MỘt số TÌnh hình thời sự quốc tế, trong nưỚc quý i-2016 (Tài liệu phục vụ Hội nghị báo cáo viên tháng 4/2016) I- tình hình thế giớI


- Không khí vui Xuân, đón Tết của đồng bào cả nước



tải về 248.16 Kb.
trang4/4
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích248.16 Kb.
#31289
1   2   3   4

5- Không khí vui Xuân, đón Tết của đồng bào cả nước

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vui Xuân, đón Tết Bính Thân 2016 với những tiền đề quan trọng: Chính trị - xã hội ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống mọi mặt của người dân tiếp tục được nâng lên; quốc phòng an ninh được tăng cường. Nước ta chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế, trọng tâm là hội nhập kinh tế. Đặc biệt là Đại hội XII của Đảng đã tổ chức thành công rất tốt đẹp, mang lại niềm vui lớn cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, cổ vũ, động viên người Việt Nam trong nước cũng như đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế tin tưởng sâu sắc vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam bước tiếp chặng đường 86 năm vẻ vang, đưa đất nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Để bảo đảm cho Nhân dân đón tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và nếp sống văn minh... tại phiên họp thường kỳ tháng 1/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 10/NQ-CP yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện tốt các nhiệm vụ an sinh xã hội trong dịp Tết. Các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể đã chăm lo chuẩn bị tổ chức nhiều hoạt động cho Nhân dân vui Xuân, đón Tết. Các cấp, các ngành đã chủ động điều tiết bảo đảm cân đối cung cầu, kiểm soát chặt chẽ giá cả hàng hóa, dịch vụ, chú trọng đưa hàng hóa về vùng nông thôn; kịp thời hỗ trợ, động viên, bảo đảm cho các hộ nghèo, các đối tượng chính sách, người có công với nước, người có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa đón Tết cổ truyền. Các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn có hiệu quả hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, các hành vi gian lận thương mại. Do đó, Nhân dân an tâm phấn khởi khi mua sắm Tết. Các đơn vị, địa phương vui Xuân, đón Tết nhưng vẫn đảm bảo công tác ứng trực, giải quyết kịp thời các vụ việc đột xuất phát sinh. Lực lượng vũ trang đã làm tốt công tác trực chiến, sẵn sàng chiến đấu và bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Nhân dân vui Xuân, đón Tết. Các lực lượng chức năng ra quân bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ; đội ngũ y, bác sỹ, cán bộ ngành Y tế thực hiện nghiêm túc các ca, kíp trực khám, điều trị, sơ, cấp cứu bệnh nhân; kiểm tra đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; phòng ngừa dịch bệnh. Các tổ chức tôn giáo tổ chức các hoạt động đón tết, vui xuân cho tín đồ, phật tử, giáo dân diễn ra bình thường. Các chức sắc, tín đồ tôn giáo phấn khởi trước những thành tựu đổi mới của đất nước, tin tưởng vào chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước.

Nhiều hoạt động của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thu hút mối quan tâm của đồng bào cả nước, có tác động sâu sắc tới tâm lý và dư luận xã hội, như: Tối 31/1/2016, tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám (Hà Nội) đã diễn ra chương trình Xuân quê hương 2016 với chủ đề “Linh thiêng Hà Nội”. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và một số tỉnh, thành phố cùng đông đảo kiều bào đại diện cho hơn 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống tại 103 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã tham dự chương trình. Ngày 11/2 (mùng 4 Tết Bính Thân), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và trồng cây tại Khu di tích lịch sử Cách mạng K9, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội. Chiều cùng ngày, tại TPHCM, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự buổi gặp mặt mừng Xuân Bính Thân 2016 của Ban Liên lạc toàn quốc chiến sĩ cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày. Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị Thường trực Ban Bí thư đã về thăm, chúc tết Đảng bộ, chính quyền, đồng bào và chiến sĩ tỉnh Ninh Bình. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã đến thăm, tặng quà các nghệ sĩ cao tuổi đang sống tại Viện Dưỡng lão nghệ sĩ TP Hồ Chí Minh và đề nghị các cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh thực hiện tốt đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, chăm lo các nghệ sĩ cao tuổi, neo đơn.

Các địa phương, đơn vị trong cả nước đều tổ chức chỉnh trang đô thị, trang hoàng đường phố sạch, đẹp, treo cờ Tổ quốc, cờ Đảng băng rôn, khẩu hiệu mừng Xuân, mừng Đảng, Mừng đất nước đổi mới, nhất là ở các khu vực trung tâm, các khu văn hóa, vui chơi, giải trí công cộng mang đậm chất văn hóa truyền thống. Khai mạc Lễ hội Chùa Hương, Chùa Bái Đính và nhiều lễ hội khác diễn ra trong không khí trang nghiêm, trật tự, thu hút sự tham gia của hàng vạn người trên khắp cả nước; một số hoạt động lễ hội sách, xin chữ đầu xuân, âm nhạc, hội họa… thu hút nhiều người tham gia, phản ánh thị hiếu lễ hội thanh cao của người Việt. Các điểm vui chơi ngoài trời và các điểm bắn pháo hoa thu hút được rất đông người, trong đó có nhiều du khách nước ngoài thích thú tìm hiểu và cảm nhận không khí Tết cổ truyền của người dân Việt Nam.

Mặc dù đạt được kết quả nêu trên, song còn một số vấn đề cần quan tâm khắc phục, như:

- Sự phân hóa giàu, nghèo có biểu hiện đáng lo ngại trong thụ hưởng các giá trị vật chất và tinh thần trong dịp Tết; có nhiều người được thưởng Tết hàng chục, hàng trăm triệu đồng, nhưng cũng có không ít công nhân lao động được thưởng Tết bằng sản phẩm do chính cơ sở của mình sản xuất. Một bộ phận lao động từ làng quê đến làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất nhưng thu nhập thấp, đời sống còn khó khăn.

- Dư luận Nhân dân vẫn băn khoăn, bức xúc trước việc Trung Quốc vẫn gia tăng các hoạt động xây dựng, bồi đắp, cải tạo các bãi đá, đảo ở khu vực Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

- Trong 9 ngày nghỉ Tết xảy ra 408 vụ tai nạn giao thông làm chết 300 người, bị thương 380 người; gần 5500 trường hợp đánh nhau phải nhập viện vì rượu, bia và xu hướng bạo lực ngày càng gia tăng; nạn cờ bạc, tình trạng đốt pháo, nổ mìn, hỏa hoạn vẫn để xảy ra ở một số địa phương.

- Một số nơi tổ chức lễ hội đầu năm vẫn chưa khắc phục được biểu hiện tiêu cực như: Lợi dụng đền, chùa đặt hòm công đức sai quy định để thu tiền của khách thập phương, đốt vàng mã nhiều...

6- Việc tổ chức các Lễ hội nhân dịp đầu Xuân Bính Thân năm 2016

Thời tiết thuận lợi tạo điều kiện cho các địa phương tổ chức các Lễ hội nhân dịp đầu Xuân Bính Thân năm 2016, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia. Việc tổ chức lễ hội nhằm khơi dậy lòng tự hào của nhân dân địa phương về nét đẹp văn hóa của mỗi vùng miền, các dân tộc trên khắp cả nước. Tuy nhiên thời gian qua, một số lễ hội, dường như những ý nghĩa thiêng liêng đã ít nhiều suy giảm trước sự xâm lấn của yếu tố tâm linh, thương mại hóa và các hiện tượng tiêu cực khác. Thực tế là hàng năm, các lễ hội lớn thường thu hút hàng triệu khách thập phương hành hương dự lễ, nhưng khung cảnh tranh giành, giẫm đạp,… thực sự là những hình ảnh nhức nhối của mùa lễ hội năm Bính Thân. Điều đáng nói, đây không phải là năm đầu tiên cảnh tượng này diễn ra, dù mỗi năm Thường trực Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo các địa phương và Ban quản lý di tích các địa phương đều đưa ra các phương án để hạn chế, khắc phục những hiện tượng phản văn hóa, nhưng kết quả đạt được không được như mong muốn. Các tầng lớp nhân dân mong muốn các cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các địa phương tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa tốt đẹp của di tích và lễ hội, duy trì và phát huy những lễ hội, những giá trị văn hóa phù hợp thuần phong, mỹ tục và truyền thống văn hóa dân tộc, quê hương; vận động nhân dân loại bỏ hoặc thay thế các tập tục không còn phù hợp, những hành vi bạo lực, phản cảm gây bức xúc dư luận xã hội; tăng cường thanh tra, kiểm tra trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội, không nên tuyên truyền mạnh về yếu tố tâm linh, đồng thời xử lý nghiêm các sai phạm tại các lễ hội, nhằm phát huy nét đẹp văn hóa tại các lễ hội.



7- Sự kiện 37 năm ngày chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc

Cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình với các hoạt động của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các cơ quan truyền thông có các hoạt động về các tin bài, về sự kiện 37 năm ngày chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc. Ngày 17-2-2016, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đại diện một số bộ, ban, ngành Trung ương thăm và làm việc tại tỉnh Cao Bằng. Trong thời gian thăm và làm việc, Chủ tịch nước đến dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Trà Lĩnh (huyện Trà Lĩnh), nơi yên nghỉ của hàng trăm liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Hầu hết các liệt sỹ đều hy sinh ở độ tuổi 20, dâng hiến tuổi thanh xuân cho công cuộc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Hiện nay, nhân dân tiếp tục lo ngại, bức xúc trước việc Trung Quốc đưa tên lửa và máy bay chiến đấu ra Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam là một bước leo thang nguy hiểm, nằm trong âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, sau Hoàng Sa có thể Trung Quốc sẽ tiến hành bước leo thang gây căng thẳng tương tự tại Trường Sa. Điều này không chỉ gây mất ổn định, đe dọa tự do, an ninh hàng hải và hàng không trên Biển Đông, mà còn tiến xa hơn như nhằm mục đích khống chế quyền tự do hàng hải, bao gồm tự do của các tàu thương mại, tự do của người dân cũng như tự do của tàu quân sự theo Công ước luật Biển năm 1982.



8- Công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021

Các địa phương tập trung chỉ đạo chuẩn bị tốt các điều kiện triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 theo tinh thần Chỉ thị 51-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI). Dư luận xã hội rất mong muốn nhân dân sáng suốt lựa chọn bầu những đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 – 2021 được nhân dân bầu phải thật sự là những người có tâm, tầm, có khả năng nghiên cứu, tham gia vào việc xây dựng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và nâng cao chất lượng các dự án luật bảo đảm cho đất nước ta phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập, quyết định những vấn đề lớn của đất nước và thực hiện quyền giám sát tối cao, xứng đáng là người đại biểu nhân dân. Đồng thời, mong muốn trong hiệp thương về danh sách ứng cử, cần phải bảo đảm quy định của pháp luật, thật sự dân chủ, mang tính thuyết phục cao, tránh để các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc, kích động, làm ảnh hưởng tới công tác bầu cử.



9- Liên quan đến vụ lừa đảo của Công ty cổ phần Liên Kết Việt

Dư luận nhân dân rất bức xúc trước hành vi lừa đảo của Công ty cổ phần Liên Kết Việt, cho rằng đây là vụ lừa đảo nghiêm trọng. Dư luận nhân dân đặt nhiều nghi vấn về vai trò quản lý nhà nước của Bộ Công thương và chính quyền một số địa phương để xảy ra vụ việc. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương rà soát các quy định của pháp luật, xiết lại các sơ hở, xử lý nghiêm cán bộ có vi phạm, xử lý nghiêm khắc kẻ cầm đầu.



10- Công tác phòng, chống tội phạm

Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới đã đạt được một số kết quả:

- Công tác phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm được tăng cường, nhiều nội dung đạt và vượt chỉ tiêu đề ra (khám phá án hình sự đạt trung bình 75%, các vụ trọng án đạt 95%); đã kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, giảm phạm pháp hình sự, triệt xoá nhiều băng, nhóm tội phạm nguy hiểm. Hầu hết các loại tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều giảm. Đấu tranh có hiệu quả với tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm vi phạm pháp luật về môi trường, phát hiện và triệt xoá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma tuý lớn xuyên quốc gia, nhiều tụ điểm ma tuý phức tạp.

- Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã thực hiện quyền công tố và kiểm sát điều tra 358.045 vụ, 569.031 bị can (tăng 12,8% số vụ và 17% số bị can so với cùng kỳ); đã truy tố 295.594 vụ, 529.663 bị can (tăng 12,2%); thực hành quyền công tố và kiểm sát việc thụ lý 440.431 tin báo tố giác về tội phạm (hằng năm tỉ lệ xử lý, giải quyết tin báo tố giác tội phạm đều đạt trên 90%).

- Toà án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 306.105 vụ với 552.235 bị cáo; đã xét xử 283.232 vụ với 502.632 bị cáo (đạt 92,5%); so với cùng kỳ của giai đoạn trước, số vụ án đã xét xử tăng 11,2% và số bị cáo tăng 17,6%. Nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm được đưa ra xét xử kịp thời. Tính đến tháng 5/2015, tổng số phạm nhân, người bị tạm giam, tạm giữ, người có quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, người bị kết án tù còn ở ngoài xã hội gần 199,3 nghìn người. Đã đặc xá, tha tù trước thời hạn cho 43.589 phạm nhân, đảm bảo yêu cầu chính trị, pháp luật, thể hiện rõ tính nhân đạo của Đảng và Nhà nước, được nhân dân và quốc tế đồng tình ủng hộ.

- Đã triển khai gần 37,4 nghìn cuộc thanh tra hành chính và trên 783,2 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện và kiến nghị thu hồi gần 119,7 nghìn tỉ đồng, 19.230 ha đất; ban hành 945,9 nghìn quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 29,3 nghìn tỉ đồng; chuyển cơ quan điều tra 297 vụ, 355 người; thanh tra phát hiện 441 vụ, 692 người có dấu hiệu tham nhũng.



- Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm được tăng cường mở rộng, đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn. Đã phê chuẩn 1 công ước, 22 hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù, phòng, chống tội phạm, bảo vệ tin mật với cơ quan an ninh, cảnh sát, nội vụ của các nước trên thế giới. Việt Nam mở rộng quan hệ với 114 bộ, cơ quan ngang bộ của 58 quốc gia và vùng lãnh thổ; thiết lập quan hệ nhiều mặt với cơ quan thực thi pháp luật của các nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; tham gia hoạt động trong 24 tổ chức, diễn đàn hợp tác quốc tế đa phương. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã ký hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với một số nước.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X vẫn còn một số khó khăn, hạn chế: Việc triển khai thực hiện ở một số đơn vị, địa phương thiếu quyết tâm, thiếu kiểm tra đôn đốc, chưa tạo chuyển biến mạnh mẽ. Công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trên một số lĩnh vực còn sơ hở, chồng chéo, hiệu lực, hiệu quả hạn chế; công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ, cảm hoá số đối tượng vi phạm pháp luật, hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng đối với người nghiện, người chấp hành xong án phạt tù chưa được quan tâm, hiệu quả chưa cao; dạy nghề cho phạm nhân tại các trại giam hiệu quả thấp. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả ở cơ quan bảo vệ pháp luật chưa gương mẫu, đạo đức, phẩm chất, tinh thần trách nhiệm, năng lực hạn chế ảnh hưởng đến hiệu quả và lòng tin của nhân dân. Nhiều nơi phong trào đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật ở cộng đồng dân cư còn yếu, hiệu quả thấp.

11- Công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn ra nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đến sản xuất và đời sống người dân. Hiện có hơn 160 nghìn ha lúa đông xuân bị thiệt hại, trong đó có hơn 86 nghìn ha bị thiệt hại đến 70% năng suất. Các tỉnh bị thiệt hại nhiều là Kiên Giang (51 nghìn ha), Cà Mau (hơn 49 nghìn ha), Bến Tre (gần 14 nghìn ha)... Khô hạn, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến vườn cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản; rừng tràm U Minh Thượng, U Minh Hạ khô nước, nguy cơ cháy cao. Đáng quan tâm là, gần 155 nghìn hộ gia đình ở các tỉnh ven biển bị thiếu nước ngọt sinh hoạt phải vất vả trong việc tìm kiếm nguồn nước thay thế. Trong khi đó độ mặn đo được ở các sông lớn trong khu vực cao gấp hai đến ba lần so với trung bình nhiều năm. Dự báo, tình trạng hạn, xâm nhập mặn sẽ còn gay gắt, nặng nề; trong thời gian tới sẽ tác động mạnh hơn, rộng hơn đến sản xuất, đời sống người dân.

Trước tình hình đó, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành phải tìm mọi cách hạn chế, giảm thiệt hại ở mức thấp nhất, ổn định cuộc sống người dân. Trước mắt, phải bảo đảm nước ngọt hợp vệ sinh cho dân. Mỗi địa phương tùy tình hình thực tế có giải pháp phù hợp, không để dân thiếu nước sinh hoạt dẫn đến dịch bệnh. Các địa phương xem chống hạn, xâm nhập mặn là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm, tập trung chỉ đạo chăm lo đời sống, sản xuất của người dân, nhất là bảo vệ hơn 50% diện tích lúa đông xuân chưa thu hoạch, vườn cây ăn trái, diện tích nuôi tôm, cá lồng bè. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khoanh nợ cho những hộ bị thiệt hại do hạn mặn, đồng thời cho vay để sản xuất vụ tiếp theo. Ngân hàng Chính sách xã hội phát huy vai trò hơn nữa trong hỗ trợ hộ nghèo, an sinh xã hội. Các địa phương huy động mọi nguồn lực, nhanh chóng hỗ trợ kinh phí cho người dân vùng thiên tai để khôi phục sản xuất, đời sống, các địa phương tạm ứng vốn để đắp đập ngăn mặn, giữ ngọt bảo vệ sản xuất, đời sống, hỗ trợ nhân dân.

Chính phủ đã kịp thời hỗ trợ 523,7 tỷ đồng cho 34 địa phương từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2016 để khắc phục hậu quả do hạn hán, xâm nhập mặn nhằm ổn định sản xuất, đời sống nhân dân. Trước đó, tháng 2/2016, Chính phủ đã hỗ trợ 85,1 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2015 cho 6 tỉnh: Quảng Trị, Đăk Lăk, Đăk Nông, Long An, An Giang, Đồng Tháp để khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn vụ Hè Thu năm 2015.



12- Tình hình đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới

Nước ta có đường biên giới đất liền dài trên 4.653 km, dọc tuyến biên giới đất liền có 435 xã, phường, thị trấn, 103 huyện, thị xã, thành phố thuộc 25 tỉnh. Trong những năm qua, được sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền các cấp, nỗ lực của nhân dân và sự giúp đỡ của nhân dân cả nước, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới đã được đầu tư xây dựng, đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện và nâng lên.

Mạng lưới trường, lớp học đã có bước phát triển, đội ngũ giáo viên được tăng cường, chất lượng dạy và học từng bước được nâng lên. Đã cơ bản hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi, tỉ lệ học sinh bỏ học giảm, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp tiểu học, trung học cơ sở hằng năm đạt trên 90%; tỉ lệ học sinh được cử tuyển, thi đỗ các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp có xu hướng tăng. Công tác dạy nghề bước đầu được quan tâm chỉ đạo, góp phần giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

Hầu hết các xã biên giới đều có trạm y tế. Hoạt động văn hoá, thông tin, phát thanh truyền hình, nhất là nội dung chương trình, thời lượng phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc được tăng cường. Các phong trào xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá, xoá đói, giảm nghèo, giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới… có bước chuyển biến tích cực.

Hệ thống chính trị cơ sở đã được cấp uỷ, chính quyền các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo củng cố, xây dựng. Tỉ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số ở các huyện, xã biên giới đều đạt từ 50% trở lên, một số nơi đạt khá cao (từ 70 - 95. Công tác phát triển đảng viên, xây dựng cốt cán, phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số đạt kết quả tích cực, từng bước xoá “bản trắng” về tổ chức đảng và đảng viên. Tỉ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số trong cấp uỷ, chính quyền các cấp ngày càng được nâng lên; đã thực hiện tốt mô hình “Cán bộ đồn biên phòng tham gia cấp uỷ xã - chính quyền xã”, “Cán bộ đồn biên phòng tham gia sinh hoạt chi bộ thôn, bản”.

An ninh, trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới cơ bản ổn định. Đồng bào các dân tộc định cư trong khu vực biên giới nhìn chung đoàn kết gắn bó, có tinh thần tương trợ lẫn nhau, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành các cấp chính quyền.



Bên cạnh những kết quả đạt được, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới đất liền vẫn còn một số khó khăn, hạn chế: Mặt bằng dân trí vẫn còn thấp hơn nhiều so với vùng khác. Khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tỉ lệ mù chữ và tái mù chữ còn cao, học sinh dân tộc thiểu số vào học trung học phổ thông rất ít; chính sách đào tạo nghề cho lao động chưa phát huy được hiệu quả; cơ sở y tế mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu khám, chữa bệnh của đồng bào các dân tộc; mức hưởng thụ văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa bàn biên giới rất thấp. Đáng chú ý, đồng bào dân tộc thiểu số đang gặp khó khăn trong việc cải biến những tập tục lạc hậu, tiếp nhận văn hoá tiến bộ; văn hoá truyền thống đang bị mai một và biến dạng do sự xâm nhập của tôn giáo mới, các đạo lạ và tà đạo. Trình độ chuyên môn và khả năng thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức ở cơ sở còn thấp. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số địa bàn biên giới còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp. Đầu tư kết cấu hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới còn chậm, hiệu quả thấp. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là giao thông, điện, nước chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.

IV. MỘT SỐ NÉT CHÍNH VỀ QUAN HỆ VIỆT NAM VỚI CÁC NƯỚC TRONG THỜI GIAN GẦN ĐÂY

1- Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Thống nhất Tan-da-ni-a, Cộng hòa Mô-dăm-bích và Cộng hòa Hồi giáo I-ran từ ngày 09 đến 15/3/2016:

Chuyến thăm nhằm tăng cường quan hệ truyền thống hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với Tan-da-ni-a, Mô-dăm-bích và I-ran. Việt Nam và Tan-da-ni-a đã ký Thông cáo chung nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực thương mại và đầu tư; giáo dục; khoa học và công nghệ; sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm (hạt điều, sữa…), thức ăn chăn nuôi; nuôi trồng thủy sản; sản xuất máy nông cụ…; cam kết thúc đẩy để sớm ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; tiếp tục hợp tác để bảo vệ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là nguyên tắc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Việt Nam và Mô-dăm-bích ký Thông cáo chung nhất trí tăng cường trao đổi đoàn cấp cao; khuyến khích doanh nghiệp hai nước hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, thương mại, viễn thông, dầu khí và công nghiệp chế biến; tiếp tục thúc đẩy hòa bình và an ninh của khu vực và quốc tế, dựa trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Việt Nam và I-ran đã tiến hành trao đổi nhiều chuyến thăm cấp cao; tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại; phối hợp và ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế và khu vực.

2- Hội thảo quốc tế về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức ngày 11/3/2016 tại Thủ đô Paris (Pháp), với chủ đề “Việt Nam sau Đại hội XII - gián đoạn hay liên tục?”.

Hội thảo chia làm ba phần, với 12 tham luận của các diễn giả Pháp và Việt Nam đã trình bày khái quát tình hình các mặt đối nội và đối ngoại của Việt Nam thời gian qua, những nội dung lớn và ý kiến thảo luận chủ yếu tại Đại hội, các quyết sách của Đại hội về định hướng phát triển chiến lược của Việt Nam trong thời gian tới nói chung cũng như phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế trong giai đoạn 2016 - 2020 nói riêng; đánh giá tổng kết 30 năm Đổi mới toàn diện đất nước và phân tích những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn Đổi mới; nhấn mạnh việc Đảng Cộng sản Việt Nam đã thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm, yếu kém và hạn chế mà nguyên nhân chủ quan là chủ yếu; khẳng định con đường Đổi mới và đi lên chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Các đại biểu dự Hội thảo chia sẻ đánh giá về tình hình phức tạp ở khu vực và trên thế giới, trong đó có tình hình Biển Đông, tán thành và ủng hộ chủ trương của Việt Nam giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982.



3- Từ ngày 27 – 31/3/2016 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Thường Vạn Toàn, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước CHND Trung Hoa sang thăm hữu nghị chính thức Việt Nam và đồng chủ trì hoạt động Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt – Trung lần thứ 3 tại tỉnh Lạng Sơn/Việt Nam và tỉnh Quảng Tây/Trung Quốc.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên tiến hành Hội đàm, trao đổi về tình hình thế giới, khu vực và tình hình của mỗi nước; nhận định, chia sẻ những vấn đề liên quan, ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh của hai nước; đánh giá kết quả hợp tác quốc phòng trong thời gian qua; thống nhất nội dung, biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng song phương giữa hai nước thời gian tới đi vào chiều sâu, hiệu quả thiết thực; góp phần củng cố, phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa quân đội và nhân dân hai nước.

Trong thời gian ở thăm, làm việc tại Việt Nam, Đoàn Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đến chào xã giao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; đồng chí Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và thăm một số đơn vị của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn đồng chủ trì hoạt động Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt – Trung lần thứ 3 tại tỉnh Lạng Sơn/Việt Nam và tỉnh Quảng Tây/Trung Quốc.



PHÒNG THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

(tổng hợp)





tải về 248.16 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương