Số: 28 /vhtt-bc hội An, ngày 4 tháng 4 năm 2016



tải về 242.34 Kb.
trang2/4
Chuyển đổi dữ liệu19.09.2016
Kích242.34 Kb.
#32245
1   2   3   4

Với chủ đề Tơ lụa thế giới trong đời sống hiện đại, ngày hội đã đặc biệt thu hút sự quan tâm của những người trẻ yêu lụa. Nhà thiết kế thời trang trẻ của VN Đinh Bách Đạt đã tìm đến các làng lụa truyền thống hàng trăm năm tuổi của VN như Vạn Phúc, Quảng Nam... tìm hiểu quy trình ươm tơ dệt lụa theo kiểu thủ công, truyền thống, kết nối và tìm cảm hứng với lụa Việt. Những bộ sưu tập thời trang lụa của Đinh Bách Đạt như Quê hương Việt Nam, Hòn ngọc Viễn Đông được đón nhận nhiệt tình từ phía những người yêu tơ lụa.

Một cô gái trẻ yêu lụa khác là Đỗ Khải Ly (24 tuổi), Giám đốc truyền thông và quản lý dự án phát triển Bảo tàng Làng lụa Hội An, chia sẻ tham vọng xây dựng một trung tâm may đo các sản phẩm từ lụa cho cả thế giới. Theo Khải Ly, Hội An xưa vốn là một thương cảng cổ chuyên buôn bán lụa với cả thế giới. Và di sản thừa hưởng hôm nay là lượng du khách đến Hội An ngày càng đông để từ đó những cửa hàng may đo thời trang ra đời. Khách du lịch đến và đặt may những trang phục theo ý thích và chỉ sau một buổi, họ có thể nhận ngay những sản phẩm may đo đúng yêu cầu để tiếp tục hành trình khám phá di sản. Các nhà thiết kế và thợ may chuyên nghiệp ở Hội An sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của những vị khách Ý với phong cách thời trang cao cấp, cho đến những vị khách Âu Mỹ sẵn sàng chi trả cả chục nghìn USD để sở hữu những bộ trang phục cầu kỳ từ lụa tơ tằm thủ công...

Một trung tâm sản xuất, phân phối sản phẩm lụa Việt và thế giới, kết nối với các cửa hàng may đo chuyên nghiệp tại làng lụa Hội An, tại sao không? Đây sẽ là nơi liên kết với các ông lớn về tơ lụa trong khu vực để cung cấp các sản phẩm tơ lụa đặc chủng nhất của VN, Thái Lan, Ấn Độ, Myanmar, Nhật Bản... Như vậy, các đơn vị may đo thời trang sẽ không phải khó khăn trong việc tìm kiếm những nguồn vải cao cấp, giá thành sản phẩm đến tay người tiêu dùng từ đó sẽ được giảm bớt, tăng khả năng tiêu thụ và phổ biến sản phẩm lụa trong đời sống hiện đại”, Đỗ Khải Ly chia sẻ ý tưởng táo bạo nhưng hy vọng sớm trở thành hiện thực.

* Báo Quảng Nam ngày 29/3/2016 có bài viết: ĐÊM LỤA PHƯƠNG ĐÔNG

Nằm trong chương trình Festival Văn hóa Tơ lụa Việt Nam - châu Á 2016, tối 28.3 tại Làng Lụa Hội An (Hoi An Silk Village) diễn ra chương trình trình diễn thời trang với chủ đề “Đêm lụa phương Đông” do 4 nhà thiết kế đến từ Việt Nam, Pháp và Tây Ban Nha giới thiệu.

Lần đầu tiên du khách và người dân Hội An có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp lụa Việt Nam bên cạnh lụa tơ tằm của các quốc gia có lịch sử sản xuất tơ lụa lâu đời. Đó không chỉ là sự so sánh về chất lượng mà còn là sự cạnh tranh về văn hóa được thể hiện qua các bộ sưu tập bằng chất liệu tơ lụa đặc sắc. Vì vậy, buổi trình diễn cũng chính là một sân chơi thời trang giữa các nhà thiết kế trong và ngoài nước. Đại diện Việt Nam là 2 nhà thiết kế trẻ Đinh Bách Đạt và Erich Nguyễn với kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với lụa tơ tằm; 2 nhà thiết kế thời trang đến từ Pháp và Tây Ban Nha gắn bó với lụa tơ tằm Việt Nam để tạo ra dòng sản phẩm lụa pha trộn giữa châu Âu và thị hiếu tiêu dùng Việt Nam. Đặc biệt, nhà thiết kế Tây Ban Nha, ông chủ của hãng thời trang Chula làm người xem bất ngờ khi trình diễn sự sáng tạo pha trộn giữa lụa xuyên thấu và hoa văn thổ cẩm các dân tộc thiểu số Việt Nam. Sự pha trộn đó đã tạo hiệu ứng nên thơ và sâu sắc khi khai thác được văn hóa Việt Nam vào sản phẩm hiện đại để mang đến những bất ngờ thú vị cho người xem và du khách trong đêm trình diễn.

Trước đó, sáng cùng ngày (28.3) tại Làng Lụa Hội An cũng diễn ra nhiều hoạt động như phục dựng con đường tơ lụa trên biển từ thương cảng Hội An sang Trung Hoa, Nhật Bản và các nước phương Tây cách đây 300 năm; lễ dâng hương Bà Chúa Tằm Tang Đoàn Quý Phi; triển lãm tơ lụa quốc tế với gian hàng của 5 nước là Ấn Độ, Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan và Italia cùng một số gian hàng của các làng lụa nổi tiếng Việt Nam như Bảo Lộc, làng lụa Hà Đông, dệt đũi Thái Bình…



* Báo Quảng Nam ngày 29/3/2016 có bài viết: TRIỆU VỀ NHỮNG DÁNG LỤA

Những vùng lụa nổi tiếng thế giới, từ châu Á với thủ phủ lụa của Ấn Độ, Trung Quốc, Myanmar đến lụa từ kinh đô thời trang thế giới của các nước châu Âu hay cả những làng nghề lụa của Việt Nam… đang tụ hội ở Làng Lụa Hội An, với những câu chuyện về “Lụa - trong đời sống đương đại”… Festival Văn hóa Tơ lụa Việt Nam - châu Á 2016, diễn ra từ 28 đến 29.3, với mục đích tôn vinh các giá trị văn hóa của nghề lụa tơ tằm ở Việt Nam (Vạn Phúc, Hội An, Duy Xuyên, Bảo Lộc, An Giang…), động viên tinh thần các nhà sản xuất và nghệ nhân trong việc gìn giữ những giá trị truyền thống. Đồng thời mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế trên thương trường của ngành sản xuất tơ lụa với những đối tác quan trọng đến từ Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar… và các nước châu Âu. Đây là sự kiện do Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam tổ chức, cũng là hoạt động chính thức đầu tiên của Hiệp hội Tơ lụa Thế giới và Hiệp hội Tơ lụa châu Á lần đầu tổ chức tại Việt Nam.



Lụa - đại diện văn hóa truyền thống

Khá nhiều các đại biểu đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Pháp, Tây Ban Nha, Ý và các làng nghề nổi tiếng của Việt Nam tỏ ra thích thú với lễ phục dựng, tái hiện con đường tơ lụa trên biển do Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam tổ chức. Những giá trị văn hóa truyền thống của lụa Việt và lụa ở Quảng Nam, với những câu chuyện văn hóa lịch sử riêng biệt, góp phần làm nên bản sắc của một sản phẩm như lụa. Lễ hội tái hiện tinh thần “con đường tơ lụa trên biển”, với khởi thủy từ Bà chúa Tằm tang Đoàn Quý Phi đã dựng nên một dòng chảy văn hóa của lụa xứ Quảng. Ông Li Jilin - Chủ tịch Hiệp hội Tơ lụa Thế giới cho biết, Festival Văn hóa Tơ lụa Việt Nam - châu Á 2016 là một sáng kiến thú vị làm nổi bật tính văn hóa trong sản phẩm tơ lụa, làm cho các nhà sản xuất cảm thấy hứng khởi và có thể cổ vũ tinh thần cho những sáng tạo không mệt mỏi của họ. Không gian thuần Việt của Làng Lụa Hội An đã tô thêm sắc màu cho những gian hàng triển lãm tơ lụa của các quốc gia và làng nghề tham dự. Mỗi một đất nước với những bản sắc văn hóa đặc trưng đã tạo nên sản phẩm tơ lụa với nhiều dáng vẻ khác nhau. Nếu Ấn Độ với lụa vùng Mumbai cùng dòng lụa nức tiếng thế giới Cashmere (xuất phát từ biên giới Ấn Độ - Pakistan), lần đầu tiên đến Việt Nam, cùng những sản phẩm truyền thống khiến người xem thích thú; thì hoa văn đặc biệt và luôn dành riêng cho cô dâu trong ngày cưới của lụa Myanmar lại khiến người xem ngạc nhiên. Trong khi đó, từ thủ phủ lụa Hàng Châu và Tứ Xuyên (Trung Quốc), những sản phẩm mang tính ứng dụng cao vào đời sống từ thiết kế mẫu đến khả năng giặt và dễ sử dụng, cùng với giá thành giảm lại thu hút số đông người dừng chân ở những gian hàng này. Cũng như vậy, với tơ lụa từ các tập đoàn sản xuất nổi tiếng của Thái Lan, khách tham gia dễ dàng tham dự các trải nghiệm văn hóa lụa Thái cùng các nhãn hàng với công nghệ sản xuất sạch… Với các làng nghề truyền thống của Việt Nam, mỗi một gian hàng trưng bày triển lãm lại khiến người xem nhiều xúc động. Những cảm xúc đến từ màu sắc, đôi tay và tinh thần của các nghệ nhân nước Việt. Diện mạo của lụa Hà Đông, Vạn Phúc, đũi Thái Bình hay vùng nguyên liệu tơ tằm Bảo Lộc, tơ lụa Mã Châu và thổ cẩm Cơ Tu đủ kết thành bức tranh văn hóa của lụa Việt. Và dĩ nhiên, tơ lụa Việt Nam đủ chiều sâu, tinh tế và mẫu mã đẹp để sánh cùng tơ lụa các quốc gia khác. Thương hiệu quốc gia từ lụa Trong khuôn khổ của Festival Tơ lụa Việt Nam - châu Á 2016, 40 tập đoàn sản xuất tơ lụa đến từ 9 quốc gia đã cùng nhau thảo luận để tìm lại vị trí của lụa trong đời sống đương đại. Từ nước Nhật với dòng lụa “thuần Nhật” cho người Nhật dùng, bằng suy nghĩ đầu tư cho một dòng các loại tơ tằm thiên nhiên sản xuất tại Nhật, từ nguyên liệu, giống dâu tằm đến phương pháp nuôi trồng và sản xuất đại trà. Chủ tịch Hiệp hội Tơ lụa thành phố Kyoto, Takao Watanabe nói: “Chúng tôi muốn thoát ra khó khăn bằng cách này!”. Hiệp hội tơ lụa Nhật Bản đã bàn bạc và thống nhất các doanh nghiệp cùng viện nghiên cứu nông nghiệp nhận đơn đặt hàng về cải tạo giống tằm chất lượng cao, giống dâu mới với biện pháp canh tác đảm bảo không làm ảnh hưởng môi trường, loại bỏ hoàn toàn chất hóa học trong quy trình sản xuất. Giải pháp của hiệp hội là làm cho khách hàng biết đây là dòng sản phẩm “Made in Japan” dành cho người tiêu dùng Nhật Bản với những hội chợ, triển lãm ở các trung tâm thương mại lớn nhất. Những nhạc công chơi nhạc dân tộc lừng danh được mời để giới thiệu về dòng sản phẩm lụa cao cấp này. Người tiêu dùng đã nhanh chóng tiếp nhận dòng sản phẩm mới, đến mức sau 8 năm các công ty vẫn chỉ đáp ứng được 1% nhu cầu của thị trường. Và người Nhật coi loại tơ lụa “Made in Japan” là một thương hiệu mang tầm quốc gia, được dùng trong những dịp trọng đại của quốc gia, quốc tế và mỗi gia đình. Trong khi đó, ông Lê Thái Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty Tơ lụa Quảng Nam cho rằng, làm thương hiệu cho lụa như người Nhật rất khó. “Bởi quan điểm “giá tốt” của người Nhật không giống Việt Nam. Chúng ta chưa có khách hàng với phẩm chất như người Nhật. Chúng ta càng không có nhà sản xuất như người Nhật” - ông Vũ nói. Theo ông Vũ, giá tốt của người Nhật là bao hàm của chất lượng tốt, ứng xử văn minh của con người với mảnh đất họ đang sống dù phải tốn kém, là thái độ yêu quý, bảo vệ môi trường tích cực dù giá thành sản phẩm sẽ cao và người thợ hoặc công ty sản xuất có tương lai tốt với sản phẩm đó. Giá tốt không phải là giá rẻ! Những quan điểm tiêu dùng của thế giới đang thay đổi từng ngày như vậy. Ông Lê Thái Vũ cho rằng, “điều đáng suy nghĩ là chúng ta đang vận động người tiêu dùng quay lại với hàng Việt, nhưng cần có một chiến lược xây dựng quy chuẩn về chất lượng, văn hóa, văn minh trong khái niệm hàng Việt”. Cùng với các hoạt động triển lãm, hội thảo, Festival Tơ lụa Việt Nam - châu Á 2016 còn tổ chức chương trình thời trang Đêm Lụa Phương Đông do 4 nhà thiết kế đến từ Việt Nam, Pháp và Tây Ban Nha giới thiệu những bộ sưu tập thời trang tơ lụa đặc sắc. Và một “bảo tàng sống về nghề tơ lụa” tại Hội An đang thành hình trong tương lai, với mong muốn triệu về những dáng lụa ở khắp nơi…

* Trong tuần qua, dự án kéo cáp ngầm đưa điện lưới quốc gia ra đảo Cù Lao Chàm cũng là sự kiện – vấn đề được báo chí quan tâm phản ánh:

* Báo Nhân Dân ngày 31/3/2016 đưa tin: KÉO CÁP NGẦM RA ĐẢO CÙ LAO CHÀM GẶP SỰ CỐ

Tổng Công ty Điện lực miền trung (EVNCPC) vừa thông báo về sự cố trong quá trình thi công rải cáp ngầm thuộc Dự án Cấp điện lưới quốc gia cho đảo Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam).

Theo đó, Dự án đã được khởi công vào ngày 9-1-2016. Nhà thầu thi công gói thầu cáp ngầm xuyên biển là liên danh Prymian Powerlink S.r.l – Công ty TNHH Xây dựng điện Thái Dương. Đây cũng chính là nhà thầu đã thi công công trình cấp điện cho huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bằng cáp ngầm.

Sau khi hợp đồng được ký kết, công tác chế tạo cáp ngầm, vận chuyển cáp đã được tiến hành đúng tiến độ. Nhà thầu tiến hành thi công rải cáp từ ngày 9-3-2016 dưới sự giám sát thường xuyên của đơn vị tư vấn giám sát và đơn vị quản lý dự án.

Vừa qua, trong quá trình thi công rải cáp ngầm, do đứt neo khiến sà lan chuyên dụng thi công bị lệch tuyến, đột ngột làm cáp bị hư hỏng. Ngay sau khi xảy ra sự việc, EVNCPC đã yêu cầu nhà thầu dừng việc thi công. Đến nay toàn bộ công tác liên quan đến gói thầu đang dừng lại. Hợp đồng cho gói thầu này là loại hợp đồng tổng thầu EPC, trách nhiệm của liên danh nhà thầu là khảo sát, thiết kế, cung cấp cáp ngầm, tổ chức thi công lắp đặt và bàn giao cho chủ đầu tư sản phẩm hoàn chỉnh theo thiết kế đã được phê duyệt.

Đến thời điểm cáp bị hư hỏng, toàn bộ khối lượng cáp ngầm cho công trình đang trong quá trình thi công thuộc sở hữu và sự bảo quản của liên danh nhà thầu. Do đó, nhà thầu có trách nhiệm khắc phục để tiếp tục hoàn thành công trình và bàn giao cho chủ đầu tư theo đúng các điều khoản của hợp đồng.

Hiện EVNCPC đang nỗ lực đôn đốc nhà thầu khẩn trương khắc phục để dự án được tiếp tục triển khai đảm bảo an toàn, chất lượng, sớm cấp điện phục vụ nhân dân trên đảo Cù Lao Chàm.

* Ngày 31/3/2016 Báo Dân trí đưa tin: ĐỨT NÉO XÀ LAN TRONG QUÁ TRÌNH KÉO ĐIỆN RA CÙ LAO CHÀM

Trong quá trình thi công rải cáp ngầm ra đảo Cù Lao Chàm, do đứt neo khiến xà lan lệch tuyến đột ngột làm cáp bị hư hỏng. Ngay sau khi xảy ra sự việc, Tổng Công ty điện lực miền Trung (EVNCPC) đã yêu cầu nhà thầu dừng việc thi công.

Thông tin này được EVNCPC cung cấp ngày 31/3. Theo EVNCPC, đến nay toàn bộ công tác liên quan đến gói thầu đang dừng lại.

Theo EVNCPC, nhà thầu thi công gói thầu cáp ngầm xuyên biển ra đảo Cù Lao Chàm là liên danh Prymian Powerlink S.r.l – Công ty TNHH Xây dựng điện Thái Dương. Đây cũng chính là nhà thầu đã thi công công trình cấp điện cho huyện đảo Lý Sơn, (Quảng Ngãi) bằng cáp ngầm.

Sau khi hợp đồng được ký kết, công tác chế tạo cáp ngầm, vận chuyển cáp đã được tiến hành đúng tiến độ. Nhà thầu tiến hành thi công rải cáp từ ngày 9/3/2016 dưới sự giám sát thường xuyên của đơn vị tư vấn giám sát và đơn vị quản lý dự án.

Ngày 18/3 vừa qua, trong quá trình thi công rải cáp ngầm, do đứt neo khiến xà lan lệch tuyến đột ngột làm cáp bị hư hỏng. Ngay sau khi xảy ra sự việc, EVNCPC đã yêu cầu nhà thầu dừng việc thi công. Đến nay toàn bộ công tác liên quan đến gói thầu đang dừng lại.

Trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo EVNCPC cho biết, hợp đồng cho gói thầu này là loại hợp đồng tổng thầu EPC, trách nhiệm của liên danh nhà thầu là khảo sát, thiết kế, cung cấp cáp ngầm, tổ chức thi công lắp đặt và bàn giao cho chủ đầu tư sản phẩm hoàn chỉnh theo thiết kế đã được phê duyệt.

Đến thời điểm cáp bị hư hỏng, toàn bộ khối lượng cáp ngầm cho công trình đang trong quá trình thi công thuộc sở hữu và sự bảo quản của liên danh nhà thầu. Do đó, nhà thầu có trách nhiệm khắc phục để tiếp tục hoàn thành công trình và bàn giao cho chủ đầu tư theo đúng các điều khoản của hợp đồng”, lãnh đạo EVNCPC cho hay.

Hiện EVNCPC đang nỗ lực đôn đốc nhà thầu khẩn trương khắc phục để dự án được tiếp tục triển khai đảm bảo an toàn, chất lượng, sớm cấp điện phục vụ nhân dân trên đảo Cù Lao Chàm.

Được biết, dự án cấp điện lưới Quốc gia cho đảo Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP Hội An, Quảng Nam) bằng cáp ngầm đã được khởi công vào ngày 9/1/2016. Dự kiến công trình sẽ khánh thành và đưa vào hoạt động dịp 30/4 đến.



* Báo Tuổi trẻ online ngày 31/3/2016 cũng đưa tin: DỰ ÁN KÉO ĐIỆN NGẦM RA ĐẢO CÙ LAO CHÀM TRỤC TRẶC

Thông tin từ Tổng công ty Điện lực miền Trung cho biết dự án cấp điện lưới quốc gia cho đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam) bằng cáp ngầm có nguy cơ chậm tiến độ vì tuyến cáp 22 kV bị trục trặc.

Theo đó, ngày 18-3, trong quá trình rải cáp ngầm, xà lan bị đứt neo nên lệch tuyến, làm cáp bị hỏng.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, Tổng Công ty Điện lực miền Trung (chủ đầu tư) đã yêu cầu liên danh Prymian Powerlink S.r.l - Công ty TNHH xây dựng điện Thái Dương (nhà thầu) dừng thi công.

Cũng theo chủ đầu tư, toàn bộ khối lượng cáp ngầm cho công trình đang trong quá trình thi công thuộc sở hữu và sự bảo quản của liên danh nhà thầu. Do đó, nhà thầu có trách nhiệm khắc phục, hoàn thành công trình và bàn giao cho chủ đầu tư theo đúng hợp đồng.

Dự án cấp điện lưới quốc gia cho đảo Cù Lao Chàm có tổng vốn đầu tư 485 tỉ đồng, khởi công ngày 9-1-2016, đến ngày 9-3-2016 thì rải cáp với tốc độ rải khoảng 1.000m/ngày. Đến ngày 18-3 đã có gần 2,3km cáp đã được rải dưới biển.

Theo kế hoạch, gói thầu rải 15,5km cáp ngầm 22kV xuyên biển này sẽ được nghiệm thu trước ngày 20-4 và sẽ đóng điện vào đúng dịp 30-4.

Trao đổi với Tuổi Trẻ trong sáng 31-3, ông Nguyễn Thành - phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Trung - cho biết đây là dự án “chìa khóa trao tay” nên hiện nhà thầu đang nỗ lực để khắc phục trong thời gian sớm nhất:



Ông Thành cũng cho biết “phía Tổng công ty Điện lực miền Trung chỉ nhận bàn giao khi công trình được thi công đúng hợp đồng”.
3. DU LỊCH - TRẢI NGHIỆM:

* Ngày 29/3/2016 Báo Quảng Nam có bài viết: XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG DU LỊCH CHUYÊN NGHIỆP

Việc mở các lớp đào tạo chất lượng hay thành lập Trung tâm hỗ trợ du khách Quảng Nam nhằm xây dựng môi trường du lịch chuyên nghiệp của TP.Hội An. Thời gian qua, anh Lê Thành Luân và hơn 60 đồng nghiệp trên địa bàn Hội An vừa chở khách tham quan phố cổ, vừa phải tham gia lớp tập huấn “Nghiệp vụ du lịch cho lái xe và các nhân viên phục vụ trên xe ô tô vận chuyển khách du lịch”, do Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch tỉnh thực hiện. Những kiến thức giao thông tưởng đã nằm lòng đến tâm lý du khách, văn hóa giao tiếp ứng xử được truyền tải một cách gần gũi. Anh Lê Thành Luân nói: “Tham gia khóa học giúp tôi có thêm kinh nghiệm ứng xử với du khách. Đơn cử chỉ một hành động nhỏ nhưng nếu khéo xử lý sẽ khiến họ ấn tượng hơn không chỉ với cảnh quan mà cả con người Hội An”. Nụ cười thường trực, sẵn sàng giúp đỡ, hướng dẫn khi khách có nhu cầu, nói tiếng Anh “như gió”, hiểu biết sâu về các điểm tham quan… là những yêu cầu đặt ra với đội ngũ tài xế lái xe du lịch ở Hội An. Ngoài ra, nhân viên phục vụ trên các chuyến xe vận chuyển khách cũng cần có thái độ đúng mực với văn hóa giao tiếp, ứng xử lịch thiệp. Ông Nguyễn Hai - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch tỉnh tại Hội An chia sẻ, đội ngũ lái xe và nhân viên phục vụ trên các chuyến xe vận chuyển khách du lịch đóng vai trò rất quan trọng. Nếu họ phục vụ tốt, ân cần, chu đáo và hiểu biết, thì thiện cảm với vùng đất của du khách sẽ tăng lên đáng kể. Còn nếu đội ngũ này cau có, khó chịu với khách tất nhiên sẽ khiến du khách có cảm giác phiền hà, địa phương sẽ “mất điểm”. Năm 2015, trung tâm cũng đã mở 2 lớp đào tạo nghiệp vụ du lịch cho các lái xe du lịch, 1 lớp cho hơn 40 lái tàu đường thủy và 1 lớp cập nhật kiến thức định kỳ cho các hướng dẫn viên du lịch tại Hội An, góp phần nâng thương hiệu cho điểm đến di sản văn hóa thế giới. Sau các điểm dừng chân miễn phí, không gian sách, cà phê, các cuộc triển lãm… thì sự ra đời của Trung tâm hỗ trợ du khách Quảng Nam, với việc công bố đường dây nóng ở mọi nơi, tiếp nhận và giải quyết các thông tin du khách yêu cầu, Hội An tạo thêm niềm tin cho người tìm đến. Ông Hai chia sẻ, Trung tâm hỗ trợ du khách Quảng Nam ra đời với mục đích tiếp nhận các yêu cầu, kiến nghị của du khách. Liên hệ, phối hợp các cơ quan chức năng xử lý và kiến nghị các vấn đề về an ninh, an toàn và quyền lợi hợp pháp của du khách; Cung cấp miễn phí cho du khách những thông tin về văn hóa, lịch sử, thông tin về điểm đến du lịch; cung cấp các sản phẩm hữu ích như bản đồ, sách hướng dẫn; Hỗ trợ, tư vấn các dịch vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách về ăn uống, ở, vận chuyển, vui chơi giải trí… Số điện thoại đường dây nóng (0510.3666.333) được thông tin rộng rãi nhằm mục đích tiếp nhận và xử lý thông tin nhanh nhất. Riêng Trung tâm hỗ trợ du khách Quảng Nam phục vụ 24/24 giờ với các ca trực xuyên suốt nhằm giải đáp cho du khách nhanh nhất. Từ khi thành lập vào tháng 7.2015 đến nay, đã có hàng ngàn lượt khách tìm hiểu và cần sự hỗ trợ thông tin, cũng đã đã tiếp nhận và phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xử lý các vấn đề an ninh du khách gặp phải. Đây là trung tâm do Phòng Thông tin - dịch vụ du lịch của Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch đảm nhiệm.

* Báo Quảng Nam ngày 30/3/2016 có bài viết: TĂNG SỨC CẠNH TRANH DU LỊCH

Du lịch Hội An đang đứng trước nhiều thách thức gay gắt, phải thường xuyên nâng cao năng lực cạnh tranh mới đảm bảo sự phát triển bền vững.

Trong 5 năm gần đây, bình quân mỗi năm Hội An đón 1,6 triệu lượt khách, tăng 8,13%/năm. Hội An tiếp tục nhận được sự yêu mến của du khách với các danh hiệu được bình chọn như: “Thành phố yêu thích hàng đầu trên thế giới”, “Thành phố lãng mạn nhất thế giới”... Nền kinh tế du lịch Hội An đã có sự tăng trưởng ấn tượng liên tục những năm qua. Đó là sự gia tăng đầu tư, việc làm và thu nhập, sự phát triển khá ổn định trong điều kiện bất ổn về tài chính châu Á và suy thoái kinh tế toàn cầu. Sự gia tăng cơ hội đầu tư cũng như xúc tiến đầu tư diễn ra khá liên tục trên địa bàn, chứng minh rằng các nhà đầu tư vẫn coi Hội An là một điểm đến hấp dẫn.

Nhiều thách thức

Mặc dù đạt được kết quả đáng kể nhưng cho đến nay, du lịch Hội An vẫn còn nhiều việc cần phải tập trung, với nhiều thách thức trước mắt cũng như lâu dài. Trong đó có những thách thức từ ngay nội bộ thành phố, nội bộ ngành và cả trong mối liên hệ phát triển khu vực, trong sự gia tăng tiện ích hàng ngày về hạ tầng khu vực.

ở phía bắc Hội An là Đà Nẵng - một thành phố du lịch biển đang thay đổi, phát triển nhanh về hạ tầng, nguồn lực và số lượng doanh nghiệp, cơ sở lưu trú; phía nam, sự nối liền của cầu Cửa Đại sẽ tạo cơ hội cho vùng du lịch biển tiềm năng với các dự án lớn được hình thành ở các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình; phía tây là sự phát triển của vùng du lịch sinh thái văn hóa Triêm Tây, Điện Bàn và vùng lân cận với sự đa dạng về chủng loại, chất lượng, giá cả, tính năng... “Đặc biệt, sau khi cầu Cửa Đại đưa vào sử dụng thì dọc bờ biển của Quảng Nam, kể cả Điện Ngọc, Điện Dương rồi Duy Hải, Duy Nghĩa, các xã ở Thăng Bình đội ngũ lãnh đạo của các xã này đã qua đây học tập. Nhiều lượt, lãnh đạo các xã này đã đến để xem Hội An làm du lịch như thế nào. Rõ ràng là họ đang chuẩn bị. Nếu chúng ta không nhanh chóng tìm ra những giải pháp thích hợp để phát triển thì sẽ giẫm chân tại chỗ khi địa phương khác làm sau nên sẽ rút kinh nghiệm làm tốt hơn” - ông Kiều Cư, Bí thư Thành ủy nói.

Thực tại, thách thức du lịch Hội An còn là sự phát triển chưa đồng đều ở một số địa bàn, là vấn đề môi trường du lịch đang xuất hiện nhiều yếu tố bất ổn về trật tự an toàn, cảnh quan tự nhiên bị xâm hại..., đòi hỏi phải có sự đổi thay căn bản và đúng đắn để duy trì đà tăng trưởng bền vững.

Nâng cao năng lực

Để phát triển du lịch bền vững, lãnh đạo thành phố tập trung phát triển đồng bộ, đa dạng và khai thác phù hợp các loại thị trường, các dòng khách. Trong đó, thị trường khách truyền thống được chú trọng, khách châu Á và nội địa được phát triển mạnh. Các vùng du lịch cũng được đa dạng hóa và tạo sự kết nối liên hoàn, ưu tiên phát triển du lịch văn hóa gắn với di sản, du lịch biển - đảo - làng quê - sông nước gắn với sinh thái, môi trường và các ngành nghề truyền thống, đồng thời tăng cường xúc tiến quảng bá, tiếp thị.

Chính quyền thành phố tiếp tục ưu tiên phát triển du lịch cộng đồng nhằm nâng cao hơn nữa lợi ích và trách nhiệm của người dân, xem đây là yếu tố hàng đầu, quyết định tính bền vững của du lịch Hội An. Chú trọng công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực theo hướng tinh về chất lượng, mạnh về số lượng, đa dạng về ngành nghề. Tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động du lịch, dịch vụ, xây dựng và phát huy các cơ chế phối hợp liên ngành, liên kết giữa các doanh nghiệp, các địa phương để nâng cao hiệu quả, chất lượng các sản phẩm du lịch. Bà Đinh Thị Thu Thủy - nguyên Trưởng phòng Thương mại du lịch thành phố phân tích: “Xuất phát từ thực tế, đội ngũ doanh nghiệp địa phương chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô nguồn lực, phạm vi hoạt động nhỏ hẹp, chủng loại sản phẩm hàng hóa dịch vụ giống nhau. Đây vừa là điểm hạn chế của đội ngũ doanh nghiệp Hội An, mặt khác cũng là lợi thế trong điều kiện kinh tế có nhiều biến động, khủng hoảng những năm qua để doanh nghiệp có thể tồn tại, duy trì. Với điều kiện thị trường mới, du lịch xóa dần khoảng cách về không gian và thời gian giữa Đà Nẵng - Điện Bàn - Hội An - Duy Xuyên, việc phân chia thị trường du lịch sẽ khốc liệt, gay gắt hơn. Với môi trường cạnh tranh mới, buộc các doanh nghiệp phải năng động, nhạy bén, đầu tư tâm sức để cung cấp những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có chất lượng cao mà thị trường cần, đáp ứng nhu cầu đa dạng phong phú của khách hàng”.

Cạnh tranh và thường xuyên nâng cao năng lực cạnh tranh là khâu cốt lõi để khẳng định vị trí, vai trò của doanh nghiệp, địa phương hay lĩnh vực kinh tế nào đó trên thị trường. Nhận rõ thách thức để ứng phó, cùng với việc xây dựng các chương trình kế hoạch cụ thể sát hợp, ngành du lịch Hội An cũng cần tiếp tục bố trí và thu hút nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh một số công trình hạ tầng thiết yếu như: trung tâm tư vấn thông tin và hỗ trợ du khách tại khu phố cổ, tại Cù Lao Chàm, cảng du lịch Cửa Đại, các công viên, bãi tắm ven biển ở Cẩm An, Cửa Đại...



tải về 242.34 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương