LUẬn giải kinh sa môn quả TẬP 1 Tỳ khưu Chánh Minh


* “Lương y Jīvaka komārabhacca"



tải về 1.3 Mb.
trang2/13
Chuyển đổi dữ liệu18.08.2016
Kích1.3 Mb.
#21985
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   13

* “Lương y Jīvaka komārabhacca".

- Cụm từ komārabhacca. Nghĩa đen là "người được xem như Hoàng tử", hay "người được Hoàng tử nuôi dưỡng".

Trong Luật Đại phẩm (Vin. i. 268-80) có mô tả rất nhiều về lương y Jīvaka, Ngài là con của cô kỹ nữ Sīlavatī (Tịnh giới) ở trong thành Vương-xá.

Nàng có tên là Sīlavatī, vì khi “nhận tiền của người nào rồi”, thì sẽ “không nhận tiền người khác”, bao giờ “làm xong phận sự” với chủ nhân, bấy giờ nàng mới nhận tiền người khác.

Kỹ nữ Sīlavatī khi sinh ra đứa bé trai, cho người mang đứa bé trai ném vào đống rác.

Vương tử Abhaya (Vô Úy), trên đường đi đến Hoàng cung để chầu vua, thấy đàn quạ bu quanh chiếc giỏ có đứa bé, Vương tử hỏi:

- Này các người, vật gì bị bầy quạ bu quanh vậy?

- Thưa chủ, là một đứa bé trai.

- Nó còn sống không?

- Thưa chủ, còn sống.

Vương tử Abhaya (Vô-úy) cho mang đứa bé về nuôi dưỡng và đặt tên là Jīvaka (người còn sống)(1).

Khi trưởng thành, Jīvaka (Kỳ-bà) tự mình tìm đến thành Takkasilā (hòn đá biết lý luận) học nghề thầy thuốc 7 năm, khi đã thành tài, Jīvaka trở về kinh thành Vương-xá.

Trên đường về, đến thị trấn Sāketa (Hoàng hôn) thì hết tiền, nơi đây có người vợ của một đại trưởng giả mang chứng bịnh nhức đầu đã 7 năm, các lương y đương thời đã thúc thủ.

Jīvaka đã trị dứt bịnh nhức đầu của bà và được thưởng 16 ngàn đồng tiền vàng, một tôi trai, một tớ gái cùng một cổ xe ngựa.

Khi trở về thành Rājagaha (Vương-xá), Jīvaka dâng toàn bộ số tiền kiếm được cho cha là Vương tử Abhaya (Vô-úy), nhưng Vương tử Abhaya không nhận và khuyên Jīvaka nên xây một biệt thự riêng trong tư dinh, Jīvaka đã làm theo lời khuyên của cha nuôi.

Tại nơi đây, lương y Jīvaka trị chứng bịnh rò rỉ (bhagandalābādha) cho vua Bimbisāra (Bình-sa), khi dứt bịnh vua Bimbisāra ban thưởng cho Jīvaka tất cả vật trang điểm của 500 cung nữ, nhưng Jīvaka không nhận, chỉ xin được một chức vụ.

Đức vua Bimbisāra ban cho Jīvaka chức ngự y, chuyên trị bịnh cho Đức vua, Hoàng tộc và các cung phi.

Lương y Jīvaka trị bịnh cho một đại phú gia trong thành Rājagaha (Vương xá) bị đau đầu 7 năm, ông tiến hành phẩu thuật não, lấy ra hai con sâu trong đầu của vị đại phú này.

Lương y Jīvaka trị bịnh cho con trai của nhà đại phú ở Bārāṇasī (Ba-la-nại) bị xoắn ruột, ông tiến hành phẩu thuật vùng bụng, đặt đường ruột ngay thẳng trở lại.

Lương y Jīvaka còn trị bịnh cho vua Caṇḍa Pajjota xứ Ujjenī, khi dứt bịnh vua Caṇḍa Pajjota ban thưởng cho Jīvaka xấp vải đôi xứ Sivi(2).

Có lần, thân Đức Thế Tôn toát ra mùi khó chịu, lương y Jīvaka đã làm thuốc cho Đức Thế Tôn xổ 30 lần, Đức Thế Tôn dứt bịnh.

Khi Đức Thế Tôn tắm nước nóng để xổ lần thứ 30, lương y Jīvaka dâng lên Đức Thế Tôn xấp vải đôi rất quý sản xuất tại xứ Sivi, và thỉnh cầu Đức Thế Tôn ban cho hàng tại gia cư sĩ được phép dâng y đến chư Tăng.

Nhân đó, Đức Thế Tôn giảng lên pháp thoại thích hợp và Ngài Jīvaka đã chứng quả Dự lưu, từ đó Ngài Jīvaka là vị lương y riêng cho Đức Phật và chư Tăng.

Ngay sau đó, lương y Jīvaka suy nghĩ: "Ta nên đến thăm bệnh cho Đức Thế Tôn, mỗi ngày hai hay ba lần, nhưng Rừng tre (Veḷuvana) quá xa, khu vườn xoài gần hơn, ta nên dựng Hương thất tại đó cho Đức Thế Tôn.”

Ngài Jīvaka cho xây bức tường rào màu đỏ cao 18 khuỷu tay (khoảng 9m) bao quanh khu vườn xoài, bên trong là liêu cốc, chỗ trú ban ngày, chỗ trú ban đêm cùng những hồ nước, hoa viên…

Nơi này chứa được 1.250 vị Tỳ-khưu cư ngụ thoải mái.

Ngài Jīvaka đã cúng dường vườn xoài này đến chư Tăng, có Đức Phật là vị Thượng thủ.

Sau khi vua Bimbisāra (Bình-sa) mệnh chung, lương y Jīvaka tiếp tục phục vụ dưới triều đại của vua Ajātasattu (A-xà-thế).

Lương y Jīvaka được Đức Thế Tôn ban cho địa vị “được dân chúng kính mến nhất trong hàng cận sự nam”:



"Trong các vị nam cư sĩ của Ta, được dân chúng kính mến, tối thắng là Jīvaka komārabhacca."(1)

Nàng kỹ nữ Sirimā là em gái của lương y Jīvaka, nhờ nàng Uttarā tiếp dẫn nên nàng Sirimā cũng chứng được Sơ quả (2).



Vương tử Abhaya (Vô úy).

Thường được gọi là Abhayarājakumāra. Ngài là con của Vua Bimbisāra (Bình-sa) và nàng Padumavatī, một hoa khôi của xứ Ujjeni.

Vua Bình-sa giao du thân mật với vua Caṇḍapajjota, khi đến thăm vua Caṇḍapajjota ở thành Ujjenī, từ đó có cuộc lương duyên này.

Lúc bảy tuổi, Vương tử Abhaya (Vô-úy) được mẹ gởi vào Hoàng cung của vua Bimbisāra (Bình-sa).

Trước khi gặp Đức Phật, Vương tử Abhaya là môn đệ của giáo chủ Nigaṇṭha Nātaputta.

Nigaṇṭha Nātaputta dạy Vương tử Abhaya một câu đố để luận chiến với “Sa-môn Gotama.”

Khi thấy Phật ung dung trả lời, Vương tử Abhaya đã nhận ra sự thất bại của Nigaṇṭha Nātaputta và sự giác ngộ Tối thắng của Đức Thiện Thệ.

Sau khi nghe pháp từ Đức Thế Tôn, Vương tử Abhaya quy y Tam Bảo và nhận Đức Phật lả bậc đạo sư của mình.

Khi ấy, Vương tử có được cậu công tử mà ông rất thương yêu(3).

Về sau, khi vua Bimbisaara băng hà, tâm bị giao động mạnh Vương tử Abhaya xuất gia trong Giáo pháp của Đức Phật.

Trong dịp Phật thuyết kinh Tālacchiggalūpama Sutta (1), ông đắc quả Dự lưu, và sau đó đắc quả A-la-hán (2).

Trong Tương ưng kinh (Saṃyutta Nikāya)(4) có gi nhận: Vương tử Abhaya có đến yết kiến Đức Phật ở núi Gijjhakūṭa (Linh-thứu) và hỏi Đức Phật về chủ thuyết của giáo chủ Pūraṇa Kassapa, nhân đó Đức Phật giảng cho Vương tử Abhaya về Thất bồ đề phần.

Trong Tạng luật, bộ Đại phẩm ghi nhận: Vương tử Vô-úy tìm thấy Jīvaka Komārabhacca nằm trên đống rác (do mẹ là kỹ nữ Sīlavatī quăng ở đó) và đem về nuôi.

Bản Sớ giải kinh Tăng chi (Aṅguttara) lại nói rằng: “Vương tử Abhaya là cha ruột của Jīvaka”.

Vương tử Abhaya có công dẹp loạn ngoài biên thùy nên được cha là vua Bimbisāra ban thưởng cho một vũ nữ tuyệt sắc.

Trong suốt bảy hôm liền ông chỉ vui thú với nàng vũ nữ, nhưng sang ngày thứ bảy nàng vũ nữ bất ngờ bị gió độc làm chết.

Buồn rầu, ông tìm đến Phật và được Phật xoa dịu nổi u buồn(1).

Apadāna có ghi lại chuyện của ông trong nhiều kiếp trước.

Ông từng là một Bà-la-môn làu thông kinh Vệ-đà ở Haṃsavatī . Khi nghe Phật Padumuttara (Liên hoa) thuyết pháp, ông từ bỏ tín ngưỡng Bà-la-môn, gia nhập Tăng đoàn và dành nhiều thời gian niệm tưởng ân đức Phật.

* “Một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ-khưu” (aḍḍhatelasehi bhikkhusatehi).

Một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ- khưu”. Chỉ cho số lượng Tăng hội (sāvakānaṃ sannipāto) của Đức Thế Tôn.

Đức Thế Tôn Gotama có một Tăng hội là 1.250 vị(2).

Vào ngày trăng tròn tháng Megha (tháng giêng theo lịch Việt Nam), có 1.250 vị Thánh A-la-hán cùng nhau tụ hội tại Trúc Lâm tịnh xá (Veḷuvanavihāra).

Sự hội hợp này có 3 đặc điểm:

- Không mời, nhưng cùng nhau tự đến.

- Là những bậc A-la-hán Lục thông.

- Là những vị xuất gia theo cách “Ehibhikkhu” (hãy đến đây này Tỳ-khưu).

Và ngày đó chính là ngày thành lập Tăng đoàn.

1.250 vị Thánh A-la-hán ấy là: 1.000 Thánh A-la-hán có Ngài Uruvela kassapa là trưởng + 250 vị Thánh A-la-hán (là 250 vị tùy tùng của Ngài Sāriputta và Moggallāna khi chưa tìm đến yết kiến Đức Phật).

Nhưng số lượng 1.250 vị Tỳ-khưu trong kinh này không ám chỉ “tất cả là bậc A-la-hán), chỉ nêu lên số lượng Tăng hội của Đức Thế Tôn3.



* “Vua Ajātasattu (A-xà-thế) xứ Magadha” (rājā māgadho ajātasattu).

* “Vua” (rājjā).



Rājāti ādīsu rājati attano issariyasampattiyā catūhi saṅgahavatthūhi mahājanaṃ rañjeti vaḍḍhetīti rājā (At)(4):

Người chói sáng, đầy đủ quyền lực, gom ruộng đất từ 4 phương, người được đại chúng hoan hỷ nuôi dưỡng, gọi là vua”.

Theo kinh Khởi thế nhân bổn (Aggaññasuttanta): “Khi ác pháp tăng thịnh, các hữu tình đi đến một hữu tình có sắc đẹp nhất, có gương mặt dễ nhìn nhất và được yêu mến nhất” . Đây là ý nghĩa “chói sáng”.

Đại chúng trao quyền “tức giận khi đáng tức giận, khiển trách khi đáng khiển trách, tẩn xuất khi đáng tẩn xuất”. Đây là ý nghĩa “đầy đủ quyền lực”.

Đại chúng chia cho vị ấy một phần lúa. Đây là ý nghĩa “được nuôi dưỡng”.

Và: “Này Vāsettha “vị chủ của nhiều ruộng vườn”, tức là khattiyā. Làm cho đại chúng (mahājana – sammato) hoan hỷ bởi pháp. Vị ấy là rāja (vua)”.



* “Ajātasattu” (A-xà-thế).

Chữ Ajātasattu nghĩa là "có quyền lực khi chưa sinh".

Ngài Buddhaghosa trong bản Sớ giải Kinh Sa-môn quả có giải thích: Các nhà chiêm tinh đã tiên đoán: "Ajātoyeva rañño sattu: Ngay cả khi chưa sinh ra (ātaja) đã có dấu hiệu quyền lực (sattu)".

Ajātasattu là: "Người có quyền lực bẩm sinh".

Ngoài ra, Ajātasattu cũng có nghĩa là "kẻ thù chưa sinh ra".

Tương truyền rằng: Khi Hoàng hậu Vedehi mang thai Hoàng tử Ajātasattu (A-xà-thế), bà rất thèm được uống máu ở cánh tay phải của vua Bimbisāra.

Hoàng hậu cân nhắc: "Cơn thèm này thật khủng khiếp, ta không nên để cho ai biết".

Do phải chịu đựng với cơn thèm khát này Hoàng hậu trở nên gầy gò, xanh xao, ngạc nhiên Đức vua hỏi:

- Này Hoàng hậu, vì sao nàng gầy gò, xanh xao như vậy?.

Khi biết được sự thật, nhà vua đã nói: "Tại sao nàng lại cho điều này là khủng khiếp?".

Rồi đức vua truyền ngự y đến, dùng dao vàng rạch lên cánh tay phải của mình, nhỏ máu vào bình vàng hòa chung với nước rồi đưa cho hoàng hậu uống.

Khi biết được điều này, các nhà chiêm tinh đã tuyên bố: "Đứa trẻ còn trong bụng mẹ này sẽ giết chết vua cha và lên ngôi."

Hoàng hậu nghe được, muốn phá bỏ thai nhi, bà ra vườn Thượng Uyển đè bụng xuống đất, bà thử đi thử lại nhiều lần, nhưng không phá được thai bào.

Đức vua thấy lạ, nên hỏi:

- "Vì sao nàng thường ra vườn Thượng Uyển?".

Biết được lý do, Đức vua nói:

- "Này Hoàng hậu, chúng ta vẫn chưa biết nàng đang mang thai hoàng tử hay công chúa.

Nếu hại chết đứa trẻ chúng ta chưa biết mặt, đồng thời là con của chúng ta, điều này thật khủng khiếp trong vương quốc Magadha. Hoàng hậu đừng làm vậy".

Rồi Đức vua cho người canh chừng Hoàng hậu, khi hoàng tử ra đời Hoàng hậu nghĩ: "Ta sẽ giết chết đứa trẻ này" . Nhưng quân hộ vệ đã đem hoàng tử đi.

Một thời gian sau, khi hoàng tử đã lớn thì Hoàng hậu mới thấy mặt hoàng tử, khi nhìn thấy hoàng tử, tình thương con của người mẹ đã trỗi dậy và Hoàng hậu không thể giết hoàng tử.

Cuối cùng, nhà vua đã phong cho hoàng tử Ajātasattu (A-xà-thế) làm phó vương.

Có lần, Devadatta (Đề-bà-đạt-đa) trong khi tịnh cư khởi lên suy nghĩ: "Tôn giả Sāriputta (Xá-lợi-phất) có hội chúng, Tôn giả Moggallāna (Mục-kiền-liên) có hội chúng, Tôn giả Mahākassapa cũng có hội chúng.

Như vậy, những tôn giả này đều có hội chúng riêng. Ta cũng phải có hội chúng riêng."

Sau đó, bằng năng lực thần thông, Devadatta đã chiếm được lòng tin của hoàng tử Ajātasattu.

Mỗi ngày, hoàng tử Ajātasattu cúng dường đến Devadatta 500 cổ xe vật thực vào buổi sáng, 500 cổ xe nước giải khát vào buổi chiều.

Đồng thời cho xây dựng một tịnh xá ở Gayasisa cúng dường đến Devadatta.

Một hôm, Devadatta tìm gặp hoàng tử Ajaatasattu nói rằng:

- "Thưa hoàng tử, trong quá khứ mọi người có thọ mạng dài, nhưng hiện nay mạng sống trở nên ngắn ngủi.

Do vậy hoàng tử nên cướp ngôi để lên làm vua, còn ta sẽ giết Sa-môn Gotama để lãnh đạo tăng chúng".

Và Devadatta xúi giục Hoàng tử Ajātasattu (A-xà-thế) giết cha để đoạt ngôi.

Hoàng tử suy nghĩ: "Ngài Devadatta (Đề-bà-đạt-đa) có năng lực thần thông, không có việc gì mà Ngài không biết".

Vào một buổi trưa, Ajātasattu dấu con dao vào đùi, đi vào nội cung để ám sát vua cha, nhưng do quá sợ hãi và lo lắng hoàng tử đã không thực hiện được ý định.

Các đại thần bắt được hoàng tử, khi hạch hỏi hoàng tử thú nhận "toan giết cha để soán ngôi".

Các đại thần tranh cãi về việc: "Nên hay không nên giết hoàng tử và Devadatta cùng các Tỳ-khưu là đồ chúng của Devadatta".

Một nhóm Đại thần chủ trương giết, nhóm khác chủ trương "không nên giết".

Cuối cùng họ đưa sự việc lên vua Bimbisāra xử lý.

Nhà vua đã giáng chức tất cả những quan đại thần muốn giết hoàng tử và Devadatta và tăng chức cho những ai chủ trương “không nên giết”.

Nhà vua hỏi hoàng tử:

- "Tại sao con lại muốn giết cha?"

– "Vì con muốn có vương quốc của cha".

Nghe vậy, vua Bimbisāra truyền ngôi cho Ajātasattu.

Khi vua Ajātasattu thuật lại cho Devadatta biết “ý nguyện đã được thành tựu” thì Devadatta lại nói:

- Như một người nhốt con giả can trong cái bọc trống bằng da, Đại vương nghĩ rằng mình đã hoàn thành xong công việc sao?. Sau vài ngày, khi nghĩ lại, chính Đức vua sẽ lại làm vua.

- Thưa Ngài, vậy ta phải làm sao?.

- Hãy nhổ cỏ tận rễ, hãy giết vua Bimbisāra đi.

- Nhưng thưa Ngài, không nên dùng vũ khí sát hại vua cha.

- Vậy thì hãy bỏ đói Đức vua.

Vua Ajātasattu (A-xà-thế )cho giam cha mình vào trong ngục, bỏ đói Đức vua không cho ai gặp mặt, ngoại trừ Hoàng hậu Vedehi được phép vào thăm vua Bimbisāra mà thôi.

Hoàng hậu để thức ăn vào trong bình vàng, mang bên hông vào thăm nhà vua. Nhà vua ăn cơm và tiếp tục sống.

Vua Ajātasattu hỏi: "Thưa cha, làm sao mà cha có thể sống được?".

Khi biết được sự thật, vua Ajātasattu ra lệnh: "Không được cho mẹ ta mang bất kỳ vật gì bên hông vào trong ngục".

Hoàng hậu để bình vàng trên búi tóc, biết được điều này, vua A-xà-thế ra lệnh: "Không được cho mẹ ta vào ngục với bất cứ vật gì trên búi tóc."

Hoàng hậu đặt thức ăn vào trong đôi giày vàng đi vào ngục, bằng cách đó, nhà vua vẫn tiếp tục sống.

Một lần nữa, vua Ajātasattu lại hỏi nhà vua làm cách nào có thể vẫn còn sống. Và khi biết được nguồn cơn, ông ra lệnh: "Không cho mẹ ta đi giày vào ngục".

Hoàng hậu tắm nước thơm, thoa lên người bốn chất ngọt (sữa, mật ong, bơ lỏng và mật). Nhà vua tiếp tục sống bằng cách liếm lên cơ thể của Hoàng hậu.

Một lần nữa Ajjātasattu lại hỏi và khi biết được, đã ra lệnh: "Từ giờ trở đi không cho mẹ ta vào ngục thăm vua cha".

Nghe lịnh này, Hoàng hậu đứng trước cửa ngục được đóng kín, khóc rằng:

- Ôi, Đại vương! Đại vương đã không cho giết đứa con đó khi còn trong bào thai, chính Ngài đã bảo vệ nó, Ngài đã bảo vệ kẻ thù của Ngài .

-Thiếp đến thăm Ngài lần này là lần cuối, từ nay trở đi thiếp không còn gặp được Ngài nữa rồi.

-Thưa Đại vương, Ngài là người hộ trì của thiếp, thiếp là người nữ tỳ của Ngài, những tội lỗi lớn hay nhỏ do thiếp đã gây ra cho Ngài. Kính mong Ngài mở lòng bi mẫn, hãy tha những tội lỗi ấy cho thiếp.

- Đây là lần cuối cùng thiếp được đảnh lễ dưới chân Đại vương. Kể từ hôm nay chỉ còn là sự chia ly, không mong gì được diện kiến Đại vương nữa rồi.

- Thưa Đại vương, hoàng tử đã vô ân, trăm ngàn dã man tàn ác, dứt khoát không cho thiếp vào thăm Ngài, hết cách rồi. Cái chết sẽ đến với Đại vương, nỗi đau buồn này của thiếp hơn trăm ngàn nỗi đau buồn khi đến ngục thất này.

- Ôi Đại vương! Người như cây lọng ngọc che chở cho thiếp, Ngài đã quan tâm nhiều đến thiếp, một sự lãnh đạm dù nhỏ cũng không hề có. Thiếp hy vọng mình sẽ là đôi hài vàng dưới chân Đại vương cho đến lúc lâm chung.

Than ôi ! Ước vọng này, không thành sự thật rồi.

- Thưa bậc có bi đức với chúng dân, Ngài là bóng mát của chúng dân, Ngài giải trừ sự đói khổ của chúng dân, Ngài mang lại thịnh vượng, an lạc cho vương quốc Magadha (Ma-kiệt-đà) này. Có đáng chăng ? Ngài phải chịu nổi thống khổ như thế.

- Trước đây Ngài ngự trên đỉnh cao sang, chung quanh có cung phi mỹ nữ hầu cận. Giờ đây chỉ còn là ngục thất với người giữ ngục chỉ biết lạnh lùng làm theo mệnh lịnh.

- Trước đây Ngài ngủ trên giường vàng ấm cúng, giờ đây Ngài nằm trên nền đất không vật lót. Thật quá thương tâm.

- Trước đây Ngài thưởng thức những thực phẩm thượng vị, giờ đây ngay cả những vật trét lên thân của thiếp, Ngài cũng không còn nữa rồi.

-Trước đây Ngài từng tắm gội bằng hương liệu đặc biệt, có mùi thơm ngào ngạt.

Kể từ khi Ngài bị giam vào đây, mỗi ngày Ngài chỉ còn được tắm với mồ hôi của mình, thân thể cao quý của Ngài phải mang khối hổn độn đáng kinh tỡm hòa với mồ hôi cáu bẩn.

- Trước đây Ngài từng dùng những loại vải, tơ, lụa sai biệt, giờ đây chỉ còn bộ y phục tang thương đầy nhớp nhúa.

Hỡi ơi! Thưa Đại vương cao quý, Ngài hãy bỏ mặc những nỗi thống khổ ấy đi, thiếp không còn cách gì giúp được Ngài nữa rồi.

Giờ đây chỉ còn ân đức Phật, Pháp, Tăng là nơi nương tựa của Ngài, xin Ngài đừng quên điều ấy.

- Thưa Đại vương, thiếp là người bất hạnh, vô phước, xin đê đầu đảnh lễ Ngài lần cuối cùng.

Hoàng hậu trở về cung trong nước mắt và tiếng than van.

Từ đó vua Bimbisāra không còn được cung cấp thức ăn nhưng vẫn tiếp tục sống nhờ đi kinh hành trong hỷ lạc của Sơ quả(1).

Cơ thể của nhà vua trở nên cực kỳ chói sáng, Ajātasattu lại hỏi: "Thưa cha, làm sao cha có thể sống được?".

Khi biết vua cha sống được là nhờ đi kinh hành và thấy rằng cơ thể của vua cha cực kỳ chói sáng, Ajātasattu nghĩ: "Ta sẽ không cho vua cha đi kinh hành".

Vua Ajātasattu (A-xà-thế) ra lệnh cho những người gác ngục: "Hãy dùng dao cạo cắt bàn chân của nhà vua, xát muối và dầu rồi hơ lên than khói từ gỗ của cây xiêm gai".

Khi những người gác ngục đến, nhà vua nghĩ: "Phải chăng con ta hồi tâm, nên cho người đến cạo râu tóc cho ta".

Nhà vua hỏi: "Vì sao các ngươi đến đây?".

- Thưa Ngài, đến để làm theo lịnh của Đức vua.

- Vậy các ngươi hãy làm những gì Đức vua ra lệnh.

Họ yêu cầu vua ngồi xuống, cúi lạy nhà vua và nói:

- Thưa Đại vương, chúng thần chỉ làm theo lệnh của Đức vua. Xin Ngài đừng phẫn nộ với chúng thần.

Họ dùng tay trái chộp lấy mắt cá chân của nhà vua, tay phải lấy dao cạo cắt bàn chân, xát muối và dầu rồi hơ lên than khói từ gỗ của cây xiêm gai.

Do bị tra tấn như vậy, vốn đã kiệt sức thân thể Đức vua rũ xuống như vòng hoa treo trên bảo tháp rũ xuống.

Trong lúc ấy, Đức vua tưởng niệm đến ân đức Phật, mệnh chung tái sinh vào cõi Tứ Đại Vương, là đại thần Dạ-xoa (yakkha) đầy quyền lực của vua Vessavaṇa (Đa văn thiên vương), có tên gọi là Janavasabha (2).

Được nghe rằng: "Vua Bimbisāra bị gọt chân mệnh chung", đây là quả của nghiệp kiếp trước.

Trong một kiếp, tiền thân vua Bimbisāra cũng là một vị vua, Đức vua đi vào chánh điện với đôi giày dưới chân, do nghiệp ấy nên kiếp này vua Bimbisāra bị gọt chân.

Cũng trong ngày đó thì Hoàng hậu của A-xà-thế hạ sinh một hoàng nam(3).

Hai tin đến cùng lúc, một là hoàng nam vừa được hạ sinh, một là cái chết của Bình-sa.

Các quan cận thần nghĩ: "Ta nên cho Đại vương biết tin về hoàng tử trước".

Khi nhận được tin hoàng nam vừa sinh ra, tình thương con nảy sinh đã làm cho vua kinh cảm đến tận xương tủy.

Ngay lúc ấy, vua Ajātasattu hiểu được "tâm trạng người cha" và nhận ra rằng:

- Khi ta được sinh ra, hẳn cha ta cũng có tình thương con, như ta thương con ta như vậy.

Rồi vua Ajātasattu tìm đến bà Vedehi hỏi rằng:

- Thưa mẹ! Khi con sinh ra, cha con có thương con không?

- Này đứa con ngu si kia, con đang hỏi gì vậy? Khi còn nhỏ, con bị một mụn nhọt trên ngón tay, con cứ khóc liên hồi và không ai có thể dỗ được.

Các nhũ mẫu đã đem con đến chỗ vua cha khi đó đang lâm triều. Cha con ngậm ngón tay con, cho con đở đau nhức, bất ngờ mụt nhọt vỡ ra, e ngại con bị đau nhức nên cha con đã nuốt cả máu mủ.

Tình thương của cha con đối với con là như thế.

Nghe được việc này, vua Ajātasattu bàng hoàng, liền ra lịnh thả vua cha, nhưng các quan cận thần nói:

-Làm sao chúng thần có thể thả được, thưa Đại vương. Vì Đức vua đã chết.

Và họ đưa tờ tấu trình thứ hai ra.

Vua Ajātasattu than khóc và cho an táng vua cha.

Về sau, khi được yết kiến Đức Thế Tôn qua sự tiến dẫn của lương y Jīvaka, vua Ajātasattu trở thành một phật tử rất tịnh tín nơi Đức Phật.

Nhưng có điều lạ là: "Sau lần ấy, ông không hề đến hầu Đức Phật cũng không thân cận hay tìm gặp vị trưởng lão nào để hỏi Pháp và đó cũng là lần hội kiến duy nhất với Đức Thế Tôn".

Vua Ajātasattu (A-xà-thế) thương kính Đức Phật cho đến nỗi khi nghe "Upaka con của Maṇḍika (Upaka Maṇḍikaputta) có lời khiếm nhả với Đức Phật, Đức vua đã phẫn nộ và đuổi Upaka ra khỏi quốc độ của mình"(1).

Theo bản Sớ giải thì Upaka là người ủng hộ Đề-bà-đạt-đa.

Khi nghe Đức Thế Tôn viên tịch vua A-xà-thế đã ngất xỉu mấy lần.

Kinh điển cùng Sớ giải hệ Pāli có đề cập đến nhiều sự kiện liên quan đến triều đại vua Ajātasattu.

Vua Bimbisāra cưới em của vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) là công chúa Vedehi con vua Mahā Kosala, khi vua Bimbisāra chết, không bao lâu sau bà cũng chết theo vì sầu muộn.

Vùng đất Kāsi là của hồi môn của bà Vedehi, lợi tức làng Kāsi thuộc về vương quốc Ma-kiệt-đà, nhưng khi vua Bimbisāra bị giết, thì vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) lấy làng Kāsi trở lại. Do sự kiện này, vua Ajātasattu tuyên chiến với cậu mình là vua Pasenadi (Ba-tư-nặc).

Trước đó, xem ra cậu cháu rất thân tình, có lần vua Ajātasattu (A-xà-thế) gởi đến vua Pasenadi sấp vải ngoại kỳ diệu, dài 16 hắc tay, rộng 8 hắc tay.

Sấp vải này, vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) dâng đến Đức Ānanda(2).

Vua Ajātasattu (A-xà-thế) chiến thắng ba lần, lần thứ tư nhờ nghe theo lời bố trí binh lược của Trưởng lão Dhanuggaha Tissa(3), vua Ajātasattu bị bắt làm tù binh cùng với quân đội của vị ấy.

Nhưng rồi vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) chọn phương án không bạo lực, nên thả A-xà-thế ra đồng thời gã con gái mình là công chúa Vajirā cho vua A-xà-thế, ngôi làng Kāsi là của hồi môn cho công chúa Vajirā.

Hai người giao hảo thân thiện như xưa.

Khi vuaPasenadi (Ba-tư-nặc) được 80 tuổi, do sự mưu phản của viên đại thần Dīgha Kārāyana là cháu trai của Thống soái Bandhula.

Nhân khi vua Pasenadi viếng thăm Đức Phật, ông trộm hết ấn tín trở về phò tá con vua Pasenadi là Vidūḍabha (Lưu ly) lên ngôi, chỉ chừa lại cho vua Pasenadi người cung nữ già(1), đây là lần cuối cùng Đức vua Pasenadi gặp Đức Phật.

Theo bản Sớ giải kinh Trung bộ, sở dĩ Dīgha Kārāyana đột ngột mưu phản, vì ông nhớ lại “khi trước Đức vua cũng vào hầu Đức Phật với các vương hiệu bỏ bên ngoài, sau đó thì chú ta là Bandhula bị giết chết.

Lần này cũng vậy, phải chăng Đức vua muốn giết ta, vậy ta phải ra tay trước”.

Phẫn uất, vua Pasenadi cùng người cung nữ già đi đến thành Vương-xá với ý định mượn quân của A-xà-thế trở về phục nghiệp, nhưng đến nơi thì cổng thành đã đóng, vua Pasenadi phải nghỉ trong chòi lá ngoài thành.

Tuổi già sức yếu lại phải vượt khoảng đường dài, nên trong đêm vua Pasenadi mệnh chung.

Vua Ajātasattu chuẩn bị hỏi tội vua Viḍūḍabha thì vua Viḍūḍabha sau khi tru diệt dòng Thích-ca (Sakya), kéo quân về nghỉ ở cạnh bờ sông, bất ngờ nước sông dâng cao cuốn trôi tất cả(2), và vương quốc Kosala được sát nhập vào vương quốc Magadha.

Khoảng một năm trước khi Đức Phật viên tịch, vua Ajātasattu cho vị đại thần tâm phúc là Bà-la-môn Vassakāra đến hỏi Đức Phật về ý định quyết đánh dân xứ Vajjī (Bạt-kỳ) có thành công không? Đức Phật dạy "bao giờ dân xứ Vajjī còn duy trì 7 pháp bất thối, thì vẫn còn hùng mạnh"(3).

Nghe vậy. vua A-xà-thế ngưng đánh xứ Vajjī, cho xây dựng thành Pātaliputta (Hoa-thị-thành) ngăn chận dân xứ Vajjī.

Sau khi Đức Phật viên tịch được 3 năm, do trúng kế ly gián của Bà-la-môn Vassakāra, dân xứ Vajjī không còn đoàn kết, vua A-xà-thế thôn tính được xứ Vajjī một cách dễ dàng, và di đô về kinh thành Pātaliputta.

Một câu chuyện khác kể về vua Ajātasattu khi còn là hoàng tử, nhân dịp theo cha viếng thăm lâu đài của trưởng giả Jotika, Ajātasattu khởi tâm muốn chiếm đoạt. Khi lên ngôi, ông thực hiện ý định này nhưng bất thành(4).

Có tin đồn vua Caṇḍa Pajjota chuẩn bị cuộc chiến với vua Ajātasattu để trả thù cho người bạn thân là vua Bimbisāra, nên vua Ajātasattu cho xây dựng thành Rājagaha thêm kiên cố (5), dường như chỉ là tin đồn vì không thấy đề cập đến cuộc chiến.

Vua Ajātasattu là vị hộ pháp cho cuộc kết tập Phật ngôn lần I.

Vua Ajātasattu bị các môn đệ Nigantha căm ghét. Theo Sớ giải kinh Pháp cú thì nhóm ngoại đạo này thuê côn đồ sát hại Đức Mục-kiền-liên (Moggallāna)(1), Đức vua cho thám tử điều tra, bắt được những thủ phạm giết chết Đức Moggallāna.

Những tên côn đồ khi bị bắt đã khai "do nhóm Nigantha thuê"; vua Ajātasattu đã cho chôn 500 Nigantha cùng 500 côn đồ, ló đầu khỏi hố chôn, rồi cho xe cày trên những hố ấy.

Vua Ajātasattu (A-xà-thế) cai trị quốc độ được 32 năm, ông bị con mình là Hoàng tử Udayibhadda giết soán ngôi, dù ông đã lo sợ điều này khi đến viếng Đức Phật lần đầu tiên.

Theo Sớ giải Trường bộ kinh (Sumaṅgalavilāsinī) thì vua Ajātasattu mệnh chung, rơi vào Lohakumbhiya niraya (địa ngục đồng sôi) chịu khổ 60 ngàn năm tính theo nhân loại.

Sau 2 A-tăng-kỳ (asaṅkheyya) sẽ là vị Phật Độc giác có tên là Viditavisesa.

Con vua Udayibhadda là Anuruddha lại giết cha cướp ngôi, con vua Anuruddha là Mahā Muṇda cũng giết cha cướp ngôi, hai vị này mỗi vị trị vì được bốn năm.

Và con của Muṇda là Nāgadāsa lại giết cha cướp ngôi, trị vì được 24 năm.

Dân chúng thấy giòng họ này có truyền thống "giết cha soán ngôi" nên nổi dậy lật đổ vương triều Magadha, giết chết vua Nāgadāsa, rồi lập ông hoàng dòng Licchavī là Susūnāya lên làm vua(2).

* Vương quốc Magadha (Ma-kiệt-đà).

Ngài Buddhaghosa cho rằng: chữ Magadha có nhiều cách giải thích huyền thoại (bahudhā papañcanti).

Đó là có lần vua Cetiya sắp bị đất rút đã bị những người đứng quanh đó khiển trách: “Mā gadhaṃ pavisa(đừng xiết chặc).

Lại có câu chuyện khác là: Có nhóm đào đất hìn thấy vua Cetiya bị đất rút và vua Cetiya đã nói với họ “Mā gadhaṃ karotha” (đừng làm trói buộc).

Cách giải thích được Ngài Buddhaghosa chấp nhận là: Dường như đó là nơi cư trú của “những chủ ruộng” (khattiyā), nên được gọi là Magadha (3).

Vào thời vua Bimbisāra, Aṅga là nước chư hầu của Magadha (Ma-kiệt-đà). Trước đó là 2 quốc độ riêng biệt, thường có chiến tranh với nhau(4), nhưng về sau vua Bimbisāra thôn tính được xứ Aṅga (thủ đô xứ Aṅga là Campā).

Và vua Bimbisāra xem như vua của Aṅga-Magadha.

Magadha (bao gồm cả Aṅga) có 80 làng và chu vi khoảng 300 do tuần (yojana)(5), có kinh đô là Rājagaha (Vương xá).

Đến đời vua Ajātasattu, kinh đô xứ Magadha là Pātaliputta (Hoa-thị-thành), đến đời Vua Asoka (A-dục), Pātaliputta trở thành kinh đô của Ấn Độ.

Một vài vị vua của xứ Magadha được nêu tên trong Bổn sanh là ArindamaDuyyodhana(6).

Vào thời vua Ajātasattu, vương quốc Magadha được nới rộng khi sát nhập được nước Kosala và thôn tính được xứ Vajjī (Bạt-kỳ).

Vào thời Đức Phật, phía đông Magadha là con sông Campā (sông này nằm giữa 2 vương quốc Aṅga và Magadha)(1), phía nam là các dãy núi Vindhyā, phía tây là sông Soṇa và phía bắc là sông Hằng (Gaṅgā).

Sông Hằng là ranh giới giữa Magadha và nước cộng hòa Licchavī, cả Magadha và Licchavi đều có quyền như nhau đối với sông Hằng.

Khi Đức Phật đến kinh thành Vesāli, vua Bimbisāra tạo một con đường dài năm do-tuần từ thành Rājagaha (Vương xá) đến dòng sông và trang hoàng con đường cùng bến sông. Từ bờ kia sông Hằng đến thành Vesāli dài 3 do-tuần, Vua xứ Licchavī cũng làm tương tự như thế (2).



Magadha là một địa bàn quan trọng của Phật giáo, là một căn cứ địa ban đầu của Phật giáo (Trúc lâm tịnh xá), từ đó lan rộng ra các quốc độ đương thời, địa bàn quan trọng này được duy trì cho đến kỳ Kết tập Phật ngộn lần thứ III (vào thời vua A-dục).

Các cánh đồng tại Magadha rất phì nhiêu, mỗi cánh đồng rộng khoảng 1 gāvuta (3km). Đức Ānanda mô phỏng theo những cánh đồng để làm thành tấm y có hình dạng “cánh đồng” cho chư Tỳ-khưu(3).

Phương ngữ Magadha (Magadhabhāsā) được xem như là “ngôn ngữ bậc Thánh” (Āriya)(4)

Nếu trẻ con lớn lên mà không được dạy bất kỳ ngôn ngữ nào thì chúng sẽ tự nhiên dùng ngôn ngữ Magadha.

Ngôn ngữ này lan rộng khắp “đia ngục, cả súc sanh, ngạ quỷ, người và chư thiên”(5).

Người Aṅga và Magadha có thói quen tổ chức đại tế đàn hàng năm đến Đại Phạm Thiên, tại buổi lễ đó, một đống lửa với 60 xe củi được sắp xếp.

Đại chúng cho rằng “bất kỳ thứ gì được ném vào ngọn lửa tế thần thì sẽ được nhận lại gấp ngàn lần” (6). Magadha nay là bang Behar ở Nam Ấn.

* “Vua Bimbisāra” (Bình-sa).

Theo tư liệu nguồn Thibetan, cha của vua Bimbisāra có tên gọi là Bhāti(7), mẹ là Bimbī, tên của Bimbisāra đựơc gọi từ tên người mẹ (nghĩa là “hương chất quý của bà Bimbī”), vị ấy còn đựơc gọi là Mahāpaduma (hoa sen quý lớn), ngoài ra còn một lý do khác là:“Gương mặt nhà vua thanh tú, rạng rở như mặt trời buổi sáng”, nên gọi là Bimbisāra.

Một ý nghĩa khác của tên gọi Bimbisāra là “lõi bằng vàng” (bimbī nghĩa là vàng)

Vua Bimbisāra cai trị quốc độ Magadha (Ma-kiệt-đà) và là người hộ pháp của Đức Phật.

Đức vua Bimbisāra kém hơn Đức Thế Tôn 5 tuổi, vua lên ngôi lúc 15 tuổi, ở ngôi vua 52 năm, chứng đắc quả Dự lưu vào năm 30 tuổi.

Tương truyền(1) hai vị là bạn thời trẻ khi cha của họ là bạn bè với nhau(2).

Nhưng theo bài kinh Pabbajā Sutta (3), khi Bồ-tát xuất gia được 8 ngày, Ngài ngự đi khất thực trong thành Vương xá (Rājagaha), bấy giờ vua Bimbisāra đứng trên lầu cao nhìn thấy Đức Bồ-tát đi ngang qua cửa sổ thành, nhà vua đã cho người đi theo, sau đó diễn ra cuộc gặp đầu tiên giữa Đức Phật và vua Bimbisāra ở núi Pandava ngoài thành Rājagaha.

Bản Sớ giải có ghi nhận: “Trong cuộc gặp gỡ lần đầu này Đức vua Bimbisāra (Bình-sa) muốn nhường nửa quốc độ của mình cho Bồ-tát, nhưng Đức Bồ-tát từ chối.

Bản Sớ giải nói thêm rằng vua Bimbisāra mong Bồ-tát được thành tựu đạo giải thoát và thỉnh Ngài đến thăm Rājagaha khi giác ngộ.

Sau khi tế độ 3 vị đạo sỉ bện tóc cùng 1000 đệ tử đang cư ngụ tại núi Uruvela là: Uruvelakassapa, Nadīkassapa và Gayākassapa (đạo sĩ Uruvelakassapa 500 môn đệ, đạo sĩ Nadīkassapa có 300 môn đệ) chứng đắc Thánh quả A-la-hán.

Đức Thế Tôn thực hiện lời hứa với vua Bimbisāra, Ngài đi đến thành Vương xá với 1000 vị Thánh A-la-hán(4) có Đức Uruvelakassapa là vị lãnh đạo trước đó.

Đức Thế Tôn ngụ tại điện thờ Supatiṭṭha trong rừng Laṭṭhi. Vua Bimbisāra cùng với 120 ngàn gia chủ đồng hành đã đến đảnh lễ Ngài.

Đức Phật thuyết pháp tế độ vua Bình-sa cùng 110 ngàn gia chủ chứng quả Dự lưu, 10 ngàn gia chủ còn lại xin nương nhờ nơi Tam bảo(5).

(Theo BuA. tr. 18 f. Đức vua đã trở thành bậc Dự Lưu sau khi nghe bổn sanh Mahā Nārada Jātaka).

Khi chứng đạt quả Dự Lưu, vua Bimbisāra đã trình lên Đức Thế Tôn 5 ước nguyện của mình đã thành tựu là:

- Được làm vua.

- Được Bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác ngự đến vương quốc.

- Được tỏ lòng tôn kính đến Đức Thế Tôn.

- Đước nghe pháp từ Đức Thế Tôn.

- Được thông hiểu pháp của Đức Thế Tôn (sđd, số 59).

Vào hôm sau, Đức Phật cùng chư Tỳ-khưu ngự vào thành Vương xá, đến Hoàng cung thọ thực theo lời thỉnh cầu của vua Bình-sa.

Dưới hình dáng một thanh niên tuấn tú, Vua trời Đế-thích (Sakka) dẫn đầu đi đến cung điện và hát những bài hát ca ngợi Đức Phật.

Sau khi Đức Thế Tôn cùng chư Tỳ-khưu thọ thực xong rồi, vua Bimbisāra dâng Rừng trúc (Veḷuvana) để Đức Phật và chư Tăng sử dụng.

Sự cúng dường Rừng trúc của vua Bimbisāra là “hình mẫu” cho sự cúng dường Mahāmeghavana (rừng Mưa lớn) của vua Devānampiyatissa (vua Asoka – A-dục) đến Ngài Mahinda sau này(1). Và cũng là một trong những bức điêu khắc trong phòng di vật của Mahā Thūpa(2).

Vào thời Đức Phật Phussa, khi ba người anh em cùng cha khác mẹ của Đức Phật, là 3 vị Hoàng tử con vua Jayasena (nay là 3 vị Uruvela Kassapa) xin vua cha cho các vị cúng dường đến Đức Phật Phussa và chư Tăng trọn ba tháng.

Ba vị Tử hoàng an cư mùa mưa nơi Đức Phật Phussa và chư Tăng đang an cư mùa mưa trong ba tháng, giao tài sản của mình đến quan chưởng khố (tiền thân vua Bình-sa) để cúng dường vật thực đến Đức Phật và chư Tăng.

Những người phục vụ chư Tăng trong thời ấy, đã tự mình dùng trước vật thực dành cúng dường chư Tăng, hoặc cho con mình dùng trước loại vật thực ấy, mệnh chung họ tái sinh làm ma đói (peta).

Khi vua Bimbisāra cúng dường đến Đức Phật Gotama cùng chư tăng, nhóm ma đói ấy báo mộng cho vua Bimbisāra. Theo lời dạy của Đức Phật, vua Bình-sa làm phước rồi hồi hướng đến nhóm ma đói ấy, thọ hưởng phước ấy nhóm ma đói tái sinh về thiên giới(3).

Được biết Đức vua có biệt tài tiên đoán tình trạng người khác qua âm thanh của người ấy, điển hình là Đức vua tiên đoán Kubhaghosaka là “người có đại tài sản”(4).

Trong thời gian 37 năm còn lại (Đức vua mệnh chung lúc 67 tuổi), vua Bimbisāra đã dùng quyền lực của mình để giúp đỡ tôn giáo mới và làm cho tôn giáo này lớn mạnh hơn.

Đức vua Bimbisāra làm gương cho thần dân của mình, nhà vua là tấm gương cho các thần dân của mình về việc tu tập giới, Ngài giữ giới Bát quan (uposatha) sáu ngày hàng tháng(5).

Hoàng hậu của vua Bimbisāra là Vedehī con gái của vua Mahākosala và là em của vuaPasenadi (Ba-tư-nặc).

Hồi môn của Hoàng hậu Vedehī là ngôi làng Kāsi, lợi tức ngôi làng này chỉ là “tiền tắm rữa” cho Hoàng hậu, con trai bà là hoàng tử Ajātasattu (A-xà-thế). Vua Bimbisāra cũng có những Hoàng hậu khác như bà Khemā.

Bà Hoàng Khemā không muốn đến diện kiến Đức Phật để nghe pháp, khi bị mê hoặc bởi những lời mô tả về vẽ đẹp của khu Rừng trúc (Veḷuvana) của các nhạc sĩ, thi sĩ của vua Bimbisāra (Đức vua muốn tế độ Hoàng hậu Khemā nên lập ra mưu chước này).

Bà Hoàng Khemā đi đến Tịnh xá Trúc Lâm (Veḷuvanavihāra), sau khi nghe pháp của Đức Phật bà chứng quả A-la-hán, vua Bimbisāra hoan hỷ cho bà được xuất gia trong giáo pháp của Đức Thế Tôn.

Bà là vị Thánh nữ A-la-hán tối thắng về trí tuệ trong chư Tỳ-khưu ni.

Vua Bimbisāra có một người con với nàng kỹ nữ Padumavatī (mẹ của ông Hoàng Abhaya) người xứ Ujjenī, khi Abhaya được 7 tuổi được đưa về kinh thành Vương xá với sự giúp đỡ của Dạ-xoa.

Về sau bà Padumavatī nghe Ngài Abhaya xuất gia, bà cũng xuất gia trong giáo pháp này, bà nghe pháp từ Ngài Abhaya, phát triển tuệ quán chứng quả A-la-hán(6).

Vua Bimbisāra có một người con khác với nàng Ambapālī có tên là Vimala Koṇḍañña và hai người con khác với những cung phi khác là SīvalāJayasenā.

Kinh điển không đề cập đến bất kỳ bài pháp đặc biệt nào mà Đức Phật thuyết cho vua Bình-sa, cũng như không có câu hỏi nào nhà vua bạch hỏi Đức Phật.

Có lẽ, giống như trưởng giả Cấp Cô Độc (Anāthapiṇḍika), do sùng tín nơi Đức Phật nên tự kiềm chế không để có vấn đề nào với Đức Phật, hay hay có lẽ do công việc triều chính (quốc độ Ma-kiệt-đà có đến 80 ngàn làng, chu vi quốc độ là 300 do tuần), không cho phép nhà vua có đủ thời gian để đến gặp Đức Phật thường xuyên.

Có lần vua Bimbisāra thỉnh 4 vị trưởng lão là Godhika Subāhu, Valliya và Uttiya an cư mùa mưa tại thành Vương xá.

Đức vua dâng đến mỗi vị một am thất, nhưng quên không lợp mái, kết quả là chư thiên không cho làm mưa, Đức vua nhớ lại điều bỏ sót đó, cho làm mái che và trời mưa xuống(1).

Đức vua Bimbisāra cũng quên lời hứa với Trương lão Pilindavaccha, Đức vua hứa cung cấp cho Trưởng lão một người giúp việc tự viện, nếu được Đức Phật cho phép.

Trưởng lão Pilindavaccha trình lên Đức Thế Tôn và được Đức Thế Tôn cho phép.

Trưởng lão thông báo đến vua Bimbisāra nhưng vua lại quên. Sau 500 đêm, Đức vua chợt nhớ lại lời hứa của mình, Đức vua ban cho 500 người giúp việc với một ngôi làng riêng biệt để họ cư ngụ, ngôi làng có tên là Ārāmikagāma (làng của những người giúp tự viện) hay Pilindavacchagāma (làng của Ngài Pilindavaccha)(2).

Niềm kính mến của vua Bimbisāra đối với Đức Phật là vô hạn, khi kinh thành Vesāli (Quảng Nghiêm) bị ba tai nạn: Sự đói, sự chết và phi nhân.

Vua xứ Licchavī cử Mahāli cùng đoàn tùy tùng, đến thỉnh cầu Đức Phật ngự đến thành Vesāli để giải trừ 3 tai họa của dân xứ này, Đức Phật nhận lời.

Nghe tin này, vua Bimbisāra đã sửa chữa toàn bộ con đường từ thành Vương xá đến bờ sống Hằng (Gaṇgā) dài 5 do-tuần, cuối mỗi do tuần nhà vua cho xây dựng một ngôi nhà nghỉ và trải hoa năm màu đến tận đầu gối dọc tòan bộ con đường.

Hai cái lọng trắng đựơc chuẩn bị cho Đức Phật và mỗi cái cho mỗi vị Tỳ -khưu.

Chính nhà vua đã tháp tùng cùng Đức Phật để chăm sóc Ngài, dâng hoa, nước thơm và tất cả tứ vật dụng suốt đường đi kéo dài năm ngày.

Khi đến bờ sông, nhà vua cho đóng hai con thuyền cùng với nhau, trải hoa ngập đến đầu gối và đi theo con thuyền chở Đức Phật cho đến khi nước ngập đến ngực.

Khi Đức Phật đi rồi, nhà vua cắm trại tại bờ sông và chờ cho đến khi Đức Phật quay trở lại. Khi đó nhà vua lại hộ tống Đức Phật về lại thành Vương xá cũng với lễ hội và sự tráng lệ tương tự.

Có sự thân mật lớn giữa vua Bimbisāra và vua Pasenadi (Ba-tư-nặc). Họ cùng liên quan đến nhau qua hôn nhân, mỗi vị cưới em gái của vị kia.

Có lần, vua Pasenadi đến thăm vua Bimbisāra để xin một đại trưởng giả (amitabhoga) về quốc độ của mình.

Vua Bimbisāra có năm đại trưởng giả là Jotika, Jātila, Meṇḍaka, Puṇṇaka và Kākavaliya. Trong số 5 đại trưởng giả, có vị còn giàu hơn cả vua Bimbisāra như Jotika, người có ngôi nhà đựơc xây hoàn toàn bằng 7 ngọc quý, trong khi cung điện của Đức vua Bình-sa đựơc xây bằng gỗ; nhưng nhà vua không hề tỏ ra ghen tỵ (1).

Lời yêu cầu của vua Pasenadi đựơc chấp thuận, con trai của đại trưởng giả Meṇḍaka là ông Dhanañjaya (cha của bà Visākhā) đựơc cử đến xứ Kosala và ông Dhanañjaya thành lập thủ phủ Sāketa(2).

Vua Bimbisāra cũng có mối quan hệ giao hảo với những vị vua khác như vua Pukkasāti thành Takkasilā, vua Caṇḍdapajjota thành Ujjenī.

Vua Bimbisāra đã cử lương y Jīvaka đến để chữa bệnh cho vua Caṇḍapajjota(3), và vua Rudrāyaṇa thành Roruka.

Trong số những vị cận thần và người giúp việc của vua Bình-sa được kinh điển và Sớ giải đề cập đến là Soṇa Koḷivisa4, người thợ hoa Sumana (người cung cấp cho Đức vua tám vòng hoa mỗi ngày)(5), cận thần Koliya(6) (là Ngài Kakudha, thị giả của Đức Moggallāna), Kumbhaghosaka (người quản lý ngân khố)(7) và lương y Jīvaka.

Khi bà Dhammadinnā muốn xuất gia, theo yêu cầu của người chồng, vua Bimbisāra đã ban cho bà chiếc kiệu vàng và cho phép bà đựơc rước đi trong thành Vương xá (8).

Danh hiệu Seniya được gắn liền với Bimbisāra (Seniya Bimbisāra), Bản Sớ giải (9) giải thích nghĩa của Seniya là “có nhiều người ủng hộ” hay “thụôc về Seniyagotta (giòng họ lãnh đạo)”.

Loại tiền Kahāpana (đồng vàng) sử dụng tại thành Rājagaha trong thời vua Bimbisāra, là lọai tiền đựơc Đức Phật thừa nhận khi hình thành các điều luật có liên quan đến tiền.

Vua Bimbisāra có một ngọn cờ trắng và Paṇḍavaketu là một trong những tên gọi chỉ cho Đức vua Bimbisāra.

Cũng theo lời thỉnh cầu của vua Bimbisāra, Đức Phật đã ban hành tục lệ tập hợp chư Tỳ -khưu lại vào các ngày 8, 14 và 15 mỗi nửa tháng (10).

Khi biết rằng Đức Phật ngăn cấm không cho đệ tử mình “phô diễn thần thông”, nhóm ngoại giáo tuyên bố “sẽ thi triển thần thông đấu với Sa-môn Gotama”, Đức vua Bimbisāra lo lắng đi đến Tịnh xá Trúc Lâm bạch hỏi Đức Thế Tôn.

Đức Thế Tôn giải tỏa sự lo lắng cùng nghi hoặc của vua Bimbisāra(11).

Trong kinh Janavasabha(12) có ghi nhận: “Sau khi mệnh chung, vua Bimbisāra tái sinh làm một Dạ-xoa có đại uy lực tên là Janabhasabha, vị ấy mong muốn được trở thành Sakadāgāmī (Nhất Lai) và mong muốn này được thành tựu trong kiếp ấy.



Hoàng hậu Vedehi.

Vedehi là tiếng dùng để chỉ cho "người sáng suốt", không phải là tên thật của Hoàng hậu.

Tên Ajātasattu thường gắn liền Vedehiputto (A-xà-thế con bà Vedehi).

Theo tài liệu Tây Tạng thì tên thật của bà Vedehi là Vasavi, nhưng bà được gọi là Vedehi vì là người xứ Videha, cách giải thích này không thuyết phục lắm, vì bà là con của vua Mahā Kosala, em gái của vua Pasenadi (Ba-tư-nặc).

Vedehiputtoti ayaṃ kosalarañño dhītāya putto, na videharañño (At).

"Con của Vedehi", là con của người nữ có lợi tức xứ Kosala, không phải người xứ Videha."

Và “Vedehīti pana paṇḍitādhivacanametaṃ (At):



Lại nữa, Vedehi là "lời dịu ngọt của người khôn ngoan". Như:

-"Vedehika gahapatāni: Nữ gia chủ Vedehi (khôn ngoan)"(1).

-"Ayyo Ānando vedehamunīti: Đức Ānanda là bậc an tịnh khôn ngoan".(2)

* Nhân ngày lễ "bố-tát" (uposatha).

Chữ uposatha thường được dịch là “trai giới”, tức là ngày “giới được trong sạch”.

Uposatha = upa + osatha.

Uposatha (bố - tát) nghĩa đen là "gần với thuốc trị bịnh".

Cái gì bịnh? Tâm bịnh. Ngày uposatha là ngày "trị bịnh cho tâm".

Ngài Buddhaghosa có giải thích: "Upavasanti etthāti uposatho, upavasantīti sīlena vā anasanena vā upetā hutvā vasantīti attho".



"Nơi gần với sự tốt đẹp, là uposatha (bốtát)", hay với ý nghĩa "đang gần với sự tốt đẹp", hay "không có tổn hại vì ở gần với sự tốt đẹp của giới".

Mỗi tháng có 6 ngày lễ Bố-tát là ngày 8, 14 và 15 mỗi nửa tháng. Như kinh văn:

Cātuddasiṃ pañcadasiṃ - Ngày mười bốn, ngày rằm.

Yā ca pakkhassa aṭṭthamī - Ngày 8 trong nửa tháng.

Pāṭihāriyapakkhañ ca - Và cả phần đặc biệt.

Aṭṭhaṅgasusamāgataṃ - Khéo đầy đủ cả tám.

Uposathaṃ upavaseyya - Theo làm lễ Bố-tát.

Yopissa mādiso naro’ti.- Vị ấy giống như ta (3).



Phần đặc biệt (pāṭihāriyapakkhaṃ). Chỉ cho sự tu tập bằng cách niệm tưởng Ân đức Phật, ân đức Pháp, ân đức Tăng, ân đức giới, ân đức thí, ân đức thiên(4). Hoặc tu tập thiền an tịnh, thiền quán ….

Sáu ngày lễ Uposatha này có lâu đời ở xứ Ấn, sau khi Đức Phật viên tịch về sau các vị Giáo thọ su tiền bối chế định thêm 2 ngày, là ngày 5 trong mỗi nữa tháng. Từ đó hàng phật tử thọ trì giới Bát quan mỗi tháng có 8 ngày.

Bản kinh xác định ngày lễ Uposatha này là ngày rằm tháng tư âm lịch; theo lịch cổ của Ấn độ là Kattika (tháng 10-11). Đêm trăng tròn được gọi là Komudī, vvì người ta cvho rằng,: Đó là lúc hoa huệ trắng dưới nước nở hoa.



tải về 1.3 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   13




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương