PHẬt giáo thừa thiên huế Số 11


TỊNH ĐỘ: PHƯƠNG PHÁP THỰC NGHIỆM



tải về 1.04 Mb.
trang4/17
Chuyển đổi dữ liệu29.11.2017
Kích1.04 Mb.
#34763
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   17

TỊNH ĐỘ: PHƯƠNG PHÁP THỰC NGHIỆM



Khoa học ra đời thế kỷ 19, đã chứng minh, phân tích rất nhiều vấn đề có liên quan đến nhân quan sinh và vũ trụ quan. Nhưng khoa học vẫn băn khoăn trước vấn đề tâm linh, chứng ngộ, mà đặc biệt là con đường tâm linh chứng ngộ của Phật giáo. Điều này đã được các nhà khoa học, văn hào, triết gia,... nổi tiếng thừa nhận; chẳng hạn như thi sĩ và ký giả nổi tiếng người Anh, Edwin Arnold (1832-1904)18, Egerton C. Baptist; nhà vật lý học lừng danh được trao tặng giải Nobel về Vật lý năm 1921, người Mỹ, gốc Đức, Albert Einstein (1879 - 1955); Khoa học gia Charles Eliot; hay như Bertrand Russell (1872-1970), nhà toán học, triết học, và là nhà cách mạng Anh, được tặng giải Nobel văn chương năm 1950; hoặc xa hơn như Blaise Pascal (1623-1662) đã từng đoạt danh hiệu là nhà thần đồng toán học, và là nhà vật lý, triết gia người Pháp, ông là sáng chế ra máy tính, và rất nhiều các danh sĩ khác trên thế giới đều rất hâm mộ và ca ngợi triết thuyết và tâm linh Phật giáo19 . Đặc biệt, ông Albert Einstein nói như sau: “Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì nó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần từ bỏ quan điểm của mình để theo khoa học, vì Phật giáo bao gồm cả khoa học cũng như vượt hẳn khoa học. Phật giáo là cái cầu nối giữa tôn giáo và tư tưởng khoa học. Mà những điều đó khích động con người khám phá những khả năng tiềm ẩn ngay trong mỗi con người và môi trường xung quanh nó. Phật giáo siêu việt thời gian và mãi mãi có giá trị”20. Đúng như thế, "Phật giáo sẽ trường tồn như mặt trời và mặt trăng và loài người hiện hữu trên mặt đất; do đó, Phật giáo là tôn giáo của con người, của nhân loại, cũng như của tất cả"21. Có thể nói rằng, sự xuất hiện của khoa học hiện đại chẳng qua chỉ là sự “trùng tuyên” và minh chứng lời dạy và sự thực chứng của giáo lý đạo Phật.

Tâm linh là con đường mà tất cả mọi giai tầng đều hướng đến để tìm hiểu khám phá và thực chứng nó. Nhưng muốn khám phá và thực chứng đời sống ấy, trước hết chúng ta phải có Đức tin. Trong kinh Phật dạy rằng: "Tín vi đạo nguyên, công đức mẫu,..." và Kinh Hoa Nghiêm cũng nhấn mạnh rằng " Nếu rời khỏi tín căn, tâm thấp kém, ưu tư và hối hận, công hạnh không đầy đủ, thối mất sự tinh cần. Đối với thiện căn mà tâm đã sanh sự đình trụ, đối với một ít công đức tự cho là đã đủ, không thể thiện xảo phát khởi hạnh nguyện". Lại nữa, trong 37 phẩm trợ đạo, thì yếu tố "tín căn" và "tín lực" là hai yếu tố đứng đầu Ngũ căn và Ngũ lực. Chính đó là những yếu tố làm phát triển thiện căn, dẫn dắt con người vào Đạo và thực hành Chánh đạo.

Hay nói như Luận Đại Trí Độ Luận "Phật pháp mênh mông như biển cả, con người có thể dùng niềm tin để đi vào".

Niềm tin do đâu mà phát khởi? - Niềm tin phát khởi do bốn trường hợp.

a. do Hiện kiến: Niềm tin phát khởi là do nhìn thẳng vào hiện thực - nghĩa là nhìn thấy sanh, lão, bệnh, tử, ... là những sự khổ. Đó là những sự khổ hiển nhiên mà mọi người ai cũng thấy và cũng biết. Do thấy và biết như vậy, nên phát khởi niềm tin rằng "khổ đế" là một sự thật hiển nhiên của con người và của tất cả chúng sanh.

b. do Chiêm nghiệm và loại suy:  nghĩa là dựa vào một sự kiện, một kết qủa thực tế, để suy nghiệm nguyên nhân. Chẳng hạn, dựa trên khổ đế để suy nghiệm nguyên nhân của khổ là "tập đế" và tin tưởng rằng"tập đế" là nguyên nhân của mọi khổ đau.

c. do Kinh nghiệm và thực hành: Niềm tin phát sinh là do kinh nghiệm của cuộc sống và do sự thực hành. Chẳng hạn, do thực hành "Đạo đế" là con đường thoát khổ, con đường dẫn đến sự hạnh phúc và an lạc.

d. do dựa vào lời nói của bậc Thánh: Chẳng hạn, Đức Phật nói "diệt đế"  là cảnh giới hạnh phúc an lạc tối thượng, do lời nói ấy của Đức Phật làm phát sinh niềm tin cho những đệ tử của Ngài. Và những đệ tử của Ngài tin tưởng tu tập để đạt được cảnh giới hạnh phúc ấy22.

Tin23 không có nghĩa là chấp nhận một quy luật khắc nghiệt nào hay một sự ban thưởng, trừng phạt nào của một đấng tạo thế, thần linh. Tin như thế là mê tín, là cuồng tín, là si tín. Trái lại, nếu đức tin được soi sáng bởi Trí tuệ (chánh kiến) thì Đức tin đó gọi là Chánh tín.

Tin ở sự nỗ lực chuyển hóa thân tâm của mình và tin ở sự chuyên tâm niệm Phật của mình để thể nhập thế giới Tịnh độ, gọi là tự tín. Tin vào trí tuệ của Phật là siêu việt, vượt qua tất cả mọi định kiến và sự giải thoát của Ngài là sự giải thoát khổ đau sanh tử, và nguyện lực của Ngài là con thuyền đưa chúng sanh về tịnh độ, gọi là tha tín. Vì thế, muốn về tịnh độ thì phải niệm Phật. Niệm Phật theo tịnh độ tông, nói chung gồm có bốn cách:

- Trì danh niệm Phật: Nghĩa là hành giả nắm lấy danh hiệu Đức Phật A Di Đà mà niệm. Trì danh niệm Phật, không có nghĩa là niệm Phật bằng miệng mà phải niệm Phật bằng tâm. Chúng ta phải nắm lấy danh hiệu đó bằng trái tim của chúng ta, và qua danh hiệu đó chúng ta thấy Phật có mặt trong tâm ta. Cho nên nói: "khi niệm danh hiệu Phật, lòng mình có sự rung động. Giống như mình gọi tên của người thương mình vậy. Nghe tên người thương, mình cảm thấy rung động, nó làm cho mình khỏe, nó làm cho mình có hy vọng. Niệm Bụt cũng phải như vậy. Niệm Bụt không phải chỉ là gọi tên một cách trống rỗng, mà phải làm cho lòng mình tràn đầy sự tín kính"24.

- Quán tượng niệm Phật: Nghĩa là nương vào hình tượng của Đức Phật A Di Đà mà niệm lên danh hiệu của Ngài. Qua hình tượng với tướng hảo trang nghiêm thanh tịnh đó, hành giả có thể nhớ đến công hạnh và thệ nguyện độ sanh rộng lớn của Ngài mà niệm đến Ngài. Niệm cho đến khi nào "Nhất tâm bất loạn" thì sẽ được thấy được chư Phật và chư vị Bồ tát.

- Quán tưởng niệm Phật: Bằng trì danh niệm Phật hoặc quán tượng niệm Phật, hành giả có thể đạt tới trạng thái niệm Phật không còn loạn động. Ở đây, hành giả niệm Phật bằng sự quán tưởng, nghĩa là hành giả nhớ đến Phật với thân sắc vàng, hào quang trắng bạch của Ngài ADi Đà, hoặc quán tưởng cảnh giới Cực lạc với đủ thứ nghiêm lệ mà niệm Phật. Niệm Phật bằng sự quán tưởng cũng sẽ giúp hành giả đạt tới niệm Phật tam muội.

- Thật tướng niệm Phật: Qua quá trình hành giả thực tập ngày đêm các phương pháp niệm Phật ở trên, đến giai đoạn này, khả năng niệm Phật của hành giả đã thuần thục, nghĩa là hành giả niệm Phật đến giai đoạn niệm mà không niệm, không niệm mà niệm. Trong mọi động thái của hành giả luôn luôn thể hiện chất liệu niệm Phật; bấy giờ danh hiệu Phật không nằm ngoài tâm của hành giả mà nó như là máu, là tim, là phổi,...v.v...luôn có mặt trong chính cơ thể của hành giả. Phật với Tâm là một.

Nói gọn, Niệm Phật cần phải biết danh hiệu Phật, hình tượng, tướng hảo Phật, quán tưởng Phật, cho đến giai đoạn niệm Phật tự trong tâm. Niệm Phật như thế gọi là niệm Phật có nội dung, gọi là niệm Phật nhất tâm. Cho nên, dầu chưa thác sanh về Tịnh độ, nhưng đường về Tịnh độ đã thật sự có lối.

Ngày xưa, Ngài Đại Thế Chí Bồ Tát nhờ niệm Phật mà đắc viên thông; trong chương "Đắc Đại Thế Chí niệm Phật Viên Thông", có ghi rằng: "Tôi nhờ pháp môn niệm Phật mà đắc viên thông, nếu người nào y theo pháp môn này tu hành thì cũng đắc viên thông". Chính vì thế, khi nhắc đến Bồ tát Đại Thế Chí, chúng ta nhớ rằng: "Ức Phật, niệm Phật, hiện tại đương lai quyết định thành Phật" (nhớ Phật, niệm Phật, hiện tại và tương lai, chắc chắn thành Phật).

Nếu niệm Phật mà không có nội dung, không có sự nhất tâm thì dễ trở thành niệm Phật trống rỗng và mang chất liệu mê tín. Vậy, niệm Phật như thế nào để nó không trở nên là một sự cầu nguyện mang tính mê tín mà nó biến thành đời sống thực nghiệm?

Không phủ định cho rằng, Tôn giáo luôn đi kèm với sự cầu nguyện, Phật giáo không chấp nhận lối cầu nguyện của quần chúng. Nhưng, Phật giáo phủ định cách cầu nguyện vô lý không dựa đến Chánh kiến. Một lối cầu nguyện vô lý là một sự cầu nguyện không có tính thuyết phục, không có chất liệu của sự sống. Nếu có chăng, Phật giáo chấp nhận sự cầu nguyện thì sẽ khuyên rằng: “Nếu anh, chị cầu nguyện trước Đức Phật, hay Đức Chúa Jesus... thì anh, chị phải gột rửa những tư tưởng thấp kém, sửa đổi tất cả những tật xấu như tham lam, sân giận, trách móc, kỳ thị và bạo động trong tâm đi thì sự cầu nguyện ấy sẽ trở nên có hiệu quả và rất sống động”. Cho nên, niệm Phật là trở về với cõi sáng của tâm thức, “Niệm Phật chính là niệm chân lý, Niệm chân lý tức là niệm tâm. Niệm tâm tức là niệm Phật. Kỉnh Phật tức là kỉnh tâm, khinh Phật tức là khinh tâm mình. Khinh tâm bỏ tâm mà tìm hạnh phúc, tìm chân lý thì không bao giờ có hạnh phúc”25. Niệm Phật là niệm chân lý mà con người là hiện thân của chân lý. Con người cũng đầy đủ vạn năng và liên quan mật thiết với vũ trụ. Nho giáo cho rằng: “Nhân thân tiểu thiên địa”. Thân người là bầu trời con, do đó tất cả mọi ý nghĩa, lời nói, mọi cử chỉ và mọi động tác đều ảnh hưởng đến thế giới quan, và tác động đến toàn thể vũ trụ. Nên, sự hiện thân của Đức Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền cho đến cỏ cây hoa lá, chim hót, dòng suối chảy hay bước chân thiền hành lướt nhẹ qua bãi cỏ xanh rờn...đều là hiện thân của Chân lý. Bởi chân lý không tách rời sự sống thực tại. Vì thế, niệm Phật là cơ hội tiếp xúc với chân lý, là để sống chân thật với những gì có mặt và hiện hữu. Do đó, phương pháp niệm Phật là con đường thực nghiệm để khám phá ra những bí ẩn trong lòng thực tại sự sống để thấy được rằng: Quê hương vẫn là đây, Trăng vẫn mảnh trăng này. (Vô vi - Thơ Viên Minh). (còn tiếp)

T.V.P.


---o0o---


tải về 1.04 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương