Nguyễn thanh giang giữA ĐÔng và TÂY


THƯ GỬI TỪ VĂN PHÒNG TỔNG THỐNG CỘNG HÒA PHÁP



tải về 1.12 Mb.
trang2/13
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích1.12 Mb.
#12976
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   13

THƯ GỬI TỪ VĂN PHÒNG

TỔNG THỐNG CỘNG HÒA PHÁP




Tổng thống Cộng hoà Pháp

CỐ VẤN KHOA HỌC KỸ THUẬT

Ông Nguyễn Thanh Giang


Tiến sỹ Ðịa Vật Lý

Nhà A13P9 - TTPK Hoà Mục

Phường Trung Hoà - Quận Cầu Giấy

Hà Nội - Việt Nam

Paris 7 tháng 1 năm 2003

Thưa Ông
Ông đã ngỏ lời mong muốn kêu gọi sự quan tâm của Tổng thống Pháp đến tình trạng Nhân quyền ở Việt Nam và đặc biệt là về số phận của các ông Lê Chí Quang, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Khắc Toàn, Vũ Ngọc Bình và Nguyễn Vũ Bình. Xin cảm ơn ông, và Tổng thống đã yêu cầu tôi trả lời ông.


Như ông đã biết, nước Pháp quan tâm đặc biệt đến việc tôn trọng các quyền tự do dân sự và tôn giáo trên thế giới. Ở lĩnh vực này, trong thập kỷ gần đây mặc dù đã có một vài tiến bộ, Pháp vẫn nhận thấy rằng Việt Nam còn xa mới đạt được mức mong muốn. Bởi vậy Pháp đã nhiều lần bầy tỏ mối lo ngại của mình về những diễn tiến vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.
Những mối bận tâm đó cũng đã được Cộng đồng Châu Âu chia sẻ và họ đã xúc tiến đối thoại về Nhân quyền với các nhà cầm quyền Việt Nam. Cuộc đối thoại đó được tiến hành trong khuôn khổ Hiệp định hợp tác ký kết năm 1995 giữa Châu Âu với Việt Nam đã được các bên thoả thuận rằng, trong đó, một trong những yếu tố cơ bản là yêu cầu phải tôn trọng Nhân quyền và các nguyên tắc dân chủ.
Trong các cuộc trao đổi ý kiến ở cấp cao thường diễn ra với Việt Nam, những nhà cầm quyền Pháp thường không quên nhắc lại những bận tâm của cộng đồng quốc tế về tình trạng của các quyền tự do và Nhân quyền nói chung cũng như về những trường hợp cụ thể mà nhà cầm quyền Pháp biết được về những người đang bị cầm tù hoặc bị quản thúc vì những ý kiến về chính trị hoặc về tôn giáo. Những vấn đề dó tất nhiên cũng đã được đề cập đến trong cuộc viếng thăm nước Pháp của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trần Ðức Lương. Trong dịp này, một danh sách những người đang bị cầm tù hoặc quản chế, mà Pháp và Cộng đồng Âu Châu đặc biệt quan tâm, cũng đã được chuyển tới nhà cầm quyền Việt Nam.
Từ đó, Pháp sẽ tiếp tục các hoạt động có lợi cho Nhân quyền ở Việt Nam, qua khuôn khổ hợp tác song phương cũng như trong khuôn khổ hợp tác Châu Âu nhằm hỗ trợ Nhân quyền ở Việt Nam, chừng nào vấn đề này còn cần thiết.
Xin Ông hãy tiếp nhận sự biểu hiện những tình cảm tốt đẹp nhất của tôi.

Laurent BILI


THẮP CHUNG NÉN NHANG

CHO TẤN THẢM KỊCH QUÁ KHỨ
Robert S. McNamara đã từng toán học hóa tư duy quốc phòng của mình thông qua một hình tượng có thể là rất đúng đắn

"Tôi tin là quan hệ giữa chi phí quân sự và an ninh có dạng một parabon, trong đó, an ninh được tăng cường khi chi phí quân sự tăng cho tới một điểm mà sau đó đường cong dừng lại, thậm chí có thể đi xuống". (1)

Ông cũng có một nhãn quan chính trị đẹp khi ông lưu ý rằng

"Khoảng cách nguy hiểm hiện có giữa các nước giàu nghèo đang ngày càng rộng ra, và sự nghèo khổ trong các quốc gia làm nảy sinh căng thẳng về chính trị, về xã hội, và thường bùng lên thành những xung đột giữa các quốc gia". (1)

Nhà quản lý kinh doanh tốt nghiệp cao học ở trường đại học Harvard, đang làm chủ tịch công ty ô-tô Pho, thì đột nhiên được Tổng thống John F. Kennedi bổ nhiệm làm bộ trưởng quốc phòng. So với bảy vị tiền nhiệm, Robert S. Mc Namara là bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ trẻ nhất. Lúc đó ông mới 44 tuổi. Ông tự xác định là khi đề bạt bộ trưởng quốc phòng, Tổng thống Kennedi kỳ vọng rằng ông

"sẽ đem lại cho quân đội kỹ thuật quản lý của giới kinh doanh". (1)

Có lẽ một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất trong quảng đời quan chức của ông McNamara tại Lầu Năm Góc, là việc ông được Tổng thống Johnson khẩn khoản triệu hồi từ buổi đi xem trận bóng đá (có con trai giữ chân trung vệ) về để lo điều chỉnh khẩn cấp giá hàng nhôm. Ông đã đáp ứng được lòng mong mỏi của tổng thống một cách xuất sắc. Chỉ sau mấy ngày ra tay, ông không những chận đứng được tốc độ tăng mà còn hạ được giá nhôm, giải quyết được mối lo về tác động gây lạm phát trên phạm vi cả nước.

Khi đó, ông không phải bộ trưởng Bộ thương mại, cũng không phải bộ trưởng Bộ tài chính, mà vẫn là bộ trưởng Bộ quốc phòng.

Thế mà định mệnh cứ lôi cuốn ông

"tham gia vào các quyết định về Việt Nam"

để rồi

"đã sai lầm, sai lầm khủng khiếp"



và đến nỗi

"mắc nợ các thế hệ tương lai trong việc giải thích tại sao lại sai lầm như vậy". (1)

Trong lời nói đầu cuốn hồi ký của mình, ông cảnh báo:

" Tôi cho rằng những người viết hồi ký rất hay dựa vào ký ức của mình. Dù ý định của họ có ngay thực đến mấy, thì điều này luôn đưa họ đến chỗ chỉ nhớ lại những gì họ muốn nhớ ẫ những gì họ mong đã xảy ra ẫ chứ không phải những gì đã thực sự xảy ra. Tôi đã cố gắng cố giảm đến mức tối đa cái nguy cơ thực tế của con người ". (1)

Người ta tin ông trung thành với đính ước ấy khi ông kể câu chuyện xảy ra vào tháng 8 năm 1966, lúc ông và gia đình đang chờ lên máy bay ở sân bay Seaton sau cuộc leo núi ở Mont Rene với Jim (người Mỹ đầu tiên chinh phục đỉnh Everest ), thì một người đàn ông tiến đến chửi mắng "đồ sát nhân". Và, nhổ vào mặt ông.

Một lần khác, khi ông và vợ ông đang ăn trưa trong nhà hàng trên đỉnh núi Aspen vào dịp nghỉ lễ Giáng Sinh, thì một phụ nữ cũng tiến đến hét to đủ cho cả phòng nghe thấy: "Kẻ thiêu sống trẻ em! Máu vẫn còn dính trên tay ngươi đấy!".

Ông bị coi là đồng lõa với Tổng thống Johnson lôi cuốn cả nước Mỹ sa lầy vào chiến tranh Việt Nam, đặc biệt là thông qua nghị quyết Vịnh Bắc Bộ 7/8/1964.

Ông loay hoay tốn nhiều giấy mực mong làm sáng tỏ điều nghi vấn là vào các đêm 2/8/1964 và 4/8/1964, Mỹ đã cố ý khiêu khích hay Việt Nam tự ý chủ động sử dụng các tàu tuần tiểu ngư lôi (PT) tấn công các tàu khu trục Madox và Tener Joy của Mỹ.

Đến nay, điều đó phỏng có ích gì khi mà chính ông cũng đã biết

"Bắc Việt Nam, trong lịch sử chính thức về chiến tranh của mình, đã khẳng định họ ra lệnh tiến công Madox. Khi bị tiến công, Madox đang nằm trong hải phận quốc tế cách hải phận Bắc Việt Nam trên 25 hải lý". (1)

Những người lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) không chỉ dám ra lệnh tấn công tàu Madox mà còn khẳng định từ lâu rằng:

"Khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, Ban Chấp Hành Trung Ương đảng ta đã sớm xác định được kẻ thù mới là đế quốc Mỹ.... Rõ ràng, đế quốc Mỹ không chỉ là kẻ thù chính và trực tiếp của toàn dân ta mà còn là kẻ thù nguy hiểm nhất của loài người tiến bộ. Cho nên quyết đánh và quyết thắng Mỹ trở thành tư tưởng lớn của thời đại". (2)

Thật ngạc nhiên khi đọc thấy thái độ hả hê, thích thú qua các dòng này:

"Tổng cộng, các máy bay của hải quân Mỹ đã bay 64 lần đánh phá các căn cứ hải quân và khu cung cấp nhiên liệu của Bắc Việt. Điều này được coi là thích hợp để trả đũa cho ít nhất là một và rất có thể là hai cuộc tiến công tàu chiến Mỹ". (1)

Không biết có thể hiểu đây là biểu hiện của sự hiếu thắng vụn vặt, hay của thái độ trịch thượng kẻ cả chỉ muốn lăm lăm dạy cho thiên hạ một bài học.

Điều kỳ lạ là khi lâm trận với một bên đã khẳng định

"nắm lấy thắt lưng Mỹ mà đánh",

"còn cái lai quần cũng đánh",

"sử dụng bạo lực cách mạng tổng hợp bao gồm lực lượng quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao; kết hợp khởi nghĩa của quần chúng với chiến tranh cách mạng: nổi dậy và tiến công, tiến công và nổi dậy; đánh địch trên cả ba vùng chiến lược: rừng núi, nông thôn, đồng bằng-thành thị...; kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy; kết hợp đánh lớn, đánh vừa, đánh nhỏ; thực hiện: làm chủ để tiêu diệt địch, tiêu diệt địch để làm chủ...", (2)



thì bên kia dò dò dẫm dẫm trả đũa... leo thang... chiến tranh cục bộ... chiến tranh hạn chế v.v....

Trước một trận chiến mà ông tướng tổng chỉ huy luẩn quà luẩn quẩn

"Hiển nhiên là chúng ta không muốn làm điều đó (tiến hành việc đánh trả đũa) cho đến khi chúng ta biết rõ điều gì đã xảy ra"; (1)

để rồi đi đánh xong về ngồi lẩm bẩm tính toán không biết là đã trả đũa được cho một hay hai cuộc tiến công của đối phương.

Người ta có thể yêu quý chàng sinh viên McNamara

"Xem toán học như là một quá trình tư duy, một thứ ngôn ngữ dùng để diễn đạt phần lớn hoạt động của con người..., coi việc xác định số lượng là một thứ ngôn ngữ để tăng thêm tính chính xác cho việc lý giải thế giới"; (1)

nhưng, toán học hóa tư duy chiến lược quân sự một cách thô sơ như trên thì không thích hợp với một ông tướng đang điều hành một cuộc chiến ngổn ngang, đầy biến động.

Sĩ quan tình báo cao cấp Mỹ Philip B. Davidson đã đưa ra những nhận xét đáng lưu tâm:

"Chúng ta phải nhảy nhót theo vũ điệu chiến lược của Bắc Việt Nam";

"Mỹ cho Bắc Việt Nam quyền chủ động chiến lược ẫ một phần thưởng đặc biệt quý giá";

"Sai lầm của chủ nghĩa dân tộc thượng đẳng đã dẫn đến một vụ thu hoạch gồm những thiếu sót và những điều không may trong chiến tranh Việt Nam. Mỹ đã tham gia chiến tranh với ý nghĩa rằng với một lực lượng quân sự tối thiểu thêm vào, sẽ buộc Bắc Việt Nam phải chấm dứt xâm lược miền Nam. Chúng ta đã đánh giá quá thấp thái độ kiên quyết của Hồ Chí Minh và Bộ chính trị của ông ta trong việc thống nhất Việt Nam dưới chế độ cộng sản.... Chúng ta cũng không bao giờ hiểu được rằng: Nếu đó là một cuộc chiến tranh hạn chế đối với Mỹ, thì đó lại là một cuộc tranh đấu sống-hay-là-chết đối với những người CSVN". (3)

Robert S. McNamara tự cho rằng việc dính líu của ông tới Việt Nam đã kết thúc sau khi ông rời Phòng họp phía Đông của tòa Nhà Trắng từ bảy năm trước khi Mỹ rút khỏi Việt Nam, nhưng trong ký ức của ông vẫn cứ thường vang vọng những câu thơ trong bài thơ "Lâu Đài" của Rudia Kipling:

"Tất cả những gì làm xong đều bỏ lại

Cho niềm tin vào những năm vô vọng của mai sau". (1)

Theo ông McNamara, có 11 nguyên nhân chính gây nên thảm bại của Mỹ tại Việt Nam, trong đó, nguyên nhân được ông nêu lên ở hàng thứ hai là:

"Chúng ta đã đánh giá nhân dân và các nhà lãnh đạo Nam Việt Nam theo kinh nghiệm của chính chúng ta. Chúng ta đã nhìn thấy ở họ niềm khao khát và quyết tâm chiến đấu giành tự do và dân chủ". (1)

Ông cho rằng như thế là sai lầm. Có đúng vậy không?

Tự do dân chủ luôn là niềm khao khát mãnh liệt (có lẽ không kém bất kỳ một dân tộc nào trên thế giới) của nhân dân Việt Nam.

Chính chủ tịch Hồ Chí Minh nhờ giương cao khẩu hiệu

"Không có gì quý hơn độc lập tự do"

mà đã tập hợp được sức mạnh chiến thắng trong cuộc chiến tranh đó.

Ngay cả từ khi đất nước còn bị đế quốc Pháp đô hộ, đã có thời kỳ dài mục tiêu đấu tranh cho tự do dân chủ được nêu lên hàng đầu cho cách mạng Việt Nam. Nhà cách mạng Lê Hồng Phong khi chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng họp vào tháng 7/1936 tại Thượng Hải (Trung Quốc), đã chỉ ra rằng:

"Tuy nhiên nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta là đánh đổ đế quốc Pháp và giai cấp địa chủ phong kiến để thực hiện dân tộc độc lấp và người cày có ruộng vẫn không thay đổi, song, trong lúc này chưa phải là nhiệm vụ trực tiếp. Yêu cầu cấp thiết trước mắt trước mắt của nhân dân ta là tự do, dân chủ, cải thiện đời sống".

Cần lưu ý đến cách sắp xếp thứ tự ưu tiên giữa ba yêu cầu: tự do, dân chủ, cải thiện đời sống.

Tinh thần này còn xuyên suốt mãi về sau trong tiêu đề của tất cả các văn thư sau ngày cách mạng tháng Tám thành công, khi vị trí của chữ tự do vẫn được đặt trước chữ hạnh phúc:

"Việt Nam dân chủ cộng hòa. Độc lập - Tự do - Hạnh phúc". (4)

Niềm khát khao ấy, tinh thần tồn tại chung trong mọi người dân cả Bắc lẫn Nam Việt Nam. Khi miền Bắc có Xô viết Nghệ Tĩnh, thì miền Nam có Nam Kỳ khởi nghĩa nổ ra trên một phạm vi rộng tới 8 tỉnh. Chẳng những thế, vào những năm tiền khởi nghĩa, phong trào nông dân Nam kỳ cũng đã từng mạnh nhất ba kỳ: Bắc, Trung, Nam.

Về điểm này, đương kim tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton có cái nhìn tinh tế hơn, thấu đáo hơn khi ông tuyên bố:

"Tôi tự hào là có được chung quan điểm này với các cựu chiến binh (Mỹ) xuất sắc trong cuộc chiến Việt Nam. Họ đã phụng sự tổ quốc họ một cách dũng cảm. Họ thuộc những đảng phái khác nhau. Một thế hệ trước đây đã có những đánh giá khác nhau về cuộc chiến tranh đã từng chia rẽ chúng ta hết sức gay gắt. Nhưng giờ đây họ có cùng một suy nghĩ. Họ nhất trí với nhau rằng đã đến lúc nước Mỹ phải tiến lên phía trước về vấn đề Việt Nam". (5)

"Giờ đây người Việt Nam đã được độc lập (sau khi Liên Xô tan rã), và chúng ta tin tưởng rằng bước đi này (việc bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ) sẽ giúp mở rộng tự do ở Việt Nam, và việc làm này đã giúp cho các cựu chiến binh (Mỹ trong chiến tranh) Việt Nam ưu tú tiếp tục phấn đấu cho nền tự do đó". (5)

Nếu chia sẻ sâu sắc với những nhận thức trên đây của tổng thống Bill Clinton, thì lời sám hối của ông McNamara

"tôi thực sự tin rằng chúng tôi đã mắc sai lầm không phải về vấn đề nhận thức, mà là phán đoán và khả năng" (1)

mới có ý nghĩa.

Để kết thúc cuốn hồi ký "Nhìn lại quá khứ - Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam", cựu bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara viết:

"Cuối cùng, tôi muốn đề cập đến số phận của những người lính Mỹ đã chiến đấu ở Việt Nam và không bao giờ trở về. Có phải sự thiếu khôn ngoan trong việc can thiệp của chúng ta đã vô hiệu hóa nỗ lực và sự hy sinh của họ? Tôi nghĩ là không. Họ không làm ra những quyết định. Họ là những người đáp theo tiếng gọi của dân tộc (Mỹ), ra đi chiến đấu. Họ đã đi tới nơi chết chóc nhân danh cho dân tộc (Mỹ). Và họ đã cống hiến cuộc sống của mình cho Tổ quốc và những lý tưởng của Tổ quốc họ". (1)

Sao lại chỉ có vậy? Sao lại chỉ biết nhấn mạnh

"bất kỳ sự cải thiện nào trong quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đều dựa vào tiến bộ đạt được về vấn đề những người Mỹ bị mất tích trong khi làm nhiệm vụ hay bị bắt làm tù binh". (5)

Thế còn những người lính Việt Nam thì sao?

Cũng may mà ông McNamara đã không dung nạp những đề nghị hàm hồ đầy tính cách đồ tể trong lời thét gào đẩy miền Bắc Việt Nam "trở lại thời kỳ đồ đá" của tướng Cơtít Lơmay.

Dẫu sao, với sở thích thống kê, có lúc ông cũng đã từng nhấm nháp các con số theo kiểu thế này:

"Một điều khích lệ đối với chúng ta ở Việt Nam trong năm qua là số lượng quân địch bị chết trận, đó là kết quả của các chiến dịch quân sự lớn. Dù có phóng đại trong các báo cáo thì số tổn thất của địch là hơn 60.000 người/1 năm". (1)

Ai phải chịu trách nhiệm đối với những con số ghê rợn thế này:

Phía Việt Nam: 1,1 triệu liệt sĩ; 559.200 thương bệnh binh; hơn 300.000 người mất tích; hơn 2 triệu dân thường bị chết; hơn 2 triệu người lớn và trẻ em bị tàn tật vì bom đạn v.v....

Phía Mỹ: 58.090 người cả nam lẫn nữ.

Đây phải là nỗi đau chung. Và, trước cái "đống xương vô định đã cao bằng đầu" ấy, trách nhiệm phải thuộc về tất cả những ai đã "gây cuộc binh đao" quá tàn khốc, quá lâu dài như vậy!

Vẫn chưa hết. Những con số thống kê trên còn khuyết hẳn một mảng rất lớn. Đó là con số những liệt sĩ, những thương bệnh binh đã từng ôm súng đứng trong đội quân của tổng thống Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Khánh....

Ai mạc mặt cho họ, ai gọi hồn cho họ??!!

Năm 1977, tôi đã gặp những thương phế binh thậm chí mất cả tứ chi, chỉ còn lại thân mình, nằm phơi trên đường nhựa, dưới cái nắng thiêu đốt bên chợ Bến Thành. Ít năm sau đó, trên hành trình đi lấy mẫu Cổ từ, tôi vẫn còn gặp những cựu chiến binh lê lết trong bùn nhầy nhụa ở các chợ nhỏ Đức Trọng, Đông Hà... tay ôm khư khư chiếc ăng-gô cáu bẩn.

Có phép thần nào cứu họ còn sống được đến ngày nay không?

Họ đã được chôn cất như thế nào?

Theo báo cáo của Bộ Lao động và Thương binh Xã hội, tính đến nay có hơn 60 vạn hài cốt liệt sĩ đã được quy tập và dự kiến đến tháng 7/1997 sẽ cơ bản hoàn thành việc tìm kiếm khoảng 40 vạn hài cốt liệt sĩ còn lại.

Đạt được như vậy thì tốt. Nhưng! nếu chỉ có thế thôi thì trên đất nước này vẫn còn nhiều lắm

"Hồn tử sĩ gió ù ù thổi

Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi"

Mấy năm gần đây, một số người mẹ mất con, người vợ mất chồng trong các cuộc chiến đã được nhà nước CHXHCN Việt Nam quan tâm săn sóc hơn.

Nhìn những bộ mặt nhăn nheo, vạc đi vì đau khổ, những bàn tay khô quắt rưng rưng đón gói quà, hay bước chân run rẩy đặt lên thềm "ngôi nhà tình nghĩa", ai cũng thấy xúc động với một chút mừng vui an ủi lẫn ngập tràn thương cảm xót xa.

Sự bù đắp này muộn màng và nhỏ nhoi làm sao! Càng ân hận hơn khi chợt nhớ đến quá nửa số người mẹ, người vợ không còn đủ sức sống tới hôm nay để nhận sự bù đắp đó.

Dẫu sao, ít và muộn nhưng có còn hơn không.

Chỉ e rằng, còn rất nhiều người mẹ, người vợ, cũng có chồng, có con là người Việt Nam, cũng đã từng ra trận và từng ngã xuống trên mảnh đất này, nhưng chẳng những không được ai đoái hoài, mà còn bị đẩy sang một thế giới ghẻ lạnh. Họ vừa mang chung nỗi đau mất chồng mất con của người phụ nữ, lại còn chịu chồng chất thêm cái đau bội phần của sự phân biệt đối xử, sự kỳ thị, thậm chí hất hủi.

Ai giúp họ tìm kiếm hài cốt chồng con? Ai cưu mang, chăm sóc những ngày sống tàn sót lại và vong linh họ mai sau!

Con số những thân phận hẩm hiu, tủi buồn, những nỗi lòng tan tác kia không thể nhỏ, bởi nếu từ một phía, chỉ tính riêng con số đạt tiêu chuẩn "bà mẹ Việt Nam anh hùng", đã tới hai triệu chín trăm ngàn người.

Cựu bộ trưởng Quốc phòng McNamara xem một phần quá khứ của ông tại Việt Nam là một tấn thảm kịch đầy đau khổ. Song, ông lại tự xóa dịu bằng cách viện dẫn lời của nhà viết kịch Hy Lạp cổ đại Aechylus

"Phần thưởng cho nỗi khổ đau là kinh nghiệm".

Kinh nghiệm để làm gì? Kinh nghiệm thì có ý nghĩa gì, nếu không có hành động thiết thực để xóa đi hoặc làm dịu nỗi đau?


Hãy thắp chung nén nhang cho tấn thảm kịch quá khứ để tất cả những linh hồn đã khuất đều được mát mẻ; để tâm linh chúng ta trở nên bác ái và dễ hòa hợp hơn. Từ đấy, chúng ta mới có thể cùng tổng thống Bill Clinton

"tin tưởng mạnh mẽ rằng việc cuốn hút người Việt Nam vào mặt trận kinh tế rộng lớn của cuộc cải cách kinh tế và mặt trận rộng lớn của cuộc cải cách dân chủ sẽ giúp tôn vinh sự hy sinh của những người chiến đấu vì tự do ở Việt Nam". (5)

Hà Nội, 19 tháng 8 năm 1995

Chú thích :


( 1 ) Robert S. McNamara – “ Nhìn lại quá khứ -Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam ”

( 2 ) Ban chỉ đạo Tổng kết Chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị - “ Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước – Thắng lợi và những bài học ”

( 3 ) Philip Davidsson – “ Những bí mật của cuộc chiến tranh Việt Nam ”

( 4 ) Xem “ Thư gửi BCHTƯ ĐCSVN ngày 20/11/1993 ”của Nguyễn Thanh Giang

( 5 ) Bill Clinton – “ Tuyên bố ngày 14/7/1995 về việc Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam ”

THƯ GỬI

TỔNG THỐNG BILL CLINTON

Hà Nội 16 tháng 11 năm 2000



Kính gửi : Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton
Thưa ngài
Nhân danh những người Việt Nam yêu chuộng tự do dân chủ, tôi nhiệt liệt chào mừng ngài, vị Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên đã đến với Việt Nam. Hy vọng sự kiện này sẽ ghi một dấu son sáng chói trong lịch sử bởi từ đây một kỷ nguyên mới sẽ được mở ra, kỷ nguyên hoa thơm và trái ngọt trong mối bang giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Sự thực là, mối bang giao giữa hai nước chúng ta đã từng được gieo cấy từ mấy thế kỷ trước. Ngay sau khi lập quốc, đại diện chính phủ đầu tiên của Hoa Kỳ tại Pháp T. Jefferson đã đặt vấn đề mua gạo của Việt Nam. Năm 1832, tổng thống Hoa Kỳ thứ bẩy Andrew Jackson đã gửi quốc thư mở quan hệ buôn bán với triều Minh Mạng. Ðáp lại, năm 1873, nhà ngoại giao Bùi Viện, vâng mệnh vua Tự Ðức đã sang gặp tổng thống Ulyses Grant cầu viện kháng Pháp. Vào những ngày trước cách mạng Tháng Tám, chính lãnh tụ Hồ Chí Minh cũng đã từng cùng một phi công Mỹ tên là Show tìm đường đến gặp tướng Mỹ Shannon để bàn việc hợp tác chống Nhật.. .
Kỷ nguyên hoa trái được mở ra không chỉ vì mùa gieo cấy đã đủ dài mà hẳn là còn nhờ ở mối thiện cảm đặc biệt của chính Tổng thống, người vẫn từng mừng sinh nhật của mình vào đúng kỷ niệm cách mạng Tháng Tám của chúng tôi, người đã từng dẫn đầu cuộc biểu tình phản đối cụộc chiến tranh Việt Nam ở London năm 1969.
Giá mà những năm ấy có thêm hàng triệu người Mỹ và Việt nam, đều làm như Tổng thống thì chắc là cuộc chiến tranh vô nghĩa đó đã không xẩy ra hoặc đã được kết thúc sớm hơn nhiều. Dẫu sao hãy tạm gác lại một bên cái quá khứ đau thương đáng ân hận đó để các thế hệ sau phán xét khách quan, sáng suốt và công bằng. Trước Tổng thống hôm nay là một đất nước còn thương tích, khổ nghèo mà nguyên nhân có một phần là do cuộc chiến vừa qua. Bởi vậy, không trái tim nhân ái nào không tự kêu gọi hành động góp sức giải toả nỗi đau thương cay đắng này. Những nạn nhân chất độc mầu da cam đang đòi được cứu giúp, chương trình rà phá bom mìn đang được xúc tiến, nhưng tôi nghĩ Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ giầu có và bao dung còn có thể và nên làm hơn nhiều nữa cho tất cả đồng bào bất hạnh của tôi.
Từ bỏ nền kinh tế kế hoạch hóa duy ý chí chuyển sang kinh tế thị trường, đất nước tôi đã bắt đầu khởi sắc. Tương lai của tiềm năng kinh tế tri thức của dân tộc tôi còn cho phép hứa hẹn trở thành người bạn cần thiết và xứng đáng nhất của Hoa Kỳ trong khu vực Ðông Nam Á này. Hy vọng hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ được chính thức thực thi sẽ góp phần lớn lao để hiện thực hóa kỳ vọng đó về phương diện kinh tế.
Tuy nhiên, những người hay quan tâm đến việc nước chúng tôi vẫn còn băn khoăn nhiều về các điều kiện cần thiết bảo đảm cho xã hội phát triển lành mạnh và bền vững. Ðó là tự do, dân chủ và nhân quyền. Lịch sử hơn 200 năm, từ một quốc gia phát triển muộn hơn nhiều nước Châu Âu tiến lên vững vàng thành siêu cường đứng đầu thế giới chứng tỏ Hoa Kỳ có nhiều kinh nghiệm tốt trong việc phấn đấu nhằm đảm bảo những điều kiện trên. Trong khi đó, nền dân chủ tưong thích với nền kinh tế mới, với xã hội hiện đại ở nước tôi còn quá sơ khai. Ở đây vì chưa có tự do ngôn luận thực sự nên tham nhũng vẫn tràn lan, sai đúng không được phân tường.. . Vì chưa có tự do bầu cử thực sự nên không chọn được nhân tài mà nhân dân thực sự trông mong. Người dũng cảm phát biểu chính kiến dù ôn hòa và đúng đắn vẫn bị trù dập đàn áp, bắt bớ một cách tuỳ tiện, hay ít ra cũng bị cô lập hóa, bị tịch thu tài sản, bóc trộm thư tín, nghe lén và cắt đIện thoại ... một cách phi pháp.
Sự nghiệp đổi mới đang tiến triển và nhân dân tôi nhất định sớm muộn rồi sẽ giải quyết được tất cả những gì cần thiết cho đất nước mình. Tuy nhiên, mối quan tâm và sự hỗ trợ của bạn bè là rất cần thiết và có ích. Cho nên, cũng như Tổng thống, tôi “ tin rằng việc bình thường hóa và tăng cường các cuộc tiếp xúc giữa người Mỹ và người Việt Nam sẽ thúc đẩy sự nghiệp tự do ở Việt nam ”. Tinh thần giao kết vì tự do ấy của Tổng thống từng đã được thể hiện ngay từ khi Chủ tịch Hỗ Chí Minh sử dụng câu nói nổi tiếng của Thomas Jefferson trong Tuyên ngôn Ðộc lập Hoa Kỳ để mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập của Việt nam: “ Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc ”
Chúc Tổng thống hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của chuyến công du lịch sử này. Chúc mừng bà Hillary Clinton đã được bầu Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ và sẽ thể nghiệm thành công chủ trương “ biến chính trị thành nghệ thuật những cái không thể thành cái có thể ” của mình. Chúc phồn vinh, hạnh phúc, công bằng, dân chủ, tự do cho chúng ta và tất cả các quốc gia trên thế giới.
Trân trọng


Nguyễn Thanh Giang

Công dân Việt Nam

THƯ GỬI

TỔNG THỐNG G. BUSH
Hà Nội ngày 6 tháng 6 năm 2005
Kính gửi ông Phan Văn Khải

- Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam

đồng kính gửi ông George Bush

- Tổng thống Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ
Tôi nhiệt liệt hoan nghênh cuộc hội kiến giữa Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng thống G. Bush tại Washington vào tháng 6 năm 2005 này. Tôi cầu mong chuyến viếng thăm này sẽ góp phần tích cực, mở ra một trang sử mới trong mối bang giao Việt Nam - Hoa Kỳ. Lịch sử dã từng ghi nhận rõ ràng mối thiện cảm bang giao hữu hảo giữa hai đất nước chúng ta : Việt Nam - Hoa Kỳ. Ngay sau khi lập quốc, đại diện chính phủ đầu tiên của Hoa Kỳ tại Pháp T. Jefferson đã đặt vấn đề mua gạo của Việt Nam. Năm 1832, tổng thống Hoa Kỳ thứ 7 Andrew Jackson đã gửi quốc thư mở quan hệ buôn bán với triều Minh Mạng. Ðáp lại, năm 1873, nhà ngoại giao Bùi Viện, vâng mệnh vua Tự Ðức đã sang gặp tổng thống Ulyses Grant cầu viện kháng Pháp
Nhưng rồi, sự trớ trêu của lịch sử cũng đã đẩy chúng ta vào cuộc chiến tương tàn suốt nhiều năm cuối thế kỷ 20. Vết thương đau đớn đó chắc chắn còn nhức buốt tâm can chúng ta không biết đến bao giờ. Không thể quên bài học lịch sử cay đắng đó, nhưng ta cần nhìn lại nó mỗi ngày với cái đầu càng tỉnh táo hơn, với tấm lòng càng nhân ái hơn để nhận cho được đấy là những sai lầm vô cùng đáng tiếc của cả hai bên. Từ đấy, hãy cùng thành khẩn sám hối, cùng quyết tâm sửa chữa, cùng ra sức vượt qua và tìm mọi biện pháp tốt nhất để bù đắp lại.
Tất cả những ai có suy nghĩ tỉnh táo, khách quan đều có thể tin và đồng ý với Ðại sứ Hoa Kỳ tai Liên Hiệp Quốc Andrew Young khi ông tuyên bố hồi tháng 1 năm 1977 : ” Một nước Việt Nam mạnh và độc lập là phù hợp với lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ ”. Chắc chắn, đấy cũng là nhận thức, là ước mong của nhân dân Việt Nam và nhân dân Hoa Kỳ. Ðạo trời nhất định cũng phù hộ điều đó. Ðiều quan trọng còn lại là : sứ mạng đôn đốc thực thi và tích cực hiện thực hoá điều đó ngày nay đang đè trên vai quý vị.
Hy vọng những đàm đạo chân tình, thực sự biết người biết ta giữa quý vị sẽ dẫn đến việc Hoa Kỳ tích cực ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO, mở rông hơn nữa mối quan hệ khăng khít cả trong giao thương kinh tế, khoa học-công nghệ, xã hội- chính trị và quân sự. Việc Hoa Kỳ sớm trở lại Cam Ranh trên cở sở thoả thuận tốt đẹp giữa 2 bên không chỉ sẽ đáp ứng nhu cầu tăng cường thế phòng thủ quân sự cho mỗi bên Việt Nam và Hoa Kỳ mà còn góp phần ổn định tình hình chung trong khu vực.
Hãy xích lại bên nhau trong tình bằng hữu chân thành và thực sự tôn trọng lẫn nhau, vì quyền lợi của cả hai đất nước chúng ta. Tuy nhiên, dể có thể sát cánh bên nhau trong tình bằng hữu, chúng ta không chỉ cần vượt qua quá khứ lỗi lầm mà còn cần xích lại gần nhau hơn trong những nhận thức về các giá trị chung của nhân loại.
Việt Nam cần đổi mới thật sự, hay nói cho thẳng thắn hơn, cần thực sự thoát xác, rũ bỏ dứt khoát ý thức hệ chính trị lạc hậu đã trở thành thâm căn cố đế để đến với những ý niệm mới tiên tiến về tự do và dân chủ. Dân chủ hoá kinh tế đã đem lại những thành quả rất ngoạn mục nhưng sụ trì trệ tệ hại trong dân chủ hoá chính trị đang đẩy xã hội Việt Nam vào trạng thái phát triển rất không lành mạnh với một xã hội dầy những tệ đoan, trong đó tham nhũng và bất công đang trở thành những nguy cơ lớn dẫn đến khủng hoảng nghiêm trọng, đến sụp đổ và hiểm hoạ khôn lường.
Không thể để cho những tư duy chính trị lạc hâu níu kéo, không thể để sự bao biện quyền lợi của tập đoàn quyền lực nào đó nguỵ biện nhằm chống lại yêu cầu dân chủ hoá đã trở thành rất bức thiết của nhân dân, của xã hội. Không thể mãi hù doạ nhân dân về nguy cơ rối loạn của dân chủ hoá. Mẫu hình dân chủ Việt Nam có thể khác Hoa Kỳ và các nước khác nhung những yêu cầu dân chủ, tự do, nhân quyền tối thiểu sau đây phải được thực thi ngay :
1 - Thực sự tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của nhân dân. Bước khởi đầu tối thiểu, ngay trong năm 2005 này cho phép 1 tờ báo tư nhân được chính thức đăng ký phát hành trong toàn quốc. Sau khi Nhà nước ban bố chủ trương, nếu chưa ai kịp đứng ra đăng ký thì tạm thời, tôi và đai tá Phạm Quế Dương, nguyên chủ nhiệm Tạp chí Lịch sử Quân sự, sẽ xin đảm trách việc tổ chức phát hành tờ báo đầu tiên này.
2 - Sửa đổi ngay Luật bầu cử Quốc hội, xoá bỏ tình trạng dân chủ giả hiệu Ðảng cử dân bầu, tạo điều kiện cho cuộc bầu cử diễn ra vào năm 2007 là cuộc bầu cử thực sự tự do -dân chủ, có sự giám sát của quốc tế.
3 - Thả ngay tất cả nhũng tù nhân lương tâm, trong đó có những người bị kết tội gián điêp một cách hết sức oan ức như cựu chiến binh Nguyễn Khắc Toàn, ký giả Nguyễn Vũ Bình, bác sỹ Phạm Hồng Sơn ( Tôi nhớ rằng Tổng thống G. Bush đã từng tuyên bố trong diễn văn nhậm chức lần thứ 2 : “ Tất cả những người sống trong sự đàn áp và vô vọng có thể biết rằng Hoa Kỳ sẽ không làm ngơ hay biện hộ cho những kẻ đàn áp quý vị. Khi quý vị đứng lên vì tự do cho mình, chúng tôi sẽ đứng cùng quý vị ”.
Nỗi trông đợi thì vô cùng nhiều, trước mắt chỉ xin dè dặt nêu một vài đề nghị hết sức bức thiết mà nếu được quý vị quan tâm với tinh thần trách nhiệm cao cả thì hoàn toàn có thể trở thành hiện thực ngay được.
Tôi xin được bầy tỏ lòng tin vào Tổng thống G. Bush, người đã thành kính nhắc lại lời Abraham Lincoln: “ Những người từ chối sự tự do cho người khác, không xứng đáng được hưởng tự do cho chính họ; và, dưới sự cai quản của thượng đế anh minh, không thể cầm giữ nó được lâu ”. Tôi xin được bầy tỏ lòng tin vào Thủ tướng Phan Văn Khải, người từng có công lớn trong sự nghiệp tự do hoá kinh tế Việt Nam. Nay Thủ tướng đã ngoại 70 và có thể sắp hưu trí. Mong rằng Thủ tướng hãy vì đất nước, vì nhân dân đề cao hơn nữa bản lĩnh cao cường của mình, bất chấp mọi uy hiếp của các thế lực đen tối, vượt lên bằng những quyết định sáng suốt, táo bạo cần thiết trong chuyến công du lịch sử này.
Trân trọng
Nguyễn Thanh Giang

Số nhà 6 – Tập thể Địa Vật lý Máy bay

Trung Văn – Từ Liêm – Hà Nội


tải về 1.12 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   13




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương