MỘt số TÌnh hình thời sự quốc tế, trong nưỚc quý i-2016 (Tài liệu phục vụ Hội nghị báo cáo viên tháng 4/2016) I- tình hình thế giớI


- Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (HĐBA LHQ) đã bỏ phiếu nhất trí thông qua Nghị quyết trừng phạt CHDCND Triều Tiên ngày 02/3/2016



tải về 248.16 Kb.
trang2/4
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích248.16 Kb.
#31289
1   2   3   4

- Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (HĐBA LHQ) đã bỏ phiếu nhất trí thông qua Nghị quyết trừng phạt CHDCND Triều Tiên ngày 02/3/2016.

Đây là nghị quyết trừng phạt thứ 5 của HĐBA LHQ dành cho Triều Tiên, kể từ vụ thử hạt nhân đầu tiên năm 2006 đến nay. Nội dung Nghị quyết bao gồm việc siết chặt kiểm tra các phương tiện chở hàng hóa xuất nhập cảnh vào Triều Tiên trên cả đường bộ, đường biển và đường hàng không; cấm chuyển giao vũ khí loại nhỏ cùng những loại vũ khí tiêu chuẩn khác cho Triều Tiên; trục xuất những nhà ngoại giao của Triều Tiên đang tham gia vào “các hoạt động bất hợp pháp”; cấm xuất khẩu than, sắt, vàng, titanium, vanadium... Ngoài ra, Nghị quyết còn cấm tất cả các nước mở chi nhánh mới, công ty con và các văn phòng đại diện của ngân hàng ở Triều Tiên và cấm các tổ chức tài chính thiết lập liên doanh hoặc duy trì các mối quan hệ đại lý với các ngân hàng này; yêu cầu các nước đóng cửa tất cả các ngân hàng hiện có của Triều Tiên và chấm dứt tất cả các mối quan hệ ngân hàng trong vòng 90 ngày…

Sau khi Nghị quyết được thông qua, Tổng thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-moon yêu cầu Triều Tiên “cần quay lại việc tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ quốc tế của mình”. Các nước Mỹ, Anh, Nga, Trung Quốc ủng hộ Nghị quyết của HĐBA LHQ và cho rằng Nghị quyết này đã mở ra một tiến trình chính trị vững chắc để giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sau khi nước này rút khỏi các cuộc đàm phán năm 2008.

- CHDCND Triều Tiên đã phóng 6 tên lửa vào sáng 3/3/2016, chỉ vài giờ sau khi Hội đồng Bảo an LHQ nhất trí thông qua lệnh cấm vận mới đối với Bình Nhưỡng. 

Bộ tham mưu quân đội Hàn Quốc cho biết: Triều Tiên phóng 6 quả tên lửa, bay khoảng từ 100 - 150km trước khi chúng rơi xuống vùng biển Triều Tiên. 

Người phát ngôn Moon Sang-gyun của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói vụ phóng này từ thành phố duyên hải Wonsan của Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Mỹ nói đã nhận báo cáo và đang giám sát tình hình. 

Theo hãng tin AP, Triều Tiên thường phóng thử tên lửa, nhưng cũng thường phóng nhiều tên lửa quân sự khi phản ứng trước những sự lên án của quốc tế.


5- Khu vực ASEAN

- Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tổ chức ngày 27/02/2016 tại thủ đô Viêng Chăn (Lào), với chủ đề “Biến tầm nhìn thành hiện thực vì một Cộng đồng ASEAN năng động”.

Đây là hội nghị ASEAN đầu tiên trong năm với vai trò Chủ tịch ASEAN 2016 của Lào và là Hội nghị đầu tiên của ASEAN sau khi ASEAN thành lập Cộng đồng chung (31/12/2015). Hội nghị thảo luận các biện pháp triển khai hiệu quả Tầm nhìn ASEAN 2025 và các Kế hoạch Tổng thể về ba trụ cột của Cộng đồng, nhất là Cộng đồng Chính trị-An ninh.

Các nước nhất trí xác định các lĩnh vực và biện pháp ưu tiên trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, xây dựng lộ trình triển khai cụ thể, huy động và phân bổ nguồn lực phù hợp, tăng cường các cơ chế giám sát và điều phối ở cả cấp quốc gia và khu vực; củng cố đoàn kết, thống nhất của ASEAN, phát huy vai trò chủ đạo của ASEAN trong việc duy trì hòa bình, an ninh khu vực; đẩy mạnh đối thoại, hợp tác, tăng cường lòng tin, hiểu biết và sự tin cậy giữa các nước; nâng cao năng lực của ASEAN nhằm ứng phó kịp thời và hữu hiệu với các thách thức đang và sẽ đặt ra; tăng cường quan hệ giữa ASEAN với các đối tác. 

Về vấn đề Biển Đông, các đại biểu chia sẻ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp đã, đang diễn ra ở Biển Đông, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; không quân sự hóa, kiềm chế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và đạt tiến triển thực chất trong việc thực hiện Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).



- Đối thoại ASEAN về luật pháp quốc tế

Ngày 17/3/2016, tại Gia-các-ta, In-đô-nê-xi-a, đã diễn ra Đối thoại ASEAN về luật pháp quốc tế: Tăng cường các quy định của pháp luật trong khu vực đối với luật quốc tế về biển.

Sự kiện do Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS) tổ chức, với sự tham dự của hơn 100 đại biểu gồm các chuyên gia quốc tế về Luật Biển, về Biển Đông, các nhà hoạch định chính sách, nhà ngoại giao, các học giả và giới nghiên cứu cùng hơn 20 Đại sứ và đại diện Phái đoàn thường trực các nước tại ASEAN...

Các đại biểu cho rằng, trước hết, các nước cần phải dựa vào Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, dựa vào Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sắp tới cần phải sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và giải quyết các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông dựa trên các cơ sở pháp lý. Đây là một giải pháp lâu dài và sẽ gặp rất nhiều cản trở, đòi hỏi sự nỗ lực của các bên liên quan. 

Tại diễn đàn, Đại sứ Việt Nam tại In-đô-nê-xi-a Hoàng Anh Tuấn cho biết: Khi các nước ngồi lại với nhau sẽ bàn các biện pháp hợp tác, tháo gỡ các tranh chấp, đây là yếu tố thúc đẩy hợp tác và thúc đẩy hòa bình. Tuy nhiên, nguy cơ căng thẳng vẫn có thể xảy ra vì có nước chưa nhìn thấy lợi ích lâu dài của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đem lại hòa bình ổn định trong khu vực. UNCLOS 1982 đã yêu cầu, khuyến khích các quốc gia sử dụng các kênh khác nhau, từ song phương, khu vực, quốc tế. Song phương là kênh quan trọng, nhưng khi kênh này không đem lại kết quả thì các nước có quyền sử dụng các kênh khác nhau để bảo đảm lợi ích của mình. 

Nhiều ý kiến tại đối thoại cũng nhất trí rằng, Biển Đông là vấn đề liên quan đến an ninh khu vực và mối quan hệ giữa nhiều quốc gia, chính vì vậy ASEAN đóng vai trò không thể xem nhẹ trong những diễn biến của tình hình khu vực Biển Đông, trong đó có các vấn đề như: Giải quyết xung đột, tội phạm hàng hải xuyên quốc gia, an ninh tài nguyên biển, an ninh môi trường hàng hải trong khu vực…



- Tình hình Myanma

Ông Htin Kyaw (Tin Chô) bạn thân của bà Aung San Suu Kyi trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên không xuất thân từ quân đội Myanmar.

Đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi thắng lớn ở kỳ bầu cử quốc hội Myanmar hồi tháng 11.2015, giành đa số ghế ở thượng và hạ viện Myanmar, kết thúc 50 năm thống trị của chế độ quân sự.  

Hiến pháp do chế độ quân sự cũ soạn cấm bà Aung San Suu Kyi trở thành tổng thống, vì bà có chồng và 2 con trai mang quốc tịch nước ngoài.

Bà Aung San Suu Kyi đã hứa sẽ điều hành đất nước Myanmar thông qua một người thân cận. NLD đề cử ông Htin Kyaw, người từng điều hành một quỹ từ thiện do bà lập. Ông cũng là một người thân cận trong nhóm của bà kể từ giữa thập niên 1990.

Ngày 17/3/2016, Tổng thống đắc cử của Myanmar Htin Kyaw (Tin Chô) đã trình Quốc hội liên bang kế hoạch đề xuất về thành lập chính phủ mới. Động thái này là một phần trong tiến trình chuẩn bị cho việc nhậm chức của ông Htin Kyaw vào cuối tháng 3/2016.

Ngày 24/3/2016, Quốc hội liên bang Mi-an-ma đã thông qua danh sách 18 bộ trưởng, trong đó có Chủ tịch đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền, bà A-ung Xan Xu Chi (Aung San Suu Kyi).

Những bộ trưởng này sẽ lãnh đạo 21 bộ trong chính phủ của Tổng thống đắc cử U Tin Chô (U Htin Kyaw). 



6- Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP):

Ngày 04/02/2016, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được 12 nước thành viên ký kết tại Niu Dilân, kết thúc quá trình đàm phán kéo dài nhiều năm. Nhiều nghiên cứu của các tổ chức trong và ngoài nước cho rằng, Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất khi TPP được thực thi, nhất là trong lĩnh vực thương mại hàng hoá, thu hút dịch vụ và đầu tư. Dự báo, TPP sẽ giúp xuất khẩu Việt Nam tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025 nhờ cơ hội mở rộng thị phần với các thị trường lớn như Mỹ, Canada, Nhật Bản… khi thuế nhập khẩu được hạ về mức 0%.

TPP bắt đầu được đàm phán từ tháng 3/2010, gồm 12 quốc gia: Ô-xtrây-li-a, Bru-nây, Ca-na-da, Chi-lê, Nhật Bản, Malaysia, Mê-hi-cô, Niu Zilân, Pê-ru, Xinh-ga-po, Mỹ và Việt Nam. Quá trình đàm phán đã được hoàn tất vào tháng 10/2015, đến tháng 11/2015, toàn văn Hiệp định đã được tất cả các nước thành viên đồng loạt công bố. Các vấn đề được nêu ra gồm: quyền sở hữu trí tuệ, luật đầu tư nước ngoài, tiêu chuẩn môi trường và lao động, chính sách thu mua, cạnh tranh và công ty quốc doanh, quy trình xử lý tranh chấp. Sau khi hoàn tất, Hiệp định sẽ bao phủ khoảng 40% kinh tế toàn cầu và bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm.



7- Tình hình Virus ZIKA

Nhiễm virus Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi Aedes truyền và có thể gây dịch. Bệnh phát hiện trên khỉ Rhesus ở Uganda vào năm 1947 và phát hiện trên người vào năm 1952 tại Uganda và Tanzania. Virus Zika có thể gây hội chứng não bé ở trẻ sinh ra từ những người mẹ mắc bệnh trong thời kỳ mang thai và cũng có thể gây ra chứng rối loạn thần kinh nguy hiểm.

Đây là phát hiện mới đáng lo ngại về Zika, loại virus hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắcxin phòng bệnh.

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh do virus Zika hiện đang diễn biến phức tạp và lây lan nhanh. Tính đến ngày 1/3/2016 đã có 46 quốc gia ghi nhận các trường hợp lây nhiễm và cảnh báo quy mô lây lan virút Zika có thể rộng hơn, bởi muỗi Aedes - vật trung gian lây truyền virus Zika đã xuất hiện tại 130 quốc gia trên thế giới. Hiện tại, Brazil là quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của virus Zika, với 1,5 triệu người bị lây nhiễm và khoảng hơn 640 trường hợp trẻ em bị mắc chứng đầu nhỏ tính từ tháng 10-2015; Colombia có hơn 37.000 trường hợp lây nhiễm, trong đó 6.356 thai phụ. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), virus Zika xuất hiện tại hơn 30 quốc gia ở khu vực Mỹ Latinh và vùng Caribe, có thể gây thiệt hại kinh tế lên tới 4 tỷ USD.

Đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nhiễm virus Zika nào, tuy nhiên khả năng xâm nhập virus Zika vào Việt Nam là hoàn toàn có thể. Để công tác phòng, chống dịch hiệu quả, Bộ Y tế đề nghị, giám sát chặt chẽ tất cả các đối tượng đi từ vùng dịch về nếu phát hiện có các triệu chứng bất thường; các đơn vị chức năng của Bộ phải thường xuyên liên hệ chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới về những diễn biến mới liên quan đến dịch bệnh Zika; tăng cường quản lý hóa chất, giám sát tình hình dịch bệnh từ các địa phương, tiến hành tổ chức tập huấn giám sát cho các cơ sở, đơn vị, địa phương; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, thông tin tới người dân một cách nhanh chóng và chính xác để người dân có thể chủ động phòng chống dịch bệnh. Bộ Y tế cũng đưa ra khuyến cáo với công dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, phụ nữ đang có ý định mang thai nếu không có việc cần thiết thì không đi đến các vùng lưu hành dịch bệnh Zika.​​ Đối với các sản phụ, hai tháng đi siêu âm một lần, nếu phát hiện có bất thường cần lấy mẫu xét nghiệm để có xử lý kịp thời.

8- Nước Anh muốn rút khỏi Liên minh châu Âu

Sau nhiều thập niên mở rộng không ngừng và phát triển thịnh vượng, Liên minh châu Âu (EU) đang đối diện với nhiều thử thách lớn. Trong 02 ngày từ 18 - 19/02/2016, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra tại Brúc-xen (Bỉ), các nhà lãnh đạo EU đã tranh luận gay gắt với nhau để tìm kiếm một sự đồng thuận về cam kết cải cách, nhằm giữ chân nước Anh, một thành viên quan trọng của Liên minh. Tuy nhiên, việc nước Anh ra khỏi hay ở lại EU sẽ được người dân Anh quyết định trong kỳ trưng cầu dân ý diễn ra vào ngày 23/6/2016.



Các chuyên gia quốc tế đã đưa ra 5 lý do khiến Anh muốn ra khỏi EU là:

Thứ nhất, kiểm soát nhập cư: nhập cư đang là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của cử tri Anh. Hiện nay, có hơn một nửa số người nhập cư vào Anh đến từ EU, chủ yếu từ các nước Đông Âu (Ba Lan, Ru-ma-ni, các nước Ban Tích…) do Quy chế tự do lưu thông trong nội bộ EU đang gây khó khăn cho chính sách an sinh xã hội và bảo đảm an ninh nội địa của nước Anh. Do vậy, nước Anh đang muốn siết chặt hơn qui định nhập cảnh và tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát trở lại khu vực biên giới với các nước trong EU của mình.

Thứ hai, khôi phục chủ quyền: Trong tư tưởng của người Anh, chủ quyền dân tộc là rất thiêng liêng. Người Anh lên án tính thiếu dân chủ của các quyết định được gọi là Ủy ban châu Âu (EC) không được người dân bầu lên. Nhiều người Anh cứng rắn đòi phải có quyền phủ quyết đối với các quyết định của EC và đề nghị đưa quyền được ra quyết định trở về cho Quốc hội Anh. Họ coi thường các quyết định chính trị thông qua bằng đồng thuận của 28 nước, thông qua Tòa công lý hay Tòa nhân quyền châu Âu về một chính sách đối ngoại hoặc quốc phòng chung.

Thứ ba, không muốn tiếp tục đi trên con tàu đang bị chìm: Mặc dù không tham gia khu vực đồng Euro, nhưng Anh cảm thấy tình hình khủng hoảng khu vực này chưa chấm dứt, cộng với tình hình nợ của Hy Lạp và vấn đề nhập cư đang làm cho EU ngày càng mất vị thế. Từ hai năm nay, nhờ năng động kinh tế, Anh đang lấy lại đà phục hồi và muốn tách khỏi EU để phát triển tốt hơn.

Thứ tư, muốn thoát khỏi những qui định của EU: Các công ty đa quốc gia ủng hộ Anh ở lại EU, nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Anh phàn nàn về những qui trình, qui phạm do EU áp đặt làm hạn chế tự do hoạt động của họ. Nông dân Anh phê phán những gò bó của chính sách nông nghiệp chung; ngư dân kêu ca về những hạn chế đối với họ; ngành y phản đối qui định thời gian làm việc 48 giờ/tuần đối với các bác sĩ hành nghề tại bệnh viện… Nếu Anh ra khỏi EU sẽ tiết kiệm được 1 tỷ Bảng phải đóng góp hàng năm cho ngân sách của EU.

Thứ năm, được tự do thương mại với thế giới: Những người Anh hoài nghi EU cho rằng, thương mại của Anh có thể tốt hơn nếu ở ngoài EU và Anh nên có văn phòng đại diện riêng bên cạnh WTO để ký với các đối tác thương mại nước ngoài, như: Trung Quốc, Ấn Độ, các nước mới nổi châu Á và Mỹ La-tinh và lấy lại vị trí của Anh trên trường quốc tế. Sau khi rời EU, Anh sẽ ưu tiên quan hệ thương mại với các nước trong khối thịnh vượng chung.

9- Hoạt động khủng bố :

- Philippines: Thủ lĩnh của 4 nhóm khủng bố Hồi giáo ly khai tại miền nam Philippines đã tuyên bố trung thành với Abu Bakr al-Baghdadi - tên cầm đầu nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), trong một đoạn video được đăng trên một số trang diễn đàn Hồi giáo từ đầu tháng 1/2016.

Các nhóm này từ lâu tuyên bố sử dụng bạo lực với mục đích tôn giáo và đã từng riêng lẻ lên tiếng ủng hộ quân khủng bố IS. Tuy nhiên, chính quyền Philippines thì cho rằng những nhóm phiến quân này chỉ dùng các tuyên bố tôn giáo để che đậy các hành động phạm tội, trong đó có cả bắt cóc tống tiền, đồng thời phủ nhận mối liên hiện của các nhóm này với khủng bố IS.

- Indonesia: Ngày 14/1/2016, Thủ đô Jakarta bị 3 vụ đánh bom khủng bố liên tiếp. Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Indonesia nói rằng: hiện tại không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy tổ chức khủng bố IS là lực lượng đứng ra tổ chức vụ tấn công khủng bố tại Jakarta hôm nay.

- Bỉ: Ngày 22/3/2016, thủ đô Bruxelles của Bỉ đã rúng động bởi một loạt vụ đánh bom tại sân bay và các ga tàu điện ngầm khiến ít nhất 34 người thiệt mạng và khoảng 300 người bị thương. Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã lên tiếng nhận trách nhiệm thực hiện loạt vụ tấn công. 

Loạt vụ tấn công tại Bruxelles xảy ra vài ngày sau khi cảnh sát Bỉ bắt giữ tên Saleh Abdeslam - nghi can chính trong loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Pa-ri năm ngoái làm 130 người thiệt mạng và hơn 350 người bị thương.

Giới chức Bỉ đã chính thức xác nhận hai anh em trai gồm Khalid và Ibrahim El Bakraoui nằm trong số những thủ phạm tiến hành loạt vụ đánh bom liều chết này. Thủ phạm thứ ba được xác định là Najim Laachraoui, tên này có liên quan tới vụ đánh bom tại Pháp tháng 11 năm ngoái. Ngoài ra, nhà chức trách Bỉ thông báo đã bắt giữ thêm 6 đối tượng tình nghi khác trong các cuộc truy quét mới.

Sau vụ tấn công khủng bố ở Bỉ, an ninh đã được tăng cường tại nhiều nước châu Âu, châu Á, vùng Vịnh và châu Phi. Chủ nghĩa khủng bố đang thách thức và trở thành mối đe dọa toàn cầu.

- Pháp: Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve cho biết, trong một chiến dịch chống khủng bố, cảnh sát nước này vào sáng ngày 24/3/2016 đã bắt giữ một đối tượng ở Argenteuil, khu vực ngoại ô phía Tây Bắc thủ đô Paris.

Công dân Pháp này đã bị bắt do tình nghi "dính líu tới một mạng lưới khủng bố" đang âm mưu tấn công trên lãnh thổ nước Pháp.

Đối tượng trên đã bị theo dõi trong vài tuần và vụ bắt giữ là kết quả của hoạt động hợp tác chặt chẽ và liên tục giữa các cơ quan an ninh châu Âu. Tuy nhiên, không có bằng chứng cho thấy có mối liên hệ nào giữa vụ bắt giữ này với loạt vụ tấn công khủng bố ở Paris và Brussels.

- Pakistan: Ngày 27/3/2016, một vụ nổ bên ngoài một công viên ở thành phố miền Đông Lahore (La-ho), thủ phủ của Punjab (Pun-giáp), thành trì chính trị của Thủ tướng Nawaz Sharif (Na-oa Sa-ríp).

Theo cảnh sát, nguyên nhân xảy ra vụ nổ chưa được làm rõ. Jam Sajjad Hussain - phát ngôn viên lực lượng cứu hộ 112 cho biết ít nhất 10 người đã thiệt mạng và hơn 30 người bị thương trong vụ nổ ở công viên Gulshan Iqbal này. Hầu hết người bị thương là phụ nữ và trẻ em.

Punjab là thành phố lớn và giàu có nhất tại Pakistan, quốc gia 190 triệu dân phải đối mặt với nạn phiến quân Taliban, các băng nhóm tội phạm và bạo lực giáo phái.



II- TÌNH HÌNH BIỂN ĐÔNG

Trung Quốc lộ rõ âm mưu độc chiếm Biển Đông

Thời gian gần đây, Trung Quốc đã triển khai các thiết bị quân sự, vũ khí trên các đảo ở Biển Đông mà Trung Quốc đã dùng vũ lực, chiếm đóng trái phép của Việt Nam. Đây là bước leo thang mới của Trung Quốc trong việc theo đuổi chiến lược quân sự hóa Biển Đông nhằm khống chế và tiến tới độc chiếm Biển Đông. Động thái trên đây đã làm gia tăng lo ngại cũng như căng thẳng trong khu vực trái với những thỏa thuận cấp cao hai nước Việt - Trung và kiến nghị 10 điểm mà Trung Quốc đề xuất tại Cuộc họp lần thứ 47 giữa ASEAN với các đối tác (tháng 8/2015). Mưu đồ đó được cụ thể hóa bằng các chiến lược:



Thực hiện chiến lược chuyển giai đoạn từ hợp tác sang cạnh tranh

Theo giới nghiên cứu, để hiện thực hóa tham vọng “đường lưỡi bò”, Trung Quốc đã xác định 3 mục tiêu và 3 giải pháp chính là:



Thứ nhất, chủ trương “hợp nhất khu vực”, quan hệ Trung Quốc - ASEAN được Trung Quốc coi là ưu tiên hàng đầu, nhằm thực thi một phần trong chính sách “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc. Sự hợp nhất khu vực sẽ bao gồm cả chính trị và kinh tế.

Thứ hai, chính sách “kiểm soát tài nguyên” là mục tiêu Trung Quốc hướng tới nhằm nâng cao an ninh tài nguyên lâu dài và bảo đảm sự kiểm soát hầu hết tài nguyên sinh vật và vi sinh vật ở Biển Đông. Việc công bố “đường lưỡi bò” (2010), cắt cáp tàu Bình Minh 02 của Việt Nam (2012), sự kiện Bãi Cỏ Mây ở Phi-líp-pin (2013) và hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 (2014) đều nằm trong chuỗi các vấn đề tư duy về an ninh tài nguyên biển và chiến lược giành quyền kiểm soát tài nguyên ở Biển Đông.

Thứ ba, chính sách “an ninh nâng cao” là mục tiêu của Trung Quốc nhằm bảo đảm sự kiểm soát của họ đối với Biển Đông, tạo ra một vùng đệm an ninh biển để bảo vệ các trung tâm dân số lớn thuộc các vùng công nghiệp và văn hóa khu vực duyên hải phía Đông của Trung Quốc. Những hành động gần đây cho thấy Trung Quốc đang thể hiện ý định “an ninh nâng cao” của họ bằng cách cạnh tranh với các bên yêu sách khác về chủ quyền, quyền tài phán và quyền kiểm soát đối với Biển Đông.

Thực hiện giải pháp được gọi là “linh hoạt”

Tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc từ “thầm kín”, nay trở nên “trắng trợn” hơn. Với một nước lớn có GDP đứng thứ 2 thế giới, Trung Quốc luôn muốn có vai trò lãnh đạo khu vực và cạnh tranh vị thế toàn cầu với Mỹ, nên Trung Quốc “đang thực hiện cái gọi là kiềm chế”. Từ những hoạt động triển khai, bố trí trang bị vũ khí của Trung Quốc ở đảo Phú Lâm cũng như các hòn đảo, bãi đá chiếm đóng phi pháp bằng vũ lực trên Biển Đông là họ đang hiện thực hóa mưu đồ khống chế tiến tới độc chiếm Biển Đông. Như vậy, tham vọng độc chiếm Biển Đông theo cái gọi là “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là không thay đổi; tuy nhiên, các giải pháp nhằm triển khai và thực hiện chiến lược của Trung Quốc bằng giải pháp mới mà họ cho là “linh hoạt’ hơn.



Những nhận định và phản ứng của dư luận quốc tế

Trước những hành động quân sự hóa các đảo ở Biển Đông thời gian gần đây của Trung Quốc, các nước lớn Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Ốt-xtrây-li-a, Niu Di-lân, ASEAN... đã lên án mạnh mẽ và quyết liệt bằng cả hình thức ngoại giao và hoạt động quân sự; bên cạnh đó, giới chức nhiều nước trên thế giới cũng đã có những nhận định, đánh giá, phê phán những hành động ngang ngược bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc với nhiều hình thức và mức độ khác nhau.

- Mỹ tuyên bố sẽ không công nhận 'đường 9 đoạn' của Trung Quốc. Ngày 30-3-2016, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ - ông Robert O.Work - đã tuyên bố cho biết Washington sẽ không bao giờ công nhận yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. 

Trung Quốc lâu nay vẫn đưa ra yêu sách chủ quyền trên Biển Đông dựa trên cái gọi là "đường 9 đoạn" phi pháp, mà chiếm hầu hết toàn bộ diện tích Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. 

Ông Robert khẳng định Mỹ đã nói rõ với Trung Quốc là nước này không công nhận yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Các quan chức quốc phòng Mỹ cũng lo rằng, Trung Quốc sẽ phản ứng với phán quyết của Tòa Trọng tài Liên Hợp Quốc trong vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh bằng cách thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, giống cách họ đã thực hiện trên biển Hoa Đông trong tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản hồi năm 2013. 

Từ trước đến nay, Mỹ luôn khẳng định họ không phải là một bên tranh chấp trên Biển Đông, cũng như không đứng về nước nào trong cuộc tranh chấp lãnh thổ này. Nhưng Mỹ lên tiếng chỉ trích Trung Quốc khi Bắc Kinh tiến hành xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo phi pháp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam vì cho rằng hành động này làm ảnh hưởng đến "tự do hàng hải" trong khu vực. 

Washington nhiều lần thể hiện quyết tâm đảm bảo quyền "tự do hàng hải và hàng không" bằng cách thực hiện các cuộc tuần tra trong khu vực 12 hải lý quanh các hòn đảo nhân tạo phi pháp mà Trung Quốc bồi đắp ở Biển Đông. Việc làm này gián tiếp cho thấy Mỹ bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trong khu vực. 

"Chúng tôi đã nói khá rõ ràng với các đối tác Trung Quốc của chúng tôi và khẳng định rằng một ADIZ sẽ gây mất ổn định khu vực. Chúng tôi muốn rằng tất cả các tranh chấp trên Biển Đông cần được giải quyết thông qua đàm phán và không phải qua ép buộc hay vũ lực", ông Robert tuyên bố. Mỹ cũng nhiều lần cáo buộc Trung Quốc đang làm tăng căng thẳng trên Biển Đông bằng cách triển khai hệ thống tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

- Về phía Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: “các hành động nói trên của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động sai trái đó”; Việt Nam gửi công hàm đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để phản đối và có công hàm gửi Tổng Thư ký Liên Hợp quốc đề nghị cho lưu hành như văn bản chính thức tại Liên Hợp quốc.



Hội thảo Biển Đông tại Nga

Hôm 21/3/2016, tại Học viện Tư pháp Liên bang Nga tổ chức hội thảo “Tranh chấp lãnh thổ và luật hòa bình trong thời toàn cầu hóa”.

Hơn 100 chuyên gia chuyên gia, học giả, nhà Việt Nam học của Nga và quốc tế tham gia sự kiện do Học viện Tư pháp Nga thuộc Tòa án Tối cao Liên bang Nga tổ chức.

Các tham luận phân tích các nguyên nhân, yếu tố lịch sử, hiện trạng tranh chấp hiện nay tại Biển Đông, dự báo những hành động tiếp theo của Trung Quốc trong mưu đồ độc chiếm Biển Đông và khuyến nghị biện pháp giải quyết vấn đề.

Tất cả các chuyên gia, học giả đều bày tỏ quan ngại “tình hình sẽ tiếp tục căng thẳng nếu Trung Quốc vẫn leo thang những hành động ngang ngược tại khu vực”, đồng thời phê phán Trung Quốc sử dụng những biện pháp thô bạo chống lại ngư dân Việt Nam, cũng như việc một loạt lãnh đạo Trung Quốc, nhất là giới quân sự đã có những tuyên bố thù địch đăng tải trên các phương tiện truyền thông.



tải về 248.16 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương