MỘt vài kinh nghiệm loan tin mừng qua con đƯỜng đẠo hiếU


KHÓ KHĂN VÌ GIÁN ĐOẠN PHẢ LIỆU - NHỮNG ĐƯỜNG DẪN CO DÃN



tải về 0.73 Mb.
trang7/10
Chuyển đổi dữ liệu15.08.2016
Kích0.73 Mb.
#20244
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

07
KHÓ KHĂN VÌ GIÁN ĐOẠN PHẢ LIỆU - NHỮNG ĐƯỜNG DẪN CO DÃN


Khi mở rộng vòng giao lưu tới anh chị em đồng tộc ngoài Công giáo, ta sẽ thấy khó khăn trong việc phục hồi gia phả là chuyện chung của các gia tộc hiện nay, không riêng gì lương hay giáo.

Bản gia phả chi tộc chúng tôi đã được chuyển dịch sang chữ Quốc ngữ khoảng năm 1950. Tiếc thay nó đã bị mối mọt phá hủy. Sự kiện ấy giúp tôi đồng cảm với những nhóm mất hẳn gia phả, do chiến tranh, nghèo đói, không được đi học...

Hiện nay ở huyện quê nhà của tôi có nhiều gia đình Công giáo mang cùng họ và cùng chữ lót với gia tộc chúng tôi, chưa kể nhiều gia đình cùng họ nhưng khác chữ lót, cũng bị mất gia phả như chúng tôi. Mỗi nhóm chỉ có thể quy tụ quanh những vị tổ gần đây hiện còn biết được nhưng khó mà xác định liên hệ thế thứ giữa vị tổ nhóm mình với những vị tổ các nhóm khác. Về mặt tâm tình đồng tộc, họ không ngần ngại nhận mình phát xuất từ cùng một vị trưởng tộc đã theo Công giáo cách nay khoảng 300 năm, là Hiển Dương Hầu Võ Tá Cảnh, nhưng do thiếu phả liệu nên không sao nối kết thành một hệ thống chung.

Từ đó, tôi đề ra khái niệm "đường dẫn co dãn", có nghĩa là những gia đình nào muốn đều có thể tiếp tục viết bản gia phả của chính mình, bằng cách nối một đường dẫn co dãn từ tổ Võ Tá Cảnh đến vị tổ cao nhất mà gia đình ấy hiện còn biết được. Ví dụ nơi gia phả phía cha tôi, đường dẫn ấy sẽ nối từ tổ Võ Tá Cảnh cho đến tổ Võ Tá Dinh (tôi là cháu đời thứ năm), còn phía họ Võ của các cậu tôi và mẹ tôi đường dẫn sẽ nối thẳng từ tổ Võ Tá Cảnh đến tổ ngoại tôi là cụ Luca (tôi là cháu đời thứ tư).

Khi tôi mới nêu giải pháp này vào năm 1997, nhiều người còn ngần ngại. Thế nhưng, dịp tế Thanh Minh 2010, hầu hết các nhánh họ Võ tại giáo xứ quê tôi đều đã có mặt tại từ đường đại tôn (do bà con người lương đảm nhiệm) ở Hà Hoàng.

Nếu mỗi gia đình hiện nay đều có thể tự mình nối một đường dẫn co dãn như thế để tiếp tục viết gia phả, thì ai có thẩm quyền thừa nhận rằng gia đình ấy đúng là người trong họ? Theo tinh thần anh em về họp mặt trong những năm qua, sẽ không ai đặt vấn đề thừa nhận, ngược lại ai nấy đều vui mừng mỗi khi có thêm những anh em đồng cảm cả trong tâm tình đối với tổ tiên và tâm tình đối với hậu thế. Nói cách khác, bên cạnh những nỗ lực tìm ghi lại quá khứ, hiện còn có một xu thế coi trọng một gia phả tinh thần ít ra cũng ngang hàng với một gia phả bằng chữ viết.

Thật vậy, nếu phục hồi được những chứng liệu về một chuỗi liên hệ huyết thống đầy đủ và xác thực thì quý biết bao. Thế nhưng có lẽ đó không phải là mục đích duy nhất của việc thực hiện gia phả và, đàng khác, nhiều khi đó là điều không thể làm được. Ta liên kết là để thêm tình thêm nghĩa, chứ chẳng có gì để gọi là quyền lợi hay bổn phận. Nếu cứ khăng khăng phải tìm cho được chứng liệu liền mạch, chắc hẳn sẽ đến lúc người ta đành phải chia tay vì không thể nào còn giữ được những chứng liệu như thế.

Ngày nay, ai cũng hiểu rằng chuyện một mẹ trăm con chỉ là huyền thoại chứ không phải là gia phả thật. Công dụng của câu chuyện là tạo cơ sở để bất cứ gia đình nào cũng có quyền nối chính mình vào cội nguồn Âu Lạc.

Đường dẫn co dãn là chuyện bình thường trong gia phả học Kinh Thánh. Tại Trung Đông, xã hội du mục hơn 3000 năm trước đây đòi các bộ lạc phải nương vào nhau để sinh tồn. Các bộ lạc yếu tìm liên kết với các bộ lạc mạnh. Người ta thường khẳng định liên hệ giữa hai bộ lạc bằng một đường dây gia phả nào đó. Nghiên cứu kỹ, người ta khám phá ra rằng nhiều bản gia phả có phần nhập đề rất giả tạo, mối dây liên kết các bộ lạc trong thời điểm viết gia phả rất lỏng lẻo. Dù vậy, mối dây ấy cần thiết để biện minh cho sự liên kết và để tạo cho thành viên đôi bên cái tâm lý "máu loãng còn hơn nước lã" và thật sự quan tâm đến nhau.

Vấn đề trước mắt của chúng ta là với những mảnh vụn gia phả còn may mắn giữ được, làm sao để tìm ra những mối liên hệ thân tình giữa các nhánh cùng dòng họ? Và hơn nữa, làm sao có thể nối kết khi người ta chẳng còn một mảnh vụn nào? Trong thực tế, tại những thôn xã có từ đường một dòng họ nào đó, ngay bên cạnh từ đường có thể vẫn có những gia đình đồng tộc đã gián đoạn liên lạc không biết từ bao giờ, lại cũng có những gia đình đồng tộc từ đâu khác mới đến được vài ba đời... Có nơi người phụ trách từ đường đã chủ động đến thăm và mời những gia đình lẻ loi như thế cùng đến dự tế hiệp, vì dù nhiều hay ít, cách này hay cách khác, vẫn có một liên hệ đồng tộc.

Nếu giấy trắng mực đen còn đó và chỉ một số ít gia đình nối được tên mình vào chuỗi gia phả thì số ít này dễ gặp nguy cơ kiêu hãnh, tự hào mình là “của thật”, những anh em khác là “của giả”. Nay cái giấy trắng mực đen kia thành cát bụi, mọi người đều lạc mối như nhau thì cũng đều có thể tự nối với gốc tổ một cách bình đẳng và đồng thời cũng là một cách khiêm nhường, theo tình chứ không theo lý.

Những liên hệ có tính tương đối như thế sẽ giúp người trong cuộc tự hỏi tại sao không đi xa hơn, nối tiếp những đường dẫn co dãn cho tới con người đầu tiên của lịch sử, cho tới nguyên tổ Ađam để gặp được Cội Nguồn tuyệt đối là Cha Cả trên trời?

Như thế ta có thể tìm được ở đây thêm một minh họa cho học thuyết của các vị Tiến sĩ Hội thánh thuộc Dòng Cát Minh về sự thanh tẩy chủ động và sự thanh tẩy thụ động. Ông Abraham đã tự nguyện lìa bỏ quê cha đất tổ, lên đường theo tiếng Chúa gọi và gặp được Thiên Chúa là Cội Nguồn và Đích Điểm. Ông tự nguyện thanh tẩy khỏi những vấn vương trần thế. Còn chúng ta, dù tha thiết với những cội nguồn nhân loại đến mấy cũng không sao tìm lại được; Thiên Chúa đã dùng ngoại cảnh, cắt đứt chúng ta với những cội nguồn ấy, rồi khi ta đang hụt hẫng bơ vơ thì Ngài lại soi sáng cho ta nhận biết Ngài là Cội Nguồn đích thật. Chính Thiên Chúa thanh tẩy và tước đoạt. Nếu ta thuận tình chiều theo sự dẫn dắt ấy của Ngài, Ngài sẽ đích thân đưa ta về với Ngài. Nhu thế, cả thái độ tự nguyện lẫn thái độ thuận tình đều giúp nhận được đức tin.

08
MỤC TIÊU, ĐỊNH HƯỚNG VÀ KINH NGHIỆM SINH HOẠT LIÊN KẾT DÒNG HỌ


Năm 2009, cụ Võ Huề ghé thăm tôi. Cụ là hậu duệ của tiền hiền Võ Lực, mộ hiện ở nghĩa trang giáo xứ Phú Hữu, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Tôi chia sẻ với cụ về sinh hoạt liên kết họ Võ hiện nay ở khắp trong nước và hải ngoại. Cụ thấy ngay đó là một nỗ lực rất tích cực có thể góp phần giáo dục hữu hiệu cho lớp trẻ. Do đó, cụ đã năng nổ liên lạc và vận động để có được cuộc họp mặt một số bà con Công giáo họ Võ vào dịp sinh nhật Tổ Võ Hồn, ngày mùng 8 tết Canh Dần, 2010.

Cuộc họp mặt đã đề cử ra một ban liên lạc họ Võ Công giáo tỉnh Bình Định, chuẩn bị cho những cuộc họp mặt về sau. Thế rồi chúng tôi đã có ngày Võ Tộc Công Giáo Bình Định lần thứ hai, vào mùng 8 tết Tân Mão, 2011 và lần thứ ba vào mùng 8 tết Nhâm Thìn, 2012.

Trong cuộc sinh hoạt lần thứ hai, trước các đại biểu cả người giáo và người lương, ông Trưởng ban Liên lạc Võ tộc Công giáo tỉnh Bình Định đã nêu lên những mục tiêu rất thiết thực của việc liên kết dòng họ:

- Mục tiêu thứ nhất là để động viên nhau sống tốt, không làm ô danh tổ tiên. Đây là điều quan trọng và cần thiết trong hoàn cảnh giáo dục đầy khó khăn ngày nay.

- Mục tiêu thứ hai là để nhắc nhau xây dựng tình gia đình và gia tộc thật ấm cúng đậm đà. Đây cũng là điều rất quan trọng. Do ảnh hưởng văn minh tiêu thụ, chạy theo tiền bạc, nhiều gia đình dễ tan vỡ. Cùng với lời dạy và sự nâng đỡ tinh thần của Hội Thánh, chính các gia tộc phải tích cực nhắc nhở nhau và giúp nhau vượt qua khó khăn để bảo đảm hạnh phúc gia đình.

- Mục tiêu thứ ba là để gia tăng tình thân ái với các anh chị em đồng tộc trong cũng như ngoài Hội Thánh Chúa, để từ chỗ chu toàn đạo hiếu dưới đất với tổ tiên, chúng ta sống trọn đạo hiếu thảo với Cha Cả trên trời là Cha chung của hết mọi người. Trước kia, người Công giáo bị gián đoạn việc thờ cúng Ông Bà theo cách cổ truyền, suốt hơn 200 năm, khiến nhiều người lương hiểu lầm rằng theo Đạo là bỏ ông bỏ bà. Nay những khó khăn đã qua, Giáo Hội đã cho phép người Công giáo Việt Nam lập lại việc thờ cúng cổ truyền, ta cần giao lưu gặp gỡ để giải tỏa sự ngộ nhận đáng tiếc.

Theo hướng ấy, chúng tôi đề xuất những điểm sau đây để chúng ta cùng trao đổi cho sáng rõ thêm.

1. Trong năm nay, cố gắng giới thiệu sinh hoạt của chúng ta tới bà con đồng tộc trong giáo xứ. Cụ thể là mượn sổ của giáo xứ, lọc ra một danh sách các gia đình Võ tộc.

2. Gặp riêng từng người, kể về sinh hoạt của chúng ta hôm nay và cùng thảo luận hướng tới tương lai.

3. Xin photocopy tờ hướng dẫn làm gia phả và phát cho các gia đình. Qua chiến tranh, gia phả hầu hết bị thất lạc và gián đoạn. Mỗi gia đình nên chủ động xây dựng lại gia phả, sớm ngày nào hay ngày đó, vì càng để lâu, các bô lão qua đi, ta sẽ không biết hỏi ai.

4. Anh chị em Võ tộc cùng giáo xứ nên xin cha sở một thánh lễ cầu cho kẻ sống và kẻ chết trong Võ tộc địa phương mình, rủ nhau đi thật đông.

5. Sau thánh lễ ấy, có thể gặp gỡ sinh hoạt và bầu ra một ban đại diện. Ban đại diện nên chọn người trẻ, có uy tín nhờ khả năng và tư cách đạo đức.

6. Chú ý mời gọi lớp trẻ tham gia sinh hoạt Võ tộc tại giáo xứ cũng như liên xứ. Chính lớp trẻ sẽ là tương lai của dòng họ.

7. Có nhiều chị em con gái và con dâu họ Võ rất nhiệt tình với sinh hoạt dòng họ. Xin đặc biệt lưu tâm và mời những người ấy giúp việc chung của dòng họ.

8. Gặp gỡ người phụ trách từ đường Võ tộc tại địa bàn giáo xứ, tại xã hoặc huyện mình, không phân biệt lương hay giáo, để xin sao chụp gia phả, phiên dịch và tham khảo để tìm nguồn cội.

Tại mỗi giáo xứ, hằng năm nên có một ngày sinh hoạt, tốt nhất là vào ngày lễ một vị thánh trong dòng họ. Nên mời tất cả các gia đình đồng tộc trên địa bàn giáo xứ, cùng con dâu và con rể. Nên mời cả bà con đồng tộc ngoài Công giáo cùng tham gia, đồng thời cũng nên tích cực nhận lời mời tham gia các sinh hoạt đồng tộc của các anh chị em ngoài Công giáo.

Nội dung chính là thánh lễ và giờ gặp gỡ trước hoặc sau thánh lễ.

Nhiều làng có hương ước, nhiều nhánh tộc họ có tộc ước. Các quy ước thành văn có cái hay của nó nhưng cũng có lắm điều phức tạp. Sinh hoạt của chúng ta chỉ giản dị là động viên lòng hiếu thảo và hiếu học, vì thế nên tránh viết thành nội qui với những điều lệ rắc rối. Cần giữ cho sinh hoạt luôn mang tính tự do, không ràng buộc.

Chỉ cần đề cử một ban liên lạc để tổ chức và nhắc anh chị em tham gia. Ban liên lạc làm việc với tinh thần tự nguyện, vô vụ lợi.

Không nên gây quỹ. Mỗi lần sinh hoạt sẽ xin bà con đóng góp tùy hảo tâm. Nếu bị hụt thì xin thêm cho đủ, nếu dư thì ban liên lạc sẽ quyết định sử dụng vào việc gì có ý nghĩa nhất, trong thời gian sớm nhất, không giữ lại.




tải về 0.73 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương