Đồng hồ đeo tay chỉ số mười. Thằng Vĩnh nhỏm dậy kêu mỏi. Nó ngủ trong tàu điện ngầm. Đầu ngả vào vai tôi. Tàu đến một ga nhỏ thì dừng lại. Mười lăm phút rồi vẫn không nhúc nhích



tải về 0.65 Mb.
trang2/6
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích0.65 Mb.
#30638
1   2   3   4   5   6
Người tình. Tôi đọc cả Người tình lẫn Người tình Hoa Bắc. Tôi nghe Duras tả mùi Chợ Lớn. Trầm hương, dưa hấu, cao lâu. Chữ của Duras, tôi vừa đọc vừa sợ bị đánh lừa. Tôi chỉ muốn biết Thụy ở đâu, gặp ai, làm gì. Những ngày ấy. Ngôi nhà hai tầng, bảng hiệu tiếng Hoa, hai cái đèn lồng. Tôi ngồi ôm thằng Vĩnh ở sân bay Băng Cốc. Trong túi tôi có chữ ký của Thụy. Trời mưa tầm tã. Mọi thứ trong tôi đều mù mịt. Hắn từ đâu chạy lại mang cho tôi cốc nước dừa, mang cho thằng Vĩnh hai quả táo. Từ lúc đó cho đến khi lên máy bay hắn im lặng. Hắn im lặng mười hai tiếng sau đó. Thằng Vĩnh ngủ trên tay hắn. Ông khách hàng trên ý tứ kéo ghế lên tí nữa. Bà khách hàng dưới tắt đèn thôi đọc báo. Các cô chiêu đãi viên ngồi gật gù một góc. Cả khoang bóng tối lờ mờ. Tôi lôi chữ ký Thụy ra ngắm. Thụy không ghi ngày tháng. Để tôi biết ngày ấy tháng ấy Thụy nhớ đến tôi, nhớ đến thằng Vĩnh. Không bao giờ Thụy viết thư cho tôi. Căn hộ mười tám mét vuông đê La Thành. Cái giá sách treo tường. Cái bàn nhỏ và đôi ghế giữa nhà. Cái chạn trong bếp. Đều do Thụy đóng. Tôi đọc sách cho Thụy nghe. Tôi kể chuyện Leningrad. Đêm trắng. Đại lộ Nepski. Sông Neva. Dostoievski. Thụy bảo Thụy thích Tội ác và trừng phạt. Tôi bảo Thụy mùa đông nước Nga buồn lắm. Buồn nhất là Leningrad. Trời lạnh đứt cả tai. Đến tháng Năm vẫn còn tuyết. Tôi không có một tin tức nào của Thụy. Những bức thư tôi gửi cho Thụy không bao giờ được hồi âm. Bố mẹ tôi tháng nào cũng viết thư nhưng không bao giờ nhắc đến Thụy. Ác mộng lớn nhất của tôi là không được gặp lại Thụy. Tôi bị ngã trên đường đến trường. Phải nghỉ học ở nhà một tháng. Một tháng liền tôi nằm mơ Thụy ốm. Thụy được đưa đến bệnh viện mà không được chữa. Mở sổ y bạ thấy họ Âu người ta bảo thôi về đi. Đọc Tội ác và trừng phạt, nhân vật chính tự sát. Tôi lại lo Thụy chán đời không thiết sống nữa. Mùa hè năm thứ ba, tôi đi hái hoa quả. Được ba trăm rúp, tôi viết thư về nhà. Nghỉ đông con sẽ về phép. Ba tuần sau tôi nhận được thư mẹ tôi. Cả nhà vẫn khỏe. Mọi chuyện bình thường. Cách đây vài hôm bố mẹ đi qua phố Lương Ngọc Quyến. Mười gia đình Hoa kiều đã lên tàu đi Quảng Ninh, có lẽ bây giờ đang ở Hồng Kông. Tôi không bao giờ tha thứ cho mẹ tôi. Một năm rưỡi còn lại ở nước Nga là một năm rưỡi buồn thảm nhất đời tôi. Sau này tôi còn có thằng Vĩnh. Tôi đã biết thế nào là tình yêu. Tôi có những cái cớ để sống. Nhưng lúc đó tôi hai mươi mốt tuổi. Nước Nga buồn và lạnh. Lạnh đến đứt cả tai. Tháng Năm trời vẫn còn tuyết. Tôi không có một tin tức nào của Thụy. Sau này tôi hay hỏi Thụy sao Thụy không viết thư cho tôi. Thụy cười không nói. Sau này những đêm nằm cạnh Thụy, tôi vẫn mơ người ta đuổi Thụy khỏi bệnh viện, Thụy bị ngã máu chảy lênh láng khắp đầu. Sau này, những hôm Thụy đi đâu về muộn, tôi chỉ sợ có người đến đập cửa báo Thụy đã quyên sinh. Tôi sợ nhất Thụy quyên sinh. Thắt cổ, uống thuốc sâu, nhảy tàu. Tôi không dám nghĩ tiếp. Nằm cạnh Thụy tôi không dám nghĩ tiếp. Mỗi giấc mơ của tôi đều là một thảm kịch. Thảm kịch nào cũng kết thúc bởi cái chết của Thụy. Một năm chung sống tôi hết lòng vì Thụy. Tôi muốn quên những ngày ở Leningrad. Tôi muốn quên cái thư của mẹ tôi. Tôi muốn quên cái vé máy bay đã hủy. Nước Nga lạnh lẽo. Tháng Năm trời vẫn còn tuyết. Các bạn gái của tôi lần lượt lấy chồng rồi đẻ con. Hoặc đẻ con rồi lấy chồng. Chúng nó tính toán cưới xin bên này lợi hơn. Mấy đứa trẻ con với nhau ăn bậy ăn bạ gì cũng xong. Tốt nghiệp về nước được đóng thùng hàng biển cỡ gia đình. Đồ dùng đều được nhân ba. Đẻ con được nghỉ học ở nhà một năm. Được ở lại thêm một năm. Đỡ về nước sớm ngày nào hay ngày đấy. Tôi lần lượt đi dự đám cưới chúng nó. Để ăn bậy ăn bạ cái gì đó cho xong. Nem bắp cải trộn thịt bò băm viên. Nộm bắp cải rắc hạt óc chó. Cà ri bắp cải, khoai tây, thịt cừu. Nước Nga lạnh lẽo. Đến tháng Năm trời vẫn còn tuyết. Nước Nga không có rau gì ngoài bắp cải nhưng nếu phe xã hội chủ nghĩa không sụp đổ thì nước Nga tiếp tục là thiên đường của sinh viên Việt Nam, Cu Ba, Triều Tiên, Mông Cổ. Tôi lần lượt đi dự đám cưới của các bạn tôi. Lần lượt đến nhà hộ sinh thăm chúng nó. Lần lượt nhìn chúng nó gói hàng biển. Thùng hàng của tôi vỏn vẹn vài chục quyển sách, cái tủ lạnh cho mẹ tôi, cái máy quay đĩa cho bố tôi. Ngày tôi lấy Thụy, mẹ tôi trả tôi cái tủ lạnh, bố tôi bảo tôi mang máy quay đĩa về mà nghe. Tổ ấm của chúng tôi tuềnh toàng. Cái giá sách treo tường. Cái bàn nhỏ và đôi ghế giữa nhà. Cái chạn trong bếp. Tất cả đều do Thụy đóng. Tôi và Thụy ngồi uống chè buổi sáng. Tôi mở cho Thụy nghe một bản nhạc. Máy quay đĩa kêu xè xè. Đĩa hát Liên Xô gặp gió nồm Hà Nội là vênh ngược vênh xuôi. Thằng Vĩnh được đúng một tháng thì Thụy bảo Thụy chán Hà Nội lắm rồi. Tôi chỉ biết làm theo ý Thụy. Tôi nói với Thụy như thế. Hàng trăm lần trong căn hộ mười tám mét vuông khu tập thể đê La Thành. Những ngày ấy bao nhiêu thương xót. Trong khoang máy bay bóng tối lờ mờ. Tôi nhìn chữ ký của Thụy. Tờ giấy mẹ tôi đọc bố tôi đánh máy. Chữ ký của Thụy bên dưới. Không có ngày tháng. Không có ngày tháng để tôi biết ngày ấy tháng ấy Thụy nhớ đến tôi. Em gái Thụy không kể gì thêm. Tôi cũng không hỏi nó. Tôi cũng không viết thư cho Thụy. Đến bây giờ tôi cũng không hiểu tại sao tôi đã không viết thư cho Thụy. Viết đối với tôi lúc ấy như việc không thể. Tôi không biết viết gì. Tôi không biết viết để tâm sự. Tôi chưa bao giờ viết nhật ký. Ngay cả những ngày lạnh nhất ở Leningrad tôi cũng không viết nhật ký. Nhưng tôi không hiểu tại sao tôi đã không viết cho Thụy. Trong tôi mọi thứ mù mịt. Tôi sợ tôi không có gì để viết cho Thụy. Tôi sợ Thụy không có gì để viết cho tôi. Mười hai năm sau tôi cũng chẳng hiểu điều này. Mười hai năm sau tôi vẫn không dám viết cho Thụy. Mười hai năm sau tôi lờ mờ hiểu người ta không phải bỗng dưng mà có thể viết được.

I’m yellow

Đêm. Đêm có màu vàng của chiếc bóng đèn nhỏ duy nhất trong hành lang. Tôi nhìn rất lâu vào đêm. Tôi ném chiếc chìa khóa vào đêm. Trong màu vàng của đêm, nó không gây một tiếng động nào.

Tôi đi bộ. Không phải vì lâu lắm rồi tôi mới ra phố. Cũng không phải vì màu vàng của đêm không bao giờ có mặt trong những bức tranh của tôi. Tôi không có một phương tiện nào khác. Chiếc xe máy tôi đã để lại cho Loan. Căn hộ cũng vậy. Cả năm mươi bức tranh tôi đã vẽ, trong năm mươi ngày vừa qua. Tất nhiên chúng chẳng có một giá trị nghệ thuật nào. Chúng chỉ bảo đảm cuộc sống vật chất cho Loan và con gái chúng tôi trong vòng năm năm nữa. Tôi không thù ghét bản thân vì đã làm việc ấy. Tôi cũng không thù ghét vợ tôi vì Loan đã bắt tôi làm việc ấy. Tôi ngạc nhiên trước sự dửng dưng của mình. Nhưng tôi phải ra đi. Tôi đã chuẩn bị cho sự ra đi này từ năm mươi ngày qua, mỗi ngày một bức tranh, mỗi bức tranh có đánh số thứ tự.

Tôi đi bộ qua những con phố màu vàng.

Ngày mai tôi ba mươi chín tuổi.

Cách đây năm năm tôi kết thúc cuộc sống độc thân bằng cách lấy vợ. Đó là một việc làm ngu ngốc. Ngay trong đêm tân hôn, nằm cạnh Loan, tôi đã biết đang làm một việc ngu ngốc. Cuộc sống vợ chồng của chúng tôi kéo dài năm năm. Trong năm năm ấy Loan cho tôi một đứa con gái kháu khỉnh. Trong năm năm ấy tôi vẽ cho Loan và con gái chúng tôi năm trăm bức tranh. Đương nhiên chúng cũng chẳng mang một giá trị nghệ thuật nào cả. Cũng như năm mươi bức tranh tôi vừa hoàn thành trong năm mươi ngày qua, chúng chỉ bảo đảm một cuộc sống vật chất. Giữa chúng tôi, ngay từ đêm tân hôn, đã hình thành một hợp đồng như thế. Loan gánh vác bên tinh thần, còn tôi chịu phần vật chất. Con gái chúng tôi, phôi thai sau cái đêm ấy ba tháng, cũng có trách nhiệm trong bản hợp đồng của ba người. Nó luôn đóng vai cảnh sát, nhắc nhở chúng tôi không được quên bổn phận của từng cá nhân. Và cách đây năm mươi ba ngày, khi tôi quyết định ra đi, phá vỡ hợp đồng, chính nó đã ngồi giữa tòa, một bên là tôi - bị cáo - và bên kia là mẹ nó - nạn nhân, bắt buộc tôi để lại mọi của cải động sản và bất động sản, với năm mươi bức tranh, năm mươi bức tranh có tính nghệ thuật không nó không cần biết, nhưng năm mươi bức tranh nhất định phải đủ tính thương mại để có thể đặt chân vào phòng bán tranh, có thể làm vừa lòng khách mua tranh, có thể mang về một số tiền ít nhất là hai trăm đô la mỗi bức, bồi thường cho nó và Loan, những người thiệt thòi sau khi bản hợp đồng bị hủy.

Ngày mai tôi ba mươi chín tuổi.

Cách đây hai mươi năm, sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi thi vào trường đại học Mỹ thuật. Đó là một việc làm ngu ngốc. Ngay hôm nhận được giấy báo điểm, tôi đã biết tôi đang làm một việc ngu ngốc. Quá trình học kéo dài năm năm. Trong năm năm ấy bố mẹ tôi nhận được năm giấy khen của nhà trường bù lại năm lần bị gọi lên văn phòng hiệu trưởng của các trường phổ thông trung học nơi tôi đã từng học, từng lưu ban, từng bị đuổi. Năm năm đại học là hợp đồng đầu tiên tôi ký trong đời, không phải với ai khác ngoài bố mẹ ruột của mình. Tôi chịu trách nhiệm về tinh thần còn bố mẹ tôi chịu phần vật chất. Đôi bên đều hài lòng. Vào ngày tôi trình bố mẹ tôi tấm bằng tốt nghiệp loại ưu, mẹ tôi làm một mâm cơm thịnh soạn và bố tôi rót cho tôi một ly rượu ngoại, cả hai cùng đáng xếp loại ưu. Ngày hôm ấy tôi vẫn còn nhớ. Ngày hôm ấy tôi rời hẳn căn hộ gia đình, sau bữa ăn trưa đặc biệt, không có gì trong tay, bằng tốt nghiệp đại học đương nhiên được bố mẹ tôi giữ lại như bằng chứng của một bản hợp đồng đã thanh toán sòng phẳng. Sau này tôi cũng ký thêm nhiều hợp đồng nữa, với người ngoài. Cái ngắn hạn, cái dài hạn. Cái quan trọng nhiều, cái quan trọng ít. Nhưng không bao giờ tôi chịu gánh vác mặt tinh thần như trong bản hợp đồng từng có với bố mẹ tôi.

Ngày mai tôi ba mươi chín tuổi.

Cách đây bốn năm, Loan bị ngã xe máy. Một đồng nghiệp của cô ấy tới nhà báo cho tôi, sau đó đề nghị đưa tôi thẳng đến bệnh viện. Tôi chấp nhận ngay lập tức bởi bản thân cũng nghĩ không đủ sức đi một mình. Chỉ còn một tuần nữa là vợ tôi phải vào nhà hộ sinh. Trước đó bác sĩ đã khuyên cô ấy nên cẩn thận, đặc biệt những ngày cuối cùng. Đoạn đường từ nhà đến bệnh viện bỗng trở nên dài vô tận. Tôi có cảm giác luôn luôn gặp trở ngại, bởi người đi đường quá đông, bởi có quá nhiều ngã tư, ngã tư nào cũng gặp đèn đỏ, ngã tư nào cũng có cảnh sát giao thông, bởi ông gác cổng làm khó dễ không cho vào, lý do bệnh nhân ngủ trưa, cô y tá trực khoa cũng cứng nhắc, nhất định bắt đưa chứng minh thư mới chịu chỉ phòng. Thế nhưng, khi nhìn thấy Loan nằm trên giường, tươi cười, tôi thấy tối tăm mặt mũi. Chưa bao giờ tôi thất vọng đến thế. Lập tức tôi hiểu tôi muốn gặp Loan, ngay khi biết tin tai nạn của cô ấy, chỉ vì tôi nghĩ rằng Loan đã chết. Óc tưởng tượng của tôi đi quá nhanh, mắt tôi đã nhìn thấy thân thể Loan bê bết máu quấn trong vải trắng, tai tôi đã nghe tiếng chuột đuổi nhau trong góc phòng lạnh, mũi tôi đã đánh hơi được mùi phoóc môn, thậm chí còn tự hỏi có phải chính nó đã giúp cho bánh phở tươi được mấy ngày liền, từng là mục tiêu công kích của tất cả các hình thức thông tin đại chúng. Tôi không thấy nó đáng sợ lắm, hay không ghê tởm lắm, ít ra nó không làm tôi buồn nôn, cái mùi thuốc ướp xác ấy.

Tôi tỉnh dậy khi Loan đưa tay đập vào vai tôi, miệng vẫn nụ cười từ mười lăm phút nay. Tôi còn nhớ đã để cô ấy lại một mình mà chạy đi tìm bác sĩ chủ nhiệm khoa. Ông ấy đang bận một ca mổ não đặc biệt. Nạn nhân cũng là một phụ nữ bị tai nạn xe máy. Tôi đứng ngoài phòng mổ, dán mắt vào cửa kính, hồi hộp như thể chính Loan đang nằm trong ấy. Ba mươi phút sau, bác sĩ và y tá mặt mày căng thẳng, đề nghị nghỉ giải lao. Tôi tiến lại gần bắt tay người chồng bệnh nhân. Nó mềm nhũn. Tôi hỏi vỡ hộp sọ à. Anh ta chẳng hiểu gì, mấy giây sau ôm mặt hu hu. Một cô y tá phải chạy ra mắng vợ đã chết đâu mà khóc anh ta mới im. Giờ ăn trưa, bác sĩ chủ nhiệm khoa cho tôi vào gặp. Cứ để tôi đứng giữa phòng, ông ta nói ngay vết nứt rất sâu ở hộp sọ, khó qua nổi tuần này. A, bác sĩ tưởng tôi là chồng bệnh nhân vừa mổ. Tôi giải thích Loan vừa được đưa vào cấp cứu, chưa kịp chụp phim. Ông ta chau mày, xua tay, nói mai có kết quả. Cửa phòng đóng sập. Tôi thấy mình bị đẩy ra ngoài, mắt trâng trâng, chúng không chợp tẹo nào từ lúc bị Loan đánh thức. Khuôn mặt lạnh lùng và câu trả lời nước đôi của bác sĩ về tình trạng sức khỏe của cô ấy khiến tôi trở nên lạc quan, thậm chí thấy nhiều hy vọng. Đêm đó tôi ngủ gật trong hành lang bệnh viện, mong trời sáng, mong bác sĩ đến đúng giờ để đọc X quang não cho Loan. Có một lúc, trong cơn mơ, tôi thấy ông ta giơ ra một tấm phim rồi trỏ cho tôi xem một vệt đen rất to ở ngay chính giữa hộp sọ, sau đó còn chỉ thêm tên Loan viết bên dưới, xong quay ra nhìn tôi chằm chằm, miệng mỉm cười, đầu gật gật. Tôi còn đang loay hoay trước sự ý nhị của ông ta, không biết nên đáp lại như thế nào thì bị đánh thức dậy. Loan lay vai tôi, tươi cười hơn cả hôm qua, kể ông bác sĩ chủ nhiệm khoa không đến được, gọi điện thông báo cô ấy có thể ra viện sáng nay, hộp sọ bình an vô sự, lên bàn đẻ đúng ngày đã định.

Tôi há hốc mồm. Ngày hôm ấy tôi quên đánh răng, quên ăn sáng, quên ăn trưa, đến mười giờ đêm lên giường đi ngủ vẫn không thấy đói. Sau này, tôi ngờ Loan đã cười, nhiều lần liền, lần nào cũng kèm vài cái đập vào vai tôi, chỉ để nhắc tôi kẻ chiến thắng là cô ấy, cô ấy sẽ không bao giờ để tôi thoát khỏi bản hợp đồng, bản hợp đồng còn chắc hơn nữa khi con của chúng tôi ra đời, một tuần sau đó.

Tôi cũng ngờ rằng từ sau tai nạn xe máy ấy, Loan đi lại, ăn uống hết sức thận trọng, thậm chí thái quá, không phải cho bản thân mà chỉ bởi vì cô ấy muốn tôi đừng bao giờ tơ tưởng tới cái chết đột ngột sẽ mang cô ấy đi. Cái xe máy được đem tân trang rồi bán cho người hàng xóm, lỗ một triệu. Vợ tôi thề suốt đời đi xe đạp, suốt đời đạp xe sát vỉa hè. Đôi khi lại vừa cười vừa đập vào vai tôi, Loan thẳng thừng bảo mới xem tử vi ông thầy này ông thầy kia, ông nào cũng quả quyết mệnh cô ấy vững lắm, dao kề cổ vẫn được quý nhân phù trợ. Tôi có cảm tưởng cuối cùng chỉ vì muốn khuất phục tôi, bắt tôi mãi mãi tuân theo bản hợp đồng ấy, mà vợ tôi một phụ nữ có trí tuệ hạn chế đã cho phép mình trở nên bất tử. Niềm tin này trên thực tế được hình thành ngay từ khi chúng tôi lấy nhau. Nó mạnh đến nỗi vừa biết mình mang thai, Loan đã khẳng định đứa bé sinh ra sẽ là con gái. Lúc đó, tôi không hiểu ý cô ấy. Chỉ chín tháng sau, khi đỡ con bé từ tay Loan, kinh ngạc trước khuôn mặt giống mẹ như tạc của nó, tôi mới vỡ lẽ vợ tôi đã tin một cách cuồng tín rằng sau này, ngay cả khi cô ấy chẳng may qua đời, sẽ có con bé thay thế trên mọi phương diện. Nhất là nó sẽ tiếp tục trông coi bản hợp đồng được ký giữa chúng tôi. Con gái tôi, ngay từ phút chào đời, vừa nhìn thấy bố, đã biết khóc ngằn ngặt. Tôi bịt chặt tai và suýt quẳng nó xuống đất khi Loan tươi cười đập vào vai tôi, hỏi ý tôi thế nào nếu cô ấy đặt tên nó là Loan. A, tôi ngờ đây cũng không phải là một ý nghĩ bột phát.

Bốn năm chung sống tiếp theo của chúng tôi chỉ để vợ tôi không ngừng củng cố niềm tin vào sự bất tử của cô ấy. Tôi cho rằng chính điều này làm tôi ghê tởm cuộc sống chung với Loan hơn cả. Nó là lý do để tôi không bao giờ ân hận đã từng ngày một, trong suốt quãng thời gian ấy, âm thầm mong vợ tôi chết. Chết như thế nào tôi không biết. Tôi không cần biết. Tôi chỉ cần một điều, cô ấy biến khỏi cuộc đời tôi, biến vĩnh viễn.

Ngày mai tôi ba mươi chín tuổi.

Cách đây năm mươi ba ngày, tôi bị ốm. Đầu tiên tôi cho là bị cảm nắng. Đến đêm chân tay tôi lạnh toát, hai hàm răng đánh vào nhau cồm cộp. Sau đó, tôi bị nôn và khi nôn xong thì không khỏi mà cảm thấy mệt vô cùng. Vợ tôi tỏ ra rất lo lắng. Cô ấy mời bác sĩ đến khám ngay cho tôi đêm ấy, hôm sau còn thuê tắc xi đưa tôi đến bệnh viện làm xét nghiệm máu. Tôi bị giữ lại bệnh viện ba ngày. Trong ba ngày ấy, bác sĩ không phát hiện ra bệnh gì. Tôi gầy đi ba cân, mặt hốc hác. Vợ tôi càng tỏ ra lo lắng, luôn mồm hỏi bác sĩ xem có cần chụp X quang cho tôi không, luôn mồm hỏi tôi muốn ăn gì, uống gì và nhất định chỉ rời tôi lúc chín giờ tối, khi bệnh viện đã đóng cửa, để sáng hôm sau lại vào rất sớm. Ba đêm đó trên thực tế là quãng thời gian tôi cảm thấy thoải mái nhất từ khi lấy vợ. Hóa ra cuộc sống của tôi chỉ cần vắng mặt cô ấy đã dễ chịu hơn nhiều. Tôi cố gắng ăn thật ít, cố gắng ba tiếng nôn một lần, mỗi lần đều có máu, máu càng ngày càng sậm, để có thể ở lại bệnh viện thêm vài hôm nữa. Nhưng việc này quả là không thể. Ngành y tế thiếu phòng trầm trọng, những bệnh nhân không rõ bệnh như tôi ngay cả trả thêm tiền cũng không có quyền nằm lại quá ba ngày.

Đêm. Đêm có màu vàng của chiếc bóng đèn nhỏ duy nhất trong hành lang.

Bệnh viện mênh mông không một bóng người.

Tôi đi dạo lần cuối cùng. Cái sân này ba mươi sáu tiếng qua tôi đã đi nhiều vòng. Chỉ còn mấy tiếng nữa Loan sẽ đến, lần này để đón tôi về nhà. Tôi biết cô ấy tìm mọi cách để tôi ra viện, càng sớm càng tốt. Rõ ràng bệnh viện không phải là nơi thích hợp cho bản hợp đồng của vợ chồng chúng tôi. Phòng chụp X quang cửa mở toang, cũng không ai bên trong. Không hiểu bằng cách nào tôi có linh tính hồ sơ bệnh án của tôi đang nằm trên mặt bàn kê ngay giữa phòng. Người ta chuẩn bị sẵn thủ tục xuất viện cho tôi. Một ý nghĩ vụt đến. Tôi nhớ người đàn ông nằm phòng bên cạnh, cỡ tuổi tôi, chiều nay thấy ra cửa tiễn vợ mắt đỏ hoe. Chắc chỉ mai sẽ bị trả về nhà. Tên của anh ta đây rồi. Hồ sơ cũng không xa hồ sơ tôi. Tôi thích thú tưởng tượng cảnh Loan khóc lóc. A, tôi muốn biết có quý nhân nào phù trợ cô ấy trong hoàn cảnh này không.

Đêm đó tôi yên tâm ngủ. Tôi cố tình quên cả giờ ra viện. Tôi chỉ thức dậy khi Loan to tiếng với cô y tá đang cố giải thích vết nứt ở hộp sọ của tôi, được phát hiện sau lần chụp X quang tối hôm qua, theo bác sĩ chuyên khoa thì vô phương cứu chữa. Tôi có cảm giác ông gác cổng đang nháy mắt với tôi còn bà lao công đưa tay vẫy vẫy lúc tôi qua cổng bệnh viện. Không ngoái cổ lại, tôi giữ chặt hồ sơ bệnh án trong tay.

Ra đến đường, phát hiện tôi vẫn chưa thay quần áo bệnh nhân, Loan cau mày. Tôi mở túi du lịch lấy chiếc áo đi mưa. Ba ngày không sờ đến, tôi thấy nó dường như rộng gấp đôi, quá dài, màu ghi cũng trở nên quá tối. Tôi giật mình, nhìn túi du lịch. Dường như nó cũng không phải là của tôi nữa. Hơn một tháng sau, rời Hà Nội, nhưng tôi không bao giờ quên được cảm giác ấy.

Chúng tôi lên xe tắc xi, suốt đoạn đường từ bệnh viện về nhà, vẫn không nói với nhau câu nào.

Đêm hôm ấy, đơn ly dị được đặt trên gối của Loan, chữ ký tôi bên dưới.

Cô ấy nhìn tôi im lặng. Mắt đỏ hoe. Cuối cùng tôi đồ rằng chính vết nứt ở hộp sọ của người đàn ông hàng xóm trong bệnh viện đã khiến cô ấy ký vào đơn. Hay căn hộ, hay chiếc xe máy, hay năm mươi bức tranh mà tôi sẽ vẽ. Tôi không biết. Tôi không cần biết. Tôi chỉ cần biết một điều : năm mươi ngày nữa, buổi sáng thức dậy, tôi sẽ thấy cô ấy biến khỏi đời tôi, biến vĩnh viễn, như thể chúng tôi chưa từng gặp nhau, như thể năm năm vừa qua chỉ là cơn ác mộng.

Tôi bắt đầu như thế. Tôi đã gửi đăng báo. Người ta đã đọc nó như một truyện ngắn. Tôi cũng đã coi nó như một truyện ngắn. Tôi muốn chấm dứt ở đấy. Tôi biết tôi phải chấm dứt ở đấy thì mới bắt đầu được những cái khác. Như người ta khép lại một đoạn trong cuộc đời, mười năm, hai mươi năm. Hoặc mười tháng, hai mươi tháng. Cũng là một đoạn trong cuộc đời. Đủ để khép lại. Hoặc phải khép lại. Nhưng tôi cũng biết một lúc nào đấy tôi sẽ bỏ nó ra viết tiếp. Nó có thể là chương đầu tiên cũng có thể là chương cuối cùng. Nó không thể là một truyện ngắn. Nó không thể kết thúc ở đấy. Tôi cũng biết kết thúc khó khăn như thế nào. Khó khăn như người ta khép lại một phần của cuộc đời. Một phần của cuộc đời không thể là một truyện ngắn. Mười năm mười hai năm không thể là một truyện ngắn. Mười tháng mười hai tháng cũng không thể là một truyện ngắn. Tôi biết có lúc tôi sẽ bỏ nó ra viết tiếp. Viết tiếp để mà kết thúc. Viết tiếp để mà khép lại. Tôi không viết về Thụy. Tôi không viết cho Thụy. Mười hai năm rồi tôi muốn gặp Thụy để hỏi. Nhưng tôi không viết cho Thụy. Tôi không dám viết cho Thụy. Tôi sợ tôi không có gì để viết cho Thụy. Tôi đọc lại Người tình Hoa Bắc. Duras không có gì để viết cho anh ta. Duras không gọi tên anh ta. Duras không nhớ họ anh ta. Quê anh ta Duras viết là Mãn Châu. Mãn Châu rộng ngang nước Pháp. Cuốn sách Duras đề tặng Thanh. I’m yellow không đề tặng ai. Tôi biết tên Thụy. Tôi biết họ Thụy. Tôi đã đến Yên Khê, nơi Thụy sinh trước tôi ba tháng hai ngày. Trên xe ô tô Thụy ngả đầu lên vai tôi. Thụy kể chuyện. Thụy ngủ. Ở trường không ai chơi với Thụy. Ở trường, Thụy không bao giờ dám nghỉ học. Ốm cũng cố mà đến lớp. Nghỉ học là mất bài. Không đứa bạn nào muốn cho Thụy mượn vở. Không ai muốn dính dáng đến Thụy. Thụy cũng không muốn đến nhà chúng nó. Thụy không muốn gặp mặt bố mẹ chúng nó. Bố mẹ chúng nó nhìn thấy Thụy là hỏi thế nào bao giờ về nước, giường tủ bàn ghế đã bán hết chưa. Trước hôm đi cắm trại, ban giám hiệu họp bí thư đoàn trường và thầy giáo phụ trách tư tưởng. Ngày nào bộ đội đại bác Trung Quốc cũng dọa bắn năm quả đại bác sang biên giới Việt Nam. Học trò Âu Phương Thụy gia đình xin ở lại Hà Nội sinh sống. Đảng chưa quyết định gì. Gia đình cũng chưa có biểu hiện gì. Nhưng nhiệm vụ của chúng ta là theo dõi sát. Bỏ phiếu năm mươi phần trăm muốn Thụy ở nhà. Năm mươi phần trăm cho Thụy được đi. Đến cuối buổi thầy giáo phụ trách tư tưởng quyết định chúng ta phải cao tay hơn Bắc Kinh. Chúng ta cứ để học trò Âu Phương Thụy đi Yên Khê. Nhiệm vụ của chúng ta là theo dõi sát. Bắc Kinh muốn bắn đại bác đến Yên Khê thì Bắc Kinh phải qua mặt chúng ta. Nhiệm vụ của chúng ta là theo dõi sát. Hôm sau tất cả các sao đỏ sẵn sàng theo dõi Thụy. Hôm sau nữa tất cả các cán bộ lớp sẵn sàng theo dõi Thụy. Cuối tuần học sinh toàn trường sẵn sàng theo dõi Thụy. Ông bảo vệ tuyên bố hàng ngày làm báo cáo ba trang về Thụy. Trên xe ô tô Thụy bảo Thụy sinh ở Yên Khê. Thụy ngả đầu lên vai tôi ngủ. Tóc Thụy cắt cao. Mắt Thụy xếch. Mười sáu tuổi Thụy cao bằng thằng Vĩnh bây giờ. Duras viết người tình Hoa Bắc thơm mùi lụa, thơm mùi ngọc bích, thơm mùi thuốc lá ăng-lê. Duras không bao giờ quên được mùi lụa, mùi ngọc bích, mùi thuốc lá ăng-lê. Tôi nhớ tóc Thụy cắt cao, mắt Thụy xếch. Năm năm sau tôi đi Nga về vẫn thấy tóc Thụy cắt cao, mắt Thụy xếch. Cả Thụy lẫn tôi không có mùi gì đủ thơm để nhớ đến tận bây giờ. Ngày cưới chúng tôi chỉ có bạn bè tôi cùng học ở Leningrad. Mẹ tôi mệt. Mẹ tôi mệt từ nửa năm trước. Mẹ tôi mệt ngay từ lúc tôi thông báo nhất định cưới Thụy. Bố tôi bỏ cơm. Bố tôi bỏ cơm một tuần liền. Bố tôi đã gầy giờ càng gầy thêm. Cả nhà như có đám. Tôi không dám nhìn mặt mẹ tôi. Tôi không dám nhìn mặt bố tôi. Chúng tôi không ai dám nhìn mặt ai. Lỡ đối diện nhau, mắt chúng tôi tự động quay xuống đất. Thụy bảo bố mẹ Thụy muốn sang gặp bố mẹ tôi. Không chạm ngõ, không ăn hỏi thì hai nhà cũng phải gặp nhau một lần trước ngày cưới. Mẹ tôi bảo mẹ tôi không muốn bàn việc cưới xin của tôi. Mẹ tôi mệt. Bố tôi im lặng. Đến bữa bố tôi chống đũa nhìn bát cơm. Bát cơm đầu bữa thế nào cuối bữa nguyên xi như vậy. Ngày cưới, trong nhà vẫn như có đám. Tôi không dám nhắc gì bố mẹ tôi. Chúng tôi không dám nhìn mặt nhau. Cả bố tôi lẫn mẹ tôi đều không đả động đến Thụy. Hai mươi ba năm chúng tôi quen nhau. Bố mẹ tôi làm như Thụy không hiện diện. Ngay cái tên của Thụy cũng bị bố mẹ tôi tránh xa. Cả nước Trung Hoa bị bố mẹ tôi cạch mặt. Từ chén tào phớ đến Khổng Tử, Lão Tử. Từ bát mì vằn thắn đến Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình. Từ cốc lục tào xá đến Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới. Tôi chưa thấy ai bài Hoa như bố mẹ tôi. Từ A đến Z. Một cách hoàn hảo. Không nhượng bộ. Không nhìn trước nhìn sau. Không xét trường hợp đặc biệt. Từ A đến Z. Năm ngoái bố tôi gửi cho tôi gia phả họ hàng bên nội. Đầu năm nay, mẹ tôi gửi cho tôi gia phả họ hàng bên ngoại. Hai chuyên gia Viện Sử không ai tìm nổi ông tổ nào người Hoa cho cả bố tôi lẫn mẹ tôi. Nhưng các chuyên gia chỉ ngược được mười đời. Ai dám khẳng định các cụ tổ mười một đời của bố mẹ tôi là dân Giao Chỉ. Tôi tưởng tượng một ngày nào đấy một thằng em họ hay cháu họ của tôi sẽ cất công làm lại gia phả, sau nhiều lần tham khảo cả Thư viện Quốc gia lẫn Tổng cục Lưu trữ, lẫn trường Viễn Đông Bác Cổ, lẫn Học Viện Phương Đông ở Paris, sẽ tìm được ông tổ mới năm đời trước đây của họ nội, một ông Âu chán nghề bốc thuốc, khăn gói quả mướp chèo thuyền về phía Nam, đã dừng chân ở đất Yiên Nản không phải vì đất lành chim đậu mà vì sông Hồng đến đấy là dừng, muốn đi tiếp cũng không thể biến thuyền thành cỗ xe, biến hai mái chèo thành hai con ngựa. Thế là đành ở lại. Thế là năm đời sau có bố tôi. Tôi tưởng tượng một ngày nào đấy một chuyên gia của Viện Hán Nôm, trong một hội thảo, sẽ lên án chuyên gia Viện Sử lập gia phả họ ngoại tôi đã không dựa vào những bằng chứng khoa học mà chỉ nghe ngóng một vài giai thoại, thậm chí một vài câu chuyện vu vơ, nhảm nhí. Chuyên gia Viện Hán-Nôm này, một người tất nhiên rất giỏi cả Hán lẫn Nôm, sẽ vạch ra một hướng nghiên cứu mới chủ yếu lấy bia mộ làm cơ sở, cuối cùng sẽ chứng minh hùng hồn rằng cụ tổ năm đời của họ ngoại tôi nguyên là lính hậu cần của một viên quan Trung Hoa bị tố giác ăn hối lộ đã đóng thuyền chạy trốn. Nhiều ngày lênh đênh, cả bão biển lẫn hải tặc, chiếc thuyền đã dạt vào Yiên Nản thay vì sang tận Nam Dương để từ đó bơi tiếp sang châu Úc rồi châu Âu. Chú lính hậu cần sau mười năm phụng sự được ông chủ, giờ đây không ai biết đã từng phục vụ triều đình Trung Hoa, cưới cho một cô gái hái dâu bản xứ. Hai vợ chồng làm thêm nghề nuôi tằm và đẻ được năm con trai, tất cả đều mang họ Âu, tóc cắt cao, mắt xếch. Năm người này lại lấy năm cô gái hái dâu bản xứ, tiếp tục làm thêm nghề nuôi tằm và đẻ được mỗi người năm con trai nữa. Hai mươi lăm người con trai này lại lấy hai mươi lăm cô gái hái dâu bản xứ, tiếp tục làm thêm nghề nuôi tằm và đẻ được mỗi người năm con trai nữa. Một người trong số này năm mười tám tuổi đã đổi sang họ Việt, bia mộ không ghi lý do, nhưng vẫn lấy một cô gái hái dâu bản xứ, hai vợ chồng tiếp tục làm thêm nghề nuôi tằm và sinh được năm con trai, người con trai út chính là ông ngoại tôi, tuy không còn mang họ Âu, nhưng tóc cũng cắt cao và mắt cũng xếch, giống hệt sáu trăm hai mươi bốn hậu duệ kia của chú lính hậu cần. Tôi tưởng tượng bố mẹ tôi khi được báo tin có dòng máu Trung Hoa chảy trong huyết quản. Bố tôi chắc chắn sẽ bỏ cơm. Mẹ tôi chắc chắn sẽ kêu mệt. Nhà tôi sẽ như có đám. Bố tôi đòi kiện thằng em hay thằng cháu họ kia. Mẹ tôi đòi lên gặp cấp trên của viên chuyên gia Viện Hán-Nôm nọ. Bố mẹ tôi sẽ từ chối gặp họ hàng, những người này đang sẵn sàng thiết lập quan hệ với mẹ Thụy đương chức đại diện công ty cổ phần hữu hạn Tai Feng ở Hà Nội, họ cũng sẵn sàng thiết lập quan hệ với Thụy để từ đó tiếp tục thiết lập quan hệ với các thương gia họ Âu khác trên toàn thế giới. Bố mẹ tôi sẽ tuyên chiến với toàn bộ thị trường Hà Nội vì thị trường Hà Nội bắt người tiêu thụ Hà Nội mỗi ngày tiêu thụ năm mươi nghìn quả táo Trung Hoa, năm nghìn con cá quả Trung Hoa, năm trăm cân nho Trung Hoa, năm chục sọt trứng Trung Hoa, năm xe tải giấy toa lét, tã trẻ em, băng vệ sinh phụ nữ, bao cao su đàn ông, tất cả đều Trung Hoa. Bố mẹ tôi bài Hoa một cách hoàn hảo. Từ A đến Z. Bố mẹ tôi làm gì cũng hoàn hảo. Cũng từ A đến Z. Hoàn hảo nhất trong việc chia đều tình yêu của tôi cho tất cả các bộ môn, chia đều tình yêu của mẹ tôi thành những cốc chè đỗ đen, tình yêu của bố tôi thành những bộ óc lợn hấp. Mười năm học, tôi hiểu những cốc chè đỗ đen mẹ tôi tự tay nấu không phải để thưởng cho một điểm mười toán mà để tôi tiếp tục ngày hôm sau mang về một điểm mười vật lý, một điểm mười thể dục hay một điểm mười của bất kỳ môn học nào khác. Cốc chè đỗ đen của mẹ tôi vì thế không cần thêm đá, hoa bưởi, dừa nạo. Nó chỉ có nhiệm vụ mang lại cho tôi càng nhiều ca lo càng tốt. Đến bây giờ tôi cũng không quên được những cốc chè nấu bằng kẹo mậu dịch vừa lợ vừa ngái, đỗ hầm nát như tương, và luôn phải ăn nóng, ăn nóng ngay cả vào những ngày nóng nhất của Hà Nội. Mười năm học, tôi hiểu những bộ óc lợn bố tôi xếp hàng từ sáng đến chiều mới mua được không phải để thưởng cho một điểm mười văn mà để tôi tiếp tục ngày hôm sau mang về một điểm mười lịch sử, một điểm mười tập quân sự. Bộ óc lợn vì thế không cần thìa là, hạt tiêu, mì chính, cũng không cần thay đổi cách nấu, cách bày. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ những bộ óc lợn để trong bát nhôm cho vào nồi cơm hấp, bao nhiêu muối vẫn thấy tanh, vẫn phải húp một hơi hết sạch. Tôi không thích óc lợn hấp nồi cơm, tôi cũng không bị bệnh gì cần chữa bằng óc lợn hấp nồi cơm, nhưng hai ngày một lần tôi nhắm mắt bịt mũi húp một hơi hết sạch, vì nó rất bổ, đặc biệt bổ cho óc, nhất là óc trẻ con. Chè đỗ đen, óc lợn hấp nồi cơm, tôi có nhiệm vụ chuyển chúng thành những điểm mười, thành những lời khen trong học bạ: xuất sắc, chăm chỉ, chuyên cần, nghiêm túc, rất có tương lai. Rất có tương lai là lời nhận xét bố mẹ tôi tâm đắc nhất. Rất có tương lai có tác dụng giúp bố mẹ tôi ngày hôm sau tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ nấu chè đỗ đen và xếp hàng cả ngày mua óc lợn. Cứ như thế một vòng tròn ân cần khép kín. Cứ như thế ba chúng tôi dính chặt lấy nhau bởi chữ nhiệm vụ. Bố mẹ tôi chỉ đợi họp phụ huynh để đến dự, mỗi người một sổ ghi chép, mỗi người một danh sách câu hỏi, bố tôi gặp các giáo viên tự nhiên, mẹ tôi gặp các giáo viên xã hội. Các giáo viên thể dục, nữ công, nhạc, họa, ném lựu đạn không rõ thuộc phạm trù tự nhiên hay xã hội thì được cả hai cùng đến hỏi thăm. Giáo viên chủ nhiệm lần nào cũng dành cho bố mẹ tôi một tiếng. Nửa tiếng đầu nghe bố tôi trao đổi về các nam sinh, nghe mẹ tôi trao đổi về các nữ sinh. Nửa tiếng sau nghe cả bố tôi lẫn mẹ tôi đề nghị xếp riêng cho tôi bàn chính giữa, hàng trên cùng. Bố tôi giải thích để tôi được các thầy cô theo dõi từ bốn phía. Mẹ tôi giải thích để tôi không bị nam sinh hay nữ sinh nào động vào tay, giẫm vào chân, nói thầm vào tai, chọc thước kẻ vào gáy hay cóp pi bài kiểm tra. Mười năm học, tôi ngồi một mình một bàn. Mười năm học, tôi chỉ biết con đường từ nhà đến trường. Hết giờ học về nhà lại để ngồi vào bàn học tiếp. Giờ ra chơi cũng đứng một góc ôn bài cho các tiết sau. Hết bài cho tiết sau thì ôn sang bài cho ngày hôm sau. Ngày hôm sau nữa. Tôi không bao giờ được biết nhảy dây là gì, chơi ô ăn quan là gì, chơi tam cúc, chơi cá ngựa, chơi đô-mi-nô là gì. Tôi được bố mẹ tôi giáo dục đó là những thứ vô bỏ. Ô mai, táo dầm, kẹo bột, cũng vô bổ. Phim hoạt hình, truyện tranh, vườn bách thú, cũng vô bổ. Sinh nhật bạn, tết trung thu, liên hoan cuối năm học, cũng vô bổ. Tất cả những gì không mang lại điểm mười, không mang lại những lời khen trong học bạ đều bị bố mẹ tôi gắn cho tính từ bổ ngữ duy nhất là vô bổ. Mười năm học, tôi không được phép quan hệ với các học sinh học lực trung bình, hạnh kiểm trung bình, các học sinh lưu ban, các học sinh cá biệt. Chúng nó cũng vô bổ. Thụy không lưu ban, không bị xếp vào loại cá biệt nhưng Thụy là học sinh có vấn đề. Có vấn đề còn đáng sợ hơn lưu ban và cá biệt. Có vấn đề không chỉ vô bổ mà còn có hại. Có vấn đề khép chặt mọi ngõ ngách của tương lai. Có vấn đề tất nhiên không bao giờ được bố mẹ tôi chấp nhận. Bố mẹ tôi không cho phép ngay cả một con muỗi làm hỏng tương lai. Tương lai của tôi là của bố mẹ tôi. Điểm mười của tôi là của bố mẹ tôi. Lời khen trong học bạ của tôi là của bố mẹ tôi. Giấy gọi đi học nước ngoài của tôi là của bố mẹ tôi. Bố mẹ tôi không cần đi nhận phần thưởng, bố mẹ tôi chỉ cần ngồi nhà chia nhau cảnh tôi nhận phần thưởng, thầy hiệu trưởng trịnh trọng tuyên dương tôi trước toàn trường, toàn trường đứng lên vỗ tay chúc mừng tôi, cô hiệu phó trao cho tôi một bó hoa, một hộp phấn viết bảng và hai quyển vở Con Hươu, rồi bằng khen của sở, bằng khen của bộ, toàn trường lại đứng lên vỗ tay chúc mừng lần nữa. Bố mẹ tôi không cần đi học ở Nga. Bố mẹ tôi chỉ cần ngồi nhà nhấm nháp cảnh tôi học ở Nga, giảng đường mênh mông, giáo sư com lê ca vát, cặp da đen, ô tô đen, thư viện bạt ngàn sách, phòng thí nghiệm như những nhà máy thu nhỏ, sân bóng chuyền to bằng sân vận động Hàng Đẫy, rồi bằng khen của trường, bằng khen của sứ quán. Mẹ tôi ra chợ ai cũng hỏi thăm con bé ở Liên Xô thế nào. Bố tôi đến cơ quan vài ngày lại có đồng nghiệp sà tới bắt tay tình hình Liên Xô ra sao. Đi họp, đi công tác, liên hoan, đám cưới, giỗ, tết, bố mẹ tôi chưa kịp mở miệng đã có người kể giúp con gái duy nhất đang học ở Liên Xô. Cũng như sau này, người ta nhanh nhảu khoe hộ bố mẹ tôi con gái duy nhất đang làm cao học ở Pháp. Tôi tưởng tượng bố mẹ tôi nuôi chó cảnh bán cho chợ chó Lạng Sơn được hai nghìn đô la, mua hai vé Vietnam Airlines sang Paris phát hiện căn hộ Belleville của tôi và thằng Vĩnh chỉ rộng hơn căn hộ mười tám mét vuông khu tập thể đê La Thành cái hành lang, luận án cao học tôi bỏ dở từ lâu, giờ có gọi điện lại cho thầy cũng ngượng, ngày ngày tôi mất ba tiếng trong phương tiện công cộng để đến dạy một đám học trò thù ghét hai chữ tương lai, thù ghét Bộ Giáo dục và nhất là giờ tiếng Anh của tôi. Tôi không biết bố mẹ tôi có biết những điều đó không nhưng tôi biết bố mẹ tôi có biệt tài làm như không biết. Bố mẹ tôi làm như không biết các bìa vở của tôi năm lớp mười đều ghi tên tôi, tên Thụy. Bố mẹ tôi làm như không biết năm năm học ở Nga của tôi chỉ mang bóng dáng Thụy, chỉ hướng về Thụy. Bố mẹ tôi làm như không biết tối thứ Bảy nào tôi và Thụy cũng hẹn nhau ở đầu phố. Tôi đi chơi với bạn bè, mười giờ đêm, bố mẹ tôi vẫn chong đèn đợi. Bố tôi vác xe đạp từ dưới nhà lên gác. Mẹ tôi pha nước chanh. Sau này mẹ tôi thay chè đỗ đen bằng nước chanh, có lẽ vì tôi đã đi làm cơ quan nhà nước không cần nhiều ca lo như ngày đi học, điểm mười và những lời khen trong học bạ cũng đã thành kỷ niệm. Tôi đi chơi với bạn bè, mười giờ đêm, bố mẹ tôi vẫn mở cửa chờ. Bố mẹ tôi hỏi han đủ chuyện. Bố tôi hỏi đứa ấy thằng ấy học ngành gì, cái bằng cũng màu đỏ chứ, có sắp quay lại làm chuyển tiếp sinh không. Mẹ tôi hỏi đứa ấy thằng ấy con cái nhà ai, bây giờ làm ở bộ gì, trường đại học nào. Tôi đi chơi với Thụy, chín giờ hay mười giờ hay mười một giờ đêm, giờ nào mở cửa, đẩy xe đạp vào nhà cũng thấy bố mẹ tôi đã tắt đèn lên giường từ trước. Bố tôi một giường. Mẹ tôi một giường. Hai cái màn. Hai cái lưng. Cứ như thế cho đến sáng. Không bao giờ bố mẹ tôi nhả một lời về Thụy. Không bao giờ bố mẹ tôi thèm quan tâm đến một thằng có vấn đề. Không bao giờ bố mẹ tôi cho phép ngay cả một con muỗi làm hỏng tương lai. Hai chữ tương lai từ ngày tôi ra đời không cần danh từ bổ ngữ, không cần đại từ sở hữu, nó là của cả ba chúng tôi. Một tuần trước ngày cưới, tôi đi một vòng Hà Nội cũng mua được hai túi mứt sen, hai túi chè Thái Nguyên, hai chục lá trầu với một chùm cau. Tôi bảo bố mẹ tôi là của Thụy đem đến. Bố mẹ tôi im lặng. Bố mẹ tôi không đem chia cho ai. Tôi không lạ cách phản ứng của bố mẹ tôi. Tôi đặt tất cả lên bàn thờ. Ngày cưới tôi chè mốc, mứt sen chảy nước, hai chục lá trầu thâm còn chùm cau khô cong. Tôi lần lượt gói ghém vào túi ny lông. Trước khi ra khỏi nhà, tôi cho tất cả vào rổ rác. Ngày cưới tôi bố mẹ tôi không tới. Bố mẹ Thụy cũng không tới. Năm giờ chiều tôi ra đầu phố, chỗ tôi và Thụy thường đợi nhau tối thứ Bảy hàng tuần. Thụy đã đứng sẵn ở đấy. Chúng tôi cùng nhau đạp xe đến phòng cưới. Thụy mặc áo trắng quần đen. Tôi mặc áo dài trắng quần trắng. Cả cơ quan không ai biết là tôi cưới. Cả họ hàng bên nội bên ngoại không ai biết là tôi cưới. Ngay hàng xóm cũng không biết là tôi cưới. Tôi không lạ gì cách phản ứng của bố mẹ tôi. Sau này tôi cũng không lạ gì cách phản ứng của bố mẹ tôi khi gặp hắn. Bố mẹ tôi đem cho hắn tất cả tình cảm đáng lẽ dành cho Thụy. Bố mẹ tôi chấp nhận hắn ngay từ lần đầu hắn mang thư của tôi đến nhà. Mẹ tôi pha nước chanh. Bố tôi vác xe từ dưới nhà lên gác. Tôi không biết bằng cách nào, nhờ ngôn ngữ gì, mà bố mẹ tôi thông thạo lý lịch hắn như lòng bàn tay. Nghề nghiệp của hắn, nhà cửa của hắn, hai thằng Paul và Arthur, bố mẹ hắn ở Rennes. Bố mẹ tôi không bao giờ nhắc tên Thụy. Nhưng tên họ của hắn, vừa dài vừa khó nhớ, bố mẹ tôi viết như viết tên họ của bản thân mình. Thư bố mẹ tôi gửi cho tôi một phần để hỏi han thằng Vĩnh, một phần để hỏi han cái bằng cao học của tôi, còn phần lớn là nhắc đến hắn, kể chuyện hắn, và cuối thư là câu hỏi bao giờ tôi và hắn lấy nhau, bao giờ tôi và hắn về Việt Nam ra mắt họ hàng. Mười năm nay, bố mẹ tôi cùng nằm mơ về đám cưới của tôi với hắn. Thiếp mời song ngữ, tên bố mẹ tôi, tên bố mẹ hắn, tên tôi, tên hắn, chùa Một Cột, tháp Eiffel. Cô dâu áo dài trắng, quần trắng, voan trắng, chú rể âu phục đen, nơ đen. Nhà trai đến nhà gái bằng ô tô trắng, con gấu ngồi ở mũi xe cũng trắng muốt. Các cô ôm tráp đi trước, trẻ con từng đoàn theo sau. Bố mẹ chú rể xì xụp trước bàn thờ tổ tiên, cô dâu chú rể xì xụp trước bàn thờ tổ tiên, bố mẹ tôi rì rầm bên cạnh. Bất đồng ngôn ngữ không sao. Tôi là con rể cụ hay tôi là con dê cụ, cũng không sao. Không nên câu nệ quá. Bố mẹ hắn hỏi gà, bố mẹ tôi trả lời vịt cũng không quan trọng bằng cả phố cả họ thấy tôi khoác tay hắn, máy ảnh chớp xung quanh. Bây giờ Hà Nội có nhiều nhà hàng lắm. Nếu hai con muốn, có thể thuê cả thuyền chạy trên Hồ Tây hay nhà Thủy Tạ hay khách sạn Daewoo vừa tiệc đứng vừa tiệc ngồi, cửa hàng Hoa Sữa Việt kiều Pháp thức suốt đêm làm gấp bánh cưới ba tầng rưỡi, sáng sớm hôm sau xích lô chở tới mới đính thêm hai con búp bê. Hai con búp bê cô dâu áo dài trắng voan trắng, chú rể âu phục đen nơ đen. Không biết từ khi nào bố mẹ tôi bắt đầu gọi tôi và hắn là hai con, bố mẹ hắn là ông bà bên ấy. Ông bà bên ấy có khỏe không. Cho bố mẹ hỏi thăm ông bà bên ấy. Bố có nửa cân cà phê Trung Nguyên gửi biếu ông bên ấy. Mẹ có nửa cân mứt sen Hàng Điếu gửi biếu bà bên ấy. Không biết từ khi nào bố mẹ tôi bắt đầu toan tính cuộc sống chung của tôi và hắn. Tôi ngờ ngay từ khi gặp hắn lần đầu tiên, bố mẹ tôi đã bắt đầu xây dựng tương lai của tôi và hắn, tương lai của tôi và hắn từ giờ phút ấy trở thành tương lai của cả bốn chúng tôi. Hai con đều đã có gia đình trước thế cũng không sao, thế lại càng mừng, càng thông cảm cho nhau, không nên câu nệ quá. Hai con nên tính đến chuyện chính thức hóa, nên về ở với nhau, gia đình nên có vợ có chồng, con cái nên có bố có mẹ. Giấc mơ của bố mẹ tôi, sự toan tính của bố mẹ tôi, luôn làm tôi đau quặn cả bụng. Tôi đau quặn cả bụng khi tưởng tượng mẹ tôi pha nước chanh cho hắn, bố tôi vác xe đạp từ dưới nhà lên gác cho hắn, ở những nơi quan trọng, họp hành, liên hoan, đám cưới, giỗ, tết, người ta nhanh nhảu khoe hộ bố mẹ tôi con gái duy nhất sắp lấy chồng bên Pháp. Tôi đau quặn cả bụng, tôi không dám tưởng tượng tiếp. Lần đầu nhận được thư của bố mẹ tôi do hắn mang về, tôi đứng lên tìm cái kéo, tôi cắt phứt giấc mơ và toan tính của bố mẹ tôi rồi cho vào rổ rác. Hắn không dám nhìn tôi. Hắn bối rối ra về. Nhưng lần sau hắn hiểu. Đưa thư của bố mẹ tôi hắn đưa luôn cho tôi cái kéo. Tôi và hắn nhìn nhau cười cười. Tôi thấy hắn cũng không đến nỗi. Tôi không cắt thư nữa. Tôi xếp nó vào ngăn kéo. Mười một lần hắn ra Bắc vào Nam bằng xe máy Liên Xô, mười một cái thư giục cưới xếp trong ngăn kéo, giấc mơ và toan tính của bố mẹ tôi. Tôi hình dung không phải hắn mà một anh họ Âu hoặc một anh họ Nguyễn nào đó, làm nghề phục vụ quán ăn ở quận Mười Ba, trong một chuyến về Hà Nội thăm Tháp Rùa, đã cầm thư của tôi đến nhà bố mẹ tôi. Anh họ Âu, anh họ Nguyễn có thể trẻ hơn hắn, nhiều tóc hơn hắn, bụng nhỏ hơn hắn, biết cầm đũa, biết ăn nước mắm, nhưng sẽ không bao giờ anh họ Âu, anh họ Nguyễn được bố tôi vác xe đạp từ dưới nhà lên gác, được mẹ tôi pha nước chanh cho uống, được bố mẹ tôi gọi chung với tôi là hai con, được bố mẹ tôi hỏi thăm ông bà bên ấy vẫn khỏe chứ. Sẽ không bao giờ có đám cưới cô dâu áo dài trắng voan trắng, chú rể âu phục đen nơ đen mặc dù anh họ Nguyễn, anh họ Âu có thể bận âu phục đen, thắt nơ đen không cần cắt gấu quần hay lên gấu áo. Sẽ không bao giờ có cảnh bố mẹ anh họ Âu, bố mẹ anh họ Nguyễn xì xụp trước bàn thờ tổ tiên, cô dâu chú rể xì xụp trước bàn thờ tổ tiên, bố mẹ tôi rì rầm bên cạnh, mặc dù bố mẹ anh họ Âu, bố mẹ anh họ Nguyễn có thể xì xụp trước bàn thờ tổ tiên cả ngày liền mà không mỏi đầu gối, nếu bố mẹ tôi muốn. Nhưng bố mẹ tôi không muốn. Vấn đề không phải là muốn hay không. Bố mẹ tôi không bao giờ cho phép ngay cả một con muỗi làm hỏng tương lai. Bố mẹ tôi không bao giờ chấp nhận một anh làm nghề phục vụ quán ăn ở một nước tư bản. Cũng như bố mẹ tôi đã từng cạch mặt một thằng có vấn đề ở một nước xã hội chủ nghĩa. Vấn đề không phải là chính trị. Bố mẹ tôi ngày hôm qua vừa gọi nước Nga là thiên đường hôm nay lại sẵn sàng đến Paris rồi chết. Thậm chí nếu ngày mai Putin đưa ra một quả bom nguyên tử đòi được làm ông chủ của điện Elysée và Chirac, chán ngấy dân Pháp cứng đầu cứng cổ, cũng hồ hởi bước lên ngai vàng ở cung Kremlin, thì bố mẹ tôi vẫn vỗ tay ủng hộ cả Putin lẫn Chirac. Vấn đề không phải là chính trị. Bố mẹ tôi cóc cần chính trị, cóc cần biết tư bản là gì xã hội chủ nghĩa là gì, cóc cần biết Chirac Putin là một ông hay hai ông. Bố mẹ tôi chỉ cần hai chữ tương lai. Tương lai những năm tám mươi của bố mẹ tôi trọn vẹn một màu đỏ của nước Nga Xô Viết. Con gái học ở Nga, con rể cũng học ở Nga, về nước cả hai làm việc ở các bộ hoặc các trường đại học. Được vài ba năm, cả hai lại cùng thi nghiên cứu sinh, bố tôi sẵn sàng xếp hàng cả ngày mua bộ óc lợn thứ hai, mẹ tôi cũng không ngại gì cho thêm đỗ, bóc thêm kẹo mậu dịch để nấu bát chè nữa cho con rể. Tại Nga, trong khi chờ đợi bảo vệ luận án phó tiến sĩ, hai vợ chồng trẻ tranh thủ vào đảng, phó tiến sĩ kèm theo từ đảng viên mà cho lên các vi dít thì thật là lý tưởng, rồi cũng nên tranh thủ sắm cái tủ lạnh cái vô tuyến để cho vào thùng hàng biển, đừng quên chèn vào xung quanh mấy chục cái nồi hầm và vài trăm vòng bi ô tô để vô tuyến với tủ lạnh đỡ bị công kênh ba tháng liền trên mặt nước. Nếu còn thời gian thì tại sao không cho ra đời một thằng cu cho nó biết mùi bơ mùi sữa, cho nó bập bẹ tiếng Nga, mười tám năm nữa có quay lại cũng không bị ngơ ngơ ngáo ngáo. Về nước, hai vợ chồng trẻ nên bán đống nồi hầm và vòng bi ô tô cho đỡ cồng kềnh mà mua lấy căn hộ lắp ghép trong khu Kim Liên do kiến trúc sư Liên Xô thiết kế để tủ lạnh và vô tuyến Liên Xô có chỗ mà bày. Được vài ba năm, hai vợ chồng lại cùng thi nghiên cứu sinh cao cấp, nếu cần bố tôi vẫn còn sức để xếp hàng mua óc lợn, mẹ tôi vẫn còn sức để nấu chè đỗ đen. Tại Nga, trong khi chờ đợi bảo vệ luận án tiến sĩ, hai vợ chồng nên mở rộng quan hệ với các anh em sứ quán và thương vụ cho đỡ cảnh đất khách quê người. Nếu các anh em sứ quán có yêu cầu giúp họ chức bí thư chi bộ nơi mình đang nghiên cứu thì cũng nên giúp họ một tay. Nếu các anh em thương vụ có đề nghị xếp vài chục cái tủ lạnh vài chục cái vô tuyến vào công tơ nơ máy dệt áo len thì cũng đừng ngại vì đằng nào nhà máy dệt Nam Định cũng đã trả hết phí vận chuyển từ cảng Odessa đến cảng Hải Phòng. Về nước lần thứ ba, hai vợ chồng lúc đấy vừa trạc bốn mươi, các vi dít tiến sĩ đảng viên vừa in tiếng Việt vừa in tiếng Nga đỏ chói. Vợ trưởng bộ môn, chồng trưởng phòng nghiên cứu, hoặc ngược lại, điểm này cũng không nên câu nệ lắm. Một năm vài lần vào dự tiệc sứ quán Liên Xô, bắt tay vỗ vai chuyên gia Liên Xô, quay lại Liên Xô tham gia hội nghị khoa học, gặp lại các anh em thương vụ và sứ quán ta ở Matxcơva, nhân tiện mang giúp cho họ một ít áo phông cành mai, bút chì kẻ mắt và kính đổi màu, chẳng nhẽ mấy cái thùng các tông lại dùng để đựng có hai tờ giấy đánh máy đề tài nghiên cứu khoa học. Tiền rúp không nên mang về Việt Nam đề phòng Liên Xô đổi tiền lúc nào không biết. Tiền rúp nhờ các anh em thực tập sinh có nhiều thời gian rảnh rỗi xếp hàng mua hộ mấy nghìn vỉ kháng sinh giúp người bệnh trong nước vì mười triệu người bệnh trong nước bệnh gì cũng chữa bằng kháng sinh Liên Xô. Đi lại gặp gỡ như thế sáu cách tiếng Nga cũng đỡ bị quên. Hai vợ chồng nói với nhau, thỉnh thoảng đệm vài từ khờ-ra-sô, con cái vẫn hiểu vì bảy tuổi đã được gửi hết vào các lớp chuyên Nga của Hà Nội, bạn bè đến chơi cũng toàn dân khờ-ra-sô bằng đỏ Liên Xô đang nhăm nhe chức viện phó viện này, hiệu trưởng trường kia, roạt một cái trong túi rơi ra một xấp các vi dít đỏ chói tiến sĩ đảng viên. Đỏ chói như màu đỏ bố mẹ tôi vẫn tô hai chữ tương lai. Hai chữ ấy đổ kềnh đổ càng ngày Liên Xô tan rã, sinh viên thực tập sinh Việt Nam ở Nga không còn cả bắp cải mà nấu với thịt cừu. Bố mẹ tôi cho phe chủ nghĩa xã hội một giọt nước mắt còn cho hai chữ tương lai hai cái khăn mùi soa ướt. Cả tuần liền mẹ tôi ốm, bố tôi bỏ cơm, nhà như có đám. Đến ngày thứ tám, bố mẹ tôi gượng dậy. Bố mẹ tôi không khoanh tay bao giờ. Bố mẹ tôi vắt kiệt hai cái khăn mùi soa, quyết tâm tìm địa bàn mới cho hai chữ tương lai. Trong cái rủi có cái may, bố mẹ tôi nghiệm có mấy tháng mà đã đúng. Từ khi bỏ bớt lớp son đỏ chói do Liên Xô viện trợ, khoác lên vai chiếc áo Đổi Mới, đất nước tôi bỗng nhiên trở nên hấp dẫn lạ thường. Các nước Tây Âu mon men lại gần. Các nước Tây Âu hít mùi ếch-dô-tích. Pháp ngay lập tức tỏ ra ga lăng, lại thuận tiện nhờ mối dây quá khứ giằng co bao lần cũng chưa đến nỗi đứt hoàn toàn, mùi Đông Dương bao năm vẫn cứ Đông Dương. Trong làn sóng người Việt hướng về Ba lê những năm đầu chín mươi của thế kỷ vừa qua, đi đầu là dân phờ-răng-cô-phôn chính hiệu gồm hai trăm cụ ông và cụ bà một phần tư đầu tiên của cuộc đời được biết thế nào là phó mát, rượu vang, toi et moi. Đi sau là hai trăm giáo viên và sinh viên các khoa tiếng Pháp cũng đang tập hưởng phó mát, rượu vang, toi et moi trên sách dạy Pháp ngữ. Đi hàng dưới cùng là những cá nhân không biết cả phó mát, rượu vang lẫn toi et moi nhưng chỉ vài năm sau lại là những thành phần đáng gờm nhất nhờ khả năng linh hoạt được tích trữ và rèn luyện trong những tháng ngày gian khó không gì sánh nổi của lịch sử đương đại Việt Nam. Bố mẹ tôi thấp thoáng trong cái hàng cuối cùng đó. Tôi còn nhớ như in một buổi tối cuối năm, bố tôi lao vào căn hộ mười tám mét vuông khu tập thể đê La Thành. Mẹ tôi lao theo. Bố tôi rút từ trong cặp ra một bản phô tô cô pi. Mẹ tôi cầm lấy đưa cho tôi. Bố tôi hạ giọng bố mẹ có cái này cho con. Mẹ tôi cũng hạ giọng bố mẹ có cái này cho con. Tôi luôn ngạc nhiên trước khả năng hạ giọng của bố mẹ tôi. Tôi bảo tôi không muốn bàn chuyện thi cử. Bố tôi đứng phắt dậy. Mẹ tôi đứng phắt dậy. Tôi bảo Thụy mới đi được nửa năm. Bố tôi làm như không nghe thấy. Mẹ tôi cũng làm như không nghe thấy. Tôi bảo thằng Vĩnh còn bé quá. Bố tôi bật khóc hu hu. Mẹ tôi cũng bật khóc hu hu. Một tuần liền bố tôi bỏ cơm. Một tuần liền mẹ tôi ốm. Nhà như có đám. Tôi và thằng Vĩnh ôm nhau trên giường. Tôi cũng bỏ cơm. Nó cũng ốm. Một tuần rồi cũng hết. Bố mẹ tôi vắt kiệt hai cái khăn mùi soa. Bố mẹ tôi mở tủ. Bố tôi cho quần áo của tôi vào một cái túi. Mẹ tôi cho quần áo thằng Vĩnh vào một cái túi. Quần áo của Thụy bố mẹ tôi không động tới. Tôi quàng khăn vào cổ, đội lên đầu thằng Vĩnh cái mũ len. Bố tôi ra trước. Mẹ tôi ra sau. Hai mẹ con tôi ra cuối cùng. Tôi không quay lại nhìn căn hộ khu tập thể đê La Thành. Tôi cũng không chia tay hàng xóm. Chúng tôi im lặng đi về hai chữ tương lai. Hai chữ tương lai thời Đổi Mới cũng linh hoạt hơn. Hai chữ tương lai đề nghị bố mẹ tôi chuyển từ nấu chè đỗ đen và xếp hàng mua óc lợn sang trông thằng Vĩnh. Hai chữ tương lai trao cho tôi nhiệm vụ đoạt giải nhất kỳ thi cao học sứ quán Pháp tổ chức, lần đầu tiên từ ngày bình thường hóa quan hệ hai bên. Thay ba cặp kính, ba trung tâm luyện tiếng, ba thầy giáo, ba bộ sách giáo khoa, tôi chẳng giải nhất, chẳng giải nhì cũng chẳng giải ba. Bố mẹ tôi chầu trực cả ngày xem kết quả, suýt gọi cấp cứu vào khoa tim mạch bệnh viện Việt-Đức thì thấy tên tôi đứng cuối cùng danh sách. Bố mẹ tôi thời Đổi Mới cũng linh hoạt hơn. Bố mẹ tôi không còn lấy thủ khoa làm thước đo danh dự. Bố mẹ tôi mãn nguyện dùng cả ba màu đỏ trắng xanh tô lên hai chữ tương lai. Hai chữ tương lai mới hơn một năm đã phai hết màu Xô Viết. Bố mẹ tôi không cần sang Pháp. Bố tôi chỉ cần chín giờ tối lên giường ôn lại cảnh máy bay Air France xé không khí vút về phía Tây. Mẹ tôi bảo ăn uống là chuyện phù phiếm, mẹ tôi nhờ tôi thưởng thức hộ phó mát, rượu vang, toi et moi. Bố mẹ tôi gặp ai sang cũng gửi biếu ông bà bên ấy nửa cân cà phê Trung Nguyên và nửa cân mứt sen Hàng Điếu. Nhưng nửa cân mứt sen tôi mua một tuần trước ngày đám cưới, bố mẹ tôi để chảy nước trên bàn thờ. Bố mẹ tôi ngay từ lần đầu gặp hắn, đã vội vàng toan tính một đám cưới Pháp-Việt. Nhưng đám cưới Hoa-Việt của tôi và Thụy, bố mẹ tôi không đến. Bố mẹ Thụy cũng không đến. Đám cưới tôi và Thụy diễn ra chóng vánh. Chỉ có mấy đứa bạn học cùng tôi ở Leningrad. Chúng nó mang cả con đến dự. Những đứa trẻ sinh ở Liên Xô vừa kịp ngửi mùi bơ mùi sữa đã leo lên máy bay về nước. Chúng nó bây giờ mới biết mặt Thụy. Chúng nó hỏi tôi bằng tiếng Nga anh kiến trúc sư của mày đấy à. Thụy không hiểu gì. Thụy cố cười đáp lại. Thụy ngại ngùng. Chúng nó hỏi tiếp, lần này bằng tiếng Việt, anh làm việc ở cơ quan nào. Thụy càng ngại ngùng. Thụy càng cố cười đáp lại. Tôi phải trả lời thay, Thụy đang chuyển cơ quan. Tôi nói sang chuyện khác. Nói sang chuyện khác là chuyên môn của tôi. Tôi thạo nó từ ngày đi chơi với Thụy. Hôm qua thấy lang thang ở cuối phố Bà Triệu với anh nào đấy. Tuần trước mải nói chuyện cùng ai gọi mãi mà không trả lời. Hai anh chị xem phim chăm chú thế, bao giờ thì cho ăn kẹo. Tôi nói sang chuyện khác. Năm năm tôi nói sang chuyện khác người ta cũng quen, người ta cũng để cho tôi yên. Đám cưới tôi, tôi nói sang chuyện khác, bọn bạn tôi không quen nhưng cũng không nói gì. Tôi kể chuyện ngày xưa. Tôi cố nhớ lại những chuyện thật khôi hài để kể. Đám cưới mấy đứa trẻ con ăn bậy ăn bạ gì cũng xong. Cô dâu nào cũng chuẩn bị vào nhà hộ sinh. Các cô bạn đến dự phần lớn cũng chuẩn bị vào nhà hộ sinh. Khu tập thể sinh viên từ năm thứ tư biến thành vườn trẻ. Bố mẹ trẻ con trông trẻ con. Đầu óc toàn chuyện tã lót, pha sữa, quấy bột. Học làm sao để được toàn điểm xấu, để được đúp một năm nữa, để được ở lại, hết học bổng thì ăn bắp cải, ăn bắp cải quanh năm cũng không sao, cũng không sợ rộp lưỡi. Đỡ phải về nước ngày nào hay ngày đấy. Chúng nó lăn ra cười. Chúng nó bảo tôi nhớ dai. Chúng nó đã quên hết. Đặt chân đến sân bay Nội Bài là quên hết. Bọn con cái chúng nó một tháng sau cũng quên hết mùi bơ mùi sữa. Chúng nó bảo phải quên đi mà sống. Chân lý đấy. Phải quên đi mà sống. Chúng nó bảo chỉ có tôi là học hành chăm chỉ, ban ngày đến lớp chép bài cho cả bọn, buổi tối về nhà ngồi viết thư cho Việt Nam. Chúng nó nhìn Thụy đầy ngụ ý. Chúng nó đòi cô dâu chú rể hôn nhau đi. Hôn nhau như Liên Xô. Hôn đi. Liên Xô đi. Tôi nhìn Thụy luống cuống. Thụy nhìn tôi luống cuống. Cả hai chúng tôi chưa bao giờ hôn nhau trước mặt người khác. Cả hai chúng tôi hai mươi lần hôn nhau chưa bao giờ hôn được vào môi ngay từ cái đầu. Chúng nó lại đòi cô dâu chú rể hôn nhau đi. Không hôn nhau không xong với chúng nó. Tôi giật tay áo Thụy. Mặt Thụy đỏ bừng. Tôi giật tay áo Thụy lần nữa. Thụy luống cuống ôm lấy người tôi. Tôi áp môi vào môi Thụy. Lần đầu tiên không bị rơi xuống cằm hay nhầm phải mũi. Chúng nó vỗ tay ầm ầm bên cạnh. Mặt Thụy đỏ bừng. Chúng nó vẫn không tha. Hôn đi. Liên Xô đi. Tôi giật tay áo Thụy. Thụy luống cuống ôm lấy người tôi. Tôi áp môi vào môi Thụy. Môi trên vào môi trên, môi dưới vào môi dưới. Chúng nó vỗ tay ầm ầm bên cạnh. Đám cưới cuối cùng cũng vui vui. Chỉ hai tiếng mà tôi và Thụy hôn nhau nhiều hơn hai năm. Tôi tự bảo may mà nhờ chúng nó. May mà bố mẹ tôi không đến dự. Có bố mẹ tôi, chúng nó không dám đùa cợt như thế. Có bố mẹ tôi, Thụy không dám chạm vào người tôi, tôi cũng không dám chạm vào người Thụy. Tôi và Thụy sẽ nhìn nhau nghiêm nghị. Bố mẹ tôi sẽ nhìn nhau nghiêm nghị. Bọn con cái chúng nó chắc cũng nhìn nhau nghiêm nghị. Chín giờ tối, ông bảo vệ vào bảo hết giờ rồi nhé. Chúng nó ở lại giúp tôi dọn dẹp. Quét vỏ hạt dưa, rửa tách uống chè, gỡ đi cái phông bằng vải đỏ trên có hai chữ đầu tên tôi và tên Thụy lồng vào nhau. Cái phông do Thụy tự trang trí. Thụy mua vải rồi cắt chữ dán lên. Thụy cắt thêm cả một chữ “Phúc” rất đẹp bằng tiếng Hoa. Đó là dịp đầu tiên tiếng Hoa của Thụy được đem ra sử dụng. Thụy làm lúc nào tôi không biết. Trước đó chúng tôi không bàn đến chuyện phông màn. Chúng tôi chỉ cần một đám cưới ít rườm rà nhất. Mấy bó hoa đồng tiền do tôi mua về rồi cắm lấy. Cuối buổi đem chia cho lũ trẻ con. Lọ trả lại phòng cưới. Ông bảo vệ được một túi kẹo lạc. Bọn bạn tôi nhìn tôi và Thụy ái ngại. Chúng nó bảo thương mày quá, cả đời chỉ biết học, mắt càng ngày càng cận, kính nào đeo cho vừa. Chúng nó bảo cuộc sống khó khăn lắm, không vô tư như ngày xưa được đâu. Phải quên đi mà sống. Chân lý đấy. Phải quên đi mà sống. Ngày tôi chửa thằng Vĩnh mọi người cũng nói với tôi hệt như thế. Ngày tôi mang thằng Vĩnh về nhà, tôi cũng được nghe những lời tương tự. Một tháng sau Thụy ra đi, người ta nhắc lại ngần ấy câu. Ai cũng đe tôi cuộc đời lắm chông gai mà tôi thì không mảy may kinh nghiệm. Chín giờ rưỡi tối tôi và Thụy đạp xe từ phòng cưới về nhà. Không nói với nhau lời nào. Thụy không hỏi tôi, tôi không hỏi Thụy, nhưng gần đến khu tập thể, hai cái xe quay về phía sông Hồng. Chúng tôi chọn một góc kín đáo, một trong những chỗ tôi và Thụy vẫn ngồi các tối thứ Bảy. Sông không đủ rộng. Nước không đủ trong. Tôi và Thụy im lặng. Tôi đã quên đám cưới chúng tôi cách đây một tiếng. Tôi đã quên Thụy và tôi vừa hôn nhau, lần đầu tiên trước mặt người khác, lần đầu tiên môi áp ngay vào môi. Tôi nghĩ đến bố mẹ tôi, đến cuộc sống chung của ba chúng tôi bây giờ mới chấm dứt. Bây giờ tôi mới không phải sống cho bố mẹ tôi, không phải làm gì cũng nghĩ đến bố mẹ tôi, đi đâu cũng nghĩ đến bố mẹ tôi, hôn Thụy cũng sợ xúc phạm bố mẹ tôi, xúc phạm cuộc sống chung của ba chúng tôi, làm hỏng tương lai cũng của ba chúng tôi. Hai mươi bảy tuổi tôi mới đặt được tình yêu bố mẹ sang một bên. Như thế có phải là quá muộn. Tôi có thể đặt nó sang một bên từ lâu lắm rồi. Một tháng, một năm, hay ba năm, bốn năm. Hai mươi bảy tuổi tôi mới bắt đầu sống cho tôi. Như thế có phải là quá muộn. Xong cái bằng màu đỏ cho bố mẹ tôi, đáng lẽ tôi phải tìm một địa chỉ mới mà về, phải pha lấy nước chanh mà uống, phải vác xe đạp từ dưới nhà lên gác mà cất ngay đầu giường, rồi lấy hai cái xích ra mà khóa cả hai bánh. Sau này, nằm cạnh thằng Vĩnh trong căn hộ Belleville, tôi cũng tự bảo đáng lẽ tôi không nên để mẹ tôi ngày ngày nấu cháo chân giò và hoa chuối hột, rồi bón cho tôi từng thìa vì thằng Vĩnh cứ thấy vú cao su là nhổ xuống đất. Đáng lẽ tôi không nên để bố tôi sáng nào cũng ra máy nước công cộng giặt một chậu đầy tã lót, giặt xong lại phơi, lại là, lại gấp, lại pha sữa cho hai mẹ con uống, lại xách nước cho hai mẹ con tắm, lại ngồi quạt cho hai mẹ con ngủ, lại đánh muỗi để chúng nó đừng đốt cả mẹ cả con. Thằng Vĩnh ba tháng, tôi phải đi làm. Bố mẹ tôi hàng ngày đưa nó đến nhà trẻ rồi lại đón nó về, lần lượt nấu cháo, nấu bột, nấu cơm cho nó ăn. Nó phỏng đậu, ho gà cũng ông bà ngoại. Nó ỉa chảy, trốc đầu cũng ông bà ngoại. Ông bà ngoại cho nó tắm mướp đắng để đỡ rôm, cho nó ăn cháo thịt băm những hôm nó sưng họng, cho nó mặc quần hoa áo hoa vào rằm trung thu, cho nó nhong nhong xe đạp cả Chủ nhật, cho nó đi chọn đào ngày ba mươi Tết. Tôi không hiểu trong sự tận tình bố mẹ tôi dành cho thằng Vĩnh có bao nhiêu tính toán cho tương lai của tôi, tương lai của bộ ba chúng tôi hay chỉ hai từ tương lai không cần danh từ bổ ngữ lẫn đại từ sở hữu. Cả bố lẫn mẹ tôi không đả động tới chuyến tàu Thống Nhất, không nhắc tên Thụy, không trách móc không phàn nàn. Như thể không có Thụy trong cuộc đời này, như thể Thụy chưa bao giờ xuất hiện trong cuộc đời chung của ba chúng tôi. Bố mẹ tôi có biệt tài làm như không biết. Bố mẹ tôi có biệt tài duy lý trí. Bố tôi với mẹ tôi là một. Từ thú vui hàng ngày (cả hai đều thích ăn su hào luộc) đến các tham vọng (trước là cái bằng màu đỏ Liên Xô, sau là luận án cao học Pháp). Từ quan hệ gia đình (cả hai đều nể cậu mợ tôi) đến quan hệ xã hội (cả hai đều thù ghét người Hoa). Từ quá khứ (ông bà nội và ông bà ngoại tôi là bố và mẹ tôi cách đây hai mươi lăm năm) đến tương lai (là tôi). Từ lọ tăm đến chai nước mắm. Từ cái bô đến tiếng gáy song song. Bố tôi với mẹ tôi là một, là một trong khả năng không bao giờ mon men lại giường của nhau. Ngay cả khi có khách nhà quê ra ngủ nhờ, bố mẹ tôi vẫn giữ vững nguyên tắc giường ai người ấy nằm. Khách đàn ông xoa hai chân vào nhau, khạc một cái rồi trèo lên giường bố tôi. Khách đàn bà cũng xoa hai chân vào nhau, khạc một cái rồi trèo lên giường nằm ngay ngắn giữa mẹ tôi và tôi. Ngay cả khi tôi mang vi trùng dịch hạch, bác sĩ bắt nằm riêng, bố mẹ tôi vẫn nhất quyết không mang gối mang chăn chia với nhau một cái giường. Bố tôi đêm nay nằm đất, nhường giường cho tôi. Mẹ tôi đêm sau nằm đất, nhường giường cho tôi. Cả hai cùng sưng họng cho đến khi vô tuyến thông báo dịch hạch đã rời khỏi Hà Nội để vào phía Nam. Ngày hai mươi tháng Mười một, ngày Tết dương lịch, ngày Tết âm lịch, ngày mồng tám tháng Ba, ngày mồng một tháng Năm, tôi được bố mẹ tôi lần lượt dắt đến giáo viên chủ nhiệm rồi các giáo viên bộ môn, rồi dĩ nhiên không bỏ sót giáo viên thể dục, giáo viên nữ công. Bài kiểm tra văn cuối học kỳ của tôi không cần được xét lại để có điểm nhất lớp, môn toán của tôi cũng không cần thêm nửa phẩy nữa mới kéo được học lực của tôi từ khá lên giỏi. Các môn học của tôi tự động đạt kết quả xuất sắc không nhờ tới những chuyến viếng thăm của bố mẹ tôi. Bố mẹ tôi cũng không yêu mến hay ngưỡng mộ các thầy giáo cô giáo của tôi hơn các cấp trên của mình. Nhưng bố mẹ tôi vẫn viếng thăm. Cũng như bố mẹ tôi mỗi năm phải ngồi mười lăm phút phòng khách nhà các giám đốc, phó giám đốc, các trưởng phòng, phó phòng nơi bố mẹ tôi làm việc. Bố mẹ tôi cũng chẳng yêu mến hay ngưỡng mộ họ hơn các thầy giáo cô giáo của tôi. Nhưng đó là những quan hệ cần được chăm sóc. Đó là nguyên tắc, như bố mẹ tôi vẫn nói. Như bố mẹ tôi vẫn cặm cụi mang nải chuối, con vịt tới biếu cậu mợ tôi. Cậu mợ tôi không cần nải chuối, con vịt. Mợ tôi thấy nải chuối là xua tay. Một ngày mợ tôi nhận được năm mươi nải chuối của năm mươi gia đình bệnh nhân bệnh viện Việt Nam-Cu Ba. Mợ tôi nấu chè chuối, làm bánh chuối, xào chuối ốc đậu, bung chuối với lươn không hết, phải hàng ngày khệ nệ xếp vào bao tải bốn mươi chín nải chuối còn lại, rồi lại khệ nệ vác ra ký gửi ở sạp hoa quả chợ Bắc Qua. Cậu tôi thấy con vịt cũng xua tay. Không tuần nào các nhân viên công ty thực phẩm nơi cậu tôi phụ trách đảng ủy không mang đến một chục con vịt phế phẩm công ty không nỡ phục vụ khách hàng. Một chục con vịt phế phẩm được mợ tôi cắt tiết, nhổ lông măng, biến thành vịt rán, vịt quay, vịt luộc, vịt tiềm hạt sen. Hai thằng sinh đôi em họ tôi ngửi thấy mùi vịt là kêu như cháy nhà, mợ tôi đành mang năm con đã cắt tiết và nhổ lông măng ký gửi cửa hàng cháo vịt đầu phố. Hai thằng sinh đôi mười tuổi đã bị nghi thừa mỡ vịt trong máu. Bố mẹ tôi từng đến bệnh việt Việt Nam-Cu Ba nhìn bốn cái xi lanh các bác sĩ dưới quyền mợ tôi cắm vào bụng chúng nó để hút mỡ vịt ra bốn cái chai, mỗi cái 75 cc. Nhưng bố mẹ tôi vẫn cặm cụi đến thăm cậu mợ tôi để cái bao tải của mợ tôi hôm sau lại phải cõng thêm một nải chuối nữa, để khách quen của cửa hàng cháo vịt đầu phố hôm sau ăn đến bát thứ hai vẫn không biết đâu là vịt phế phẩm, đâu là vịt mua ở phố Hàng Vịt. Bố mẹ tôi bảo đó là nguyên tắc, là những quan hệ cần được chăm sóc. Ôi bố mẹ tôi, bố mẹ tôi ra sức chăm sóc cho rất nhiều mối quan hệ nhưng mối quan hệ vợ chồng thì bố mẹ tôi lại vô cùng chểnh mảng. Chưa lần nào tôi được nghe bố tôi phát vào mông mẹ tôi để mẹ tôi quát là đồ động cỡn. Chưa lần nào tôi được thấy mẹ tôi mặt mày sưng sỉa vì bố tôi mải ngắm đôi đùi bà hàng xóm hớ hênh một buổi tối mất điện, tênh tênh một trưa hè không gió. Chưa lần nào nửa đêm tôi bị những tiếng hổn hển đánh thức để chỉ cần hé mắt là có thể thấy mẹ tôi rung lên bần bật dưới sức nặng bốn mươi lăm cân của bố tôi còn cái giường thì như trong cơn động đất dưới sức nặng của cả bố tôi lẫn mẹ tôi chín mươi cân chẵn. Chưa lần nào, chưa lần nào, từ khi tai tôi biết nghe, mắt tôi biết nhìn, tai mắt tôi được dịp chứng kiến bố mẹ tôi chăm sóc cho mối quan hệ vợ chồng. May mà trong khuôn khổ Việt Nam, sự chểnh mảng ấy không khiến bố mẹ tôi phải dẫn nhau ra tòa, khiến căn phòng của ba chúng tôi phải chia làm đôi bằng cót ép, khiến tôi buổi sáng ăn cơm với mẹ, buổi tối ăn cơm với bố, mười hai giờ trưa đi học về, xúc của bố nửa bơ gạo, xúc của mẹ nửa bơ gạo, nấu thành cơm mà ăn một mình. Tôi không biết có phải bố mẹ bọn bạn tôi mải mê mối quan hệ vợ chồng nên chúng nó không bao giờ có điểm cao nhất ở tất cả các bộ môn như tôi, không bao giờ được các thầy cô giáo ghi vào học bạ chăm chỉ xuất sắc rất có tương lai như tôi. Tôi không biết có phải vì tôi, vì tương lai của ba chúng tôi, mà bố mẹ tôi quên bẵng những cái phát vào đùi, những cái véo vào mông, những cái cấu, những cái chí, những cơn ghen, dù cơn nào cũng vô thức như cơn nào. Tôi và Thụy ngồi bên bờ sông. Sông không đủ rộng. Nước không đủ trong. Sau này đọc các nhà văn khác, bất kỳ một nhà văn nào khác, tôi tự bảo không bao giờ có thể viết tình dục được như họ. Huyễn tưởng tình dục lại còn khó hơn. Tình dục luôn làm cho ngòi bút của tôi cứng đờ. Một giờ sau đám cưới, tôi và Thụy ngồi bên bờ sông. Sông không đủ rộng. Nước không đủ trong. Tôi cũng không đủ dũng cảm hôn Thụy, tay tôi cứng đờ, lưỡi tôi cứng đờ, y hệt như mười năm sau, mỗi khi tôi có ý định viết tình dục. Mười năm sau, tôi vẫn nhớ đêm ấy trên chiếc giường mới, chúng tôi không lăn vào nhau, không nhai ngấu nghiến nhau, hút cạn sức lực nhau, dâng hiến cho nhau mọi thán từ như các nhà văn vẫn miệt mài kể. Tôi sẽ không bao giờ viết được như họ. Hai mươi bảy tuổi tôi mới rời giường mẹ tôi, Thụy mới rời giường bố Thụy. Như thế có phải là quá muộn. Học trò tôi, một lũ choai choai, cả giờ ngồi ngáp bàn chủ đề phim tươi mát. Chúng nó bảo phim tươi mát của vô tuyến truyền hình lạc hậu khủng khiếp, vô tuyến truyền hình cũng lạc hậu khủng khiếp mới chiếu những phim tươi mát mà chẳng tươi mát tẹo nào, mới gí vào mắt chúng nó các tư thế đáng thương của ông bà chúng nó. Chúng nó giơ tay giơ chân diễn tả. Chúng nó rú rít cười. Giấc mơ của chúng nó không là cốc chè đỗ đen có dừa nạo và tinh dầu hoa bưởi. Giấc mơ của chúng nó cùng một lúc phải đáp ứng cả nhu cầu dạ dày lẫn nhu cầu thị giác. Bánh mì Mc Dolnald’s thôi không đủ. Mười ba tuổi chúng nó vừa gặm Mc Donald’s vừa xem phim tươi mát. Tôi mở miệng, chúng nó huýt sáo, chúng nó ê ê, chúng nó phê bình tôi không biết ngồi yên nghe chúng nó giảng về phim tươi mát. Tôi cho làm bài kiểm tra, chúng nó phản đối ngay lập tức. Chúng nó lý luận bài cũ chưa hết, tôi không có quyền kiểm tra. Chúng nó dọa báo cáo lên thầy hiệu phó rồi thầy hiệu trưởng. Tôi cho nghe băng, chúng nó phản đối ngay lập tức. Chúng nó lý luận có nghe nữa chúng nó cũng không nói được như băng. Tôi cũng không nói được như băng. Tôi cũng nói giọng Liên Xô. Chúng nó dọa báo cáo lên thầy hiệu phó rồi thầy hiệu trưởng. Tôi cho xem video, chúng nó phản đối ngay lập tức. Chúng nó lý luận tôi không chuẩn bị bài, tôi muốn giết thời gian. Chúng nó dọa báo cáo lên lên thầy hiệu phó rồi thầy hiệu trưởng. Tôi cho chép bài, chúng nó phản đối ngay lập tức. Chúng nó lý luận tôi không biết phương pháp giảng dạy. Tôi chỉ biết phương pháp giảng dạy Việt Nam. Chúng nó dọa báo cáo lên thầy hiệu phó rồi thầy hiệu trưởng. Tôi vẽ hình minh họa, tôi phô tô cô pi những thứ không có trong sách giáo khoa, tôi cắt, tôi dán, tôi cố làm theo phương pháp giảng dạy không phải Việt Nam, chúng nó phản đối ngay lập tức. Chúng nó lý luận đằng nào thì chúng nó cũng không đặt chân được đến nước Anh nước Mỹ. Chẳng ai cho chúng nó đặt chân đến nước Anh nước Mỹ. Chúng nó cũng cóc cần đặt chân đến nước Anh nước Mỹ. Chúng nó mất mười euro xem phim tươi mát ở đây cũng chẳng sao, cũng vẫn tươi mát. Chúng nó chán ngấy giờ học của tôi. Giờ học của tôi chả được ích lợi gì. Giờ học của tôi còn đáng thương hơn các tư thế của ông bà chúng nó. Tiếng Anh tiếng Mỹ chả được ích lợi gì. Tiếng Anh tiếng Mỹ còn đáng thương hơn phim tươi mát của vô tuyến truyền hình Pháp. Ông hiệu phó đi qua nháy mắt học trò bướng quá hả. Ông hiệu trưởng lại gần bắt tay thôi cố lên đấy nhé. Ai cũng tỏ vẻ thân thiện. Ai cũng tỏ vẻ thông cảm. Thân thiện và thông cảm hơn cả là các đồng nghiệp tiếng Anh, các đồng nghiệp tiếng Anh đã nhanh nhẹn trao cho tôi ba lớp có vấn đề của ba khối, ba lớp đông học sinh cá biệt nhất, ba lớp có điểm trung bình thấp nhất, ba lớp phụ huynh mặc áo ngủ đến nói chuyện với giáo viên. Mỗi năm một trường. Ở trường nào người ta cũng nhanh nhẹn trao cho tôi ba lớp có vấn đề. Ở trường nào các đồng nghiệp tiếng Anh cũng bảo cái khó phải chia nhau mà chịu, năm ngoái có người chịu rồi, năm nay tôi chịu, năm sau người khác chịu thay tôi. Nhưng tôi chỉ ở mỗi trường một năm. Người ta lại bảo mỗi năm một trường còn hơn ba tháng, bốn tháng, năm tháng một trường. Ba tháng thay một đồng nghiệp nam nghỉ ốm. Bốn tháng thay một đồng nghiệp nữ nghỉ đẻ. Năm tháng thay một đồng nghiệp không hiểu nam hay nữ, không nghỉ ốm cũng không nghỉ đẻ nhưng bỏ dạy ngay sau hôm khai giảng, không biết bây giờ lang thang ở đâu, Bộ Giáo dục gửi ảnh tìm khắp nơi. Cuối năm tôi tự bảo tôi sẽ chuyển nghề, nghề nào cũng được, nghề coi tù cũng được. Hai tháng hè trôi qua, tôi lại tự bảo giáo viên cấp hai còn hơn gia nhập đội ngũ năm triệu người thất nghiệp. Năm triệu người thất nghiệp khiến tôi lại lặn lội ba tiếng hết xe buýt đến tàu hỏa tới dạy ba lớp có vấn đề, học trò một lũ choai choai, cả giờ ngồi ngáp bàn chủ đề phim tươi mát. Chúng nó nhìn tôi chán nản. Một chục lần trốn công an vào xem phim tươi mát, mười ba tuổi chỉ cần liếc mắt, chúng nó biết ngay tôi có vấn đề. Chúng nó giơ tay giơ chân diễn tả. Chúng nó rú rít cười. Chúng nó huýt sáo. Chúng nó ê ê. Chúng nó phê bình. Tôi lên thư viện. Tôi hỏi Freud. Hai bảy tuổi có phải là quá chậm. Ba mươi chín tuổi có phải là quá chậm. Freud bảo hai bảy tuổi không chậm, không chậm ngay cả so với thời Freud, thời Freud hai mươi bảy tuổi đàn ông đàn bà nẫu hết cả người vì kinh nghiệm. Nhưng trường hợp của tôi, Freud bó tay. Hai mươi tám tuổi đã dừng. Ba chín tuổi lại muốn có. Là điều không thể. Là trường hợp Freud chưa từng nghĩ đến. Freud cũng bó tay. Các bác sĩ tâm lý tôi không dám đến gặp. Gặp tôi họ cũng ngán. Tôi là con bệnh nan y mà họ lại không phải phòng thí nghiệm. Bộ Giáo dục chủ quản không cấp kinh phí nghiên cứu dài hạn, họ không hơi đâu mà dính vào tôi, dính vào tôi lợi đâu chưa thấy đã mang tiếng thiếu năng lực chữa bệnh. Tôi biết tôi có đến thì họ cũng cố tiếp tôi một lần, cố nghe tôi kể lể mười lăm phút rồi tìm cách để cô thư ký tiễn tôi ra cửa. Lần sau tôi có bén mảng đến nữa thì cô thư ký sẽ tận tình xếp cho tôi một cái hẹn giữa ngày thứ Hai để tôi không thể đi qua ba mươi cây số về khám bệnh rồi lại ba mươi cây số về lại trường cho kịp tiết sau. Nếu tôi cứ dai như đỉa đói, thứ Tư chầu trực từ giờ mở cửa tới giờ đóng cửa, đòi được khám được xét thì họ sẽ nói thẳng là bệnh tôi vô phương cứu chữa, bệnh tôi thậm chí không có trong danh mục bộ y tế, bệnh tôi Freud cũng bó tay. Khi tiễn tôi ra cửa, để làm dịu tình hình, cô thư ký thế nào cũng tận tình phô tô cô pi cho tôi hai mươi trang danh sách các hiệp hội. Tôi sẽ phải bỏ ra thêm một tuần để nghiên cứu xem hội nào cần thiết cho trường hợp tôi hơn cả. Hội dân di cư gốc Á châu hay hội những người mẹ độc thân hay hội giáo viên các trường cấp hai cá biệt hay hội nạn nhân chiến tranh hay hội phụ nữ sắp mãn kinh hay cả năm hội liền một lúc. Chọn được rồi, tôi sẽ phải nộp tiền gia nhập hội, tìm một cái ảnh để dán lên thẻ thành viên, sau đó hàng tuần phải gửi thằng Vĩnh ở nhà hàng xóm rồi đến hội tâm sự, hàng tháng phải nhận lời liên hoan, hàng năm phải thuê xe đạp, kẹp bánh mì mà tham gia cắm trại, hai ba ngày có nhận được vài cú điện thoại của các thành viên khác thì cũng đừng nên phàn nàn vì nhu cầu tâm sự, liên hoan, cắm trại bao giờ cũng nhiều hơn dự đoán. Rồi cũng phải tìm cho thằng Vĩnh một cái hội cho đúng tinh thần tâm lý học. Phải nộp tiền nhập hội cho nó. Phải chọn cho nó một cái ảnh để nó dán lên thẻ thành viên. Nếu không thấy cái nào thì phải dẫn nó ra máy chụp tự động. Thả bốn đồng một euro, mấy phút sau được bốn cái chân dung 3x4. Rồi hàng tuần, ngoài giờ tiếng Hoa ở phố Tolbiac, phải sắp xếp một ngày khác mà đưa nó đến với hội của nó. Phải đứng đợi hai tiếng bên ngoài để nó tâm sự với các thành viên trong hội. Hàng tháng phải đi liên hoan cùng với nó, mẹ một suất, con một suất. Hàng năm phải theo nó đi cắm trại, hai mẹ con hai cái xe đạp, hai cái bánh mì. Lâu lâu cầm điện thoại lên thế nào cũng rơi phải vài thằng bé con bé không quen. Nhu cầu tâm sự, liên hoan, cắm trại của trẻ con ngang với của người lớn. Tôi tự nhủ biết tìm đâu cho đủ thời giờ mà hoang phí với các hiệp hội. Bệnh nan y của tôi đành mãi mãi nan y, chắc vài chục năm nữa vẫn chịu cảnh chầu rìa danh mục Bộ Y tế. Một lúc sau tôi lại tự an ủi nan y, chầu rìa như thế thì cũng không nên chữa. Ở Việt Nam ở Liên Xô bao nhiêu bệnh động trời còn qua được nữa là. Nếu không viết được tình dục, tôi sẽ bỏ nó qua một bên, tôi không đả động đến nó, tôi tìm cái khác tôi thay. Mỗi tháng một lần tôi trèo lên tầng mười tám tour Olympic nghe cô Feng Xiao kể chuyện. Cô Feng Xiao không chồng, không tình nhân, ngũ tuần cũng không cần bác sĩ tâm lý, không cần vào cả hội di cư gốc Á châu lẫn hội phụ nữ sắp mãn kinh. Có ai trêu năm mươi mùa pháo nổ chưa cầm cổ tay ai, cô cũng vẫn cười. Có ai dọa không lấy chồng, chết thành bà cô ông mãnh, cô cũng vẫn cười. Có ai thành thực khuyên già thì lấy chồng già hưởng duyên già, cô cũng vẫn cười. Cô không bình luận. Cô tiếp tục kể chuyện Tứ Xuyên quê cô có món cá Lệ Mai nuôi trong hoa sen nấu cũng trong hoa sen, có Đặng Tiểu Bình vừa sành ăn vừa vĩ đại, vĩ đại nhất trong các lãnh tụ của nước Trung Hoa. Ông ấy chết tội nghiệp lắm cơ, ốm đau bệnh tật, tội nghiệp lắm cơ. Bao giờ nhắc đến Đặng Tiểu Bình cô cũng nói bằng giọng như vậy, một câu như vậy. Tôi đồ rằng cô nói thế để tự an ủi. Tôi thấy thương cô. Tôi bảo Thụy cũng họ Âu, chồng tôi, bố thằng Vĩnh cũng họ Âu. Cô cười thế là tôi và nị có họ đấy. Đàn ông họ Âu phiêu lưu nhất Trung Hoa, đàn ông họ Âu đi khắp thế giới. Tôi lại bảo tóc Thụy cắt cao, mắt Thụy xếch. Cô cười tiếp đàn ông họ Âu đẹp trai nhất Trung Hoa, đàn ông họ Âu có vợ khắp thế giới. Tôi cười theo cô. Tôi cũng hay nghĩ Thụy đã lấy vợ mới. Tôi không viết thư hỏi Thụy. Tôi cũng không hỏi bố mẹ Thụy, không hỏi thằng Vĩnh. Nhưng tôi hay tưởng tượng Thụy sống với vợ mới như thế nào. Tôi tự bảo tôi không cần biết cuộc sống riêng của Thụy. Tôi tự bảo cái đó từ lâu không dính dáng đến tôi. Nhưng tôi vẫn hay tưởng tượng Thụy sống với vợ mới như thế nào, Thụy có mấy con, Thụy có yêu vợ mới con mới của Thụy không. Tôi không quên được Chợ Lớn. Tôi chưa đặt chân đến Chợ Lớn. Nhưng tôi không bao giờ quên được Chợ Lớn. Phim
Каталог: 2012
2012 -> Những câu nói tiếng Anh hay dùng hằng ngày
2012 -> I. NỘi dung quy hoạch cao đỘ NỀn và thoát nưỚc mặt bản đồ hiện trạng cao độ nền và thoát nước mặt
2012 -> BÀI 1: KỸ NĂng thuyết trình tổng quan về thuyết trình 1 Khái niệm và các mục tiêu
2012 -> Người yêu lạ lùng nhất
2012 -> Thi thử ĐẠi họC ĐỀ thi 11 MÔN: tiếng anh
2012 -> SÔÛ giao thoâng coâng chính tp. Hcm khu quaûn lyù giao thoâng ñOÂ thò soá 2
2012 -> Commerce department international trade
2012 -> Những câu châm ngôn hay bằng tiếng Anh
2012 -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạO ĐỀ thi tuyển sinh đẠi họC 2012 Môn Thi: anh văN – Khối D
2012 -> Tuyển tập 95 câu hỏi trắc nghiệm hay và khó Hoá học 9 Câu 1

tải về 0.65 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương