PHÉp lạ thánh thể Lm. Đoàn Quang, cmc xuanha net Mục lục Phép lạ Thánh Thể



tải về 1.12 Mb.
trang5/9
Chuyển đổi dữ liệu20.11.2017
Kích1.12 Mb.
#34471
1   2   3   4   5   6   7   8   9

5. PHÉP LẠ TẠI BLANOT, NƯỚC PHÁP
Năm 1331
(Joan Carroll Cruz, Phép Lạ Thánh Thể, Chương 17, Regina xb, USA, 2002)
Ngôi làng Blanot nằm trong một thung lũng hẹp và dài, được những ngọn núi thơ mộng bao quanh. Tuy ẩn khuất vì địa thế, nhưng ngôi làng này lại được Thiên Chúa ưu đãi và tôn vinh bằng một phép lạ Thánh Thể. Bằng chứng của phép lạ này hiện vẫn đang được lưu giữ tại ngôi thánh đường đã xảy ra phép lạ.
Trước khi kể lại phép lạ, tốt nhất nên nhớ lại cách cho rước lễ hồi thế kỷ XIV (hiện nay vẫn còn ở nhiều nơi). Trong thánh lễ, khi đến giờ hiệp lễ, cộng đoàn sẽ đi lên hàng song ngăn cách phần nhà thờ với cung thánh. Sau khi đã lấy chỗ dọc theo chiều dài của hàng song, họ sẽ quì xuống. Cùng lúc đó, hai người giúp lễ cũng đến hàng song, mỗi người quì ở một đầu. Họ sẽ cầm tấm khăn dài treo dọc theo hàng song, ở phía bên cung thánh, mỗi người một đầu và phủ lên hàng song. Cộng đoàn sẽ đặt tay bên dưới tấm khăn ấy. Vị linh mục cầm bình đựng Mình Thánh sẽ đi xuống và cho cộng đoàn rước lễ dọc theo hàng song. Vào thời kỳ phép lạ này xảy ra, làng Blanot đang áp dụng cách cho rước lễ như thế.
Phép lạ xảy ra vào Chúa Nhật Phục Sinh, ngày 31 tháng 3 năm 1331, vào thánh lễ thứ nhất, do linh mục Hugues de la Baume, cha phó của giáo xứ Blanot cử hành. Vì tính cách trang trọng của dịp lễ, nên ngoài các em lễ sinh, còn có hai ông tên là Thomas Caillot và Guyot Besson giúp thêm vào đó. Đến giờ hiệp lễ, hai ông này đến hàng song và lấy chỗ ở hai đầu rồi phủ tấm khăn dài lên hàng song. Các giáo hữu khác cũng đã vào chỗ, đặt tay xuống dưới tấm khăn và chờ đợi vị linh mục.
Một trong những người rước lễ cuối cùng hôm ấy là bà Jacquette, góa phụ của ông Regnaut d’Effour. Vị linh mục trao Mình Thánh vào lưỡi bà rồi quay trở lên bàn thờ. Chính lúc ấy, hai người đàn ông và một vài giáo hữu khác nhìn thấy Mình Thánh rớt khỏi miệng người đàn bà và rơi trên trên tấm khăn phủ tay bà. Khi vị linh mục vừa đặt bình thánh vào nhà tạm, ông Thomas Caillot đến gần và thông báo sự việc cho ngài. Vị linh mục lập tức rời bàn thờ và đi xuống hàng song; nhưng thay vì nhìn thấy Mình Thánh, ngài nhìn thấy một vết máu to bằng Bánh Thánh, rõ ràng Bánh Thánh đã tan trong vết máu này.
Khi thánh lễ kết thúc, vị linh mục đưa tấm khăn vào phòng áo và đặt chỗ vết máu vào chậu nước sạch. Sau khi giặt chỗ máu, và dùng các ngón tay chà nhiều lần vào chỗ ấy, ngài thấy vết máu không nhạt đi và biến mất, nhưng càng lúc càng lan ra và thẫm hơn. Khi lấy khăn khỏi chậu, ngài ngạc nhiên thấy nước đã biến thành máu. Vị linh mục và những người giúp ngài không những kinh ngạc, mà còn hoảng hốt và kêu lên, “Đây là Máu Thánh của Chúa Giêsu Kitô!” Sau đó, vị linh mục lấy một chiếc dao, rửa sạch và cắt lấy phần vải mang dấu máu của tấm khăn. Miếng vải hình vuông này đã được lưu giữ một cách kính cẩn trong nhà tạm.
Mười lăm ngày sau đó, một vị chức sắc của tổng giáo phận Autun là Jean Jarossier đã đến giáo xứ Blanot và khởi sự điều tra. Cùng đi với ngài có cha sở de Lucenay, một đức ông thuộc giáo phận và một viên lục sự của tòa giám mục. Cuộc chất vấn các nhân chứng được thực hiện dưới sự chứng kiến của cha Pierre Osnonout, cha sở giáo xứ Blanot. Các kết quả của cuộc điều tra này được đức tổng giám mục Pierre Bertrant đệ trình lên đức giáo hoàng John XXII, và ngài đã ra một tuyên ngôn chuẩn thuận và ban các ân xá cho những ai đến cử hành thánh lễ tại nhà thờ giáo xứ Blanot. Những bản tài liệu này hiện còn được giữ tại tòa thị sảnh Blanot và được mô tả viết theo một lối viết cổ rất khó đọc.
Các Bánh Thánh còn lại trong bình thánh sau giờ hiệp lễ Chúa Nhật Phục Sinh hôm ấy không được phân phát nữa, nhưng được lưu giữ kính cẩn trong nhà tạm. Nguyên nhân của việc này vẫn chưa rõ, mặc dù người ta cho là vị linh mục muốn tránh khả năng lặp lại điều kỳ diệu trên. Vào năm 1706, những Bánh Thánh này vẫn còn trong tình trạng nguyên vẹn sau 375 năm đã được tôn kính trong cuộc cung nghinh dài năm tiếng đồng hồ quanh giáo xứ Blanot nhân dịp kỷ niệm phép lạ. Tham dự trong cuộc rước có nhiều đấng bậc và rất đông đảo con chiên trong giáo xứ và những vùng lân cận. Lúc bế mạc cuộc cung nghinh, chiếc bình thánh bằng bạc đựng các Bánh Thánh đã được đặt vào chiếc hộp bằng vàng để cất giữ. Hộp này được cẩn thận đặt vào nhà tạm chính của nhà thờ.
Suốt nhiều năm, những cuộc cung nghinh kỷ niệm và những hoạt động đặc biệt khác đã được tổ chức, nhưng tất cả đều bị gián đoạn khi cuộc Cách Mạng Pháp bùng nổ, vì các kẻ quá khích bạo loạn đã phạm thánh các nhà thờ Công Giáo và cướp đi các đồ vật giá trị.
Vào ngày 27 tháng 12 năm 1793, một nhóm người tạo phản xông vào nhà thờ và cả gan mở cửa nhà chầu. Miếng khăn thấm máu khi ấy được đặt trong một chiếc ống pha lê thực sự đã được trao cho một người trong bọn, nhưng may mắn thay hắn đã vứt lại như một thứ kém giá trị. Sau sự kiện phạm thánh nhà thờ, thánh tích đã được trao cho một giáo hữu đạo đức tên là Dominique Cortet gìn giữ. Trong thời gian tại nhà ông này, thánh tích được tôn kính và bảo quản cẩn thận, tuy nhiên, chiếc ống đã bị bể ở cả hai đầu. Một đầu vỡ là do linh mục M. Lucotte, cha sở giáo xứ Blanot thường hay hôn kính thánh tích và đặt lên mắt các tín hữu. Đầu kia bị vỡ một cách tình cờ khi thánh tích được giấu trong ngăn kéo của một chiếc tủ.
Sau cuộc cách mạng, lúc hòa bình đã được vãn hồi, nhiều người đã được chất vấn về tính cách xác thực của tấm khăn trong chiếc ống pha lê. Mọi người đều nhận thực đó chính là tấm khăn đã từng được giữ tại nhà thờ. Sau khi các vị có thẩm quyền trong Giáo Hội đã thỏa đáng về tính cách xác thực, thánh tích đã được long trọng rước về nhà thờ và đặt trong một chiếc hộp bọc nhung, rồi được giữ trong nhà tạm.
Một thời gian sau đó, người ta đã làm một chiếc ống pha lê mới để đựng thánh tích. Ở hai đầu có những vòng vàng và đồng, với một cây thánh giá ở trên chóp. Chiếc ống, bên trong có tấm khăn có thể được nhìn thấy rõ ràng, được niêm kín và được đặt vào một mặt nhật đặc biệt. Phần đế của mặt nhật được trang trí bằng bốn mảnh men sứ, trình bày các biến cố trong lịch sử của thánh tích.
Hằng năm vào thứ Hai sau lễ Phục Sinh, theo tập quán từ xưa, thánh tích đã được long trọng đem bày kính công khai tại nhà thờ giáo xứ Blanot.
6. PHÉP LẠ TẠI AMSTERDAM, NƯỚC HÒA LAN
Năm 1345
(Joan Carroll Cruz, Phép Lạ Thánh Thể, Chương 18, Regina xb, USA, 2002)
Phép lạ Thánh Thể tại Amsterdam xảy ra vào ngày 15 tháng 3 năm 1345, tại một ngôi nhà trên đường Kalver, nơi có một người đàn ông tên Ysbrant Dommer lâm bệnh nguy tử và được cha sở đưa Của Ăn Đàng. Ngay khi vị linh mục vừa rời khỏi ngôi nhà, bệnh nhân đau đớn kịch liệt, và thổ ra tất cả những gì trong bao tử. Người đàn bà túc trực đã dọn tất cả những thứ ấy vào một cái chậu và đổ vào ngọn lửa cháy phừng phừng trong lò sưởi.
Sáng hôm sau, khi đến lò sưởi để khơi lửa lên, người đàn bà này sửng sốt khi nhìn thấy Mình Thánh, còn nguyên vẹn và sáng láng, nằm ở giữa những cục than hừng hừng. Bà tức khắc lấy Bánh Thánh ra khỏi lửa, cẩn thận đặt trong một tấm vải sạch và cất vào một chiếc rương.
Vị linh mục liền được mời đến, ngài đặt Bánh Thánh vào một chiếc hộp và rửa miếng vải đã bọc Bánh Thánh. Sau đó, ngài đưa Mình Thánh về nhà thờ giáo xứ thánh Nicholas (hiện nay là tài sản của một người ngoại giáo).
Sáng hôm sau, vị linh mục thấy chiếc hộp rỗng không, nhưng Mình Thánh lại được người đàn bà kia phát hiện khi mở rương để lấy một số khăn vải. Một lần nữa, vị linh mục lại được mời đến để đưa Bánh Thánh về nhà thờ. Sau đó, Bánh Thánh lại biến mất và lại được tìm thấy, vị linh mục liền hội họp các giáo sĩ khác để tham vấn. Mọi người đều đồng ý những sự kiện tái diễn kia là chứng cứ trực tiếp của quyền năng Thiên Chúa, và rõ ràng là một dấu chỉ muốn phép lạ ấy phải được tôn kính công khai. Bánh Thánh phép lạ sau đó đã được cung nghinh long trọng về nhà thờ giáo xứ.
Một cuộc điều tra chính thức đã được ngài thị trưởng cùng hội đồng thành phố xúc tiến, mọi người đều chấp nhận về tính cách xác thực của các chứng nhân. Họ xác nhận sự kiện và chuẩn nhận phép lạ ấy trong các văn kiện chính thức. Về phía giáo quyền, đứng đầu là đức giám mục Utrecht, cũng xúc tiến một cuộc điều tra rộng rãi trước khi cho các giáo sĩ phổ biến thông tin về sự kiện.
Ngôi nhà nơi phép lạ xảy ra chẳng mấy chốc đã biến thành ngôi nhà nguyện được gọi là Nieuwe Zijds, tức là Nơi Thánh – không những vì phép lạ đã xảy ra, mà Bánh Thánh phép lạ còn được lưu giữ trên bàn thờ tại đây. Lò sưởi nơi phép lạ xảy ra đã được bảo quản.
Khoảng 100 năm sau, vào năm 1452, một trận hỏa hoạn lớn đã thiêu rụi hầu hết thành phố Amsterdam và đe dọa nguyện đường Nơi Thánh. Vì cố gắng cứu Bánh Thánh phép lạ – người ta đã mời những người thợ làm khóa đến để mở cửa nhà tạm – nhưng các nỗ lực đều thất bại khi những dụng cụ đều gãy hỏng, đồng thời ngọn lửa cùng sức nóng buộc họ phải thối lui. Khi ngọn lửa bị dập tắt, người ta lại thấy một phép lạ khác: nằm giữa đống hoang tàn nghi ngút khói là chiếc bình đựng Bánh Thánh phép lạ còn nguyên vẹn, kể cả tấm khăn đậy bằng lụa.
Một bảng liệt kê rất dài các ơn đặc biệt người ta đã được lãnh nhận trước ngày cuộc hỏa hoạn xảy ra đã được dựng lên khi ngôi nguyện đường được tái thiết. Những đám đông tuốn đến và tham dự cuộc cung nghinh hằng năm kỷ niệm ngày phép lạ xảy ra.
Đến thời điểm này trong lịch sử của phép lạ, chúng ta hãy hướng sự chú ý về các nữ tu dòng thánh Begga, vị thánh đã từ bỏ một ngôi làng nhỏ gần Amsterdam để thiết lập một cộng đoàn gần nơi xảy ra phép lạ. Cộng đoàn này về sau được gọi là Beguines, tức là các phụ nữ giáo dân sống chung trong một cộng đoàn phức hợp và tuyên giữ các lời khấn tạm về đức vâng phục và đức khiết tịnh, nhưng không tuyên lời khấn khó nghèo, vì họ được phép sở hữu và sử dụng tài sản riêng tùy ý. Họ tập họp nhau dâng thánh lễ và cầu kinh, nhưng được phép đến hay đi tùy ý. Nhiều thành viên dấn thân trong các công cuộc giáo dục và từ thiện. Môi trường của họ cũng khác thường vì mỗi phần tử sống trong một ngôi nhà nhỏ riêng biệt, thông với ngôi nhà của các phần tử khác. Những ngôi nhà này xếp thành hình vuông, ở giữa là một khoảng sân. Một trong những ngôi nhà ấy được dùng làm nhà nguyện và được nới rộng thêm theo năm tháng. Toàn bộ khu vực ấy được gọi là Begijnhof.
Vào thời kỳ Cải Cách Tin Lành, khi ngôi nhà nguyện bị giới chức thành phố tịch thu, Bánh Thánh phép lạ được trao cho các bà Beguines gìn giữ. Lòng sùng kính và các việc đạo đức đã thành truyền thống trước kia vẫn tiếp tục được thực hiện. Nhưng vào năm 1607, nơi nương ẩn cuối cùng này cũng bị đóng cửa, mặc dù tại tòa nhà nhỏ nối với nhà nguyện của các bà Beguines, các việc đạo đức tư vẫn được duy trì. Dần dần, hoàn cảnh cho phép, tòa nhà tại Begijhof được nới rộng; nhưng mãi đến năm 1845, nhân dịp kỷ niệm 500 năm phép lạ, một cuộc biểu dương công khai vĩ đại mới được tổ chức. Từ đó, hằng năm đều tổ chức dịp kỷ niệm phép lạ.
Ngoài những hoạt động hằng năm, các cuộc rước mang tính cách cá nhân quanh năm vẫn diễn ra suốt từ thời kỳ phép lạ, và vẫn tiếp tục trong thời kỳ cuộc Cải Cách Tin Lành. Những cuộc rước ấy được gọi là “những cuộc rước âm thầm,” bởi vì các tín hữu thầm lặng đi trên Con Đường Thánh như một hành vi đạo đức tư. Các cuộc rước cá nhân hiện vẫn diễn ra, nhưng vào ngày vọng trước dịp kỷ niệm phép lạ hằng năm, nhất là trong đêm ấy và từng giờ trong chính ngày kỷ niệm, dường như có đông đảo tín hữu tham gia hơn.
Ngôi nhà nguyện nhỏ nơi phép lạ xảy ra đã bị phá hủy vào năm 1908 vì các cuộc phản kháng của cả Công Giáo lẫn Tin Lành. Tuy nhiên, ngôi nguyện đường nhỏ bé ấy không đi vào quên lãng, vì hình ảnh của nó đã được giữ lại trên khung cửa sổ kính màu trong nhà nguyện của dòng Begijnhof. Hơn nữa, phía sau bàn thờ chính có một cửa sổ kính màu diễn tả phép lạ; và trên những bức tường hai bên đều có những họa phẩm vẽ lại các cuộc cung nghinh thời trung cổ.

Để ghi nhớ phép lạ, Thánh Thể hằng ngày đều được đặt chầu trong ngôi nhà nguyện này. Như thế, Amsterdam đã trở thành một địa điểm hành hương cho toàn thể đất nước Hòa Lan.


7. PHÉP LẠ TẠI MACERATA, NƯỚC Ý
Năm 1356
(Joan Carroll Cruz, Phép Lạ Thánh Thể, Chương 19, Regina xb, USA, 2002)
Các tín hữu Công Giáo tại Macerata tự hào rằng thành phố của họ có thể được gọi là thành phố của Phép Thánh Thể – và điều này có hai nguyên nhân: bởi vì phép lạ Thánh Thể đã từng xảy ra tại đây; và bởi vì đây là thành phố đầu tiên trên thế giới tổ chức một đoàn thể tôn vinh Thánh Thể.
Phép lạ đã xảy ra tại Macerata vào buổi sáng ngày 25 tháng 4 năm 1356, trong lúc một vị linh mục đang cử hành thánh lễ tại nhà thờ của các nữ tu dòng Biển Đức. Khi vừa bắt đầu nghi thức truyền phép, ngài có một thoáng hồ nghi về sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô, lúc bẻ Bánh Thánh, bất ngờ máu tươi từ hai bên mép của Bánh Thánh liền nhỏ ra! Vị linh mục lúc ấy được tràn đầy đức tin và sốt sắng, đôi tay của ngài run rẩy đã làm cho máu từ Bánh Thánh nhỏ ra bên ngoài chén thánh, dính vào khăn thánh ở phía dưới.
Lúc kết thúc thánh lễ, vị linh mục vội vã báo tin cho đức giám mục Nicolo thánh Martino, và đức giám mục ban lệnh phải đưa tấm khăn thánh dính máu đến nhà thờ chính tòa để được điều tra theo Giáo Luật. Phép lạ này được so sánh với phép lạ đã xảy ra tại Bolsena gần 100 năm về trước, phép lạ đã đưa đến việc thiết lập lễ kính Mình Máu Thánh Chúa.
Sau khi tính cách xác thực đã được ủy ban giáo luật thừa nhận, tấm khăn thánh dính máu đã được tôn kính công khai.
Mặc dù không thể tìm được một văn liệu chính thức nào từ thời ấy trong văn khố của thành phố Macerata, tuy nhiên nhà sử học danh tiếng Ignazio Compagnoni, trong thủ bản thứ tư của ông, đã kể lại các chi tiết của phép lạ và tường trình rõ ràng về việc ủy ban công nhận tính cách xác thực của thánh tích. Các bản tường trình có từ thời phép lạ và những tuyên ngôn sau đó của nhiều vị giám mục và tổng giám mục (đặc biệt là của đức hồng y Centini vào năm 1622) đã xác nhận tính cách xác thực của thánh tích này. Các vệt máu vẫn được thấy rõ ràng trên tấm vải đã được mọi người coi là Máu Thánh của Đấng Cứu Thế.
Các tài liệu từ năm 1647 nói đến một người tên Orazio Longhi đã dâng cúng cho nhà thờ chính tòa một bình đựng quí giá bằng bạc và pha lê để tôn trưng thánh tích. Vào năm 1649, đức cha Silvestri tổ chức một cuộc rước kiệu và một nghi thức long trọng để tôn vinh khăn thánh – những kỳ lễ này được rất đông các tín hữu tham dự.
Thánh tích vẫn được bày kính công khai mãi cho đến 1807, khi vua Napoleon bắt đầu đe dọa nước Ý và Giáo Hội. Khi Napoleon giải thể các đoàn hội và đình chỉ các cuộc rước truyền thống, tấm khăn thánh được giấu trong một chiếc tủ đặt phía sau bàn thờ trong vương cung thánh đường. Tấm khăn vẫn được giữ ở đó trong suốt thời gian này cũng như trong cuộc biến động chính trị làm bất ổn nước Ý vào giữa thế kỷ XIX. Tuy vậy, trong những năm ấy, người ta vẫn không quên được tấm khăn. Vào ngày 10 tháng 10 năm 1861, đức cha Zangari đã xác nhận tấm khăn, và sau đó đến ngày 15 tháng 9 năm 1885, đức cha Galeati đã tái xác nhận tính cách xác thực của tấm khăn thánh.

Tấm vải quí giá này sau cùng đã được đưa ra khỏi nơi cất giấu vào năm 1932. Sau khi được xác nhận hợp lệ, tấm khăn đã được đặt trong một khung kính và được bày kính liên tục tại nguyện đường Bí Tích.


Kích thước của chiếc khăn rất thuận tiện cho người xem. Chiều dài là 4 feet 2.5 inches (khoảng 1,27 m), và chiều rộng là 1 foot 4 inches (khoảng 0,4 m), lớn hơn những khăn thánh chỉ rộng bằng chiếc khăn tay đang được sử dụng rộng rãi ngày nay. Tuy vậy, người ta tin rằng tấm khăn thánh này đã được gấp đôi trong thánh lễ phép lạ đã xảy ra, bởi vì hai vết máu khít vào nhau khi tấm vải được gấp lại.
Một số các nếp gấp khác cũng hiện rõ trên tấm vải. Có năm nếp gấp ngang và bảy nếp gấp dọc. Ngoài những vết máu, còn có thể nhận ra các vết mốc và một vài giọt sáp nhỏ.
Được biết không thể sử dụng việc phân tích hóa học cho thánh tích, bởi vì các thế kỷ đã làm cho các chất không phải là tơ vải trở nên đồng nhất với nhau; vì vậy, chỉ có thể thực hiện việc quan sát hình thể mà thôi.
Tính xác thực của tấm khăn thánh đã được xác định theo ba phương cách. Thứ nhất, tấm vải (theo mô tả, được dệt khá đẹp và đã ố vàng theo thời gian) đã được các học giả giám định có từ thế kỷ XIV. Thứ hai, lớp giấy kết dính với tấm khăn có những hình chữ kiểu Gothic, đã được các nhà bác học giám định có từ thời kỳ của phép lạ xảy ra. Thứ ba, mặc dù không còn một tài liệu chính thức nào được lưu giữ, nhưng có rất nhiều thủ bản do các tác giả nổi tiếng vào thời kỳ ấy đã đề cập đến lịch sử và thừa nhận tính cách lịch sử của tấm khăn.
Tấm khăn thánh có thể được nhìn thấy trong một nguyện đường mới trong nhà thờ chính tòa Macerata, nơi đây tấm khăn được tôn kính đặc biệt vào ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô và trong tuần bát nhật của lễ này.
8. PHÉP LẠ TẠI BRUSSELS, NƯỚC BỈ
Năm 1370
(Joan Carroll Cruz, Phép Lạ Thánh Thể, Chương 20, Regina xb, USA, 2002)
Phép lạ Thánh Thể tại Brussels, nước Bỉ xảy ra vào thời kỳ có cuộc đối kháng quyết liệt giữa một số tín hữu Kitô Giáo và những người Do Thái. Dường như vào năm 1369, có một người Do Thái tên là Jonathan cư ngụ tại thị trấn Enghien nhỏ bé, cách Brussels chừng 15 dặm. Jonathan có một người bạn là Jean, quê ở Louvain (khi ấy đang sống tại Brussels), người bạn này sau đó đã giả vờ trở lại Kitô Giáo.
Jonathan nài nỉ người bạn kiếm cho anh ta một vài Bánh Thánh đã được sử dụng trong thánh lễ. Lúc đầu Jean không chịu nghe theo, vì thế sau cùng Jonathan đã hứa thưởng 60 đồng tiền vàng nếu Jean chịu làm việc này. Lòng tham cuối cùng đã chiến thắng lương tâm của Jean, và anh ta lập tức dò la các nhà thờ tại Brussels để kiếm cách xâm nhập. Sau cùng, hắn quyết định chọn nhà thờ thánh nữ Catharine, ngôi nhà thờ này chỉ được một ông từ coi sóc qua loa bởi vì nhà thờ này lưu giữ Thánh Thể cho các bệnh nhân.
Vào đêm ngày 4 tháng 10 năm 1369, Jean bắc một chiếc thang lên tường nhà thờ, đục một cửa sổ và lẻn vào bên trong. Sau khi đã mở cửa nhà tạm, hắn tìm thấy một bình vàng, bên trong có 15 Bánh Thánh nhỏ và một Bánh Thánh lớn được dùng trong giờ chầu phép lành. Sau khi rời nhà thờ, hắn đến Enghien và trao các Bánh Thánh lại cho Jonathan, tên này thưởng cho hắn một bọc tiền đủ số như đã hứa trước.
Số phận của tên trộm không được rõ, nhưng người ta kể lại Jonathan đã bị giết chết trong khu vườn nhà hắn không đầy hai tuần sau vụ trộm – trước sự hoảng hốt của người con trai nhỏ của y. Sau đó một thời gian, người vợ góa của Jonathan đã đi đến thành phố Brussels và mang theo chiếc bình với các Bánh Thánh bên trong.
Vào ngày 4 tháng 4 năm 1370, nhằm thứ Sáu tuần Thánh, những người Do Thái tụ tập trong hội đường của họ tại Brussels. Sau khi đặt các Bánh Thánh trên bàn, họ tàn đãi và báng bổ thậm tệ. Sau khi phạm thánh một lúc, họ rút dao ra và đâm xuyên qua các Bánh Thánh.
Tức thì trước những cặp mắt sững sờ của bọn Do Thái, máu đã vọt chảy ra từ các vết đâm. Hơn nữa, các vũ khí của bọn tấn công rơi ra khỏi tay chúng, chúng run rẩy và ngã lăn xuống đất kinh hoàng.
Để xong mình với các Bánh Thánh chảy máu này, bọn Do Thái đã ép buộc một phụ nữ tân tòng tên là Catharine đồng ý đưa các Bánh Thánh đến cho những người Do Thái tại Cologne. Nhưng vì cảm thấy hối hận và xao xuyến cực độ, chị ta đã quyết định đem toàn bộ vấn đề kể cho cha sở nhà thờ Đức Bà là linh mục Pierre Van den Eede. Phụ tá của đức giám mục Cambrai à Brussels là cha Jean d’Yssche cũng được báo tin về vụ lấy cắp này, và cùng với một ủy ban các giáo sĩ khác, ngài đã hết sức xúc động khi nhận lại các Bánh Thánh từ tay Catharine.
Sau khi được thu hồi, các Bánh Thánh đã được đưa đến nhà thờ Notre Dame de la Chapelle. Một ít Bánh Thánh được lưu giữ tại đây, các Bánh Thánh còn lại được cung nghinh trong cuộc rước đền tạ long trọng đến nhà thờ chính tòa thánh Michael được tổ chức vào tháng 5 năm 1370. Các Bánh Thánh được các giáo sĩ thành phố hộ kiệu, cùng với tu sĩ các dòng Hành Khất, ngài công tước cùng phu nhân xứ Brabant, và rất đông các hiệp sĩ, các nhà quí tộc và công dân của thành phố, cùng với nến sáng, hương thơm và những bài thánh ca chúc tụng, trong khi đường kiệu được trang trí lộng lẫy để tôn vinh Thánh Thể. Giữa niềm hân hoan và xúc động dạt dào, các Bánh Thánh đã được tôn kính tại một nguyện đường trên ca đài cho đến khi một nguyện đường mới xứng đáng hơn được xây dựng. Sáu Bánh Thánh đã bị hủy hoại hoàn toàn trong ngày tội ác. Sau cùng, ba Bánh Thánh đã được đặt vào một bình pha lê được cẩn vào giữa một hình thánh giá bằng vàng.
Sau những cuộc điều tra, có hai bản tường trình khác nhau liên quan đến số phận sau cùng của bọn phạm thánh. Một bản ghi rằng vua Wenceslas, cai trị vùng Brussels vào thời kỳ ấy, đã cho bắt và xử bọn Do Thái; chúng đã thú nhận hành vi của mình và hậu quả là bị hỏa thiêu. Một bản ghi rằng cộng đồng Do Thái đã trừng trị bọn bị kết án ấy bằng hình phạt đày khỏi xứ.
Trong những năm tháng biến động 1579–1585, khi những người bè Calvin báng bổ các thánh đường và phá hủy các thánh tích và tượng ảnh, các Bánh Thánh được lưu giữ tại nhà thờ Notre Dame de la Chapelle đã biến mất. Những Bánh Thánh được đặt trong hình thánh giá tại nhà thờ thánh Michael lúc đầu được giấu tại bệnh viện Mười Hai Tông Đồ, và sau đó được giấu vào lỗ khoét trong một cây xà bằng gỗ tại nhà thờ thánh Michael. Khi những người theo bè Calvin lục lọi tìm các Bánh Thánh, họ đã đứng ngay bên dưới cây xà này khi đi vào – mà không biết rằng các Bánh Thánh đang ở ngay trên đầu.
Một thời kỳ bất ổn khác cho Giáo Hội tại Brussels là năm 1794, trong thời kỳ cuộc Cách Mạng Pháp, khi những thanh đồng thau và các đồ trang trí giá trị bị cướp đoạt, các bức thảm, các bình đựng bằng bạc hoặc bị phá hủy hoặc bị đánh cắp. Người ta cũng cướp đi các bức tranh của Venius, Rubens và Van Dyck. Tuy nhiên, một bộ tranh diễn tả các biến cố lịch sử của phép lạ đã được gìn giữ, và hiện nay ta có thể nhìn thấy trong nhà thờ thánh Michael.
Muốn hiểu biết và trân trọng phép lạ này, điều quan trọng là chúng ta phải xét đến vì sao biến cố phép lạ này đã được trình bày trên các khung cửa sổ kính màu, các bức họa, các tượng điêu khắc và các bức trướng, những vật đã thu hút vô số tín hữu hành hương và du khách. Trước tiên, chúng tôi xin trình bày một số thông tin về chính ngôi nhà thờ chính tòa.
Ngay từ khởi đầu, ngôi nhà thờ này đã mang tên thánh Michael. Nhưng vào thế kỷ XII, với phong trào sùng kính thánh Gudule lên đến đỉnh cao, tên nhà thờ được đổi lại và mang tên thánh Gudule, và hài cốt của thánh nhân đã được tôn kính tại nhà thờ này từ năm 1047. Vào tháng 2 năm 1962, tên của nhà thờ được đổi lại một lần nữa và nhận tên thánh Michael như trước, để phù hợp với đấng thánh bổn mạng nguyên thủy của nhà thờ. Nhưng một số tài liệu về lịch sử và kiến trúc cũng như một vài tài liệu du lịch đã đơn giản ghi sai lầm ngôi nhà thờ này là nhà thờ chính tòa thánh Gudule.
Tại nhà thờ chính tòa thánh Michael có hài cốt nhiều nhân vật quí phái cả về danh hiệu lẫn chức quyền. Nhà thờ này cũng là một điển hình về lối kiến trúc Gothic từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVII. Ngôi nhà thờ ban đầu đã bị phá hủy, được tái thiết và mở rộng nhiều lần. Tuy nhiên có một vài chỗ thuộc ngôi nhà thờ ban đầu vẫn được giữ lại như giếng rửa tội có từ thế kỷ IX, và phòng áo từ thế kỷ XII. Dĩ nhiên, ngôi nhà thờ này được nổi tiếng nhờ việc lưu giữ các Bánh Thánh phép lạ năm 1370 trong một nguyện đường đã được xây dựng trong khoảng các năm 1534-1539.
Một trong những cửa sổ kính màu trong nhà thờ chính tòa có hình người vợ góa của Jonathan trao các Bánh Thánh cho những người Do Thái; một cửa sổ khác có hình các Bánh Thánh được cung nghinh từ nhà thờ Notre Dame de la Chapelle đến nhà thờ chính tòa thánh Michael. Một cửa sổ khác có hình các Bánh Thánh được giao cho đức cha John Hauchin, tổng giám mục Mechlin, người trước kia đã từng phụ trách nhà thờ thánh Michael. Ba cửa sổ khác có hình những biến cố trong lịch sử của phép lạ.
Hoàng đế Charles V dâng cúng cho nhà thờ chính tòa những cửa sổ kính màu lộng lẫy. Trong số này, có một cửa sổ có hình hoàng đế và hoàng hậu là Isabella xứ Bồ Đào Nha trong tư thế thờ lạy Thiên Chúa Cha, Đấng cho hai vị nhìn thấy cây thánh giá bằng vàng với ba Bánh Thánh phép lạ bên trong. Vòm khải hoàn trong nhà thờ cũng là vật dâng cúng của hoàng đế để tôn vinh phép lạ, ngoài ra còn bốn cửa sổ kính màu khác nữa. Những cửa sổ này có hình các vị thánh được sùng mộ, phần trên các cửa sổ trình bày các sự kiện đặc trưng liên quan đến phép lạ. Một cửa sổ khác, được làm vào năm 1542 nhưng về sau bị phá hủy, cũng có hình hoàng đế, hoàng hậu, và các vị thánh quan thày của họ. Thay thế vào chỗ này hiện nay có một cửa sổ được làm vào năm 1848, trình bày sự hiển vinh của phép lạ. Một cửa sổ kính màu ở phía bên trái cửa sổ này có hình hoàng đế, hoàng hậu, và các con là Philip, Mary và Joan, cùng các vị thánh bổn mạng của họ đang tôn kính phép lạ.
Trên một bàn thờ có hình của thánh Michael và thánh Gudule cùng những vị thánh được tôn kính trong nhà thờ, trong khi bên dưới bàn thờ có ba bức tượng điêu khắc diễn tả các biến cố của phép lạ. Thú vị là phía sau bàn thờ, chống vào tường là một phần của cây xà bằng gỗ có lỗ khoét rất kín, nơi các Bánh Thánh phép lạ đã được giấu trong suốt thế kỷ XVI đầy biến động.
Những giai đoạn lịch sử của phép lạ đã được vẽ lại trên các tấm trướng Gobelin hằng năm được treo vào tháng Bảy và tháng Tám tại các cây cột trong ca đài. Việc trưng hình vào tháng Bảy chắc chắn đã bắt đầu rất sớm trong lịch sử của phép lạ, vào thời kỳ khi ngày lễ ghi nhớ phép lạ được cử hành bằng một cuộc cung nghinh long trọng hằng năm vào Chúa Nhật sau ngày 15 tháng Bảy; việc này đã được tổ chức hằng năm trong nhiều thế kỷ. Một tấm trướng thường xuyên được treo từ năm 1770 vẽ cảnh một phép lạ chữa bệnh kỳ diệu xảy ra trước các Bánh Thánh.
Tất cả những tác phẩm và công trình nghệ thuật đầy hấp dẫn này được in trong một quyển sách hướng dẫn về nhà thờ chính tòa xuất bản vào năm 1975. Cũng trong quyển sách này có một lời chú thích gây đầy ngạc nhiên như sau:
Vào ngày 30 tháng 12 năm 1968, các vị có thẩm quyền trong tổng giáo phận Malines-Brussels tuyên ngôn rằng các lời tố cáo về vụ trộm và phạm thánh đối với bí tích Thánh Thể vào năm 1369-1370 chống lại cộng đồng người Do Thái tại Brussels là vô căn cứ.
Các du khách và các tín hữu hãy đặt các bức hình trong nhà thờ chính tòa vào bối cảnh lịch sử chính xác và đừng hiểu sai việc tôn thờ bí tích Thánh Thể.
Những nguyên nhân của lời đính chính này không được nói rõ, nhưng dường như vẫn có một lời giải thích nào đó được đảm bảo cho việc sùng kính đã được thực hiện từ năm 1370 và đã được cử hành hằng năm trong suốt nhiều thế kỷ. Hơn nữa, không thể chối cãi phép lạ này đã được các vị giáo sĩ, giáo phẩm cũng như những người có chức quyền địa vị tôn kính ngay từ ban đầu. Hơn nữa, lịch sử của phép lạ đã được nhiều tác giả ghi lại, chẳng hạn R.P. Lucq, O.P.; Navez; Estienne Ydens; Cafmeyer; và Griffet.
Bất chấp lời đính chính, các du khách và các tín hữu Brussels vẫn tôn kính phép lạ này qua việc kính viếng ngôi nguyện đường, nơi các Bánh Thánh phép lạ này đang được lưu giữ. Nguyện đường này được khởi công xây dựng từ năm 1534, kích thước khang trang, và mang hàng chữ dâng kính “Bí Tích của các phép lạ.” Tại nguyện đường này cũng như trong phần chính của nhà thờ chính tòa, các tín hữu hành hương, du khách, và các tín hữu Brussels chiêm ngưỡng 99 tác phẩm mỹ thuật, kiến trúc, và công trình nghệ thuật có từ thế kỷ XIX, đa số diễn tả phép lạ Thánh Thể tại Brussels.
Một ngôi nhà thờ đáng được để ý tại Brussels là Chapelle de l’Expiation được xây dựng năm 1436 tại địa điểm của hội đường nơi phép lạ Thánh Thể đã xảy ra.
9. PHÉP LẠ TẠI MIDDLEBURG-LOUVAIN, NƯỚC BỈ
Năm 1374

(Joan Carroll Cruz, Phép Lạ Thánh Thể, Chương 21, Regina xb, USA, 2002)



Thời gian đã làm mất danh tánh của người phụ nữ quí phái, người đầu tiên được đề cập trong lịch sử của phép lạ này, chỉ biết bà là người bản xứ giàu có tại Middleburg (nằm ở phía nam nước Hòa Lan). Bà rất tốt lành với những gia nhân và ân cần chăm lo sự thăng tiến tinh thần của họ. Chính bà đích thân dạy dỗ, thôi thúc họ bằng chính việc sốt sắng tuân giữ các việc đạo đức truyền thống của Giáo Hội.
Vào Chúa Nhật thứ nhất mùa Chay năm 1374, theo thói quen thường lệ, bà hối thúc các gia nhân chuẩn bị đón mùa sám hối bằng việc xưng tội và lãnh nhận bí tích Thánh Thể. Tuy nhiên, những lời của bà chỉ được các gia nhân đón nhận như một bổn phận chẳng đặng đừng. Một gia nhân được biết dưới cái tên đơn giản là Jean thành Cologne, anh này cảm thấy bó buộc phải đi cùng với các người khác vì sợ xấu hổ, nhưng anh ta lên rước lễ mà không chịu dọn mình xưng tội.
Cùng quì với những người khác trên hàng song, Jean chờ linh mục đến cho rước lễ. Nhưng khi vừa được đặt lên lưỡi anh ta, Mình Thánh liền biến thành thịt làm Jean không sao nuốt được! Quá hoảng sợ trước sự kiện bất ngờ, anh ta cố gắng giấu nỗi khó khăn của mình, nhưng lại phạm sai lầm khi cắn vào thịt. Vào lúc ấy, ba giọt máu nhỏ xuống từ bờ môi anh ta, thấm xuống tấm vải phủ hàng song hiệp lễ.
Sững sờ khi thấy thịt chảy máu trong miệng Jean và nhỏ giọt xuống, vị linh mục lập tức phản ứng bằng cách lấy Thánh Thể ra và kính cẩn mang lên bàn thờ, đặt vào một chiếc bình nhỏ bằng vàng.
Người ta thuật lại Jean đã bị phạt mù ngay lập tức vì tội rước lễ phạm sự thánh. Cảm thấy quá hối hận vì tội mình, anh ta quì dưới chân linh mục và thú nhận tội lỗi trước mặt cộng đoàn. Việc thành tâm sám hối của Jean đã cho anh được phục hồi thị giác. Sau đó, được biết Jean đã sống một cuộc đời gương mẫu và bền đỗ đến chết trong lòng sốt mến sùng kính bí tích Cực Thánh.
Các chi tiết về phép lạ đã loan truyền khắp nước và được tường trình lên đức cha Frederic III, tổng giám mục Cologne, người trước kia đã từng là công tước xứ Sarwerden. Vì khi ấy Hòa Lan thuộc đế quốc Đức, Middleburg ở dưới quyền cai quản của đức tổng giám mục Frederic. Ngài truyền phải đem Thánh Thể phép lạ ấy đến thành phố Cologne và lưu giữ tại nhà thờ chính tòa.
Cuộc kiệu Thánh Thể từ Middleburg đến Cologne đã tạo nên một sự kiện lôi cuốn trong chuyến hành trình 700 dặm. Sau khi Thánh Thể được lưu giữ an toàn tại nhà thờ chính tòa, người ta đã đặt làm một mặt nhật tinh vi để đặt Thánh Thể phép lạ vào đó. Mặt nhật có hình thánh giá, ở đầu mỗi thanh có một vành khuyên nhỏ bằng vàng có một ren bằng vàng xuyên qua. Có tượng Đức Mẹ và Thánh Cả Giuse đứng bên dưới hai tay, trong khi ở hẳn phía dưới có bức tượng nhỏ thánh Phêrô và thánh Phaolô. Ở phần giữa của thánh giá có một khung kính, qua đó có thể nhìn thấy Thánh Thể phép lạ. Việc đặt sau khung kính bầu dục ấy là ngoại thường, vì Thánh Thể phép lạ được để trên một chén thánh nhỏ bằng vàng có một nắp đậy, vì Thánh Thể để ngang với mép của chén thánh này.
Cha Jean Bayrens, bề trên tu viện thánh Augustine tại Cologne, rõ ràng ảnh hưởng quan trọng đối với đức tổng giám mục, vì ngài đã được phép đưa Thánh Thể phép lạ từ nhà thờ chính tòa đến tu viện của ngài. Ngay khi dòng thánh Augustine được đặc quyền ấy, Thánh Thể lại được tôn vinh bằng những nghi thức đặc biệt.
Năm 1380, cha bề trên Bayrens được thuyên chuyển về tu viện ở Louvain nước Bỉ. Để cố gắng cổ động lòng sùng kính đối với phép lạ này, ngài xin phép đức tổng giám mục đưa một phần của Thánh Thể này đến Louvain. Vào lúc ấy, Thánh Thể nguyên vẹn được tôn kính vẫn còn vết răng cắn làm cho chảy máu. Đức tổng giám mục chấp thuận đề nghị, nhưng dường như mọi người đều cho rằng việc dùng một dụng cụ để chia Thánh Thể làm hai phần có vẻ bất kính. Trong vòng ba ngày, các tu sĩ đã cầu nguyện và ăn chay để xin soi sáng một giải pháp cho vấn đề này. Lời cầu nguyện của họ được nhậm lời, họ phát hiện Thánh Thể đã chia làm hai phần mà không có con người can thiệp vào. Một phần Thánh Thể cùng với miếng khăn vải dính máu được trao cho cha bề trên để chuyển về Louvain; phần còn lại được lưu giữ tại Cologne trong nhà thờ giáo xứ thánh Alban.
Tại Louvain, người ta đã đặt một người thợ kim hoàn của thành phố làm một bình đựng mới. Nửa Bánh Thánh phép lạ được lưu giữ giống như tại Cologne – Thánh Thể được đặt trên một chiếc bình nhỏ để phía sau khung kính của một hộp đựng hình thánh giá. Hộp này được giữ và tôn kính tại nhà thờ thánh Jacques của dòng thánh Augustine suốt bốn thế kỷ bình an.
Để tôn kính phép lạ, hội Bí Tích Phép Lạ đã được bề trên giám tỉnh dòng thánh Augustine thành lập vào năm 1426; những phần tử trong hội được thông công các việc lành phúc đức của các tu sĩ thuộc tỉnh dòng. Năm 1429, bề trên tổng quyền của dòng thánh Augustine tại Rome cũng chuẩn nhận cho họ một số đặc quyền. Và năm 1431, Đức Giáo Hoàng Eugene IV đã ban thêm các ân xá.
Năm 1665, Thánh Thể phép lạ được long trọng đưa đến một bàn thờ mới. Nhân dịp này, đức Alexander VII đã ban phép lành và các ân xá. Những ảnh vảy được đúc có hình Thánh Thể trong hộp đựng xinh đẹp và quí giá, nhiều họa phẩm lớn trình bày các biến cố lịch sử của phép lạ đã được thực hiện, một số hiện vẫn còn tại nhà thờ thánh Jacques.
Trong bốn thế kỷ bình an, Thánh Thể phép lạ đã được các giới chức dân sự, các thẩm quyền Giáo Hội và hoàng gia đến kính viếng. Những dịp kỷ niệm bách chu niên hoặc thường niên của phép lạ được cử hành rất long trọng và sốt sắng, với những phép lành và ân xá của đức Paul V và đức Clement XIV. Nhân dịp kỷ niệm đệ tứ bách chu niên, một chiếc hộp đựng bằng vàng nạm đá quí đã được một thợ kim hoàn tại Brussels thực hiện.
Với biến cố nữ hoàng Marie-Thérèse băng hà năm 1780 và vua Joseph II lên kế vị, sự bình an của Giáo Hội Công Giáo bị xáo trộn nghiêm trọng vì sự kiện phá bỏ các dịp lễ và các tập quán của Giáo Hội, các tu viện, các linh mục và tu sĩ nam nữ bị bách hại.
Khi tu viện thánh Augustine sắp sửa bị đóng cửa, Thánh Thể phép lạ và chiếc khăn thấm máu được ủy thác cho những người đạo đức bảo quản, và họ thấy cần phải đưa những vật thánh này đến một nơi an toàn. Có lần các thánh tích đã được giấu trong một chiếc rương lớn bằng gỗ sồi, mà hiện nay vẫn còn. Một vật khác cũng còn giữ được là chiếc khăn dùng để bọc các thánh tích khi chuyển đến nơi an toàn vào ngày 18 tháng 1 năm 1793, thời kỳ cao điểm của cuộc Cách Mạng Pháp.
Trong thời gian nguy hiểm này, Thánh Thể phép lạ và tấm khăn đẫm máu vẫn không bị quên lãng. Mặc dù bị cấm mặc trang phục giáo sĩ, nhưng thỉnh thoảng các linh mục vẫn có thể dâng thánh lễ một cách âm thầm trước các thánh tích.

Hòa bình được tái lập, Thánh Thể phép lạ và tấm khăn được đem về nhà thờ của bệnh viện thuộc các nữ tu dòng thánh Augustine ngày 27 tháng 9 năm 1803. Cần thiết phải như vậy vì nguyện đường của tu viện dòng thánh Augustine đã bị bọn nổi loạn làm hư hại nặng nề. Một tháng sau, ngày 20 tháng 10 năm 1803, các thánh tích lại được đưa về nhà thờ thánh Jacques, và người ta tiến hành việc giám định để xác minh tính xác thực của các thánh tích. Chính tại ngôi thánh đường này, hiện nay vẫn còn giữ tấm khăn thấm máu và một phần Thánh Thể phép lạ.


Trong thời gian ấy, tấm khăn được cho nhà thờ của dòng thánh Augustine tại Nimegue ở Hòa Lan mượn. Khi được trả về vào ngày 13 tháng 1 năm 1808, khăn thánh lại được giữ gìn tại nhà thờ thánh Jacques. Vào năm ấy, người ta cũng làm một hộp đựng đặc biệt cho thánh tích này. Tấm khăn được để phía sau một tấm kính tròn có khung kim loại quí. Sau đó được đặt vào một hộp đựng có một ống thủy tinh có phần đế bịt kín bằng vàng và có một thánh giá bằng vàng ở phía trên. Ta có thể nhìn thấy tấm khăn rõ ràng bên trong.
Phần Thánh Thể phép lạ được giữ tại Louvain đã ngả sang màu nâu và có phần nhỏ hơn phần kia, tuy nhiên hoàn toàn vẫn có thể nhận thấy đó là thịt. Thánh Thể và chén thánh nhỏ đỡ bên dưới được đặt vào một hộp đựng được làm vào năm 1803 và được đặt phía sau một khung pha lê ở giữa một thánh giá bằng vàng. Khi hộp đựng này được tôn vinh trên bàn thờ chính hoặc được cung nghinh, một Bánh Thánh mới được truyền phép sẽ được đặt phía sau một chén thánh nhỏ cùng với phần Thánh Thể phép lạ.
Tất cả những giấy tờ quan trọng liên quan đến lịch sử, các cuộc di chuyển, và các cuộc giám định những thánh tích phép lạ đều được giữ trong văn khố của nhà thờ thánh Jacques. Mặc dù Thánh Thể và tấm khăn thánh thấm máu vẫn còn được giữ tại nhà thờ này, nhưng chính nhà thờ lại bị đóng cửa, không thể tổ chức những nghi lễ cho quần chúng vì phần nền đang bị lún, làm cho toàn bộ kiến trúc thiếu an toàn.
10. PHÉP LẠ TẠI SEEFELD, NƯỚC ÁO

Năm 1384
(Joan Carroll Cruz, Phép Lạ Thánh Thể, Chương 22, Regina xb, USA, 2002)
Tại giáo phận Innsbruck, giữa những ngọn núi um tùm cây cối của tỉnh Tyrol ở phía tây nước Áo là ngôi làng Seefeld và nhà thờ giáo xứ thánh Oswald – một thánh đường nổi tiếng nhờ một phép lạ đã xảy ra tại đó vào ngày thứ Năm tuần Thánh năm 1384.
Vào thời đó, hiệp sĩ Oswald Milser trấn thủ lâu đài Schlossberg ở phía bắc Seefeld. Lâu đài này là một vị trí chiến lược để bảo vệ một quan ải hiểm yếu và được coi như một tiền đồn biên giới. Vị hiệp sĩ dường như hết sức tự mãn vì địa vị và uy quyền; cũng chính vì tính tự mãn của ông mà đã xảy ra sự kiện được ghi lại trong quyển Kỷ Yếu Vàng Hohenschwangau như sau:
Oswald Milser cùng với các thuộc quyền của ông xuống nhà thờ giáo xứ Seefeld. Ông đòi – hễ từ chối tức là chết – một Bánh Thánh lớn; Bánh Thánh nhỏ ông coi là quá thường. Ông lệnh cho đám thuộc hạ vũ trang bao vây vị linh mục đang hoảng sợ cùng với cộng đoàn. Vào cuối thánh lễ, Milser, kiếm tuốt trần và đầu đội mũ, đi đến bên trái của bàn thờ chính và đứng ở đó. Vị linh mục kinh hãi trao Mình Thánh cho ông, tức thì đất dưới chân kẻ phạm thượng bỗng nhiên sụp xuống. Ông ta bị lún đến đầu gối. Tái nhợt như chết, ông ta dùng cả hai tay nắm chặt lấy bàn thờ, các dấu tay cho đến ngày nay vẫn còn được nhìn thấy.
Những diễn biến khác từ đây tiếp tục, kể lại vị hiệp sĩ đầy hoảng hốt, xúc động van xin linh mục lấy Mình Thánh khỏi miệng ông. Ngay khi vị linh mục vừa lấy Mình Thánh ra, đất liền cứng trở lại. Lập tức, Oswald từ chỗ sụp đó bước lên và ra khỏi nhà thờ, vội vã đến tu viện Stams, nơi đây ông đã xưng tội kiêu ngạo của mình. Ông đã làm việc sám hối và qua đời một cách thánh thiện hai năm sau đó. Thể theo ước nguyện, hiệp sĩ đã được mai táng bên cạnh lối vào nhà nguyện Thánh Thể. Chiếc áo khoác bằng nhung ông đã mặc trong thánh lễ ngày thứ Năm tuần Thánh ấy được sửa lại thành chiếc áo lễ và tặng cho tu viện Stams.
Hồ sơ nhà thờ kể lại khi được lấy ra khỏi miệng vị hiệp sĩ, Bánh Thánh có màu đỏ, như thể mọng đầy máu. Ngay sau phép lạ ấy, hiệp sĩ Parseval von Weineck xứ Zirl đã dâng cúng một mặt nhật bằng bạc được làm theo kiểu Gothic để làm hộp đựng tôn trưng Bánh Thánh phép lạ, và hiện nay vẫn còn.
Sau phép lạ, vì có nhiều đoàn người đông đảo đến hành hương, nên một nhà trọ đã được xây lên. Con số người hành hương gia tăng nhanh chóng đến nỗi ngôi nhà thờ trở nên quá chật hẹp. Vào năm 1423, công tước Friedrich đã lo liệu để xây một ngôi nhà thờ khác lớn hơn tại chính địa điểm cũ. Nhà thờ này hoàn tất vào năm 1472. Gần một thế kỷ sau, hoàng đế Maximilian I vì ấn tượng trước con số tín hữu hành hương đến Seefeld nên đã hứa xây một tu viện kế cận. Được khởi công xây dựng vào năm 1516, tu viện này sau đó thuộc quyền các tu sĩ dòng thánh Augustine cho đến năm 1807. Từ thời điểm ấy, tu viện này được dùng như một khách sạn để tiện việc phục vụ các tín hữu hành hương.
Đại công tước Ferdinand II xứ Tyrol cũng quan tâm đặc biệt đối với phép lạ này. Vào năm 1574, ông đã xây dựng bên trong nhà thờ này một nguyện đường Máu Thánh và đã lưu giữ Mình Thánh phép lạ trong một thời gian.
Đối với hiện trường phép lạ, lỗ sâu nơi vị hiệp sĩ bị lún đến đầu gối vẫn còn được bảo quản và chỉ cho các du khách nhìn thấy. Để giữ cho tốt, lỗ này thường được đậy bằng một chiếc vỉ có thể nhấc lên cho những ai muốn thấy. Chỗ lún nằm ở phía nam của bàn thờ phép lạ.
Trong gian cung thánh còn có bàn thờ phép lạ bằng đá, được giữ nguyên tại vị trí ban đầu. Chỗ này cách hơi xa chiếc bàn thờ được trang trí được đặt thêm vào sau đó, khi ngôi nhà thờ được mở rộng. Ngay phía trên bàn thờ bằng đá là một phiến đá bàn thờ mới có các cột đỡ bên dưới. Toàn bộ được xếp đặt khít đến độ khoảng cách giữa hai phiến đá chỉ chừng một vài inches, để có thể nhìn thấy rõ bàn thờ phép lạ. Tuy nhiên, trên mặt bàn thờ đá vẫn còn thấy rõ dấu tay bấu của hiệp sĩ Oswald khi phép lạ xảy ra. Những dấu tay này cũng được chỉ cho các du khách.
Ngoài chỗ lún dưới nền nhà và bàn thờ phép lạ, tại gian cung thánh cũng còn một dấu tích thứ ba của phép lạ – đó là mặt nhật đựng Thánh Thể phép lạ. Mặt nhật này được đặt trong một nhà tạm trên bức tường phía nam của cung thánh, gần bàn thờ chính.
Nhà thờ được bài trí nhiều vật nhắc nhớ về phép lạ. Một bức panô được vẽ năm 1502 trang trí tường phía nam của ca đài, và có những cửa sổ kính màu trình bày biến cố. Một trong những bức phù điêu ở trên chỗ thông gió ở lối đi chính trình bày về phép lạ, và một tác phẩm bích họa lộng lẫy trên trần nhà nguyện Máu Thánh, trình bày vị linh mục và vị hiệp sĩ lúc hiệp lễ, trong khi các thiên thần nâng mặt nhật đựng Thánh Thể. Vẻ nguy nga của nhà thờ còn được tăng thêm nhờ những vật vô giá như các bức tượng, các tác phẩm chạm trổ và đồ đạc theo phong cách Gothic.
Ngôi nhà thờ thánh Oswald nguyên thủy không biết đích xác được xây khi nào, nhưng đã được sách niên giám năm 1320 đề cập đến. Ngôi nhà thờ hiện nay được hoàn thành vào năm 1472 là một công trình kiến trúc đã được hiệp hội thợ xây Innsbruck xây dựng duy nhất còn sót lại. Ngôi nhà thờ này được coi là kiểu mẫu rõ nét nhất của kiến trúc Bắc Tyrolian Gothic.
Vào năm 1984, nhà thờ thánh Oswald đã kỷ niệm 600 năm phép lạ xảy ra chính tại gian cung thánh diễm phúc này.
------------------------------------------
PHÉP LẠ THÁNH THỂ

THẾ KỈ 15
1. PHÉP LẠ THÁNH THỂ TẠI LÀNG BOIS ISAAC, NƯỚC BỈ (BELGIUM), Năm 1405
Ở nước Bỉ có một làng nhỏ được gọi là Ittre, cách Brussels 15 dặm về hướng Nam. Ittre không có tên trên bản đồ.
Năm 1405, Chúa Giêsu đã chọn nơi này để ban cho chúng ta món quà đặc biệt của chính Ngài trong một Phép Lạ Thánh Thể.

"Chàng Thanh niên Chúa đã chọn là Gioan đệ Bois (Gioan Rừng cây). Chàng là một Thanh niên quí tộc và là người thừa kế của Chúa Isaac. Đời chàng thì đủ chuyện: trai gái, ăn chơi hội hè, cỡi ngựa, nhiều sự sang trọng khác của một người thuộc hạng quí tộc, không làm chi cả và lôi thôi đủ điều. Đối với ta, tất nhiên đây không phải là hạng người đáng lãnh nhận phép lạ cả thể của Chúa Giêsu. Nhưng có một điều: Anh đã thừa hưởng một gia sản thiêng liêng của các tổ tiên tức lãnh chúa Isaac, người có mối tương quan đặc biệt với Đức Mẹ.


Vào thế kỷ thứ 11 lãnh chúa Isaac đã bỏ tiền xây một nhà nguyện tôn kính Đức Mẹ. Một tượng Mẹ được đặt trong ngôi nhà nguyện, dưới tước hiệu "Mẹ Ơn Sủng và Niềm An ủi." Ngôi nhà nguyện đã trở nên Đền Thánh Đức Mẹ cho nhiều người dân địa phương. Nhiều phép lạ và những cuộc lành bệnh đã được nhận như do sự cầu bầu của Đức Mẹ tại đền thánh này. Rồi năm 1336, một cơn dịch thảm khốc phát ra, thúc đẩy lòng dân rỡ tượng Mẹ khỏi căn nhà nguyện. Họ rước kiệu cùng với tượng Mẹ đi khắp cả nước, khẩn xin Mẹ cầu bầu cho họ trước nhan Chúa nhân từ, xin Chúa chặn đứng cơn dịch. Mặc dầu lời cầu xin của họ được nhận lời cơn dịch đã chấm dứt nhưng tượng Mẹ không trở về ngôi nhà nguyện nữa. Trong 69 năm tiếp đó căn nhà nguyện không được dùng làm đền thánh, cho đến khi Phép Lạ Thánh Thể xảy ra.
"Miêu duệ lãnh chúa Isaac tức Gioan Bois không phải là người hoàn toàn xấu. Anh vẫn giữ đạo Công giáo của tổ tiên. Lúc ấy đương mùa Xuân, vào ngày Thứ Ba trước Lễ Hiện xuống, khoảng nửa đêm, chàng đang ngủ say trên giường.
Có tiếng nói êm dịu đánh thức chàng. Khi mở mắt ngái ngủ ra, chàng thấy trước mặt một Thanh niên trạc 30 tuổi, mang chiếc áo khoác màu xanh có viền bằng lông chồn. Một làn sáng toát ra và bao quanh Người Thanh niên ấy. Khuôn mặt Ngài xịu xuống. Cặp mắt Ngài đăm chiêu nhìn Gioan, khiến chàng tỉnh ngủ mau chóng. Gioan giật mình vì làn sáng và sự hiện diện khó hiểu của Người Thanh niên trong phòng ngủ của mình.
Gioan hỏi xem Ngài cần gì. Trước khi trả lời Chàng Thanh niên mở chiếc áo khoác ra. Thân hình Ngài đầy những vết sẹo, vết bầm và thương tích rỉ máu. Gioan muốn ngoảnh mặt đi nhưng mắt chàng không thể rời khỏi hình ảnh đáng thương của thân hình người ấy. Ngài đã bị đánh đập dã man. Một lần nữa đôi mắt Người Thanh niên xuyên thấu lòng Gioan. Cuối cùng Ngài nói:
"Hãy nhìn xem họ bạc đãi tôi như thế nào. Hãy kiếm cho tôi một lang y và một quan tòa, người sẽ biện hộ cho tôi.”
Gioan hoảng hốt hoang mang. Tâm trí chàng rối bời. Chàng cảm thấy một sự buồn sầu khó hiểu khi nhìn vào thân mình bị hành hạ quá dã man của Người Thanh niên này. Chàng lắp bắp, xin lỗi vì không thể tìm lang y đến vào giữa lúc đêm khuya như thế. Người khách không tỏ ra dấu gì bất mãn. Ngài nói tiếp như chưa hề nghe Gioan trả lời.
"Anh đã có thể tìm thấy lang y cách dễ dàng nếu anh biết chỗ tìm." Ngài nói tiếp: "Làm sao tôi lại không bị bao phủ bởi những vết thương? Mỗi ngày họ đều lại gây nên những vết mới." Rồi Người Thanh niên mở rộng chiếu áo khoác ra và chỉ vào vết thương lớn nhất ở cạnh sườn, bên dưới trái tim. Ngài nói, "Vết thương này giầy vò tôi nhiều nhất."
Gioan không nói lên lời. Chàng tiếp tục nhìn Người Thanh niên đang đứng trước mặt mình. Người Thanh niên khép áo vào. "Nếu anh không tìm được thuốc cho tôi, ít là hãy đặt bàn tay anh lên các thương tích để xoa dịu tôi. Hãy làm những gì anh có thể. Tôi sẽ biết ơn anh cho đến khi anh có thể giúp tôi nhiều hơn... và tôi đã tha thứ cho thế gian." Nói đến đây, Ngài biến mất.
Đêm sau, Người Thanh niên lại hiện ra với Gioan cũng cách thức như đêm trước. Ngài lại chỉ cho Gioan những vết thương của mình.
Gioan chia sẻ sự việc ấy với những người trong gia đình. Nhưng họ không tin.
Tối hôm đó chàng bảo người em trai cùng ngủ với mình. Chàng cần thêm vài sự chứng thực. Sự việc này có thật sự xảy ra không hay vì chàng là nạn nhân của tâm trí mình.
Đêm hôm ấy, Người Thanh niên lại hiện ra với Gioan. Lần này được phấn khích do sự hiện diện của em trai, Gioan mạnh dạn nói với Bóng Người: "Nếu tôi gọi lang y, tôi phải bảo ông ta đến nơi nào?
Ngài trả lời, "Hãy lấy chìa khóa nhà nguyện và vào đấy. Ở đấy anh sẽ gặp tôi, và sẽ biết tôi là ai."
Rồi Gioan cảm thấy mình ngất trí, được di chuyển đến nhà nguyện bởi những năng lực bởi trời. Chàng thấy Tượng Chịu Nạn trong nhà thờ rất giống với hình ảnh Người Thanh niên đã 3 lần hiện ra với chàng. Cuối cùng, anh ta hiểu ra rằng chính Chúa Giêsu đã đến với mình.
Tình trạng xuất thần chấm dứt. Anh ta được đem trở lại giường. Anh quay sang hỏi xem em trai mình đã thấy gì, nhưng em chàng đang ngủ say. Gioan không chia sẻ được gì về những sự việc đã xảy ra với người em. Chàng đánh thức người em, và sau khi quở trách vì đã không thức để bảo vệ chàng, Gioan chia sẻ với em trai những gì đã xảy ra.
Suốt đêm hôm ấy tâm hồm Gioan rạo rực. Anh không thể ngủ được nữa. Anh ta không biết ngày hôm sau mình phải làm gì. Chàng phó mình cho Chúa trong tất cả những gì Ngài muốn về chàng. Chàng đã trở lại và được tràn đầy Chúa Thánh Thần.
Đêm ấy cha sở, Phêrô Ost, nghe thấy một tiếng gọi thầm kín bên trong. Một giọng phát từ trời nói "Hỡi Phêrô, sáng mai ngươi hãy đến Nhà Nguyện Bois Isaac và dâng Thánh Lễ tôn kính Thánh Giá."
Cha Phêrô Ost dậy sớm, và bắt đầu cuộc hành trình vượt qua rừng cây đến Nhà Nguyện Bois Isaac. Đến nơi, Ngài mở cửa nhà nguyện, rung chuông báo cho dân địa phương biết Thánh Lễ sắp được cử hành. Người đầu tiên bước vào, chính là Gioan Bois.
Khi vị Linh Mục bắt đầu dâng bánh rượu, Ngài mở chiếc khăn thánh ra và đặt vào vị trí để dâng hiến. Lúc Ngài cầu nguyện, Ngài thấy một miếng của tấm Bánh Thánh lớn nằm trên tấm khăn thánh mà Ngài đã dùng dâng lễ Thứ Ba vừa rồi. Hôm đó cũng chính là ngày Chúa Giêsu hiện ra với Gioan lần thứ nhất.
Một luồng sợ hãi xuyên thấu thân mình Ngài. Vị Linh Mục nghĩ rằng chắc trong Thánh Lễ mình đã làm rớt mụn Bánh Thánh xuống trên khăn thánh và đã gấp lại sau Thánh Lễ. Ngài tìm cách nhặt Bánh Thánh khỏi tấm khăn thánh. Cha Phêrô định sẽ chịu Mình Thánh sau khi truyền phép. Tuy nhiên, xem như Mình Thánh dính chặt vào khăn thánh, không chịu rời ra. Khi Ngài cố sức kéo ra, Máu tươi từ Bánh Thánh bắt đầu chảy ra nhỏ giọt. Bánh Thánh vẫn không đổi hình dạng, vẫn màu trắng, nhưng Máu Thánh vọt ra chung quanh Mình Thánh.
Vị Linh Mục cảm thấy đôi chân mình quị xuống. Ngài thấy sinh lực mình tan biến. Căn phòng bắt đầu quay cuồng. Ngài vịn bàn thờ để giữ thăng bằng. Gioan thấy sự việc xảy ra và chạy đến bên bàn thờ. "Cha đừng sợ. Phép Lạ này đến từ Thiên Chúa." Ban đầu vị Linh Mục nghi ngờ nhìn Gioan; nhưng Ngài thấy trong đôi mắt Gioan một ánh nhìn và một sức mạnh nội tâm phát ra từ chàng.
Cha Phêrô lấy lại tự chủ và tiếp tục dâng Lễ. Ngài gấp chiếc khăn thánh có mang Mình Thánh rỉ máu, và dùng khăn mới dâng Thánh Lễ. Tuy nhiên, trong lúc dâng Lễ Ngài cứ chú ý đến tấm khăn thánh ấy và nhận thấy vết máu càng lúc càng lớn hơn.
Sau Thánh Lễ, Cha Phêrô mở khăn thánh kia ra để xem máu từ Bánh Thánh còn chảy ra không. Bánh Thánh vẫn màu trắng, nổi trên vũng máu. Mọi người dự Lễ đều chứng kiến Phép Lạ.
Vị Linh Mục đau buồn vì nghĩ rằng đó là tại lỗi lầm của mình. Nếu Ngài chịu hết Bánh thánh và không chừa lại mảnh vụn trên khăn thánh khi dâng Lễ 3 ngày trước thì đâu có việc gì xảy ra.
Trong 5 ngày Máu Thánh vẫn tiếp tục chảy ra từ Mình Thánh, cho đến Thứ Ba sau Lễ Hiện Xuống. Máu không tuôn chảy nhưng từ từ và đều đặn chảy ra. Khi ngừng chảy, Máu Thánh chiếm một khoảnh diện tích rộng độ 3 inches và dài 6 inches trên tấm khăn thánh. Trong vòng vài tuần sau, Máu Thánh đã khô hoàn toàn.
Lúc này đây, những vị chức trách giáo quyền địa phương đã lấy làm hứng thú với tấm khăn kỳ lạ ấy và mang khỏi Thánh Đường Bois Isaac để điều tra. Giám Mục Thành Cambrai, Đức Cha Phêrô đệ Ailly, đã thí nghiệm khăn lễ bằng những cuộc thử nghiệm ghê sợ, trong đó có cả sự ngâm vào rượu, sữa, và kền.
Đúng lúc ấy, sự gì đã xảy ra cho anh chàng bê bối Gioan Bois? Chàng trở nên sốt sắng. Trong 6 năm trời chàng dùng thế lực của một người thuộc hàng quí tộc, lồng lộn tìm đủ mọi cách cầu xin đức giám mục trả tấm khăn thánh về Nhà Nguyện Bois.
Đức Giám Mục biết rằng mình không thể yên thân cho đến khi làm theo lời Gioan yêu cầu. Ngày 3.5.1411, vị Phó Giám Mục đã thánh hiến nhà nguyện để tôn kính Máu Cực Thánh Chúa Giêsu, tôn kính Đức Mẹ cũng như Thánh Gioan Tẩy Giả. Phép Lạ Thánh Thể được trả về nhà nguyện.
Gioan tiếp tục làm phiền Giám Mục Ailly, sau này thành Hồng Y. Sau hơn 2 năm bị Gioan nài nỉ, ngày 23.09.1413, Đức Hồng Y mở một cuộc điều tra để công khai xác nhận tính cách xác thực của phép lạ.
Đức Hồng Y gọi mình là một tín hữu đơn sơ, cá nhân Ngài hoàn toàn tin rằng sự can thiệp của Chúa đã làm nên Phép Lạ Thánh Thể tại Bois Isaac. Nhưng Ngài muốn tiến hành theo như Giáo Luật. Vì thế sự thử thách dành cho Chúa Giêsu và Gioan lại được bắt đầu. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không cho phép thời gian thử thách quá lâu vì chỉ 17 ngày sau, ngày mồng 10.10.1413, một Tông Chiếu được ban hành, xác nhận tính cách xác thực của Phép Lạ. Đức Hồng Y cũng ban lệnh mỗi năm phải rước kiệu Thánh Thể cùng với sự tôn kính Mẹ Maria đã được ban chuẩn cho Nhà Nguyện trước biến cố phép lạ xảy ra. Từ đó đến nay mỗi năm đều có tổ chức rước kiệu, trừ trong thời gian Cách Mạng Pháp, và có lẽ thời gian Quân Đức Quốc Xã chiếm đóng tại Bỉ.
Phép Lạ Thánh Thể vẫn còn được phô bày trong thánh đường ở xã nhỏ Ittre, nước Bỉ. Khách hành hương khắp cõi Âu Châu đến đền thờ này để kính viếng ơn đặc biệt Chúa Giêsu ban cho chúng ta.
(Minh Ngọc trích dịch từ cuốn THIS IS MY BODY, THIS IS MY BLOOD)
2. PHÉP LẠ TẠI DIJON, NƯỚC PHÁP
Trước năm 1433
(Joan Carroll Cruz, Phép Lạ Thánh Thể, Chương 23, Regina xb, USA, 2002)
Không biết chính xác phép lạ xảy ra vào năm nào, nhưng người ta kể rằng một Bánh Thánh đã chảy máu xối xả khi bị một người ngoại giáo hành hạ. Bánh Thánh này đã được giữ tại Rome trong một thời gian, được tôn kính và trân trọng như một kho tàng cao quí.
Bánh Thánh này đã được đưa ra khỏi Rome theo lệnh của Đức Eugene IV để ban thưởng cho công tước Philippe Tốt Lành xứ Burgundy, nước Pháp, vì đã có công bảo vệ Đức Giáo Hoàng tại công đồng Basel. Kinh sĩ Robert Anclou, một đại diện của Đức Thánh Cha đã đưa Bánh Thánh đến cho công tước vào năm 1433, khi ông đang ở tại Lille. Để có một nơi xứng đáng lưu giữ Thánh Thể, công tước Philippe đã chọn ngôi Nguyện Đường Thánh tráng lệ (la Sainte Chapelle) tại Dijon, thủ phủ xứ Burgundy. Phu nhân của công tước là bà Isabelle xứ Bồ Đào Nha đã dâng cúng một mặt nhật lộng lẫy bằng vàng và bạc. Mặt nhật này còn được tô điểm bằng những đá quí, với một tấm men có biểu hiệu của hai xứ Bồ Đào Nha và Burgundy. Mình Thánh phép lạ trong mặt nhật này được tôn vinh trong các nghi thức đặc biệt trong khoảng thời gian trên 300 năm.
Người ta thuật lại sau khi được chữa lành một chứng bệnh nhờ Thánh Thể này, vua Louis XII đã gửi triều thiên của vua đến nhà thờ như biểu hiện của lòng biết ơn.
Khi cuộc Cách Mạng Pháp bùng nổ, Nguyện Đường Thánh đã bị những người phản loạn chiếm đóng, cướp đi những đồ trang trí, rồi biến thành một nhà tù và xưởng thợ. Nhưng không hiểu sao Bánh Thánh phép lạ và chiếc phong cầm vẫn giữ lại được và được đưa đến nhà thờ giáo xứ thánh Michel để bảo quản. Vì Bánh Thánh được lưu giữ tại đó, nên có người đề nghị nâng nhà thờ thánh Michel thành nhà thờ chính tòa.
Tuy nhiên, chỗ mới này hóa ra lại không an toàn. Vào ngày 10 tháng 2 năm 1794, trước sự chứng kiến của đại biểu phe Cách Mạng, Mình Thánh đã bị “đốt cháy rụi.”
Nhà thờ thánh Michel sau đó bị biến thành đền thờ Lý Trí, “Temple de la Raison,” nơi phát hành những cáo thị về luật lệ.
Còn Nguyện Đường Thánh đã bị phá hủy vào ngày 23 tháng 8 năm 1802 sau khi đã sử dụng làm nhà tù và xưởng thợ. Người ta nói hiện không còn lại một dấu tích nào.

3. PHÉP LẠ TẠI AVIGNON, NƯỚC PHÁP
Năm 1433
(Joan Carroll Cruz, Phép Lạ Thánh Thể, Chương 24, Regina xb, USA, 2002)
Sau khi thành công trong việc tẩy sạch bè rối Albigensian, những kẻ - ngoài các sai lỗi khác - còn chối bỏ sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, hoàng đế Louis VIII nước Pháp đã tổ chức một cuộc biểu dương công khai để đền tạ những phạm thánh mà bè rối đã gây ra.
Thành phố được chọn cho cuộc đền tạ công khai là Avignon, và thời điểm được đức vua ấn định là ngày 14 tháng 9 năm 1226, nhằm lễ Suy Tôn Thánh Giá, cũng là ngày đức vua chọn để thoái vị. Cuộc cung nghinh Thánh Thể được dự định tổ chức sẽ kết thúc tại một ngôi nguyện đường mới đã được xây dựng để tôn vinh Thánh Giá.
Đức vua mặc áo vải bố, thắt lưng bằng dây thô, và cầm một cây nến nhỏ đứng tại nguyện đường mới để chờ đoàn rước. Bên cạnh đức vua có hồng y Legate và toàn thể triều đình, cùng với đông đảo các tín hữu. Đoàn rước do đức giám mục Corbie chủ sự, ngài kiệu Mình Thánh đi qua các con đường của thành phố. Chính lòng sùng mộ của đức vua đối với bí tích Thánh Thể, và vì các tín hữu tham dự nghi thức được ơn thánh quá xúc động, nên Mình Thánh đã được tôn trưng thâu đêm và kéo dài suốt nhiều ngày sau đó, cho đến khi đức giám mục tin rằng tốt nhất là cứ tôn kính Thánh Thể công khai như vậy mãi mãi – một thói quen mà các vị kế nhiệm vẫn duy trì với sự chuẩn y của Đức Thánh Cha.
Lòng sốt sắng của dân chúng cuối cùng đã đưa đến việc thành lập một hội đạo đức có tên là Hối Nhân Xám. Trong nguyện đường Thánh Giá, các hội viên được hưởng quyền tôn thờ liên tục suốt 200 năm. Vào cuối thời gian này đã xảy ra một phép lạ diệu kỳ.
Để trân trọng phép lạ này hơn, trước tiên chúng ta nên xét đến địa thế của thành phố. Avignon tọa lạc trên bờ sông Rhone, trong lúc thị trấn chung quanh thành phố được sông Durance và lưu vực của sông Vancluse chảy qua. Hơn một lần, thành phố đã chịu ảnh hưởng vì những trận lụt lội tàn phá.
Vào năm 1433, do nhưng cơn mưa lớn, các dòng sông đã vỡ bờ và tràn ngập, gây lụt lội cho thành phố. Vào ngày 29 tháng 11, nước lụt đe dọa nguyện đường Hối Nhân Xám. Những trận mưa xối xả đến độ các vị lãnh đạo lo lắng dòng nước dâng cao và chạm đến Thánh Thể. Để tránh tai họa, họ quyết định đưa Thánh Thể đến nơi an toàn.
Sau khi kiếm được một chiếc xuồng, một số hội viên đã chèo qua các con đường ngập nước để đến nguyện đường. Khi vừa mở cửa, trước sự kinh ngạc tột độ, họ nhìn thấy dòng nước chảy vào nguyện đường liền rẽ đôi giống như nước Biển Đỏ trong thời Moses. Trước mặt họ, nước dựng đứng hai bên phải trái, về phía các bức tường và cao đến 4 feet (khoảng 1,2 m). Hai nhân chứng lập tức quì gối trước phép lạ, trong khi những người còn lại vội vàng đi loan truyền tin tức về sự kiện.
Một đoạn trích từ hồ sơ của nguyện đường liên quan đến phép lạ như sau:
Vào năm 1433, phép lạ khi dòng nước tràn vào ngôi nguyện đường này thật vĩ đại. Sáng thứ Hai, ngày 29 tháng 11, dòng nước bắt đầu dâng cao. Nước tràn vào nguyện đường và đến tận bàn thờ. Bên dưới bàn thờ có đầy các hồ sơ giấy tờ và các quyển sách da, vải khăn, và các bình thánh, nhưng không vật gì bị ẩm ướt, mặc dù ngày hôm sau, tức thứ Ba, nước vẫn không ngừng dâng cao. Đến hôm sau, thứ Tư, nước mới bắt đầu rút…
Vào ngày 1 tháng 12, nước bắt đầu rút, nhiều đám đông tụ tập trước nguyện đường để tận mắt nhìn thấy các sách vở, giấy tờ, vải khăn và tất cả những thứ khác để bên dưới bàn thờ vẫn hoàn toàn khô ráo.
Phép lạ thúc đẩy sùng kính sốt sắng đối với bí tích Thánh Thể, người ta thảo luận làm cách nào để tôn vinh và kỷ niệm phép lạ này cho xứng đáng. Sau cùng, mọi người quyết định phép lạ sẽ được kỷ niệm vào ngày 30 tháng 11, ngày phép lạ được phát hiện lần đầu tiên, và sẽ được cử hành như một dịp lễ đặc biệt.
Trong nhiều năm, vào ngày kỷ niệm này, các hội viên hội Hối Nhân Xám đều cởi giày dép và quì lê gối từ cửa nhà nguyện.
Không may, vào năm 1793, thời kỳ đỉnh cao của cuộc Cách Mạng Pháp, nguyện đường Thánh Giá đã bị hủy hoại. Tuy nhiên, khi giai đoạn tai ương này chấm dứt, nguyện đường đã được tái thiết nhờ lòng hảo tâm của một gia đình quí tộc. Sau khi công cuộc tái thiết đã hoàn thành, đức tổng giám mục Avignon đã ban lại các đặc ân như trước kia, tức là một nguyện đường được đặt Mình Thánh vĩnh viễn. Được biết đặc ân này vẫn duy trì cho đến ngày nay.

tải về 1.12 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương