LUẬt công nghệ thông tin



tải về 179.55 Kb.
trang3/3
Chuyển đổi dữ liệu19.08.2016
Kích179.55 Kb.
#24400
1   2   3

Điều 58. Cơ sở dữ liệu quốc gia

1. Cơ sở dữ liệu quốc gia là tập hợp thông tin của một hoặc một số lĩnh vực kinh tế - xã hội được xây dựng, cập nhật và duy trì đáp ứng yêu cầu truy nhập và sử dụng thông tin của các ngành kinh tế và phục vụ lợi ích công cộng.

2. Tổ chức, cá nhân có quyền truy nhập và sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

3. Nhà nước bảo đảm một phần hoặc toàn bộ kinh phí xây dựng và duy trì cơ sở dữ liệu quốc gia.

4. Chính phủ quy định danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia; xây dựng, cập nhật và duy trì cơ sở dữ liệu quốc gia; ban hành quy chế khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia.

Điều 59. Cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương

1. Cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương là tập hợp thông tin được xây dựng, cập nhật và duy trì đáp ứng yêu cầu truy nhập, sử dụng thông tin của mình và phục vụ lợi ích công cộng.

2. Tổ chức, cá nhân có quyền truy nhập và sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

3. Nhà nước bảo đảm một phần hoặc toàn bộ kinh phí xây dựng và duy trì cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương.

4. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định danh mục cơ sở dữ liệu; xây dựng, cập nhật và duy trì cơ sở dữ liệu; ban hành quy chế khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương mình.

Điều 60. Bảo vệ cơ sở hạ tầng thông tin

1. Cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia phải được bảo vệ. Ủy ban nhân dân các cấp, lực lượng vũ trang nhân dân và tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác cơ sở hạ tầng thông tin có trách nhiệm phối hợp bảo vệ an toàn cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia.

2. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng thông tin thuộc thẩm quyền quản lý; chịu sự quản lý, thanh tra, kiểm tra và thực hiện các yêu cầu về bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng thông tin và an ninh thông tin của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác cơ sở hạ tầng thông tin có trách nhiệm tạo điều kiện làm việc, kỹ thuật, nghiệp vụ cần thiết để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ kiểm soát và bảo đảm an ninh thông tin khi có yêu cầu.



Mục 2
ĐẦU TƯ CHO CÔNG NGHỆ THÔNG TIN


Điều 61. Đầu tư của tổ chức, cá nhân cho công nghệ thông tin

1. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư cho hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới quản lý kinh tế - xã hội, đổi mới công nghệ và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

2. Nhà nước khuyến khích và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư cho công nghệ thông tin.

3. Các khoản đầu tư của doanh nghiệp cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin và các chi phí sau đây của doanh nghiệp được trừ khi tính thu nhập chịu thuế theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp:

a) Mở trường, lớp đào tạo công nghệ thông tin tại doanh nghiệp;

b) Cử người đi đào tạo, tiếp thu công nghệ mới phục vụ cho nhu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin của doanh nghiệp.



Điều 62. Đầu tư của Nhà nước cho công nghệ thông tin

1. Đầu tư cho công nghệ thông tin là đầu tư phát triển.

2. Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách cho công nghệ thông tin, bảo đảm tỷ lệ tăng chi ngân sách cho công nghệ thông tin hằng năm cao hơn tỷ lệ tăng chi ngân sách nhà nước. Ngân sách cho công nghệ thông tin phải được quản lý, sử dụng có hiệu quả.

3. Chính phủ ban hành quy chế quản lý đầu tư phù hợp đối với các dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng vốn đầu tư có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.

4. Trong Mục lục ngân sách nhà nước có loại chi riêng về công nghệ thông tin.

Điều 63. Đầu tư cho sự nghiệp ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin

1. Ngân sách nhà nước chi cho sự nghiệp ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin được sử dụng vào các mục đích sau đây:

a) Phổ cập ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ dự án ứng dụng công nghệ thông tin có hiệu quả;

b) Phát triển nguồn thông tin số;

c) Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương;

d) Xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ công ích và cơ quan nhà nước;

đ) Điều tra, nghiên cứu, xây dựng, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật về công nghệ thông tin, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật, mô hình ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin;

e) Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin;

g) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công nghệ thông tin, đào tạo, tập huấn chuyên môn, quản lý về công nghệ thông tin;

h) Trao giải thưởng công nghệ thông tin;

i) Các hoạt động khác cho sự nghiệp ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin.

2. Hằng năm, Bộ Bưu chính, Viễn thông chịu trách nhiệm tổng hợp dự toán kinh phí chi cho sự nghiệp ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin quy định tại khoản 1 Điều này của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để Chính phủ trình Quốc hội.



Điều 64. Đầu tư và phát triển công nghệ thông tin phục vụ nông nghiệp và nông thôn

1. Thu hút mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin, đẩy nhanh quá trình hiện đại hoá nông thôn, miền núi, hải đảo.

2. Tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ sản xuất và đời sống.

3. Tổ chức, cá nhân hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tại vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các chính sách ưu đãi về đầu tư, tài chính và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.

4. Hoạt động ứng dụng và cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ mục tiêu khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, đánh bắt xa bờ được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí.

Mục 3
HỢP TÁC QUỐC TẾ VỀ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN


Điều 65. Nguyên tắc hợp tác quốc tế về công nghệ thông tin

Tổ chức, cá nhân Việt Nam hợp tác về công nghệ thông tin với tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế theo nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi.



Điều 66. Nội dung hợp tác quốc tế về công nghệ thông tin

1. Phân tích xu hướng quốc tế về công nghệ thông tin, quy mô và triển vọng phát triển thị trường nước ngoài và xây dựng chiến lược phát triển thị trường công nghệ thông tin ở nước ngoài.

2. Quảng bá thông tin về định hướng, chính sách ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin của Việt Nam và của các nước trên thế giới.

3. Xây dựng cơ chế, chính sách đẩy mạnh hợp tác giữa tổ chức, cá nhân Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

4. Thực hiện chương trình, dự án hợp tác quốc tế về công nghệ thông tin.

5. Phát triển thị trường công nghệ thông tin ở nước ngoài, giới thiệu sản phẩm công nghệ thông tin Việt Nam qua các triển lãm quốc tế, tiếp cận với khách hàng tiềm năng.

6. Tổ chức hội thảo, hội nghị và diễn đàn quốc tế về công nghệ thông tin.

7. Ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế song phương, đa phương và tham gia tổ chức khu vực, tổ chức quốc tế về công nghệ thông tin.

8. Tiếp thu công nghệ của nước ngoài chuyển giao vào Việt Nam.

Mục 4
BẢO VỆ QUYỀN, LỢI ÍCH HỢP PHÁP VÀ HỖ TRỢ
NGƯỜI SỬ DỤNG SẢN PHẨM, DỊCH VỤ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN


Điều 67. Trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin

Nhà nước và xã hội thực hiện các biện pháp phòng, chống các hành vi xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin. Quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin được bảo vệ theo quy định của pháp luật.



Điều 68. Bảo vệ tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”

1. Tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” và tên miền cấp dưới của tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” là một phần của tài nguyên thông tin quốc gia, có giá trị sử dụng như nhau và phải được quản lý, khai thác, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả.

Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đăng ký và sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”. Tên miền đăng ký phải thể hiện tính nghiêm túc để tránh gây sự hiểu nhầm hoặc xuyên tạc do tính đa âm, đa nghĩa hoặc khi không dùng dấu trong tiếng Việt.

2. Tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” dành cho tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước phải được bảo vệ và không được xâm phạm.

3. Tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mục đích sử dụng và tính chính xác của các thông tin đăng ký và bảo đảm việc đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” không xâm phạm các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác có trước ngày đăng ký.

4. Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định việc đăng ký, quản lý, sử dụng và giải quyết tranh chấp tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”.



Điều 69. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin

Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin phải thực hiện theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và các quy định sau đây:

1. Tổ chức, cá nhân truyền đưa thông tin trên môi trường mạng có quyền tạo ra bản sao tạm thời một tác phẩm được bảo hộ do yêu cầu kỹ thuật của hoạt động truyền đưa thông tin và bản sao tạm thời được lưu trữ trong khoảng thời gian đủ để thực hiện việc truyền đưa thông tin;

2. Người sử dụng hợp pháp phần mềm được bảo hộ có quyền sao chép phần mềm đó để lưu trữ dự phòng và thay thế phần mềm bị phá hỏng mà không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền.



Điều 70. Chống thư rác

1. Tổ chức, cá nhân không được che giấu tên của mình hoặc giả mạo tên của tổ chức, cá nhân khác khi gửi thông tin trên môi trường mạng.

2. Tổ chức, cá nhân gửi thông tin quảng cáo trên môi trường mạng phải bảo đảm cho người tiêu dùng khả năng từ chối nhận thông tin quảng cáo.

3. Tổ chức, cá nhân không được tiếp tục gửi thông tin quảng cáo trên môi trường mạng đến người tiêu dùng nếu người tiêu dùng đó thông báo không đồng ý nhận thông tin quảng cáo.



Điều 71. Chống vi rút máy tính và phần mềm gây hại

Tổ chức, cá nhân không được tạo ra, cài đặt, phát tán vi rút máy tính, phần mềm gây hại vào thiết bị số của người khác để thực hiện một trong những hành vi sau đây:

1. Thay đổi các tham số cài đặt của thiết bị số;

2. Thu thập thông tin của người khác;

3. Xóa bỏ, làm mất tác dụng của các phần mềm bảo đảm an toàn, an ninh thông tin được cài đặt trên thiết bị số;

4. Ngăn chặn khả năng của người sử dụng xóa bỏ hoặc hạn chế sử dụng những phần mềm không cần thiết;

5. Chiếm đoạt quyền điều khiển thiết bị số;

6. Thay đổi, xóa bỏ thông tin lưu trữ trên thiết bị số;

7. Các hành vi khác xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng.

Điều 72. Bảo đảm an toàn, bí mật thông tin

1. Thông tin riêng hợp pháp của tổ chức, cá nhân trao đổi, truyền đưa, lưu trữ trên môi trường mạng được bảo đảm bí mật theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân không được thực hiện một trong những hành vi sau đây:

a) Xâm nhập, sửa đổi, xóa bỏ nội dung thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng;

b) Cản trở hoạt động cung cấp dịch vụ của hệ thống thông tin;

c) Ngăn chặn việc truy nhập đến thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng, trừ trường hợp pháp luật cho phép;

d) Bẻ khóa, trộm cắp, sử dụng mật khẩu, khóa mật mã và thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng;

đ) Hành vi khác làm mất an toàn, bí mật thông tin của tổ chức, cá nhân khác được trao đổi, truyền đưa, lưu trữ trên môi trường mạng.



Điều 73. Trách nhiệm bảo vệ trẻ em

1. Nhà nước, xã hội và nhà trường có trách nhiệm sau đây:

a) Bảo vệ trẻ em không bị tác động tiêu cực của thông tin trên môi trường mạng;

b) Tiến hành các biện pháp phòng, chống các ứng dụng công nghệ thông tin có nội dung kích động bạo lực và khiêu dâm.

2. Gia đình có trách nhiệm ngăn chặn trẻ em truy nhập thông tin không có lợi cho trẻ em.

3. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành những biện pháp sau đây để ngăn ngừa trẻ em truy nhập thông tin không có lợi trên môi trường mạng:

a) Tổ chức xây dựng và phổ biến sử dụng phần mềm lọc nội dung;

b) Tổ chức xây dựng và phổ biến công cụ ngăn chặn trẻ em truy nhập thông tin không có lợi cho trẻ em;

c) Hướng dẫn thiết lập và quản lý trang thông tin điện tử dành cho trẻ em nhằm mục đích thúc đẩy việc thiết lập các trang thông tin điện tử có nội dung thông tin phù hợp với trẻ em, không gây hại cho trẻ em; tăng cường khả năng quản lý nội dung thông tin trên môi trường mạng phù hợp với trẻ em, không gây hại cho trẻ em.

4. Nhà cung cấp dịch vụ có biện pháp ngăn ngừa trẻ em truy nhập trên môi trường mạng thông tin không có lợi đối với trẻ em.

5. Sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin mang nội dung không có lợi cho trẻ em phải có dấu hiệu cảnh báo.

Điều 74. Hỗ trợ người tàn tật

1. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho người tàn tật tham gia hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, phát triển năng lực làm việc của người tàn tật thông qua ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; có chính sách ưu tiên cho người tàn tật tham gia các chương trình giáo dục và đào tạo về công nghệ thông tin.

2. Chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển công nghệ thông tin quốc gia phải có nội dung hỗ trợ, bảo đảm cho người tàn tật hòa nhập với cộng đồng.

3. Nhà nước có chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng và ưu đãi khác cho hoạt động sau đây:

a) Nghiên cứu - phát triển các công cụ và ứng dụng nhằm nâng cao khả năng của người tàn tật trong việc truy nhập, sử dụng các nguồn thông tin và tri thức thông qua sử dụng máy tính và cơ sở hạ tầng thông tin;

b) Sản xuất, cung cấp công nghệ, thiết bị, dịch vụ, ứng dụng công nghệ thông tin và nội dung thông tin số đáp ứng nhu cầu đặc biệt của người tàn tật.



Chương V
GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP VÀ XỬ LÝ VI PHẠM


Điều 75. Giải quyết tranh chấp về công nghệ thông tin

1. Tranh chấp về công nghệ thông tin là tranh chấp phát sinh trong hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin.

2. Khuyến khích các bên giải quyết tranh chấp về công nghệ thông tin thông qua hòa giải; trong trường hợp các bên không hòa giải được thì giải quyết theo quy định của pháp luật.

Điều 76. Hình thức giải quyết tranh chấp về đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”

Tranh chấp về đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” được giải quyết theo các hình thức sau đây:

1. Thông qua thương lượng, hòa giải;

2. Thông qua trọng tài;

3. Khởi kiện tại Tòa án.

Điều 77. Xử lý vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin

1. Cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH


Điều 78. Hiệu lực thi hành

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2007.



Điều 79. Hướng dẫn thi hành

Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này.



Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2006.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI



Nguyễn Phú Trọng


Каталог: upload -> document
document -> THỦ TƯỚng chính phủ
document -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh thừa thiên huế Độc lập Tự do Hạnh phúc
document -> CỦa chính phủ SỐ 128/2008/NĐ-cp ngàY 16 tháng 12 NĂM 2008 quy đỊnh chi tiết thi hành một số ĐIỀu của pháp lệnh xử LÝ VI phạm hành chính năM 2002 VÀ pháp lệnh sửA ĐỔI, BỔ sung một số ĐIỀu của pháp lệnh xử LÝ VI phạm hành chính năM 2008
document -> Ủy ban nhân dân thành phố ĐÀ NẴNG
document -> THỦ TƯỚng chính phủ –––– Số: 56
document -> BỘ CÂu hỏi tình huống phục vụ Hội thi tìm hiểu về Luật bhxh, bhyt
document -> UỶ ban nhân dân tỉnh thừa thiên huế`
document -> BỘ ĐỀ thi đoàn Thanh niên với công tác cải cách hành chính Nhà nước năm 2014
document -> CHƯƠng 8 iso 9000 I. Giới thiệu chung về BỘ tiêu chuẩN iso 9000
document -> VĂn phòng luật sư V. L. C

tải về 179.55 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương