dại mà dính vào ma tuý”.

(HS) Hypothetical Syllogism: ((x  y)  (y  z))  (x  z)

2.1.3.2. Phương pháp khái quát để xác định hàm ý trong câu ghép có từ “thì”

Hàm ý của những câu ghép, ở đó “thì” giữ chức năng liên từ, hầu như đều có thể được xác định theo một phương pháp khái quát. Đây là những hàm ý ngôn ngữ vì chúng độc lập với ngữ cảnh. Chính sơ đồ suy luận MT, MT1, MT2, MV, HS là cơ sở lôgic cho những lối nói có hàm ý cho các hành vi ngôn ngữ gián tiếp như thề bồi, khuyên can, cảnh báo, đe doạ, cấm đoán, khẳng định… (x. [NĐD, 1990, 10])

Nếu một hành vi tại lời A dẫn tới một hành vi tại lời khác là B thì ta nói hành vi A có HVNN gián tiếp là B, hay B là HVNN gián tiếp của A. Theo nghĩa này, những câu trên đây nói riêng và tất cả những câu nào có hàm ý thể hiện một hành vi đều là những câu có HVNN gián tiếp.

Trước hết, chúng ta nhắc lại rằng trong câu ghép “Nếu x thì y”, có thể rút gọn từ “nếu”. Do vậy, nhiều câu ghép vắng liên từ nếunhưng vẫn biểu hiện quan hệ lôgic “x y”. Chẳng hạn, “Có x thì mới y”. Vẫn có thể vận dụng những công thức nêu ở mục trên để xác định hàm ý cho những câu loại này.

Chúng ta minh hoạ phương pháp xác định hàm ý này qua một số ví dụ.

(1) Tôi mà nói dối thì tôi làm con cho anh.



Bước 1: (1)  (1b) Nếu tôi nói dối thì tôi làm con cho anh.

Câu đã cho có cấu trúc “nếu x thì y”, tức là: x y.

Ở đây, x = tôi nói dối; y = tôi làm con cho anh.

Bước 2: Trong thực tế tôi không phải là con anh (và thông thường, ai cũng có sỹ diện, không muốn làm con cái, tôi tớ người khác). Nói khác đi, y là một điều sai. Tức là ta không có y, hay là có ~ y.

Bước 3: Kết hợp những điều ta được từ bước 1 (x y) và bước 2 (~y), ta được:

(x y)  (~y)

Vậy là hội đủ hai tiền đề của phép suy luận MT. Do đó suy ra kết đề ~ x = Tôi không nói dối. Đây là hàm ý của câu (1).

Tiếp tục áp dụng thao tác 3 bước trên đây để xác định hàm ý của các câu (2) – (4):

(2) Thả hết ra thì còn mặt mũi nào.

Bước 1: (2)  Nếu thả hết ra thì còn mặt mũi nào.

Câu đã cho có cấu trúc “nếu x thì y”, tức là: x y

Ở đây, x = thả hết ra; y = còn mặt mũi nào.

y = “còn mặt mũi nào” là một câu chất vấn. Chất vấn để bác bỏ [NĐD, 1987, 291]. Vậy y = “(chúng ta) không còn mặt mũi nào” = chúng ta sẽ mất thể diện.



Bước 2: Trong thực tế không ai muốn mất thể diện. Tức là không muốn y = “~muốn y.

Bước 3: Kết hợp những điều ta được từ bước 1 (x y) và bước 2 (~muốn y), ta được: (x y)  (~muốn y).

Vậy là hội đủ hai tiền đề của phép suy luận MT1. Do đó suy ra kết đề “đừng x” / “không nên x”. Tức là lời khuyên “không nên thả hết ra”.

(3) Không nghe lời ta thì rồi sẽ biết tay ta. (CCPSĐTV)

Bước 1: (3)  Nếu không nghe lời ta thì ngươi sẽ biết tay ta.

Câu đã cho có cấu trúc “nếu x thì y”, tức là: x y.

Ở đây, x = không nghe lời ta; y = ngươi sẽ biết tay ta. Dễ chấp nhận rằng, “ngươi sẽ biết tay ta” là một lời đe doạ, đại để như ta sẽ làm ngươi khốn khổ, điêu đứng… Vậy y = ngươi sẽ bị khốn khổ, điêu đứng.

Bước 2: Trong thực tế không ai muốn bị khốn khổ, điêu đứng. Tức là “~muốn y”.

Bước 3: Kết hợp những điều ta được từ bước 1 (x y) và bước 2 (~ muốn y), ta được: (x y)  (~ muốn y).

Vậy là hội đủ hai tiền đề của phép suy luận MT1. Do đó, suy ra kết đề “đừng x”, tức là: “đừng không nghe lời ta”.

Nếu hiểu “muốn y” dẫn đến “không thể để xảy ra y” bằng mọi cách, thì bước 2 có nghĩa là “không thể y”. Đó là tiền đề thứ hai của phép suy luận MT2. Lúc này, kết đề sẽ là “không thể x”, tức là “không thể không nghe lời ta”. Nói cách khác, hàm ý của câu đó là một mệnh lệnh: “phải nghe lời ta”.

Trong những bước trên, việc xác định đúng bản chất của cấu trúc câu được nêu (bước 1) đặc biệt quan trọng. Bước 2 là bước “trong thực tế không nên, không thể như vậy, như vậy là sailàm cầu nối đi tới tiền đề thứ hai của các phép suy luận MT. Để làm rõ điều này, chúng ta xét thêm ví dụ:

(4) Mày mà thi trượt đại học thì đừng có trách.

Bước 1: (4)  (4b) Nếu mày thi trượt đại học thì mày đừng có trách.

Dễ chấp nhận rằng, “mày đừng có trách” là một lời đe doạ, đại để như ta sẽ thực hiện một điều z không tốt đối với mày, làm mày khốn khổ, đánh đòn chẳng hạn. Do vậy:

(4)  (4b)  Nếu mày thi trượt thì ta sẽ đánh đòn.

Vậy câu đã cho có cấu trúc “nếu x thì y”, tức là: x y. Ở đó:



x = mày thi trượt đại học; y = ta sẽ đánh đòn.

Bước 2: Trong thực tế không ai muốn bị khốn khổ, không ai muốn bị đánh đòn. Tức là: “~ muốn y”.

Bước 3: Kết hợp những điều ta được từ bước 1 (x y) và bước 2 (~ muốn y), ta được: (x y)  (~ muốn y)

Theo luật MT1, sẽ suy ra “đừng x”, hay là “mày đừng thi trượt”.

Còn như ở bước 2, từ “không ai muốn bị đánh đòn” dẫn tới quan niệm “không thể để bị đánh đòn, tức là “~ thể (để bị) y”. Lúc này, áp dụng luật suy diễn MT2, chúng ta sẽ suy ra hàm ý “mày phải không thi trượt đại học”. Tức là “mày phải thi đậu đại học.”.

(4b) Nếu bố hỏi cô giáo mà không phải vậy thì con đừng có trách!

Vế đầu “Nếu bố hỏi cô giáo mà không phải vậy” được rút gọn thành “Nếu không phải vậy”, hay là “Nếu con nói dối”. Do vậy (4b)  “Nếu con nói dối thì đừng có trách!”. Tới đây, dễ dàng suy ra hàm ý của câu trên là “con không được nói dối”.

Theo cách làm trên, chúng ta dễ dàng suy ra hàm ý của một câu.

Câu “Cứ thế này thì có mà đi ăn mày.” (Đời thừa, NC) có hàm ý là một lời vận động, tự nhắc nhủ: không thể như thế này mãi được. Câu “Nếu mình là cậu thì mình sẽ cưới cô ấy.” có hàm ý là lời khuyên “cậu nên cưới cô ấy.”. Câu “Nếu cô ta là người mẫu thì mày thành hoa hậu mất.” có hàm ý là một lời đánh giá: Cô ta không thể là người mẫu được.

2.1.3.3. Vài lưu ý

(1) Quá trình tái hiện hợp lý một câu thành cấu trúc nhân quả có tầm quan trọng đặc biệt. Có vậy mới có thể suy ra hàm ý một cách đúng đắn. Ví dụ:

(5) Theo chị, em càng ghen vô lối như thế thì chồng càng chán em. Mà càng chán em thì nó càng có lý do để đi với bồ.

Câu trên là hội của hai câu nhân quả sau: “(Theo chị,) [Nếu] em càng ghen vô lối như thế thì chồng càng chán em. [Và, nếu mà] [chồng em] càng chán em thì nó càng có lý do để đi với bồ.”. Cấu trúc của chuỗi trên là: (x  y) & (y  z). Đây là hai tiền đề của phép suy luận HS. Theo đó, suy ra kết đề (x  z), tức là: “Nếu em càng ghen vô lối như thế thì chồng em càng có lý do để đi với bồ.” Không một phụ nữ bình thường nào muốn chồng mình có bồ. Theo 3 bước đã trình bày và dùng phép suy luận MT, dễ dàng suy ra hàm ý của (5) là “Em đừng ghen vô lối như thế”.

2) Sơ đồ suy luận MV là cơ sở lôgic cho những lối nói lấy điều kiện đủ làm điều kiện cần để tạo hàm ý. Phương pháp xác định hàm ý của những câu trên vẫn theo 3 bước đã nêu. Lưu ý rằng trong những trường hợp này, ở bước 2 sẽ là trong thực tế sẽ không xảy ra x.

Ví dụ: “Bao giờ hết cỏ, nước Nam mới hết người đánh Tây” (NĐC).

3) Có những sơ đồ (= khuôn) ngôn ngữ tạo ra một loại hàm ý xác định. Ví dụ:

(I) Có A không thì bảo?

Đây là lời đe doạ với hàm ý buộc người nghe “phải thực hiện A”.

(II) Phải A thì mới B.

Cấu trúc trên chứa từ tình thái “phải” nên cũng là cấu trúc nhân quả và A biểu hiện điều kiện cần. Sơ đồ này luôn có hàm ý “nếu không có A là không có B”.

(IIIA) A (mà) không x thì còn ai x?

(IIIB) A (mà) x thì còn ai không x?

(III) là những khuôn ngôn ngữ của câu nhân quả chứa yếu tố phiếm định.

Chúng cũng là những cấu trúc rút gọn từ những câu “nếu… thì…”. Ví dụ:

(7)a. Nó không hiểu thì còn ai hiểu?

(8)a. Nó đã hiểu thì còn ai không hiểu?

(7)a  (7)b. Nếu nó không hiểu thì còn ai hiểu?

(8)a  (8)b. Nếu nó đã hiểu thì còn ai không hiểu?

Hai câu trên đây là mơ hồ:

a) Chúng là những câu hỏi thực sự.

b) Chúng là những câu bác bỏ.

Cách hiểu theo nghĩa (b) của chúng được hình thành theo phương pháp chất vấn để bác bỏ. Với câu (7b) đó là: còn ai (ngoài nó) hiểu? Chất vấn để phủ định. Mà phủ định yếu tố phiếm định là phủ định tất cả. Vậy mọi người đều không hiểu. Thế là câu (7b), cũng là (7a), được hiểu như sau: “Nếu nó không hiểu thì mọi người đều cũng không hiểu”. Từ đây suy ra hàm ý: “Nó là người xếp cao nhất trong thang độ “hiểu” (một vấn đề nào đó)”.

Hoàn toàn tương tự, câu (8a) được hiểu như sau: “Nếu nó đã hiểu thì mọi người cũng đều hiểu”. Từ đây suy ra hàm ý: “Nó là người xếp thấp nhất trong thang độ “hiểu” (một vấn đề nào đó)”.

Khái quát: Hàm ý của (IIIA), (IIIB) được hình thành theo phương pháp chất vấn yếu tố phiếm định để bác bỏ. bác bỏ yếu tố phiếm định là bác bỏ tuyệt đối. Chúng ta có hai sơ đồ hàm ý sau:

Câu (IIIA) “A (mà) không x thì còn ai x? (hoặc “A () không x thì còn B nào x?”) là lời khẳng định “A có thuộc tính x” với hàm ý:

(III”A) “A rất x” / “A là x nhất”

Câu (IIIB) “A () x thì còn ai không x?” hoặc “A () x thì còn B nào không x?” là lời khẳng định “A không có thuộc tính x” với hàm ý:

(III”B) “A rất không x” / “A là không x nhất”

Gọi là sơ đồ hàm ý vì những hàm ý này độc lập với đối A và vị từ x. Trong hai câu (III), thay A bằng một đối tượng cụ thể bất kỳ (người, vật, đồ vật…) và x bằng một thực từ bất kỳ tương thích với A, thì sẽ được hàm ý tương ứng như đã miêu tả trong sơ đồ hàm ý (III”).

Ví dụ:

– Nếu A = Minh, x = “giỏi” thì câu (IIIA) có hàm ý “Minh rất giỏi”, còn câu (IIIB) có hàm ý “Minh rất không giỏi” = “Minh rất kém”.



– Nếu A = Hiếu, x = “kiêu ngạo” thì câu (IIIA) có hàm ý “Hiếu rất kiêu ngạo”, còn câu (IIIB) có hàm ý “Hiếu rất không kiêu ngạo” = “Hiếu rất khiêm tốn”.

– Nếu A = cuộc hội thảo này, x = “ấn tượng” thì câu (IIIA) có hàm ý “cuộc hội thảo này rất ấn tượng”, còn câu (IIIB) có hàm ý “cuộc hội thảo này rất không ấn tượng” ( rất chán / rất lôm côm…).

– Nếu A = vùng này, x = “tiêu điều xơ xác” thì câu (IIIA) có hàm ý “vùng này rất tiêu điều xơ xác”, còn câu (IIIB) có hàm ý “vùng này không hề tiêu điều xơ xác”.

Lưu ý: Có những từ ngữ làm cho cấu trúc trên, ngoài hàm ý đã nêu còn có thể hiểu theo một hàm ý khác nữa. Chẳng hạn, với x = biết thì “A đã biết thì còn ai không biết?” còn có thể có hàm ý “A là người không kín đáo, hay lộ chuyện”.

(4) Trong phương pháp xác định hàm ý trên đây, bước thứ hai có thể được nêu rõ ngay trong ngữ cảnh của câu. Ví dụ:

(9) Lấy anh em biết ăn gì (/Lộc sắn thì chát, lộc si thì già) (Ca dao)

Bước 1: Lấy anh em biết ăn gì  Nếu em lấy anh thì em biết ăn gì?

Như vậy, câu (9) có cấu trúc “nếu x thì y”, tức là: x y. Ở đó x = em lấy anh; y = em biết ăn gì?



Bước 2: Chất vấn để bác bỏ, vậy y = “em biết ăn gì?”  em không biết ăn gì  em không có gì để ăn. Điều này đã được giải thích ngay trong câu tiếp theo: “Lộc sắn thì chát, lộc si thì già.”. Mà ai cũng phải ăn để sống, nên em không thể không ăn = ~ có thể y.

Bước 3: Kết hợp những điều ta được từ bước 1 (x y) và bước 2 (~có thể y), ta được: (x y)  (~ có thể y).

Theo luật suy diễn MT2, sẽ suy ra không thể x, tức là “em không thể lấy anh”. Đó là hàm ý của câu trên.

(5) Ngoài những sơ đồ suy luận MT, MT1, MT2, MV, HS, hàm ý còn có thể được xác định theo sơ đồ suy luận MP, ở đó tiền đề liên quan đến những lý lẽ đời thường khác. Chẳng hạn, hàm ý về lời khuyên thường liên quan đến lý lẽ nên làm giống những người khác. Ví dụ: “Rẻ thì rẻ thật nhưng giá là tôi thì tôi chẳng mua đâu.” (MCX). Vế sau của câu này có cấu trúc “x y” (giá là tôi thì tôi không mua). Lời khuyên thường dựa trên lý lẽ “anh nên làm như tôi”. Tức là: anh tôi = x. Theo sơ đồ MP, suy ra hàm ý của câu trên là lời khuyên anh cũng chẳng nên mua.

2.1.3.4. Từ “thì” ở trong một cấu trúc khác

2.1.3.4.1. Hiện tượng chập cấu trúc trong chuỗi câu nhân quả

Trong [NĐD, 1976] chúng tôi đã nêu hiện tượng được gọi là “sự kỳ dị lôgic”. Đó là những câu có cấu trúc “nếu A thì B”, như:

(1) Nếu anh khát thì trong tủ lạnh có nước đấy.

(2) Nếu anh thích chơi bóng bàn thì có vợt và bóng đấy.

Những câu trên đây không phản ánh trực tiếp quan hệ nhân quả. Thật vậy, “khát” không phải là điều kiện đủ của “trong tủ lạnh có nước”, “thích chơi bóng bàn” không phải là điều kiện đủ của “có vợt và bóng đấy”. Hơn nữa, nếu đó là cấu trúc nhân quả thì mệnh đề thuận “nếu A thì B” phải tương đương với mệnh đề phản đảo “nếu không B thì không A”. Nhưng rõ ràng (1) không tương đương với “Nếu trong tủ lạnh không có nước thì anh không khát”. Và (2) cũng không tương đương với “Nếu không có vợt và bóng thì anh không thích chơi bóng bàn.”

Bản chất của hiện tượng này là những câu (1) và (2) phản ánh hiện tượng rút gọn phần kết quả trong một chuỗi hai cấu trúc nhân quả, ở đó phần kết quả trong câu thứ nhất lại trùng với phần kết quả trong câu thứ hai khi những quan hệ nhân quả này là hiển nhiên:

Nếu khát thì uống nước và nếu trong tủ lạnh có nước thì uống nước (ấy)  Nếu khát thì trong tủ lạnh có nước [đấy].

Tương tự: Nếu anh thích chơi bóng bàn thì anh có thể chơi bóng bàn. Vì có vợt và bóng nên anh có thể chơi bóng bàn.  (2)

2.1.3.4.2. Từ "thì" trong cấu trúc phức hợp mà vế đầu là một dấu hiệu nghịch nhân quả dù, dầu, dẫu, ngay cả…: “Dù A thì vẫn/cũng B”, “Ngay cả A thì cũng /vẫn B”… Những cấu trúc này luôn luôn dựa trên lẽ thường “Nếu A thì không B”. Có thể coi những lẽ thường này là hàm ý của loại câu trên. Ví dụ: “Họ làm chúng tôi hiểu rằng, ngay cả trên những cánh đồng hoang liêu nhất thì chúng tôi vẫn bị ràng buộc bằng hàng vạn luật lệ“. (CĐBT). Lẽ thường ở câu trên: Trên những cánh đồng hoang liêu nhất thì người ta không bị luật lệ nào ràng buộc.

2.1.3.5. Hàm ý trong những câu ghép có từ “thì”

Theo phương pháp đã trình bày ở mục trên, chúng ta dễ dàng xác định được những hàm ý ngôn ngữ - những hành vi ngôn ngữ gián tiếp (HVGT) trong những câu có cấu trúc “[Nếu] A thì B” dưới đây. Khi dùng các quy tắc MT để suy ra hàm ý thì hàm ý đó đều là sự phủ định tiền đề A, khi dùng các quy tắc MP, HS, MV để suy ra hàm ý thì hàm ý đó đều là sự phủ định kết đề B. Sự phủ định này được thể hiện trực tiếp qua các từ không, chẳng, chả hoặc thể hiện dưới dạng tình thái đừng, chớ, không nên, không thể… Như vậy, chỉ cần xác định đúng tiền đề A hoặc kết đề B và đem phủ định nó là sẽ được hàm ý gốc của câu. Từ hàm ý gốc suy ra hàm ý thích hợp trong ngữ cảnh.

Ví dụ 1: “Lạy ông bà, chúng con có biết cái ví tiền của ông mặt ngang mũi dọc thế nào thì chúng con cứ chết một đời cha ba đời con!” (MCV).

Tiền đề của câu này là “chúng con có biết cái ví tiền của ông mặt ngang mũi dọc thế nào”. Phủ định nó ta được hàm ý gốc: “chúng con không có biết cái ví tiền của ông mặt ngang mũi dọc thế nào”. Lấy ví tiền tất biết ví tiền. Không biết ví tiền suy ra (hàm ý là) không lấy ví tiền.

Ví dụ 2: “Họ mà bắt gặp anh thì sẽ giết anh.” (Rômêô và Giuliét).

Tiền đề của câu trên là “Họ bắt gặp anh”. Thông thường, không ai muốn bị giết. Suy ra hàm ý gốc là tiền đề bị phủ định dưới dạng tình thái “Anh đừng để họ bắt gặp”. Ngữ cảnh khiến câu có hàm ý là lời khuyên “Anh nên về đi”.

Một số hàm ý (HVGT) như:

HVGT là lời thề, lời cam kết:

“Tôi mà lấy của bà thì tôi không phải là người”; “Anh mà yêu ai khác ngoài em thì anh không còn là thằng đàn ông”

HVGT là lời khuyên:

“Nếu ngài không ra tranh cử thì còn ai nữa?” (GT); “Làm thế thì bôi gio trát trấu vào mặt tao à?”

HVGT là lời cấm đoán, đe doạ:

“Con mà lấy nó thì đừng bao giờ về nhà này nữa”; “Ai nuôi cộng sản thì coi đó!” [ngữ cảnh cho biết: đó = một người bị bắn chết] (RXN)

HVGT là lời nhận định, đánh giá:

“Cô ấy mà thương anh thì trời sa xuống đất”; “Nếu vợ chồng nó hạnh phúc thì tuần trước nó đã không phải đến nhà mình ở tạm”; “Không phải con làm vỡ thì nó tự vỡ à?”

HVGT là lời khẳng định:

“Nhà cháu mà không đến thì đến nhà ai!” (Lời Bác Hồ, TT Xuân Mậu Tý, tr.3) “Nhưng nếu không phải là hoa bưởi, thì còn thứ hoa nào mà đến lá cũng thơm?” (PTTN); “Nhưng chẳng tin vào bùa thì còn biết làm gì nữa” (CĐBT)

HVGT là lời cảnh báo:

“Làm vậy [thì] anh sẽ bị ngồi tù 10 năm đấy.”; “Anh làm thế máy hỏng thì


bỏ mẹ!”

HVGT là lời đề nghị, yêu cầu:

“Nếu cậu không giúp mình chuyện này thì đừng coi mình là bạn nữa.”;”Ai cũng lấy cớ ốm yếu mà không đi thì người ta đá bóng cho chó xem à?” (NCH)

HVGT là lời từ chối:

[Bà lão thỉnh cầu, thỉnh thoảng xin được lên thăm cháu. Bào Phó Thụ đáp:] “Bà muốn chơi với nó thì đem ngay nó về nhà, tìm cơm cho nó ăn, bà cháu chơi với nhau vài ba tháng cho thật chán đi, rồi hãy bảo nó lên.” (NC)

2.1.3.6. Câu ghép vắng từ "thì"

2.1.3.6.1. Cấu trúc đảo. “Nếu A thì B” tương đương với “B nếu A”.

“Chất lượng sẽ không đảm bảo nếu đại học tư được mở một cách tuỳ tiện”; “Điều gì sẽ xảy ra nếu anh ta trở thành giám đốc tổng công ty này?”

2.1.3.6.2. Những cấu trúc đảo vắng từ thì này vẫn có thể hình thành hàm ý. Phương pháp xác định hàm ý này vẫn được thực hiện theo 3 bước đã nêu. Ví dụ: “(Giáo dục, kể cả giáo dục đại học là một trong những công cụ đảm bảo cho sự bình đẳng và sự công bằng cho mọi công dân trong một xã hội, […]) Ai bảo đảm được quyền đó cho họ nếu không phải là nhà nước?” (SGTT, 21/01/08)

Bước 1: Câu trên đây tương đương với “Nếu không phải là nhà nước thì ai bảo đảm được quyền đó cho họ?” nên có cấu trúc “x y”, với x = không phải là nhà nước; y = ai bảo đảm được quyền đó cho họ?

Bước 2: “ai bảo đảm được quyền đó cho họ?” là câu chất vấn nên tạo ra hàm ý bác bỏ: Không ai bảo đảm được quyền đó cho họ. Tức là có ~y.

Bước 3: Kết hợp kết quả của hai bước trên, ta được hai tiền đề của phép suy luận MT: “x y”  (~ y).

Vậy suy ra: ~x, tức là “phải là nhà nước (bảo đảm quyền lợi đó cho họ)”

2.1.3.6.3. Quán ngữ

Thì báo hiệu một kết quả. “Thì ra đến lúc cùng, lão cũng có thể làm liều như ai hết.” (NC); “Thì đây mua cả năm xu.” (NC)

Một trường hợp đặc biệt: có thể vắng cả hai liên từ trong cấu trúc nhân quả. Lúc đó, chúng trở thành quán ngữ.

Ví dụ: “Biết chết liền”; “Hiểu chết liền”, “Nói chết liền”… Dạng đầy đủ của những câu này là “Nếu biết thì chết liền”; “Nếu hiểu thì chết liền”, “Nếu nói thì chết liền”… Vẫn theo phương pháp 3 bước đã trình bày, chúng ta suy ra ngay được hàm ý của những quán ngữ trên: Không thể biết được; Không thể hiểu được; Không thể nói được.

2.2. Từ “thì” để liên kết hai lượt lời

2.2.1. Cấu trúc “nếu A thì B” xuất hiện ở lượt lời thứ hai trong cặp thoại

Lượt lời thứ nhất làm thành ngữ cảnh cho lượt lời thứ hai. Theo phương pháp đã trình bày, chúng ta dễ dàng xác định được hàm ý của lượt lời thứ hai thích hợp với ngữ cảnh. Ví dụ:

(1) - Con phải đến toà soạn. Bố mẹ cho phép chứ ạ?

Không cho thì con ở nhà chắc?” (PVTV, tập 10) ( cho phép miễn cưỡng)

(2) - Con gái ông hiệu trưởng thế nào?

- Nếu cậu nhìn thấy nó chắc cậu chạy mất dép thôi. ( con gái ông hiệu trưởng rất xấu)

(3) - Chỗ này đỗ xe được không?

- Muốn nộp tiền phạt thì đỗ ở đấy. ( chỗ này không đỗ xe được)



2.2.2. Những hàm ý ngữ dụng

Có hàng loạt cách thể hiện hàm ý qua những câu biểu hiện quan hệ nhân quả. Chúng liên quan tới lý lẽ “x  y”. Nếu chỉ ra lý lẽ đó một cách thuyết phục thì chúng ta chứng minh được HVGT đó. Trong một cặp thoại, từ lượt lời thứ nhất, người nói lượt lời thứ hai đưa ra phát ngôn kiểu “nếu A thì B” để tạo ra hàm ý hình thành những HVGT như chấp nhận, bác bỏ, từ chối, thanh minh, giải thích, đồng tình, chê bai, nói lửng lơ…

Một số ví dụ:

2.2.2.1. Hành vi bác bỏ

(1) Đường này đi Hải Phòng phải không?

(1b) Ông muốn sang Trung Quốc thì đi đường này.



Bước 1: (1b)  Nếu ông muốn sang Trung Quốc thì ông đi đường này.

Câu trả lời có cấu trúc x y, ở đó x = ông muốn sang Trung Quốc,



y = ông đi đường này.

Bước 2: Người hỏi muốn đi Hải Phòng  Người hỏi không muốn sang Trung Quốc  ~ x

Bước 3: Kết hợp những điều ta được từ bước 1 (x y) và bước 2 (~ x),

ta được: (x y)  (~ x)

Theo luật suy luận MV, suy ra hàm ý gốc “không (nên) y”, tức là “Ông không (nên) đi đường này”. Suy ra “Đường này không đi Hải Phòng”.

(2) A: Giám đốc không đồng ý đâu.

B: Nếu giám đốc không đồng ý thì còn bảo mình nộp lý lịch làm gì?

Bước 1: “còn bảo mình nộp lý lịch làm gì?” là một câu chất vấn. Nó tạo ra hàm ý bác bỏ. Do vậy, (2B)  “Nếu giám đốc không đồng ý thì giám đốc không bảo mình nộp lý lịch”. Câu này có cấu trúc x y, ở đó x = giám đốc không đồng ý,
y = Giám đốc không bảo mình nộp lý lịch.

Bước 2: Trong thực tế, giám đốc đã bảo mình nộp lý lịch. (Điều này là Tiền giả định của câu chất vấn “còn bảo mình nộp lý lịch làm gì”). Vậy ta có ~y.

Bước 3: Kết hợp những điều ta được từ bước 1 (x y) và bước 2 (~y),

ta được: (x y)  (~ y)

Vậy theo suy luận MT sẽ suy ra ~x. Tức là lời đáp của B có hàm ý và là một HVGT bác bỏ lời của A: “giám đốc đã đồng ý”.

Khái quát: Câu trả lời của B đã theo phương thức chất vấn kết luận y để bác bỏ tiền đề x của quan hệ kéo theo x y. Mà “Không/Chẳng x thì là gì?” là một câu nhân quả “nếu không là x thì là gì?”.

Như vậy: Cấu trúc chất vấn theo sơ đồ “Không/Chẳng x thì là gì kia?” luôn luôn có hàm ý là sự khẳng định x.

2.2.2.2. Hành vi bác bỏ để khẳng định

(3) A1: Nhà cậu bề thế quá nhỉ.

B: Dào ôi, cậu cứ đùa, chỉ là cái lều che mưa che nắng thôi.

A2: Ôi, nếu đây là cái lều thì như thế nào mới gọi là biệt thự kia chứ?

2.2.2.3. Hành vi giải thích

(4a) Sao anh lại ra nông nỗi này?

(4b) Nếu không có cái thằng chết tiệt ấy thì tôi đâu có thế này”. ( Tại cái thằng chết tiệt ấy.)

2.2.2.4. Hành vi khuyên

(5) Nếu là con thì con sẽ không gửi tiền vào ngân hàng.

Cơ sở của lời khuyên này dựa trên lý lẽ về cá nhân: Nếu tôi làm như vậy thì người đối thoại cũng nên làm như vậy. Tức là: G(x)  G(y), mà G(x). Vậy theo luật suy luận MP, suy ra hàm ý G(y): Bố/Mẹ không nên gửi tiền vào ngân hàng.

Có những hàm ý liên quan tới phép tuyển. Nhưng thực chất đó chỉ là những hàm ý do phép kéo theo gây ra. Vì công thức (x  y) = ((~x)  y) cho phép ta chuyển một phán đoán tuyển thành một phán đoán kéo theo và ngược lại.

2.2.2.5. Hành vi từ chối

(6) A: Chị làm văn thư cho thủ trưởng nhé?

B: Tính tôi hay nghịch lắm, nhận làm công tác phục vụ thủ trưởng sợ không chu đáo.” (Mùa hạ cháy, TNCL, 2006)

Dễ dàng chứng minh được hàm ý của (6B) là một lời từ chối: “Tôi không nhận làm văn thư cho thủ trưởng”.

2.2.2.6. Hành vi đánh giá

(7) – Cho xem kim đã – Bulika rền rĩ.

– Đây, xem đi!

– Ối bà con ơi! – Bulika tru tréo lên – Nếu đây là kim thì như thế nào mới gọi được là đùi kia chứ!” (QLCMĐ, 131)

Lập luận: x  y, nếu là dụng cụ, kim chẳng hạn, thì phải phù hợp với con người. “Như thế nào mới gọi được là đùi kia chứ!” suy ra hàm ý không phải là đùi (bình thường); tức là (~y). Theo luật MT suy ra hàm ý gốc: đây không phải là cái kim (bình thường). Khi tiêm chích, người ta sợ cái kim to. Do vậy hình thành hàm ý ngữ cảnh: cái kim này không bình thường mà to quá.

2.2.2.7. Lưu ý: Cũng có trường hợp lượt lời thứ nhất là một câu biểu hiện quan hệ nhân quả. Lượt lời thứ hai là một câu có liên hệ trực tiếp tới lượt lời thứ nhất và tạo ra hàm ý. Kiểu hàm ý này vẫn liên quan đến kiểu câu nhân quả chứa từ thì. Ví dụ:

- Em không tin chồng em có bồ. Hoạ có đứa điên thì nó mới theo không anh ta.

- Vậy à? Thế mà bây giờ có đứa đang điên đấy.

“Hoạ” là một từ báo hiệu rằng cái điều được nói đến rất khó xảy ra, gần như là một giả định phi thực. Do vậy, cấu trúc “hoạ x thì mới y cũng vẫn thể hiện quan hệ nhân quả “x y”. Lượt lời thứ hai là một khẳng định cái điều rất khó xảy ra này lại đã xảy ra: đã x. Như vậy, theo luật MP, ta suy ra hàm ý gốc là y: đúng là có người đang theo không anh ta. Vậy hàm ý của câu: đúng là chồng em đang có bồ.



2.2.3. Hành vi ngôn ngữ chứa từ “thì”

2.2.3.1. “Thì” đứng đầu lượt lời thứ hai và thể hiện các hành vi ngôn ngữ. Ví dụ:

Thì A đã!”: hành vi đề nghị thực hiện việc A trước khi bàn tới các việc khác.

(1) - Bố ơi, ra đây con nhờ một tí./ - Có chuyện gì vậy?



- Thì bố cứ ra đây đã. (Phim Hương đất, tập 17)

(2) Sao, ta lại phải nghỉ ở đây thật ư?/ Thì cứ xuống xe đi đã. (TNCL, 2000)

Thì đã sao!”: hành vi chất vấn để bác bỏ.

(3) Mày là đồ sứt môi./ Thì đã sao? (phim Ma làng, VTV3)

(4) Sao thủ trưởng không trình bày với sếp là thằng Đường nó đã xin nghỉ phép sáng nay để đưa vợ đi đẻ? Rõ khổ cho nó./ Dĩnh: Thì ổng có cho tao kịp nói thêm câu nào đâu. (TTTN): Hành vi giải thích.

(5) “Thì liều vậy!”: Hành vi khẳng định

2.2.3.2. Những quán ngữ: Hành vi ngôn ngữ chứa từ thì

Trong giao tiếp, có những lời đối đáp thực hiện một HVNN nào đấy trở thành những khuôn ngôn ngữ xác định, cho phép tỉnh lược tới mức tối đa các từ mang nội dung cụ thể. Lâu dần chúng thành những quán ngữ, dù nó không chứa những nội dung cụ thể, dù không đặt trong một ngữ cảnh cụ thể thì người nghe vẫn nhận ra đó là HVNN gì.

HVNN trong lượt lời thứ nhất dẫn đến HVNN trong lượt lời thứ hai. Do vậy, đây là quan hệ nhân quả. Nếu lượt lời thứ nhất là HVNN A thì người đáp, trong lượt lời của mình lặp lại A rồi đưa ra HVNN của mình.

Khuôn mẫu tổng quát của cặp thoại sẽ là:

“- A (/ A”) [ A” là hệ quả của A]

- Nếu A thì B”

Trong thực tế, tuỳ thuộc kiểu hành vi A và hệ quả A” của nó người đáp đã rút gọn từ “nếu” và những từ có nội dung cụ thể khác. Trong [1987, 193 - 199], chúng tôi đã chỉ ra một số quán ngữ chứa đựng những HVNN cụ thể.

2.2.3.2.1. “A thì cũng x” là hành vi bác bỏ, không chấp nhận ảnh hưởng hoặc vai trò của A (hoặc hệ quả A” suy ra từ A) tới sự việc x sẽ xảy ra.

2.2.3.2.2. “Không A thì cũng B” là hành vi khẳng định một đối tượng có thuộc tính ở mức độ A hoặc B thấp hơn một chút. (xem [NĐD, 1987, 149 - 150]).

Cũng ở [NĐD, 1987, 150 - 153], chúng tôi đã nêu nhận xét rằng “Không A thì B à?” là một câu mơ hồ. Có những ngữ cảnh khiến câu này là câu hỏi thực sự, có ngữ cảnh khiến nó là câu bác bỏ B.

2.2.3.2.3. “A thì có!” dùng để bác bỏ B trong tiền giả định của phát ngôn đó.

2.2.3.2.4. “y thì không” là lời đối đáp thể hiện hành vi chấp nhận nhưng tạo hàm ý làm cân bằng giữa đối tượng y và đối tượng x được đề cập trước đó.

2.2.3.2.5. “Còn y thì b” thể hiện hành vi nói đay.

2.2.3.2.6. “x thì a (thôi)” là hành vi nói dỗi. Ví dụ:

Chồng: Thằng X may thế, vớ được cô vợ vừa đảm lại vừa xinh.

Vợ: Vâng, tôi biết, chỉ có mẹ sề nhà ông là vừa đoảng lại vừa xấu thôi.

2.2.3.2.7. “A thì A”; “A(x) thì A”, “Nào thì A” là những hành vi chấp nhận A với những mức độ khác nhau.

2.2.3.2.8. “A thì phải” là hành vi đoán định.

2.2.3.2.9. a) “Thì B vậy” là hành vi đề nghị một mức B thấp hơn so với mức A đưa ra trước đó.

b) “Thì vậy đi”: người đối thoại chấp nhận miễn cưỡng.

2.2.3.2.10. Thì đây B” là hành vi giải thích, chứng minh.

2.3. Từ “thì” và thao tác phân cắt tập hợp

2.3.1. Khái quát

Có một tập hợp A, tập hợp này có thể được chia thành nhiều tập hợp bộ phận khác nhau: A1, A2, A3,… Ta nói tập hợp A được phân cắt thành những tập hợp con A1, A2, A3,… với những thuộc tính x, y, z,… khác nhau.

Và tập hợp A này chứa những phần tử a1, a2, a3… với những thuộc tính x, y, z,… khác nhau. Hãy coi mỗi phần tử này là một tập hợp một phần tử, thế thì các phần tử này cũng tạo ra một phân cắt của tập hợp A đã cho.

Đề cập tới những tập hợp bộ phận với những thuộc tính khác nhau này, chúng ta dùng từ “thì” để miêu tả liệt kê theo cấu trúc: “A1 thì x, A2 thì y, A3 thì z”. Cấu trúc này phản ánh một thao tác tư duy khi dùng từ thì để phân cắt tập hợp A thành những tập hợp bộ phận.

Khi nói “Ai thì x”, chúng ta chỉ đề cập tới một tập hợp Ai có thuộc tính x nào đó. Và trong câu này đã tiền giả định rằng tồn tại những tập hợp con khác cùng với Ai tạo thành một phân cắt của một tập hợp A mà người nói nhận biết được. Với quan niệm trên, chúng ta giải thích được nhiều hiện tượng tiếng Việt liên quan đến từ thì.

2.3.2. Phân cắt tập hợp là một thao tác mà mỗi người nói thường xuyên thực hiện hằng ngày.

Trước hết, đó là những lưỡng phân giữa sống và chết (Sống thì khó chứ chết sao mà (= thì) dễ.), giữa cần và không cần (“Cha thờ ơ, lạt lẽo, chuyện gì cần nói thì nói vài câu nhát gừng”(CĐBT)), giữa việc mình và việc người, giữa bỏ và giữ, giữa biết và không biết (Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe), giữa nội dung và hình thức, giữa vỏ và ruột (Thân em như củ ấu gai/ Ruột trống thì trắng, vỏ ngoài thì đen), giữa tay và miệng, giữa vui và buồn, thành công và thất bại, giữa một và nhiều (Đói lòng ngồi gốc cây sung/ Chồng một thì lấy, chồng chung thì đừng. (Ca dao)), giữa cái này và cái khác, giữa phạm trù này với phạm trù khác,…

Và không chỉ có lưỡng phân: Cái thì nó vứt, cái thì nó cho, chỉ một vài cái thật quý thì nó mới mang theo.

Thời gian và không gian là những tập hợp vô hạn được sắp thứ tự, mỗi điểm trong đó được xác định phân biệt với những điểm khác. Do vậy, những từ ngữ chỉ không điểm, không đoạn và thời điểm, thời đoạn tạo thành những phân cắt của không gian và thời gian: Lúc tôi đến thì Giáp đi rồi./ Đi một thôi thì gặp đường mòn.



2.3.3. Với quan niệm phân cắt tập hợp, chúng ta giải thích được nhiều hiện tượng được bàn luận là “chuẩn” hay “không chuẩn” trong tiếng Việt.

Tiêu chí [+ đếm được], [- đếm được] ([ ĐĐ ]) là tiêu chí đầu tiên quan trọng nhất trong quá trình phân loại danh từ. Nhiều công trình phân loại danh từ tiếng Việt dùng tiêu chí này làm xuất phát điểm. Chẳng hạn, các danh từ [-ĐĐ] “biểu thị một khối vô hình thù gồm những đặc trưng phẩm chất hay vật liệu có tác dụng phân biệt những phạm trù và những chủng loại … Các danh từ [– ĐĐ] không có tính cá thể, phân lập về hình thức, mà có tính chất liệu ([+CL]), phân lập về nội dung.” [Cao Xuân Hạo, 1998, 267]. Theo tác giả, bò, thợ, kèn, cam, mây… là các danh từ [– ĐĐ] và có tính chất liệu (+CL). Tác giả cho rằng “các danh từ [– ĐĐ] không thể xuất hiện ở văn cảnh này”, tức là “----- thì VỊ NGỮ” hay “----- thì CHỦ NGỮ” (lặp lại y nguyên một hay nhiều lần với những vị ngữ khác nhau)”. Và nêu ra những câu mà tác giả cho là không chuẩn:

*Bò thì béo, bò thì gầy.

* Thợ thì đi làm, thợ thì nghỉ. [Cao Xuân Hạo, 1998, 269]

Thực ra, có những ngữ cảnh chấp nhận những câu trên đây là chuẩn.

Chúng tôi quan niệm: về bản chất, danh từ [– ĐĐ] là danh từ tập hợp: Mỗi danh từ [– ĐĐ] trỏ một tập hợp có nội hàm xác định. Mặt khác, chính mỗi danh từ [– ĐĐ] cũng trỏ một phần tử (tức là một đối tượng) của tập hợp cùng tên. Do vậy, những tập hợp này không phải là tập hợp rỗng, nghĩa là đều có phần tử. Danh từ cũng trỏ một phần tử của tập hợp các con bò. Như vậy, mỗi danh từ [– ĐĐ], chẳng hạn, được dùng với hai cương vị: 1) trỏ một tập hợp; 2) trỏ một phần tử của tập hợp.1)

Ví dụ: Ta có tập hợp {gà, bò, thằn lằn, thạch sùng, rắn} (thuộc tiểu loại danh từ [– ĐĐ]. Đơn vị của tập hợp này được từ vựng hoá thành từ “con”. Trong tiếng Việt luôn luôn tồn tại danh từ đơn vị cho mỗi danh từ [- ĐĐ]. Dùng với tư cách một tập hợp (một loài), ta nói “bò là loài nhai lại” mà không cần nói “con bò là loài nhai lại”. Ngữ cảnh cũng cho phép hiểu một từ, từ chẳng hạn, được dùng như một tập hợp bộ phận ở những câu sau: “Đây là bò cày, kia là bò sữa”. Không nhất thiết phải nói “Đây là con bò cày, kia là con bò sữa”. Với tư cách là một tập hợp, dù trong cách dùng có xuất hiện danh từ đơn vị thì nó cũng đều có thể lược bỏ. Trong ví dụ sau có thể bỏ con, ông, nén, cái: “con cá có vây, ông thầy có sách”, “nén bạc đâm toạc tờ giấy”, “mồm thở ra gió là cái quạt hòm”. Dùng với tư cách một phần tử của tập hợp, ta nói “con bò”, “5 con bò”, “những con bò”, “mấy con bò”, “ăn nửa con bò”.

Cho rằng những danh từ như bò, gà, kẹo, sách, bút… chỉ là danh từ [– ĐĐ] là không thoả đáng. Thật vậy, bò, gà, ngan… cũng là những khái niệm có nội hàm xác định, nghĩa là có những tính chất (hay thuộc tính) để phân biệt với những khái niệm khác. Vậy thì chúng cũng trở thành những phần tử của một tập hợp khác, tập hợp gia cầm hay gia súc chẳng hạn, lúc đó chúng cũng đếm được: “Đàn gia cầm nhà này vừa bị mất mười con: năm gà, ba vịt, hai ngan”. Kết quả là bò, gà, vịt, ngan… có lúc không đếm được, có lúc đếm được.



Sự phân chia danh từ thành [+ ĐĐ] và [– ĐĐ] không ảnh hưởng đến cấu trúc “A1 thì x, A2 thì y, A3 thì z…” dùng để phân cắt tập hợp A thành những tập hợp con bộ phận. Cả hai loại danh từ đều có thể trở thành một tập hợp nên đều có thể phân cắt thành những tập hợp bộ phận: “Cái thì nó vứt, cái thì nó cho, chỉ một vài cái thật quý thì nó mới mang theo.”, “Chó thì đứng, mèo thì nằm”, “Tường này đầy những vết. Vết thì đen, vết thì vàng, vết thì xám xịt”; “người thì nghèo rớt mồng tơi, người thì giàu nứt đố đổ vách”, “Trong vụ đấu tranh này, họ chẳng nhất trí với nhau, thợ thì đi làm, thợ thì nghỉ”, “Cùng một giống, mà sao thì béo, thì gầy”…

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Diệp Quang Ban, 1984, Cấu tạo của câu đơn tiếng Việt, Đại học Sư phạm I Hà Nội.

  2. Diệp Quang Ban, 1992, Ngữ pháp tiếng Việt, tập 2, NXB Giáo dục.

  3. Diệp Quang Ban, 2005, Ngữ pháp tiếng Việt, NXB Giáo dục.

  4. Trương Văn Chình, 1970, Structure de la langue Vietnamienne, Paris.

  5. Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê, 1963, Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam, NXB Đại học Huế.

  6. Nguyễn Đức Dân, 1976, "Lôgích và sắc thái liên từ tiếng Việt", Ngôn ngữ, số 4.

  7. Nguyễn Đức Dân, 1984a, “Ngữ nghĩa các từ hư: Định hướng nghĩa của từ, Ngôn ngữ,
    số 2, 1984.

  8. Nguyễn Đức Dân, 1984b, “Ngữ nghĩa các từ hư: Nghĩa của cặp từ”, Ngôn ngữ, số 4.

  9. Nguyễn Đức Dân, 1985, “Một số phương thức thể hiện ý tuyệt đối”, Ngôn ngữ, số 3.

  10. Nguyễn Đức Dân, 1987, gích, ngữ nghĩa và cú pháp, NXB Đại học và Trung học Chuyên nghiệp

  11. Nguyễn Đức Dân, 1996, gích và tiếng Việt, NXB Giáo dục.

  12. Nguyễn Đức Dân, 1990, Lôgích và hàm ý trong câu trỏ quan hệ nhân quả, Ngôn ngữ, số 1.

  13. Nguyễn Đức Dân, 1998, Ngữ dụng học, NXB Giáo dục.

  14. Nguyễn Đức Dân, 2004, Nhập môn lôgích hình thức và lôgích phi hình thức, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

  15. Nguyễn Đức Dân, 2005, “Những giới từ không gian: sự chuyển nghĩa và ẩn dụ, Ngôn ngữ, số 9.

  16. Nguyễn Đức Dân, 2006, Lôgích của từ MÀ”, Ngôn ngữ, số 6.

  17. Nguyễn Đức Dân, 2008, “Ngữ pháp lôgích trong tiếng Việt”, trong Ngữ pháp tiếng Việt – những vấn đề lý luận, t. 147 – 212, Viện Ngôn ngữ học (Viện KHXH VN).

  18. Nguyễn Đức Dân va Trần Thị Chung Toàn, 1982, Ngữ nghĩa một số từ hư: cũng, chính, cả, ngay, Ngôn ngữ, số 2, 1982.

  19. Nguyễn Đức Dân và Đỗ Thị Thời, 2007, “Câu chất vấn”, Ngôn ngữ, số 9 và 10.

  20. Lê Đông, 1992, “Ngữ nghĩa – ngữ dụng của hư từ: siêu ngôn ngữ và hư từ tiếng Việt”, Ngôn ngữ, số 2.

  21. Lê Đông, 1996, Ngữ nghĩa – ngữ dụng câu hỏi chính danh tiếng Việt, Luận án PTS.

  22. Đinh Văn Đức, 1986, Ngữ pháp tiếng Việt: từ loại, NXB Đại học và Trung học Chuyên nghiệp.

  23. Cao Xuân Hạo, 1991, Tiếng Việt: sơ thảo ngữ pháp chức năng, NXB Khoa học Xã hội

  24. Cao Xuân Hạo, 1998, “Đi bao giờ và Bao giờ đi”, trong Tiếng Việt – mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa, NXB Giáo dục.

  25. Cao Xuân Hạo, 2002, “Câu và kết cấu chủ vị”, Ngôn ngữ, số 13.

  26. Cao Xuân Hạo (Chủ biên) - Hoàng Xuân Tâm - Nguyễn Văn Bằng - Bùi Tất Tươm, 1992, Ngữ pháp chức năng tiếng Việt, quyển 1, Câu trong tiếng Việt, NXB Giáo dục.

  27. Trần Trọng Kim (cùng làm với Bùi Kỷ, Phạm Duy Khiêm), 1943, Việt Nam văn phạm, bản in lần thứ tư (xem lại và sửa lại), Hà Nội.

  28. Đinh Trọng Lạc và Nguyễn Thái Hoà, 1995, Phong cách học tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội.

  29. Đỗ Thị Kim Liên, 1999, Ngữ pháp tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội.

  30. Lê Văn Lý, 1949, Le parler Vietnamien, Hương Anh, Paris.

  31. Hoàng Phê, 1989, Lô-gích ngôn ngữ học: Qua cứ liệu tiếng Việt, NXB Khoa học và Xã hội, Hà Nội.

  32. Hoàng Phê (chủ biên), 1992, Từ điển tiếng Việt, Uỷ ban Khoa học Xã hội, Viện Ngôn ngữ học.

  33. Hoàng Trọng Phiến, 1980, Ngữ pháp tiếng Việt: Câu, NXB Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, Hà Nội.

  34. Nguyễn Anh Quế, 1988, Hư từ trong tiếng Việt hiện đại, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

  35. Đào Thản, 2002, "Ngữ nghĩa của khuôn nào… ấy, bao… bấy; trong quán ngữ, ngữ cố định và tục ngữ tiếng Việt", Ngôn ngữ, số 13.

  36. Nguyễn Kim Thản, 1981, Cơ sở ngữ pháp tiếng Việt, NXB Thành phố Hồ Chí Minh.

  37. Nguyễn Kim Thản, 1997, Nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt, NXB Giáo Dục (In lại từ: Nguyễn Kim Thản, Nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt, tập I, 1963 và tập II, 1964, NXB Khoa học, Hà Nội.)

  38. Đỗ Thanh, 1998, Từ điển từ công cụ tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội.

  39. Bùi Đức Tịnh, 1968, Văn phạm Việt Nam, giản dị và thực dụng, Trung tâm Học liệu Bộ Giáo dục, Sài Gòn.

  40. Hoàng Tuệ, 2001, Tuyển tập ngôn ngữ học, NXB Đại học Quốc Gia Tp. Hồ Chí Minh.

  41. Hoàng Văn Vân, 2002, Ngữ pháp kinh nghiệm của cú tiếng Việt mô tả theo quan điểm chức năng hệ thống, NXB Khoa học và Xã hội, Hà Nội.

  42. Grice P., 1975, “Logic and Conversation”, trong: Syntax and Semantics,vol. 3, Cole P. & Morgan J.L. (Ed.).

  43. Lyons, J., 1977, Semantics, Volume I, CUP.

DẪN LIỆU NGÔN NGỮ
(dẫn theo tên tác giả và tác phẩm)

BCC - Ba con cáo, Bình Nguyên Lộc, bản đăng trên Người Hà Nội, số 14, 06.4.2007; BL – Bản lĩnh, Phim, Văn nghệ chủ nhật; BMYA – Ban mai yên ả, Dương Thu Hương; BS – Buổi sáng, Nguyễn Thị Ngọc Tú; CCPSĐTV - Chuyện chức phán sự đền Tản Viên, Nguyễn Dữ; CĐBT - Cánh đồng bất tận, Nguyễn Ngọc Tư; CLN - Chiếc lược ngà, Nguyễn Quang Sáng; ĐM – Đôi mắt, Nam Cao; ĐN và NCĐ, Đời người và những chuyến đi, Phim, Văn nghệ chiều thứ bảy. GĐN - Gió đại ngàn, (Phim) Văn nghệ chủ nhật; GGCN – Gặp gỡ cuối năm, Nguyễn Khải; GTT – Giai thoại thiền,Viên Đức, NXB Thuận Hoá, 1996; HNC – Hoa ngải cứu, Phim, Văn nghệ chủ nhật; LL – Lê Lựu; LLS – Lặng lẽ Sa pa, Nguyễn Thành Long; LRVA – Lời ru với anh, Lý Phương Liên; MCĐ – Một cuộc đời, (truyện dịch); MCX – Một chuyện xúvơnia, Nam Cao; MĐLNNM – Mảnh đất lắm người nhiều ma, Nguyễn Khắc Trường; MHKL – Mùa hè kỳ lạ, (truyện dịch); MVK - Ma Văn Kháng; NC – Nam Cao; NCGTT - Người con gái thuỷ thần; NCH – Nguyễn Công Hoan, Truyện ngắn chọn lọc; NH – Nguyên Hồng, Những ngày thơ ấu; NHT: Nguyễn Huy Thiệp; NK – Nguyễn Khải; NLMĐ – Nghìn lẻ một đêm, (truyện dịch); NMC – Nguyễn Minh Châu, Khách ở quê ra; NNT – Nguyễn Ngọc Tư; NNTM – Những người thợ mỏ, Võ Huy Tâm; NNNG – Những ngày nổi giận, Chế Lan Viên; NNTĐ- Những người thích đùa; NQS – Nguyễn Quang Sáng; RXN – Rừng xà nu, Nguyễn Trung Thành; NTTH - Nguyễn Thị Thu Huệ, Hậu thiên đường; PTD – thơ Phạm Tiến Duật; PTH – Phạm Thị Hoài, Cam tâm; PTTN - Phan Thị Thanh Nhàn; PTVA – Phan Thị Vàng Anh, Khi người ta trẻ; PVTV - Phóng viên thử việc, phim trên VTV3; QCNN – Qua cầu nhớ người, Nguyễn Ngọc Tư; QLCMĐ – Quy luật của muôn đời, (truyện dịch); QRNC- Quán rượu người câm, Nguyễn Quang Sáng; RG - Ranh giới, Lê Lựu; SM – Sống mòn, Nam Cao; TDĐC – Trên dặm đường cong, (truyện dịch); TĐ – Tắt đèn; Ngô Tất Tố; TĐTV – Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên, ThTh – Thao thức (truyện dịch); TNCD – Tục ngữ, ca dao, Vũ Ngọc Phan; TNCL 2006 - Truyện ngắn chọn lọc 2006; TN NC – Truyện ngắn Nam Cao; TTTN - Tuyển tập truyện ngắn, NXB Thanh Hoá; XN – Xa nhà, Phan Thị Vàng Anh.

Các báo: ND – Nhân Dân; PN: Phụ nữ; SGTT – Sài Gòn tiếp thị; ThN: Thống nhất; TN: Thanh niên; TT: Tuổi trẻ.

1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   19




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương