Ấn Quang Pháp Sư


Khuyên nên tại gia hoằng pháp



tải về 2.15 Mb.
trang15/22
Chuyển đổi dữ liệu04.01.2018
Kích2.15 Mb.
#35519
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   ...   22

4. Khuyên nên tại gia hoằng pháp

* Con người và trời đất cùng xưng là Tam Tài, chẳng phải là chuyện xuông, mà ắt phải có công tham dự, giúp đỡ sự sanh trưởng, thì mới chẳng thẹn! Nếu không, thịt đi thây chạy, suốt đời ô uế trời đất, sao có thể gọi là Tam Tài cho được? Nếu lãnh hội được ý này, đem [áp dụng vào việc] dạy dỗ bọn trẻ, ắt sẽ có thể tận tâm kiệt lực, đem tài năng ra dạy dỗ, trước hết lấy đạo đức làm gốc, rồi mới đến văn chương là ngọn. Thường luôn giảng nói hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ, khiến cho chúng nó biết đạo làm người, khởi tâm, động niệm, cư xử, nói năng đều thuần thiện, tạo thành cơ sở có thể dự vào bậc thánh. Kinh Dịch nói: “Mông dĩ dưỡng chánh, thánh công dã” (Dạy cho bọn trẻ nhỏ lẽ chánh sẽ có công lao [bằng với công lao] của bậc thánh nhân) tức là nói về điều này vậy!

Nếu có thể dùng cái tâm này để dạy người thì học vấn lẫn phẩm đức của chính mình ngày càng tươi sáng, con người sẽ được cảm hóa, chẳng đợi phải đốc thúc, quở trách mong cho họ sẽ thuận theo. Thiên hạ chẳng yên, thất phu có trách nhiệm. Hiện thời nước loạn, dân khốn đốn, anh em cùng một nhà đánh nhau, tranh đua muốn tàn hại lẫn nhau, dân không lẽ sống đều do cha mẹ trong gia đình không khéo dạy, thầy giáo trong nhà trường không khéo dạy, đến nỗi kẻ có thiên tư quen thói làm xằng, đứa không có thiên tư cam lòng làm kẻ giặc bướng bỉnh. Ông giữ được tấm lòng “gốc chánh, nguồn trong” để làm chuyện vun trồng nhân tài, tức là chẳng có địa vị mà nắm quyền cai trị, chẳng lên tòa mà thuyết pháp vậy, còn vui nào hơn? (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời cư sĩ Trác Trí Lập)

* Ông làm nghề Y chịu phát tâm lợi người quả thật là tiện lợi. Người ta đang lúc thân mang bệnh khổ, hễ nghe có cách được yên vui thì không ai chẳng sanh lòng tin. Với người mang chứng bệnh nguy hiểm ngặt nghèo, hãy dạy họ niệm Phật và niệm Quán Âm, ắt sẽ có hiệu quả. Dẫu mạng hết sắp chết, cũng có hiệu quả chuyển nguy thành an rồi mới qua đời. Tôi thường nói: “Thế gian có hai hạng người dễ khuyên người ta làm lành niệm Phật. Thứ nhất là người xem tướng, thấy có tướng tốt bèn khuyên họ cực lực tu trì để giữ gìn tướng tốt; nếu không, chắc tướng sẽ bị biến đổi. Thấy tướng xấu bèn khuyên họ cực lực tu trì thì tướng ấy sẽ biến đổi thành tốt”. Thầy thuốc còn phải đợi người ta mời rồi mới nói được, chứ thầy xem tướng bất luận là ai vừa thấy mặt đều nói được. Tiếc cho thầy xem tướng không có bản lãnh thật sự, chỉ biết cầu lợi, đến nỗi cả đời trọn chẳng thành tựu được gì, chẳng đáng tiếc sao! (Hoằng Hóa Nguyệt San số thứ 8 - Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển 1, Thư trả lời cư sĩ Diệp Ngọc Phủ)

* Đức Phật là Đại Y Vương, trị khắp các bệnh nơi thân và tâm của chúng sanh. Y sĩ trong thế gian chỉ trị được cái thân, dẫu cho y thuật cao siêu, xét đến kết quả thì trọn chẳng có ích gì cho thần thức của người bệnh ấy. Ông đã quy y Tam Bảo, phát Bồ Đề tâm, trị bệnh cho người, thì trong lúc trị thân bệnh, hãy nên kèm vào cách trị tâm bệnh. Vì sao nói vậy? Phàm những bệnh ngặt nghèo nguy hiểm, phần lớn là do sát nghiệp trong đời trước hay trong đời này tạo thành, nhưng người có bệnh ắt phải đoạn tuyệt chuyện ăn nằm mới chóng lành bệnh!

Muốn giảm sát nghiệp trong đời trước hay trong đời hiện tại, phải kiêng giết ăn chay. Lại còn phải chí thành niệm Phật và niệm Quán Âm, ắt bệnh sẽ mau được lành, vừa vun bồi đức, vừa gieo thiện căn. Nếu là bệnh do oán nghiệp thì ngoại trừ cách này ra, chắc chắn khó thể lành bệnh. Người ấy và cha mẹ, vợ con trong nhà do tâm gấp rút mong được lành bệnh, chưa chắc không chịu hành theo. Nếu chịu hành theo, sẽ gieo được thiện căn xuất thế. Từ đây sanh tâm chánh tín, sau này biết đâu do đây sẽ liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh thì đối với người ấy, đối với ông đều có ích lợi lớn lao.

Đối với chuyện đoạn dục, hãy nên coi đó là cách trọng yếu bậc nhất để trị bệnh. Bất luận nội chứng hay ngoại chứng, bệnh chưa được lành lặn vẹn mười, muôn vàn chớ nên dính đến chuyện ăn nằm. Hễ nhiễm vào chuyện ăn nằm, bệnh nhẹ sẽ thành nặng, bệnh nặng có thể bị chết ngay, hoặc chẳng chết liền nhưng đã trở thành cái nhân ắt phải chết. Muốn chẳng bị chết, cũng thật khó khăn lắm! Dẫu cho không chết, chắc là trở thành kẻ bấy bớt, tàn phế, chắc chắn khó thể giữ được sức khỏe. Chẳng biết là do chính mình chẳng khéo dưỡng sức, lại đổ hô “y sĩ chẳng có bản lãnh thật sự!” Bất luận nam hay nữ (đối với gái trinh và bà góa thì chẳng nên nói, còn những người khác thì không ngại gì), đều nên thẳng thừng, đanh gọn, nói rõ chuyện lợi - hại để bệnh họ dễ được lành, nhờ đấy cái danh của ông cũng được rạng rỡ. Thường là y sĩ chỉ biết trị bệnh, chẳng nói đến chuyện kiêng kỵ cho căn bệnh, huống là chịu dạy người ta sửa lỗi hướng thiện để vun đức tích phước ư? Đấy chính là tâm hạnh của kẻ bán hàng rong chỉ mong cầu lợi ngoài đường, ngoài chợ, chứ không phải là tâm hạnh cứu vớt người, khiến cho cõi đời đều được sống lâu, huống hồ là có thể khiến cho người ta do bệnh tật sẽ được vô thượng lợi ích “sống thì dự vào bậc thánh hiền, mất đi trở về cõi Cực Lạc” ư!

Cổ nhân nói: “Bất vi lương tướng, tất vi lương y” (Chẳng làm vị tể tướng giỏi thì làm thầy thuốc giỏi). Do vậy, gọi vị y sĩ là “đại quốc thủ”. Trong thế gian, y sĩ danh phận đã cao tột bậc, nếu kiêm dùng Phật pháp, nhờ vào đó để độ chúng sanh, hành Bồ Tát đạo, thật là nghiệp quan trọng nhất trong hết thảy các nghiệp. Do con người trong khi bệnh hoạn, được nghe một y sĩ chẳng chuyên cầu lợi, có chí mong lợi người, phát Bồ Đề tâm bảo ban, ắt có thể khiến cho bệnh được lành thì tự mình chẳng thể sanh lòng chánh tín hành theo ư? Muốn gây lòng tin nơi người khác, chớ nên tính toán [bệnh nhân sẽ] tạ lễ nhiều hay ít rồi sanh phân biệt. Nếu với kẻ giàu bèn tích cực chữa trị, với người nghèo chỉ đãi bôi cho xong chuyện, lâu ngày người ta sẽ vì y sĩ hám lợi mà khinh thường, dẫu có nói những câu lợi ích kẻ khác, người ta cũng chẳng tin theo.

Lại hãy nên gặp cha nói từ, gặp con nói hiếu, anh nhường, em kính, chồng hòa, vợ thuận, chủ nhân từ, tớ trung thành và nhân quả báo ứng thấu suốt ba đời (quá khứ, hiện tại, vị lai), sanh tử luân hồi trong sáu nẻo. Có thể nói được với ai thì chẳng ngại gì hữu ý giả vờ như vô ý nhàn đàm, khiến cho người nghe dần dần mở mang tâm địa, biết sanh tử luân hồi đáng sợ, may là có pháp để liễu sanh thoát tử! Người làm được như vậy thì thật sự có thể gọi là “dùng pháp thế gian để hành Phật pháp, dùng trị bệnh nơi thân để chữa bệnh nơi tâm!” (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư gởi y sĩ Mã Tinh Tiều)

* Đã làm con người ta, làm cha người khác, hãy nên suy nghĩ ngọn nguồn rốt ráo tới đường lối khiến cho cha mẹ ta, con cái ta rốt ráo được an ổn, há chẳng tận lực khuyên lơn cha mẹ và con cái ta cùng tu Tịnh nghiệp hay sao? Đây là luận theo phía người thân, nhưng hết thảy chúng sanh đều là Phật tử, ta đã biết rồi, nỡ nào chẳng làm cho anh em trai, chị em gái, thân thích, xóm giềng, hết thảy những người tiếp xúc ai nấy đều được biết ư? Ông muốn quy y để mong vãng sanh, há chẳng phát ra hoằng thệ để hành sẵn cái đạo tùy phận tùy lực độ người hay sao? (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời tiên sinh Phí Phạm Cửu)

* Đầy tớ gái của ông bệnh nặng, ông chăm sóc thuốc men, chữa trị. Ông cùng con cái chăm nom miếng ăn thức uống, lành bệnh, do cảm động chúng bèn ăn chay trường, đấy gọi là “dùng đức khuất phục người” vậy. Cổ nhân nói: “Dĩ ngôn giáo giả tụng, dĩ thân giáo giả tùng. Quân tử cư hương, dĩ thân suất vật, linh đức phục nhân, tương quán nhi thiện” (Dùng lời lẽ để dạy thì bị tranh cãi, dùng thân để dạy thì người khác thuận theo. Quân tử sống trong làng, dùng thân để làm gương lôi kéo mọi người, dùng đức khiến người khác khâm phục rồi nhìn theo bắt chước làm lành) chính là nghĩa này vậy.

Tiếc rằng người tin Phật trong cõi đời thì ít, kẻ báng Phật lại nhiều, cho nên rất nhiều kẻ đời trước có thiện căn nhưng chẳng thể phát khởi tịnh nhân đời trước, gội ân Phật sâu xa, để được là kẻ phàm phu triền phược đầy dẫy mà ngay trong đời này nương vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh để dần dần đạt đến viên thành Phật đạo! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời cư sĩ Trương Giác Minh)

* Tần Xuyên chính là cõi đất hoằng dương Tịnh Độ của các đại sư Thiện Đạo, Pháp Chiếu, Phi Tích, Huệ Nhật208 v.v… xưa kia, hết thảy tứ chúng xưa kia cũng đã gieo thiện căn sâu đậm, nhưng do từ sau đời Đường hiếm có người hoằng dương pháp này đến nỗi túc căn chẳng thể phát sanh tăng trưởng, đáng than thay!

Gần đây thế đạo nhân tâm chìm đắm đến cùng cực, thiên tai dân không lẽ sống. Người có tâm lo cho thế đạo đều cùng đề xướng Phật học, bởi trong đời hiện thời nếu chẳng cực lực đề xướng sự lý nhân quả báo ứng, sanh tử luân hồi… thì thiện không có gì để khuyên, ác không có gì để phạt, muốn cho con người chẳng ăn nuốt lẫn nhau há có được chăng?

Nếu chẳng đề xướng kiêng giết, bảo vệ sanh mạng, trì trai, ăn chay thì sát kiếp ngập trời làm sao dứt được? Nếu chẳng đề xướng giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành thì phế kinh điển, phế luân thường, phế hiếu, chẳng thẹn, tranh thành, giành đất, tàn sát lẫn nhau, những tà thuyết bạo hành sẽ khiến cho nhân dân trong khắp cõi đời cùng mắc nỗi khổ tử vong. Nếu chẳng đề xướng tín nguyện niệm Phật, cầu sanh Tây Phương thì lục đạo luân hồi ai có thể thoát được? Đây chính là lý do những bậc quân tử hiểu lý đề xướng Phật học trong thời gần đây!

Phật pháp chứa trọn cương thường, luân lý thế gian, lại còn nói rõ quả báo thiện ác do trọn hết hay không trọn hết tình nghĩa, bổn phận. Quả thật là đạo trọng yếu để trị quốc bình thiên hạ. Những kẻ đố kỵ là vì chẳng suy xét nghĩa lý, bài xích xằng bậy, nói nhân quả báo ứng, sanh tử luân hồi đều là những lời Phật dối trá để bịp người! Do vậy, mọi người đều coi nhân quả luân hồi là chuyện mông lung, khi gió Âu vừa thổi qua, đều tranh nhau hùa theo. Nếu tin sâu nhân quả luân hồi, những tà thuyết ấy dù có dữ dội đến mấy, làm sao gây mê hoặc rối ren cho được? (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ, Lời tựa trình bày duyên khởi của Đôn Luân Liên Xã)

* Ngày Rằm mỗi tháng mọi người đều tụ lại, niệm Phật một ngày, hễ thuận tiện bèn giảng diễn tông chỉ của pháp môn Tịnh Độ ngõ hầu những người tu trì hiểu thấu triệt tự tâm, chẳng đến nỗi miệng nói cầu sanh Tây Phương mà lòng vẫn nhớ tưởng cõi này đến nỗi công phu sắp thành nhưng vì mắc lỗi hiểu lầm [đến nỗi] mong thoát sanh tử mà vẫn đọa luân hồi! Lại còn chỉ dạy cặn kẽ nhân quả, thuật đủ tội phước.

Phàm những ai tham dự liên xã đều phải giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng hành các điều thiện, giữ gìn tám đức “hiếu, đễ, lễ, nghĩa, trung, tín, liêm, sỉ”, dốc chí nơi tám sự “cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, ắt sẽ khiến cho Nho tông nhờ Phật pháp mà được phục hưng, sự giáo hóa của Phật do hàng Nho sĩ mà được truyền rộng rãi, bù đắp thiên kiến “trong lòng sùng phụng, ngoài mặt chống trái”, tự lầm, lầm người của tiền nhân, dạy đời sau quy củ rộng lớn “sống trong cõi trần học đạo, tự lập, lập người”. Ba người cùng đi ắt có [người] là thầy ta; một ấp mười nhà, ắt có [nhà] trung tín. Ai cũng đều có thể là Nghiêu - Thuấn, ai cũng đều có thể thành Phật. Người ta là trượng phu, mình cũng là trượng phu, chớ nên tự khinh rồi cam phận lui sụt, ngõ hầu chẳng cô phụ Phật tánh sẵn có nơi tâm mình và đại pháp liễu thoát ngay trong đời này! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ, Bi ký về chuyện Hương Quang Liên Xã thuộc Hương Sơn Thảo Am ở Ngô Huyện xây dựng Tam Thánh Điện)

* Luận về tài năng của các hạ, hãy nên theo như những gì Quang đã nói thì lợi ích sẽ lớn lắm. Nếu không, hãy chọn lấy một chỗ vắng lặng kín đáo để tận lực tu Tịnh nghiệp, đem học vấn, văn chương đã đạt được trước kia vứt ra ngoài Đông Dương đại hải, nghĩ mình vốn là một kẻ vô tri vô thức, trong tâm chẳng sanh phân biệt, ngày đêm sáu thời chuyên trì một câu hồng danh thánh hiệu. Nếu có thể chết sạch được cái tâm mong ngóng, ắt sẽ đích thân thấy được bản lai diện mục! Từ đấy, dựng cao pháp tràng, khiến cho hết thảy mọi người đều cùng trở về biển pháp Tịnh Độ, sống làm bậc thánh bậc hiền, chết dự vào hội Liên Trì thì mới chẳng phụ sở học ấy, mới là bậc đại trượng phu chân Phật tử vậy! (Hoằng Hóa Nguyệt San số 13 - Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển 1, Thư trả lời cư sĩ Diệp Ngọc Phủ)

5. Khuyên nhủ nên sống trong cõi trần học đạo

* Khổng Tử dạy kẻ chánh tâm thành ý thì phải trí tri (thấu hiểu cặn kẽ), [muốn] trí tri thì phải cách vật (trừ khử vật dục). Không “cách vật” thì giống như đeo kính màu xanh, đỏ v.v… phàm những màu được thấy đều chẳng phải là màu thật sự của nó. Do tâm có tư dục làm chủ nên chết chìm vào một bên, chẳng thấy chân lý của sự việc, thấy điều đúng của người khác trở thành sai! Phàm đối với những chuyện trị thế tu đạo đều nên lấy lời này làm khuôn phép, đừng coi là hủ bại rồi xem thường! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời cư sĩ Tịnh Chi)

* Vừa thông minh vừa có tài, sử dụng chánh đáng thì có thể mong thành thánh, thành hiền, tạo công lập nghiệp; nếu sử dụng không chánh đáng sẽ tự lầm, lầm người, đọa trong ba ác đạo! Thiên tai, nhân họa hiện thời đại đa số đều do những kẻ thông minh có tài tạo nên. Nếu do trí huệ, phân biệt được tà - chánh, hiểu rõ nhân quả, xuôi theo điều lành, tránh điều dữ sẽ thành tài đạt đức. Có trí huệ thì tài năng sẽ giúp cho đạo, không có trí huệ thì tài năng sẽ trái đức. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời ông Lý Thính Đào ở Hải Môn - 1)

* Bí quyết “dùng sự khiêm tốn để thực hiện sự Thành Ý” nếu luận trên hạng thượng căn thì được, còn đối với hết thảy những người thượng, trung, hạ căn mà luận, hãy nên dùng trí tri, cách vật mới là lời luận định khế lý, khế cơ tột cùng. Trí tri và cách vật theo kiểu họ Trình, họ Châu đã nói muôn vàn chẳng thể nương theo được! Cần phải biết: Trí tri và cách vật chính là căn bản để mong thành thánh thành hiền, bởi tri kiến đã thiên lệch sẽ chẳng thể thành ý được!

Tri kiến bị thiên lệch là do trong tâm có nhân dục (lòng ham muốn của con người) riêng tư, lệch lạc! Trừ khử được lòng nhân dục riêng tư, lệch lạc ấy thì tri kiến sẽ tự chánh. Tri kiến đã chánh thì ý sẽ thành, tâm sẽ chánh, tu được thân. Học vấn thật sự chẳng cần phải tỏ lộ nơi huyền diệu, chỉ cần làm cho hết thảy mọi người biết phải thực hiện nơi đâu, họ sẽ vui vẻ thuận theo. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời cư sĩ Huệ Đạo)

* Con người ai nấy đều có thiên lương, nhưng khởi tâm, động niệm, cư xử hoàn toàn chẳng thuận theo đạo lý. Ông ta vẫn chê người khác chẳng tuân theo đạo lý, còn ông ta thì có đạo lý. Chỉ nội một niệm này đã là chỗ thiên lương phát hiện đấy! Đáng tiếc là không ai chỉ điểm, lại chẳng phản tỉnh tự trách nên trở thành hạng cuồng ngu. Nếu chịu hồi tâm tự vấn, ắt sẽ hổ thẹn muốn chết, cảm thấy trong trời đất không có chỗ nào cho ta dung thân! Từ đấy hằng ngày biết là sai trái, hằng ngày sửa lỗi, sẽ thành bậc thánh, bậc hiền! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời cư sĩ Viên Đức Thường -2)

* Tội lớn tầy trời chẳng thể cự lại một chữ Hối. “Thánh mất niệm thành cuồng, cuồng khắc chế được niệm bèn thành thánh”. Tâm Nghiêu, Thuấn, Phật, Bồ Tát và tâm chúng ta có cùng một giác thể; nhưng do chúng ta nghịch tánh mà tu nên chìm đắm trong loài chúng sanh nghiệp khổ. Ông đã biết sai, hãy nên tận lực sửa lỗi!

Đối với mọi chuyện, đều có thể tận lực sửa đổi sẽ đạt đến chỗ không còn lỗi lầm. Nếu chỉ sanh lòng hổ thẹn tạm thời, rồi cứ lần chần chẳng tự tu trì thì vẫn lặn hụp trầm luân trong biển tội nghiệp y như cũ, không thể thoát ra được! Xin hãy đọc cặn kẽ các sách thì sẽ lần lần đạt đến chỗ khá hơn, ngõ hầu chẳng đến nỗi sống uổng chết phí, sống như gỗ, đá, cầm thú trong vòng trời đất, sống đã vô ích cho người, mà lại còn có hại cho người! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Trả lời thư cư sĩ Thang Văn Huyên - 2)

* Ai cũng có thể là Nghiêu, Thuấn, ai cũng đều có thể thành Phật. Những kẻ chẳng thể là Nghiêu, Thuấn, chẳng thể thành Phật là vì chẳng lập chí mà ra! Không có chí sẽ chẳng sanh hổ thẹn, yên phận phàm ngu, luân hồi trong tam đồ lục đạo cả kiếp dài lâu, không thể thoát được! Ông đã phát lòng hổ thẹn, phát tâm mong thành thánh, thành hiền, học Phật, học Tổ, cố nhiên là do thiện căn đời trước tạo thành. Hãy nên “mỗi ngày một mới” để hoàn toàn vứt bỏ mọi ý nghĩ, hành vi chẳng chánh đáng trước kia. Một nhát dao chặt đứt làm đôi, chớ có “dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”, vương vấn, do dự, ắt đến nỗi chẳng mấy chốc lại quay về nẻo cũ, vùi lấp trong mười thứ ác nghiệp y như cũ, khiến cho Phật tánh “sáng tỏ Minh Đức” sẵn có đều bị chướng lấp chẳng thể hiển hiện, dùng tư cách thành thánh, thành Phật để nằm tù Diêm La, đối diện ngục tốt209, chẳng đáng buồn ư? (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Trả lời thư cư sĩ Thang Văn Huyên – 2)

* Chồng bà Triệu Lãnh Cô bỏ vợ mê gái làng chơi, luận theo tình cảm thế gian thì số mạng Lãnh Cô mỏng manh, bất hạnh; còn luận theo Phật pháp thì thật là may mắn lớn! Nếu chồng chẳng ruồng rẫy thì tình ái vợ chồng, con cái ràng buộc, suốt ngày bận bịu, càng khó niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Nay do chồng bỏ mà được chuyên tâm niệm Phật, để đến lúc lâm chung được Phật tiếp dẫn liền liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh. Lợi ích ấy hoàn toàn do bị chồng bỏ, hãy răn nhắc bà ta đừng sanh lòng oán hận, mà hãy nên sanh lòng cảm kích. Lại nên đem công đức niệm Phật của chính mình hồi hướng cho chồng, khiến cho ông ta mau thoát khỏi nẻo mê, mau tìm lối giác. Có lòng dạ như vậy thì hai lòng yêu - ghét đều chẳng thể sanh, niệm Phật càng được hiệu quả lớn lao. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời cư sĩ Vương Thận Trai)

* Uống sữa bò thì không trở ngại gì, nhưng sữa cũng là lấy chất bổ béo của bò để bồi bổ thân thể ta; do vậy, cũng không nên dùng. Đậu nành, dầu đậu nành có nhiều chất bổ nhất, hãy nên thường dùng. Trong cháo ăn điểm tâm nên bỏ thêm đậu nành đã xay vỡ. Với loại dầu để thường ăn thì chuyên dùng dầu đậu nành, so với mỡ heo, [dầu đậu nành] có nhiều chất bổ hơn, sao lại khổ sở đem tiền chuốc họa để mong được bồi bổ ư? (Bởi ăn thịt sẽ mắc nợ giết chóc, nên nói là “chuốc họa”). Người ăn mặn nếu chịu ăn chay chắc chắn ít bệnh, khỏe mạnh, bởi ăn thịt gây trở ngại cho phép dưỡng sinh, ăn chay có tác dụng dưỡng sinh.

Mắm tôm độc nhất, muôn vàn chớ có ăn, vì lúc làm, người ta đào một cái hố to bên bờ biển, trong vòng năm sáu tháng, đánh bắt các loài tôm và những thứ cá nhỏ, đổ vào trong hố, phơi dưới nắng gắt, cả hố trở mùi, thối suốt mấy dặm210. Những loài ruồi, kiến, rắn v.v… ưa mùi đó đều tự gieo mình chết ngủm trong hố. Đến khi mắm đã ngấu, bèn cà nhuyễn, đựng trong sọt đem bán. Người ăn mặn coi như món hàng quý báu, đáng thương quá chừng! Đây là do một vị Tăng trông thấy cách làm kể cho Quang nghe. Ông đã ăn chay, nếu chẳng thể làm cho cả nhà ăn chay thì bảo họ hãy bớt ăn [mặn] đi, chớ mua con vật còn sống về giết trong nhà, trong nhà hằng ngày giết chóc sẽ trở thành chỗ giết hại, xui xẻo lắm đấy! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời cư sĩ Bào Xung Sĩ)

* Bất luận thọ giới hay không thọ giới, đã quy y Tam Bảo, ắt phải giữ năm chuyện ấy, chẳng dám vi phạm thì mới là đệ tử chánh tín của Phật. Nếu do chưa thọ giới mà đối với năm giới ấy chẳng cần chú ý đến thì còn chưa đáng là bậc chánh nhân quân tử, huống là đệ tử Phật? “Đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện, hết thảy thiện pháp đều nên tu, hết thảy ác pháp đều nên đoạn” chính là giới kinh đại lược do Phật dạy.

Thế đạo hiện thời suy bại đến cùng cực vì thuyết “bài xích nhân quả ba đời, lục đạo luân hồi, cho Phật pháp là lừa dối kẻ ngu, người tục” của nhà Nho. Vì thế, nhà Nho đều chẳng lấy nhân quả ba đời, lục đạo luân hồi để giáo huấn, đến nỗi điều thiện không được khuyến khích, điều ác không bị trừng phạt. Đến khi gió Âu thổi qua đều ùa nhau theo. Nếu mọi người đều biết có sự lý nhân quả ba đời, luân hồi lục đạo thì đâu đến nỗi tàn sát lẫn nhau, đến nỗi sát kiếp vĩnh viễn không có lúc chấm dứt! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Trả lời thư của cư sĩ Dương Thọ Chi - 2)

* Kẻ thông minh dễ phạm nhất chỉ có sắc dục, hãy nên thường giữ tâm kiêng sợ, đừng để nẩy sanh chút tà vọng nào. Nếu như ngẫu nhiên khởi lên ý niệm ấy, liền tưởng: Mỗi một cử động của chúng ta, thiên địa, quỷ thần, chư Phật, Bồ Tát không vị nào chẳng biết hết, thấy hết! Trước mặt người khác còn chẳng dám làm quấy, huống gì là đối trước chỗ Phật, trời nghiêm túc cẩn mật, lại dám ôm giữ ý niệm tà vạy tệ hại và làm chuyện tà vạy tệ hại ư?

Mạnh Tử nói: “Sự thục vi đại? Sự thân vi đại. Thủ thục vi đại? Thủ thân vi đại” (Thờ ai là chuyện lớn? Thờ cha mẹ là chuyện lớn. Giữ gì là chuyện lớn? Giữ cái thân là chuyện lớn). Nếu không giữ được cái thân, dù có phụng dưỡng cha mẹ cũng chỉ là hình thức bề ngoài mà thôi, chứ thật ra là coi rẻ di thể nhận từ cha mẹ, đấy chính là bất hiếu lớn lắm! Do vậy, Tăng Tử lúc sắp mất, mới nói: “Phóng tâm vô lự” (Tâm thảnh thơi không lo lắng).

Kinh Thi chép: “Chiến chiến cạnh cạnh, như lâm thâm uyên, như lý bạc băng, nhi kim, nhi hậu, ngô tri miễn phù” (Dè dặt, đề phòng, như vào vực sâu, đi trên băng mỏng, hiện thời, mai sau, ta biết tránh khỏi). Chưa đến lúc ấy vẫn phải giữ lòng dè dặt, Tăng Tử còn như vậy, huống gì lũ phàm tục, tầm thường chúng ta ư? (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời cư sĩ Từ Thư Dung)

* Con người sống trong thế gian, quý ở chỗ giữ bổn phận. Phàm hết thảy những kẻ phát điên phát cuồng, thậm chí thường hay sanh lòng bi quan, thường muốn tự sát, đều là do chẳng tu thật hạnh, muốn được đại hạnh phúc, mọi chuyện đều như ý, tài, sắc, danh vị đều hơn người. Nếu đời trước tu trì có si phước, được thỏa lòng mong mỏi ấy, bèn kiêu ngạo, xa xỉ, dâm dật, không gì chẳng làm. Cái họa như thế so với chuyện tự sát còn nặng gấp vạn lần! May là chưa đạt được, nên còn chưa đến nỗi khốc liệt như thế! Ông muốn tiêu phiền não ấy, hãy nên mọi chuyện đều giữ phận, chẳng nên dấy lên mảy may vọng niệm nào muốn vượt ngoài bổn phận!

Hãy tùy duyên làm việc, nếu làm tôi tớ của người khác, ắt phải tận hết chức phận tôi tớ của ta, chẳng lấy đó làm thẹn, và ôm giữ tấm lòng “ta vốn chẳng có tư cách làm tôi tớ, nay được làm tôi tớ, ta phải tận hết chức phận làm tôi tớ của ta”, chẳng sanh tâm hợm mình khinh người. Chủ nhân biết đến ta, ta cũng chẳng vui. Chủ nhân không biết, ta cũng chẳng bực. Ta trọn hết phận ta, biết hay không mặc người! Tâm không so đo, lòng không uất ức. Làm tôi tớ như thế, chủ sẽ tôn kính như thầy, chẳng dám coi như tôi tớ. Nếu vì ta khéo tận hết chức phận tôi tớ của ta, người khác chẳng dám coi ta là tôi tớ, kính trọng ta như thầy, ta vẫn chẳng khởi cái tâm tự cao tự đại, biết tớ hay thầy đều là giả danh, tận hết chức phận của ta mới là thật hạnh. Chỉ sợ hạnh chẳng xứng với danh, mặc kệ người ta đãi ngộ [như thế nào].

Bậc đại nhân thời cổ tuy gặp lúc cùng quẫn chẳng thể sống được, cũng chẳng có ý niệm lo buồn, uất hận, dẫu cho sang quý như thiên tử, giàu trùm thiên hạ, vẫn giữ thái độ như kẻ nông phu nơi rẫy bái. Đấy gọi là “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” (phú quý chẳng phóng túng, nghèo hèn chẳng đổi dời [ý chí], oai vũ chẳng khuất phục), nên người quân tử vì vậy luôn thản nhiên, thảnh thơi! Nếu không, kẻ tiểu nhân cứ thường phải lo nghĩ! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời cư sĩ X…)

* Hiện thời thế đạo suy vi, tu hành tại gia tốt hơn, xuất gia đâm ra bị nhiều chướng ngại, [phận làm] con cái đừng nẩy sanh ý tưởng xuất gia. Trong đời Kiếp Trược này, cha ông chẳng biết nhất tâm niệm Phật, cầu sanh Tây Phương, cứ si dại muốn tham Thiền để minh tâm kiến tánh. Nên biết: Những gì ông ta tham đó chẳng phải là Thiền mà chính là văn tự tri kiến, có tham đến già cũng chẳng ăn nhập gì tới Thiền! Dẫu có được lợi ích minh tâm kiến tánh thật sự nơi tham thiền thì vẫn cách liễu sanh thoát tử rất xa. Bởi lẽ, phiền não Hoặc nghiệp chưa đoạn, ngộ thì ngộ đấy, sanh tử vẫn sanh tử. Nếu nói minh tâm kiến tánh liền đạt được không sanh tử thì đấy là sự nhận lầm lạc của gã đứng ngoài cửa và kẻ Cuồng Thiền! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời cư sĩ Trịnh Huệ Hồng)

* Pháp ấn tâm chẳng phải chỉ hạn cuộc tại chỗ ấy. Nếu có thể tuân theo [lời dạy của Bồ Tát] Đại Huệ trong phẩm Đoạn Nhục [trong kinh Lăng Già], phàm thấy hết thảy những sinh vật đều coi như cha mẹ, anh em trai, chị em gái, vợ con, quyến thuộc thì môn ấy sẽ rộng mở, không pháp nào chẳng nhập được! Nếu thật sự nhập được môn này (tức “tưởng hết thảy sinh vật như ruột thịt, không ăn thịt chúng nó”) dẫu chưa đạt được pháp ấn tâm, so với những kẻ đã đắc pháp ấn tâm kia nhưng chưa chịu nhập môn này thì công đức cách biệt một trời, một vực! Bởi lẽ, một đằng là hiểu xuông nhưng chẳng có tâm đại Bồ Đề, một đằng là thật hành đạo Bồ Đề.

Vả nữa, đừng cho lời tôi là sai! Dẫu chưa đạt được tâm ấn của Phật, của Tổ, nhưng đem công đức này hồi hướng vãng sanh, hễ được vãng sanh liền lên thẳng [địa vị] Bất Thoái, thân cận Di Đà và thánh chúng, sẽ đích thân chứng được tâm của Phật, của Tổ. Chúng sanh đời Mạt muốn liễu sanh tử, chẳng lấy tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương làm chí hướng, sự nghiệp, tuy sở ngộ giống như Ngũ Tổ Giới (Ngũ Tổ là tên chùa. Sư Giới thiền sư từng làm Trụ Trì chùa Ngũ Tổ ở Hoàng Mai nên cõi đời gọi ngài là Ngũ Tổ Giới), Thảo Đường Thanh cũng chỉ được kết quả [thân sau trở thành] Tô Đông Pha, Tăng Lỗ Công211. Đường sanh tử xa xôi, đời sau, đời sau nữa, chẳng biết kết quả lại như thế nào?

Pháp môn Tịnh Độ chính là pháp đặc biệt khế lý khế cơ trong cả một đời giáo hóa của đức Phật, dưới là từ Ngũ Nghịch, Thập Ác, trên đến Đẳng Giác Bồ Tát đều nên tu tập, đều có thể siêu phàm nhập thánh ngay trong đời này. Tất cả hết thảy những pháp cao sâu huyền diệu khác phần nhiều khế lý, nhưng trọn chẳng thể khế hợp khắp cả ba căn cơ thượng, trung, hạ. Chúng ta từ vô thỉ cho đến tận đời này vẫn còn lưu chuyển trong luân hồi, đều là vì trong những đời trước do ngu muội nên chẳng dám gánh vác, hoặc do cuồng dại nên hoàn toàn chẳng tin nhận mà ra!

Quang nói điều này [vì] sợ ông vẫn để chí nơi kinh Lăng Già, lấy chuyện đắc tâm ấn của Phật làm chí hướng, sự nghiệp thì kết quả sẽ giống hệt như Ngũ Tổ Giới, Thảo Đường Thanh mà thôi! Ông đừng học theo bậc đại thông gia, hãy chết lòng, trọn ý, tuân theo [lời dạy trong] phẩm Đoạn Nhục tu Tịnh nghiệp thì chắc chắc có thể sanh về Tây Phương được! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời cư sĩ Địch Trí Thuần)

* Các hạ đang độ tráng niên, lại có chí lớn, có thể tự phản tỉnh suy xét, tự trách lỗi. Nếu có thể tự gắng sức chẳng ngơi thì sống sẽ dự vào bậc thánh, mất sẽ lên cõi Như Lai là điều chắc chắn! Đừng coi đạt được điều nhỏ là đủ, đừng nghĩ lỗi nhỏ không ăn nhằm gì! Đừng coi “tự tánh Di Đà” là rốt ráo, rồi chẳng niệm đức Phật Di Đà ở Tây Phương, đừng chỉ cầu đức Phật thầm gia hộ rồi đối với đức Phật do chính mình cảm được trong tâm chẳng sốt sắng tu hành, thì đối với chuyện đạt được ba mối đạo như Quang đã nói đó (tức đạo của cha, đạo của Khổng Mạnh và đạo của Phật, của Tổ), xin chúc mừng các hạ trước!

Hơn nữa, thời thế hiện nay đã bại hoại đến cùng cực, nguyên do là vì chẳng biết nhân quả báo ứng và giáo dục trong gia đình. Muốn vãn hồi thì hãy nên chú trọng hai pháp này, nhưng giáo dục trong gia đình cần phải chú trọng nhất vào nhân quả báo ứng, vì nhân quả báo ứng có thể chế ngự được lòng người. Ngoại trừ cách này ra, thực hiện bằng bất cứ cách nào đều là hết thuốc chữa, vì tâm chẳng thay đổi thành tốt lành thì một pháp vừa lập, trăm điều tệ chen chúc nhau nẩy sanh! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời cư sĩ Trác Nhân)

* Phải nên dựa theo những gì kinh điển Tịnh Độ đã dạy để sanh lòng tin, phát nguyện, chuyên tâm niệm Phật, quyết định sanh về Tây Phương ngay trong đời này, trọn chẳng khởi tâm cầu phước báo nhân thiên trong đời sau. Phật xem hết thảy chúng sanh như con một, hãy nên kiêng giết, ăn chay, yêu tiếc sanh mạng loài vật, dùng điều này để tự hành, lại còn dạy người. Phàm trong gia đình, cha mẹ, anh em trai, chị em gái, thê thiếp, con cái, ngoài là xóm giềng, làng nước, thân thích, bằng hữu đều nên nói cho họ biết về lợi ích niệm Phật: Đời này tiêu trừ tai chướng, tăng trưởng phước thọ, mạng chung sẽ được Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương.

Gần đây thế đạo loạn đến tột cùng, phàm những ai tin Phật, niệm Phật, thường gặp dữ hóa lành. Họa hoạn hiện thời có tránh cũng không thể tránh được, có ngừa cũng không thể ngừa! Nếu có thể chí thành niệm Phật, sẽ âm thầm chẳng gặp phải tai họa! Có lợi ích to lớn như vậy, nỡ nào chẳng cho cha mẹ, anh em v.v… của ta và hàng xóm, láng giềng v.v… biết đến ư? Nhưng muốn cảm hóa người khác thì chính mình phải thật hành mới được! Nếu chính mình tuy niệm Phật, nhưng đối với chuyện giữ vẹn luân thường, tận hết bổn phận, suy nghĩ, xử sự phần nhiều chẳng đến nơi đến chốn, sẽ khó thể cảm thông! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời cư sĩ Kim Ích Bình - 1)

* Thiếu niên học Phật thì phải giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận (tức là thật hành hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ v.v…), dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, tin sâu nhân quả và luân hồi, tín nguyện niệm Phật, cầu sanh Tây Phương. Dùng những điều này để tự hành, lại dạy cho người khác. Hễ hành rồi mà vẫn còn thừa sức, sẽ nghiên cứu hết thảy kinh luận Đại Thừa và những trước thuật của các bậc cổ đức Nho - Thích xưa nay. Lại phải hiểu biết, nắm được cương tông, dùng điều đó để hoằng dương sự giáo hóa của đức Phật, tiếp nối đạo của Phật, Tổ, thánh hiền. Đấy gọi là “do thực hành nên học rộng, do học rộng nên hiểu được điều cốt lõi”. Như thế thì chắc chắn sẽ được dự vào bậc thánh hiền trong đời này, lâm chung liền sanh vào cõi Cực Lạc.

Nếu chẳng chú trọng tận lực thực hành, chỉ mong biết nhiều, thấy lắm, ắt sẽ đến nỗi kiêu căng, khinh thường mọi thứ, bài bác nhân quả. Người như thế thiên tư quả thật đủ để kế thừa người trước, mở đường cho người sau học theo, nhưng do bước đầu tiên chưa từng kiểm điểm thân tâm của chính mình, từ đấy càng đi càng xa, sai chỉ hào ly, lạc đi ngàn dặm, rốt cuộc thành kẻ phá hoại đạo của Phật, Tổ, thánh hiền! Đấy chính là chuyện đáng thương xót nhất của những kẻ thông minh xưa nay! Chuyện này trong trăm người hết tám chín mươi kẻ mắc phải, khiến cho người khác phải đau lòng tuôn lệ! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời Thiếu Niên Phật Học Xã thuộc Phật Học Hội Vô Tích)

* Ông hãy dựa theo Gia Ngôn Lục, Văn Sao mà tu, cũng như khuyên thê thiếp, con cái hãy đều dựa theo đó để thực hiện sự giáo dục trong gia đình thì ông cùng với thê thiếp, con cái đều có thể dự vào bậc thánh hiền trong khi còn sống, lên cõi Cực Lạc sau khi khuất bóng. Nếu chẳng giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành thì nền tảng đã chẳng lập, dẫu có thể tu tập theo pháp môn Tịnh Độ như đã nói, rốt cuộc khó đạt được lợi ích thật sự, bởi lẽ tâm chẳng tương ứng với Phật nên chẳng thể đạt được lợi ích chân thật.

Nay đặt pháp danh cho ông là Đức Hậu, chỉ có đức dày thì mới chẳng thấy “người sai, ta đúng; người hèn kém, ta cao trội; ta có thể lấn hiếp người, người chẳng lấn hiếp được ta”. Như thế thì tánh hung bạo sẽ tự nhiên tiêu diệt không còn chi nữa! Lệnh thê pháp danh là Đức Ôn, Ôn (温) là khoan dung, nhân hậu, nhu hòa. Có thể khoan dung, nhân hậu, nhu hòa thì sẽ giúp chồng, dạy con, cai quản kẻ dưới chẳng đến nỗi hà khắc, dữ dằn, bạo ngược, cũng như nuông chiều con mù quáng v.v… đủ mọi khuyết điểm! Lệnh thiếp pháp danh là Đức Cung, cẩn thận giúp đỡ, vâng thuận ý chồng và vợ cả thì gia đình êm ấm, hòa thuận, con cái bắt chước theo. Lại dùng lòng chí thành, khẩn thiết niệm Phật cầu sanh Tây Phương, trọn chẳng có một tâm niệm lười nhác, đấy gọi là Đức Cung. (Hoằng Hóa Nguyệt San số thứ 6 - Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển 2, Thư trả lời cư sĩ Hác Trí Hy)

* Phàm có ai đến thăm, đều khuyên người ấy niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Lại còn gặp cha nói Từ (nghĩa là dạy con noi theo đạo “hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ” để hành, đấy gọi là Từ. Nếu nuông chiều chẳng dạy dỗ, dạy cho con học thói hư hỏng thì gọi là Hại, chứ chẳng gọi là Từ được! Chuyện này người đời trong trăm kẻ có đến chín mươi chín kẻ không biết. Vì thế, biến thành thời thế tàn sát lẫn nhau này. Nếu như ai nấy đều dạy con đúng đạo thì thế đạo thái bình, chẳng có người xấu. Những kẻ xấu đều là do cha mẹ chúng nó dưỡng thành, tiếc rằng không có ai đề xướng, người biết quá ít, chẳng đáng tiếc lắm thay!), gặp con nói hiếu, gặp anh nói yêu thương, gặp em nói cung kính, chồng hòa, vợ thuận, chủ nhân từ, tớ trung thành, ai nấy trọn hết chức phận, sẽ là thiện nhân.

Lại phải nói với phụ nữ (mà cũng nên nói với nam giới): Phải dạy cho con gái tánh tình mềm mỏng, hòa hoãn từ bé, dẫu gặp chuyện không vừa ý cũng chẳng nổi nóng. Tập quen thành tánh, chẳng những vô cùng có lợi cho chính mình mà gia đình cũng được hòa thuận tốt lành, con cái ắt sẽ chẳng chết yểu, tánh tình hiền thiện, nước nhà vui mừng có được hiền tài.

Nữ nhân tánh tình quá nóng nảy sanh con phần nhiều bị chết hoặc lắm bệnh. Bởi lẽ, hễ nổi đóa lên, sữa liền biến thành chất độc. Nóng giận quá mức, cho con bú nó chết ngay lập tức. Bớt nóng hơn một chút thì nửa ngày sau, một ngày sau nó mới chết. Hơi nóng giận thì con không chết, nhưng chắc chắn cũng sanh bệnh. Đấy chính là sự lý nhất định không thay đổi được! (Hoằng Hóa Nguyệt San số thứ 10 - Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển 1, Thư trả lời sư Minh Tâm)

* Ông muốn lệnh từ vãng sanh Tây Phương, siêu phàm nhập thánh, hãy nên dốc tận sức cúng dường, chí thành đảnh lễ, [phẩm vật dâng cúng Tam Bảo] há nên chỉ có một lò hương, còn đèn đuốc, hoa theo mùa nhất loạt chẳng dùng đến ư? Hơn nữa, ông lễ bái trong hôm bắt đầu [khai thất niệm Phật cầu siêu cho mẹ], sau đó há nên chẳng chú trọng lễ bái nữa ư? Hãy nên mỗi sáng lễ Phật ba lạy, hoặc lạy nhiều hơn, niệm A Di Đà Kinh một biến, Vãng Sanh Chú ba biến hoặc bảy biến, niệm Kệ Tán Phật xong bèn niệm Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi A Di Đà Phật (liền vừa đi nhiễu vừa niệm), [niệm] Nam Mô A Di Đà Phật hoặc một ngàn câu, hoặc năm trăm câu rồi mới ngồi xuống niệm nửa tiếng đồng hồ. Muốn lạy thì khi ngồi niệm xong [hãy lạy]. Lạy Phật hai mươi bốn lạy hoặc bốn mươi tám lạy. Quán Âm, Thế Chí, Thanh Tịnh Đại Hải Chúng mỗi danh hiệu ba lạy. Niệm bài văn phát nguyện, hoặc niệm bài văn phát nguyện của ngài Liên Trì rồi niệm kệ phát nguyện, hoặc niệm kệ trước, niệm bài văn của ngài Liên Trì sau đều được. Xong xuôi, niệm Tam Quy Y, lễ Phật ba lạy, lui ra. Sáng tối đều như thế.

Mỗi ngày ước định bốn thời [tụng niệm], hoặc sáu thời, chỉ bắt đầu bằng niệm Kệ Tán Phật rồi niệm Phật giống như trên. Nếu chỉ thực hiện lễ tụng trong một thất thì chẳng cần chú trọng lễ bái, nhưng nếu làm lâu ngày mà lười nhác, lan man không chương trình, sẽ khó thể tinh tấn được! Khi lễ bái chẳng cần phải niệm ra tiếng, chỉ niệm thầm trong tâm. Khi nhiễu niệm hãy nên niệm ra tiếng, nhưng âm thanh chớ nên quá to để khỏi bị tổn khí. Khi ngồi niệm nếu chẳng hôn trầm thì niệm thầm. Nếu bị hôn trầm thì niệm ra tiếng rõ ràng. Bất luận niệm kinh, niệm Phật, niệm chú Vãng Sanh đều phải tâm và miệng niệm cho rõ ràng, rành rẽ, tai nghe cho rõ ràng, rành rẽ, chẳng để cho có hết thảy ý niệm [khởi lên], giống như sắp chết, bất cứ chuyện gì cũng đều gác ra ngoài. Mỗi phen ăn cơm, trước hết phải cúng Phật, cúng xong rồi mới ăn. Chớ nên ăn quá no, hễ no sẽ hôn trầm. Nói đến nhất tâm thì không phải là chuyên niệm một câu Phật hiệu mới có thể nhất tâm. Nếu tâm đã chịu quy nhất rồi, dù niệm kinh, niệm chú, lễ bái cũng đều là nhất tâm.

Hơn nữa, trong bảy ngày ấy, khi ông ăn cơm, uống nước, đứng, ngồi, chẳng gây trở ngại cho nhất tâm thì niệm kinh, niệm chú, lễ bái sao lại có thể gây trở ngại cho nhất tâm được? Bảy ngày trước khi bế quan, đừng nên ngủ chung với nữ nhân, phải nên ăn thuần đồ chay, đêm nằm chẳng cởi áo, hoặc chỉ cởi áo ngoài, áo quần lót sát mình chớ nên cởi ra. Phàm sau khi đại tiểu tiện phải rửa tay trước, chú trọng giữ tinh khiết. Phàm là trẻ nhỏ, phụ nữ, đều nhất loạt chẳng cho tới212. Thùng dùng cho đại tiểu tiện nên để nơi phòng khác, chớ nên đặt trong căn phòng mình đang ở. Trong vòng bảy ngày, nhất loạt chẳng gặp gỡ ai; ngay cả với người hộ quan cũng chỉ dặn dò công chuyện một hai câu, lòng chẳng được tùy tiện trò chuyện. (Hoằng Hóa Nguyệt San số thứ 10 - Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển 2, Thư trả lời cư sĩ Úc Trí Lãng)

* Con người cùng một cái tâm này, tâm cùng một lý này, chúng sanh và Phật chẳng hai, thánh - phàm như một. Thánh nhân đạo Nho đạo Thích là những bậc đã thấu hiểu “tâm của chúng ta giống hệt như nhau” trước hết, thương xót chúng sanh vì mê hoặc nên chưa ngộ được [lý ấy], chưa thụ dụng được. Do vậy, mỗi vị đều lưu lại ngôn giáo để dẫn dắt, khơi gợi, mong sao ai nấy đều đích thân chứng được lý đó. Lại còn dùng tiên giác để giác kẻ hậu giác. Nhưng đạo Nho chú trọng cách xử thế nên chú trọng giảng về luân thường, đối với lý tột bực về tâm tánh bất quá chỉ trình bày đại lược đầu mối mà thôi! Nếu có thể nghiên cứu Phật học đến tột cùng, hễ có sở ngộ, lãnh hội thì ngay trong luân thường xử sự hằng ngày sẽ không một điều nào chẳng thấm đẫm Nhất Chân, đâu đâu cũng gặp nguồn. Vì thế, xưa nay những vị lập đại công, dựng đại nghiệp, lòng tinh trung chói lòa nhật nguyệt, hạo khí lấp trời đất, phần nhiều là do học Phật đắc lực mà ra. Đó gọi là “chẳng biết đến Phật pháp sẽ không thể nào biết đạo Nho được!” Chẳng biết đến cái hay của pháp xuất thế sẽ không có cách nào xử thế trọn vẹn được!

Đạo Thích đặt nặng xuất thế; vì vậy, toàn bộ luân thường thế gian và lẽ tột bực về tâm tánh mỗi mỗi đều nêu tỏ đến triệt để, tùy theo căn cơ mà lập giáo, đối bệnh phát thuốc, ngõ hầu hết thảy chúng sanh ai nấy tùy theo cơ nghi đều được lợi ích thật sự. Do đấy, gặp cha nói Từ, gặp con nói Hiếu, anh nhường, em kính, chồng hòa, vợ thuận, chủ nhân từ, tớ trung thành, mỗi mỗi đều dạy về nhân đời trước, quả hiện tại, nhân hiện tại, quả đời sau, khiến cho con người có muốn làm ác cũng chẳng dám, không muốn làm điều thiện cũng không thể được! Nếu ai nấy đều biết nghĩa này, há luân thường chẳng được chỉnh đốn, thiên hạ thái bình ư?

Phật pháp dạy về Nhân Thừa, Thiên Thừa mà hiệu quả còn được như thế ấy, nếu lại xét đến lợi ích của Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật Thừa, há còn có thể suy lường được ư? Điều đáng tiếc là Tống Nho hẹp lượng! Do học Phật pháp, họ hiểu được tâm pháp của thánh nhân, nhưng muốn suy tôn Nho giáo bèn ngược ngạo bài bác Phật pháp. Thật ra, về căn bản, họ bài bác là vì muốn cho con người thành ý chánh tâm, trọn hết tình nghĩa, bổn phận; nhưng nhân quả ba đời, luân hồi lục đạo chính là thật lý, thật sự trong thiên hạ xưa nay. Nếu con người biết điều này, há có dám trái tâm nghịch lý để chuốc lấy tội lệ đến nỗi tương lai bị đọa vào chỗ chẳng vừa ý, ắt sẽ tự nhiên chánh tâm, thành ý, trọn hết tình nghĩa, bổn phận! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ, Lời tựa cho tác phẩm Chánh Học Khải Mông Tam Tự Tụng Tề Chú)



Каталог: Luan -> aqvstambien
Luan -> Phần mở đầu Tính cấp thiết của đề tài
Luan -> Như mọi quốc gia trên thế giới, bhxh việt Nam trong những năm qua được xem là một trong những chính sách rất lớn của Nhà nước, luôn được sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của Đảng và Nhà nước
Luan -> TS. NguyÔn Lai Thµnh
Luan -> Luận văn Cao học Người hướng dẫn: ts. Nguyễn Thị Hồng Vân
Luan -> MỞ ĐẦu tính cấp thiết của đề tài
Luan -> 1 Một số vấn đề cơ bản về đất đai và sử dụng đất 05 1 Đất đai 05
Luan -> Lê Thị Phương XÂy dựng cơ SỞ DỮ liệu sinh học phân tử trong nhận dạng các loàI ĐỘng vật hoang dã phục vụ thực thi pháp luật và nghiên cứU
Luan -> Tính cấp thiết của đề tài
aqvstambien -> Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên Quyển 1 印光 法 師文 鈔 參 編 卷 一

tải về 2.15 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   ...   22




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương