Ấn Quang Pháp Sư



tải về 2.15 Mb.
trang18/22
Chuyển đổi dữ liệu04.01.2018
Kích2.15 Mb.
#35519
1   ...   14   15   16   17   18   19   20   21   22


35 Đây là danh hiệu của bảy đức Như Lai thường được xướng tụng trong khi thí thực hoặc cúng dường. Danh hiệu của bảy vị này xuất phát từ Diệm Khẩu Du Già Đà La Ni Kinh, gồm: Bảo Thắng Như Lai, Đa Bảo Như Lai, Diệu Sắc Thân Như Lai, Quảng Bác Thân Như Lai, Ly Bố Úy Như Lai, Thế Gian Quảng Đại Oai Đức Tự Tại Quang Minh Như Lai và A Di Đà Như Lai. Nhưng theo nghi thức phổ biến hiện thời, danh hiệu của bảy vị Như Lai là Bảo Thắng Như Lai, Đa Bảo Như Lai, Diệu Sắc Thân Như Lai, Quảng Bác Thân Như Lai, Ly Bố Úy Như Lai, Cam Lộ Vương Như Lai và A Di Đà Như Lai.

36 Hòa nam (Vandanam) có nghĩa là kính lễ, quy kính.

37 Tầm thanh cứu khổ: Quán Thế Âm Bồ Tát quán sát tiếng kêu cầu cứu khổ cứu nạn của chúng sanh trong mười phương pháp giới bèn tùy thuận cơ nghi hiện thân cứu độ.

38 Chùa Linh Nham tên gọi đầy đủ là Linh Nham Sơn Tự, thuộc Ngô Huyện, Tô Châu. Khởi đầu từ Tư Không Lục Ngoạn biến nhà riêng thành chùa, nhưng rất nhỏ. Đến niên hiệu Thiên Giám (502-519) thời Lương Vũ Đế, chùa mới được mở rộng và mang tên là Tú Phong Tự. Theo kinh Đại Ai (ngài Trúc Pháp Hộ dịch), đây chính là đạo tràng ứng hóa của Trí Tích Bồ Tát. Vào thời Thiên Bảo (742-755) đời Đường Huyền Tông, tổ trung hưng tông Thiên Thai là ngài Đạo Tuân từng tu Pháp Hoa tam-muội tại chùa này. Đầu đời Tống, chùa trở thành học viện giới luật của Luật Tông. Vào thời Nguyên Phong (1078-1085), chùa trở thành thiền viện. Chùa bị cháy rụi chỉ còn sót lại một cái tháp đá vào năm Vạn Lịch 18 (1600) đời Minh Thần Tông. Sau khi được trùng tu, chùa lại bị loạn quân Thái Bình Thiên Quốc đốt phá một lần nữa. Mãi đến năm Tuyên Thống thứ ba (1911), hòa thượng Chân Đạt mới đứng ra dựng lại chùa như hiện nay.

39 Thầy Chân (Chân sư) ở đây chính là hòa thượng Chân Đạt, vị trụ trì có công đứng ra trùng tu Linh Nham vào năm Tuyên Thống thứ ba (1911).

40 Pháp sư Giới Trần (1878-1948) là người xứ Hán Xuyên, tỉnh Hồ Bắc, họ Khưu, tự là Địch Ngô, xuất gia năm mười chín tuổi, chuyên tu khổ hạnh, sống trong núi Chung Nam, toàn tâm toàn ý tu Thiền. Sau Sư chuyên tu niệm Phật. Dưới thời Quang Tự, Sư vào núi Kê Túc ở Vân Nam chuyên tu pháp Ban Châu Niệm Phật. Năm Dân Quốc thứ ba (1914), Sư đến mở Hoa Nghiêm Đại Học tại Hàng Châu. Về sau, Sư bế quan tại chùa Phật Thản ở Thường Thục, ngầm tu Tịnh nghiệp. Năm Dân Quốc thứ chín (1920), cùng với các vị Liễu Trần, Từ Châu v.v… lập Hoa Nghiêm Đại Học tại chùa Cửu Liên ở Hán Khẩu. Sư từng đảm nhiệm Trụ Trì chùa Linh Nham một thời gian. Sư thị tịch vào năm Dân Quốc 37 (1948) tại chùa Cùng Trúc ở Côn Minh, thọ 71 tuổi, pháp lạp 53 năm. Trước tác gồm Hoa Nghiêm Nhất Trích, Hoa Nghiêm Thất Xứ Cửu Hội Đồ, Liên Xã Minh Huấn, Tịnh Tông Yếu Ngữ v.v…

41 Kinh Dịch có câu “Lệ Trạch Đoài, quân tử dữ bằng hữu giảng tập” (Lệ Trạch Đoài: quân tử cùng bè bạn nghiên cứu, tu tập) nên chữ “lệ trạch” thường dùng để chỉ bạn bè thân thiết, tốt lành cùng nhau học hỏi, nghiên cứu.

42 Tam Thánh Đường tức Tây Phương Tam Thánh Đường, chỉ Niệm Phật Đường. “Con cháu Tam Thánh Đường” là những vị Tăng chuyên tu Tịnh nghiệp.

43 Chùa A Dục Vương ở trên núi A Dục Vương thuộc huyện Cận tỉnh Chiết Giang. Theo truyền thuyết, vào năm Thái Khang thứ hai (281) đời Tấn Vũ Đế, có người tên là Lưu Tát Ha xứ Tinh Châu bị hôn mê trên núi, mộng thấy một vị tăng người Ấn Độ, cho biết tội ông ta sẽ đọa địa ngục, rồi khuyên ông ta nên đến đảnh lễ tháp của A Dục Vương (tháp thờ xá-lợi đức Phật do vua A Dục kiến tạo, sai quỷ thần đem chôn trong các nơi khắp Nam Thiệm Bộ Châu, khi nào Phật giáo hưng thạnh nơi ấy, tháp sẽ tự động trồi lên) để sám hối các tội. Ông này thức dậy bèn xuất gia, đổi tên là Huệ Đạt. Sư đi tìm tháp khắp nơi, nhưng không thấy, đau lòng than khóc. Một đêm, bỗng nghe dưới đất có tiếng chuông vẳng lên. Ba hôm sau, bảo tháp và xá-lợi từ dưới đất cùng vọt lên. Huệ Đạt bèn dựng chùa miếu phụng thờ tháp. Đó là căn nguyên của chùa A Dục Vương. Những người phỏng theo phẩm Dược Vương Bổn Sự trong kinh Pháp Hoa thường đến trước tháp xá-lợi lễ bái đốt ngón tay hay đốt cánh tay để cúng dường.

44 Việt tôn đại trở” (Vượt chén rượu, thay đổi thớt) là một thành ngữ, thường dùng dưới dạng thông dụng hơn là “việt bào đại trở” (vượt quyền đầu bếp mà thay cái thớt). Tổ dùng thành ngữ này với ý tự khiêm, đối với Linh Nham, Ngài chỉ là một vị trưởng lão danh dự, không phải là Đương Gia hay Trụ Trì, không có tư cách gì lên mặt chỉ dạy vị quyền Trụ Trì là thầy Minh Bổn. Ngài khuyên dạy những lời này thì cũng giống như kẻ tự tiện vượt quyền, dạy dỗ người khác, cắt đặt quy củ theo ý mình, nên mới nói là “việt tôn đại trở”.

45 Ý nói: Chỉ truyền ngôi Trụ Trì theo đức hạnh của người đáng làm Trụ Trì, chứ không vì người ấy thuộc cùng sơn môn hay là pháp quyến mà truyền ngôi Trụ Trì.

46 Nguyên văn là “thủ thử lưỡng phụ” là một thành ngữ hàm nghĩa do dự, không quyết định, đón gió xuôi chiều, nói cách nào cũng được. Chúng tôi tạm dịch là “nói huề vốn”.

47 Tam đức: ba đức tánh của chân tâm, tức giải thoát, Niết Bàn và Bát Nhã.

48 Lưu Chuyển (Pravrtti) ngụ ý sanh tử tiếp nối không ngừng, xoay lăn trong tam giới, luân hồi trong lục đạo. Quán Thập Nhị Nhân Duyên theo chiều thuận, tức là quán từ vô minh cho đến lão - tử thì gọi là Lưu Chuyển Môn hoặc Thuận Quán.

Hoàn Diệt có nghĩa từ mê trở về với lẽ chân, diệt hết phiền não, tiến nhập Niết Bàn. Quán Thập Nhị Nhân Duyên theo chiều nghịch, từ lão - tử quán ngược lại cho đến cội nguồn của mọi đau khổ là vô minh, sẽ phá được vô minh nên gọi là Hoàn Diệt hoặc Nghịch Quán.



49 Do luôn thường hằng sẵn có, nên nói “chẳng mất mà cũng chẳng được”, chỉ là thấy được Phật tánh hay không mà thôi!

50 Nội Viện chính là Thiện Pháp Đường của tầng trời Đâu Suất, do đại thần Lao Độ Bạt Đề kiến tạo, là trụ xứ của Bồ Tát Di Lặc. Tất cả các vị Phật thị hiện trong Sa Bà đều trụ tại Đâu Suất Nội Viện trước khi giáng sanh trong nhân gian. Các phàm thiên không thể nào thấy được Đâu Suất Nội Viện.

51 Tướng Tông: Gọi đủ là Pháp Tướng Duy Thức Tông. Do tông này chú trọng nghiên cứu tướng trạng của các pháp, phân chia các trạng thái tâm thức tỉ mỉ, nên gọi là Tướng Tông.

52 Cơ ngữ: Gọi tắt của cơ phong chuyển ngữ, tức những câu đối đáp thuận theo căn cơ, nhằm giúp cho người hỏi kiến tánh, chẳng hạn như “Phật là gì?” Thiền Sư bèn đáp “con mèo trèo lên cây cột”.

53 Danh là tên gọi của sự vật, Tướng là hình trạng của sự vật. Dùng danh xưng để nêu rõ tướng trạng của sự vật nên gọi là “danh tướng”. Một cách giải thích khác: Những gì nghe được thì gọi là Danh, thấy được thì gọi là Tướng. Danh và Tướng đều không có thật thể, chỉ là giả lập để tiện giáo hóa.

54 Ngũ Hương Đậu là một món ăn vặt nổi tiếng của Hoa Nam, nổi tiếng nhất là Đậu Ngũ Hương ở miếu Thành Hoàng, Thượng Hải. Món này dùng đậu ván tẩm hồi hương, quế, muối, đường, và một số hương liệu nữa rồi chiên bằng bơ.

55 Hiển Ấm (1902-1925), pháp tự Đại Minh, người huyện Côn Minh, tỉnh Giang Tô, là đệ tử xuất gia của ngài Đế Nhàn. Thiên tư thông mẫn, thông suốt kinh tạng, văn chương lỗi lạc. Do có tài văn chương, Sư từng giữ các chức vụ biên tập các tờ nguyệt san của Cư Sĩ Lâm, đăng rất nhiều bài viết trên tờ Hải Triều Âm. Năm Dân Quốc 12 (1923), Sư vượt biển sang Nhật đến Thiên Đức Học Viện trên Cao Dã Sơn (Koyasan) để học Mật Tông và được truyền Quán Đảnh. Năm Dân Quốc 14, Sư trở về Hàng Châu truyền thọ Mật Pháp, nổi danh lừng lẫy. Tháng Năm cùng năm đó, Sư mất, chỉ hưởng thọ được 24 tuổi! Do quá thông minh, Sư thường có những bài viết đề xướng Mật Tông là pháp vô thượng, chê bai tất cả các pháp môn khác, cũng như nêu lên rất nhiều ý kiến cực đoan, võ đoán. Sư Đế Nhàn cũng không tán thành quan niệm của Hiển Ấm, nhưng không làm gì được!

56 A Xà Lê (Acarya): Dịch nghĩa là Giáo Thọ, có nghĩa là vị thầy có đủ giới đức, hành vi đoan nghiêm có thể dạy dỗ học trò đúng khuôn phép. Trong Mật Tông, vị sư đầy đủ giới đức có sự hiểu biết uyên thâm về mật pháp, thông hiểu đàn pháp, ấn khế, đã được quán đảnh và tu trì, đủ tư cách để truyền dạy Mật Pháp cho người khác mới được gọi là A Xà Lê. Tiêu chuẩn để được xưng là A Xà Lê trong Mật Tông được giảng rất rõ trong phẩm A Xà Lê của kinh Tô Tất Địa. Theo đó, những điều kiện để xứng danh là một vị Mật Tông A Xà Lê rất khó và rất cao. “Hiển Mật viên thông” là Hiển giáo lẫn Mật giáo đều thông hiểu sâu xa, viên dung.

57 Tam Muội Da Giới: Còn gọi là Tam Ma Da Giới, tức giới pháp bí mật trong Mật Tông. Theo giáo nghĩa Mật Tông, giới này lấy Bồ Đề Tâm làm giới thể, lấy pháp giới vô lượng đức viên mãn làm hành tướng cho Bí Mật Chân Ngôn Giới. Giới tướng của giới này là chẳng bỏ chánh pháp, chẳng lìa bỏ tâm Bồ Đề, chẳng keo kiệt hết thảy pháp, chẳng hề không lợi lạc chúng sanh. Đấy chính là bốn điểm trọng yếu của giới này. Ngoài ra, còn có những điều phải tuân thủ riêng khi thọ trì một bộ chú pháp nào đó, chẳng hạn như không được ăn một số thực phẩm nào đó, phải tẩy tịnh, gia trì tam nghiệp trước khi vào đàn tràng theo một nghi thức chuyên biệt v.v… cũng như phát thệ không tự tiện nói cho người khác biết những gì mình đã được học, nhằm tránh tạo khẩu nghiệp báng pháp cho người thiếu căn duyên với Mật pháp khởi lòng nghi rồi hủy báng. Trước khi vào đàn thọ pháp Mật Tông phải thọ giới này. Nói chung, Tam Muội Da Giới vẫn lấy Ngũ Giới làm căn bản, những kẻ tự xưng là Mật Tông bí truyền không vâng giữ Ngũ Giới đều là tà sư hoại loạn Phật pháp!

58 Chuẩn Đề (Cundī), còn được gọi là Chuẩn Chi, Chuẩn Nê, Chuẩn Đề Quán Âm, Chuẩn Đề Phật Mẫu, Phật Mẫu Chuẩn Đề, dịch nghĩa là thanh tịnh. Đây là một hóa thân của đức Quán Thế Âm Bồ Tát, đặc biệt bảo hộ chúng sanh đoản mạng và chiết phục oán quỷ. Thiền Tông đặc biệt tôn sùng vị Bồ Tát này, hầu như các tự viện tùng lâm lớn của Trung Hoa đều thờ ngài. Thai Mật của Nhật Bản xếp ngài vào một trong các vị Phật Mẫu thuộc Phật Bộ, còn Đông Mật Nhật Bản xếp ngài vào một trong số sáu vị Quán Âm thuộc Liên Hoa Bộ (Thiên Thủ Quán Âm, Thánh Quán Âm, Mã Đầu Quán Âm, Thập Nhất Diện Quán Âm, Chuẩn Đề Quán Âm, Như Ý Luân Quán Âm). Đại Sĩ Quán Âm hiện thân này khi nói chú Chuẩn Đề. Ngài thường được tạc tượng có mười tám tay, mỗi tay cầm một món pháp khí, nhằm thể hiện ý nghĩa phân thân hóa độ khắp cả lục đạo ứng với mười tám giới.

59 Ngược bệnh: Chữ Ngược (瘧) ở đây không phải là bệnh sốt rét thông thường, mà là bệnh do oán đối quỷ mị dựa vào khiến cho bệnh nhân lên cơn sốt rét mỗi ngày, phải nhờ vào chú lực hoặc kinh lực để giải trừ oán kết thì mới hết bệnh được. Chúng tôi vẫn dùng chữ “bệnh sốt rét” cho dễ hiểu.

60 Do cuối Tâm Kinh là một bài chú nên nếu hiểu như ông Thôi Đức Chấn “chưa được A Xà Lê truyền dạy sẽ không được niệm; nếu tự tiện niệm sẽ mắc tội vượt pháp” thì những Nho sĩ do không được truyền dạy mà khi bị bệnh Ngược cứ tự tiện niệm Tâm Kinh sẽ mắc tội vượt pháp, phước đức càng bị sút giảm, con quỷ gây bệnh Ngược do đó càng được tăng thêm thế lực.

61 “Tiếm mạo” là vượt phận và mạo nhận. Ý nói có những người tu Mật Tông biết được một vài nghi quỹ, được truyền thụ một vài Mật Pháp, nhưng chưa đủ tư cách, giới hạnh của một bậc đạo sư, chưa thấu hiểu Mật pháp, nhất là chưa đủ sự hành trì, đã tự tiện lập đàn truyền pháp, thâu nhận đệ tử, tự xưng là A Xà Lê, rồi lập tông, lập phái.

62 Đây là một thuật ngữ Mật Tông, hành nhân vào đàn, quán tưởng, kết ấn, cúng dường, tụng niệm, hỏa cúng dường (hộ-ma) đều gọi chung là “tác pháp”.

63 Đoạn Kiến (Uccheda-Drsti): Còn gọi là Đoạn Diệt Luận, phản nghĩa với Thường Kiến. Đây là tà kiến cho rằng rốt cuộc thế gian và ta đều mất hết, không còn nữa, hay nói đơn giản là chấp rằng “chết đi là hết”! Do vậy, kẻ chủ trương Đoạn Kiến không tin vào nhân quả, báo ứng. Quan điểm tà kiến có thể thấy rõ nhất qua cách nói của ngoại đạo Phú Lan Na Ca Diếp được ghi trong kinh Đại Bát Niết Bàn: “Không thiện, không ác, cũng không có quả báo thiện - ác”.

64 Châu Thiên là một thuật ngữ của Nội Đan trong Đạo Giáo. Trong ý nghĩa nguyên thủy, Châu Thiên là sự chuyển vận tuần hoàn của trời đất. Từ ý nghĩa này, các nhà Dịch học đã gán cho mỗi quẻ trong kinh Dịch một con số, gọi là Châu Thiên Số, chẳng hạn quẻ Khôn khởi từ số 6, 6 lần 6 là 36, đấy chính là số thành của Âm. Quẻ Càn khởi từ số 9, 6 lần 9 bằng 54, chính là số thành của Dương. Từ đó, các nhà Nội Đan đi xa hơn, cho rằng 9 và 6 cộng thành 15 là số của Nhất Khí (tức Âm Dương hợp nhất). Do vậy, họ cho rằng thân thể con người là một Tiểu Thiên Địa. Một hơi thở hít vào, thở ra chính là một vòng Tiểu Châu Thiên giống như sự tuần hoàn của Âm - Dương trong vòng trời đất. Thở ra hít vào đủ 360 lần là một Đại Châu Thiên. Tuy vậy, sau này, dưới ảnh hưởng của Khí Công, Đại Châu Thiên và Tiểu Châu Thiên được hiểu khác hẳn đi. Đại Châu Thiên và Tiểu Chân Thiên là cách vận công hít thở theo hai mạch Nhâm và Đốc, tùy theo đường vận chuyển của Khí mà gọi là Đại hay Tiểu Châu Thiên. Châu Thiên Đại Đạo là một phái luyện Nội Đan thịnh hành ở Trung Hoa thời đó, trá xưng là Phật giáo chánh truyền để thu hút tín đồ. Do phép vận khí này do các đạo sĩ đời sau chế ra, gán cho Lão Tử, nên Tổ Ấn Quang nói “phép này cũng chẳng phải là của Lão Tử”.

65 Đại La Cung là chỗ ở của Ngọc Đế theo truyền thuyết Đạo Giáo. Câu nói quen thuộc của đạo sĩ là: “Tam Thanh thượng, viết Đại La” (Phía trên Tam Thanh là Đại La). Theo các đạo sĩ, chỗ cư trú trên thiên giới có ba mươi sáu nơi, chỗ cao nhất gọi là trời Đại La. Cung Đại La nằm trên tầng trời Đại La.

66 Chúng tôi dịch câu này theo cách diễn giải của Tứ Thư Bạch Thoại Giải Thích. Theo sách ấy, chữ Chư (諸) ở đây chính là cách viết giả tá của chữ Ư (於).

67 Châu Hy hiểu “cách vật” là thông đạt đến tột cùng hết thảy sự vật trong thế gian. Do sự vật trong thế gian là vô tận, không thể nào thấu hiểu trọn hết được nên Tổ mới nói: “Dẫu ông có Cách suốt cả đời vẫn chẳng đạt đến chỗ cùng tận”.

68 Dây đánh dấu (thư thiêm - bookmark): Cái thẻ để cài vào sách nhằm đánh dấu phần đã đọc, hoặc sợi dây dẹp để đánh dấu phần sách đã đọc đều gọi là “thư thiêm”. Trong cổ văn, Thư Thiêm còn có nghĩa là phần mục lục đầu sách và tiểu mục lục trước mỗi chương sách để người đọc có thể tìm được chương và tiểu đoạn cần tìm dễ dàng.

Thư căn: Vì không tìm được từ tương ứng để diễn tả chữ này, chúng tôi đành để nguyên không dịch. Trong cách in sách chữ Hán, mỗi trang thường chừa một khoản trống bên trái trang sách (tức phần “giáp lai”) để ghi tên sách, số trang, số quyển cho tiện tra cứu; nói cách khác, nó tương ứng với phần header hay footer trong Microsoft Word.



69 Kinh Thư, gọi đầy đủ là Thượng Thư, là một trong năm kinh của Nho Gia. Theo Hán Thư, thiên Văn Nghệ Chí, sách này do Khổng Tử chỉnh lý, biên tập, gồm một trăm thiên. Đến thời Tần Thủy Hoàng đốt sách chôn học trò, quan Bác Sĩ Phục Sanh (có thuyết nói là Phục Thắng) lén đem giấu trong vách, khi Lưu Bang lật đổ nhà Tần, lập ra nhà Hán, Phục Sanh tìm lại thấy sách đã bị hư mất mấy chục thiên, chỉ còn sót lại 29 thiên. Sau đấy, triều đình nhà Hán sai Tiều Thố đến nghe Phục Sanh giảng sách, ghi chép lại thành bộ Thượng Thư hiện thời (mệnh danh là Kim Văn Thượng Thư để phân biệt với Cổ Thượng Thư do những người khác sưu tập được, chẳng hạn như bản của Khổng An Quốc – cháu đời thứ 11 của Khổng Tử). Nội dung của sách Thượng Thư được chia thành bốn phần chánh, mỗi phần gọi là Thư (sách), tức Ngu Thư, Hạ Thư, Thương Thư và Châu Thư, chép các điển chế từ thời Nghiêu Thuấn đến đời Tần Mục Công thời Xuân Thu. Thuấn Điển, Thái Giáp, Hàm Hữu Nhất Đức, Thuyết Mạng đều là những thiên sách trong Thượng Thư. Đôi khi, người ta cũng gọi mỗi thiên của Thượng Thư là sách (điển hay thư). Ông Đường Văn Trị cho những thiên vừa được nói trên đây đều là ngụy tạo vì thiên Hàm Hữu Nhất Đức trích dẫn những câu trong những thiên trước. Tổ Ấn Quang chỉ ra chỗ mâu thuẫn, khiên cưỡng trong lập luận này: Kẻ ngụy tạo có thể dẫn cả những phần nằm trước Hàm Hữu Nhất Đức hay sau thiên đó, đâu có gì buộc họ chỉ được quyền trích dẫn những phần nằm trước mà thôi! Hơn nữa, khi viết sách, có ai cấm tác giả không được trích dẫn những sách khác hoặc những điều đã được nói trong những chương trước!

70 Thủy Lục là pháp hội thí thực cho ngạ quỷ cũng như hết thảy những sinh vật sống trên đất, dưới nước nhằm cứu bạt các loài quỷ. Theo Thích Môn Chánh Thống, quyển 4: “Gọi tên là Thủy Lục là do ý nghĩa ‘chư tiên đến ăn trong các dòng nước, quỷ đến ăn nơi đất sạch”. Duyên khởi của pháp hội này là do Tiêu Diễn (Lương Vũ Đế) mộng thấy thần tăng dạy lập trai hội nhằm phổ tế quần linh trong lục đạo tứ sanh. Vua bèn cầu cao tăng đọc khắp các kinh điển, y theo chuyện A Nan gặp quỷ Diện Nhiên, thiết lập pháp hội thí thực bình đẳng, soạn ra khoa nghi. Theo Phật Tổ Thống Ký, pháp hội Thủy Lục đầu tiên được cử hành tại chùa Kim Sơn vào năm Thiên Giám thứ tư (505) đời Hậu Lương. Về sau khoa nghi này thất truyền. Đến niên hiệu Hàm Thuần đời Đường, pháp sư Đạo Anh chùa Pháp Hải tại Trường An được dị nhân chỉ điểm, tìm lại được khoa nghi bèn tổ chức và lưu truyền pháp hội này.

71 Ngũ Tánh là một khái niệm phân chia căn tánh theo tông Hoa Nghiêm, dựa trên căn tánh thành Phật của chúng sanh mà chia thành năm loại:

1. Bất Định Tánh Bán Thành Phật, tức căn tánh bất định, nếu gặp được pháp Nhị Thừa sẽ tu tập pháp Nhị Thừa, nếu gặp pháp Bồ Tát sẽ tu tập pháp Bồ Tát, khả năng thành Phật tùy theo căn duyên nên gọi là “bán”.

2. Vô Chủng Tánh Bất Thành Phật: Chỉ hạng người không có thiện căn, chánh tín, bài bác nhân quả, chẳng chịu nhận lãnh sự hóa độ, cam phận chìm đắm trong sanh tử, chẳng cầu giải thoát.

3. Thanh Văn Tánh Bất Thành Phật: Những người mang căn tánh Thanh Văn, chỉ tu tập pháp Tứ Đế, chứng chân không Niết Bàn, tham đắm không tịch, kinh sợ sanh tử, chẳng muốn độ sanh, tấn tu Phật đạo.

4. Duyên Giác Tánh Thành Phật: Những người mang căn tánh Duyên Giác, chỉ quán Thập Nhị Nhân Duyên, chứng chân không Niết Bàn, cố chấp thiên không, chẳng cầu Phật đạo.

5. Bồ Tát Tánh Toàn Thành Phật: Bồ Tát có thể tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, bi trí song vận, rộng tạo các nhân, chứng quả Bồ Đề.



72 Theo quan điểm cổ truyền của Phật môn Trung Hoa, đức Phật giáng sanh nhằm thời Châu Chiêu Vương (995-977 trước Công Nguyên).

73 Lãnh thổ nhà Diêu Tần nằm trong địa phận tỉnh Thiểm Tây, do vùng này nằm lọt giữa các cửa ải Hàm Cốc, Tán Quan, Vũ Quan và Hào Quan nên thường gọi là Quan Trung.

74 “Bệnh hạnh” là một trong năm hạnh của Bồ Tát, được nói đến trong kinh Đại Bát Niết Bàn. Theo đó, Bồ Tát vận dụng lòng vô duyên đại từ, vận tâm bình đẳng, nhằm cứu bạt những chúng sanh đang khổ sở phiền não mà thị hiện các hạnh gây tạo tội nghiệp lớn lao. Chữ Bệnh ở đây chỉ cho những tội nghiệp, vì tội nghiệp chính là bệnh nơi thân - khẩu - ý. Chẳng hạn như ngài Ưu Đà Di thị hiện phạm nhiều hạnh bất tịnh để Phật có cơ duyên chế giới, cũng như ngài Đề Bà Đạt Đa thị hiện phá hòa hợp Tăng, thị hiện phạm đại tội Ngũ Nghịch, thị hiện đọa địa ngục A Tỳ để cảnh tỉnh người đời sau về quả báo Ngũ Nghịch, hoặc như các vị Hàn Sơn, Thập Đắc, Tế Điên thị hiện điên khùng, không giữ Thanh Quy đều nhằm hóa độ chúng sanh.

75 Lục Dục Thiên, hiểu theo nghĩa rộng là sáu tầng trời trong cõi Dục từ Tứ Vương Thiên cho đến Tha Hóa Tự Tại Thiên (tức Tứ Thiên Vương Thiên, Đao Lợi, Dạ Ma, Đâu Suất, Hóa Lạc và Tha Hóa Tự Tại). Hiểu theo nghĩa hẹp, Lục Dục Thiên chỉ là tầng trời Tha Hóa Tự Tại (Paranirmita-vaśa-vartin). Cõi trời này còn được dịch là Tha Hóa Tự Chuyển Thiên, Tha Hóa Lạc Thiên, Tha Ứng Thanh Thiên, Ba La Ni Mật Thiên, do Tự Tại Thiên Vương (Vaśavartti-devarāja) làm chúa tể. Trong Dục giới, cõi trời này tự tại khoái lạc nhất, do có thể thụ hưởng những sự khoái lạc do người khác biến hóa ra.

76 Núi Kê Túc (Kukkutapāda-giri) còn dịch là Kê Cước, Tôn Túc, Lang Túc, Lang Tích, là một ngọn núi thuộc nước Ma Kiệt Đà, cách Già Da (Gayā) hơn 25 km về phía Đông Bắc là nơi ngài Ma Ha Ca Diếp nhập diệt. Đại Đường Tây Vực Ký quyển chín đã mô tả: “Núi cao chót vót, hang sâu thăm thẳm không đáy, cây to phủ kín hang núi… Sau này, tôn giả Ca Diếp Ba nhập diệt nơi ấy nên [người ta] không dám gọi thẳng tên núi mà gọi là Tôn Túc”. Do tại huyện Bảo Xuyên tỉnh Vân Nam cũng có một hòn núi mang tên Kê Túc nên Phật giáo Trung Hoa đã đồng nhất núi này với núi Kê Túc tại Ấn Độ, và nơi ấy cũng được coi là đạo tràng ứng hóa của ngài Ma Ha Ca Diếp.

77 Đây là một công án Thiền (được đánh số 22) trong bộ Vô Môn Quan với nhan đề Ca Diếp Sát Can (Cột phan của Ca Diếp). Theo đó, ngài A Nan hỏi tôn giả Ca Diếp: “Ngoài y ca-sa vàng truyền lại cho ngài, đức Thế Tôn còn để lại vật gì nữa hay không?” Ngài Ca Diếp liền gọi: “A Nan!” A Nan thưa: “Dạ!”, ngài Ca Diếp bảo: “Lật đổ cái cột phan trước cửa đi” (Đảo khước môn tiền sát can). Theo ngu ý, ở đây Tổ Ấn Quang khuyên ông Cao Hạc Niên hãy lắng lòng tu tập, lãnh hội lời dạy của tổ Ca Diếp thì chẳng khác gì ngày ngày gặp gỡ Ca Diếp tôn giả, hơn là bôn ba đến núi Kê Túc.

78 Xin đừng hiểu lầm chữ “thời tiết” ở đây là weather, mà có nghĩa là thời thế, đúng dịp, đúng lúc nhân duyên chín muồi, các duyên hội đủ, như trong thành ngữ “nhân duyên thời tiết” thường được dùng trong kinh sách.

79 Tịnh Độ Tập Yếu như tên gọi là một cuốn sách tập hợp những lời dạy chánh yếu về Tịnh Độ của chư Bồ Tát, chư tổ sư, đại đức, do hai ông Phan Huệ Thuần và Thiệu Huệ Viên biên soạn. Xin đừng lẫn lộn với tác phẩm Tịnh Độ Thập Yếu của đại sư Ngẫu Ích.

80 Sức Chung Tân Lương (Những hướng dẫn trong việc lo liệu cho người lâm chung) là một tác phẩm do ông Lý Viên Tịnh soạn với nội dung hướng dẫn cách thức chuẩn bị cho thời khắc lâm chung và phương pháp trợ niệm nhằm đảm bảo người tu Tịnh nghiệp lúc lâm chung không bị phá hoại chánh niệm. Sách này chia làm bốn phần:

1) Sức Chung Chương Trình: Người tu Tịnh Độ phải dặn dò gia đình, bạn bè cách xử trí như thế nào khi người ấy lâm chung, cách thức trợ niệm, an táng sao cho người chết giữ được chánh niệm.

2) Sức Chung Ngôn Luận: Tập hợp những lời dạy về chuẩn bị lâm chung của các cổ đức.

3). Dự Tri Lợi Hại: Những phân tích về lẽ lợi hại khi lâm chung như không nên khóc lóc, sát sanh, không bày vẽ phô trương như buộc người chết ngồi xếp bằng, thay áo, tắm rửa trong khi người sắp chết còn đang thở hắt ra.



4) Sức Chung Thật Hiệu: Những bằng chứng vãng sanh do đã dự bị chu đáo cho phút lâm chung.

81 Chân đễ: Tình thương yêu, hòa thuận thật sự đối với anh em.

82 “Thăng tòa” ở đây có nghĩa là vị pháp sư truyền giới lên pháp tòa, trước hết dạy người muốn quy y sám hối, phát nguyện quy y Tam Bảo, đảnh lễ cầu giới, phát nguyện thọ giới.
1   ...   14   15   16   17   18   19   20   21   22




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương