Số: 28 /vhtt-bc hội An, ngày 4 tháng 4 năm 2016



tải về 242.34 Kb.
trang4/4
Chuyển đổi dữ liệu19.09.2016
Kích242.34 Kb.
#32245
1   2   3   4

Ông Dũng cũng cho biết thêm, ngày 27/3 vừa qua, Chính phủ cũng đã chính thức thống nhất hỗ trợ cho TP Hội An 40 tỷ để tiếp tục tiến hành kè mềm, chắn sóng từ xa đoạn bờ biển bị sạt lở trong số 1,3km còn lại với hy vọng sẽ khôi phục được đoạn bờ biển tuyệt đẹp đã bị mất do sóng xâm thực.



* Trong khi đó, Báo Thanh Niên ngày 02/4/2016 có bài viết: BỜ BIỂN HỘI AN BỊ XÂM THỰC NGHIÊM TRỌNG

Ngày 1.4, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP.Hội An (Quảng Nam), cho biết trong gần 1 tháng qua xuất hiện tình trạng cát bồi tụ dọc 300 m bờ biển Hội An, đoạn từ khách sạn Hội An Beach ra đến bãi An Bàng.

Những bãi cát bồi tụ mới khá bằng phẳng, rộng từ 7 - 10 m, giúp phục hồi khoảng 60% lượng cát đã bị cuốn trôi.

Việc bờ biển dần “phục hồi” đã mở ra cơ hội kinh doanh cho người dân địa phương, đồng thời tạo hy vọng mới trong cuộc chiến chống biển xâm thực mà nhiều doanh nghiệp lẫn chính quyền địa phương đang theo đuổi.

Trong khi đó, Chính phủ vừa thống nhất hỗ trợ 40 tỉ đồng để TP.Hội An tiếp tục xây kè đoạn bờ biển sạt lở từ Cửa Đại kéo ra phía bắc (phía bãi biển An Bàng), nâng tổng kinh phí T.Ư hỗ trợ lên lên 60 tỉ đồng trong vòng 2 năm 2015 - 2016 để thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình kè chống xâm thực bờ biển Hội An dài 1,3 km.

Riêng giai đoạn 2 của dự án (thực hiện từ 2016 - 2020) có 750 m kè được xây mới từ khu du lịch Vinpearl đến gần cửa Đại.


6. SẢN XUẤT - KINH DOANH

* Ngày 31/3/2016 Báo Quảng Nam có bài viết: NÉT MỚI CỦA NGƯ DÂN THANH HÀ

Thời gian gần đây, ngư dân Trần Văn Hiền (khối Thanh Chiêm, phường Thanh Hà, TP.Hội An) được nhiều người biết đến là một ngư dân sản xuất giỏi. Hơn một năm qua, anh Hiền mạnh dạn đầu tư tàu có công suất 380CV để vươn khơi bám biển bằng 3 nghề là lưới quét, lưới cá chuồn và thu mua hải sản trên biển. Hoạt động trên biển quanh năm, lại kiêm nghề nên anh Hiền làm ăn hiệu quả với doanh thu hơn 2 tỷ đồng trong năm 2015 vừa qua. Thu nhập của mỗi bạn nghề cũng từ 40 đến 50 triệu đồng mỗi mùa. Anh Hiền kể, sau nhiều năm sản xuất bằng nghề lưới quét không hiệu quả do tàu có công suất nhỏ, 2 năm trước, anh quyết định bán tàu rồi đầu tư hơn 1 tỷ đồng sắm tàu mới, hoạt động kiêm nghề trên biển. Mỗi chuyến đi biển của gia đình anh Hiền có thời gian 8 - 9 ngày, ngư trường chủ yếu từ vĩ tuyến 14 đến vĩ tuyến 19, giáp với đảo Hải Nam. Sau khi đánh bắt hoặc thu mua hải sản trên biển, anh Hiền thường hay cập cảng Cửa Việt (Quảng Trị) và Nhật Lệ (Quảng Bình) để bán sản phẩm. Anh Hiền dự định vay thêm vốn để cải hoán, nâng cấp tàu cá có công suất lớn hơn. Đó cũng là nguyện vọng chung của ngư dân toàn phường Thanh Hà. Hiện nay, toàn phường có 78 tàu thuyền đánh bắt hải sản với hơn 200 lao động, công suất bình quân khoảng 60CV/phương tiện. Năm 2015, doanh thu từ khai thác hải sản đạt 23 tỷ đồng, tăng gần 5 tỷ đồng so với năm 2014. Mấy năm gần đây, đội tàu làm nghề lưới cá chuồn của Thanh Hà ngày một phát triển. Sau mỗi vụ cá, lao động có thu nhập từ 40 đến 50 triệu đồng. Theo ông Nguyễn Hào, cán bộ phụ trách kinh tế phường Thanh Hà, trên địa bàn hiện có ít nhất 5 chủ tàu đang chuẩn bị chuyển sang nghề lưới cá chuồn để sản xuất. Đặc biệt, hầu hết tàu đánh bắt hải sản ở Thanh Hà đều hoạt động kiêm nghề. Mỗi năm, sau khi xong mùa lưới cá chuồn, bà con thu lưới đi “rổi” để thu mua hải sản trên biển về bán lại ở đất liền, sau đó quay về nghề lưới quét khi đến mùa biển động. Nghề cá của địa phương năm nay có sự phát triển đột phá, thu nhập của ngư dân ổn định. “Đối với Thanh Hà thì năm nay rất đột phá đối với nghề biển. Mấy năm trước đoàn tàu theo nghề lưới cá chuồn chỉ 10 chiếc nhưng đến năm 2016 tăng lên 20 phương tiện. Địa phương rất mong tỉnh duy trì các cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân để tiếp tục phát triển nghề cá, trong đó đáng chú ý nhất là hỗ trợ vốn vay để ngư dân tiếp cận, đóng mới hoặc cải hoán, nâng cấp tàu cá hoạt động trên các vùng biển xa. Nếu dựa vào Nghị định 89 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản thì ngư dân không tiếp cận được vì vốn đối ứng yêu cầu quá lớn, vượt khỏi khả năng huy động của ngư dân” - ông Hào nói. Hy vọng, cùng với những cơ chế hỗ trợ phù hợp, ngư dân Thanh Hà sẽ từng bước cải hoán, nâng cấp và đóng mới thêm nhiều tàu cá đủ sức vươn khơi bám biển dài ngày. Việc hợp tác, tổ chức sản xuất trên biển theo hình thức kiêm nghề của ngư dân cũng cần được địa phương hỗ trợ.
* Báo Quảng Nam ngày 01/4/2016 có bài viết: THẢ 1 TRIỆU TÔM SÚ VÀO RỪNG DỪA NƯỚC CẨM THANH

Nhân kỷ niệm 57 năm ngày Bác Hồ về thăm láng Cá và ngày truyền thống ngành thủy sản 1.4, sáng 31.3, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh tổ chức thả 1 triệu con tôm sú giống tại rừng dừa Bảy Mẫu, xã Cẩm Thanh, TP.Hội An. Các cá thể tôm được 15 ngày tuổi, đã qua kiểm dịch đảm bảo chất lượng và có khả năng thích nghi với môi trường nước lợ ở khu vực rừng dừa cuối sông Thu Bồn tiếp giáp với cửa biển Cửa Đại.

Đợt này, đoàn viên Chi đoàn Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã phát tờ rơi cho ngư dân 2 phường Cẩm An và Cửa Đại, tuyên truyền bà con không tàng trữ, buôn bán, vận chuyển trái phép chất nổ, chất độc... trong quá trình đánh bắt, đồng thời phổ biến các quy định xử phạt đối với các trường hợp vi phạm.
7. ĐẤT VÀ NGƯỜI HỘI AN:

* Báo Quảng Nam ngày 31/3/2016 có bài viết: BIẾN TẤU CÙNG TRE

Anh Võ Tấn Tân ở thôn 2, xã Cẩm Thanh (TP.Hội An) đã “đạp” xe đạp tre ra nước ngoài một cách ngoạn mục, tạo dấu ấn trong sản phẩm lưu niệm cho thành phố du lịch Hội An.

Ít ai biết rằng, anh Tân từng có ngả rẽ như sự chia tay với tre, dù được thừa kế niềm đam mê với tre từ ông nội và cha mình. Đấy là khi anh tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành điện - kỹ thuật và xin làm công việc liên quan đến du lịch. Anh lý giải việc bỏ tre lúc bấy giờ là nếu “đâm” đầu với tre thì cuộc sống không đảm bảo về kinh tế. Để rồi trong suốt 10 năm làm du lịch cho người ta, anh nhận ra rằng với tre, mình có thể làm chủ đam mê. Thế là anh xin thôi việc, trở lại với tre. Nhưng anh không đi lại lối mòn của ông nội và cha với những sản phẩm thủ công xưa cũ. Anh khởi động chặng đường mới bằng cách tìm đến các điểm du lịch, bán đồ lưu niệm để tìm hiểu quà lưu niệm đặc trưng rồi về dùng tre chế tác. “Mình phải đến đó để tìm hiểu kỹ thì sản phẩm mới mong được đón nhận. Nói thật, ở Hội An tuy có nhiều người bán đồ lưu niệm, nhưng chưa có dấu ấn riêng, thậm chí có gian hàng bán đồ lưu niệm có xuất xứ từ Trung Quốc”.

Từ đó, thêm nhiều sản phẩm từ tre được ra đời như hộp đựng giấy ăn, đựng bánh kẹo, đèn bàn. Lấy cảm hứng bảo tồn cua đá ở Cù Lao Chàm, anh làm ra hộp đựng giấy ăn, đồ trang điểm có hình dáng cua đá… Trên tất cả, anh cho rằng thành công lớn nhất của mình đến hiện tại là hoàn thiệt xe đạp tre và “đạp” những chiếc xe độc đáo này ra nước ngoài, chủ yếu là châu Âu. Cũng với xe đạp tre, anh đang ấp ủ thực hiện các tour du lịch bằng xe đạp tre. Cách đây không lâu, anh đã thử nghiệm và thu được nhiều tín hiệu khả quan. Nên anh dồn sức làm thêm nhiều xe đạp, dự kiến khoảng 30 chiếc để tour của mình thêm tròn trịa.




Theo anh Võ Tấn Tân, khách mua xe đạp tre chủ yếu là khách nước ngoài. Một phần vì có thiết kế đơn giản, đẹp và nhất là yếu tố thân thiện với môi trường.  Mỗi chiếc xe có giá từ 10 triệu đồng đến cả trăm triệu đồng. Trung bình mỗi tháng, anh xuất bán ra nước ngoài từ 7 - 8 chiếc trở lên.
Nói là xe đạp tre, nhưng không phải tất cả đều là tre, mà chính xác chỉ có khung sườn, bộ phận chịu lực bằng tre. Từ đó, “lòi” thêm cái khó nữa, là khi liên kết tre với các bộ phận còn lại của xe, phải đảm bảo tính cơ học. Nên thời gian đầu thường gặp các lỗi nếu sườn chịu được lực thì không đảm bảo tính cơ học khác, nhất là không ổn định sự truyền động và ngược lại. “Thời gian đó tôi dành tất cả để giải quyết vấn đề trên. Mãi hơn 2 năm sau mới thành công, dù chưa hoàn hảo về tính thẩm mỹ và thời gian sử dụng”. Thế là anh mất thêm một năm nữa để hoàn thiện 2 yếu tố này. Cụ thể, tre trước khi đưa vào làm xe sẽ được ngâm nước chống mối mọt từ 8 tháng đến một năm. Sau đó sẽ đem phơi khô rồi gia công thô. Khi hoàn chỉnh, xe được đánh lớp keo chống thấm, đoạn tiếp nối giữa các bộ phận được dùng từ loại keo do anh chế tạo nên.

Thành công với xe đạp tre, anh Tân đang chế tác ô tô điện du lịch bằng tre đầu tiên. Đó cũng là minh chứng cho sáng tạo, biến tấu không ngừng nghỉ cùng tre của anh. Chiếc xe này anh đã làm được 2 tháng, đang trong giai đoạn hoàn thiện. Đối với anh, ô tô điện tre tuy phức tạp hơn xe đạp tre nhưng ít tốn công hơn. Bởi nó cho phép anh dễ dàng sử dụng những đoạn tre có kích thước lớn. Anh tâm sự: “Tre thôi thúc tôi đi đến tận cùng của sự sáng tạo. Còn ở góc cạnh thực dụng, tôi muốn những người dân ở các làng quê có thể sống được từ tre, như là giữ lại hồn quê vậy. Mà giữ được tre tức giữ được môi trường, đây là điều rất quan trọng trong bối cảnh cơn bão biến đổi khí hậu đang hoành hành khắp nơi”.



* Ngày 2&3/4/2016 Báo Quảng Nam có bài viết: XE DUYÊN VỚI ĐẤT THANH HÀ

Nhiều người khi tìm đến Công viên Đất nung Thanh Hà (Hội An) khá thích thú với những kỳ quan thế giới thu nhỏ bằng đất sét trưng bày tại đây. Người ta tự hỏi tại sao lại có những đôi tay tinh tế đến mức sắc sảo với từng đường nét nhỏ nhất.



Và câu trả lời ở chàng trai đến từ Nghệ An, Hoàng Thành Truyền. Một nhà điêu khắc trẻ, tốt nghiệp ngành mỹ thuật tại Hà Nội, từng làm việc ở làng gốm Bát Tràng, và bây giờ chọn ở hẳn Hội An. Lý do Truyền đến Hội An, bởi “yêu thích nhịp sống êm ả, hiền hòa nơi đây”. Và lại có duyên khi trong những lần lang thang làm đủ nghề ở phố cổ, lại gặp điêu khắc gia Phạm Văn Hạng. Chính trong lần ngồi café với ông Hạng, Truyền đã được giới thiệu đến một người mát tay cho những dự án liên quan đến gốm, đất nung, là Nguyễn Văn Nguyên – ông chủ của Công viên Đất nung Thanh Hà. Đôi bàn tay từng vọc đất ở ven sông Hồng, với những sản phẩm có tiếng Bát Tràng, bây giờ lại về vọc đất sông Thu. Những mô hình thu nhỏ của các di sản văn hóa Việt Nam, từ Khu đền tháp Mỹ Sơn, Chùa Cầu Hội An, Văn miếu Quốc Tử Giám đến các mô hình thu nhỏ những công trình kiến trúc nổi tiếng trên thế giới ở công viên cũng do một tay Truyền sáng tác. Kim tự tháp Ai Cập, đền Parthenon, Đấu trường Colosseum, Khải hoàn môn, tòa thánh Vatican… quy tụ về Việt Nam, nhỏ nhắn, sắc sảo bằng chất liệu đất sét. Và không dừng lại ở đó, sẽ có thêm 7 mô hình các kỳ quan thế giới dành cho khu vực trưng bày ở ngoài trời cho Công viên đất nung Thanh Hà thành hình trong nay mai. Từ những sản phẩm này, Hoàng Thành Truyền được biết đến nhiều hơn. Nhận điêu khắc trên nhiều loại nguyên liệu, từ đất, xi măng cho đến nhựa composite…, vừa để trang trải cuộc sống vừa để khám phá thêm mình. Tuy nhiên, một thời gian dài anh gặp khó khăn khi tiếp xúc với nguồn nguyên liệu đất sét ở Quảng Nam. “Vốn dĩ, đất sét ở Thanh Hà nói riêng và Quảng Nam nói chung không giống với những nơi khác mình từng biết. Chính vì thế, ban đầu mình phải mất khá lâu để làm quen với nguồn nguyên liệu này. Sự chịu nhiệt cũng như độ liên kết của đất Thanh Hà rất kém. Vì vậy mà những tác phẩm mình làm ra, sau khi nung bị biến dạng hoàn toàn và xuất hiện nhiều vết nứt. Nếu làm những tác phẩm có kích thước nhỏ, mức độ co sau khi nung sẽ thấp. Tuy nhiên, đối với những tác phẩm có quy mô lớn thì rất khó mà như ý” - Truyền tâm sự. Sau một thời gian tìm hiểu và thử nghiệm, Truyền đã tính toán được độ co đó và bắt đầu có những tác phẩm đúng với bản phác thảo ban đầu. Mới đây, 2 tác phẩm trụ biểu gốm điêu khắc nghệ thuật mà TP.Hội An tặng nhân dân TP.Thanh Hóa đợt kỷ niệm 55 năm ngày kết nghĩa của 2 địa phương (12.2.1960 – 12.2.2016) đều là những sản phẩm do Truyền làm nên. Những chi tiết tinh xảo, buộc anh phải tính toán kỹ lưỡng đến tỷ lệ 1:1 mới có thể hoàn thành. Truyền chia sẻ: “Hiện tại, khách hàng muốn đặt hàng những tác phẩm quy mô lớn nhỏ như thế nào thì mình cũng có thể cân nhắc nhận làm. Nhưng với điều kiện là khách hàng phải chịu chơi và hiểu rõ môn nghệ thuật này mới thấy giá trị bởi để hoàn thành nó, giá thành không hề rẻ”. Phải đam mê, yêu nghề, Hoàng Thành Truyền sau 6 năm đặt chân đến phố cổ Hội An mới quyết định ở hẳn tại Thanh Hà, và làm nghề. Bên trong con người trẻ với mái tóc dài lúc nào cũng được buộc gọn và chất giọng đã pha một ít tiếng Quảng ấy, sự nhiệt huyết với nghề và mong muốn xây dựng cho xứ “đất chưa mưa đà thấm” này vẫn đang hừng hực. “Sắp tới, nếu đủ điều kiện, mình sẽ tìm cách quảng bá thêm cho làng gốm Thanh Hà bằng việc xây dựng thương hiệu với những tác phẩm điêu khắc trên đất sét của mình chứ không đơn thuần là làm theo đơn đặt hàng nữa” - Truyền nói. Và Hoàng Thành Truyền không phải là chàng trai duy nhất từ nơi khác tìm đến làng gốm. Đỗ Ngọc Thi Ca – một chàng trai Hà Nội và có lẽ, cả nghệ sĩ Đoàn Xuân Hùng của CLB Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, đều có chung một hy vọng, rằng “phải để gốm sống lại”. Đỗ Ngọc Thi Ca chọn mở một xưởng gốm ngay nền cũ của một nhà làm gốm lâu đời của vùng Cẩm Hà, cải tạo mẫu mã các sản phẩm gốm nhưng vẫn đẹp, và vẫn rất truyền thống. Tranh gốm, đèn gốm, lu, vại được trang trí tinh vi dành cho những không gian du lịch sang trọng, đã định hình tên tuổi Đỗ Ngọc Thi Ca. Với 3 showroom trưng bày tại Đà Nẵng, Hội An và Sài Gòn, người đàn ông chưa đến 40 tuổi này nói, dù cải tiến như thế nào đi nữa, thì bản sắc gốm Thanh Hà vẫn còn nguyên đó. Bởi chất liệu đất ven sông Thu và những bàn tay nghệ nhân tạo tác, đã phả vào đó một “khí chất” riêng. Cũng như Hoàng Thành Truyền, bí quyết về độ nung cũng như tráng thêm một lớp men Bát Tràng lên một số sản phẩm lưu niệm, đã giúp cho Đỗ Ngọc Thi Ca vững vàng sống trên “đất lạ”, bằng chính nghề truyền thống của vùng đất. Mà có lẽ, gần 10 năm trôi, “đất lạ” cũng đã hóa tâm hồn.
8. AN NINH-TRẬT TỰ:

* Báo Quảng Nam ngày 28/3/2016 có bài viết: PHÒNG CHỐNG TỘI PHẠM CƯỚP GIẬT ĐƯỜNG PHỐ

Tăng cường công tác phòng chống tội phạm, chủ động tuần tra, sâu sát thực tế hạn chế tình trạng cướp giật, góp phần tạo môi trường an toàn cho du lịch Hội An.

Ra quân đồng loạt

Hội An là thành phố du lịch nên lượng khách trong nước cũng như quốc tế đến đây rất lớn. Vì vậy, việc đảm bảo môi trường an toàn là điều khó. Bên cạnh đó, Hội An với vị trí giáp ranh các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên và TP.Đà Nẵng nên thường phát sinh tội phạm vãng lai, liên huyện, đáng chú ý là nạn cướp giật trên đường phố diễn ra phức tạp. Sự gia tăng của loại tội phạm này gây bức xúc trong nhân dân, khiến du khách lo lắng, tác động xấu đến hoạt động du lịch và môi trường văn hóa của thành phố. Trong năm 2015, trên địa bàn thành phố xảy ra 34 vụ cướp giật tài sản, trong đó cướp giật của người nước ngoài là 27 vụ. Tội phạm cướp giật tài sản hoạt động rất manh động, liều lĩnh, không những chiếm đoạt tài sản của du khách, nhân dân mà còn đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của họ. Trước thực trạng đó, được sự chỉ đạo quyết liệt của Giám đốc Công an tỉnh, sự phối hợp của các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh và công an các địa phương liên quan, Công an TP.Hội An đã xây dựng phương án tuần tra, mai phục phòng chống tội phạm cướp giật tài sản. Để tổ chức thực hiện tốt phương án này, Công an TP.Hội An đã thành lập ban chỉ đạo riêng nhằm tập trung lực lượng thực hiện phương án một cách hiệu quả. Có thể nói đây là một cuộc ra quân tổng lực, tập trung sự chỉ đạo thường xuyên, chặt chẽ, huy động tối đa lực lượng từ công an tỉnh, công an thành phố, công an phường, tổ bảo vệ dân phố và cả sự tham gia tích cực của người dân trên địa bàn vào cuộc thông qua phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Qua đó, huy động nhiều phương tiện nghiệp vụ, kết hợp với camera giám sát an ninh, quyết tâm trong thời gian sớm nhất trả lại bình yên cho Hội An. Đặc biệt, đối với Công an TP.Hội An - lực lượng chủ công thực hiện phương án, đã phân công cụ thể các lực lượng tuần tra, chốt chặn công khai và bí mật trên các tuyến đường nhằm phòng ngừa, răn đe đối tượng và chủ động chặn bắt khi đối tượng gây án.

Hiệu quả cao

Với những biện pháp quyết liệt từ phòng ngừa ngăn chặn đến chủ động tấn công, chỉ sau một năm thực hiện phương án tuần tra, mai phục phòng chống tội phạm cướp giật tài sản, Công an TP.Hội An thu được nhiều kết quả đáng kể. Năm 2015, Công an TP.Hội An đã khám phá 2/3 số chuyên án, làm rõ 25 vụ cướp giật góp phần ổn định tình hình, chặn đứng hoạt động tội phạm cướp giật trên đường phố. Cụ thể, trong tháng 11,12 và tháng 1.2016 trên địa bàn thành phố không xảy ra vụ cướp giật nào, giảm 16 vụ - 100% so với cùng kỳ năm trước. Việc điều tra, truy bắt tội phạm cũng nhanh chóng, kịp thời. Đơn cử, lúc 12 giờ 30 phút ngày 27.8.2015, một khách du lịch Đức đi xe đạp từ biển An Bàng về phố cổ theo đường Hai Bà Trưng, khi đến cầu An Bàng thì bị một thanh niên đi mô tô áp sát giật túi xách, bên trong có 1 điện thoại di động, 1 máy ảnh, 5 triệu đồng và 400USD. Đến 18 giờ cùng ngày, Công an TP.Hội An đã tóm gọn được đối tượng gây án là Trần Minh Hải (SN 1986, trú thị xã Điện Bàn). Qua đấu tranh, Hải khai đã thực hiện nhiều vụ cướp giật tài sản khác trên địa bàn. Trước đó, Công an TP.Hội An cũng khám phá nhanh nhóm cướp giật tài sản của du khách nước ngoài xảy ra từ ngày 13 đến 20.3.2015. Kết quả quả đó đã tạo được niềm tin của cán bộ, nhân dân vào lực lượng công an. Đại tá Đinh Xuân Nghĩ - Trưởng Công an TP.Hội An, cho biết, để hạn chế, ngăn chặn hiệu quả tội phạm cướp giật trên địa bàn trong thời gian qua, các lực lượng tham gia thực hiện phương án tuần tra, mai phục phòng chống tội phạm cướp giật đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tính năng động, sáng tạo trong công tác tuần tra, chốt chặn, điều tra xác minh, xử lý tội phạmcướp giật. Trong công tác tuần tra, mai phục lấy tuần tra kiểm soát để phòng ngừa, chốt chặn để truy bắt, truy xét để làm rõ thay cho việc truy đuổi kém hiệu quả nhưng nhiều rủi ro, nguy hiểm. Qua thực tế các vụ cướp giật xảy ra trên địa bàn cho thấy, sở dĩ người nước ngoài và phụ nữ Việt Nam là đối tượng bị cướp giật do thường mang theo nhiều tài sản như dây chuyền, túi xách. Khi bị cướp giật thường hoảng loạn, do đó không biết được biển số xe, nhận dạng đối tượng, mặt khác do bất đồng ngôn ngữ nên khi xảy ra vụ việc thì người nước ngoài kêu cứu không ai hiểu và hỗ trợ truy bắt đối tượng. Chính vì thế, cùng với việc thực hiện tốt phương án tuần tra, mai phục của lực lượng công an hơn ai hết, người dân và du khách phải nâng cao ý thức tự bảo vệ tài sản của chính mình.



* Ngày 29/3/2016 Báo Quảng Nam đưa tin: HỘI AN SẼ NÂNG CẤP HỆ THỐNG CAMERA AN NINH

Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND TP.Hội An cho hay, thành phố đang có kế hoạch nâng cấp hệ thống camera an ninh trên các tuyến phố nội thị theo chỉ đạo của Bộ Công an và Công an tỉnh. Được biết, năm 2007 Hội An đã đưa vào sử dụng hệ thống camera an ninh từ với 18 máy quay. Việc nâng cấp hệ thống camera an ninh lần này sẽ giúp quản lý an ninh trật tự tốt hơn, hạn chế và phát hiện kịp thời các trường hợp cướp giật, gây tai nạn... để bảo vệ người dân và du khách. Dự kiến kinh phí nâng cấp sẽ do ngân sách tỉnh và TP.Hội An cùng góp vốn.


9. NGƯỜI TỐT- VIỆC TỐT:
* Báo Dân trí ngày 30/3/2016 có bài viết: THƠM THẢO BÁNH MÌ TỪ THIỆN Ở HỘI AN

Những ngày qua, hình ảnh về thùng đựng bánh mỳ có dán dòng chữ “Bánh mỳ từ thiện - mỗi người một ổ” ở phố cổ Hội An được nhiều người yêu thích, trân trọng trước nghĩa cử cao đẹp.

Tủ bánh mỳ được đặt ở vỉa hè đường Phan Châu Trinh (TP Hội An), nơi đông người đi qua và dễ dàng nhìn thấy.

Theo quan sát của PV, hầu hết những người đến nhận bánh là những em bé, ông cụ bán vé số dạo, cô mua ve chai… Đưa tay vào lấy bánh ai cũng e ngại một chút, nhưng nụ cười hạnh phúc luôn thường trực trên môi. Chiếc bánh sẽ giúp họ qua cơn đói, thêm sức lực trên con đường mưu sinh đầy chông gai.

Chủ nhân thùng bánh là cô Tuấn, chủ tiệm bánh mỳ 304 đường Phan Châu Trinh. Cô cho biết tủ bánh mỳ mới được đưa ra trước đối diện lò mỳ cách đây 1 tháng, nhưng việc tặng bánh mỳ cho người nghèo đã được thực hiện từ lâu.

Những người bán vé số, mua ve chai... mỗi lần đến đây mua đều được cô cho miễn phí hoặc bán giảm giá, đồng thời động viên họ bảo những người đồng cảnh ngộ có thể đến đây lấy tự nhiên. Nhiều người đã đến và được đón tiếp nồng nhiệt.

Nhưng không lâu sau đó những người nghèo ít dần đi hoặc thi thoảng mới tới. Tìm hiểu ra mới biết vì họ ngại được cho miễn phí nhiều lần nên lâu lâu mới đến.

Từ đó, ý nghĩ về chiếc tủ bánh mỳ từ thiện ra đời. Nhờ đặt ở nơi khác nên mọi người cảm thấy đỡ ngại hơn, họ đến cũng thường xuyên hơn. Đôi lúc họ lấy miễn phí, đôi lúc gửi lại tiền vì không muốn cứ mãi nhận miễn phí như vậy.

Cô cho biết: “Cứ đầu buổi cô đặt vào đó 50 ổ vừa mới làm xong. Sau đó, nếu thấy bánh vơi đi thì tiếp tục thêm vào. Có ngày cao điểm hơn 100 ổ bánh hết sạch, nhưng có lúc để cả ngày chỉ vài ổ vơi đi, tôi nghĩ mọi người ngại nên chỉ thỉnh thoảng mới lấy”.

Có kỷ niệm thú vị đã xảy ra, đó là một ngày có 2 vị khách nước ngoài đến lấy 2 ổ bánh mỳ rồi ăn ngon lành. Nhiều người đi qua dị nghị, vì đi du lịch mà còn ăn bánh của người nghèo. Nhưng thật bất ngờ, sau khi ăn xong hai vị khách này đã vào tiệm bánh của cô Tuấn đưa trả lại tiền bánh vừa ăn, họ còn mua thêm nhiều ổ khác đặt lại ngay ngắn trong thùng.








tải về 242.34 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương