Phần thứ nhất: TÌnh hình thế giới I- về kinh tế


- Các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2016



tải về 349.23 Kb.
trang2/5
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích349.23 Kb.
#29025
1   2   3   4   5

2- Các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2016

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã chính thức thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 bao gồm nhiều chỉ tiêu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mục tiêu tổng quát được đặt ra trong năm 2016 vẫn là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2015, chú trọng cải thiện chất lượng tăng trưởng, bảo đảm phát triển bền vững.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2016 đạt 6,7%; GDP bình quân đầu người khoảng 2.450 USD. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2016 tăng dưới 5%. Tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP trên 85%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm và năm 2016 bằng khoảng 31% GDP. Bội chi NSNN năm 2016 là 4,95% GDP.Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%.

Về xã hội, tỉ lệ lao động qua đào tạo năm 2016 đạt 53%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo đạt 21%. Tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%. Trong lĩnh vực y tế, mục tiêu năm 2016 đạt 24,5 giường/10.000 dân. Tỉ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế năm 2016 đạt 76%. Tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng năm 2016 còn dưới 13,8%. Tỉ lệ hộ nghèo năm 2016 giảm khoảng 1,3-1,5%; riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%. Diện tích nhà ở bình quân đầu người năm 2016 đạt 22,6 m2; Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 85% và tỷ lệ che phủ rừng đạt 41%...



II. CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC

1. Ngoại giao chính trị

1.1. Ngoại giao song phương

Tình hình thế giới và khu vực chuyển biến nhanh, phức tạp, tác động sâu sắc đến môi trường an ninh, phát triển của đất nước.

Năm 2015 chứng kiến những diễn biến nhanh và phức tạp của thế giới và các khu vực. Kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi trong tâm thế “lạc quan thận trọng”, chưa có những đột phá lớn. Các nền kinh tế chủ chốt như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU đều đạt mức tăng trưởng khá hơn năm 20144, song các tồn tại cơ bản vẫn chưa được khắc phục, đáng chú ý là nợ công ở châu Âu tiếp tục trầm trọng với vấn đề Hy Lạp. Các nền kinh tế mới nổi gặp nhiều khó khăn và đứng trước nguy cơ dòng vốn đảo chiều do niềm tin đầu tư giảm sút5.

Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị và các điểm nóng chưa hạ nhiệt ở các khu vực châu Âu, châu Á, Trung Đông châu Phi, các vấn đề an ninh phi truyền thống như chủ nghĩa khủng bố, sự lan truyền dịch suy hô hấp cấp vùng Trung Đông, vấn đề người di cư... nổi lên gay gắt, tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới.

Trong bối cảnh đó, điểm sáng nổi bật là các nước đều nỗ lực đẩy mạnh liên kết kinh tế, thương mại, đầu tư với rất nhiều thỏa thuận, sáng kiến đang định hình như TPP, RCEP, TTIP, FTA Trung - Nhật - Hàn, Liên minh kinh tế Á - Âu, Ngân hàng đầu tư phát triển hạ tầng châu Á (AIIB)…, thể hiện xu thế tất yếu của liên kết, thuận lợi hóa, tự do hóa kinh tế, thương mại, đồng thời cho thấy tính phức tạp trong tập hợp lực lượng và cạnh tranh chiến lược - kinh tế giữa các nước lớn.

Quan hệ giữa các nước lớn vẫn trong khuôn khổ vừa hợp tác vừa đấu tranh, nhưng có chiều hướng ngày càng phức tạp hơn trong diễn biến của các cặp quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc, Hoa Kỳ - Nga, Trung Quốc - Nhật Bản, Nga - EU... Sự tùy thuộc lẫn nhau sâu rộng về kinh tế, tài chính, nhu cầu hợp tác xử lý các vấn đề toàn cầu và kiểm soát các điểm nóng khu vực (U-crai-na, Trung Đông, I-ran, Biển Đông, biển Hoa Đông…) khiến các nước lớn luôn tìm cách đối thoại, giảm căng thẳng và tránh xung đột trực diện.

Mặt khác, những mâu thuẫn gia tăng về lợi ích chiến lược không thể né tránh đã làm cho cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, mang lại nhiều hệ lụy đối với môi trường hòa bình, an ninh chung. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là điểm sáng phát triển kinh tế năng động nhất của thế giới, nhưng đồng thời cũng là trọng điểm cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn.

Bên cạnh các nỗ lực hợp tác, tình trạng thiếu hụt lòng tin chiến lược ngày càng trầm trọng hơn, cả giữa các nước lớn với nhau, giữa nước lớn với nước nhỏ, trước sự gia tăng của những hành động đơn phương xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác, thay đổi nguyên trạng, vi phạm luật pháp quốc tế và các chuẩn mực ứng xử khu vực.

Những diễn biến của tình hình thế giới và khu vực, nhất là những chuyển động phức tạp trong quan hệ giữa các nước lớn, đã tác động sâu sắc đến môi trường an ninh và phát triển của nước ta. Thách thức về chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông không ngừng gia tăng; các hoạt động chống phá, can thiệp dưới các chiêu bài dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc vẫn tiếp diễn với nhiều hình thức mới, tinh vi, phức tạp hơn. Trong lĩnh vực kinh tế, bên cạnh cơ hội mở ra của tiến trình hội nhập, mở rộng thị trường, tiếp cận các nguồn vốn, công nghệ…, chúng ta phải đối mặt với cạnh tranh quyết liệt và sự “co kéo” từ các tập hợp lực lượng ẩn chứa trong các liên kết kinh tế.



Triển khai đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm công tác đối ngoại, nắm bắt cơ hội, hóa giải thách thức.

Năm 2015 có ý nghĩa rất quan trọng đối với đất nước. Chúng ta ra sức phấn đấu, tích cực thi đua chào mừng những ngày lễ lớn của dân tộc: 85 năm thành lập Đảng, 70 năm Quốc khánh, 40 năm giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước. Cả nước đang trong giai đoạn nước rút hoàn thành Kế hoạch phát triển 5 năm 2011-2015, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, hướng tới Đại hội Đảng lần thứ XII. Việt Nam cũng là một bộ phận quan trọng của Cộng đồng ASEAN sắp được hình thành vào cuối năm 2015, đồng thời là thành viên đóng góp tích cực, có trách nhiệm cho cộng đồng quốc tế đang bước vào thời kỳ “Phát triển bền vững sau 2015”.

Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ của đối ngoại là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi phục vụ phát triển, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia, nâng cao vai trò, vị thế Việt Nam ở khu vực và thế giới. Trong năm 2015, phát huy những thành tựu của năm 2014, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng, phục vụ hiệu quả các mục tiêu an ninh, phát triển và nâng cao vị thế đất nước.

Quan hệ với các đối tác6 quan trọng tiếp tục đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, tăng cường đan xen lợi ích, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho phát triển.

Với các nước láng giềng, chúng ta không ngừng nỗ lực củng cố, tăng cường quan hệ đặc biệt với Lào và truyền thống hữu nghị với Cam-pu-chia trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, văn hoá, giáo dục, quốc phòng, an ninh, với các chuyến thăm lẫn nhau của Lãnh đạo cấp cao, các cơ chế đối thoại, hợp tác ở các cấp, các hoạt động giao lưu nhân dân. Quan hệ kinh tế - thương mại giữa ta với Lào và Cam-pu-chia phát triển thuận lợi; Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước có quan hệ thương mại - đầu tư lớn nhất của Lào và nhóm nước đối tác thương mại hàng đầu của Cam-pu-chia (thứ 2 về thương mại, thứ 5 về đầu tư).



Với Trung Quốc, chúng ta luôn coi trọng phát triển quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện; chủ động nỗ lực cải thiện quan hệ theo hướng phát triển lành mạnh trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích của nhau, hợp tác cùng có lợi. Trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã đạt được nhận thức chung quan trọng về phương hướng, biện pháp lớn để phục hồi và thúc đẩy phát triển quan hệ hai nước trong thời gian tới. Các hoạt động kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, giao lưu hai Đảng, giao lưu nhân dân, giữa các Bộ, ngành, địa phương hai nước diễn ra sôi động. Tuy nhiên, vấn đề Biển Đông vẫn là trở ngại lớn nhất và tiềm ẩn nhiều nhân tố gây bất ổn, đặc biệt khi Trung Quốc đẩy mạnh hiện thực hóa yêu sách với cái gọi là “đường lưỡi bò”, ráo riết tiến hành các hoạt động tôn tạo, mở rộng các đảo, bãi, đá thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa.

Với các nước ASEAN, ta phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện mục tiêu Cộng đồng và xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau năm 2015; cụ thể hóa và triển khai các nội hàm Đối tác chiến lược với In-đô-nê-xi-a, Xin-ga-po, Thái Lan; chuẩn bị thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a; đưa quan hệ với Mi-an-ma đi vào chiều sâu với nhiều biện pháp hợp tác cụ thể, thiết thực.

Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga ngày càng đi vào thực chất với độ tin cậy chính trị cao. Nga đánh giá cao kết quả và tầm quan trọng chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và dự Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, coi đây là sự ủng hộ to lớn của Việt Nam khi bạn bị cô lập, và phải đối phó với mưu toan xét lại lịch sử để hạ thấp vai trò, uy tín của Nga trong Chiến tranh thế giới thứ hai chống chủ nghĩa phát-xít. Các thỏa thuận hợp tác giữa hai bên trong chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước ta và chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nga Mét-vê-đép về các vấn đề kinh tế, phát triển, an ninh, quốc phòng, thương mại, đầu tư, dầu khí, năng lượng… tiếp tục đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới.

Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Nhật Bản là đối tác kinh tế - phát triển hàng đầu của Việt Nam, thể hiện ở dòng vốn FDI và cam kết ODA (Nhật vừa cam kết gần 1 tỷ USD cho 7 dự án trọng điểm của Việt Nam). Hai nước tăng cường hợp tác toàn diện, trong đó có an ninh quốc phòng, nâng cao năng lực chấp pháp biển và phát triển kinh tế biển. Đặc biệt, chuyến đi thăm Nhật của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao nước ta vàp tháng 9/2015 là một tin vui lớn. Quan hệ Việt - Nhật là quan hệ chiến lược, lâu dài, có ý nghĩa quan trọng đối với nước ta. Sự cam kết nối kết hai nền kinh tế, sự tin cậy và phối hợp chính trị, các quan hệ an ninh - quốc phòng…, nhất là sự quan tâm tình hình biển Hoa Đông, biển Đông… làm cho hai nước xích lại gần nhau hơn. Quan hệ đối tác chiến lược tốt nhất với Nhật Bản sẽ đem lại rất nhiều lợi ích trước mắt cũng như lâu dài. Nó sẽ có tác động thúc đẩy nhanh hơn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của ta. Hiện Nhật cung cấp 30 tỉ trong 90 tỉ USD vốn vay ODA cho Việt Nam.

Với Liên minh châu Âu (EU), trọng tâm là hoàn thiện các khuôn khổ hợp tác: hai bên đang hoàn tất phê chuẩn Hiệp định PCA và chuẩn bị ký FTA; thúc đẩy hợp tác toàn diện về kinh tế, phát triển, tăng cường phối hợp trong các vấn đề khu vực.

Quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ có nhiều phát triển tích cực. Hai bên đã tích cực phối hợp chuẩn bị cho chuyến thăm lần đầu tiên của Tổng Bí thư Đảng ta tới Hoa Kỳ, coi đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử sau 20 năm bình thường hóa và thiết lập quan hệ ngoại giao. Ta và Hoa Kỳ đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi đoàn trên các kênh Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, góp phần xây dựng lòng tin, tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều 4 tháng đầu năm đạt 13,3 tỷ đô la (tăng 23% so với cùng kỳ năm 2014). Hợp tác an ninh quốc phòng đạt tiến triển mới, với việc hai bên ký kết “Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ”. Bên cạnh đó, ta tiếp tục chủ động đối thoại thẳng thắn với Hoa Kỳ về các vấn đề hai bên còn có quan điểm khác biệt, đấu tranh với các hành động can thiệp vào công việc nội bộ của ta.

Quan hệ với các nước bạn bè truyền thống và các đối tác quan trọng khác được triển khai đồng bộ, toàn diện. Những kết quả quan trọng đạt được trong chuyến thăm của Chủ tịch nước đến Cộng hòa Séc, A-déc-bai-dan, của Thủ tướng Chính phủ đến Ô-xtrây-li-a, Niu-Di-Lân, Ca-dắc-xtan, An-giê-ri, Bun-ga-ri, Bồ Đào Nha, của Phó Chủ tịch nước đến Bra-xin, Bô-li-vi-a... đã tăng cường thực chất các mối quan hệ hợp tác dựa trên nền tảng hữu nghị truyền thống.



Trước thách thức về an ninh, chủ quyền lãnh thổ gia tăng, đối ngoại đã chủ động, tích cực đấu tranh góp phần bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chiến lược của đất nước.

Trước tình hình Biển Đông diễn biến rất phức tạp, chúng ta đã sử dụng triệt để các biện pháp chính trị - ngoại giao, các kênh đối thoại và tiếp xúc, triển khai trên mọi cấp độ song phương và đa phương, khu vực và quốc tế để khẳng định lập trường chủ quyền của ta, phản đối, bác bỏ các yêu sách và hành động vi phạm luật pháp quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế trong việc giữ gìn hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông. Với Trung Quốc, bằng nhiều hình thức khác nhau (công hàm, tiếp xúc các cấp, đặc biệt là cấp cao), ta đều thẳng thắn nêu quan ngại và phản đối mạnh mẽ yêu sách chủ quyền phi lý và các hành động đơn phương trên thực địa nhằm phá bỏ nguyên trạng Biển Đông; khẳng định lập trường nhất quán của ta và yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt các hành động có thể làm ảnh hưởng quan hệ hai nước và mất ổn định khu vực. Đồng thời, ta kiên trì thúc đẩy đối thoại, đàm phán với Trung Quốc. Tại các diễn đàn đa phương quan trọng như ASEAN, Hội nghị cấp cao Á - Phi, Đối thoại Shangri-la…, ta đã vận động, phối hợp cùng các nước lên tiếng bày tỏ quan ngại về các hành động đe dọa hòa bình, ổn định trên Biển Đông. Tuyên bố Chủ tịch tại Hội nghị cấp cao ASEAN 26 đã nêu rõ quan ngại của Lãnh đạo các nước ASEAN về hành động lấn biển, tôn tạo đảo, thúc đẩy sớm hình thành Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC). Nhóm các nước G7 đã ra Tuyên bố cả ở cấp cao và cấp Ngoại trưởng, bày tỏ sự lo ngại về các hành động thay đổi nguyên trạng, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải ở Biển Đông.

Công tác đấu tranh trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, tôn giáo tiếp tục khó khăn và phức tạp, các hành động chống phá an ninh quốc gia ngày càng tinh vi và nguy hiểm; nhưng chúng ta đã vận dụng linh hoạt giữa đấu tranh và đối thoại; kết hợp đồng bộ các biện pháp chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng, văn hóa, tư tưởng, tuyên truyền, giáo dục... bảo vệ các lợi ích của ta, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, và không để ảnh hưởng đến quan hệ của ta với các đối tác quan trọng.

1.2. Ngoại giao đa phương:

Đối ngoại đa phương là bộ phận quan trọng của chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Với vai trò chủ nhà, Việt Nam đã tổ chức thành công kỳ họp lần thứ 132 Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-132) (7), được quốc tế đánh giá cao. Tuyên bố Hà Nội và các kết quả của Hội nghị là cơ sở quan trọng định hình cho hoạt động của IPU, đồng thời đóng góp thiết thực cho Liên hợp quốc trong việc xây dựng và triển khai Chương trình nghị sự phát triển bền vững sau năm 2015.

Trong khuôn khổ ASEAN(8), ta đã tích cực phối hợp xác định trọng tâm ưu tiên của ASEAN trong năm 2015, nâng cao hiệu quả các cơ chế của ASEAN, làm sâu sắc hơn quan hệ của ASEAN với các đối tác, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.

Công tác chuẩn bị cho năm APEC Việt Nam 2017 đang được chuẩn bị tích cực, theo đúng lộ trình đề ra và bảo đảm có sự phối hợp liên ngành chặt chẽ.

Tại các diễn đàn quan trọng như Hội nghị Cấp cao Á - Phi, ASEAN, Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc, UNESCO, Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu, Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 21, Hội nghị thượng đỉnh khí hậu thế giới COP 219…, chúng ta đã chủ động phát huy tư thế thành viên có trách nhiệm, tích cực đóng góp cho các vấn đề thuộc quan tâm chung, đồng thời thúc đẩy các vấn đề trực tiếp liên quan đến an ninh, phát triển của ta.

Ta đã đón Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc thăm Việt Nam lần thứ hai, tham vấn về các vấn đề quan trọng như Biển Đông, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, việc Liên hợp quốc hỗ trợ Việt Nam thực hiện chương trình phát triển bền vững sau năm 2015...

Ta đón Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước Việt Nam ngày 05 và 06/11/2015. Đây là chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình trên cương vị là lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước Trung Quốc. Chuyến thăm nhằm vào việc củng cố tình hữu nghị truyền thống, làm sâu sắc quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung, thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.

2. Ngoại giao kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế phục vụ đắc lực cho các mục tiêu phát triển của đất nước.

Với sự ra mắt của Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu, tiến trình hội nhập được triển khai bài bản, có sự lãnh đạo xuyên suốt, thống nhất, có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa các ngành, các lĩnh vực, trong đó hội nhập kinh tế tiếp tục là trọng tâm ưu tiên. Việc Việt Nam hoàn tất ký kết, phê chuẩn một loạt các FTA lớn như TPP, RCEP, các FTA với Liên minh kinh tế Á - Âu, EU, Hàn Quốc, EFTA… không chỉ mở ra các cơ hội mới về mở cửa thị trường, nguồn vốn… mà còn mang ý nghĩa chiến lược xác lập vị trí của nền kinh tế Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Công tác vận động chính trị, ngoại giao tập trung tháo gỡ các vướng mắc phức tạp, nhạy cảm liên quan đến lao động, dân chủ, nhân quyền, vận động các đối tác lớn công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam vào thời điểm ký kết các FTA.

Các hoạt động Ngoại giao kinh tế được lồng ghép hài hòa trong các hoạt động đối ngoại cấp cao, chuyển tải những thông điệp chính sách lớn của ta về kinh tế đến cộng đồng doanh nghiệp quốc tế. Chủ tịch nước ta và Tổng thống Séc đã đồng chủ trì Diễn đàn kinh tế - du lịch với sự tham gia của 500 doanh nghiệp Việt Nam và các nước ở khu vực Đông Âu. Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Đa-vốt 2015, ta đã chủ động tăng cường tiếp xúc, đối thoại với trên 30 tập đoàn, công ty đa quốc gia, giới thiệu về môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam, và các chính sách của Chính phủ ta khuyến khích thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư, kinh doanh lâu dài ở Việt Nam. Tại Diễn đàn Kinh tế Biển (Lít-xbon, Bồ Đào Nha), Thủ tướng Chính phủ đã chuyển thông điệp của ta về chính sách phát triển kinh tế biển, cũng như yêu cầu bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển kinh tế biển, nhất là ở Biển Đông.

Ngoại giao kinh tế cũng mang lại những kết quả rất cụ thể, thiết thực, đóng góp vào nỗ lực chung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh kinh tế đối ngoại. Với sự vận động ngoại giao tích cực của ta, Hàn Quốc và Đài Loan đã nối lại tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc sau một thời gian gián đoạn; Nhật Bản đồng ý tiếp nhận 151 ứng viên y tá và điều dưỡng viên. Ta đã thành công quan trọng bước đầu đưa hàng nông sản, hoa quả Việt Nam vào những thị trường yêu cầu gắt gao về chất lượng (Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ, Canada, Ô-xtrây-li-a…). Bộ Ngoại giao đã triển khai nhiều hoạt động tăng cường kết nối địa phương với ngoại giao đoàn, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp nhận diện rõ hơn các cơ hội, thách thức từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN và các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam sắp tham gia.

Như vậy, công tác đối ngoại trong năm 2015 đã đạt những kết quả quan trọng. Đạt những kết quả đó là nhờ có sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và các đồng chí Lãnh đạo cấp cao, có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các kênh Đối ngoại Đảng, Ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, giữa đối ngoại - quốc phòng - an ninh - kinh tế, tạo ra hiệu ứng tổng lực của tất cả các binh chủng làm công tác đối ngoại.

III. VẤN ĐỀ BIÊN GIỚI LÃNH THỔ

1- Tình hình Biển Đông

Thời gian qua, tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp. Hầu hết các quốc gia có lợi ích liên quan mong muốn một Biển Đông hoà bình, ổn định, đảm bảo quyền tự do, an toàn hàng hải, hàng không qua Biển Đông; thúc đẩy hợp tác biển. Tuy nhiên vẫn có những quốc gia bất chấp luật pháp quốc tế ngang nhiên đẩy mạnh các hoạt động cải tạo đảo trái phép với quy mô lớn, xây dựng nhiều công trình, cơ sở hạ tầng cũng như tăng cường các hoạt động quân sự. Những diễn biến mới và phức tạp ấy gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế, tạo ra cuộc chạy đua vũ trang tại Biển Đông và đe dọa đến hoà bình, an ninh của khu vực. 

Từ khoảng cuối năm 2013, đặc biệt sang năm 2015, Trung Quốc cấp tập tăng cường xây dựng, tôn tạo và bồi đắp các cấu trúc địa lý mà nước này đang chiếm đóng trái phép tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo, vi phạm các cam kết khu vực cũng như luật pháp quốc tế, gây mất ổn định và đe dọa an ninh, an toàn hàng hải và hàng không trong khu vực Biển Đông. Các hành động này đã gặp phải sự chỉ trích và phản đối gay gắt từ phía Việt Nam cũng như các nước có quyền và lợi ích ở Biển Đông.

Những hành động ngang ngược

Nhằm thực thi yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý ở Biển Đông. Trung Quốc tiến hành ồ ạt các hoạt động cải tạo trên diện rộng các cấu trúc địa lý tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam mà nước này hiện đang chiếm đóng trái phép. Từ đầu năm 2014 đến nay, Trung Quốc huy động một lượng lớn máy móc, trang thiết bị để đồng loạt đẩy mạnh xây dựng. Theo ảnh chụp vệ tinh mới nhất tháng 5-2015, Trung Quốc đã xây dựng các cấu trúc địa lý rộng hơn gấp 20 lần diện tích ban đầu chỉ trong vòng 3 năm10. Việc Trung Quốc sử dụng một lực lượng khổng lồ để tiến hành cải tạo đất làm khuấy động cả một vùng Biển Đông đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, cũng như hòa bình, an toàn và ổn định ở khu vực. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn đẩy mạnh một số hoạt động quân sự trên Biển Đông nhằm phô trương sức mạnh11. Những bức ảnh công bố trên các tài khoản mạng xã hội của truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng cho thấy trong những ngày đầu tháng 12, các tàu chiến của hải quân Trung Quốc đã tham gia các đợt tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông.

Cũng liên quan đến những diễn biến trên Biển Đông, ngày 11/12, chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) ra thông báo một ngọn hải đăng và cầu cảng mới xây, cùng đường băng được mở rộng trái phép trên một hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở Biển Đông sắp đi vào hoạt động.

Tất cả các hoạt động trên của phía Đài Loan là xâm phạm nghiêm trọng tới chủ quyền lãnh thổ không thể tranh cãi của Việt Nam.

Ngày 13/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình tuyên bố: "Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động của các bên tại khu vực này mà không được sự chấp thuận của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị.Việc Đài Loan bất chấp quan ngại của Việt Nam, của các nước cũng như cộng đồng quốc tế, cử quan chức đến đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và tiếp tục tuyên bố đưa vào hoạt động một số công trình trên đảo là hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình tranh chấp ở Biển Đông. Việt Nam kiên quyết phản đối và mạnh mẽ bác bỏ hành động này.Việt Nam yêu cầu Đài Loan chấm dứt ngay những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam, không tái diễn các hành động tương tự”.

Đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam

Trước việc Trung Quốc cải tạo trên diện rộng tại các cấu trúc địa lý nước này chiếm đóng trái phép ở Biển Đông, Việt Nam đã liên tục và kịp thời có các biện pháp đấu tranh thích hợp để bảo vệ chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trên mặt trận chính trị, ngoại giao, Việt Nam đã tiến hành các biện pháp đấu tranh kiên quyết ở nhiều cấp, kể cả ở cấp cao nhất, thông qua nhiều hình thức cả song phương và đa phương. Về các biện pháp đấu tranh song phương, chúng ta đã tiến hành giao thiệp với Trung Quốc và đồng thời chủ động nêu vấn đề trong các diễn đàn song phương với các nước. Với Trung Quốc, trong các cuộc gặp với lãnh đạo Trung Quốc, tất cả các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đều khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bày tỏ quan ngại đối với hoạt động xây dựng, lấn biển của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế và DOC, căn cứ Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2011 để giải quyết những bất đồng giữa hai bên, có biện pháp thích hợp để duy trì hòa bình, ổn định trên biển và kiềm chế, không có hành vi làm phức tạp tình hình. Đến ngày 2-7-2015, ta đã giao thiệp 14 lần với Trung Quốc, trao 9 công hàm phản đối việc làm của Trung Quốc tại Biển Đông.

Trong các cuộc gặp, tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước lớn, các nước trong khu vực, ta cũng bày tỏ quan ngại và tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế đối với lập trường của Việt Nam. Với những nỗ lực này, lãnh đạo chính giới và quốc hội nhiều nước đã chia sẻ quan ngại của ta, ủng hộ chủ trương của ta trong vấn đề Biển Đông, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không mở rộng hoặc gia tăng căng thẳng.

Việt Nam cũng đấu tranh thông qua nhiều hình thức như phát biểu của Người phát ngôn, gửi Công hàm lên Liên hợp quốc và nêu vấn đề tại các diễn đàn... Từ tháng 6-2014đến nay, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã cóhơn 10 lần phát biểu công khai lên án phản đối các hoạt động lấn biển, cải tạo của Trung Quốc. Ở cấp độ khu vực, chúng ta cũng phát biểu công khai tại các diễn đàn của ASEAN12.

Đồng hành với các biện pháp đấu tranh về chính trị và ngoại giao, Đảng và Nhà nước ta cũng rất chú trọng đến việc sử dụng các biện pháp đấu tranh trên thực địa. Một mặt, chúng ta tăng cường năng lực của các lực lượng chấp pháp trên biển; mặt khác, hỗ trợ ngư dân và bà con ta bám biển, đảo để duy trì hoạt động thực thi chủ quyền của ta tại Biển Đông. Các hoạt động duy trì, sửa chữa và cải tạo các công trình cũ của ta tại Trường Sa được tiến hành chủ yếu nhằm mục đích dân sự để cải thiện đời sống, cơ sở vật chất cho cán bộ, chiến sỹ và người dân trên đảo và củng cố khả năng phòng thủ đồng thời được tiến hành ở các đảo nổi nên không gây ảnh hưởng môi trường, không làm thay đổi nguyên trạng. Cần nhấn mạnh các hoạt động của Việt Nam hoàn toàn là việc làm bình thường, hợp pháp, không vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế và DOC, hoàn toàn khác với các hoạt động xây dựng, lấn biển quy mô lớn của Trung Quốc về tính chất, quy mô và mục đích. Việc chúng ta duy trì và củng cố các hoạt động tại các cấu trúc địa lý tại Trường Sa hoàn toàn là hoạt động thực thi, củng cố chủ quyền của chúng ta đối với quần đảo này, giống như các hoạt động mà các chúa Nguyễn trước đây từng tiến hành ở Biển Đông.



Phản ứng của các nước trong khu vực và trên thế giới

Các hoạt động cải tạo trên quy mô lớn của Trung Quốc ở Biển Đông đã vấp phải sự chỉ trích, phản đối của nhiều nước trong và ngoài khu vực. 

Tại các hội nghị của ASEAN trong thời gian năm 2014-2015, vấn đề Biển Đông được nêu đậm. Tuyên bố Chủ tịch ASEAN trong Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 26 (26-27-4-2015) nêu quan ngại sâu sắc về các hoạt động bồi đắp, tôn tạo đang diễn ra ở Biển Đông. Trong số các bên tranh chấp ở Biển Đông, Philippines là quốc gia phản ứng sớm và mạnh mẽ nhất để phản đối các hoạt động cải tạo của Trung Quốc13.

Các nước lớn như Mỹ, Nhật, Nga, Úc, Ấn Độ...cũng đều có phát biểu về vấn đề này, trong đó, Mỹ là nước có quan điểm mạnh mẽ nhất ở nhiều cấp14. Chính phủ Nhật và Mỹ cũng xem xét việc tuần tra chung ở Biển Đông giữa lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật và quân đội Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng ở Biển Đông nhằm “mở rộng khu vực bay tuần tra tới phía Nam Biển Đông do lực lượng tàu cá, cảnh sát biển và hải quân của Trung Quốc lớn mạnh hơn láng giềng và tình hình Biển Đông ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Nhật Bản”15.Trong một tuyên bố ngày 4-6-2015, Thủ tướng Úc Tony Abbot đã lên tiếng chỉ trích các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó có việc xây dựng các đảo nhân tạo, khẳng định Úc ủng hộ việc “ giải quyết một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế. Chúng tôi (Úc) sẽ làm những gì có thể để duy trì tự do hàng hải và tự do trên không”.

Hầu hết các nước lớn như Mỹ, Anh, Nhật...đều đã lên tiếng mạnh mẽ về tình hình Biển Đông nói chung và các hoạt động cải tạo các cấu trúc địa lý tại khu vực này nói riêng16.

Việc Trung Quốc ồ ạt tôn tạo, bồi đắp các cấu trúc địa lý trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thời gian vừa qua rõ ràng là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này, vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm DOC, hủy hoại môi trường, sinh thái biển, làm phức tạp tình hình, đe dọa an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hòa bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới.




tải về 349.23 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương