River of fire, river of water



tải về 0.82 Mb.
trang30/30
Chuyển đổi dữ liệu12.09.2016
Kích0.82 Mb.
#32052
1   ...   22   23   24   25   26   27   28   29   30

42 CHỈ MỘT SỢI CHỈ


Vào giữa đời, sau khi lầm lẫn với khuynh hướng thật sự của mình và ghen tỵ vì những thành công trong nghề nghiệp của các bạn mình, Basho tuyên bố sự hâm mộ của ông chỉ dành cho thơ hài cú. Đã có lúc ông muốn trở thành một ông quan cao cấp và có lúc khác ông nổi bật như một tu sĩ. Nhưng ông bỏ hết và gắn mình với nghệ thuật thơ hài cú, tuyên bố rằng : “Không có tài và khả năng trong mọi thứ, tôi gắn mình với chỉ một sợi chỉ này.” Đối với Basho sợi chỉ này xâu kết lại đời sống, thiên nhiên và vũ trụ thành một toàn thể đơn nhất.

Thật vậy, Basho khẳng định rằng một sợi chỉ chung đã kết lại những thành tựu của văn hóa Nhật Bản-Saigyo trong thơ truyền thống, Rikyu trong nghệ thuật lễ trà, và nghề thơ hài cú của ông. Sợi dây độc nhất này còn đến ngày nay, hợp nhất sự sáng tạo mỹ thuật (con người) và sự sáng tạo vũ trụ (thiên nhiên).

Khổng tử là một tư tưởng gia vĩ đại, sống vào Thời Trục của lịch sử thế giới. Theo Karl Jaspers, người đặt ra từ ngữ này, những người đồng thời với ông là Lão tử và Mặc tử ở Trung Hoa, Phật và Mahavira ở Ấn Độ, Socrates và Plato ở Hy Lạp và những tiên tri của Do Thái-Isaiah, Jejemiah và Isaiah Thứ Nhì. Những học trò của Khổng tử tôn kính ông như một vị thầy dạy minh triết tối thượng, nhưng Khổng tử từ chối những ca ngợi như vậy, nói rằng, “Ta chỉ có một sợi chỉ để xâu suốt hết tất cả lại.” Sợi chỉ độc nhất này là thành, sự tận tâm chu đáo với chính mình và với những người khác, nền tảng của đời sống đạo lý. Sợi chỉ vàng này dệt thành một trong những tấm thảm lớn nhất của thế giới văn minh, ảnh hưởng dòng sinh mệnh của toàn thể thế giới Đông Á.

Trong khi Basho và Khổng tử là thiên tài và đã khám phá được thiên mệnh của mình kêu gọi, Saichi chỉ là một thợ rừng không chữ nghĩa, đơn giản, nhưng ông cũng được kêu gọi đến một đời sống tận tâm giao phó riêng biệt :

Đã nhận được sợi chỉ độc nhất của niệm Phật
Con đường độc nhất tôi chọn là không sai lầm ;
Đi cùng nam mô A Di Đà Phật
Cũng sâu thẳm như lòng Saichi –
Còn sâu thẳm hơn thế nữa là lòng của A Di Đà.

Đối với Saichi sợi chỉ đơn nhất của niệm Phật đã được Bổn Nguyện của A Di Đà chọn cho ông. Đến từ lòng đại bi, sâu thẳm vô cùng hơn mọi cái con người có thể hình dung được, sợi chỉ độc nhất của niệm Phật là một món quà trao một cách nhưng không cho bất kỳ ai tìm kiếm một trung tâm hợp nhất trong đời sống. Thực hành niệm Phật tối ư đơn giản, nhưng đồng thời hiệu quả không thể sánh để dẫn đến giải thoát và tự do, bởi vì chính công việc của Phật giúp chúng ta vượt qua những đam mê mù quáng của tham và sân.

Gần đến khi chấm dứt cuộc đời lâu dài và phong nhiêu chín mươi tuổi, Thân Loan ở Kyoto tiếp đãi những học trò xưa kia đến từ quận Kanto xa xôi. Đi bộ hơn bốn trăm dặm, họ yêu cầu ngài làm sáng tỏ những điểm tinh tế của giáo lý. Nhưng Thân Loan không trả lời, bảo họ đi kiếm tìm những nhà sư học rộng của những tu viện ở Nara và Núi Tỷ Duệ cho những câu trả lời mang tính giáo lý. Sự trả lời của ngài thì rõ ràng và không thể lầm lẫn :

Đối với tôi, Thân Loan, tôi chỉ nhận những lời của vị thầy thân yêu của tôi, Pháp Nhiên, “Hãy chỉ niệm Phật và được cứu độ bởi A Di Đà”, và hiến mình giao phó cho Bổn Nguyện. Ngoài điều ấy ra không có gì khác. (Tannisho II)

Các đệ tử của ngài thất vọng biết bao ! Tuy nhiên Thân Loan chỉ xác nhận điều duy nhất thực sự quan hệ trong đời ngài : sợi chỉ niệm Phật hợp nhất quá khứ vô cùng và tương lai vô cùng, Bổn Nguyện và Tịnh Độ, cả hai là ở đây và bây giờ.

Hiểu biết giáo lý có thể gây thích thú nhưng rốt ráo thì không cần thiết, thực hành thiền định có thể nhiều ý nghĩa nhưng cuối cùng không sanh sôi, và đạo đức có thể được cổ vũ nhưng không giải thoát chúng ta khỏi vô minh mê lầm. Thân Loan kết luận buổi gặp gỡ bằng những lời từ giã : “Trong cốt tủy, đó là sự tin cậy giao phó chân thật được thực hành bởi gã ngu dốt này. Bây giờ, các ông có chấp nhận niệm Phật và đặt mình một cách tin cậy vào nó hay từ chối nó, đó là quyết định của các ông.”

Trong sợi dây đơn chiếc của niệm Phật chứa đựng hết mười a tăng tỳ kiếp, tất cả lòng bi của vô số vũ trụ, sự hy sinh của vô số bồ tát, Phật Vô Lượng Quang và Vô Lượng Thọ, Tịnh Độ Cực Lạc ngơi nghỉ an bình. Tất cả những cái đó sống động trong mỗi lời niệm nam mô A Di Đà Phật.

Đã lìa bỏ những con đường nhỏ


Của vô số thực hành và thiện hạnh,
Tôi trở về với Bổn Nguyện, thực tại chân thực duy nhất,
Nhanh chóng đạt đến giác ngộ là Niết Bàn.


---o0o---


LỜI BẠT


Ngày nay, khi tôi tiếp tục đi trên con đường trắng ngang qua sông lửa và sông nước, ba câu hỏi thúc đẩy cuộc hành trình của tôi vẫn còn là khuôn khổ của đời tôi và thế giới quan của tôi. Trong những năm gần đây con đường ấy rộng thêm và trải dài một cách lớn lao, vì Bổn Nguyện tự nó là con đường trắng vĩ đại. Và Bổn Nguyện như là công việc của đại bi có chỗ cho những tên cướp của giáo lý khô khan và cho những con thú hoang dã của những đam mê mù quáng chung sống với tôi trên con đường. Khác với ẩn dụ người du khách một mình bước trên đường, bỏ lại những tên cướp và thú dữ bên bờ phía đông, chúng đều đi bên cạnh tôi, nhắc nhở tôi thực tại của mình như một chúng sanh hữu hạn nghiệp báo sẵn sàng cho mọi loại cám dỗ. Nhưng chúng tôi sẽ cùng nhau đạt đến giải thoát và tự do trọn vẹn là Tịnh Độ ở bờ xa kia.

Cũng như những tên cướp và những thú dữ luôn luôn ở với tôi chừng nào tôi còn là một chúng sanh bị nghiệp ràng buộc, sông lửa và sông nước sẽ còn không tách lìa khỏi con đường trắng. Dù những con sông đã lặng và có vẻ yên bình, tôi biết rằng chúng có thể trở lại thành những ngọn lửa hừng hực và những ngọn sóng phủ chụp trong một khoảnh khắc. Đó là sự tham muốn của tôi, tượng trưng bởi nước, thì không thể thỏa mãn, bởi vì tôi muốn sống mãi mãi và thu xếp cuộc đời theo những tính toán quy ngã của tôi. Và sự giận dữ của tôi, tượng trưng bởi lửa, vẫn nằm dưới sự kiểm soát, nhưng khi sự việc không đi theo ý tôi muốn, nó có thể nổ bùng. Dù cho những người khác không thể thấy tham và sân ẩn núp trong tôi, chúng là có thực như sông lửa và sông nước trong thí dụ.

Bởi vì cuộc đời nghiệp báo của tôi không thể hình dung ra mà không có những tên cướp và thú dữ, lửa và nước, tôi chỉ có thể theo lệnh của Phật Thích Ca và nghe sự kêu gọi của Phật A Di Đà. Dù khi sự chú tâm của tôi mờ nhòa và sự quan tâm của tôi khuyết hụt, lời niệm Phật đem tôi trở lại thực tại của con đường trắng.

Như một lời kết, tôi trở lại với ba câu hỏi mà do chúng cuộc hành trình của tôi đã bắt đầu để tìm ra ý nghĩa. Thứ nhất, tôi là ai ? Từ đâu tôi đến ? Tôi đi về đâu ? Câu trả lời thì đơn giản. Tôi là một chúng sanh giới hạn và nghiệp báo, đầy vô minh và mãi mãi lạc loài, kẻ đó đã được ban cho một món quà, sợi chỉ đơn nhất của niệm Phật. Được hướng dẫn bởi sợi chỉ đơn nhất của niệm Phật, tôi trồi lên khỏi bóng tối của vô số kiếp quá khứ và thấy ánh sáng ban ngày, nó cho phép tôi trở nên chính tôi một cách chân thật và thực sự. Tôi đã đến, tôi đã về nhà. Những xáo động và hỗn loạn trong đời tôi là phần của thực tại của tôi, và tôi biết rõ ràng đầy đủ rằng định mệnh tối hậu của tôi là Tịnh Độ của Ánh Sáng Vô Lượng và Đời Sống Vô Lượng.

Thứ hai, cái gì là một lời nói của lòng bi ? Bây giờ tôi nhận ra rằng không phải là lời nói mà nguồn tâm mới là cốt yếu. Bất kể lưu loát thế nào, nếu lời nói đến từ một trí năng hạn hẹp và tâm thức tính toán, nó sẽ chỉ là trò chơi ngôn ngữ (hý luận), bao phủ vô minh của người ta và không bao giờ đạt đến chiều sâu của cảm nhận con người. Nhưng sự tỉnh giác này cho phép tôi từ bỏ những chiến thuật lan man và giao phó mình cho thực tại của đại bi. Từ chiều sâu của nó, bấy giờ trổi lên lời chân thật nâng lên toàn thể đời sống như nó vốn là. Nó có thể xuất hiện như chỉ một lời nói, hay một sự im lặng hùng biện, hay bản thân nam mô A Di đà Phật.

Cuối cùng, bạn tôi có hạnh phúc bây giờ không ? Ai phải nói đây ? Tôi càng quan tâm, tôi không có chọn lựa nào ngoài việc giao phó mình cho công việc của đại bi. Đại bi đó nguyện làm việc không ngừng nghỉ cho tới khi tất cả chúng sanh, dù một cọng cỏ, được giải thoát vào vũ trụ của ánh sáng vô biên. Tôi không cần thuyết phục rằng bạn tôi bây giờ đang sống trong lòng của đại bi, vượt ngoài hạn lượng của hạnh phúc và bất hạnh. Anh hợp vào giàn hợp xướng của vô số chúng sanh giác ngộ trong vũ trụ mà mỗi mỗi đều ca ngợi Danh Hiệu A Di Đà, và bất cứ khi nào tôi nghe nam mô A Di Đà Phật cất lên, tôi nghe giọng nói đầy an tâm của anh rằng tất cả đều tốt đẹp.

Con mắt thấy cái không thể thấy,
Lỗ tai nghe cái không thể nghe,
Thân thể biết cái không được biết.
 —Kanjiro Kawai

---o0o---


THUẬT NGỮ NHỮNG CHỮ THEN CHỐT


A Di Đà Phật : Phật của Ánh Sáng Vô Lượng và Đời Sống Vô Lượng, ngài là Bồ tát Pháp Tạng (Dharmakara) đã thành tựu bốn mươi tám lời nguyện cứu độ tất cả chúng sanh và đạt đến giác ngộ tối thượng.

Aikido : Nghệ thuật võ Nhật Bản do Ueshiba Morihei (1883-1969) sáng lập, kết hợp những hình thức võ thuật khác nhau trước kia và ủng hộ một triết lý bất bạo động.

Amida : Amida (A Di Đà) là sự phối hợp Đông Á của amitabha (Vô Lượng Quang) và amitayus (Vô Lượng Thọ).

An trụ thực sự : Trạng thái tối hậu của tin cậy giao phó nơi đó mọi nghi ngờ tan biến và giác ngộ hoàn hảo được bảo đảm.

Ánh Sáng Không Ngăn Ngại : Một đồng nghĩa thường dùng để chỉ A Di Đà, nghĩa là năng lực thấu nhập của Ánh Sáng đại bi không có gì có thể ngăn ngại, cản trở. Ánh Sáng này soi sáng bóng tối vô minh và chuyển hóa nó thành nội dung của giác ngộ.

Ánh Sáng Vô Lượng : Phẩm tính của A Di Đà như đã nguyện trong lời nguyện thứ mười ba.

Ba Kinh : Những kinh điển căn bản của Tịnh Độ : Đại Kinh của Tịnh Độ (Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm), Tiểu Kinh của Tịnh Độ (Kinh A Di Đà) và Kinh Quán Vô Lượng Thọ.

Ba Tâm : Ba từ ngữ then chốt trong lời nguyện thứ mười tám : tâm chân thành, tin cậy hoan hỷ, và ước mong sanh trong Tịnh Độ. Thân Loan biến đổi chúng từ những thái độ của con người cần thiết cho đời sống tôn giáo thành công việc của Phật bên trong mỗi chúng ta đáp ứng đời sống tôn giáo.

Bất nhị : Đây không phải là một phủ định đơn giản sự nhị nguyên, mà là sự phủ định cái bản ngã đối đầu với thế giới. Sự phủ nhận này xác nhận tính đa thù nội tại trong thế giới hiện tượng từ một vị trí không quy ngã.

Bất thối chuyển : Giai đoạn của bồ tát không trượt lui hay lùi lại nữa xuống những giai đoạn trước, kém phát triển hơn. Trong Phật giáo Chân tông nó diễn tả sự tin cậy giao phó chân thật, nó không phải là một hành động cá nhân mà là sự biểu lộ của Phật A Di Đà trong đời sống của một người.

Bonno (klesha) : Phiền não, cái làm xáo động thân tâm. Được dịch trong sách là đam mê mù quáng.

Bốn mươi tám lời nguyện : Những lời nguyện của bồ tát Pháp Tạng vì mọi chúng sanh khổ đau được nói trong Đại Kinh.

Bổn Nguyện : Dù dùng để diễn tả tất cả bốn mươi tám lời nguyện của A Di Đà, nó được dùng chủ yếu như một đồng nghĩa với lời nguyện thứ mười tám.

Chuyển hóa : Kinh nghiệm tôn giáo trung tâm trong Chân tông, nhờ đó xấu được chuyển hóa thành tốt nhờ năng lực đại bi.

Chúng sanh ngu dại (bonbu) : Một người nhận thức đời người là giới hạn, bất toàn, ngắn ngủi và đầy bóng tối vô minh. Theo lời của Thân Loan, “Như được diễn tả trong thí dụ hai dòng sông và con đường trắng, chúng ta đầy vô minh và phiền não. Tham muốn của chúng ta thì vô số, và sân giận, ghen ghét, đố kỵ tràn ngập, khởi lên không ngừng. Cho đến khoảnh khắc chót của cuộc đời chúng không dứt, không biến mất, không cạn kiệt.” Ghi Chú về Một Lần Gọi và Nhiều Lần Gọi.

Con đường của những bậc Thông Tuệ : Những trường phái tu viện của Phật giáo như Thiền, đòi hỏi từ bỏ đời sống gia đình, tuân thủ giới luật, độc thân và những hạn chế về ăn uống với mục đích thực hiện trí huệ.

Con Đường Tịnh Độ : Truyền thống trong Phật giáo Đại thừa mở cho tất cả mọi người và chỉ dạy sự siêu vượt rốt ráo khỏi khổ đau qua công việc của đại bi.

Công đức (toku) : Thường thấy trong bản dịch Anh ngữ những tác phẩm Tịnh Độ, nó hàm ý sự thực hiện tiềm năng trọn vẹn nhất của con người được thành tựu bởi việc thể hiện Pháp.

Danh Hiệu : Dịch chữ myogo, thực tại tối hậu là Phật A Di Đà.

Danh Hiệu kêu gọi : Dịch chữ “niệm Phật” theo cách giải thích, gợi ý sự quan tâm chính yếu của đại bi đối với chúng sanh nghiệp báo trong sanh tử.

Đời Sống Vô Lượng : Phẩm tính của A Di Đà như đã nguyện trong lời nguyện thứ mười hai.

Đức tin : Đức tin đặt nền trên nhị nguyên chủ thể-đối tượng được tóm tắt trong câu nói, “Sự tin tưởng vào những việc được mong mỏi, tin vào những sự việc không thấy.” Khác với đức tin là sự tin cậy, giao phó chân thật, đặt nền trên bất nhị. Đức tin này được A Di Đà ban cho những chúng sanh ngu dại trong sanh tử.

Hakarai : Từ ngữ nghĩa là dự định, tiên đoán, tính toán và thi hành, và được dùng theo hai cách. Như một đồng nghĩa với tự lực, nó ám chỉ lối suy nghĩ nhị nguyên của chúng sanh ngu dại ; và như một miêu tả công việc của Tha Lực, nó diễn tả công trình của Bổn Nguyện cứu độ tất cả chúng sanh.

Kalyanamitra : Nghĩa đen, một người bạn tốt nhưng nó được áp dụng cho một người hướng dẫn tâm linh chỉ dạy người ta tiến bộ trên con đường giác ngộ.

Khí (ki) : Từ ngữ này có hai nghĩa. Thứ nhất, nó chỉ năng lực sinh khí hòa thấm trong thế giới hiện tượng, gồm cả con người. Thứ hai, như được dùng trong Phật giáo Chân tông ki-ho ittai, ám chỉ tiềm năng tâm linh của một con người (ki) và hợp nhất (ittai) với pháp hay Phật A Di Đà (ho).

Kiếp (kalpa) : Một đơn vị vô cùng dài của thời gian, được diễn tả một cách ẩn dụ, để hàm ý những nối kết rộng lớn với quá khứ sâu xa.

Lắng nghe sâu xa (monpo) : Sự thực hành này, cùng với niệm Phật tạo thành đời sống tôn giáo của Chân tông.

Lời Nguyện Thứ Mười Tám : Lời này tóm kết ý định của tất cả bốn mươi tám lời nguyện, đại diện cho tất cả Bổn Nguyện nên thường được gọi là Bổn Nguyện.
Mahasthamaprapta : Bồ tát của trí huệ. Cùng với Bồ tát của lòng bi Quán Thế Âm là hai vị Bồ tát thường trực với Phật A Di Đà. Tiếng Việt : Đại Thế Chí.

Mappo : Thời kỳ thứ ba trong ba thời kỳ của Phật giáo : Thời Chánh pháp (năm trăm năm), Thời Tượng pháp (một ngàn năm) và thời Mạt pháp (mười ngàn năm). Những quan niệm phân chia thời gian có khác nhau, nhưng với Thân Loan, mạt pháp không chỉ là lịch sử mà có tính cách hiện sinh ; đó là bản chất hư hoại trong thân phận con người, dù quá khứ, hiện tại hay tương lai.

Myokonin : Nghĩa đen là “người hiếm có và đặc biệt”, thường có dòng dõi tầm thường và không có một nền giáo dục chính thức sống sự niệm Phật trong đời sống hàng ngày. Myokonin giống như hoa sen đẹp nở trong nước bùn, nhưng họ không phải là những “vị thánh”, vì họ không thánh thiện thiêng liêng và không được phong Thánh.

Nam mô A Di Đà Phật : Đây là Danh Hiệu Phật A Di Đà xác nhận mỗi cá nhân (nam mô) được ôm trùm bởi đại bi (A Di Đà Phật).

Nghiệp : Từ gốc tiếng Sanskrit (karma) nghĩa là “hành động”, nó đưa đến luật nhân quả. Trong Phật giáo Chân tông, nó được dùng để chỉ hiện hữu giới hạn, bất toàn và hữu hạn, như nói chúng sanh nghiệp báo, chúng sanh nghiệp báo trói buộc hay nghiệp xấu.

Nghiệp xấu : Ở đây nghiệp ám chỉ cội nguồn sâu xa không thể biết của bóng tối vô minh gây ra mọi loại hậu quả tiêu cực đưa đến khổ đau cho chính mình và cho những người khác. Do đó nó được gọi là xấu.

Ngũ nghịch : Năm trọng tội : giết cha, mẹ, nhà sư, làm chảy máu thân Phật và phá vỡ sự hòa hiệp của Tăng đoàn. Trong Phật giáo Đại thừa, chúng bao gồm từ chỉ trích, phá hoại cơ cấu Phật giáo cho đến lơ là với công việc nền tảng của luật nhân quả.

Niệm Phật : Từ ngữ này ám chỉ nam mô A Di Đà Phật có hai hàm ý. Khi chúng ta hiểu như Danh Hiệu hay myogo, nó là thực tại tối hậu ; và khi được dùng cho sự xướng âm Danh Hiệu, nó là sự nói lên Danh Hiệu.

Pháp thân : Thực tại nền tảng vượt ngoài ý niệm của con người và diễn tả ngôn ngữ. Nó được gọi là dharmata dharmakaya (pháp thân như là chân như) xuất hiện trong thế giới ngôn ngữ con người như là upaya dharmakaya (pháp thân như là lòng bi) và biểu lộ cụ thể thành nam mô A Di Đà Phật. Thân Loan giải thích sự tương quan giữa hai cái : “Pháp thân như là lòng bi khởi từ pháp thân như là chân như, và pháp thân như là chân như khởi lên trong thức con người như pháp thân như là lòng bi. Hai phương diện này của pháp thân khác biệt nhưng không tách lìa ; chúng là một nhưng không đồng nhất.” Lời dạy III.

Phật tánh : Tiềm năng giác ngộ trong mọi chúng sanh và mở rộng là thực tại nền tảng thấm nhuần khắp thế giới hiện tượng.

Tha Lực : Đại bi vượt khỏi mọi đối tượng hóa (bất nhị) nhưng tham gia vào đời sống tâm linh của tất cả chúng sanh. Theo Thân Loan, “Tha Lực là cái thoát khỏi mọi hình thức tính toán.” Xem Những Bức Thơ của Thân Loan.

Tin cậy, giao phó chân thật (shinjin : tín tâm) Có hai hàm ý : (1) tâm và lòng chân thật của Phật A Di Đà thấm trong tâm và lòng ngu dại của chúng sanh, và (2) bởi thế làm cho có thể tin cậy, giao phó chính mình cho A Di Đà.

Tịnh Độ : Cõi của những người giác ngộ, nhưng ngày nay được dùng thường nhất để chỉ cõi Tây phương của Phật A Di Đà.

Tự lực : Những nỗ lực tự sinh của con người để mở đường vào giải thoát và tự do, nhưng một chúng sanh giới hạn không bao giờ có thể thực hiện trọn vẹn mục đích vô hạn này. Theo Thân Loan : “Tự lực là nỗ lực để đạt đến sự sanh (vào các cõi khác), hoặc bằng tụng cầu các danh hiệu của chư Phật khác với A Di Đà và thực hành những thiện hạnh khác với niệm Phật, phù hợp với hoàn cảnh và cơ hội riêng của bạn ; hay bằng cách nỗ lực tự làm cho mình xứng đáng nhờ sửa đổi sự lầm lạc trong thân, ngữ, ý, tin vào năng lực của chính mình và được hướng dẫn bởi sự tính toán của mình.” Xem Những Bức Thơ của Thân Loan.

Tự nhiên (Jinen) : Năng lực của mỗi sinh thể (tự) thành tựu chính nó, trở thành cái nó phải trở thành (nhiên).

Vô sanh của mọi sự : Trí huệ thấy biết tánh Không của thực tại hiện tượng.


---o0o---

HẾT

tải về 0.82 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   22   23   24   25   26   27   28   29   30




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương