Số: 28 /vhtt-bc hội An, ngày 4 tháng 4 năm 2016



tải về 242.34 Kb.
trang3/4
Chuyển đổi dữ liệu19.09.2016
Kích242.34 Kb.
#32245
1   2   3   4

* Trang vovgiaothong.vn ngày 31/3/2016 có bài viết: HỘI AN TRONG MẮT DU KHÁCH NƯỚC NGOÀI

Trong cái nhìn của du khách nước ngoài, phố cổ Hội An đẹp lung linh ở mọi thời điểm và luôn đem đến cho họ những trải nghiệm vô cùng thú vị.

Phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam luôn có một sức hút lạ kỳ đối với du khách trong và ngoài nước. Những góc phố rêu phong, những mái nhà xưa cũ, chùa Cầu như nét cong duyên dáng bắc qua một nhánh sông Hoài, những chiếc giếng nước cổ đã được sử dụng cách đây 3 thế kỷ... mỗi công trình di sản đều mang trong mình một vẻ đẹp riêng độc đáo.

Đến phố cổ Hội An nhiều lần nhưng mỗi lần là một cảm nhận hoàn toàn mới lạ. Phố cổ Hội An trầm mặc nhưng lại đem đến cho du khách những trải nghiệm vô cùng thú vị.

Ngay từ giây phút bước chân vào phố cổ Hội An, du khách có cảm giác như được quay trở lại không gian của thế kỷ 16, 17, nơi không có bóng dáng của cuộc sống hiện đại. Không khí thanh bình của Hội An đem lại cho du khách cảm giác than thản, nhẹ nhàng đến lạ kỳ. Đường phố không có tiếng còi xe, mọi giao tiếp dù bằng bất cứ ngôn ngữ nào cũng hết sức nhẹ nhàng. Ông Lương Đình Dưỡng, người dân Hội An, cho biết phố cổ cấm xe máy vào buổi sáng từ 8h đến 11h, chiều từ 14h đến 16h30 và tối từ 18h đến 21h. Điều này khiến khu phố cổ yên bình hơn.

Trong cái nhìn của du khách nước ngoài, phố cổ Hội An đẹp lung linh ở mọi thời điểm. Bà Mara Landoni, Kiến trúc sư người Italy, cho biết: “Tôi thích được đi dạo ở Hội An vào buổi sáng khi mà chưa có nhiều người, lúc mà chỉ có những người phụ nữ lao động. Tôi ngồi ngắm phố phường, nhìn mọi người bắt đầu mở cửa hàng. Đối với tôi, đó là những khoảnh khắc đẹp của Hội An”.

Buổi sáng Hội An hiện nên rõ nét bởi những mảng tường, mái ngói rêu phong cũ kỹ, con đường lát gạch, những ngôi nhà được phủ bởi những giàn hoa giấy đủ màu sắc hồng, đỏ, trắng ...tất cả đều lọt vào ống kính của du khách nước ngoài. Bà Kiara, du khách người Italy đến Hội An theo lời giới thiệu của vài người bạn rằng Hội An rất đẹp, đó là điểm đến không thể bỏ qua và đó là lý do bà có mặt ở đây: “Tôi thấy Hội An rất đẹp, những con phố nhỏ để bạn tham quan. Tôi không thể tưởng tượng được rằng mọi thứ ở nơi đây lại tuyệt vời đến như vậy. Tôi cũng đặc biệt đánh giá cao những nét kiến trúc những ngôi nhà tại Hội An. Những người dân Hội An thật tốt bụng và thân thiện, tôi thích được sống tại đây”.

Đứng chăm chú nghe mẹ mình nói về Hội An, cậu bé Fracesco luôn mỉm cười bày tỏ sự đống ý với những nhận xét về vùng đất này. Cậu bé Fracesco vô cùng thích thú khi lần đầu tiên được đặt chân tới Hội An với cha mẹ trong kỳ nghỉ này: “Hội An rất đẹp. Em đã được đi thăm nhiều nơi, đi thăm các ngôi chùa, được nghe hướng dẫn viên giới thiệu những thông tin rất thú vị. Em thích rất nhiều thứ ở đây”.

Về đêm, Hội An khoác một chiếc áo mới, lung linh và huyền ảo. Dường như du khách thường thích Hội An về đêm. Chị Sandra, du khách người Latvia, cho biết: “Hội An về đêm thật khác so với ban ngày. Các con phố được thắp sáng bởi những ngọn nến và ánh đèn điện, thật là đẹp”.

Mọi con phố, ngôi nhà đều được trang hoàng bằng những chiếc đèn lồng do chính người Hội An làm ra. Dạo bước chầm chậm trên những con phố nhỏ, lắng nghe âm thanh của những con lắc bằng gỗ, tiếng nhạc nơi góc phố của người nghệ sỹ già, tiếng hát bài chòi bên dòng sông Hoài... để thấy một không gian Hội An vừa hư vừa thực. Ông Nguyễn Sự, Bí thư thành ủy thành phố Hội An, chia sẻ: “Trong những đêm phố cổ mình có cảm giác thời gian như chậm lại và con người được sống dài ra. Đi quanh những con đường Hội An ngửi mùi trầm hương bay, ngoài không gian của âm thanh và ánh sáng, mùi trầm hương phảng phất đâu đây như nối giữa quá khứ và hiện tại làm con người thanh thản hơn, thiện hơn. Cả phố cổ là một sân khấu, người diễn là người dân Hội An và du khách, khán giả cũng chính là người dân Hội An và du khách. Khi họ cùng là diễn viên, cùng là khán giả nên họ dễ gần nhau”.

Đặc biệt vào những đêm rằm hàng tháng, cả thành phố tắt điện, Hội An được soi rọi bởi một thứ ánh sáng lung linh, huyền ảo. Dòng người đi chơi phố mỗi lúc một đông nhưng không ồn ào. Du khách đủ quốc tịch, màu da lặng lẽ đi, lặng lẽ ngắm nhìn và họ hòa mình trong các thú chơi thanh lịch diễn ra trên phố hoặc ghé thăm các cửa hàng, thưởng thức các món ăn đêm. Đến đâu cũng thấy ở Hội An một không khí cởi mở, đa dạng sắc màu lại vừa dung dị như nết người nơi đây.
4. TÌM TRONG DI SẢN:

* Ngày 29/3/2016 Trang Zing.vn đưa tin: CUỘC THI ẢNH “ HỘI AN – CHUYỆN CHƯA KỂ”

Thành phố Hội An tổ chức cuộc thi ảnh "Hội An - Chuyện chưa kể" với mục đích góp phần quảng bá văn hóa, hình ảnh cho thành phố di sản UNESCO.

Hội An là một trong 9 thành phố được bình chọn lãng mạn nhất thế giới. Phố cổ Hội An từng là một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi gặp gỡ của những thuyền buôn Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây trong suốt thế kỷ 17 và 18. Ngày nay, Hội An dần chuyển mình và trở thành một trong những điểm đến thu hút nhiều du khách.

Trong dịp kỷ niệm 41 năm giải phóng thành phố Hội An 28/3/1975-28/3/2016, UBND thành phố tổ chức cuộc thi ảnh về văn hóa - du lịch Hội An mang tên Hội An - Chuyện chưa kể.

Cuộc thi nhằm góp phần giới thiệu, quảng bá cho du khách trong và ngoài nước những hình ảnh đẹp, mới mẻ về cảnh sắc, con người, văn hóa và du lịch Hội An, hình ảnh về sự phát triển của Hội An trong những năm gần đây. Đây là cuộc thi có ý nghĩa về mặt nghệ thuật cũng như góp phần quảng bá hình ảnh du lịch cho phố Hội.

Vòng sơ khảo từ 28/3-28/5. Vòng chung khảo sẽ diễn ra vào ngày 1/6-3/6. Chương trình trao giải được tổ chức tại Hội An tối ngày 4/6. Các tác phẩm đạt giải sẽ được triển lãm từ ngày 5/6 đến 20/5.

Ban giám khảo sẽ chọn ra 2 tác giả có bộ ảnh xuất sắc và một tác giả có bộ ảnh được yêu thích nhất trên website (Do bạn đọc báo điện tử Zing.vn bình chọn).

Ban giám khảo gồm nhiếp ảnh gia Na Sơn, ông Nguyễn Văn Lanh - Trưởng phòng VH&TT Hội An, nhà báo Hoàng Hà (Trưởng ban Ảnh, báo điện tử Zing.vn).

Giải thưởng của cuộc thi có tổng trị giá 30 triệu đồng và các đêm nghỉ dưỡng tại Hội An.

- 1 giải nhất: 15 triệu đồng và 2 đêm nghỉ dưỡng.

- 1 giải nhì: 10 triệu đồng và 1 đêm nghỉ dưỡng.

- 1 giải ba: 5 triệu đồng và 1 đêm nghỉ dưỡng (Giải thưởng do độc giả Zing.vn bình chọn).

Những người yêu thích du lịch, nhiếp ảnh có thể đăng ký thông tin và gửi ảnh về email info@hoianchuyenchuake.com của chương trình. Ban tổ chức sẽ đưa lên website và fanpage (www.hoianchuyenchuake.com) của cuộc thi và chấm sơ khảo.

* Ngày 01/4/2016 trang Zing.vn có bài viết: NHỮNG CHIẾC ĐÈN LỒNG Ở HỘI AN

Đêm Vu Lan ở phố Hội, chúng tôi tìm tới những góc phố yên bình, ít người, không loa, không đèn điện, nơi chỉ còn vầng trăng, mái nhà, và những chiếc đèn lồng.

Không ai có thể biết chính xác nghề làm đèn lồng ở Hội An xuất hiện thời gian nào. Chỉ có những phỏng đoán rằng người ta bắt đầu sản xuất đèn lồng từ cách đây khoảng 400 năm, khi những người Minh Hương đầu tiên từ Triều Châu (Phúc Kiến, Quảng Đông) đến vùng đất này, và treo đèn lồng trước nhà như một sự hoài vọng về quê cha đất tổ. Từ những chiếc đèn đầu lân, đầu rồng trong các lễ hội của một người Hoa có tên Xã Đường, nghề làm lồng đèn tại Hội An được khai sinh. Sau này ông được tôn vinh làm ông tổ của nghề làm lồng đèn ở thành phố di sản UNESCO này, được thờ cúng trong các gia đình làm lồng đèn cho tới ngày nay.

Có một cảm giác rất lạ khi đêm đang chậm rãi lướt những ngón tay trên những mái ngói lô xô. Nghe đâu đây trong gió, rõ ràng là một giai điệu mượt mà của những ngón tay lướt trên phím đàn. Trăng treo trên đầu, bóng người in trên phố như những nốt nhạc trầm. Những chiếc đèn lồng ở khắp nơi, trên đầu, dưới chân, bên phải, bên trái, đằng trước, đằng sau…. Chính xác là bạn trôi đi trong không gian ánh sáng đa tầng ấy.

Từng đoạn phố cổ đổi màu theo ánh sáng đèn. Vàng, đỏ, trắng, hồng, xanh, tím - ánh sáng hắt lên những dàn bông giấy, vàng anh trên những mái hiên nhà, nhuộm màu cho hoa. Những ánh sáng hoàn toàn khác nhau, không chỉ do màu, mà do những chất liệu khác nhau của vải làm đèn, và hình dáng của đèn. Đèn hình tròn, bát giác, lục giác, hình trái bí, củ tỏi, hình trụ, hình nón, hình đu đủ, hình bánh ú… đủ cả. Có cả đèn vẽ hình, thư pháp, đèn mây, tre, gỗ…. Nhưng ánh sáng dịu êm nhất, mềm mại nhất, vẫn là thứ ánh sáng toát ra từ đèn vải lụa.

Tôi dừng chân bên bức tường nơi góc phố. Màu vàng đất đặc trưng của Hội An (Quảng Nam) ánh lên trên tường vôi rêu phong. Vài chiếc đèn lồng hình quả bí lửng lơ trên đầu, rọi một thứ ánh sáng huyền ảo xuống chiếc xe đạp ai đó dựng vội. Bức tranh tĩnh vật đêm phố cổ, bình yên đến nao lòng. Đầu con hẻm nhỏ, hiếm hoi một chiếc đèn điện trong hình dáng của đèn lồng, rọi sáng những sợi dây chằng chịt trên cột điện, gợi lên quá nhiều suy nghĩ về thời gian và sự đổi thay.

Tới nơi nào cũng vậy, tôi thích ngắm nhìn mọi thứ từ trên cao. Tin tôi đi, khi đất không còn dưới chân, bạn sẽ có một cảm giác khác hẳn, dù nơi đó có quen thuộc với bạn hay không. “Tầm mắt của những con chim” cho thấy một phố Hội vừa quen vừa lạ.

Hiếm có thành phố nào đẹp cả đêm lẫn ngày như Hội An. Ban ngày, những mảng mái nhà nhấp nhô, cận kề, đa dạng trong hình khối và hài hoà trong màu sắc. Có những tầm nhìn khiến bạn ngỡ ngàng tưởng như đang lạc vào một ngôi làng đầy màu sắc mà vẫn cổ kính của vùng Địa Trung Hải.

Nhưng trong đêm tối, nhất là trong những đêm rằm, và dưới ánh đèn lồng, phố cổ đầy chất Đông phương, bí ẩn với những luồng sáng phát ra từ những mái hiên, những ban công gỗ, khung cửa sổ hay một con hẻm. Có cái gì đó, như sự sống, mới đang nằm trong những xưa cũ dưới kia. Một cái gì đó khêu gợi sự tò mò, ham muốn khám phá, khiến bạn chỉ muốn bay lên hay tan ra để hòa vào nó. Phải, bay trên những mái nhà lô xô, bay trên những ánh đèn lấp lánh mặt song; rồi về đậu trên những bức tường nhuộm màu ánh sáng trong sự biến đổi và chuyển động kỳ ảo phát ra từ những chiếc đèn lồng kia.

Xưa kia, có ai đó từng nói, thắp sáng một chiếc đèn lồng là thắp lên một niềm tin. Tôi lại tin vào câu chuyện về một người mẹ, đêm ngày đều thắp lên chiếc đèn lồng trước cửa, để những người con luôn biết đường về nhà.


* Báo Quảng Nam ngày 29/3/2016 đưa tin: LỄ HỘI ĐÈN LỒNG HỘI AN ĐƯỢC CHỌN LÀ LỄ HỘI ẤN TƯỢNG NHẤT VIỆT NAM

Tạp chí du lịch nổi tiếng Wanderlust (Anh) vừa công bố danh sách bình chọn 7 lễ hội ấn tượng nhất Việt Nam, trong đó lễ hội lồng đèn Hội An được xếp ở vị trí đầu tiên. Sáu lễ hội ấn tượng còn lại gồm hội Chử Đồng Tử (Hưng Yên), lễ hội chùa Thầy (Hà Nội), Festival Huế, ngày thống nhất đất nước, lễ Vu lan và Tết Trung thu. Theo mô tả của Wanderlust, phố cổ Hội An nổi danh với các kiến trúc cổ kính, đôi bờ sông náo nhiệt, là di sản thế giới được UNESCO công nhận. Wanderlust cũng xếp Hội An vào top 10 thành phố du lịch yêu thích nhất thế giới trong năm 2015 (Hội An xếp thứ 5, trên cả Vancouver - Canada, Berlin - Đức, Rome - Ý, Vienna - Áo, Krakow - Ba Lan).



* Báo Quảng Nam, Báo Xây dựng ngày 01/4/2016 có bài viết: ẢNH CHỤP CỤ BÀ BÁN ĐÈN LỒNG Ở HỘI AN CHIẾN THẮNG TẠI GIẢI ẢNH QUỐC TẾ

Bà cụ ngồi trước cửa hiệu trong ánh sáng đang dần tỏ rạng của buổi sớm. Xung quanh bà, những chiếc đèn lồng và khung cửa hiệu tạo nên một khung nền ấn tượng khiến người xem lập tức liên tưởng tới một bức tranh sơn dầu cũ kỹ nhưng tuyệt đẹp.

Những bức ảnh giành chiến thắng ở giải Mở (Open Category) và giải Trẻ (Youth Category) tại cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế Sony World Photography Awards 2016 đã vừa được công bố. Đáng chú ý, ở hạng mục Nghệ thuật và Văn hóa (Arts & Culture), bức ảnh chụp tại Hội An của nữ nhiếp ảnh gia người Malaysia - Swee Choo Oh - đã giành chiến thắng.

Giờ đây, tác phẩm ảnh này sẽ cùng với các bức ảnh chiến thắng ở các hạng mục khác tranh tài trong một vòng thi cuối cùng để tìm ra chủ nhân của giải thưởng Nhiếp ảnh gia của năm (Photographer of the Year) - một giải thưởng danh giá và được giới nhiếp ảnh trên khắp thế giới rất quan tâm chờ đợi.

Chia sẻ về bức ảnh của mình, nữ nhiếp ảnh gia Swee Choo Oh cho biết trong chuyến du lịch tới Hội An vào tháng 2/2015, trong khi đi dọc một con phố cổ vào sáng sớm khi trời còn chưa rạng hẳn, cô đã bị thu hút bởi bà cụ này, bà đã sớm bắt đầu một ngày làm việc của mình và bình thản ngồi chờ những vị khách đầu tiên ghé thăm cửa hiệu đèn lồng.

Bà ngồi trước cửa hiệu trong ánh sáng đang dần tỏ rạng của buổi sớm. Xung quanh bà, những chiếc đèn lồng và khung cửa hiệu tạo nên một khung nền ấn tượng khiến Swee Oh ngay lập tức liên tưởng tới một bức tranh sơn dầu cũ kỹ nhưng tuyệt đẹp.

Trong hạng mục Nghệ thuật và Văn hóa (Arts & Culture), còn có một tác phẩm ảnh của nhiếp ảnh gia người Việt Nam - Minh Thanh Ngô, cũng lọt vào vòng tuyển chọn top 10 bức ảnh xuất sắc nhất hạng mục.

Bức ảnh của Minh Thanh Ngô đã giành chiến thắng ở hạng mục giải Quốc gia (Vietnam National Awards) và được xem là bức ảnh chụp Việt Nam đẹp nhất tham dự giải ảnh năm nay, tuy vậy, khi tranh giải ở hạng mục Văn hóa và Nghệ thuật thì tác phẩm này đã không giành được chiến thắng, dù trước đó bức ảnh đã rất gây chú ý vì vẻ đẹp nên thơ.



* Ngày 29/3/2016 Báo Quảng Nam có bài viết: ĐƯA DI SẢN VÀO CUỘC SỐNG

Miền Trung nói chung, Quảng Nam nói riêng sở hữu di sản biển phong phú, đa dạng về chủng loại. Theo TS. Trần Tấn Vịnh (Trường Đại học Quảng Nam), khắp vùng sông biển Quảng Nam còn lưu giữ cả một kho tàng cổ vật. Sau khi phát hiện con tàu đắm chứa nhiều cổ vật ở vùng biển Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An) thì tại vùng biển Tam Hải (Núi Thành), người dân và ngành khảo cổ liên tiếp phát hiện chum cổ, tượng đất nung, hũ, tô, bát, đĩa cổ có trang trí hoa văn tinh xảo. Bên cạnh di sản vật thể, khu vực biển Quảng Nam bảo lưu nhiều giá trị văn hóa phi vật thể. Tri thức dân gian của ngư dân Quảng Nam hàm ẩn những kinh nghiệm sống, như việc “tinh thiên văn, tường con nước” được truyền giữ qua nhiều thế hệ. Những tri thức dân gian đó đến nay vẫn còn giá trị thực tiễn, cho dù khoa học - công nghệ đã đánh dấu bước phát triển vượt bậc. Nhiều thách thức Miền Trung có khí hậu thất thường, nắng lắm mưa nhiều, thường xuyên chịu tác động của bão, lũ nên các giá trị văn hóa vật thể trong lòng biển có thể bị hư hại bất cứ lúc nào nếu không được trục vớt và bảo quản kịp thời. Bên cạnh đó, mặt trái tác động của quá trình kinh tế mở đang khiến cho nhiều giá trị văn hóa phi vật thể mai một. Ví dụ dễ thấy nhất là diễn xướng bả trạo của cư dân ở vùng biển TP.Hội An đã mai một nặng nề. Làng nghề đan thúng một thời sầm uất đã có thể trở thành dĩ vãng nếu không còn được lưu giữ ở xã biển Tam Giang (Núi Thành). Mối quan hệ rường cột bám biển trong cộng đồng đã có dấu hiệu nhạt dần. Theo PGS-TS. Nguyễn Văn Mạnh (Trường Đại học Khoa học Huế), biển và văn hóa biển miền Trung đang đối diện với nguy cơ biến chất. Bởi vậy, điều cần kíp là có cách thức bổ túc chất biển cho ngư dân, hỗ trợ họ quanh năm bám biển thay vì tìm sinh kế ở các khu - cụm công nghiệp hay chuyển nghề làm thương mại, dịch vụ. Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng biểu hiện rõ nét, đặc biệt là nước biển dâng, cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học hiện đại để bảo lưu giá trị, hạn chế xói lở, sụt lún bờ biển, ví như ở Cửa Đại (TP.Hội An). PGS-TS. Phan Thị Yến Tuyết (Trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn TP.Hồ Chí Minh) có góc nhìn về mai một của các làng nghề biển như làng muối, làng chài, làng biển trên đảo… đến suy thoái các giá trị tín ngưỡng như thờ Hoàng Thiên, thờ Hậu Thổ. Vì thế, vấn đề cấp bách là cần nghiên cứu các giá trị văn học dân gian gắn liền với biển hay đời sống tinh thần đặc trưng của các cụm dân cư ở các đầm, vịnh, hòn đang ngày càng trở nên xa lạ với lớp trẻ, kể cả lớp trẻ có xuất thân từ chính đó. Đối với ngành nhân học biển, nên chăng mở rộng phạm vi nghiên cứu đến các tộc người, các dân tộc khác như người Hoa, người Chămpa, họ cũng đã được lan tỏa và hưởng thụ văn hóa biển trong đời sống. “Di sản văn hóa biển không thể “sống” ngoài đời thực của cư dân vùng biển. Bảo tồn văn hóa biển không thể thiếu quan tâm đến chủ thể sinh ra nó. Điều băn khoăn trong giữ gìn văn hóa biển là chúng ta đã thật sự tiếp cận đến chân lý khoa học hay chưa? Xuất phát điểm hay phương pháp nghiên cứu có máy móc không khi chưa đồng cảm, ứng xử có khoảng cách với ngư dân?” - PGS-TS. Phan Thị Yến Tuyết nói. Phát huy giá trị TS. Trần Tấn Vịnh cho rằng, điều cấp thiết hiện nay là Quảng Nam tiếp tục điều tra, khai quật khảo cổ học dưới lòng biển, nhất là vùng biển Tam Hải, nơi ngư dân phát hiện thêm được nhiều cổ vật trong thời gian gần đây. Điều này là hết sức khẩn trương vì nếu sơ sẩy, cổ vật có thể bị thất thoát bởi nạn khai thác lén. “Không chỉ điều tra, nắm bắt số lượng, loại hình, quy mô của cổ vật mà còn phải quy hoạch. Muốn vậy phải lập hồ sơ, lập bản đồ di chỉ khảo cổ học để mà khai quật, trục vớt có hiệu quả. Về điều này, Quảng Nam chưa tự làm được thì cần liên kết, hợp tác với các cơ quan, chuyên gia nước ngoài” - ông Vịnh nói. Ông Vịnh cũng đề xuất lập nên bảo tàng ghe thuyền truyền thống ở TP.Hội An vì nơi đây đã phát huy được giá trị của các bảo tàng như văn hóa dân gian; gốm sứ mậu dịch; lịch sử; văn hóa Sa Huỳnh. “Quảng Nam có Hội An là xuất xứ của nhiều loại hình ghe thuyền truyền thống như ghe bầu, ghe nan, thuyền buồm, thuyền thúng gắn chặt với giao thương cùng các nước Hà Lan, Bồ Đào Nha, Nhật Bản, là cơ sở để thành lập bảo tàng như vậy” - ông Vịnh cho biết thêm. PGS-TS. Phan Thị Yến Tuyết cũng đề xuất giải pháp thành lập bảo tàng biển tại miền Trung nói chung, Quảng Nam nói riêng trên cơ sở lập luận rằng quốc gia biển chỉ thật sự hùng mạnh trên cơ sở phát triển hài hòa cả kinh tế biển lẫn văn hóa biển. “Không thể chỉ lưu giữ mãi truyền thống văn hóa biển trong ký ức của cộng đồng mà phải bảo tồn chúng trong bảo tàng quy mô. Nơi đó không chỉ lưu dấu về lịch sử chinh phục biển của người Việt mà còn là môi trường giáo dục niềm tự hào về sự giàu có của biển, ở khía cạnh kinh tế và văn hóa cho thế hệ trẻ” - bà Tuyết nói. Theo TS. Chu Mạnh Trinh (Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm), cách giữ gìn di sản biển tốt nhất là đưa nó vào thực tiễn đời sống, tạo sinh kế cho người dân vốn là chủ thể của nó. Đó chính là cách làm du lịch sinh thái của người dân xã đảo Tân Hiệp, dung hòa được 2 yếu tố bảo tồn và ổn định thu nhập cho người dân. Thế mạnh của du lịch sinh thái là nhu cầu tìm hiểu, khám phá. Đến Cù Lao Chàm, du khách thỏa mãn hưởng thụ những giá trị biển đặc sắc được tạo nên từ thiên nhiên, văn hóa, lịch sử và con người bản địa. “San hô, thảm cỏ biển, quần cư rong biển, rừng tự nhiên, bãi cát vàng lóa nắng… luôn mời gọi du khách. Đến đó, họ tự thưởng ngoạn, tự khám phá và hòa cùng đời sống của ngư dân qua các hình thức đánh bắt hải sản, chế biến món ăn. Sức hút của di sản biển được phát huy trong nhiều năm qua trên cơ sở khai thác thế mạnh đó” - ông Trinh cho hay. Xã đảo Tam Hải cũng sở hữu những giá trị văn hóa biển nổi bật như Tân Hiệp nhưng chưa được khai thác đúng mức. Vì thế, nếu được đầu tư đúng tầm, khai thông lợi thế, trong tương lai gần, nơi đây có thể sẽ trở thành điểm nhấn trong bản đồ du lịch Quảng Nam.
5. MÔI TRƯỜNG - ĐÔ THỊ:

* Báo Quảng Nam ngày 31/3/2016 có bài viết: BỜ BIỀN CỬA ĐẠI DẦN BỒI TỤ

Thời gian gần đây, bờ biển Cửa Đại đoạn từ khách sạn Hội An Beach ra đến bãi An Bàng cát đã bắt đầu bồi lấp tạo bãi mới, mang đến tín hiệu vui cho người dân, du khách và các nhà hàng kinh doanh ăn uống nơi đây. Trên chiều dài khoảng chừng 300m đoạn qua các nhà hàng Phú Lộc, Khải, Mẫn, Mỹ Lệ… đã xuất hiện những bãi cát bằng phẳng rộng từ 7 - 10m và thoải dài ra xa. Một vài nhà hàng như Phú Lộc, Mẫn cũng bắt đầu đặt bàn ghế trên những bãi bồi này để khách nằm ngắm biển. Theo đại diện nhà hàng Phú Lộc, hầu hết chủ nhà hàng kinh doanh nơi đây ai cũng vui mừng vì tình trạng sạt lở đã không còn xảy ra. Đặc biệt, không gian bãi biển đã thoáng rộng hơn, tạo thuận lợi cho việc đón khách, buôn bán kinh doanh. “Mừng lắm chớ. Bây giờ buổi chiều tôi có thể đặt thêm mấy bộ bàn xuống đó để khách ngắm biển, còn với khách nào muốn tắm thì cũng đã có chỗ cho họ. Nhưng quan trọng nhất là nhờ bãi biển được phục hồi mà khách đã bắt đầu quay lại ăn uống nơi đây” - đại diện nhà hàng Phú Lộc chia sẻ. Đại diện nhà hàng Khải tâm sự, có được kết quả trên là nhờ việc triển khai gia cố các đoạn sạt lở bằng phương pháp kè mềm hợp lý, việc này không chỉ hạn chế được tình trạng sạt lở mà còn giúp từng bước tái tạo bãi mới. “Tuy việc kè mềm cũng chưa phải là hoàn hảo khi một số đoạn bao tải đã bị xì cát ra ngoài. Chưa nói, còn phải chờ kiểm nghiệm trong mùa đông sắp tới nữa, nhưng với những bãi cát mới xuất hiện này tôi nghĩ như vậy là thành công lắm rồi” - đại diện nhà hàng Khải nói. Thực tế, dù cát đã bắt đầu bồi lấp trở lại nhưng nếu so với chiều dài bãi cát toàn tuyến (từ bãi biển Cửa Đại đến An Bàng) đã bị sạt lở trước đây thì vẫn tương đối nhỏ. Ngoài ra, quá trình bồi tụ cũng không đồng đều và có xu hướng bồi dần về phía bắc và lở ở phía nam, nhất là đoạn từ khu vực khách sạn Victoria trở vào. Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND TP.Hội An, việc biển bồi đắp mùa hè, xói lở mùa đông là điều không mới ở bờ biển Cửa Đại và Hội An, đặc biệt với những năm gặp thời tiết khắc nghiệt, bão lũ lớn thì tình trạng xâm thực diễn ra càng phức tạp. Do vậy, hiện tượng bờ biển Cửa Đại bồi tụ cát như hiện nay dù không nhiều nhưng rất có ý nghĩa, điều này thể hiện tính đúng đắn, hiệu quả của giải pháp kè mềm đã và đang được thành phố triển khai. “Nếu quá trình bồi tụ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ như hiện nay thì mùa hè này du khách và nhân dân sẽ có bãi biển rộng để tắm” - ông Dũng kỳ vọng. Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho rằng, vấn đề lâu dài với Cửa Đại chính là cần một giải pháp tổng hợp, nhất là phải chắn được lực của sóng từ xa để hạn chế sạt lở khi sóng vỗ vào bờ, và việc này thì phải chờ giải pháp kỹ thuật. “Ngoài số tiền 20 tỷ đồng năm ngoái đã có rồi, thì hôm 27.3 vừa qua Chính phủ cũng đã chính thức thống nhất hỗ trợ cho Hội An 40 tỷ để tiếp tục kè đoạn bờ biển sạt lở trong số 1,3km còn lại bằng phương pháp kè mềm, chắn sóng từ xa, kéo dài từ Cửa Đại ra hướng An Bàng. Với việc kè chắn tổng thể này, hy vọng không chỉ mùa hè này Cửa Đại có bãi biển mà về lâu dài các bãi còn lại sẽ được khôi phục ổn định, bền vững” - ông Dũng nói.

* Kenh14.vn ngày 03/4/2016 đưa tin: BỜ BIỂN CỬA ĐẠI – HỘI AN CÓ DẤU HIỆU DẦN BỒI TỤ TRỞ LẠI

Thời gian gần đây, bờ biển Cửa Đại (TP Hội An, Quảng Nam) có dấu hiệu dần bồi tụ trở lại, cát đã bắt đầu bồi lấp tạo thành bãi mới, mang đến tín hiệu vui cho người dân, du khách và chính quyền địa phương trong nỗ lực cứu lấy bãi biển được bình chọn là 1 trong 25 bãi biển đẹp nhất Châu Á này.

Mới đây, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) cho biết, trong thời gian gần 1 tháng trở lại đây, bờ biển Cửa Đại của Hội An có dấu hiệu được bồi đắp trở lại.

Theo đó, dọc 300m bờ biển từ khách sạn Hội An Beach kéo dài đến bãi tắm An Bàng xuất hiện tình trạng cát liên tục bồi tụ tạo thành bãi mới khá bằng phẳng, rộng khoảng 7 - 10m, giúp phục hồi khoảng 60% lượng cát đã bị cuốn trôi.

So với chiều dài bãi cát từ bãi biển Cửa Đại đến An Bàng đã bị sạt lở trước đó thì lượng cát mới được bồi lấp trở lại này vẫn còn tương đối nhỏ và quá trình bồi tụ cũng không đồng đều do có xu hướng bồi dần về phía bắc và lở dần ở phía nam. Tuy nhiên, theo những người dân địa phương thì việc bờ biển dần được bồi lấp trở lại và tình trạng xói mòn bờ biển không còn xảy ra đã mở ra cơ hội kinh doanh cho họ.

Theo ghi nhận của PV, những ngày qua, nhiều hộ kinh doanh cũng bắt đầu đặt bàn ghế trên những bãi bồi này để du khách có thể nằm ngắm biển. Lượng khách du lịch trở lại bãi biển ngày càng đông. Đặc biệt, nhiều người còn thích thú khi được tắm biển Cửa Đại vì sóng đã không còn dữ dội như trước.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP Hội An, hiện tượng bờ biển Cửa Đại bồi tụ tạo thành những bãi cát mới như hiện nay tuy không nhiều nhưng rất có ý nghĩa. Đây là hiệu quả của giải pháp kè mềm đã và đang được chính quyền địa phương cố gắng triển khai với hy vọng giữ lại được bãi biển Cửa Đại.



tải về 242.34 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương