Nguyễn thanh giang giữA ĐÔng và TÂY



tải về 1.12 Mb.
trang3/13
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích1.12 Mb.
#12976
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   13

NHÌN NHẬN VỀ

ĐA CỰC HÓA THẾ GIỚI
Tư tưởng chính trị lớn của Khổng Tử trước hết được thể hiện ở lý tưởng về một thế giới đại đồng. Trong thiên Lễ Vận ( Kinh Lễ ) ông từng nói: “ Ðạo lớn được thực hành thì thiên hạ là của chung ”. Vào thời Cận đại Trung Quốc, một nhà nho khác là Khang Hữu Vi cũng nói đến lý thuyết Ðại đồng của Khổng Tử và đề ra chủ trương thành lập một “ Công nghị Chính phủ ” cai quản cả thế giới ( Ðại đồng thư ).
Trả lời phỏng vấn tuần báo Times của Mỹ, tổng thống Pháp Jacques Chirac lại cho rằng: “ Thế giới chỉ có một lực lượng thống trị là một thế giới đầy nguy hiểm. Chúng tôi muốn một thế giới đa cực ”.
Trong hồi kết công trình đồ sộ của mình mang tiêu đề “Thăng trầm quyền lực ”, nhà tương lai học Mỹ nổi tiếng Alvin Toffler đã rút ra 25 nhận định khái quát, trong đó, các nhận định 21, 22, 23, 7 và 1. được trình bầy như sau :
“ - Tập trung cao độ các nguồn quyền lực là nguy hiểm ( thí dụ như Hitle, Stalin … )

- Tập trung quyền lực quá ít cũng nguy hiểm tương đương. Vì không có một chính quyền vững mạnh mà Lyban đã từ một quốc gia nghèo biến thành một quốc gia hỗn loạn vô chính phủ …

- Nếu cả sự tập trung cao độ và sự tập trung quá ít quyền lực đều tạo ra sự khủng khiếp cho xã hội, thì bao nhiêu quyền lực được tập trung là quá nhiều ? Có cơ sở cho sự xét đoán không? Cơ sở xét đoán cho sự tập trung quyền lực quá nhiều hay quá ít liên hệ trực tiếp tới sự khác biệt giữa “ mệnh lệnh cần thiết chung cho xã hội ” và “ mệnh lệnh bội dư ”.

- … có nhiều công cụ hay đòn bẩy quyền lực khác nhau. Tuy vậy, bạo lực, của cải và tri thức là yếu tố cơ bản nhất trong chúng. Hầu hết những nguồn quyền lực khác đều xuất phát từ đó.

- Quyền lực vốn có trong mọi hệ thống xã hội và trong mọi mối quan hệ của con người. Nó không phải là một vật dụng mà là một trạng thái của tất cả và bất kỳ mối quan hệ nào giữa con người. Do đó, nó tồn tại và trung tính, thực chất, nó không tốt, cũng không xấu ”.

Vậy thì, trong thực tế, ngày nay thế giới đang vận động theo những xu thế nào ?


CHÂU ÂU CẦN CHIẾM MỘT CỰC RÕ RÀNG TRONG THẾ GIỚI ĐA CỰC ”
Ðấy là một phần trong câu trả lời phỏng vấn tuần báo Times của tổng thống Pháp đã trích dần trên kia
Các nước Tây Âu trước khi xẩy ra hai cuộc Ðại chiến Thế giới đã tương đối phát triển, sau tàn phá nặng nề cuả chiến tranh, tình hình kinh tế sa sút trầm trọng, địa vị quốc tế giảm, hào quang xưa không còn, Tây Âu dần dần trở thành đối tượng tranh giành của hai siêu cường Xô- Mỹ. Ðể đối phó với mối đe doạ từ Liên Xô, các nước Tây Au phải dựa vào Mỹ, trở thành đồng minh và ngày càng lệ thuộc vào Mỹ. Sau khi Liên Xô sụp đổ, chiến tranh lạnh kết thúc, khối Warsava giải thể, nước Nga cũng dễ đối phó, nhu cầu dựa vào Mỹ chống Liên Xô nhằm bảo đảm an ninh quốc gia bản thân của các nước Âu Châu giảm đi. Ðể thoát khỏi sự khống chế của các siêu cường, đầu những năm 50, một số nước Tây Âu đã thành lập khối EEC, đi theo con đường phát triển độc lập. Qua nửa thế kỷ phát triển nhất thể hoá, thành viên mở rộng tới 15 nước, dân số đạt 380 triệu người, diện tích lên tới 30 triệu km2, kinh tế Nam - Bắc liên kết thành một dải với sức mạnh vượt trội hơn Nhật. Trong tổng lượng kinh tế thế giới 25.000 tỷ USD hiện nay, EU chiếm 9.000 tỷ ( 36% ), tương đương với Mỹ. Gần nửa số tiền đầu tư nước ngoài của Châu Âu là ở Mỹ. Các doanh nghiệp Mỹ thu được hơn một nửa tổng số thu nhập ở nước ngoài của họ ở Châu Âu. Khoảng 60% tổng số tiền đầu tư nước ngoài ( FDI ) ở Mỹ xuất phát từ Châu Âu.
Cùng với thực lực kinh tế của toàn EU mạnh lên, tiến trình nhất thể hoá phát triển, các nước Châu Âu đang hình thành một cực độc lập, phát huy vai trò ngày càng quan trọng trong công việc quốc tế. Vừa nhất thể hoá, vừa không ngừng bành trướng, chủ trương mở rộng về phiá đông, bao gồm cả Nga nhằm hình thành một Ðại Châu Âu. Tuy nhiên, tiến trình này đã bị Mỹ và một số nước cảnh báo : “ EU mở rộng về phiá đông cần được tiến hành trong phạm vi không ảnh hưởng tới sự đoàn kết cuả NATO ”, “ EU mở rộng sang phía đông sẽ làm suy yếu và chia rẽ NATO ”, “ Kết nạp nước Nga vào Ðại Châu Âu là một hành động nguy hiểm sẽ dẫn đến Liên minh Châu Âu tan rã ” …
Cục diện Chiến tranh Lạnh kéo dài gần nửa thế kỷ từ sau Chiến tranh thế giới II. Trong giai đoạn này, sức mạnh phát huy tác dụng quyết định là ý thức hệ và chế độ xã hội chung. Chuẩn tắc về lợi ích dân tộc quốc gia vốn chiếm địa vị chi phối lâu dài trong lịch sử đã nhường vị trí cho chuẩn tắc về ý thức hệ. Nhưng, cùng với việc Chiến tranh Lạnh kết thúc, tất cả những điều này đã đi vào lịch sử. Khi không còn mối uy hiếp lớn của kẻ thù chung thì mối liên kết đồng minh không còn động lực xiết chặt nữa. Sau Chiến tranh Lạnh, lợi ích quốc gia dân tộc lại nổi lên dần dần thay thế lợi ích phe phái trước đây rồi trở thành mục đích cao nhất mà các nước trên thế giới theo đuổi. Nhân tố trước đây từng thúc đẩy mối quan hệ “ sát cánh bên nhau ” giữa các nước Phương Tây để đối phó với phe trục Phương Ðông đã chuyển hoá thành mối quan hệ “ mặt đối mặt ” giữa các nước Phương Tây, tức là từ quan hệ đồng minh sang quan hệ cạnh tranh. Mấy năm gần đây, mâu thuẫn và đấu tranh giữa các nước Phương Tây có xu thế tăng lên. Ngay sau khi George Bush lên làm tổng thống, giữa các nước Phương Tây đã xuất hiện tranh luận và bất đồng về các vấn đề : Mỹ cự tuyệt ký “ Nghị định thư Kyoto ”, rút khỏi “ Hiệp ước ABM ”, quyết định bố trí “ NMD ” … Cuộc chiến tranh Iraq mới đây có thể nói là cái mốc quan trọng đánh dấu mâu thuẫn Tây- Tây gay gắt chưa từng có. Thực ra, mâu thuẫn Mỹ - Pháp trong vấn đề Iraq chẳng qua chỉ là sự kéo dài của những thay đổi của cục diện quốc tế sau Chiến tranh Lạnh. Nó được chi phối bởi tính tất yếu của tiến trình lịch sử thế giới trong thời đại mới.
Tuy nhiên, do chưa hình thành được chiến lược an ninh thống nhất, EU không thể có tiếng nói đối ngoại chung. Cuộc chiến Iraq lần này cũng làm cho nội bộ EU bất đồng nghiêm trọng, đồng thời cho thấy không một nước Châu Âu nào có thể cân bằng nội lực tổng hợp với Mỹ. Huống hồ, giữa Châu Âu và Mỹ còn có rất nhiều lợi ích chung.
Cùng với việc Mỹ - Anh giành thắng lợi nhanh chóng trong cuộc chiến Iraq, thái độ của Pháp và Ðức cũng đã thay đổi. Ngày 1 tháng 4 ngoại trưởng Pháp De Villepin nêu rõ: “ Pháp đứng về phía Anh và Mỹ trong cuộc chiến Iraq ”. Ngày 2 tháng 4, ngoại trưởng Ðức Fisher chia sẻ: “ Hy vọng chính quyền Saddam Hussein nhanh chóng sụp đổ ”. Hai nước Pháp và Ðức bắt đầu phải thay đổi thái độ nhằm khôi phục quan hệ với Mỹ. Nhưng Pháp và Ðức muốn Liên Hợp Quốc phát huy vai trò trọng tâm trong việc sắp xếp và tái thiết Iraq sau chiến tranh. Ðiều này trái với lập trưòng của Mỹ, muốn mình làm chủ trong tái thiết Iraq.
Sau thời gian dài tìm cách soạn thảo một chính sách đối ngoại chung, nhằm tạo sự khác biệt so với chính sách đối ngoại của Mỹ, các nước Châu Âu dường như đang đi đễn một kết luận chung rằng những lợi ích của họ chỉ có thể được đáp ứng đầy đủ thông qua một chính sách tương tự như chính sách của Washington. Vả chăng, các nước Châu Âu chắc cũng chưa thể quên ơn Mỹ trong hai cuộc thế chiến trong nửa đầu thế kỷ qua.
Sau chuyến thăm đầu tiên tới Châu Âu với tư cách tổng thống, George Bush đã rất điềm nhiên giải thích với các phóng viên Mỹ về cách ông đã khuất phục các nước Châu Âu khi bị yêu cầu thay đổi quyết định không phê chuẩn Nghị định thư Kyoto về vấn đề môi trường: “ Tôi nói với họ rằng, tôi đánh giá cao quan điểm của họ nhưng tôi vẫn giữ nguyên lập trường của tôi ( không phê chuẩn ) bởi vì điều đó tốt cho nước Mỹ ”.
Vị thế của Châu Âu trong cán cân quốc tế còn được xác định qua câu nói cuả tư lệnh quân Mỹ ở Thái Bình Dương: hiện nay thứ tự sắp xếp “ Ba khu vực lớn ” mà Mỹ quan tâm đã từ Châu Âu, Tây Nam A, Ðông A trước đây chuyển thành: “ thứ nhất Ðông A, thứ hai Tây Nam A, thứ ba Châu Âu ”. Châu A đứng đầu mối quan tâm của Mỹ về chiến lược. Mỹ cho rằng Châu Á “ dần dần trở thành khu vực dễ bị ảnh hưởng nhất của cuộc đối kháng quân sự quy mô lớn ”. Mối quan tâm trước hết của Mỹ ở Châu A là “ vòng cung không ổn định từ Trung Ðông tới Ðông Bắc A, nơi có các cường quốc khu vực đang vươn lên, cũng có các cường quốc khu vực đang suy yếu”.
NATO PHƯƠNG ĐÔNG
Thập kỷ 1820, Châu A nói chung được coi gồm có Trung Quốc, Ân Ðộ, Ðông Nam A, Triều Tiên và Nhật Bản chiếm tới 58% thu nhập của thế giới. Nhưng Cách mạng Công nghiệp Châu Âu vào thế kỷ 19 và công nghiệp hoá của Mỹ vào thế kỷ 20 đã làm cho nền kinh tế toàn cầu thay đổi. Năm 1940, Tây Âu và bốn thuộc địa cũ của Anh gồm Mỹ, Canada, Australia, New Zeeland đã chiếm tới 56% thu nhập toàn cầu, trong khi phần của Châu Á giảm xuống chỉ còn 19% trong tổng số. Chiều hướng giảm sút này lại đảo ngược vào năm 1950, khi các nền kinh tế Châu Á bắt đầu tăng trưởng nhanh chóng và mạnh mẽ. Năm 1992, thu nhập của Châu Á đã chiếm 37% của thế giới. Nếu cứ tiếp tục tăng theo đà thì năm 2025, kinh tế Châu Á sẽ chiếm 57% kinh tế toàn cầu.
Ðến nửa cuối thế kỷ 20, từ 1950 đến 2000, có thể thấy trật tự khu vực Châu Á được xây dựng trên sự tan rã, suy sụp, sắp xếp lại và củng cố của cơ cấu thuộc địa do Anh chi phối trước đây. Do thực dân Anh là cường quốc biển nên hệ thống thuộc địa của nó bao gồm chủ yếu các nước và khu vực ven biển. Vì vậy trật tự Châu Á gắn liền với khái niệm Châu Á ven biển.
Châu Á ven biển có điều kiện thông thoáng mở cửa ra thế giới bên ngoài, được nối bằng một mạng lưới mậu dịch trải dài với các hải cảng và thành phố mậu dịch ven biển. Ơ đây, Nhật Bản là một bộ phận quan trọng của trật tự khu vực Châu Á, trong đó, Mỹ là số một và Nhật Bản là số hai.
Cho tới nay, Nhật Bản là nước thịnh vương nhất trong khu vực Châu Á. GDP của nước này gấp khoảng 3,5 GDP của Trung Quốc và gấp 12 lần GDP của Nga. Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất trong khu vưc Ðông Nam Á. Tuy nhiên, dẫu sao Nhật Bản cũng khó có thể biến sự giầu có đáng kể của mình thành lợi thế quân sự có tính quyết định để đe doạ phần còn lại của Ðông Bắc Á. Tuy chắc chắn Nhật Bản có thể xây dựng được một đội quân chất lượng cao, trang bị tối tân, hiện đại vượt trội nhưng vẫn không đền bù nổi về mặt số lượng. Dân số Nhật Bản chỉ bằng một phần mười dân số Trung Quốc. Khoảng cách dân số này chắc sẽ càng mở rộng hơn trong tương lai.
Trước những điều có thể và không có thể, hạt nhân đối ngoại được lựa chọn của Tokyo sau Chiến tranh thế giới II là quan hệ Nhật - Mỹ. Sự lựa chọn này cũng rất phù hợp với chủ trương chiến lược của Mỹ hình thành một NATO Phương Ðông. Khung an ninh chiến lược của Nhật dựa trên cơ sở trục an ninh Mỹ - Nhật, trong đó, quan trọng nhất là hệ thống đảm bảo an ninh Mỹ - Nhật. Ngoài ra, để thực hiện mục tiêu kiềm chế Trung Quốc, giành quyền chỉ đạo ở Châu Á- Thái Bình Dương, đồng thời cân bằng sự khống chế của Mỹ đối với Nhật Bản, Nhật Bản xác lập chiến lược ngoại giao đảm bảo một cơ chế an ninh ba đường tròn đồng tâm, trong đó, đường tròn gần tâm điểm là hệ thống an ninh Mỹ - Nhật, vòng tròn thứ hai là cơ chế an ninh Châu Á- Thái Bình Dương, đường tròn ngoài cùng là cơ chế an ninh Liên Hợp Quốc. Mặc dù trương cao tiêu đề kiên trì lấy quan hệ Nhật- Mỹ làm hạt nhân, Nhật Bản vẫn đang lặng lẽ chuyển dần sang hướng ngoaị giao cân bằng. Có nghĩa là Nhật Bản sẽ tự chủ hơn với Mỹ, phát huy vai trò độc lập hơn trong công việc quốc tế. Nhật Bản biết mình cần phải phát huy không chỉ giới hạn trên phương diện kinh tế, mà còn mở rộng sang cả các vấn đề chính trị toàn cầu.
Châu Á là địa bàn tốt nhất để Nhật Bản nâng cao tính tự chủ đối với Mỹ. Châu Á là khu vực tập trung lực lượng nước lớn, cũng là khu vực dồi dào sức sống và chứa đựng những mâu thuẫn phức tạp nhất trên thế giới. Nếu được các nước láng giềng Châu Á tin cậy và thiết lập quan hệ hợp tác tốt đẹp với các nước đó, Nhật Bản có thể cải thiện môi trường quốc tế xung quanh, loại bỏ những nhân tố địa chính trị bất lợi.
Ngày 6-6-2003, quốc hội Nhật Bản thông qua ba luật “ liên quan đến tình huống xung quanh ”. Ðó là : Luật về đối phó với tình huống bị tấn công vũ trang, Luật sửa đổi về đội phòng vệ, Luật sửa đổi về triệu tập hội nghị đảm bảo an ninh. Những luật này khi được thực thi thì chính phủ Nhật Bản có thể quyết định phương châm cơ bản đối phó, trao quyền cho Thủ tướng ban hành các chỉ thị và ra lệnh thực hiện cho chính quyền địa phương các cấp. Cụm từ “ tình huống xung quanh ” ở đây, theo một quan chức Nhật Bản, có thể được vận dụng như sau: a) Ðã xẩy ra tình huống tấn công. b) Dự đoán có thể bị tấn công. c) Sau dự đoán, quả nhiên bị tấn công.
Hiểu theo những quy định mới này, có nghĩa Ðiều 9 trong “ Hiến pháp hoà bình ” Nhật Bản ban hành sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai về việc Nhật Bản từ bỏ sử dụng vũ trang sẽ bị xoá bỏ. Ðiều đó cho thấy Nhật Bản đang chuyển mình từ nước lớn kinh tế sang nước lớn chính trị và quân sự trên thế giới.
Người ta thường cho rằng, trước Thế chiến II, Nhật Bản là nhà nước “ chính trị quyền lực ” dựa vào sức mạnh quân sự. Sau chiến tranh, nước này chuyển sang nhà nước “ chính trị kim lực ”, dốc sức làm kinh tế. Ngày nay, Nhật Bản có xu hướng “ chính trị ngôn lực ”. “ Ngôn lực ” ở đây không phải là khả năng ngôn ngữ theo nghĩa hẹp, mà là năng lực thông tin, là khả năng đưa ra đề án, khả năng thể hiện, khả năng nghị luận và quyết định, khả năng tổ chức thực thi các vấn đề chính trị toàn cầu.
Trong thế kỷ qua, nền ngoại giao Nhật Bản đã trải qua ba giai đoạn điều chỉnh :
- Lần thứ nhất xẩy ra dưới thời Minh Trị ( nửa sau thé kỷ 19) nhằm mục tiêu đưa Nhật Bản ‘ thoát khỏi Châu Á, gia nhập Châu Âu ” và trở thành trung tâm quân sự

- Lần thứ hai vào sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai, khi Nhật là nước thua trận. Ðường lối ngoại giao và an ninh thời kỳ này là dựa vào Mỹ, thực hiện nền ngoại giao với tư thế của kẻ chiến bại, lấy phát triển kinh tế làm trọng.



- Lần thứ ba được điều chỉnh vào cuối thế kỷ 20, tức thời kỳ trước và sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Thời kỳ này thực lực kinh tế của Nhật Bản hùng hậu nên nền ngoại giao cũng được điều chỉnh để phục vụ cho mục tiêu trở thành nước lớn chính trị trên thế giới.
Tại cuộc họp Ðại hội đồng Liên Hợp Quốc khoá 49 tháng 9 năm 1994, ngoại trưởng Kono thay mặt chính phủ chính thức yêu cầu Nhật Bản trở thành uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an. Sự kiện này chứng tỏ Tokyo muốn phát huy vai trò trong việc thiết lập trật tự quốc tế mới. Trở thành uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an sẽ là cái mốc Nhật Bản chấm dứt nỗi nhục chiến bại, khẳng định thành tựu sau chiến tranh, thay đổi vị trí chính trị quốc tế, thực hiện bước nhẩy vọt từ cường quốc kinh tế sang cường quốc chính tri.
TRUNG QUỐC ĐẶT CHÂN TRONG HAI TAM GIÁC
Chỉ thị “ Hai chống, bốn không ” ( chống bá quyền, chống cường quyền ; không trung tâm, không hạt nhân, không kết đồng minh, không tạo thành nhóm ) của Ðặng Tiểu Bình vần được Giang Trạch Dân khẳng định: “ Kiên trì và coi đó là tư tưởng ngoại giao lâu dài của Trung Quốc ”. Ðiều đó chứng tỏ ngày nay Trung Quốc chưa có khả năng biểu hiện như một đối thủ bá quyền tiềm tàng vì nước này không đủ mạnh về kinh tế như Nhật Bản. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc duy trì lâu dài được tốc độ tăng trưởng khá cao như mấy năm qua thì chỉ sau vài thập kỷ, nhân tố then chốt chi phối sự phân chia quyền lực ở Ðông Bắc Á chính là họ. Trung Quốc có khả năng sẽ vượt Nhật Bản để trở thành nước giầu có nhất trong khu vực. Với tiềm năng dân số khổng lồ, thậm chí trong tương lai Trung Quốc còn có thể trở nên giầu mạnh hơn cả Mỹ.
Hãy thử phác hoạ bằng mấy phép tính đơn thuần. Hiện nay, dân số Nhật Bản bằng 1/10 và GNP bình quân đầu người gấp 40 lần Trung Quốc ( 32.350 USD ). Nếu Trung Quốc hiện đại hoá đến mức mới chỉ thành một Hồng Kông khổng lồ có GNP bình quân đầu người bằng Hàn Quốc hiện nay ( 8.600 USD ), thì Trung Quốc sẽ đã có một nền kinh tế lớn gấp 2,5 lần nền kinh tế Nhật Bản và lớn gấp 1,3 lần nền kinh tế Hoa Kỳ. Nếu đạt được GNP bình quân đầu người bằng 1/2 Nhật Bản thì nền kinh tế Trung Quốc sẽ lớn gấp 5 lần nền kinh tế Nhật Bản và 2,5 lần nền kinh tế Mỹ. Khi điều đó xẩy ra, Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ sử dụng sự giầu có của mình để xây dựng một bộ máy quân sự hùng mạnh. Vì những lý do chiến lược không thể khác, Trung Quốc chắc chắn sẽ theo đuổi địa vị bá quyền khu vực, đúng như Mỹ đã làm ở Tây Bán Cầu trong thế kỷ 19. Bởi vì, một nước Trung Quốc thịnh vượng không thể là một cường quốc nguyên trạng mà phải bành trướng, với quyết tâm đạt được địa vị bá quyền khu vực. Ðiều đó không hẳn là do những cuồng vọng nguy hiểm mà ít ra là vì ngôi vị thống trị khu vực, bản thân nó, là cách tốt nhất để bất kỳ nước nào muốn tăng tối đa những triển vọng tồn tại của mình.
Ðể thực hiện ý đồ chiến lược, Trung Quốc đã đề ra “ chiến lược hai tam giác ” với việc xây dựng tam giác Trung-Nga-Ấn và tam giác Trung-Mỹ-Nhật.
Tam giác Trung-Nga-Ấn nếu được thành lập thì cũng phù hợp với ý tưởng của ngoại trưởng Nga Evgheni Primakov đã nêu trong chuyến thăm Ân Ðộ tháng 12-1998. Năm 2001, lần đầu tiên học giả ba nước tiến hành cuộc hội thảo về đề tài hợp tác ba bên tại Moskva. Ðối với ý đồ chiến lược này, có ba ý kiến khác nhau : 1 ) “ tam giác ” có thể và cần thiết lập để tạo nên đối trọng địa chính trị thật sự đối với thế giới một cực của Mỹ. 2 ) “ tam giác ” có thể được thành lập nhưng chỉ trên cơ sở hợp đồng phi chính trị giữa các nền văn minh, không nhằm chống lại các nước thứ ba và dựa trên sự liên kết và hợp tác kinh tế. 3 ) “ tam giác ” không thể hình thành bởi vì tất cả các góc của nó về kinh tế, chính trị đều gắn bó với Mỹ và như vậy lực lượng thân Mỹ mạnh hơn lực lượng mong muốn chống bá quyền.
Hãy xét từng cặp trong tam giác này :
Cặp Trung-Nga - Trong bộ ba ở tam giác này, quan hệ Trung-Nga là gắn kết và có sức sống hơn cả.. Trong năm 2000, thương mại giữa hai nước đạt 8 tỷ USD. Sang năm 2001, thương mại đó có xu hướng tăng, vượt qua 10 tỷ USD, không kể 3-4 tỷ buôn bán không chính thức ( tiểu ngạch ) giữa các khu vực biên giới. Các dự án dầu khí trị giá nhiều tỷ USD, hợp tác quân sự-kỹ thuật, hợp tác đầu tư … giữa hai nước là đầy triển vọng. Sự hợp tác kinh tế đó có cơ sở chính trị vững vàng. Hiệp ước thân thiện láng giềng và hữu nghị được Vladimir Putin và Giang Trạch Dân ký ở Moskva ngày 16-7-2001 đã khẳng định mặt chính trị và pháp lý về sự hợp tác chiến lược lâu dài giữa hai nước.
Quan hệ Trung- Nga không ngừng được cải thiện và phát triển. Năm 2002, thủ tướng Nga Kasianov và tổng thống V. Putin thăm Trung Quốc. Tháng 5-2003 chủ tịch Hồ Cẩm Ðào thăm Nga. Năm 2002, kim ngạch buôn bán hai nước đạt 12 tỷ USD, 4 tháng đầu năm 2003 kim ngạch buôn bán hai nước đạt 4,5 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2002. Dự kiến với đà phát triển này, kim ngạch buôn bán hai nước có thể đạt mục tiêu 20 tỷ USD/năm.
Cặp Nga-Ấn - Sau khi Liên xô tan rã, thực hiện chính sách ngả theo Phương Tây, có một thời Moskva coi nhẹ quan hệ với New Delhi, nhưng mấy năm gần đây mối quan hệ này đã được phục hồi gần như trước. Ấn Ðộ đẫ đầu tư 1,7 tỷ USD vào khai thác dầu khí ở khu vực Sakhalin ở Viễn Ðông. Ấn Ðộ coi Nga là nguồn cung cấp chủ yếu công nghệ tiên tiến, đặc biệt là trong lĩnh vực hạt nhân và vũ trụ. Quan hệ quân sự Nga-Ấn luôn luôn được coi là hòn đá tảng cũng được phục hồi và tăng tiến. Ấn Ðộ tiếp tục là nước nhập khẩu lớn nhất vũ khí trang bị từ Nga. Buôn bán vũ khí hai nước hàng năm đạt 1,5 tỷ USD. Hiện nay hai nước có tới hơn 300 hạng mục hợp tác kỹ thuật quân sự. Tờ báo “ Ðộc Lập ” của Nga vừa qua cho biết 45% vũ khí trang bị của lục quân, 75% của hải quân và 80% của không quân Ấn Ðộ do Nga cung cấp. Nga cũng là nước mạnh mẽ ủng hộ Ấn Ðộ trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Cặp Ấn-Trung - Theo đánh giá của giới học giả Ấn Ðộ và thế giới, quan hệ Ấn -Trung là khâu lỏng lẻo nhất trong quan hệ tam giác Trung-Nga-Ân. Dẫu rằng, trong cuộc gặp gỡ với chủ tịch Hồ Cẩm Ðào tại Saint Petersburg ( Nga ), thủ tướng Ân Vajpayee từng nói: “ Nếu hai nước Trung Quốc và Ấn Ðộ chiếm tới 1/3 dân số thế giới mà xây dựng được quan hệ ổn định bền vững thì thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của Châu Á ”, thì trong thực tế hiện nay, mối quan hệ này vẫn trắc trở, quanh co theo kiểu “ một bước tiến, hai bước lùi ” và “ hoà bình lạnh nhạt ”. Bắc Kinh vẫn không chấp nhận Sikkim là một phần lãnh thổ của Ấn Ðộ và cũng không ngừng khẳng định chủ quyền đối với bang Arunachal Pradesh. Trung Quốc vẫn phản đối kịch liệt việc Ấn Ðộ trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ được cơ cấu lại. Ngoài ra, Trung Quốc còn sử dụng quan hệ đối tác chiến lược với Pakistan và quan hệ ngày càng chặt chẽ hơn với Mianma, Bangladesh và Sri Lanca nhằm cô lập New Delhi ở tiểu lục địa này và kiềm chế Ấn Ðộ ở mức chỉ là một cường quốc tiểu khu vực.
Tóm lại, mặc dù có thể kỳ vọng rằng ba nước Trung Quốc, Ấn Ðộ, Nga cùng nắm tay nhau hợp tác thì liên minh này sẽ làm thay đổi lực lượng trên thế giới và là động lực thúc đẩy đa cực hoá thế giới nhưng thực tế cho thấy ba nước vẫn thiếu cơ sở thực chất để trở thành trục tam giác cố kết. Ngay cả khi tất cả các quan hệ song phương tốt đẹp cũng chưa chắc đã có được hợp tác ba phương tốt đẹp. Tờ “ Người hướng dẫn khoa học đạo Cơ đốc ” của Mỹ trong số mới đây nhận xét : Nếu đặt ba món vịt quay Bắc Kinh, cừu cary New Delhi và súp Nga lên bàn tiệc thì chưa hẳn hợp khẩu vị của quan khách. Trong ba món này hầu như người Phương Tây vẫn thích món súp Nga hơn cả.
Cho đến nay, tam giác Nga-Ấn Ðộ-Trung Quốc không phải là một khối hay liên minh chính trị-quân sự mà là một hệ thống đối tác mềm dẻo. Nhiệm vụ chủ yếu của nó là đấu tranh chống các thách thức toàn cầu, chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan quốc tế đồng thời hiệp đồng kinh tế trong điều kiện toàn cầu hoá ngày càng sâu sắc.
Tam giác Trung-Mỹ-Nhật - Xây dựng và tham gia tam giác Trung-Mỹ-Nhật, Trung Quốc kỳ vọng vào việc làm giảm bớt thế tấn công của Mỹ ở Châu Á bằng quyết tâm làm cho tam giác này trở thành tam giác đều. Trung Quốc cho rằng phương thức chủ yêú tạo ra tam giác đều là tăng cường quan hệ Trung-Mỹ để quan hệ này ngang bằng quan hệ Nhật-Mỹ. Trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 6 năm 1998, khi tổng thống B. Clinton tuyên bố “ ba không ”, mà chủ yếu là “ không công nhận Ðài Loan độc lập ”, Trung Quốc tin rằng đã có thời cơ mở ra triển vọng nâng quan hệ Trung-Mỹ lên ngang quan hệ Nhật-Mỹ.
Ðặc điểm chính sách đối với Trung Quốc của chính quyền Clinton là coi trọng quan hệ với Trung Quốc, đưa Trung Quốc vào Câu lạc bộ những quốc gia lớn, coi Trung Quốc là bạn chứ không phải thù. Chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Trung Quốc thời kỳ này mang tính thực dụng, xây dựng quan hệ song phương trên tinh thần hợp tác vì đôi bên.
Quan hệ buôn bán đóng vai trò liên kết cơ bản trong quan hệ Trung-Mỹ. Quy mô buôn bán xuất nhập khẩu và hợp tác đầu tư song phương cũng tiếp tục mở rộng. Theo thống kê của hải quan Trung Quốc, tổng kim ngạch thương mại Trung-Mỹ năm 1999 đạt 61,48 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 1998, trong đó Trung Quốc xuất khẩu 41,95 tỷ, tăng 10,5%, nhập khẩu 19,53 tỷ, tăng15,7%. Sáu tháng đầu năm năm 2000 kim ngạch buôn bán Trung-Mỹ đạt 34,22 tỷ, so với cùng kỳ năm trước tăng 26,3%, trong đó Trung Quốc xuất khẩu 23,61 tỷ, tăng 30,4%, nhập khẩu 10,61 tỷ, tăng17,9%, xuất siêu 13 tỷ. Tính đến cuối 1999, tổng cộng số hạng mục đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc là 28.628, kim ngạch đầu tư theo hợp đồng đạt 52,4 tỷ USD, vốn đầu tư thực tế là 25,8 tỷ. Mỹ thành nước đầu tư nhiều nhất vào Trung Quốc trong hai năm liền. Ngược lại, các công ty thương mại và phi thương mại Trung Quốc đặt tại Mỹ cũng tỏ rõ xu thế tăng trưởng. Tính đến cuối năm 1999, tổng cộng đã có 590 doanh nghiệp Trung Quốc đặt tại nước ngoài đã được phê chuẩn hoạt động đầu tư tại Mỹ.
Năm 2002, khi sang thăm Trung Quốc, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ từng nói : ngoài hợp tác chống khủng bố, Trung Quốc và Mỹ còn cần hợp tác năng lượng ( chủ yếu là dầu lửa ). Ðây là lĩnh vực hợp tác mới có nhiều triển vọng giữa hai nước trong tương lai.
Trung Quốc là nước sản xuất dầu lửa lớn thứ 5 trên thế giới. Ðến năm 2002 đã phát hiện trữ lượng 23 tỷ tấn, sản lượng dầu hàng năm 167 triệu tấn, nhưng mấy năm qua, mức tiêu dùng dầu lửa của Trung Quốc tăng lên đến mức chỉ còn sau Mỹ và Nhật Bản. Năm 2000, phải nhập 70 triệu tấn. Năm 2002, phải nhập 69,41 triệu tấn.
Với khả năng sức mạnh tiềm ẩn to lớn ( do quy mô kinh tế và dân số của nước này ), tận dụng lợi thế từ việc giao thương với Mỹ, nếu Trung Quốc vươn lên được với tư cách là một bá quyền thì Ðông Bắc Á sẽ rơi vào tình trạng đa cực mất cân bằng. Kịch bản này rõ ràng là nguy cơ đối với thế giới, đặc biệt là với Mỹ. Cho nên giới elit về chính sách đối ngoại của Mỹ đang hết sức cố ngăn chặn điều đó. Một trong những chủ trương chiến lược là song song với việc trở nên thịnh vượng, Trung Quốc cần phải được dân chủ hoá. Chỉ như thế thì những cuồng vọng và cách xử sự của họ mới trở nên ôn hoà hơn.
Tuy nhiên, xét về thực lực kinh tế, tổng giá trị sản phẩm quốc dân Trung Quốc đến năm 2020 cũng chỉ đạt 4.000 tỷ USD, đến giữa thế kỷ 21 cũng chỉ đạt mức của quốc gia phát triển trung bình. Một số học giả còn cho rằng nền kinh tế Trung Quốc rồi sẽ bị suy thoái do những khoản nợ ngân hàng khó đòi quá lớn, ngành tài chính còn nhiều bất cập …
Xét về mặt quân sự, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc chỉ bằng số lẻ của ngân sách quốc phòng Mỹ. Hàng năm, chi phí quốc phòng của Mỹ đạt trên 300 tỷ USD ( bình quân 1000 USD/người ), trong khi Trung Quốc chỉ có 20 tỷ USD ( bình quân 10 USD/người ).
Cho nên chỉ thị “ Hai chống, bốn không ” của Ðặng Tiểu Bình có thể vẫn còn được Hồ Cẩm Ðào tuân thủ. Vấn đề quan hệ giữa “ náu mình chờ đợi ” và “ phát huy vai trò ” trong đường lối đối ngoại của Trung Quốc vẫn cứ còn được các nhà chính trị Trung Quốc bàn thảo, suy tính đắn đo. Trong giới học thuật, có quan điểm nhấn mạnh “ phát huy vai trò ” nhưng lại đặt trọng điểm vào “ náu mình chờ thời ”. Một quan điểm khác nhấn mạnh “ phát huy vai trò ” trong khi vẫn thừa nhận chiến lươc “ náu mình chờ thời ”. Lại có quan điểm “ phát huy vai trò ” ở các nước lân bang nhưng “ náu mình chờ thời ” ở các khu vực khác. Ða số ý kiến cho rằng Trung Quốc về chiến lược cần “ náu mình chờ thời ”, về chiến thuật phải “ phát huy vai trò ” . “ Náu mình chờ thời ” là chiến lược, “ Phát huy vai trò ” là sách lược.
tải về 1.12 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   13




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương