PHÉp lạ thánh thể Lm. Đoàn Quang, cmc xuanha net Mục lục Phép lạ Thánh Thể


HÌNH CHÚA HÀI ĐỒNG VÀ MÁU THÁNH TỪ MÌNH THÁNH



tải về 1.12 Mb.
trang8/9
Chuyển đổi dữ liệu20.11.2017
Kích1.12 Mb.
#34471
1   2   3   4   5   6   7   8   9

5. HÌNH CHÚA HÀI ĐỒNG VÀ MÁU THÁNH TỪ MÌNH THÁNH
Ngày 13-7-1857, Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Pio IX (1846-1878) đến hành hương Ferrare (Trung Bắc Ý). Chiều hôm ấy, cùng với đoàn tùy tùng gồm các Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục, Đức Pio IX trang nghiêm tiến vào đền thờ Santa Maria del Vado nơi có thánh tích Phép Lạ Thánh Thể xảy ra trước đó gần 7 thế kỷ. Thánh đường nhân dịp này được thắp sáng trông thật uy linh lộng lẫy. Đức Pio IX đến quì trước Nhà Tạm, thờ lạy Đức Chúa GIÊSU Thánh Thể. Xong, ngài bước sang bàn thờ bên cạnh, nơi có thánh tích Máu Thánh Đức Chúa GIÊSU ghi trên các tấm đá. Đức Pio IX lặng lẽ quì gối thờ lạy Máu Châu Báu Cực Thánh của Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Sau khi thờ kính, Đức Thánh Cha tiến lại gần quan sát kỹ lưỡng các Vết Máu. Ngài quay sang nói với mọi người hiện diện:
- Các Giọt Máu này giống y các Giọt Máu Phép Lạ ghi trên Khăn Thánh thành Orvieto vào năm 1263.
(Câu nói chứng tỏ sự thật hiển nhiên của Phép Lạ Thánh Thể tại cả hai nơi: Ferrare và Orvieto, đều thuộc nước Ý)
Năm 1871, nhân kỷ niệm 700 năm xảy ra Phép Lạ Thánh Thể Ferrare (1171-1871), Đức Thánh Cha Pio IX ban cho thành một ân huệ đặc biệt. Đó là hàng năm vào Chúa Nhật thứ 5 sau Phục Sinh, toàn thể giáo phận Ferrare được cử hành các nghi lễ trọng thể để kính nhớ Phép Lạ Thánh Thể.
Sau đây là diễn tiến Phép Lạ được ghi trong sử liệu Giáo Hội Công Giáo.
Chúa Nhật Phục Sinh 26-3-1171, nơi nhà thờ Santa Maria del Vado, cử hành Thánh Lễ trọng thể mừng Đức Chúa GIÊSU Phục Sinh. Chủ tế Thánh Lễ là Cha Pietro di Verona, một Linh Mục nổi tiếng thánh thiện. Hiện diện trong Thánh Lễ còn có một số Linh Mục khác và đông đảo giáo dân thành Ferrare tham dự.
Sau lời truyền phép khi vị chủ tế giơ cao Mình Thánh Chúa cho giáo dân thờ lạy, bỗng toàn thể cộng đoàn trông thấy rõ ràng hình ảnh Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng xuất hiện trong Bánh Thánh. Thân Thể Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng nằm trọn trong Bánh Thánh. Vào thời kỳ đó, tại nước Ý, Bánh Thánh lớn thường có chiều kích gấp 4,5 lần Bánh Thánh lớn hiện nay. Do đó, toàn thể cộng đoàn có thể chiêm ngắm rõ ràng hình ảnh Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng xuất hiện trong Bánh Thánh.
Thánh Lễ được tiếp tục trong sự xúc động sâu xa của toàn thể cộng đoàn. Thế nhưng, sự lạ êm ái nhẹ nhàng đầu tiên lại tiếp nối một sự lạ thứ hai, oai hùng và đáng run sợ hơn. Đó là, khi vị chủ tế cầm lấy Bánh Thánh và bẻ ra làm đôi, bỗng Máu Thánh Chúa dồi dào tuôn ra từ Bánh Thánh. Máu Thánh chảy ra lênh láng. Chưa hết, Máu Thánh còn phun vọt lên khiến trần đền thờ lấm tấm các giọt Máu Thánh. Mọi tín hữu có mặt đều khiếp kinh hồn vía.. Sau đó, người ta nghĩ rằng, Phép lạ Máu Thánh tuôn ra từ Bánh Thánh như câu trả lời cho những người Do Thái lúc ấy đang có mặt tại thành Ferrare. Những người Do Thái này thường rêu rao từ chối không tin Đức Chúa GIÊSU hiện diện thật sự trong Bánh Thánh. Không tin đã đành, họ còn dám chế nhạo và xúc phạm đến Đức Tin của các tín hữu Công Giáo.
Phép Lạ Thánh Thể quá hiển nhiên. Tin đồn loan nhanh trong thành phố và các vùng phụ cận. Mọi người tức tốc chạy đến chứng kiến tận mắt Phép Lạ Máu Thánh Đức Chúa GIÊSU tuôn ra từ Bánh Thánh. Chính Đức Cha Amato, giám mục Ferrare cũng đích thân đến ngay nhà thờ Santa Maria del Vado. Chứng kiến hiện tượng diệu kỳ, đức giám mục long trọng tuyên bố trước toàn thể các tín hữu:
- THIÊN CHÚA đã thực hiện một công trình cao cả và trọng đại.
Về phần Đức Cha Gerardo, Tổng Giám Mục giáo phận Ravenna, khi nghe tin đồn Phép Lạ Thánh Thể cũng mau mắn đến ngay Ferrare. Trước Máu Thánh phép lạ, Đức Cha quỳ gối thờ kính thật lâu. Sau đó, Đức Cha ban ân xá cho tín hữu nào đến kính viếng Máu Thánh Đức Chúa GIÊSU với trọn lòng tin yêu. Đức Tổng Giám Mục cũng không ngần ngại tuyên bố:
- Quả thật, chính THIÊN CHÚA đã làm một điều kỳ diệu.

----------------------------------------------------------



PHÉP LẠ THÁNH THỂ

THẾ KỈ 20
1 và 2. HAI PHÉP LẠ TẠI STICH, NƯỚC ĐỨC,

Năm 1970
(Joan Carroll Cruz, Phép Lạ Thánh Thể, Chương 32, Regina xb, USA, 2002)
Stich là ấp nhỏ nhất trong ba ấp tạo nên một giáo xứ tại miền Bavaria, Tây Đức, giáp giới với Thụy Sĩ.
1- Vào năm 1970, cả ba ấp này được một linh mục coi sóc, ngài đến từ đền thánh Đức Maria Rhein, có từ thời đế quốc La Mã. Vì cha sở lâm bệnh, nên vị linh mục khách từ Thụy Sĩ đến nhận nhiệm vụ, và ngài chuẩn bị dâng thánh lễ theo nghi lễ công đồng Trent tại nhà nguyện Stich vào lúc 8 giờ tối thứ Ba, ngày mồng 9 tháng 6 năm 1970.
Thánh lễ vẫn tiếp diễn theo nghi thức truyền thống cho đến giờ truyền phép, bỗng nhiên vị linh mục nhìn thấy trên tấm khăn gần chén thánh có một chấm đỏ nho nhỏ nhanh chóng lan rộng, lớn bằng một đồng tiền. Lúc nâng Máu Thánh tôn vinh sau khi truyền phép, linh mục cũng nhận thấy một chấm đỏ khác trên khăn thánh ngay tại chỗ chén thánh mới vừa đặt. Nghi ngờ có chỗ rò, ngài thò tay xuống dưới miết qua phần dưới của chén thánh, nhưng hoàn toàn không thấy có chỗ ẩm bên dưới.
Sau khi thánh lễ bế mạc, vị linh mục xem xét kỹ lưỡng ba tấm khăn trên bàn thờ: tấm khăn thánh, tấm khăn hẹp trải bên dưới được coi như khăn thánh thứ hai; và tấm khăn dài phủ bàn thờ. Vì tất cả đều khô, nên ngài không thể tìm được lý do giải thích sự xuất hiện của các chấm đỏ. Sau khi các tấm khăn dính máu được cất vào một vị trí an toàn, vị linh mục liền đến nhà xứ để tường trình diễn tiến cho cha sở đang yếu bệnh.
Vào thứ Năm, ngày 11 tháng 6, các tấm khăn dính máu được cha sở và vị linh mục Thụy Sĩ xem xét cẩn thận, cả hai đều không thể tìm ra lời giải thích tự nhiên nào về các vết dính. Sau khi đã được chụp ảnh, các tấm vải được gửi đến phòng thí nghiệm hóa học để phân tích.
Các kết quả giám định được nữ tu Marta Brunner thuộc đại học bách khoa Zurich gửi đến cho các linh mục. Trong bức thư gửi cho hai vị linh mục, với chữ ký của những người thực hiện cuộc giám định, nữ tu ấy đã tuyên bố các tấm vải đã được trao cho bốn chuyên viên phân tích khác nhau, nhưng không cho họ biết về những điều đã xảy ra trên bàn thờ. Nữ tu viết:
Tôi đã tuân theo chỉ thị của các cha một cách nghiêm ngặt, yêu cầu các chuyên viên cho biết đây là những vết rượu, vết máu hoặc chất gì khác. Kết quả từ bốn cuộc phân tích cho thấy các vết dính được tạo nên là máu người. Ngoài ra, giám đốc của phòng thí nghiệm bệnh viện còn cho biết theo phán đoán đã cân nhắc của ông, máu ấy chắc chắn là máu của một người đang chịu đau đớn cực độ.
Bốn người thực hiện cuộc phân tích là giám đốc phòng thí nghiệm hóa học, chuyên viên đứng đầu phòng kiểm soát máu, một sinh viên y khoa học kỳ thứ sáu, và chuyên viên đứng đầu phòng thí nghiệm về máu và máu đông.
Bức thư của nữ tu Marta được đóng dấu của viện thí nghiệm liệu pháp quang tuyến và y khoa nguyên tử, và dấu của đại học bách khoa Zurich.
2- Vào ngày 14 tháng 7 năm 1970, lúc 8 giờ tối, vị linh mục Thụy Sĩ theo chương trình sẽ dâng một thánh lễ nữa tại nhà nguyện xứ Stich, theo sách nghi lễ công đồng Trent. Ngày này tình cờ trùng với ngày kỷ niệm 400 năm bửu sắc Quo Primum của đức thánh Giáo Hoàng Pius V được ban hành năm 1570. Trong văn kiện ấy, đức thánh Giáo Hoàng truyền khắp Giáo Hội phải cử hành thánh lễ theo sách lễ Roma; các giám mục không còn được tự do phát hành các sách lễ riêng nữa. Sách lễ của đức Pius V thường được gọi là sách lễ công đồng Trent, vì được ban hành như một phần cải tổ của công đồng Trent.
Trước khi thánh lễ khai mạc, vị linh mục đảm bảo đá bàn thờ, các khăn bàn thờ, khăn thánh, và chén thánh đều tuyệt đối sạch sẽ và nguyên vẹn. Tuy nhiên, ngay sau khi truyền phép, các chấm đỏ lại xuất hiện trên khăn thánh. Quay sang bên, vị linh mục ra hiệu cho ông từ, ông lên và đến sát bàn thờ. Trong khi người thủ từ nhìn kinh ngạc vào các vết đỏ, thì vị linh mục cho rước lễ. Nhận ra thái độ bất thường của người thủ từ, cộng đoàn nghi ngờ có gì bất thường đã xảy ra và bồn chồn trong suốt phần còn lại của thánh lễ. Đến cuối lễ, vị linh mục đáp ứng tính hiếu kỳ của dân chúng bằng cách cho họ đến sát bàn thờ để tận mắt xem các vết dính.
Sự kiện thứ hai này cũng được tức tốc tường trình lên cha sở. Vì các tấm vải ngày 9 tháng 6 đã được giao cho phòng thí nghiệm của đại học bách khoa Zurich, nên cha sở quyết định gửi các tấm vải ngày 14 tháng 7 lên bệnh viện quận Cercee,1 cũng với những biện pháp thận trọng, và không tiết lộ về nguồn gốc các vết dính. Các nhà khoa học chỉ được yêu cầu nhận diện chất lỏng đã tạo ra các vết dính ấy.
Kết quả những cuộc giám định các vết dính ngày 14 tháng 7 được gửi về ngày 3 tháng 8 năm 1970. Một bản báo cáo được được gửi lên đức giám mục, tuyên bố ngắn gọn các vết dính ấy là máu người.
Sau khi đã nhận được kết quả các cuộc giám định, người ta bắt đầu nhận các tờ khai trình từ một số người đã chứng kiến các vết dính trên bàn thờ lúc phép lạ ngày 14 tháng 7. Vào ngày 8 tháng 11 năm 1970, thủ từ nhà thờ xứ Stich, ông Joseph Talscher cung khai rằng:
Vào chiều tối ngày 14 tháng 7, cha đang cử hành thánh lễ tại nhà nguyện xứ Stich. Lưu tâm đến những điều đã xảy ra vào ngày 9 tháng 6, chúng tôi bảo đảm các khăn trải trên bàn thờ đều sạch sẽ… Sau khi rước lễ, linh mục ra hiệu cho tôi và chỉ vào bàn thờ. Khi ấy, tôi nhìn thấy các vết dính. Sau thánh lễ, tất cả chúng tôi đến gần nhìn cho rõ ràng các tấm vải và đặc biệt là có một vệt lớn, to bằng tấm bánh thánh của linh mục. Chúng tôi nhìn thấy một hình thánh giá rất rõ trên đó. Chúng tôi nhìn nhau kinh ngạc. Có một chút khác biệt giữa các vết dính này với các vết dính ngày 9 tháng 6, những cũng cùng một vị linh mục dâng lễ. Tôi tuyên thệ sẵn sàng lặp lại tất cả những điều này.

Ông Johannes Talscher, thủ từ đền thánh Đức Maria Rhein, anh em với người thủ từ của nhà thờ Stich, tuyên bố rằng họ đã tham dự thánh lễ ngày 14 tháng 7 tại nhà thờ Stich. Ông ấy còn viết thêm:


Tôi đã biết về phép lạ máu thánh ngày 9 tháng 6 khi linh mục này đang dâng thánh lễ, vì thế tôi hy vọng sẽ xảy ra lần thứ hai… Vào cuối lễ, cha đáng kính bảo chúng tôi đọc kinh Lạy Cha để tôn vinh Máu Thánh Chúa. Sau đó, tỏ vẻ cảm động, ngài cho chúng tôi biết hiện tượng ngày 9 tháng 6 lại xảy ra. Chúng tôi được phép lên gần bàn thờ. Tôi nhìn thấy bốn vết dính. Một vết lớn bằng tấm bánh lễ dành cho linh mục và một hình thánh giá bên trong. Một vết khác lớn bằng tấm bánh lễ nhỏ, và hai vết còn lại nhỏ hơn. Tất cả đều màu đỏ nâu. Theo ý kiến vững vàng và đã cân nhắc của tôi, các vết máu mầu nhiệm này không hề có một lời giải thích tự nhiên nào cả.
Một nữ tu y tá của bệnh viện thành phố tại Rosenheim, Tây Đức, cũng có mặt trong thánh lễ ngày 14 tháng 7, đã ghi lại các chi tiết trong lời cung khai ngày 10 tháng 11 năm 1970:
Chúng tôi tất cả lên bàn thờ. Thoạt tiên, chúng tôi nhìn thấy ba vệt dính, một vệt lớn bằng bánh lễ lớn dành cho linh mục. Hai vệt kia nhỏ như bánh lễ cho giáo dân. Sau đó, chị tôi là Maria kêu lên một tiếng kinh ngạc và chỉ cho tôi vệt thứ tư ở về phía Phúc Âm của bàn thờ. Tất cả chúng tôi đều kêu lên kinh ngạc: “Nhìn kìa, có cả hình thánh giá ở trên!” Các mép ngoài của các vệt dính rất rõ nét. Chúng không thấm theo các sớ vải như những chất lỏng bình thường khác, nhưng xuyên thẳng qua các tấm vải bàn thờ và sắc nét. Mọi người có mặt đều kinh ngạc và hết sức xúc động, như trong tình trạng bị choáng váng.
Một bản cung khai khác được nhiều người có mặt trong thánh lễ ngày 14 tháng 7 cùng ký tên, nhận rằng khi nhìn thấy các vệt dính, họ thấy các vệt ấy vẫn còn ẩm và có nhiều cỡ khác nhau. “Những vệt dính ấy có thể được thấy cả ở tấm khăn nhỏ đặt bên dưới khăn thánh... Nhiều vệt dính có một hình thánh giá ở giữa. Ngoài ra, cả hai tấm khăn bàn thờ đều ngấm cùng một vệt dính.”
Đức cha Joseph Stimple, giám mục giáo phận Augsburg đã kịp thời thông tri cả hai sự kiện. Ngài chỉ định một ủy ban điều tra, vào ngày 9 tháng 10 năm 1970, vị linh mục người Thụy Sĩ được yêu cầu trình bày mọi chi tiết về cả hai phép lạ. Sau khi nghiên cứu kết quả các cuộc giám định khoa học và những cuộc phỏng vấn các nhân chứng, vấn đề đã được đệ trình lên thánh bộ Giáo Lý Đức Tin tại Rome.
Các tín hữu tại Stich cảm thấy diễm phúc vì hai phép lạ Thánh Thể đã xảy ra tại ngôi nhà nguyện khiêm tốn của họ, và kết quả là họ có một lòng sùng mộ sâu xa đối với bí tích Thánh Thể.
2. Em bé vừa chịu Mình Thánh Chúa không bị cháy
Trước thời Thánh Giáo Hoàng Pio X, trẻ em chưa được rước lễ. Tại Constantinople, thủ đô La Mã cũ, vào thời giám mục Mennas, người ta có thói quen sau thánh lễ nếu còn dư Mình Thánh thì kêu và đem phát cho con nít, hay học trò nhỏ.
Có một đứa trẻ Do Thái cũng đến rước Mình Thánh như trẻ khác. Khi em này về nhà, cha mẹ nó hỏi tại sao về trễ. Nó thật thà thưa vì ở lại rước lễ. Cha nó làm nghề nấu chế chai lọ thủy tinh, nghe vậy tức quá bèn bắt nó quăng luôn vào lò đang nấu thủy tinh. Người vợ đi đâu về nhà không hay câu chuyện, và thấy mất con, khóc lóc đi tìm con khắp nơi, suốt ba ngày mà không thấy. Em nhỏ trong lò thấy mẹ khóc thảm thiết, liền trả lời vọng ra là mình đang ở trong lò. Người ta đến cạy mở lò và đem em nhỏ ra. Nó còn sống, khỏe mạnh, tươi cười bước ra khỏi lò.
Hỏi nó, nó cho hay có một bà sang trọng vào trong lò đem nước tưới lửa và đem đồ ăn nuôi nó sống. Cả thành đều hay tin này và cho đó là phép lạ. Hai mẹ con kia xin theo đạo. Nhưng người cha cố chấp không chịu hối cải, nên bị hoàng đế Justinien đóng đinh trên thập ác.
3. Mình Thánh Chúa và một người lính Liên Sô trẻ vô đạo!
Ðể ghi nhớ Khóa Tĩnh Huấn và Tuần Tu Ðức X dành cho các Linh Mục và Tu Sĩ Nam Nữ Việt Nam đầy tình nghĩa huynh đệ và hữu ích, với đề tài chính : « Tìm hiểu Tông huấn Bí tích Tình Yêu – Sacramentum Caritatis, do Ðức Ông Giuse Ðinh Ðức Ðạo tổ chức tại Roma, từ ngày 07.-11.05.2007, chúng tôi xin giới thiệu câu chuyện Chúa Giêsu Thánh Thể đã làm phép lạ cứu rỗi một người lính Liên Sô trẻ vô đạo, nhưng thành tín : Nhiều tháng trời anh đã mang trên mình một túi đựng đầy Mình Thánh Chúa với tất cả lòng kính cẩn, mặc dù anh không hề biết Mình Thánh là gì cả.
Khí hậu âm u, bầu trời ảm đạm buồn tẻ. Sự vắng lặng của đêm Giáng Sinh, mà không có gì có thể so sánh được, đang từ từ phủ xuống trên miền đất hoang vu, không có lối cho xe chạy qua được. Những đống tuyết đã tan chảy trong mấy ngày qua làm cho con đường mòn trở nên sũng ướt lầy lội. Khu rừng rậm rạp, đen tối đang đứng chắn trước mặt, che khuất cả tầm mắt chúng tôi như một đống mây đang ùn ùn kéo nhanh tới ập lên chúng tôi tựa một bức tường đang chực sập đổ xuống. Chúng tôi vội vàng đếm bước giữa mưa phùn, làm thấm ướt lạnh tới xương tuỷ.
Cha Anselmô (Anselm) kéo chiếc mũ áo choàng ngắn cũ kỹ của ngài thật sát vào đầu. Ngài bước đi với đôi mắt lim dim và không hé môi nói lấy một lời. Sự suy niệm thầm lặng của cha làm tôi đâm ra bực bội. Bây giờ khu rừng đầy đe dọa đang gần kề. Cái lều thợ săn chỉ còn cách xa vài ba ki-lô-mét nữa thôi. Tất cả các con đường mòn cũng như những lối đi vòng quanh ở vùng này tôi đều quen thuộc... Khó mà lạc đường được ! Tôi cảm thấy rùng mình lo sợ : Liệu chúng tôi có đến kịp giờ không ?
Khu rừng rậm rạp đã bao trùm lấy chúng tôi và đồng thời như bảo vệ lấy chúng tôi. Vẻ dễ chịu của các chồi cây bao bọc lấy chúng tôi như mùi hương thơm. Ở chỗ quặt cuối cùng, cha Anselmô đã đứng im lặng và nhìn quan sát trong đêm đang từ từ trở nên tối dần.
« Còn xa nữa không ? »
« Còn độ mười lăm phút nữa », tôi trả lời, « nhưng mỗi phút là rất quan trọng ! Cha cứ tưởng tượng : tối đa, anh ta chỉ còn 24 giờ để sống thôi ! Không có bác sĩ, lại bị các viên đạn bắn vào người... Con đã tự hỏi là làm sao anh ta có thể sống được như thế. May là bà vợ ông kiểm lâm hiểu được tiếng Nga. Một may mắn là cậu Hannes của bà ta đã tìm gặp được cha vào đêm vọng Lễ Giáng Sinh ! »
« Ðiều may mắn đó chính là sự quan phòng của Chúa ! Chị hãy xem, chúng ta chỉ cần tin tưởng phó thác nơi Chúa việc làm và ngày giờ của mình, và rồi các phép lạ sẽ tươi nở trên mọi nẽo đường chúng ta đi. Nếu như tôi đã không cột kỹ dây đôi giày gỗ của tôi, nếu như Hannes đã không đến được... liệu chúng ta đã có thể đến kịp thời được không ? »
Một ánh sáng yếu ớt nhấp nháy ở phía trái giữa bụi cây. Chỉ còn vài ba bước nữa ! Và chúng tôi đã gõ vào cánh cửa được gài lại bằng một then gỗ to, được bào qua loa. Hình như bà vợ ông kiểm lâm đang chờ đợi chúng tôi sẵn, nên đã ra mở cửa lập tức.
« Lạy cha, thật cám ơn Chúa ! Anh ta vẫn còn sống... ! »
Chúng tôi bước vào nhà và đồng thời là căn phòng duy nhất, được trưng bày những cái gạc nai và những súng săn. Phía trái, ở cuối phòng, một người đàn ông đầu bó băng đang nằm trên chiếc giường xếp. Nét da căng và râu còn lún phún sơ sài, cho thấy đó là một chàng thanh niên đang tuổi sung sức. Anh ta mở mắt khi nghe cánh cửa cọt kẹt mở và mĩm cười. Những vết máu to, đã khô đọng trên vành môi anh ta.
« Lạy Ðức Mẹ, Mẹ đã không dối con », anh ta nói bằng tiếng Nga : « Vị Linh mục đã đến ! Mẹ thật nhân hậu ! »
Cha Anselmô cởi chiếc áo choàng ướt đẵm nước mưa, để xuống đất và đi lại phía người hấp hối :
« Hỡi con, Ðức Mẹ luôn luôn trung tín. Bây giờ cha đến để giúp con. Vậy, cha có thể làm gì được cho con ? »
Anh ta nói tiếng Nga rất đúng giọng :
« Thưa cha, con tên là Andruscha. Con không muốn chết như một con chó ! »
« Không ai chết như một con chó cả. Linh hồn của con thì bất tử; Chúa Cứu Thế đã trả cho nó bằng một giá rất đắt ! »
« Vâng, thưa cha, con muốn được như những người có đức tin, như một Kitô hữu thực sự. »
« Con đã chịu phép rửa tội chưa ? »
« Thưa, chưa! »
« Con có biết đức tin là gì không ? »
« Thưa, không ạ ! »
« Con có biết cầu nguyện không ? »
Người thanh niên bổng mĩm cười và khuôn mặt anh ta rực sáng lên :
« Dạ, có ạ ! Con cầu nguyện luôn luôn ! »
Bà vợ người kiểm lâm cầm tay tôi và kéo ngồi gần bên bà trên một cái bao tải to đựng lộn xộn đầy khoai tây. Tôi đâm tò mò và hỏi bà : « Bà đã gặp được người thanh niên này ở đâu vậy ? » Quân đội Liên Sô tiếp tục các cuộc chiến đấu; các trận đánh vừa rồi xảy ra trong vùng này. Bà ta đặt ngón tay lên môi và nói nhỏ : « Chờ chút nữa lại nói! » Tôi liếc mắt quan sát bà ta, kiểu nói trang trọng đặc biệt của bà ta làm tôi không khỏi ngạc nhiên. Ðó không phải là một người đàn bà nhanh nhẹn và nói nhiều, mà tôi quen được từ bé tới giờ. Tự nhiên tôi có cảm giác là cái lều này tựa như một ngôi nhà thờ vậy, đầy những Ðấng vô hình. Cái cảm giác đó thật rõ ràng và sống động ! Trong khi đó cuộc trao đổi giữa cha Anselmô và người thanh niên đang hấp hối vẫn tiếp tục. Nhưng sự thể có thực sự nguy hiểm cho anh ta không ? Giọng anh ta từng yếu ớt và không nói ra lời, đã trở nên mạnh mẽ, làm vang cả căn phòng rất rõ ràng. Tất cả mọi chuyện quanh tôi như hoàn toàn biến đổi hết. Tôi đã thoát ra khỏi thời gian, hoàn toàn đang cận kề một bờ bến khác, mà tất cả chúng ta đều phải vươn tới.
« Andruscha, nếu con biết cầu nguyện, con đã có đức tin rồi đó. Con biết gì về Thiên Chúa ? »
« Con chỉ biết Người ở trong con. Con cảm nhận được Người. Vì thế con đã trả lời Người!”
Phải chăng đây là ảo giác của một kẻ sắp chết? Người thanh niên mở rộng mắt và nhìn vị Linh mục với tất cả sự cảm động. Anh ta xem có vẻ đắn đo từng tiếng và chấm dứt sự im lặng trước một hố sâu bất khả vượt qua; theo cách anh ta diễn tả thì đó là một điều không mấy tốt đẹp. Anh ta tỏ ra không quen với cách nói các chuyện đạo đức.
Cha Anselmô trừng mắt dò xét anh ta. Bổng chốc ngài quì xuống bên cạnh người hấp hối.
“Con đừng quá lo lắng. Cha rất hiểu con!”
Ðó không phải là xưng tội, nên tôi cảm thấy không cần phải bịt tai như trước kia với các người hấp hối khác. Tôi có bổn phận phải đi với cha Anselmô. Ngài không sinh ra ở miền này, còn tôi với tư cách là một nữ cựu hướng đạo sinh, tôi quen thuộc các lối đi, các ngõ đi tắt và các lối rẽ giữa khu rừng rộng mênh mông.
Andruscha nằm nhắm mắt, không động đậy. Nếu anh ta không thở ra mỗi lâu mỗi mạnh thêm, thì tôi cho là anh ta đã chết. Người vợ người kiểm lâm quì xuống và tôi cũng quì theo bà.
Bấy giờ Andruscha liền mở to đôi mắt sáng quắc. Hầu như trọn linh hồn anh ta được biểu lộ qua ánh nhìn của anh ta vào cha Anselmô với một lời thỉnh cầu âm thầm nào đó. Anh ta bắt đầu đem hết chút sức lực còn lại, cố gắng nói với từng tiếng đứt quãng:
“Con có một điều đang mang trên ngực đây. Con đã từng mang nó theo như một kho báu. Con đã không ngừng cầu xin Ðức Mẹ cho con có dịp để trao nó lại cho một vị Linh mục. Và Ðức mẹ đã nhậm lời con!”
Tôi nghĩ rằng anh ta đã đãng trí, nhưng cha Anselmô lại không nghĩ thế. Ðang khi đang nói những lời đó, Andruscha trở mình và nhẹ nhàng lật chiếc chăn đang đắp trên mình anh ta, mở chiếc sơ mi dính đầy máu của anh ta và lấy tay tháo ra khỏi cổ sợi dây có buộc một chiếc túi nhỏ mà anh từng mang theo trên mình.
“Ðó là cái gì vậy?”, anh ta hỏi nhỏ, “Vâng, đó điều con muốn trao lại cho cha! Lạy Ðức Mẹ, con tạ ơn Mẹ.”
Với cái dao xếp bỏ túi, cha Anselmô đã cắt sợi dây, cầm lấy cái túi nhỏ, đi lại phía chiếc bàn, mở mấy chiếc kim găm gài bốn mặt chiếc túi nhỏ lại và tự nhiên quì sụp xuống. Và tôi cũng lập tức quì gối xuống. Kìa, trong chiếc túi nhỏ đựng toàn Mình Thánh Chúa dính đầy máu.
Andruscha đưa mắt chăm chú quan sát chúng tôi. Chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi nghe anh ta hỏi:
“Ðó là cái gì vậy?”

“Các bà hãy ở lại đây và cầu nguyện!” Cha Anselmô nói như ra lệnh. Bà vợ viên kiểm lâm hơi lùi lại một chút và quì gối xuống, hai tay chấp lại và nước mắt chảy dài trên má. Còn tôi không thể rời mắt khỏi tấm khăn nhỏ đầy máu, một chiếc khăn bất xứng đã thay thế cho chiếc khăn thánh Corporale.


“Ðó là cái gì vậy?”, người thanh niên đang hấp hối lại hỏi tiếp.
Cha Anselmô không trả lời anh ta. Sự im lặng của ngài làmn tôi hơi bực mình. Ngài vẫn quì gối thờ lạy Mình Thánh Chúa bị đẵm máu.
Bổng chốc tôi hoài nghi tự hỏi: Số Mình Thánh này từ đâu tới? Có thực sự là Mình Thánh đã được truyền phép rồi hay chưa? Còn Andruscha không hề biết điều gì anh đã từng mang theo trên mình bấy lâu nay.
“Hỡi con, con hãy nói cho cha biết, ai đã trao cho con thứ này?”
“Một vị Linh mục, ngài trao cho con để con trao lại cho một vị Linh mục khác. Con hằng lo sợ là sẽ không thực hiện được điều đó!”
Anh ta thở ra dồn dập và từng hạt mồ hội to chảy dài trên trán.
Anh ta tiếp tục nói sau nhiều lần cắt quãng:
“Ðó chính là ở Lviv, chúng con đóng quân ở Lviv. Một buổi sáng nọ, con thả bộ đi dạo loanh quanh trong vùng. Chúng con không được phép đi xa khỏi trại đóng quân, nhưng ở gần đó có những cây cối và những khu rừng thưa thớt. Trên một con đường dẫn lên một triền dốc có một ngôi nhà thờ. Vì do những bóng cây chung quanh che phủ, nên ngôi nhà thờ hơi tối. Ðứng trước bàn thờ là một vị Linh mục mặc áo trắng. Ngài làm các cử chỉ và đọc lầm rầm gì đó; con chẳng hiểu gì cả. Nhưng điều đó làm con rất thích, lòng con cảm thấy đầy vui mừng. Con quì gối xuống trong một góc và lặp đi lặp lại kinh của Chúa Giêsu: “Gaspadi pomyluy: Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con!” Bà nội con đã dạy cho con kinh đó. Ðó là tất cả con biết được, bởi vì bà con chết lúc con còn bé xíu.
Trong nhà thờ không có ai khác ngoài con và vị Linh mục ra. Sau lễ phụng vụ, vị Linh mục đến chỗ con và hỏi con làm gì ở đây. Con trả lời là con đọc kinh của Chúa Giêsu và con cảm thấy sung sướng khi cầu nguyện như thế. Ngài cũng hỏi con là con có phải là một Kitô hữu không, và con trả lời là không, con không được chịu phép rửa tội, bởi vì cha mẹ con thuộc Komsomol và những người bezbojniki, những người vô đạo. Bấy giờ vị Linh mục nói với con: “Nếu con muốn, cha sẽ rửa tội cho con! Nhưng trước hết con phải học biết Chúa Giêsu, Ðấng đã cứu rỗi tất cả mọi người nhờ cái chết của Người trên thập giá và nhờ sự sống lại của Người từ cõi chết!”
Từ đó, mỗi ngày con đi đến ngôi nhà thờ để gặp vị Linh mục, trước hết tại bàn thờ và tiếp đến là sau ngôi nhà thờ, nơi con hằng quì gối. vị Linh mục nói với con, ngôi nhà thờ này có tên là “heilige Sophia”, sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
Con không hiểu được rõ lắm, bởi vì ngài nói tiếng Nga không được thạo lắm, nhưng điều chính yếu mà vị Linh mục nói thì con hiểu. Và lòng con cháy lên vì yêu mến Ðức Giêsu, Ðấng đã yêu con trước.
Trong trại lính ai cũng cười ầm lên khi nghe con kể cho các bạn con nghe điều con đã cảm nhận được. Lúc bấy giờ thường có bom dội luôn; nhưng chúng con ẩn khuất dưới các lùm cây.
Một buổi sáng, vị Linh mục không còn mặc áo lễ và không đi lên bàn thờ nữa; ngài đi thẳng đến chỗ con và nói. “Andruscha, người ta đã phản bội cha, cha sẽ bị bắt. Vì thế, cha xin con một điều, con hãy đưa tin cho các Sơ ở công trường Thánh Yura biết. Cha sẽ giao cho con một kho tàng quý báu để đưa lại cho các Sơ, bởi vì các Sơ không còn Linh mục nữa. Con phải cắt nghĩa cho các Sơ là con đến từ thánh địa Sophia và cha Stanislas đã sai con đi với sứ vụ đó. Trường hợp con không thể đến được nơi các Sơ ở, con hãy trao lại kho tàng này cho một vị Linh mục. Con có hiểu không? Không trao cho ai khác ngoài một vị Linh mục. Với kho báu này, con mang Chúa Giêsu trên mình.”
Con hỏi ngài điều đó có nghĩa gì, nhưng ngài không còn thời giờ nữa để cắt nghĩa cho con, ngài chỉ đủ thời giờ để mở cái hộp trên bàn thờ và lấy trong đó ra cái túi nhỏ được đan bằng chỉ. Ngài đưa cho con và bảo: “Con hãy chạy đi, thật nhanh!” Người ta nghe nhiều bước chân đi. Con chạy nấp vào một cái bụi cây và nhìn thấy: Vị Linh mục ra khỏi nhà thờ, một đám người đàn ông mặc thường phục bao vây lấy cha. Từ ngày đó, con không bao giờ nhìn thấy cha nữa. Vào buổi chiều, con đi vào trong phòng vệ sinh, một nơi không còn ai nhìn thấy con được nữa, con mở cái túi vị Linh mục trao cho để xem và con chỉ thấy những chiếc bánh nhỏ cắt trỏn được đựng đầy trong đó. Con đã muốn tìm các Sơ để trao lại như ngài đã dặn, nhưng chúng con không được phép rời trại lính và những ngày sau đó chúng con phải chuyển quân đi nơi khác. Con nhớ là vị Linh mục đã dặn. “Nếu con không thể trao lại cho các Sơ, thì con phải trao lại cho một vị Linh mục”. Nhưng con không gặp được vị Linh mục nào cả, và vì thế con đã xin với Ðức Mẹ cho con gặp được một vị Linh mục… Cha xem, Ðức Mẹ đã nhậm lời con, bởi vì cha là một vị Linh mục!”
“Andruscha, con đã làm gì với cái túi đựng đầy Minh Thánh, mà con vừa trao lại cho cha?”
“Con đã từng quẳng nó đi, vì khi đi tắm, mấy thằng bạn con hay tò mò muốn biết đó là cái gì, vì con thường mang nó trên ngực. Bấy giờ con đã lấy chiếc khăn mùi-soa của con và đặt những chiếc bánh nhỏ đó vào đó, dùng mấy chiếc kim găm gài chặt lại tứ phía, để không một chiếc bánh nào bị mất. Tại mỗi lần dừng chân con luôn đi tìm một vị Linh mục, nhưng con chẳng tìm gặp được vị nào cả, và con cũng không được phép rời toán quân của con. Bấy giờ con đã cầu nguyện cùng Ðức Mẹ, đừng để con chết trước khi làm tròn được sứ mệnh mà cha Stanislas ủy thác cho con.
Giọng của Andruscha từ từ lạc đi và rất khó lòng có thể hiểu được nữa. Tôi nghĩ rằng là một trách nhiệm lương tâm đò hỏi khi tôi khẳng định là tôi phải ghi lại từng lời, điều anh ta đã kể lại. Bây giờ anh im lặng, nhắm mắt lại, rồi lại mở mắt to ra và hỏi lần thứ ba:
“Ðó là cái gì vậy?”
Cha Anselmô tóm tắt lại như thể ngài vừa tĩnh lại từ một giấc ngủ say. Thay vì trả lời câu hỏi của Andruscha, ngài lại nêu lên một câu hỏi khác. Tôi cảm thấy hầu như tức giận ngài luôn.
“Andruscha, tại sao người ta không đưa con vào bệnh viện sau khi bị thương như thế?”

“Bởi vì con không muốn. Bởi vì con sợ người ta sẽ lấy mất cái túi nhỏ và con sẽ không bao giờ gặp được vị Linh mục nào nữa. Máy bay đã bay rất thấp để tấn công chúng con dữ dội; quả thật người ta phải vất vả vì đủ thứ việc phải làm, như khiêng các người bị thương lại một chỗ.”


“Và đã xảy ra cho con ra sao?”
“Con không cử động được nữa. Ai cũng tưởng con đã chết!”
“Và sau đó?”
“Sau đó họ kéo đi hết, và con lòng đầy vui mừng được bỏ lại một mình, ôi thật vui mừng! Vì điều đó muốn nói rằng thế là con sẽ có dịp gặp được một vị Linh mục. Con rất đau đớn, nhưng lòng con tràn đầy vui mừng… Cha xem, thân xác con thuộc về tổ quốc, còn linh hồn con lại thuộc về Thiên Chúa! Vào buổi chiều người ta đã nhặt con và khiêng vào túp lều này!”
Ðầy giọng cương quyết, cha Anselmô nói: “Andruscha, con hãy nghe đây, suốt thời gian qua con đã mang Chúa Giêsu trên người con. Người đã thương con, đến nỗi Người đã trở nên bánh để làm của nuôi chúng ta. Người ẩn mình dưới những tấm bánh này. Con có tin vậy không?”
Một cái mĩm cười lạ lùng làm rạng rỡ của khuôn mặt người lính trẻ.
“Vâng, con tin điều đó! Con đã cảm thấy con mang trên mình một kho báu. Ngày đêm rồi lại ngày đêm, con đã cảm thấy phải lặp đi lặp lại lời kinh của Chúa Giêsu. Và lời kinh đã làm cho lòng con ấm áp vô cùng. Con chắc chắn rằng Ðức Mẹ đã thương nhậm lời con xin!”

“Andruscha, con có muốn được rửa tội không?”


“Dạ,dạ, con muốn lắm!…”
Không được phép để một phút nào qua đi vô ích! Mũi anh ta đã thu nhỏ lại, nét mặt đã tái nhợt, hơi thở hổn hến như muốn xé lồng ngực anh ra, tất cả đều báo trước cái chết đang tới. chỉ còn đôi mắt sáng rực lạ lùng của anh ta là dấu chỉ của sự sống đang thu về trong thẳm sâu của linh hồn anh ta.
“Vâng, con muốn lắm!” anh ta nhắc lại cách thành khẩn.
Cha Anselmô quay lại phía người vợ viên kiểm lâm đang đưa cho ngài bát nước.
“Andreas, cha rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần!”
Tiếp đến, ngài nhấn mạnh từng lời:
“Con yêu quý, giờ đây cha trao cho con Ðấng con đã mang trên mình bao ngày tháng qua, Bánh Hằng Sống. Ðây là Ðấng mà chẳng bao lâu nữa sẽ đón nhận con. Con có tin rằng Người hiện diện trong những tấm Bánh này không?”
Bấy giờ đã xảy một điều hoàn toàn không ai ngờ trước được. Andruscha ngồi dậy, chấp hai tay và kêu:
“Vâng, con xin tin, con rất tin điều ấy! Xin cha hãy mau ban cho con Bánh Hằng Sống!”
Cha Anselmô cầm Mình Thánh. Từ chỗ tôi đang quì, tôi nhìn thấy rõ đó là Mình Thánh Chúa có một vết đỏ! Cha Anselmô tiến lại gần người hấp hối, hai mắt anh ta rực sáng lên như hai ngôi sao, và ngài đã cho anh ta rước lễ…
Andruscha nằm ngã xuống nặng nề trên chiếc giường xếp của anh ta và khép nghiền hai mắt lại. Anh ta không còn mở nó ra bao giờ nữa. Chúng tôi đều quì xuống trên nền nhà và không còn dám thở nữa. Cái cảm tưởng mà tôi có được khi mới bước chân vào cái lều này, đã trở nên mạnh mẽ trong tôi. Thế giới vô hình bao trùm lấy chúng tôi với sự hiện diện thực sự của nó, một sự hiện diện tác động một cách toàn diện hơn cả những chiều kích cụ thể của chúng ta.
Sau một vài giây lát, cha Anselmô bắt vào mạch của Andruscha. Ngài yên lặng đứng dậy và làm dấu Thánh Giá.
“Chúng ta hãy cầu nguyện! Anh ta sẽ phù hộ cho chúng ta.”
Quì gối và hết sức cẩn thận, cha đã đặt lại Mình Thánh vào chiếc khăn mùi-soa, xếp lại và để vào túi áo khoác của ngài.
“Tôi không được phép ở lại đây lâu hơn nữa”, cha Anselmô nói thế và quay lại phía bà vợ người kiểm lâm: “Xin bà lo cho anh ta một lễ nghi an táng theo đúng phép đạo!”
Người đàn bà ngước mặt giàn giụa nước mắt về phía chúng tôi, bà lẩm bẩm: “Thật phúc đức biết mấy cho ngôi nhà này!”
Chúng tôi bắt buộc phải có mặt ở nhà trước khi luật giới nghiêm bắt đầu; chúng tôi không được phép làm mất thời giờ. Cha Anselmô kéo cái mũ trùm đầu sát vào đầu, bởi vì trời đang mưa phùn.
Trong khi sắp tới nhà, ngài đã quay về phía tôi và nghiêm giọng nói:

“Thế mà vẫn có những kẻ điên khùng còn hồ nghi rằng tự bản chất, linh hồn con người thuộc về Kitô giáo, và rằng trong chúng ta được đóng ấn một hình ảnh không thể phá bỏ được, hình ảnh của Ðức Giêsu, Ðấng là “hình ảnh thật sự của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15).


“Vâng, thưa cha!”
Tôi không còn nói được nữa, vì cổ tôi nghẹn lại rồi.
(Trích trong: Maria Winowska, “Blut an den Händen”, Paulusverlag Freiburg Schweiz, 1975, trang 75-85)
LM Nguyễn Hữu Thy

---------------------------------------------------------------



MỘT SỐ PHÉP LẠ

THÁNH THỂ KHÁC
(Joan Carroll Cruz, Phép Lạ Thánh Thể, Chương 33, Regina xb, USA, 2002)
Cảm ơn Chúa vì nhiều phép lạ Thánh Thể vẫn được lưu truyền với các chi tiết thú vị, tuy nhiên cũng có rất nhiều vụ chỉ được kể vắn tắt. Nhiều sự kiện đã được truyền lại cho chúng ta ngay từ những thời kỳ sơ khai của Kitô Giáo trong các văn liệu hoặc tiểu sử của các vị thánh và các người lành thánh khác.
Chẳng hạn những phép lạ đã được thánh Cyprian kể lại. Ngài là giám mục Carthage suốt nhiều năm cho đến khi qua đời vào khoảng giữa thế kỷ III. Trong những năm đời giám mục của thánh nhân, xảy ra một cuộc cấm đạo kinh khủng gây đủ thứ khổ hình cho những tín hữu nào không chối bỏ đức tin để thờ lạy các ngẫu thần. Vì sợ các cực hình, nhiều người đã chối bỏ đức tin hoặc đành phải trốn đến các miền đất an toàn hơn.
Một đôi vợ chồng Công Giáo kia bị buộc phải trốn chạy như thế và thấy cần giao phó đứa con nhỏ cho người đầy tớ chăm sóc, vì họ tưởng là người này đáng tin cậy. Tuy nhiên, người đầy tớ liền đem đứa trẻ gái đến cho các viên chức ngoại đạo tại thành phố ấy. Họ ép đứa trẻ ăn một miếng bánh được chấm vào máu các súc vật được sát tế cho các thần minh. (Đây là một hình thức, dựa theo thói lệ thông thường là cho tín hữu ăn thịt của một con vật đã được sát tế dâng cho thần minh).
Sau khi trở về, người mẹ không biết việc người đầy tớ đã làm, nên đưa đứa trẻ đi lễ, định cho nó rước lễ, vì hồi ấy có thói quen cho các con trẻ uống một chút Máu Thánh. Nhưng đứa bé gái, mặc dù rất nhỏ, không thể tố cáo việc người đầy tớ đã làm, nhưng khi vừa đến nhà thờ, nó lập tức cảm thấy khó chịu, không sao nén được. Thánh Cyprian cho biết rằng chính ngài đã chứng kiến thái độ bất thường của đứa trẻ, nó kêu khóc vật vã. Đến giờ hiệp lễ, khi thầy phó tế đưa chén thánh đến gần, đứa trẻ ngoảnh mặt, ngậm kín môi và không chịu hiệp lễ. Tuy nhiên, một vài giọt Máu Thánh cũng nhỏ xuống môi nó và ngấm vào miệng, nhưng đứa trẻ không sao nuốt được. Thái độ bất thường tại nhà thờ của đứa trẻ – theo kể lại - đã đưa đến việc khám phá tội lỗi của người đầy tớ.
* * *
Cũng trong thời kỳ bách hại ấy, dường như có thói quen cho các tín hữu một phần Bánh Thánh để giữ trong nhà, phòng khi bị bắt bớ, họ có thể nhờ Mình Thánh Chúa Kitô mà được thêm sức mạnh. Thánh Cyprian kể rằng có một phụ nữ đã nhận một phần Bánh Thánh và đặt vào một cái hộp để giữ, nhưng sau đó, người này lại chối đạo. Về sau, khi bà ấy mở hộp ra, lửa đã từ bên trong phụt ra. Thánh nhân kể rằng ngọn lửa bất ngờ ấy đã làm người phụ nữ bỏ chạy vì sợ và hối hận.
* * *
Thánh Cyprian còn kể về một người kia đã chối đạo mà còn liều mình hiệp lễ, khi anh ta đến gần, linh mục vẫn không biết hành vi thờ lạy ngẫu thần của anh ta. Theo thói quen thời ấy, Thánh Thể được đặt vào tay tín hữu. Ngay khi vừa chạm đến tay người này, Thánh Thể liền biến mất, trước cặp mắt kinh hoàng của anh ta, chỉ còn lại một ít tro tàn mà thôi.
Thánh Cyprian đã tử đạo trong thời kỳ bách hại. Khi chịu hành hình chém đầu, thánh nhân đã tỏ ra một thái độ can trường và sẵn sàng chết vì đức tin. Nhiều người yếu đuối đã muốn chối đạo nhưng nhờ nghị lực phi thường của thánh nhân mà kiên quyết tiếp tục sống đạo.
* * *
Thánh John Chrysostom (347-407) có một môn đệ, một lần nọ, người này ép vợ là kẻ theo bè rối Arian cùng đi với mình đến nhà thờ của thánh John Chrysostom. Khi người đàn bà này lên rước lễ, bà cầm Bánh Thánh trong tay cho đến khi về nhà mới cho vào miệng, ăn như một của ăn bình thường. Tuy nhiên, lúc cố nhai nuốt, bà nhận ra Bánh Thánh đã trở thành “một cục đá thực sự, cứng như đá lửa.” Kinh hãi vì sự lạ lùng này, bà lập tức đến gặp thánh nhân, tỏ cho ngài viên đá với những dấu răng cắn và xin xưng tội. Phép lạ này đã được đức ông Guerin, chưởng lý của đức Leo XIII kể lại trong tác phẩm Hạnh Các Thánh.
* * *
Một câu chuyện tương tự về việc rước lễ bất xứng đã được Sozomen, một sử gia thế kỷ V, ghi lại. Sử gia kể tại thành Constantinople có một người cố sức để hoán cải người vợ theo bè rối. Dưới áp lực nài nẵng của chồng, bà ta giả vờ thay đổi cuộc sống và tham dự thánh lễ. Đến giờ hiệp lễ, khi lên rước lễ, bà nhận ra Bánh Thánh đã biến thành đá.
* * *
Trong số các vị thánh trong Giáo Hội, có những vị là cha, mẹ, anh, và chị của thánh Gregory Nazianzus (d.389). Trong bài điếu văn ca tụng chị ngài là thánh nữ Gorgiona, thánh Gregory kể rằng trong nhiều năm trời, thánh nữ bị tê bại và các y sĩ đã bó tay. Nhờ có Thánh Thể được giữ nơi bàn thờ trong nhà, như thói quen được phép thời Giáo Hội sơ khai, một đêm kia, thánh nữ đã hướng về Thày Thuốc Thần Linh và cầu nguyện tha thiết xin được chữa lành. Bắt chước người đàn bà trong Phúc Âm chạm đến vạt áo Chúa Kitô và đã được lành bệnh, Gorgiona đã đến tựa đầu lên bàn thờ và cương quyết không chịu đi cho đến khi được chữa lành. Sau khi tự xức dầu thánh, bà đã khóc lóc thảm thiết trước Thánh Thể. Thánh Gregory kể lại Gorgiona đã được bình phục ngay trong đêm hôm ấy.

* * *
Trong tác phẩm nhan đề Những Vinh Quang của các Thánh Tử Đạo, thánh Gregory thành Tours (d. 595) đã kể lại một biến cố phi thường. Lướt qua những yếu tố hầu như khó tin, những sự kiện sau đây đã được sử gia Evagrius ủng hộ:


Trong thời kỳ bè Mennas chiếm đoạt chiếc ghế giám mục tại Constantinople… Trong thành phố ấy có một thói quen cổ xưa, khi còn nhiều Bánh Thánh sau khi hiệp lễ, người ta thường gọi các trẻ nam từ các trường học đến để rước cho hết. Xảy ra là một lần kia, trong số các trẻ ấy có đứa con của một thợ thủy tinh người Do Thái. Vậy đến khi cha mẹ vặn hỏi vì sao nó vắng mặt lâu như thế, đứa trẻ đã kể lại những việc đã xảy ra và nó cùng với các trẻ khác đã được lãnh nhận những gì. Trong cơn cuồng nộ, người cha tóm lấy đứa trẻ và ném vào lò lửa phừng phừng mà ông ta thường đun chảy thủy tinh. Người mẹ đi tìm đứa trẻ, nhưng không tìm được, bà chạy rảo khắp thành phố khóc lóc và tự cấu xé mình mẩy đau đớn, liên tục réo gọi tên con. Thế là đứa trẻ nghe được tiếng gọi của người mẹ và từ trong lò lửa đã đáp lại. Lập tức, bà ấy phá cửa ra và xông vào. Kìa, đứa con nhỏ của bà đang đứng giữa những hòn than cháy đỏ, bình an vô sự. Khi người ta hỏi làm sao nó ở trong đó mà không bị thương tổn gì, nó đáp rằng có một bà mặc y phục màu điều rất năng hiện đến, đem nước đến cho nó và dập tắt những hòn than chung quanh; và khi nó đói, bà đem cho nó thức ăn. Khi hoàng đế Justinian nghe biết chuyện này, ông đã trao cả hai mẹ con - sau khi đã được chịu phép Thánh Tẩy - cho các giáo sĩ chăm sóc; còn người cha, vì ngoan cố không chịu tin những mầu nhiệm đức tin Kitô Giáo, nên vua truyền xử đóng đinh như một kẻ giết con tại ngoại ô thành phố Syca.
Thánh Gregory thành Tours còn nói thêm:
Đứa trẻ được rước lễ tại nhà thờ Đức Bà, nơi có một bức hình Đức Thánh Trinh Nữ được tôn kính trên một chỗ cao sáng, nơi ánh mắt đứa trẻ hướng đến và được thu hút mãnh liệt khi vào nhà thờ. Bức hình đứa trẻ nhìn thấy trong nhà thờ, Đức Mẹ bồng Con trên tay, chính là Đấng đã hiện đến với nó giữa lò lửa. Đứa trẻ lãnh nhận bánh, đó là Mình và Máu vinh quang của Chúa Giêsu Kitô.
Kinh nghiệm của đứa trẻ này làm ta hồi tưởng lại bài thánh ca trong Cựu Ước, chương 3, sách tiên tri Daniel, trong đó ba đứa trẻ cũng bị ném vào lò lửa phừng phừng vì không chịu thờ lạy ngẫu thần. Sau khi cầu nguyện cho mọi thụ tạo hãy chúc tụng Thiên Chúa, các trẻ ấy đã được giải thoát, bình an vô sự.
* * *
Thánh Gregory Cả (d. 604), giáo hoàng và tiến sĩ Hội Thánh, để lại cho chúng ta nhiều tác phẩm, trong đó ngài đã minh họa tình yêu mến đối với Thánh Thể và sức mạnh của lễ hy tế Thánh Thể. Trong bài giảng 37, ngài đã kể lại:
Cách đây không lâu có một người bị bắt cầm tù và đày đi xa. Ông ta bị cầm giữ trong lao tù một thời gian khá lâu mà người vợ không hay biết, bà tưởng chồng đã qua đời, và vì thế hằng tuần, vào một số ngày, bà dâng thánh lễ để cầu nguyện cho ông. Sau một thời gian lâu dài trôi qua, người đàn ông trở về nhà, và kể cho người vợ ngỡ ngàng của mình rằng vào một số ngày trong tuần, những sợi xích cột trói ông trở nên lỏng ra; và nhờ thế, ông đã trốn thoát thành công. Vậy khi hỏi chồng điều lạ lùng ấy xảy ra vào những ngày nào trong tuần, người vợ nhận ra những ngày xích xiềng lỏng ra chính là những ngày bà dâng lễ cầu nguyện cho ông.
Trong quyển thứ tư của bộ sách Đối Thoại, hoặc những cuộc đàm thoại về đời sống kỳ diệu của các đấng thánh, thánh Gregory Cả kể lại câu chuyện sau:
Đức cha Agatho, giám mục giáo phận Palermo, đi từ đảo Sicily đến Rome. Trong cuộc hành trình, ngài gặp nguy cơ chìm tàu. Một cơn giông tố hãi hùng nổi lên, sắp sửa đánh chìm con tàu ngài đang đi. Không còn hy vọng gì, ngoại trừ lòng thương xót nhân lành của Thiên Chúa toàn năng. Khi ấy, tất cả mọi người bắt đầu cầu nguyện và dâng lên Chúa lời cầu xin hãy gìn giữ mạng sống cho họ. Trong khi họ cầu nguyện như thế, thì người thủy thủ đang cầm bánh lái, tuy được cột chặt vào tàu, nhưng một cơn giông mạnh mẽ đã làm đứt dây cột và kéo người thủy thủ xấu số kia xuống sóng nước, và đức cha Agatho coi anh ta như đã chết. Trong lúc đó, con tàu vẫn đi, sau những cơn hiểm nguy, đã đến được đảo Ostika. Tại đây, đức giám mục dâng thánh lễ cầu cho người thủy thủ không may; nhưng ngay khi con tàu được sửa chữa xong, tiếp tục hành trình đến Rome. Khi vừa lên bờ, đức giám mục đã thấy anh thủy thủ, người mà ngài tưởng rằng đã chết, đang đứng trên bờ. Tràn ngập niềm vui, ngài hỏi anh đã thoát những nguy hiểm dữ dằn suốt nhiều ngày như thế nào. Người thủy thủ khi ấy kể lại chiếc xuồng nhỏ bé của anh lúc nào cũng như sắp sửa lật úp, nhưng lại luôn luôn trồi lên trên những làn sóng, vô hại. Hết ngày lại đêm, anh ta mới thành công trong việc chinh phục những ngọn sóng; nhưng đuối sức vì đói và khát, chắc chắn anh cũng bị chết chìm nếu như không được phù giúp. Anh ta kể tiếp, “Thế rồi bỗng nhiên, khi tôi đã hoàn toàn vô vọng, như thể xuất thần, không biết mình đang ngủ hay thức, tôi nhìn thấy một người đứng trước mặt và cho tôi bánh. Vừa khi tôi lãnh nhận bánh ấy, sức lực của tôi liền hồi phục, và ngay sau đó, tôi được một con tàu cứu vớt và chở về đây.” Khi hỏi biết ngày giờ sự việc này xảy ra, đức giám mục nhận thấy trùng với ngày giờ ngài dâng thánh lễ tại đảo Ostika để cầu cho người thủy thủ xấu số.
Cũng còn một câu chuyện khác về phép lạ Thánh Thể liên quan đến chính thánh Gregory Cả. Chuyện này có những dị bản, đó là sự kiện Thịt Chúa Kitô tỏ hiện một cách lạ lùng khi thánh Gregory đang cử hành thánh lễ tại vương cung thánh đường Sessorian tại Rome. Điều này đã được Paul và John, phó tế, hai người viết tiểu sử thánh Gregory vào thế kỷ IX kể lại.
* * *
Linh mục Thomas á Kempis (d. 1471), tác giả sách Gương Chúa Giêsu (có người cho rằng ngài chỉ dịch tác phẩm ấy), đã sống đến 92 tuổi. Trong suốt 63 năm sống đời đan sĩ, ngài đã thi hành tác vụ linh mục đến 58 năm. Trong tác phẩm Sử Biên Niên Núi Thánh Agnes, ngài có kể hai phép lạ Thánh Thể. Truyện thứ nhất như sau:
Một người anh em của chúng tôi bắt đầu dâng thánh lễ tại bàn thờ thánh nữ Agnes. Suốt một thời gian khá lâu, ngài đã phải sử dụng hai chiếc nạng để đi đến đó. Sau khi dâng lễ, nhờ sức mạnh Chúa Kitô và lời cầu bầu của thánh nữ Agnes, ngài thấy trở nên mạnh mẽ đến độ có thể vứt bỏ hai chiếc nạng, và hân hoan đi về chỗ với chúng tôi tại ca triều. Một người anh em hỏi ngài đã làm và suy nghĩ những gì trong thánh lễ, ngài đã trả lời, “Tôi đã nghĩ đến những lời thánh sử Luca nói về Chúa Giêsu, ‘Và tất cả những ai chạm đến Người, liền có sức nhiệm từ Người phát ra và chữa lành cho họ tất cả.’” Do đó, bí tích Cực Thánh, cùng với lời cầu bầu của các thánh, giờ đây có thể chữa lành cho những người bệnh tật nơi linh hồn và thân xác.
Cha Thomas á Kempis đã được chứng kiến phép lạ trên đây; còn phép lạ sau đây, ngài được một linh mục khác kể cho, người đã được lãnh nhận món quà đức tin.

Một người anh em thuộc tu viện chúng tôi, một ngày kia, trong lúc đang dâng thánh lễ tại bàn thờ thánh nữ Agnes, thì bỗng nhiên bị ma quỉ cám dỗ quá đỗi về đức tin vào bí tích Cực Thánh, mặc dù mầu nhiệm trời cao này lúc nào cũng là một nguồn an ủi hết sức lớn lao đối với ngài. Vô cùng buồn bã và đau đớn, ngài đã nhìn lên Chúa và kêu khóc. Và này, ngài đã nghe một tiếng nói trong lòng, “Con hãy tin như thánh Agnes, thánh Cecilia, thánh Barbara và những trinh nữ thánh thiện khác đã tin, những người đã chịu chết vì Chúa Kitô mà không chút hồ nghi về những lời của Người.” Ngay khi được nghe những lời này, mọi nghi ngờ của ngài liền biến tan và cơn cám dỗ cũng chấm dứt. Sau đó, ngài đã kể lại cho tất cả những ai cũng chịu những cơn cám dỗ dữ dằn như thế, “Bạn hãy tin như thánh nữ Agnes, và sẽ không phải sai lầm trong đức tin.”


* * *
Chúng ta chỉ được biết một vài chi tiết về những biến cố phi thường liên quan đến cha Francis Lerma, tu sĩ nổi tiếng và đáng kính của dòng Đaminh. Vị linh mục thánh đức này từ từ bị mất thị giác, cho đến khi không còn dâng thánh lễ được nữa. Ngài đã chịu đựng nỗi đau khổ bằng đức nhẫn nại của các thiên thần, mặc dù hết lòng khát khao thi hành chức năng tư tế của mình. Vì quá ước ao cử hành thánh lễ, ngài đã xin được chữa lành cách lạ để hồi phục thị lực trong khoảng thời gian đủ dâng thánh lễ. Sau khi đã cầu nguyện thiết tha với ý nguyện này, ngài cảm thấy được soi động trong lòng hãy mở sách lễ. Vô cùng kinh ngạc, ngài lại có thể đọc được. Với niềm tràn ngập vui mừng, ngài vào phòng áo, mặc áo lễ, và tiến ra bàn thờ. Khi lễ vừa xong, sự mù lòa liền trở lại. Sự kiện này tiếp diễn hết ngày này sang ngày khác: thị lực của cha Lerma được phục hồi để dâng thánh lễ, nhưng khi vừa rời bàn thờ, sự mù lòa liền trở lại.
* * *
Trong trường hợp sau đây, không tác giả nào được trích dẫn. Người ta kể rằng năm 1584 có một thiếu nữ người Đức quyết tâm chống đối luật Giáo Hội, cô đã hiệp lễ sáng Phục Sinh mà không chịu giữ chay Thánh Thể như thường lệ. Cũng từ ngày hôm ấy, cô đã bị quỉ ám và chịu hành hạ kinh hãi suốt nhiều tháng. Trong thời gian đó, cô không nhìn thấy và nghe được gì; miệng xùi bọt mép và răng nghiến kèn kẹt; co giật rất lâu và kinh khủng, với đủ mọi thái độ bất thường. Cô bị ma quỉ lôi kéo khi thì đến một nơi cao, lúc thì đến một chỗ thấp trong nhà, thỉnh thoảng còn treo mình trên cây.
Cha cô đã trình bày tường tận vấn đề với cha sở. Ngài đã đến làm phép nhà, đặt tượng chuộc tội trong phòng ngủ, và đeo các thánh tích quanh cổ của thiếu nữ. Người ta dâng những lời cầu nguyện công khai tại các tu viện và trường học. Nhưng cô gái vẫn chống đối, vứt bỏ các ảnh chuộc tội, bứt các thánh tích quanh cổ, và thái độ bất thường của cô càng trầm trọng thêm. Sau cùng, người ta nghĩ đến việc đưa cô đến nhà thờ Hilfsburg kế cận, nơi lưu giữ thánh tích của thánh Boniface tổng giám mục, tông đồ của nước Đức. Thật khó khăn họ mới đưa thiếu nữ vào được nhà thờ. Nhưng khi vừa được đưa đến trước bàn thờ nơi Thánh Thể đang được tôn vinh thì ảnh hưởng của thần dữ đã chấm dứt và thiếu nữ trở lại bình thường.
* * *
Trong tất cả các vị tướng lãnh phục vụ hoàng đế Louis XIV nước Pháp (trị vì 1643-1715), tướng Turenne được đức vua coi là người can trường và được toàn thể triều đình kính trọng nhất. Tuy nhiên, tướng Turenne lại là người theo bè Calvin, một sai lầm mà ông không chịu sửa đổi, bất chấp ước nguyện của đức vua và những nỗ lực của nhà hùng biện thời danh là đức giám mục Bossuet. Vị tướng có rất nhiều thành kiến đối với Giáo Hội. Ông đặc biệt chống lại giáo lý về sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể, một điều đối với ông dường như không thể tin được, mặc dù ông cho rằng một giáo lý như thế thực vô cùng tốt lành và an ủi cho những ai có đức tin. Tướng quân đã từng nói, “Nếu ai thuyết phục được tôi tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong bí tích ấy, tôi sẽ sấp mình xuống đất liên lỉ để tôn thờ Người.”
Không xem sao thái độ cố chấp của Turenne, đức giám mục Bossuet vẫn tiếp tục thảo luận giáo lý này với ông. Hai người gặp gỡ nhau với mục đích ấy tại lâu đài Louvre, một địa điểm ngày nay thường được sử dụng để triển lãm nghệ thuật. Trong một lần hai vị đang gặp gỡ thì người ta phát hiện lửa cháy tại một gian phòng trưng bày. Ngọn lửa đe dọa thiêu rụi nhiều tác phẩm nghệ thuật. Turenne vội vã đến hiện trường đốc thúc mọi người. Mọi cố gắng đều được thực hiện để chế ngự ngọn lửa, nhưng tất cả các biện pháp đều vô ích.
Khi nhìn thấy sức mãnh liệt của ngọn lửa và nguy hiểm cận kề, đức giám mục đã theo ơn soi động. Ngài nhanh chóng tiến về nhà nguyện, lấy bình thánh đựng Thánh Thể và đưa về phía đối diện với gian phòng đang cháy. Sau khi lướt qua những đám khói, ngài đến sát bên ngọn lửa và đọc lời ban phép lành. Lập tức, các ngọn lửa bắt đầu ngàn dần, rồi sau cùng tắt hẳn. Các công nhân ngỡ ngàng trước sức mạnh và uy nghi của phép lạ, liền quì gối và cất kinh tạ ơn Te Deum. Với một đức tin mới được tìm thấy, tướng Turenne kinh hãi và quì gối thờ lạy Thánh Thể, mà giờ đây ông đã nhìn nhận. Từ lúc phép lạ xảy ra năm 1667 cho đến khi qua đời, tướng Turenne đã tỏ lòng mộ mến và thực hành đức tin chân thật, ông đã thờ lạy Đấng Cứu Thế hiện diện trong bí tích bàn thờ với tất cả tâm tình khiêm nhượng và sùng mộ.
* * *
Theo kết quả bản hòa ước năm 1802 giữa vua Napoleon và Đức Thánh Cha, các nhà thờ tại Pháp được phép mở cửa trở lại. Biến cố này trùng với ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, năm ấy lại rơi vào ngày lễ bổn mạng của ngôi làng bé nhỏ Creteil. Một chương trình đã được dự định để mừng cả ba biến cố.
Trong khi nhà thờ được lau rửa sạch sẽ, đường kiệu Thánh Thể được sửa sang, bàn thờ lộ thiên được thiết lập và trang trí bằng những hoa tươi, một thôn nữ tên là Henrietta Crete nhớ lại những sự kiện trong Thánh Kinh, về những người yếu bệnh được đem đến cho Chúa khi Người đi ngang qua. Cô nghĩ lòng thương xót Chúa dành cho những người đau khổ lúc nào cũng như thế. Cô đã phác ra một kế hoạch và đem thảo luận với các bạn.
Cũng có một thiếu nữ khác tên là Augustina Mourette, con gái của người bán rượu, cô không còn sử dụng được tay chân và tiếng nói vì hậu quả của một cơn bệnh. Vào thời điểm dịp lễ, cô đã bị bại liệt được 18 tháng.
Trong ngày lễ, Henriette Crete và các bạn bận toàn đồ trắng và đội khăn đến thăm người bạn yếu bệnh; họ mặc cho cô y phục ngày lễ xinh đẹp nhất và đẩy xe lăn của bạn đến chỗ bàn thờ lộ thiên. Để bạn gần bàn thờ, họ chờ đoàn kiệu đi đến. Khi linh mục kiệu Mình Thánh đến gần, các thiếu nữ quì gối quanh người bệnh và tha thiết cầu nguyện cho bạn được lành bệnh. Hết sức xúc động trước lòng sốt sắng của họ, vị linh mục nâng mặt nhật chúc lành cho người bệnh và đọc công thức chúc lành quen thuộc. Vừa xong lời chúc lành, cộng đoàn nhìn thấy thiếu nữ yếu bệnh chỗi dậy khỏi xe lăn một cách dễ dàng, và quì gối - mà không cần ai trợ giúp - để thờ lạy tri ân trước Người Thầy Thuốc Thần Linh. Augustina Mourette tức khắc được chữa lành hoàn toàn.
* * *
Tháng 5 năm 1847, nhạc sĩ kiêm nghệ sĩ dương cầm thời danh Hermann Cohen, một người Do Thái sinh tại Hamburg, đang lưu diễn một loạt chương trình hòa nhạc tại Paris. Hoàng tử Moskowa, bạn thân của nhạc sĩ, lúc ấy đang điều khiển ca đoàn thực hiện những việc tôn sùng tháng Năm tại nhà thờ thánh Valere.
Hermann Cohen nhận lời mời của hoàng tử để điều khiển ca đoàn trong một nghi thức, nhưng ông chia trí lơ đễnh, không nghe bài giảng mà cứ trò chuyện với những người chung quanh. Tuy nhiên, đến giờ chầu phép lành, thái độ của ông hoàn toàn đã thay đổi. Chính ông kể lại:
Mặc dù không nhúc nhích để cúi gối như đám đông, nhưng tôi cảm thấy trong mình một thúc động không sao tả được. Tâm hồn tôi, quen với những trò giải trí thế gian, có thể nói dường như đã tìm lại được chính mình, và đồng thời ý thức được một điều gì đang xảy ra trong lòng mà cho đến lúc ấy vẫn hoàn toàn xa lạ. Không suy nghĩ gì thêm, tôi liền quì gối. Lúc linh mục ban phép lành Thánh Thể, lần đầu tiên tôi cảm thấy một xúc động không diễn tả được, nhưng rất êm ái trong lòng. Hôm sau, ngày thứ Sáu, tôi lại đến, và xúc động trong lòng lại xảy ra, còn mạnh mẽ hơn hôm trước, và tôi cảm thấy có một sức nặng đè xuống trên lưng tôi, bắt tôi phải quì gối một lần nữa. Tôi đã miễn cưỡng vâng theo thúc động ấy, lúc đó một tư tưởng bỗng nhiên vụt qua tâm hồn tôi một cách mãnh liệt: Con phải trở thành một tín hữu Công Giáo!
Vài ngày sau đó, vào một buổi sáng, tôi tình cờ lại ở gần khu vực nhà thờ thánh Valere. Tiếng chuông báo giờ thánh lễ. Tôi đi vào nhà Chúa, và ở lại đó như một người bất động, theo dõi thánh lễ. Tôi dự một, hai, rồi ba thánh lễ mà không suy nghĩ gì. Tôi không hiểu điều gì đã giữ tôi lại. Gần đến chiều tối, tôi miễn cưỡng lại được dẫn đến nhà thờ ấy – tiếng chuông dường như mời gọi tôi. Tôi cảm thấy Đấng Cực Thánh đang được tôn vinh ở đó, và ngay khi nhận ra, tôi bị lôi kéo đến hàng song hiệp lễ và quì xuống mà không sao cưỡng lại được. Tôi tự động cúi mình trong lúc linh mục ban phép lành Thánh Thể, và khi chỗi dậy, tôi cảm thấy một tâm trạng thư thái lạ lùng xâm nhập lòng tôi. Tôi trở về phòng và nằm xuống giường, nhưng suốt đêm, tâm hồn tôi, dù thức dù ngủ, cũng đều suy tưởng đến Thánh Thể. Tôi khắc khoải mong chờ cho đến giờ thánh lễ, và từ đó về sau, hằng ngày tôi đều đến dự thánh lễ tại nhà thờ thánh Valere với một niềm hoan lạc tràn ngập cả người tôi.
Cho đến thời điểm này, người nghệ sĩ dương cầm vẫn coi các tín hữu và các linh mục Công Giáo là những người cần phải xa tránh, nhưng giờ đây, ông cảm thấy một thúc bách không chống lại được phải trình bày với một linh mục về những kinh nghiệm của ông. Ông được hướng dẫn đến với cha bề trên Legrand để vâng theo lời khuyến dụ của ngài, nhưng theo lời Hermann thú nhận, “… sự dữ vẫn chưa bị khuất phục.” Những buổi hòa nhạc đem lại cho ông vô số tiền bạc, cho ông quay lại với những buông tuồng vui thú thế gian.
Sau buổi hòa nhạc tại Elms vào ngày 8 tháng 8 năm 1847, mặc kệ chúng bạn, ông đã đến một thánh đường và tham dự thánh lễ. Trong thánh lễ này, ông đã được ơn sám hối. Hai mươi ngày sau đó, ông đã được cha Legrand ban bí tích Thánh Tẩy. Rồi sau khi được lãnh nhận bí tích Thêm Sức, ông luôn nói không mệt mỏi, “Tôi đã tìm được Đấng tôi yêu mến. Người thuộc về tôi và tôi thuộc về Người. Tôi sẽ không bao giờ để Người phải ra đi lần nữa.”
Vào một chiều tối không bao lâu sau đó, Hermann nấn ná ở lại trong nhà thờ của các nữ tu dòng Kín Đức Mẹ núi Carmel, nơi Thánh Thể đang được tôn kính trên bàn thờ. Xúc động sâu xa khi được biết các nữ tu thánh thiện này ở lại thâu đêm để tôn thờ Thánh Thể, ông quyết tâm thành lập một hội đoàn cho nam giới để thực hiện lòng sùng mộ tương tự như thế. Không bao lâu sau đó, hội Tôn Thờ Thánh Thể được thành lập, và ngày 6 tháng 12 năm 1848, giờ chầu thâu đêm đầu tiên đã được bắt đầu. Từ lúc ấy, hội đoàn này đã lan rộng khắp cả nước Pháp.
Được lòng yêu mến đối với phép Thánh Thể thúc đẩy, năm 1849, nhạc sĩ Hermann đã vào dòng Kín Đức Mẹ núi Carmel và nhận tên Augustine Maria phép Thánh Thể. Sau đó, thầy đã được lãnh nhận thánh chức.
Người nghệ sĩ lừng danh đã rảo khắp Châu Âu, làm say sưa các thính giả bằng trình độ tài năng tuyệt vời, giờ đây rao giảng vinh quang của bí tích Thánh Thể và niềm vui của những ai mê say Thánh Thể với lòng yêu mến và tôn thờ.
Khi được mời đến rao giảng tại Anh Quốc, cha Hermann đã xây dựng tại Kensington ngôi thánh đường xinh đẹp mang tên thánh Simon Stock và phục vụ trong chức vụ bề trên tiên khởi của tu viện này.
* * *
Lòng sốt sắng và trung thành nhiệt tâm với đức tin của dân tộc Ái Nhĩ Lan là điều không còn ai hồ nghi và đã được ghi dấu chắc chắn trong lịch sử nước này. Nổi bật trong lịch sử Giáo Hội có ba biến cố quan trọng đã nâng đỡ các tín hữu Ái nhĩ Lan trong những thời buổi nguy hiểm đầy thử thách. Ba biến cố ấy đã được ghi lại trong các tác phẩm của sử gia kiêm thần học gia Wadding (d. 1657).
Biến cố thứ nhất xảy ra trong thời kỳ đô hộ của người Norman. Tuy phạm nhiều lỗi lầm, nhưng người Norman có lòng nhiệt thành xây dựng các thánh đường và tu viện. Tu sĩ các dòng đảm trách những thánh đường này chẳng bao lâu đã thiết lập các địa điểm phụng tự khắp nơi trên đảo quốc, đó là những nguyện đường được xây dựng tại các khúc sông cạn và những chiếc cầu. Ngoài thánh lễ buổi sáng, còn có những thánh lễ được cử hành vào lúc 6 giờ chiều cho những ai làm việc từ sáng sớm ngoài đồng áng. Khắp nơi đều có các địa điểm thờ phượng, nên ở đâu du khách cũng có thể nghe được chuông hiệu và tham dự thánh lễ ở nơi nào thuận tiện.
Phép lạ sau đây liên hệ đến một nhà thờ tại Clonmel, nói lên lòng sùng kính tham dự thánh lễ hằng ngày của dân chúng và một số nhà quí tộc Norman. Biến cố được kể lại như sau:
Edmund Butler, nam tước xứ Cahir, một ngày nọ, theo thông lệ đang tham dự thánh lễ tại nhà thờ [của dòng Phanxicô tại Clonmel] thì nghe tin hầu tước xứ Ormond và nam tước xứ Dunboyne cùng đồng đảng hùng hậu xâm lấn lãnh địa của mình. Không tỏ dấu hốt hoảng, ông nhất định tham dự cho hết thánh lễ. Ông nghĩ rằng vì chuyện loài người mà đành bỏ thánh lễ thì thật bất xứng, bởi vì nhờ sức mạnh thánh lễ, có thể đánh đuổi kẻ thù dễ dàng hơn nhờ sức mạnh quân sự. Hơn nữa, người đành bỏ mọi sự chẳng thà chịu bỏ ngang lễ hy tế cứu độ thì không phải thiệt thòi gì. Khi thánh lễ kết thúc, cùng với một số thân nhân và binh sĩ, nam tước đã mở cuộc tấn công, giành lại tất cả những chiến lợi phẩm và nạn nhân, lật đổ kế hoạch của kẻ thù mạnh mẽ, và đánh đuổi bọn chúng tháo chạy trong nhục nhã.


tải về 1.12 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương